An với Đạm đứng cạnh nhau trên con lộ đất nối liền Cái Đôi và Vàm Dinh. Ba ngày qua, trung đội 1 dưới quyền chỉ huy của hai đại đội trưởng và phó cố gắng tìm kiếm mìn, lựu đạn, hầm chông mà đám du kích đã gài trong suốt mấy năm qua. Ngoài nhiệm vụ giữ an ninh trục lộ, An còn dẫn lính truy lùng quân địch bằng cách vượt qua con rạch. Chỉ có những cuộc chạm súng lẻ tẻ vì đám du kích quân khôn ngoan không chịu trực diện giao tranh. Hôm nay là ngày thứ tư của cuộc hành quân. An cho lính của trung đội 1 nghỉ xả hơi chờ hoán chuyển với trung đội 3.
Trời cuối tháng 5 mưa nhiều. Đôi khi mưa suốt ngày. Cúi nhìn đôi giày bố bê bết bùn Đạm cằn nhằn.
Mưa gì mưa hoài... Mưa rồi nắng, nắng rồi mưa... chán quá.
An cười khom người đốt điếu thuốc.
Ông đừng có cằn nhằn. Mưa rồi nắng còn đỡ hơn mưa dầm suốt ngày đêm. Mình chỉ có nước rút trong nhà ngủ hay đọc sách.
An đưa gói Bastos sang mời Đạm. Rút một điếu, quẹt diêm đốt thuốc Đạm hỏi trong lúc bập bập cho thuốc cháy đều.
Chừng nào anh mới đi phép.
Tôi đã được chi khu chấp thuận cho hai tuần phép rồi. Sau cuộc hành quân này là tôi đi. Ông có muốn gởi gì không?
Đạm gật đầu. Tầm mắt mất hút vào quãng đồng không mông quạnh anh nói chậm và nhỏ.
Tôi đưa tiền cho anh mua sách đọc cho đỡ buồn. Mấy cuốn sách của tôi và của anh, tôi đã đọc mấy chục lần rồi.
Rít liên tiếp ba hơi thuốc dài An liếc nhanh về bên mặt của mình. Xa xa trên con lộ đất toán lính của trung đội 3 dưới quyền chỉ huy của Phát xuất hiện.
Anh sẽ cộ cho em nguyên một túi quân trang đầy sách báo... Mình đọc xong sẽ chuyền cho lính đọc đỡ buồn và cho họ có chuyện làm. Nhậu riết mục người hết.
Đạm bật lên tiếng cười vui vẻ khi nghe cấp chỉ huy nói.
Anh Ba tới rồi.
Theo sự phân chia thời An sẽ theo trung đội 1 của Xinh trở về đồn để sửa soạn đi phép, còn Đạm ở lại chỉ huy trung đội 3 tiếp tục giữ an ninh cho con lộ. Nhìn thấy Phát đi tới gần An cười nói lớn.
Tôi giao con lộ lại cho hai ông. Nhớ đặt các toán kích ban đêm.
Gật đầu Ba Phát cười nói với An.
Thiếu úy đừng có lo. Về Sài Gòn ông ráng ăn nhậu cho đã đời đi.
Xinh cười chêm vào.
Lần này thiếu úy nhớ đem xuống tấm hình cô bồ của thiếu úy nghe. Tụi này muốn thấy hình của cô ta.
Tôi sẽ nhớ lời anh dặn. Thôi mình đi.
Thấy dây giày của mình bị sút ra Đạm khom người xuống để cột lại. Cắc... Bùm... Âm thanh nổi lên đột ngột. Đứng bên cạnh Ba Phát nghe đạn rít bên tai mình. Hoảng hồn anh hụp đầu tránh. Vừa ngước lên thấy An ngã lăn ra đất anh la lớn.
Thiếu úy... Thiếu úy bị rồi.
Đạm đứt bật dậy. Anh đứng chết trân khi thấy An nằm dài trên đất. Nơi ngực trái của vị đại đội trưởng có lỗ tròn vo và máu theo lỗ tròn đó phun ra ướt đỏ cả chiếc áo bà ba đen.
Thiếu úy... Thiếu úy.
