Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Hồi ký không tên

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 37977 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hồi ký không tên
Lý Quí Chung

Chương 9

Trong Hạ nghị viện nhiệm kỳ 1, phe đối lập gồm nhiều tiếng nói mạnh mẽ và có nhiều ảnh hưởng trong dư luận. Nào là Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, Hồ Văn Minh, Nguyễn Hữu Chung, Dương Văn Ba, Kiều Mộng Thu, Trần Ngọc Châu, Phan Xuân Huy v.v… Lúc này các dân biểu thuộc phe quân nhân thân tướng Kỳ cũng nghiêng về phe đối lập trong một số cuộc biểu quyết. Ngay cả các dân biểu thuộc phong trào Cấp Tiến thuộc ảnh hưởng các giáo sư Nguyễn Văn Bông và Nguyễn Ngọc Huy như Trương Vị Trí, Nguyễn Tấn Trạng, Nguyễn Văn Tiết, Trần Minh Nhựt, Nhan Minh Trang… lúc đầu cũng chưa ngả qua công khai ủng hộ chính quyền Thiệu. Sau này phong trào Cấp Tiến mới lộ ra là một đồng minh quan trọng của chính phủ Thiệu.
Nhưng bước vào thời kỳ Quốc hội lập pháp, tổng thống Thiệu cũng bắt đầu củng cố địa vị của mình. Ông Thiệu ít e ngại Thượng nghị viện vì phần đông gồm các đại diện đảng phái chống cộng và cựu tướng lãnh thân chính phủ. Những nhân vật như bà luật sư Nguyễn Phước Đại (độc lập), luật sư Nguyễn Văn Huyền (công giáo), tướng Nguyễn Văn Chuân (quân đội) v.v… có những thái độ chính trị độc lập trong Thượng viện kể ra khá hiếm hoi.
Sự ồn áo và dám tấn công trực diện của tổng thống Thiệu chủ yếu diễn ra tại diễn đàn Hạ nghị viện. Tổng thống Thiệu đã tìm ra một con người lý tưởng để đối phó với những chống đối và bất ổn nơi đây. Đó là dược sĩ Nguyễn Cao Thăng, chủ nhân viện bào chế dược phẩm OPV được độc quyền sản xuất và nhập nhiều thứ thuốc bán rất chạy. Cách làm của dược sĩ Thăng để “nắm” Hạ nghị viện rất đơn giản và hiệu quả: ông bỏ tiền ra mua chuộc tất cả các dân biểu ham tiền, không có lập trường chính trị rõ ràng hoặc sẵn sàng bán mình cho chính quyền Thiệu. Hàng tháng, các dân biểu này đều có “bao thư”. Mỗi khi có các cuộc biểu quyết quan trọng mà chính quyền Thiệu cần quốc hội thông qua thì mỗi lá phiếu đều được ra giá cụ thể. Người ta cho rằng lúc đầu tổng thống Thiệu chưa nắm trọn quyền lực trong tay mình, chính dược sĩ Thăng phải bỏ tiền nhà để làm cái việc này. Mới nghe qua tưởng rằng dược sĩ Thăng chịu một “hy sinh” lớn cho tổng thống Thiệu, nhưng kỳ thật tiền đó của ông Nguyễn Cao Thăng chẳng mất vào đâu. Chuyện làm ăn riêng của ông (Viện bào chế OPV) được ưu đãi mang lại cho gia đình ông một mối lợi còn to hơn gấp nhiều lần tiền ông bỏ ra để gây hậu thuẫn cho cá nhân tổng thống Thiệu. Dĩ nhiên sau này khi ông Thiệu nắm trọn quyền lực trong tay, đồng tiền được sử dụng cho những chuyện này không xuất ra từ túi riêng của ông Thăng nữa mà từ các quỹ đen của chính phủ.
Tuy nhiên phải nói rằng ông Thăng với chức vụ chính thức là “phụ tá đặc biệt tại phủ tổng thống” (ngang cấp với bộ trưởng) làm việc này khá thành công không chỉ vì có nhiều tiền để chi, mà còn do con người mềm mỏng và tế nhị của ông. Các cuộc tiếp xúc và vận động của ông đều thực hiện khéo léo của người biết làm lobby ở hậu trường chính trị. Ngay cả với những dân biểu chẳng ra gì, thấy mặt ông là xin tiền, ông vẫn tỏ ra tôn trọng và lễ độ! Nhờ thế lần lần ông “nắm” gần hết các dân biểu lúc đầu là tay chân của phó tổng thống Kỳ. Kể từ nhiệm kỳ Quốc hội lập pháp thứ nhất (1967-1971), các dân biểu bị chính quyền Thiệu “mua chuộc”, được báo chí đặt cho cái tên: “dân biểu gia nô”. Nhưng không phải tất cả các dân biểu theo chính quyền đều bị báo chí gọi là “dân biểu gia nô”. Những dân biểu đứng về phía chính phủ Thiệu do lập trường của mình, có ý thức về sự lựa chọn chỗ đứng chính trị của mình, có nghĩa là không theo chính phủ vì tiền, họ không bị báo chí liệt vào hạng “dân biểu gia nô”.
