Tuần lễ đầu tháng 4 – 1975, trung tướng Dương Văn Minh và nhóm ủng hộ ông quyết định chính thức công bố ý định thay thế tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Trước đó, nhóm ông Minh đã họp bàn tại Dinh Hoa Lan. Có người nhắc lại rằng thay thế vị trí của tổng thống Thiệu lúc này thì khả năng lớn nhất chỉ thay Thiệu để đầu hàng mà thôi. Sẽ không còn hy vọng cho bất cứ một giải pháp chính trị nào.
Nhận định này được nhiều người có mặt chia sẻ nhưng không một ai đưa ra đề nghị rút lui. Chúng tôi đặt thẳng vấn đề với nhau để những ai còn ý định tiếp tục gắn bó với nhau đi tới thì không mập mờ gì về sự lựa chọn của nhóm, đó là: sẵn sàng thay Thiệu dù chỉ để cầm cờ đầu hàng. Thật sự ông Minh chẳng có ảo tưởng gì về cái ghế tổng thống vào lúc này. Nó không còn là quyền lực và địa vị. Nhưng nó vẫn còn có tác dụng nhất định để góp phần đưa miền Nam đi đến một kết thúc bớt được những đổ máu vô ích. Cuộc công bố chính thức với báo chí của ông Minh về quyết định sẵn sàng thay tổng thống Thiệu được tổ chức tại Đường Sơn Quán, một nhà hàng đặc sản của cựu trung tướng Mai Hữu Xuân nằm giữa một đồn điền cao su trên Xa lộ Đại Hàn. Các nhà báo nước ngoài được mời dự gồm: Peter Ross Range, trưởng văn phòng tuần báo Mỹ
Times Magazine; Francois Nivelon phóng viên báo Pháp
France Soir; Carl Robinson phóng viên nhiếp ảnh của AP; Jean Louis Arnaud, trưởng văn phòng hãng tin AFP... Về phía nhóm ông Minh có luật sư Trần Ngọc Liễng, bác sĩ Hồ Văn Minh, trung tướng Mai Hữu Xuân, giáo sư Tôn Thất Thiện, luất sư Bùi Chánh Thời, các dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba và tôi. Anh Ba vì đang bị chính quyền Thiệu truy nã nên không xuất hiện công khai. Từ Sài Gòn lên Đường Sơn Quán, anh Ba ngồi ô tô chung với ông Dương Văn Minh để tránh bị cảnh sát chận bắt dọc đường.
Sau cuộc họp báo tại Đường Sơn Quán, ngày 17-4 ông Minh tiếp đại sứ Pháp Jean Marie Mérillon theo yêu cầu của tòa đại sứ Pháp. Lý do chính thức: đến để tìm hiểu thêm tuyên bố mới nhất của ông Minh tại Đường Sơn Quán. Đại sứ Pháp đến Dinh Hoa Lan trên chiếc DS có cắm cờ “xanh trắng đỏ” của nước Pháp, đúng ra chi sử dụng trong những quan hệ ngoại giao chính thức giữa đại sứ Pháp với chính quyền nước sở tại. Báo chí lúc đó cho rằng đây là sự cố tình vi phạm nguyên tắc ngoại giao của đại sứ Pháp nhằm công khai hóa lập trường của Pháp đối với tình hình chính trị tại miền Nam. Một cách ủng hộ và nhìn nhận vai trò sắp tới của ông Dương Văn Minh và đồng thời hạ thấp vai trò của tổng thống Thiệu. Đi cùng đại sứ Pháp có cố vấn chính trị tòa đại sứ Pháp là Pierre Brochand. Về phía ông Minh có tôi. Sau khi nghe ông Minh trình bày dự định cùng lập trường hòa bình của mình, đại sứ Pháp hứa sẽ ủng hộ ông Minh. Pháp là quốc gia duy nhất lúc đó có tòa đại sứ đồng thời tại Sài Gòn và cả Hà Nội, một thế ngoại giao rất thuận lợi để đóng vai trò trung gian trong kết thúc chiến tranh Việt Nam. Không kể họ còn là chủ nhà của Hội nghị Paris.
