Căn phòng vuông vức mỗi bề ba thước. Chính giữa phòng là một cái bàn bằng cây. Trên bàn lỏng chỏng cái gạt tàn thuốc làm bằng vỏ đạn đại bác 105 ly. Ly cà phê bằng nhựa ngả màu vàng khè. Trên cái kệ nhỏ nơi góc bên trái là hai cái máy 25 để liên lạc với chi khu và các đại đội bạn, còn một máy để liên lạc nội bộ. Đây là hầm chỉ huy, nơi làm việc của An. Hôm nay anh bắt đầu chỉ dẫn cho Đạm về hệ thống truyền tin, từ việc sửa chữa máy móc tới việc sử dụng, thay đổi tần số để khi cần anh có thể nói chuyện với chi khu hoặc ra lệnh cho các trung đội trưởng. Mời ông đại đội phó của mình một điếu thuốc lá xong An cười giảng giải.
"Thật ra thời khi địch đánh đồn thời mình khó mà xin được sự yểm trợ từ chi khu hoặc tiểu khu. Vả lại nếu có thời chỉ có pháo binh bắn năm mười trái cho có lệ. "
Dừng lại hớp ngụm cà phê đen nguội An quẹt diêm đốt thuốc. Đạm nhận thấy cấp chỉ huy của mình hút thuốc liên miên. Sáng vừa mở mắt ra, việc đầu tiên của An là quẹt diêm đốt thuốc lá. Suốt ngày lúc nào điếu thuốc lá cũng dính trên môi hay trên tay của anh.
" Nếu tụi Việt Cộng có đánh đồn thời mình hãy tự túc tự cường trước. Cùng cực lắm mình mới gọi máy xin chi khu yểm trợ. Họ không có đủ phương tiện cho nên chỉ yểm trợ bằng pháo binh. Mà pháo binh bắn đôi khi cũng lạng quạng lắm. Một lần..."
An ngừng nói hít hơi thuốc thật dài. Mắt anh ngó mông ra khung cửa sổ nhỏ. Gọi là cửa sổ chứ thật ra chỉ là một khoảng trống, ngang chừng gang tay và dài độ sải tay. Nó là chỗ trống dùng để quan sát và tác xạ trong trường hợp đồn bị địch tràn ngập.
" Cách đây hơn năm, lúc anh còn là đại đội phó, ông thiếu úy Thiên, đại đội trưởng, gọi chi khu xin pháo binh yểm trợ vì địch tấn công dữ dội. Pháo binh dập nát đồn khiến cho hai bên đều bị thiệt hại nặng nề. Bên mình vợ con lính bị chết và bị thương nhiều lắm. Từ đó ông Thiên rồi sau đó tới anh đều không dám xin chi khu yểm trợ bằng pháo binh. Máy bay thời đỡ hơn một chút, nhưng ít khi mình được họ bắn can thiệp. Cái đồn vô danh này nằm ưu tiên hạng bét mặc dù mình cũng đánh nhau với tụi Vẹm. "
An nói một hơi thật dài. Dường như từ lâu anh không có ai để nói chuyện. Đạm hỏi nhỏ.
"Ông thiếu úy Thiên đâu rồi anh?
An thở dài dụi tắt điếu thuốc. Rút một điếu thuốc khác, quẹt diêm đốt xong anh từ từ lên tiếng. Giọng của anh rời rạc, đứt khúc không thành câu và buồn buồn.
" Ổng chết cách đây mấy tháng. Tụi nó bắn khơi khơi. Trái 82 lọt ngay vào chỗ ổng đang ngồi. Thế là đi đứt. Anh và lính phải lượm từng miếng thịt bỏ vào bao ny lông.
An nhìn Đạm một cách chăm chú dường như để nhận xét coi có sự thay đổi nào hiện ra trên nét mặt của người lính trẻ. Lát sau vị đại đội trưởng của đồn Cái Đôi nói nho nhỏ.
"Ổng cũng ngồi trên cái ghế ngay chỗ em ngồi.
