Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Như Hạnh

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 21218 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Như Hạnh
Chu Sa Lan

Chương 16

Đứng nơi mảnh đất nhỏ trước hầm chỉ huy, Đạm và Trương chăm chú nhìn mấy chục người lính hò nhau dựng cột cờ. Bảy ngày trước đây địch quân đã pháo kích vào đồn làm gãy cột cờ. Hôm nay họ lại dựng một cột cờ khác cao hơn đồng thời treo lá cờ mới và lớn hơn.
Lá cờ này đẹp hả anh?
Trương lên tiếng khen. Đạm cười đùa.
Dĩ nhiên là Trương phải khen đẹp vì Đào tự cắt may mà…
Trương cười hà hà vui thích. Nhìn thấy Đào đang từ phía lớp học đi tới gần anh nói nhỏ như sợ vợ của mình nghe được.
Lớp học bị hư hại nhiều khiến cho Đào sùng mấy thằng cha việt cộng lắm…
Đạm gật đầu móc thuốc đưa mời Trương. Trái với lệ thường Trương cầm lấy điếu thuốc và đốt một cách ngon lành.
Ủa không sợ bị rầy hả?
Đạm cười hỏi và Trương nhẹ lắc đầu.
Thỉnh thoảng tôi cũng hút cho vui. Đào có phàn nàn rồi đâu cũng vào đó…


