Báo "Văn hiến nghìn năm" và báo "Văn hiến tương lai" vừa ra khỏi nhà in buổi sáng thì ngay buổi chiều hôm ấy đã xôn xao dư luận cả thành phố. Rồi ngày hôm sau, ngày hôm sau nữa, các thành phố khác và các tỉnh cũng xôn xao dư luận. Không phải vì báo có in bài sai phạm chính trị. Cũng không phải vì báo in bài phóng sự điều tra về một vụ án giật gân. Cũng không phải vì báo đưa tin về một ông cán bộ cấp côi tham nhũng hàng trăm tỉ đồng… Mà đơn giản hơn nhiều, dư luận xôn xao thuộc về một vấn đề học thuật. Trên trang ba của hai tờ báo đều in quảng cáo một cuốn sách của nhà nghiên cứu phê bình Quách Quyền Lực.
Lời quảng cáo chỉ có mấy dòng, nhưng được in cỡ chữ to và đóng khung trang trọng. Có in kèm theo bìa sách. Và có in kèm theo ảnh tác giả, không phải ảnh chân dung, mà tấm ảnh khiêm tốn: tác giả đang cúi đầu chăm chú đọc sách.
Cái giật gân ở đây là nghệ thuật văn phong quảng cáo:
"Thời đại mới nền văn hiến mới" tác phẩm của Quách Quyền Lực Cuốn sách tái bản lần thứ mười, một hiện tượng hi hữu.
Giữa thời buổi đồng tiền tác oai tác quái, cuôn sách tái bản lần thứ mười, một hiện tượng rất hi hữu.
Giữa thời buổi đồng tiền tác oai tác quái, cuốn sách tái bản lần thứ mười, một hiện tượng vô cùng hi hữu.
Ngay số báo sau, cũng trên trang ba, in "Lời cảm tạ và thông cảm" bằng cỡ chữ to và đóng khung trang trọng:
Nhiều nhà văn hóa, nhiều nhà trí thức và nhiều bạn đọc đã gửi thư, hoặc đánh điện, hoặc gọi điện về Viện Văn hiến và tòa soạn báo "Văn hiến nghìn năm" - báo "Văn hiến tương lai" xin mua cuốn "Thời đại mới nền văn hiến mới". Chúng tôi vô cùng áy náy vì đã không đáp ứng kịp thời nhu cầu của các vi và các bạn. Sách đã bán hết. Xin quý vị và các bạn vui lòng đợi lần tái bản tới.
Dù ai tin hoặc không tin sự việc đó là có thật hay không có thật, nhưng những dòng quảng cáo đó cũng buộc mọi người phẫi tìm đọc. Giữa thời buổi sách báo tràn ngập thị trường như nước đại dương, đấy là một hiện tượng lạ.
Sách viết về vụ án giật gân, sách viết về chuyện tình ái nhòe nhoẹt, cũng khó mà tái bản đi tái bản lại; huống hồ đây là một cuốn sách lý luận, phê bình, khô như ngói.
Chẳng biết sự thật như thế nào, nhưng có một sự thật không ai chối cãi được là cuốn "Thời đại mới nền văn hiến mới" tái bản đến lần thứ mười. Một kỷ lục tái bản hi hữu giữa thời buổi kinh tế thị trườngi Thật ra sự việc này không đến nỗi hiếm hoi lắm. Có cuốn tiểu thuyết loàng xoàng mà cũng đã tái bản đến lần thứ tư thứ năm. Có tập thơ trung bình mà cũng đã tái bản đến lần thứ bảy thứ tám. Thậm chí có cuốn nghiên cứu văn hóa vào loại bình thường cũng đã tái bản lần thứ sáu. Nhưng tuyệt vời hơn là cuốn sách của ông Quách Quyền Lực tái bản lần thứ mười!
Thiên hạ ở xa xôi hàng trăm hàng nghìn ki lô mét thì chỉ biết vậy thôi, biết và sửng sốt kinh ngạc về cuốn sách rất ăn khách. Có biết đâu đó là nghệ thuật lừa bịp. Tác giả đi gạ gẫm các ông giám đốc công ty mua sách, mỗi lần mua vài trăm cuốn là một lần tái bản; nhưng không ghi vào xi nhê 200 cuốn mà cứ ghi bừa là 1000 cuốn, 1500 cuốn, 2000 cuốn… Ngành xuất bản đâu có nghiêm ngặt như trước đây: giấy phép cho in bao nhiêu cuốn là phải in đúng bấy nhiêu. Trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, người ta lừa bịp nhau thì không có gì lạ, nhưng cách làm ăn lừa bịp cũng đã xâm nhập vào học thuật thì thật là quá tồi tệ
Những nhà nghiên cứu các thế hệ mai sau sẽ băn khoăn tự hỏi: cuốn sách tồi mà sao lại tái bản nhiều lần với số lượng cao thế này? Trong lễ tổng kết và phát giải thưởng một cuộc thi thơ, nhà văn Nguyễn Tuân có nói một cách rất hình ảnh: Vì nạn đại hồng thuỷ mà con thuyền trôi dạt lên đỉnh núi, sau khi nước rút con thuyền vẫn mắc kẹt ở đấy, người đời sau nhìn con thuyền mà tự đặt ra câu hỏi "Con thuyền có phù phép gì mà bay được lên đỉnh núi ấy". Dân gian thì dùng hình ảnh khắc họa hơn: "Lụt thì chó nhảy lên bàn thờ".