Đạm rùng mình nổi da gà đồng thời có cảm giác như ai đang nhìn mình, đang thở ở đằng sau cần cổ hoặc đang thì thầm bên tai của mình.
"Mới đầu anh cũng hơi sợ như em nhưng riết rồi cũng quen. Vả lại mình nghĩ ông ta là đồng đội với mình thời ông ta sẽ che chở cho mình.
An đứng dậy, nhìn về khoảng trống đoạn bước đi vài bước rồi dừng lại.
"Đi lính ở đây là ráng làm sao để nghe, thấy và biết. Có nghe, thấy, biết, em mới có thể sống sót được. Đối phó với đám du kích hay chủ lực miền của mặt trận giải phóng miền nam này dễ mà khó. Mình cũng phải mưu mô, thủ đoạn như chúng. Chỉ có điều là mình không tàn nhẫn và ác độc được như chúng mà thôi.
Bỏ tàn thuốc rơi xuống nền đất đen âm ẩm ướt, lấy giày giẫm lên xong An cười nói.
"Bây giờ mình ra chợ chơi cho biết.
Thấy An lận lưng khẩu Colt 45 Đạm hỏi nhỏ.
" Mình mang súng theo không anh?
An gật đầu.
" Em xách khẩu M2 theo cho chắc ăn... Có thể không có chuyện gì nhưng cẩn tắc vô áy náy.
Đạm cười khì. Anh còn cẩn thận hơn bằng cách mang luôn dây ba chạc có gắn mười băng đạn và ba trái M26. Nhìn thấy Đạm vũ trang kỹ An cười giỡn.
"Tụi du kích thấy em là nó chạy trước.
Cười hà hà Đạm bước song song với An ra cửa đồn. Thấy Ba Phát đang đứng nói chuyện với người lính gác cổng An lên tiếng liền.
"Tụi này ra chợ. Ông đi không?
" Đi thì đi... Ông thầy ra đó làm gì?
Quẹo trái vào con lộ đất chạy dọc theo kinh Cái Đôi An trả lời trong lúc nhìn về cách đồng trống xâm xấp nước phía bên kia con rạch.
"Cà phê cà pháo vậy mà. Tôi dẫn chuẩn úy Đạm đi cho biết.
Ba Phát quay qua cười nói với Đạm.
" Làm vài ly xây chừng nghe chửn quí. Ở đây mà không nhậu là tối ngủ không yên giấc. Mình nhậu muỗi nó mới sợ mình.
An bật lên tiếng cười hăng hắc khi nghe Ba Phát nói. Anh nhớ lại những ngày đầu mới về đây Ba Phát cũng nói như vậy. Nào là không nhậu say tối ngủ muỗi nó sẽ tha mình đi chỗ khác. Đạm cười cười lên tiếng.
"Tôi nghe thiếu úy nói là nếu mình không nhậu thời muỗi nó sẽ tha mình đi chỗ khác phải vậy không?
Tới phiên Ba Phát cười hà hà. Nhìn quanh quất cảnh vật Đạm thở khì.
"Ở đây buồn quá... Người đã không có mà cây cỏ hầu như cũng không có luôn. "
Ba Phát liếc An. Anh thấy cấp chỉ huy của mình cúi đầu bước mà nét mặt có vẻ buồn rầu và tư lự. Tự dưng trong lòng anh cảm thấy tội nghiệp cho hai người lính trẻ tuổi và độc thân phải giam mình ở chốn khỉ ho cò gáy này. Anh sinh ra và lớn lên ở đây. Do đó anh chiến đấu vì bản thân, gia đình và làng mạc của mình. Còn hai người lính chiến này, đến từ vùng trời xa lạ nào đó, thời lý do gì mà họ phải sống chết với cái đồn vô danh, cho những người mà mình không quen biết. Phải có lý do gì đặc biệt lắm mà đầu óc của một người lính ít học như anh không thể hiểu được.
