Không khí tại Dinh Hoa Lan rộn rịp lên sau tuyên bố từ chức của ông Thiệu.
Cựu trung tướng Trần Văn Đôn, nghị sĩ quốc hội, thất bại trong toan tính tự giới thiệu mình với Pháp như một ứng cử thay Thiệu, giờ chót quyết định ủng hộ người bạn xưa của ông là cựu trung tướng Dương Văn Minh. Tướng Đôn trước đây hầu như không thấy xuất hiện ở Dinh Hoa Lan, bây giờ vô ra thường xuyên. Tuy Dương Văn Minh và Trần Văn Đôn cùng tham gia cuộc lật đổ hai anh em Diệm-Nhu và đều xuất là những sĩ quan quân đội Pháp nhưng ngoài đời hai người rất ít quan hệ với nhau vì tánh tình rất khác nhau. Ông Minh thích thể thao từ nhỏ, đã từng là thủ môn của đội bóng Thủ Dầu Một những năm 40, một đấu thủ quần vợt có hạng và mãi sau này ông vẫn cầm vợt ra sân tuần ba buổi tại câu lạc bộ CSS. Khác với phần đông các tướng lãnh Sài Gòn đều mê gái, ông Minh có một cuộc sống gia đình rất gương mẫu. Tướng Đôn ngược hẳn: ông như nhân vật Don Juan, các phụ nữ đẹp trong giới thượng lưu Sài Gòn khó thoát khỏi tay ông nếu lọt vào tầm ngắm của ông. Dù không hợp nhau nhưng Minh và Đôn vẫn tôn trọng nhau.
Người ta cũng thấy xuất hiện một số tướng về hưu như trung tướng Nguyễn Hữu Có, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh... Thẳng thắn mà nói số tướng tá chung quanh ông Minh lúc này không có nhiều và cũng ít có gương mặt nổi bật. Các tướng tá đương quyền, thuộc thế hệ sau, đều phò Thiệu hoặc Kỳ. Nếu xảy ra một cuộc đối đầu quyền lực với Nguyễn Cao Kỳ, chắc chắn nhóm ông Minh sẽ gặp khó khăn. Lực lượng của ông Minh quá mỏng. Do lâu ngày tách khỏi quân đội, ông Minh không còn tay chân thân tình của mình trong hàng tướng tá. Trong các buổi họp hàng tuần của nhóm ông Minh chỉ thấy mặt hai nhân vật quân sự thuộc thế hệ đã qua: đó là cựu trung tướng Mai Hữu Xuân và cựu trung tướng Lê Văn Nghiêm, đều không còn ảnh hưởng trong quân đội.
Khi nhân vật tình báo Mỹ Charles Timmes gián tiếp nói cho Kỳ biết đại sứ Mỹ Martin ủng hộ giải pháp Dương Văn Minh và không ủng hộ cá nhân ông, Kỳ không giấu giếm lập trường của ông là sẽ chống ông Minh không khác chống cộng sản. Tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ vẫn nuôi tham vọng tại chính trường.
Ngay sau khi Thiệu ra lệnh rút khỏi Ban Mê Thuột, từ Khánh Dương trên Cao Nguyên - nơi ông có một nông trại - Kỳ đáp máy bay trực thăng về Sài Gòn nhờ tướng Cao Văn Viên, đang là tổng tham mưu trưởng, thuyết phục Thiệu giao quân cho Kỳ đi ngăn chặn sự tiến quân của quân giải phóng và bảo vệ Sài Gòn. Trong hồi ký của mình (
Budda’s Child)
, Kỳ kể đã gặp Cao Văn Viên.