***
Việt Sồ đi qua phòng Hoàng Bảo, thấy mấy người đang ngồi nói chuyện với nhau, ghé vào và giơ tờ báo:
- Bác Hoàng Bảo? Bác thấy thằng Quách Quyền Lực làm ăn thế này có quá đáng không? Nó biến tờ báo thành công cụ của nó.
- Đã từ lâu rồi, thằng Lực dùng mọi thủ đoạn tinh vi để biến tờ báo thành công cụ tiến thân của nó.
- Văn Quyền, mày thấy thế nào?
Văn Quyền díu lông mày:
- Em chịu…
- Cù Văn Hòn, mày thấy thế nào?
Cù Văn Hòn thở dài.
Việt Sồ vò tờ báo trong bàn tay:
- Thái độ đầu hàng của chúng mày cũng phải thôi. Nó nhiều thủ đoạn quá. Thiên hạ có ba bồ thủ đoạn thì thằng Lực đã chiếm hai. Đụng vào nó, nó điều âm binh lên thì chúng mày không có đường chạy?
Hôm nay Viện Văn hiến tổ chức hội thảo tác phẩm "Thời đại mới nền văn hiến mới" nhân dịp cuốn sách đó tái bản lần thứ mười. Trước đại hội thành lập Hội Văn hiến quốc gia, ngày nào cơ quan Viện cũng tấp nập như hội, vui thiệt là vui. Nghe nói kinh phí cuộc hội thảo này do công ty Texmex tài trợ, xộp lắm. Số người được mời dự không đông, chỉ khoảng năm mươi; nhưng phong bì thì mỗi người được hai trăm nghìn và có ăn trưa ở khách sạn Huy Hoàng với nhiều đặc sản cao lương mỹ vị.
Trước hội thảo, Quách Quyền Lực chuẩn bị rất chu đáo, hầu như khâu nào, việc nào cũng tự lo. Chạy suốt ngày suốt đêm. Căng sức lực căng tâm trí. Theo lời dặn của thầy cúng, dẫu có đi đâu cũng phải trở về nhà trước giờ tí tức là khoảng gà gáy canh ba. Lực thực hiện đúng phăm phắp. Cứ thấy trời hơi khuya khuya là Lực dán mắt vào đồng hồ, nhất thiết phải bước chân vào cổng nhà mình trước khi kim phút và kim giờ nằm chồng nhau ở con số 12.
Riêng ngày đại lễ, tức là ngày tổ chức hội thảo, thì thầy cúng dặn phải xuất phát từ nhà mình lúc sáu giờ, không nên sớm hơn và cũng không nên muộn hơn. Nhưng từ khi trời chưa sáng, Lực phải đi lễ ở chùa Chân Tiên. Lễ xong, xem đồng hồ đã gần sáu giờ, Lực cầm điện thoại di động gọi về nhà bảo thằng Vệ mở tủ cầm sẵn bộ complet màu đen đứng sẵn ở ngoài cổng. Ô tô chạy rất nhanh, về tới cổng chỉ còn hai phút nữa. Thấy bố hớt ha hớt hải, thằng Vệ dúi bộ quần áo cho bố, nhưng bố gạt đi và bước thẳng vào nhà. Thằng Vệ chẳng hiểu chuyện gì sẽ xảy ra? Bố giận mình? Thì ra sự thể là thế này: Lực vào tận trong nhà và đúng sáu giờ Lực bước ra - đúng giờ xuất phát như thầy cúng đã dặn. Ra khỏi cổng, Lực luống cuống cởi bộ quần áo đang mặc và thay bộ complet màu đen, rồi bước vào ô tô, ô tô nổ máy…
Thời gian nhiều nhất dành cho công việc chuẩn bị hội thảo là các bài phát biểu có tính chất tham luận. Lực đã cân nhắc kỹ càng và ghi vào sổ danh sách mười người được mời phát biểu. Đến tận nhà từng người, động tác đầu tiên là Lực đưa chiếc phong bì và nói rõ: "Anh cầm tạm năm trăm nghìn gọi là có chút thù lao…". Tất cả mười người đều vui vẻ nhận lời.
Ngoài ra, có ba người được xếp vào loại danh sách đặc biệt, mỗi người được thù lao ba triệu đồng. Lực chọn giờ đến gặp từng người tại nhà riêng là lúc tám giờ tối - lúc đó các học giả còn nghỉ ngơi sau bữa cơm. Lực chuẩn bị ý và câu văn thật súc tích để nói, người nghe tiếp thu đúng ý đồ của mình. Nói xong vế thứ nhất, tiếp ngay sang vế thứ hai: vừa đưa phong bì vừa nói "anh cầm tạm ba triệu gọi là có chút thù lao". Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn.