An cười cười lên tiếng. Giọng nói của anh nhỏ nhẹ và dịu dàng giống như của một người lớn giảng giải cho người nhỏ tuổi hơn mình.
"Coi vậy chứ không có buồn đâu Đạm. Mình ở riết rồi mới thấy cảnh ở đây còn đẹp hơn ở Sài Gòn. "
Đạm nhìn An với ánh mắt nửa nghi ngờ nửa như thắc mắc về lời nói của cấp chỉ huy. Nháy mắt với Ba Phát An cười tiếp.
"Quang cảnh ở đây giản dị, tầm thường và mộc mạc nhưng điều đó mới chính là cái đẹp không giả tạo. Những đêm trăng sáng đẹp lắm, nhất là những đêm sáng trăng bình yên.
An hơi nhấn mạnh ở hai chữ bình yên . Quay sang Ba Phát anh cười hỏi.
"Hôm nay mùng mấy hả anh Ba?
"Dạ mùng năm ông thầy.
Gục gặt đầu An nói trỗng nhưng Ba Phát hiểu câu nói đó dành cho mình.
"Rằm này mình làm một chầu nhậu với đờn ca đi để cho chuẩn úy Đạm đỡ buồn.
"Chà ông thầy có ý kiến hay à nghe. Để tôi bảo mấy thằng nhỏ lo. Kỳ này tôi phải kiếm cái gì nhâm nhi thật chiến để giới thiệu với chửn quí.
Đạm góp chuyện.
" Chuột đi anh Ba. Tôi hẩu món chuột ướp ngũ vị của bà xã anh.
An và Ba Phát bật cười ha hả. Vỗ vai Đạm một cách thân tình Ba Phát gật đầu.
"Chuột thời thiếu gì. Để kỳ này tôi bảo mấy thằng nhỏ kiếm vài món lạ hơn như rắn hổ, rùa hay kỳ đà.
Đạm chắt lưỡi.
"Tôi có nghe nói mà chưa bao giờ được thử.
"Tới rồi. "
An lên tiếng. Đạm thấy một dãy nhà lá lụp xụp cất dọc theo con lộ đất chạy song song với con kinh nhỏ nước một bên đục một bên trong. Lưa thưa người đi lại. Ba Phát bước nhanh để vượt qua mặt An như cốt ý dẫn đường. Anh vui vẻ chào hỏi vài ông già bà lão đi trên đường. Ba người lính đi dài theo con đường lộ đất. Để ý quan sát Đạm thấy dân ở đây nghèo quá, nghèo thật nghèo. Nhà toàn là nhà lá. Nhiều căn nhà trống trước trống sau. Ở ngoài đường nhìn vào người ta có thể thấy hết những gì bên trong. Đa số là ông già bà lão hay những người sồn sồn.
"Sao tôi không thấy con trai con gái gì hết vậy anh Ba?
Đạm lên tiếng hỏi. Liếc nhanh An ông trung đội trưởng của trung đội 3 trả lời.
"Con trai con gái đi lính hết trơn rồi chửn quí.
Quẹt diêm đốt điếu thuốc Bastos xanh An đỡ lời của Ba Phát.
"Anh Ba để tôi giải thích cho ông Đạm biết. Con trai con gái ở đây đi lính hết rồi. Đi lính có nghĩa là đi lính bên này hay bên kia. Bên này là đi lính quốc gia còn bên kia là theo mặt trận. Vùng này là vùng xôi đậu. Có nhà theo Việt Cộng, có nhà theo quốc gia.
" Làm sao mình biết ai theo Việt Cộng ai theo quốc gia hả thiếu úy?
Cười thành tiếng lớn An liếc Ba Phát.
" Cái đó thời ông phải mua rượu thịt làm một chầu nhậu linh đình để đãi anh Ba rồi ảnh truyền nghề cho ông... Ở đây họ gọi là cúng tổ.
Ba Phát cười ha hả dừng lại trước căn nhà cuối cùng.
Đây là nhà của tía má thằng Tư Đờn Cò.
