Tôi không hề được chuẩn bị để đi vào nghề báo. Lúc đầu tôi viết báo chỉ vì quá yêu thể thao. Từ môi trường báo chí, tôi được tiếp cận với đời sống chính trị Sài Gòn, biết bức xúc trước những bất công, những việc làm phi dân chủ, độc tài của chính quyền Sài Gòn. Rồi phẫn nộ trước sự can thiệp thô bạo của chính quyền Mỹ vào nội bộ của Việt Nam và sự áp đặt các ý muốn và quyền lợi của họ lên đất nước Việt Nam. Tôi đi vào con đường hoạt động chính trị là như thế. Tôi cũng không hề được chuẩn bị hoặc được ai, tổ chức nào dẫn dắt. Thực tế cuộc sống và các diễn biến thời cuộc của đất nước điều chỉnh dần dần các hoạt động và thái độ chính trị của tôi, mỗi ngày thấy rõ hơn con đường mà mình nên chọn.
Những năm 60, Sài Gòn chưa có trường báo chí nên những ai muốn theo ngành này không có điều kiện để học hỏi chính qui. Riêng trường hợp của tôi, từ nhỏ theo học trường Pháp, tiếng Việt không thông thạo vì trong trường tiếng Pháp được coi là tiếng mẹ đẻ, tiếng Việt là môn sinh ngữ 1, còn Anh văn sinh ngữ 2, nên việc theo đuổi nghề viết báo với tôi càng không dễ dàng. Tôi còn nhớ bài báo đầu tiên tôi gởi cho tuần báo
Đuốc Thiêng viết về cuộc đua Vòng quanh nước Pháp. Thời đó là những năm tháng huy hoàng của các cua rơ Louison Bobet (Pháp), Bahamontes (Tây Ban Nha), Fausto Coppi (Ý). Để viết một bài báo thể thao, tôi tham khảo các báo Pháp như
L’Equipe, Mirror Sprint và tốn hai, ba chục tờ giấy pơluya vì phải viết đi viết lại nhiều lần, vừa viết vừa xem các bài báo của các nhà báo viết trên báo Việt, xem người ta dùng từ như thế nào, có khi phải “ăn cắp” cả câu của họ rồi sửa lại cho phù hợp chuyện của mình. Hai năm hì hục như thế, tôi mới viết suôn sẻ, được mời cộng tác chính thức và được phân công tường thuật các trận bóng đá trên sân Cộng Hòa (nay là sân Thống Nhất).
Thời đó ông Thiệu Võ là một tượng đài trong làng báo thể thao Sài Gòn (từ những năm 50 cho đến những năm 70). Cả miền Nam mê say các bài phê thuật của ông. Văn phong của ông bay bướm. Các tên tuổi lớn thể thao đều được ông phong cho họ những biệt danh đầy ấn tượng, gắn luôn với tên tuổi họ cả đời đồng thời được độc giả và giới thể thao công nhận. Chẳng hạn ông gọi nhà vô địch xe đạp Đông Dương Lê Thành Các là “Phượng Hoàng” do sở trường của cua rơ tài giỏi này là “leo đèo” và “bay” trên các đỉnh núi. Còn thủ môn Phạm Văn Rạng, từng là tuyển thủ châu Á là nhà “Lưỡng thủ vạn năng”. Cua rơ xe đạp miền Bắc lừng danh Vũ Văn Thâm – đối thủ số 1 của Lê Thành Các – được ông gọi là “Con Hùm Xám”. Cặp tiền đạo xuất sắc của đội bóng Cảnh sát Sài Gòn những năm 50 – hữu nội Lê Hữu Đức và tả biên Nguyễn Văn Tư – một người ông phong là “Chiếc Đầu Vàng”, còn một người là “Mũi Tên Vàng”. Khi mới vào làng báo thể thao, tôi cộng tác với báo
Đuốc Thiêng của ông, nên chịu ảnh hưởng văn phong của ông là điều khó tránh. Nói về “chỗ đứng” của ông trong làng báo thể thao nói riêng và cả làng báo Sài Gòn nói chung có một dẫn chứng cụ thể: trước đó và mãi sau này trong lịch sử báo chí Sài Gòn, chưa từng có chuyện một tờ báo hàng ngày nào nêu trên trang đầu, ngay dưới
manchette (tên tờ báo) chức danh “Giám đốc thể thao” như đã xảy ra với tờ
Tiếng Dội Miền Nam, một tờ báo có nhiều độc giả và có uy tín trong giới nghệ thuật và trí thức (Giải thưởng cải lương Thanh Tâm do tờ báo này khởi xướng). Dưới
manchette tờ báo, bên trái là tên chủ nhiệm kiêm chủ bút Trần Tấn Quốc, bên phải là tên Giám đốc thể thao Thiệu Võ. Lúc này ông Thiệu Võ vừa phụ trách trang thể thao của tờ
Tiếng Dội Miền Nam đồng thời là chủ nhiệm tờ
Đuốc Thiêng.
Tôi không thể quên lần đầu tôi được ông nhắn tin trên báo
Đuốc Thiêng đến gặp ông “để trao đổi về sự hợp tác” tại tòa soạn của
Tiếng Dội Miền Nam ở đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng). Không khí của tòa soạn
Tiếng Dội Miền Nam rất nghiêm trang, bày biện như trong một công sở, không thấy ai nói chuyện cười đùa, khác hẳn tòa soạn các báo Sài Gòn bấy giờ luôn rất ồn ào náo nhiệt. Tôi rón rén bước vào gặp ông Thiệu Võ ngồi bệ vệ sau một cái bàn to để nhận số tiền nhuận bút đầu tiên trong cuộc đời làm báo của mình. Sau này, dù cộng tác với ông khá lâu trên tờ
Đuốc Thiêng (khoảng gần hai năm) nhưng tôi rất ít có dịp nói chuyện thân mật với ông. Ông rất ít khi tiếp xúc với các đồng nghiệp trẻ. Cũng có một thực tế trước năm 1975, trong giới báo chí luôn có một khoảng cách khá lớn giữa các ký giả kỳ cựu và các nhà báo trẻ. Vào những năm 60, không dễ gì một phóng viên trẻ thấy bút danh mình được ghi đầy đủ dưới bài báo của mình.