Nói xong Trương bước vào hầm chỉ huy để làm việc. Đạm đứng im ngắm Đào đang đi tới gần. Sau giây phút cầm súng bắn chết một người lính du kích của mặt trận tâm tình của nàng cũng đã biến đổi chút ít. Tuy vẫn hồn nhiên, vui vẻ, tử tế song đôi khi cũng trầm lặng và suy tư. Ánh mắt phảng phất chút lo âu. Có lẽ nàng sợ sệt và chờ đợi điều gì đó. Có thể là sự chết. Đạm thở dài. Cuộc chiến tranh tự vệ chống lại sự xâm lăng và đô hộ bạo tàn của cộng sản đã khiến rất nhiều người trong số đó có Đào bị mất mát những gì không bao giờ tìm lại được. Anh biết ý nghĩ mình đã giết người sẽ ám ảnh nàng cho tới hết cuộc đời.
Đào khỏe không?
Đạm hỏi với giọng săn sóc khi nàng dừng lại trước mặt mình.
Dạ em bình thường. Anh Trương đâu rồi anh?
Trương đang ở trong hầm chỉ huy. Để anh gọi Trương…
Giơ tay ngăn không cho Đạm gọi Trương Đào nói nhỏ.
Em muốn nhờ anh một chuyện…
Dường như đoán được ý của nàng nên Đạm cười lên tiếng.
Anh đã xem xét lớp học của em rồi. Bàn ghế và sách vở bị hư hại kha khá. Anh đã bảo ông Thắng đôn đốc lính sửa chữa. Thứ hai tuần tới là em có thể dạy được rồi…
Đào cười. Hơn tuần lễ nay Đạm mới thấy nàng cười dù là nụ cười vẫn còn phảng phất chút buồn lo. Anh thấp giọng của mình dường như không muốn cho Trương nghe.
Nụ cười của Đào làm ấm lòng anh…
Đào ửng hồng hai má vì câu nói đượm tình của Đạm. Liếc nhanh vào trong hầm chỉ huy nàng nói nhỏ.
Bây giờ em cảm thấy cười khó khăn hơn khóc…
Đạm cất giọng buồn buồn.
Quên chuyện đó đi. Em hãy nghĩ là nếu em không giết người ta thời người ta sẽ giết em hoặc giết Trương và anh. Em có muốn Trương hoặc em chết?
Đào im lặng nhìn ra quãng đồng không mông quạnh ngoài kia. Tia nhìn của nàng thật xa vắng. Có lẽ nàng thấy đâu đó trên mặt đất đen đũi có một thây người chết rã vì viên đạn của mình.
Anh đói bụng chưa. Đào đã nấu cơm rồi. Anh về nhà tụi này ăn cho vui…
Thấy Đạm còn ngần ngừ nàng nói tiếp.
Anh cứng đầu lắm…
Anh cứng đầu…
Đạm lập lại với chút ngạc nhiên.
Dạ đúng như vậy thưa ông đại đội trưởng…
Phải dằn lắm Đạm mới không bật cười vì câu nói của Đào.
Em biết chị Nhịn đi về Thới Bình thăm má của chỉ hơn một tuần rồi. Anh và ông Phát ăn cơm quán không hà… Vậy mà em kêu anh về nhà ăn cơm anh không chịu…
Anh không muốn bỏ ông Phát ăn một mình tội nghiệp ổng…
Nghe Đạm lên tiếng bào chữa Đào bèn nói lời năn nỉ và Đạm không thể nào từ chối trước lời năn nỉ của nàng.
Em cần anh tội nghiệp em một chút… Em về trước để dọn cơm. Anh và anh Trương về sau. Anh không về nhà ăn cơm là em nghỉ chơi anh luôn…
Đạm cười khì vì lời đe dọa của nàng. Đợi cho nàng đi giây lát, hít thêm mấy hơi thuốc lá anh mới bước vào hầm chỉ huy cười nói với Trương.
Đào tới kêu anh em mình về nhà ăn cơm…
Bỏ mớ giấy tờ xuống bàn Trương cười đứng lên.
Ăn cơm xong em mời anh ra xóm nhà lá uống cà phê…
Hai người lần lượt bước ra khỏi hầm chỉ huy. Đốt điếu thuốc Đạm hít một hơi rồi nhả khói ra từ từ. Khu gia binh xác xơ vì trúng đạn pháo kích mà vẫn lính chưa có thời giờ sửa sang lại. May mà vợ con của lính đã xuống hầm núp hoặc chạy ra giao thông hào nên không có ai bị thương.
Vụ điều tra của Trương đi tới đâu rồi?
Đạm hỏi và Trương hơi ngần ngừ rồi mới trả lời.
Chưa có kết quả thưa anh. Mấy người này không xa lạ gì với hai ông Xinh và Thắng hoặc lính trong đồn…
Liếc nhanh người đi bên cạnh anh tiếp.
Lý lịch của họ sạch lắm. Tất cả đều có anh em đi lính. Có người cha bị việt cộng giết. Có người anh đi lính quốc gia bị tử trận. Họ thù việt cộng lắm…
Đạm gật đầu bỏ tàn thuốc xuống đất rồi lấy giày giẫm lên.
Có thể là anh nghĩ lầm…
Trương nhìn cấp chỉ huy của mình khi nghe câu nói này. Hơi mỉm cười Đạm tiếp.
Anh nghĩ là mình có nội tuyến nhưng có thể anh nghĩ lầm… Chờ khi nào vợ ông Phát trở về thời mình sẽ biết rõ ràng hơn. Người em ruột của Phát làm ở ty cảnh sát nói là bốn người lính mà anh nhờ điều tra đều có lý lịch tốt. Họ không nằm trong danh sách những người có liên hệ với việt cộng…
Anh muốn hủy bỏ cuộc điều tra?
Trương hỏi và Đạm chầm chậm gật đầu nhưng lại nói khác.
Chắc là như vậy. Anh chỉ nói cho một mình Trương biết thôi. Riêng phần ba ông trung đội trưởng cứ làm như mình vẫn tiếp tục. Anh muốn họ đề phòng.
 Trương gật đầu quẹo trái để về nhà của mình. Khi họ bước vào cửa Đào đã dọn cơm lên bàn. Mùi cá kho thơm phức. Tự dưng Đạm ước gì mình có một người vợ như Đào. Tuy nhiên anh thầm thở dài vì biết đó chỉ là ước mơ.


