Vào thời điểm 1973 và sau đó, không riêng ở Sài Gòn mà tại Mỹ, Pháp…, đâu đâu cũng có những cá nhân tự xưng mình thuộc thành phần thứ ba. Theo tiết lộ của nhà báo Mỹ Larry Berman, trong một cuộc phỏng vấn sau 1975 tại Mỹ, ông Hoàng Đức Nhã, cố vấn của tổng thống Thiệu, kể rằng đại sứ Pháp tại Sài Gòn Jean Marie khi tiếp xúc ông Nhã để thuyết phục ông vận động tổng thống Thiệu từ chức - cuối 1974 - cũng đã gợi ý đưa ông Nhã vào danh sách... thành phần thứ ba của chính phủ ba thành phần (trong thành phần thứ ba thì không biết sẽ chọn lựa như thế nào!) nhưng ông Nhã bảo rằng ông chẳng thiết tha gì với đề nghị này. Không rõ chuyện kể của Berman thật hư thế nào. Có lẽ đây chỉ là một đề nghị nhằm hứa hẹn với Nhã một bảo đảm chính trị nào đó khi không còn ông còn ông Thiệu ở bên cạnh, thế thôi!
Nhưng thật khó để tin rằng Hiệp định Paris làm ra sẽ được thực thi. Kinh nghiệm của Hiệp định Genève vẫn còn đó. Hà Nội dư biết Washington nhắm gì ở hiệp định. Mỹ tìm một lý do chính đáng và danh dự để rút quân khỏi cuộc chiến mà họ đang sa lầy. Còn sau đó chuyện gì sẽ xảy ở đất nước đau khổ này là điều không quan trọng, kể cả số phận của những người gọi là đồng minh của họ.
Để thấy rõ hơn tình hình chính trị ở miền Nam một năm sau Hiệp định Paris được ký kết, có thể tham khảo một đoạn bài nói chuyện của ông Dương Văn Minh, nhân kỷ niệm một năm Hiệp định này, được đọc ở buổi họp mặt Tất niên Quý Sửu (ngày 16-1-1974) tại Đinh Hoa Lan như sau:
‘‘Năm ngoái, cũng ngày 24 tháng Chạp âm lịch này, chúng ta đã đón nhận với nhau hi vọng bản Hiệp định Parls như là một căn bản thực tế để chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình. ‘‘…Nhưng trong năm qua, tiếng súng chưa im một ngày nào. “Và hôm nay trước thềm năm Giáp Dần, thay vì được ăn cái Tết thanh bình đầu tiên sau gần 30 năm khói lửa, nhân dân miền Nam lại phải vừa gánh chịu một cuộc chiến tranh kéo dài, vừa đương đầu với những khó khăn cơ cực do sự suy sụp trầm trọng của nền kinh tế bấy lâu nay chỉ biết bám vào ngoại viện để cung phụng chiến tranh”. Như thế sau một năm ký kết Hiệp định Paris, tình hình chưa có gì sáng sủa, những gì diễn ra sắp tới vẫn còn rất mù mờ, nhưng tôi chắc rằng dù bất cứ một đổi thay nào cũng tốt hơn hiện tại. Hiện tại của miền Nam Việt Nam không có cách nào khác là phải phá đổ. Nhóm ông Minh hoạt động tích cực cho mục tiêu này. Để cô lập chính quyền Thiệu, nhóm ông Minh ít ra phải giành được hậu thuẫn của hai lực lượng tiến bộ và có uy tín tôn giáo trong Phật giáo và Công giáo.
Về phía Công giáo, một trong những nhân vật tiêu biểu, luật sư Nguyễn Văn Huyền, chủ tịch Thượng nghị viện, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Minh và cũng đã có những cuộc vận động với Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình.
