Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, gia đình Lực từ ngoài Bắc tản cư vào vùng tự do. Lúc đó Lực chưa đầy mười tuổi.
Dốc Cướp vốn là một eo núi vắng vẻ có con đường liên huyện vắt qua, bỗng trở nên tấp nập phố xá. Trong những năm đói kém, nơi đây bọn kẻ cướp thường tụ tập để cướp giật của cải người qua đường, cho nên người ta quen gọi dốc này là Dốc Cướp. Bố mẹ Lực dựng một cái quán dưới chân dốc đầu dãy phố. Mẹ bán hàng tạp hóa. Bố làm nghề gò hàn đồ đồng đồ tôn. Lúc đầu, bà con không biết tên ông, cứ gọi là "Ông Gò Tôn", rồi giản lược là "ông Tôn".
Dãy phố mỗi ngày một dài thêm theo cuộc kháng chiến trường kì. Những mái nhà nho nhỏ mọc lên mỗi ngày một đông đúc như đàn chim di cư rủ nhau bay về đậu trên sườn đồi bình yên. Có dân tản cư ở Quảng Bình ra, ở ngoài Bắc vào. Nhưng đông nhất là dân thành phố Vinh. Chẳng bao lâu, cái eo núi heo hút và đầy những chuyện cướp giật, giết người rùng rợn, đã trở thành một nơi sầm uất. Dọc theo hai bên vệ đường vắt từ chân dốc bên này sang chân dốc bên kia, những ngôi nhà nứa mọc lên san sát.
Ngoài tiếng người cười nói ồn ào, cái âm thanh duy nhất của công việc vang lên trội nhất là tiếng búa gõ vào kim khí của ông Tôn. Ông làm tất cả mọi việc thuộc gò hàn. Hàn nồi đồng. Gò bếp lò. Làm ống loa. Dần dẩn về sau, ông tập trung làm đèn chai. Trong nhừng năm kháng chiến chống Pháp, đèn chai rất phổ biến ở vùng này. Nhất là học sinh đi học ban đêm em nào cũng xách một chiếc đèn chai.
Cù Văn Hòn và một số bạn bè thường đến quán ông Tôn làm đèn chai. Lúc rỗi rãi, Hòn tới xa xẩn ngồi xem. Những động tác của ông tuy đơn giản, nhưng Hòn cảm thấv là lạ vui vui ông nung vòng dây thép trong lò, rồi đặt nhẹ nhàng cái vòng đỏ lên cổ chai, cổ sẽ rời ra khỏi thân một cách dễ dàng. Để cắt đáy chai ông cũng làm như vậy…
Do đến quán ông Tôn nhiều lần, Hòn quen với Lực. Dần dần hai cậu bé thân nhau. Vợ chồng ông Tôn thấy Hòn ngoan ngoãn và hay tò mò hỏi việc này việc nọ, cũng đâm ra mến Hòn.
***
Những năm học cấp hai trường Hoan Châu, Lực và Hòn cùng ở trọ một nhà tại xóm Duối. Đó là những nărn vô cùng cực khổ, nhưng hai người thương nhau như anh em ruột thịt. Chính cái tình thương ấy là chỗ dựa để hai người cố gắng học tập có hiệu quả.
Đằng đẵng ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, ăn uống kham khổ. Sáng dậy, nhịn ăn, cắp sách đến trường. Buổi trưa, sau khi tan học, cắp rổ đi hái rau. Mùa rau khoai thì hái rau khoai. Mùa đậu thì hái lộc đậu. Hết khoai hết đậu thì cuốc rau má. Hết rau má thì hái lộc mưng… Hai cậu vừa ăn vừa gõ bát hát nghêu ngao nhảy cóc từ bài này sang bài khác: "Một mùa thu năm qua cách mạng tiến ra đất Việt… Khỏe vì nước kiến thiết quốc gia… đoàn thanh niên ta góp tài ba… Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi, lòng có mong chi ngày trở về… Anh em ta trong đoàn quân du kích, cùng vác súng lên nào… Ra đi ra đi bảo toàn sông núi… Ra đi ra đi thà chết chớ lui…".
