Trở lại những năm tháng đầu tiên rời gia đình – sống riêng đầy khó khăn ở bên kinh Nhiêu Lộc nơi nước đen xì hôi hám, đứa con thứ nhì bị bệnh không có tiền đưa đi bác sĩ – bản thân tôi ở trong tình trạng trốn quân dịch, may mắn một lần thoát khỏi lưới cảnh sát – dù như thế, nhưng thời kỳ đó thật sự không hoàn toàn đen tối. Trốn quân dịch, nhưng tôi cũng đã có dịp đi tận Seoul (Nam Triều Tiên). Và cũng ở trong tình trạng không hợp lệ quân dịch, tôi lại được mời làm giám đốc Nha tác động tâm lý của Bộ Thanh niên Thể thao! Chuyện khó tin ấy xảy ra như thế này: Năm 1965, tôi đang làm tổng thư ký tòa soạn báo
Bình Minh, tôi có viết loạt bài vận động sự thành lập một đại học ở miền Tây. Tôi chỉ trích nội các Nguyễn Cao Kỳ cố tình không thành lập đại học tại miền Tây để tiếp tục duy trì khu vực đồng bằng sông Cửu Long ở tình trạng dân trí thấp, hạn chế sự phát triển dân chủ. Cùng lúc này có một nhóm trí thức miền Nam tên tuổi như Phạm Hoàng Hộ, Nguyễn Văn Trường, Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Hảo, Hồ Ngọc Nhuận, Hồ Văn Minh, Võ Long Triều cũng mở cuộc vận động mạnh mẽ đòi thành lập đại học miền Tây (ban đầu chưa xác định tên Đại học Cần Thơ). Người tự đứng ra phối hợp các cuộc vận động này là kỹ sư Võ Long Triều. Chính anh đã mời tôi nhập nhóm và tham gia các cuộc hội thảo tổ chức ở Cần Thơ để gây áp lực với chính quyền. Võ Long Triều là người Công giáo, có hậu thuẫn từ Tòa Tổng giám mục, thêm nữa lúc bấy giờ anh là một gương mặt trí thức trẻ miền Nam có khá nhiều uy tín, nên Nguyễn Cao Kỳ chọn anh làm đầu cầu để với tới giới trí thức miền Nam mà phần đông dị ứng phong cách “cao bồi” của ông và đồng thời không ủng hộ lập trường hiếu chiến của “nội các chiến tranh” mà ông đứng đầu. Thủ tướng Kỳ (chức vị chính thức lúc đó gọi là Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương) mời Võ Long Triều vào nội các của mình với tư cách Bộ trưởng Thanh niên (chức danh chính thức là Ủy viên Thanh niên). Để lấy lòng người dân miền Nam, Thủ tướng Kỳ cũng ra quyết định thành lập Đại học Cần Thơ.
Khi ông Võ Long Triều trở thành Bộ trưởng, qua trung gian đại tá Lê Quang Hiền (anh ruột của liệt sĩ Lê Quang Lộc), ông mời tôi tham gia Bộ này, lúc đầu ở cương vị phó giám đốc Nha thể thao, nhưng tôi từ chối. Sau ông lại mời tôi vào chức vụ giám đốc Nha tác động tâm lý. Cái tên Nha này nghe rất “xôm” nhưng thực chất là phụ trách tuyên truyền và báo chí. Nha này có sẵn trong sơ đồ tổ chức của Bộ Thanh niên từ trước khi ông Triều về làm Bộ trưởng.