Theo nhà báo Larry Berman, người rất gần với CIA, trong quyển sách của ông về Việt Nam
No Peace No Honor, thì ngày 2-4-1975 người đứng đầu CIA tại Sài Gòn là Thomas Polgar có gởi một bức điện về tổng hành dinh CIA ở Washington đề xuất lật đổ tổng thống Thiệu để đưa Big Minh, tức tướng Dương Văn Minh lên thay, dọn đường cho sự thành lập chính phủ liên hiệp “với hy vọng chính phủ này có khả năng làm chậm lại cuộc xâm lược của Bắc Việt”(!). Polgar giải thích trong bức điện của mình rằng ông ta đã nghe trưởng đoàn Hungary trong ủy ban kiểm soát bốn bên nói rằng “nếu tổng thống Thiệu bị loại thì Bắc Việt sẵn sàng thương thuyết”. Cũng trong quyển
No Peace No Honor của Larry Berman có kể chi tiết trong thời gian này tại Sài Gòn, tướng Kỳ đã tiếp xúc với đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng với mục đích tổ chức cuộc đảo chính Thiệu. Nhưng Cao VănViên không dám quyết định khi chưa thăm dò ý kiến của đại tướng Trần Thiện Khiêm, người vừa rời ghế thủ tướng cách đó 6 tháng. Liền đó đến phiên tướng Trần Thiện Khiêm chạy đi hỏi ý kiến tướng Mỹ về hưu Timmes, một nhân vật hoạt động tình báo kỳ cựu ở Việt Nam và vẫn có vai trò quan trọng với tòa đại sứ Mỹ. Ông Thiệu luốn coi Timmes là “Bố già” của tướng Khiêm và thừa biết rằng Khiêm chỉ hành động nếu được CIA bật đèn xanh. Thomas Polgar, đứng đầu CIA tại Sài Gòn biết được tin này nổi khùng lên vì nếu cuộc đảo chính xảy ra sẽ đi ngược lại tính toán riêng của ông ta đã đề xuất với tổng hành dinh CIA ở Washington. Thomas Plogar không muốn vào lúc này Kỳ, Viên, Khiêm lại đứng lên thay Thiệu nên ra lệnh cho Timmes ngăn chặn ý đồ của Nguyễn Cao Kỳ. Tướng Khiêm biết được chủ trương của CIA không ủng hộ tướng Kỳ lật đổ Thiệu qua thái độ của tướng Timmes liền trở cờ, dùng việc này để tâng công với Thiệu: Ông đi kể cho Thiệu nghe kế hoạch đảo chính của Nguyễn Cao Kỳ. Khi nhắc lai sự kiện các tướng lãnh định đảo chính ông Thiệu rồi lại phản thùng với nhau, Hoàng Đức Nhã bình luận với Larry Berman: “Nói lại chuyện này cũng giống như nói chuyện danh dự giữa những kẻ cướp”.
Nói thêm về tướng về hưu Charles Timmes, một nhân vật kỳ cựu trong ngành tình báo Mỹ ở Việt Nam, đã ông có mặt tại Ấp Bắc (tháng 1-1963) ngay sau khi Mỹ bị thất bại lần đầu tiên trong chiến lược “trực thăng vận”. Charles Timmes trở lại miền Nam đo mối quan hệ bạn bè rất thân với giám đốc CIA William Coiby. Timmes sang thay một nhân vật tình báo khác đã từng được coi là đạo diễn chính của vụ lật đổ hai anh em Diệm- Nhu: Lucien Conein. Phong cách của hai nhân vật này hoàn toàn khác nhau: Trong khi Conein tiếp cận các tướng lãnh Sài Gòn bằng những buổi nhậu nhẹt kéo dài lê thê thì Timmes lại chọn sân quần vợt để nghe những lời thổ lộ của họ. Trong những ngày căng thẳng đầu tháng 4-1975, Timmes đã phát biểu: “Các sĩ quan Việt Nam biết rằng Quốc hội Mỹ cắt viện trợ cho Sài Gòn. Các chỉ huy quân sự đều bàn chuyện đó. Họ bảo với nhau: “Tại sao chúng ta tiếp tục ra trận và đổ máu một cách vô ích?”. Họ nghĩ rằng Mỹ không giữ những lời cam kết của mình”. Nhà báo Larry Engelmann trong quyển
Tears Before the Rain có ghi lại một thú nhận của chuẩn tướng Lý Tòng Bá, tư lệnh sư đoàn 25 Bộ binh, như sau: “Khi trận đánh trở nên gay go, họ không muốn chiến đấu nữa. Họ muốn dựa vào Mỹ. Khi không có Mỹ giúp, họ bỏ chạy. Đó là cái bệnh mà quân đội VNCH mắc phải”.
...Để ngăn chặn ý đồ của tướng Kỳ, trước hết Timmes gặp các tướng lãnh đã được Kỳ tiếp xúc và thuyết phục họ không nghe theo lời rủ ren của Kỳ. Việc này không khó lắm như đã thấy trong cách phản thùng nhanh chóng của cựu thủ tướng Trần Thiện Khiêm. Còn trực tiếp với Nguyễn Cao Kỳ, Charles Timmes dùng kế hoãn binh. Timmes lấy chiếc xe “con bọ” Volkswagen cũ kỹ của ông chở đại sứ Graham Martin tới nhà Kỳ và hai người đóng màn kịch làm cho Kỳ nghĩ rằng sắp tới phiên Kỳ sẽ được chọn làm lãnh đạo miền Nam thay Thiệu, do đó ông Kỳ cần phải kiên nhẫn, không nên có hành động chống Thiệu. Về chuyện này, trong hồi ký của mình
