Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Hồi ký không tên

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 37957 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hồi ký không tên
Lý Quí Chung

Chương 12

Cho đến khi ra tờ Tiếng Nói Dân Tộc, tôi làm tất cả 5 tờ báo: Đuốc Thiêng, Buổi Sáng, Thanh Việt, Bình Minh, Sài Gòn Tân Văn. Tờ Sài Gòn Tân Văn do tôi làm chủ nhiệm bị chính phủ Phan Huy Quát đóng cửa. Tờ Tiếng Nói Dân Tộc là tờ thứ hai tôi trực tiếp làm chủ, ra ngày 17-12-1968 đến trước Tết năm 1970 thì bị chính quyền Thiệu đóng cửa. Lý do đóng cửa chính thức như đã nói: tờ báo chống lại vụ án “Châu–Hồ- Trúc”.
Tôi xin nói thêm về ba người này. Ông Trần Ngọc Châu từng làm trung tá tỉnh trưởng ở Bến Tre có người anh là Trần Ngọc Hiền đại tá tình báo Việt cộng. Qua sự tiếp tay của CIA, Thiệu tìm ra bằng chứng Trần Ngọc Châu có liên lạc với người anh của mình (thời đó tội liên lạc với cộng sản là tội nặng nhất). Nhưng nhiều người cho rằng đó không phải là lý do chính. Châu có quan hệ sâu với nhiều nhân vật Mỹ có thế lực tại Việt Nam và cả tại Mỹ. Theo nhà báo Zalin Grant, người đã từng có mặt tại miền Nam từ 1964 đến 1973 và sau đó đã gặp và trao đổi với Trần Ngọc Châu nhiều lần tại Mỹ (sau 1975) thì ông Châu là người đã từng làm việc chặt chẽ với CIA. Một trong những người rất thân với ông Châu là Edward G. Lansdale, nhà hoạt động tình báo nổi tiếng nhất của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Lansdale từng là cố vấn của tổng thống Ngô Đình Diệm, năm 1966 trở lại Việt Nam làm trợ lý đặc biệt cho đại sứ Henry Cabot Lodge và sau đó cho đại sứ Elslworth Bunker. Grant nói rõ điều này trong quyển sách của ông có tên “Facing the Phonenix” (xuất bản năm 1991). Theo Grant, Trần Ngọc Châu còn là người ảnh hưởng chính đối với John Paul Vann trong đường lối bình định. Vam là một loại quan theo kiểu thực dân Pháp, tự gán cho mình “sứ mạng khai hóa” (mission civilisatrice). Đến Việt Nam từ thập niên 60, Vann đã có mặt tại Ấp Bắc sau khi Mỹ thất bại thảm hại trong trận đánh bằng máy bay trực thăng.
Vào thời điểm Châu bị bắt, năm 1970, đại sứ Bunker và CIA tại Sài Gòn tin rằng Thiệu có thể chiến thắng cộng sản và chương trình bình định của chính quyền Thiệu (chiến dịch Phượng Hoàng) là một thành công. Nhưng Châu và “một số người bạn Mỹ” của ông thì chỉ ra chiến lược mà Thiệu va những người Mỹ ủng hộ Thiệu áp dụng trong cuộc chiến giành dân ở nông thôn là một sai lầm. Đó cũng là một trong những lý do tòa đại sứ Mỹ và CIA đã bật đèn xanh cho Thiệu loại Châu.
Theo Grant, chính Ted Shackley thuộc văn phòng CIA tại Sài Gòn đã theo dõi Châu một thời gian dài và thu thập tài liệu về mối quan hệ giữa Châu và anh mình là Trần Ngọc Hiền để cung cấp cho chính quyền Thiệu có lý do bắt và kết án Châu. Ted Sackley không thuộc cánh của Lansdale, ngược lại còn ác cảm với Lansdale. CIA đã từng dùng Trần Ngọc Châu nhưng khi thấy Châu trở thành một trở ngại cho đường lối của họ ủng hộ chế độ Thiệu thì họ không ngần ngại chối bỏ mối quan hệ này và hy sinh Châu! Trong khi đó Edward G. Lansdale và John Paul Vann vẫn nhất quyết cho rằng dân biểu Châu là “người yêu nước quốc gia” có đầu óc chống cộng mặc dù có quan hệ với anh mình là sĩ quan tình báo Việt cộng.
Tôi không thân lắm với ông Châu khi còn là đồng viện. Trong thời gian ở Quốc hội, tôi thường tránh những quan hệ mà tôi thấy phức tạp. Nhưng với tư cách đồng viện, tôi phản đối quyết liệt việc chính quyền Thiệu bắt Châu, vi phạm quy chế bất khả xâm phạm của đại diện dân cử. Cũng theo nhà báo Zalin Grant, khi biết được chính quyền Thiệu có ý định sẽ bắt Châu, “những người bạn Mỹ” của Châu trong đó có John Paul Vann, tìm cách giấu Châu tại Cần Thơ trong một khu nhà dành riêng cho người Mỹ chỉ cách trụ sở CIA Cần Thơ vài bước. John Paul Vann có ý định đưa Châu ra khỏi Việt Nam qua đường Campuchia. Nhưng dân biểu Châu từ chối, cho rằng trốn đi là tự xóa sinh mệnh chính trị của mình. Khi cảnh sát rằn ri và cảnh sát chìm ùa vào bắt Châu (26-2-1970), một số dân biểu đối lập cố gắng ngăn chặn, đặc biệt là Kiều Mộng Thu chiến đấu đúng nghĩa để bảo vệ ông Châu tới cùng. Lúc đó trên ngực Trần Ngọc Châu có đeo Bảo quốc huân chương – huân chương cao quí nhất của chế độ Sài Gòn – và hai tay cầm cái huy hiệu Quốc hội to bằng gỗ lấy ra từ bục diễn đàn Hạ nghị viện để che chắn cho mình. Nhưng cảnh sát của Thiệu vẫn lôi xềnh xệch Châu từ phòng họp ra tận cửa lớn và kéo anh như một con vật xuống các bậc thang trước Hạ nghị viện rồi ném lên xe chở đi. Dù phía sau vang lên những lời la hét, chửi bới chế độ dữ dội của dân biểu Kiều Mộng Thu.
