Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Như Hạnh

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 21216 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Như Hạnh
Chu Sa Lan

Chương 1

  Từ trong hầm chỉ huy Đạm bước song song với thiếu úy An ra khoảnh sân rộng chói chang ánh nắng mặt trời vào một ngày của tháng 4 năm 1972. Hàng quân đứng im chờ đợi. Gọi là hàng quân cũng không đúng, mà gọi là lính cũng không đúng luôn. Danh từ đúng nhất là quân, lính với dân chúng; bởi vì hàng người đang đứng im là binh sĩ Địa Phương Quân thuộc đại đội 414 biệt lập, trấn thủ ngôi đồn Cái Đôi nằm trong quận Cái Nước của tiểu khu An Xuyên mà người ta quen gọi là Cà Mau. Gọi là đại đội cho oai, cho có vẻ quân số, nhưng thực ra chỉ có hơn bảy chục mống kể luôn cả cấp chỉ huy là đại đội trưởng và đại đội phó. Lính của đại đội có người mặc kaki màu xanh hoặc màu đen, có người mặc bà ba đen, có người mặc đồ dân sự. Nghĩa là họ mặc bất cứ loại quần áo nào mà họ có được. Có người mang giày bố. Có người mang giép. Có người đi chân không. Súng thời đủ loại. Đạm nhận thấy hơn phân nửa được trang bị M16, M79 hoặc M60. Phân nửa lính còn lại mang Carbine M2. Cũng có người xài bá đỏ. Ai mà có được AK là hách hơn hết. Điều đó chứng tỏ họ là tay chơi vì phải lấy được từ tay của kẻ địch.


Thiếu úy An, đại đội trưởng, liếc nhanh Đạm, vị chuẩn úy vừa ra khỏi trường Đồng Đế và mới trình diện mình chiều ngày hôm qua. Hướng về hàng quân, vị sĩ quan trẻ có bốn năm quân vụ nói nhanh và gọn.
" Anh em... Tôi xin báo cho anh em biết là chuẩn úy Đạm sẽ giữ chức đại đội phó của đại đội chúng ta. Tuy mới về đây nhưng tôi tin là chuẩn úy Đạm sẽ trở thành cấp chỉ huy ngon lành trong việc hướng dẫn anh em chống lại Việt Cộng... Anh em có thể giải tán... Sau đây tôi mời ba trung đội trưởng tới gặp chuẩn úy Đạm. "


Đạm nhận thấy khi nói chuyện với lính An không có dùng chữ nghĩa văn chương gì hết. Lời nói của anh giản dị và tầm thường. Đối với những người lính này càng ít văn chương càng tốt. Họ học kém do đó dùng những danh từ mới mẻ, văn chương cao xa thời họ không hiểu.


Hàng quân giải tán còn lại ba người. Chỉ vào một thanh niên ước hai mươi lăm tuổi An cười.


" Đây là trung sĩ Xinh, biệt danh Nhất Xinh, trung đội trưởng trung đội 1.


Hơi mỉm cười vì cái tên là lạ của người chỉ huy trung đội 2 Đạm đưa tay ra bắt tay Xinh. Anh ta bắt tay ông đại đội phó của mình bằng hai tay.
Còn đây là trung sĩ Thắng, tự Hai Thắng trung đội trưởng trung đội 2.
Đạm tươi cười bắt tay Thắng. Chỉ vào một thanh niên tròm trèm ba mươi, nét mặt hơi sáng láng và ăn mặc có vẻ mode một chút An cười tiếp.
" Ông mặc đồ civil này là trung sĩ nhất Phát, tự Ba Phát, xếp của trung đội 3.


Đạm cười thầm. Dường như biệt danh của ba ông trung đội phó gắn liền với đơn vị mà họ chỉ huy. Nhất Xinh coi trung đội 1, Hai Thắng chỉ huy trung đội 2 còn Ba Phát lãnh trung đội 3.


Quay qua Phát An cười hỏi.
" Trưa nay mình nhậu để ăn mừng chuẩn úy Đạm. Anh Ba lo rồi hả anh Ba?
" Dạ dạ... Tui lo hết trơn hết trọi rồi ông thầy. Đế thời mình thiếu gì còn mồi thời cá tôm, rắn rít, cóc nhái lềnh khênh... Mà chửn quí  đây có ăn được hôn?


