Trước khi xuất bản thành sách, một số đoạn trong
Hồi ký không tên của Lý Quí Chung được trích đăng trên tờ nguyệt san
Nhà báo và Công luận năm 2004 (đã đình bản từ tháng 1.2005), và gây một số phản ứng trên tờ
Quân đội nhân dân. Bản in đầu tiên của nhà xuất bản (tạm gọi là bản A) có một số câu và đoạn, rải rác ở nhiều chương, tổng cộng chừng trên 20 trang in, khác với bản phát hành chính thức sau này (tạm gọi là bản B). Chúng tôi xin đưa những đoạn có trong bản A và không có trong bản B vào Phụ lục sau đây nhằm mục đích tham khảo.
talawas
Phần Lời giới thiệu của Nhà xuất bản (toàn bộ, bản A)
Hồi ký không tên của tác giả Lý Quí Chung là hồi ức của một con người sớm tự lập, một mẫu người luôn hành động và hành động theo sự dẫn dắt của một con tim sôi nổi nhiệt tình, của một lý trí tỉnh táo, của một tấm tình khá sâu nặng với gia đình và quê hương, được ông thể hiện theo một cách riêng, trong một thời cuộc quá nhiễu nhương, quá sôi động, lắm khi rất rối rắm ở ngay Sài Gòn trong hơn mười năm trước ngày được giải phóng.
Tác giả vốn là một nhà báo thành danh từ khi còn rất trẻ, một chủ bút độc lập quả cảm, một dân biểu, một nghị sĩ sớm lựa chọn con đường đối lập ở nghị trường miền Nam đương đầu chống lại chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, là một nhân vật có điều kiện nhìn sâu vào bên trong bộ máy cai trị của chính quyền Sài Gòn do Mỹ dựng lên. Bạn đọc sẽ được đi cùng với ông, nhìn từ góc nhìn của ông, để biết thêm gần như xuyên suốt những sự kiện, những biến động chính trị, xã hội lớn tại Sài Gòn, tại miền Nam những năm 1965 đến năm 1975. Và nhất là, thấy được thêm những đóng góp khác nhau của nhiều người Việt yêu nước cho ngày toàn thắng.
Ngày toàn thắng của năm 1975, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử “Thần tốc–Táo bạo–Bất ngờ-Chắc thắng”, qua 55 ngày đêm chiến đấu anh dũng (từ 9-3 đến 30-4-1975), quân và dân ta đã tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn quân đội ngụy, đập tan bộ máy chính quyền tay sai của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi này là kết quả của phương pháp cách mạng tổng hợp, kết hợp chặt chẽ đấu tranh trên các mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao, binh vận. Bên cạnh rất nhiều những cuốn sách mô tả về sự thật mang tính lịch sử này, Hồi ký không tên của Lý Quí Chung có thể coi như một vùng hiện thực còn khuất nẻo được soi chiếu bởi một góc nhìn còn mới lạ, ở một thế đứng vừa nhạy cảm, vừa kiên định của một người có tinh thần dân tộc, chán ghét chế độ Mỹ Thiệu, hoạt động trong lực lượng những người yêu nước.
Chính ở góc độ này, Hồi ký không tên mang một bản sắc riêng. Là hồi ký cá nhân, không phải là một biên niên sử các sự kiện mà ông được chứng kiến, tất nhiên, nên không tránh khỏi cách nhìn, cách phân tích chủ quan. Xuất bản cuốn sách, chúng tôi hy vọng được bổ sung thêm cho những góc nhìn đa dạng về cùng một thời điểm lịch sử vẻ vang của dân tộc, như những tư liệu văn học tham khảo thú vị. Chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp chân thành của quý bạn đọc.
Nhà xuất bản Trẻ
Phần Lời tựa của Trần Bạch Đằng Sau câu: “Cách mạng Việt Nam đa dạng. Góp vào bức tranh đa dạng ấy những đường nét riêng, tôi xem đó là cống hiến của Lý Quí Chung.”
Gần đây, tôi có dịp đọc hồi ký của Hồ Ngọc Nhuận, của Dương Văn Ba, và bây giờ, của Lý Quí Chung. Sắp tới sẽ còn nhiều hồi ký nữa, những hồi ký phản ánh độ phong phú của cuộc chiến đấu mà những thành viên của dân tộc, lớn nhỏ khác nhau, nặng nhẹ khác nhau, đã hiến dâng cho thắng lợi của Tổ quốc.
Chương 2 Sau câu: “Tướng Mậu có chứng kiến cuộc bàn luận quyết định số phận của Diệm – Nhu. Ông là người duy nhất không tán đồng giết hai anh em nhà Ngô.”
Về cái chết của hai anh em Diệm – Nhu, nhà báo Mỹ Stanley Karnow kể rằng khi hay tin này, tổng thống Mỹ Kennedy bị sốc, người rụng rời. Ba tuần sau cái chết của Diệm – Nhu, tổng thống Kennedy bị ám sát. Mỹ và cả hai phía Sài Gòn đều không có một cuộc điều tra nào đến nơi đến chốn về hai cái chết này.
Chương 7 Sau câu: “Ở các tỉnh, liên danh Trương Đình Dzu, với chủ trương hòa bình và thương thuyết với MTDTGPMN để chấm dứt chiến tranh, đã thu được một số phiếu khá cao (chỉ đứng sau liên danh Thiệu – Kỳ)”
Điều này chứng tỏ từ những năm 1967-1968, người dân miền Nam đã tỏ rõ quan điểm của mình đối với cuộc chiến do Mỹ đạo diễn.
Tiếp câu: “Cho đến những ngày cuối tháng tư 1975, ông vẫn cố bám vào ghế tổng thống do ông Thiệu để lại và tuyên bố sẵn sàng “chiến đấu cho đến khi Sài Gòn chỉ còn viên gạch cuối cùng”
để bảo vệ chế độ Sài Gòn không lọt vào tay cộng sản!
Chương 11 Sau câu: “Một bài báo quả là hồn nhiên chính trị. Với không ít người còn coi đó là ngây thơ chính trị.”
Nhưng nếu trở lại 35 năm về trước, trong bối cảnh ấy, tôi vẫn sẽ chọn thái độ ngây thơ ấy.
Chương 12 Sau câu: “Một trong những nguyên nhân thất bại của chế độ Thiệu trong thời điểm khởi đầu cuộc đấu tranh quyết liệt với người cộng sản và đồng thời với cả người Mỹ - gần như đã bỏ rơi Thiệu khi quyết định rút chân khỏi Việt Nam – là ở chỗ, phía sau chế độ đó không có hậu thuẫn dân chúng và các lực lượng chính trị có uy tín.”
Tình cảnh của chế độ Thiệu khác hẳn tư thế chính trị của các chế độ nối tiếp nhau ở Nam Triều Tiên sau khi Triều Tiên cũng bị chia đôi. Các chế độ Lý Thừa Vãn, Pắc Chung Hy ít ra cũng có sự hậu thuẫn của quần chúng và trí thức yêu nước. Các chế độ nối tiếp nhau ở Seoul tạo dựng được một sức mạnh tinh thần và vật chất để người dân Nam Triều Tiên có lý do hậu thuẫn.
Chương 14 Sau câu: “Trong giai đoạn này bà có nhiều hình thức đấu tranh rất độc đáo và kiên cường. Trước khi bị bắt, bà Thành đã từng dùng nhà mình để họp báo quốc tế, trưng bày tài liệu, hình ảnh chống chính quyền”.
Để minh họa cho các hoạt động chống chính quyền Thiệu rất Sài Gòn của giới trí thức trước 1975, tôi xin trích lại lời kể của anh Hồ Ngọc Nhuận dự một cuộc họp báo tại nhà bà Thành trước ngày bà bị bắt như sau:
“Chị Ngô Bá Thành có cho ra một cuốn sách về cuộc đấu tranh của Phong trào Phụ nữ Đòi Quyền Sống, hay của lực lượng ba gì đó, mà tôi quên cả cái tựa. Tôi cũng có mấy cuốn về tù, về báo chí, in roneo, mà tôi thường gọi là “vũ khí tự tạo”. Ai cũng biết thứ vũ khí tự tạo đó chỉ hơn giáo mác hay tầm vông vạt nhọn ít thôi, thô sơ là cái chắc.