Dân biểu thứ hai bị tòa án quân sự của Thiệu kết tội liên lạc với cộng sản là ông Hoàng Hồ, một nhà báo, chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ “Trinh Thám”. Thể loại báo của ông Hoàng Hồ lúc đó khá độc đáo, chủ yếu khai thác chuyện các vụ án trong nước và thế giới, có những bài nghiên cứu khá sâu về tội phạm học là ngành chuyên môn mà ông đã theo đuổi khi ông du học ở Pháp. Tôi không rõ tại sao ông bị kết án và làm thế nào ông biến mất khỏi Sài Gòn trước khi chính quyền Thiệu ra tay.
Người thứ ba là Phạm Thế Trúc, cũng là một dân biểu, được giáo hội Phật giáo cử sang Tokyo để nhận tiền và quà của người Nhật gửi tặng cho nạn nhân bão lụt miền Trung. Nhưng tại Nhật, Trúc tham gia các cuộc biểu tình chống chính quyền Sài Gòn và đã tự tay đốt một hình nộm của Thiệu. Dĩ nhiên ông Thiệu không hề tha thứ hành động này. Nếu Phạm Thế Trúc trở lại Sài Gòn, anh sẽ bị bắt ngay. Trong ba người bị chính quyền Thiệu kết án, tôi thân Trúc nhất vì tôi và Trúc cùng học một trường – Lycée Yersin Đà Lạt – và có một năm học chung một lớp (lớp 4ème). Trong lớp- đa số là Tây con – chỉ có hai chúng tôi biết mê các bài thơ của Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Huy Cận, TTKH, Tế Hanh, Hàn Mặc Tử… Mỗi đứa có một tập thơ chép tay, từng câu từng chữ được viết một cách nắn nót. Sau chuyện xảy ra ở Tokyo, tôi không có dịp gặp lại anh. Trúc sống luôn tại Pháp.
Lý do chính thức đóng cửa tờ Tiếng nói Dân tộc là vì tôi đã viết bài phản đối vụ án Châu–Hồ-Trúc. Nhưng nguyên nhân tiềm ẩn là từ khi tờ báo xuất bản, đường lối của TNDT ngày càng đi ngược lại đường lối của chính phủ Thiệu, nhất là các vấn đề liên quan đến chiến tranh và hòa bình. Chính phủ Thiệu dồn tất cả nỗ lực của mình, lúc đầu để ngăn cản Washington không ngừng ném bom miền Bắc. Khi thất bại thì tìm cách ngăn trở và trì hoãn cuộc hòa đàm tại Paris. Ông Thiệu cũng phủ nhận sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam và sự thành lập của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Trong khi đó Báo TNDT thúc đẩy quá trình chấm dứt chiến tranh, thương lượng hòa bình và đề cao tinh thần hào giải hòa hợp dân tộc. Một bộ phận người dân miền Nam, vào thời điểm 1968-1969, không ràng buộc quyền lợi và địa vị với chính quyền Thiệu có khuynh hướng chung là chờ đợi sự rút quân của Mỹ và một cuộc hòa đàm vời miền Bắc để kết thúc chiến tranh.
Những người như tôi thuộc loại được ưu đãi ở xã hội miền Nam bấy giờ vậy cớ gì chống chế độ, đòi hỏi một kết thúc chiến tranh mà không đoán được nó sẽ ra sao đối với số phận chính trị của mình? Sẵn sàng đánh đổi cái lợi lộc trước mắt rất đảm bảo cho mình để đấu tranh cho một tương lai gần như là một ẩn số hoàn toàn đối với mình, tại sao? Tôi vẫn nhớ cái tâm trạng của mình lúc đó: tôi không tưởng tượng được chỗ đứng chính trị của mình ở đâu khác hơn là vị trí đối lập với chính quyền. Cuộc sống với tôi sẽ mất đi tất cả ý nghĩa nếu không bày tỏ thái độ đối với cuộc chiến, thái độ trước thực trạng đất nước chia đôi mà theo tôi là nỗi bất hạnh lớn nhất của thế hệ mình. Tôi say sưa đấu tranh cho các mục tiêu ấy. Tôi cảm nhận những ưu đãi mà mình đang được hưởng là phù du và trước tình cảnh đất nước đang bị giằng xé đó, mình không thể an lòng thụ hưởng những ưu đãi ấy.
Những tấn công của các đồng nghiệp trong làng báo Sài Gòn như Chu Tử (báo Sống), linh mục Nguyễn Quang Lãm (Xây Dựng) hay Đặng Văn Sung (Chính Luận) cho rằng tôi “ngây thơ chính trị” cũng chẳng làm tôi lung lay.
Những người có suy nghĩ như tôi lúc ấy khá đông, trong giới trí thức, kể cả trong quân đội, trong hàng ngũ công chức và trong dân thường. Suy nghĩ và lập luận của họ rất đơn giản dù chưa biết người cộng sản ra sao nhưng có một điều chắc chắn họ là người Việt Nam. Nếu chiến tranh kết thúc thì cái lớn nhất đạt được là chấm dứt máu đổ. Vấn đề ưu thế chính trị thuộc về ai trở thành thứ yếu. Một trong những nguyên nhân thất bại của chế độ Thiệu trong thời điểm khởi đầu cuộc đấu tranh quyết liệt với người cộng sản và đồng thời với cả người Mỹ - gần như đã bỏ rơi Thiệu khi quyết định rút chân khỏi Việt Nam – là ở chỗ, phía sau chế độ đó không có hậu thuẫn dân chúng và các lực lượng chính trị có uy tín.
Lật lại hồ sơ chiến tranh Việt Nam của FBI và CIA (mà thời gian bảo mật không còn) người ta nhận ra rằng cuộc đối đầu chế độ Thiệu với đường lối Washington – muốn rút chân khỏi Việt Nam – đơn độc làm sao! Gần như chỉ có ông Thiệu và Hoàng Đức Nhã chiến đấu. Chính phủ Thiệu không dấy lên được một phong trào quần chúng đúng nghĩa làm hậu thuẫn cho quan điểm chính trị của mình. Tại Mỹ ông Thiệu chỉ có “đầu cầu” rất trơ trọi là đại sứ Bùi Diễm tiếp tay. Phó tổng thống Kỳ cũng đứng về phía hai anh em ông Thiệu, chống lại đường lối hòa đàm của Washington, nhưng không có sự phối hợp thật sự giữa hai ông Thiệu và Kỳ. Mâu thuẫn quyền lực giữa Thiệu và Kỳ vẫn quá nặng nề.