Đạm mỉm cười vì giọng nói miệt vườn, nhất là cách phát âm sai chính tả của Phát. Cười chúm chiếm An vỗ vai Đạm một cái nhẹ xong nói đùa với ba trung đội trưởng của mình.
" Ba ông đừng lo... Chuẩn úy Đạm tuy tướng học trò mà có bộ giò ăn cướp mà hể ăn cướp là đụng thứ gì xực thứ đó.
Nhất Xinh, Hai Thắng và Ba Phát cười khặc khặc khi nghe câu nói cà rỡn của An. Giơ tay chào hai cấp chỉ huy họ kéo nhau đi về phía khu nhà lụp xụp dành cho gia đình binh sĩ. Còn lại hai người đứng nơi chính giữa sân An hỏi Đạm.
" Em thấy thế nào? "
Ngần ngừ giây lát Đạm mới cười lên tiếng.
"Thưa thiếu úy..."
An ngắt lời Đạm.
" Gọi là anh đi. Ở cái đồn của tận cùng đất nước này mà dạ thưa, thiếu úy với thiếu tá làm chi cho mệt. Anh ở đây ba năm rồi mà đâu có thấy quan to quan lớn, xếp bự xếp nhỏ tới thăm mình đâu thành ra lon lá, cấp bực cất vào hộc tủ, còn quân phong, quân kỹ cũng quên tuốt luốt"

 Đạm mỉm cười khi nghe cấp chỉ huy nói chuyện với mình bằng cái giọng hơi tếu và nhất là ngôn ngữ bình dân.
"Dạ. Chắc anh ở Sài Gòn?
Hơi gật đầu An móc túi lấy ra gói Bastos xanh. Rút một điếu xong anh đưa sang Đạm. Thấy Đạm lắc đầu anh cười cười.
" Hút đi... Xứ này muỗi mòng rắn rít dữ lắm. Hút thuốc lá để ngừa bệnh. Ghiền thuốc lá và rượu dù sao cũng đỡ hơn cảm cúm hoặc sốt rét quanh năm. "


Nghe An nói, có lẽ vì nể lời nên Đạm rút lấy điếu thuốc. An quẹt diêm. Mùi diêm sinh bốc lên nồng nặc. Bập bập vài hơi cho cháy Đạm hít nhẹ một hơi rồi thở khói ra từ từ. An mỉm cười khi thấy ông chuẩn úy sữa của mình bật ho. Riết rồi cũng quen. Xuyên qua kinh nghiệm bản thân anh biết điều đó. Thong thả hít hơi thuốc lá, từ từ nhả khói, mắt nhìn về hướng rừng cây xa xa anh chầm chậm lên tiếng. Giọng của người đại đội trưởng địa phương quân nhuốm chút mơ màng.


