Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Chiều Chiều

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 25856 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chiều Chiều
Tô Hoài

Chương XIV
Chi bộ đảng viên đường phố gồm các thầy cô giáo ở trường và công an trong địa phận với công chức hưu. Cũng lèo tèo vài người, không đại diện cho mọi tầng lớp người ở trong phố. Tôi chỉ họp chi bộ có một lần, cái lần đầu tiên Khang dẫn tôi đến. Rồi không bao giờ biết chi bộ ở đâu, có những aì. Bởi vì cả cái tổ chức ban đại biểu, ban bảo vệ khối, mặc dầu phụ trách sáu tổ dân phố, nhưng chưa hẳn là chính quyền, cũng không phải đoàn thể. Chỉ là tự nguyện và ngẫu hứng nhưng lại cáng đáng những công việc thiết thực liên quan sau cùng đến mỗi công dân. Hơn mười năm qua, từ khi tiếp quản đến bây giờ vẫn thế.
Những việc thật quyết liệt: sơ tán triệt để đối phó máy bay Mỹ có thể đánh mạnh. Thế mà tôi sơ tán cũng được, không cũng được. Nhưng lại cứ phải có mặt vì không làm thì không có ai khác. May, tổ len dạo này đói việc, thế là kéo cả lên học cứu thương.
Rồi cô Nghệ và mấy bà đi lĩnh đồ cứu thương về.
Bên dân phòng hỗ trợ lên khuân các thứ chất cồng kềnh một xích lô đem chia ra gửi các nhà. Bốn băng ca cáng thương, những bó nẹp, những cuộn bông băng, cả chục túi cứu thương..., các thứ mới nguyên nhãn hiệu Hungari, Balan, Tiệp Khắc...
Học trên khu, về tối lại tập. Tổ vệ sinh tập cáng thương, băng bó. Một cậu giả bị thương nằm trên cáng, cười hô hố. Hai cô khiêng bực mình buông phịch cái cáng xuống. Đội dân phòng lại đem đồ nghề ra luyện chữa cháy. Không có hội thi, tập ngay ở ngã tư đầu phố. Tô nô nước, vòi bắc lên bơm phụt phụt. Mẫn trèo thang buộc hai vành xe đạp vào nấc mười lăm, nấc mười tám thước. Lần nào nước bơm cũng phọt trúng vòng, có khi cao hơn. Tiếng reo ầm ầm, hay, hay quá. Chuyến này trên mà mở hội thi, khối ta ăn đứt! Cứu hoả, cứu thương, có đêm trong tiếng còi báo động, tai nạn thật sự đến nơi. Chuyện khẩn trương mà như trò đùa. Bốn cái cáng lại đặt một dãy.
Người giả bị thương nằm thẳng cẳng dưới đường. Chị cứu thương đeo túi đàng hoàng, lấy bông băng buộc bó garô cánh tay, ống chân xong rồi xốc lên cáng, hái người cáng đi. Người nằm cáng kêu ối giời ôi đau quá, sướng quá, lại cười hà hà. Y tế khu về quan sát, cho điểm. Lúc đọc lên, cáng nào đạt tiêu chuẩn động tác nhanh gọn, chính xác, được phần thưởng tràng vỗ tay đốp đốp hoan hô.
Chúng tôi phân công ban chỉ huy tác chiến khi có bom bắn, dù ban ngày hay ban đêm. Dương phụ trách cứu thương. Mẫn thì cứu hoả và tuần tra. Sắm thêm cả chục chiếc băng đỏ. Tôi và Đại trưởng phó ban đại biểu đôn đốc chung.
Cứ nghĩ ra việc mà cắt đặt như thế.
Cơ quan tôi dạo nọ sơ tán sang Quế Võ bên kia sông, sau trở lại Phủ Quốc, rồi về gần chùa Hương.
