8 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, các nhân vật dự kiến trong tân nội các tập trung tại phủ thủ tướng nằm ở cuối đại lộ Thống Nhất. Một số thành viên của tân chính phủ đã ngủ đêm tại đây.
Khi tổng thống Dương Văn Minh đến, cuộc họp diễn ra với một số người rất hạn chế, gồm phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền, thủ tướng Vũ Văn Mẫu... Các thành viên khác ngồi chờ đợi buổi họp ở phòng bên ngoài.
Ông Minh mở đầu buổi họp bằng việc trình bày tình hình quân sự nói chung và Sài Gòn nói riêng là không còn cứu gỡ. Cũng không nên nghĩ tới một cuộc thương thuyết chính trị với chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam và Hà Nội, qua trung gian chính phủ Pháp. Trong khi đó tình hình an ninh của thành phố Sài Gòn rất nguy ngập, hỗn loạn và cướp bóc có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng chính phủ hoàn toàn không có khả năng kiểm soát. Và ông Dương Văn Minh kết luận: “Để tránh cho người dân Sài Gòn những tai hoạ đã xảy ra như tại Đà Nẵng, mà có thể còn tồi tệ hơn, tôi quyết định trao quyền cho chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam”. Phòng họp im lặng, không có ai phản đối, kể cả những vị mới biết được quyết định này.
Được sự đồng ý của những thành viên chính yếu của chính phủ, ông Minh ra lệnh cho tôi với tư cách tổng trưởng thông tin cho gọi các nhân viên kỹ thuật của đài truyền hình và đài phát thanh đến để thu âm bài tuyên bố. Tôi bước ra khỏi phòng và truyền lệnh cho anh Dương Văn Ba, thứ trưởng thông tin, với lời dặn: nói với anh em rằng đã có thỏa hiệp ngưng bắn và hòa bình rồi, anh em đến để thu lời tuyên bố của tổng thống nói chuyện với đồng bào. Tôi dặn như thế để anh em phấn khởi sẵn sàng làm nhiệm vụ mà không bỏ trốn. Bởi lúc bấy giờ rất ít công sở còn nhân viên đi làm.
Khoảng 15 phút sau, anh em kỹ thuật viên đến vì đài truyền hình rất gần phủ thủ tướng. Và cuộc thu âm bài tuyên bố giao quyền của tổng thống Dương Văn Minh bắt đầu, chỉ thu tiếng chứ không có điều kiện thu hình. Lần thu đầu tiên, ông Minh cho dừng lại vì có đoạn ông đọc vấp. Lần thứ hai cũng hỏng vì có người đẩy cửa vào gây tiếng động. Đến lần thứ ba mới thu hoàn chỉnh.
Khi tôi bước ra phòng họp cùng anh em kỹ thuật viên thì gặp chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá tổng tham mưu trưởng, giờ đây có quyền hành như tổng tham mưu trưởng vì trung tướng Vĩnh Lộc cùng trung tướng Trần Văn Trung chạy khỏi Sài Gòn bằng tàu hải quân sáng 30 tháng 4. Chuẩn tướng Hạnh nói với ông Dương Văn Minh: “Xin để tôi trực tiếp mang đi cho chắc ăn. Nhưng theo tôi, ngoài bản tuyên bố của tổng thống cho dân chúng, cần có một nhật lệnh của tổng tham mưu trưởng ra lệnh trực tiếp cho quân đội không được nổ súng nữa...”. Ông Minh tán đồng đề xuất của anh Hạnh và yêu cầu anh thảo luôn nhật lệnh.
Tướng Hạnh cầm cuộn băng và bản nhật lệnh đi đến đài. Anh nói với tôi: anh sẽ đọc và thu bản nhật lệnh tại đài. Nhớ lại chi tiết này, tôi thấy đóng góp của anh Nguyễn Hữu Hạnh vào lúc này thật ý nghĩa và thiết thực.
Trước khi phiên họp kết thúc, ông Minh nói: “Bắt đầu từ giớ phút này sự ràng buộc giữa anh em chúng ta không còn nữa. Mỗi người hoàn toàn tự do quyết định sự lựa chọn của mình: Đi hay ở lại. Tôi xin thông báo cho anh em nào muốn đi: hiện chiếc tàu Việt Nam Thương Tín (VNTT) vẫn còn đậu ở cảng...”. Ông Minh thông báo rõ cổng số mấy, bến số mấy, để lên tàu VNTT, chiếc tàu thủy viễn dương lớn nhất của Sài Gòn lúc bấy giờ. Trước đó khoảng một tiếng đồng hồ, dân biểu Nguyễn Hữu Chung điện thoại cho ông Minh nói rõ tàu VNTT đang chờ ở đâu để những thành viên nào trong chính phủ muốn ra đi thì đến đó. Chính một người của anh Nguyễn Hữu Chung lái chiếc tàu này. Tàu có giấy phép của chính phủ cho rời bến với lý do chính thức là “để tránh pháo kích của cộng quân”. Nhưng thực sự đây là một giấy phép trá hình cho tàu được di tản. Trong khi liên lạc điện thoại với ông Minh, Chung Nguyễn còn tỏ ý chờ bà Dương Văn Minh sẽ ra đi theo con gái, con rể và hai cháu ngoại (đã đi trước đó hai ngày). Nhưng ông Minh sau khi hỏi ý kiến vợ đã trả lời rằng bà Minh không đi.
