Một giờ trưa. Nắng tháng tám vàng hực. Lá cờ vàng ba sọc đỏ bay phất phơ trong cơn gió nhẹ. Đạm đứng trong hầm chỉ huy nhìn ra ngoài. Ngôi đồn vắng lặng. Anh nghe mơ hồ tiếng đánh vần ê a của con nít phát ra từ lớp học. Bóng của Đào thấp thoáng đi lại. Áo bà ba trắng. Quần đen. Đốt điếu thuốc, hít một hơi anh thở dài. Ngày qua đi thật chậm. Buồn tênh và trống vắng. Bỗng dưng anh muốn làm cái gì cho đỡ buồn chán. Ngẫm nghĩ giây lát anh lận lưng khẩu Colt 45, đội lên đầu cái nón lưỡi trai rồi lặng lẽ đi ra cổng chánh. Vì cúi đầu đi nên anh không thấy Đào đứng ở cửa nhìn theo bóng của anh quẹo vào con lộ đất.
Đang lui cui xếp đồ đạc Hạnh ngước lên khi nghe tiếng tằng hắng. Thấy Đạm, không nhịn được nàng cười nói.
Vừa nghĩ tới anh Đạm là anh xuất hiện liền...
Đạm mỉm cười. Nhìn quanh quất thấy quán vắng tanh anh nói nhỏ.
Tôi không có việc gì làm nên ra đây uống cà phê và nói chuyện cho vui. Chắc cô Hạnh không có làm gì?
Dạ hông…
Đạm mỉm cười vì hai tiếng dạ hông… của Hạnh. Nó có chút gì dễ thương, âu yếm và nũng nịu như nàng đang nói chuyện với một người thật thân quen.
… Anh Đạm ngồi đi để Hạnh pha cho anh ly cà phê đặc biệt...
Ngồi xuống chiếc ghế sát trong vách Đạm nhìn qua khung cửa sổ rộng. Con rạch nhỏ uốn lượn giữa cánh đồng ngút ngàn. Xa xa khu rừng đước xanh um. Gió lất lây khóm cây cao ngay ngã ba con rạch. Anh ngước nhìn khi Hạnh đặt trước mặt của mình một cái tách bằng sành trên có cái phin cà phê.
Làm sao mà cô Hạnh có được cái phin để lượt cà phê?
Hạnh nhìn người đối diện với cái nhìn dịu dàng.
Hạnh sẽ không trả lời nếu anh cứ gọi là Cô Hạnh
Đạm bật cười vui vẻ lập lại câu hỏi của mình.
Làm sao mà Hạnh có được cái phin để lượt cà phê?
Dạ mua ở Sài Gòn. Mang vào đây tính mời mọi người uống thử nhưng mấy ông lính ở đây không ưa lắm nên phải dẹp đi. Hạnh biết chỉ có anh mới thích…
Đạm gật gù. Điều mà anh nhận thấy là cô chủ quán càng lúc càng tỏ ra thân mật hơn bằng cách đôi khi gọi bằng anh chứ không gọi bằng anh Đạm xa lạ nữa.
Anh Đạm xuống đây lâu chưa?
Hạnh hỏi trong lúc ngồi xuống chiếc ghế ở bàn bên cạnh. Nàng vẫn còn giữ ý tứ nên không ngồi cùng bàn với Đạm. Nhìn khói thuốc tản mạn trong không khí Đạm trả lời chậm.
Gần ba năm rồi…
Sao anh không xin thuyên chuyển đi chỗ khác...?
Chỗ nào cũng vậy thôi. Vả lại ở đây lâu rồi cũng quen…
Đạm nhấc lấy cái nắp của phin cà phê ra rồi cúi nhìn vào. Thấy cạn nước anh cầm lấy cái phin đặt lên cái nắp.
Anh cần thêm nước sôi?