Ba Phát nói nhỏ cho Đạm nghe khi bước vào cửa. Căn nhà đất, vách lá, được chia làm hai gian. Phía sau là chỗ ngủ và bếp. Đằng trước là cái quán cà phê nhỏ với ba cái bàn cây, một tủ đựng thuốc lá và cái kệ dùng để pha cà phê. Ba Phát, An và Đạm ngồi xuống cái bàn cạnh cửa sổ.
"Bác Năm cho tôi ba ly xây chừng đi bác Năm.
Ba Phát nói vọng vào trong bếp. Một người đàn ông tóc hoa râm, mặc bà ba đen từ trong bếp bước ra.
"Thằng Ba mày mà tao tưởng ai... À lại có ông thiếu quí.
Bác Năm chấp tay xá An ba cái. An cũng chấp tay xá lại đoạn cười hỏi.
Bác Năm khỏe hả bác Năm?
" Dạ cám ơn thiếu quí... Nhờ trời phật phù hộ nên tôi cũng hổng có bịnh hoạn chi. Còn ông nào đây?
Bác Năm chỉ vào Đạm. Ba Phát cười lên tiếng.
" Đây là ông chửn quí Đạm mới đổi về... Tui dẫn ổng ra đây thăm bác và mọi người cho biết.
"Dạ dạ... Chào chửn quí.
Bác Năm xá ba xá. Bắt chước An, Đạm cũng chấp tay xá bác Năm.
"Thằng Ba mày uống cà phê hả?
"Dạ bác cho ba tụi tui ba ly đen đi rồi tính sau.
Bác Năm bỏ đi vào trong bếp. Đạm nghe có tiếng nói chuyện loáng thoáng từ trong bếp vọng ra. Ngồi đối diện với cửa sổ anh nhìn thấy cánh đồng rộng mênh mông. Bây giờ là tháng hai chưa có mưa sa cho nên mặt đất đen khô nứt. Hàng cây xanh xanh. Bờ mẫu cao lưa thưa cây như đước, bần, mắm... Không gian thật yên tịnh. Nắng chói chang trên cánh đồng khô. Bác Năm và một bà già mà Đạm đoán là vợ của bác bưng ba ly cà phê ra đặt lên bàn. Mấy cái ly bằng nhựa vàng và cũ mèm. Anh thấy An cầm ly cà phê lên uống một cách tự nhiên. Dường như An đã quen với chuyện dân quê ở đây ăn uống thiếu vệ sinh. Đốt điếu thuốc hít hơi dài An cười nhìn Đạm .
" Uống đi... Ở cái làng cuối cùng của đất nước mà mình còn có cà phê uống là nhất rồi. Nhiều khi đường bộ, đường thủy đều bị nghẻn thời nước ba cũng không có mà uống.
"Từ đây ra tới biển xa không thiếu úy?
An lại hít một hơi thuốc. Nhả khói ra từ từ anh hớp ngụm nhỏ cà phê xong mới trả lời câu hỏi của Đạm.
"Chừng mươi cây số... Nhưng khó đi lắm... Vả lại toàn là đồng không mông quạnh... Dân ở đây cũng có người đi ghe ra biển để đánh cá.
Quay qua bác Năm An cười hỏi.
" Cà phê này nước thứ mấy mà ngon vậy bác Năm?
Đang vấn thuốc rê bác Năm bật cười.
"Dạ... Thằng Tư mới đi Cái Nước tuần rồi nên tôi cho thiếu quí uống nước nhứt. Mai mốt kẹt đường thời mình uống nước nhì, nước ba.
An gật gù cười. Dù thắc mắc chuyện cà phê nước nhứt, nước nhì, nước ba, song Đạm im lặng uống một ngụm cà phê đầu tiên của mình nơi vùng hoang vu tận cùng đất nước.
Đợi cho Đạm uống gần nửa ly cà phê đen xong An cười hỏi.
"Được không?
Đạm chúm chiếm cười gật đầu.