Các “dân biểu gia nô” thường nhắm mắt bỏ phiếu theo lệnh của “Phủ đầu rồng” (từ được dùng để ám chỉ Phủ tổng thống do báo Tin Sáng của dân biểu Ngô Công Đức đặt ra đầu tiên). “Dân biểu gia nô” gần như không bao giờ lên diễn đàn để bảo vệ lập trường của chính phủ hay đáp trả những lời chỉ trích ác liệt từ phía các dân biểu đối lập. Họ ngồi lặng im như những cái bóng và chỉ chờ đến lúc biểu quyết bỏ phiếu theo lệnh của “Phủ đầu rồng” do phụ tá đặc biệt Nguyễn Cao Thăng truyền đạt. Các “dân biểu gia nô” gây ra nhiều vụ “xì –can –dan” làm nhục quốc hội và chế độ Sài Gòn như: lợi dụng các chuyến công tác nước ngoài, họ buôn từ vàng, đô la, ma túy, đến “lịch ở truồng” (lịch Playboy), đồ lót phụ nữ v.v…Quốc hội đã phải truất quyền dân cử một dân biểu bị phát hiện cất giấu heroin trong hành lý của mình tại phi trường Tân Sơn Nhứt sau chuyến công tác nước ngoài trở về. Một phó chủ tịch Hạ nghị viện thân chính phủ bị an ninh phi trường Bangkok bắt tại trận vì giấu hàng chục ký vàng trong người trước khi lên máy bay về Sài Gòn!
Khi phụ tá Nguyễn Cao Thăng đã tổ chức chặt chẽ hàng ngũ “dân biểu gia nô” ở Hạ nghị viện và “nghị gật” ở Thượng nghị viện thì các nhóm dân biểu, nghị sĩ đối lập – thiểu số tại hai viện quốc hội – chỉ còn phát huy vai trò và ảnh hưởng của mình bằng những phát biểu gây tiếng vang trên diễn đàn Quốc hội hoặc báo chí. Còn khi bỏ phiếu, chính phủ Thiệu gần như toàn quyền lèo lái quốc hội theo ý mình.
Tuy thế, dù sao tiếng nói của dân biểu đối lập trên diễn đàn quốc hội cũng là một áp lực thường xuyên đối với chính phủ Thiệu. Những người chống chính phủ vẫn lợi dụng được diễn đàn này để tố giác tham nhũng, các vi phạm dân chủ và cả sự phản đối chiến tranh.
Trong nhiệm kỳ Hạ nghị viện 1967-1971, phe đối lập còn có hai tờ báo hàng ngày khá mạnh về số lượng phát hành và nhất là về ảnh hưởng đối với dư luận người dân Sài Gòn. Hai tờ đều được cấp giấy phép xuất bản gần cuối năm 1968 là Tin Sáng do dân biểu Ngô Công Đức, đơn vị Trà Vinh, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút và Tiếng Nói Dân Tộc do tôi đứng tên chủ nhiệm kiêm chủ bút. Tờ Tin Sáng có một số phận khá đặc biệt: tháng 8 – 1971, anh Ngô Công Đức ra nước ngoài sau khi thất cử ở đơn vị cũ (Trà Vinh) vì chắc chắn sẽ bị chính quyền Thiệu đàn áp khi quyền bất khả xâm phạm của mình hết hiệu lực. Anh Đức đi đường bộ qua Campuchia, rồi từ đây đi tiếp sang Bangkok. Cuối cùng anh định cư tại Thụy Điển. Theo một người thân của anh Đức, trước khi rời Sài Gòn, anh Đức đã được anh Phạm Xuân Ẩn khuyến khích nhanh chân ra đi vì anh Ẩn thấy trước nguy cơ anh Đức có thể bị chính quyền Thiệu hãm hại. Tờ báo vắng mặt chủ nhiệm (nhưng được giấu kín) tiếp tục phát hành thêm khoảng 2 tháng. Người điều hành tờ Tin sáng trong thời gian chủ nhiệm vắng mặt là dân biểu Hồ Ngọc Nhuận. Chức danh của ông Nhuận trong tờ báo là giám đốc chính trị. Tháng 1-1972, Bộ thông tin mới phát hiện sự vắng mặt của chủ nhiệm và rút giấy phép của Tin Sáng. Anh Đức bị chế độ Sài Gòn kết án vắng mặt ba năm tù và tịch thu tài sản. Có những lúc, trong một tháng, báo Tin Sáng bị Bộ Thông tin ra lệnh tịch thu 15 ngày (mỗi đợt ba, bốn ngày). Nhưng tờ báo tiếp tục sống vì tòa soạn có cách tuồn báo ra ngoài bán. Thường báo bị tịch thu lại bán chạy hơn báo phát hành bình thường. Mục ăn khách nhất của báo Tin Sáng là “Tư trời biển” do chính ông Đức phụ trách.