Ngày đầu tiên tôi vào làm ở Bộ Thanh niên, đại tá Hiền đến tận nhà rước tôi bằng xe Mercedes. Cả xóm nghèo bên kinh Nhiêu Lộc tò mò ào ra xem. Trước khi nhận lời làm ở Bộ Thanh niên, tôi có ý về nhà hỏi ý kiến cha tôi. Ông vẫn chưa hết giận về chuyện tự ý lấy vợ của tôi và nhất là việc nửa đêm tôi đem vợ con trốn ra ở riêng. Không quay lại nhìn tôi, tiếp tục đọc báo, ông nói: “Có thằng điên mới mời mày làm giám đốc!”. Với ông, đó là một chuyện khó tin, vì trong con mắt của ông, tôi còn là một thằng thanh niên hư hỏng. Phần khác, bản thân ông từ tỉnh trở về Sài Gòn không tìm được cái ghế giám đốc dù ngạch trật của ông ngang với một Đốc phủ sứ (ngạch bậc cao nhất của công chức Sài Gòn trước đây). Thế mà “ông con” lại được ai đó mời làm giám đốc một Nha hẳn hòi – làm sao tin nổi!
Trong thực tế việc làm giám đốc của tôi ở Bộ Thanh niên suýt nữa không thành. Tôi vẫn đang trong tình trạng bất hợp lệ về quân dịch. Khi Bộ trưởng Võ Long Triều ký xong quyết định bổ nhiệm tôi, ông mới biết tình hình này. Ông có hơi trách tôi đã không cho ông hay trước. Nhưng thật sự mục đích chính của tôi khi nhận làm giám đốc là muốn hợp thức hóa tình trạng quân dịch của mình. Tôi xử sự như thế với người tin tưởng mình là không đúng nhưng đây là cơ hội gần như duy nhất để gỡ bỏ thế bí của tôi. Cũng nên nói rõ thêm lý do tôi “trốn quân dịch”: hoàn toàn không do sợ cầm súng ra chiến trường mà là sợ chết một cách vô nghĩa. Vào năm 1964, chiến trường miền Nam chưa ác liệt. Tôi mê làm báo, không muốn niềm say mê của mình bị gián đoạn, đó là một lý do. Nhưng lý do lớn hơn là tôi không tìm thấy trong chuyện cầm súng bảo vệ chế độ Sài Gòn một mục đích lý tưởng, một ý nghĩa nào để dấn thân.
… Nếu biết trước tôi không hợp lệ tình trạng quân dịch, rất có thể ông Triều đã không mời tôi tham gia Bộ Thanh niên. Còn khi đã lỡ rồi (đã có quyết định bổ nhiệm) nên ông phải tìm cách hợp thức hóa tình trạng của tôi. Ông Triều có quan hệ khá thân với đại tá Nguyễn Đình Vinh, đổng lý văn phòng Bộ Quốc phòng (lúc này, Bộ trưởng Quốc phòng là trung tướng Nguyễn Hữu Có). Nhờ sự can thiệp của đại tá Vinh với đại tá Bùi Đình Đạm, giám đốc Nha động viên, tôi được cấp giấy tạm hoãn quân dịch một khóa (khóa mà tôi không trình diện) và phải trình diện ở khóa tới. Và như thế coi như tôi được hợp thức tình trạng quân dịch bất hợp lệ trước đây của tôi. Nếu diễn tiến các sự việc bình thường, tôi phải nhập ngũ trong bốn tháng tới. Điều tôi không thể nào ngờ là cái giấy hoãn dịch ấy, đến đúng lúc đã giúp tôi có một bước ngoặt hết sức quan trọng trong cuộc đời mình.
Ngày 6-6-1965, Ủy ban lãnh đạo quốc gia, một định chế do quân đội lập ra gồm các tướng lãnh, đứng đầu là trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, đóng vai quốc trưởng (còn thiếu tướng Kỳ, chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương, đóng vai trò thủ tướng) dưới sức ép của Mỹ buộc phải tuyên bố tổ chức Quốc hội lập hiến. Sắc lệnh tổ chức bầu cử do tướng Kỳ ký hai tuần sau đó, ấn định ngày bầu cử là 11-9-1966. Ý đồ của Mỹ là tạo ra một nền tảng pháp lý và dân chủ do chính quyền Sài Gòn, từ đó sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam, núp dưới chiêu bài theo yêu cầu của chính quyền Sài Gòn, cũng có cơ sở pháp lý với quốc tế.
