Cù Văn Hòn đang đạp xe chậm chạp bên lề đường, một chiêc ô tô con từ phía sau vượt lên và dừng lại. Cánh cửa mở, Lực bước ra, hớt ha hớt hải, nắm chặt tay Hòn một cách thân mật:
- Để xe đạp vào cốp ô tô, cùng đi với mình về cơ quan.
- Có việc gì mà khẩn thế?
- Có việc rất cần, hai thằng ta cần bàn với nhau.
- Thế thì ông cứ đi trước. Tôi đến chậm sau ông mười lăm phút là cùng.
- Không! Ông để xe đạp vào cốp!
- Tôi chỉ đến chậm sau ông mười lăm phút. Trong mười lăm phút ấy, ông rửa mặt mũi, pha trà, tôi đến là vừa.
Nói xong, Hòn ngồi lên xe đạp, đạp với tốc độ nhanh hơn… Đã bao nhiêu lần Lực thảng thốt như thế, mấy lần đầu Hòn còn sửng sốt, nhưng cứ lặp đi lặp lại đâm ra nhàm chán. Chắc là cậu ta ân hận vì thái độ đối xử quá đáng với mình vừa rồi…
Ô tô chạy được vài chục mét, dừng lại. Lực từ trong ô tô bước xuống, giơ tay vẫy Hòn đang lọc cọc đạp xe. Đợi Hòn đến gần, Lực nắm tay Hòn giật đi giật lại, gương mặt được hóa trang một sắc thái vô cùng nồng nhiệt:
- Ông không giận tôi chứ?
- Giận gì?
- Về việc hôm nọ tôi nóng nảy với ông.
- Thôi… việc gì đã qua thì cho qua…
Lực kéo mạnh Hòn đến nỗi xe đạp đổ xuống đường:
- Ông để xe lên cốp, tội gì!
Trong mấy ngày gần đây, Đấu có nói với Hòn nhiều lần: "Ông Lực bảo em là sáng nào cũng đến đón anh rồi mới đến đón ông ấy cùng tới cơ quan một thể". Nhưng Hòn từ chối: "Không! Mày cứ đón ông Lực. Tao thích đi xe đạp để nhìn phố phường cho vui mắt". Đấu sợ Lực nghĩ mình là lười biếng, dặn đi dặn lại Hòn: "Thế thì anh phải nói cho ông Lực biết, không thì ông ấy quát em"… Lúc này, Lực cẩn thận kiểm tra lại điều đó:
- Tôi có dặn Đấu sáng nào cũng phải đón ông, sao nó kbông đón?
Hòn cười nhạt:
- Đấu có nói. Nhưng mình thích đi xe đạp để khi cần thì còn rẽ ngang rẽ dọc.
- Ông gàn bỏ mẹ!
- Mỗi người một sở thích khác nhau. Ông làm văn học ông phải biết tôn trọng sở thích của tôi chứ.
Lực nhảy lên ô tô. Trước khi đóng cửa, còn với tay ra nắm ngực áo Hòn:
- Tôi có chè tuyết tuyệt ngon nhá. Tôi pha sẵn, mười phút sau ông đến…
Hòn gượng cười, gật đầu. Việc gì đã xảy ra, đang xảy ra và sắp xảy ra? Phải làm việc với một người tính khí thất thường, Hòn cảm thấy mệt quá. Cứ phớt lờ đi là yên chuyện. Nhưng Lực có để cho Hòn phớt lờ đâu. Trong một ngày có biết bao nhiêu điều linh tinh xảy ra, bao nhiêu tiếng xì xào lăng nhăng, đều làm cho Lực giật thót. Nào là Lực với cô Thiện yêu nhau. Nào là Lực dùng ô tô không đúng quy định. Nào là Lực tiếp người khách nào cũng bia bọt… Hễ có tiếng đồn kháo lọt vào tai Lực là lập tức Lực giật nảy lên "Chúng nó muốn hạ uy tín của mình? Chúng nó muốn lật đổ mình?" và bỏ ra bao nhiêu công sức để truy tìm ai phát ngôn, ai chủ mưu? Con người cậu ta bị xé vụn ra nghìn mảnh để đối phó với dư luận này với điều tiếng nọ… Cù Văn Hòn đã quen với tính cách của Lực, đã chai lì với tính cách của Lực, mà vẫn cứ cảm thấy mệt mỏi mỗi khi cậu ta xoắn xuýt phân bua đường này nỗi nọ…
Còn bây giờ, ngay bây giờ, thì việc gì đã xảy ra vởi Lực? Và việc gì sắp xảy ra với mình? Có lẽ cậu ta ân hận vì đã có thái độ thô bạo với mình, thô bạo với một người bạn thân đã từng ăn đói mặc rách để cùng bấm chí học hành?
Con người ta dù có bị cơn lốc của quyền lực của đồng tiền cuốn đi, cũng có lúc nằm mệt mỏi và lúc đó nhân tính trỗi dậy để ân hận về những lỗi ìầm… Hòn gõ cửa, không đợi có tiếng trả lời, mở cửa bước vào, ngồi trên chiếc ghế mây, đặt túi lên đùi:
- Có gì quan trọng không, ông bạn ơi!
- Chẳng có gì quan trọng bằng tình bạn của chúng ta! Thỉnh thoảng anh em ta phải dành thì giờ uống với nhau chén trà, ôn lại kỉ niệm thời thơ ấu. Lúc nào cũng công việc, công việc, công việc. Đã sa chân vào cái nghiệp chướng văn chương là phải tranh thủ lúc rảnh rỗi thả tâm hồn mơ mộng… Tôi thấy ông cặm cụi vào công việc nhiều quá. Phải như hồi chúng mình đi học ông Cù Văn Hòn ạ. Chủ nhật leo núi. Ngày hè thì lội bùn. Việc chính của đời ta là sáng tạo, còn quản ìý là nhiệm vụ xã hội phân công mà phải làm. Ông cũng như tôi thiết đếch gì làm quản lý, mệt bỏ xừ…
Lực nói dài quá, Hòn tìm cách cắt ngang:
- Thằng Vệ nhà ông dạo này thế nào? ổn chứ?
- Cũng tạm ổn ông ạ. Bận việc quá, không theo dõi được việc học hành của con cái. May mà có cô Đào, cô Chiều, thằng Vệ mới được lên lớp. Sống trong một tập thể có những người tốt như thế, yên tâm lắm. Nhất là có ông bên cạnh, tôi yên tâm lắm…
Lực ngừng lời, cầm điện thoại:
- Cô Chanh đấy à? Phải cô Chanh không? Lên đây có tí việc.
Vài phút sau, Chanh vào:
Thủ trưởng ra lệnh cho em điều gì à?
Lực giơ bàn tay phải, hạ giọng:
- Em cho hai anh em tôi hai chai bia Hà Nội.
Chanh nhanh nhảu quay ra:
- Vâng ạ, em xin tuân lệnh thủ trưởng.
Một lát sau, Chanh mang bia lên, mở nút chai rót vào hai cốc:
- Em xin rút lui có trật tự để hai thủ trưởng làm việc.
Lực nghiêm sắc mặt:
- Cả buổi sáng nay, anh em tôi bận, không tiếp bất cứ người khách nào.
- Em xin vâng ạ.
Lực đứng dậy kìlép cừa, cài chốt, rồi nâng cốc:
- Nào… chúc cho tình bạn chúng ta bền vững.
Hòn linh cảm có điều gì không bình thường, vào đề ngay:
- Ông có việc gì cần bàn với tôi?