Trước năm 1975, tờ báo Sài Gòn nào cũng có mục tiểu phẩm châm biếm. Nó thường chiếm vị trí quan trọng, nằm ở phía dưới bên phải trang nhất tờ báo, đối xứng với một mục “ăn khách” khác là xã luận nằm ở bên trái trang báo. Độc giả Sài Gòn những năm 50 không thể quên cây viết trào lồng Tiểu Nguyên Tử với mục châm biếm xuất hiện hàng ngày “Gẫm cười hai chữ nhân tình” trên tờ Tiếng Chuông. Tiểu Nguyên Tử là bút danh của một luật sư nổi tiếng, ông Dương Tấn Trương. Ông có lối viết và chơi chữ rất độc đáo.
Tờ báo ngày Tiếng Nói Dân Tộc (TNDT) xuất bản cùng thời điểm với tờ Tin Sáng, cũng có mục châm biếm thường xuyên lấy tên “Xỉa răng cọp” do tôi phụ trách trực tiếp với bút danh “Người Giấu Tên”. Vào lúc này, báo chí chống cộng như tờ Sống của nhà văn Chu Tử (tác giả của tiểu thuyết ăn khách Yêu) là tiếng nói khá nặng ký của những người Bắc di cư hoặc tờ Xây Dựng do linh mục Nguyễn Quang Lãm làm chủ nhiệm đều có mục châm biếm. Chu Tử đặt tên mục của báo mình là “Ao thả vịt”, còn linh mục Lãm viết châm biếm dưới bút danh Thiên Hổ.
Không thể tránh những cuộc bút chiến xảy ra giữa các tờ Tin Sáng và Tiếng Nói Dân Tộc thuộc khuynh hướng tiến bộ với các báo SốngXây Dựng. Tuy nhiên, dù các cuộc bút chiến có lúc khá gay gắt nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ lịch sự.
Số phận của tờ TNDT khá lận đận. Vừa ra được mấy số thì đã bị bộ trưởng Bộ thông tin Tôn Thất Thiện gọi lên hăm dọa đóng cửa với lý do: trong tòa soạn TNDT có chứa cộng sản. Tôi phản đối: Ông không nên nói nửa úp nửa mở như thế. Ông phải nêu ra rõ ràng ai là cộng sản? Tôi đặt lại vấn đề với tổng trưởng Thiện: Bộ thông tin đâu có phổ biến đến các báo danh sách các nhà báo cộng sản để các nhà báo biết mà tránh không sử dụng. Tôi nhấn mạnh: “Tòa soạn báo TNDT, những người cộng tác với tôi đều là những công dân hợp pháp”. Ông Thiện chẳng nói gì nhưng cho tôi hiểu đây là một lời cảnh cáo đối với tờ TNDT. Tổng trưởng Thiện từng ở “một chiến tuyến” với tôi khi ông cùng tôi phụ trách báo chí cho liên danh Trần Văn Hương, ứng cử tổng thống năm 1967. Ông Thiện phụ trách liên lạc báo chí tiếng Anh, còn tôi liên lạc báo chí tiếng Việt. Khi ông Trần Văn Hương nhận làm thủ tướng cho chính phủ Thiệu, ông có hỏi ý kiến tôi nên chọn ai làm tổng trưởng thông tin. Tôi là người đã nêu tên Tôn Thất Thiện. Nhưng trong cuộc gặp nhau tại Bộ thông tin liên quan đến tờ TNDT, ông Thiện tiếp tôi một cách lạnh lùng như không hề quen biết. Người Pháp nói “Quyền hành làm hư hỏng con người” (le pouvior corrompt l’homme), còn ở đây thì quyền hành làm thay đổi tình bạn. Thời gian ông Thiện làm tổng trưởng thông tin, báo chí chống đối ông quyết liệt và đặt cho ông biệt danh: “Bảy T”, dựa vào bảy chữ T (tổng trưởng thông tin Tôn Thất Thiện). Một số báo còn gọi ông là Bảy Thất: thất thiện, thất tâm, thất tín v.v…
Trở về tòa soạn sau khi lên Bộ thông tin, tôi có thuật lại chuyện xảy ra cho nhà báo Triệu Công Minh nghe, lúc đó ông Minh làm tổng thư ký tòa soạn của tờ báo. Ông Minh suy nghĩ một lúc rồi nói với tôi: “Tụi nó nhắm vào tôi và vợ tôi đó”. Vợ của ông Minh là bà Ái Lan cũng là một nhà báo quen thuộc ở Sài Gòn. Hai ông bà đi đâu và làm gì cũng có đôi, như hình với bóng, ngay cả khi vào tù thời Pháp trước đó hay sau này của các chính quyền Diệm và Thiệu cũng đủ đôi.