Không đợi Đạm trả lời Hạnh đứng dậy đi vào trong bếp xong trở ra với cái bình thủy. Nàng từ từ rót nước nóng vào tách cà phê cho Đạm. Bỏ đường vào quậy quậy đoạn hớp thử một hớp Đạm cười.
Thơm quá… Cám ơn Hạnh…
Hạnh cười sung sướng.
Anh ra đây uống cà phê mỗi ngày đi. Có anh nói chuyện vui hơn…
Có phiền gì không?
Chắc không có gì phiền đâu. Anh là xếp ở đây mà…
Hạnh bật cười thánh thót sau khi nói.
Tôi thời không có gì phiền chỉ sợ Hạnh…
Bảo đảm trăm phần trăm là Hạnh không có phiền…
Hớp một hớp cà phê Đạm cười nhẹ.
Ra mỗi ngày thời không dám hứa nhưng tôi cố gắng… Tình hình chiến sự mỗi ngày thêm trầm trọng. Địch gia tăng áp lực thành ra…
Hạnh nói với giọng buồn buồn.
Hạnh hiểu… Tuần trước Hạnh ra Cà Mau thăm ba. Ổng có vẻ bi quan về tình hình đất nước… Ổng nói hiệp định Ba Lê không có lợi cho mình mà có lợi cho tụi cộng sản…
Thấy Đạm im lặng nàng nói tiếp.
Ba có quen với ông tỉnh. Dường như…
Hạnh ngừng lại. Nàng có thái độ băn khoăn và ngập ngừng như muốn nói điều gì rồi lại thôi vì thấy Đạm không chú ý nghe lời nói của mình. Ông lính của nàng đang trầm tư, suy nghĩ điều gì mà ánh mắt xa vắng và mơ màng. Nhìn khuôn mặt gầy xương, mái tóc đen rối, bộ quần áo cũ xốc xếch và đôi giày bố bê bết bùn nàng bùi ngùi cảm thấy thương cho Đạm. Hình ảnh của anh cũng là hình ảnh của người chồng cũ của nàng. Nó cũng là hình ảnh của trăm ngàn người lính đang chiến đấu trong cô đơn và nghèo khổ để giữ cho phần đất còn lại của đất nước khỏi lọt vào vòng cai trị độc tài của cộng sản.
Tôi thương những người lính của tôi. Tôi mến dân làng ở đây. Đó là lý do khiến tôi không muốn xin thuyên chuyển…
Quay nhìn Hạnh Đạm cười nói tiếp một câu mà khi nghe xong mặt của nàng hồng lên vì sung sướng lẫn thẹn thùng.
Nhất là bây giờ tôi có thêm một lý do đặc biệt để không muốn thuyên chuyển…
Phải hôn… Lính nói khó tin lắm…
Hạnh cười hắc hắc sau khi nói như cố tình khỏa lấp câu nói của Đạm.
Lính thời xạo nhiều lắm nhưng tôi là người lính ít nói xạo nhất trong một triệu binh sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa…
Dù Đạm nói với vẻ thành thật và nghiêm nghị nhưng nghe xong Hạnh lại bật cười.
Nghĩa là anh Đạm có xạo chút chút…
Tôi không phủ nhận điều đó…
Không sao… Dù sao Hạnh cũng cám ơn anh đã thành thật…
Đạm uống cạn tách cà phê xong liếc nhanh đồng hồ. Thấy vậy Hạnh cười hỏi.
Anh phải về?
Đạm gật đầu cười.
Hạnh tính tiền đi…
Bao anh đó. Lần sau sẽ tính tiền…
Hơi lắc đầu tỏ vẻ không đồng ý Đạm nghiêm giọng.
Nếu Hạnh muốn tôi ra đây chơi thời phải tính tiền. Hạnh cũng đâu có giàu…
Dạ… Cám ơn anh…
Đạm đưa cho cô chủ quán tờ giấy hai trăm xong cười cười.