“Tôi được chị Thành mời dự cuộc họp báo phổ biến sách tại nhà chị. Từ sáng sớm, cảnh sát đã phong tỏa từ xa các ngả đường vào nhà chị, tận phía nhà thương Đồn Đất (Hôpital Grall), tận ngoài trụ sở Công ty Điện lực đường Hai Bà Trưng. Ký giả trong và ngoài nước và quần chúng tụ tập khá đông phía đường Hai Bà Trưng, ở sân sau Hạ nghị viện. Đường Cao Bá Quát dẫn đến nhà chị Thành vắng teo, “nội bất xuất ngoại bất nhập”!
“Họp báo đối với chúng tôi thời đó mà không dùng kế “nghi binh” hay “điệu hổ ly sơn” thì coi như một thứ “biểu tình chạy”, dụ cảnh sát nhiều hơn là gặp các nhà báo. Nếu có thì đa phần là ký giả giả, là “nhà báo cảnh sát”.
“Nhà chị Thành, khi tôi vào, lác đác có mấy người. Chắc là nhờ lẻn vào từ rất sớm, trước khi cảnh sát phong tỏa.
“Trong vài người đó tôi nhớ có ông “Bửu Sơn Kỳ Hương”. Ông đâu rồi, ông bạn? Bấy giờ tôi gọi ông như vậy, bởi tôi cũng đã già, chớ hồi đó tôi không dám. Hồi đó ông lớn tuổi hơn tôi nhiều. Ít có cuộc đấu tranh nào vắng mặt giáo chủ Nguyễn Tấn Đắt. Liên tôn cầu nguyện cho hòa bình ở Thánh Thất Đô Thành, ở Tịnh Xá Ngọc Phương hay ở Nhà Thờ Dòng Chùa Cứu Thế đều có ông, với nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo lớn nhỏ khác. Rồi những cuộc họp đêm ở văn phòng tôi nữa. Nhớ ông tôi chỉ còn lại vài kỷ niệm trên các tuyên cáo, tuyên ngôn chung chống Mỹ, chống chiến tranh, với chữ ký của ông thật lớn, với dấu son đến nay còn đỏ chót.
“Dân báo chí không vô nhà chị Thành được thì làm sao phổ biến sách? Và khả năng cảnh sát tấn công để hốt sạch, vừa người vừa sách, là điều khó tránh, trước mắt. Sau một hồi bàn thảo, tôi xung phong đưa sách và khách thoát ra ngoài. Không họp báo trong nhà thì họp báo ngoài đường. Không phát hành sách tại gia thì tung sách tại thị. Chiếc LaDalat của tôi lại một phen xông trận. Ông “Bửu Sơn Kỳ Hương” và vài người khác ngồi phía sau, chiếc hộp bánh thết khách chễm chệ bên cạnh tôi ở băng trước. Nửa đường, cảnh sát túa ra chận lại, yêu cầu mọi người phải xuống xe để họ xét, cả xe lẫn người. Ngồi yên sau tay lái, tôi nói cứng không cho mấy người ngồi sau xe rời xe, và “cự” một mạch: “Xuống xe để làm gì? Tôi đi dự họp báo, không cho, tôi về. Mấy bà con này cũng vậy, tôi cho quá giang. Bánh đó ế khách, chủ nhà cho, tôi mang về ăn. Xe tôi trống phốc, không rương không “cốp”, giấu cái gì được? Muốn xét cứ xét, tôi không xuống”.
“Nói cứng mà bụng tôi lại đánh lô tô. Nét mặt các bạn đồng hành, nhìn thoáng, cũng không mấy hồng hào. Khả năng bị bắt chắc là không, vì chúng tôi đang trên đường, không làm gì phạm pháp. Mà xô xát là phải có, trong khi chúng tôi chỉ có một nhúm vài người, cô lập hoàn toàn với báo chí và quần chúng cách đó mấy dãy nhà. Không thể cưỡng mãi lệnh cảnh sát, mấy bạn ngồi phía sau bước xuống. Chiếc xe còn lại trống trơn. Cảnh sát khám trong rồi lại khám ngoài, khám trên rồi khám dưới, khám hết người này đến người khác, cả hộp bánh “ngồi” ở băng trước cũng bị giở lên mấy lần. Trừ tôi, dứt khoát không xuống xe, nhưng cũng mở tung cửa bên cho họ khám. Mà sách đâu không thấy! Dưới sức ấn nhiều đợt của cảnh sát, tôi có cảm giác xe mình như bị sóng nhồi. Chỉ còn thiếu điều họ đè nhau lật ngược chiếc xe lên nữa thôi. Đối với chiếc xe LaDalat thì việc đó không khó. Nhưng sau cùng, không tìm thấy gì, cũng không thể bứng tôi lên khỏi ghế nếu không dùng vũ lực, những người “bạn dân” đã thả cho chúng tôi đi.
“Khi ra được với rừng người đang sốt ruột chờ ở đường Hai Bà Trưng và sân sau Hạ Nghị viện, tôi mời báo chí ăn bánh của bà Thành. Họ không “ăn bánh” mà cứ đòi “coi sách” của bà. Chờ cho sự háo hức đòi coi sách lên cao độ, tôi lần tay xuống ghế ngồi rút cuốn sách của bà Thành giơ cao cho báo chí chụp hình. Lúc nãy, ở nhà bà Thành, tôi đã cẩn thận cắt chỉ khâu tấm da bọc nệm ghế, nhét sách vào và ngồi chồng lên. Đó là lý do tôi dứt khoát không chịu xuống xe. Nếu cảnh sát đã dùng vũ lực bứng tôi khỏi xe thì cuốn sách ắt phải lòi ra và chắc tôi phải mất nhiều thì giờ về bót cảnh sát. Ít ra đối với tôi, là để ký biên bản, còn đối với “ông Bửu Sơn Kỳ Hương” và mấy người khác thì việc gì xảy ra, thật khó mà biết. “Đánh giặc” thì phải hao người thôi. Ít hay nhiều là tùy một phần vào người cầm quân. Tôi không biết sau đó cảnh sát đã làm gì với chị Thành và với mấy cuốn sách của chị.”
Sau câu: “Trong tập hồi ký còn ở dạng bản thảo của anh Hồ Ngọc Nhuận mà tôi được xem qua, về chuyện làm “báo nói”, thì anh Nhuận kể rằng anh đã lấy sáng kiến từ những xe bán dạo “mì Ba Con Cua” (một loại mì ăn liền).”
Anh Nhuận kể: “Gánh của tôi thật gọn nhẹ: một chiếc xe LaDalat vừa làm sàn diễn vừa làm phương tiện di chuyển, một chiếc ampli, vài chiếc loa, mấy tấm biểu ngữ, và rất nhiều truyền đơn. Một gánh thuộc “Sơn Đông mãi võ”, tấp đâu cũng được, biểu diễn chớp nhoáng theo kiểu “sóng vang”. Tôi học được “chiêu” này nhờ mấy chiếc xe mì “Ba Con Cua”. Tôi hay xuống đường hoặc tay không, hoặc thỉnh thoảng với một loa cầm tay. Tới chỗ đông người, ngã ba, ngã tư hay chợ búa, đoàn biểu tình dừng lại trưng biểu ngữ và tôi làm nhiệm vụ phát thanh. Dần dần hễ chúng tôi đi tới đâu thì chính quyền cho mấy chiếc xe mì con cua bò tới đó. Và mạnh ai nấy “phát”. Nhưng làm sao địch lại một bầy cua? Gánh “báo nói” chúng tôi ra đời từ bài học của chính quyền (…) Trong chuyến đi về Mỹ Tho và Cần Thơ tôi nhớ có dân biểu Lý Quí Chung, chị Kiều Mộng Thu, nhà thơ nhà báo Cung Văn. Có nhà báo trẻ Mỹ John Spragens ham vui cũng xin đi theo. Chung và tôi thay phiên nhau lái xe và tất cả, không trừ ai, luân phiên chuyện tiếu lâm”.