Đạm lạc giọng. An mở mắt. Da mặt tái xanh lấm tấm chút máu đỏ tươi, anh mỉm cười trong lúc hai giọt nước mắt từ từ ứa ra. Nước mắt và nước mưa hòa với máu chảy thành dòng đỏ tươi lan từ từ trên mặt đất đen lầy lội. Đạm nâng đầu cấp chỉ huy lên. Không còn gì để nói, để khóc, để nhắn nhủ, ngoài cái chết sẽ tới trong vài giây đồng hồ ngắn ngủi. Đôi mắt tinh anh không còn nữa. Thiếu úy An, trưởng đồn Cái Đôi rướn người lên một chút rồi là im lặng mênh mông.
Ba Phát nghiến răng trèo trẹo. Cái chết của An khiến cho anh nổi điên.
Mẹ... Tao mà để cho thằng du kích chó đẻ này sống là tao không dám nhìn mặt ông thầy.
Chụp khẩu Garant M2 Ba Phát nhào ra bờ rạch. Tay xách khẩu Carbine M2 Xinh la lớn.
Để tôi phụ với anh.
Hai ông trung đội trưởng gan lì lội qua con rạch tiến về lùm cây cao, nơi mà họ nghi có tên du kích đã núp để bắn chết An.
Nó đó... Nó chạy... Nó chạy anh Ba.
Bên này bờ rạch lính ra rầm lên. Đứng trên bờ mẫu Phát thấy một bóng áo đen chạy lúp xúp trên cánh đồng cỏ cao ngang lưng. Tay súng nổi danh Ba Phát nâng khẩu Garant M2 lên. Con mắt sáng rực của anh nhìn từ lỗ châu mai tới đỉnh đầu ruồi và mục tiêu đang di động. Cả ba xếp thành hàng một. Cắc... Bùm... Âm thanh vọng vang rừng cây. Bóng áo đen lảo đảo rồi ngã xuống.
Trúng rồi...
Trúng rồi...
Anh Ba... Trúng rồi...
Bắn chết tên du kích xong Ba Phát thở dài sườn sượt. Dù sao anh cũng không thể cứu sống An. Người lính chiến quê ở Sài Gòn đã nằm xuống nơi con lộ đất vô danh. Anh đã đi phép và không bao giờ trở lại để ngồi nhậu với đồng đội của mình. Mưa rơi trắng xóa khoảng trời xám đục. Mưa rơi trên mặt của Đạm. Người chuẩn úy trẻ không muốn khóc mà nước mắt cứ ứa ra hòa với nước mưa rơi trên mặt của mình.
Đạm ngồi im trong hầm chỉ huy. Trước mặt anh là đống giấy tờ bề bộn. Cái gạt tàn thuốc đầy ắp. Ly cà phê cạn khô. Lật bật mà An chết đã hơn nửa năm rồi. Xuyên qua đề nghị từ chi khu, tiểu khu cho anh thay thế An chỉ huy đồn Cái Đôi và là đại đội trưởng đại đội 414. Anh không mừng vui khi lãnh nhiệm vụ mới mà trái lại lo âu nhiều hơn. Trách nhiệm nhiều và nặng hơn vì tình hình càng lúc càng thêm căng thẳng. Hiệp định khốn kiếp Paris được ký kết đã cho phép địch ngang nhiên hoạt động cũng như gia tăng quân số nhằm mục đích đè nặng áp lực quân sự lên chính quyền hiện hữu. Theo tin tức tình báo từ tiểu khu, chi khu và lính dưới quyền cung cấp; anh biết địch đã gia tăng quân số một cách đáng ngại cũng như đã mở ra các cuộc tấn công vào đồn bót và các trục lộ giao thông quan trọng. Đám du kích trong vùng được tăng cường thêm ba hoặc ít nhất hai đại đội thuộc tiểu đoàn chủ lực miền của mặt trận. Dù chỉ là một tiểu đoàn trừ, nghĩa là chỉ có ba đại đội song không vì thế mà địch lại giảm đi các cuộc công đồn hay phá rối. Lính của anh chết vì bị bắn sẻ nhiều hơn lúc trước. Họ bị địch chận đường phục kích trong lúc đi kích ban đêm. Dường như địch đã cài được người vào làm lính cho nên chúng biết khá tường tận về hoạt động của lính trong đồn.