Khỏi cần thối. Để lần sau tôi ra…
Thấy Hạnh ngần ngừ anh cười nói vọng lại khi bước ra cửa.
Tôi thích người ta nợ tôi hơn là tôi nợ người ta…
Đứng nhìn theo bóng Đạm bước nhanh trên con lộ đất lầy lội vì mưa đêm hôm qua Hạnh lắc mái tóc dài của mình rồi cười nói thầm.
Người đâu mà khôn vậy… Mai mốt gặp mặt rồi biết…
Khi bước gần tới cửa nhà của mình Đạm thấy Đào đang đứng ngoài sân cho vịt ăn. Bắt chước các bà vợ lính trong đồn nàng mua mấy con vịt con về nuôi, trước là có thịt ăn sau là cho có việc làm.
Anh Đạm đi đâu vậy?
Đạm mỉm cười khi nghe cái giọng dấm dẳn cùng câu hỏi cộc lốc của Hạnh.
Anh đi uống cà phê…
Ở đâu. Quán Như Hạnh hả?
Đạm trả lời bằng cái gật đầu kèm theo câu hỏi.
Trương đâu rồi?
Ủa ảnh không có đi uống cà phê với anh à?
Đạm lắc đầu.
Tan học rồi hả Đào?
Đào cười trong lúc rải nắm lúa cho bầy vịt đang bu chung quanh hai người.
Bãi trường rồi. Bộ anh không biết à?
Đạm cười gượng lắc đầu. Anh nghĩ thầm trong trí song lại không nói ra.
Anh là lính đánh giặc chứ đâu có dạy học đâu mà để ý tới bãi trường…
Em cho mấy đứa con nít nghỉ xả hơi thời gian rồi tới tháng 9 mới đi học trở lại…
Đào nói và Đạm thờ ơ lên tiếng.
Vậy à…
Dường như để ý tới thái độ của Đạm do đó Đào chăm chú nhìn anh giây lát rồi nói nhỏ.
Anh sao vậy. Bộ chị Hạnh hớp hồn anh rồi sao mà anh thờ thờ thẩn thẩn. Anh coi chừng đó. Em…
Đào dừng lại kịp thời tuy nhiên Đạm hiểu được phần nào cái ý của nàng. Đứng im giây lát anh quay lưng đi vào nhà của mình làm như không nghe câu hỏi của nàng vang lên sau lưng.
Anh ăn cơm chưa. Đào có nấu cơm cho anh…
Bước tới cửa Đạm ngập ngừng giây lát mới lên tiếng.
Anh không đói…
Nhìn Đạm cúi đầu đi vào nhà Đào thở dài rưng rưng nước mắt. Nàng không hiểu tại sao mình lại có cử chỉ như vậy đối với Đạm. Không lẽ tại cô chủ quán cà phê tên Như Hạnh. Dù đã có chồng song Đào biết mình vẫn còn thương tưởng Đạm, nhất là sau thời gian nàng theo Trương xuống sống ở trong ngôi đồn này. Hằng ngày gặp Đạm, chuyện trò với nhau càng khiến cho tình yêu của tuổi học trò sống dậy. Dù nàng tự nhũ là mình đã có chồng. Dù nàng tự bảo hãy quên tình đi mối tình của tuổi học trò để xây dựng hạnh phúc với Trương; nhưng con tim của nàng nhiều khi không chịu sự chỉ huy của lý trí. Nó có lý lẽ riêng của nó. Tình yêu của nàng đối với Đạm không những không chết mà bừng bừng sống dậy. Đêm đêm nằm bên chồng, trằn trọc không ngủ được nàng hồi tưởng lại kỷ niệm, ôn lại quãng thời gian còn đi học thời hình ảnh của Đạm sáng rực lên trong bóng tối. Nụ cười. Tiếng nói. Khuôn mặt. Trưa nắm tay nhau đi lanh quanh trong sở thú. Chiều ngồi cạnh nhau dưới tàn cây mận trái đỏ để nghe Đạm đọc thơ tình. Đêm trăng trên căn gác lửng dựa đầu vào vai anh, mân mê khuôn mặt của anh để lắng nghe tình yêu thơ dại từ từ mọc rể trong tâm hồn của mình. Lắm khi nàng lại có ý tưởng kỳ dị nếu không muốn nói điên rồ là muốn Đạm mãi mãi của nàng, thuộc về nàng mặc dù nàng đã có chồng. Nàng muốn Đạm không yêu ai. Nàng muốn Đạm yêu nàng. Nàng muốn anh khổ đau vì nàng. Nàng không muốn bất cứ hình bóng nào ngoài nàng ngự trị trong trái tim của anh dù biết như thế là ích kỷ và tàn nhẫn với anh.