(Buddha s Child), Nguyễn Cao Kỳ kể lại như sau:
“Tháng 4, Mỹ thấy vai trò của Thiệu đã hết. Trung tướng Charles Timmes, người có rất nhiều người bạn trong giới quân sự Việt Nam, bắt đầu hành động như một sĩ quan liên lạc giữa tôi và tòa đại sứ Mỹ. Timmes từng là CIA, tuần nào cũng đến nhà tôi tóm lược cho tôi tình hình quân sự. Một hôm ông ta gọi điện cho tôi nói rằng ông ta muốn gặp tôi vào buổi chiều. Khi tôi trả lời đồng ý thì ông ta lại có thêm một yêu cầu: ông ta muốn đem theo “một người bạn”? “Người bạn” ấy là đại sứ Mỹ Graham Martin (...). Khi tôi mở cánh cửa văn phòng và nhận ra ông ta, Martin nói: ‘‘Tôi nghĩ ông ngạc nhiên khi thấy tôi đến đây”. “Không đâu”? Tôi nói: ‘‘Tại sao tôi lại ngạc nhiên? Tôi chờ đợi ông đến và tôi cũng biết tại sao ông đến”. Thật sự tôi hơi khó chịu bởi Martin có ảo tưởng tự coi mình là vĩ đại. Ông ta không phải là đại sứ Mỹ đầu tiên viếng nhà tôi và bất cứ người nào tôi gặp cũng thế chl là một sứ giả thực hiện những chỉ thị của chính phủ họ. Nước Mỹ không phải là Đế chế La Mã và Martin không phải là một quan thái thú. Henry Cabot Lodge và Averell Harriman, thuộc loại người rất khác, mỗi người đều tế nhị hiểu điều đó, nhưng Martin té ra rất tự mãn như thể ông ta là Thượng đế, một hiện thân của Đức Phật, lạc vào trong đám người tầm thường. Đáng lý ông phải ngạc nhiên rằng tôi đồng ý tiếp ông. Ông ta ngồi xuống và hỏi: “Nếu ông trở thành thủ tướng lần nữa trong hoàn cảnh hiện nay, ông sẽ làm gì?” Đầu tiên chúng ta phải chận đứng sự tiến quân của kẻ thù? Tôi nói tiếp: “Chận đứng họ, rồi từ đó chúng ta có thể thương lượng, đưa ra những nhân nhượng hoặc những thích nghi. Nhưng dù thế nào phải chận đứng họ trước đã. Nhưng nếu sự tan rã này tiếp tục thì chẳng còn gì để bàn cãi”. “Ông sẽ làm gì với Thiệu?”. Martin hỏi. “Tôi không có thời giờ để nghĩ đến ông Thiệu hay ai khác. Tôi cũng không quan tâm nếu ông ta ở lại hay ra đi” . Vừa chào tôi ra về, Martin quay đầu lại và nói: “Tôi rất hài lòng về câu trả lời của ông. Ông hãy cho tôi ít ngày để đẩy Thiệu đi!”. Ba ngày sau, tướng Timmes trở lại một mình. ‘‘Có đúng là ông và một số sĩ quan đang tìm cách hành động chống lại Big Minh (cách gọi thân mật tướng Dương Văn Minh)?”, ông ta hỏi. “Không, tôi trả lời. “Nhưng tại sao lại đề cập đến Big Minh. Tôi hành động chống ông ấy để làm gì?” Tôi rất hài lòng được nghe như thế”, ông nói tiếp mà không trả lời câu hỏi của tôi. “Vì rằng bất cứ chuyện gì xảy mà chống lại Big Minh, Washington và Hà Nội sẽ lên án ông” “À. Bây giờ tôi hiểu” tôi nói. Sau Thiệu bị bỏ rơi, Minh đóng vai trò một người tiếp nhận sự phá sản (bankruptcy): ký giấy tờ và giao tài sản. “Nếu Big Minh trớ thành lãnh đạo miền Nam, cộng sản sẽ vào Sài Gòn trong 24 tiếng đồng hồ”, tôi nói với Timmes. Thật sự không bao giờ Nguyễn Cao Kỳ có cảm tình với các tướng lãnh thuộc thế hệ trước, trong đó có tướng Dương Văn Minh. Ông Kỳ kể trong hồi ký của mình rằng khi tướng Mỹ Westmoreland đến Việt Nam lần đầu năm 1965 và hỏi Kỳ có cách nào để củng cố quân đội VNCH thì Kỳ trả lời
“Ông cần giải ngũ hoặc cho về hưu tất cả các tướng già, từng người một”. Westmoreland chẳng hỏi gì thêm
‘‘nhìn tôi chòng chọc như thể tôi là người mất trí”. Kỳ cho rằng các tướng già đều thuộc thời thực dân:
‘‘Pháp không căn cứ vào sự dũng cảm hay có sáng kiến để thăng chức họ mà chi dựa vào sự trung thành của những kẻ làm bù nhìn (...) Phần đông ăn diện và cư xử như sĩ quan Pháp. Khi người Pháp về nước, họ trở thành những tướng lãnh hề - cải lương: Những tay nhậu khủng khiếp, những tay nhảy đầm hào hoa phong nhã, những tay săn gái bậc thầy. Họ nói một thứ tiếng Pháp hoàn hảo, trong đó có một số nói tiếng Việt không rành, một số khác không có khái niệm thế nào là một chiến sĩ. Và họ còn là những kẻ tham nhũng. Thiệu từ trong nhóm người này mà ra và cầm đầu hàng triệu binh lính...” Nói về cách nói tiếng Việt không rành, Kỳ ám chỉ trung tướng Trần Văn Đôn, người bạn thân của tướng Dương Văn Minh. Tướng Đôn sử dụng thông Pháp trôi chảy hơn tiếng Việt.