Những người có mặt trong phòng họp cũng không ai đi. Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền, một luật sư công giáo, nói dứt khoát ông ở lại. Còn thủ tướng Vũ Văn Mẫu cho biết ông không đi trong những điều kiện như thế này. Nếu sau này chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam cho ra đi chính thức thì ông sẽ đi. Có lẽ người duy nhất có ý định ra đi là giáo sư Bùi Tường Huân, được dự kiến làm tổng trưởng quốc phòng. Anh Huân hỏi lại ông Minh: “Tôi về nhà sắp xếp để vợ con cùng đi còn kịp không?”. Ông Minh trả lời là tàu VNTT không thể chờ đợi lâu. Nếu quyết định đi là phải đi ngay. Thế là giáo sư Huân quyết định không đi nữa. Anh không hay rằng vợ anh, con cái của anh đã di tản chiều hôm qua với gia đình bên vợ (chị vợ của anh Huân là ca sĩ Hà Thanh). Tối hôm qua, anh cùng một số thành viên khác ngủ lại ở phủ thủ tướng nên không hay chuyện ra đi của gia đình. Khi anh trở về nhà thì trong nhà chẳng còn thứ gì giá trị vì nhà anh đã bị cướp sạch. Anh Hồ Văn Minh cũng nói dứt khoát không đi.
Lúc này tôi ngồi kế bên ông Minh. Ông quay sang nói nhỏ với tôi:
“Chung,
toa nên đi.
Toa có con đông”. Ông nghĩ đến 5 đứa con của tôi. Thỉnh thoảng khi thân mật ông Minh vẫn xưng hô “
toa, moa” với tôi. Tôi trả lời:
“Đại tướng không đi phải không? Tôi cũng không đi”. Ông lặp lại đến hai lần lời khuyên đó nhưng vẫn thấy tôi tỏ ra rất dứt khoát nên ông không thuyết phục nữa. Khi từ chối chuyện ra đi, lúc đó tôi chẳng phải suy nghĩ gì nhiều. Ý nghĩ ra đi chẳng bao giờ xuất hiện trong đầu tôi. Ở lại, với tôi, là tất yếu, là cái tiếp theo lô gích của những chọn lựa và thái độ chính trị của tôi trước đó. Vợ chồng tôi chưa bao giờ đem chuyện “đi hay ở” ra bàn với nhau. Quỳnh Nga, vợ tôi cũng không hề băn khoăn về chuyện này. Trước đó mấy ngày, khi một người Mỹ (dạy Anh văn cho tôi) đến nhà gặp vợ tôi, đưa ra giấy ưu tiên đi bằng máy bay của Mỹ cho cả gia đình tôi (gồm bảy người) – tôi không có ở nhà - vợ tôi đã tự quyết định từ chối.
...Sau khi mọi người có mặt đều quyết định không đi, phòng họp lại im lặng.
Bỗng có người vào báo cáo có một khách người Pháp muốn gặp tổng thống Dương Văn Minh. Tôi cùng ông bước ra. Đó là cựu tướng Pháp Vanuxem đã từng thất trận ở cuộc chiến tranh Đông Dương thời thực dân Pháp. Gần đây ông trở qua Việt Nam đóng vai trò cố vấn quân sự cho chính phủ Thiệu như kiểu chuyên gia chiến tranh du kích người Anh Sir Robert Thompson mang những kinh nghiệm chống cộng ở Mã Lai sang làm cố vấn cho hai anh em Ngô Đình Diệm – Ngô Đình Nhu trong những năm đầu của chế độ đệ nhất cộng hòa! Nhưng Vanuxem không được ông Thiệu tin dùng. Ông Minh bắt tay Vanuxem và hỏi lý do ông ta muốn gặp ông.
Vanuxem cho biết ông muốn hiến kế cho ông Minh để cứu vãn tình hình tuyệt vọng của chế độ Sài Gòn. Theo Vanuxem, nên lên tiếng kêu gọi sự can thiệp của một cường quốc, và chỉ cần có một yêu cầu chính thức của chính quyền miền Nam là cường quốc này sẽ can thiệp ngay. Ông Minh cười chua chát: “Tôi cảm ơn thiện chí của ông, nhưng trong đời tôi, tôi đã từng làm tay sai cho Pháp rồi tay sai cho Mỹ, đã quá đủ rồi. Tôi không thể tiếp tục làm tay sai...”. Đứng xớ rớ một lúc, Vanuxem biến lúc nào tôi không nhớ.