Không tự chủ được Đào bước tới gõ cửa nhà của Đạm. Có tiếng lục đục rồi khuôn mặt buồn rầu, u ẩn hiện ra.
Em xin lỗi anh…
Đào nghẹn ngào không nói được thêm lời nào. Đạm nhìn nàng thật dịu dàng và đằm thắm.
Hình ảnh của em mãi mãi ở trong tâm hồn anh. Tuy nhiên chúng ta không thể kéo dài tình trạng như thế này. Em phải tiếp tục sống và anh cũng phải đi nốt đoạn đường còn lại…
Nước mắt của Đào bắt đầu ứa ra và ràn rụa khiến cho hình ảnh của người tình xưa bỗng nhạt nhòa.
Em đừng ghen. Không ai có thể thay thế em cũng như cà phê của Hạnh không ngon bằng của em…
Đào bật cười thánh thót sau khi nghe Đạm nói câu cuối cùng. Tự ái của nàng đã được xoa dịu. Nhìn Đạm nàng nói một câu bông đùa.
Anh lẻo mép lắm… Em không tin anh đâu…
Đạm cười cười.
Bây giờ anh đi tắm. Khi nào Trương về anh sẽ qua nhà em ăn cơm. Tối nay anh phải dẫn lính đi kích…
Dạ… Em dọn cơm chờ anh…
Đào quay người đi không cho Đạm thấy nàng cười một cách sung sướng. Nàng giơ tay ngoắc Trương khi thấy anh từ trong hầm chỉ huy bước ra.
Hạnh hơi có chút ngạc nhiên khi thấy chỉ một mình Đào bước vào quán cà phê.
Còn hai ông kia đâu?
Hạnh hỏi và Đào trả lời gọn.
Hai ổng đang bàn chuyện đánh giặc. Tôi không thích nghe nên ra đây uống trà…
Hạnh cười hắc hắc.
Trời âm u muốn mưa mà uống trà thời tình lắm. Vừa nhấm nháp tách trà nóng mình vừa nói chuyện…
Sao vắng vậy chị?
Đào hỏi khi thấy quán chỉ có hai người khách đang khề khà xị rượu đế.
Mấy ông lính uống xong đi hết rồi…
Hạnh mời Đào ngồi vào cái bàn đặt cạnh cửa sổ ngó ra con lộ đất rồi trở vào bếp pha trà. Lát sau nàng bưng cái khay có bình trà và cái tách nhỏ bằng sứ tráng men xanh biếc. Cầm cái tách chưa có nước lên ngắm nghía Đào trầm trồ.
Đẹp quá. Chị kiếm ở đâu vậy?
Của tía mình cho. Ổng nói là đồ gốm Bát Tràng…
Thong thả rót trà vào chén cho Đào Hạnh chép miệng.
Nghĩ cũng kỳ cục. Đồ gốm Bát Tràng mà tía mình lại mua từ Hồng Kông…
Đưa tách trà lên mũi ngửi Đào cười nhẹ nói một câu không dính dáng gì tới câu nói của Hạnh.