Với Phật giáo, ngoài sự tham gia ngay trong nhóm ông Minh của luật sư Vũ Văn Mẫu, nghị sĩ quốc hội và là chủ tịch Lực lượng hòa giải dân tộc, nhóm còn tìm cách giành cho được sự tán đồng công khai của thượng tọa Thích Trí Quang, người có ảnh hưởng chính trị lớn nhất trong Phật giáo Ấn Quang. Tôi nhận nhiệm vụ riêng của ông Dương Văn Minh đi liên lạc với thượng tọa Thích Trí Quang, tìm sự ủng hộ của cá nhân thượng tọa và của Phật giáo Ấn Quang. Tôi là người thuận lợi nhất làm việc này vì trước đó tôi đã thiết lập được một quan hệ cá nhân khá tốt với thượng tọa. Theo tôi, lúc ấy ông là một người yêu nước nên không có cơ sở để chấp nhận một số tố cáo của thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ đối với thượng tọa Trí Quang khi ông còn là thủ tướng và phải đối đầu với thượng tọa Trí Quang trong biến động năm 1966 tại miền Trung. Trong hồi ký của mình
(Buddha s Child - Đứa con cầu tự), tướng Kỳ cho rằng thượng tọa Thích Trí Quang muốn trở thành một kiểu Đức Giáo hoàng của Phật giáo tại Việt Nam và sở dĩ thượng tọa Trí Quang đòi lật đổ Nguyễn Cao Kỳ vì thượng tọa…nắm không được Nguyễn Cao Kỳ trong tay mình. Khi thượng tọa đưa bàn thờ… “xuống đường” để chống chính phủ, và phát động sự nổi dậy của Phật giáo ở miền Trung, đặt người của mình là bác sĩ Nguyễn Văn Mẫn vào chức vụ thị trưởng Đà Nẵng, thì thượng tọa Trí Quang bị tố cáo là hành động theo sự chỉ đạo của cộng sản. Trong hoạt động lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963, thượng tọa Trí Quang cũng đã từng bị tố cáo là một phần tử cộng sản. Nhưng sự kiện xảy ra tại chùa Xá Lợi đêm 21-8-1963 đã làm đảo lộn sự đánh giá về thượng tọa Trí Quang trước đó.
Trong cuộc tranh đấu của Phật giáo chống chế độ Diệm, chùa Xá Lợi được chọn làm “tổng hành dinh” của Phật giáo. Thượng tọa Trí Quang chỉ huy cuộc đấu tranh từ đây. Tại chùa Xá Lợi luôn có hàng ngàn nhà sư, ni cô, sinh viên đấu tranh và cả dân thường ở đó ngày đêm. Đêm 21-8-1963, Ngô Đình Nhu ra lệnh tấn công chùa Xá Lợi. Rất nhiều người bị bắt, bị thương, bị mất tích và cả bị giết chết trong cuộc đàn áp. Nhưng Ngô Đình Nhu không đạt được mục đích chính của mình là bắt thượng tọa Trí Quang: ông đã biến mất vào phút chót. Sau đó báo chí Mỹ mới khám phá ra rằng thượng tọa Trí Quang đã vào “tị nạn chính trị” trong Đại sứ quán Mỹ. Sự kiện này đã gián tiếp đính chính thượng tọa Trí Quang không phải là cộng sản. Và sau đó lại có lời đồn rằng thượng tọa Trí Quang là người của... CIA!
Các tài liệu về Việt Nam chưa bao giờ nói rõ gốc tích của vị thượng tọa này. Theo nhà báo Mỹ Stanley Karnow, Thích Trí Quang từng bị người Pháp bắt giam vì tội làm cộng sản trước 1954 khi ông còn là một thanh niên. Đi tu, ông được đưa đi học ở Tích Lan (Ceylon) và sau đó trở về đi thuyết pháp khắp Việt Nam. Thượng tọa Trí Quang có mặt tại Huế từ tháng 5-1963 và trở thành người lãnh đạo cuộc đấu tranh của Phật giáo nhằm lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Theo lệnh của Washington, đại sứ Mỹ Frederick Nolting khuyên ông Diệm nên hoa giải với thượng tọa Trí Quang, nhưng ông Diệm từ chối, cho rằng biến động ở Huế có bàn tay cộng sản nhúng vào. Nhưng sau đó trong cuộc phản công của bà Ngô Đình Nhu ngày 7-6-1963, bà lại tố cáo Phật giáo đấu tranh có sự giật dây của người Mỹ ở phía sau. Gián tiếp bà tố cáo thượng tọa Trí Quang là người của Mỹ.
Khi thì bị coi là người của cộng sản, khi thì bị nghi ngờ làm việc cho CIA, thật sự Thích Trí Quang là người của ai? Lúc đó tôi không có đủ điều kiện trả lời câu hỏi này, nhưng với tôi, thượng tọa Trí Quang
trước hết là một nhà tu yêu nước.