Do đó cái cảnh lạc lõng của phái đoàn VNCH tại Paris càng thảm hại. Trên tờ Tiếng Nói Dân Tộc ngày 5-01-1969 tôi có ghi lại lời thuật của luật sư Vương Văn Bắc, một thành viên của đoàn, về tình hình của đoàn tại Paris như sau:
“… Paris rất lạnh, như chưa bao giờ lạnh như thế vào dịp Giáng Sinh, lạnh nhất kể từ năm 1873 đến nay. Tuyết rơi trắng trên thân xe và trên mặt đất rừng Boulogne. Anh Nguyễn Xuân Phong, anh Nguyễn Ngọc Huy và tôi thường đi bộ trong rừng để bàn những vấn đề đất nước, một lúc cả giày lẫn tất đều ướt thẫm. Trở về phòng riêng không thể được vì lẽ đơn giản là không có phòng riêng. Mấy người ở chung nhau một phòng lớn. Những lúc đêm khuya, tôi tiếp tục đọc sách vì không ngủ được. Giáo sư Huy phải dùng khăn lông lớn che mắt ngủ. Buổi sáng chúng tôi xếp hàng để sử dụng phòng tắm độc nhất. Phải nói chúng tôi hoạt động trong một môi trường ghẻ lạnh, đối đầu những kẻ thù hăm hở và bên cạnh những người bạn ngập ngừng.
“Hôm đầu tiên, anh Huy và tôi xuống phố mua áo len, mũ khăn về để chống cái lạnh của Paris. Về tới nhà, vừa mới mở cửa xe bước xuống, hai tay lễ mễ bưng gói đồ thì mấy ông phóng viên đã xuất hiện, chụp hình và quay phim lia lịa. Kinh nghiệm “thập mục sở thị” ấy làm cho chúng tôi không muốn đi đến đâu.
“Tôi thấy rạp chiếu bóng chiếu mấy phim có tiếng như La Chamade của Francoise Sagan hay La Prionniere của Clouzot cũng muốn đi coi nhưng rồi lại thôi vì người ta cho là du hí. May chúng tôi có vài cuộn băng nhạc Việt Nam và báo chí ở bên nhà gửi sang. Chị Vui (tức Nguyễn Thị Vui) nóng lòng muốn biết dư luận ở bên nhà ra sao đối với cuộc hòa đàm. Ngoài ra dĩ nhiên chị cũng nóng lòng muốn biết số phận của Lệnh Hồ Xung trong Tiếu Ngạo Giang Hồ ra sao”.
Nhớ lại mấy chục năm, đọc đoạn này, tôi thấy lòng mình chua xót thế nào ấy. Họ đơn độc và chẳng có chút khí thế gì khi “ra trận”. Họ đến Paris nhưng đã thấy trước sự thất bại, bởi họ phải bảo vệ cho một chế độ không thể bảo vệ nữa. Tôi nhớ như in những gương mặt xưa: một Vương Văn Bắc lúc nào cũng mặc bộ đồ vét với cà vạt chỉnh tề, ngay cả khi đi dạy ở Học viện Quốc gia Hành chính. Thời tôi còn là sinh viên HVQGHC, chỉ có giờ của giáo sư Bắc là tôi không cúp cua. Ông chuẩn bị bài giảng nghiêm túc, nói trực tiếp chứ không cầm tài liệu đọc lê thê như các giáo sư khác. Bỏ qua vấn đề khác biệt chính kiến – ông là người miền Bắc di cư, lập trường chống cộng – thì theo tôi, ông là một trí thức có tư cách. Chị Nguyễn Thị Vui, luật sư, là một trường hợp khá phức tạp. Chị đã từng gần gũi với những người cộng sản trong thời chống thực dân Pháp nhưng rồi tách dần ra nhưng vẫn chưa thật sự tìm ra một bến bờ mới cho cuộc sống tinh thần của mình. Chị vẫn bơi giữa dòng. Trong giới trí thức ở miền Nam bấy giờ chị được đánh giá là một nhân vật trong sáng, có nhiều thiện chí với đại cuộc. Nghe đâu cả hai vợ chồng chị đều từng đứng trong hàng ngũ phong trào thanh niên Việt Nam cộng sản ở Châu Âu những năm 50 khi đi du học ở Pháp. Chồng chị là kỹ sư Lâm Văn Sĩ. Có lúc chị tự nhận mình là một “người Việt đứng giữa”. Chị tiết lộ riêng với tôi về sự thân thiết với một vài nhân dân trong MTDTGPMN. Có người đã đến tiếp xúc với chị ngay tại văn phòng luật sư của chị ở đường Nguyễn Du trước 1975. Khi chế độ Sài Gòn sụp đổ, chồng chị, anh Lâm Văn Sĩ, có đến sinh hoạt ở Hội trí thức yêu nước ở đường Nguyễn Thông, nhưng chị thì ở nhà, hạn chế các cuộc tiếp xúc, nhất là tránh gặp những người quen từ trong rừng trở về.
Khi ông Thiệu giao cho Nguyễn Cao Kỳ thành lập phái đoàn đại diện VNCH tại Hội nghị Paris, ông Kỳ đã thuyết phục được luật sư Vui tham gia. Có lẽ chị nghĩ đây cũng là một cách đóng góp cho viêc chấm dứt chiến tranh. Nhưng ông Kỳ thì có ý đồ là dùng chị Vui để “đối xứng” và đối đầu với một nhân vật nữ ở trong phái đoàn chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam là bà Nguyễn Thị Bình. Không hiểu từ đâu, lúc đó lại có dư luận cho rằng bà Vui và bà Bình là bạn cũ với nhau. Kỷ niệm 30 năm ký Hiệp định Paris (năm 2003) tôi có dịp gặp bà Bình trong một buổi tiệc do Ủy ban Việt kiều tại TP. HCM tổ chức tại nhà khách số 1 đường Lý Thái Tổ. Tôi tò mò hỏi bà Bình chuyện xưa, thì được bà xác nhận là không quen biết bà Nguyễn Thị Vui và bà nói thêm: “Ở Sài Gòn trước đây có người lẫn lộn tôi với một người khác cũng tên Nguyễn Thị Bình nhưng là con gái của nhà báo cách mạng Nguyễn An Ninh”.