Cố Phiên chủ nhà tuy rất nghèo, nhưng lại thương các cháu học sinh ăn uống kham khổ như thế mà học nhiều thì sẽ đau ốm. Mỗi lần đi làm đồng bắt được con lươn con cá, cố đều gắp cho hai cậu một ít. Trời rét, hai cậu học đến quá nửa đêm, rồi đắp một chiếc chăn mỏng ôm nhau ngủ trên chiếc giường tre. Thấy thế, cố bèn quây một cái ổ rơm ở bếp để ba ông cháu cùng ngủ.
Cuộc sống cơ cực như vậy mà Lực và Hòn học rất say mê. Trên đường từ nhà đến trường, từ trường về nhà, hai cậu vừa thủng thẳng đi vừa xào bài, truy bài, ôn bài. Đêm nào cũng thức đến gà gáy canh ba, hì hục làm toán, làm văn, đọc sách. Học đến ốm người. Hòn bị sốt rét. Có hôm cơn sốt, lên dữ dội, Hòn trùm chiếc chăn mỏng, nằm tùm hum, run bần bật. Vừa run vừa rên hừ hừ… Lực nằm đè lên người Hòn mà Hòn vẫn run bắn lên. Cơn sốt kéo dài giữa buổi chiều vắng vẻ, Lực sợ quá, thương quá, vừa khóc vừa chạy sang các nhà hàng xóm tìm người chạy chữa.
Những lúc đó, Lực hoàn toàn là một đứa trẻ với tình thương trong sáng và hồn nhiên. Sang nhà này vắng người Lực chạy sang nhà khác, vừa chạy vừa kêu la rối rít: "Bác ơi bà ơi… Ông ơi… Cứu bạn Hòn của cháu với. Bạn Hòn của cháu ốm nặng lắm… Bác ơi… bà ơi… Ông ơi… Cứu bạn Hòn của cháu với. Ông bà có thuốc gì cứu bạn Hòn của cháu…". Một số bà con nghe tiếng Lực gào thảm thiết, vội vã chạy sang. Thấy đông người xúm xuýt, Lực mới yên tâm và không khóc nữa.
***
Cứ đến mùa hè là Hòn rủ Lực về quê chơi. Làng Kẻ Lội quê Hòn ở miền hạ lưu sông Phùng, cách Dốc Cướp chừng mười lăm kilomet. Trong ba tháng hè, thỉnh thoảng hai cậu lại làm một chuyến cuốc bộ lên nhà Lực ở dăm ba hôm, rồi lại xuống nhà Hòn ở dăm bảy hôm. Nhưng cái phố Dốc Cướp đơn điệu không hấp dẫn Lực bằng làng Kẻ Lội có đồng bằng trải rộng dọc hai triền phù sa, có dòng sông uốn khúc giữa những bãi bần bãi sú, có núi Di Lĩnh sừng sững giữa bầu trời như vị tướng thần thoại. Hòn lại có một thằng bạn làng là thằng Bá thân nhau từ thời tóc còn để chỏm. Nhà Bá nghèo, không được cắp sách đến trường học tập như Hòn. Suốt ngày Bá lặn lội ngoài đồng, da đen như củ súng, tóc cháy vàng như lông bò. Ngay từ hôm đầu dẫn Lực về chơi, Hòn đã dắt Lực đến nhà Bá. Chỉ trong vài ngày là Bá đã thân thiết với Lực, cư xử với Lực như đứa bạn láng giềng từ khi mới lọt lòng mẹ.
Lực cũng cảm thấy không có chút cách bức gì với Bá. Thằng Bá đã là bạn thân của Hòn thì lẽ dĩ nhiên nó là bạn thân của mình, đơn giản thế thôi. Có thằng Bá, Lực khoái lắm.
Bá bày cho Lực tập bơi. Làng Lực ở ngoài Bắc cạnh con sông Đáy, nhưng bố mẹ không bao giờ cho Lực ra bờ sông một mình. Cứ hễ thấy Lực mon men đi ra hướng bờ sông là bố mẹ gọi quay lại. Bây giờ tản cư vào đây, Lực đã trên mười tuổi rồi, thấy thằng Hòn là người tử tế bố mẹ mới yên tâm cho Lực đi chơi với Hòn. Về làng Kẻ Lội; được làm thân với thằng Bá thì tuyệt nhất trần đời… Lúc đầu Bá chỉ cho Lực quanh quẩn ở bến sông. Bá đỡ dưới bụng Lực cho Lực tập bơi ra bơi vào trong vòng dăm bảy sải tay. Rồi dần dần Bá để cho Lực bơi ra giữa sông có Bá bơi kèm. Trong vòng nửa tháng, Lực đã có thể bơi qua sông Phùng.