Tôi may mắn khi gia nhập làng báo Sài Gòn còn được tiếp cận và học hỏi với một nhà báo thể thao kỳ cựu khác: ông Phan Như Mỹ (có anh trai là Phan Ngươn Đang tập kết ra miền Bắc và đã từng là Hội trưởng Hội bóng đá của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa). Ông làm việc chính thức ở Việt Tấn Xã nhưng cộng tác thêm cho báo
Buổi Sáng phụ trách trang thể thao báo này. Tờ
Buổi Sáng cũng là một tờ chuyên về kịch trường và thể thao do ông Tam Mộc tức Mai Lan Quế làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với tờ
Tiếng Dội Miền Nam. Tờ báo này có một phụ trang trào phúng cuối tuần rất nổi tiếng có tên “Giỏ vịt”. Ông Tam Mộc tự mình đảm trách phụ trang này và lấy bút danh là Tám Móc. Mục ăn khách nhất của trang này là “Lá thư Ba Ếch”. Đây là những cảm nghĩ hàng tuần của một nông dân miền Tây về những chuyện xảy ra quanh ông ở dưới quê và cả những chuyện ở trên Sài Gòn. Mặc dù tôi mới vào nghề nhưng ông Mỹ không ngần ngại mời tôi chuyển sang báo
Buổi Sáng cùng ông lo trang thể thao. Được cùng ông “đứng trang” một tờ báo lớn như
Buổi sáng là một vinh dự quá lớn đối với một cây viết mới 21 tuổi như tôi. Chính ông cũng là người giới thiệu tôi với tờ báo Pháp “
Journal d’ Extrême Orient” viết bài thể thao trực tiếp bằng tiếng Pháp cho tờ báo này. Nhà báo Phan Như Mỹ có lối viết khác hẳn cây viết Thiệu Võ. Không có sự bay bướm trong các bài báo của ông. Câu ngắn, đơn giản nhưng đi sâu cụ thể vào trận đấu; các bài phê thuật bóng đá của ông theo phong cách hiện đại. Nghề làm báo thông tấn đã ảnh hưởng phong cách viết báo thể thao của ông. Với ông, tôi đã học bài học vỡ lòng của báo chí: giá trị của một bài báo trước hết ở lượng thông tin. Tôi ngưỡng mộ ông Thiệu Võ nhưng người thầy đầu tiên của tôi chính là nhà báo Phan Như Mỹ.
Còn một nhà báo kỳ cựu nữa cũng ảnh hưởng vào cuộc đời viết báo của tôi. Đó là ông Nguyễn Kiên Giang, lúc ấy là Chủ tịch Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt. Trong một lần tiếp xúc với ông tại Hội quán bóng bàn Nam Việt ở đường Bùi Chu, nay là đường Tôn Thất Tùng (hội quán này của thầy Năm Nghiệp, cha của hai nhà vô địch bóng bàn miền Nam Trần Quang Nhụy và Trần Kim Ngôn), tôi được ông khuyên: “Em có ăn học nên đi theo nghề báo rất thuận lợi”. Rồi ông nói bằng tiếng Pháp: “
Le journalisme mène à tout” (Nghề báo dẫn đến mọi ngả). Lúc đó tôi vừa đỗ Tú Tài 2 và đang theo học ở HVQGHC. Lời khuyên này lại khớp với tâm lý tôi đang chán học ở HVQGHC. Chán vì như đã nói, tôi không có ý định đi theo nghề công chức như cha mình và chán vì chính chương trình học cũng rất chán. Tôi chỉ đến trường một, hai ngày một tuần và nhất là ngày trường phát phụ cấp hàng tháng (học ở trường này có ăn lương). Ngay năm đầu tôi bị ở lại lớp và qua năm sau tôi rời trường vĩnh viễn, không chút luyến tiếc.
Trong năm đầu học HVQGHC tôi đã có điều kiện viết lách, lui tới với một số tờ báo khác. Đầu tiên là tờ
Thanh Việt do Tô Yến Châu chủ trương biên tập qui tụ các nhà báo, nhà văn, nhà thơ như Tam Đức, Kiên Giang Hà Huy Hà, Tô Nguyệt Đình cộng tác. Đây cũng là nơi tôi khởi đầu học nghề phóng viên. Từ lãnh vực thể thao, tôi bắt đầu tập viết sang các lãnh vực khác. Tòa soạn báo
Thanh Việt nằm trên đường Phạm Ngũ Lão. Con đường này có rất nhiều tòa soạn báo và nhà in. Tạp chí
Phổ Thông của nhà thơ Nguyễn Vỹ cũng ở trên con đường này. Phần đông các cộng tác viên của báo
Thanh Việt rất ít khi được trả nhuận bút. Tờ báo rất nghèo nhưng anh em sống với nhau rất vui. Khi gom được tiền bán báo thì ưu tiên để mua giấy in và trả cho thợ sắp chữ. Các cộng tác viên “ruột” được anh Tô Yến Châu gần như ngày nào cũng kéo đi ăn trưa: một cách trả nhuận bút khá độc đáo! Tại tòa báo
Thanh Việt, tôi sẵn sàng làm bất cứ việc gì tòa soạn cần, từ tiếp tay sửa
morát cho đến đi lấy thông báo hoặc lấy tin “xe cán chó” ở các bót cảnh sát. Đây cũng là cách học nghề, tiếp cận với nghề rất tốt, bởi một nhà báo càng biết đầy đủ các khâu trong tờ báo càng có lợi.
