Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Vết sẹo và cái đầu hói

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 17684 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Vết sẹo và cái đầu hói
Võ Văn Trực

Chương IX

Phan Chấn phóng xe máy như bay trên đường phố, mặt hăm hở, tóc bay ra phía sau. Thấy Cù Văn Hòn mang túi đi bộ trên hè, Phan Chấn dừng lại đột ngột làm cho Cù Văn Hòn giật mình:
- A, ông Hòn? Ông đi đâu mà cứ cuốc bộ thế? Có bận gì không thì đi với tôi. Tôi đèo ông. Ông đi với tôi chỉ có lợi chứ không có hại chút nào… Ông lên ngồi đi, tôi đèo… Nói thật với ông là có một lão giám đốc mời nhậu, nhậu xong có phong bì. Tôi lại đèo ông về tận nhà.
- Mình còn bận chút việc. Hôm khác mình sẽ đi với ông.
- Việc quái gì. Việc gì cũng gác lại. Cuộc này béo bở lắm. Ở đời phải có lúc chơi ông ạ, chơi cho đầu óc tỉnh táo rồi mới sáng tạo được. Cứ chúi đầu vào sách vở mãi chỉ tổ mụ người…
Cù Văn Hòn lắc đầu. Phan Chấn người bé loắt choắt, cho nên lên xe phải nhảy mà xuống xe cũng phải nhảy. May nhờ có mái tóc xoăn trước trán, cậu ta có thể điệu bộ bằng cách giơ tay vuốt nhẹ tóc trước khi nói:
- Cù Văn Hòn bảo thủ lắm…
Phan Chấn trò chuyện thật lòng. Thời buổi này mà cứ khư khư ôm lấy sách vở là bảo thủ. Ở với bụt mặc áo cà sa, ở với ma mặc áo giấy. Cứ mặc áo cà sa mãi thì hóa ra người gàn. Phan Chấn mới hoạt động đường phố chưa đầy năm mà đã mua được xe Dream. Hòn cứ mạnh dạn đi với Phan Chấn một thời gian để sắm sanh cơ sở vật chất. Viết lách mãi cũng thế thôi. Thế hệ ta đã vào sinh ra tử nhiều rồi, hi sinh nhiều rồi, đến lúc này ta có quyền nghỉ ngơi.
Vừa rồi Phan Chấn có đọc bài bút kí "Ngã ba sông mơ mộng… " của Cù Văn Hòn. Sông với nước mãi, mơ mộng mãi chỉ tổ hao người. Phan Chấn tin rằng, với bài bút kí ấy, ngoài mấy đồng nhuận bút, Hòn không được thêm đồng xu nào. Khi đặt bút viết một bài là phải tính toán thu nhập hàng triệu đồng. Viết cho cơ sở nào phải quèo cho được cơ sở ấy trả tiền, ít nhất là gấp mười lần nhuận bút. Hòn nên quan niệm một cách sòng phẳng rằng đó là sự thù lao lao động, phải gạt ngay cái quan niệm cổ hủ cho đó là sự đòi hỏi vật chất là hưởng thụ…
Phan Chấn nắm tay Hòn, thân mật:
- Này, tớ hỏi thật là bây giờ Hòn có bận việc gì cấp thiết không? Không phải ngồi lâu đâu. Một tiếng đồng hồ thôi mà. Phải có lúc thư giãn chứ. Nhậu một chầu bia rồi cầm chiếc phong bì. Tớ thấy Hòn lúi xùi quá.
Hòn mỉm cười, lắc đầu:
- Lúc khác. Bây giờ tớ bận thật mà.
Phan Chấn nhảy lên xe, nổ máy, trước khi phóng còn quay lại:
- Tớ còn phải tiếp tục giác ngộ cho Cù Văn Hòn.
Hòn nhìn theo cái dáng người loắt choắt của Chấn ngồi trên chiếc xe to đùng bay giữa đường phố ồn ã…
Phan Chấn là một nhà văn mà độc giả quen tên từ cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ và nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết "Phăng xi păng hùng vĩ". Tác phẩm có bề thế như một sử thi ca ngợi truyền thống đánh giạc ngoại xâm của dân tộc ta. Trong đó, nhân vật Phan Văn Choắt vừa có bóng dáng tự truyện vừa như một biểu tượng: dân tộc Việt Nam bé nhỏ, nhưng là bé hạt tiêu. Nhân vật này được xây dựng khá thành công, gây ấn tượng khá đậm cho người đọc, đến nỗi Phan Chấn đi đến đâu người ta cũng gọi ghép tên tác giả vào tên nhân vật: Chấn Choắt… Sau vài tháng xuất bản, các báo đua nhau in bài khen ngợi. Thành phần tham gia phê bình có nhiều nhà văn hóa nổi tiếng và nhiều bạn đọc ở cơ sở sản xuất. Có vài tờ báo hàng ngày phát hành với số lượng cao in ảnh Phan Chấn và in nhlều kì những chương đặc sắc… Nhờ thế mà tên tuổi Phan Chấn được nhiều người biết đến, từ những vị lãnh đạo cao nhất cho đến người dân bình thường. Người ta đã thuộc mặt Phan Chấn qua hàng loạt tấm ảnh in báo, cho nên Phan Chấn đi đến đâu cũng được người ta nhận ra ngay và biểu lộ tấm lòng ngưỡng mộ…
Thời kì ấy, mục tiêu duy nhất của toàn dân tộc là đánh thắng giặc ngoại xâm. Một tác phẩm văn học ra đời đáp ứng được lòng khao khát để đạt được mục tiêu ấy, người ta đón nhận vồ vập, nâng niu âu yếm như chính đứa con mình vừa mới sinh ra trong đầm đìa hạnh phúc. Tác phẩm được chuyền tay nhau đọc trong chiến hào, đọc trong khi sắp hàng mua dầu mua gạo, đọc trong khi người mẹ áp chặt miệng con vào bầu vú… Công chúng khen chê vô tư. Nhà phê bình văn học cũng khen chê vô tư. Nhà văn nhà thơ cũng khen chê vô tư.
***
Quách Quyền Lực lại gọi thằng Vệ mua bia tiếp:
- Vệ! Con ra mua cho bố một can nữa.