- Có đấy ông đọc số báo tháng trước rồi chứ?
- Rồi!
- Ông có đọc truyện ngắn "Thần tượng" không?
- Ông thấy thế nào?
- Chẳng thấy thế nào cả… Nghệ thuật xoàng…
- Tôi muốn hỏi ông về nội dung?
À, ra thế? Vòng vo mãi để nói về cái truyện ngắn này. "Thần tượng" của tác giả Nguyễn Toàn Năng, mang nhiều tính biểu tượng. Một pho tượng đồng dựng bên bờ sông, ngày nào cũng lũ lượt người kéo nhau đến thắp hương khấn vái, cầu xin ban lộc ban phúc một cách mù quáng. Người ta quên rằng đó chỉ là một khối đồng vô tri vô giác. Nếu truyện chỉ có thế thì không sao. Nhưng có nhiều chi tiết khiến người ta liên tưởng đến nguồn gốc tổ tiên của Đức thánh Trần và lai lịch một lãnh tụ cộng sản.
Sau khi số báo phát hành được nửa tháng, khắp cả Hà Nội và lan ra các tỉnh khác lời bàn tán: truyện ngắn "Thần tượng" muốn phủ nhận truyền thống anh hùng của dân tộc và đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản hiện nay. Người ta còn đồn kháo về cái chi tiết: pho tượng chỉ tay xuống sông, ám chỉ rằng cái thần tượng ấy muốn dẫn dắt bàn dân thiên hạ nhảy xuống nước trẫm mình.
Cù Văn Hòn đã từng nghe những lời bàn ấy. Nhưng anh ta không bàn lại, và cũng không nói thêm với một người thứ hai nào. Mấy chục năm qua, suy diễn kiểu ấy đã làm tổn thương đến sự tìm tòi sáng tạo của nghệ thuật. Bây giờ, nếu tác giả có ngầm ý không hay cũng nên lờ đi. Nếu luồng gió phê bình xoáy sâu vào cái tính biểu tượng này, e rằng người nghệ sĩ sẽ lại hốt hoảng thụt đầu vào trong vỏ chai cứng.
Với Quách Quyền Lực, Hòn càng không hé miệng nói một lời nào. Lực không có cái đức tính điềm tĩnh tối thiểu của một người làm học thuật. Hễ có kiến đốt là cậu ta nhảy chồm lên và la hét ầm ĩ: "Trời ơi! Tôi bị kiến đốt! Tôi bị kiến đốt!". Hễ nghe phong thanh cấp trên phê phán một điều gì đó là cậu ta sẵn sàng nằm úp sấp, duỗi chân tay, đặt roi vào mông: "Xin các vị đánh tôi thật đau để tôi thấm thía khuyết điểm này?"… Hòn định bụng cứ im lặng, may mà qua được, chẳng ai có ý kiến ý cỏ gì thêm, cả Lực và cả cơ quan bình yên vô sự… Nhưng bây giờ Lực hỏi thì Hòn đành phải nói thật với một giọng bình thản như chẳng có gì quan trọng:
- Về cốt truyện thì "Thần tượng" chẳng có gì đáng bàn. Nhưng đọc kĩ thì có nhiều chi tiết giống hoàng tộc nhà Trần và giống lai lịch của một lãnh tụ Đảng ta.
Hai tay Lực chồm vào người Hòn:
- Thế à? Thế à? Có giống lắm không?
- Người ta suy là suy ở chỗ ấy. Chứ theo tôi, không nên bắt bẻ chủ đề tư tưởng cho rắc rối thêm ra.
- Quả thật là tôi không biết gì về hoàng tộc nhà Trần về lai lịch vị lãnh tụ Đảng ta.
- Theo tôi, đừng bàn tán gì về việc này nữa. Bàn tàn nhiều, chuyện bé xé ra to. Ai bàn mặc họ, mình không tham gia. Trừ khi có ý kiến chính thức của cấp trên…
Lực lẩm bẩm:
- Có nhìều chi tiết giống hoàng tộc nhà Trần giống lai lịch vị lãnh tụ Đảng ta…
Hướng thẳng về phía Hòn, Lực giơ bàn tay run run:
- Ông bàn với tôi cách đối phó.
Vẫn với giọng bình tĩnh, Hòn nói:
- Ông này buồn cười thật. Tôi đã bàn với ông rồi. Mình cuống quýt vào chuyện này thì bé sẽ xé ra to. Đừng làm công văn công veo gửi ai để thanh minh. Cứ im lặng, xem sao… Đừng vội làm công văn công veo thanh minh gì cả. Kiểu làm của ông là "lạy ông tôi ở bụi này".
Sở dĩ Hòn nhắc đi nhắc lại câu này vì đã có lần Hòn bị động cuốn vào "việc đã rồi" của Lực. Lần ấy, trên mặt báo bị sai lỗi morat khá nặng, Lực truy tìm lí lịch người chữa morat để xử lí và bảo Hòn viết công văn giải trình gửi đến các cơ quan hữu trách. Hòn nói: "Không việc gì mà phải viết công văn. Người ta chưa giơ roi mà mình đã kêu la ầm ĩ". Lực bèn bảo Phạm Lương viết, ghi hẳn hoi ở dưới: "Thay mặt Ban biên tập - Cù Văn Hòn", đánh vi tính, rồi đưa Hòn kí… Lực làm như vậy để phòng xa nếu sự việc bị "xé ra to" cậu ta sẽ nhơn nhơn nói: "Việc này Hòn chịu trách nhiệm… Đây, công văn giải trình do Hòn kí đây…". Hòn vỗ vỗ tay vào cái túi da cũ rích, nói nửa đùa nửa thật.
- Ông có chơi xỏ gì tôi trong chuyện này không đấy?
Nước mắt Lực trào ra, giọng rên rỉ và chân thành - chân thành một cách đột xuất:
- Ông mà không tin tôi thì trên đời này còn ai tin tôi nữa, ông Cù Văn Hòn ơi!
Ngay tức thì Lực cúi xuống, chỉ tay lên đầu, gỉơ cái "bảo bối" tình bạn ra:
- Vết sẹo còn đây Cù Văn Hòn ơi. Đến lúc thằng Lực nằm xuống đất, thịt xương tan ra thì vết sẹo này mới mất được?
Lực nắm tay Hòn đặt đúng vào vết sẹo. Một cảm giác âm ấm vừa quen vừa lạ từ đầu ngón tay lan truyền khắp cơ thể, và bất chợt Hòn rùng mình. Tâm tư xáo động. Con người đang ngồi trước mặt mình đây là Lực của thời ấu thơ nghèo khổ hay là Lực của thời buổi cơ chế thị trường?