Sự liên kết chính thức giữa tướng Minh và thượng tọa Trí Quang diễn ra trong năm 1974. Khi tôi đặt thẳng vấn đề ông Dương Văn Minh mong muốn có sự ủng hộ công khai của thượng tọa trong một chủ trương đấu tranh cho hòa bình, hòa giải hòa hợp dân tộc và trước hết là thay đổi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, thì thượng tọa Trí Quang trầm ngâm một lúc. Sau đó thượng tọa chậm rãi nói: “Ông Minh không phải là một người làm chính trị sắc bén. Nhưng ông là người cần thiết lúc này, trao cho ông ngọn cờ tập hợp cũng được”. Cách nói của thượng tọa Trí Quang cho thấy việc chọn lựa ông Minh cầm ngọn cờ tập hợp để góp phần cùng lật đổ chính phủ Thiệu chưa phải là hoàn toàn ưng ý mà là một giải pháp thay thế, một chọn lựa tương đối tốt nhất bấy giờ. Tôi đề nghị tiếp: Ông Dương Văn Minh sẽ chính thức đến thăm thượng tọa tại chùa Ấn Quang và sau đó thượng tọa đến Đinh Hoa Lan thăm xã giao trở lại ông Minh, như thế sự liên kết được chính thức hóa và công khai hóa. Sau mỗi cuộc gặp, sẽ có mặt thông cáo báo chí được cả ông Minh và thượng tọa thông qua.
Dĩ nhiên cuộc viếng thăm thượng tọa Trí Quang của ông Minh tại chùa Ấn Quang với sự có mặt của báo chí và truyền hình nước ngoài là một sự kiện bất ngờ và gây tiếng vang. Mọi người dự đoán chính trường Sài Gòn sắp có một chuyển động lớn. Qua hôm sau trung tướng Dương Văn Minh tiếp thượng tọa Trí Quang tại Dinh Hoa Lan của mình. Báo chí cũng được báo tin vào giờ chót sự kiện này.
Cả hai người đều rất hài lòng về các cuộc tiếp xúc này, và họ tỏ ra rất tương kính nhau. Trước đây ông Minh chưa hề gặp và nói chuyện với thượng tọa Trí Quang. Qua hai lần tiếp xúc đầu tiên, ông Minh dành nhiều cảm tình và sự kính trọng cho bậc cao tăng này. Sự kiện thượng tọa Trí Quang đến Dinh Hoa Lan rõ ràng làm tăng thế chính trị của ông Minh.
Đúng theo yêu cầu của thượng tọa Trí Quang, hai thông cáo báo chí do tôi thảo đều được đưa cho thượng tọa xem trước và tự tay thượng tọa chỉnh lại những câu chữ theo ý ông. Dù biết rất rõ Đinh Hoa Lan đã trở thành trung tâm hoạt động nhằm lật đổ mình, nhưng ông Thiệu và tay chân vẫn không làm gì để vô hiệu hóa trung tâm này. Ông Thiệu có thể tố cáo Dinh Hoa Lan chứa chấp nhiều phần tử đang bị chính quyền truy nã và có thể xin lệnh tòa án lúc soát Dinh Hoa Lan để làm “bể mặt” ông Minh. Nhưng ông chẳng làm gì hết. Tại sao? Sự im lặng của ông Thiệu có thể được giải thích: ông Minh là tướng lãnh đàn anh của ông Thiệu dù gì ông vẫn phải nhân nhượng; mặt khác “tấn công” vào Dinh Hoa Lan là một xì căng đan chính trị hoàn toàn bất lợi chơ ông. Ông Thiệu biết rằng “đụng” vào Dinh Hoa Lan sẽ không được tòa đại sứ Mỹ tán đồng và làm bùng nổ sự chống đối ông mạnh mẽ hơn.