Cũng đúng lúc này có điện thoại từ chùa Ấn Quang của sinh viên đấu tranh Nguyễn Hữu Thái. Tôi không rõ Thái rời khỏi chỗ ẩn náu tại nhà tôi từ một năm qua, vào lúc nào. Lúc này Thái đang có mặt tại chùa Ấn Quang, anh cho biết thượng tọa Thích Trí Quang muốn nói chuyện trực tiếp với ông Minh. Cuộc nói chuyện kéo dài khoảng hai phút. Sau đó thượng tọa Trí Quang nói chuyện với giáo sư Vũ Văn Mẫu. Tôi được biết nội dung hai cuộc điện đàm này của thượng tọa Thích Trí Quang nhằm thuyết phục tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng. Nhưng tôi lại e ngại, nếu đầu hàng chính thức đơn phương thì sẽ ra sao? Vì nhiều đơn vị quân đội VNCH vẫn còn đó, có khả năng sẽ phản ứng điên cuồng.
Khoảng 10 giờ, tổng thống Minh lên ô tô đi đến Dinh Độc Lập. Các thành viên khác của chính phủ và một số dân biểu nghị sĩ cũng lên xe mình đến Dinh Độc Lập. Tôi cùng ngồi xe của tổng thống Minh. Lúc này toàn bộ các mô tô cảnh sát danh dự, gồm tám chiếc còn đầy đủ, vẫn đi theo bảo vệ xe tổng thống. Đoàn xe tổng thống đi ngang qua tòa đại sứ Mỹ trên đại lộ Thống Nhất, ông Minh nhìn thấy trước mắt cảnh tòa đại sứ Mỹ đang bị dân chúng ùa vào “làm thịt”: từng đoàn người từ trong sứ quán hối hả đi ra, khuân vác nào là máy đánh chữ, ti vi, ghế, tủ, bàn v.v... Từ trên lầu sứ quán, những tấm thảm cắt ra từng miếng dài khoảng 5-6 mét được ném xuống sân... Thế là nơi tượng trưng cho quyền lực nước Mỹ, tưởng như bất khả xâm phạm giờ đây tan tác... như một đống rác khổng lồ!
Đoàn xe của tổng thống Minh đi trên đại lộ Thống Nhất vắng tanh người - ngoại trừ đoạn đường trước sứ quán Mỹ. Phần đông dân Sài Gòn đều rút vào nhà. Số người tiếp tục nuôi ý định ra đi kéo nhau xuống bến Bạch Đằng với hy vọng gặp được chuyến tàu nào đó chưa kịp rời bến. Một số người khác dùng mọi phương tiện chạy về hướng miền Tây tìm đường ra biển.
Ngồi trong xe bên cạnh ông Minh đi đến Dinh Độc Lập, chưa bao giờ tôi thấy gần gũi và gắn bó với ông như lúc này. Trong đời ông trải qua nhiều giây phút lịch sử nhưng có lẽ những giây phút này là trọng đại nhất. Nhưng tôi vẫn thấy ông điềm tĩnh một cách lạ lùng. Ông chẳng nói gì cả, nét mặt bình thản. Ông vốn không thích dùng nhiều lời lẽ rườm rà và hoa mỹ để giải thích các quyết định của mình.
Tôi lên tiếng để phá vỡ sự im lặng: “Nếu cả chính phủ Sài Gòn sau này buộc phải đi “an trí”, tôi sẽ yêu cầu được quản thúc chung với đại tướng. Để chi, đại tướng biết không?”. Ông quay nhìn tôi: “Để chi?” – “Để đại tướng và tôi có thể tiếp tục nói chuyện tennis với nhau!” Ông Minh vỗ đùi tôi, cười. Tôi cùng ông Minh đi đến Dinh Độc Lập mà trong lòng chẳng có một đắn đo nào. Thật lạ lùng làm sao. Sau này khi nhớ lại thời điểm đó tôi cố gắng nhớ lại trong đầu mình lúc đó nghĩ gì. Nhưng không làm sao nhớ ra bởi thật sự lúc đó tôi như người bị cuốn hút về một hướng đã định sẵn từ một hai năm trước rồi. Dinh Độc Lập, nơi đoàn quân giải phóng sẽ đến, vào lúc này, đúng là điểm hẹn của Lịch sử. Ông Dương Văn Minh đi đến đó mà không hề bị ai bắt buộc. Trưa hôm qua, 29-4-1975, người cuối cùng từng lãnh đạo miền Nam, tướng Nguyễn Cao Kỳ, cũng đã thoát thân trên chiếc Huey, trực thăng của ông. Khi máy bay sắp rời khỏi mặt đất, tướng Ngô Quang Trưởng xuất hiện và cũng được tướng Kỳ... mời nhảy lên. Trực thăng của họ bay ra hướng biển và liên lạc được với tàu sân bay Midway.