…Tháng 3-1969, tổng thống Nixon gửi Bộ trưởng quốc phòng Mervin Laird sang Sài Gòn gặp ông Thiệu, cùng đi có tướng Wheeler, mang theo một thông điệp: nhân dân Mỹ muốn chính quyền mới (tức Nixon) đưa cuộc chiến đi đến một kết thúc mĩ mãn và “kết thúc mỹ mãn” ấy đối với đa số người Mỹ có nghĩa là đưa nước Mỹ ra khỏi cuộc chiến. Trở về Mỹ, Laird gặp Nixon và bàn về kế hoạch “Termination Day” (Ngày kết thúc), một chương trình chi tiết rút quân Mỹ và đồng thời chuyển giao thiết bị cho chính quyền Sài Gòn. Kế hoạch của Nixon là “de- Americanize the war” (phi Mỹ hóa cuộc chiến) nhưng khi được đưa ra công khai nó lại trở thành “Vietnamisation” (Việt Nam hóa chiến tranh), mà theo Nixon có nghĩa xây dựng cho quân đội VNCH đủ mạnh để chủ động được chiến trường để quân đội Mỹ rút dần. Theo tác giả Larry Berman trong cuốn No Peace, No Honor, Thiệu lúc đầu tin rằng Nixon sẽ giúp VNCH đứng vững trong 8 năm, thời gian đủ để chế độ Thiệu củng cố và vững mạnh.
Ngày 9-7-1969 đơn vị quân đội Mỹ đầu tiên trở về nhà, tại căn cứ không quân McChord, gần Tacoma- Washington. Tướng William Westmoreland có mặt đón họ. Theo tôi dù 30-4-1975 mới là ngày chính thức Mỹ cuốn cờ chạy khỏi Việt Nam nhưng chính cái ngày 9-7-1969 Mỹ đã bắt đầu “tháo chạy” và cũng đã quyết định số phận của chế độ Sài Gòn rồi… Tờ Tiếng Nói Dân Tộc bị đóng cửa; dân biểu Trần Ngọc Châu bị bắt bất kể ông được hưởng quyền bất khả xâm phạm của Quốc hội, chủ nhiệm tờ báo tiếng anh Saigon Daily News, ông Nguyễn Lâu, cũng bị bắt trong lúc này cùng một lý do (ngoài ra còn có 26 trí thức khác). Đó là thời kỳ Thiệu siết lại đời sống chính trị ở miền Nam để củng cố quyền lực của mình. Dĩ nhiên phong trào sinh viên không thể không bị đàn áp. Tôi có dự buổi họp báo của ban chấp hành Tổng hội sinh viên Sài Gòn (khóa 1967 -1968) bị cảnh sát Thiệu tấn công tại số 4 Duy Tân (hiện nay là Nhà Văn hóa Thanh Niên) do Nguyễn Đăng Trừng (hiện là trưởng đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh) làm chủ tịch. Chính quyền Thiệu không công nhận Ban chấp hành này. Buổi họp báo này nhằm phản đối chính quyền Thiệu bắt sinh viên Nguyễn Trường Cổn. Nhưng cuộc họp báo vừa bắt đầu thì cảnh sát tấn công bằng lựu đạn tay và ập vào. Trừng nhanh chân chạy thoát. Sau cuộc tổng công kích đợt 2, Trừng rời Sài Gòn ra vùng giải phóng đi theo Liên minh Dân tộc Dân chủ Hòa bình của luật sư Trịnh Đình Thảo. Sinh viên Nguyễn Trường Cổn bị tòa án quân sự Sài Gòn kết án 5 năm tù về tội phản nghịch. Tòa án quân sự cũng tuyên án tử hình khiếm diện Nguyễn Đăng Trừng khi biết được anh đã vào rừng theo Việt cộng. Vào thời điểm này một số đông trí thức và sinh viên cũng có chọn lựa như Trừng.
Để nắm chặt hơn nữa tình hình chính trị và quân sự trong lúc quân Mỹ rút, ông Thiệu lèo lái Hạ nghị viện bỏ phiếu bất tín nhiệm thủ tướng Trần Văn Hương để bổ nhiệm người bạn thân và đáng tin cậy nhất của mình là tướng Trần Thiện Khiêm vào chức thủ tướng (23-8-1969). Cũng từ lúc này, các dân biểu đối lập như tôi không còn được cấp hộ chiếu xuất ngoại. Bởi Thiệu biết rất rõ các dân biểu đối lập thường lợi dụng các chuyến ra nước ngoài để hoạt động chống chính phủ.
Nhật báo Tiếng Nói Dân Tộc bị đóng cửa, tôi hợp tác với nghị sĩ Hồng Sơn Đông làm tờ Điện Tín. Hợp đồng giữa anh Đông và tôi khai thác Điện Tín được ký ngày 1-4-1971. Anh Đông là chủ nhiệm, tôi làm chủ bút và là người bỏ tiền ra khai thác tờ báo. Nói bỏ tiền ra nhưng thực tế tiền đầu tư chẳng là bao. Do làm báo lâu năm được sự tin cậy trong làng báo, tiền ban đầu chúng tôi phải bỏ ra rất ít, không như các nhà tài phiệt làm báo. Anh Hồng Sơn Đông là một cựu đại tá quân đội, đắc cử nghị sĩ trong liên danh của tướng Trần Văn Đôn. Tuy nhiên ông Hồng Sơn Đông còn là một người thân thuộc và trung thành của tướng Dương Văn Minh.