Cả ông Thiệu và ông Kỳ đều hiểu rằng đây cũng là lúc Washington sẽ chọn chính thức – trong hai người, ai sẽ đứng đầu miền Nam vì tiếp theo cuộc bầu Quốc hội lập hiến, sẽ là cuộc bầu cử tổng thống. Người Mỹ được chọn ra ứng cử sẽ đương nhiên đắc cử vào vị trí này. Cuộc chạy đua giành ảnh hưởng và gây thế lực giữa hai người đã diễn ra ngay sau khi ngày bầu cử Quốc hội lập hiến được công bố. Ông Thiệu và ông Kỳ đều muốn rằng đa số dân biểu trong quốc hội sắp tới là người của mình. Do đó cả hai phía đều tung ra tay chân để tập hợp lực lượng, đưa người ra ứng cử vào quốc hội.
Từ khi lên làm thủ tướng, ông Kỳ tìm cách lấy thêm hậu thuẫn ở cánh trí thức miền Nam để lấp vào chỗ yếu nhất của mình. Ông là người miền Bắc di cư vào Nam năm 1954. Người làm trung gian đắc lực cho ông Kỳ trong ý đồ này là kỹ sư Bộ trưởng Thanh Niên Võ Long Triều. Chính ông Triều đã “thầy dùi” cho thủ tướng Kỳ ký quyết định thành lập Đại học Cần Thơ. Tôi cũng đã chứng kiến một nỗ lực khác của Kỳ, qua trung gian ông Triều, nhằm lôi kéo trí thức miền Nam vào chính phủ của ông ta. Thời gian này tôi đang làm giám đốc ở Bộ Thanh niên. Ông Triều thay mặt thủ tướng Kỳ mời một nhóm trí thức miền Nam như Âu Trường Thanh, Nguyễn Văn Trường, Khương Hữu Diểu, Âu Ngọc Hồ, Nguyễn Văn Bông, Trương Văn Thuấn đến nhà riêng của tướng Kỳ nằm trong một khu đặc biệt ở sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi cũng có mặt trong cuộc gặp gỡ này. Ông Nguyễn Cao Kỳ xuất hiện trong bộ đồ bay phi công. Sau khi nâng ly và có vài lời thăm hỏi xã giao với khách, ông Kỳ đi thẳng vào mục đích cuộc gặp gỡ. Đầu tiên ông than phiền cụ ngoại trưởng Trần Văn Đỗ già quá, đi họp với Mỹ ở Honolulu (đầu tháng 2 năm 1966) mà ho sù sụ, do đó ông muốn trẻ hóa nội các. Ông cũng muốn đính chính một cách cụ thể nội các của ông không phân biệt Nam Bắc bằng cách muốn mời nhiều người miền Nam tham gia chính phủ của ông. Đến đây nhìn những vị khách ngồi trước mặt mình, ông Kỳ nói: “Tôi chính thức mời tất cả quý vị có mặt ở đây tham gia chính phủ. Quí vị cần trả lời đồng ý là tôi bổ nhiệm”. Ngay lúc đó không ai trả lời “đồng ý” với ông Kỳ. Nhưng sau đó, nội các của ông Kỳ cũng “kéo” được bốn người miền Nam tham gia: Âu Trường Thanh (Bộ trưởng tài chánh), Trương Văn Thuấn (Bộ trưởng giao thông), Nguyễn Văn Trường (Bộ trưởng giáo dục), Trương Thái Tôn (Bộ trưởng kinh tế), không kể Võ Long Triều được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thanh niên trước đó. Tướng Kỳ tha thiết mời ông Nguyễn Văn Bông, đang là Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh, làm bộ trưởng tại Phủ tướng nhưng ông Bông từ chối. Có thể tướng Kỳ không biết hoặc biết nhưng phớt lờ, sở dĩ ông Bông không quan tâm tới lời mời của ông là vì chính ông Bông đang nuôi tham vọng giành lấy chức vụ thủ tướng của tướng Kỳ. Hơn nữa còn phải hiểu khuynh hướng chính trị của ông Bông gần với trung tướng Thiệu hơn là thiếu tướng Kỳ. Có lẽ trên thế giới chưa có một thủ tướng nào mời người tham gia nội các một cách độc đáo như thế!
