Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Hồi ký không tên

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 37979 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hồi ký không tên
Lý Quí Chung

Chương 14

Giữ lời hứa lúc ra tranh cử quốc hội lập pháp nhiệm kỳ hai, tôi “tẩy chay” Hạ nghị viện mặc dù đơn từ nhiệm của tôi không được Chủ tịch Hạ nghị viện chấp nhận. Những ngày tháng đầu tiên của thời kỳ này thật chán nản đối với tôi. Bỗng chốc nhận ra sự bất lực của hoạt động chính trị nghị trường và thân phận làm “đối lập kiểng” của mình, tôi cảm nhận mình không khác gì một con gà bị trụi lông, chẳng còn cái lớp ngoài để che giấu đi cái thực trạng đáng tội nghiệp của mình.
Không đi họp Hạ nghị viện, tôi lại ra báo: thuê manchette tờ Bút Thần của anh Nguyễn Văn Phương tiếp tục làm sau khi gián đoạn với tờ Điện Tín.
Từ 1971, sau khi Nguyễn Văn Thiệu tái cử trong cuộc độc diễn, cho đến tháng Tư 1975, ngày Mỹ cuốn cờ, là một thời kỳ dài khá u ám nhưng rất sôi động đối với các thành phần đối lập và các trí thức yêu nước tại miền Nam. Chính quyền Thiệu tăng cường các biện pháp siết chặt phe đối lập, đồng thời tiến hành triệt để đàn áp, bắt bớ các phần tử bị coi là thân Cộng. Diễn đàn quốc hội, nằm trong tay phe Thiệu, không còn là nơi hoạt động có ảnh hưởng của những tiếng nói chống chế độ. Còn báo chí bị chi phối bởi một đạo luật mới được phe của Thiệu biểu quyết – luật 007 – vô hiệu hóa hầu hết báo chí đối lập, vì không có tiền đóng ký quỹ để tiếp tục xuất bản nên năm 1972 chỉ còn là mảnh đất riêng dành cho báo chí của Thiệu và thân Thiệu. Trong tình hình bế tắc ấy, các thành phần chống Thiệu không còn sự lựa chọn nào khác là phản đối chính quyền Thiệu bằng cách xuống đường biểu tình, làm báo lậu, tổ chức báo nói v.v…
Những người tích cực nhất thúc đẩy các hoạt động chống chế độ Thiệu trên đường phố phải kể đến: lực lượng Phật giáo Ấn Quang, phong trào học sinh sinh viên tiến bộ và các cá nhân như bà Ngô Bá Thành, ni sư Huỳnh Liên, các dân biểu đối lập trong đó người hăng hái nhất và cũng có óc tổ chức liều lĩnh nhất là anh Hồ Ngọc Nhuận. Tôi không vào Hạ nghị viện họp nữa và mỗi khi các đồng viện của mình tổ chức xuống đường, tổ chức báo nói v.v.. tôi không bao giờ vắng mặt. Trước mỗi cuộc xuống đường, không thể nào không nghĩ đến sự ác liệt của những trận tấn công lựu đạn cay, dùi cui, những cú đánh lèn tàn bạo của cảnh sát rằn ri và cảnh sát chìm… đang chờ đợi mình. Nhưng rồi đúng hẹn mọi người đều có mặt. Khi hai phía – những người biểu tình và cảnh sát chống biểu tình – xáp vào nhau thì tức khắc những suy nghĩ do dự ban đầu đều biến mất, không khác tâm lý của các chiến binh ngoài mặt trận sau khi súng đã nổ. Thật sự không phải bao giờ cảnh sát cũng hăng hái ra tay đàn áp những người biểu tình khi mà đa số là trí thức tay không, là phụ nữ, người tu hành, học sinh sinh viên ở tuổi con em của họ. Do đó các tay chỉ huy cảnh sát ác ôn phải nghĩ ra những đòn ma giác để biến các nhân viên cảnh sát bình thường thành những “con thú dữ”: họ cho những tên cảnh sát chìm (mặc thường phục) len lỏi vào đám đông biểu tình, rồi từ đây chúng ném đá và các vật cứng khác có thể gây thương tích về phía lực lượng cảnh sát đang dàn ra để ngăn chặn biểu tình. Thế là lực lượng cảnh sát điên lên vì cho rằng những người biểu tình đã tấn công họ, họ bắt đầu phản ứng lại và đàn áp không còn nương tay. Trong sự hỗn loạn này, nguy hiểm nhất cho những người tham gia biểu tình là sự can thiệp của bọn cảnh sát chìm. Chúng tấn công từ phía sau đầy bất ngờ, với gậy gộc và những khúc gỗ dài có đóng đinh nhọn ở đầu. Cảnh sát sắc phục dù sao vẫn còn e ngại những hành động quá tay của mình có thể bị báo chí nước ngoài chụp ảnh, lên án làm ảnh hưởng xấu chế độ. Còn cảnh sát chìm nếu có quá tay thì được chính quyền đổ thừa cho sự bộc phát của “quần chúng” chống lại các phần tử thiên cộng (!).