Nhưng có một nguyên nhân lớn khiến cho chính quyền Thiệu tê liệt từ cuối năm 1974. Do sức ép từ nhiều phía, Mỹ tìm cách rút ra khỏi chiến tranh Việt Nam. Tổng thống Mỹ Gerald Ford cố gắng vận động quốc hội Mỹ tiếp tục viện trợ cho chính quyền Thiệu để tránh sự suy sụp của Sài Gòn sau khi quân đội Mỹ rút. Ngoại trưởng Kissinger vẫn thấy mình có một trách nhiệm tinh thần hỗ trợ chính quyền Sài Gòn sau khi ký Hiệp định Paris. Lới hứa của Nixon được chuyển qua Ford. Tình hình viện trợ quân sự của Washington dành cho miền Nam từ sau ký Hiệp định Paris cứ bị cắt 50% từng năm. Từ 2,1 tỷ đô la năm 1973, còn 1,4 tỷ đô la năm 1974 và qua năm 1975 chỉ còn 700 triệu. Trước khi từ chức, tổng thống Nixon yêu cầu con số l,4 tỷ đô la cho năm 1975. Ủy ban quốc phòng của Thượng viện Mỹ, đứng đầu là nghị sĩ bảo thủ John Stennis, cắt xuống còn 1 tỷ, sau đó ủy ban phân bổ ngân sách Thượng viện do nghị sĩ bảo thủ John McClellan làm chủ tịch, cắt thêm 300 triệu đô la. Trong khi đó viện trợ kinh tế từ 650 triệu đô la bị giảm xuống còn 250 triệu đô la. Ảnh hưởng của các sự cắt giảm này trong thực tế còn lớn hơn vì giá dầu tăng và tình hình lạm phát. Trong hồi ký của mình, Henry Kissinger kể rằng ngay ở ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ tổng thống, ông Ford đã tiếp đại sứ Trần Kim Phượng (thay Bùi Diễm) của chính phủ Sài Gòn để chính thức hứa với ông Phượng rằng ông quyết tâm bảo đảm sự tồn tại của chính quyền Sài Gòn và cố gắng tăng viện trợ. Nhưng thực tế sau đó cho thấy Ford hoàn toàn bất lực.
Ngày 12-9-1974, Kissinger gửi cho tổng thống Gerald Ford một “memorandum” (bản ghi nhớ) mô tả những gì sẽ xảy ra nếu duy trì viện trợ quân sự ở mức 700 triệu đô la:
- Ngân sách không đủ để thay những trang thiết bị bị hư hỏng hoặc mất.
- Sẽ giảm 50% việc sử dụng các máy bay chiến đấu.
- Giảm 30% các tàu hoạt động trên biển và 82% trên sông.
- Tiếp tế về y tế hoàn toàn cạn vào cuối tháng 5-1975.
- Xăng dầu dùng cho các lực lượng dưới đất cũng cạn cuối tháng 4-1975.
- Cuối năm tài chính 1975, quân đội chỉ còn một phần tư dự trữ đạn dược để đối phó với các tấn công lớn của cộng sản.
- Các máy bay trên mặt đất và trang thiết bị dưới đất sẽ bị xuống cấp và hư hỏng nhanh chóng.
Theo tài liệu của Mỹ, cho đến tháng 9-1974, thiệt hại người của quân đội Sài Gòn tăng theo tỷ lệ nghịch với sự cắt giảm viện trợ. Quân đội Sài Gòn phải sử dụng đạn dược tiết kiệm. Đạn đại bác bắn được tính tổng viên. Sự hạn chế đạn dược tác động trực tiếp vào tinh thần binh lính VNCH. Từ khi ký Hiệp định Paris, quân đội Sài Gòn thiệt hại 26.000 quân.
Ngày 7-1-1975 thị xã Phước Bình thuộc định Phước Long bị chiếm. Lần đầu tiên chế độ Sài Gòn mất một tỉnh lỵ và không hề tái chiếm. Theo Kissinger, trận Phước Bình là một trắc nghiệm của Hà Nội về phản ứng của người Mỹ. “Nếu Hoa Kỳ phản ứng, vẫn còn hy vọng Hà Nội lùi bước” – Kissinger ghi như thế trong quyển Hồi ký
Ending the Vletnam War của ông. Bộ quốc phòng Mỹ có đưa ra một loạt khả năng phản ứng để cho đối phương thấy quyết tâm của Washington không bỏ rơi miền Nam:
- Tăng cường các hoạt động do thám trên không phận Bắc Việt.
- Đưa tàu sân bay Enterprise đang hướng tới Ấn Độ Dương từ Vịnh Subic chuyển sang vịnh Bắc Việt.
- Đưa chiến đấu cơ F-4 trở lại Phillipines và Thái Lan; đưa B-52 từ Mỹ đến Guam.