 Sau khi Tư Đờn Cò tử trận, tía má của anh dọn về Cà Mau và bán cái quán của họ cho một người khác. Nó nằm cạnh lộ đất đối diện với con rạch đầy nước. Nó cũng là con đường lưu thông quan trọng của dân chúng trong vùng vì con đường lộ thường xuyên bị đấp mô và gài mìn. Cứ mỗi lần con đường đất bị chận là dân làng đều dùng đường thủy cho lẹ và đỡ mất thời giờ hơn. Lính gọi là quán cà phê nhưng thực ra là một tiệm tạp hóa bán đủ các thứ. Ngồi trong quán người ta ngửi được mùi cá khô, nước mắm, nước màu hòa trộn với mùi cà phê, thuốc lá và trà. Dù bán cái gì, dù có mùi gì, nó cũng được lính trong đồn ưa chuộng và thăm viếng đều đều. Lý do khiến cho mấy anh lính độc thân và có gia đình thường xuyên ra đây uống cà phê là vì nó có bà chủ mới. Bà ta tên Như Hạnh, nên lính gọi là Quán Bà Hạnh.


Khi Đạm với Trương và Đào bước vào Quán Bà Hạnh thời quán chỉ còn một bàn trống đặt cạnh cửa sổ ngó ra cánh đồng phía bên kia. Mấy người lính cười gật đầu chào Đạm với Trương.
Đào ngồi xuống cái ghế trong góc. Nhìn quanh quất thấy bà chủ quán nàng thì thầm hỏi Đạm.
Ai có ý kiến ra đây uống cà phê?
Đạm cười cười chỉ Trương. Liếc Hạnh một cái Đào nhìn Đạm cười chúm chiếm.
Hèn chi… Hai anh sợ em ra đây làm kỳ đà cản mũi…
Trương cười hắc hắc không đính chánh mà cũng không nói gì thêm. Đạm cũng cười cười không lên tiếng đính chánh. Hạnh bước tới bàn của ba người ngồi. Nàng tươi cười chào Đạm.
Dạ chào thiếu úy…
Quay sang Đào nàng cười vui vẻ.
Chào chị Đào…
Ủa chị biết tôi à?
Hạnh mỉm cười.
Dạ biết. Chị Nhàn nói với tôi về chị nhiều lắm. Chị đi chợ ngang qua đây hoài nên tôi biết mặt…
Quay qua Trương nàng cười nói với Đào.
Ông này là chuẩn úy Trương, chồng của chị chứ gì. Tôi thấy ổng đi ngang qua đây hoài. Chỉ có thiếu úy Đạm thì ít ra đây hơn…
Hạnh vừa nói vừa nhìn Đạm. Ông đại đội trưởng cười vu vơ nhìn ra cánh đồng cỏ cao lã ngọn trong cơn gió buổi trưa.
Dạ thiếu úy, chuẩn úy và cô Đào uống gì?
Chị có trà không. Tôi muốn uống trà…
Đào trả lời. Đạm với Trương nhìn nhau rồi cũng uống trà. Liếc thấy Hạnh đang lúi húi pha trà Đào thì thầm với Trương.
Anh có nói chuyện với chị ấy chưa?
Một lần…
Thấy vợ trợn mắt Trương cười tiếp.
Trưa hôm kia Ba Phát rủ anh ra đây uống cà phê nên anh mới biết chỉ…
Quay qua Đạm Trương cười cười.
Quen biết gì đó với Ba Phát. Quê ở Cái Nước. Có chồng đi lính sư đoàn 21 đóng ở ngoài quận Quản Long. Sau khi chồng chết chỉ trở về quê ở Cái Nước rồi xuống đây mở quán…
Đạm gật gù. Trương nói với vợ.
Anh rủ em ra coi mắt chỉ. Nếu được thời mình giới thiệu cho anh Đạm…