Sau khi liên danh Nguyễn Văn Thiệu – Trần Văn Hương trúng cử trong cuộc bầu cử độc diễn, cuộc biểu tình phản đối đầu tiên được tổ chức mấy ngày sau đó với sự kết hợp giữa các dân biểu đối lập và các tổ chức quần chùng như “Phụ nữ đòi quyền sống” của bà Ngô Bá Thành, Lực lượng Hòa giải Dân tộc của Phật giáo Ấn Quang. Đoàn biểu tình tập hợp tại cao ốc nằm bên cạnh trụ sở Hạ nghị viện, phía sau khách sạn Caravelle. Cao ốc này được dùng làm văn phòng cho ác Ủy ban chuyên môn của Hạ nghị viện. Sáng sớm, khoảng 7 giờ, tôi có mặt ở điểm hẹn này. Tôi đoán trước chính quyền Thiệu sẽ đàn áp không nương tay. Để ngăn ngừa mọi toan tính phủ nhận kết quả cuộc bầu cử và các biểu lộ khác có thể phá vỡ uy tín bốn năm cầm quyến sắp tới của mình, Nguyễn Văn Thiệu sử dụng triệt để quân đội và cảnh sát để duy trì quyền lực. Biết như thế nhưng tất cả những gương mặt dân biểu đối lập chính quyền đều có mặt: Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, Nguyễn Hữu Chung, Hồ Văn Minh, Phan Xuân Huy, Kiều Mộng Thu, Dương Văn Ba, Vũ Văn Mẫu, Bùi Chánh Thời, Võ Đình Cường. Ngoài ra còn có bà Ngô Bá Thành, chị Trần Thị Lan v.v…
Nhóm biểu tình đông khoảng từ 40 đến 50 người với những biểu ngữ tố cáo cuộc bầu cử gian lận, phủ nhận sự trúng cử của liên danh Nguyễn Văn Thiệu – Trần Văn Hương v.v… tiến từ bên hông khách sạn Caravelle sang mặt trước của Hạ nghị viện. Vừa đến khoảng trống trước Hạ nghị viện, nơi dành cho các dân biểu đậu ô tô, tôi nhìn thấy ngay phía bên kia đường Tự Do (bây giờ là đường Đồng Khởi), dọc theo công viên, cảnh sát dã chiến xếp “dàn chào” sẵn đó từ lúc nào. Họ giăng hàng ngang, súng phóng phi tiễn hướng thẳng qua tiền đình Hạ nghị viện, nơi nhóm biểu tình sắp sửa tiến về hướng ra chợ Sài Gòn. Tôi vẫn nhớ cái cảnh đầy đe dọa ấy: cảnh sát dã chiến trong tư thế sẵn sàng nổ súng, một đầu gối chịu xuống đất, súng đưa lên tầm ngắm với túi đạn phi tiễn đeo bên người, phía sau là bức tượng khổng lồ đen xì của hai Thủy quân lục chiến dùng chĩa súng M16 về phía tòa nhà lập pháp (tượng này đã bị quần chúng giật sập sau ngày 30-4-1975). Thoạt đầu, tôi không nghĩ cảnh sát dã chiến dám nổ súng.