Khe khẽ thở dài Đạm với tay lấy gói thuốc Bastos xanh trên bàn. Quẹt diêm đốt, hít hơi dài đoạn nhả khói ra từ từ anh lắc đầu nhìn hai ngón tay vàng ám khói thuốc của mình. Gần một năm từ khi về đây anh đã đổi khác khá nhiều, nhất là sau cái chết của An. Anh thức ban đêm và ngủ ban ngày. Anh hút thuốc lá nhiều hơn. Anh nhậu cũng chì hơn. Lính trong đồn gọi anh bằng cái tên ngồ ngộ. Chửn quí xị... Bây giờ ông chuẩn úy hết sữa rồi vì đã đủ sức ngồi nhậu ba xi đế với ba ông trung đội trưởng. Anh ăn thịt chuột, xực thịt rắn, đớp thịt kỳ đà, dơi quạ hay bất thứ cái gì mà lính nấu. Bây giờ cà phê dợt, nước nhứt, nhì hay ba đều ngon với anh. Lính trong đồn coi anh như bạn hoặc anh em. Họ chia cho anh bất cứ cái gì họ có, nghe theo lệnh của anh một cách vui vẻ và sống chết với anh một cách tận tình. Đó là điều an ủi cho anh vì sau khi An chết anh cảm thấy cô đơn, trơ trọi và buồn bã. Anh thiếu một người để nói chuyện và đôi khi để tâm tình. Anh cần một người có trình độ học vấn ngang mình, quê quán ở Sài Gòn, để đêm đêm ngồi ngoài sân, vừa hút thuốc, vừa đập muỗi, vừa uống cà phê nhắc nhở kỷ niệm hay nói về Sài Gòn. Anh mến những người lính của mình. Anh thương Phát, Xinh và Thắng vì tính tình hiền lành và thật thà của họ. Tuy nhiên ở trong góc cạnh của tâm hồn họ không thể hiểu anh, chia xẻ được cảm nghĩ hoặc suy tư của anh.
Chửn úy... Chửn úy...
Đạm đứng lên khi nghe tiếng Phát gọi lớn. Bước ra khỏi hầm chỉ huy anh thấy Phát đang đứng với một người lính mặc đồ trây di mang cấp bậc chuẩn úy. Giơ tay chào anh người lính nói.
Thưa thiếu úy, tôi là chuẩn úy Nguyễn Đăng Trương...
Hơi mỉm cười Đạm nói nhỏ.
Chi khu đã thông báo cho tôi về chuẩn úy... Ông có giấy thuyên chuyển của tiểu khu...?
Dạ có...
Trương lục túi đưa cái lệnh thuyên chuyển của tiểu khu ra cho Đạm. Liếc nhanh xong anh cười nói với Phát.
Anh Ba dẫn chuẩn úy Trương về nhà tôi. Để ông ngủ trên giường của thiếu úy An...
Trong lúc Trương cúi xuống xách cái túi quân trang nặng chĩu Đạm nói thêm với Phát.
Anh nói với bà xã nấu cơm cho Trương. Ngày mai tôi sẽ cho ổng trình diện với đại đội...
Phát đi trước dẫn đường còn Trương vác túi quân trang theo sau. Anh để ý giao thông hào chạy dọc ngang cùng với công sự phòng thủ có trí súng trung liên hoặc đại liên. Góc bên trái của đồn sát với con lộ đất là dãy nhà của gia đình binh sĩ. Phát xô cửa vào một ngôi nhà lá nằm sát hàng rào kẽm gai và cách xa các ngôi nhà khác chừng mươi thước. Cái bàn nhỏ đặt chính giữa hai cái giường cây ọp ẹp. Căn nhà được chia làm hai ngăn. Phía trước là chỗ ngủ còn phía sau là nhà bếp song lại không có bếp núc gì hết.
Chửn úy ngủ trên giường của thiếu úy An.
Phát chỉ vào chiếc giường cây nhỏ đủ cho một người nằm. Trương gật đầu đặt cái túi quân trang lên giường. Đứng nhìn giây lát Phát cười lên tiếng.
Chiều nay mời chửn úy ăn cơm với vợ chồng tôi.
Trương quay qua cười.
Cám ơn trung sĩ.
Phát từ từ lui ra cửa. Trên đường về nhà của mình anh gặp Đạm. Hai người đứng nói chuyện khá lâu.
Bữa cơm đầu tiên mà Trương được ăn ở cái đồn xa xôi diễn ra trong bầu không khí thân mật và vui vẻ. Ăn xong Đạm dẫn Trương đi một vòng quanh đồn để chỉ cho vị chuẩn úy sữa biết sơ qua về hệ thống phòng thủ cùng tình hình chiến sự của vùng Cái Đôi.