Kỳ hỏi: “Tình hình Ban Mê Thuột thế nào rồi?”. Viên đáp: “Rất khó khăn. Chúng ta không có thừa quân vì phải bảo vệ Sài Gòn”. Kỳ: ‘‘Tôi không cần nhiều quân. Cho tôi vài tiểu đoàn thủy quân lục chiến hoặc dù, và chừng 20 đến 25 chiến xạ, tôi sẽ tìm cách phá vỡ sự bao vây. Tôi sẽ trực diện với quân địch và chiến đấu”. Dừng một lúc, Kỳ hỏi Viên: “Anh có nghĩ tôi sẽ thành công” Viên trả lời: “Nếu anh chỉ huy lực lượng đó, tôi nghĩ là thành công”. Kỳ: ‘‘Vậy thì hãy để tôi hành động”. Viên: “Đáng tiếc tôi không ở vào vị trí có thể lấy một quyết định như thế. Quyết định này thuộc thẩm quyền của tổng thống Thiệu”. Kỳ: ‘‘Ô kê, hãy gọi Thiệu, báo cho ông ta tôi đang ở đây và nói với ông ta biết đề nghị của tôi…” Viên gọi điện cho Thiệu, nhưng tổng tham mưu trưởng không nói chuyện được với vị tổng chỉ huy của mình. Thông qua một tùy viên của Thiệu, Viên để lại một báo cáo. Nhưng sau đó, viên trợ lý này gọi lại tướng Viên và cho biết: “Tổng thống cảm ơn tướng Kỳ rất nhiều về đề nghị của ông nhưng tổng thống cần có thời gian để suy nghĩ về đề nghị của ông”. 27 năm có đủ lâu để suy nghĩ cho một quyết định như thế? Tôi vẫn chờ câu trả lời của Thiệu. Có lẽ ông ta sợ tôi sẽ làm gì đó tại Sài Gòn với đơn vị xe tăng hơn là sợ đối phương có thể làm gì với quốc gia”. Thật sự đây chỉ là canh bạc xì phé mà Kỳ tung ra với Thiệu. Cả Cao Văn Viên và Nguyễn Văn Thiệu không ai tin rằng Kỳ sẽ cầm quân ra mặt trận vào lúc đó sinh mạng sống của mình để bảo vệ cái ghế của Thiệu. Điều mà cả hai nghĩ là có quân trong tay Kỳ sẽ tính tới lật đổ Thiệu và giành lấy quyền bính mà ông ta đã để lọt ra khỏi tay hồi năm 1967
. Tự cho mình quá hiểu Kỳ, Thiệu đương nhiên gạt qua một bên “đề nghị viển vông” ấy.
Vào lúc CIA có ý định lật đổ Thiệu, ông Kỳ lại được nhà báo Mỹ Robert Shaplen của báo New Yorker tích cực vận động để quay trở lại chính quyền. Từ đầu Shaplen luôn ủng hộ Kỳ. Shaplen có ảnh hưởng khá lớn đối với tòa đại sứ Mỹ, nhưng cuộc vận động này nếu quân giải phóng chưa vào Sài Gòn, ngày 30-4-1975, chắc chắn Kỳ cũng sẽ tìm cách đảo chính ông Minh.
Ngày 25-4-1975, ông Thiệu rời Sài Gòn một cách bí mật; địa chỉ đến là Đài Loan. Trước đó quyền tổng thống Trần Văn Hương thúc hối đại sứ Martin phải áp lực ông Thiệu rời Việt Nam sớm bởi “sự hiện diện hiện diện của ông Thiệu gây khó khăn cho ông”! Từ ngày 21-4 sau khi tuyên bố từ chức, ông Thiệu và gia đình vẫn ở trong Dinh Độc Lập. Ông Thiệu rời Dinh Độc Lập vào lúc 7 giờ 30 tối. Cùng đi với ông Thiệu có tướng Trần Thiện Khiêm, cựu thủ tướng và là bạn thân của Thiệu. Bà Thiệu và bà Khiêm đã rời Sài Gòn trước đó vài ngày. Bà Khiêm mang theo cả người giúp việc. Theo sự tố giác của linh mục Đinh Bình Định, người rất gần gũi với linh mục Trần Hữu Thanh, thì trong quân đội vào đầu tháng 3 có nhen nhúm một kế hoạch kết hợp Thiệu và Khiêm thành một liên danh tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 3 vào cuối năm 1975, nếu chế độ Sài Gòn còn kéo dài. Chính Thiệu cũng từng tiết lộ kế hoạch này với đại sứ Martin và cho rằng nếu ông làm tổng thống một nhiệm kỳ nữa thì ông sẽ có điều kiện để mở rộng dân chủ!
Chi tiết về cuộc “trốn chạy” của ông Thiệu – vâng phải gọi đó là một cuộc trốn chạy – được các tài liệu CIA sau này tiết lộ như sau:
Ngày 25-4-1975, đại sứ Martin điện cho Kissinger báo rằng ông đã nghĩ ra cách đưa Thiệu và Khiêm rời khỏi miền Nam một cách bí mật. Martin cho tướng Mỹ Timmes tổ chức cuộc ra đi của Thiệu.