Làm tờ Điện Tín, tôi mời anh Trương Lộc đảm trách vai trò tổng thư ký tòa soạn. Khi chúng tôi cùng học ở Đại học Khoa học, năm PCB (Physique – Chimie - Biologie) thì tôi đã bắt đầu viết báo thể thao. Tôi không mê ngành khoa học, (sau chuyển sang học Hành chính) ít khi vào trường, chủ yếu dành thời gian đi viết báo, còn Lộc tiếp tục học cho đến khi đậu bằng cử nhân khoa học. Vài năm sau, tôi rất bất ngờ khi gặp lại Lộc cộng tác với một hãng thông tấn của Nhật. Anh Lộc đi cùng họ đến phỏng vấn tôi. Rồi chỉ một hai năm sau, anh lại gia nhập làng báo Sài Gòn.
Trước năm 1975, anh Lộc là một trong những nhà báo hiếm hoi sớm quan tâm tới một hình thức trình bày hiện đại cho tờ báo – từ cách đặt tít cho đến cách giới thiệu từng trang báo, bài báo. Sau 1975, anh tiếp tục làm báo với tôi ở tờ Tin Sáng, tiếp đó anh phụ trách bộ phận quốc tế cho báo Sài Gòn Giải Phóng. Sau này anh lại chuyển sang lĩnh vực kinh doanh về quảng cáo và tiếp thị (Công ty VMC).
Tờ Điện Tín có nhiều mục rất được độc giả ưa chuộng và gây tiếng vang. Chẳng hạn mục “Ký sự nhân vật” do anh Trần Trọng Thức viết, mục “Văn tế sống” theo thể loại thơ châm biếm của anh Cung Văn tức Nguyễn Vạn Hồng. Mỗi ngày Điện Tín còn có một tranh châm biếm của họa sĩ Ớt tức nhà báo Huỳnh Bá Thành. Người giới thiệu anh Huỳnh Bá Thành với tôi là anh Trần Trọng Thức. Trong buổi gặp đầu tiên tại tòa soạn ở đường Võ Tánh (bây giờ là Nguyễn Trãi), tôi hỏi anh Thành có thể làm được gì trong tờ báo. Anh cho biết trước đây anh có sửa bản in, ngoài ra anh cũng có thể vẽ tranh. Thế là tôi gợi ý cho anh Thành vài đề tài để anh về vẽ thử. Hôm sau anh mang tranh đến, rất đạt. Lúc bấy giờ anh Thành chưa chọn bút danh cho mình. Tôi và anh Lộc cùng tìm một bút danh để anh Thành ký trên tranh. Và bút danh Ớt ra đời. Lúc đầu bên dưới tên Ớt, anh Thành còn vẽ một trái ớt trông rất vui!
Thời kỳ này, tranh của Ớt nhắm chủ yếu vào hai mục tiêu: tổng thống Thiệu và tổng thống Nixon, với cách vẽ đơn giản, chỉ cần vài nét nhưng Ớt đủ làm cho độc giả nhìn ra Thiệu và Nixon. Tôi nhớ mãi bức tranh Ớt vẽ Nixon nằm trong cái quan tài không đậy nắp, thò tay ra ngoài kéo Thiệu cùng vào. Đó là thời điểm tổng thống Nixon phải từ chức vì vụ xì- căn- đan Watergate. Ý của Ớt: Nixon ra đi sẽ kéo theo Thiệu. Vụ thảm sát ở Sơn Mỹ cũng bị Ớt lên án trên tranh của mình: tên trung úy đồ tể William Calley được Ớt cho mặc một bộ sĩ quan đại lễ với từng cái cúc áo là sọ người! Khi tôi không còn làm tờ Điện Tín nữa, chuyển sang các anh Dương Văn Ba, Hồ Ngọc Nhuận phụ trách, họa sĩ Ớt và các anh Trương Lộc, Minh Đỗ, Cung Văn… vẫn tiếp tục cộng tác với tờ Điện Tín bộ mới.
Ở bất cứ tờ báo nào tôi làm tòa soạn, bao giờ tôi cũng dành cho tranh biếm họa một vị trí quan trọng nơi trang nhất. Với tờ Sài Gòn Tân Văn (tôi làm chủ nhiệm kiêm chủ bút năm 1964), cây vẽ tranh liên hoàn trên mỗi số báo là Cát Hữu với nhân vật Tám Sạc Ne. Đến tờ Tiếng Nói Dân Tộc, tranh liên hoàn được giao cho họa sĩ Diệp Đình với nhân vật có tên Tư Cầu Kho. Các tranh của Ớt cũng luôn chiếm vị trí quan trọng trên trang nhất tờ Điện Tín. Sau năm 1975, phụ trách tòa soạn báo Tin Sáng, tôi rất thích thú các tác phẩm biếm được vẽ rất kĩ lưỡng của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi. Cố họa sĩ Chóe đạt đỉnh cao của mình về thể loại biếm họa cũng là lúc anh cộng tác với báo Lao Động: Tranh được đăng với kích thước to và ngay trên trang nhất, mỗi tranh có sức nặng như một bài xã luận.
Trương Lộc, Trần Trọng Thức, Nguyễn Vạn Hồng, Huỳnh Bá Thành lúc đó đều là những nhà báo trẻ, đại diện cho một cách viết báo và làm báo mới mẻ và tiến bộ trong làng báo Sài Gòn.
Trước khi đến với tờ Điện Tín, anh Trương Lộc đã làm thư ký tòa soạn cho các tờ Đất Mới Tìm Hiểu- cả hai đã đánh dấu những bước cải tiến đầu tiên về cách trình bày, đặt tít, viết tin trong làng báo Sài Gòn.
Các bài “Văn tế sống” của Nguyễn Vạn Hồng với bút hiệu Cung Văn dữ dội và độc đáo, đả kích lần lượt các nhân vật trụ cột của chế độ gần như không thiếu một ai. Anh tế sống họ. Lúc đầu tôi không tin anh tài hoa như thế và có lần tôi nói nửa đùa nửa thật với anh: “Có phải người ở “trỏng” viết sẵn và mang ra cho anh, rồi anh nộp bài cho tòa soạn không?”. Nhà của anh Hồng lúc đó nằm trong làng báo chí bên kia cầu Sài Gòn, coi như vùng ven đô. Tôi nói “ở trỏng” là ngầm ý nói trong vùng giải phóng. Ngay thời điểm đó dù chưa biết Cung Văn có quan hệ với người cộng sản, tôi vẫn cảm nhận khá rõ tình cảm của anh với “bên kia”.