Không biết nghĩ gì mà Đào nhìn Đạm rồi cười nói đùa.
Em coi chỉ cũng còn trẻ mà cũng văn minh lắm. Em làm mai cho anh nghe?
Tuy gượng cười và không trả lời câu hỏi của Đào nhưng Đạm cảm thấy vui vui vì cử chỉ vui vẻ của nàng. Anh để ý thấy hôm nay nàng đã cười hai lần.
Thôi đi anh sợ lắm…
Hạnh bước ra. Hai tay của nàng bưng cái khay trên đựng một bình trà nhỏ và ba cái chén nhỏ.
Chị Đào với thiếu úy và chuẩn úy uống thử. Trà này chắc không ngon bằng Sài Gòn đâu. Lần sau quý vị trở lại tôi mời uống trà Bảo Lộc…
Đào nhìn trái dừa khô đặt trước mặt mình. Hồi còn nhỏ nàng đã được nghe ba nói về bình trà bằng trái dừa khô này. Người ta cắt trái dừa khô, khoét lấy cái ruột bên trong ra rồi bỏ bình trà vào để giữ hơi ấm. Trái dừa này được làm cầu kỳ hơn và đẹp mắt hơn vì người ta đánh bóng cái vỏ ngoài ra còn khoét cái ruột bên trong đúng với hình dáng và kích thước của bình trà.
Để tôi rót cho chị Đào thử…
Nhấc lấy bình trà Hạnh rót vào cái chén hột mít xong đặt trước mặt của Đào. Hương trà thơm thoang thoảng. Đào thong thả nhấc chén trà lên mũi, hít hơi thật dài rồi thở ra xong mới hớp một ngụm nhỏ. Lim dim mắt nàng cười nói với Hạnh.
Ngon… Chị mua trà ở đâu mà ngon vậy?
Thấy Hạnh đang đứng nhìn mình với nụ cười tươi tắn nàng cười nói tiếp.
Ba tôi thích uống trà lắm cho nên ổng có dạy sơ cho tôi cách pha trà và uống trà…
Nhìn hai người đàn ông đang ngồi cùng bàn với mình nàng thong thả thốt.
Hồi còn nhỏ ba của em hay rầy mấy ông anh về cách uống trà. Mấy ông anh thường nốc ừng ực hết ly này sang ly khác…
Đứng bên cạnh Hạnh cười phụ họa cho lời của Đào.
Ba tôi gọi cách uống trà ừng ực nguyên cả ly là ngưu ẩm…
Đào ré lên cười hắc hắc vì Hạnh nói đúng ý của mình. Ngoài mặt thời cười vui vẻ nhưng trong lòng nàng thầm ngạc nhiên vì những lời của Hạnh. Thái độ và cách nói chuyện chứng tỏ Hạnh, tuy sinh quán ở nơi quê mùa nhưng đã được đi học, ít nhất cũng cỡ trung học. Nghĩ như vậy nên nàng tìm cách dò hỏi về người đàn bà này.
Chị pha trà với nước mưa?
Gật đầu cười Hạnh trả lời.
Dạ… Tiếc là ở Cà Mau này không có hồ sen để tôi hứng sương lấy nước pha cho cô uống…
Đạm nhìn Hạnh với chút ngạc nhiên. Tuy không thích trà nhưng hồi còn đi học anh biết khá nhiều chuyện lý thú về trà cũng như lối tiêu khiển phong lưu và tao nhã của người xưa. Bây giờ ngồi uống trà ở vùng đất tận cùng của đất nước, bỗng dưng có người gợi nhớ tới chuyện uống trà của người xưa khiến cho anh hồi tưởng lại đêm mưa thuở nào, nằm đắp mền, ăn đậu phọng rang đọc Vang Bóng Một Thời của Nguyễn Tuân.
Thiếu úy uống thử nghe thiếu úy…


Tuy miệng nói thiếu úy song Hạnh cũng rót trà ra chén cho Đạm và Trương. Dĩ nhiên ông đại đội trưởng phải vâng lời cầm chén trà lên uống một ngụm nhỏ. Anh không thể nào từ chối lời mời mọc của bà chủ quán có cặp mắt lá răm long lanh, đôi môi son cùng với nụ cười tươi tắn và lời nói dịu dàng, thân mật.
Hương hoa lài thơm… Trà này ngộ quá. Hương hoa lài thơm nhưng anh vẫn ngửi được hương trà. Cả hai thứ hòa với nhau thành một mùi đặc biệt…
Đạm nói. Trong lúc nói anh nhìn Đào cho nên không thấy được ánh mắt ngạc nhiên của Hạnh. Đào trầm ngâm.
Anh nói đúng. Em cũng ngửi như vậy…
Tía của tôi pha đó. Ổng mua trà của một tiệm quen ở Sài Gòn rồi đem về ướp hoa lài. Ổng cho tôi một hộp. Gặp cô Đào với thiếu úy và chuẩn úy tôi mới đem ra mời…
Đào nhìn Hạnh với ánh mắt thân thiện.
Cám ơn chị…
Đào nói câu xin lỗi với ba người vì phải đi tính tiền. Đào cười thì thầm với Đạm.
Anh chịu hôn?
Đạm cười không trả lời. Trương nói với vợ.
Coi bộ ảnh chịu đèn rồi. Chỉ còn trẻ đẹp, ăn nói có duyên và vui vẻ. Anh nghĩ chỉ phải đi học…
Em cũng nghĩ như anh…
Đào nháy mắt với chồng khi thấy Đạm ngồi im. Tay cầm chén trà đưa lên nhưng không uống, anh nhìn sang bên kia quãng đồng không mông quạnh. Ánh mắt đăm chiêu, mơ hồ như mất hút vào cõi mộng ảo nào đó của riêng mình.
Lúc hai giờ chiều quán bắt đầu thưa khách chỉ còn lại ba người.
Thiếu úy thích nghe nhạc?
Đang ngồi mơ mộng Đạm ngước lên khi nghe tiếng bà chủ quán nói bên tai.
Nhạc gì vậy chị?
Đào lên tiếng hỏi trước nhất. Hạnh cười cười.
Tiền chiến, phản chiến hay tình cảm. Cô Đào thích nghe loại nào?
Đào chưa kịp trả lời Đạm hỏi liền.
Nhạc yêu cầu được không chị?
Với ai thời không được nhưng với thiếu úy thời chắc được…
Trương bật cười hắc hắc còn Đào cũng mỉm cười vì câu trả lời ý nhị của Hạnh. Câu trả lời của nàng khiến cho Đạm cười gượng liếc nhanh Đào. Anh càng thêm lúng túng khi bắt gặp ánh mắt là lạ của nàng.
Thiếu úy muốn yêu cầu bản gì. Mộng Dưới Hoa được không thiếu úy?


Đạm cười im lặng và sự im lặng của anh có nghĩa không phản đối. Nhạc cất lên chơi vơi, lãng đãng trong không khí tĩnh mịch và quạnh hiu, chạy lan dài trên mặt nước và tan trong cơn gió lùa đồng cỏ xanh cao ngút ngàn. Sống ở vùng đèo heo hút gió này cho tới hôm nay anh mới tìm ra nhiều điều lý thú. Ngồi nhìn cảnh vật hoang sơ, tiêu điều, uống trà và nghe nhạc anh mới nghiệm ra sự hòa hợp của âm nhạc và cảnh vật. Nó dễ làm cho anh mơ mộng. Nó đem lại chút an bình trong tâm hồn. Tiếng hát của người ca sĩ mà anh không nhớ tên cất lên lãng đãng, mơ hồ, bập bùng trong trí não.
 
- Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại
Âu yếm nhìn tôi không nói năng


Ta gặp nhau yêu chẳng hạn kỳ
Mây ngàn gió núi đọng trên mi
Áo bay mở khép niềm tâm sự
Hò hẹn lâu rồi em nói đi


Nếu bước chân ngà có mỏi
Xin em dựa sát lòng anh
Ta đi vào tận rừng xanh
Vớt cánh rong vàng bên suối


Ôi, hoa kề vai hương ngát mái đầu
Đêm nào nghe bước mộng trôi mau
Gió ơi, gửi gió lời tâm niệm
Và nguyện muôn chiều ta có nhau


 

Tiếng người cười nói ồn ào khiến cho Trương cau mày. Lính ở đây thích cãi lương, vọng cổ hơn tân nhạc. Thành ra khi nhạc mở lên là họ nói chuyện ồn ào. Đào đá nhẹ vào chân của Đạm rồi hất đầu về phía Hạnh đang lui cui lựa nhạc và hát nho nhỏ theo nhạc của bản Mộng Dưới Hoa.