Thằng Vệ nhanh nhảu xách can đi, rồi nhanh nhảu xách can về, để còn tiếp tục cuộc đá cầu với mấy đứa bạn hàng xóm. Trước khi trao can bia cho bố, nó rót một cốc và nốc ực một hơi: "Bố thưởng cho con một cốc để động viên con đá thắng trận này!".
- Cái thằng này hỗn! - Lực quát.
- Bố phải thù lao sòng phẳng cho con chứ? Bố với chú Chấn sòng phẳng với nhau thì cũng phải sòng phẳng với con chứ!
- Cút!
Thằng Vệ quay ngoắt, chạy ra ngõ.
Lực và Chấn lại say sưa bàn bạc công việc đại sự của cơ quan. Bia vào lời ra. Sôi nổi. Nhòe nhoẹt.
Hai người đọc tác phẩm của nhau từ thời chống Mỹ.Từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, hai người chơi thân với nhau, rồi gắn bó khăng khít với nhau qua những trận "đánh quả".
Phan Chấn "đánh quả" rất giỏi, không một trận nào mà không hốt về một xếp bạc. Lực lại là người cầm con dấu của Nhà xuất bản Văn nghệ đại chúng. Lực giới thiệu cho Chấn xuống các công ty, Tổng công ty, Xí nghiệp để làm ăn, không có chút gì là sai phạm cả. Rất hợp pháp. Đi thực tế. Đi lấy tài liệu để sáng tác. Đi thâm nhập đời sống để phát hiện nhân tố mới kịp thời giới thiệu lên mặt báo, vân vân… Yên tâm hoàn toàn. Hợp lý hoàn toàn.
Nhưng hơn một năm nay, hai người không nhìn mặt nhau. Nguyên nhân là thế này:
Trong một vụ "đánh quả", Phan Chấn đưa về cho Lực được mười triệu. Thế là tốt quá rồi! Sau đó, việc vỡ lở, Lực biết đích xác vụ "đánh quả" ấy được tất cả năm chục triệu, Phan Chấn đút vào túi bốn chục triệu, chỉ đưa cho Lực mười triệu. Hai người chủi mắng nhau, đòi "đánh vỡ mặt" nhau. Rôi hai người quay lưng đi hai ngả…
Đến lúc Lực về làm Viện trưởng Viện Văn hiến kiêm tổng biên tập báo "Văn hiến nghìn năm" hai người tự giác phập vào nhau ngay lập tức. Không chần chừ, không mặc cả, sự hấp dẫn của đồng tiền là mục tiêu chung mà mỗi người tự nhận thấy như một tiềm thức. Lực làm thủ trưởng tức là nắm con dấu trong tay, nắm quyền lực trong tay, Chấn phải dựa vào chứ! Còn Phan Chấn, người đã nổi tiếng một thời, quen các ông to, lại có uy tín để chinh phục các giám đốc kinh tế, Lực phải dựa vào chứ! Thế là cuộc hợp hôn diễn ra nhẹ nhàng, trơn tru giữa một nhà văn đã từng nổi tiếng với một nhà quản lý đã từng được cấp trên khen ngợi về một số bài phê bình văn học!
Cơn giận quyết liệt kéo dài hơn năm trời đã tiêu tan nhanh chóng và cuộc tái hợp đầy ân ái đã được triển khai một cách hết sức khẩn trương.
Phải thừa nhận rằng, Phan Chấn có tài nói ngọt lọt đến xương, nói kiến trong lỗ tai cũng phải bò ra, nói đến xiêu lòng các vị giám đốc kinh tế mà tâm hồn đã bị khô quánh vì nhừng con số. Giữa thời buổi cơ chế thị trường mới mở toang ra, khối người có khả năng tiềm tàng về mẹo vặt kiếm tiền cũng mới có dịp bột phát. Một số nhà báo bộc lộ rõ khả năng tiềm tàng ấy. Chỉ trong một thời gian ngắn, khả năng ấy không còn là tiềm tàng nữa, cũng không phải là bột phát nữa, mà nó tóe loe ra ở nhiều nơi nhiều lúc, đến nỗi trong giới quản lý kinh tế truyền tụng câu thành ngữ "lên rừng thì sợ con hổ, xuống đồng bằng thì sợ con báo". Con sâu làm râu nồi canh. Ối giời ơi, chỉ vài ba con sâu cũng đủ làm cho người ta sợ hãi, quáng mắt, nhìn vào nồi canh thấy lúc nhúc sâu.
Nhưng mẹo vặt kiếm tiền mang màu sắc chân chính của một số nhà báo không thấm vào đâu so với tài nghệ của Phan Chấn.
Chiều hôm ấy, ở quán bia "Râu Xồm" mấy anh công nhân sôi sục căm giận ông giám đốc X ở công ty Y, họ tranh nhau kể tội ông ta tiêu tiền bừa bãi. Phan Chấn cùng ngồi nhậu bên cạnh với một người bạn, chợt nghe được. Cậu ta giả vờ chăm chú nghe bạn tâm sự, nhưng hai lỗ tai thu nhận đầy đủ từng câu nói của mấy anh công nhân. Sau về chắp nối lại và tìm cách đi hỏi thêm lai lịch của giám đốc X, tính cách của ông X, và thêm dẫn chứng ông X sừ dụng tiền công ty không đúng chế độ… Phan Chấn viết thành một "bài báo" dài bảy trang giấy A4 về những sai lầm của giám đốc X. Rồi đến tận Văn phòng công ty Y tìm gặp giám đốc.