Bây giờ nhớ lại những năm tháng đầu tiên vào làng báo, tôi luôn cảm ơn các nhà báo đàn anh ấy. Dù cuộc sống của họ phần nhiều rất khó khăn, điều kiện làm báo rất cực nhọc, giấy in chạy mua từng ngày – nhưng những người mà tôi có cơ hội đầu tiên làm việc chung trong cuộc đời báo chí của mình đều không để cho các thế lực tiền bạc và chính trị mờ ám trong nước và ngoài nước mua chuộc. Rất nhiều những nhà báo này từng tham gia kháng chiến thời chống Pháp. Cái môi trường ban đầu ấy đã tạo cho một thanh niên như tôi, chưa hiểu nhiều thực trạng báo chí miền Nam lúc đó, kể cả những ngóc ngách về chính trị, đã có được sự hòa nhập khá tốt, ít lệch lạc với nghề nghiệp mà sau này mình gắn bó suốt đời. Cũng cần nói rõ, từ năm 1954, sau hiệp định Genève, nhiều thành phần chống cộng ở miền Bắc ồ ạt di cư vào miền Nam. Nhiều đảng phái chống cộng mọc lên như nấm. Làng báo Sài Gòn cũng không tránh khỏi sự xâm nhập rồi tràn ngập những người làm báo theo khuynh hướng chống cộng. Không bao lâu, thêm một tổ chức báo chí ra đời, cạnh tranh với Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, đó là Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam, tập hợp chủ yếu các nhà báo chống cộng từ miền Bắc vào. Hàng loạt tờ báo chống cộng do người Bắc di cư đứng ra thành lập, phần nhiều được sự tài trợ của chính quyền Diệm, kể cả cơ quan tình báo Mỹ (CIA). Từ năm 1954 cho đến tháng 4 -1975, làng báo Sài Gòn phân làm hai phe rõ rệt.
Tờ báo
Thanh Việt, trong những lúc khó khăn, thỉnh thoảng có nhận được sự giúp đỡ tài chánh của ông Võ Văn Ứng, tức bầu Ứng, một nhà Mạnh Thường Quân thể thao ở Sài Gòn. Ông ở trong Ban chấp hành, có lúc là Chủ tịch Tổng cục bóng tròn (bây giờ gọi là Liên đoàn Bóng Đá). Ông cũng là chủ nhân nhà thuốc Đông y nổi tiếng Võ Văn Vân nằm ở góc đường Phạm Ngũ Lão – Nguyễn Thái Học. Tôi quen biết ông bầu Ứng từ dạo làm báo
Thanh Việt. Khi xảy ra cuộc đảo chánh ngày 1 – 11 – 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, trung tướng Dương Văn Minh lên làm Quốc trưởng, ông bầu Ứng là người đầu tiên được chính quyền mới cấp giấy phép ra báo. Tờ báo có tên
Bình Minh. Ông bầu Ứng có được đặc quyền này do trước đây ông có mối quan hệ rất đặc biệt với ông Dương Văn Minh. Thời trẻ, ông Ứng là bầu của đội bóng Thủ Dầu Một (Bình Dương), còn ông Minh là thủ môn đội này và tình bạn thể thao giữa họ kéo dài qua năm tháng.
Khi được phép xuất bản tờ
Bình Minh, ông bầu Ứng kéo cả ê kíp
Thanh Việt về làm. Tại đây, lần đầu tiên tôi ăn lương phóng viên và hành nghề phóng viên đúng nghĩa. Một trong những bài phóng sự đầu tiên của tôi khi tập sự làm phóng viên là tường thuật vụ “Tòa án Cách mạng Sài Gòn” (tức tòa án của phe đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm) xét xử cố vấn Ngô Đình Cẩn, em út trong dòng họ Ngô, sau khi hai người anh của ông đều bị phe đảo chính giết. Lúc ông Ngô Đình Diệm còn là tổng thống, ông Cẩn hùng cứ ở miền Trung như một lãnh chúa. Thế lực của Ngô Đình Cẩn còn lấn cả chính quyền trung ương, vào tận miền Nam. Chẳng những ông cho quân càn quét, tiêu diệt các phần tử cộng sản và thân cộng tại Huế và miền Trung, mà còn tổ chức các đoàn gọi là “Đoàn công tác đặc biệt miền Trung” vào tận Sài Gòn và miền Nam để truy lùng những người cộng sản trốn chạy vào đây.
Theo nhà báo Mỹ Zalin Grant, ba ngày sau khi hai người anh của mình – Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu – bị giết chết, ông Ngô Đình Cẩn xin tị nạn chính trị trong tòa tổng lãnh sự Mỹ tại Huế. Từ Huế, ông Cẩn được đưa vào Sài Gòn trên một máy bay Mỹ có một phó lãnh sự Mỹ, một thiếu tá Mỹ đi theo. Ngoài ra còn có hai quân cảnh Mỹ bảo đảm an ninh. Khi đến Sài Gòn, ông Cẩn được giao cho Lou Conein, một nhân viên CIA đảm trách liên lạc giữa đại sứ Cabot Lodge và nhóm tướng lãnh đảo chính Diệm. Nhưng sau đó đại sứ Lodge ra lệnh giao Cẩn cho các tướng lãnh đảo chính. Mặc dù sau này tướng Trần Văn Đôn có kể rằng Lodge yêu cầu đối xử với Cẩn đàng hoàng, đúng theo pháp luật, nhưng ngay việc Lodge giao sinh mạng của ông Cẩn cho những người vừa giết hai người anh của ông thì đủ hiểu trách nhiệm của đại sứ Lodge trong cái chết sau này của ông Cẩn như thế nào. Từ đây người ta cũng thấy rõ ra vai trò đích thực của Cabot Lodge, bàn tay của người Mỹ trong cái chết của Diệm – Nhu. Như vậy Lodge dính líu đến cả ba cái chết của ba anh em nhà Ngô.
Tôi vẫn nhớ thái độ của ông Cẩn trước tòa án rất ngạo mạn. Ông chẳng quan tâm gì đến diễn tiến phiên tòa, chẳng chú ý tới các lời buộc tội ông. Ông mặc bộ đồ bà ba lụa màu trắng, mắt nhắm nghiền như ngủ qua suốt các phiên xử; nhiều lúc còn có cử chỉ tỏ vẻ khinh khi các tướng tá đang ngồi xử mình. Có lẽ vì những tướng tá này đã từng khúm núm, xin xỏ hoặc chịu ơn mưa móc của ông trước đây. Các tướng tá, các công chức cao cấp ở Sài Gòn và các tỉnh phía Nam có địa vị quan trọng trong chính quyền họ Ngô mỗi năm đều phải kéo nhau ra Huế ít nhất hai lần: Một lần chúc Tết và một lần mừng sinh nhật ông Cố vấn. Nghe nói phần đông những người vào gặp ông Cẩn, khi trở ra đều đi thụt lùi! Ông tỏ ra coi khinh những người ngồi xử ông như thế. Và ông không có một phản ứng hay xúc động gì khi ông bị tòa tuyên án tử hình.