Nhưng lệnh được một tên chỉ huy nào đó phát ra và súng nổ. Các quả phi tiễn được bắn thẳng về phía đám biểu tình, xé toạc các biểu ngữ và làm vỡ kính cửa chính của tòa nhà Hạ nghị viện. Anh em dân biểu lúc đó mới nhận ra rằng nếu lãnh một quả phi tiễn vào người thì cũng khó sống. Thế là mọi người phải chạy tản ra tránh đạn. Tôi chạy dạt ra hướng bên phải sân trước Hạ nghị viện, nép mình phía say mấy chiếc ô tô đậu tại đây. Đúng lúc đó một quả phi tiễn bay thẳng đến tôi. Tôi chỉ kịp nghiêng người để không phải lãnh trọng quả đạn. Nó trúng sớt vào bả vai tôi. Phản xạ tự nhiên của tôi lúc ấy là ngả người xuống đất, phía sau một chiếc ô tô. Nhưng tôi chợt nghĩ chúng có thể tiếp tục bắn phi tiễn về hướng tôi và một trong những quả đó mà bắn trúng bình xăng ô tô thì khó tránh tai họa. Tôi liền cố gắng đứng lên, nhắm hướng khách sạn Continental bên kia đường mà chạy a vào. Hai mắt tôi sưng lên, nhức nhồi vì hơi cay. Những người phục vụ trong nhà hàng Continental xếp sẵn khăn ướp lạnh và chanh cắt lát trên những cái mâm tặng miễn phí cho những người biểu tình vào lánh nạn. Chanh rất hiệu quả để hóa giải hơi cay ở mắt.
Trong khi tôi đã vào sân bên trong Continental – khu vườn dành cho khách nước ngoài ăn sáng và uống cà phê – thì anh Ngô Công Đức vẫn còn ở bên ngoài. Anh nhặt các quả phi tiễn còn xì hơi cay, ném lại về phía cảnh sát. Anh chạy díc dắc trên đường Tự Do, len vào khu Passage Eden (Thương xá Eden), vừa chạy vừa “chọc giận” bọn cảnh sát dã chiến để chúng bắn theo. Đây là cuộc biểu tình cuối cùng anh Đức có mặt. Vì không tái cử ở đơn vị bầu cử Trà Vinh và có thể bị chính quyền Thiệu bắt như anh Trần Ngọc Châu, nên anh quyết định vượt biên qua Campuchia, sang Thụy Điển định cư cho đến ngày 29-4-1975. Anh Phạm Xuân Ẩn là người đã khuyên anh Đức nên rời đất nước vì có khả năng – theo đánh giá của Ẩn – phe Thiệu sẽ “mần thịt” anh.
Trở lại cuộc biểu tình trước Hạ nghị viện, lúc này anh Hồ Ngọc Nhuận đang hộ tống bà Ngô Bá Thành và chị Trần Thị Lan. Cảnh sát chìm đang tìm cách bắt hai phụ nữ này bởi họ không được hưởng quyền bất khả xâm phạm như các dân biểu. Anh Nhuận cũng đoán biết nguy cơ đang chờ đợi họ, nên đưa hai chị vào lánh mặt trong khu vườn của khách sạn Continental, nơi có nhiều nhà báo nước ngoài tụ tập. Anh hi vọng với sự có mặt của giới báo chí, bọn cảnh sát chìm sẽ không dám ra tay. Nhưng không lâu, chúng đánh hơi và bắt đầu siết vòng vây chung quanh khu vực hai người phụ nữ lẩn trốn, bất kể sự có mặt của các nhà báo nước ngoài. Anh Nhuận phải tính giải pháp khác: tìm cách đưa bà Thành và chị Lan vào bên trong Hạ nghị viện, họa may tại đây cảnh sát mới chịu bó tay. Nhưng khi anh Nhuận vừa đưa hai người băng qua đường, hướng về phía Hạ nghị viện, thì tức thời một chiếc xe Jeep ập tới, kèm theo là một trận mưa lựu đạn cay khiến anh Nhuận chẳng nhìn thấy gì. Khi anh bình tĩnh lại thì bọn cảnh sát đã ném hai chị lên xe Jeep và chở đi rồi.