"Ngon... Tôi không có gì phàn nàn.
Hướng về bác Năm đang ngồi hút thuốc trên bộ ván Đạm nói.
" Bác Năm cho tôi gói Ruby đi bác Năm.
An mỉm cười nháy mắt với Phát. Ông trung đội trưởng trung đội 3 cũng cười cười không nói gì hết. Đạm bắt đầu cuộc đời lính chiến nơi tiền đồn xa xôi hẻo lánh của mình với những hành động mà bất cứ người lính nào cũng làm như hút thuốc và uống rượu. Mai mốt anh có thể sẽ chửi thề, văng tục, hoặc còn đi xa hơn nữa tùy thuộc vào môi trường mà anh sống cũng như các đồng đội mà anh sẽ tiếp xúc.
Khui gói Ruby xong Đạm chìa gói thuốc sang An.
"Mời thiếu úy.
Mời cái gì thời An có thể từ chối nhưng mời thuốc lá thời anh nhận liền. Đưa gói thuốc sang Ba Phát Đạm cười.
"Mời anh Ba. Xin nói trước với anh Ba và thiếu úy là chầu nhậu này để phần tôi.
Phát cười hà hà.
"Được rồi chửn quí... Tôi không dành phần của ông đâu.
Đạm gật đầu cười nói với An.
"Tôi có hai tháng lương chưa xài. Ở cái đồn Cái Đôi này chắc tôi cũng không biết xài cái gì ngoài cà phê thuốc lá và nhậu nhẹt.
Uống cạn ly cà phê đen xong An quay qua hỏi bác Năm.
"Bác Năm có cái gì lai rai hôn bác Năm?
" Thiếu quí muốn món gì. Rắn xào lăn nghe thiếu quí. Đêm qua mấy đứa nhỏ cắm câu được ba con rồng ri cá bự lắm.
An tặc lưỡi.
"Gì chứ rắn thời hết chỗ chê. Đạm ăn rắn không?
Đạm gật đầu trong lúc uống cạn ly cà phê. Bỏ tàn thuốc xuống đất rồi lấy giày dụi cho tắt Ba Phát cười hà hà nói vọng vào trong bếp.
" Một xị đi bác Năm.
Bác Năm trở ra với xị rượu trắng và cái chung bằng thủy tinh lên màu vàng. Ngay cả rượu tuy gọi là rượu trắng mà màu của rượu cũng biến thành ngà ngà. Rót đầy chung rượu Ba Phát đặt ngay trước mặt An. Bao giờ cũng vậy, từ những buổi tiệc trong đồn hay ở nơi hàng quán, An đều được mời uống trước. Đó là sự kính trọng của dân làng và lính tráng dành cho anh. Đó cũng là sự bày tỏ lòng biết ơn của những người dân quê thật thà và hiền lành.
" Dô đi thiếu quí.
"Cám ơn anh Ba.
Đưa chung rượu đế lên như để mời hai người đối ẩm, ông xếp đồn Cái Đôi ực cạn chung rượu đế.
" Ngon không thiếu úy?
An bật cười vì câu hỏi của Đạm. Chép miệng, quẹt diêm đốt thuốc, rít hơi dài, ém hơi thật kỹ, nhả khói ra từ từ anh mới trả lời.
"Uống mới biết được.
Ngừng lại nhìn ra cánh đồng khô đầy cỏ cao với rừng tràm, đước xa xa anh nói tiếp.