Lực trước trang vở dưới ánh đèn dầu hay là Lực trước tờ đô la dưới ánh đèn điện?… Rân rấn nước mắt… Hòn nhìn vào vết sẹo ở cái đầu hói đã loang rộng ra. Quyền lực và đồng tiền bao nhiêu năm nay chà xát, nhồi nặn, vò xé, cào cấu, đã làm mất biết bao máu, đã làm rụng biết bao sợi tóe. Mới hôm nào đây, Hòn thấy cái khoảng hói ấy chỉ băng nửa bàn tay, bây giờ nó đã loang ra bằng bàn tay, và sắp nối liền với vết sẹo. Liệu chừng, Quách Quyền Lực ơi, cái khoảng hói có dừng lại đó hay là đâm lao thì theo lao, nó sẽ loang rộng ra nhanh chóng và sẽ nối liền vết sẹo, lấn át vết sẹo trấn ngự vết sẹo, để rồi cuối cùng bạn bè sẽ gọi mày là "thằng Lực hói" chứ không gọi là "thằng Lực sẹo" nữa. Cái đầu hói biểu tượng cho tầng lớp nào mà có một thời dân gian truyền tụng câu "Bụng to đầu hói ăn nói lê thê". Lực ơi, bụng mày cũng đã to rồi đấy, đầu mày cũng đã hói rồi đấy. Chẳng lẽ tao mất một thằng bạn chỉ vì bạn tao bụng to đầu hói? Hẳn mày nhớ đầu đề bài luận thầy Đức: "Đánh mất tình bạn trong cuộc đời cũng như đánh mất ánh nắng của mặt trời". Nếu ánh nắng đó mất đi là lỗi tại mày chứ không phải lỗi tại tao.
***
Việc đưa Quách Quyền Lực làm Viện trưởng kiêm tổng biên tập vốn không suôn sẻ. Những người lãnh đạo cấp trên và các nhà văn hóa làm quản lý cân đi nhắc lại: trình độ văn hóa của Lực liệu có đảm đương nổi một tờ báo lớn như báo "Văn hiến"? Làm Viện trưởng đã quá sức cậu ta, nhưng dẫu sao vẫn còn chung chưng. Chứ làm tổng biên tập là phải thường xuyên va chạm với những kiến thức cụ thể. Cù Văn Hòn cũng nghĩ như vậy. Nhưng Lực biết dựa vào anh em thì tờ báo vẫn đứng vững được. Ở tòa soạn, nhiều ngườỉ có kinh nghiệm làm biên tập lâu năm. Vả lại, Lực và Hòn cùng bạn bè với nhau, cùng mê văn chương từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, bây giờ lại cùng làm việc với nhau, biết đâu đó là duyên trời định. Gặp một số bậc đàn anh có chức trách quản lý, Cù Văn Hòn đề xuất: mạnh dạn đề bạt Lực làm tổng biên tập.
Lại gặp lúc lãnh đạo đang cần tìm một người có "lập trường chính trị vững", Quách Quyền Lực được "chấm" và được coi là một ứng cử viên sáng giá.
Mơ ước trở thành hiện thực. Lực sung sướng run lên khi cầm tờ quyết định. Thật ư? Thật ư? Mình được làn thủ trưởng một cơ quan văn hóa vào ìoại lớn nhất nước, lại kiêm tổng biên tập một tờ báo văn hóa vào loại lớn nhất nước? Có thật đúng như thế không?… Nửa đêm, vừa chợp mắt, Lực choàng dậy bật đèn xem lại tờ quyết định: đúng là tên mình! Đích thị là tên mình?… Đang đi đường, ghé vào gốc cây, Lực mở cặp xem lại tờ quyết định: đúng ỉà tên mình? Đích thị là tên mình!… Đang nửa chừng cuộc vui bia bọt với bè bạn, Lực lẻn ra một góc vắng xem lại tờ quyết định: đúng là tên mình! Đích thị là tên mình!…
Sau những ngày hồi hộp vui mừng là những ngày lo lắng: liệu mình có gánh nổi công việc quá lớn này không? Liệu mình có đủ kiến thức để đối đáp với các nhà văn hóa không?… Được, cờ đến tay ai người ấy phất. Cứ phất bừa lên. Không đủ tầm cao trí tuệ thì tìm mọi thủ đoạn để nâng tầm cao. Thiên hạ sẽ thấy cờ mình tung bay.
Sau những ngày ngắn ngủi lo lắng là chuỗi năm tháng dài dằng dặc: gồng sức lên! Gồng sức lên! Gồng sức lên để mọi người thấy thằng Quách Quyền Lực này văn hóa không thấp như các người nghĩ, mà nó vẫn bằng vai phải lứa như ai.
Để chứng tỏ điều này, trước hết không dựa vào Cù Văn Hòn như Linh Vũ và nhiều bạn bè khuyên bảo. Gạt Cù Văn Hòn sang làm hành chính trị sự, Lực nắm toàn bộ nội dung. Linh Vũ ơi, mày coi thường tao quá! Mày khuyên tao dựa vào Cù Văn Hòn. Tao không dựa một tí ti nào vào Cù Văn Hòn để mày xem tao có thừa sức làm cái tờ báo văn hóa này không? Để chứng tỏ điều này, phải dùng thủ pháp "mồm miệng đỡ chân tay". Phải nói, nói thật nhiều, nói thật văn hoa, nói có lí luận, nói thật trơn tru, nói ra cái vẻ ta đây thành thạo nghiệp vụ…
Sau mỗi số báo in xong chừng một tuần, toàn cơ quan họp để phê bình góp ý. Vài ba anh em phát biểu ý kiến. Hầu hết thời gian, Lực giảng giải về nghiệp vụ. Lực giơ cao tờ báo, giở từng trang… "Tôi không ngờ họa sĩ làm báo lâu năm mà còn phạm lỗi sơ đẳng thế này… Tên của tờ báo đã màu đỏ, cái tranh in ở dưới lại có nhiều màu đỏ. Cái màu gắt lên làm cho người xem có cảm giác chói mắt…!". "Tôi hoan nghênh thư kí tòa soạn, hoan nghênh họa sĩ đã có cái minh họa đẹp in bìa. Cái minh họa này rất có văn hóa. Nhưng các anh chưa sành sỏi làm báo. Đáng lẽ cái minh họa này phải thu nhỏ in vào ruột theo bài để nhắc lại… Nhắc lại nội dung, nhắc lại hình ảnh… Như thế sẽ gây ấn tượng mạnh cho người đọc…". "Tôi lưu ý họa sĩ và thư kí tòa soạn, cái phi dê này không được làm đậm, các anh tưởng tượng nếu cái phi dê nhạt màu hơn sẽ làm cho trang báo thoáng đãng và tạo cảm giác cho người đọc nhẹ nhõm như đứng giữa bầu trời bao la của một buổi chiều thu thoang thoảng gió heo may…". "Anh Phạm Lương, sao cái tin này lại không có ảnh? Nếu có cái ảnh in kèm theo thì cái tin này sẽ có giá trị gấp mười lần. ảnh là một loại thông tin nhanh, nhạy và gây ấn tượng. Người đọc bây giờ phải chạy theo đồng tiền và bị loạn lên trước hàng trăm tờ báo, không có nhiều thì giờ để đọc, thì ảnh là một phương tiện thông tin kì diệu…". "Mỗi đồng chí chúng ta phải từng ngày từng ngày, qua từng số từng số, qua từng trang từng trang, rút kinh nghiệm, tự mình nâng cao trình độ nghiệp vụ để đáp ứng với nhiệm vụ cao cả của tờ báo đối với công cuộc đổi mới của đất nước…".
Mỗi lần họp cộng tác viên là một dịp tốt để Lực tranh thủ phô trương năng lực của mình. ít nhất là một nửa thời gian Lực dành cho mình: nói và nói, thuyết lí và thuyết lí.
Trước mặt các nhà văn hóa có tên tuổi, trước mặt các giáo sư tiến sĩ, Lực lên giọng phăng phăng như thầy giáo giảng bài cho học trò… "Có người nói văn hóa đài, văn hóa ti vi, văn hóa anh téc net đang lấn át văn hóa đọc. Tôi phản đối. Văn hóa đọc là một loại văn hóa mà nhân loại đã tạo ra hàng nghìn hàng nghìn năm thì nó cũng sẽ tồn tại hàng nghìn hàng nghìn năm vĩnh cửu. Mỗi thứ văn hóa có một chức năng của nó. Không thể đem thứ văn hóa này thay thế cho văn hóa kia. Anh téc nét thay thế được cho văn bia à? Đài tiếng nói Việt Nam thay thế được Truyện Kiều của Nguyễn Du à? Ti vi thay thế được ca dao, tục ngữ kì diệu của dân tộc à?…". "Phân định các giai đoạn lịch sử văn học Việt Nam phải dựa trên một cơ sở thật khoa học. Không thể lấy chữ viết là hình thức chuyển tải của tư duy để phân kì lịch sử văn học. Mà phải lấy nội dung, cái nội dung tư duy của dân tộc để phân kì lịch sử văn học và nghệ thuật. Nội dung tư duy ấy là gì? Là Lý Công Uẩn xác lập nền tự chủ. Là Trần Hưng Đạo đánh thắng quân Nguyên. Là Nguyễn Trãi đánh thắng quân Minh. Là Quang Trung đánh thắng quân Thanh. Là Hồ Chí Minh vĩ đại kiệt xuất, đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đánh thắng hai đế quốc lớn là Pháp, Mỹ….
Đọc duyệt bài để chuẩn bị cho từng số báo, hầu như bài nào Lực cũng sửa chữa để tỏ ra mình không kém gì ai, bất kì bài đó là của nhà văn hóa thuộc cỡ cây đa cây đề. Không sửa ý thì cũng sửa câu. Không sửa câu thì cũng sửa chữ. Không sửa chữ thì cũng sửa chấm phẩy. Không sửa chấm phẩy thì cũng sửa một cái ngoặc ra ngoặc vào gì đấy Bản thảo của ông Nguyễn viết về sự mở cửa để tiếp nhận tinh hoa văn hóa thế giới, ông đặt câu hỏi đề phòng: liệu có bị sự áp đảo của văn hóa phương Tây? Lực gạch hai chừ áp đảo thay vào hai chữ ảnh hưởng. Đến khi báo phát hành, đọc lại bài của mình, ông Nguyễn kêu trời kêu đất: ảnh hưởng thì dĩ nhiên rồi, tôi muốn đề phòng và cảnh báo về sự áp đảo. Lực xua xua tay: "Thành thật xin lỗi anh…Đây là anh Cù Văn Hòn chữa, tôi chủ quan không đọc lại". Đại loại là như vậy. Với một cây bút kim đỏ trong tay, Lực sửa chữa, cắt xén, gạch xóa. Trước toàn thể cơ quan, Lực tuyên bố hùng hồn: "Chỉ được tôi dùng bút đỏ, không được ai dùng bút đỏ. Chỉ có chữ kí của tôi kí đầu trang 1 bản thảo. Nếu các anh Hoàng Bảo, Văn Quyền, Việt Sồ, Cù Văn Hòn… nhỡ tay kí ở vị trí đó thì cũng không phải là chữ kí của tổng biên tập. Cho nên các đồng chí trong ban thư kí trước khi làm mi phải xem chữ kí đó có phải là chữ kí của tôi không. Không phải bất cứ người nào kí ở vị trí đó cũng là tổng biên tập. Nếu thế thì cơ quan ta loạn tổng biên tập. Cả tòa soạn chỉ có một tổng biên tập duy nhất là tôi…". "Làm báo không phải là một nghề mà ai nhảy vào cũng làm được ngay. Phải dày công rèn luyện, dày công học tập, dày công tu chí thì may ra mon men mới gọi là biết làm báo… Hôm nào cơ quan bố trí vài ba ngày lên Tam Đảo yên tĩnh để toàn thể tòa soạn đọc lại các bài báo, không phải đọc bài đã in rồi, mà đọc những bài chưa in do tự tay tôi sửa chữa để đối chiếu với bản thảo gốc, xem tôi sửa như thế nào để học tập để rèn luyện. Mọi người phải tự nhún mình chịu dốt vài ngày để thông cả một đời, còn hơn sĩ diện vài ngày để dốt cả một đời… Anh Cấu, anh lo tiền nong đủ cho cả tòa soạn lên Tam Đảo vài ngày. Không sợ tốn. Làm việc có ích cho Đảng cho nước cho dân thì tốn mấy cũng làm. Nếu việc làm không có ích cho Đảng cho nước cho dân thì một xu cũng không chi ra… Tôi tin rằng ở Tam Đảo vài ngày yên tĩnh, các anh đối chiếu bản thảo gốc với những dòng chữ mực đỏ tôi sửa chữa sẽ nâng cao thêm trình độ nghiệp vụ cả về chính trị cả về văn hóa…".
Từ chỗ tự ti, Lực gồng sức lên, cộng thêm vào cái khoa nói giỏi nói nhiều, thuyết lí giỏi thuyết lí nhiều, thuyết lí trơ tráo, đẩy tâm lí đến chỗ ngộ nhận: ngộ nhận mình có năng lực cao, ngộ nhận mình có lập trường vững. Độc lập tác chiến qua hàng chục số báo, qua hàng trăm số báo, tất cả đều trôi chảy, chẳng có vấp váp gì, chẳng ai kêu ca gì.
A… thì ra làm báo cũng dễ ợt. Điếc không sợ súng, Lực phăm phăm đi giữa chiến trường im tiếng súng… Đùng một phát, Lực vấp một cú đau: Thần tượng! Thần tượng!
"Thần tượng! "Thần tượng" là cái gì mà ghê gớm thế? Bản thân Thần tượng" là "Thần tượng" chứ không phải cái gì khác. Nhưng vì con người không đủ kiến thức để nhìn nhận nó, sử dụng nó, nên nó quay trở lại giáng họa cho con người.
"Trăm bó đuốc mới bắt được con ếch?". Hãy ôn lại, học lại những điều sơ đẳng nhất, giản dị nhất về lẽ sống mà ông cha ta đã tổng kết một cách rất cô đúc qua hàng mấy thế kỷ trong ca dao, tục ngữ.
Lâu nay Lực lăm lăm kiểm tra gắt gao về chính trị thì lại vấp một cú đau về chính trị. Làm gì có "chính trị chay". Chính trị chỉ được nâng cao trên cơ sở tầm văn hóa cao. Kiến thức lõm bõm về văn hóa về lịch sử đã dẫn đến sai lầm về chính trị. Biết chống chế thế nào đây?
***
"Thần tượng" như một quả-bom-sự-kiện nổ giữa những ngày bình yên. Mọi người xôn xao bàn tán. Giới chính trị bàn tán. Giới văn hóa bàn tán. Giới kinh tế bàn tán. Giới thương mại bàn tán. Trong Nam ngoài Bắc bàn tán. Ta bàn tán địch bàn tán. Đài Anh, đài Pháp, đài Mỹ đọc và bình luận. Báo Anh, báo Pháp, báo Việt kiều in lại và bình luận…
Số báo có in "Thần tượng" bán hết sạch sành sanh, không còn bóng dáng trên quầy báo hoặc trong rổ bà đồng nát. Nhiều cửa hàng photocopy bận rộn chụp hàng trăm hàng ngàn bản. Khách đến đặt chụp. Cửa hàng tự chụp để bán… Từ các nhà chính trị, các nhà văn hóa đến các vị cao niên đã về hưu gặp nhau đều hỏi: "Đã đọc Thần tượng chưa?" và họ bàn tán với thái độ phẫn nộ:
- Cái thằng viết bài này cũng như thằng duyệt in bài này đều là gan chó sói chứ không phải gan người.
- Chưa có thằng phản động nào dám trắng trợn xúc phạm đến danh dự dân tộc như thế này.
- Chỉ có loại người quỷ tha ma bắt mới vô liêm sỉ bôi nhọ dân tộc như thế này.
- Một lũ vong ơn bội nghĩa! Nhờ các bậc đại danh anh minh chúng nó mới mở mày mở mặt, rồi chúng nó quay lại chửi bới.
Trong dịp này, hầu hết các cuộc họp ở trung ương ở địa phương, Lực đều để cho Hòn đi dự. Tới đâu Hòn cũng nhận được những lời phê phán gay gắt hoặc là những câu đùa cợt mỉa mai. Hòn chỉ im lặng gật đầu trước những lời phê phán hoặc gượng cườì trước những câu nhạo báng. Nếu có người nào đó chân thành hỏi "Tại sao các ông lại cho in truyện ngắn "Thần tượng?" thì Hòn chỉ trả lời cụt ngủn: "Sai quá rồi!". Chẳng bao giờ Hòn dài dòng thanh minh rằng "Tôi không dính dáng gì đến vụ này. Tôi không hề được đọc truyện này trước khi in". Cũng có người bực tức nói như quát vào mặt Hòn: "Các anh định hạ Thần tượng được cả dân tộc tôn vinh, thờ phụng, để dựng lên một loại thần tượng nào? Các anh hãy trả lời cho chúng tôi biết?". Hòn cúi đầu, rơm rớm nước mắt: "Chúng tôi có lỗi lớn".
Họa hoằn có người xỉ vả: "Nhân dân người ta đòi treo cổ các anh, các anh có biết không?"… Đến dự bất kì một cuộc họp nào, dù lớn dù nhỏ, dù gần dù xa, Hòn trở thành cái thùng để chứa đựng những lời bình phẩm chói tai, những lời răn đe gay gắt.
Các cơ quan cấp trên họp để phân tích cái tác hại của truyện ngắn "Thần tượng" và bàn cách xử lí. Có đồng chí phát biểu: "Chưa bao giờ báo chí ta phạm sai lầm nghiêm trọng như lần này. Kể cả hồi cải cách ruộng đất, nhiều phần tử đả kích Đảng ta cũng không đả kích thâm độc như thế".
Không khí cơ quan trở nên rất nặng nề. Ai cũng cảm thấy như đang gặp một điều bất hạnh lớn. Trước kia, hễ có điều gì không bình thường xảy ra, anh em thường tụm năm tụm ba bàn tán. Nhưng lần này, hoàn toàn khác.
Tâm tư mỗi người đã quá nặng, hầu như không muốn chuyển tải thêm bởi những lời qua tiếng lại. Cộng tác viên vào đưa bài hoặc nhận nhuận bút, ít người ngồi lại trò chuyện, họ lẳng lặng như đi ra từ một ngôi đền thiêng vừa bị ma quỷ quấy nhiễu.
Các cô và các cháu ở phòng Hành chính trị sự cũng không hỏi han gì các anh chị làm biên tập và cũng không muốn quây quần bàn tán. Chỉ có một lần cô Chanh đang xách mấy phích nước đi lên tầng hai, gặp Việt Sồ ở cầu thang. Việt Sồ cúi đầu lùi lũi đi xuống.
Chanh hích mạnh tay:
- Này ông anh… Gớm!… Ông anh làm gì mà khinh em thế?…
- Tao có khinh thì khinh thằng Quách Quyền Lực chứ khinh gì mày.
- Này… em hỏi thật… Ông anh nói thật với em. Liệu tòa soạn có bị đóng cửa không?
- Ai bảo mày?
- Em nghe người ta đồn thế.
- Tao không biết.
- Thế "thầy em" có bị gì không?
- Thằng Lực chuyến này thì toi. Nó cũng nên thôi. Nó ngu lắm. Nó ngu mà nó lại tưởng nó tài giỏi. Chẳng chịu dựa vào anh em mà làm việc. Nó tưởng chỉ cần một mình nó là xốc được tờ báo này. Xốc đi đâu? Xốc xuống biển…
Chanh nhón chân, ghé sát tai Việt Sồ:
- Ông anh tin em thì em nói thật lòng với ông anh… Thầy em mà toi thì bọn em đỡ khổ.
Việt Sồ trừng mắt:
- Cả cơ quan đỡ khổ!
Phan Chấn rất ít khi có mặt tạị tòa soạn. Từ khi được phong "trợ lí tổng biên tập", tức là có chức mà không phải làm gì cả, Chấn càng tha hồ đi đây đi đó. Đến công ty nào, xí nghiệp nào, Chấn cũng chìa cái danh thiếp ghi rõ ràng: "Phan Chấn - văn sĩ - trợ lí tổng biên tập báo Văn hiến nghìn năm, cơ quan ngôn luận của Viện Văn hiến". Cùng với danh thiếp là cái thẻ nhà báo. Khi giơ thẻ nhà báo, Phan Chấn "tế nhị" chìa góc có gạch chéo màu đỏ về phía khách. Làm việc xong, nếu cần thì Chấn viết một bài báo.
Nhờ trời phú cho cái tư chất thông minh, Chấn viết báo rất nhanh, mỗi bài không quá mười lăm phút, thảng hoặc bài dài nhất cũng chỉ ba mươi phút… Nhưng trong dịp này, ngày nào Chấn cũng có mặt ở cơ quan với dáng bộ ra vẻ quan trọng rằng không thể thiếu vắng tôi khi cơ quan gặp điều rủi ro. Có khi ngồi lại mười lăm phút. Có khi ba mươi phút. Có khi một tiếng đồng hồ. Gặp người này trao đổi vài câu Gặp người kia trò chuyện dăm ba điều. Đại khái là "Chúng ta phải giữ cái ổn định cho cơ quan để làm cho tờ báo ngày càng khởi sắc". Lựa chiều người đối diện, Chấn đẩy vấn đề đi xa hơn một chút: "Làm báo khó mà tránh khỏi những sơ suất này nọ, nhưng không được phép sai lầm về chính trị". Hoặc đẩy xa hơn một chút nữa: "Người đã non kém về chính trị thì không nên làm báo, càng không nên cầm chịch một tờ báo". Hoặc đẩy xa hơn xa hơn một chút nữa: "Một tờ báo văn hóa vào loại lớn nhất nước không thể cho phép phạm sai lầm lớn về chính trị như thế này"…
Đứng trước mặt Lực, Phan Chan uốn lưỡi rất dẻo "Tao bảo vệ mày đến cùng. Cùng một thế hệ với nhau, tao bảo vệ mày đến cùng. Vào sinh ra tủ ở chiến trường bom đạn ác liệt không bảo vệ nhau thì bảo vệ ai. Còn thằng Phan Chấn này thì còn thằng Quách Quyền Lực làm tổng biên tập báo Văn hiến nghìn năm". Sau lời nói ấy, Phan Chấn nổ máy, phóng xe đến nhà ông to này ông to nọ, biện bạch rành rọt: "In Thần tượng, uy tín của tờ báo tụt xuống dưới số không. Muốn phục hồi lại uy tín, động tác đầu tiên là phải thay tổng biên tập". Hoặc là: "Nếu để nguyên tổng biên tập, hàng triệu bạn đọc sẽ nghĩ rằng việc in Thần tượng là hoàn toàn đúng"…
Từ hôm xảy ra vụ "Thần tượng", người Phan Chấn cứ bồn chồn khó tả thế nào ấy. Nằm không yên. Ngồi không yên. Nhiều lúc lóe lên niềm vui rạng rỡ… Cơ hội ngàn năm có một, phải chớp ngay tắp lự! Thằng Lực đổ, thì mình chứ còn ai nữa, mình thay nó làm tổng biên tập, chí ít là cũng phó tổng biên tập. Tổng biên tập hay phó tổng biên tập cũng là "đổi đời" rồi! Đi đâu cũng đi bằng ô tô. Thời buổi này các lão giám đốc kinh tế ranh ma lắm. Thấy thằng đi xe đạp, các lão ta coi khinh. Thấy thằng đi xe máy, các lão ta hơi nể. Thấy thằng đi ô tô, các lão ta khúm núm, ô tô càng xịn thì càng khúm núm và cái phong bì càng to. À quên, cái phong bì càng nhỏ - Chả là bọn trẻ trong khu tập thể đã hát bài đồng dao mới đó sao: "Cán bộ to ở nhà nhỏ - Cán bộ nhỏ ở nhà to - Cán bộ to đi xe nhỏ - Cán bộ nhỏ đi xe to - Cán bộ nhỏ ôm bồ to - Cán bộ to ôm bồ nhỏ - Cán bộ nhỏ phong bì to - Cán bộ to phong bì nhỏ!". Thời buổi này, làm ăn mày phải sang, càng sang càng dễ xin. Có lần, bỗng dưng cao hứng, Phan Chấn đèo về một két bia và bảo vợ cùng ngồi uống - lần đầu tiên Chấn mang bia về và cùng uống với vợ. Bà vợ đột nhiên thấy chồng chiều chuộng và hoan hỉ với mình, vừa sung sướng vừa nghi ngờ: Chắc là ông chồng mình bị con bồ nhí nào đó nó đá một cú đau, đành bỏ cái kiếp "ăn phở" để về "ăn cơm"? Chấn bật nút chai, không rót ra cốc, mà dốc chai uống ừng ực, rồi đè vợ ra hôn chùn chụt: "Hè tới, em đi nghỉ mát với anh bằng ô tô riêng… Đổi đời rồi em ạ… Thương em lận đận mãi vì anh… Anh trả công xứng đáng cho em…". Bà vợ sướng quá, nắm hai tay đấm thùm thụp vào ngực Chấn như được tái diễn đêm tân hôn…
Có một hôm, mồm đang sặc mùi bia rượu, Phan Chấn kéo xềnh xệch Cù Văn Hòn ra quán bia "Lùn Xồm", vào đề ngay:
- Mày là một thứ đồ cổ, một ông đồ siêu gàn. Chúng nó gán cho mày là ông "trùm gàn" ở Hà Nội. Khi đáng yêu thì phải yêu, khi đáng ghét thì phải ghét. Khi đáng tôn thờ thi tôn thờ, khi đáng đánh đổ thì đánh đổ. Phải như vậy mới là con người chân chính. Phải như vậy mới đứng vừng giữa cõi đời này. Lúc nào mày cũng thụt lại sau là thế nào? Lúc nào mày cũng ủn cho thằng khác lên là thế nào? Mày tưởng thế thì người ta sẽ thương mày. Mày nhầm rồi, ông đồ gàn ơi! Tao hỏi mày, mày nói cụ thể cho tao biết thằng Lực thương mày trong những trường hợp nào? Chẳng có trường hợp nào cả? Nó chỉ lợi dụng cái tính cách hay mủi lòng của mày, lì xì của mày, xuê xoa của mày để nó kiếm chác. Nó là một ông chủ dốt nát và độc ác. Vì dốt nát và độc ác nên nó mới phạm sai lầm tầy trời như "Thần tượng". Còn đợi đến cơ hội nào nữa? Cơ hội này mà không tung hê nó đi thì chờ cơ hội nào? Tao khổ vì nó thì ít. Mày chịu khổ nhiều vì nó. Cứ để nó tha hồ làm khổ mãi à? Cù Văn Hòn ơi, mày chẳng ra Phật, mà cũng chẳng ra Thánh, mà cũng chẳng ra ma. Mày là đồ gàn.
Hòn cắn môi. Tay phải chống cằm. Đầu ê ẩm và tưởng chừng như vỏ não bị bọc một lớp nhựa đường. Số phận tờ báo này long đong quá. Cứ thay tổng biên tập xoành xoạch. Rồi tân quan tân chính sách. Tính truyền thống của tờ báo bị đứt đoạn. Chẳng ai bảo quản giữ gìn được tư liệu từ khi xuất bản số một đến nay. Chẳng lẽ Lực vừa làm được mấy năm lại thay ư? Có người nói Lực "đổi mới quá đà" nên mới mắc sai lầm nghiêm trọng. Chẳng phải thế. Lực không đổi mới không bảo thủ, mà chỉ là một người cơ hội, gió chiều nào che chiều ấy. Vậy thì cậu ta không có bản lĩnh sao? Có chứ, rất có bản lĩnh bản lĩnh mãnh liệt hiếm thấy ở một người nào khác: dùng tất cả mọi thứ thủ đoạn để tiến thân? Với vụ "Thần tượng" tầy trời này, Lực sẽ dùng thủ đoạn gì để vượt qua? Loại thủ đoạn nào? Kiểu thủ đoạn nào? Thủ đoạn bác học hay thủ đoạn dân dã? Thủ đoạn sang trọng hay thủ đoạn đê hèn?…
***
Mệt phờ người. Hòn chỉ ăn qua loa một bát cơm, rồi nằm dài, mở cát xét nghe dân ca. Đối với Hòn, làn điệu dân ca quê hương có giá trị như hều thuốc thư giãn thần kinh…
Cù Văn Hòn đã nhờ Đài phát thanh và truyền hình, nhờ một số nhạc sĩ quen thuộc thu gần mười băng dân ca… Nghe đến hàng chục lần hàng trăm lần, Hòn vẫn mê. Ông cha mình đã đúc kết đầy đủ những bài học luân lí cho con cháu. Văn chương nêt đất thông minh tính trời… thông minh là việc trời cho, nhưng nêt đất không chỉ thuần là địa lí, mà còn bao hàm tính truyền thống, tính di truyền như một tài sản quý báu ông cha để lại. Hòn võ vẽ làm văn chương phải giữ lấy cái nết đất ấy…
- Cháu chào bác Hòn ạ?
Đang miên man thả lòng mình theo điệu dân ca, Hòn giật mình: thằng Vệ bước vào cửa.
- Cháu vào đây! Chắc là cháu vừa về thăm ông bà. có khoai lang mang cho bác?
Ông bà tản cư vào vùng tự do, rồi sinh cơ lập nghiệp trong đó từ bấy đến nay. Biết Hòn rất thích món khoai nghệ bẻ ra vàng óng, lần nào về thăm quê, ông bà cũng luộc cho Hòn ăn. Mỗi lần thằng Vệ về, thế nào ông bà cũng bảo nó mang khoai cho bác Hòn…
- Thưa bác, không ạ. Cháu có về thăm ông bà đâu ạ. Cháu mà vể thì nhất định phải mang khoai cho bác… Cháu muốn hỏi bác một việc khác có được không ạ?
- Cháu cứ nói đi!
- Hừm.
- Cháu cứ nói đi.
- Cháu sợ bác mắng.
- Bác có mắng cháu bao giờ đâu mà cháu lại nói thế…
Thưa bác… cháu nghe bạn cháu ở trường nó bảo bố cháu là phản động… có phải không ạ…
- Nói bậy! Vì sao bạn cháu lại nói thế?
- Chúng nó chuyền tay nhau đọc bài "Thần tượng" rồi nói với nhau "Chỉ có thằng phản động mới đưa in bài này. Bàc ạ, các thày các cô cũng đọc. Bác ạ, ông bảo vệ trường cháu cũng đọc… Đọc nhiều lắm…
Hòn tìm càch nói lảng sang chuyện khác:
- Không có đâu? Cháu có hay gửi thư về cho ông bà không? Ông bà cháu năm nay cũng gần tám mươi cả rồi. Hồi bác còn nhỏ, ông bà thương bác lắm, lần nào luộc khoai cũng để dành cho bác mấy củ to, búng vào kêu bóp bọp… Bác thích ăn khoai lắm. Cháu có thích ăn khoai không?
- Cháu chẳng thích ăn khoai. Sáng nào bố mẹ cháu củng đưa tiền cho cháu ăn một bát phở. Phở Hà Nội ngon bác nhỉ. Phở trong ta chẳng ra gì. Hè năm ngoái cháu về chơi, thèm phở quá, cháu ra quán, chỉ ăn được vài thìa là cháu bỏ. Mà trong ta nóng ơi là nóng, máy điều hòa không có, quạt máy không có. Bố mẹ cháu bảo cháu về chơi với ông bà một tháng, cháu chỉ ở được năm hôm là cháu ra…
- Bác tưởng cháu về quê chơi thích hơn chứ?
- Chẳng thích chút nào đâu bác ạ. Mấy đứa bạn hàng xóm thì bẩn thỉu. Chúng nó chẳng biết chơi cái gì, suốt ngày đi chăn trâu, bắt tôm bắt cá, bùn lấm bê bét, bẩn ơi là bẩn… Cháu ở ngoài này thích hơn. Bố mẹ cháu đi làm suốt ngày, cháu muốn học lúc nào thì học chơi lúc nào thì chơi. Bố cháu bận lắm bác ạ. Không ngày nào ở nhà. Chủ nhật cũng đi. Sớm mai cháu ngủ dậy, bố cháu đã đi rồi. Tối nào cũng khuya mới về. Có khi cả tuần bố cháu mới ăn cơm với mẹ con cháu một bữa…
- Thôi cháu về mà học bài đi… Chảu gắng học cho giỏi…
- Cháu chào bác cháu về ạ…
Thằng Vệ bước được vài bước, quay lại:
- Thưa bác… thế bốcháu không phản động chứ ạ?
- Nói bậy? Cháu đừng nghe chúng nó nói bậy.
Hòn nhìn theo thằng Vệ đi ra cổng với một dáng hồn nhiên, tự nhiên Hòn có cảm giác bùi ngùi… Cách đây chừng dăm năm, bác sĩ khám cho cháu bảo cháu bị một chứng bệnh nan y: teo ngọc hành. Linh Vũ bàn với Lực và Hòn: tuyệt đối giữ bí mật, ngoài ba thằng ra không cho một ai biết, cố chạy chữa cho cháu may ra khỏi, nếu không khỏi thì đến tuổi trưởng thành có con bé nào thương cháu thì cháu cũng có đôi có lứa đỡ tủi thân cháu…
Vợ chồng Lực và Linh Vũ, Hòn giữ kín như bưng chuyện bất hạnh này. Năm năm qua, vợ Lực chạy ngược chạy xuôi lo lắng cho con. Hết ngoài Bắc vào trong Nam. Hết miền xuôi lên miền ngược. Hết Đông y sang Tây y. Đi lễ hết đền này sang chùa khác. Đi cúng hết thầy này sang thầy khác.
Tình cảm của người mẹ đối với con như trời như bể. Lực phó mặc hoàn toàn cho việc cửa nhà việc con cái, dấn thân vào con đường giành giật quyền lực, say mê đến mụ đầu mụ óc bỗng nhiên vấp vào cái "Thần tượng" choáng mày choáng mặt. Đau hơn hoạn. Làm thế nào để vượt được? Làm thế nào để vượt được? Làm thế nào để vượt được?
Lực là người lừng danh trong giới văn hóa về tài nghệ thủ đoạn. Đứng trước một điều nguy khốn, người khác chưa nghĩ ra được một kế đối phó thì trong đầu Lực đã nảy ra hàng chục thủ đoạn. Thủ đoạn bò ra lổm ngổm như đàn rết bò ra từ một góc rừng ẩm ướt. Nhưng keo này thì…
Phan Chấn:
- Trời cũng không cứu được?
Hoàng Bảo:
- Lực biết khiêm tốn làm việc thì người ta còn thương. Nhưng hắn kiêu căng, đểu cáng quá, không ai thương nổi!
Việt Sồ:
- Trên có trời dưới có đất, tao nói không sai! Toi! Toi! Toi! Phen này thì thằng Lực toi!…
Nhưng trời ở đâu? Đất ở đâu? Trời và đất cũng chỉ là vật chất tồn tại ngoài tư duy phi vật chất của con người. Trời và đất đâu có soi thấu được cái góc lòng tối tăm nhất của Lực mà từ nơi đó đàn rết thủ đoạn bất thình lình lổm ngổm bò ra.
Trong những phút bí bức nhất, quẫn bức nhất, khao khát quyền lực nhất, Lực quằn quại và vụt lóe ra tia sáng thủ đoạn đầy tội lỗi: dùng thằng Vệ làm con bài cuối cùng!
Dùng như thế nào? Dùng như thế nào cho có hiệu quả? Dùng như thế nào cho có hiệu quả nhất? Lực lục lọi trong trí nhớ những sách vở đã đọc được, đã học được, gạn ra, moi ra, móc ra, bới ra, để xem cái gì có thể ứng dụng vào phút lâm nguy này. Cùng tắc biến, biến tắc thông. Phải quyết liệt. A, Hàn Tín? Hàn Tín! Hàn Tín! Lực reo lên hai tiếng "Hàn Tín" như một tên tuổi ngời sáng làm vị cứu tinh cho đời mình.
Trong Sử kí Tư Mã Thiên có ghi: "Hoài âm Hầu Hàn Tín là người ở huyện Hoài âm. Khi còn hàn vi, nhà nghèo, tài năng đức hạnh không có gì để được cử làm quan, lại không biết lo việc làm ăn buôn bán. Thường theo người ta ăn bám… Trong số những người hàng thịt ở Hoài âm, có một người trẻ tuổi trêu Tín nói:
- Mày tuy cao lớn lại thích mang đao kiếm, nhưng trong lòng thì nhát thôi.
Y làm nhục Tín trước mặt mọi người:
- Tín! Mày đâm chết thì hãy đâm tao, nếu không đâm chết thì luồn dưới háng tao đây.
Thế là Tín nhìn người kia đăm đăm, cúi xuống bò qua háng. Cả chợ cười Tín là nhát gan…".
Thiên hạ có ngờ đâu về sau Hàn Tín trở thành một vị tướng giỏi. Lúc trở về, gập anh hàng thịt, Hàn Tín nói: "Nhờ anh mà tôi được như ngày nay!". Người đời đánh giá hành động chui qua háng anh hàng thịt là "đại dũng". Hàn Tín còn chịu nhục như vậy, huống hồ là mình?