Trở lại cuộc chạy đua giành ảnh hưởng trong quốc hội lập hiến giữa hai tướng Thiệu, Kỳ, phía nào cũng tìm cách đưa người của mình ra ứng cử. Ông Triều là một trong những đầu mối tập hợp quân cho tướng Kỳ. Dĩ nhiên khi làm việc này, ông Triều cũng nhằm củng cố cho mình một hậu thuẫn riêng có thể mặc cả có lợi cho mình trên sân khấu chính trị sắp tới. Theo tôi hiểu, người tài trợ cho các ứng cử viên dân biểu được ông Triều tập hợp chính thức là tướng Kỳ chứ không ai khác. Rất có thể ông Kỳ đã lấy tiền từ quỹ đen (caisse noire) dành cho thủ tướng để chi. Trong số những người được ông Triều đưa vào danh sách ứng cử có tôi. Nhưng trong kế hoạch ban đầu của ông Triều, tôi chỉ đóng vai người lót đường trong một liên danh ứng cử mà người đứng đầu là ông Nguyễn Bá Nhẫn, một người bạn thân của ông Triều, đang là tổng cục trưởng Tổng cục tiếp liệu.
Thể thức bầu cử Quốc hội lập hiến, theo liên danh tỷ lệ, tiến hành như sau: chẳng hạn như đơn vị tôi ra ứng cử là đơn vị 3 Sài Gòn gồm các quận 4, 6, 7, 8, có khoảng 250 ngàn cử tri bầu 5 dân biểu. Như vậy trên lý thuyết 1 dân biểu đại diện cho 50 ngàn cử tri. Mỗi liên danh ứng cử gồm 5 người. Nếu có liên danh nào lấy được tất cả 250 ngàn phiếu thì giành trọn 5 ghế dân biểu về mình, cũng có nghĩa cả 5 người trong liên danh đều trúng cử. Điều đó trong thực tế không thể xảy ra. Liên danh về đầu khó đoạt hơn 2 ghế, bởi muốn đoạt 2 ghế phải giành ít nhất từ 75 ngàn phiếu trở lên (3 ghế phải trên 125 ngàn phiếu). Các liên danh kế tiếp thường chỉ đoạt số phiếu 50 ngàn trở xuống và giành tối đa 1 ghế. Do đó gần như chỉ có người đứng đầu liên danh mới hi vọng đắc cử. Trong liên danh của ông Nguyễn Bá Nhẫn, gồm 5 người, tôi đứng thứ hai sau ông. Tôi không có tham vọng chính trị và cũng chưa ý thức được vào quốc hội để làm gì nên bình thản chấp nhận vai trò “người lót đường” theo yêu cầu của ông Võ Long Triều, lúc đó vừa là người đứng đầu một tập hợp chính trị có tên Phong trào Phục hưng Miền Nam (PTPHMN). PTPHMN qui tụ một số trí thức trẻ miền Nam, phần nhiều là nhà giáo – học trò cũ của các giáo sư Lý Chánh Trung và Nguyễn Văn Trường. Ông Triều và ông Trung đều là người Công giáo và là bạn thân thiết với nhau trong thời điểm đó. Tôi cũng có tham gia phong trào này lúc ban đầu. Các liên danh do ông Triều thúc đẩy ra ứng cử tại Sài Gòn và một số tỉnh miền Tây đều trương bảng hiệu PTPHMN. Phong trào này không đề ra một cương lĩnh chính trị rõ ràng, chủ yếu chỉ đề cao tình yêu nước chung chung, và kêu gọi góp sức phục hưng các giá trị truyền thống của miền Nam Việt Nam. Với sự hỗ trợ tích cực phía sau của thủ tướng Kỳ, ông Triều và những người bạn thân thiết của ông như Hồ Văn Minh, Hồ Ngọc Nhuận, Hoàng Ngọc Tuệ, Đỗ Ngọc Yến, Trần Văn Ngô còn thành lập một phong trào hoạt động xã hội có tên là “Phong trào phát triển quận 8”. Phong trào này nhằm hô hào chính quyền và dân chúng góp tay biến các khu ổ chuột thành những khu dân cư khang trang.