Với tư cách phóng viên báo
Bình Minh, tôi có mặt tại khám Chí Hòa trong ngày hành quyết Ngô Đình Cẩn. Địa điểm thi hành án ở phía sau khám, nằm bên trong bức tường kiên cố. Cột hành quyết dựng tại một bãi đất trống thường ngày được sử dụng như sân bóng chuyền. Các nhà báo theo dõi cuộc hành quyết được sắp xếp đứng cách đó chứng 50 mét, gần một cái miếu.
Đúng giờ hành quyết, ông Cẩn xuất hiện từ một cửa nhỏ bên hông khám đường nhìn thẳng ra bãi đất trống, ông nằm trên một cái băng ca được bốn người khiêng. Nhiều ngày trước đó sức khỏe của ông suy sụp không phải vì sợ mà do bệnh tiểu đường trở nặng. Từ cửa hông này đến cột hành quyết khoảng 30 mét. Khi chiếc băng ca rời cửa hông được vài mét thì ông Cẩn cố gắng ngồi chồm dậy, đòi bước xuống đất. Lúc đầu các nhà báo không ai hiểu gì cả, có người vội vàng đoán ông Cẩn có cử chỉ hoảng hốt khi đối đầu với cái chết. Nhưng sau đó mới biết ông Cẩn muốn rời cái băng ca để tự mình đi đến cột hành quyết! Những người khiêng ông được lệnh dừng lại. Ông bước xuống một cách khó khăn. Vì quá yếu, ông không thể tự đi một mình, nên có hai người nách ông hai bên. Cảnh tượng thật bất ngờ và căng thẳng, khiến giới báo chí và những người có trách nhiệm theo dõi đều im bặt.
Sau khi bị trói chặt vào cột hành quyết và lúc sắp sửa bị bịt mắt bằng một băng vải đen thì ông ta phản ứng. Ông nhất định không để bịt mắt, muốn được nhìn tận mắt cuộc hành quyết mình. Nhưng những người thi hành án giải thích với ông rằng luật lệ không được phép cho họ làm khác. Người ta vẫn bịt mắt ông và một loạt súng kết liễu mạng sống của người thứ ba và là em út trong dòng họ Ngô từ sau cuộc đảo chính 1-11-1963.
Bài tường thuật của tôi nhấn mạnh hai điểm: Ông Cẩn không sợ cái chết và tỏ vẻ khinh khi những người xử ông tại tòa án. Tôi cũng có nói đến yếu tố tín ngưỡng – gia đình của ông Cẩn theo đạo Công giáo – đã giúp ông đón nhận cái chết một cách bình thản đáng kinh ngạc.
Bản án tử hình và cuộc hành quyết Ngô Đình Cẩn đã chứng minh cái chết của Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu trước đó cũng nằm trong chủ trương nhất quyết loại cả ba anh em từng nắm quyền sinh sát tại miền Nam. Thực tế chính trị của tình hình miền Nam lúc đó cho thấy nếu ba anh em họ Ngô vẫn sống thì trước sau gì họ cũng có cơ hội phục hồi quyền lực vì gia đình họ Ngô có hai thế lực rất lớn hỗ trợ: tòa thánh Vatican và hơn một triệu người Bắc di cư đang nắm những vị trí then chốt trong guồng máy nhà nước và quân đội, kể cả các điểm huyết mạch của kinh tế miền Nam.
Bị lật đổ ngày 1-11-1963, qua ngày hôm sau hai ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu chấp nhận đầu hàng phe đảo chính sau khi chạy khỏi dinh Gia Long và trốn tại Nhà thờ Cha Tam (Nhà thờ St Francis Xavier) ở Chợ Lớn. Nhưng sau đó cả hai đều bị bắn chết trên chiếc thiết vận xa M113 trên đường được áp tải về Tổng tham mưu (gần Tân Sơn Nhất). Theo John S. Bowman, chủ biên quyển “
The Vietnam War day by day”, hai người trực tiếp giết hại ông Diệm và Nhu là thiếu ta Dương Hiếu Nghĩa và đại úy Nguyễn Văn Nhung, theo lệnh của trung tướng Dương Văn Minh, lúc đó đứng đầu phe đảo chính.