Sau câu: “Nhưng đến ngã ba Trung Lương, ô tô không chạy thẳng vào Sài Gòn mà rẽ trái, tiếp tục đi xuống miền Tây. Ý định của chúng tôi là đến Cần Thơ gây một cuộc nữa.”
Về đoạn này anh Nhuận kể lại như sau:“Lúc đó Kính (trung tá Huỳnh Đạt Kính) là trưởng ty cảnh sát Tây đô, mà tôi không hay (Kính là bạn của anh Nhuận). Gặp tôi, Kính nói:
“Ông với tôi không thể nào không đụng nhau sao? Ông bày trò không lẽ tôi không dàn quân? Ông diễn không lẽ tôi ngồi yên?”. Mà Kính dàn trận thật: cảnh sát dã chiến, với khiên tre và gậy đã sẵn sàng. Có lẽ Sài Gòn (tức chính quyền trung ương) không muốn Cần Thơ và các tỉnh bị “lây nhiễm” xáo trộn. Tôi không phải không quen đánh trận, nhưng tôi nghĩ: không “hát” chỗ này thì “hát” chỗ khác, cớ gì phải “hát” ở đây để anh em đối đầu nhau. Vậy là rút”.
Chương 15 Sau câu: “Tôi không có mặt tại trụ sở Nghiệp đoàn lúc đó vì phần sau không nằm trong kế hoạch chung, mà do một số anh em tự biên tự diễn.”
Anh Nhuận có mặt trong sự kiện này đã ghi lại như sau:“Giới nghiêm. Lầu Rex bỗng tối đen. Anh em dân biểu như nghe thấy cái gì đó bất thường trong gió, điệu bộ mỗi người thay đổi mỗi khác. Từ phía nhà thờ Đức Bà, theo đường Tự Do, nay là Đồng Khởi, một đoàn xe jeep cảnh sát xả hết tốc lực, qua ngả nhà hàng Givral, mất hút về phía chợ Sài Gòn. Chúng tôi đứng vụt cả dậy, từ trụ sở Hạ nghị viện chạy bay qua cửa Trung tâm báo chí, siết tay nhau làm rào chắn. Chưa kịp chỉnh đốn hàng ngũ, cơn trốt cảnh sát đã ập tới. Họ từ chợ Bến Thành đến đã bọc xuống bến Bạch Đằng đánh thốc lên theo ngả Tự Do, Nguyễn Huệ, không ai kịp nhận biết. Không cần lâu lắc lắm để họ xé nát hàng rào. Anh em dân biểu bị nện dùi cui tan tác. Hai người tôi thoáng thấy bị đòn nhiều nhất là dân biểu Trương Vi Trí, đơn vị quận 5 và dân biểu Nguyễn Văn Quí, đơn vị Hậu Nghĩa. Một cảnh sát chộp tay tôi, lúc phá hàng rào người, tôi hét: “Bỏ ta ra! Mày làm rớt đồng hồ tao! . Một phản ứng tức cười! Anh cảnh sát ngó sững mắt tôi, rồi buông tôi ra, sau một thoáng chưng hửng. Anh Nguyễn Kiên Giang nói đúng: Cảnh sát “sợ tôi. Sợ lỡ tay tôi chết, anh em bị tù oan. Nói vậy chớ làm sao tránh khỏi ăn đòn, trong một trận “bề hội đồng ! Nhưng có lẽ tôi là người bị ăn đòn nhẹ nhất. Nặng nhất là anh dân biểu bác sĩ Đinh Xuân Dũng, đơn vị Bình Thuận. Anh, người không cao mà có bề ngang, giọng quát thật to lại nặng gốc Quảng Bình. Đánh anh chưa đã, họ lôi anh thảy lên xe, như bao gạo, chạy mất. Vì anh quát to hay vì giọng anh thấy ghét ? Bữa đó ai mà không la, có lúc tôi còn la to hơn anh. Vậy chắc không phải tại anh la (anh Đinh Xuân Dũng bị cảnh sát bắt quăng lên xe jeep như một con heo!).
“Trung tâm báo chí tan tác như một chuồng gà bị đột nhập, lớp bị vồ, lớp co giò tìm ngõ chạy thục mạng. Bao nhiêu ký giả bị bắt? Tôi không nhớ. Có ai ký giả giả trà trộn để nhìn mặt, chụp hình? Mọi người cũng chỉ đoán.
Đám tàn quân dân biểu kéo về trụ sở các ủy ban Hạ viện. Để tính kế. Ông Thiệu muốn gì mà cho đánh và bắt một dân biểu mang đi? Để “phá đám rồi thả? Hay đã bắt, dù bắt ẩu, thì bắt luôn, bắt tiếp, thử nắn gân nhau tới cùng? Nghi vấn này, chúng tôi nghĩ phải có giải đáp ngay trong đêm: hoặc Đinh Xuân Dũng sẽ được trả về trước khi trời sáng, hoặc Trang Sĩ Tấn mở đợt tấn công mới, để cho Đinh Xuân Dũng có bạn. Trong giả thiết xấu nhất, nếu phải “quyết chiến lần chót, tôi đề nghị với anh em trận chiến phải diễn ra trước trụ sở quốc hội. Một trận chiến bốc lửa thật sự. Anh em tán thành. Chiếc LaDalat đã được chất đầy một đống vỏ xe cũ và mấy can xăng. Ngay phút đầu nếu bị tấn công, tôi sẽ lái phóng thẳng qua sân Hạ viện rồi tới đâu thì tới. Chuẩn bị vừa xong, đang ngáp vặt, một chiếc xe jeep cảnh sát thắng “cháy bánh” trước trụ sở Ủy ban rồi vụt chạy mất. Sau khi thảy đánh bịch xuống lề đường một “bọc” to. Anh em vội chạy ra “lượm” khiêng vô. Đó là anh Đinh Xuân Dũng!”
Chương 17 Trước câu: “Trong khi chuẩn bị cuộc hội thảo, tôi có tiếp xúc với “Tổ Chức Đòi Thi Hành Hiệp Định Paris do luật sư Trần Ngọc Liễng đứng đầu và mới anh tham dự để tăng khí thế.”
Trong dự định của mình, khi thuyết trình đến đoạn đề cập thành phần thứ ba, tôi sẽ đặt hai câu hỏi với những người tham dự: 1. Có phải thành phần thứ ba là một phong trào quần chúng? (Ai đồng ý đưa tay lên). 2. Tổng thống Thiệu cho rằng thành phần thứ ba do Pháp dựng lên. (Ai phản đối đưa tay lên). Báo chí nước ngoài và ống kính truyền hình sẽ ghi nhận thực tế không thể chối cãi về thành phần thứ ba.
Sau câu: “Buổi thuyết trình tại chùa Ấn Quang diễn tiến đúng như dự kiến.”
có cả đoạn đặt câu hỏi và sự biểu quyết của hàng trăm người tham dự bằng cách giơ tay dưới ánh đèn sáng choang của các hãng truyền hình Mỹ, Anh, Đức…
Chương 18 Giữa câu: “Ông ta lo cho thân mình không xong nói chi chuyện bao biện cho ông Thiệu và chính quyền Sài Gòn.” và câu: “Nhưng cái chính là Thiệu và chính quyền của ông ta vừa không có năng lực lại tham nhũng, không thể đối phó các cuộc tấn công, nhất là khi không còn người Mỹ.”
Sau khi Hiệp định Paris được ký, Hãng thăm dò dư luận Gallup đã đặt các câu hỏi sau đây với người dân Mỹ và đã nhận được các phản ứng sau:
- Khi Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam, bạn có nghĩ sẽ có một chính quyền khá đủ mạnh được duy trì tại miền Nam và có thể đối đầu với áp lực chính trị của cộng sản? 54% số người được hỏi tin rằng chính quyền đó của miền Nam sẽ không tồn tại. 27% cho rằng tồn tại và 19% không có ý kiến.