Cũng như mấy ông lính đánh nhau chí tử với cộng sản mà ông nào ông nấy đều thích nghe nhạc tình cảm…
Kéo cái ghế ngồi đối diện với Đào Hạnh cười tươi.
Anh Đạm cũng vậy. Ra đây lần nào ảnh cũng đòi nghe mấy bản nhạc như Người Ở Lại Charlie, Chiều Trên Phá Tam Giang, Anh Không Chết Đâu Em, Chuyện Tình Mộng Thường, Những Ngày Xưa Thân Ái…
Uống ngụm nước trà đầu tiên Đào hỏi dò.
Anh Đạm có hay ra đây không chị?
Liếc nhanh Đào một cái Hạnh mới trả lời.
Cũng ít thôi… Thỉnh thoảng ảnh mới ra đây uống cà phê, nghe nhạc… Anh nói ra đây nghe nhạc cho đỡ buồn…
Đào mỉm cười. Nàng tò mò muốn biết chuyện gì đã xảy ra giữa Hạnh và Đạm. Nàng biết Đạm hay ra đây vào buổi chiều, ít nhất là hai ba lần một tuần. Thế mà Hạnh lại nói thỉnh thoảng. Phải có chuyện gì cho nên Hạnh mới giấu không nói cho nàng biết.
Ảnh nói với tôi là ảnh thích nói chuyện với chị…
Đào không hiểu tại sao mình lại nói ra câu đó. Đạm mà biết được chắc sẽ giận nàng nhiều lắm.
Vậy hả… Có lẽ anh cô đơn… Ở trong cái đồn mà đa số đều có vợ thời ảnh phải cảm thấy đơn độc. Mình hiểu bởi vì mình cũng như ảnh…
Ngừng lại thở dài nhè nhẹ Hạnh đưa tay vén mấy sợi tóc lòa xòa trên trán rồi nói tiếp. Đào cảm thấy giọng nói của Hạnh thật buồn.
Dân ở đây thật thà, hiền lành và giản dị. Họ không có những khúc mắc như mình. Họ ít khi suy nghĩ còn anh Đạm, Trương, Đào hay mình thời suy nghĩ nhiều quá. Bởi vậy mình mới khổ vì sự suy tư của mình…
Uống ngụm nước trà nóng Đào cười cười.
Trà ngon quá. Tôi ghiền trà của chị rồi…
Hạnh không nói mà chỉ mỉm cười nhìn ra cánh đồng không mông quạnh phía bên kia con rạch đầy nước. Phía bên kia là vùng giải phóng. Dân ở đây đã nói với nàng như thế. Mấy ông du kích của mặt trận làm chủ một vùng đất mênh mông không người ở và không ai thèm giành giựt với họ. Thế mà mấy ổng huênh hoang tuyên bố là khu giải phóng. Giải phóng gì mà đi tới đâu dân chạy tới đó. Nếu vì thương tiếc mồ mả ruộng vườn của ông cha họ ở lại rồi sau khi sống với cộng sản một thời gian họ cũng lén lút bỏ trốn về vùng quốc gia. Rốt cuộc mấy ông lính của mặt trận chỉ còn giải phóng mấy con chuột, rắn, rùa sống chui rúc trong đồng cỏ hoang và những cây tràm, cây đước hầu như khô chết. Là người sinh ra và lớn lên ở Cà Mau, có bạn cùng trường, bà con cùng quê; do đó không ít thời nhiều nàng cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự là liên hệ với bên này và bên kia. Nếu nàng có người anh ruột đi lính nhảy dù thời nàng cũng có ông anh bà con là trung úy đại đội trưởng của tiểu đoàn U Minh 9. Nàng cũng có người cậu ruột bị việt cộng chặt đầu vì có những hành động phản cách mạng. Thành ra lằn ranh giữa bên này và bên kia rất mập mờ và rất dễ dàng bị hiểu lầm nhất là trong những vùng đông dân quê. Có thể ban ngày họ theo quốc gia rồi khi đêm tới, dưới áp lực của nòng súng họ ngã theo mặt trận để được yên thân mà làm ăn sinh sống.
Chị Hạnh…
Đào gọi nhỏ. Hạnh cười xa vắng như vừa trở về từ giấc mơ nào đó.
Bao lâu rồi cô Đào chưa về Sài Gòn…
Hơn nửa năm rồi… Chị kêu tên được rồi. Kêu cô Đào nghe xa lạ và kiểu cách quá…
Tại tôi quen miệng. Vả lại Đào là cô giáo…
Đào uống thêm ngụm nước trà xong nói với giọng chậm rãi và buồn buồn.
Cô giáo gì chị ơi… Tại ở không vả lại tội nghiệp mấy đứa nhỏ trong đồn nên dạy tụi nó học được chữ nào hay chữ đó dù biết mớ chữ nghĩa mà mình cố nhét vào đầu nó cũng chẳng nâng cao đời sống của nó…
Ngừng lại uông thêm chút nước trà Đào nhìn đăm đăm về phía khu rừng xanh đen xa tít.
Chỉ mong những gì mình dạy nó sẽ làm cho nó không đi theo cộng sản…
Hạnh nhấc lấy bình trà châm thêm cho Đào.
Chị uống cho vui…
Hạnh lắc đầu cười.
Thôi Đào ơi. Tôi uống nhiều quá ban đêm khó ngủ. Trằn trọc suốt đêm, suy nghĩ bậy bạ riết muốn khùng luôn…
Đào cười hắc hắc.
Nghĩ bậy bạ là nghĩ cái gì, nghĩ tới ai hả…
Hạnh chưa kịp nói nàng tiếp luôn.
Có nghĩ tới anh Đạm hôn?
Hạnh đỏ mặt cười làm thinh.
Chị muốn không mình làm mai cho chị. Anh Đạm hiền và dễ thương…
Hạnh do dự giây lát mới cười gượng.
Tôi chỉ sợ… sợ ảnh như anh Tuấn…
Đào lắc đầu mấy lượt.
Mình có số mà chị. Vả lại riết rồi cũng quen. Như mình hồi mới theo anh Trương xuống đây mình cũng sợ chết. Bây giờ thời dửng dưng…
Hạnh im lặng không nói thêm. Đào hiểu là nàng đã bằng lòng.
Đào thích nghe nhạc lắm hả. Để mình cho Đào mượn cuồn băng này về nghe…
Bước vào trong buồng ngủ của mình rồi lát sau trở ra Hạnh đưa cho Đào cuồn băng nhựa không có tên.
Nghe thử đi. Của ông anh sang cho mình…
Bằng cách xưng hô như thế cả hai người ngầm xem nhau như bạn. Đào chỉ kém Hạnh có một tuổi do đó họ dễ dàng thân cận với nhau hơn. Vả lại ở vùng đất hoang vu này họ cũng hiếm mà tìm được người đồng điệu để làm bạn với mình. Nhờ quán vắng khách nên hai người thủ thỉ tâm tình cho tới xế chiều.
Thôi mình phải đi về nấu cơm… Ông Trương ở nhà mà đói bụng là ổng cằn nhằn dữ lắm…
Hạnh cười hỏi dò.
Rồi anh Đạm ăn uống ra làm sao?
Ảnh ăn cơm tháng… Vợ của ông trung sĩ Phát nấu cho ảnh ăn. Hơn tuần lễ nay chị Nhịn về quê thăm má chỉ nên anh Đạm ăn hàng quán. Mình cũng nấu cho ảnh ăn mấy bữa… Hôm nào ảnh ra đây Hạnh hỏi ảnh thử coi…
Hạnh làm thinh nhìn Đào bước ra cửa. Như nghĩ ra điều gì thích thú nàng mỉm cười lẩm bẩm.
Mai mốt ra đây rồi biết…