Theo tôi thì các nhân vật trí thức miền Nam gan lì, có sức chịu đựng gần như phi thường trước sự đàn áp của nhà tù chế độ Sài Gòn trước 1975 thì không ai bằng bà Ngô Bá Thành. Ở tù bà vẫn tiếp tục hoạt động chống chính quyền. Hàng ngày bà vẫn làm báo nói trong xà lim bằng ba thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp. Đúng giờ là giọng bà vang lên, đọc tin tức và bình luận chính trị, bất kể sự đàn áp của các cai ngục. Để làm im tiếng người phụ nữ này, chúng ném vôi vào xà lim, rồi tạt nước vào. Nhưng với bà Thành vẫn chẳng ăn thua gì. Kể cả khi bà bị đưa ra tòa án quân sự ở bến Bạch Đằng (nay là đường Tôn Đức Thắng), người biện hộ cho bà là luật sư Vũ Văn Mẫu, lúc ấy đang là nghị sĩ Thượng nghị viện cũng không lay chuyển thái độ chính trị của bà. Trong các nhân chứng mà luật sư yêu cầu có mặt tại tòa có tôi và anh Hồ Ngọc Nhuận. Thế là tôi có dịp chứng kiến tận mắt bà Thành đấu tranh với tòa án của Thiệu như thế nào. Vốn trước đây bà có bệnh suyễn, nên bà nhất quyết từ chối ra tòa như một người bình thường. Bà yêu cầu bác sĩ riêng của bà có mặt và bà xuất hiện trước tòa trên cái băng ca. Tòa vừa bắt đầu làm thủ tục thì cơn xuyễn- thật hư không rõ cũng bắt đầu tấn công bà. Rồi cơn đau tim dữ dội như sắp sửa cướp đi mạng sống của bà khiến bác sĩ cuống cuồng lên, yêu cầu tòa phải ngừng ngay phiên xử. Dĩ nhiên luật sư Vũ Văn Mẫu tuyên bố thân chủ của ông không thể dự phiên tòa trong tình trạng sức khỏe như thế này và yêu cầu tòa dời một ngày khác khi thân chủ ông có đủ điều kiện sức khỏe.
Trong giai đoạn này bà có nhiều hình thức đấu tranh rất độc đáo và kiên cường. Trước khi bị bắt, bà Thành đã từng dùng nhà mình để họp báo quốc tế, trưng bày tài liệu, hình ảnh chống chính quyền.
…Khi luật sư Ngô Bá Thành chưa bị bắt, người ôm sách và tài liệu của chị em phổ biến cho báo chí nước ngoài và cho bạn bè, không ai khác hơn chính là cô con gái của chị (tên Thiện) giỏi cả hai sinh ngữ Pháp và Anh. Đến khi chị Thành bị bắt cầm tù, cô con gái của chị vẫn tiếp tục làm người liên lạc và phân phát tài liệu của chị một cách tích cực và gan lì. Một mình hai mẹ con bà Thành cũng góp phần làm rung chuyển chế độ Thiệu.