- Sau khi quân Mỹ rút khỏi Việt Nam, bạn có nghĩ trong một thời gian ngắn, Bắc Việt sẽ tìm cách chiếm miền Nam? 70% nghĩ Bắc Việt sẽ tìm cách chiếm miền Nam, 16% nghĩ không và 14% không có ý kiến.
- Đặt giả thuyết quân đội đã rút khỏi Việt Nam, và Bắc Việt tìm cách chiếm miền Nam, bạn có nghĩ Mỹ sẽ gửi phương tiện quân sự cho miền Nam? 50% nghĩ là không, 38% là có, 12% không có ý kiến.
- Nếu Bắc Việt tìm cách chiếm miền Nam, bạn có nghĩ Mỹ nên ném bom miền Bắc? 71% không đồng ý ném bom, 17% cho rằng nên và 12% không có ý kiến.
- Nếu Bắc Việt tìm cách chiếm miền Nam, bạn có nghĩ Mỹ nên gửi quân đội giúp miền Nam? 79% chống lại, 13% tán đồng và 8% không có ý kiến.
Như vậy dư luận Mỹ hoàn toàn bất lợi cho chính quyền Thiệu dù cái cách đặt câu hỏi cũng áp đặt ác cảm với phía cộng sản. Có dư luận cho rằng Watergate đã làm cho chính sách của Mỹ ở Việt Nam sau Hiệp định Paris suy sụp. Kissinger sau này hiểu rằng mình đã phán đoán sai ý chí của nhân dân Mỹ trong sự bảo vệ hiệp định. Ông nói: “Tôi nhìn nhận điều đó. Chúng tôi đã đánh giá sai. Và điều chúng tôi đánh giá sai hơn cả là sự tin tưởng của chúng tôi có thể mang lại hòa bình danh dự, rằng chúng tôi có thể đoàn kết nhân dân Mỹ để bảo vệ hiệp định đã đạt được trong vô vàn đau đớn. Đó là sự đánh giá sai căn bản của chúng tôi. Một hiệp định mà bạn không thể làm cho nó hiệu lực là một sự đầu hàng…” (trích trong “
No Peace No Honor” của Larry Berman). Nhưng một lập luận khác về sự sụp đổ của chính quyền Thiệu, theo tôi, đã bóc trần vấn đề, do nhà báo Stanley Karnow đưa ra trong quyển “
Vietnam – A History”: Người ta cho rằng vụ xì–can–đan Watergate hại uy tín của Nixon, làm cho ngành hành pháp yếu đi, nhân dân Mỹ càng ác cảm với vấn đề Việt Nam khiến cho chính phủ Mỹ không thể giữ lời hứa ra tay cứu chính quyền Thiệu.
Chương 19 Trước câu: “Vào thời điểm 1973 và sau đó, không riêng ở Sài Gòn mà tại Mỹ, Pháp…, đâu đâu cũng có những cá nhân tự xưng mình thuộc thành phần thứ ba.”
Với Hiệp định Paris, tình hình miền Nam mở ra nhiều khả năng khác nhau. Khi ấy tôi nghĩ, lạc quan nhất lúc này là giải pháp một chính phủ hòa giải, hòa hợp gồm ba thành phần. Nhưng không ai mường tượng cái chính phủ ấy vận hành thế nào, khi giữa chính phủ Sài Gòn và chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam như lửa với nước, còn thành phần thứ ba thì không biết sẽ chọn lựa như thế nào.
Giữa câu: ‘‘Năm ngoái, cũng ngày 24 tháng Chạp âm lịch này, chúng ta đã đón nhận với nhau hi vọng bản Hiệp định Parls như là một căn bản thực tế để chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình.” và câu: “Hiện tại của miền Nam Việt Nam không có cách nào khác là phải phá đổ.”
‘‘Năm ngoái, cũng ngày 24 tháng Chạp âm lịch này, chúng ta đã đón nhận với nhau hi vọng bản Hiệp định Paris như là một căn bản thực tế để chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc.
“Nếu Hiệp định đã được thi hành với thiện chí thì hôm nay, tiếng súng đã im hẳn trên toàn lãnh thổ miền Nam, các tù nhân quân sự, dân sự và chính trị đã đoàn tụ với gia đình, nhân dân miền Nam đã hưởng được các quyền tự do căn bản và một nếp sinh hoạt mới đã được khởi diễn trên phần đất này, tạo điều kiện cho cuộc hòa giải giữa các thành phần dân tộc.
“Nếu Hiệp định đã được thi hành với thiện chí thì hôm nay miền Nam chúng ta đã có thể bắt đầu tái thiết, phát triển, xây dựng một ngày mai tươi sáng cho mọi người, nhất là cho thế hệ trẻ.
‘‘Nhưng trong năm qua, tiếng súng chưa im một ngày nào.
“Và hôm nay trước thềm năm Giáp Dần, thay vì được ăn cái Tết thanh bình đầu tiên sau gần 30 năm khói lửa, nhân dân miền Nam lại phải vừa gánh chịu một cuộc chiến tranh kéo dài, vừa đương đầu với những khó khăn cơ cực do sự suy sụp trầm trọng của nền kinh tế bấy lâu nay chỉ biết bám vào ngoại viện để cung phụng chiến tranh”.
Như thế sau một năm ký kết Hiệp định Paris, tình hình chưa có gì sáng sủa, thậm chí còn mù mờ hơn. Trong bài phát biểu của ông (tức nhóm ông Minh) còn phản ánh một quan điểm về lực lượng thứ ba: không phải là một tập hợp thống nhất dưới một lãnh tụ duy nhất nào.
Đúng là những gì diễn ra sắp tới vẫn còn mù mờ, nhưng tôi chắc rằng dù bất cứ một đổi thay nào cũng tốt hơn hiện tại.
Sau câu: “Bây giờ ông có hai kẻ thù chứ không là một, thậm chí kẻ thù Mỹ được đặt lên trên cộng sản.”
Có người cho rằng sau khi Phước Long thất thủ ngày 6-1-1975, quân Sài Gòn có khả năng tái chiếm nhưng chính tổng thống Thiệu ra lệnh dừng lại, lấy vụ Phước Long để trắc nghiệm xem Mỹ có giữ lời hứa bảo vệ miền Nam sau Hiệp định Paris hay không. Tôi không tin lập luận này vì thực tế tinh thần của quân đội VNCH lúc đó đang xuống thấp. Cố vấn Mỹ đã rút khỏi các đơn vị, đạn pháo bắn phải tính từng viên, máy bay xin yểm trợ rất khó khăn… có muốn tái chiếm cũng không thể!
Chương 20 Sau câu: “Các nhà báo như Nguyễn Vạn Hồng, Trương Lộc... dù có quan hệ với Mặt Trận, nhưng không bị lộ cũng không bị bắt trong đợt đó.”
Tôi trao đổi vấn đề này cùng anh Nhuận và có nói với anh: “Tôi không nghĩ Thành làm cho TƯTB. Nếu Thành có làm cho ai đó thì… chỉ làm cho Mặt Trận. Tôi bảo đảm với anh điều đó”.