Nhà báo Mỹ Stanley Karnow, mà tôi đã từng gặp tại Sài Gòn trước năm 1975 khi ông phỏng vấn tôi, đã ghi lại trong quyển sách đoạt giải báo chí Pulitzer của ông (có tựa đề “
Vietnam – A history”) ba cuộc trao đổi giữa ông Ngô Đình Diệm với trung tướng Trần Văn Đôn, một trong những tướng lãnh cầm đầu đảo chánh, và với ông Henry Cabot Lodge, đại sứ Mỹ tại Sài Gòn trước khi hai anh em họ Ngô bị giết như sau:
Dù dinh Gia Long đã bị phe đảo chánh bao vây, nhưng hai anh em vẫn còn bình tĩnh, nhất là ông Nhu vẫn tin rằng sẽ có một cuộc “phản – đảo chánh” mang mật hiệu Bravo 1 và Bravo 2 sẽ khai diễn và sẽ “bóp vỡ từ trong trứng” cuộc đảo chánh của phe tướng lãnh nổi loạn. Các kế hoạch Bravo 1 và Bravo 2 của ông Nhu được giao cho tướng Tôn Thất Đính, bấy giờ là Tổng trấn Sài Gòn – Gia Định, thực hiện. Tai họa cho hai anh em Diệm, Nhu là tướng Đính lại nằm trong nhóm tướng lãnh cầm đầu cuộc đảo chánh. Lúc đầu, ông Diệm vẫn hy vọng rằng cuối cùng cuộc phản loạn này cũng kết thúc như cuộc đảo chánh bất thành ngày 11-11-1960. Ông đã chủ động gọi tướng Trần Văn Đôn. Ông Diệm: Tướng lãnh các anh đang làm gì vậy? Tướng Đôn: Thưa cụ, chúng tôi đã đề nghị với cụ nhiều lần rằng cụ cần cải cách chính sách theo nguyện vọng của nhân dân. Bây giờ đã đến lúc quân đội phải đáp lại nguyện vọng của nhân dân. Mong cụ hiểu chúng tôi. Ông Diệm: Tại sao chúng ta không ngồi lại với nhau nói chuyện? Chúng ta sẽ bàn về cái mạnh và cái yếu của chế độ, và tìm ra con đường củng cố lại chế độ. Tướng Đôn: Có lẽ đã quá trễ để bàn luận việc đó, thưa cụ. Ông Diệm: Chưa bao giờ là trễ, do đó tôi mời tất cả các anh đến dinh cùng bàn vấn đề, vạch ra một giải pháp được cả đôi bên chấp nhận. Tướng Đôn: Thưa cụ, tôi phải hỏi lại ý kiến những người khác xem sao. Vào lúc 4 giờ 30 chiều 1-11-63, ông Diệm gọi điện thoại cho đại sứ Mỹ Cabot Lodge. Ông Diệm: Một đơn vị quân đội làm loạn và tôi muốn biết thái độ của nước Mỹ ra sao. C. Lodge: Tôi không nắm được thông tin đầy đủ về chuyện này để trả lời tổng thống. Tôi có nghe tiếng súng nổ nhưng không rõ các sự kiện xảy ra. Vả lại bây giờ là 4 giờ 30 sáng tại Washington, do đó chính phủ Mỹ không thể bày tỏ một quan điểm nào đó vào lúc này. Ông Diệm: Nhưng ông phải có một số ý kiến rõ rệt chứ. Dù sao, tôi cũng là quốc trưởng. Tôi đã cố gắng làm tròn trách nhiệm của tôi. Tôi muốn hành xử vào lúc này điều mà trách nhiệm và ý thức đúng đắn đòi hỏi ở tôi. Tôi tin vào bổn phận của mình trước hết. C. Lodge: Chắc chắn ngài đã làm đúng bổn phận của mình. Như tôi đã nói với ngài sáng nay thôi, tôi ngưỡng mộ sự dũng cảm và sự đóng góp to lớn của ngài cho đất nước của ngài. Không ai có thể phủ nhận những gì mà ngài đã làm. Nhưng bây giờ tôi âu lo cho sự an toàn thân thể của ngài. Tôi có một báo cáo cho biết những người chịu trách nhiệm tình hình hiện nay sẵn sàng cấp cho ngài và em của ngài giấy thông hành an toàn (safe-conduct) rời khỏi nước nếu ngài từ chức. Ngài có nghe nói về việc này? Ông Diệm: Không (dừng một lúc) Ông có số điện thoại của tôi chứ. C. Lodge: Vâng. Nếu ngài cần đến tôi liên quan đến vấn đề an toàn sinh mạng của ngài thì ngài hãy gọi tôi… Ông Diệm: Tôi đang cố gắng thiết lập lại trật tự. Đến 6 giờ 30 cùng ngày, ông Diệm gọi lại tướng Đôn, nhưng được tướng Đôn thông báo sự khước từ của phe lãnh đảo chánh. Họ đòi hỏi hai anh em ông Diệm phải rời khỏi nước. Ông Diệm đồng ý nhưng đặt một điều kiện: phe đảo chánh phải chấp nhận cho ông một “đặc ân”. Ông Diệm: Tôi là một tổng thống dân cử của quốc gia. Tôi sẵn sàng từ chức công khai, và tôi cũng sẵn sàng rời khỏi nước. Nhưng tôi yêu cầu các ông dành cho tôi các nghi thức danh dự ra đi của một tổng thống. Tướng Đôn: (Suy nghĩ một lúc)
Thật sự, tôi phải nói rằng chúng tôi không thể thỏa mãn yêu cầu của cụ về điểm này. Ông Diệm: Thôi được. Cảm ơn. Có dư luận ở Sài Gòn cho rằng tướng Dương Văn Minh là người ra lệnh giết hai anh em ông Diệm. Nhiều nhà báo nước ngoài có mặt lúc đó cũng nghĩ như thế. Người được giao nhiệm vụ thực hiện lệnh kết liễu sự sống của hai ông Diệm và Nhu là tướng Mai Hữu Xuân, một người thân cận nhất của tướng Minh. Còn thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa và đại úy Nguyễn Văn Nhung là hai người trực tiếp hạ sát ông Diệm và ông Nhu. Sau này có dịp làm việc gần gũi với ông Dương Văn Minh tại Dinh Hoa Lan, nhiều lần tôi có ý định hỏi thẳng ông chung quanh cái chết của hai anh em ông Diệm. Nhưng đây là điểm rất tế nhị trong cuộc đời chính trị của ông, chưa bao giờ ông đề cập trở lại chuyện này với bất cứ ai, nên tôi do dự không dám hỏi.
Làm việc với ông Minh, tôi nhận thấy ông là con người quyết đoán, không do dự trong các chọn lựa chính trị của mình, và khi đã chọn lựa thì nhất quyết đi đến cùng. Tuy nhiên có một chi tiết trong tường thuật của nhà báo Mỹ Stanley Karnow trong quyển
Vietnam – A history mà tôi cho là hư cấu. Karnow kể rằng trước khi nhóm tướng tá (Mai Hữu Xuân, Dương Hiếu Nghĩa, Nguyễn Văn Nhung) rời bộ tổng tham mưu đi thực hiện lệnh kết liễu hai anh em ông Diệm, tướng Dương Văn Minh có đưa lên hai ngón tay hướng về những người này để ra hiệu giết cả hai! Cử chỉ của ông Minh được Stanley Karnow mô tả theo kiểu “cao bồi Mỹ” rõ ràng không đúng với bản chất và tính cách ông Minh mà tôi biết khá rõ.
Theo hồi ký của cựu tướng Đỗ Mậu của chính quyền Sài Gòn thì đã có một cuộc bàn luận giữa các tướng lãnh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm mà người chủ trì là tướng Dương Văn Minh. Tướng Mậu có chứng kiến cuộc bàn luận quyết định số phận của Diệm – Nhu. Ông là người duy nhất không tán đồng giết hai anh em nhà Ngô.