Nhớ lại khi tôi vừa có giấy phép xuất bản báo TNDT và dự định in tại nhà in của ông Nam Đình (chủ nhiệm tờ Đuốc Nhà Nam, cũng là chủ nhiệm tờ Thần Chung xưa kia), tôi có nhờ ông Nam Đình giới thiệu một tổng thư ký tòa soạn. Ông Nam Đình đã giới thiệu tôi với ông Triệu Công Minh, lúc đó khoảng 60 tuổi. Ông Triệu Công Minh còn hoạt động cho cộng sản không, lúc đó tôi không biết. Nhưng với cả làng báo Sài Gòn, ai cũng biết hai vợ chồng ông Minh là những nhà báo kháng chiến và không bao giờ hai ông bà từ bỏ lý tưởng của mình.
Ông Minh nói tiếp với tôi: “Để tránh rắc rối cho tờ báo của cậu, vợ chồng tôi phải rút lui thôi. Tôi sẽ giới thiệu cho cậu một người khác thay tôi làm thư ký tòa soạn”. Ông Minh giới thiệu với tôi nhà báo kỳ cựu Phan Ba mà theo tôi biết cũng là một nhà báo cựu kháng chiến. Anh Ba đã từng bị chế độ Ngô Đình Diệm bắt và bị tỉnh trưởng Mỹ Tho Nguyễn Trân đưa ra đấu lý về chủ nghĩa cộng sản tại tỉnh này cùng với nhiều người cộng sản khác hoạt động trong lãnh vực báo chí tại Sài Gòn. Anh Phan Ba cộng tác với tôi cho đến khi báo TNDT bị chính quyền Thiệu đóng cửa (đầu năm 1970). Sau đó anh làm cho tờ Tin Sáng của anh Ngô Công Đức. Sau 30-4-1975, khi Tin Sáng tái bản, tôi và anh Phan Ba lại có dịp làm chung. Tôi phụ trách tòa soạn, còn anh lo tin quốc tế.
Tờ TNDT đánh dấu bước chuyển đầu tiên trong lập trường chính trị của tôi, từ vị trí đối lập nhưng vẫn tự coi mình là một thành viên trong hàng ngũ “quốc gia”, chuyển sang đứng giữa, không xếp hàng theo chính quyền quốc gia mà cũng không theo cộng sản. Thái độ chính trị này thực chất không có gì khác hơn là sự biểu hiện tâm trạng gần như bế tắc của cá nhân tôi. Sau Tết Mậu Thân, một số trí thức tên tuổi và nhiều học sinh sinh viên rời thành phố đi theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam hoặc theo Liên minh Dân tộc Dân chủ Hòa bình do luật sư Trịnh Đình Thảo đứng đầu. Lúc đó tôi thấy rằng, không phải tất cả mọi người muốn đi tìm một lý tưởng đều có thể đi theo con đường MTDTGPMN, vì không phải ai yêu lý tưởng cũng có đủ can đảm, và chưa kể MTDTGPMN vẫn là một tổ chức hoạt động chính trị bí mật, nên muốn tiếp cận để tìm hiểu và gia nhập là cả một vấn đề đối với những ai không được “móc nối” hoặc không có người làm trung gian. Chính vì thế, tôi cũng tự gọi mình là người thuộc thành phần “những người Việt cô đơn”.
Lập trường “đứng giữa” của tôi xuất phát từ quan điểm chối từ tính đại diện hợp pháp của chính phủ Sài Gòn và mặt khác do sự hoàn toàn không hiểu biết tổ chức MTDTGPNMN vì chưa từng được tiếp xúc.
Để bảo vệ lập trường “đứng giữa” của mình, tôi đã phải đối đầu công khai với các bài báo chống cộng trên tờ TNDT. Ngày 22-11-1968, tôi đã có cuộc bút chiến với tờ Xây Dựng linh mục Nguyễn Quang Lãm và ngày 1-12-1968 với tờ Chính Luận của nghị sĩ Đặng Văn Sung – một nhân vật chống cộng và thân Mỹ nổi tiếng tại Sài Gòn. Và đây là một giai đoạn của bài báo “Đi mô đấy ông Lý Quý Chung” ra ngày 21-11-1968 trên tờ Xây Dựng:
“Ở giữa đây là quay về nguồn gốc của dân tộc để vì Dân tộc mà sống với Dân tộc, cùng một lúc từ chối cả hai ảnh hưởng từ hai phía”.
Câu trên đây của ông dân biểu Lý Quí Chungnếu được tuyên bố trong một cuộc mít tinh khí thế bừng bừng của sinh viên học sinh, tất cả sẽ vang như sấm sét, giữa những tiếng hoan hô vang dậy ngất trời.
Chẳng nói đến thanh niên, ngay cả cái cỡ long đầu gối, thận suy, răng rụng như Thiên Hổ cũng sẽ phải hỉ hả, vỗ đến toét cả hai bàn tay ra.
Thú thực là để cho nó sướng cái miệng! Thế thôi, chứ cũng thú thực cóc hiểu cái tuyên bố đó.
Tất nhiên rồi. Những Lý Quí Chung, Nguyễn Hữu Chung, Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung và các anh em có tên Chung hay Trung cũng như các đứa con chỉ được quen mồm gọi thằng cu như Thiên Hổ, nghĩa là đại đa số con dân Việt Nam ở ba miền Trung, Nam, Bắc, vẫn muốn là ‘những người ở giữa’. Nô lệ nhục lắm, ai chả biết dân tộc mình nhiều tự ái, đến mần cái việc của Hàn Tín ngày xưa với anh hàng thịt cũng chưa chắc đã thèm làm (.)
Giữa lúc thập tử nhất sanh của đất nước mà chỉ oang oang “Chúng tôi muốn là những người ở giữa” thì câu đó ‘nông a lê u’, mà còn tổ làm cớ cho cộng sản nó khai thác! Nhà dân biểu hăng say Lý Quí Chung ‘vì dân tộc, với dân tộc’ hẳn đã nghĩ đến điều đó. Dù sao Thiên Hổ cũng xin phép nói trước, sợ đàn anh quá sốt sắng đến thành ngây thơ. Chết cho dân tộc chúng em đấy!
Thiên Hổ
Rõ ràng lập trường “đứng giữa” của tôi lúc đó gây phản ứng với các thế lực chống Cộng như thế. Tôi chấp nhận sự “ngây thơ chính trị” của mình để có thể tự tách mình ra khỏi một chế độ không đáp ứng lý tưởng của mình mà cũng không đại diện nguyện vọng của nhân dân miền Nam. Lập trường “đứng giữa” làm tức tối các phần tử chống cộng, nhưng cũng chính thức không nghiêng về phía cộng sản, nên không có đủ lý do để chính phủ Thiệu đóng cửa tờ báo.
Với tôi, lúc đó nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng là một “người Việt cô đơn”, một “người Việt đứng giữa”. Có một hôm tôi mời anh Sơn đến tòa soạn TNDT chơi và trong một giây phút cao hứng tôi đề nghị anh sáng tác một bản nhạc dành cho người Việt đứng giữa. Nhưng Sơn khéo léo nói sang chuyện khác. Tôi biết Sơn ngại dính líu vào chính trị. Dù tôi không tham gia một đảng phái chính trị nào nhưng tôi cũng đang hoạt động chính trị. Sơn vẫn đặt các sáng tác của anh trên những xúc cảm chung nhất của dân tộc: chống chiến tranh, vì hòa bình thống nhất đất nước, vượt lên trên những vấn đề thời sự cụ thể. Anh đau niềm đau chung của dân tộc.
Nhạc Trịnh Công Sơn có những lúc là cái phao tinh thần cho cá nhân tôi. Nhiều buổi tối trở về nhà chán nản, tâm trạng khủng hoảng, bế tắc sau một cuộc xuống đường mệt mỏi nhưng chẳng lay động được gì chế độ Mỹ - Thiệu, tôi nằm ngay trên sàn nhà, không cần bật đèn, chỉ bật nhạc Trịnh Công Sơn để nghe như nghe chính tâm trạng mình, nhưng đồng thời lại nuôi nấng được trong con tim niềm hi vọng hòa bình và ước mơ được thấy một ngày nào đó, Huế - Sài Gòn – Hà Nội sẽ liền một dải. Thế là nhạc Trịnh làm tươi lại tâm hồn tôi và làm mới ý chí tôi.
Có những đêm, sau cuộc họp chính trị tại Dinh Hoa Lan (biệt thự của tướng Dương Văn Minh) tôi không về thẳng nhà mình mà đến phòng trà Khánh Lý trên đường Tự Do (nay là Đồng Khởi) để ngồi nghe một mình nhạc Trịnh. Nhạc Trịnh chống chiến tranh nhưng không hề khiến những người yêu nước mềm ý chí. Anh kêu gọi hòa bình nhưng không làm cho những ai đang chiến đấu vì đồng bào và Tổ quốc lại gác súng. Trái lại nó nuôi ý chí làm quật khởi những tâm hồn yêu nước.
Cuộc sống quá hối hả, dồn dập lắm biến chuyển không có nhiều cơ hội để tôi và Trịnh Công Sơn gặp nhau. Vả lại tôi và Sơn hoạt động ở hai quỹ đạo rất khác nhau. Sau 1975, chúng tôi gặp nhau thường hơn, nhưng vì tôi không uống rượu và cũng không sành về âm nhạc nên cũng không lọt vào cái quỹ đạo đặc biệt của Sơn gồm những bạn rượu và văn nghệ sĩ. Mỗi lần tôi tới chơi nhà Sơn, tôi đều báo trước và thường ngồi nói chuyện với nhau chỉ có hai đứa.