Anh Trần Trọng Thức, được đào tạo chính qui tại Việt Tấn Xã bởi các nhà báo nước ngoài (Philipines và Mỹ) có một phong cách viết rất chặt chẽ và luôn giàu thông tin. Các bài “Ký sự nhân vật” của anh ký tên Trần Văn Lê là những chân dung nhân vật tiêu cực lẫn tích cực, được viết một cách sinh động và độc đáo – có thể coi là những tài liệu phong phú giúp những ai muốn tìm hiểu về bộ mặt xã hội Sài Gòn những năm đầu thập niên 70.
Nhân đề cập chuyên mục “Ký sự nhân vật” của anh Trần Trọng Thức, không thể không nhắc: Chính từ chuyên mục này mà nữ nghệ sĩ Kim Cương và anh Thức có dịp quen biết nhau và sau đó trở thành vợ chồng. Nghệ sĩ Kim Cương là một trong những “nhân vật tích cực” được nhà báo Trần Trọng Thức đưa lên mục “Ký sự nhân vật”. Bài báo đã chinh phục “kiều nữ” Kim Cương lúc đó đang rất nổi tiếng về tài năng diễn kịch và cả về hoạt động xã hội.
Anh Trần Trọng Thức là nhà báo Việt Nam đã phát hiện và đưa lên mặt báo Điện Tín vụ lính Mỹ thảm sát dân thường ở Sơn Mỹ, là sự tố cáo đầu tiên tội ác chiến tranh này trên báo chí Sài Gòn. Sau đó một hãng tin Mỹ trích đăng lại, góp phần làm nổ bùng thông tin về vụ tàn sát này tại Mỹ.
Sự việc này bắt đầu từ một số nạn nhân chiến tranh chạy từ miền Trung vào Sài Gòn, sống chui rúc ở một khu tồi tệ thuộc vùng Tân Định đã đến tòa soạn kêu cứu. Anh Thức đến tận nơi điều tra và phát hiện vụ thảm sát tại Sơn Mỹ. Nhưng vì ngại Bộ thông tin tịch thu khi báo ra, nên mẩu tin chỉ có khoảng 300 chữ. Sau đó khi vụ thảm sát đã được đưa ra quốc hội Mỹ dưới sức ép của dư luận Việt Nam, quốc hội Sài Gòn mới tiền hành điều tra, gửi một phái đoàn do nghị sĩ Trần Văn Đôn dẫn đầu đi Quảng Ngãi. Với tư cách phóng viên Việt Tấn Xã, anh Thức tháp tùng phái đoàn này và viết bài cho Điện Tín dưới một bút danh khác.
Khi tổng thống Mỹ Nixon ân xá cho trung úy William Calley, báo Điện Tín đã phản ứng quyết liệt bằng bài viết và bằng tranh biếm của họa sĩ Ớt. Truyền hình Mỹ (hình như là CBS) có phỏng vấn tôi với tư cách là chủ bút báo Điện Tín về phản ứng đối với quyết định ân xã Calley của Nixon. Lúc đó tiếng Anh của tôi còn rất yếu, tôi phải nhờ anh Trương Lộc chuẩn bị sẵn cho tôi một số ý trước, để thể hiện sự cực lực phản đối việc Nixon bao che tội ác!
Với Calley thật sự không thể ân xá. Hắn nói: “Tôi coi cộng sản cũng như người Mỹ miền Nam nhìn một tên mọi đen (negro). Cá nhân tôi, ngày hôm đó tôi không có giết một người Việt Nam nào cả. Tôi nói rõ – cá nhân tôi. Tôi đại diện cho Hoa kỳ. Quê hương tôi”. Hắn cho rằng giết cả trẻ em vì lớn lên chúng sẽ là VC như cha mẹ chúng. Theo Calley, nếu hắn chỉ giết đàn bà, ông già, con nít – đều đó có nghĩa cha chúng đã đi chiến đấu. Chúng đều là VC. Calley lập luận chuyện bắn giết của hắn không có gì tồi tệ hơn so sánh với chuyện ném bom 500 pound từ một pháo đài bay B52. Hay khi chính quyền Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki… Những lời lẽ khủng khiếp này của Calley được in trong quyển “VietNam – A war lost and won” của Nigel Cawthorne (nhà xuất bản Capella).
Về chuyện tàn sát dân thường của lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, đạo diễn điện ảnh Mỹ Oliver Stone (các phim Platoon Born on the Forth of July) có phát biểu như sau:
“Tôi rất phẫn nộ khi nghe các cựu chiến binh nói: “Ồ! Đây là chiến tranh, có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Mẹ kiếp! Bọn dân thường khốn nạn làm gì biết được điều đó”, lập luận này không thể lọt vào tai tôi một giây nào. Tôi chán nghe bọn ngu xuẩn đó nói rằng trong chiến tranh họ có thể tàn sát bất cứ ai. Dù rằng chiến tranh khơi dậy những bản năng xấu xa nhất của con người, nhưng ở đó vẫn còn có chỗ của đạo đức. Chúng ta (người Mỹ) đi đến sự thất bại không tránh khỏi vì cuộc chiến này không có mục tiêu đạo đức và chúng ta chiến đấu mà không có một lý tưởng trong sáng nào”.
Oliver Stone đến miền Nam Việt Nam hai lần. Lần đầu năm 1965, lúc đó 19 tuổi làm giáo viên Anh văn tại Chợ Lớn. Lần sau năm 1967 trong hàng ngũ quân đội Mỹ.
Nhắc những người cộng tác với tờ Điện Tín mà quên nhà văn Thiếu Sơn là một thiếu sót lớn.
Nhà văn Thiếu Sơn rất lựa chọn báo để viết. Không phải báo nào mời ông cũng viết, dù đời sống vật chất của ông không dư dả. Mặt khác, theo ông thà không viết, còn nếu đã viết ông luôn đòi hỏi nhuận bút rất cao, nhất là với những tờ báo mà ông biết họ có tiền. Nhưng khi viết cho báo Điện Tín có lập trường gần gũi với ông, ông sẵn sàng nhận số tiền nhuận bút tượng trưng mà thôi. Ông nói với tôi: “Báo ông bị tịch thu liên miên, đâu có tiền để trả nhuận bút cao”. Tôi nhớ rất rõ hình ảnh quen thuộc của ông mỗi khi tạt ngang tòa soạn: bao giờ cũng xách theo một cái túi đệm đơn sơ, trong đó có một cái khăn lau mặt, một cái quần cụt, một áo thun ba lỗ và một cái bàn chải đánh răng. Ông giải thích với tôi: “Bất cứ lúc nào bị bọn chúng lượm thì mình cũng sẵn sàng”. Tôi có một kỷ niệm riêng với ông vừa hài vừa bi: một hôm ông đến gặp tôi và chờ khi không có ai, ông nói nhỏ vào tai tôi một cách bí mật: “Tới nơi rồi ông Chung”. Ý ông muốn nói: Quân giải phóng sắp vào đến thành phố rồi. Nhưng chỉ một ngày sau, chưa thấy quân giải phóng đâu mà tôi lại nhận được tin ông bị cảnh sát chìm Tổng Nha bắt. Rồi ông bị “cất” luôn cho đến ngày 30-4!
Trong cuộc đời làm báo có hai lần tôi được hợp tác với hai ê kíp viết báo gồm những đồng nghiệp tài giỏi, có thể gọi đó là những “Dream team”: Lần đầu với ê kíp Điện Tín (1970-1971), lần thứ hai với ê kíp Lao Động (1991-1994).
Làm tờ Điện Tín sau khi tờ Tiếng Nói Dân Tộc bị đóng cửa, trước hết tôi muốn duy trì tiếng nói đối lập của mình. Một dân biểu đối lập mà không có tờ báo trong tay thì như cua không có càng. Năm 1970 là năm bầu cử bán phần Thượng nghị viện và năm chuẩn bị bầu cử lại Hạ nghị viện (1971). Do lời mời hợp tác của trung tướng – nghị sĩ Trần Văn Đôn, chấm dứt nhiệm kỳ ba năm của ông và có ý định ra tranh cử trở lại, bấy giớ tôi cũng có ý định ứng cử vào Thượng nghị viện. Theo thế thức tổ chức Thượng nghị viện thì cứ ba năm, một nửa trong số 60 nghị sĩ phải được bầu lại. Sự phân định ở đợt đầu 30 nghị sĩ ra đi và 30 nghị sĩ ở lại do một cuộc rút thăm (có nghĩa sẽ có ba liên danh mới đắc cử). Sau khi bàn bạc giữa tướng Đôn và tôi thỏa thuận đạt được như sau: liên danh mười người ra ứng cử sẽ gồm hai thành phần, một do tướng Đôn đứng đầu với năm ứng cử viên là cựu nghị sĩ (tướng Trần Văn Đôn, tướng Tôn Thất Đính, bà Nguyễn Phước Đại, tướng Nguyễn Văn Chuân, ông Tôn Ái Liêng), và một gồm năm dân biểu đang tại chức (Lý Quý Chung, Nguyễn Hữu Chung, Hồ Ngọc Nhuận, Kiều Mộng Thu, Thạch Phen). Tuy liên danh có đến ba cựu tướng lãnh nhưng họ đều có quan điểm chống tổng thống Thiệu. Đây là một liên danh đối lập, có nhiều khả năng sẽ thắng cử với số phiếu cao.
Nhưng khi liên danh sắp sửa đăng ký ứng cử thì phát hiện có vấn đề về điều kiện tuổi: tôi thiếu một ngày! Luật bầu cử Thượng nghị viện qui định muốn ra ứng cử phải đủ 30 tuổi tròn tính đến ngày bầu cử. Ngày bầu cử là 30-8-1970 nhưng tôi lại sinh ngày 1-9-1940. Như thế chưa “tròn” 30 tuổi tính từng ngày bởi tháng Tám có 31 ngày. Lúc đầu có ý kiến phớt lờ chi tiết này nhưng tướng Trần Văn Đôn thận trọng đã tham khảo ý kiến của thẩm phán Trần Văn Linh, chủ tịch Tối cao pháp viện, nơi sẽ phân xử tính hợp hiến các đạo luật và cả sự vận dụng nếu có sự khiếu nại hoặc tranh chấp. Dự đoán các đối thủ, nhất là phe chính quyền, chắc chắn sẽ không bỏ qua cơ hội khai thác điểm sơ hở này để loại liên danh chúng tôi, nên cuối cùng tôi phải rút tên. Có lúc tướng Đôn đề nghị đưa cha tôi (Lý Quí Phát) có nhiều quen biết với cử tri người Việt gốc Hoa, thay tôi. Nhưng sau đó thấy không ổn, liên danh dự kiến không thành. Bà Nguyễn Phước Đại vẫn muốn tiếp tục ra tranh cử đã thành lập một liên danh khác không có năm dân biểu có mặt trong danh sách trước nhưng rồi bà đã thất bại. Lúc đó tôi cũng tiếc vì thiếu chỉ một ngày trong điều kiện tuổi nên mất cơ hội hoạt động ở Thượng nghị viện. Tiếc không vì cái danh xưng nghị sĩ mà tiếc vì với cương vị nghị sĩ tiếng nói đối lập ở Thượng nghị viện của mình sẽ có ảnh hưởng lớn hơn.
Với tờ Điện Tín, sự tách biệt về lập trường chính trị của tôi với chế độ Thiệu càng dứt khoát hơn xuất phát từ diễn tiến của tình hình lẫn chuyển biến ở lập trường chính trị cá nhân. Tờ báo liên tục bị Bộ Thông tin ra lệnh tịch thu. Có tuần, tờ Điện Tín phát hành lậu đến 3 ngày, có nghĩa là dù số báo được lệnh của Bộ Thông tin cấm phát hành nhưng chúng tôi vẫn chuyền báo qua nóc nhà kề bên và tuồn báo ra phía sau tòa soạn ở đường Lê Lai, để bán ra ngoài. Trong lịch sử báo chí ở Sài Gòn, dưới thời chế độ Thiệu, chỉ có tờ Tin Sáng vượt qua Điện Tín về số lần bị tịch thu và ra tòa. Dĩ nhiên các lần tịch thu như thế đều làm kiệt quệ tài chính của vợ chồng tôi bởi có tuồn được báo ra ngoài bán đi nữa thì số lượng không thể nhiều được. Chúng tôi mắc nợ nhà in, mắc nợ nơi cung cấp giấy in và nợ cả tiền lương của các anh em nhà báo. Không thể trả lương cho mọi người cùng một lúc, vợ tôi – đảm trách khâu quản lý, kế toán đã nghĩ ra một cách giải quyết khá đặc biệt: anh em nào có đời sống khó khăn thì lãnh lương trước, còn những anh em ít khó khăn thì lãnh trễ hơn vào giữa tháng. Thường thì Minh Đỗ, Trần Trọng Thức là những người lãnh sau cùng.