"Không đến nỗi tệ lắm đâu... Ngà ngà chút thôi... Vừa đủ để cho mình thấy đời sống của người lính chiến như mình bớt phiền muộn và bớt mong manh. "
Chỉ có Đạm mới hiểu được câu nói của An. Nhẹ thở dài anh nhấc lấy chung rượu đế mà Ba Phát vừa đặt trước mặt mình. Ông chuẩn úy sữa nhìn màu vàng của rượu, màu xanh của bầu trời tháng 2 và màu đất đen của nền nhà mình đang ngồi xong ực nhanh chung rượu đế cay xè. Bây giờ anh mới nghiệm ra lý do là tại sao An, Xinh, Thắng hay bất cứ người lính nào uống rượu đều ực nhanh, gọn chung rượu đế mà không có nhấp từ từ hay nhâm nhi chút chút như anh thấy các anh lớn của mình thường làm khi họ uống bia. Có hai lý do. Thứ nhất rượu ở đây mạnh mà lại không ngon, cho nên người ta không muốn thưởng thức cái cay, đắng, chua hay chát của rượu. Thứ nhì uống rượu là để tìm cảm giác, do đó họ uống thật nhanh hầu sớm có cảm giác la đà, chếch choáng hơi men.
" Đã hả chửn quí.
Ba Phát cười hỏi khi thấy Đạm, sau khi ực cạn chung rượu phải hít liền hai hơi thuốc để đưa cay.
"Rượu này bốc lửa nghe anh Ba.
Đạm lên tiếng. Cười hà hà Ba Phát tự rót rượu cho mình. Ông chuẩn úy sữa kín đáo nhận xét từng cử chỉ nhỏ nhặt của tay nhậu thâm niên đứng hàng thứ ba của đại đội. Thanh thản, từ tốn và chăm chú, Ba Phát rót đầy chung rượu xong đưa lên miệng. Trái với mọi người, anh uống từng ngụm nhỏ như muốn thưởng thức cái vị cay ngọt, cái hương của lúa ẩn trong mùi hăng hắc của chất rượu bốc lên.
Ngồi bên kia bộ ván bằng cây, đang bập bập điếu thuốc rê của mình bác Năm chợt lên tiếng.
"Thằng Ba mày thấy được không?
Ba Phát gật gù cười.
" Ở vùng Cái Nước này còn ai nấu rượu ngon hơn bác được. Tiếc là đánh nhau hoài nếu không tôi làm ruộng lấy lúa cho bác nấu rượu.
Bác Năm thở dài.
"Giặc này biết bao giờ mới yên... Giặc chi mà giặc lạ...
Bập bập vài hơi thuốc bác nói tiếp.
"Mấy ông của mặt trận nói là giải phóng mà tui thấy họ có giải phóng gì đâu. Chỉ có người chết nhiều hơn mà thôi. Năm đứa con của tui thời hai thằng bị mấy ổng giết rồi. "
Nói tới đó bác Năm ngừng lại giơ tay áo quẹt nước mắt vừa ứa ra. Ba Phát im lìm. Đạm cúi nhìn gói thuốc lá đặt trên mặt bàn. An ngó quang cảnh trước mặt mình. Sát với con lộ đất là con rạch khá rộng. Kế đó là cánh đồng cỏ cao ngút ngàn rồi xa hơn nữa là khu rừng cây xanh xanh. Cánh đồng vắng ngắt. Nhưng anh biết vẫn có những du kích quân của mặt trận đang âm thầm di chuyển hay hì hục đào hầm hố để ẩn nấp hay đặt khẩu 82 bắn vào đồn của mình. Một đêm tối trời hay mưa gió, người của mặt trận sẽ vượt qua con rạch để bắn giết những kẻ đối nghịch với mình, dù kẻ đối nghịch chỉ là dân lành vô tội. Người dân chỉ biết làm ruộng, đánh cá, chài lưới, nuôi tôm câu cá, hay cho cùng là bán buôn với hy vọng sống sót và chờ đợi trận giặc qua đi. Thật ra họ theo bên này hoặc bên kia cũng chỉ vì thời thế hoặc hoàn cảnh đẩy đưa. Theo bên mặt trận thời đói khổ còn theo quốc gia thời kém an ninh, bởi vì lo âu và sợ sệt người của mặt trận trả thù bằng cách ám sát, bắt cóc, thủ tiêu hay giết hại mỗi khi chiến thắng. Vô hình chung họ nghiêng về bên quốc gia với một điều kiện là bảo đảm an ninh cho họ. Nhiệm vụ của người lính nghĩa quân hay địa phương quân là bảo vệ tính mạng cho dân làng. Khi mà thôn xóm có an ninh, thời du kích quân sẽ không có đất để hoạt động. Dù ở vùng Cái Đôi này không lâu, anh biết bảo đảm an ninh cho dân là nhiệm vụ chính yếu của mình.