Cũng cần nhắc lại, sau khi Hiệp định Paris được các bên ký, bà Ngô Bá Thành chính thức tự nhận mình là “nhân viên dân sự Thực thể Chính trị thứ ba”. Tại cuộc tiếp tân do dân biểu Kiều Mộng Thu tổ chức tại nhà hàng Continental ngày 8-10-1973 “để mừng ngày trở về đời sống tự do của bà Ngô Bá Thành”, bà Thành đã choàng qua người một dải băng xanh thêu chữ trắng “Thực thể chính trị thứ ba” và phía sau lưng có ghi “Phong trào phụ nữ Việt Nam Đòi Quyền Sống”. Tôi có mặt trong cuộc tiếp tân này cùng luật sư Trần Ngọc Liễng, giáo sư Lý Chánh Trung, cụ Đặng Văn Ký, linh mục Phan Khắc Từ, linh mục Nguyễn Ngọc Lan, các dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, Phan Xuân Huy, Trần Văn Tuyên, Ni sư Huỳnh Liên, Hòa thượng Thích Pháp Lan, giáo sư Nguyễn Văn Trung v.v…
Sau khi đất nước thống nhất, năm 1991, tôi tổ chức cuộc triển lãm tranh sơn dầu cá nhân tại Gallerie Tràng Tiền Hà Nội. Một trong những người khách khá bất ngờ của cuộc triển lãm chính là bà Ngô Bá Thành, lúc bấy giờ là đại biểu Quốc hội của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Chúng tôi vui mừng gặp lại nhau. Sau bao nhiêu thăng trầm tại mảnh đất Sài Gòn đầy biến động và trắc trở, có lúc tưởng rằng thế hệ mình mãi mãi không bao giờ được nhìn thấy đất nước thống nhất thế mà nay có dịp hội tụ ngay tại thủ đô đất nước, quả thật với tôi không khác một giấc mơ. Sau đó chị Thành dành cho tôi thêm một bất ngờ khác: chị quyết định mua một bức tranh của tôi là bức “Bến Cảng Nhà Rồng” theo phong cách “bán trừu tượng”, giá 500 USD. Chị nói: “Tôi có hai lý do mua tranh của anh: Thứ nhất vì tôi muốn ủng hộ một trí thức Sài Gòn, thứ hai tiền này tôi có được do dịch một quyển sách luật của Việt Nam ra tiếng Mỹ chứ bình thường làm gì tôi có đô la để mua tranh”. Năm sau tôi trở ra Hà Nội được chị mời dùng cơm tại nhà riêng. Tự chị làm bếp. Trong phòng khách chật hẹp, bức tranh của tôi chiếm một vị trí trang trọng.
Tuy hoạt động tại Sài Gòn, nhưng sau khi đất nước thống nhất, chị Thành sống luôn tại Hà Nội. Chị yêu Hà Nội và thích hợp với đời sống chính trị ở thủ đô.
Trở lại với các hình thức đấu tranh đa dạng của người Sài Gòn chống chế độ Thiệu trước 1975 không thể không nhắc đến một hình thức rất độc đáo: xuống đường làm báo nói. Ai có sáng kiến đầu tiên về hình thức đấu tranh này: dân biểu Hồ Ngọc Nhuận hay linh mục Nguyễn Ngọc Lan? Hoặc cả hai kể rằng anh đã lấy sáng kiến từ những chiếc xe bán dạo “mì Ba Con Cua” (một loại mì ăn liền).
Tôi xin kể chuyến đi làm “báo nói” ở Mỹ Tho và Cần Thơ gồm chị Kiều Mộng Thu, nhà thơ nhà báo Cung Văn, nhà báo trẻ Mỹ John Spragens, dân biểu Hồ Ngọc Nhuận…
Thời điểm diễn ra các cuộc “báo nói” là sau khi ông Thiệu tái cử tổng thống trong cuộc bầu cử độc diễn, Hội nghị Paris đã có sự thương lượng tích cực giữa phái đoàn Hà Nội và Washingtonn. Sáng sớm, chúng tôi hẹn nhau ở một địa điểm bí mật để xuất phát. Tôi nhớ, ngoài chúng tôi còn có anh Triệu Quốc Mạnh (lúc đó đang là chánh biện lý tòa án Gia Định của chế độ Sài Gòn), Kỳ Nhân (phóng viên ảnh tự do, nhưng kỳ thật là một phóng viên Việt cộng!) và hai linh mục Nguyễn Ngọc Lan và Chân Tín. Lúc xuất phát, hai linh mục cải trang người thường để tránh con mắt theo dõi của cảnh sát chìm. Nhưng chiếc ô tô của anh Nhuận, chở cả đoàn, trực chỉ miền Tây, sắp đến tỉnh Mỹ Tho thì đột ngột dừng lại một căn nhà xưa nằm sát quốc lộ (hình như thuộc làng Tân Hội Tây) là nhà của cha mẹ anh Nhuận. Tại đây hai linh mục Lan và Chân Tín mặc trở vào chiếc áo linh mục của mình. Trong chiến lược đối phó với lực lượng cảnh sát ở tỉnh, hai vị tính toán rằng cảnh sát sẽ lúng túng trước các linh mục. Mà thật thế, đối diện với các linh mục mặc áo đen, cảnh sát tại Mỹ Tho tỏ ra lúng túng thật sự.