Timmes điện cho Thiệu và cho biết ông ta có thể dùng một chiếc trực thăng để đưa Thiệu từ Dinh Độc Lập đến phi trường Tân Sơn Nhất. Nhưng ông Thiệu trả lời rằng ông ta muốn đi ô tô để ghé tổng tham mưu trước và “uống một ly rượu với 22 tướng tá” đến chào từ biệt ông ta tại đây. Hình như nơi Thiệu và Khiêm ghé lại là nhà riêng của ông Khiêm. Từ tổng tham mưu, chính nhân viên, chính nhân viên CIA Frank Snepp và tướng Timmes đưa Thiệu và Khiêm ra sân bay. Timmes giới thiệu Snepp với Thiệu: “Đây là một chuyên viên phân tích cừ khôi của tòa đại sứ, hơn nữa anh còn là một tài xế đẳng cấp”. Khi ô tô đi vào sân bay quân sự Tân Sơn Nhất, Timmes khuyên ông Thiệu cúi người xuống “như thế an toàn cho tổng thống”. Timmes sợ lính gác nhận ra tổng thống của họ chạy ra nước ngoài và biết đâu sẽ manh động. Timmes hỏi thăm bà Thiệu và con gái, ông Thiệu trả lời: “Họ đang shopping ở London mua đồ cổ”. Đại sứ Martin đứng chờ sẵn ông Thiệu bên cạnh chiếc máy bay C-118. Trước khi lên máy bay ông Thiệu vỗ vai cảm ơn Frank Snepp. Trong bài viết riêng của mình liên quan đến phút giây này trong quyển
The Vietnam War rememberd from all sides của Christian G. Appy, Frank Snepp có kể rằng ông Thiệu bắt tay Snepp và nói “tiếng Anh bằng giọng Pháp” với Snepp rằng: “Cảm ơn, cảm ơn tất cả mọi chuyện”. Nhưng sau đó Snepp lại tự hỏi ông Thiệu cảm ơn chuyện gì? “Tôi nghĩ chúng ta (tức người Mỹ) đã mất 58.000 thanh niên tại đây – ông Thiệu cảm ơn chuyện đó? Hay đơn giản cảm ơn vì bản thân mình chuồn đi được?”. Đại sứ Martin theo Thiệu vào tận bên trong máy bay. Ông ta nói với Thiệu “Chúc may mắn” rồi mới bước bước trở xuống lên ô tô của mình. Chuyến bay của Thiệu mang số 231 đi Đài Loan vào lúc 9 giờ 20. Có tin đồn Thiệu mang theo 16 tấn vàng của ngân khố Sài Gòn. Thật sự số vàng vẫn ở lại miền Nam. Nhưng theo Kỳ thì “Thiệu mang theo tấn hành lý và nhiều triệu đô la tiền mặt. Ông ta không chuồn với số vàng của ngân khố quốc gia”.
Dân Sài Gòn dửng dưng (và không ngạc nhiên) khi hay sự “trốn chạy” của Thiệu ra nước ngoài. Họ không ngạc nhiên vì Nam Việt Nam đã từng chứng kiến không biết bao nhiêu những cuộc đào tẩu như thế của những kẻ một thời lãnh đạo miền Nam. Trường hợp của ông Thiệu cũng thế thôi, nằm trong sự dự đoán trước của nhiều người. Trung tá phi công Minh, bạn học của Hoàng Đức Nhã ở Lycée Yersin Đà Lạt, được Nhã kéo về chỉ huy đội bay trực thăng riêng của tổng thống Thiệu trong nhiều năm, gặp tôi tại Dinh Độc Lập tối 29-4-1975 đã bày tỏ sự bất mãn của anh với cách cư xử của Thiệu với những người đã từng là thân tín của ông ta. Tại Lycée Yersin, trung tá Minh học trên tôi hai lớp và chúng tôi từng quen biết nhau. Trung tá Minh kể rằng ông Thiệu chẳng nói gì với anh trước khi ra đi mặc dù anh là người bảo đảm tính mạng, sự an toàn cho ông Thiệu trong nhiều năm. Thiệu không cần quan tâm số phận người cộng sự thân tín của mình với gia đình anh ta rồi sẽ ra sao. Không một lời an ủi hay một cử chỉ giúp đỡ trước khi ra đi, mặc dù ông Thiệu dư biết trung tá Mình không dư dả gì trong vị trí công tác của mình. Cái đáng phục ở trung tá Minh là dù sau đó anh có điều kiện ra đi an toàn với chiếc trực thăng mà anh đang lái nhưng anh vẫn quyết định ở lại.