Ông Kỳ nhìn những tướng tá thế hệ trước như thế nhưng bản thân ông Kỳ cũng không được các nhân vật chính trị và báo chí Mỹ đánh giá cao. William Bundy, phụ tá bộ trưởng ngoại giao Mỹ thời tổng thống Johnson, kết luận về con người Nguyễn Cao Kỳ bằng câu:
‘‘Ông ta là cái đáy của cái thùng, sự chọn lựa cuối cùng và tệ hại nhất của một quân đội tuyệt vọng”. Còn nhà văn, nhà báo Frances Fitzgerald, đoạt giải Pulitzer với quyển
Fire on the Lake cho rằng Kỳ là
‘‘kẻ lừa bịp, một công cụ của các chỉ huy quân đoàn và sư đoàn, một tướng lãnh mà họ mất tin tưởng, không có khả năng nắm quyền bính”. Nhà báo Stanley Karnow, cũng đoạt giải Pulitzer với quyển
VietNam-
A History, thì mô tả ông Kỳ
‘‘giống như một tay thổi kèn saxophone trong một hộp đêm hạng hai”. Không biết sau này ông Kỳ có khám phá ra rằng tướng Mỹ Timmes và đại sứ Martin mà Kỳ ghét cay ghét đắng đã gạt Kỳ một cách trắng trợn hay không.
Mặt khác lúc đó tôi cũng không biết rõ ông Minh có được CIA, thông qua tướng Timmes, khuyến khích ra thay Thiệu vào giờ chót không. Trong tháng 4-1975, tướng Timmes đến Dinh Hoa Lan thường xuyên hơn. Rất có thể Timmes biết ý định của ông Minh, từ đó thúc đẩy và hỗ trợ thêm.
Nếu có một thế lực nước ngoài gây ảnh hưởng đến ông Dương Văn Minh vào lúc này không phải là Mỹ mà là Pháp.
Qua đại sứ Pháp Jean Marie Merillon, ông Minh nghĩ rằng Paris có thể đóng một vai trò trung gian với Hà Nội để thương thuyết một giải pháp chính trị nếu ông thay thế tổng thống Thiệu. Chính người Pháp lúc này cũng tin rằng mình có thể làm điều đó. Sau này người ta được biết có sự khác nhau về đánh giá tình hình giữa đại sứ Pháp tại Hà Nội Philippe Richer và đại sứ Pháp tại Sài Gòn Jean Marie Mérillon vào những ngày giữa tháng Tư - 1975. Trong khi đại sứ Pháp tại Sài Gòn cho rằng Hà Nội sẵn sàng chấp nhận đối thoại với một chính phủ do ông Dương Văn Minh đứng đầu thì đại sứ Phá tại Hà Nội gửi báo cáo về Bộ Ngoại giao Pháp khẳng định ngược lại:sẽ không có thương lượng chính trị mà kết thúc bằng chiến thắng quân sự của người cộng sản. Nhưng báo cáo từ tòa đại sứ Pháp ở Hà Nội không được Quai D’Orsay coi trọng bằng những nhận định từ tòa đại sứ tại Sài Gòn.
Sáng 8-4-1975, trung úy phi công Nguyễn Thành Trung điều khiển chiến đấu cơ Northrop F-5E Tiger II, xuất phát từ sân bay Biên Hòa, ném bom xuống Dinh Độc Lập rồi bay thẳng về căn cứ giải phóng Phước Long gia nhập hàng ngũ của MTDTGPMN. Trung úy Nguyễn Thành Trung được cộng sản “cài” vào quân đội Sài Gòn từ lâu. Ông Thiệu và gia đình thoát chết trong cuộc tấn công bất ngờ này. Nhưng với dân chúng Sài Gòn, cuộc ném bom có ý nghĩa báo trước sự sụp đổ không thể tránh của chế độ Thiệu. Tinh thần của Thiệu và những người thân cận của ông xuống thấp hơn bao giờ hết. Thiệu không phải con người liều lĩnh như Kỳ. Phó tổng thống Trần Văn Hương từng nói với vài dân biểu thân ông - dĩ nhiên là sau lưng Thiệu - rằng ông Thiệu
“C’est un type sans couille”, một cách nói của người Pháp để ám chỉ những người đàn ông không có khí thái.
Sự hư hại của Dinh Độc Lập sau vụ ném bom lần này không nhiều như thời Ngô Đình Diệm đã từng bị hai phi công khác, cũng của không lực VNCH ném bom. Đó là ngày 27-2-l962, hai phi công lái chiếc A -1 Skyraider cất cánh từ sân bay từ sân bay Tân Sơn Nhất trong một phi vụ tấn công các mục tiêu Việt Cộng, đã đổi hướng trở vào Sài Gòn và ném bom xuống Dinh Độc Lập. Hai sĩ quan phi công ấy là Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc đã hành động độc lập, không nằm trong một âm mưu đảo chính nào. Cử thoát được, sang tị nạn chính trị ở Campuchia, còn chiến đấu cơ của Quốc bị súng phòng không từ một chiếc tàu chiến trên sông Sài Gòn bắn hạ và bị bắt sống. Số phận của Quốc và Cử sau này rất khác nhau. Quốc chết mất xác khi chiếc Skyraider của anh bị bắn hạ trong một chuyến oanh tạc miền Bắc, còn Cử từ Campuchia trở về hoạt động chính trị và lần lượt trúng cử dân biểu rồi nghị sĩ quốc hội. Hiện Cử sống tại San Jose (California- Mỹ).
Dinh Độc Lập vào lúc bị ném bom lần đầu năm 1962 có kiến trúc thời Pháp đô hộ như các kiến trúc mà chúng ta còn thấy ở trụ sở ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh (đường Nguyễn Huệ). Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh (đường Lý Tự Trọng) hay Tòa án TP. Hồ Chí Minh (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa)... Do sự hư hại khá nặng, ông Diệm cho xây dựng lai một dinh tổng thống mới. Được giao nhiệm vụ thiết kế dinh mới trên vị trí cũ là kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, từng đoạt giải thưởng lớn kiến trúc tại Rome (Grand Prix De Rome). Với nhiều người như tôi đã từng nhận thấy Dinh Độc Lập xưa, từ cái thời nó còn mang tên Dinh Norodom, vẫn có một so sánh giữa cái cũ và cái mới. Riêng tôi vẫn nghiêng về lối kiến trúc xưa.
…Trở lại tình hình nguy ngập của Sài Gòn vào giữa tháng 4-l975, người Mỹ nhận định rằng mình không còn chủ động tình hình miền Nam được nữa và thời gian còn lại cho mình không còn bao nhiêu, đại sứ Graham Martin và trùm CIA Thomas Polgar dựa vào đại sứ Pháp và các nỗ lực của Paris để hi vọng kéo dài sự tồn tại chính quyền Sài Gòn hầu có thêm thời gian để đưa người Mỹ và những người Việt Nam đã từng hợp tác với họ kịp rời khỏi miền Nam. Chính vì vậy, tòa đại sứ Mỹ và CIA lúc này chủ trương lất đổ Thiệu và hỗ trợ giải pháp Dương Văn Minh đang được Paris tích cực ủng hộ.
Đầu tháng 4-1975, đang lúc tình hình của chính quyền Sài Gòn cực kỳ rối rắm thì có tin cựu phụ tá đặc biệt của Thiệu là Nguyễn Văn Ngân bị bắt. Lúc đó ít ai biết được lý do. Sau này, người thân cận của Ngân tiết lộ rằng Ngân đã đứng đằng sau cuộc biểu quyết ở Thượng Viện ngày 3-4-l975 đòi Thiệu từ chức. Cần nhắc lại sau khi bị thất sủng (mất chức phụ tá tại phủ tổng thống sau khi thay phụ tá Nguyễn Cao Thăng chết vì bệnh ung thư) không còn được Thiệu tin cậy, Ngân đã sang Canada sống. Người đẩy Ngân ra khỏi vai trò phụ tá phủ tổng thống đầy quyền lực là thủ tướng Trần Thiện Khiêm. Từ Canada (lưu vong ở Vancover được bốn tháng), Ngân nhận thấy tình hình thuận lợi để mình trở về nước hoạt động trở lại. Lợi dụng những quan hệ cũ trong quốc hội khi ông làm phụ tá đặc biệt phụ trách liên lạc quốc hội cho tổng thống Thiệu, Ngân có ý định vừa trả thù thủ tướng Khiêm vừa tạo thế chính trị cho mình bằng cách vận động Thượng viện bất tín nhiệm Khiêm. Nhưng cuộc vận động của Ngân lại trùng vào thời điểm quốc hội muốn Thiệu từ chức chứ không chỉ riêng Khiêm, thế là tuyên cáo được Thượng viện biểu quyết ngày 3-4-1975 đã nhắm vào chính ông Thiệu. Tối ngày 3-4-l975, Ngân bị bắt. Hôm sau chính phủ Thiệu loan báo vừa phá vỡ một âm mưu đảo chính.
Nhắc lại nhân vật Nguyễn Văn Ngân, có khá nhiều điều để nói. Ngân là một học sinh miền Bắc vượt tuyến, vào miền Nam khoảng năm 1955. Sau khi tốt nghiệp trường Luật, đại học Huế, Ngân vào Sài Gòn. Khởi đầu sự nghiệp dưới cái bóng của phụ tá đặc biệt tại phủ tổng thống là Nguyễn Cao Thăng, chủ nhân hãng bào chế dược OPV, như một chuyên viên liên lạc với quốc hội. Lúc đó Ngân còn khá mờ nhạt. Ông chỉ giành được một vai trò thật sự trong guồng máy của chính quyền Thiệu sau khi dược sĩ Thăng qua đời. Như chúng tôi có đề cập, Ngân là đạo diễn chính của đạo luật bầu cử tổng thống 1971 dẫn tới cuộc độc diễn của ông Thiệu. Điều mà ít ai biết: Ngân cũng là người đã thúc đẩy và tiến hành cuộc san bằng “vương quốc” ngân hàng của Nguyễn Tấn Đời.