Chiếc xe đến Mỹ Tho vào lúc 9 giờ sáng, bấy giờ chợ Mỹ Tho vẫn còn buôn bán đông đúc. Chiếc xe đậu ngay ở đầu chợ. Mọi người nhảy xuống xe trong chớp mắt. Máy phát điện hoạt động cấp kỳ, loa phóng thanh hướng về phía chợ. Tôi là người xung phong “phát thanh” trước. Trong khi tôi báo cáo, đồng bào tụ lại càng lúc càng đông. Tôi nói về những tin tức trong nước và thế giới bị chính quyền Thiệu bưng bít và sau đó là bình luận về tình hình hội đàm Paris, kêu gọi đồng bào cùng tham gia đấu tranh cho hòa bình, còn các thành viên khác trong đoàn làm công việc phát truyền đơn cho đồng bào. Cảnh sát Mỹ Tho quá bất ngờ không kịp phản ứng ngay. Chúng tôi “phát thanh” được hơn 10 phút thì cảnh sát mới rầm rộ kéo đến. Hôm đó là một sáng chủ nhất, trưởng ty cảnh sát Mỹ Tho là trung tá Đỗ Kiến Nâu (em của đại tá Đỗ Kiến Nhiễu, đô trưởng Sài Gòn) về Sài Gòn thăm gia đình nên cảnh sát Mỹ Tho như rắn không đầu, chẳng biết phải đối phó ra sao với nhóm “báo nói” gồm cả linh mục. Có nên mạnh tay đàn áp không? Hay chỉ cần cô lập họ với đồng bào? Cuối cùng thì đám cảnh sát chọn giải pháp thứ hai. Mặt khác họ cũng lúng túng tới sự hiện diện của một nhân vật không biết là “ta hay địch”: ông ta đứng tách ra khỏi nhóm đang “phát thanh” và phát truyền đơn, thỉnh thoảng quay lại phía cảnh sát (đang vây thành vòng tròn chung quanh chiếc xe) đưa tay ra hiệu như chỉ đạo họ: “Anh em cứ đứng yên xem sao”. Người đó chính là biện lý Triệu Quốc Mạnh, người có thẩm quyền đích thực chỉ đạo cảnh sát, nhưng thực ra đang đứng về phía những người hoạt động chống chính quyền! Ông có thể bị cách chức như chơi. Mãi sau này khi cuộc chiến hạ màn, người ta mới biết ông tránh biện lý tòa Gia Định đó là một đảng viên cộng sản!
Khi cảnh sát còn đang chờ chỉ thị từ cấp trên thì chúng tôi đã nhảy lên xe rút đi hướng ngã ba Trung Lương. Trên đường đi lại tiếp tục rải truyền đơn. Nhưng đến nga ba Trung Lương, ô tô không chạy thẳng vào Sài Gòn mà rẽ trái, tiếp tục đi xuống miền Tây. Ý định của chúng tôi là đến Cần Thơ gây một cuộc nữa.