" Nhà anh ở Phú Nhuận. Hồi đó anh học Chu Văn An.
Gật đầu cười Đạm hít hơi thuốc thứ nhì.
" Em học Võ Trường Toản.
" Đạm  có vợ con gì chưa?
" Dạ chưa.
An gật gù.
" Tốt... Lính độc thân như mình rủi có chết cũng không phiền ai.
Hít thêm hơi thuốc nữa anh cười tiếp.
" Không vợ mà có bồ hả.
Đạm lắc đầu cười. An thấy nụ cười của người lính trẻ thật buồn.
" Dạ có nhưng lâu rồi chắc cô ta cũng quên.
An im lặng không hỏi nữa.
" Ở đây đụng tụi nó thường không anh?
"Lia lịa. Đám du kích hay chủ lực miền hoặc cơ động tỉnh ở vùng Cái Đôi này kha khá mạnh. Du kích thời có chừng hai trung đội còn chủ lực miền, cơ động tỉnh thời tùy theo tình hình. Tụi Việt Cộng ở Cà Mau còn có các tiểu đoàn mang tên U Minh, có số từ 1 cho tới 12. Tuy nhiên mình đụng với đám du kích, chủ lực miền và cơ động tỉnh nhiều hơn. Cách đây chừng ba tháng tụi nó đánh đồn mình mà dô hổng nổi.
" Mình có bao nhiêu lính hả anh?
Buông tàn thuốc rơi xuống đất rồi lấy giày giẵm lên An chỉ vào mấy lớp chông nhọn bằng cây xong nói một câu khiến cho vị chuẩn úy trẻ ngơ ngác.
" Bình thường thời bảy chục mà khi đụng trận thời trăm rưởi hoặc hai trăm.
Biết Đạm thắc mắc về lời nói của mình An cười.
"Từ từ rồi em sẽ hiểu. Lính ở đây đánh giặc lạ lắm.
Ngó về phía dãy nhà binh sĩ An lại đốt thêm điếu thuốc nữa. Rít một hơi thật dài anh nói giọng thật trầm.
"Những gì mình học được nơi quân trường nhiều khi lại khó có thể áp dụng ở vùng này. Trận chiến ở đây là trận chiến bất quy tắc.
Ngừng lại để rít thêm hơi thuốc dài An cười lập lại câu nói.
Từ từ rồi em sẽ hiểu. Ở đây cái gì cũng lạ với mình hết.
Đạm gật đầu im lặng không nói gì hết vì nể cấp chỉ huy. Tuy nhiên trong lòng anh lại nghĩ khác.
"Ông này ở đây lâu nên mác nặng. Ông nói cái gì mà từ từ rồi em sẽ hiểu. Lính ở đây đánh giặc lạ lắm. Cái gì làm cho ông ta nói trận chiến ở đây là trận chiến bất quy tắc... Cái đồn nhỏ bằng cái lỗ mũi.
Tiếng của An vang lên khiến cho Đạm ngước lên nhìn. Nơi khu nhà của gia đình binh sĩ có bóng người giơ tay vẩy vẩy.
"Đi nhậu... Em ráng giữ mình nghe chưa. Mình nhậu với dân uống từ xị trở lên hông hà.
Đạm cười im lặng theo chân cấp chỉ huy của mình. Lát sau An dừng trước một ngôi nhà lợp lá, vách lá thấp lè tè. Ba Phát cười nói lớn.
"Dô đi ông thầy. Dô đi chửn quí. Tụi nó sẵn sàng hết trơn rồi.
Bước vào cửa Đạm nhìn một vòng người ngồi vây quanh chiếc chiếu lớn. Đủ mặt Nhất Xinh, Hai Thắng và Ba Phát. Ngoài ra còn thêm hai người lính trẻ nữa.
"Thằng Tư Bánh Bèo mày ngồi gần chửn quí đi... Nhớ cho ổng cho chó ăn chè nghe mậy .
Chủ nhà là Ba Phát lên tiếng dặn Tư, người thanh niên trẻ tuổi, tóc dài ngồi cạnh Đạm. Thảy gói Bastos ra giữa chiếu An cười lớn.
" Mấy ông tha cho chuẩn úy Đạm đi. Tối nay tôi sẽ dẫn ổng đi ăn sương với tôi. Ổng mà sỉn là bể.
Hai Thắng cười khằng khặc.
"Vậy hả ông thầy. Ông định dẫn thằng nào theo ông đây?
Tôi không biết. Chắc ba ông phải oảnh tù tì. Ai thắng thời đi.
Dứt câu nói giỡn An quất cạn chung rượu đế nghe cái trót. Khà tiếng nhỏ anh cười.
"Chà... Rượu này bốc à nghe. Mua ở đâu vậy?
"Ngoài chợ Cái Nước đó ông thầy. Rượu đế Đường Xuồng uống bốc mà cái hậu của nó ngọt hơn đường phèn đó ông thầy.
Rít một hơi thuốc lá Tư Bánh Bèo lên tiếng. Rót đầy anh đưa cho Đạm chung rượu đế.
" Dô đi chửn quí... Tối nay ông đi ăn sương mà không sần sần thời lạnh lắm.
Đạm cười. Dĩ nhiên là anh không hiểu những danh từ lạ hoắc của Tư Bánh Bèo. Thấy mọi người ngó như chờ coi mình uống rượu anh nghĩ thầm.
"Dô thời dô... Có chết đâu mà sợ.
Vị chuẩn úy sữa ực một hơi cạn chung đế. Mắt trợn trừng trợn trắng, miệng há ra thật lớn, anh có cảm giác rượu mà mình vừa uống vào giống như là dòng nước lửa chảy từ cổ họng xuống tận bao tử. Dòng nước lửa chảy tới đâu da thịt anh nóng lên tới đó rồi cuối cùng bốc lên đầu, khiến cho anh phải khà, phải khạc ra hơi để giảm bớt cái nóng trong người ra.
"Bốc lửa hả chửn quí.
Xinh cười nói với cấp chỉ huy tương lai một cách thân tình như là người anh lớn tuổi vỗ về em trai của mình. An cười cười không nói. Mọi người đồng vỗ tay hoan hô khi thấy ông chuẩn úy sữa, lon còn mới tinh đi một hơi cạn chung rượu đế. Tân Đờn Cò, người lính trẻ nhất trong bàn tiệc cười nói với An.
"Ổng chịu chơi nghe ông thầy .
Gật đầu An cười cười.
"Tôi đã coi tướng ổng rồi mà.
Quay qua Ba Phát An hỏi.
"Ông có món gì đây?
Thân rót cho mình chung rượu Ba Phát cười hề hề.
"Má con Nhạn bữa nay bả làm reo. Bả chỉ làm cho mình có hai món thôi.

 
Thấy Đạm gắp một miếng đưa cay Ba Phát cười hề hề.
" Chửn quí ăn cái đó được lắm. Thịt chuột ướp ngũ vị hương ăn cường dương nghe chửn quí.
Đang gắp mà nghe nói thịt chuột Đạm giật mình định bỏ xuống. An cười nói như trấn an ông đại đội phó của mình.
" Cứ ăn đi... Không có chết hay cùi lỡ gì đâu mà sợ... Tôi ăn ba năm nay rồi.
Tin tưởng vào lời nói của An cũng như muốn tỏ cho mọi người biết là mình chịu chơi, Đạm gắp miếng thịt chuột bỏ vào miệng nhai từ từ. Anh cảm thấy thịt mềm, ngọt và thơm chứ không phải kỳ cục như người ta đồn đại. Gắp thêm miếng nữa, nhai nuốt xong anh cười.
"Thịt này ngon hơn thịt gà.
Bật cười sằng sặc Hai Thắng chêm vào.
" Chửn quí chửa vợ mà xực đồ cường dương thời coi chừng. Ở Cái Đôi này không có đàn bà con gái cho ông xì xú báp đâu.
Mọi người đều bật cười. Cười nhiều nhất là An. Riêng Đạm có vẻ ngượng. Lát sau anh mới lên tiếng cãi.
"Ông nói làm sao chứ tôi chưa nghe ai nói thịt chuột cường dương.
Ba Phát cười chúm chiếm.
" Thịt chuột thời không có cường dương mà ngặt một nỗi là bà xã của tôi bả ướp ngũ vị hương trộn với con bửa củi.
An lên tiếng trong lúc đốt thuốc.
"Chuẩn úy Đạm trẻ tuổi mà cường dương thời cũng không có sao... Dô đi Tư Bánh Bèo... Anh khát nước. "


Ực một hơi cạn chung đế, rót đầy chung khác Tư ấn chung rượu vào tay Đạm. Không chần chờ anh ực cạn chung đế mà không thấy Xinh nháy mắt cười với An. Ông xếp đồn Cái Đôi cười im lặng. Vị sĩ quan có ba tuổi lính đã nhìn thấy ở Đạm một tính chất rất cần thiết để trở thành cấp chỉ huy và nhất là thay thế mình chỉ huy đại đội địa phương quân Cái Đôi. Đó là sự hòa mình với lính, nhất là thứ lính địa phương này. Mặc kệ anh từ đâu tới. Sài Gòn, Huế, Hải Phòng, Pleiku hay Cần Thơ. Mặc kệ anh có trình độ đại học hoặc đậu hai ba bằng cử nhân, tiến sĩ. Mặc kệ anh xuất thân từ Đà Lạt, Thủ Đức hay Đồng Đế. Nếu anh không thể ngồi chung một cái chiếu với lính, hút Bastos xanh đỏ, uống rượu đế, ăn thịt rùa rắn, chuột, nghe vọng cổ, nói chuyện tiếu lâm; có nghĩa là anh không thể hòa đồng với người lính của địa phương. Không hòa hợp là anh không hiểu, không thông cảm và trở thành lạc lõng với những người xung quanh. Từ đó lính không thân thiện với anh, không thương anh và có thể không tuân lệnh của anh hay chỉ nghe lời anh một cách miễn cưỡng. Mặt trận ở đây không có những cuộc hành quân rầm rộ, xe tăng, tàu chiến hay máy bay. Đây là thứ trận chiến thầm lặng bao gồm tâm lý chiến, tình báo chiến và phản du kích chiến. Mỗi người lính ở đây là một điệp viên không có lãnh lương nhưng thi hành nhiệm vụ của mình một cách tận tụy và hăng say. Họ thu lượm tin tức từ người thân trong gia đình, bà con, chòm xóm, láng giềng. Cũng nhờ thứ tình báo nhân dân này mà nhiều khi Việt Cộng chưa đánh đồn, họ đã biết trước địch sẽ đánh ở đâu, ngày nào, ban đêm hay ban ngày.


" Dô đi ông thầy. "


Xinh nhắc chừng cấp chỉ huy của mình khi thấy An ngồi im lặng dường như đang bận tâm suy nghĩ chuyện gì. Hai Thắng lên tiếng bênh xếp.
" Anh từ từ... Để cho ổng nhớ bồ ổng một chút.
An cười cười nhìn mọi người trong chiếu tiệc.
"Dô mấy chung đế Đường Xuồng rồi thời bồ bịch, tía má gì tôi cũng quên tuốt luốt. "


Xinh cười sùng sục trong cổ họng. Xị rượu thứ nhì được rót ra. Đạm cảm thấy ruột gan xộn xạo, toàn thể các lỗ chân lông trên người đều mở rộng tối đa để cho hơi nóng thoát ra và trí não bềnh bồng. An láy mắt với Tư Bánh Bèo. Người lính địa phương quân bới đầy một chén cơm trắng đưa cho Đạm kèm theo câu nói.
"Ăn đi chửn quí... Bụng đói uống mau say lắm.


Cầm lấy chén cơm Đạm dùng đũa gắp một miếng thịt chuột. Vừa nhai vừa nuốt anh cảm thấy thịt chuột ăn với cơm nguội ngon vô cùng. Xực liền một lúc ba chén cơm đầy anh cảm thấy tỉnh táo hơn và người cũng bớt nóng hơn. Rút một điếu thuốc, quẹt diêm đốt, bập bập máy cái cho thuốc cháy đều xong hít một hơi thật dài anh nhả khói ra từ từ. Tuy nói chuyện, cười đùa với mọi người nhưng An vẫn để mắt tới ông đại đội phó của mình. Anh gật gù mỉm cười tỏ vẻ thích thú và hai lòng khi thấy vị đại đội phó của mình uống rượu đế, ăn cơm với thịt chuột và hút thuốc lá một cách tự nhiên. Xị rượu thứ nhì vừa hết An tuyên bố giải tán buổi tiệc mừng để mọi người đi lo công chuyện.


Đạm thức giấc lúc xế chiều. Mặt trời vẫn còn ở trên đọt cây. Dù đầu óc còn váng vất vì men rượu anh cũng gượng ngồi dậy. Xỏ đôi giày anh bước ra khỏi giường. Ngôi nhà lá nhỏ chỉ có một phòng với hai cái giường cây dành cho hai ông xếp độc thân. Bước ra tới cửa anh đứng im nhìn bao quát khung cảnh của đồn Cái Đôi. Vị trí này là nơi mà anh bắt đầu cuộc đời lính của mình. Nó là nơi anh sẽ ở một năm, hai năm hoặc dài hơn tùy theo. Bên trái của anh là khu nhà lá lụp xụp, thấp lè tè, nơi lính và gia đình của họ cư ngụ. Đối diện với khu gia binh là con rạch khá lớn ăn thông với con rạch khác. Con lộ đất chạy dọc theo con rạch rồi được tiếp nối với con lộ phía bên bằng cây cầu ván bắt qua con rạch lớn hơn mà An nói là Rạch Cái Đôi. Hàng rào bằng chông nhọn cao khỏi đầu người, dày đặc mấy lớp. Anh thấy được những trái lựu đạn treo lủng lẳng. Sau lưng là quãng đồng trống, nước lấp xấp và cỏ cao khỏi đầu người. Trước mặt anh là cửa chánh của đồn, nhìn ra rạch Cái Đôi và cây cầu ván. Khung cảnh im vắng, đìu hiu. Trời cao và thật xanh. Gió phất phơ lá cờ vàng ba sọc đỏ treo trên một chòi canh cao. Nếu không có cái biểu tượng đó, không ai biết đây là ngôi đồn của quốc gia, vị trí xa nhất, hẻo lánh nhất của chi khu Cái Nước. Dọc theo con lộ đất, xa chừng nửa cây số Đạm thấy hiện lên dãy nhà mái xám mốc của dân làng. Họ cất nhà dọc theo con lộ đất nối liền từ Cái Đôi đi Vàm Dinh và Cái Nước. Từ đây tới đó đường xa không quá ba chục cây số mà nhiều khi đi cả ngày cũng chưa tới được. Đi bộ thời bị đắp mô, phục kích, bắn sẻ, đạp lựu đạn, mìn; còn đi ghe thời bị chận đường, bắt cóc. Thành ra ngôi đồn lẻ loi và nhỏ bé này hầu như quanh năm suốt tháng bị cô lập với thế giới bên ngoài. Sở dĩ nó còn đứng vững được là nhờ vào sự chiến đấu can trường của người lính địa phương quân. Lằn ranh mất còn, sống chết mỏng manh nhưng rất rõ ràng và người lính biết điều đó. Họ chiến đấu không phải vì những danh từ dao to búa lớn, rỗng tuếch và mơ hồ, mà họ chết vì một điều giản dị và thực tế là bản thân, vợ con và làng xóm.


Đạm quay lại khi nghe tiếng tằng hắng. An, mặc bà ba đen, mang giép râu, giống y chang như một anh du kích miệt vườn.
"Mình đi ăn cơm rồi chuẩn bị ăn sương đêm nay.
Không dằn được tò mò Đạm hỏi liền.
" Ăn sương là gì hả anh?
An cười đốt điếu thuốc.
" Đi phục kích… Nhiều khi đi kích mình phải nằm chờ cả đêm, sương xuống ướt hết quần áo nên anh em gọi là ăn sương.
Đạm thầm nghĩ, mặc dù ít học, những người lính địa phương cũng có tâm hồn nghệ sĩ. Đi kích mà họ gọi là đi ăn sương. Danh từ này làm giảm đi sự bắn giết nhau cho nên nghe nhẹ nhàng và tình cảm hơn.
An, Đạm ăn cơm tháng với gia đình của Ba Phát. Ông trung sĩ mới hơn ba mươi lăm mà có bảy đứa con. Đứa nhỏ nhất ba tuổi còn lớn nhất lên mười lăm.
"Ông thầy định đi đâu tối nay?
Đặt đôi đũa xuống bàn An cười cười.
"Qua khỏi xóm nhà lá... Tôi rủ ông Đạm đi chơi cho ổng quen dần nên chọn chỗ khá an ninh.
Nhìn Đạm đang nhai cơm Phát gật gù.
" Như vậy mình đem ít thôi... Đông người dễ bị lộ.
" Tôi để ông chọn địa điểm và chọn người luôn... Mình chỉ ở tới ba bốn giờ sáng thôi.
" Dạ... Ông thầy tính như vậy cũng được.
Ăn cơm xong, trên đường trở lại nhà của hai người An tạt vào hầm chỉ huy. Đưa cho Đạm khẩu Carabine M2 với một dây đạn anh cười lên tiếng.
" Đây là khẩu súng tốt nhất. Đạm có thể ra hàng rào bắn thử.
Cầm khẩu súng và dây đạn Đạm hỏi nhỏ.
"Chừng nào mình đi ăn sương hả anh?
An cười trả lời.
" 8 giờ... Đạm ngủ một giấc đi.
Hai người ra khỏi hầm trú ẩn. An nhìn theo Đạm xách súng đi chậm chạp về phía hàng rào dọc theo rạch Cái Đôi.
Sáu người, một bán tiểu đội, nằm xếp hàng dọc theo con lộ đất từ Cái Đôi đi về Vàm Dinh. Đối diện với họ là con rạch nhỏ sáng mờ mờ dưới ánh sao của một đêm ba mươi không có trăng. Phía bên kia là rừng cây đen thẳm. Đom đóm bay lập lòe. Tiếng ếch nhái hòa lẫn với tiếng côn trùng rỉ rả. Gió rì rào hàng cây dọc theo bờ rạch. Tiếng muỗi vo ve bên tai khiến cho Đạm bực mình. Thoạt đầu chưa quen anh đập muỗi lia lịa nhưng sau đó nghe lời khuyên của An anh gồng mình mặc cho muỗi cắn. Đối với người lính không có gì chán bằng đi kích. Nằm im không được di chuyển, buồn ngủ híp mắt cũng ráng mở ra, gió lạnh, mưa ướt, sương đầm đìa tóc, chờ dài cổ, thức trắng dờ con mắt, rồi nhiều khi không bắn phát súng nào. Sáng sớm lủi thủi đi về đồn, ngủ ngày rồi chờ đêm xuống lại tiếp tục.