Chỉ còn không đầy một tuần hết hạn nộp đơn ứng cử thì xảy ra một sự kiện hoàn toàn bất ngờ: ông Nguyễn Bá Nhẫn thông báo cho ông Triều quyết định rút tên của ông. Lý do chính thức ông Nhẫn nêu ra thật hết sức lạ: mẹ ông không đồng ý cho ông tham gia chính trị. Thật hư thế nào không thể biết được. Nhưng hậu quả là thời gian còn lại quá cận kề, ông Triều chỉ còn cách yêu cầu tôi thay ông Nhẫn, tức đôn tên tôi lên và tìm thêm một người bổ sung vào vị trí độn (tôi mời một nhà báo Hoa văn có quốc tịch Việt Nam bổ sung cho đủ danh sách năm người). Việc ông Nhẫn rút lui, với tôi như một thứ định mệnh: nó làm thay đổi dòng chảy của đời tôi. Từ lãnh vực báo chí, tôi bước sang lãnh vực chính trị một cách hết sức tình cờ! Kết quả liên danh của tôi về thứ ba với khoảng 40 ngàn phiếu (được một ghế) sau liên danh của dược sĩ La Thành Nghệ (có trên 75 ngàn phiếu giành 2 ghế) và liên danh của Văn Công Đính, một cựu nghị viện Hội đồng thành phố (được trên 50 ngàn phiếu cũng chỉ được 1 ghế). Liên danh về thứ tư của một giáo viên, ông Nguyễn Văn Sâm, giành chiếc ghế dân biểu cuối cùng của đơn vị Sài Gòn. Vào thời điểm này rất ít ai biết tôi, vì tôi còn quá trẻ, chưa từng tham gia hoạt động chính trị, thời gian hoạt động báo chí cũng ngắn ngủi – nên đạt vị trí thứ ba trên năm liên danh là khá lắm rồi. Nếu cuộc bầu cử này không theo thể thức liên danh tỷ lệ thì chắc chắn tôi không có chút hi vọng nào. Mục đích của thể thức liên danh tỷ lệ nhằm thành lập một quốc hội làm Hiến pháp với sự tham gia của đại diện nhiều đảng phái và khuynh hướng chính trị khác nhau, dĩ nhiên ngoại trừ những người cộng sản. Cuộc tham gia vào chính trường miền Nam của tôi bắt đầu như thế - không do tôi chủ động và với quá nhiều tình cờ không thể tưởng tượng (nhưng hầu như đều thuận lợi cho tôi).
Thế là trong vòng không đầy một năm, từ một sinh viên bỏ học dở dang, trốn quân dịch, mới tập tễnh với nghề viết báo, tôi trở thành giám đốc ở Bộ Thanh niên rồi bây giờ là dân biểu Quốc hội! Lúc đó tôi tròn 26 tuổi.
Khi tôi làm giám đốc Nha tác động tâm lý tại Bộ Thanh Niên, dưới quyền tôi có hai chánh sự vụ (tương đương với trưởng phòng hiện nay, cả hai đều tốt nghiệp Học viện quốc gia hành chánh. Một người tốt nghiệp khóa 3 (anh Nguyễn Dõng )và một người tốt nghiệp khóa 6 (anh Đỗ Tiến Đức). Tôi cũng học trường này nhưng lại bỏ ngang; khóa học của tôi là khóa 10, lúc tôi làm giám đốc, khóa của tôi vẫn còn một năm nữa mới tốt nghiệp! Làm thế nào để hai người thuộc thế hệ đàn anh rất xa mình, tốt nghiệp trước mình từ 4 đến 7 năm, lại chấp nhận cộng tác dưới quyền mình – quả thật không đơn giản. Tôi còn nhớ ngày đầu tiên tôi đến bộ Thanh niên để nhận nhiệm vụ, anh Đỗ Tiến Đức (sau này làm giám đốc Trung tâm điện ảnh quốc gia ở Sài Gòn) đã đưa tôi đi giới thiệu với các nhân viên trong Nha với một thái độ gần như thiếu kính trọng đối với tôi – một cấp trên vừa nhỏ tuổi đời, lại học dưới ông quá xa. Tôi bình tĩnh và phớt lờ như chẳng thấy gì cả. Nhưng liền sau đó tôi cho mời cả hai ông chánh sự vụ vào phòng tôi và nhấn mạnh cho hai ông rõ chức vụ giám đốc của tôi được Bộ trưởng trao là nhiệm vụ chính trị (fonction politique) chứ không phải một chức vụ thuần về hành chính. Về mặt điều hành hành chính của Nha, hai ông vẫn là những người chịu trách nhiệm chính; các văn bản và đề xuất do hai ông trình ký phải có chữ ký tắt của một trong hai người, chịu trách nhiệm trước về mặt quy cách hành chính.