Kissinger tán đồng các biện pháp này, tổng thống Ford cũng thế. Nhưng dưới áp lực của quốc hội giờ đây thuộc ảnh hưởng McGovern (cựu đối thủ của Nixon đã từng bị ông Thiệu chỉ trích ác liệt) và báo chí, sự tiếp cứu miền Nam bất thành.Cuối cùng trong danh sách các biện pháp phản ứng này, Mỹ chỉ làm được mỗi việc là tăng các chuyến bay do thám. Nhưng như dự đoán trước, Hà Nội phản đối các chuyến bay này coi như một vi phạm Hiệp định Paris. Thế là Lầu Năm Góc có lý do để phủi tay với phần còn lại của kế hoạch phản ứng. Kế hoạch đưa tàu sân bay Enterprise vào Vịnh Bắc Việt không thành. Tàu Enterprise rời Vịnh Subic trực chỉ Ấn Độ Dương.
Bình luận về thái độ bất hợp tác của quốc hội Mỹ trong nỗ lực bổ sung viện trợ quân sự cho miền Nam, Kissinger viết trong
Ending the War như sau: “...Washington nhất quyết từ chối viện trợ cho một đồng minh đang bị kê dao vào cuống họng”.
Trong hoàn cảnh biết trước là gần như tuyệt vọng, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã gửi hai bức thư đề ngày 24 và 25-1-1975 cầu cứu tổng thống Ford. Ông Thiệu nhắc lại với tổng thống Ford những lời hứa đảm bảo của Mỹ tiếp tục viện trợ cho miền Nam để thuyết phục ông Thiệu ký Hiệp định Paris trước đây.
Đúng là một bi kịch cho ông Thiệu. Trong lịch sử đất nước không hiếm trường hợp dựa vào những thế lực ngoại bang đã lãnh một kết thúc nhục nhã. Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh 30 năm về trước đã tự treo cổ tìm cái chết để phản đối thực dân Pháp đã đẩy mình vào chỗ bất lực trong vai trò được giao phó. Sau khi tái chiếm Nam Kỳ, Pháp đã mời bác sĩ Thinh làm thủ tướng chínhh phủ lâm thời Nam Kỳ. Theo tướng Trần Văn Đôn sau này kể lại, thủ tướng Thinh luôn đòi quyền tự trị với chính phủ Pháp nhưng chẳng những không thành mà còn bị người Pháp gây áp lực nặng nề, biến ông thành một bù nhìn. Chỉ ít tháng làm thủ tướng, bác sĩ Thinh treo cổ tại phòng làm việc của mình. Người ta tìm thấy trên bàn ngay dưới chỗ ông treo cổ một cuốn sách mở ra ở trang nói về cách chết treo cổ và làm sao cứu người treo cổ!
Ông Thiệu không hành động như bác sĩ Thinh dù nỗi nhục của ông trước sự phản bội của người Mỹ còn nặng nề hơn nỗi nhục của bác sĩ Thinh. Bốn năm trước ông Thiệu nghe lời đường mật của Nixon phá vỡ nỗ lực hòa đàm của chính phủ Johnson với hi vọng Nixon lên làm tổng thống, ông sẽ có một bảo đảm tốt hơn cho sinh mệnh chính trị của mình. Nào dè ông đã phải chịu một nỗi nhục ê chề hơn gấp bội. Bị Nixon và Kissinger thúc bách và ra tối hậu thư buộc phải ký một Hiệp định mà mình biết không gì khác hơn là sự kết thúc quyền lực của chính mình, ông Thiệu chỉ biểu lộ sự uất ức của mình bằng cách hét lên: “Tôi muốn đấm vào mồm của Kissinger!”. Nhưng cần biết thêm khi ông Thiệu hét như thế thì trong phòng làm việc của ông chỉ có một người duy nhất chứng kiến: đó là Hoàng Đức Nhã. Sau 1975, ông Nhã đã kể lại chuyện này với nhà báo Mỹ Larry Berman. Nhà báo Pháp Olivier Todd trong quyển
“Cruel April- the Fall of Saigon” (Tháng Tư tàn nhẫn - sự sụp đổ của Sài Gòn) còn kể rằng ông Thiệu bực tức vì bị áp lực ký Hiệp định Paris đã chửi Kissinger là “the bastard”. Olivier Todd còn chú thêm tiếng Việt bên cạnh:
“thằng chó đẻ”! Nguyễn Văn Thiệu không hành động như bác sĩ Thinh nhưng cũng không để mình rơi vào bi kịch của hai anh em Ngô Đình Diệm mà ông đã từng là một trong những người đứng đầu cuộc chính biến ngày 1-11-1963. Ông Thiệu không để người ta lật đổ mình, mà tự rút lui khi thấy chiếc ghế tổng thống của mình không còn cứu vãn được nữa. Ông “chuồn” trước sang Đài Loan (cùng tướng Trần Thiện Khiêm), mang theo một tài sản khổng lồ, bỏ lại đằng sau các đồng đội của ông, mặc kệ cho số phận của họ ra sao!