Trở lại những ngày đầu tôi vào nghề sau bài phóng sự về cuộc hành quyết ông Ngô Đình Cẩn.
Ngày 29-10-1964, ông Trần Văn Hương, cựu giáo sư trường Collège Mỹ Tho, trước đây từng làm Đô trưởng Sài Gòn – Chợ Lớn, được Thượng Hội đồng quốc gia chỉ định làm thủ tướng (Thượng Hội đồng cũng chỉ định ông Phan Khắc Sửu làm Quốc trưởng). Tuy về mặt danh nghĩa chính Thượng Hội đồng gồm 17 thành viên dân sự chỉ định Quốc trưởng và Thủ tướng nhưng tất cả đều do bàn tay quyền lực của tướng Nguyễn Khánh đứng phía sau phù phép. Sau nhiều cuộc đảo chính hụt nhằm vào ông ta, Nguyễn Khánh lùi ra sau nhưng vẫn là người nắm quyền hành lúc bấy giờ. Đây là chính phủ thứ 7 được thành lập kể từ khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Sở dĩ tôi đề cập đến chính phủ Trần Văn Hương là vì dưới chính phủ này lần đầu tiên tôi được cấp giấy phép đứng tên chủ nhiệm một tờ báo hàng ngày! Lúc tôi mới 24 tuổi, chưa đủ tuổi theo luật định (25 tuổi) để đứng tên xuất bản một tờ báo. Nhưng Bộ Thông tin vẫn phải cấp giấy phép vì có sự can thiệp đặc biệt của chính Thủ tướng. Ông Thủ tướng Trần Văn Hương là thầy của cha tôi khi cha tôi còn học ở trường Collège Mỹ Tho. Số trí thức miền Nam là học trò của ông Hương lúc đó rất đông. Để hỗ trợ thầy cũ của mình trong cuộc tranh giành và củng cố quyền lực, các cựu học sinh Collège Mỹ Tho tập hợp trong một tổ chức ái hữu lúc đầu gồm riêng học sinh trường mình. Nhưng sau đó, tổ chức này mở rộng ra thành Hội Liên Trường, kết nạp cả cựu học sinh các trường như Collège Cần Thơ, Pétrus Ký và Chasseloup Laubat. Trong thực tế, đây là một tổ chức chính trị trá hình của một số trí thức miền Nam dựa vào lá bài Trần Văn Hương. Một số khá đông hội viên có khuynh hướng đố kỵ người Bắc di cư.
Trong bối cảnh đó, tôi được cha tôi khuyến khích xin ra tờ
Sài Gòn Tân Văn. Chính vì vậy mà dù không đủ tuổi, tôi vẫn được cấp giấy phép. Tiền làm tờ báo, cha tôi bảo do cha tôi bỏ ra. Nhưng có khả năng do nhiều bạn bè của ông trong Hội Liên trường góp lại.
Quá khứ của ông Trần Văn Hương, khi tham chính lần đầu với chức vụ Đô trưởng Sài Gòn – Chợ lớn, đã được nhiều người truyền lại là trong sạch. Người ta kể mỗi ngày ông đi làm bằng xe đạp (do đó ông được mệnh danh “Đô trưởng xe đạp”). Là một người thầy của cha mình và lại là một chính khách có tiếng tăm tốt, ông Hương dễ dàng nhận được sự ủng hộ, thậm chí là sự ngưỡng mộ của một nhà báo vừa còn quá trẻ vừa non kinh nghiệm như tôi. Cuối tháng 1 -1965, sau ba tháng ngồi ghế Thủ tướng, ông Hương bị tướng Nguyễn Khánh và quân đội “hất” xuống, người thay ông là bác sĩ Phan Huy Quát. Phe quân đội đưa ông Hương ra Vũng Tàu, giam lỏng ông trong một biệt thự.
Tờ báo
Sài Gòn Tân Văn của tôi sống lâu hơn chính phủ Trần Văn Hương chỉ đúng một tháng! Chính phủ Phan Huy Quát ngồi chưa “nóng đít” thì phải đối đầu với một cuộc binh biến ngày 19-2-1965. Một trong những sĩ quan cầm đầu phe quân đội đảo chính là đại tá Phạm Ngọc Thảo. Nhưng phe đảo chính đã không bắt được tướng Nguyễn Khánh như kế hoạch đề ra khi tấn công vào Tổng tham mưu. Nhờ sự tiếp tay của tướng Không quân Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Khánh (người thật sự nắm quyền lực) chạy thoát lên Đà Lạt. Chính phủ ông Quát sau hai ngày tan rã quay trở lại!
Tờ báo
Sài Gòn Tân Văn của tôi là tờ báo duy nhất tiếp tục xuất bản trong hai ngày binh biến và Sài Gòn không có chính phủ; thêm nữa còn có bài tường thuật rõ Tổng trưởng Bộ Thông tin – thiếu tướng Linh Quang Viên – trốn phe đảo chính chui lên trần nhà và khi phe đảo chính vào nhà lục soát thì từ trên trần nhà ông rơi xuống đất, bị phe đảo chính tóm gọn. Phóng viên viết tin như thế, trong bối cảnh hỗn loạn lúc đó, thật khó kiểm tra thật hư thế nào. Lẽ đương nhiên khi chính phủ Phan Huy Quát giành lại chính quyền và tướng Viên trở lại Bộ Thông tin thì quyết định đầu tiên của ông ta là đóng cửa và thu hồi giấy phép xuất bản của tờ
Sài Gòn Tân Văn. Lý do chính thức: tờ báo đã không nộp lưu chiểu khi phát hành trong hai ngày 19 và 20-2-1965. Thực tế dù có muốn tôn trọng luật báo chí, hai ngày đó cũng chẳng biết phải nộp lưu chiểu ở đâu vì cả Bộ Thông tin đều trốn biệt!