Một thời gian sau có lệnh tổng động viên, mỗi cơ quan chỉ được giữ lại một người ở tuổi quân dịch thuộc diện gọi là “tối cần thiết”. Ông Đỗ Tiến Đức xin gặp tôi để biết số phận của ông ra sao. Ông trình bày với tôi nếu ông không được tôi xếp vào loại nhân viên “tối cần thiết” thì cho ông biết sớm, để ông “chạy” một nơi khác có thể giữ ông lại khỏi đi quân dịch. Tôi trả lời: “Ông Đức yên tâm. Người được xếp vào loại tối cần thiết ở Nha này là ông, chứ không ai khác”. Khi bước vào phòng tôi, tôi nghĩ ông Đức đang chờ đợi nhận một câu trả lời như thế bởi ông chưa quên được thái độ của ông trong ngày đầu ông giới thiệu tôi với nhân viên của Nha như thế nào.
Tại Nha tôi điều hành còn có một tạp chí chuyên đề thanh niên do nhà văn Lê Tất Điều phụ trách. Tôi đã từng đọc và thích thú một số tác phẩm của Lê Tất Điều nên khi gặp anh trực tiếp tại Bộ Thanh niên tôi không giấu giếm tình cảm của mình dành cho anh.
Cũng chính trong thời gian tôi cộng tác với ông Triều tại Bộ Thanh niên – thể thao, bóng đá Việt Nam đạt đỉnh cao ở Đông Nam Á: đoạt danh hiệu vô địch Merdeka, một giải có qui mô tương đương với Tiger Cup sau này. Tôi có tham dự buổi chiêu đãi của Bộ Thanh niên dành cho đoàn quân chiến thắng mà cầu thủ nổi bật là Tam Lang. Nhưng cần nói ngay, vai trò về mặt nhà nước của Bộ Thanh niên đối với bóng đá lúc đó hoàn toàn khác. Sinh mệnh của làng bóng đỉnh cao hoàn toàn nằm trong tay của Tổng cụ bóng tròn, một tổ chức 100% xã hội hóa.
Khi tôi vào Quốc hội sau đó, hành trang chính trị của tôi hầu như chẳng có gì, vì tôi chưa từng trải qua một ngày học luật và chưa từng có những hoạt động chính trị đúng nghĩa. Tuy nhiên phải nói rằng thời gian hòa nhập vào làng báo trong 3 năm (từ 1963 đến 1966) cũng giúp tôi có một số hiểu biết về tình hình đất nước và hình thành bước đầu thái độ chính trị của mình. Lập trường của tôi trong Quốc hội ở những ngày đầu tiên là sự khẳng định lại quan điểm chính trị mà mình đã từng phát biểu trên báo chí. Dù đây là một Quốc hội làm hiến pháp nhưng tôi nghĩ trước hết nó phải là diễn đàn của dân và vì dân và tiếng nói quan trọng nhất đối với một dân biểu trên diễn đàn Quốc hội vào thời điểm đó nhất thiết phải là tiếng nói đấu tranh cho dân chủ và công bằng, tiếng nói đòi chấm dứt chiến tranh, chống lại sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam.