An thức dậy khi ánh nắng ban mai xuyên qua khung cửa sổ dọi vào mặt của mình. Uể oải ngồi dậy anh khom người nhìn xuống đất để kiếm đôi giày. Phía bên kia giường của Đạm vẫn còn trống trơn. An cau mày thắc mắc vì sự vắng mặt của ông đại đội phó. Vừa lúc đó anh nghe có tiếng bước chân, tiếng nói chuyện loáng thoáng rồi Đạm bước vào.
Không có đụng à?
An hỏi. Đạm trả lời bằng cái gật đầu xong mới hỏi lại.
Sao anh biết không có đụng?
An cười cười quẹt diêm đốt thuốc.
Tôi đâu có nghe súng nổ. Hơn nữa nếu đụng ông Xinh sẽ về sớm để ngủ cho sướng chứ nằm hứng sương làm chi.
Dựng khẩu M2 nơi vách, cởi dây đạn máng lên khẩu súng, Đạm nằm vật xuống chiếc giường cây ọp ẹp của mình. Anh không buồn cởi đôi giày bê bết bùn đất. Buộc dây giày xong An đứng lên. Nhét khẩu Colt 45 vào lưng, đội chiếc nón đen anh bước ra cửa. Hơi ngần ngừ giây lát anh nói vọng vào.
Ông ngủ đi... Tôi đi chiều mới về.
Đạm im lặng không nói năng gì. Chắc anh đã thiếp ngủ. Khi An bước ra khoảnh sân rộng thời Ba Phát và trung đội 3 đã sẵn sàng.
Mình đi chưa ông thầy?
An liếc nhanh lính của mình. Ba mươi người, lính không ra lính, dân không ra dân, đang đứng ngồi và cười nói nho nhỏ.
Anh đem hết hả anh Ba?
Hiểu ý cấp chỉ huy Ba Phát lên tiếng.
Đủ hết ông thầy. Có thể mình không đụng tụi nó nhưng trời mới biết.
An gật đầu.
Vậy mình đi.
Ba Phát chưa kịp ra lệnh, Tư Bánh Bèo, tiểu đội trưởng tiểu đội 1 nói liền.
Anh Ba cho tui đi đầu nghe anh Ba.
Ba Phát gật đầu.
Mày để cho thằng Năm Cà Nhỏng đi trước coi chừng mìn, lựu đạn hay chông. Thằng Tám Tàng dẫn tiểu đội 3 đi sau. Nhớ ém mấy thằng để đón tụi nó mò ra... Còn tiểu đội 2 của thằng Hai Nhà Lá đi với tao và ông thầy.
Lính chưa đi ra tới cổng Ba Phát dặn vói theo.
Tụi bây ráng mở con mắt, vảnh lỗ tai và dòm chừng dưới đất. Thằng nào không nghe lời tao, lạng quạng bị mìn chông thời đừng có cằn nhằn hay đổ thừa là tao không nói trước.
Người lính gác kéo rộng cánh cửa cho toán lính đi ra xong mới đóng lại cẩn thận. Đứng bên bờ rạch An cúi nhìn dòng nước đục lờ đờ chảy. Mấy dề cỏ mục trôi lang thang. Phía bên kia xa chừng trăm thước nổi lên mô đất cao khỏi đầu người. Những thân cây khô chết. Cỏ mọc xanh rì. Có tiếng chim kêu đâu đây song An không biết là loại chim gì. Nhìn lính đi trên con lộ đất rộng khoảng năm bảy thước anh trầm ngâm nghĩ ngợi. Tự dưng anh nhớ tới Sài Gòn. Ngôi nhà của ba má. Đứa em gái đang còn đi học. Suy nghĩ mãi anh cũng không nhớ cô em gái của mình đang học lớp mấy. Hình bóng thật nhạt nhòa và nhiều xa lạ. Hơn hai năm rồi anh chưa được đi phép về thăm gia đình. Cứ mỗi lần tính đi anh lại ngần ngại. Anh sợ trong lúc mình đi địch quân sẽ tấn công đồn và những người lính dưới quyền không biết có chống trả để giữ vững ngôi đồn không. Hai năm ở đây, anh xem ngôi đồn hẻo lánh này như là nhà của mình. Do đó anh cần phải giữ gìn. Anh xem những người lính dưới quyền như là anh em ruột thịt, do đó anh phải bảo vệ họ bằng mọi giá.
An quẹt diêm đốt thuốc. Mùi thuốc lá thơm lừng tản mạn thật nhanh vào không khí trong lành của buổi sớm mai. Hít liên tiếp hai hơi anh rảo bước đi theo sau người lính cuối cùng vừa quẹo trái.
Có chuyện gì vậy anh Ba?
An cau mày hỏi lớn khi thấy lính của mình dừng lại nơi đầu cầu. Ba Phát cười cười.
Dạ... Tụi nó chờ lệnh của ông thầy.
Để tôi lên.
An bước nhanh tới đứng tại đầu cầu. Cây cầu ván bắt qua con rạch nhỏ này từ lâu được coi như là ranh giới vô hình giữa bên này và bên kia. Bước qua đầu cầu bên kia là đặt chân lên con đường được lén lút kiểm soát bởi du kích về ban ngày lẩn ban đêm. Họ đặt mìn, gài lựu đạn, đấp mô, đào hầm, cắm chông để ngăn cản sự lưu thông của xe cộ từ quận Cái Nước đi Vàm Dinh và Cái Đôi. Thật sự thời du kích ở đây chỉ đủ sức phá rối mà thôi. Họ muốn chứng tỏ sự hiện diện của mặt trận, muốn báo cho dân làng biết là mặt trận vẫn còn hoạt động và cảnh cáo đồng bào đừng có theo hay hợp tác với chính quyền.
Quẹt diêm đốt điếu thuốc An bước lên cầu. Anh đi thật mạnh dạn và quả quyết vì biết lính đang nhìn mình. Tay đặt hờ lên khẩu Colt 45 đeo bên hông, mắt nhìn thẳng ra trước anh bước từng bước thong thả qua cây cầu ván rồi lên con lộ đất đầy bất trắc.
Không có gì đâu.
An nói vọng lại. Thấy cấp chỉ huy đi trước Ba Phát nói với lính của mình.
Ông thầy đi rồi đó.
Tư Bánh Bèo thúc lính của mình lần lượt bước qua cầu. Năm Cà Nhõng đi đầu tiên. Anh ta có bổn phận đi trước để kiếm mìn, lựu đạn hay hầm chông. Bước nhanh tới ngang mặt An anh cười lớn.
Nắng ấm hả ông thầy.
Móc gói thuốc ra mời người lính chuyên môn dò mìn An cười gợi chuyện.
Ừ nắng ấm. Hôm nay chắc không mưa.
Đi sau cấp chỉ huy chừng ba bước Tư Bánh Bèo nói lớn với lính của mình.
Tụi bây tản ra hai bên lộ. Coi chừng mìn, lựu đạn. Thấy có mìn kêu tao gỡ cho... Đừng làm le nó nổ banh thây.
Quay sang An anh cười tiếp.
Dạ không mưa đâu ông thầy... Mưa là mình khổ.
An gật đầu cười. Ở cái xứ hai mùa mưa nắng này thời nắng mưa gì cũng khổ nhưng mưa lại khổ nhiều hơn. Địch hoạt động mạnh về mùa mưa vì có nhiều điều kiện thuận lợi cho chúng. Mưa làm giảm đi hiệu năng yểm trợ của không quân. Mưa khiến cho lính gác không thấy xa, không nghe ngóng được rõ ràng. Mưa làm cho người lính di chuyển khó khăn và lười biếng hơn. Địch đánh đồn mà không lo bị máy bay oanh tạc, không lo pháo binh bắn phá và nhất là không lo lính từ quận hay tỉnh tiếp viện.
Lính đi thật chậm. Họ đâu cần và đâu muốn gấp rút. Ai lại muốn vội vàng và hối hả khi đi trên con lộ chết này. Mắt nhìn, tai nghe và toàn thể giác quan trong người mở hết ra để đón nhận từng cái khác lạ. Có thể là chút đất mới. Có thể là đống lá cây khô hay dề cỏ ướt đặt không nhằm chỗ. Có thể là sợi dây cước mỏng tanh giữ cái chốt an toàn của trái lựu đạn nội hóa... Có thể... Hàng chục cái có thể xảy ra không ai biết được. Nếu những người lính địa phương khôn ngoan và cẩn thận thời các tên du kích của mặt trận cũng quỷ quái và xảo quyệt không kém. Hai bên, có thể là bạn bè lúc còn trẻ, có thể là bà con, họ hàng, chòm xóm, bạn học với nhau. Họ đang cùng nhau tham dự một trò chơi mà rốt cuộc đôi bên đều bị thiệt hại như nhau.
Đang đi đầu Năm Cà Nhõng chợt ngừng lại. Chăm chú nhìn trên mặt đất giây lát anh la lớn.
Mìn... Cóc nhảy... Ông thầy ơi…
Mìn... Mìn... Anh Ba...
Lính la rầm lên. Phát và An bước tới chỗ Năm Cà Nhõng đang đứng. Theo ngón tay của anh ta An thấy mờ mờ một cục sắt đen mốc được phủ bằng lá cây. Phát gật gù.
Đúng là cóc nhảy rồi.
Câu nói của Ba Phát như là một xác nhận. Đây là loại mìn nội hóa mà đám du kích thường hay đặt trên đường. Khi có người đạp trúng thời trái mìn tự động bật lên cao ngang với đầu gối hay bụng rồi mới nổ. Đó là điểm đặc biệt của loại mìn cóc nhảy. Nhảy lên tới ngang bụng mới nổ vì vậy ít có ai sống sót vì loại mìn đặc biệt này.
Tại sao tụi nó lại gài một cách sơ sài như vậy?
An lên tiếng hỏi. Không có ai trả lời câu hỏi của anh. Thật lâu Phát mới trả lời.
Chắc tại ban đêm trời tối nên tụi nó không thấy đường. Hay là tụi nó sợ nên làm ẩu tả. May mà tụi nó làm ẩu không là lạng quạng mình cũng có thằng banh thây.
Gật đầu An quay qua hỏi ông trung đội trưởng thâm niên.
Anh tính sao. Gỡ hay bắn.
Phát dụ dự chưa trả lời An cười tiếp.
Bắn cho chắc ăn. Gỡ lạng quạng lính bị thương hay chết.
Ba Phát cười phụ họa.
Tôi cũng tính bắn đó ông thầy.
Quay lại toán lính đang đứng anh ra lệnh.
Tụi bây kiếm chỗ núp đi.
Lính lùi lại tìm chỗ núp. An và Phát đứng cạnh nhau cách chỗ chôn mìn xa xa. Ba Phát cầm khẩu Garant M2 lên. An cười hỏi đùa.
Mấy phát anh Ba?
Ba Phát hỏi lại trong lúc điều chỉnh khẩu súng trường của mình.
Ông thầy nói mấy phát?
An khom người đốt điếu Bastos xanh.
Tôi cho anh hai phát. Phát thứ ba là anh bị phạt một xị.
Bật cười ha hả ông trung đội trưởng nổi tiếng thần xạ nâng khẩu Garant M2 lên vai và hướng mũi súng về mục tiêu là trái mìn đang nằm đâu đó dưới mặt của con lộ đất. An chăm chú nhìn từng cử động nhỏ nhặt của tay súng nổi tiếng. Được Ba Phát giảng giải cũng như tự mình suy luận, cuối cùng anh mới tìm ra một vài bí quyết sơ đẳng để trở thành tay thần xạ. Thứ nhất là mắt phải tốt, phải tinh để có sức nhìn xa và nhìn lâu. Thứ nhì là tay súng phải vững để súng không bị run, mũi súng không bị nhúc nhích lúc chưa bóp cò. Tay súng phải vững để giữ súng khỏi bị lệch mục tiêu vì sức giật của súng. Thứ ba là không nhắm lâu bởi vì nhắm lâu tay sẽ mỏi, sẽ run, thời lúc bóp cò không đủ sức để ghìm súng lại. Còn thứ tư là cái khiếu trời cho mỗi người. Đây là yếu tố hiếm người có để trở thành tay thần xạ.
Bùm... Ầm...
Hai tiếng nổ chát chúa. Dĩ nhiên là có tiếng trước tiếng sau nhưng vì nhanh quá nên mọi người tưởng như là có một tiếng. Tiếng trước là tiếng nổ của khẩu Garant của Ba Phát, còn tiếng sau là tiếng nổ của trái mìn cóc nhảy. Tiếng vỗ tay của lính vang lên. An gật gù.
Một phát... Anh Ba đáng thưởng một chầu nhậu.
Cười hà hà Ba Phát vẩy tay ra lệnh cho lính tiếp tục. Từ khi Năm Cà Nhõng tìm ra trái mìn thời lính bắt đầu chú ý khi di chuyển chứ không còn cười giỡn hoặc đi bậy bạ vì sợ đạp mìn hay lựu đạn.
Nắng lên đã cao. An giơ tay xem đồng hồ. 11 giờ. Từ Cái Đôi đi Quản Phú đường dài chừng ba cây số mà trung đội phải mất gần ba tiếng. Đưa tay chỉ xóm nhà lá xa đằng kia Ba Phát đốt điếu thuốc lá rồi cười nói với cấp chỉ huy của mình.
Tới Quản Phú rồi ông thầy.
An gật đầu cười.
Anh Ba cho lính nghỉ nửa tiếng ăn trưa rồi tiếp tục đi. Mình phải có mặt ở Vàm Dinh lúc xế chiều.