Sau này anh Nhuận có kể lại lý do ban đầu anh nghi ngờ Huỳnh Bá Thành như sau:
“Một hôm tôi nghe họa sĩ Ớt bị cảnh sát bao vây trước rạp Olympic trước rạp Hồng Thập Tự, nay là Nguyễn Thị Minh Khai, khi anh lái chiếc LaDalat của dân biểu Hữu Chung. Cảnh sát bao vây khá lâu nhưng không bắt, tôi không biết tại sao…
“Sau đó, tôi không nhớ bao lâu, tôi lại gặp anh tá túc ở văn phòng trung tá Đẩu, “chỗ ở thường trú” của Dương Văn Ba (văn phòng này nằm ở cổng sau của dinh Hoa Lan nhìn ra đường Trần Quý Cáp, hiện là đường Võ Văn Tần). Không được mấy ngày, nại cớ nhớ nhà, anh nằng nặc đòi về quê thăm vợ con, can mấy cũng không nghe. Khi trở lại, anh không chịu ở yên mà cứ lui tới như không có gì… Tôi đã kể chuyện nằm ở bệnh viện Sùng Chính sau trận Cầu Muối: cũng tại phóng viên nhiếp ảnh Kỳ Nhân không chịu nằm yên mà tôi phải sớm di tản khỏi bệnh để về nhà ông Minh… Nhưng nhà ông Minh và văn phòng báo chí của ông là “cứ điểm” cuối cùng, biết di tản đi đâu nếu bị “động ổ”? Tôi đành nói với Dương Văn Ba và chung quanh nên cảnh giác, không nói, không bàn việc gì quan trọng khi có Ớt sáp lại gần! Nghĩ cũng tức cười: sau 30-4-1975 và nhất là sau những gì anh viết, anh kể, ai cũng biết Ớt là một cán bộ chỉ huy điệp vụ cách mạng, mà tôi lại nghi anh là công an chế độ cũ! Và khi anh nói anh đi về quê thì chắc là để đi đến một nơi bí mật nào đó mà tôi cứ theo cản…”
Chương 21 Sau câu: “Tháng 3-1975, nhiều người ở Sài Gòn không thể đoán rằng quyết định rút quân ra khỏi Cao Nguyên của tổng thống Thiệu là sự khởi đầu của sự sụp đổ hoàn toàn và mau chóng của cả chế độ.”
Tôi còn nhớ lúc đó có người còn tưởng tượng đây là một thỏa thuận giữa Mỹ và Bắc Việt chia cắt miền Nam làm hai để thành lập khu trái độn, giao một nửa cho MTDTGPMN kiểm soát.
Sau câu: “Weyand cho rằng Hoa Kỳ có trách nhiệm làm mọi khả năng của mình để cung cấp phương tiện và trang thiết bị giúp cho chính quyền miền Nam bổ sung tiềm lực của mình đối đầu với cuộc tấn công.”
Weyand kết luận: “Chúng ta đến Việt Nam trước hết là giúp đỡ nhân dân miền Nam – chứ không phải để chiến thắng Bắc Việt. Chúng ta đã chìa tay ra với nhân dân miền Nam và họ đã nắm lấy. Bây giờ họ cần bàn tay ấy hơn bao giờ hết.”
Sau câu: “
Trong lối 4 tiểu đoàn địa phương gồm toàn đồng bào Thượng, phần lớn đã đào nhiệm mang theo vũ khí, đã phản loạn mở cuộc tấn công tập hậu vào đoạn cuối đoàn di tản đồng thời nổi lửa phá phố phường, cướp bóc và bắn giết những đồng bào còn ở lại...”
Trước mặt đoàn xe 1.000 chiếc, tức đoạn chót của đoàn di tản, còn bị các chốt phục kích của Sư đoàn Bắc Việt mở cuộc tấn công.
Lực lượng Biệt Động do tướng Tất chỉ huy bảo vệ cuộc di tản lập tức giàn trận chống trả, cả mặt trước lẫn sau lưng, cả hông trái lẫn hông phải. Đồng bào, binh sĩ xuống hết khỏi xe. Biệt Động Quân mở đường máu, bỏ liên tỉnh lộ số 7, tìm lối thoát đi. Tất cả xe cộ và mọi dụng cụ không thể mang theo đành bị đốt sạch. Từ đây về đến Phú Yên, quãng đường dài còn lại có tới 40 đến 50 cây số.
Trong tiếng nổ giòn tan của đạn súng nhỏ, tiếng rít lạnh gáy và tiếng nổ kinh hồn của đạn đại bác… Một đại lộ kinh hoàng khác như mùa hè 72 tại Quảng Trị cũng đã mở ra.
LTS: Bản tin của bản báo đặc phái viên Nguyễn Tú, đọc qua điện thoại bị cắt đứt ở đây. Sau trận tấn công này chưa rõ tin tức có được thông báo tiếp về tòa soạn nữa không. Liên lạc thông lệ mỗi buổi sáng, hôm nay, cho tới lúc báo lên khuôn, chưa nhận được.
Sau câu: “Các sân tennis vẫn đầy người chơi, các phu nhân vẫn đến tập thể dục thẩm mỹ đều đặn, hồ bơi mỗi buổi trưa vẫn là nơi hò hẹn của những giai nhân trong các bộ bikini khêu gợi.”
Ở Sài Gòn dường như không hề có không khí chiến tranh, nhiều người Sài Gòn không thèm nghe những tiếng súng, những đau xót vọng lại từ miền Trung và Cao nguyên.
Trước câu: “
Một thiếu phụ dẫn hai con đi ngược lên cầu thang.”
Xuống cầu thang đầu tiên là hai chú bé. Hai đứa ôm nhau rồi hỏi nhau “mình đi đâu bây giờ”. Rồi cùng òa lên khóc.
Sau câu:
“Có điều là ở Đà Nẵng trong hiện tại, gánh nặng cơ hồ không giải quyết nổi.”
Ngay tại cổng phi trường Đà Nẵng đã có đến 1.000.000 chực chờ từ sáng sớm để được vào mua vé tại quầy Hàng không Việt Nam. Cảnh hỗn loạn, tranh giành, đánh nhau dĩ nhiên không tránh khỏi…
Sau
câu: “Hầu hết trong số này thuộc đơn vị Hắc Báo được coi là tinh nhuệ nhất của Sư đoàn 1 bộ binh.”
Phải nói là chỉ có kẻ mạnh nhất, nhanh nhất, và bần tiện nhất mới lên được máy bay. Một bà lão đã bị một binh sĩ đá ngay mặt té xuống đất để anh ta giành chỗ lên máy bay, xác bà sau đó hầu như biến mất dưới bàn chân của đám đông. Ngồi trên máy bay rồi mà tất cả vẫn còn kinh hoàng.
Sau câu: “Bài tường thuật của phóng viên Paul Vogen của hãng thông tấn UPI cùng hình ảnh người lính chết thòng chân ở máy bay đã được đăng nơi trang nhất các báo Mỹ ra ngày chủ nhật Lễ Phục Sinh 30-3. Tổng thống Ford khi xem cảnh đó đã nói “Đã đến lúc rút dây. Việt Nam mất rồi!”.
Nhưng cảnh di tản bằng tàu mới thực sự kinh hoàng hơn. Thảm kịch của những cuộc di tản này do đâu? Nỗi âu lo, sợ hãi đối diện với những gì sắp xảy ra – mà phần đông cũng không biết rõ nó như thế nào – là một nguyên nhân của sự đổ xô chạy loạn. Nỗi sợ hãi vô hình này đã bị kích động, nhân lên hàng chục lần bởi một chiến dịch tuyên truyền chống cộng đầy ác tâm của người Mỹ. Phóng viên nhiếp ảnh Mỹ Carl Robinson của hãng tin AP trong thời điểm này có gặp tôi và tiết lộ rằng chính tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn có chủ trương loan truyền những thông tin hoàn toàn bịa đặt về sự tàn bạo của cộng sản ở những tỉnh và vùng mà họ đã chiếm đóng như: Phụ nữ sơn móng tay đều bị rứt móng, những phụ nữ lấy Mỹ bị đem ra bêu xấu trước quần chúng, các binh lính chế độ Sài Gòn bị hành quyết hàng loạt v.v… được tung ra ngay trong cuộc họp báo của đại diện báo chí tòa đại sứ Mỹ. Anh Carl Robinson tỏ ra bất mãn đối với loại tin tức dựng đứng này. Theo Carl, chiến dịch loan tin này nhằm thúc đẩy một số người chạy khỏi vùng cộng sản vừa chiếm mỗi ngày một đông hơn và như thế người Mỹ chứng minh được rằng nhân dân miền Nam tuyệt đại đa số sợ hãi và căm thù cộng sản. Cũng bằng cách đó Mỹ chứng minh sự can thiệp của mình vào Việt Nam là đúng đắn, đáp lại nguyện vọng của đa số người dân miền Nam! Theo nhà báo Olivier Todd, đặc phái viên tuần báo Newsweek phỏng vấn những người chạy khỏi những vùng bị cộng sản đánh chiếm, họ không xác nhận những tin tức liên quan đến những cuộc tàn sát được chính quyền Sài Gòn và phía Mỹ loan ra. Đại sứ Martin nổi giận ra lệnh nhân viên của mình trưng ra cho báo chí “những bức điện” đề cập những cuộc hành quyết tại Đà Nẵng, Ban Mê Thuột và nhiều nơi khác!