Khi tôi lấy vợ lần thứ hai (năm 1985) và tổ chức đám cưới tại hội trường báo Tuổi Trẻ, tôi có mời Sơn. Tôi và Sơn rất mê khiêu vũ nên giữa buổi tiệc chúng tôi dẹp bớt đi bàn ghế và cho nhạc trỗi lên. Vào thời điểm này hầu như không ai dám “liều” như chúng tôi. Khai mạc buổi khiêu vũ, Sơn mời cô dâu nhảy đầu tiên, còn tôi mời chị Kim Hạnh, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ. Tôi còn nhớ đó là một bản nhạc theo nhịp Be Bop. Sơn rất thích nhảy Be Bop. Sau này khi bệnh tiểu đường trở nặng, đi đứng khó khăn, Sơn không còn khiêu vũ được, làm anh hối tiếc vô cùng. Có một hôm (khoảng đầu năm 2000) tôi cùng vợ tôi khiêu vũ ở vũ trường Tự Do ở đường Đồng Khởi, đang nhảy ngoài piste, tôi linh cảm có ai nhìn mình từ quầy bar, tôi quay lại và nhìn thấy Trịnh Công Sơn. Đứng bên cạnh là họa sĩ Trịnh Cung. Anh đưa tay lên chào tôi. Khi bản nhạc kết thúc tôi liền đến chỗ anh. Tôi hỏi Sơn: “Ông không nhảy à?”. Giọng Sơn buồn man mác: “Mình đi đứng còn khó khăn thì làm sao nhảy. Thấy toa nhảy, moa thèm quá”. Sơn còn hỏi thêm: “Hình như toa nhảy disco hơi khác người ta phải không?”. Tôi cười trả lời: “Khiêu vũ đâu nhất thiết phải giống như người khác. Mình nhảy theo cảm xúc của mình – như thế tự do và hứng thú hơn”. Nhìn Sơn đứng bên piste mà không nhảy, tôi buồn và thương anh vô cùng. Tôi biết bệnh tình của anh đã tới thời kỳ khá nặng.
Mùng 5 Tết năm Tân Tị (năm 2001), tôi vào bệnh viện Chợ Rẫy cùng với họa sĩ Trịnh Cung thăm Sơn. Đây là lần cuối cùng tôi gặp mặt người nghệ sĩ tài hoa này. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, ngày 1-4-2001, anh vĩnh viễn từ giã bạn bè và tất cả những người yêu thương và ngưỡng mộ anh. Cuộc gặp Sơn tại bệnh viện Chợ Rẫy, tôi có ghi lại thành một bài báo đăng trên tạp chí Đẹp số đầu tháng 2-2001:
“…Sơn vẫn nằm trên giường khi nói chuyện với chúng tôi, nhưng trông anh vẫn khỏe khoắn, thần sắc tinh anh. Tôi chợt cười thầm trong bụng bởi một ý nghĩ thú vị vụt đến: Con người gầy gò và nhẹ bâng này đang mang nhiều thứ bệnh trong người, tưởng như dễ dàng rơi vào tay tử thần, lại là người chiến đấu cho cuộc sống bản thân dữ dội nhất.
Cách đây mấy năm, Sơn bị đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Lần đó, bạn bè thật sự lo lắng cho anh. Cuối cùng Sơn vẫn trở về an toàn. Gặp lại Sơn tại nhà riêng của anh lần đó, tôi tò mò hỏi: “Đúng là ông trở về từ cõi chết, vậy ông suy nghĩ gì về… cái chết?”
Tôi vẫn gọi Sơn như thế, từ “ông” được dùng theo cách xưng hô thân mật. Có lúc chúng tôi gọi nhau bằng “toa” và “moa”, cách xưng hô giữa những người bạn có thời học trường Pháp. Sơn không cần suy nghĩ, trả lời ngay: “Chết là thiệt thòi. Người Pháp nói: Les absents ont toujours tort. Chết, mình không còn họp mặt với bạn bè, không còn được ngắm cuộc đời rất đẹp này”. Nhớ câu trả lời cách đây mấy năm, tôi tò mò muốn biết nằm trên giường bệnh lần này, anh nghĩ gì. Câu trả lời còn nhanh hon và gọn hơn lần trước: “Mình muốn ra khỏi đây càng sớm càng tốt”.