Ngày 25-4-1975, ông Thiệu rời Sài Gòn đi Đài Loan, coi như cuộc chiến ở Việt Nam qua 4 thời tổng thống Mỹ kết thúc.
Một sự thất trận hoàn toàn và đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Tuần lễ còn lại chỉ là thủ tục chính thức khai tử cuộc chiến đã trở thành nỗi nhục và vết thương không thể hàn gắn trong nhiều thế hệ người Mỹ.
Thật ra Washington đã thấy trước sự sụp đổ của miền Nam, đặc biệt từ sau quyết định của Thiệu rứt khỏi Ban Mê Thuột. Trong hồi ký của mình, Kissinger tiết lộ vào thời điểm đó, ông không tin rằng Pháp sẽ dàn xếp được một giải pháp chính trị nào đó. Các cuộc vận động của Pháp phản ánh sự tiếc nhớ của một thời thực dân đã mất ở Đông Dương hơn là đạt tới một dàn xếp thực tiễn. Do đó, từ đầu tháng 4-1975, Mỹ đã tiến hành âm thầm những chuẩn bị cho một cuộc rút chân hoàn toàn khỏi Việt Nam, làm thế nào diễn ra an toàn nhất. Kế hoạch của Mỹ là phải đưa 6000 người Mỹ và khoảng 10.000 người Việt Nam đã từng cộng tác với Mỹ ra khỏi Việt Nam.
Về những ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn, xem lại các tài liệu, người ta đi đến kết luận đại sự Graham Martin “lì” hơn tổng thống Thiệu. Ông ta không tìm cách bỏ chạy sớm như Thiệu. Sau khi Thiệu ra lệnh rút khỏi Cao nguyên, lúc đầu đại sứ Martin vẫn hy vọng thực hiện một tuyến phòng thủ cho Nha Trang, Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long để giữ lại phần đất sau cùng - một đề nghị khi được thông báo về Washington đã làm điên tiết Phil Habib, trợ lý các vấn đề Đông Nam Á của tổng thống Mỹ. Và đến khi chế độ Sài Gòn sụp đổ đến nơi thì Martin vẫn hi vọng đạt tới giải pháp chính trị chính phủ liên hiệp ba thành phần (!). Washington coi các suy nghĩ của Martin là ảo tưởng. Quốc hội Mỹ mỗi ngày áp lực mạnh mẽ hơn buộc tổng thống Ford phải tiến hành khẩn cấp lệnh di tản. Ngày 14-4-l975, cả Ủy ban ngoại giao thượng viện Mỹ gọi điện trực tiếp cho tồng thống Ford tại Cabinet Room - phòng làm việc riêng của tổng thống để thúc hối tổng thống ra lệnh di tản ngay. Chuyện này chưa từng xảy ra từ thời tổng thống Woodrow Wilson. Bộ trường quốc phòng James Schlesinger và ngoại trưởng Kissinger cố gắng trình bày tình hình quân sự cho các thượng nghị sĩ nghe. Nhưng các nghị sĩ trong Ủy ban ngoại giao Mỹ phản ứng lại rằng lúc này khôngcòn là lúc bàn cãi các giải pháp mà phải nhanh chóng di tản người Mỹ, “không được kéo dài thời gian để cứu người Việt Nam” (chi tiết này trích trong hồi ký
“Ending The War” của Henry Kissinger).
Trong hồi ký của mình, tổng thống Ford kể rằng ông đã gửi cho Martin một bức điện nêu ý kiến rõ ràng:
‘‘rút ra nhanh”. “Tôi sẽ cho ông một số tiền lớn để thực hiện cuộc di tản”. Nhưng Ford kể thêm rằng nghị sĩ Jacob Javits, thuộc New York, lưu ý “đừng dùng số tiền đó như một một viện trợ quân sự trá hình”. Nghị sĩ Frank Church (Idaho) thấy việc cấp tiền cho sứ quán Mỹ có thể sinh ra vấn đề nghiêm trọng, có thể dẫn tới “sự dính líu của chúng ta và một cuộc chiến mở rộng nếu chúng ta có gắng di tản tất cả những người Việt Nam đã trung thành với chúng ta”. Còn nghị sĩ Joseph Biden (Delaware) lặp lại rằng “Tôi không biểu quyết thêm một số tiền nào để đưa người Mỹ ra khỏi Việt Nam. Tôi không muốn điều này dính líu với việc di tản người Việt Nam”.
Vào lúc này, chuyện di tản người Việt Nam đã từng làm việc với người Mỹ, bị nhiều nghị sĩ coi như “một thứ nợ đời phiền toái”, một yếu tố có thể làm liên lụy đến sự an toàn của người Mỹ khi rút ra khỏi Việt Nam.
Cuối cùng Martin phải tuân lệnh di tản từ Washington nhưng ông vẫn tìm cách thực hiện quyết định này theo ý mình: kéo dài thời gian di tản người Mỹ để hạn chế sự hoảng loạn trong số người Việt dính líu với Mỹ muốn rời khỏi miền Nam.
Kế hoạch di tản của người Mỹ khởi động từ ngày 21-4-1975, liên tục cả ngày và đêm, ban ngày với máy bay C-141s, ban đêm với máy bay C130s. Những người không quan trọng được đi trước.
Để thực hiện cuộc di tản an toàn, tòa đại sứ Mỹ cần duy trì sự tồn tại chế độ Sài Gòn càng lâu càng tốt. Đại sứ Martin khi chấp nhận quan điểm của đại sự Pháp Jean Marie Merillon cần ủng hộ ông Minh thay thế ông Hương cũng vì mục tiêu ấy mà thôi. Thời gian còn lại không còn nhiều nhưng ông Hương vẫn không chịu rời khỏi cái ghế quyền tổng thống của mình bất kể áp lực từ các sứ quán Pháp và Mỹ. Bám vào lập luận mình thay Thiệu đúng theo hiến pháp, ông Hương buộc những người muốn thay ông cũng phải thông qua hiến pháp và quốc hội. Là một người ngấm ngầm say mê quyền lực, ông Hương vẫn mơ làm tổng thống và tự coi minh là một Charles De Gaulle mà ông rất ngưỡng mộ. De Gaul1e là vị cứu tinh của nhân dân Pháp trong thế chiến thứ hai, còn ông Hương thì tưởng tượng rằng mình có sứ mạng cứu Sài Gòn trước “cuộc xâm lăng của cộng sản”. Do đó khi đã có quyền lực trong tay rồi ông không dễ dàng buông ra.
Thế là các nỗ lực nhằm đẩy ông Hương ra khỏi chiếc ghế tổng thống phải hướng sang quốc hội. Ngày 26-4-l975, lưỡng viện quốc hội được triệu tập để nghe ảnh hình quân sự và quyết định người thay quyền tổng thống Trần Văn Hương. Chỉ có 136 dân biểu nghị sĩ hiện diện trên tổng số 219. Rất đông trong số họ đã chuồn ra nước ngoài. Phiên họp lưỡng viện có mặt cựu tướng Trần Văn Đôn với tư cách bộ trưởng quốc phòng, đại tướng Cao Văn Viên - tổng tham mưu trưởng quân đội VNCH, trung tướng Nguyễn Khắc Bình - tổng giám đốc cảnh sát, trung tướng Nguyễn Văn Minh - tổng trấn Sài Gòn. Các nhân vật quân sự này lần lượt thuyết trình cho các nghị sĩ và dân biểu nghe tình hình quân sự tuyệt vọng của Sài Gòn với sự dẫn chứng cụ thể trên bản đồ. Quân VNCH chỉ có 60.000 người để bảo vệ Sài Gòn. Lúc này quân giải phóng cũng có một quân số như thế nhưng tăng lên nhanh chóng từng giờ. Phần thuyết trình quân sự nhằm thuyết phục các dân biểu nghị sĩ sớm biểu quyết sự thay thế ông Hương để tìm một giải pháp chính trị. Tiếp liền đó là cuộc thảo luận của quốc hội. Có mặt trong phiên họp này ở tầng lầu trên dành cho khách còn có đại diện các tòa đại sứ, đông đảo phóng viên nước ngoài.
Các dân biểu, nghị sĩ tham dự đều biết mục đích phiên họp là đưa ông Minh lên thay ông Hương nhưng cuộc thảo luận có lúc giậm chân tại chỗ và tưởng đâu bế tắc. Những dân biểu, nghị sĩ từng bị gọi là “gia nô” vì bán mình cho tổng thống Thiệu - họ nắm đa số trong cả Thượng viện lẫn Hạ viện - do dự trong biểu quyết trao quyền ông Minh vì hai lý do: 1. Sợ phe đối lập (tức phe ông Minh) lên nắm quyền sẽ trả thù họ. 2. Sợ quân giải phóng vào Sài Gòn quá nhanh chạy không kịp sẽ nguy hại tính mạng.
Nắm rõ ảnh hình này, trong giờ giải lao tôi tiếp xúc với một số dân biểu và nghị sĩ có ảnh hưởng ở phía thân chính và đưa ra thẳng đề nghị trao đồi như sau: 1. Sẽ không có ai trong phe thân chính quyền bị trả thù vì hoạt động ủng hộ Thiệu hoặc chống phe đối lập. 2. Những ai muốn rời khỏi Việt Nam thì sẽ được chính quyền mới cấp hộ chiếu ra đi chính thức. Tôi nhấn mạnh rằng tôi nói với tư cách đại diện chính thức ông Dương Văn Minh.
Những lời hứa này - một thứ bảo đảm an toàn cho các dân biểu, nghị sĩ thân chính - đã thúc đẩy một số còn do dự.
Cuộc biểu quyết truất quyền ông Hương và trao quyền cho ông Minh được thực hiện với số phiếu gần như tuyệt đối 147/151 vào lúc 20 giờ 54 tối. Đây là kết quả từ nhiều phía, nhất là trước viễn cảnh Sài Gòn bị tấn công quân sự. Chủ tịch Thượng viện Trần Văn Lắm đã điều khiển cuộc biểu quyết này.
Bằng điện thoại tôi đã báo cáo lại cho ông Minh về “sáng kiến” riêng của tôi nhằm thúc đẩy nhanh cuộc biểu quyết và được ông tán đồng. Tôi nhớ rất rõ không khí tại trụ sở Thượng viện trước và sau cuộc biểu quyết. Kẻ thì chán nản như người sắp chết đuối là các dân biểu, nghị sĩ thuộc phe Thiệu, còn những người phe Dương Văn Minh thì hấp tấp, vội vã như sợ không còn bắt kịp cơ hội cuối cùng. Ở tầng trên của phòng họp, báo chí nước ngoài, các nhà ngoại giao nhìn xuống sự bát nháo phía dưới như những khán giả đang xem một trận cầu đầy bi kịch ở phút 90! Hai đại diện ngoại giao căng thẳng nhất vào lúc này thuộc hai tòa đại sự Mỹ và Pháp. Phiên họp lưỡng viện bắt đầu từ sáng 26-4-1975, một ngày sau khi ông Thiệu lên máy bay đi Đài Loan, kéo dài đến chiều tối mới kết thúc.
Còn tại sao quốc hội biểu quyết ông Dương Văn Minh làm tổng thống từ ngày 26-4-1975, lễ tấn phong diễn ra ngày 28-4-1975, nhưng cuộc trình diện thành phần chính phủ lại dự kiến đến ngày 30-4-1975? Trong nhóm ông Minh có bác sĩ Hồ Văn Minh và một người thích nghiên cứu khoa bói toán, xem ngày tốt ngày xấu... Bác sĩ Minh từng là phó chủ tịch Hạ nghị viện và là ứng cử viên phó tổng thống trong liên danh của ông Dương Văn Minh khi ông Minh có ý định ra ứng cử tổng thống năm 1971
. Theo ông “thầy bói nghiệp dư” Hồ Văn Minh thì “ngày tốt” để trình diện nội các Dương Văn Minh là ngày... 30-4-1975 và không thể sớm hơn.
Ông Minh triệu tập những người thân cận, cùng các nhóm Phật giáo, Công giáo từng tán đồng lập trường hòa bình với ông dự phiên họp trong ngày 27-4-1975 để thành lập chính phủ. Những người được mời đến buổi họp đặc biệt này - trên tầng lầu một của dãy nhà phía sau ngôi biệt thự hình bánh ít, tức Dinh Hoa Lan - đều là những người đã đồng hành với ông Minh trong những năm ông từ Bangkok trở về sau thời gian bị phe tướng Nguyễn Khánh buộc lưu vong. Hầu như không ai hiện diện trong buổi họp ngày đó xem việc phân phối các chiếc ghế trong chính phủ Dương Văn Minh như một thành đạt của cá nhân mình, cái ghế chức tước giờ đây đã trở nên hết sức nặng nề, có thể mang lai nhiều phiền toái hơn là quyền lực và danh vọng.
Ông Dương Văn Minh chọn luật sư Nguyễn Văn Huyền, từng là chủ tịch Thượng viện - một trí thức công giáo có uy tín miền Nam làm phó tổng thống. Ông Huyền được cả hai phía đối lập và thân chính kính trọng. Cách cư xử của ông với mọi người luôn từ tốn và lễ độ dù cho người đối diện nhỏ tuổi và vai vế xã hội kém hơn ông. Tôi còn nhớ những lần tiếp xúc với ông bao giờ ông cũng mở đầu câu nói “Thưa ông dân biểu” hoặc “Thưa ông trưởng khối” khi tôi làm trưởng khối dân biểu đối lập Hạ viện (khối Dân Tộc). Về nhân cách, luật sư Huyền hơn hẳn các nhân sĩ nổi tiếng khác có mặt trên chính trường Sài Gòn lúc bấy giờ như Trần Văn Hương, Phan Khắc Sửu, Mai Thọ Truyền, Trần Văn Văn…
Ở vị trí thủ tướng, ông Minh mời luật sư – nghị sĩ Vũ Văn Mẫu, đã từng là ngoại trưởng trong chính phủ Ngô Đình Diệm 12 năm về trước.Vào thời điểm chính phủ Diệm đối đầu với cuộc đấu tranh của Phật giáo và có những hành động đàn áp ác liệt, ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu đang đi công tác tại Hoa Kỳ. Ông đã cạo đầu và tuyên bố từ chức tại đây để phản đối chính sách đàn áp của gia đình ông Diệm đối với Phật giáo. Ông Mẫu để lại trong đầu tôi hình ảnh một con người có uy tín lớn về nhiều mặt, từ nghề nghiệp riêng trong giới luật sư cho đến các hoạt động chính trị qua cả hai thời kỳ Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu. Thái độ chân thành và có thể gọi dũng cảm của ông trong những ngày cuối cùng và cả khi lực lượng giải phóng vào Dinh Độc Lập khiến cho tôi nhớ mãi và kính phục.
Phó thủ tướng là bác sĩ Hồ Văn Minh đã từng là phó chủ tịch Hạ viện. Anh Minh tánh tình hiền hậu, thái độ chính trị ôn hòa nhưng luôn đứng về phía đối lập và là bạn thân thiết của anh Hồ Ngọc Nhuận. Cả hai chịu trách nhiệm Chương trình phát triển Quận 8, một chương trình xã hội mà người bảo trợ là kỹ sư Võ Long Triều - ủy viên thanh niên, tên gọi của chức danh bộ trưởng thanh niên dưới chính phủ Nguyễn Cao Kỳ.
Tôi không nhớ hết tất cả những ai được mời vào chính phủ Dương Văn Minh nhưng nếu có thiếu sót thì cũng rất ít. Chẳng hạn giáo sư Nguyễn Văn Trường được mời phụ trách Bộ giáo dục. Ông Trường đã từng là Bộ trưởng giáo dục thời chính phủ Kỳ và cả thời chính phủ Trần Văn Hương. Ông là người bạn thân thiết của giáo sư Lý Chánh Trung. Khi ông Trường làm bộ trưởng Bộ giáo dục, ông Trung là đổng lý văn phòng của ông Trường, vị trí đứng thứ hai trong bộ. Người được mời đảm trách Bộ kinh tế, nếu tôi nhớ không lầm là ông Nguyễn Võ Diệu đang là tổng giám đốc một ngân hàng. Đáng chú ý là ở Bộ quốc phòng, tổng thống Dương Văn Minh đã mời một nhân vật trong Lực lượng hòa giải dân tộc thuộc ảnh hưởng Phật giáo Ấn Quang chẳng dính dấp gì đến quân đội, đó là một giáo sư đại học trường đại học Huế, ông Bùi Tường Huân. Tôi có hỏi ông Minh về sự chọn lựa khá đặc biệt này và ông đã trả lời: “Chính phủ của mình đâu có mục đích tiếp tục chiến tranh. Một Bộ trưởng dân sự và là một giáo sư đại học làm Bộ trưởng quốc phòng thể hiện cụ thể ý muốn hòa bình của anh em mình...”.
Trong ghi chép riêng của mình, anh Hồ Ngọc Nhuận có bày tỏ quan điểm của anh lúc đó là không nhận ghế bộ trưởng nào cả. Ngay cả chuyện ông Minh được đề nghị thay ông Hương làm tổng thống, anh Nhuận cũng cố gắng thuyết phục ông Minh không nhận và khuyên nên vận động để chủ tịch Thượng viện Nguyễn Văn Huyền hoặc nghị sĩ Vũ Văn Mẫu nhận chức vụ này.
Tôi nhớ lúc đầu ông Minh có ý định giao chức tổng trưởng Bộ Thông tin cho một người khác, nhưng sau cuộc trao đổi giữa ông Minh với anh Dương Văn Ba và một vài anh em, ông Minh giao cho tôi đảm trách bộ này. Tôi cũng nhớ ông Minh có ý định giao cho anh Nhuận Bộ Xây dựng Nông thôn mà theo ông rất phù hợp tính cách của anh Nhuận. Và tôi cũng nhớ - nếu trí nhớ của tôi vẫn tốt - anh Nhuận có một phản ứng giữa phiên họp làm mọi người không thể nín cười dù lúc tình hình cực kỳ căng thẳng. Anh nói: “Nông thôn đâu còn nữa mà cần Bộ Xây dựng nông thôn, thưa đại tướng!”.
Thế là anh Nhuận được ông Minh đề nghị lãnh chức vụ Đô trưởng Sài Gòn. Trong thực tế, ngay cả với chức vụ này, anh Nhuận cũng không... quan tâm. Lúc đó do những quan hệ riêng của anh với “bên trong”, tức người của MTDTGPMN, anh biết rõ hơn nhiều anh em trong nhóm ông Minh rằng... “màn đã hạ rồi”. Chuyện lập chính phủ vào thời điềm này rồi chẳng đi đến đâu Trong 48 tiếng đồng hồ cuối cùng, nhiều anh em không thấy Nhuận ở đâu, có người thì thấy anh lúc hiện lúc… biến.
Dân biểu Nguyễn Hữu Chung, ngồi bên cạnh ông Minh trong phiên họp, được ông Minh đề nghị làm phụ tá đặc biệt của tổng thống. Anh Nguyễn Hữu Chung là người rất thẳng tính đã từ chối chức vụ này vì cho rằng nó không xứng đáng với những đóng góp của anh ngay từ đầu trong nhóm. Ông Minh cố gắng thuyết phục Nguyễn Hữu Chung, nhấn mạnh rằng chực vụ phụ tá đặc biệt tổng thống được xếp ngang hàng bộ trưởng và là thành viên của hội đồng bộ trưởng. Ông còn dẫn chứng vai trò quan trọng của phụ tá đặc biệt Nguyễn Cao Thăng bên cạnh tổng thống Thiệu! Nhưng Nguyễn Hữu Chung vẫn nhất quyết từ chối. Có lẽ vì tại miền Nam lúc bấy giờ luôn có thành kiến đối với chức vụ phụ tá đặc biệt của tổng thống qua hai nhân vật chuyên “đi đêm” và làm những việc đen tối: Nguyễn Cao Thăng và Nguyễn Văn Ngân.
Anh Dương Văn Ba được đề nghị làm thứ trưởng giáo dục nhưng không nhân và bày tỏ ý muốn chuyển sang làm thứ trưởng bộ Thông tin cùng tôi.
Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền cùng luật sư Trần Ngọc Liễng được ông Minh giao nhiệm vụ hòa đàm với MTDTGPMN. Ngoài các thành viên chính phủ, thẩm phán Triệu Quốc Mạnh được chỉ định là tổng giám đốc cảnh sát Sài Gòn.