Không thể kéo dài tình hình này, nửa đêm một ngày cuối năm 1964 tôi lén đưa vợ con rời khỏi nhà cha mẹ, sang Tân Định tạm ở chung với mẹ vợ trong khi chờ thuê một nơi nào đó.
Nơi cuối cùng hai vợ chồng tôi thuê được là một căn phòng nhỏ khoảng 12 mét vuông, trong một căn nhà có một gác gỗ xóm lao động Cầu Phong (Tân Định). Căn nhà này nằm sát kinh Nhiêu Lộc nước đen ngòm, bùn lầy, mùi hôi thối xông lên nồng nặc. Khi mới đến nơi này, tôi không tưởng tượng được rằng mình có thể ở lại đây.
Nhưng vợ chồng tôi không có lựa chọn nào khác vì thu nhập của tôi ở báo
Bình Minh đột ngột bị cắt phân nửa. Từ 16 trang, báo rút xuống còn 8 trang do số phát hành sụt giảm, tiền lương của nhân viên cũng bị giảm theo. Nhưng kể cũng lạ, khi đã sống được ở nơi này rồi thì không còn nghe thấy mùi hôi thối nữa. Cái mũi con người ta luôn phải thích nghi với môi trường sống một cách tài tình.
Thời điểm này tôi rất khó khăn về tiền bạc. Có hôm, tiền đi xe ô-tô-buýt cũng không có, tôi phải thập thò ở đầu cầu thang gỗ năn nỉ mượn tiền cô con gái nhỏ của bà chủ nhà. Đứa con thứ hai của chúng tôi sinh ra (Lý Quí Dũng) bị suy dinh dưỡng. Một lần nó bị bệnh nặng nhưng trong nhà không có tiền đi bác sĩ. May mắn hôm đó một người bạn gái thân của vợ tôi tình cờ đến thăm và đem cầm sợi dây chuyền đang đeo để cho vợ chồng tôi mượn.
Có lúc tôi có ý định đưa vợ con trở về nhà cha mẹ vì thấy vợ con cực khổ quá nhưng vợ tôi cương quyết không chịu, nhất định tạo dựng cho được cuộc sống tự lập. Quỳnh Nga (tên vợ tôi) không hề than van cuộc sống khó khăn và đồng lương ít ỏi của chồng. Yêu nhau năm tôi còn học ban Philo ở trường Jean Jacques Rousseau, tức chưa đậu Tú tài 2 và lấy nhau khi tôi chưa có một nghề ngỗng gì, rõ ràng nàng chuẩn bị tinh thần để đối đầu trước cuộc sống đầy khó khăn khi chọn tôi làm chồng.
… Tôi gặp Quỳnh Nga lần đầu khi đi xem cuộc đấu bóng bàn quốc tế tại Nhà Kiếng, lúc đó là trụ sở của Tổng liên đoàn Lao công (tổ chức công nhân của chế độ Sài Gòn) trên đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám). Buổi tối đó có mặt Quỳnh Nga là cháu của nhà vô địch Mai Văn Hòa (gọi Mai Văn Hòa bằng chú). Khi gia đình của Quỳnh Nga còn ở Kompong Cham, Mai Văn Hòa được cha của Quỳnh Nga nuôi ăn học và tập đánh bóng bàn. Trước khi trở thành vô địch miền Nam, Mai Văn Hòa đã từng vô địch Nam Vang (Campuchia). Trong buổi xem bóng bàn tại nhà Kiếng, tôi đi chung với một người bạn cùng lớp và chính người bạn này đầu tiên tìm cách làm quen với Quỳnh Nga, chứ không phải tôi, mặc dù trong lòng tôi cũng rất muốn được làm quen nàng. Không có tiền nhiều trong túi, không có ô tô như thằng bạn, tôi tự thấy mình thua trước trong cuộc chạy đua này. Quỳnh Nga không có sắc đẹp kiểu rực rỡ, thu hút ngay ở cái nhìn đầu tiên, mà nàng đẹp một cách tự nhiên, nhẹ nhàng. Sau vài lần đi theo người bạn sang chơi bên nhà của Quỳnh Nga ở quận Tư, tôi càng mến nàng, nhất là ở tánh tình rất giản dị và thẳng thắn của nàng. Sự phô trương của người bạn tôi, con trai một của một gia đình giàu có ở Sài Gòn – mỗi lần đến nhà Quỳnh Nga đều tự lái xe hơi hiệu Mercedes, sẵn sàng tặng nàng những món quà đắt tiền như nhẫn hạt xoàn – vẫn không “lung lạc” được Quỳnh Nga. Nàng dứt khoát từ chối các món quà bất thường của bạn tôi. Thái độ ấy của nàng càng làm rung động con tim tôi.
Lần đầu tôi “bạo gan” mời Quỳnh Nga đi xem chiếu bóng ở rạp Majestic trên đường Catinat (bây giờ là Đồng Khởi), trong túi tôi chỉ đủ tiền xe taxi và tiền mua hai chiếc vé. Cha mẹ tôi thuộc gia đình khá giả nhưng ông bà rất khắt khe trong việc cho tiền con cái. Sau này khi đã yêu nhau, tôi có kể lại cho Quỳnh Nga nghe về “tình hình tài chính” của tôi ở buổi đi chơi lần đầu tiên ấy. Nàng cười và nói với tôi: “Trong đầu em lúc đó cũng có thoáng qua thắc mắc sao anh ấy không mời mình đi uống nước hay ăn kem sau khi xem chiếu bóng nhỉ?”. Khi đã thành vợ chồng rồi, vợ tôi mới biết vào thời điểm mới quen nhau, trước mỗi tối đi chơi và mời nàng ăn nhà hàng, tôi đều lén lấy trong tủ rượu của cha tôi một chai rượu ngoại rồi đem bán ở Chợ Cũ. Tủ rượu của cha tôi vơi đi hai phần ba thì cũng vừa lúc tôi và Quỳnh Nga trở thành chồng vợ!
Con đường đi đến chồng vợ của chúng tôi thật vô cùng gay go. Ban đầu, cả mẹ của Quỳnh Nga và cha mẹ tôi đều chống đối, mỗi bên có lý do khác nhau. Lý do về phía cha mẹ tôi trước hết là vấn đề môn đăng hộ đối, thêm nữa ông bà không muốn con mình lấy vợ quá sớm không tập trung vào việc học hành. Với riêng mẹ tôi, việc bà mất quyền chọn cô dâu đầu tiên là cả một sự thất vọng và đau khổ. Còn về phía mẹ của Quỳnh Nga, làm sao bà vui vẻ được khi người con trai muốn làm rể của bà chưa có nghề ngỗng gì. Vả lại bà cũng không biết rõ gia thế chàng rể như thế nào, ngoại trừ nghe phong thanh cha mẹ cậu ta nhất quyết không chịu chấp nhận con gái mình làm dâu. Quỳnh Nga lúc đó đã đi làm – thư ký hành chánh ở Tổng nha Thanh niên (sau đó tại Tòa Đô Chính). Nàng là một trong hai nguồn thu nhập chính của gia đình. Nguồn thu nhập kia từ mẹ nàng, làm công nhân may thêu ở khách sạn Caravelle. Người anh lớn thất nghiệp ở nhà, còn ba em trai đều còn nhỏ đang đi học. Cha của Quỳnh Nga, Nguyễn Bá Linh, là một nhà báo từng cộng tác với tờ
Sài Gòn Mới nhưng đã mất khi Quỳnh Nga được khoảng 10 tuổi. Nếu Quỳnh Nga đi lấy chồng, nhất là lấy một anh chàng sinh viên như tôi, thì gia đình sẽ mất một trong hai nguồn thu nhập. Bà còn âu lo không biết con gái mình sẽ có cuộc sống ra sao với cậu sinh viên vô nghề này! Nhưng mẹ vợ tôi là một người phụ nữ không hẹp hòi tính toán, bà sống trải lòng với mọi người, luôn hy sinh cho con cái. Do đó dù không hài lòng về tôi nhưng rốt cuộc mẹ của Quỳnh Nga vẫn không nỡ cự tuyệt tôi vì bà rất thương con gái mình. Bà làm lơ để tôi lui tới nhà khá tự do. Thế là có tuần tôi ở bên nhà Quỳnh Nga đến bốn, năm ngày, bất chấp sự cấm đoán của cha mẹ tôi. Bấy giờ tôi đã thật sự yêu nàng và quyết tâm cưới nàng làm vợ - dù không được cha mẹ tán đồng và cũng không biết hai đứa sẽ sống bằng thu nhập nào khi lấy nhau. Lúc đó thường trong túi tôi chỉ đủ tiền đưa nàng đi xem hát hoặc ăn bò vò viên!
Lúc này cha tôi đang làm Phó tỉnh trưởng hành chính ở tỉnh Ba Xuyên (tức Sóc Trăng). Khi về Sài Gòn hay tin tôi vẫn đeo đuổi Quỳnh Nga và ở luôn bên đó, ông tức giận đi xe hơi xang quận Tư tìm địa chỉ nhà Quỳnh Nga với ý định trực tiếp áp lực với mẹ của Quỳnh Nga không để tôi lui tới nữa. Có lần Quỳnh Nga ngồi trong nhà, núp sau cửa sổ nhìn ra đường, sợ run lên khi thấy chiếc ô tô chở cha tôi chạy qua chạy lại năm, bảy lần, nhưng vẫn không dừng lại. Tôi nói với Quỳnh Nga: “Cha anh sẽ không vào đâu. Ông không có lý do chính đáng để xông vào nhà em tìm gặp anh hoặc gặp mẹ em. Anh là con trai chứ đâu phải con gái đâu mà mắng vốn”. Nhưng thực tế cha tôi nghĩ rằng con trai mình đã bị “một cô con gái sành sỏi” rù quến và ông tự thấy phải ra tay cứu con. Chuyện không thể tưởng tượng đã xảy ra ít ngày sau đó: cha tôi vào tận nơi làm việc của Quỳnh Nga (ở Tòa đô chính) và gặp xếp của nàng là trung tá Phước, phó đô trưởng nội an để “tố cáo” rằng nữ nhân viên của ông ta đã “dụ dỗ con trai tôi”! Trung tá Phước là người quen biết với cha tôi. Để không làm phật lòng bạn mình, ông ta đã cho gọi Quỳnh Nga vào phòng làm việc và trước mặt cha tôi, ông đã nhẹ nhàng “hỏi tội” nàng cho có lệ: “Sao cháu lại dụ dỗ con trai của bác Phát?”. Tan giờ làm, gặp tôi đến rước, Quỳnh Nga khóc sướt mướt, kể lại chuyện vừa xảy ra và nói: “Cha anh đã làm nhục em ngay tại cơ quan. Em đâu còn mặt mũi nào để tiếp tục đi làm?”
… Dù tôi nài nỉ cách mấy và nói rõ tánh tình, con người của Quỳnh Nga xứng đáng như thế nào, cha mẹ tôi vẫn nhất quyết không chịu cho tiến hành lễ cưới. Nhưng ngược lại mẹ của Quỳnh Nga vẫn chấp nhận tôi như một chàng rể tương lai và đã tổ chức một bữa cơm đạm bạc ra mắt gia đình. Và từ đó tôi được coi như con rể chính thức của gia đình Quỳnh Nga. Thế là tôi đành triển khai kế hoạch tổ chức cuộc sống riêng. Đầu tiên, tôi cố gắng tìm cho mình một công việc: tôi đi cùng Quỳnh Nga đến một số trường tư thục xin vào dạy môn Pháp văn. Các nơi đều từ chối vì cái bằng Tú tài Pháp còn mới toanh của tôi chưa có gì bảo đảm về khả năng đứng lớp. Tôi đánh liều thuê phần trước một căn phố gần nhà Quỳnh Nga để trực tiếp mở lớp luyện Pháp văn dành cho người lớn. Ngày khai giảng có khoảng 10 người đăng ký nhưng dạy được nửa tháng chỉ còn ba người theo học! Lúc này Quỳnh Nga cũng vừa nghỉ việc ở sở làm theo yêu cầu của tôi. Lý do: tôi không thể chịu đựng lâu hơn cái tình trạng có quá nhiều người đàn ông trong sở làm đeo đuổi nàng đến tận nhà. Trong số đó có một trung tá chiều nào cũng đến nhà Quỳnh Nga “trồng cây si”. Tôi bực bội vô cùng nhưng không biết cách nào để loại hắn. Nghĩ mãi tôi mới tìm ra một cách: chờ đúng lúc hắn tới và vừa ngồi vào ghế xa–lông ở nhà Quỳnh Nga, tôi từ ngoài bước vào chào hắn một cách đầy tự tin. Rồi tôi đi thẳng vào trong buồng và một lát sau trở ra với bộ đồ pyjama, ung dung đến ngồi xuống ghế bên cạnh hắn. Tôi xử sự như mình là chủ trong nhà và là chồng sắp cưới của Quỳnh Nga. Sau đó tôi mới gọi Quỳnh Nga đang còn ở phía nhà sau: “Em ơi rót trà cho khách”.
Kể từ chiều hôm sau, không còn thấy “cây si” đến mọc giữa nhà Quỳnh Nga nữa!
Và rồi chuyện khó tránh giữa nam nữ yêu nhau tự do đã xảy ra. Một buổi sáng đầu năm 1962 trong nhà chỉ còn lại hai chúng tôi, Quỳnh Nga sợ sệt nói với tôi “Em đã có…”. Tôi không hoảng hốt nhưng lúng túng không biết phải lo cho Quỳnh Nga như thế nào đây trong những ngày sắp tới. Suy nghĩ mãi tôi thấy chỉ còn một nước là thử về nói thật với cha mẹ xem sao.
Giận con cãi lời mình tự quyết định việc chọn vợ, nhưng khi nghe mình sắp sửa có cháu nội, cả hai ông bà đều dịu giọng. Mẹ tôi bảo xin lỗi cha tôi để ông đồng ý tổ chức đám cưới. Tôi đã xin lỗi và quì lạy cha tôi. Sau đó quyết định tiến hành đám cưới rất mau chóng vì Quỳnh Nga đã có thai gần một tháng. Đám cưới được tổ chức khá lớn, lần lượt tại hai nơi: ở Sài Gòn, nhà riêng của gia đình tôi và ở Sóc Trăng, nơi cha tôi đang làm phó tỉnh trưởng.
Thời đẹp nhất và cũng gay go nhất trong đời – tôi đã sống với Quỳnh Nga (từ 1961 đến 1985). Khi không còn là vợ chồng nữa, do những bất đồng phát sinh trong cuộc sống chung không thể giải quyết, chia tay nhau nhưng chúng tôi vẫn kính trọng nhau và tất cả đã diễn ra khá êm đẹp. Chúng tôi hứa với nhau vẫn là bạn tốt của nhau. Thời gian đã chứng minh đúng như thế. Dù sau này vì hoàn cảnh đặc biệt, tôi phải đi thêm hai bước nữa (người vợ thứ hai của tôi – Cúc Phượng – mất vì bệnh) nhưng giữa tôi và Quỳnh Nga luôn giữ một quan hệ rất tốt đẹp và tình nghĩa với nhau. Quỳnh Nga vẫn duy trì một sự quan tâm đặc biệt đối với tôi và giáo dục các con (bốn trai, một gái) luôn yêu thương và chăm sóc cha của chúng. Nhờ vậy dù cuộc hôn nhân thứ nhất không được trọn vẹn, nhưng những dằn vặt, mất mát tình cảm cũng được giảm thiểu tối đa cho cả hai phía, nhất là cho các con.
Quỳnh Nga là một mẫu phụ nữ khá đặc biệt, không coi nặng đồng tiền và danh vọng. Gắn bó với chồng, nàng gắn bó với cả lý tưởng của chồng, sẵn sàng chấp nhận mọi bất trắc và hy sinh. Trong thời kỳ hoạt động chính trị đối lập của tôi, có những lúc nhà riêng bị cảnh sát chìm theo dõi và bao vây ngày đêm, nàng bình tĩnh chịu đựng mà không hề thở than. Sau tờ
Sài Gòn Tân Văn là tờ báo đầu tiên tôi làm chủ nhiệm do cha tôi tài trợ, các tờ báo sau đó tôi xuất bản đều do tiền của hai vợ chồng vay mượn. Mỗi khi chính quyền Thiệu ra lệnh đóng cửa một tờ báo tôi bỏ tiền ra làm là coi như thêm một lần trắng tay, nợ nần lại chồng chất. Khi tự khai thác một tờ báo, tôi mượn trước các nhà phát hành một số tiền, tiền mua giấy để in báo cũng được trả chậm có khi năm, bảy số, còn tiền nhà in được “gối đầu” ít nhất hai, ba kỳ in. Do đó vốn bỏ ra cũng không bao nhiêu, thế nhưng với khả năng tài chính và cái sức của chúng tôi lúc đó thì mỗi khi báo bị đóng cửa là cả vấn đề gay go. Nhưng chẳng bao giờ nàng than van hay hỏi tôi làm báo như thế để làm gì. Quỳnh Nga chỉ biết một điều là chồng mình hành động vì một lý tưởng nào đó, chắc chắn là đẹp, không nhằm làm giàu hay thu lợi riêng, nhưng được bạn bè thân thiết ủng hộ, những người chung quanh và độc giả tán đồng. Có lần, khi tôi làm tờ
Tiếng Nói Dân Tộc (1966), nửa chừng hết tiền mua giấy để tiếp tục in báo, đầu óc căng lên chưa biết tính sao, thì vợ tôi đưa ra ý kiến: Hãy bán chiếc ô tô FIAT 125 (do một người bạn vừa giúp mua trả góp không đầy hai tháng), để có tiền mua giấy. Tờ
Tiếng Nói Dân Tộc là tờ báo duy nhất trong các tờ báo tôi bỏ tiền ra làm có hi vọng phất lên. Có thể Tết năm đó (1967) sẽ là cái Tết tốt đẹp cho tờ báo và nhất là cho anh em công nhân sắp chữ. Khi tôi xuống phòng sắp chữ theo dõi việc lên trang, anh xếp typô nói với tôi bằng giọng gần như van nài: “Anh Chung ơi, tờ báo đang bán rất chạy, anh ráng “dịu giọng” cho qua cái Tết này để anh em tránh lận đận”. Nhưng số phận khắc nghiệt đã định sẵn, không làm sao né tránh hay “dịu giọng”, một sự kiện chính trị xảy ra buộc tờ báo phải nói lên chính kiến của mình. Đó là vụ án Châu–Hồ-Trúc. Cả ba đều bị tòa án của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu kết án tử hình. Hai người – dân biểu Trần Ngọc Châu và nhà báo dân biểu Hoàng Hồ - bị coi là hoạt động cho cộng sản, còn người thứ ba, cũng là dân biểu, anh Phạm Thế Trúc, bị ghép tội “phản quốc” vì đã đốt hình nộm Nguyễn Văn Thiệu trong một cuộc biểu tình phản chiến ở Tokyo bên Nhật. Tôi phản đối sự kết án của tòa án chính quyền Sài Gòn và trong một bài báo tôi đặt vấn đề: đất nước đang bị chia đôi, vậy Tổ quốc ở đâu và họ đã phản lại Tổ quốc nào?
Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu đã trả lời câu hỏi của tôi một cách rất đơn giản: đóng cửa tờ báo
Tiếng Nói Dân Tộc khi chỉ còn không đầy một tháng là Tết đến! Tôi chẳng than phiền gì cái quyết định của chính phủ Thiệu vì nó nằm trong luật chơi của chính trường. Đối đầu với thế lực cầm quyền là đương nhiên phải hứng chịu những đánh trả của nó. Biết trước những hậu quả ấy nhưng tôi vẫn không cưỡng lại được cái xu thế phải đứng về phía người dân – phần đông chống chính quyền Thiệu, chống lại chính sách can thiệp của Mỹ tại Việt Nam. Cái xu thế ấy chảy trong huyết quản tôi như thể một dòng thác. Nó cuốn trôi các toan tính riêng tư và quyền lợi cá nhân, mặc dù lúc ấy tôi không ý thức được rõ ràng dòng thác ấy sẽ đưa mình đến đâu.
Nhưng khi gặp lại các anh em sắp chữ, tôi thấy xót xa vô cùng. Tết này họ không có những món tiền thưởng kha khá để mang về cho gia đình. Với vợ tôi, hình như nàng đoán trước những bất trắc luôn chực chờ các hoạt động của chồng nên nàng không tỏ ra bất ngờ mà ngược lại nàng còn tán đồng lập trường của chồng. Cái xe FIAT 125 bay mất, tôi không tiếc nó, nhưng nhiều năm sau này tôi vẫn tự hỏi mình có thể chọn một thái độ nào khác mềm dẻo hơn để vẫn giữ vững lập trường, tránh được cho anh em công nhân sắp chữ một cái Tết khó khăn, lại đồng thời duy trì được lâu dài hơn một công cụ đấu tranh cho dân chủ và hòa bình?