 

- Tôi cùng em mơ những chốn nào
Ước nguyền chung giấc mộng trăng sao
Sánh vai một mái lầu phong nguyệt
Hoa bướm vì em nâng cánh trao


Hy vọng thơm như má chớm đào
Anh chờ em tới hẹn chiêm bao
Dưới hoa tưởng thấy ngàn sao rụng
Hòa lệ ân tình nuôi khát khao
Bước khẽ cho lòng nói nhỏ
Bao nhiêu mộng ước phù du
Ta xây thành mộng nhìn thu
Núi biếc, sông dài ghi nhớ


Ôi chưa gặp nhau như đã ước thề
Mây hồng giăng tám ngả sơn khê
Bóng hoa ngã xuống bàn tay mộng
Và mộng em cười như giấc mơ…


 

Đào và Trương nhìn Đạm khi nghe anh chợt buông tiếng thở dài hắt hiu. Ngay cả Hạnh dù ngồi nơi quày tính tiền khá xa cũng nghe được tiếng thở dài của ông lính xa lạ mới gặp mặt lần đầu tiên. Chỉ riêng Đạm mới biết tạo sao mình lại thở dài. Anh cảm thấy sự trống vắng trong tâm hồn của mình.
Anh uống thêm trà?
Đào hỏi và Đạm gật đầu đưa chén cho nàng rót. Đặt bình trà về chỗ cũ Đào nói bâng quơ. Giọng nói của nàng mang âm hưởng buồn buồn và nuối tiếc. Dường như nàng nói với mình và có thể nói với một hoặc cả ba người ngồi trong quán.
Nhớ Sài Gòn quá. Có đi xa mình mới thấy nhớ Sài Gòn phải không hai anh?
Trương ậm ừ như đang bận tâm suy nghĩ chuyện gì. Còn Đạm chỉ mỉm cười im lặng.
Nhà chị Đào ở đâu?
Hạnh gợi chuyện. Đào vui vẻ trả lời.
Dạ tôi ở Thị Nghè… Chắc chị có lên Sài Gòn chơi?
Tôi ở Sài Gòn mấy năm…
Hạnh cười buồn sau khi trả lời. Đạm nhìn Đào và bắt gặp nụ cười ranh mảnh của nàng. Lại một khám phá mới về bà chủ quán.
Tôi lên Sài Gòn học. Gặp anh Tuấn. Hai đứa quen nhau rồi lấy nhau. Ảnh bị động viên. Ra trường vì thương tôi nên ảnh xin đổi về sư đoàn 21 ở Cà Mau… Một năm sau ảnh chết và tôi thành góa phụ…
Lời nói của Hạnh đứt đoạn, rời rạc song cũng đủ nghĩa để người khác hiểu.
Chị ở đâu?
Dạ tôi ở Tân Định. Tôi học Trưng Vương… Tôi học ở Cà Mau hết lớp 9 tía má tôi cho lên Sài Gòn học tiếp. Đậu tú tài là tôi đi lấy chồng…
Đạm bắt gặp cái nhìn hóm hỉnh của Đào.
Trái đất tròn…
Đào nói ba tiếng và chỉ có mình Đạm may ra mới hiểu nàng muốn nói điều gì.
Tôi cũng học Trưng Vương…
Đào quay lại cười nói với Hạnh. Có lẽ vì ngạc nhiên nên Hạnh bước tới bàn ba người đang ngồi.
Vậy mình bạn học với nhau rồi. Đào học năm nào?
Dạ tôi ra trường năm 73…
Vậy là Đào ra trường sau tôi một năm…
Nhìn Đạm với Trương Hạnh cười duyên dáng.
Thiếu úy với chuẩn úy chắc là ra trường trước tôi với Đào…
Uống cạn chén trà nóng Trương trả lời.
Tôi ra trường trước chị một năm…
Tôi ra trường từ hồi một ngàn chín trăm lâu lắm nên quên mất năm nào rồi…
Đạm nói đùa và Đào buông gọn hai tiếng.
Anh xạo…
Đạm nhìn Hạnh.
Tôi ra trường năm 70…
Thiếu úy học trường nào?
Nhìn Hạnh giây lát Đạm mới lên tiếng.
Tôi xin chị bỏ hai tiếng thiếu úy đi. Nếu chị bằng lòng thời tôi mới trả lời câu hỏi của chị…
Hạnh cười thanh thoát.
Tôi xin nghe lời anh Đạm…
Uống ngụm trà, hít hơi thuốc Đạm nói chậm.
Tôi học Võ Trường Toản…
Hạnh bật lên tiếng cười vui như vừa gặp lại bạn thân lâu ngày xa cách.
Hèn chi thấy anh Đạm lần đầu tôi có cảm tưởng đã gặp anh đâu đó. Chắc có lẽ trên đường đi học về…
Tới phiên Đào cười hắc hắc. Đạm đỏ mặt vì tiếng cười ẩn ước chế nhạo của nàng. Dường như có ý nghĩ nào đó nên Đào cười nói với Hạnh.
Chị ngồi nói chuyện cho vui…