...Chiếc xe của tổng thống Minh và đoàn mô tô bảo vệ đến Dinh Độc Lập khoảng 9 giờ 30 sáng. Ở cửa chính vẫn còn lính gác. Ông Nguyễn Văn Hảo, phó thủ tướng của nội các Nguyễn Bá Cẩn, nội các cuối cùng của chính phủ Thiệu, có mặt ở phòng họp chính. Theo chương trình đã định trước thì phó thủ tướng Hảo sẽ đại diện cho nội các cũ thực hiện cuộc bàn giao cho nội các mới của ông Dương Văn Minh. Nhưng cuộc bàn giao giữa hai nội các cũ và mới đã không xảy ra.
Các thành viên chính của chính phủ Dương Văn Minh tập hợp trong phòng làm việc trước đây của Nguyễn Văn Thiệu. Trong lúc chờ quân giải phóng đến, tôi chợt nhớ binh lính bảo vệ Dinh Độc Lập chưa nhận được lệnh không nổ súng. Tôi đề nghị ông Minh nên ra lệnh tất cả các binh lính bảo vệ dinh phải nộp vũ khí, bởi chỉ cần một người lính nào đó điên cuồng bóp cò thì hậu quả không thể nào lường được. Tổng thống Minh giao cho thiếu tá Hoa Hải Đường thực hiện lệnh của ông. Lúc này tôi không thấy đại tá Đẩu có mặt ở dinh. Đại tướng Minh có hai tuỳ viên quân sự là đại tá Đẩu và thiếu tá Đường. Đại tá Đẩu vừa được thăng cấp cách đây không lâu và là cấp cao nhất trong văn phòng của đại tướng Minh. Còn thiếu tá Đường là con của ông Hoa Văn Mùi, đã từng là giám đốc cảnh sát thời Diệm rồi tổng lý văn phòng một bộ (nhân vật thứ ba trong bộ đứng sau bộ trưởng và thứ trưởng), nhưng lại được nhiều người biết tiếng khi ông là cầu thủ đội tuyển bóng đá miền Nam thập niên 40. Ông Mùi cùng thời với những danh thủ như Tốt, Guichard, Paccini, Bửu (tức Trương Tấn Bửu, giám đốc Sở Thể dục Thể thao TP. HCM đầu tiên sau giải phóng). Thành tích của ông Mùi là từng vô hiệu hoá “cầu vương” Lý Huệ Đường của Hồng Kông mặc dù về thể hình ông hơi thấp người.
Luật sư, nghị sĩ Nguyễn Văn Huyền được ông Minh chọn làm phó tổng thống, lúc đầu có mặt tại Dinh Độc Lập nhưng sau đó lại về nhà riêng. Luật sư, nghị sĩ Vũ Văn Mẫu, thủ tướng chính phủ vẫn có mặt tại dinh vào thời điểm này.
Thời gian chờ đợi căng thẳng tôi chợt nghĩ: cũng nên có mặt nhà báo vào lúc quân giải phóng vào Dinh Độc Lập. Lúc này tôi nhớ đến nhà báo nữ V.T.T. Mai làm cho hãng thông tấn AFP. Với tôi, Mai không chỉ là một nhà báo mà còn là một mối thâm tình. Tôi rất mong sự hiện diện của Mai vào lúc này. Tôi gọi điện cho Mai. Và Mai đến ngay với trưởng văn phòng AFP tại Sài Gòn Jean Louis Arnaud. Lúc nào Arnaud cũng ăn mặc trịnh trọng. Một bộ complet màu trắng khói, trên cổ thắt một chiếc nơ và trên tay có sẵn một cuốn sổ nhỏ.
Khoảng 11 giờ 30 sáng, chiếc tăng đầu tiên loại T-54 của quân giải phóng xuất hiện ở từ đầu kia đại lộ Thống Nhất, phía Thảo cầm viên. Tổng thống Minh và các thành viên chính phủ cùng một số dân biểu nghị sĩ, ra đứng tại tiền đình của Dinh Độc Lập để chuẩn bị cuộc đón tiếp. Chiếc tăng to lớn tiến gần, đến khoảng ngang nhà thờ Đức Bà thì đột ngột nổ liền hai phát nhưng không nhắm vào Dinh Độc Lập. Nhưng tiếng nổ của hai phát đại bác đã gây hoảng hốt cho tất cả những người đang đứng chờ ở tiền đình. Thế là tất cả lui vào phòng làm việc của ông Thiệu và.. lo lắng chờ.
Sau này các tài liệu viết rằng chiếc tăng đi đầu đã ủi sập cửa sắt ở cánh cổng còn đóng của Dinh Độc Lập. Vậy là lính gác ở dinh không chấp hành lệnh chăng? Vì tôi nhớ rất rõ ông Minh đã ra lệnh cho lính gác ở dinh mở sẵn cổng chính trước rồi.