Nằm im bên cạnh An Đạm lan man suy nghĩ và hồi tưởng. Những khuôn mặt hiện ra. Bạn bè. Bằng hữu. Cha mẹ. Anh chị em. Khuôn mặt của một cô gái hiện ra mơ hồ, nhạt nhòa đường nét và góc cạnh. Tà áo dài trắng thêu hai chữ Trưng Vương. Con đường hai lượt đi về. Chuyến xe bus đông người. Đứng gần nàng anh im lặng nhìn chiếc mũi dọc dừa. Làn da trắng mịn với những sợi lông măng màu vàng. Nốt ruồi đen trên má. Đôi mắt đen dài. Hàng mi cong. Đôi mày rậm. Mái tóc dài tới vai. Chiếc cổ cao. Bờ ngực thon. Những buổi trưa của tháng hai, tháng ba. Trời man mát. Anh với nàng đi băng qua sở thú. Tà áo dài quấn chân. Tiếng cười hồn nhiên. Cái nắm tay rụt rè. Đôi bạn tình tuy còn e ấp nhưng biết rằng tâm hồn của mình bắt đầu nhen nhúm tình yêu học trò. Những ngày hè, đèo sau lưng cô bạn gái, anh đạp xe đi " thăm dân cho biết sự tình ". Không có nhiều tiền hai đứa chia nhau một chiếc nem Thủ Đức, uống chung ly nước mía ngọt ngào. Trời trưa nắng gắt, mồ hôi thấm ướt lưng anh chở người-yêu-học-trò đi núi Châu Thới, Suối Lồ Ồ, núi Bửu Long, đi ăn bưởi Biên Hòa để cho nàng về nhà khoe với anh chị em và ba má. Tình yêu giữa anh với nàng, nếu có, cũng chỉ là tình yêu vụng dại của tuổi học trò, được thể hiện bằng những bài thơ đăng lên báo xuân của trường, hay bằng những lá thư trao cho nhau khi xuống xe bus. Những cái nắm tay hấp tấp. Một lần hôn môi vội vàng. Tất cả chỉ là hình bóng, kỷ niệm nhỏ nhặt nhưng sẽ theo anh suốt đoạn đời lính chiến.


Đạm giật mình khi bị An cào vào cánh tay của mình. Nhìn theo tay chỉ của cấp chỉ huy anh thấy hai bóng người hiện ra mờ mờ trong bóng tối thâm u. Họ đi lặng lẽ, không gây ra tiếng động nào. Tự dưng anh cảm thấy lo âu rồi sau đó sự lo âu biến thành sợ hãi. Anh nghe tim mình đập thình thịch khi hai bóng đen tới gần hơn nữa. Cả hai đều mang súng. Hai bàn tay ghì chặt lấy khẩu M2 chợt run lên bần bật  rồi sau đó hoàn toàn bất động vì sự tê liệt của tứ chi hay của cả thân xác. Không kể Đạm, năm người lính địa phương quân im lìm chờ đợi. Họng súng đen ngòm của họ nhắm đúng vào mục tiêu đang di động cho tới khi lọt hẳn vào trung tâm của điểm kích. An xiết cò khẩu colt 45.


Bằng... Bằng... Bằng... Ba tiếng súng nổ bất chợt và khô lạnh. Hai thân người đổ xuống. An rờ lên nòng súng của Đạm. Nó lạnh tanh. Những người lính địa phương quân thanh toán mục tiêu nhanh tới độ ông chuẩn úy mới ra trường không kịp bắn phát súng nào.

Chương 2 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 146

Return to top