Hãy cứ vui chơi với đời
Đừng cuồng điên mơ trăm năm sau
Còn đây em ngọt ngào
Đứng bên ngày yêu dấu
Nhìn mây trôi đang tìm về núi cao

(«Hãy cứ vui như mọi ngày»)


Vóc dáng mảnh khảnh, quen thuộc của anh Sơn với mọi người trong nhiều năm qua, khiến không ai có thể nghĩ rằng Sơn đã có một thời trai trẻ là con nhà thể thao chính cống. Mỗi sáng anh đều quần một hai hiệp quyền Anh. Anh đồng thời còn là đệ tử Vovinam từ những ngày đầu môn này được thành lập ở Sài Gòn, và là vận động viên điền kinh 10 môn. Nếu người em trai của Sơn không tung một cú quật trong một lần luyện võ với nhau, khiến ngực anh đập xuống nền nhà làm vỡ mạch máu phổi phải nằm trên giường suốt hai năm, thì chắc chắn chúng ta chỉ có một vận động viên Trịnh Công Sơn (chưa bảo đảm là xuất sắc) nhưng mất đi một Trịnh Công Sơn tài năng âm nhạc. Đó là khúc quanh cuộc đời của anh. Sơn nói: “Trên giường bệnh mình suy nghĩ rất nhiều…”. Khi rời giường bệnh năm 1957, trong anh đã có một đam mê khác: âm nhạc. Với nhiều người, tác phẩm đầu tay của Sơn là “Ướt mi”. Nhưng Sơn tiết lộ:
“Bản nhạc đầu tiên đúng nghĩa của mình có tên “Sương đêm”. Không ai biết sáng tác này. Nó đã thất lạc. Bản thân mình cũng không nhớ lời và nhạc như thế nào!”.
Tác phẩm đầu tiên của Sơn – “Ướt mi” – như công chúng yêu nhạc biết, đã được Thanh Thúy – ca sĩ thời thượng những năm 50, người có giọng ca liêu trai, trình diễn lần đầu tại phòng trà Văn Cảnh. Không như suy nghĩ chung của nhiều người, Khánh Ly không phải là người đầu tiên và duy nhất hát thành công nhạc Trịnh Công Sơn trước năm 1975. Sau Thanh Thúy, một giọng ca lừng danh khác của Sài Gòn thời đó góp phần giới thiệu tác phẩm của Sơn – đó là nữ ca sĩ Lệ Thu.
Khánh Ly là người thứ ba và là người hát toàn bộ các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn. Lần đầu chính Sơn chủ động tiếp xúc với Khánh Ly tại phòng trà Night Club ở Đà Lạt bằng cách tự giới thiệu mình là tác giả bài “Ươt m”. Sau một tháng tập bể cả giọng, Khánh Ly cùng Trịnh Công Sơn xuất hiện lần đầu tiên tại sân sau Đại Học Văn Khoa Sài Gòn (hiện là Thư viện Quốc gia) trước 5000 sinh viên. Khánh Ly trình bày luôn 24 sáng tác của Sơn trong đêm đó. Sau đó Khánh Ly đã nói với Sơn: “Trước đây mình chỉ hát trong phòng trà, lần đầu tiên hát trước hàng ngàn sinh viên, tối đó mình không làm sao ngủ được”. Đó là năm 1965, các sáng tác của Sơn bấy giờ đều là tình ca.
Đến năm 1968, Sơn mới sáng tác nhạc phản chiến.
Hình như Trịnh Công Sơn có hai bài sáng tác về Hà Nội và chẳng có bài nào viết về Huế. Tôi hỏi anh điều ấy. Sơn không trả lời thắc mắc của tôi mà nói: “Có lần Hoàng Hiệp phát biểu, bài nào của Sơn cũng có Huế trong đó mặc dù không có đề cập Huế trực tiếp”.
Thêm một thắc mắc, tò mò khác: “Có bao giờ ông nghĩ đến chuyện lấy vợ?”
- Có một lần thoáng qua lúc mình trẻ. Nhưng thời đó, các cô gái ít chịu lấy mấy ông chồng nghệ sĩ sống bấp bênh.
- Bao nhiêu phần trăm các sáng tác của ông lấy cảm hứng từ một người đẹp nào đó?
- Một phần năm mình viết cho một người cụ thể.
Họa sĩ Trịnh Cung, bạn thân của Trịnh Công Sơn từ thời trẻ, nói chen vào:
- Theo tôi hơn con số đó. Phải là 40%. Tôi có thể chứng minh bài nào ông viết cho người nào.
Sơn không phản đối. Tôi lại hỏi Sơn: “Bửu Ý viết Thay lời tựa cho Tuyển tập những bài ca không năm tháng của ông, có đoạn nói rằng ông đã chuẩn bị tinh thần cho cái phút sau rốt cuộc đời bằng cách trích lại 4 câu ở 4 sáng tác khác nhau của ông:
… một trăm năm sau mãi ngủ yên (“Sẽ còn ai”)
… mai kia chào cuộc đời (“Những con mắt trần gian”)

…một hôm buồn núi nằm xuống
(“Tự tình khúc”)

…một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời
(“Bên đời hiu quạnh”)
- Vậy ông có thật sự chuẩn bị cho cái chết?