Không được học hành nhiều, không bằng cấp, một nhân vật thành đạt theo kiểu người Mỹ gọi là “self made man”, Nguyễn Tấn Đời bắt đầu kinh doanh trong ngành sản xuất gạch bông hiệu Đời Tân. Sau đó, ông Đời lợi dụng sự xâm nhập ồ ạt của người Mỹ vào miền Nam, phất lên trong ngành khách sạn và cho thuê mướn nhà, trở thành “vua Building”. Từ “vua Building”, ông Đời tiến lên làm “vua Ngân hàng”. Ông có thân hình mập mạp, nước da ngăm đen - có dư luận cho rằng ông có máu Ấn Độ - luôn mặc những bộ côm-lê màu sặc sỡ như màu cam, màu xanh dương. Ông ăn nói hơi bình dân nhưng đầy tự tin, có lẽ do sự thành đạt trong kinh doanh. Trong một thời gian không dài, ông thiết lập được mạng lưới ngân hàng của mình - Ngân hàng Tín Nghĩa - với 32 chi nhánh tỏa ra khắp miền Nam. Một hiện tượng chưa từng xảy ra trong ngành ngân hàng ở miền Nam trước đó. Ngân hàng Tín Nghĩa có số ký thác lên đến 30 tỷ, trong khi tất cả các ngân hàng tư khác cộng lai chỉ có số ký thác 18 tỷ (theo
Hồi ký của Nguyễn Tấn Đời). Nói không quá đáng, ông Đời đã làm một cuộc cách mạng trong hoạt động ngân hàng ở miền Nam bấy giờ. Trước đây, ngân hàng không đến với khách hàng của mình. Ai cần thì đến với nó. Nó tiếp khách hàng lạnh lùng và quan liêu. Ngân hàng trước đó coi việc quảng cáo, tiếp thị là tự hạ mình, là mất “phẩm cách” đối với ngân hàng. Nhưng với chủ tịch hội đồng quản trị kiêm trong giám đốc ngân hàng Nguyễn Tấn Đời, không hề qua một khóa đào tạo nghiệp vụ nào về ngân hàng, thì ngân hàng chẳng qua cũng là một doanh nghiệp như bao nhiêu doanh nghiệp khác, cũng cần được quảng cáo, phải có những chiến lược cạnh tranh để giành lấy khách hàng và một trong những thay đổi phải có là thay đổi thái độ phục vụ, đưa ngân hàng đến khách hàng, đến trong quận huyện khu phố, mời mọc khách hàng đến với ngân hàng. Chính ông Nguyễn Tấn Đời đã một lần trình bày bởi tôi về quan niệm kinh doanh ngân hàng của ông như thế. Chính phủ và Ngân hàng quốc gia lúc đầu chống lại việc ông Đời làm tổng giám đốc vì cho rằng ông không có bằng cấp chuyên môn nhưng ông quyết liệt chống lại, với lập luận về mặt chuyên môn ông đã có những chuyến viên cao cấp về ngân hàng làm trợ lý. Thực tế, trong hàng ngũ phụ tá và cố vấn của ông có không thiếu những chuyên viên đã từng là bộ trưởng kinh tế, tổng giám đốc ngân hàng v.v…
Nhiều người cho rằng tổng thống Thiệu nghe lời ông Ngân san bằng giang san ngân hàng của Nguyễn Tấn Đời vì thấy thế lực của ông Đời ngày càng bành trướng và nghi ngờ ông Đời có tham vọng ra ứng cử tổng thống cạnh tranh với Thiệu.
Để mở rộng ảnh hưởng chính trị của mình, ông Đời tìm sự ủng hộ trong quốc hội, mà ông cũng là một dân biểu (đơn vị Kiên Giang), bằng cách dễ dãi cho tất cả dân biểu, nghị sĩ vay tiền ở ngân hàng Tín Nghĩa không tính lãi. “Chiêu” này của ông Đời có khả năng vô hiệu hóa quyền lực của phụ tá Ngân đối với các dân biểu nghị sĩ “gia nô”. Ông Ngân cũng dùng tiền để mua chuộc các cuộc bỏ phiếu. Thật ra trước mắt ông Đời chỉ có ý định nắm chức vụ chủ tịch Ủy ban ngân sách tài chính ở Hạ nghị viện, tức kiểm soát hầu bao của chính phủ Thiệu.
Do đó để giữ độc quyền nắm quốc hội, phụ tá Ngân quyết định tìm cách “dứt” ông Đời và hệ thống ngân hàng của Đời. Người giúp Ngân tích cực trong kế hoạch này là thống đốc Ngân hàng quốc gia Lê Quang Uyển, người phát hiện ra những sơ hở và vi phạm của Ngân hàng Tín Nghĩa. Khi tổng thống Thiệu vừa từ Mỹ trở về sau cuộc gặp tổng thống Nixon ở San Clemente, Ngân trình kế hoạch đánh sập Ngân hàng Tín Nghĩa và cá nhân Nguyễn Tấn Đời. Thiệu chấp thuận. Một cuộc họp lấy quyết định chính thức được Thiệu triệu tập với sự có mặt của thống đốc Ngân hàng quốc gia Lê Quang Uyển, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, tổng trưởng tài chánh Hà Xuân Trừng, thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình, tổng giám đốc cảnh sát quốc gia và phụ tá Ngân. Cuộc họp giao cho phụ tá Ngân tiến hành kế hoạch. Ngày 21-3-1973 các cơ sở của Ngân hàng Tin Nghĩa ở toàn miền Nam bị khám xét và niêm phong, lúc đó ông Đời và vợ đang ở Đà Nẵng. Cho đến cuối đời mình, Đời thù tận xương Thiệu và Ngân. Cuốn hồi ký của Nguyễn Tấn Đời được viết ra chủ yếu để tấn công và xỉ vả ông Thiệu!
Về nhân vật Ngân, một người thân cận của ông - nhà báo Vũ Thụy Hoàng - còn tiết lộ Ngân là “kiến trúc sư” chính của sự thành lập và tổ chức đảng Dân Chủ của Thiệu và là người dựng lên tờ báo của chính quyền - tờ
Dân Chủ. Một nguồn tin khác cho rằng trước khi bị bắt lần đầu và tạm lưu vong ở Canada, Ngân đã từng đề nghị với ông Thiệu và Hoàng Đức Nhã nên tiến hành việc móc nối với MTDTGPMN. Theo lập luận của Ngân, cộng sản sẽ bị chóa mắt khi tiếp cận với xã hội tiêu dùng miền Nam và chế độ Sài Gon có khả năng “hủ hóa” cộng sản. Nhưng đề nghị của Ngân bị Nhã bác bỏ. Do đó khi Ngân bị bắt, có tin đồn Ngân bị bắt vì liên lạc với Mặt Trận. Cho đến nay chưa biết được thật hư của dư luận này ra sao.