Suốt 10 năm chồng làm dân biểu Quốc hội, Quỳnh Nga vẫn sống và sinh hoạt rất giản dị, thời gian của nàng chủ yếu dành cho chồng con, cái thú đam mê duy nhất của nàng là quần vợt. Nàng vẫn là nàng, chẳng thay đổi bao nhiêu so với cô gái mà tôi quen biết ở bên quận Tư ngày nào. Nàng không se sua và tụ tập với các bà, các cô thuộc xã hội trưởng giả Sài Gòn. Chiếc áo dài vẫn luôn là cách ăn mặc quen thuộc của nàng.
Mỗi khi tôi làm chủ nhiệm một tờ báo hoặc thuê manchette một tờ báo nào đó tiếp tục làm báo, Quỳnh Nga đều đảm nhận vai trò người quản lý của tờ báo. Trong quan hệ với các ký giả làm việc với chồng, Quỳnh Nga luôn tạo được tình cảm thân thiết, gắn bó. Cái cảnh cảnh sát hùng hổ đến bao vây nhà in và tòa soạn tịch thu báo, phá tung các bản kẽm mỗi khi tờ báo có bài chống chính phủ, chẳng xa lạ đối với nàng. Tinh thần của nàng không hề bị lung lạc. Mỗi khi biết báo sắp sửa bị tịch thu, nàng tổ chức tuồn báo ra ngõ sau nhà in để bán vớt vát phần nào (báo bị tịch thu thường bán rất chạy!)
Là một người trực tính nên tính cách của Quỳnh Nga cũng khá đặc biệt. Nàng thường hành động theo bản năng và sở thích cá nhân, đôi khi bất kể những ràng buộc hay khuôn phép chung nên làm tôi nhiều phen cũng phải điên đầu. Tôi không thể quên được những chuyện xảy ra trong chuyến tham dự Hội liên hiệp các đại biểu dân cử châu Á (APU) năm 1967 tổ chức tại Bangkok. Vợ các dân biểu nghị sĩ dự hội nghị cũng được mời tháp tùng. Lúc đó Quỳnh Nga đang mang thai đứa con gái (Lý Quỳnh Kim Trinh) một tháng. Ngày đầu thành viên các đoàn (có cả cựu Thủ tướng Nhật Kisi bấy giờ là Thượng nghị sĩ) được Nhà Vua Thái Lan và Hoàng hậu mời dự tiếp tân tại Hoàng cung. Các đoàn đều xuất phát từ khách sạn đúng giờ, duy chỉ có vợ tôi chậm trễ mặc dù tôi liên tục thúc hối nàng. Nàng không chịu hiểu rằng dự buổi tiếp tân – “reception” – của Nhà Vua hoàn toàn khác các “reception” bình thường mà khách có thể đến trễ cũng không sao. Còn lại chỉ hai vợ chồng tôi, xe cảnh sát Thái dẫn đường phải chạy trên tuyến ngược chiều để hạn chế sự trễ nải. Khi chúng tôi vào Hoàng cung thì thành viên các đoàn đã đứng xếp hàng đâu đó ngay ngắn nhưng nhà vua và hoàng hậu vẫn chưa xuất hiện vì ban nghi lễ còn chờ chúng tôi! Đứng vào hàng, tôi như người mọc đầy gai. Nhưng sau đó khi buổi tiệc bắt đầu, khách mau chóng quên đi cái lỗi quá cỡ của hai vợ chồng tôi. Chiếc áo dài màu xanh turquoise (ngọc lam) vừa vặn thân hình rất thon thả của Quỳnh Nga đã trở thành trung tâm của sự chú ý đầy thiện cảm.