Chỉ ít phút sau, tiếng chân người vang dội trong sảnh, có cả tiếng khua vũ khí và tiếng đạn lên nòng. Rồi tiếng hô to từ phía đại sảnh: “Mọi người đi ra khỏi phòng ngay!” Sau này có nhiều nhà báo nước ngoài trở lại sự kiện 30-4 này hỏi tôi lúc đó có lo sợ không? – Tôi không chối cãi mình có lo sợ. Một phần vì tôi chưa từng đối diện với quân giải phóng. Những suy nghĩ riêng và niềm tin trong lòng của mình về họ, chưa qua thực tế, không đủ để trấn an tôi hoàn toàn vào giây phút này. Mặt khác hoàn toàn không thể đoán trước chuyện gì sẽ xảy ra nếu có hỗn loạn.
...Người bước ra khỏi phòng trước tiên là tổng thống Dương Văn Minh. Đi sát bên ông Minh là thiếu tá Hoa Hải Đường. Tiếp theo là thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Ông Minh và ông Mẫu đều rất bình tĩnh, sự bình tĩnh của hai ông cũng truyền sang tôi. Tôi trao cái cặp da xách tay của tôi cho dân biểu Thạch Phen rồi mạnh dạn bước theo. Chúng tôi vừa bước ra hành lang để đi đến đại sảnh thì ở đầu kia thấy có nhiều bộ đội cầm súng và hô to: “Mọi người giơ tay lên!”. Ông Minh, ông Mẫu và tôi cùng mọi người đi phía sau đều nhất loạt giơ tay. Ra đến đại sảnh, tôi thấy có nhiều người mặc thường phục cũng có mặt lẫn với bộ đội. Tôi nhận ra một số gương mặt quen thuộc, đã từng hoạt động báo chí hoặc trong các phong trào đấu tranh học sinh sinh viên. Tôi nhớ hình như có các anh Nguyễn Vạn Hồng (tức Cung Văn), Triệu Bình, Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Bá Thành, Huỳnh Văn Tòng v.v... Ai đó, tôi không nhớ rõ, chạy đến ôm tôi nâng lên khỏi mặt đất và nói to trong sự mừng rỡ tột cùng: “Mình thắng rồi!”, trong lúc hai tay tôi vẫn giơ cao trong tư thế của người đầu hàng. Nước mắt tôi trào ra, tôi khóc vì quá sung sướng thấy cuộc chiến tranh kéo dài triền miên trên quê hương mình đã kết thúc. Tính cả thời Pháp đô hộ là 117 năm! Nhưng trong nước mắt ấy có cả những giọt xót xa: Mình từng chống Mỹ, chống Thiệu để khi kết thúc, mình lại thay Mỹ thay Thiệu đầu hàng! Dù rằng tôi cũng đã sẵn sàng tinh thần để chấp nhận tình thế này, nhưng khi nó diễn ra, lòng vẫn không thể không nhói đau!
Một người bộ đội (tôi không rõ quân hàm) nói với tổng thống Minh: “Anh chỉ cho tôi đường đi lên để hạ cờ ngụy quyền”. Ông Minh quay sang tôi đang đứng bên cạnh: “Chung,
toa hướng dẫn cho người này lên sân thượng”. Sau này tôi biết đó là người chỉ huy chiếc tăng ký hiệu 843 tên là Bùi Quang Thận lúc đó mang hàm đại úy. Nói về sự kiện 30-4 tại Dinh Độc Lập, có một hai bài viết kể tên một ai đó đã đưa bộ đội lên hạ cờ. Tôi không biết ở Dinh Độc Lập còn có một nơi nào khác treo cờ hay không ngoài cột cờ trên sân thượng. Năm 1990, khi kỷ niệm 15 năm giải phóng miền Nam, một hãng truyền hình Nhật có mời tôi và trung tá cùng tái hiện lại những giây phút tôi đưa đại uý Thận lên sân thượng Dinh Độc Lập để hạ cờ của chế độ Sài Gòn.
Trước ống kính của truyền hình Nhật, chúng tôi cùng tái hiện lại những diễn tiến tại Dinh Độc Lập 15 năm về trước:
...Sau khi nhận chỉ thị của ông Minh, tôi đưa người bộ đội trẻ tuổi đến thang máy để lên sân thượng. Đến trước thang máy, tôi bấm nút cho cửa mở. Khi cửa mở rồi người bộ đội trẻ vẫn chưa chịu bước vào. Tôi đoán trong đời anh chưa bao giờ đặt chân vào một thang máy. Tôi nói với người bộ đội trẻ: “Anh vào đi. Không có gì lo. Tôi cùng vào với anh”. Nói xong, tôi vào trước. Sau ít giây do dự, anh bước vào, trên tay là khẩu súng và lá cờ Giải phóng. Tôi không thể tưởng tượng được có một ngày như hôm nay: đi thang máy chung với một người bộ đội. Tôi bấm nút lên tầng cuối cùng. Trước đây tôi có vào Dinh Độc Lập nhiều lần nhưng chưa bao giờ lên đến sân thượng. Bước ra khỏi thang máy, tôi nhìn thấy ngay khu vườn hoa của bà Nguyễn Văn Thiệu mà có lần bà đã than phiền tướng Kỳ, lúc còn làm phó tổng thống, đã làm hư hại nó do mỗi ngày tướng Kỳ đi làm đều đáp trực thăng riêng xuống đây. Thời điểm đó, văn phòng của tổng thống Thiệu và phó tổng thống Kỳ còn đặt chung trong Dinh Độc Lập. Cách thang máy không xa, ở phía trước sân thượng, sát bên ngoài là chỗ cắm cờ. Người bộ đội đi thẳng ra đó hạ lá cờ vàng ba sọc đỏ xuống. Tôi không bước ra theo. Tôi đứng phía trong một lúc, rồi quay trở lại thang máy đi xuống trước một mình.