…Sau tuyên cáo của Thượng viện đòi Thiệu từ chức ngay thì xảy ra vụ phó văn phòng AFP tại Sài Gòn, Paul Leandri, bị cảnh sát Tổng nha bắn chết tại trụ sở Tồng nha. Vụ này làm bùng lên dư luận quốc tế lên án chế độ Thiệu, càng khiến cho ông Thiệu bị cô lập và mất tinh thần với Mỹ, thời gian quá cấp bách để cứu vãn cái gì còn có thể cứu vãn. Chẳng hạn kéo dài sự tồn tại chế độ Sài Gòn thêm một thời gian nữa để người Mỹ rút chân ra khỏi miền Nam an toàn hơn. Ngày 19-4-1975, đại sứ Martin gặp tổng thống Thiệu và nói thẳng với ông ta phải từ chức để sớm kiếm một khả năng thương thuyết với quân giải phóng. Theo nhà báo Mỹ Zalin Grant thì trong cuộc gặp này Martin đã cùng Thiệu duyệt qua tình hình quân sự không còn có thể cứu vãn. Martin nói với Thiệu: “Tình hình quân sự rất tồi tệ và dân chúng qui trách nhiệm vào ngài”.
Ông Thiệu không chịu từ chức ngay. CIA quyết định ra tay và lại nghĩ tới hai tướng Cao Văn Viên và Trần Thiện Khiêm để thực hiện kế hoạch lật đổ Thiệu, bởi họ hiểu rõ trước đó cả hai có ý định lật đổ Thiệu. Ngày 19-4-1975, Hoàng Đức Nhã đang đi công tác ở Singapore. Tại đây thủ tướng Lý Quang Diệu đã nói thẳng với Nhã, người bạn vong niên mà ông có nhiều cảm tình: “Anh hãy cảnh báo ông anh của anh về khả năng xảy ra đảo chính. Còn anh nên ở lại đây. Không nên trở về Sài Gòn. Tôi sẽ tìm cách đưa gia đình anh rời khỏi Việt Nam. Anh biết không, người Mỹ đã chọn xong nơi ông Thiệu sẽ lưu vong”. Biết được tin sắp có đảo chính do Mỹ thúc đẩy, Nhã liền điện về cho ông Thiệu từ Singapore: “Tổng thống không nên chờ bị lật đổ hoặc truất quyền. Hãy hành động trước”. Khi trở về Sài Gòn, Nhã liền điện vào Dinh Độc Lập. Một trợ lý của ông Thiệu nói với Nhã hãy gọi lại sau vì tổng thống đang chuẩn bị một diễn văn quan trọng.
CIA đã có kế hoạch lật đổ tổng thống Thiệu vào ngày 23-4-1975 nhưng trước đó hai hôm, ngày 21-4-1975, Thiệu đã chính thức từ chức. Điều mỉa mai là tòa đại sứ Mỹ chỉ biết được quyết định từ chức của ông Thiệu ít tiếng đồng hồ trước khi ông lên truyền hình phát biểu. Phải chăng Thiệu hành động theo lời khuyên của Hoàng Đức Nhã? Hoặc Thiệu đã nắm được tin đảo chính mình? Nhưng cũng có thể do tình hình quân sự tuyệt vọng sau khi quân đội VNCH mất tuyến phòng thủ cuối cùng ở Xuân Lộc, Thiệu thấy rõ không còn hy vọng bảo vệ cái ghế tổng thống của mình nữa.
Trước khi từ chức, Thiệu đọc một bài diễn văn nảy lửa trên truyền hình, tấn công thẳng vào Mỹ, cho rằng Mỹ ép Nam Việt Nam phải ký Hiệp định Paris và sau đó lại bội hứa không ủng hộ VNCH trước cuộc tấn công của Bắc Việt. Thiệu cho rằng Mỹ không đáng tín nhiệm, vô nhân đạo. Có cả nước mắt trong bài diễn văn đó. Có đoạn ông Thiệu nói rằng người Mỹ muốn ông làm cái điều mà chính người Mỹ không thể làm được với nửa triệu quân lính trang bị hùng mạnh. Giờ đây người Mỹ đã tìm ra lối thoát danh dự cho mình lại đòi hỏi quân đội Sài Gòn thiếu vũ khí, đạn dược, trực thăng máy bay chiến đấu và B-52 làm cái điều bất khả thi như thể lấy đá lấp biển.