Trong chuyến đi Bangkok còn xảy ra một chuyện tày trời khác: Vợ tôi vốn không thích ăn đồ Tây, mà các món ăn chiêu đãi trong suốt mấy ngày ở Bangkok đều là đồ Tây. Nàng đang ốm nghén nên càng thèm ăn các món Việt Nam. Do đó khi cả đoàn dự Hội nghị được đưa đi tham quan khu Chợ Nổi (Floating market), lúc chiếc thuyền máy đưa chúng tôi đi chạy ngang một chiếc ghe bán hủ tiếu, thế là cơn thèm ăn ở người đang ốm nghén không làm sao kềm chế được. Nàng nhất định yêu cầu chiếc thuyền máy dừng lại cho nàng ăn hủ tiếu, bất kể bị cả đoàn bỏ lại đàng sau. Sống với nhau biết tính ý, tôi đành chiều nàng thôi. Chuyện này may không bị đoàn phát hiện!
Còn khi nàng nổi cơn ghen lên thì chẳng coi trời đất ra gì, dù đang dự buổi tiếp tân tại một sứ quán đi chăng nữa. Lần đó chỉ vì một cái bắt tay với một nữ chính khách duyên dáng nhưng hơi lả lơi, nàng đã buộc tôi phải rời sứ quán ra về tức khắc “nếu không sẽ bùng nổ chuyện không tốt lành” vì “tôi không thể kềm chế lâu được”. Cái tính ghen tuông của Quỳnh Nga nổi tiếng trong giới bạn bè, nhưng thẳng thắn mà nói lỗi ấy do tôi. Nếu tôi là một người đàn ông nghiêm túc, không yếu lòng với phụ nữ, không tái đi tái lại “tội lỗi” đối với vợ, thì chắc chắn Quỳnh Nga vẫn giữ được sự thùy mị, dịu dàng thời con gái. Lấy vợ lúc còn quá trẻ, sự tò mò về phụ nữ còn đầy ắp khát khao, cho nên dù rất yêu vợ, tôi vẫn không thể giữa được sự thủy chung đúng nghĩa với vợ mình. Khi chia tay nhau sau 25 năm chung sống, tôi đã nhận trách nhiệm sự gãy đổ về mình, dù rằng chưa bao giờ trong suốt thời gian chung sống với Quỳnh Nga tôi lại có một cuộc sống chung song song với ai khác. Đó chỉ là những cuộc tình lãng mạn, những dan díu ngắn ngủi nhưng không thể đi xa hơn giới hạn mà tôi cố gắng đặt ra, bởi mình là người đã có vợ và vợ mình chẳng có lỗi lầm gì cho mình đối xử tệ bạc. Tôi may mắn, trong tình cảm riêng tư, đã gặp những phụ nữ luôn ý thức về hoàn cảnh người đàn ông mà họ đang yêu để biết tự kiềm chế và dành cho nhau những cảm nghĩ tốt dù đã chia tay. Tôi không bao giờ coi những quan hệ đó là những chiến tích, mà coi đó là những rung động con tim mình không né tránh được, trách nhiệm thuộc về mình.
Và khi chính mình không gương mẫu, tôi thấy khó hướng dẫn, khuyên can vợ cái đúng cái sai trong cuộc sống chung. Cứ thế, những căng thẳng cứ nổ ra, những mâu thuẫn phát sinh, sự tương kính cũng giảm dần để rồi vẫn còn yêu nhau nhưng không thể tiếp tục chung sống với nhau được nữa. Cuộc tình lý ra có thể kéo dài một đời thật đẹp với biết bao nhiêu kỷ niệm, đành kết thúc sau 25 năm! Hôm chúng tôi chia tay nhau, tôi đặt lên hai má nàng hai cái hôn đầy tình cảm biết ơn, bởi vì cuộc đời tôi trong 1 phần 4 thế kỷ sống với nàng, hơn phân nửa sự nghiệp gây dựng lên là do công lao của nàng. Tôi rời khỏi nhà mang theo cho riêng mình “sự nghiệp tinh thần” mà cả hai đã cố gắng xây đắp và chẳng để lại gì đáng giá cho nàng. Vào cái năm 1985 còn đầy khó khăn ấy, gia đình tôi tay trắng hoàn toàn.
Thế nhưng, một mình bươn chải, từ một người phụ nữ nội trợ, nàng cùng các con dần dần thoát qua các giai đoạn hết sức khó khăn ấy để cuối cùng rất thành đạt trong ngành kinh doanh nhà hàng ở TP. HCM. Nàng vẫn là một phụ nữ mà tôi rất kính trọng.