Trong một bài báo kỷ niệm ngày 30-4-1975 của một tác giả đã đăng vào dịp tháng 4-2003, có ghi lại lời kể của ông Thận khi gặp ông Minh: Ông yêu cầu ông Minh chỉ đường lên hạ cờ ngụy quyền thì ông Minh liền nói với người đứng kế bên thực hiện lời yêu cầu này. Người đứng kế bên ông Minh chính là tôi.
Xem lại các bức ảnh ghi lại giây phút lịch sử này, tôi thấy ngoài lá cờ được đại uý Bùi Quang Thận treo cao trên nóc Dinh Độc Lập - cột cờ chính thức của Dinh – còn thấy xuất hiện hai hay ba chiến sĩ bộ đội đứng phất cờ tại bao lơn (balcon) ở tầng một. Có lẽ chính vì thế mà có sự ngộ nhận đại uý Thận không phải là người duy nhất treo cờ trên nóc Dinh Độc Lập và cũng có lý khi có người khác cũng nhận là mình đã hướng dẫn bộ đội lên treo cờ.
...Khi từ sân thượng tôi trở xuống đại sảnh thì mọi người đã vào trong phòng họp có cái bàn to hình ô van nằm bên cánh phải Dinh Độc Lập. Tôi nghe một người bộ đội cấp chỉ huy nói với ông Minh: “Anh hãy viết ngay một bản tuyên bố đầu hàng”. Ông Minh trả lời rằng sáng này ông đã có một tuyên bố trao quyền rồi. Viên chỉ huy nói: “Anh chẳng có gì để trao. Anh chỉ có thể tuyên bố đầu hàng!”. Lúc này trong những người chứng kiến cuộc đối thoại, có một người mặc thường phục đứng bên cạnh kỹ sư Tô Văn Cang - một trí thức Sài Gòn có quan hệ với Mặt Trận. Người mặc thường phục tự giới thiệu mình là người hoạt động cách mạng nội thành và nói với viên chỉ huy bộ đội: “Ông Minh là người hoạt động cho hòa giải hòa hợp dân tộc. Anh nên đối xử nhẹ nhàng với ông”. Ông Minh vẫn đứng yên lặng. Viên chỉ huy đề nghị ông Minh đi đến đài phát thanh để thảo và đọc bản tuyên bố đầu hàng. Viên chỉ huy yêu cầu những thành viên chính thức của chính phủ đang có mặt gồm tổng thống Minh, thủ tướng Mẫu và tổng trưởng thông tin là tôi cùng đến đài phát thanh. Tôi chuẩn bị bước ra khỏi phòng thì nghe tiếng anh Thạch Phen gọi tôi lại. Anh Thạch Phen trả cho tôi cái cặp da tôi đã nhờ anh cầm giùm lúc nãy. Anh Phen tưởng tôi quên. Thật sự tôi vẫn nhớ nhưng tôi thấy chẳng cần thiết phải lấy lại. Trong cặp là toàn bộ số tiền tôi đã lãnh một ngày trước đó ở Hạ nghị viện trước khi toà nhà lập pháp này đóng cửa. Trong những ngày cuối cùng, chủ tịch Hạ nghị viện đã ký rút ra gần hết số tiền thuộc ngân sách của Hạ nghị viện và ứng trước tiền phụ cấp và đủ các thứ tiền khác thành một cục phát cho tất cả các dân biểu. Tôi nhớ số tiền đó hình như tương đương cả 7-8 chục triệu tiền bây giờ. Phụ cấp hàng tháng của một dân biểu nghị sĩ lúc đó là rất cao trong xã hội. Tôi định bỏ luôn cái cặp vì nghĩ tiền của chế độ Sài Gòn sẽ không còn xài nữa. Tôi miễn cưỡng lấy lại cái cặp trên tay dân biểu Thạch Phen.
Trước khi rời Dinh Độc Lập, ông Dương Văn Minh nói với vị chỉ huy bộ đội: “Vợ tôi vẫn đang ở đây. Xin các anh bảo đảm an ninh giùm”. Viên chỉ huy đáp “Anh hãy an tâm”.