Lực cũng đã từng bô bô thuyết lí trước cơ quan "chịu ngu vài ngày để thông cả một đời", chẳng lẽ đến lượt mình, mình lại không chịu nhục được vài ba ngày hay sao!
Thế là Lực dùng thằng Vệ làm con bài mở chiến dịch "bò qua háng anh hàng thịt". Chạy ngày thường, chạy chủ nhật. Chạy ngày, chạy đêm. Chạy nắng, chạy mưa. Gõ cửa nhà ông to kia lúc sáng sớm trước khi đi làm. Gõ cửa nhà bà to nọ sau bữa cơm tối… Gõ cửa… gõ cửa… gõ cửa… tất cả cận thần của ông to kia bà to nọ. Và tự hạ mình đến tận đáy. Khóc lóc. Nước mắt dàn dụa. Kêu gào thảm thiết…
"Trong thời gian tôi đọc Thần tượng thì bác sĩ khám cho thằng con tôi, phát hiện bệnh thằng con tôi là bệnh teo ngọc hành… Thằng con duy nhất của tôi bị bệnh teo ngọc hành… Tôi bị ngất đi ngất lại mấy lần… Suốt mấy đêm liền tôi không chợp mắt được! Tôi uống thuốc an thần cũng không chợp mắt được. Trời ơi là trời, thằng con tôi bị bệnh teo ngọc hành… Trời hành hạ tôi trời hành hạ thằng con tôi… Tôi bị hành hạ trong lúc tôi đang đọc Thần tượng… Tôi không còn một chút sáng suốt nào. Đầu óc trở thành cục đá cục đất. Đầu óc tôi nhão nhoẹt như bùn…". Hoặc là chân thành đến tột cùng chân thành: "Tội của tôi đáng bị chu di tam tộc. Tôi có tội lớn với Đảng với Chính phủ với nhân dân. Tôi có tội lớn với Vua Hùng với Bác Hồ…". Hoặc là trước mặt một nữ cán bộ cấp trên, Lực lăn quay ra, đầu tóc bù xù: "Chị Lan ơi, chị là một người phụ nữ một người mẹ, chị sẽ hồn xiêu phách lạc nếu đứa con của chị bị cơn bệnh hiểm nghèo như con tôi… Chị đã là người mẹ của hai đứa con, chị rơi vào số phận như tôi chị còn đứng vững trên đời này được không… Cả nhà tôi như đám tang khi phát hiện ra thằng con tôi bị bệnh teo ngọc hành… Chị Lan ơi, tai vạ thảm khốc giáng xuống đầu tôi. Tôi là thằng bất hạnh nhất trong những người bất hạnh…". Chị Lan cũng lấy mùi soa lau nước mắt. Chị cố nén cơn xúc động, nói: "Tôi… tôi… tôi thông cảm…", rồi chị quay mặt vào tường, đột nhiên chị gục mặt lên bàn, nấc từng hồi dài, hai vai rung lên… Lực đã có nghệ thuật tuyệt vời cảm hóa được đối phương một cách mãnh liệt, một cách vô cùng hiệu quả. Dễ chừng nghệ-sĩ-nhân-dân cỡ bự cũng phải gọi Quách Quyền Lực bằng cụ.
Chưa xong, còn cần phải cảm hóa cả cái cơ quan Viện Văn hiến, cả tòa soạn báo "Văn hiến nghìn năm" để không một đứa nào chọc vào mình, quấy rối mình. Phải cảm hóa từ ngoài vào từ trong ra. Không để một kẽ hở nào. Vòng vây cảm hóa khép kín rìn rịt thì mới vượt qua được cái dốc "Thần tượng" ghê gớm này…
Khác với những cuộc họp trước, hôm nay anh em đến sớm hơn. Ai nấy ngồi im lặng, không nô đùa. Người thì đọc báo. Người thì đọc bản thảo. Người thì đọc thư cộng tác viên. Người thì đút tay vào túi quần, lơ đãng xem tấm ảnh treo trên tường. Người thì mân mê sửa lại cái khuy áo…
Lực xách chiếc cặp da đen bước vào, không khí phòng họp càng im lặng - cái im lặng ngột ngạt dường như sắp nổ một trận bão… Hàng chục cặp mắt dõi nhìn Lực mở cặp, rút ra cuốn sổ, rút chiếc bút dạ, đeo kính, ghi ghi chép chép… E hèm… Lực e hèm… Tiếng e hèm vang lên như tiếng sấm giữa cái im lặng tuyệt đối. Mặt anh ta bợt bạc. Má hõm. Mắt hõm. Hai gò má nhô cao. Khi cúi xuống, lồ lộ cái đầu trắng hếu một vạt hói bằng bàn tay. Trong những ngày vật lộn, chống đỡ với "Thần tượng", chắc là tốc độ hói tăng nhanh hơn trước…
Bất thần, Lực đứng dậy:
- Anh Nguyễn Toàn Năng! Anh dừng lại được rồi! Anh giáng họa xuống đầu tôi, xuống đầu tòa soạn. Anh độc ác như thế đủ rồi. Tôi cầu mong anh đừng giáng họa xuống đầu tôi nữa. Anh Nguyễn Toàn Năng ơi là anh Nguyễn Toàn Năng ơi!… Anh bẫy tôi lúc tôi gặp lâm nguy?…
Bất thần, giọng Lực khản đặc:
- Cuộc đời tôi trong sáng một lòng trung thành với Đảng, bây giờ tôi bị mang tiếng… phản, phản… không… không… không trung thành với Đảng… là do anh bẫy tôi anh Nguyễn Toàn Năng ơi…
Bất thần, nước mắt Lực trào ra:
- Tôi đọc bản thảo "Thần tượng" đúng lúc bác sĩ phát hiện bệnh thằng con tôi teo ngọc hành… Anh đánh quả rất trúng anh Nguyễn Toàn Năng ơi!
Giọng Lực khản hoàn toàn, không thể phát âm được nữa. Anh ta vòng hai tay, gục mặt xuống bàn.
Nhiều người không nhìn Lực mà lại quay nhìn Nguyễn Toàn Năng với cặp mắt trách giận. Mấy cô Đào, Chiều, Thuyên… rân rấn nước mắt. Một lần nữa, Lực lại thành công mĩ mãn trong việc đổ lỗi cho người khác để mình rút lui về hậu cứ an toàn…
"Tôi đọc bản thảo Thần tượng đúng lúc bác sĩ phát hiện bệnh thằng con tôi teo ngọc hành…". Đâu phải thế, Lực ơi! Bác sĩ đã phát hiện ra bệnh của thằng Vệ cách đây năm năm kia mà? Hòn cảm thấy ghê lạnh cả sống lưng. Có người bố nào lại nhẫn tâm đem nỗi bất hạnh của con để kê cái ghế ngồi của mình. Hành động này chỉ có thể so sánh với một nhân vật trong lịch sử cổ đại. Ông ta nhờ thầy địa lí tìm đất táng mộ tổ để được trèo lên ghế cao của quyền lực Thầy địa lí tìm được đất và nói: "Nếu táng vào mảnh đất này thì đời ông sẽ rất vinh quang, nhưng muôn đời con cháu bị nguyền rủa". Không cần mảy may suy nghĩ, ông ta hoan hỉ gật đầu. Mưa lúc nào mát mặt lúc ấy. Đơi cua cua máy đời cáy cáy đào…