Phan Chấn từ tốn nói:
- Tòa soạn báo chúng tôi có nhận được nhiều thư bạn đọc tố cáo đồng chí về tác phong lãnh đạo hách dịch, về tính quan liêu mệnh lệnh, về việc phung phí tài chính… Căn cứ vào mấy chục lá thư bạn đọc là chúng tôi có quyền đưa lên báo để các cơ quan hữu trách điều tra…
Sắc mặt giám đốc X. tái dần. Nghe nói đến việc ông ta bị đưa lên mặt báo là đã khiếp vía. Phương tiện thông tin đại chúng vô cùng lợi hại. Đã có những tấm gương tầy trời, giám đốc mất chức, thậm chí giám đốc bị tù bắt đầu từ báo chí khui ra tội trạng…
Phan Chấn em hèm vài tiếng trong cổ họng, rồi dừng lại, để giám đốc X. thấm nỗi lo. Chấn từ từ rút thẻ nhà báo trong túi đặt trước mặt ông X. Ông ta cầm xem, khi đọc hai chữ "Phan Chấn", tay run lên. Đã là nhà báo hỏi tội, không lo sao được. Càng lo hơn đó là nhà báo nổi tiếng mà chính ông X đã từng đọc tác phẩm. Nhanh trí, ông X xoa xoa tay, miệng cười cười:
- Vinh dự quá. Cũng là dịp may cho tôi. Nghe tiếng tăm đã lâu, đọc tiểu thuyết của anh đã lâu, mà bây giờ tôi mới được gặp. Chưa biết rủi ro như thế nào, chứ hiện giờ ngồi trước mặt anh là tôi thấy một dịp may hiếm có.
Ông X. đứng dậy, vừa đi ra cửa vừa nói:
- Anh chờ cho tôi vài phút.
Phan Chấn quay ra:
- Này này… đồng chí đi gọi bia phải không. Tôi không uống đâu. Tôi bận lắm. Vả lại, trong lúc làm việc này là tuyệt nhiên tôi không uống bia. Xin đồng chí quay lại ngay, ngồi làm việc với tôi mười lăm phút là tôi phải về ngay tòa soạn.
- Lần đầu tiên được gặp anh, anh cho phép được vui một tí.
Phan Chấn khuơ khuơ tay, nói dứt khoát:
- Không! Tôi bận lắm!
May mắn lúc ấy cô nhân viên tiếp khách đi qua, ông X. giơ hai ngón tay (đó là ám hiệu riêng của giám đốc X: giơ một ngón tay thì nước chè, giơ hai ngón tay thì bia).
Chỉ lát sau cô mang bia và thuốc lá ba số vào. Cô rót bia và bóc thuốc lá mời hai người. Ông X. có vẻ e ngại.
Phan Chấn tỏ ra chủ động, lịch sự đứng dậy:
- Cô nhân viên đã lỡ mang bia lên… Theo phong tục, uống bia là phải chạm cốc.
Không khí căng thẳng dịu dần, ông X. cảm thấy hơi thoải mái, bèn mạnh dạn lên tiếng ca ngợi cuốn "phăng xi păng hùng vĩ" mà ông ta đã từng đọc lõm bõm trên mặt báo. Phan Chấn "cảm ơn đồng chí", gõ ngón tay trên mặt bàn, tìm câu mở đầu để đi ngay vào vấn đề thiết cốt:
- Làm việc thì ai cũng có sai lầm, không sai lầm nhiều thì sai lầm ít. Bác Hồ đã nói chỉ có ông Bụt trong chùa mới không có khuyết điểm gì.
Phan Chấn vừa nói vừa rút ra từ trong cặp một tập giấy ông X. hồi hộp chờ đợi…
- Căn cứ vào hàng chục thư bạn đọc, rồi đi điều tra thêm, chúng tôi đã viết một bài báo. Đáng lẽ là chúng tôi phải kịp thời đăng ngay bài báo này. Nhưng biết đồng chí là người có quá trình xây dựng công ty, có nhiều thành tích trong công cuộc đổi mới, hoàn cảnh đẩy đồng chí phạm một số sai lầm. Chúng tôi chưa đăng ngay, mà đọc trước cho đồng chí nghe xem đã thấu tình đạt lí chưa…
Thế là Phan Chấn chậm rãi đọc một mạch hết bảy trang giấy. Ông X. cầm mùi soa lau nước mắt. Càng lau nước mắt càng trào ra. Không hiểu vì sao ông lại khóc? Có lẽ ông ân hận vì những sai lầm của mình và cũng có thể do giọng đọc mạch lạc, khúc chiết và thỉnh thoảng lại rừng rưng của Phan Chấn.
- Đồng chí thấy thế nào? - Phan Chấn hỏi.
- Nhiều giám đốc khác cũng phạm khuyết điểm như tôi.
- Nhưng vấn đề là đồng chí có nhiều thư bạn đọc tố cáo. Làm báo thì trước hết phải dựa vào thư bạn đọc làm đầu mối để điều tra…
Hai người trao đi đổi lại một hồi khá lâu. Trời đã trưa.
Ông X. mời Phan Chấn đi nhậu, nhưng Phan Chấn từ chối: "Đồng chí thông cảm… Ngồi với nhau lúc này không tiện…". Ông lịch sự đưa cho Chấn chiếc phong bì, giọng nói đã thoải mái hơn:
- Thế thì nhà báo tự lo lấy bữa trưa vậy.
- Cảm ơn đồng chí.
- Xin anh ưu ái với tôi là không đưa lên báo. Nhà báo thông cảm với cánh kinh tế chúng tôi, cơ chế này không sai lầm thì không làm được việc.
- Nhưng vấn đề là có thư bạn đọc tố cáo. Không phải chỉ vài ba thư mà hàng chục thư.
- Nhà báo cũng có cách để ưu ái với bọn tôi được chứ.
- Để tôi về bàn thêm với ban biên tập.
Phan Chấn rút trong túi một cái các vi dít đưa cho ông X:
- Có gì cần bàn thêm, ta liên hệ với nhau.
Phan Chấn phóng xe đi một đoạn khá xa, dừng lại bên vệ đường, giở phong bì ra, đếm được năm "vé".
***
Đến hàng chục năm rồi, hôm nay Phan Chấn và Cù Văn Hòn mới cùng đi một chuyến tàu về cơ sở sản xuất.
Đoạn đầu máy Hà Lào (hồi chống Mỹ gọi là Đoạn đầu máy Yên Bái) tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, Phan Chấn được mời về dự, rủ Cù Văn Hòn cùng đi.
Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Phan Chấn xin về làm công tác tuyên truyền ở ngành đường sắt. Bạn bè cùng khóa hăm hở chia tay mỗi người về một ngả đường đất nước chống Mỹ. Tâm hồn tuổi trẻ phơi phới tình yêu và say mê lí tưởng, số phận của từng cá nhân gắn liền với số mệnh dân tộc, thân nam nhi nhẹ như lông hồng bay vào giữa mịt mù khói lửa chiến tranh. Người đi Văn nghệ giải phóng. Người đi dạy văn hóa cho thanh niên xung phong. Người vào công trường, xí nghiệp…
Buổi liên hoan chia tay, họ hát vang trời bài "Giải phóng miền Nam". Con gái con trai ôm nhau hôn chùn chụt, nước mắt dàn dụa… Phan Chấn chọn ngành đường sắt, vì hình ảnh con tàu đã in vào tâm hồn từ thuở nhỏ như một người bạn luôn luôn quyến rũ anh phiêu diêu đến những miền quê xa lạ. Nhà Chấn ở cạnh một ga xép, mỗi lần tàu dừng lại, anh rủ bọn trẻ ra xem cảnh nhộn nhịp kẻ lên người xuống, rồi lại lặng lẽ nhìn theo con tàu lùi lũi lăn bánh về những nơi đâu xa vắng với nhịp điệu buồn buồn của thơ Tế Hanh thơ Nguyễn Bính. Bây giờ Chấn nhận thức được rằng, trong chiến tranh, giao thông vận tải là huyết mạch làm cường tráng mọi chiến trường. Hình ảnh con tàu hiu hắt của tuổi thơ bỗng trở thành con-tàu-dũng-sĩ băng qua khói lửa bom đạn, ngạo nghễ và lẫm liệt.
Phan Chấn về nhận việc tại Đoạn đầu máy Yên Bái. Anh say sưa theo những chuyến tàu lên Lao Cai, mảnh đất địa đầu của Tổ quốc. Biết bao lần anh đứng một mình ngắm đỉnh núi X., ôi X. sừng sững trong bài học địa h tuổi học trò, đã hiển hiện trước mắt anh vừa như một mộng ảo vừa như một thực thể kì diệu. Và cũng chính từ đây, ngọn lửa tình yêu được nhen nhóm rồi cháy bùng lên thành trường thiên tiểu thuyết "Phăng xi păng hùng vĩ".
Lúc con tàu mới rời khỏi ga Hàng Cỏ, Phan Chấn thân tình trò chuyện với Cù Văn Hòn về công việc của cơ quan. Âm ỉ hàng ngày trong tâm hồn Chấn vẫn là những trang văn trang thơ thể hiện được sự nghiệp vĩ đại chố tng Mỹ của dân tộc ta; nhưng vì nhừng cơn say nhậu nhẹt, nhừng tờ đô la ìôi cuốn Chấn như dòng thác dữ dội cuõn trôi bèo bọt. Bây giờ ngồi trên con tàu ngược về nơi sinh trưởng sự nghiệp của đời mình, Chấn lại cảm thấy bâng khuâng như được trở về trong lòng nôi êm ái lời ru của mẹ.
Trước mặt Phan Chấn là Cù Văn Hòn, người bạn cùng thế hệ cùng nghề nghiệp… "Hòn ạ…". Phan Chấn nói ngập ngừng rồi dừng lại… Hòn, cái ông bạn người miền Trung này có thể là cứng rắn quá, nguyên tắc quá, và cũng có thể có phần bảo thủ; nhưng cái cốt lõi của anh ta là trung thực, không lừa đảo ai, không thủ đoạn với ai. Ở Cù Văn Hòn, Phan Chấn cho rằng "cái bảo thủ của Hòn là bảo thủ sang trọng". Trò chuyện với Cù Văn Hòn, chơi với Cù Văn Hòn, yên tâm là anh ta không phản bội.
"Hòn ạ…". Cù Văn Hòn vẫn ngồi yên lặng, đưa mắt nhìn qua cửa sổ con tàu, ngắm làng mạc, sông núi, mỉm cười thấy con bê dũi đầu vào áng cỏ non…
"Hòn ạ…". Phan Chấn nói dè dặt, rồi nói mạnh dạn. Cái lão Lực dần dần hiện nguyên hình một ông chủ vừa dất nát vừa độc ác. Nếu cứ kéo dài tình trạng này, tờ báo Văn hiến sẽ trở thành tờ báo lá cải. Trong người lão ta trống rỗng mà lại cứ hay phanh phô, ba hoa. Tiếp các nhà văn Trung Quốc, Lực chẳng biết gì về lịch sử Trung Quốc, về văn học Trung Quốc để nói cho vui, Lực lại cứ bô bô nào là "Việt Nam với Trung Quốc sông liền sông núi liền núi, gắn bó với nhau như môi với răng như da với thịt. Thời chống Mỹ, không một gia đình Việt Nam nào không có một bánh lương khô của Trung Quốc…". Tiếp các nhà văn Nga thì Lực lại cứ nói những điều cũ rích "Việt Nam không bao giờ quên ơn Cách mạng tháng Mười, quên ơn Liên bang Xô viết quên ơn nhân dân Liên Xô đã viện trợ vô điều kiện cho nhân dân Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ, tên đế quốc lớn nhất của thời đại chúng ta…". Khách quốc tế người ta sẽ cười thầm: tại sao một Viện trưởng, một tổng biên tập tờ báo văn hóa lớn mà lại nói năng rỗng tuếch rỗng toác như thế…
"Bảo thủ sang trọng…", Hòn nhếch mép cười, thì ra trên đời này có bảo thủ sang trọng và bảo thủ thấp hèn.Thằng cha này tinh khôn thật, hạ người ta xuống lại nâng người ta lên ngay.
- Hòn cười gì mình đấy? Cậu lại cho mình là giả dối chứ gì! Không, Phan Chấn đem tấm lòng trung thực giãi bày những lời trung thực với một người trung thực.
Cù Văn Hòn sợ sa đà vào những vấn đề cơ quan, những vấn đề về Quách Quyền Lực, chuyến đi sẽ mất vui.
Hàng ngày ở Hà Nội đã phải thường xuyên va chạm với Lực, phải nghe người này người kia kêu ca về Lực, chửi bới Lực, nặng nề lắm rồi. Rời khỏi Hà Nội được vài ngày, phải vứt rũ nó đi, quên nó đi, để con người được thanh thản. Hòn tìm cách lái câu chuyện sang một hướng khác:
- Tuổi trẻ oanh liệt của Phan Chấn đã tung hoành trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc này. "Phăng xi păng hùng vĩ" là một mốc son chói lọi trong cuộc đời Phan Chấn đấy!