Người thứ nhất là giáo sư tiến sĩ Nguyễn Hào Hùng.
Ngồi đối diện, nhấp chén trả, Lực vào đề ngay: "… Thì giờ của các anh là vàng ngọc, anh không thể viết được dài, chỉ độ dăm bảy trăm chữ… Nhưng trong đó anh cố gắng viết cho một câu: "Tác giả "Thời đại mới nền văn hiến mới" là một nhà lý luận phê bình lớn của thời kỳ đổi mới"… Xin gửi anh ba triệu đồng gọi là có chút thù lao". Đặt chiếc phong bì trước mặt giáo sư, Lực xin phép đi ngay vì "không giám quấy quả nhiều, thì giờ của các học giả là vàng ngọc".
Người thứ hai là giáo sư tiến sĩ Phan Chiến Thắng.
Ngồi đối diện, nhấp chén trà, Lực vào đề ngay: "… Thì giờ của các anh là vàng ngọc, anh không thể viết được dài, chỉ độ dăm bảy trăm chữ… Nhưng trong đó anh cố gắng viết cho một câu: "Tác giả "Thời đại mới nền văn hiến mới" không chỉ viết bằng kiến thức uyên bác, mà còn cả bằng máu của mình…". Giáo sư cắt ngang: "Để cho tôi đọc kỹ lại". Lập tức Lực đặt chiếc phong bì trước mặt giáo sư: "Xin gửi anh ba triệu đồng gọi là có chút thù lao". Giáo sư ngồi im. Lực xin phép đi ngay, vì "không dám quấy quả nhiều, thì giờ của các học giả là vàng ngọc".
Trót lọt tất! Được việc lắm! Thời buổi này, mọi khái niệm "giữ ý", "tế nhị", "tự trọng" đã trở nên cũ mèm. Muốn được việc phải trơ mặt thớt. Dẫu có bị băm vằm bởi trăm lời chê bai, nguyền rủa, vẫn cứ trơ mặt thớt, thản nhiên, lạnh lùng, vô cảm, phăm phăm đi tới đích.
À quên, còn một người thứ ba là giáo sư tiến sĩ Hoàng Ái Lương. Ngồi đối diện, nhấp chén trà, Lực vào đề ngay:
- Thì giờ các anh là vàng ngọc, anh không thể viết được dài, chỉ độ dăm bảy trăm chữ… Nhưng trong đó anh cố gắng viết cho một câu: "Đây là một tài năng văn hóa xuất hiện trong thời kỳ đổi mới… Xin gửi anh ba triệu đồng gọi là có chút thù lao…". Lực đứng dậy định bước ra thì giáo sư cũng đứng dậy, trả lại chiếc phong bì: "Tôi chưa mãn tang ông cụ, không được dự hội thảo, mong anh thông cảm". Lực cười khà khà: "Anh chỉ cần đọc xong bản tham luận rồi về, không cần ngồi dự cả buổi". Giáo sư chạy theo ra tận ô tô và nhét phong bì vào túi áo Lực: "Chúng ta cùng làm văn hóa, phong tục cổ truyền của ông cha chúng ta phải giữ, còn chịu tang bố mẹ thì không nên tham dự các cuộc vui".
Thôi, thiếu ông Hoàng Ái Lương cũng được. Hai câu nói của hai giáo sư tiến sĩ Nguyễn Hào Hàng và Trần Chiến Thắng cũng đủ sức nặng rồi. Còn mười bản tham luận kia, chắc chắn là chúng nó sẽ ca ngợi, cuối bản tham luận chúng nó có "nhưng…" một vài chỗ yếu của tác phẩm cũng là lẽ bình thường như hàng chục bài phê bình tâng bốc đã từng in trên báo chí.
Cuộc hội thảo diễn ra đúng như kịch bản của Quách Quyền Lực, thành công mỹ mãn. Gương mặt Lực rạng rỡ.
Những việc diễn ra ở hậu trường nào mấy ai biết, họa may chừng mườí người, nhiều nhất là vài chục người. Còn hàng chục hàng trăm hàng ngàn người khác, nhất là những người ở các tỉnh xa chỉ biết những màn ở trên sâu khấu. A ha, đa số áp đảo thiểu số. Thiểu số chê bai làm sao thắng được đa số ngợi ca. Đa số áp đảo thiểu số vừa là chiến lược vừa là chiến thuật được Quách Quyền Lực sử dụng như một phép mầu nhiệm từ khi bước vào con đường tranh giành quyền lực, đem đến cho Lực liên tục những trận thắng trong suốt bao nhiêu năm nay.
Ngồi ở góc phòng, Văn Quyền quay sang nói với Hoàng Bảo: "Căn cứ vào cuộc hội thảo này, ông Quách Quyền Lực đáng được giải thưởng Nobel".