Thiếu úy ở Sài Gòn mà thiếu úy ở quận nào?
Đạm quẹt diêm đốt thuốc. Rít hơi dài anh mới thong thả trả lời câu hỏi của Trương.
Tôi ở Thị Nghè... Trương hút thuốc.
Ngần ngừ giây lát Trương mới rút lấy điếu thuốc. Đạm quẹt diêm đốt thuốc cho ông đại đội phó tương lai của mình.
Bà xã tôi cũng ở Thị Nghè.
Trương lên tiếng sau khi hít hơi thuốc rồi nhả khói ra từ từ.
Thế hả... Tôi tưởng Trương chưa có vợ.
Dạ tôi mới cưới vợ được nửa tháng, sau khi ra trường Thủ Đức.
Đạm gật đầu. Liếc nhanh cấp chỉ huy của mình Trương hỏi một cách rụt rè.
Tôi muốn đem vợ tôi xuống đây ở. Được không thiếu úy.
Đạm cười cười rít hơi thuốc.
Được chứ... Sống độc thân ở đây buồn lắm... Chỉ sợ bà xã của Trương không thích sống ở đây thôi.
Bỏ tàn thuốc xuống đất, lấy giày giẳm lên cho tắt xong anh từ từ tiếp.
Ở đây buồn lắm... Chẳng có việc gì để làm... Chẳng có đi đâu được. Sống ở đây gần như ở tù.
Liếc ra quãng đồng không mong quạnh anh thở dài nhè nhẹ.
Đi tu thời đúng hơn… Dù sao thời mình cũng được tự do.
Trương cười hít hơi thuốc.
Thiếu úy ở đây bao lâu rồi?
Đạm lại đốt điếu thuốc nữa. Hít một hơi anh lên tiếng với giọng trầm và khàn.
Một năm rồi. Khi nào có riêng hai đứa mình Trương có thể gọi tôi bằng anh... Trương ở quận nào?
Dạ quận Gò Vấp.
Ngày xưa tôi học Võ Trường Toản.
Dạ tôi học Hồ Ngọc Cẩn. Bà xã của tôi học ở Trưng Vương...
Vì cúi xuống để lấy giày giẳm lên tàn thuốc cho nên Trương không thấy được nét buồn rầu hiện lên khuôn mặt khắc khổ của cấp chỉ huy.
Thế à...
Thấy Trương đưa tay đập muỗi bu đầy trên cánh tay của mình Đạm cười.
Cứ để cho nó hút máu no đi. Đập không hết đâu... Muỗi ở đây nhiều lắm. Muỗi rừng mà.
Trương cười nhìn ra chòi canh hiện lên trong buổi chiều vừa tắt nắng.
Bởi vậy người ta mới có câu Ở đâu vui bằng xứ Cạnh Đền. Muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội lền như bánh canh... Cạnh Đền ở đâu vậy thiếu úy?
Đó là vị trí nằm bên bờ sông Trèm Trẹm. Trương có đọc quyển Bên Bờ Sông Trẹm của Dương Hà chưa?
Dạ có đọc sơ qua. Chắc anh thích đọc sách?
Đạm gật đầu cười.
May mà tôi thích đọc sách. Ở vùng này khi mùa mưa tới chỉ có đọc sách, nhậu và ngủ.
Ngước nhìn trời anh cười tiếp.
Mưa thúi đất luôn. Tôi sẽ xin với chi khu cho Trương năm ngày phép về thu xếp và dẫn bà xã xuống đây.
Cám ơn thiếu úy.
Nhưng tôi cá với Trương là bà xã của Trương sẽ không ở đây lâu.
Trương cười hăng hắc.
Để rồi thiếu úy coi. Tụi này sẽ ở đây lâu.
Đạm cười nói khi thấy ông chuẩn úy sữa của mình cứ đưa tay đập muỗi.
Thôi vào nhà. Đứng ở đây một hồi là muỗi sẽ tha hai đứa mình về Sài Gòn thăm ba má.
Trương cười hắc hắc bước theo Đạm đi vào nhà. Anh thầm nghĩ mình may mắn được một cấp chỉ huy vui tính trong ngày đầu tiên trình diện đơn vị.