Nhưng bài diễn văn của ông không hề gây xúc động trong dư luận người dân miền Nam. Trái lại làm rõ ra thêm bi kịch của một tổng thống bù nhìn, quyền lực một thời chỉ dựa vào ngoại bang. Ông Thiệu đã từng được Mỹ ủng hộ nhưng chưa lúc nào ông có được sự hậu thuẫn của người dân miền Nam. Để rồi hôm nay người ta chứng kiến cảnh tượng chế độ đó giẫy chết trước sự dửng dưng gần như của mọi người. Ngay với những người Việt Nam chống cộng, ông Thiệu chưa bao giờ được coi là một người yêu nước. Một sự kiện rất tiêu biểu nói lên sự cô lập của chế độ Thiệu nói riêng và chế độ Sài Gòn nói chung: Khi Nam Việt Nam mất Ban Mê Thuật, Thiệu cho ban hành Luật tổng động viên để tăng cường tiềm lực chiến đấu của quân đội VNCH nhưng luật này đã bị toàn thể các giới và dân chúng phản đối. Đau nhất cho Thiệu là sự chống đối mạnh mẽ nhất lại đến giới công giáo cực hữu. Tại cuộc họp báo tại nhà thờ Tân Chí Linh ngày 17-3-1975, linh mục Trần Hữu Thanh, chủ tịch Phong trào nhân dân chống tham nhũng, một tổ chức của người công giáo chống cộng, phản đối Luật tổng động viên bằng cách tố cáo rằng “trong số một triệu mốt binh sĩ chỉ có 700 ngàn quân, còn bao nhiêu là lính ma lính kiểng”. Linh mục Thanh nói: “Thực ra không cần động binh cho bằng biết sử dụng binh, không cần động viên nhân số cho bằng động viên tinh thần”. Cũng vào thời điểm này, sinh viên công giáo gồm ba đoàn thể (Phong trào thanh niên công giáo Đại học Việt Nam, Liên đoàn sinh viên công giáo Sài Gòn, Liên đoàn SV công giáo Minh Đức) kêu gọi toàn thể sinh viên học sinh, bất kể lớp tuổi, bất kể màu sắc chính trị, tôn giáo, liên kết bày tỏ thái độ tích cực, hành động cụ thể và cấp thời đối với luật tổng động viên mới đây của chính phủ VNCH. Sinh viên công giáo cho rằng “biện pháp đôn quân, bắt lính của chính phủ không phải là biện pháp trực tiếp và hữu hiệu để chấm dứt chiến tranh, không phải là con đường thực sự đưa đến hòa bình dân tộc trong khi miền Nam còn đầy rẫy bất công, tham nhũng... Con ông cháu cha ăn chơi phè phỡn, thi đua xuất ngoại...”
…Phản ứng của Washington đối với bài diễn văn chống Mỹ muộn màng của ông Thiệu ra sao? Trong quyển hồi ký
Ending The Vietnam War của Henry Kissinger đã viết:
“Thiệu có tất cả lý do để phẫn uất sự cư xử của nước Mỹ (...)
Nếu tôi nghĩ rằng quốc hội sẽ cắt viện trợ, như đã xảy ra, với một đồng minh đang bị bao vây, tôi đã không gây áp lực để có hiệp định như tôi đã hành động ở những cuộc thương lượng cuối cùng năm 1972”. (Thiệu had every reason to resent America s conduct... Had I thought it possible that Congress would, in effect, cut off aid to a beleaguered ally, I would not have pressed for an agreement as I did in the final negotiations in 1972).
Tôi không thấy trong những lời lẽ này của Kissinger một sự thành thật về những cảm nghĩ của ông dành cho cá nhân ông Thiệu. Cái chính là Kissinger muốn đổ trách nhiệm về một kết thúc thảm hại của chế độ Sài Gòn và chính sách của Mỹ ở Việt Nam sang quốc hội Mỹ. Giọng đầy thương cảm của Kissinger không đánh lừa được bất cứ ai đã từng theo dõi diễn tiến cuộc chiến ở Việt Nam.
Đồng thời với sự công bố từ chức, ông Thiệu nói căn cứ theo Hiến pháp VNCH, người thay ông là phó tổng thống Trần Văn Hương, 71 tuổi (người có ảo tưởng tự cho mình là “một Charles De Gaulle của miền Nam” theo nhà báo Mỹ Zalin Grant). Nhưng lúc này ai cũng đoán biết người thật sự thay Thiệu chính là ông Dương Văn Minh, còn ông Hương chỉ ở vai trò chuyển tiếp ngắn.
Đại sứ Pháp Mérillon và đại sứ Mỹ Martin tăng cường áp lực với quyền tổng thống Hương nhằm đưa ông Minh vào chức vụ tổng thống với hi vọng “được Hà Nội chấp nhận đối thoại”. Để giành tối đa thời gian ít ỏi còn lại, Martin và Merillon gặp trực tiếp ông Hương và thuyết phục ông rút lui nhường quyền lãnh đạo cho ông Dương Văn Minh. Nhưng... quyền tổng thống Trần Văn Hương nhất định từ chối, viện lẽ chính ông cũng có thể đứng ra thương thuyết với cộng sản và chắc gì ông Minh được công sản chấp nhận.
Trước áp lực của hai đại sứ Pháp và Mỹ, ông Hương nhất định không nhân nhượng và tuyên bố thẳng thừng rằng ông chỉ rời Dinh Độc Lập theo đúng Hiến pháp, tiếc có một cuộc biểu quyết của lưỡng viện quốc hội.
Thế là các nỗ lực của những người muốn đẩy ông Hương ra khỏi chức vụ tổng thống quay sang quốc hội. Cần triệu tập một phiên họp quốc hội lưỡng viện, có nghĩa có đủ mặt đại biểu và nghị sĩ, để truất phế quyền tổng thống Trần Văn Hương và bầu ông Dương Văn Minh vào chức vụ tổng thống.