Sau khi mất Phước Long (6-1-1975) Nguyễn Văn Thiệu đã thấy rõ Washington bắt đầu “buông” miền Nam và cá nhân mình, ông xuống tinh thần thấy rõ. Bây giờ ông có hai kẻ thù chứ không là một, thậm chí kẻ thù Mỹ được đặt lên trên cộng sản.
Sau Hiệp định Paris, tổng thống Thiệu có cho dự thảo một kế hoạch khẩn cấp (emergency plan) “để đối phó khi Mỹ rút các đơn vị chiến đấu và các lực lượng Bắc Việt làm chủ chiến trường”. Ý định của ông Thiệu là bỏ hai vùng quân sự nằm sát với miền Bắc và tập trung lực lượng phòng thủ thật dày chung quanh Sài Gòn, bảo vệ trung tâm kinh tế, hành chính của chính quyền Sài Gòn và phía sau là Đồng bằng sông Cửu Long giàu lúa gạo. Ý đồ này, vào cuối tháng 4-1975, sau khi Thiệu đã bỏ chạy, tướng Kỳ cũng có trong đầu mình. Ngoài ra còn có kế hoạch khẩn cấp khác do một tướng người Úc -Ted Sarong - đề xuất. Ted Sarong tự động đến Sài Gòn, không được mời, tự xưng là cố vấn quân sự của ông Thiệu. Kế hoạch của Ted Sarong phân chia miền Nam ra làm nhiều vùng dễ phòng thủ hơn nhưng bị coi là không lô gích, và không thể áp dụng, vì khi quân đội đối phương tấn công, họ luôn tập trung lực lượng đông hơn bất cứ một điểm phòng thủ nào của quân Sài Gòn. Khi bị phân tán là một vùng phòng thủ rộng lớn lại không có đủ lực lượng dự trữ.
...Tại Sài Gòn, các hoạt động chống Thiệu ngày càng gia tăng. Tết Ất Mão, các dân biểu và nghị sĩ đối lập không ăn Tết tại nhà. Tối 30 và ngày mùng một, họ tổ chức “đêm không ngủ” và tuyệt thực ngay tại tiền đình Hạ viện, đòi tổng thống Thiệu tổ chức. Dĩ nhiên tôi cũng có mặt trong cuộc tuyệt thực này. Sáng mùng một, tướng Dương Văn Minh đích thân đến Hạ viện thăm anh em đang tuyệt thực. Đây là lần đầu tiên ông Minh rời khỏi Dinh Hoa Lan để tham gia một hoạt động của phe đối lập. Cần nói thêm trong đêm 30, các dân biểu, nghị sĩ đã tổ chức công khai đốt hình ông Thiệu (là tấm ảnh chính thức thường được treo trong các công sở). Mỗi người cầm một cây đuốc và tự tay đốt hình. Nhiều người cùng làm việc đó, nhưng không hiểu sao tuần báo Mỹ
Newsweek chỉ đăng mỗi ảnh tôi đang châm lửa vào bức ảnh tổng thống Thiệu. Nếu tổng thống Thiệu quyết tâm đưa tôi ra tòa thì bức ảnh đó quá đủ để dùng làm chứng cớ. Nhưng giữa thời điểm ông Thiệu kết tội phản quốc với dân biểu Phạm Thế Trúc vì đốt hình nộm của ông tại Tokyo (1966) và thời điểm hiện tại khi hàng chục dân biểu, nghị sĩ đồng loạt đốt hình ông ngay tại trung tâm Sài Gòn thì thế và lực của ông Thiệu đã hoàn toàn khác.
Phải thấy thêm rằng sự kiện những nhà lập pháp đốt hình tổng thống là hết sức nghiêm trọng, đây không còn là một hoạt động đối lập hợp pháp (opposition légale) mà là sự dứt khoát chối bỏ quyền lực của tổng thống, tự đặt mình ra ngoài chế độ do ông Thiệu cầm quyền.