Cái dĩ vãng huy hoàng ấy nhanh chóng trở về trong tâm hồn Phan Chấn. Qua mỗi chặng đường, qua mỗi nhà ga, kỷ niệm hiện lên trong những lời kể như một cuốn phim tư liệu đậm đặc chất liệu đời sống. Ga Mậu Đông… ga Mậu A… ga Trái Hút… tên ga ngân vang như nốt nhạc trầm hùng trên dằng dặc đường trường lịch sử. Rồi còn bao nhiêu tên ga rải dọc dặm dài vào Khu Bốn mà Phan Chấn đã từng sống chết với con tàu: Đò Lèn, Hoàng Mai, Cầu Giát, Vinh, Hương Phố… Những trận bom trút xuống dữ dội. Những trận lửa bùng lên đỏ rực. Nhà ga tan thành bụi cát. Thanh ray quằn vỏ đỗ. Các em gái thanh niên xung phong xông vào cứu hàng, lửa táp cháy tóc, bỏng da. Đã có lần Phan Chấn ôm một cô gái chạy bán sống bán chết qua bãi bom nổ chậm, nước mắt Chấn hòa vào gương mặt cô đầm đìa máu…
Và những chiếc cầu… những chiếc cầu… những chiếc cầu như những biểu tượng anh hùng của một dân tộc anh hùng. Phan Chấn nói tiếng Anh khá thành thạo, mỗi lần có các nhà báo nước ngoài đi viết bài về đường sắt Việt Nam, Chấn cùng đi với họ để hướng dẫn và phiên dịch. Qua tiếp xúc, biết thêm những nhận định những suy nghĩ của họ về Việt Nam, Chấn càng tự hào về dân tộc mình. Một lần, đứng trong ụ pháo trên bờ sông Mã, nhìn con tàu bò trên cầu Hàm Rồng đường ray chênh vênh và tất cả các thanh thép đều vênh vao, lổ chỗ vết bom vết đạn, bất giác nhà báo Tiệp nhắm mắt lại như chợt nhận ra một điều kinh dị. Con tàu qua khỏi cầu, chạy về phía Nam, nhà báo ấy nói với Chấn:
"Tôi có cảm giác các bạn đánh Mỹ không phải chỉ bằng vũ khí và trí tuệ, mà bằng sức mạnh của tâm linh. Con tàu chạy ra chiến trường không phải lăn qua những chiếc cầu bằng sắt thép mà là những chiếc cầu bằng tâm linh…".
***
"Tôi không đồng ý cho hai anh Phan Chấn, Cù Văn Hòn đi công tác với nhau", trong một cuộc họp Lực nói toẹt ra như vậy.
"Ai đi công tác ở đâu là do thủ trưởng điều hành, không ai được tự ý đi", trong một cuộc họp Lực nói toẹt ra như vậy.
"Công lệnh đi công tác, chỉ có thủ trưởng có quyền kí, bất kì ai cũng không được tự động kí", trong một cuộc họp Lực nói toẹt ra như vậy.
Sau khi nghe Cấu đưa tin Phan Chấn và Cù Văn Hòn rủ nhau đi Lao Cai, hai thái dương của Lực nóng bừng.
Cái hơi nóng ấy từ thái dương lan tỏa ra cả mặt cả người.
Và Lực đã cư xử với bạn bằng quyền lực để thỏa mãn tâm lí đa nghi của mình.
Tại sao hai cái lão này gắn bó với nhau thế? Nếu hai lão này thực sự liên kết với nhau thì sẽ rất nguy hiềm cho mình. Phan Chấn nổi tiếng với tác phẩm "Phăng xi păng hùng vĩ", lại hay ra vào nhà các ông to. Cù Văn Hòn có máu mặt trong làng văn, nhiều anh em mến. Sự liên kết này sẽ là quả bom nổ chậm đặt dưới chiếc ghế quyền lực của mình… Chúng nó liên kết với nhau thật à? Mình đã tìm đủ cách lôi kéo Phan Chấn về phía mình. Phan Chấn cũng đã tỏ ra ăn giơ với mình qua mấy vụ làm ăn, sao nó vẫn đi lại nhập nhằng với Cù Văn Hòn? Phải lôi nữa, phải kéo nữa! Phải lôi thật mạnh, phải kéo thật mạnh! Lôi đến lúc nào, kéo đến lúc nào thằng Phan Chấn ghét bỏ Cù Văn Hòn và thực sự kết dính với mình…
Nhưng bằng cách nào mới được chứ? Bằng cách nào? Bằng cách nào? Bằng cách nào? Câu hỏi xoáy vào óc như cái đinh vít xoáy sâu vào vỏ não… A, nghĩ ra rồi! Chỉ có cách này là kì diệu nhất! Mặt Lực sáng lên, và cậu ta sắp xếp lớp lang cho một màn kịch mới.
***
Cạch… cạch… cạch… Lực gõ nhẹ cửa phòng. Cạch… cạch… cạch… Không có ai ra mở. Lực nhẹ đẩy cửa, bước vào.
Trên bàn làm việc của Cù Văn Hòn, bề bộn sổ sách ghi chép công việc của cơ quan. Sổ ghi các khoản chi tiêu hàng ngày.