Vợ tôi làm ở cửa hàng thuốc cuối phố Khâm Thiên, luân phiên trực chiến thông tầm. Đến chủ nhật, đạp xe cả đêm mấy chục cây số vào bến Đục, đèo gạo, nước mắm, mỡ, dầu hoả, xà phòng. Các con lớn thì Phúc công nhân cơ điện đi bộ đội vào chiến trường Bình Trị Thiên. Đan Hà theo trường dược sơ tán đi Mai Siu Biển Động bên Đông Bắc. Đan Thanh sang học nghề ở Lêningrat. Mẹ tôi và ba con nhỏ của chúng tôi theo cơ quan, chúng nó đi học trường làng. Tôi ở thành phố về hàng tuần một. Hồi ấy đến phiên tôi làm tạp chí Tác Phẩm Mới, bài vở và việc nhà in phải đi lại luôn, khi ở phố khi sang nhà in bên kia sông.
Nhiều lần một mình trở ra thành phố. Không mua ngoài được cái gì ăn. Có phiếu nhưng cửa hàng chất đốt chưa có dầu hoả. Mà có cũng còn để nhà tôi đèo về nơi sơ tán cho bà cháu đun nấu. Thỉnh thoảng, tôi thổi cơm bằng giấy báo, giấy vụn. Có hôm ba giờ sáng, tôi đã đi mua mỡ cửa hàng thịt phố Tôn Đản mà người xúm xít đã vòng trong vòng ngoài.
Lại còn không thể thiếu sắp hàng bia... Dạo này người đường phố nạp bia rượu tợn, không còn tập uống bia pha sirô, cũng không cốc, mà vại, tay cầm vại bia làm một hơi mới đã và có hôm đôi ba vại thay cơm cũng thường. Đêm có báo động nghe tiếng bom thì ngồi dậy, đeo cái băng lên cánh tay, vào quán Gió trong công viên làm một hai vại cho tỉnh ngủ rồi mới lại ra đường. Vẫn còn báo động mà thấy người đi lướn phướn thì hơi bia của tôi quát: Chết cả bây giờ Xuống hầm! Xuống hầm!
Cái đêm máy bay biệt kích Mỹ nhảy dù đánh úp trại giam tù binh Mỹ ở sông Tích ngoại ô Sơn Tây, tôi đương công tác bên Li Băng. ở Saiđa lên thủ đô Bây Rút, thành phố ven Địa Trung Hải, buổi sáng xuống quầy khách sạn mua báo. Tờ Thế Giới ở Pari đăng đầu đề tin trang nhất: “Trận bất ngờ tập kích Sơn Tây ban đêm. Nhưng không kết quả". Trại tù bỏ không, tù binh phi công Mỹ đã chuyển đi từ lâu. Một máy bay lên thẳng của Mỹ gãy cánh quạt phải bỏ lại. Chúng nó lấy đi một cái vại và một con bò - có lẽ để kỷ niệm thành tích thật đã đến chỗ ấy..
Một cái tin ngắn, đọc cứ tưởng cả Sơn Tây, Hà Nội đương còn rung chuyển. Hàng đàn máy bay Mỹ đêm tối chui vào tận núi Ba Vì sâu như thế, trận đánh hiểm hóc, ác liệt như thế. Đến hôm trở lại Hà Nội, sân bay Gia Lâm vẫn vắng tanh như mọi khi. Chiếc máy bay IL 18 xuống, người đẩy cái thang, người ra đứng hai tay giơ hai mảnh cái quạt gỗ sơn trắng làm hiệu cho máy bay lăn vào chỗ đậu. Những ông này vừa ở trong phòng ra đường băng làm việc, sau lưng trên bàn nước còn cái bàn cờ quân gô và chiếc điếu cày dựng bên chân bàn.
Mấy anh dân phòng và Đại với Dương, Mẫn đến chơi. Họ kể cái tối Mỹ nhảy dù Sơn Tây ở Hà Nội có báo động, nghe máy bay ầm ì xa xa và vài đợt cao xạ rồi im suốt đêm. Sáng hôm sau đọc báo mới biết đêm qua thằng Mỹ nhảy dù trộm xuống Sơn Tây rồi lại cút ngay.
Lệnh trên xuống, diết dóng yêu cầu đi tuần đêm. Hà Nội lại thúc sơ tán. Người già, con trẻ cứ đi ít lâu, thấy yên yên lại về, nay lại rục rịch đi. Ngoài đường, xe ba gác, xe xích lô chở người qua câu Long Biên.
Không ai tản cư lên phía Sơn Tây. Lần này lại lục lại danh sách những nhà, những người có vấn đề. Lung tung quá, mọi người đã đi sơ tán hay đi đâu cả, ai biết được, biết đằng nào mà lần. Những mụ buôn lậu. Cũng chẳng có gì biết thêm nữa, không phải thuốc phiện hay buôn vàng mà là mấy bà chạy chợ tem phiếu, bánh mì, buôn gà... Mấy người pạc ti dăng, đội xếp cũ, xếp bốt dân vệ bỏ làng ra phố, có người thấy quyển sổ bảo vệ ghi từ đời nào là chỉ điểm, là tâm lý chiến, công chức Pháp, là nhạc vàng... Hầu hết những ông bà này đều đã ở dân phòng, ban vệ sinh và cũng gia đình năm tốt, vẫn đi họp mọi khi.
Thì cũng phải nắm lại.
Giữa trưa, vừa nổi còi báo động, lập tức nhoàng nhoàng tiếng bom, tiếng cao xạ dội vào các góc tường, đinh tai. Người hớt hải chạy đằng đầu phố lại: “Sứ quán Pháp ăn bom chết hết rồi". Cơ quan hội Văn nghệ ở láng giềng sứ quán Pháp. Bom rơi vào trong sứ quán, xung quanh tường vẫn nguyên, nhiều người còn đương chạy ra. Những ngày căng thẳng, ngưòì ở lại thành phố hay tránh quanh quẩn. Nhà gần cầu Long Biên thì xuống phố Huế, chiều mới về. Đến hôm giữa phố Huế bị giội bom lại nhảo lên. Bây giờ thì kéo đến ngồi ngoài tường các sứ quán, nhiều người đi đạo thì vào núp trong vườn nhà thờ hàng Trống. Thấy nói nước ý theo đạo Tin Lành không đi đạo Thiên Chúa, Mỹ đã choảng bom đổ cả nhà thờ dưới Phát Diệm, lại phân vân. Mỹ ném bom đến sứ quán Pháp, núp bờ tường quán nước ngoài cũng không yên rồi.
Nhốn nháo bấn lên. Thúc thêm được một số người lớn trẻ con đi sơ tán. Mấy cụ phụ lão trong phố ra ngoại ô. Cô Nghệ không đi. Cụ Thắng thì nhất định không đi rồi, ai hỏi cụ lắc đầu, trỏ ngón tay vào tai.
Cụ bảo cụ điếc không nghe tiếng bom hay ai nói gì cụ không hiểu. Đội dân phòng vẫn nguyên vị, mấy tay thủ công phất quạt giấy vót nan tre sửa soạn sang năm làm đèn tháng tám thì chẳng đi đâu. Hai ông xích lô xung phong tải thương, nhờ các ông này mà đội dân phòng, đội cứu thương không hụt người. Có hai người theo nhà máy, nhưng nhà máy chia rời bộ phận cũng chỉ ở dưới bãi bên kia sông, tối không làm ca lại về nhà. Trẻ nhỏ mỗi nhà cũng như nhà tôi, phải đi một nơi theo trường học, còn người lớn thì ai cũng thế, người đi làm, người chạy chợ, mọi người mọi nghề, không mỗi chốc xa phố xá được. Chúng tôi vẫn gần đủ quân số cắt lượt đêm tuần. Có thế vào mùa đông 1972, máy bay B52 ném bom giải thảm vùng Khâm Thiên mới có lực xuống khối bạn cứu sập, tải thương...