- Mình không chuẩn bị cho cái chết. Lạ lùng là sau cơn hôn mê, mình tỉnh lại vẫn không thấy vui mừng. Thế mà ngủ nằm mơ thấy chết, sáng thức dậy lại mừng. Đúng là có những chuẩn bị hẳn hòi cho cái chết của mình và có những người chẳng chuẩn bị gì cả, coi thường cái chết. Riêng mình hơi khác, mình không sợ cái chết nhưng nếu phải rời bỏ cuộc đời này mình rất luyến tiếc. (Sơn dùng thêm tiếng Pháp regret). Trong khi sống mình đã nuối tiếc rồi, mình sợ mất nó. Mình khát sống.
- Ông có bao giờ nghĩ đến chuyện viết di chúc?
- Không. Một cô ca sĩ đã hỏi mình câu đó. Mình có tài sản chi đâu? Với mình cái hiện tại là cái có thật, cùng sống với nó. Còn cái sau đó…
- Bây giờ nhìn lại cuộc đời đã qua, về tình yêu, ông thấy thế nào?
- (Không cần suy nghĩ) Thất bại nhiều, thất bại nặng. Thời trẻ sự thất bại mang lại nỗi đau bàng bạc, kéo dài. Bây giờ nó dữ dội, nhưng ngắn. Mình để nó rơi vào quên lãng, không lục soát lại, coi như một xác chết của quá khứ.
Tôi chuyển sang chuyện khác và hỏi: Ông có kẻ thù không?
- Có (Rồi dừng lại một giây suy nghĩ). Đúng ra là không. Dĩ nhiên cũng có người ghét mình. Riêng mình đã loại trong đầu mình khái niệm kẻ thù.
- Ông là nhạc sĩ dấn thân – engagé?
- Từng giai đoạn, nhưng nói chung mình chủ trương ‘nghệ thuật vị nhân sinh’ chứ không ‘nghệ thuật vị nghệ thuật’. Cho nên nếu vì một hoàn cảnh nào đó buộc mình đi tu, thì mình sẽ đi tu giữa cuộc đời này.
- Ông có hối tiếc vì không có con để nối dõi?
- Không nghĩ tới. Mình chưa bao giờ nghĩ tới một Trịnh Công Sơn con. Tại sao? Để mình xem có lý do nào không? (Sơn suy nghĩ một lúc) Mình không thấy lý do nào cả. Có lẽ cuộc sống vội vàng đi qua, đi qua, rồi… Thỉnh thoảng xưa kia các em mình có nhắc, mẹ mình cũng có nhắc nhưng không ai đặt thành vấn đề, rồi thôi…
Thoắt một cái người đã 61 tuổi, người đã 62. Nhớ lại lần gặp nhau tại tòa soạn báo Tiếng Nói Dân Tộc ở Sài Gòn năm 1966, thế là đã 35 năm.
Cùng thời điểm Sơn sáng tác những bài hát phản chiến (bắt đầu từ năm 1968), phần tôi trên báo Tiếng Nói Dân Tộc cũng tổ chức cuộc thi viết phóng sự với chủ đề “Viết cho quê hương, dân tộc” dành cho bạn đọc. Các bài dự thi đều chống cuộc chiến, chống sự can thiệp của người Mỹ, phản ánh tâm trạng và thực trạng khắp miền Nam, tất cả hợp thành một bức tranh xúc động và trung thực của nửa phần Tổ quốc phía Nam. Những bài đoạt giải như “Phục sinh đất chết” nói về hậu quả của chất độc hóa học của quân đội Mỹ rải xuống ruộng vườn; “Khi người Mỹ đến”, mô tả chi tiết quá trình một xã ven đô hiền hòa bị biến thành một nơi buôn hoa bán phấn vì chạy theo đồng đô la Mỹ; hoặc “Ông lão trong vùng oanh kích tự do” bi kịch của một ông lão sống trong vùng đất bị quân đội Mỹ coi là “Free Fire Zone” nhưng nhất định không chấp nhận dời căn lều của mình đi nơi khác v.v…
Báo TNDT đã mời giáo sư Lý Chánh Trung làm chủ tịch Hội đồng chấm giải và tận tay trao giải cho những người về đầu cuộc thi.
10 phóng sự xuất sắc nhất đã được dịch ra tiếng Anh và được Nhà xuất bản Mỹ Praeger in thành sách (tựa sách Between Two Fires). Nhà báo Lê Trang của báo Saigon Daily News giúp tôi khâu dịch thuật, sau đó nhà báo Mỹ Arthur J. Dommen (phụ trách văn phòng báo Los Angeles Times tại Sài Gòn) hiệu đính lại. Tôi đã mời nhà văn nữ người Mỹ Frances Fitzgerald viết Lời mở đầu (Frances Fitzgerald đã từng đoạt giải Pulitzer với quyển “Fire On The Lake” – Lửa trong hồ) quyển sách do tôi đứng tên thực hiện và viết lời giới thiệu. Fitzgerald từng viếng thăm Hà Nội trước 1975 và là người tán đồng ngay từ lúc đó sự thống nhất Việt Nam dưới ngọn cờ của cách mạng.

<< Chương 8 | Chương 10 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 570

Return to top