Nhớ lại kinh nghiệm đầu tiên làm chủ báo, tôi thấy mình còn non tay quá. Không phải riêng chuyện một mình phá rào ra báo trong hai ngày Sài Gòn không có chính phủ khiến cho tờ báo bị đóng cửa, mà ngay cả cách làm báo, tổ chức tờ báo, nói theo bây giờ là nghiệp vụ của tôi lúc đó còn rất sơ sài. Nội dung của tờ
Sài Gòn Tân Văn chỉ có một mục đáng nhớ là bức tranh liên hoàn “
Anh Tám Sạc Ne” xuất hiện hàng ngày trên trang nhất. Tác giả tranh liên hoàn này là nhà báo Cát Hữu. Ông từ Hà Nội vào Sài Gòn năm 1954 theo đợt sóng di cư. Tuy nhiên ông không nhập theo các nhà báo di cư chống cộng như Tô Văn, Chu Tử, Đặng Văn Sung, Nghiêm Xuân Thiện… Ông là một trong những nhà báo thế hệ cũ có bằng tú tài Pháp (Bachelier). Vào thời đó nhà báo có đỗ tú tài như Cát Hữu rất hiếm. Nghe đâu thời trẻ Cát Hữu đi kháng chiến chống Pháp và từng là thầy giáo Pháp văn của một đảng viên cộng sản cao cấp. Theo tôi, kể từ sau hai nhân vật hí họa Lý Toét – Xã Xệ, nhân vật Tám Sạc Ne của Cát Hữu là thành công nhất.
Anh Tám Sạc Ne là một phu đạp xích lô, mang râu cá chốt, nhậu ba xi đế và bàn chuyện thế sự một cách thâm thúy! Dù tác giả là người Bắc nhưng nhân vật Tám Sạc Ne chính cống Nam Bộ, Sạc Ne là tên một con đường chính – Boulevard Charner – ở trung tâm Sài Gòn (đường Nguyễn Huệ bây giờ), thời trước chưa cấm xe xích lô đạp.
Cát Hữu để sẵn tại tòa soạn một bình mực tàu, một cây viết ngòi lá tre, mỗi sáng đến lấy một mảnh giấy trắng đâu đó và thực hiện tranh của ông không quá 15 phút. Vẽ xong, ông xẹt qua tiệm hút thuốc phiện cuối đường Phạm Ngũ Lão làm vài điếu. Nhà báo Tam Đức, thư ký tòa soạn của báo tôi cũng thế, xẹt qua tiệm hút sáng một cữ, chiều một cữ. Khi còn là phóng viên tập sự, được tòa soạn giao nhiệm vụ đến tiệm hút lấy bài của các ký giả đàn anh, nhiều lần tôi được các bác, các chú khuyến khích làm thử một điếu “để viết bài thêm bay bổng”. Nhưng tôi luôn lễ phép từ chối mặc dù thời đó nhiều nhà báo lớn đều làm bạn với ả phù tiên!
Dù tờ báo
Sài Gòn Tân Văn không phải là một thành công nghề nghiệp đối với tôi, nhưng mặt nào đó, tờ báo đã cung cấp cho tôi một “mảnh đất” đầu tiên hết sức quí giá để đi sâu vào cái nghề mà chỉ có thực tiễn mới dạy cho mình những bài học sâu sắc nhất. Mặt khác, tờ
Sài Gòn Tân Văn cũng chỉ ra cho tôi thực tế đầu tiên gắn báo chí với đấu tranh xã hội và dân chủ. Từ tờ báo
Sài Gòn Tân Văn cho đến mãi sau này, tôi luôn coi nghề báo không thể tách rời các cuộc đấu tranh cải tiến xã hội, bảo vệ dân chủ và lẽ phải. Một nhà báo dứt khoát phải là một trí thức dấn thân.
Tờ
Sài Gòn Tân Văn có khoảng 7 – 8 ngàn độc giả. Vấn đề tích cực nhất lúc đó được đặt ra trên mặt báo
Sài Gòn Tân Văn là vận động dư luận áp lực với chính phủ Sài Gòn thành lập một trường Đại học ở miền Tây. Tôi viết một loạt bài tố cáo chính phủ Sài Gòn cố tình không mở trường Đại học ở miền Tây với ý đồ duy trì vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong tình trạng lạc hậu về chính trị và dân trí để dễ dàng cai trị. Vào thời điểm này, một số trí thức như giáo sư Lý Chánh Trung, nhà kinh tế Nguyễn Văn Hảo, giáo sự Phạm Hoàng Hộ, kỹ sư Võ Long Triều, anh Hồ Ngọc Nhuận, giáo sư Châu Tâm Luân cũng lên tiếng trên báo chí và tổ chức nhiều cuộc hội thảo để tăng áp lực đối với chính phủ Sài Gòn thành lập Đại học miền Tây. Tôi cũng có dịp xuống tận Cần Thơ tham gia một số cuộc hội thảo. Cuộc vận động này cuối cùng đạt kết quả khi nhận được sự đồng tình của thiếu tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương, một chức danh cầu kỳ tương đương với Thủ tướng. Khi nắm quyền thủ tướng, ông Kỳ nhanh chóng nhận ra đây là chỗ có thể thu phục cảm tình của trí thức miền Nam, cân bằng lại dư luận phần đông cho rằng chính phủ Kỳ nghiêng về người Bắc di cư và chèn ép người Nam. Người bị tố cáo có chủ trương kỳ thị là đại tá Nguyễn Ngọc Loan, tổng giám đốc cảnh sát, cánh tay mặt của Nguyễn Cao Kỳ.