Sau đây bài tường thuật của báo Độc Lập xuất bản ngày 4-4-1975 về “Chuyến vượt biển đầy chết chóc từ miền Trung vào tới Sài Gòn”:
“Đây có thể gọi là chuyến tàu chót rời Đà Nẵng. Tất cả có trên 50 ngàn vừa dân vừa lính. Bà con gồm nhiều tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Tín và Cam Ranh. 50 ngàn người dồn cứng dưới 3 xà lan và một tàu RMK.
Thoạt tiên, ngày 28-3 bà con đã ùn ùn đổ nhau xuống ghe chài hoặc xà lan rời bến Đà Nẵng chạy ra khơi. Một xà lan rộng 7 thước dài trên 30 thước nêm cứng đến 12 người. Trẻ em bị nén lại… Nếu ngày 29-3 không được tàu RMK từ ngoài khơi xa thẳm tiến lại gần để san bớt số đồng bào trên xà lan thì con số chết ngộp và khát nước lên tới phân nửa. Trong ngày 29-3 còn có thêm ghe chài chở hàng chục ngàn dân. Tất cả được đón lên tàu RMK. Tới 10 giờ ngày 29-3, tàu RMK nhổ neo xuôi vào Cam Ranh và cập bến nơi đây vào lúc xế chiều 31-3. Vừa lục đục kéo nhau lên bờ thì tin di tản được loan ra, vậy là thêm một lần nữa cảnh chen lấn diễn ra, người khỏe đạp lên người yếu, trai tráng xô té người già nua. Trẻ con khóc gào vang dội bến tàu. Có đôi ba em bé vuột khỏi tay mẹ, tay chị, bị đoạn người đông đảo phóng tới cuồn cuộn đạp nhàu lên khiến các em nhừ nát. Những ai chậm chân và yếu sức chạy từ Đà Nẵng vào đành kẹt lại Cam Ranh để những người khỏe từ Cam Ranh tràn lên tàu và xà lan lấn chỗ. Tàu nhổ neo ngày 1-4 xả tốc lực kéo các xà lan tới Vũng Tàu sau 12 tiếng đồng hồ.
9 giờ sáng 2-4, tàu RMK và ba xà lan đã có mặt ngoài khơi Vũng Tàu với 50 ngàn người đói khát sau năm ngày lênh đênh. Tàu không được phép cập bến Vũng Tàu, chính quyền địa phương viện lẽ chưa có lệnh của trung ương. Thuyền trưởng tàu RMK liên lạc với cơ quan Mỹ ở Sài Gòn bằng vô tuyến thì được khuyến khích cho ba xà lan tự chạy vào bến Sài Gòn.
Tối 2-4 ba xà lan lù lù tiến vào sông Nhà Bè thì bị chặn lại vì lệnh mới ban ra không cho tàu thuyền nào được vào Sài Gòn. Xà lan lại phái trở ra Vũng Tàu và thêm một đêm đầu đội sương, chân đạp... sắt lạnh lẽo! Đến sáng 3-4 xà lan mới được lệnh cập bến.
Báo Độc Lập còn kể lại một số cảnh thương tâm như sau:
Anh Nguyễn Tấn T. đi thất thểu trên bến tàu như người mất hồn. Tay ẵm một con nhỏ chưa đầy 3 tuổi và dắt theo hai em bé khác. Anh mếu máo cho biết lạc vợ và một đứa con, đồng thời chứng kiến đứa con thứ ba bị thiên hạ đè bẹp gạt xác xuống biển. Anh đau khổ đến độ không khóc được nữa.
Tôi đã chứng kiến tận mắt 6 thi hài được bó mền khiêng từ xà lan lên bờ đã nằm dài trên mặt cát. Đây là những người già yếu chịu đói khát không nổi đã chết trong đêm 1-4 và ngày 2-4, trong số đó có một em bé. Trên 100 người ngất xỉu được cõng, khiêng lên bờ…
Trong các chuyến tàu đưa người di tản là miền Trung vào Vũng Tàu, có chuyến đã bị binh lính đào ngũ dùng súng khống chế cả chiếc tàu và cướp sạch tiền vàng của người di tản. Có cả những cảnh hãm hiếp trên tàu. Để vét cho sạch, bọn chúng nhẫn tâm chiếm hết các nguồn nước uống trên tàu và chỉ nhường lại với giá trên trời hoặc đổi bằng vàng. Những người di tản giấu được tiền vàng đâu đó cuối cùng cũng phải lòi ra để người thân hoặc chính mình không bị chết khát. Chúng cải trang thành thương phế binh để giấu tiền vàng cướp được dưới những lớp vải băng bó trá hình. Trước tình hình này bộ phận an ninh trên tàu phải bó tay, thuyền trưởng chỉ còn có mỗi cách là dùng vô tuyến điện để báo cáo với chỉ huy quân sự ở Vũng Tàu. Do đó, khi tàu sắp đến bến thì được lệnh từ trong đất liền phải đậu ngoài khơi. Những chiếc tàu hải quân loại nhỏ chở quân cảnh và cấp chỉ huy của nhiều binh chủng khác nhau ra tận nơi “đón” chiếc tàu lớn. Tất cả những binh lính giấu vàng tiền trong người hoặc bị dân chúng di tản nhận dạng đã cướp bóc họ, đều được tách riêng ra và đưa vào bờ trước tại một địa điểm vắng người. Các binh lính này bị hành quyết ngay tại bờ biển.
Chương 22 Tiếp câu: “Tuần lễ đầu tháng 4–1975, trung tướng Dương Văn Minh và nhóm ủng hộ ông quyết định chính thức công bố ý định thay thế tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.”
để góp phần chấm dứt chiến tranh đã kéo dài quá lâu và gây quá nhiều đau khổ cho nhân dân hai miền.
Sau câu: “Từ Sài Gòn lên Đường Sơn Quán, anh Ba ngồi ô tô chung với ông Dương Văn Minh để tránh bị cảnh sát chận bắt dọc đường.”
Sự đối đầu của nhóm ông Minh với chế độ Thiệu dĩ nhiêm bao gồm cả ý định giành lấy quyền hành của Thiệu. Năm 1971, trong cuộc bầu cử tổng thống, ông Dương Văn Minh tuyên bố ra ứng cử, đó cũng là sự thách thức công khai đối với sự lãnh đạo của Thiệu. Nhưng lúc đó tình hình chưa chín mùi, Thiệu đang ở trên đỉnh cao của quyền lực, cuộc cạnh tranh nếu xảy ra hoàn toàn không cân xứng, nên giờ chót ông Minh rút lui khỏi cuộc bầu cử tổng thống. Tuy rút lui nhưng hành động này vẫn có tác dụng làm sứt mẻ địa vị cầm quyền của Thiệu trong nước và trên quốc tế, nhất là dư luận Mỹ.
Bài diễn văn đọc trong buổi họp mặt tất niên Quý Sửu tại Dinh Hoa Lan, nhân kỷ niệm một năm ký kết Hiệp định Paris (xuân Giáp Dần), ông Minh chỉ nói về vai trò của thành phần thứ ba trong khuôn khổ của Hiệp định. Vị trí của nhóm Dương Văn Minh vẫn là “đứng giữa”.