" Dô đi ông thầy.
An mỉm cười khi nghe Ba Phát lên tiếng nhắc. Nhấc lấy chung rượu đế anh cười nói với Đạm.
" Ăn đi... Thịt rắn này ăn bổ lắm.
Sau khi uống hết hai chung rượu Đạm cảm thấy người lâng lâng và anh ăn nói cũng vui vẻ và dạn dĩ hơn.
"Thiếu úy xúi tôi ăn toàn đồ bổ là hại tôi rồi.
An cười khằng khặc trong cổ họng.
"Ông đừng có lo... Mai mốt tình hình yên một chút tôi với ông ra Cái Nước nghỉ dưỡng sức. Lúc đó ông tha hồ xả xú bắp.
Hiểu ý của An Ba Phát bật cười ha hả.
"Chừng nào đi ông thầy cho tui biết để tui tháp tùng nghe ông thầy.
Uống cạn chung rượu An nói giỡn.
" Ông không sợ bà xã đốt nhà sao mà đòi theo tụi này... Bả mà biết tôi rủ ông đi là bả bỏ đói tôi với ông Đạm.
Ba Phát cười hà hà. Rót chung rượu xong đưa sang cho Đạm anh vừa cười vừa nói.
"Ông thầy đừng có lo. Tôi ráng o bế bả một đêm là bả còn năn nỉ tôi đi cho lẹ.
Dụi tắt tàn thuốc lá An cười lớn.
"Ông mà o bế bả một đêm là ông hết cha xí quách rồi còn đi theo tụi này làm chi.
Đạm cười hăng hắc khi nghe Ba Phát và An đối đáp với nhau. Ba người lính vừa lai rai xị rượu vừa chuyện trò.
" Ông thầy có tính ăn sương tối nay?
An gật đầu. Trầm ngâm giây lát anh mới lên tiếng.
" Đêm nay ông Xinh và ông Đạm sẽ đi mần ăn. Sáng mai tôi và ông sẽ chỉ huy lính mở đường ra tới Vàm Dinh. Lệnh từ chi khu bảo mình phải cố gắng khai thông con lộ từ Cái Đôi đi Vàm Dinh. Sau khi khai thông xong mình còn phải giữ an ninh nữa. "
Ba Phát gật đầu. Ực cạn chung rượu người lính có hơn mười năm kinh nghiệm đánh giặc gục gặt cái đầu tóc hơi dài.
"Chà... Mình bắt đầu mệt nghe ông thầy... Nào giữ đồn, giữ đường, phục kích... Điệu này ông thầy phải xin thêm lính mới được.
An thở khì một cái rồi buông tàn thuốc xuống đất. Lấy giày giẫm lên anh nói chậm.
"Tôi đã xin bổ xung rồi mà có thấy ai đâu. Tôi gọi máy năn nỉ thời chi khu bảo chưa được lịnh của ông tỉnh.
Ngừng lại giây lát An uống một hớp rượu xong mới từ từ nói tiếp.
" Mình ráng mà lo thân của mình đi đừng chờ lính bổ xung nữa. Còn vụ súng đạn thời mình cũng phải dè xẻn.
Rót hết rượu trong chai vào chung rượu Phát đưa cho Đạm.
Dô đi chửn quí... Ông cạn đi rồi mình về đồn ngủ một giấc để cho ông thức đêm nay.
Đạm uống một hơi cạn chung rượu. Khà tiếng nhỏ anh gắp miếng thịt rắn cuối cùng trên dĩa. An đứng lên. Phát theo sau. Đứng nơi cửa cả hai xì xầm trò chuyện chờ Đạm trả tiền xong kéo nhau về đồn.