Ông Minh và ông Mẫu được đưa đến Đài phát thanh Sài Gòn trên chiếc xe Jeep của bộ đội. Còn tôi đi theo trên một chiếc xe Jeep khác của các nhà báo Đức. Khi tôi đến đài phát thanh thì hai ông Minh và ông Mẫu đã vào bên trong. Tôi vừa bước vào sân thì anh Nguyễn Hữu Thái và một hai thanh niên khác đứng ở cổng nói với tôi “Anh về đi, khi nào có bộ phận chính trị vào sẽ liên lạc lại”. Lúc này thật khó biết ai là ai, ai có đủ thẩm quyền quyết định chuyện này chuyện nọ.
Nghe thế tôi lại đi trở ra. Sau này được biết, khi hai ông Minh và ông Mẫu vào bên trong đài phát thanh thì không còn nhân viên kỹ thuật nào ở đó để làm công việc thu băng. Sinh viên Nguyễn Hữu Thái phải mất hai tiếng mới tìm ra nhân viên kỹ thuật. Bản tuyên bố đầu hàng do chính trị viên Bùi Văn Tùng thảo. Ông Minh đọc và đài phát vào lúc 13 giờ 30. Sau đó hai ông Minh và ông Mẫu được đưa trở lại Dinh Độc Lập. Vào lúc 17 giờ 30, luật sư Nguyễn Văn Huyền, phó tổng thống Sài Gòn trở vào Dinh Độc Lập trình diện. Ông Huyền đã rời Dinh Độc Lập nửa giờ trước khi quân đội giải phóng vào Dinh.
Đài phát thanh Sài Gòn nằm ở góc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm – Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu). Cổng chính lúc đó mở ra đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ra khỏi đài, tôi rẽ qua đường Phan Đình Phùng, đi bộ ngược về hướng trung tâm thành phố vì tôi không còn xe riêng, taxi cũng không có. Dáo dác tìm “Honda ôm” cũng không ra. Một tay cầm áo vét và một tay xách cái cặp da đầy “giấy lộn” (trong đầu tôi vẫn nghĩ thế) chẳng biết vứt đi đâu. Trong đầu tôi rất lộn xộn: mừng vui lẫn buồn tủi. Cái hình ảnh được anh em ôm lấy và hô lên “Mình thắng rồi” nhưng trong tư thế hai tay giơ cao đầu hàng vẫn quay tới quay lui trong đầu. Đi một lúc khá lâu tôi ngửng đầu lên. Thật bất ngờ. Ngay trước mặt tôi bên kia đường (ngã tư Công Lý – Phan Đình Phùng) là... trụ sở Bộ thông tin, nơi mới hôm qua tôi còn triệu tập họp các viên chức chỉ huy của bộ với tư cách bộ trưởng. Tôi dừng bước lại. Nhớ lại chiếc cà vạt vẫn còn thắt trên cổ, tôi liền tuột nó ra. Chân tôi tự động quay ngược lại. Đúng lúc đó may mắn có một anh chạy xe ôm hất hàm hỏi tôi có đi không, tôi gật đầu.
Xe Honda đưa tôi về hướng quận 10 nhưng tới cuối đường Hiền Vương (bây giờ là Võ Thị Sáu) thì nghe những tiếng nổ dữ dội. Tôi thấy xa xa một chiếc xe tăng T54. Người chạy tán loạn. Tôi đoán phía quận 10 còn hỗn loạn. Tôi bèn quyết định tạm qua đêm nay tại nhà của trung tá Nguyễn Đức Hồng là chánh văn phòng của tôi ở khu Tân Định. Đến đây, tôi điện thoại về nhà cho vợ tôi. Lúc này tôi không còn kềm được nước mắt. Như thể bị ngăn lại từ sáng, nước mắt bây giờ tha hồ tuôn ra. Vợ tôi chia sẻ sự xúc động của chồng nhưng dĩ nhiên vợ tôi chưa hiểu hết những gì xảy ra với tôi trong ngày 30-4 này, từ sáng đến giờ. Tôi đã trải qua những giây phút kỳ diệu và kỳ lạ nhất đời mình. Vợ tôi cho hay cả nhà đều bình yên và cho biết gia đình anh Dương Văn Ba từ nơi “tị nạn chính trị” của anh ở trong Dinh Hoa Lan đã “di tản” ra nhà tôi.
Đêm 30-4-1975 tôi quá mỏi mệt nằm xuống ngủ như chết. Sáng hôm sau tôi thức dậy sực nhớ biến cố lịch sử đã xảy ra, một cảm giác thật lạ lùng lan toả trong người tôi. Tôi nằm yên một lúc lâu lắng nghe cái cảm giác ấy. Không hiểu sao, nó làm tôi nhớ lại cái buổi sáng tôi mới có đứa con đầu tiên. Thức dậy và thấy mình không còn như trước. Một thay đổi lớn đã đến với đời mình. Sáng ngày 1-5-1975 tôi cũng có một cảm giác như thế!