Nhưng lần này tại cuộc họp mặt ở Đường Sơn Quán, lần đầu tiên ông Minh công bố chính thức ý định sẵn sàng thay Thiệu như một giải pháp tình huống để tìm cơ hội hòa bình cho miền Nam. Điều đó cũng có nghĩa: đây là cuộc đối đầu dứt khoát, một sự tuyên chiến hẳn hoi với chế độ Thiệu. Với ông Minh, đây là một trách nhiệm không còn có thể né tránh hoặc chần chừ. Các thành viên trong nhóm ông Minh phần đông cũng thấy một thôi thúc như thế, phải có một hành động dứt khoát để có một kết thúc sớm chiến tranh. Tâm trạng của số đông người yêu nước ở miền Nam lúc này khó tả cho thật đầy đủ và thật đúng. Chuyến tàu lịch sử thúc giục họ bước lên, không còn thời gian chần chờ nữa, dù rằng họ chưa biết đích xác chuyến tàu ấy sẽ đưa họ về đâu. MTDTGPMN và những người cộng sản tuy vẫn là một ẩn số đối với nhiều trí thức miền Nam nhưng đồng thời lại là một sức hút đầy ma lực.
Sau câu: “Trong tháng 4-1975, tướng Timmes đến Dinh Hoa Lan thường xuyên hơn. Rất có thể Timmes biết ý định của ông Minh, từ đó thúc đẩy và hỗ trợ thêm.”
Tôi nói như thế vì thật sự việc ông Minh quyết định ra thay Thiệu – “dù phải cầm cờ đầu hàng thay Thiệu” – không là ý kiến xuất phát trước tiên từ ông Minh mà là từ cả nhóm của ông. Không thể nào có chuyện Timmes tác động cả nhóm làm theo ý kiến của CIA, tức Thomas Polgar.
Chương 24 Sau câu: “Ông Dương Văn Minh cũng biết rõ điều đó và rõ ràng ông có chủ đích khi chọn tôi làm tổng trưởng Bộ Thông tin.”
Tôi không phải người thích hợp để chỉ huy mảng tuyên truyền, đấu tranh chính trị với MTDTGPMN và miền bắc cộng sản để bảo vệ đường lối chống Cộng ở miền Nam. Nhưng để tìm kiếm hòa bình và hòa hợp với người Việt Nam cộng sản, giữa người Việt nam ruột thịt với nhau thì tôi hoàn toàn có khả năng đóng góp vào mục tiêu chung của chính phủ Dương Văn Minh. Dĩ nhiên tôi không làm điều này mù quáng mà với ý thức rõ ràng từ tích lũy thực tế và sự suy nghiệm lại lịch sử đất nước từ 1945 - rằng những người cộng sản Việt Nam trước hết là những người yêu nước, đã hy sinh xương máu cho cuộc đấu tranh giành độc lập. Khởi đầu cuộc đời chính trị của tôi trong quốc hội Sài Gòn, lúc đó tôi phân biệt và tách người Việt Nam cộng sản với người Việt Nam yêu nước. Do những luận điệu tuyên truyền chống cộng lâu ngày – mà tôi không chối cãi là mình bị ảnh hưởng ít nhiều – tôi cũng từng nghĩ người Việt Nam cộng sản thiếu trái tim, sẵn sàng hi sinh quyền lợi dân tộc mình, đất nước mình cho chủ thuyết mà họ tôn sùng!
Đến khi tôi nhận ra người cộng sản trước hết là người yêu nước, quá trình lịch sử của họ trước hết là đấu tranh cho độc lập và thống nhất đất nước thì vấn đề về chủ thuyết vào thời điểm này đối với tôi trở thành thứ yếu. Hòa hợp với những người Việt Nam ruột thịt yêu nước, vì độc lập xứ sở phải là ưu tiên số một. Các thiệt thòi và cả những bất cập có thể xảy đến và một giải pháp chính trị có lợi cho người cộng sản cũng không thể là tai họa như tai họa mà nhân dân Việt Nam đã phải gánh chịu suốt hàng thế kỷ qua. Lúc nhận nhiệm vụ tổng trưởng bộ thông tin, tôi nghĩ như thế.
Sau câu: “Nghe đâu Khương vẫn lạc quan, sau đó thì có tin anh qua đời vì đau ruột thừa nhưng không được phát hiện kịp thời.”
Tôi không biết trước khi nhắm mắt, Khương có trách tôi hay không...
Sau câu: “…Có nghĩa là ông già Hương xúi tôi đảo chính!”
Như vậy từ khi Ban Mê Thuột thất thủ, tướng Nguyễn Cao Kỳ đã tự đề nghị xung phong ra cầm quân chống cuộc tiến quân của cộng sản lần lượt với tổng thống Thiệu, rồi với người thay Thiệu tạm thời là Trần Văn Hương và chót hết là tổng thống Minh. Nhưng cả ba người đều né tránh hoặc từ chối!
Thay câu: “Và cái chức vụ ấy gần như trống rỗng.” (bản B) bằng:
Và cái chức vụ gần như trống rỗng ấy vẫn là một sứ mạng lịch sử vô cùng nặng nề!
Sau câu: “Chỉ có cách đó là tránh cho Sài Gòn khỏi hỗn loạn!”
Tôi nhớ như in trong đầu mình phản ứng của ông Minh lúc đó: ông cười và quay lại phía vợ tôi đang đứng sau lưng ông: “Chung nói đúng phải không bà Chung? Anh em mình đâu có ham gì cái chức tổng thống và quyền hành. Trong tình hình này mình nên sớm chuyển giao quyền cho MTDTGPMN”.
Tiếp câu: “Hơn nữa ông Minh là một nhà quân sự nên rất hiểu tình hình lúc đó như thế nào”
trách nhiệm của ông với tư cách tân tổng thống không thể thụ động ngồi nhìn một tai họa có khả năng đến với đồng bào Sài Gòn.
Chương 25 Tiếp câu: “Khi tổng thống Dương Văn Minh đến, cuộc họp diễn ra với một số người rất hạn chế, gồm phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền, thủ tướng Vũ Văn Mẫu…”
phó thủ tướng (chưa chính thức) Hồ Văn Minh, tổng trưởng quốc phòng (chưa chính thức) Bùi Tường Huân và tổng trưởng thông tin là tôi.
Tiếp câu: “Các thành viên chính của chính phủ Dương Văn Minh tập hợp trong phòng làm việc trước đây của Nguyễn Văn Thiệu.”
chờ quân giải phóng cùng các đại biểu MTDTGPMN sẽ vào. Không ai tiên đoán được kịch bản nào sắp xảy ra. Riêng tôi tưởng tượng một kết thúc lý tưởng: đại diện của MTDTGPMN sẽ được long trọng đón tiếp bởi tổng thống Minh và các thành viên của chính phủ ông, và sau đó là tự nguyện trao quyền của chính phủ Dương Văn Minh cho chính phủ CMLTCHMNVN cũng có một ý nghĩa lịch sử rất lớn. Dù chính phủ Dương Văn Minh chỉ được quốc hội Sài Gòn bầu lên, nhưng về mặt pháp lý ông vẫn đại diện cho miền Nam với chế độ gọi là VNCH, đối đầu với MTDTGPMN trong suốt thời kỳ chiến tranh. Ông Minh đã nhận sự ủy quyền này nhưng lại tự nguyện trao quyền đó lại cho chính phủ CMLTMNVN để thay thế mình bảo vệ sự an nguy cho nhân dân Sài Gòn mà chính phủ ông tự nhận là bất lực. Làm việc này, ít ra chính phủ và bản thân ông Minh phải có sự tin cậy phía mà mình trao quyền và hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định đơn phương của mình. Hành động tự nguyện này của chính phủ ông Minh là một phủ nhận hùng hồn đối với chiến dịch tuyên truyền mà Mỹ đã phát động chống lại MTDTGPMN và Bắc Việt từ trước và sau khi Ban Mê Thuột thất thủ. Trong giờ phút này của lịch sử, chính người Việt Nam cộng sản là những người đáng tin cậy chứ không phải là nỗi sợ hãi khiếp đảm như hình ảnh mà người Mỹ đã cố gắng tạo ra.
Trách nhiệm của người bị bắt buộc đầu hàng khác hẳn trách nhiệm của người tự nguyện trao quyền với ý thức trao quyền đó có lợi cho đất nước và dân tộc của mình. Tôi nghĩ rồi đây việc nhìn nhận lịch sử sẽ đặt đúng tầm ý nghĩa của bản tuyên bố này khi đề cập đến sự kết thúc cuộc chiến chống Mỹ giành độc lập và thống nhất đất nước.