Lực phân công cho Hòn được quyền kí các phiếu chi từ 500.000 đồng trở xuống. Sau khi kí và trao cho kế toán, Hòn còn cẩn thận ghi vào một cuốn sổ riêng để tiện theo dõi và điều chỉnh sự cân đối giữa các mặt, các phòng, các ban…
Sổ ghi những người được thưởng, phạt hàng tháng… Các tờ thảo nội quy của cơ quan: nội quy sử dụng ô tô, nội quy tiếp khách của thủ trưởng và của các ban… Nhân lúc ngồi chờ, Lực đọc lưởt qua. Thì ra Cù Văn Hòn rất chu đáo và chặt chẽ trong công việc hành chính trị sự. "Càng chặt chẽ bao nhiêu chỉ tổ làm cho anh em ghét bấy nhiêu. Thời buổi nào cũng thế, người bị cai trị bao giờ cũng thích được người cai trị nới lỏng, thậm chí vứt bỏ kỉ cương để được tự do tuyệt đối. Lão Cù Văn Hòn này thật thà nhưng vụng lắm…", Lực thầm nghĩ, "cứ để cho lão ta chặt chẽ thì mình mới có cơ hội nới lỏng để được lòng anh em"…
Chờ mãi không thấy Hòn về, Lực rút trong túi một bao thuốc ba số đặt lên bàn, rồi đi ra. Vừa kéo cánh cửa, Lực quay lại, cẩn thận đặt lại bao thuốc lên quyển sổ, rồi đặt chiếc bút bi gác lên bao thuốc, để lúc nào Hòn về cầm bút viết thì thấy ngay có bao thuốc ba số…
Động tác nho nhỏ ấy của Lực khiến Hòn đoán ra ngay: bao thuốc này là của ai. Hòn lại ngồi viết tiếp cho hoàn chỉnh các bản nội quy. Theo Cù Văn Hòn nghĩ, mọi người cứ làm việc theo nội quy thì cơ quan sẽ ổn định lâu dài.
Lúc đầu sẽ có người khó chịu, nhưng sẽ quen dần, khi đã thành thói quen rồi, ai cũng thấy thoải mái.
Cạch… cạch… cạch… Hòn mở cửa.
- A! Hòn thật là tuyệt vời! Trong lúc Hòn đi vắng, mình đã trộm xem sổ sách ghi chép công việc cơ quan. Thật là tuyệt vời! Mình yên tâm làm việc lâu dài với Cù Văn Hòn…
Hòn ngắt ngang lời Lực:
- Cảm ơn ông cho tôi bao thuốc ba số.
- Ông khách sáo với mình thế kia à!
- Khách sáo thế nào?
- Ông mà cũng cảm ơn tôi. Nghe ra có vẻ lịch sự, nhưng khách sáo quá. Bạn bè với nhau mà cũng cám ơn cảm iếc như là khách lạ.
Sợ Lực dài dòng, ngoắt ngoéo, kéo dài thời gian, Hòn lái ngay vào việc:
- Chắc ông có việc gì cần bàn với tôi?
- Có việc gì cần đâu? Nhớ lắm nhớ lắm Cù Văn Hòn ơi! Từ sáng đến giờ không gặp nhau mà thấy nhớ quá.
Tự nhiên trong người mình cồn cào những kỉ niệm tuổi học trò…
Lực cúi đầu xuống, giơ tay đặt lên vết sẹo trên đầu:
- Mình đang ngồi làm việc, giơ tay gãi đầu, chạm vào vết sẹo, nhớ ôi là nhớ… Vết sẹo này sẽ dìu chúng ta vượt chông gai đi trên đường đời dài vô tận…
Hòn nhìn theo tay Lực: gần vết sẹo có một khoảng trống ở phía sau, khoảng trống ấy là khoảng tóc hói. Ô, Lực đã bị hói. Nó ít hơn mình mấy tuổi mà đầu đã hói. Cù Văn Hòn rùng mình: tuổi trẻ vĩnh viễn qua rồi, đầu Lực đã hói và tóc mình đã bạc? Bất chợt Hòn hắt ra một tiếng thở dài và rân rấn nước mắt. Hòn đứng dậy, bước tới của sổ, lơ đãng nhìn ra đường phố, ìau nước mắt…
- Hai thằng ta hợp sức nhau xây dựng cơ quan thành một cơ quan lừng lẫy để giới văn hóa văn nghệ biết rằng Chúng ta yêu thương nhau để đẩy nền văn hiến nước nhà lên đến đỉnh cao của nhân loại.
Đang xúc động thì lại phải nghe những lời sáo rỗng của Lực, biết ngay rằng Lực đang chuẩn bị dọn đường cho một ý đồ gì đây, Hòn lái câu chuyện vào đề:
- Chắc ông muốn bàn với mình một vấn đề hệ trọng?
- Hệ trọng gì đâu! Anh em ta gặp nhau để củng cố tình cảm bạn bè và cũng là để bàn chuyện cơ quan. - Lực chớp lấy ý của Cù Văn Hòn, vào đề ngay. - Này… anh em kêu thằng Phan Chấn ghê quá.
- Kêu về việc gì?
- Ông với thằng Chấn đi Lao Cai là rất tốt. Thỉnh thoảng nên để cho mọi người trong cơ quan đi thực tế. Nhưng ông chỉ đi nửa tháng thì về. Còn Phan Chấn đi những bốn tháng, bỏ việc cơ quan đi biền biệt. Chỉ nên thanh toán công tác phí cho Chấn một tháng thôi, một tháng là đã quá lắm rồi. Chứ thanh toán cả bốn tháng thì tất cả anh em sẽ phản đối. Ông thấy thế nào?
- Thanh toán công tác phí một tháng là được rồi.
- Thế thì ông kí cho hắn một tháng nhá.
Thấy lời bàn của Lực là hợp lí, Cù Văn Hòn kí cho Phan Chấn được hưởng một tháng công tác phí. Nhưng mấy hôm sau, Lực kí giấy cho Chấn được hưởng bốn tháng và nói trước mặt Chấn: "Đời sống anh em đang khó khăn… Với lại nên khuyến khích anh em đi nhiều về cơ sở…".
Sau khi nhận tiền bốn tháng công tác phí, Chấn rủ Hòn đi uống bia. Sự việc này được Cấu báo cho Quách Quyền Lực biết ngay. Hai thái dương Lực đỏ bừng: "Lạ quá? Hai cáì lão này sao cứ gắn với nhau? Được rồi, xem mày thắng tao hay tao thắng mày? Mày mà thắng được tao à!".
Tối hôm ấy, Lực phóng ô tô đến nhà Hòn và nói với Hòn những lời rất tâm huyết:
- Mình muốn bàn với ông việc củng cố chi bộ. Phải tăng cường những nhân tố tích cực, kết nạp đảng viên mới để cơ thể Đảng có thêm hồng huyết cầu. Chi bộ cường tráng, cơ quan sẽ cường tráng…
- Ừ, ừ
- Nếu chi bộ yếu cơ quan sẽ yếu. Chi bộ mạnh cơ quan mạnh. Chi bộ yếu cơ quan yếu. Chi bộ đoàn kết thì cơ quan đoàn kết. Chi bị chia rẽ cơ quan chia rẽ…
- Ừ, ừ.
- Trong thời gian tới, ông với mình dành thì giờ làm công tác chi bộ. Kinh nghiệm cơ quan nào cũng vậy, chi bộ là sức mạnh làm hồng hào sức mạnh cơ quan…
- Ừ, ừ.
Về công tác phát triển chi bộ phải coi trọng. Kết nạp những phần tử tích cực, phần tử trong sạch, phần tử co năng lực cao để mọi người noi theo, để chi bộ thực sự là tấm gương cho quần chúng soi vào…
- Ừ ừ
- Anh em trong tòa soạn ta hầu hết là tốt, đã kinh qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã rèn luyện trong lửa đạn. Nhưng không phải ai đã kinh qua cuộc kháng chiến chống Mỹ đều tất. Có thể lúc ấy họ tốt mà bây giờ họ thoái hóa thì không thể kết nạp được…
- Ừ ừ
- Phan Chấn trước đây là người tốt, bây giờ cậu ta làm nhiều điều tai tiếng trong giới văn hóa trong giới văn nghệ sĩ thì kết nạp vào Đảng sẽ ảnh hưởng xấu đến chi bộ ảnh hưởng xấu đến quần chúng…
Cù Văn Hòn hơi sững sờ về câu nói này của Lực. Cứ tưởng cậu ta dẫn dắt dài dòng để chinh phục mình đồng ý kết nạp Phan Chấn, hóa ra ngược lại. Thì ra Lực cũng là người có lí trí… Phan Chấn là một nhà văn được nhiều bạn đọc biết đến. Nếu cậu ta được kết nạp từ hồi chiến tranh, hoặc trước khi chuyển về đây thì đã ổn đi một bề. Vì phạm khuyết điểm về quan hệ trai gái, về tiền nong với bạn bè, chi bộ cũ không kết nạp. Trong những năm gần đây, Chấn lại có nhiều tai tiếng về sinh hoạt, bị bạn bè coi thường. Tiếng xấu của Phan Chấn lại lan ra khắp nơi, anh em trong giới văn hóa bàn tán. Quả thật kết nạp Chấn vào Đảng lúc này không có lợi chút nào… Hòn cúi đầu xuống, cắn môi, hơi chau mày…
- Ông thấy thế nào? - Lực hỏi.
- Mình cũng nghĩ như thế.
- Thế thì được rồi! Trong những vấn đề lớn, hai thằng ta bao giờ cũng hợp nhau. Còn những chuyện sinh hoạt vặt vãnh hàng ngày bỏ qua hết. Tình bạn muôn năm!
***
Nửa tháng sau, Lực bảo bí thư chi bộ triệu tập cuộc họp. Trước khi họp, Lực bảo bí thư và bản thân Lực đi thuyết phục từng đảng viên đồng ý cho Phan Chấn vào Đảng!
Thằng Hòn đã nhất trí với mình rồi, nhất trí là không kết nạp Phan Chấn. Nó rất kiên định ý kiến của nó. Cái nhân trung của nó sâu, người có nhân trung sâu như thế thường là thẳng thắn và trung thực - mình sẽ lợi dụng cái tướng mạo này để làm việc mình cần. Ra họp chi bộ, chắc chắn Hòn sẽ không giơ tay thông qua việc kết nạp Chấn.
Phan Chấn sẽ thù nó, không quan hệ chơi bời, bàn bạc gì với nó nữa. Cú quyết định này sẽ hoàn toàn tách hai người ra khỏi nhau… Còn đối với mình, Phan Chấn sẽ mang ơn mình, đứng hẳn về phía mình. Sau khi vào Đảng, mình sẽ dùng Phan Chấn được nhiều việc có lợi cho mình. Ví dụ, Chấn có thể vào gặp một ông to nào đó khi mình cần. Ví dụ, Chấn đến gặp tùy viên văn hóa các đại sứ quán nước ngoài để đặt quan hệ trao đổi văn hóa, rồi cùng nhau đi nước ngoài. Ví dụ… ví dụ… ví dụ…
Đúng như Lực dự kiến, cuộc họp chi bộ để góp ý và thông qua việc kết nạp Phan Chấn, Hòn không giơ tay.
Lực đứng dậy thuyết lí với giọng tráo trở hồn nhiên. Chỉ cóCù Văn Hòn nhận ra cái giọng tráo trở ấy. Hầu hết những người khác đều bị đánh lừa: họ thấy ở Lực tấm lòng của một vị thủ trưởng thật là độ lượng, bao dung, thấu tình đạt lí. Lực giơ tay trái rồi giơ tay phải, nói rành rọt chấm phẩy, không ngượng ngùng một tí nào, không vấp một từ ngữ nào, lời lẽ trôi chảy như dòng nước chui qua cống rồi ào ào đổ ra quãng sông rộng:
"Đánh giá một con người không nên nhìn vào những sinh hoạt vụn vặt hàng ngày, mà phải nhìn vào cái bản chất, cái cơ bản, cái cốt lõi, cái gốc bản thiện. Nhận xét một quần chúng có được vào Đảng hay không là phải nhận xét cái bản chất, cái cơ bản, cái cốt lõi, cái gốc bản thiện ấy. Nếu cứ nhận xét họ mặt sinh hoạt tức là không biện chứng, tức là phi lí, duy tâm. Nhừng đảng viên ngồi đây có người đã vài ba chục tuổi Đảng còn đầy rẫy sai lầm về sinh hoạt, nhưng cái cơ bản là trung thành với Đảng, trung thành với Tổ quốc, trung thành với nhân dân. Anh Phan Chấn vào sinh ra tử nơi bom đạn ác liệt là một thử thách lớn nhất trong đời Còn thử thách nào lớn hơn? Còn thử thách nào lớn hơn? Còn thử thách nào lớn hơn? Nếu hồi ấy anh Phan Chấn vùi xác ở chiến trường thì còn đâu Phan Chấn để chúng ta kết nạp hôm nay. Đảng viên nào mà đánh giá đồng chí Phan Chấn qua một vài chuyện nhí nhố hàng ngày tức là sa vào chủ nghĩa duy tâm, tức là không nhân ái…".