Bá có tài bắt cá, bắt lươn, bắt ếch. Mỗi lần thấy Hòn dẫn Lực về chơi, là Bá mang giỏ vác thuổng ra đồng, kiếm con cá con lươn chiêu đãi hai ông bạn. Những ngày đi học, ở nhà trọ, ăn uống quá kham khổ, Bá lại mang lên cho Hòn và Lực một ít cá hoặc tôm kho sẵn. Lực nói với Hòn: "Mày có thằng bạn tốt nhất trên đời. Phúc bảy mươi đời mày có được thằng bạn như thằng Bá. Phúc của mày cũng là phúc của tao. Nhờ trời sau này, tao với mày đi làm cho nhà nước được nhiều lương bổng, nhớ mà trả ơn cho nó…!".
Thú vị nhất là những ngày nắng chang chang, Lực kéo Bá, Hòn và lũ chăn trâu đuổi chim sáo. Sau một đợt chơi bời thỏa chí, Bá lại sắm một cái lồng thật đẹp nhốt vài chú sáo cho Lực mang về khoe với bố mẹ. Trước quán ông Tôn, có thêm tiếng sáo hót suốt ngày, khách đến càng đông, vừa mua hàng vừa xem chim sáo. Dãy phố Dốc Cướp càng thêm rộn rã tiếng búa gõ tôn. tiếng chim hót líu lo…
***
Ở lưng chừng Dốc Cướp phía trên, có một hiệu sách do Ty Thông tin dựng lên. Vách bằng nứa, mái bằng nứa. Nhưng phía trong, giăng đầy sách báo và tranh ảnh, cho nên trông ngôi nhà sáng hẳn lên, sang trọng hẳn lên. Đây là vùng tự do, cho nên hầu hết sách báo in ở Việt Bắc đều chở đầy đủ về đây. Có quán sách, cái phố nứa tản cư nơi núi đèo heo hút này bỗng trở nên sáng sủa, văn minh…
Nhiều ngày chủ nhật, Hòn rủ Lực ra chơi ở hiệu sách.
Say mê ngắm tranh ảnh. Say mê xem hết tờ báo này sang tờ báo khác, dở hết cuốn sách này sang cuốn sách khác. Hòn thường dành tiền để mua sách. Có lúc, thấy một số báo Văn nghệ mới, Hòn thèm mua quá mà không có tiền, Lực đành chạy về nhà xin tiền mẹ, nếu không gặp mẹ, Lực đánh cắp mấy đồng để mua cho kì được. Hòn và Lực hợp nhau ở chỗ say mê văn chương. Ở lớp, hai cậu vào loại khá văn nhất, bài luận nào cũng được thầy giáo gọi đứng dậy đọc cho cả lớp nghe.
Có một bài Lực được 8 điểm, mà Hòn chỉ được 6 điểm. Vào giờ học, cả lớp hồi hộp dõi theo nét phấn của thầy Đức viết trên bảng đen: "Người Anh Cát Lợi có câu ngạn ngữ: Tình bạn trong cuộc đời cũng như ánh nắng của mặt trời, đánh mât tình bạn cũng như đánh mất ánh sángcủa mặt trời. Em hãy bình luận và chứng minh câu ngạn ngữ ấy". Lực suy nghĩ một chốc, rồi hăm hở cầm bút viết lia lịa. Thời hạn nộp bài là một tiếng rưỡi đồng hồ, nhưng chỉ sau hơn một tiếng Lực đã làm xong bài dài bốn trang giấy. Đến hôm trả bài, thầy Đức gọi Lực đứng dậy tự đọc bài của mình trước lớp. Cả lớp chăm chú lắng nghe. Phần bình luận không hơn Hòn, thậm chí có thể không bằng Hòn. Nhưng phần chứng minh thì thật là sinh động, Lực đưa ra những dẫn chứng của bản thân mình. Thỉnh thoảng cả lởp cười rộ lên. Thầy Đức búng hai ngón tay vào nhau kêu bóc… bóc… và nói: "Các em im lặng". Có lúc thầy không dặn học trò im lặng, mà thầy cao hứng búng ngón tay kêu bóc… bóc… liên tục và khen ngợi "Biếng… biếng…". Thằng Thìn ngồi bên cạnh hích tay vào người Hòn: "Hay… hay…!".
Lực lại có giọng đọc rất diễn cảm. Phần bình luận, cậu ta đọc chậm rãi với giọng chắc nịch, chấm phẩy câu rõ ràng. phần chứng minh, cậu ta luôn luôn thay đổi giọng lúc thì nghiêm trang lúc thì hài hước để phù hợp với nội dung mẩu chuyện đưa ra làm dẫn chứng. Mẩu thứ nhất: Lúc Hòn lên cơn sốt nặng, run cầm cập, Lực lo sợ khóc òa lên. Chợt nhớ mình đang để dành mấy đồng để mua bút giấy, Lực lấy tiền đó chạy tìm mua kí ninh cho Hòn uống… Mẩu thứ hai: Có một bạn đặt bố Lực làm chiếc đèn chai. Lúc đến lấy đèn, sờ tay vào túi, tiền rơi mất tử bao giờ. Bạn ấy khóc lóc, đành chạy về nhà cách năm cây số.để xin tiền mẹ. Lực thương quá, chạy theo.. "Bạn ấy ơi, tớ có tiền đây, đừng khóc nữa…". Sau hai mẩu chuyện, Lực viết câu bình luận: "Em mất tiền, nhưng em lại được thêm tình bạn như em được nhận thêm ánh nắng của mặt trời ấm áp". Tiếp đó, bài luận được dẫn chứng mẩu chuyện thứ ba. Lực và Hòn rất thân nhau, lúc nào cũng quấn quýt với nhau như hình với bóng. Mẹ cho một chiếc kẹo lạc bằng hai ngón tay, Lực cố tìm gặp Hòn, bẻ đôi cái kẹo, mỗi đứa ăn một nửa mới thấy ngon miệng. Lần ấy, Hòn bị cảm sốt, phải nghỉ học ba ngày. Lực nhớ vô cùng, vắng hơi ấm của bạn như vắng hơi ấm của mặt trời. Không chịu được, Lực đành bớt tiền quà mẹ cho hàng ngày để mua một quả cam, cuốc bộ đến tận làng Kẻ Lội thăm Hòn. Được gặp lại bạn, mừng quá, mừng như sau mấy ngày đông mưa dầm được sưởi ấm ánh nắng mùa xuân…
Trong giờ chơi, bạn bè xúm lại bàn tán. Đứa nào cũng khen lấy khen để. Duy có thằng Cờn bĩu môi:
- Gớm, có gì cao siêu đâu. Chẳng qua là thằng Lực có tài về khoa nói. Nó đọc dõng dạc lên bổng xuống trầm thì nghe có vẻ hấp dẫn. Đã bao nhiêu lần tao chứng kiến rồi. Cũng một chuyện như thế, thằng Lô thằng Hòn kể thì nghe nhạt phèo, mà thằng Lực kể thì nghe hùng hổ lắm.
Cái Hằng phản đối:
- Bài của Lực trội hơn bài của ta, trội hơn cả bài của Hòn. Dễ hiểu thôi các bạn ạ. Cha mẹ Lực làm nghề buôn bán được nhiều tiền. Khi nào trong túi Lực cũng có tiền thì mới nấy ra những chuyện Lực kể. Còn bọn ta con nhà cày cấy, trong túi không có một xu, thì làm gì nẩy ra được những chuyện như thế.
Hòn gật gù:
- Đúng… đúng… Cái Hằng nói đúng. Văn hay là nhờ cái thật, nhờ cái chuyện kể sinh động.
Cờn lại bĩu môi:
- Gớm, rồi để xem… Nói hay là một nhẽ. Làm hay mới đáng quý. Thức lâu mới biết đêm dài, để xem thằng Lực xử sự với bạn bè như thế nào khi bạn gặp hoạn nạn trên đường đời.