Sau câu: “Lúc này, dù tôi hoàn toàn không đoán được chuyện gì sẽ đến trong những ngày sắp tới nhưng có hai điều mà tôi biết chắc nước Việt Nam đang có được là quá lớn, vượt lên mọi tính toán cá nhân và quyền lợi riêng tư: đó là hoà bình và thống nhất.”
Sáng hôm sau – ngày 3-5-1975 – vừa thức dậy thì tôi nghe đứa con trai kế của tôi là Lý Quí Dũng, 11 tuổi, ngủ chung trong phòng nói với sang chỗ tôi: “Ba ơi, nước mình bây giờ lớn lắm phải không ba?”. Tôi hỏi lại: “Tại sao con nói vậy?”. Nó liền nói tiếp: “Vì bây giờ mình có hai nước nhập lại một”! Tôi im lặng, cổ họng như nghẹn lại. Con tôi không nghe tôi trả lời, lại hỏi lớn: “Có đúng không ba?”. Tôi lên tiếng: “Đúng rồi con trai của ba!”.
Phần “Sau ngày 30-4-1975” Tiếp câu: “Ngay sau tháng 4-1975, thật là mãn nguyện khi được tham gia Hội nghị Hiệp thương Thống nhất Tổ quốc trong thành phần đoàn đại biểu miền Nam.”
Hình như đến bây giờ rất ít có ai nhắc lại Hội nghị này. Và khi Hội nghị diễn ra tại Dinh Thống Nhất cũng không ít người coi đó là một hội nghị cho có hình thức nhằm mang lại một căn bản pháp lý tượng trưng cho nước Việt Nam thống nhất, thế thôi. Có hội nghị đó hay không thì nước Việt Nam cũng đã thống nhất rồi. Nhưng
Sau câu: “Tôi đứng lặng thinh vì biết rằng mọi lời giải thích lúc này đều vô ích.”
Những chuyện xảy ra cho gia đình tôi đã biến cha tôi từ một người hồ hởi đón chào Cách mạng, nô nức chờ bạn bè đi kháng chiến trở về, biến thành một người ác cảm với cộng sản và từ luôn con trai của mình vì nó… hợp tác với cộng sản. Phải một năm sau tôi mới có dịp đọc tác phẩm Sông Đông êm đềm của nhà văn Nga M. Sôlôkhôp. Sao có nhiều chuyện giống thế. Và tôi không thể không tự hỏi sao mình lại photocopy làm gì những thứ ấy cho dân mình khốn khó và đau lại nỗi đau mà người dân Nga đã trải qua mấy mươi năm trước!
Sau câu: “Sau năm năm tồn tại như một hiện tượng độc đáo,
Tin Sáng được tuyên bố “hoàn thành nhiệm vụ.”
Nếu không có những mâu thuẫn nội bộ, liệu Tin Sáng có kéo dài được sự tồn tại? Một tờ báo gồm các trí thức cũ Sài Gòn, hoạt động như một doanh nghiệp tư nhân, anh Đức nắm tờ báo như một ông chủ báo trước 1975, lại rơi vào thời điểm Đông Âu bắt đầu chứng kiến những biến động (Công đoàn Đoàn Kết của Walesa đã phát động lật đổ chế độ cộng sản ở Ba Lan), vậy nếu báo Tin Sáng tiếp tục tồn tại thì sẽ ở vị trí nào trong bối cảnh chính trị lúc đó?
Sau câu: “Ông hỏi tôi tình hình ông Minh thế nào, tôi cho biết sức khỏe ông Minh vẫn bình thường và vẫn ở Dinh Hoa Lan.”
Thượng tọa Trí Quang nói: “Ông Minh đã có một quyết định rất đúng”. Tôi nói lại: “Nhưng do đời sống khó khăn và có nhiều người đi học tập cũng có dư luận, dù không nhiều, lên án ông Minh đầu hàng cộng sản”. Thượng tọa Trí Quang lắc đầu: “Một số ít người nói thì cứ nói, nhưng việc làm của ông Minh giao quyền để Sài Gòn không đổ máu và chết chóc, là một hành động bồ tát”.
Phần “Gia đình thân yêu” Sau câu: “Các em tôi đều thành đạt tại Mỹ và Canada.”
Là một người lạc quan, tôi luôn ưa nhìn nhận các sự kiện theo hướng tích cực. Hiệp định Geneve 1954 chia đất nước làm hai, chế độ Diệm thúc đẩy một cuộc di cư vào Nam, nhiều người miền Bắc rời nơi chôn rau cắt rốn của mình. Trong lịch sử của dân tộc chưa bao giờ có một sự trộn lẫn và hòa hợp giữa hai miền lớn lao như thế. Tôi còn nhớ hồi tôi còn nhỏ mẹ tôi không bao giờ phân biệt được người miền Bắc với người miền Trung. Những năm 50 về trước, người miền Nam nghe ai nói phát âm lờ lợ đều cho rằng đó là người Huế. Thực dân Pháp để lại những “di chứng” khá nặng nề trong đó có ý đồ thành lập một “Nam Kỳ quốc”.
Sau năm 1954 người miền Nam sống chung với đông đảo người miền Bắc, chẳng những hiểu biết nhau hơn, xóa bỏ đi những dị biệt địa phương cục bộ bị khoét sâu bởi chế độ thực dân, mà còn bổ sung cho nhau những tính cách độc đáo, những ưu điểm về phong cách sống của mỗi miền cho người dân Việt. Theo những gì tôi được thấy, các giới doanh thương đến từ miền Bắc sau năm 1954 đã đánh đổ được nhiều cứ điểm buôn bán làm ăn trước đây độc tôn của người Ấn Độ, người Hoa trên các đường phố chính ở trung tâm Sài Gòn như đường Catinat (sau đổi lại là Tự Do, bây giờ là Đồng Khởi) hay Lê Thánh Tôn, Lê Lợi v.v… Nó phá vỡ một mặc cảm trước đây của người miền Nam là không thể cạnh tranh, phá vỡ ưu thế tuyệt đối về kinh tế của người nước ngoài trên chính xứ sở mình. Thật cần thiết và quan trọng (cũng rất thú vị) nếu có một công trình nghiên cứu khoa học nào đó về mặt xã hội và con người Việt Nam sau 1954 tại miền Nam.
21 năm sau một kiểu di cư khác – cũng là hậu quả chiến tranh – gọi là “di tản”, bằng máy bay và nhất là bằng tàu thuyền thô sơ. Biết bao nhiêu người đã mất tích dưới lòng biển khơi trong cuộc “di tản” này nhưng những người sống sót phần đông đều biết động viên con em mình học tập. Một nước châu Á giàu có cũng không thể mơ ước chuyện gởi ra nước ngoài cùng lúc hàng triệu con em du học. Chúng ta không hề mong muốn một biến cố như thế xảy ra cho dân tộc mình nhưng 30 năm sau biết bao tài năng trẻ Việt Nam xuất hiện ở cả hai châu Âu lẫn châu Mỹ. Xưa kia ta nói dân tộc Việt Nam, người Việt Nam là từ Bắc chí Nam nhưng bây giờ thì phải nghĩ đến những biên cương xa xôi, nghĩ đến bất cứ nơi nào có giống nòi mình sinh sống. Nước Việt là của tất cả những người có cùng nguồn gốc dù cho đang sinh sống bất cứ nơi nào, có bất cứ quốc tịch nào. Làm thế nào để tất cả không chỉ thương nhớ quê hương mà còn tự hào nguồn gốc của mình. Tôi cũng có những đứa cháu có quốc tịch Pháp, Canada, Mỹ. Và luôn mong ước chúng hãnh diện về nguồn gốc Việt Nam của mình. Lịch sử đất nước đã cung cấp sẵn cho chúng quá nhiều điều để tự hào, vấn đề còn lại là làm sao chúng càng gắn bó với hiện tại và tương lai đất nước.