Đạm lừ mắt với Đào nhưng nàng lờ đi. Ngoài ra nàng còn đứng lên nhắc lấy cái ghế bàn bên cạnh rồi mời Hạnh ngồi xuống cạnh Đạm. Tuy nhiên khi Hạnh ngồi xuống thời không khí lại lặng trang vì dường như bốn người đều không biết bắt đầu câu chuyện như thế nào. Cuối cùng Trương phải tằng hắng tiếng nhỏ rồi cười hỏi Hạnh.
Chị bà con ra sao với anh Xinh?
Thấy Hạnh do dự anh cười tiếp.
Tôi hỏi cho vui chứ không có điều tra lý lịch của chị đâu. Chị không cần phải trả lời…
Có gì đâu mà phải giấu anh. Ông nội của anh Ba với ông nội của tôi là anh em ruột. Ảnh là vai em nhưng vì ảnh lớn tuổi nên tôi kêu ảnh là anh Ba…
Đạm cười góp chuyện.
Chị Hạnh còn trẻ đẹp mà tại sao người ta lại gọi cái quán này là Quán Bà Hạnh. Gọi Quán Như Hạnh thời đúng hơn…
Đào đá vào chân của Đạm một cái thật mạnh. Anh biết cái đá chân biểu lộ sự ghen tức vì anh khen Hạnh trẻ đẹp.
Cám ơn anh Đạm… Để tôi pha thêm cho quý vị bình trà mới…
Như để che giấu mắc cỡ Hạnh cầm lấy bình trà đi vào trong bếp. Trương nháy mắt với vợ rồi cười một mình. Đào làm thinh không nói. Hạnh trở ra với bình trà mới bốc khói.
Anh Đạm uống thêm?
Không đợi Đạm trả lời Hạnh rót vào chén cho anh rồi rót cho Đào với Trương. Đặt bình trà về chỗ cũ, nhìn con rạch đầy nước và khu rừng cỏ cao ngút ngàn nàng thở dài nhè nhẹ.
Ở đây buồn quá…
Hạnh ngừng nói khi thấy ba người ngồi cùng bàn nhìn mình với ánh mắt là lạ. Họ không ngờ cũng có người ở đây lại có cùng ý nghĩ như họ. Đưa tay xem đồng hồ Đạm nói với Trương.
Hai đứa ở chơi anh phải về liên lạc với chi khu…
Tụi em cũng về…
Trương lên tiếng. Đạm giành trả tiền song Trương không chịu. Đứng nhìn theo ba người khách đi trên con đường đất, không biết nghĩ gì mà nét mặt của Hạnh lộ vẻ đăm chiêu.
Mưa rả rích. Gió dập vào vách lá thành âm thanh buồn buồn. Hạnh nằm ngửa mặt nhìn lên nóc mùng trắng ngà. Chiếc đèn dầu lửa sáng mù mù. Muỗi kêu vo ve ngoài mùng. Ở vùng này không mưa đã buồn mà mưa càng buồn hơn nhất là mưa vào ban đêm. Trơ trọi. Nàng chỉ nghĩ ra được hai chữ này để diễn tả đời sống của mình ở vùng đất tận cùng của đất nước. Chỉ cách biển mươi cây số mà đi hoài không tới bởi vì mấy anh du kích không cho ai đi vào khu giải phóng của họ. Con rạch nước đục ngầu phù sa và mặn chát. Những cây tràm, đước khẳng khiu đứng như một chứng tích của tàn phá hay sự sống sót ngặt nghèo của thuốc khai quang. Hạnh lại trở mình nằm nghiêng, rút chân lên vì lạnh. Nước mắt từ từ ứa ra rồi chảy thành dòng xuống môi mằn mặn. Quãng đời cũ. Hình ảnh mông lung nhạt nhòa. Khuôn mặt của Tuấn. Người đã anh dũng hy sinh vì tổ quốc. Người tình của tuổi học trò. Anh tới thật nhanh. Ra đi cũng bất ngờ. Không lời báo trước. Không một câu giã từ. Chỉ là thân xác bất động. Vết thương nhỏ ngay ngực. Vết thương đã giết chết đời anh và cũng làm tàn lụi dần đời em. Một người đàn bà chết chồng khi mới được 21 tuổi. Hằng đêm nằm co ro nàng lắng nghe mưa rơi trên mái nhà, để mơ, để moi móc kỹ niệm, lục lọi quá khứ mà cảm thấy tâm hồn hiu quạnh và lẽ loi.
Hạnh lại trở mình. Nàng đưa tay mò mẫm tìm cái máy hát băng. Nhạc cất lên ẩm mục trong không khí nằng nặng hơi nước hòa lẫn trong tiếng thở dài âm thầm hắt hiu.

 

- Đêm đã khuya rồi sao ngủ không yên.
Nghe tiếng mưa rơi nức nở trong tim.
Nhìn vào phố cũ tôi quen
Nhìn vào ngõ tối không tên
Chạnh lòng nhớ đến người yêu.
Anh nhớ năm nào vui buồn bên nhau.
Nay đã qua rồi biết tìm nơi đâu?
Tìm về dĩ vãng năm xưa
Tìm về những lúc mưa khuya
Ghi thành câu hát người ơi!


 

Hạnh bật lên tiếng thở dài. Tại sao nàng cứ mãi thương tiếc một người đã nằm sâu trong lòng đất lạnh. Nàng còn trẻ, đẹp, còn có thể tìm một người đàn ông khác để làm lại cuộc đời. Khuôn mặt của một người hiện ra trong bóng tối mông lung. Cũng là lính như Tuấn. Cũng ở Sài Gòn. Cũng dễ thương. Cũng hiền hậu. Người lính chiến có ánh mắt thẳm buồn. Tia nhìn mệt mỏi vì thiếu ngủ. Giọng nói trầm khàn vì ưu tư. Hèn chi thấy anh Đạm lần đầu tôi có cảm tưởng đã gặp anh đâu đó. Chắc có lẽ trên đường đi học về... Hạnh mỉm cười tự hỏi tại sao nàng lại nói ra như vậy. Phải chăng là hẹn hò từ kiếp trước...

- Mưa ơi!
Này mưa có phải mưa thương nhớ ai?
Có phải mưa than khóc ai?
Mang kiếp tha hương bao năm giang hồ.
Không biết bây giờ anh ở nơi đâu ?
Anh nỡ quên em những ngày buồn vui.
Đừng để tan nát tim em,
Đừng để phòng vắng cô đơn
Người về xin nhớ đừng quên...


 

Tiếng mưa rơi buồn từ từ đưa Hạnh vào giấc ngủ trong đó nàng thấy Đạm một mình trở lại uống trà vào một buổi sáng sớm có sương mù đọng trên cánh đồng cỏ cao lã ngọn. Anh ngồi nhìn ra con rạch cạn nước và nhìn nàng với ánh mắt đượm tình.

<< Chương 15 | Chương 17 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 148

Return to top