Thay đồ xong, chưa ăn sáng, tôi gọi về nhà. Tôi được biết vợ con đã sang nhà cha mẹ tôi bên đường Bà Hạt. Trung tá Hồng lấy xe Honda đưa tôi đến nhà cha mẹ. Gặp lại vợ con tôi cứ ngỡ mình trở về từ một chuyến đi thật xa. Cả đại gia đình tôi, từ cha mẹ, bảy đứa em – sáu gái và một trai – hai em rể và gia đình riêng của tôi - vợ và năm con - đều có mặt đông đủ. Gặp lại những người thân yêu không thiếu một người, đều bình yên, tôi vô cùng xúc động. Cha tôi lặng im nhìn tôi. Tôi đọc thấy trong mắt ông câu hỏi ‘‘Vậy con có bình yên hay không?’‘. Cuộc đời công chức của cha tôi sẽ hết sức bình thản nếu... không có tôi. Ông bị mất chức, về hưu sớm, vì từ chối với chính quyền Thiệu không gây áp lực với con mình ngưng các hoạt động chống chính phủ Thiệu. Giờ đây lại âu lo không biết sự thay đổi chính trị có ảnh hưởng gì đến con trai mình hay không? Buổi ăn trưa hôm đó cũng là lúc tôi kể lại cho cả nhà nghe các diễn tiến xảy ra trong buổi sáng ngày 30-4 đến khi về nhà ông Nguyễn Đức Hồng. Tôi nhìn thấy mẹ tôi khóc. Bà không hiểu nhiều về chính trị nhưng bà có trái tim yêu quê hương. Bà luôn ủng hộ các hoạt động của con trai mình dù các hoạt động đó có ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp của chồng. Bằng sự nhạy cảm của người mẹ, bà hiểu được con trai mình đã trải qua sự kiện trọng đại này của đất nước như thế nào...
Xong cơm trưa vào phòng nghỉ, vợ tôi âu lo nói với tôi: “Gia đình mình chẳng còn đồng nào. Còn lại chút ít, mấy ngày chót đã tiêu xài hết…” Thực tế là trong nhà tôi không có lúc nào dư dả. Làm báo thì sống bằng lương và nhuận bút. Báo bị đóng cửa thì gặp khó khăn ngay. Làm dân biểu 3 nhiệm kỳ suốt mười năm thì sống bằng phụ cấp của quốc hội, thoải mái hơn nhưng cũng không thật dư dả. Vợ tôi thường than phiền không cho bà buôn bán làm ăn, cứ sợ bị mang tiếng (mãi đến khi chúng tôi chia tay nhau bà mới bắt đầu kinh doanh).
Tôi sực nhớ lại cái cặp da. Tôi hỏi vợ tôi “Em thấy ngoài chợ tiền cũ còn xài không?”. Vợ tôi cho biết vẫn xài. Tôi đi tìm cái cặp mà đã mấy lần tôi định vứt nó. Thế là “đống giấy lộn” (tôi tưởng là như thế) đã “nuôi” được gia đình tôi mấy tháng đầu sau ngày 30-4!
Từ 30-4-1975 cho đến 2-5-1975, các ông Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu và một số dân biểu, nghị sĩ vẫn còn ở trong Dinh Độc Lập. Dự kiến sau khi đại diện Ủy ban Quân quản gặp họ, tất cả sẽ được tự do ra về. Trong hai ngày ông bà Minh còn ở lại trong Dinh Độc Lập, vợ tôi đã mang các bữa ăn sáng trưa và chiều vào Dinh cho hai ông bà. Ngày 2-5-1975, chủ tịch Ủy ban Quân quản Trần Văn Trà đã nói: “Người Việt Nam chúng ta không có ai thắng hay bại, người chiến thắng là toàn thể dân tộc Việt Nam và kẻ bại là đế quốc Mỹ”.
Chiều 2-5-1975, nhà báo Pháp Jean Louis Arnaud điện thoại hẹn tôi để thực hiện bài phỏng vấn đầu tiên sau ngày 30-4 cho AFP. Ông Arnaud không khỏi ngạc nhiên khi nghe những lời phát biểu đầy phấn khởi và xúc động của tôi về chiến thắng 30-4. Bởi chính ông đã chứng kiến cảnh tôi đưa hai tay lên đầu hàng. Ông không hiểu được người giơ tay đầu hàng lại chia sẻ niềm vui với người chiến thắng? Tôi nói: “Trước hết đội quân chiến thắng là người Việt Nam, đồng bào tôi. Họ đã chiến thắng thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ, mang lại độc lập và thống nhất cho xứ sở. Họ đã làm được điều mà nhiều người Việt Nam như tôi không làm được...”. Lúc này, dù tôi hoàn toàn không đoán được chuyện gì sẽ đến trong những ngày sắp tới nhưng có hai điều mà tôi biết chắc nước Việt Nam đang có được là quá lớn, vượt lên mọi tính toán cá nhân và quyền lợi riêng tư: đó là hoà bình và thống nhất.