Vì trời sắp tối lại phải qua hai cái phà bắc Cần Thơ và Mỹ Thuận mới về đến Sài Gòn mà đi đêm cũng không biết chuyện gì xảy ra (Cảnh sát làm gì đó chúng tôi rồi đổ thừa cho Việt cộng thì sao?) cho nên đoàn báo nói quyết định ngủ lại ở Cần Thơ. Sáng hôm sau, ăn sáng xong mới lên xe trở về Sài Gòn. Khi chúng tôi rời Tây Đô, cảnh sát “đưa tiễn” rầm rộ như đưa tiễn đoàn nguyên thủ quốc gia. Xe cảnh sát chạy trước chạy sau hú còi inh ỏi. Họ đưa chúng tôi đến bắc Cần Thơ, thở phào nhẹ nhõm khi thấy ô tô của chúng tôi đã lên phà. Cảnh sát Cần Thơ coi mình đã làm xong phận sự. Bên kia bờ thuộc trách nhiệm của cảnh sát Vĩnh Long. Tâm trạng của tôi lúc đó là coi như “thua cuộc” ở Cần Thơ. Quang cảnh trên phà thật rộn rịp với mấy trăm con người là hành khách của bốn chiếc xe đò và hai xe du lịch, chưa kể chiếc của chúng tôi. Nhìn số người đông đúc ấy, trong đầu tôi lóe lên một ý nghĩ: đây một nơi lý tưởng để làm “báo nói”. Tôi liền bàn với anh Nhuận và linh mục Lan. Hai anh tán đồng. Thế là máy phát điện lại nổ trước sự ngơ ngác của hành khách trên phà. Tôi cầm ngay mi-crô, nhảy lên đứng trên đầu xe và bắt đầu nói chuyện với bà con về tình hình đất nước, về hội đàm Paris v.v… Các thành viên khác trong đoàn lại phát truyền đơn bươm bướm. Cảnh sát trên bờ Cần Thơ bắt đầu đoán được chuyện gì xảy ra trên phà, nhưng đã quá trễ để ra lệnh phà quay trở lại.
Khi phà sắp đến bờ bên kia, chúng tôi dẹp tất cả đồ nghề. Cảnh sát ở hai bên bờ chắc chắn có liên lạc vô tuyến với nhau, cho nên xuống phà chúng tôi lại được “đón” rất long trọng. Lại cái cảnh xe cảnh sát chạy trước chạy sau xe chúng tôi, còi hụ inh ỏi. Nhưng đến Bắc Mỹ Thuận, các xe cảnh sát lại dừng ở bờ bên này, cũng coi như mình đã làm xong phận sự. Phà rời bến được một khoảng cách an toàn, nghĩa là không thể ra lệnh quay lại bờ, đoàn báo nói của chúng tôi lại hoạt động. Chuyến đi đó được phóng viên nhiếp ảnh Kỳ Nhân ghi lại hình ảnh đầy đủ. Không biết sau này anh có giữ được hình ảnh đó hay không?
Cũng trong chuyến đi này tôi có một phát hiện: đồng nghiệp và là người bạn của tôi, nhà báo – nhà thơ Cung Văn đúng là có quan hệ với cộng sản. Trên đường đi, khi anh Nhuận lái xe, tôi ngồi phía sau với Cung Văn. Anh đã đọc bài thơ “Thăm lúa” của nhà thờ Trần Hữu Thung cho tôi nghe. Đọc xong bằng cái giọng Đà Nẵng quen thuộc, anh nói thêm: “Bài này đoạt giải thưởng Vacxava”. Trước đây khi tôi nói với anh Cung Văn rằng các bài “Văn tế sống” của anh trên báo Điện Tín chắc là do “ở trỏng” đưa ra cho anh, tôi chỉ nói đùa, nhưng đồng thời cũng muốn ngầm nói với anh rằng tôi hiểu “khuynh hướng chính trị” của anh. Nhưng sau chuyến đi làm báo nói đó thì tôi quả quyết Cung Văn là người có quan hệ “ở trỏng” thật!
Kiểu xuống đường làm “báo nói” – như chuyến đi Mỹ Tho và Cần Thơ ấy – thời gian sau khi Hiệp Định Paris đã ký kết chúng tôi mang tận ra Huế để “diễn” rất thành công ngay tại chợ Đông Ba.

<< Chương 13 | Chương 15 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 587

Return to top