Ông Thiệu đón cái Tết Ất Mão mà lòng không yên bởi luôn ám ảnh về cái Tết Con Mèo từng là tai họa đối với ông Ngô Đình Diệm 12 năm về trước. Ông Diệm tuổi con chuột đã bị con mèo Quý Mão “xơi”, liệu con chuột Nguyên Văn Thiệu (ông Thiệu cũng tuổi Tý) có thoát khỏi con mèo Ất Mão? Dân Sài Gòn Tết năm 1975 bàn râm ran chuyện con chuột Nguyễn Văn Thiệu và con mèo Ất Mão. Ông Thiệu là người mê tín nên không khỏi âu lo trước những lời bàn tán loại này. Mùng một Tết, ông Thiệu cố tình chọn một nhân vật có tuổi hợp tử vi của ông để xông đất... dinh Độc Lập. Ông thầy bói tên Chiêm rất được ông Thiệu tin cậy, hình như đã chọn tướng Đặng Văn Quang để làm người xông đất cho ông Thiệu. Người ta cũng kể chính vì tin thầy bói Chiêm, mà ông Thiệu cho xây hồ Con Rùa ở ngã tư Trần Cao Vân - Phạm Ngọc Thạch hiện nay. Xưa kia thời Pháp tại đây có một bức tượng to được gọi là
Monument des morts inconnus (Chiến sĩ vô danh). Bức tượng là một người lính Pháp ngồi ôm cây súng “mousqueton” (một loại súng trường) trông rất buồn. Sau năm 1963, thời tướng Nguyễn Khánh nắm quyền ở Sài Gòn, có lẽ để lấy cảm tình người Mỹ, Nguyễn Khánh đã tổ chức biểu tình và phá đổ tướng này. Tiếp theo là hàng loạt biến động chính trị, từ vụ đảo chính này đến vụ đảo chính khác. Người ta cho rằng chính vì làm “động” tượng đài này mà Sài Gòn…không yên.
Người Sài Gòn trước 1975 đặt tên Dinh Độc Lập là Phủ Đầu Rồng. Đầu rồng nằm ở đây, còn đuôi rồng ở đâu? Mình chạy ngoằn ngoèo qua các đường Công Lý, (hiện là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) xuống tận bến Bạch Đằng, vòng trở lên đường Tự Do (hiện là Đồng Khởi), đến đường Duy Tân (hiện là Phạm Ngọc Thạch), cuối cùng - theo các ông thầy địa lý của ông Thiệu - thì cái đuôi rồng nằm ngay tại công viên có “Chiến sĩ vô danh” của Pháp bị phá đổ. Ông thầy Chiêm cố vấn ông Thiệu phải “ếm” cái đuôi rồng, không cho nó cựa quậy bằng cách xây tại đây một hồ… con rùa.
Những người gần gũi với Phủ Đầu Rồng còn kể rằng lúc đầu cột cờ ở Dinh Độc Lập đặt dưới đất trong khuôn viên, giữa đài phun nước và tiền sảnh của dinh, chứ không phải chót vót trên sân thượng của dinh. Nhưng một đêm thầy bói Chiêm đứng trên đường Thống Nhất (nay đường Lê Duẩn) nhìn thẳng vào dinh thấy cảnh tượng như một chiếc tàu khổng lồ đang bị cháy. Khói bốc lên là màu trắng xóa của nước phun cao, còn lửa là lá cờ vàng ba sọc đỏ trên cột cờ. Hôm sau thầy bói Chiêm đề nghị với tổng thống Thiệu nên hạ cột cờ xuống và treo cờ trên nóc Dinh Độc Lập. Nếu không có sự thay đổi này thì ngày 30-4- 1975, trung tá Bùi Quang Thận không cần vào thang máy để lên tận sân thượng mới hạ được lá cờ vàng ba sọc đỏ và kéo lên lá cờ cách mạng.
Những chuyện đồn đại như thế về sự mê tín của ông Thiệu không thể phối kiểm được chuyện nào là thật, chuyện nào là đặt thêm. Nhưng có một sự trùng hợp thực tế: con mèo Quý Mão thì xơi “con chuột” Ngô Đình Diệm, còn con mèo Ất Mão đã hất “con chuột” Nguyễn Văn Thiệu văng khỏi cái ghế tổng thống.