Cuộc đấu tranh thành lập Đại học miền Tây là cuộc dấn thân đầu tiên của tôi vào một hoạt động xã hội – chính trị ngoài báo chí. Chỗ đứng tự nhiên của tôi, ngay từ lúc đó trong làng báo là đối nghịch với chính quyền. Phải chăng do tôi đã từng ủng hộ ông Trần Văn Hương rồi ông bị truất quyền nên tôi chọn thái độ đối lập lại các chính phủ kế tiếp? Không hẳn thế. Câu trả lời ở một lẽ khác: Không khí ở Sài Gòn những năm đó rất dị ứng với các chính phủ do các tướng lãnh quân đội dựng lên. Tướng tá Sài Gòn hầu hết nằm trong tay người Mỹ, phần nhiều lại tham nhũng, tất nhiên không được lòng dân. Thái độ ngạo mạn của các viên chức và tướng tá Mỹ đối với những người Việt Nam hợp tác với họ càng làm cho chính quyền Sài Gòn càng mất uy tín. Báo chí đối lập (đôi khi cả báo chí theo chính quyền) mỉa mai gọi các đại sứ Mỹ là “quan thái thú”, “quan toàn quyền”. Hình ảnh đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge (thời chế độ Ngô Đình Diệm) mặc áo dài khăn đóng chẳng những không làm cho ông gần được với người dân Sài Gòn mà trái lại bị coi như một minh họa đậm nét về vai trò “quan thái thú” thật sự của ông ta. Các tuyên bố của Nguyễn Khánh, Nguyễn Cao Kỳ đòi oanh tạc miền Bắc đều gặp sự phản ứng gay gắt ngay cả trong thành phần người Sài Gòn bình thường không thiên cộng.
Trong không khí và bối cảnh ấy, đối nghịch lại chính quyền Sài Gòn cũng là thái độ hiển nhiên đối với nhiều người ở miền Nam, trong đó có tôi. Nhưng đi xa hơn nữa, chọn cho mình một thái độ chính trị dứt khoát trên bình diện toàn cục của cuộc chiến ở Việt Nam, đối với một thanh niên như tôi, vừa bước vào đời khá đơn độc sau thời gian dài bị “nhốt” trong các trường nội trú, quả thật là khó. Tôi tiến tới từng bước, mò mẫm, quan sát, tìm hiểu, lúc đúng lúc sai phải tự điều chỉnh rồi lại bước tới. Một quá trình hết sức gian nan nhưng cũng hết sức hứng thú vì lúc đó động cơ chi phối các hành động và thái độ chính trị của tôi đều xuất phát từ lòng yêu nước rất hồn nhiên, từ ý muốn được đứng về phía đa số nhân dân, không bị người dân coi mình là “tay sai Mỹ” hay “gia nô” của một chính quyền không được lòng dân.
Sau khi tờ
Sài Gòn Tân Văn bị đóng cửa, tôi trở lại làm tổng thư ký tòa soạn cho tờ
Bình Minh của ông Võ Văn Ứng, lúc này tờ báo không còn ra hàng ngày nữa mà chỉ ra hàng tuần.
Sau cuộc đảo chính hụt ngày 19-20 tháng 2-1965, qua ngày 21-2, Nguyễn Khánh bị Hội đồng Quân lực do hai tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ chi phối, truất quyền và buộc lưu vong với danh nghĩa “đại sứ lưu động”. Một thời kỳ quyền lực mới xuất hiện với sự nổi lên của hai nhân vật rất khác nhau về tánh tình, luôn ngấm ngầm kình chống nhau và tìm cách loại bỏ nhau nhưng vẫn phải dựa vào nhau để tồn tại cho đến khi nào Washington quyết định chọn một!
Chính vào thời điểm này, đại sứ Mỹ Maxwell Taylor thông báo cho Thủ tướng Phan Huy Quát biết Mỹ đang chuẩn bị 3500 thủy quân lục chiến đầu tiên trực tiếp tham chiến tại miền Nam. Nhưng ba ngày sau, Sứ quán Mỹ tại Sài Gòn đưa ra “đề nghị” buộc chính phủ Quát phải ra tuyên bố “yêu cầu” chính phủ Mỹ gửi thủy quân lục chiến sang Việt Nam. Dĩ nhiên lời “yêu cầu” của chính phủ Quát trước khi công bố đã được Hội đồng Quân lực, mà Chủ tịch là trung tướng Nguyễn Văn Thiệu thông qua, mặc dù trên danh nghĩa người lãnh đạo cao nhất lúc đó vẫn còn là quốc trưởng Phan Khắc Sửu! Ngày 8-3-1965, các đơn vị thủy quân lục chiến đầu tiên thuộc Lữ đoàn 9 thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên bãi biển Đà Nẵng. Sau này trong hồi ký của mình, ông Bùi Diễm lúc đó là cố vấn của thủ tướng Quát có kể lại rằng thái độ ban đầu của ông Quát là không tán đồng đề nghị của Mỹ đưa quân tham chiến trực tiếp ở miền Nam. Ông Quát cho rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ sẽ không thuận lợi cho cuộc chiến chống Cộng của người Việt Nam. Tôi không có điều kiện để phối kiểm lại điều tiết lộ này của ông Bùi Diễm. Nhưng một thủ tướng Sài Gòn chống lại một chiến lược lớn của Mỹ ở Việt Nam và Đông Nam Á là điều không tưởng. Các cuộc xung đột giữa Công giáo và Phật giáo trên đường phố Sài Gòn không được quân đội vãn hồi trật tự, trái lại nhắm mắt làm ngơ. Người ta hiểu đã đến lúc quân đội có ý định “cất” chính quyền dân sự theo ý muốn của Washington để phục vụ cho đường lối tham chiến trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam. Cuộc xung đột giữa ông Phan Khắc Sửu đóng vai trò quốc trưởng với thủ tướng Quát chỉ thêm một cái cớ để lật đổ chính phủ dân sự lúc này.
Ngày 19-6-1965, thiếu tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ được Hội đồng Quân lực bổ nhiệm vào chức vụ Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương, tương đương chức vụ thủ tướng. Còn Nguyễn Văn Thiệu là Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia, tương đương Quốc trưởng.
Lúc này tình hình chính trị ở Sài Gòn rất rối ren, đặc biệt các cuộc xung đột giữa Công giáo và Phật giáo. Mặt khác chính quyền Sài Gòn hầu như mất sự kiểm soát miền Trung nằm trong ảnh hưởng của trung tướng Nguyễn Chánh Thi. Nguyễn Văn Thiệu khôn khéo núp sau “vai trò tượng trưng” Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia, đẩy Nguyễn Cao Kỳ ra phía trước nhận trách nhiệm giải quyết tất cả các thứ rối ren. Thiệu nghĩ rằng Kỳ sẽ tiêu ma uy tín và lún lầy trong tình hình trước mắt. Vậy là ông ta không cần ra tay cũng loại được Kỳ.