Cuộc họp chi bộ vừa xong thì nhiều anh chị em trong tòa soạn đã biết ngay cái tin Phan Chấn được thông qua kết nạp vào Đảng với đa số phiếu. Họ bàn tán rôm rả, bá nhân bá kiến:
- Nó năm mươi tuổi rồi, còn phấn đấu cho Đảng được mười năm nữa, cho nó vào đi để có thể Đảng thêm một hồng huyết cầu già.
- Từ nay ta phải noi gương đảng viên Phan Chấn để đi hoạt động cách mạng cho hăng.
- Tội nghiệp Phan Chấn, năm mươi tuổi mới được đứng trong hàng ngũ của Đảng vinh quang.
- Theo như ông Lực nói thì phải lục tìm những ai ở chiến trường về để kết nạp cho hết, không thì thiệt thòi quyền lợi của họ. Tôi cũng ở chiến trường về mà chưa thấy ông Lực bồi dưỡng.
Việt Sồ rút chiếc điếu cày ở thắt lưng, rít một hơi dài, nhả khói trắng ùn ùn bay lên, rồi lắc mạnh cái đầu xù:
- Một bất hạnh lớn của đời tao là không được đồng chí Quách Quyền Lực bồi dưỡng để vào Đảng?
Mọi người cười ồ lên:
- Anh Việt Sồ thiệt thòi quá.
- Từ nay anh Việt Sồ cứ bám lấy đồng chí Quách Quyền Lực tham gia hoạt động cho hăng để được đồng chí Quách Quyền Lực bồi dưỡng.
- Anh Việt Sồ mà được vào Đảng thì chúng em mất vui, vì được vào Đảng anh sẽ nghiêm túc, không có ai cù cho chúng em cười.
Việt Sồ xoi xoi xoe điếu, nạp vào một viên thuốc khác, rít thật mạnh, điếu kêu ro ro, rồi quay lại chỉ vào cô Chanh:
- Con bé này, sao ngồi im thế? Mày phải tham gia ý kiến chứ?
Cô Chanh ngoẹo ngoẹo đầu, xoa xoa hai bàn tay:
- Gớm!… Em là dân ngu khu đen biết gì mà ý kiến với ý cỏ. Em thì em cứ nhớ lời mẹ em hát mà em hát lại cho các anh nghe Có đỏ mà chẳng có thơm - Như hoa dâm bụt, nên cơm cháo gì!
***
… Cù Văn Hòn thủng thẳng đạp xe về nhà. Vành xe lăn rất chậm. Mưa lất phất. Mặt đường loáng ướt… Đầu nặng trĩu. Anh vu vơ nhìn đàn kiến chen chúc nhau bâu vào một con nhái chết. Chắc là con nhái đã bị một cái xe nào nghiến chết từ lâu, và đàn kiến cũng đã rỉa mồi từ lâu rồi. Hai chân nhái đã bị cụt. Lũ kiến hối hả lúc nhúc đang rỉa vào bụng vào đầu… Trong khi Hòn lơ đãng, một chiếc xe máy phóng qua đâm vào xe đạp của Hòn. Vành xe cong vêu. Gã thanh niên phanh xe máy, trừng mắt quát: "Ông đui mắt ạ!". Mấy người đi đường xúm lại:
- Thằng kia sai rồi! Giữ xe nó lại! Mời công an đến! Đã sai lại còn hỗn láo quát người ta.
- Mày đi sửa xe cho người ta đi!
Cảm thấy phiền phức quá, Hòn nói với gã thanh niên:
- Anh đi đi…!
Gã kia sung sướng, phóng vù xe. Còn Hòn nhẫn nhục vác chiếc xe cong vành lên vỉa hè và hỏi ông chủ hiệu chữa xe:
- Nhờ bác uốn cái vành xe… Chừng bao lâu thì xong hở bác?
- Ít nhất cũng hai tiếng đồng hồ.
- Thế thì nhờ bác chữa, mai tôi ra lấy được không?
- Được!
Hòn thủng thẳng đi bộ. Hai bàn chân nặng như hai cái khối đá… Lực lừa đảo mình… Sao lại thế nhỉ? Lực tráo trở với mình… Có thật thế không? Có thật Lực lừa mình không? Hay là nó vô tâm vô tính, cứ nói ba hoa cho sướng miệng?… Hai bên đường phố, tiếng người reo hò theo dõi bóng đá qua truyền hình. Về đến gần cổng nhà, người ngồi người đứng trước hiệu giải khát, reo hò ầm ĩ. Thấy Cù Văn Hòn, mấy cậu thanh niên ríu rít gọi:
- Vào đây xem cho vui bác Hòn ơi!
- Bác vào đây xem cho vui. Thằng cu nhà bác nó cũng ngồi xem ở đây!… Bác vào đây góp thêm tiếng reo với bọn cháu.
Hòn lắc đầu: "Cảm ơn cháu… bác phải về…". Bước vào nhà. Bật ti vi. Nằm trên giường xem bóng đá một mình. Hòn thường có cái thú vị một mình như vậy. Buồn bã một mình. Bực tức một mình. Ồn ã một mình. Hôm nay lại càng cần phải một mình. Cố xua đuổi những điều bực bội để thả mình vào một thú vui mà nhân loại đang hâm mộ.
Nhưng khó mà xua được. Hình ảnh Lực giơ tay giơ chân hùng biện cứ hiện lên lẫn lộn với hình ảnh các cầu thủ bóng đá. Bất chợt Hòn vỗ tay, reo lên - tiếng reo vừa đủ mình nghe: "Di đan tài quá!". Cú lừa của Di đan thật tuyệt vời. Cậu ta lừa qua hàng hậu vệ rất nhanh, rồi sút quả bóng sấm sét vào khung thành đối phương khiến cho thủ môn đối phương sững sờ, không kịp phản ứng gì.

<< Chương VIII | Chương X >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 374

Return to top