Nhưng khi làm tờ Điện Tín, tôi còn nhắm một mục tiêu nữa: hỗ trợ giải pháp Dương Văn Minh thay thế tổng thống Thiệu, nhằm thành lập một nội các hòa bình, góp thêm một điều kiện thuận lợi để chấm dứt chiến tranh. Lúc này, tướng Minh đã chấm dứt thời kỳ bị bắt buộc sống lưu vong (tại Bangkok, Thái Lan). Chính thái độ công khai ủng hộ giải pháp Dương Văn Minh khiến cho Bộ Thông tin của chính phủ Thiệu càng tỏ ra gắt gao với tờ Điện Tín. Tờ Điện Tín, sau hơn một năm xuất bản, tạm đình bản không do một quyết định chính thức của Bộ thông tin mà do một cuộc tấn công phá hoại của “kẻ giấu mặt” theo tôi không ai khác hơn là “tay chân” của chính quyền. Vào lúc 5 giờ sáng, một chiếc xe máy chạy ngang tòa soạn Điện Tín ném một bọc có chứa chất cháy vào cửa. Bác bảo vệ ngủ bên trong không hay biết gì cả. Nếu vụ cháy không được tri hô kịp lúc thì chẳng những tòa báo bị thiêu rụi mà cả sinh mạng của bác vệ cũng không còn. May mắn là khi bên trong tòa báo vừa bén lửa thì người ở nhà đối diện bên kia đường Võ Tánh là phóng viên nhiếp ảnh Lỗ Vinh phát hiện nên vụ cháy đã được ngăn chặn. Lúc xảy ra vụ phá hoại tòa soạn Điện Tín, nghị sĩ Hồng Sơn Đông, chủ nhiệm tờ báo, đang đi công tác ở nước ngoài. Gia đình anh Đông sống ở Thủ Đức nghe tin phá hoại này bị lung lạc tinh thần, yêu cầu tôi tạm ngưng xuất bản tờ báo và chờ anh Đông về quyết định tiếp.
Sau đó có vài trục trặc trong sự bàn luận hợp tác trở lại khi anh Đông về, tôi rút lui khỏi tờ Điện Tín và chuyển sang thuê “manchette” tờ Bút Thần (của anh Nguyễn Văn Phương làm chủ nhiệm) làm tiếp. Tôi không thể không buồn về sự gián đoạn với tờ Điện Tín. Sau thời gian tự đình bản, tờ Điện Tín đã xuất bản trở lại (tháng 2-1972) do ê kíp Tin Sáng sang khai thác. Tờ Tin Sáng vắng chủ nhiệm – anh Ngô Công Đức – không thể tồn tại. Dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, bạn thân của anh Đức, giám đốc chính trị tờ Tin Sáng chuyển sang làm chủ bút tờ Điện Tín. Cùng chủ biên tờ Điện Tín ở giai đoạn này còn có giáo sư Lý Chánh Trung, cựu dân biểu Dương Văn Ba. Họa sĩ Ớt phụ trách phần trình bày. Người điều khiển thật sự tờ Điện Tín là anh Dương Văn Ba, năm đầu làm việc trực tiếp tại tòa soạn nhưng sau đó chính quyền Thiệu truy nã anh vì anh bị thất cử ở nhiệm kỳ dân biểu kế tiếp và chống lại lệnh gọi đi lính. Do đó anh Ba phải lẩn trốn trong Dinh Hoa Lan, tư dinh của thủ tướng Dương Văn Minh ở số 3 Trần Quý Cáp (nay là đường Võ Văn Tần). Nhưng từ đây anh vẫn phụ trách tòa soạn cho tờ Điện Tín. Mỗi ngày anh biên tập và chuẩn bị đủ bài vở cho số báo rồi chuyển ra tòa soạn cho Huỳnh Bá Thành thực hiện. Người làm liên lạc giữa anh Ba và tòa soạn Điện Tín hàng ngày là Triệu Bình, em trai của Cung Văn. Sau 1975, Triệu Bình làm phóng viên báo Tin Sáng rồi làm ở báo Sài Gòn Giải Phóng.
Tờ Điện Tín của các anh Hồ Ngọc Nhuận, Lý Chánh Trung, Dương Văn Ba, Huỳnh Bá Thành nối tiếp tờ Điện Tín do tôi làm trước đó cũng có chung một mục đích: Tăng cường tiếng nói đối lập, chống chiến tranh và vận động cho giải pháp Dương Văn Minh. Trên báo này còn có sự đóng góp tiếng nói của nữ dân biểu Kiều Mộng Thu, linh mục Nguyễn Ngọc Lan. Các bài bút ký của anh Lý Chánh Trung dưới tiêu đề chung “Bọt biển và sóng ngầm” thu hút một số đông độc giả và gây một ảnh hưởng lớn trong cách suy nghĩ của nhiều giới tại Sài Gòn về tình hình đất nước, về thân phận của những người dân không có quyền tự quyết. Các bài của linh mục Nguyễn Ngọc Lan luôn làm cho chính quyền Thiệu phải nhức đầu.
Tôi không trực tiếp làm tờ Điện Tín nữa nhưng vẫn tham gia tờ báo với anh em ở hai mục: viết một “feuillenton” (chuyện dài nhiều kỳ có tên “Nhật ký nàng Kiều Dung” tố cáo buộc sống đa đọa của giới trưởng giả Sài Gòn) và một tuần góp một bài xã luận.

<< Chương 11 | Chương 13 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 560

Return to top