Hôm ấy máy bay bắn tên lửa giữa trưa đổ tầng chính toà nhà đại sứ quán Pháp. Ông tổng đại diện P. Susini bị thương nặng. Cô bồ của ông, Aléa El Hakim, người Ai Cập thì chết ngay lúc ấy. Con trai ông từ Pari bay sang, đưa bố về. Giữa đường, ông ta chết.
Có người chép miệng: “Lão này quan to mà số ăn mày, chết đường. Giá ở đây vào Xanh Pôn, Phủ Doãn có khi lại không tỏi. Nó chê thày ta, thuốc ta cơ". Cô Đàng hỏi tôi: “Có phải cái ông Tây đại sứ tối hôm ấy đến họp bầu cử ở phố ta? Tôi nói: “Hình như lão ấy đấy".
Máy bay quần ám suốt ngày. Bảnh mắt đã còi rú.
Rồi liên miên, chốc lại... alô, máy bay địch bay xa... đã bay xa... Loa phóng thanh to bằng cáì thúng úp treo trong cành cây khắp nơi công cộng, các loa hộp đài Hà Nội mắc ở mỗi nhà cũng dóng dả luôn đến đỗi rồi câu báo động lặn lẫn cả vào trong câu người mẹ chín đứa con ham chơi: cha đẻ mẹ mày, cứ suốt ngày đi xa về gần, bà mà tóm cổ được mày...
Mọi việc trong phố bận rộn chằng chịt không bao giờ một bề. Chợ đổi vai đêm ra họp ra tận Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, chợ Mơ, càng vất người kiếm ăn bám vào mớ rau, bó hành. Thế mà cách ngày lại tập cứu hoả, tập cứu thương. Kinh nghiệm bom phố Huế được khu phổ biến các khối tập thêm cửu sập, moi đất, trên phát cho cả chục cái xà beng.
Cụ Thắng điếc có sáng kiến, hỏi:
- Lúc đáo sự khó nhọc lắm, phải có người đem nước uống, tìm đâu ra chè tươi nhỉ, không có thì chết khát.
Một người nói trêu:
- Trên trời thì bom nện, dưới đất thì người chết, lòng dạ nào mà ngồi uống nước được. Thôi thế bây giờ chúng tôi phân công cụ nấu nước nhé.
Cụ Thắng hỏi lại: “Ông ấy nói gì thế?” Không dịch câu nói đùa cho cụ điếc nghe. Cụ Thắng lại nói với tôi:
- Tôi có việc báo cáo tiếp với anh.
Tôi lại đoán chừng việc gì. Tôi ghé tai cụ Thắng:
- Hồi này căng lắm, cụ về sơ tán với các cháu.
Cụ Thắng không nghe thủng câu tôi nói hay cụ không muốn ai bảo cụ sơ tán, cụ chống gậy, đủng đỉnh ra. Sơ tán gấp, sơ tán triệt để. Các cơ quan bàn giấy và các cửa hàng nhà mậu vắng hẳn. Đóng cửa các hàng mậu đi thôi, cho đỡ đứng đám xếp hàng rồng rắn, muốn đuổi theo đâu bán phiếu lít nước mắm, lạng mỡ, cân bột thì tìm ra ngoài kia. Nhưng cũng chỉ lơ thơ mươi hôm rồi người lại lác đác thập thò, chỉ có các trường thì vắng lặng hẳn. Biết bao người sinh sống ở thành phố không thể dứt đi được. Cụ Thắng đã tám mươi tuổi, lại điếc lác, chỉ còn lấy việc khu phố làm vui, các cháu đã thuê cả chuyến xích lô rước cụ đi. Cụ dửng dưng. Cụ cũng không biết hãi máy bay như tôi, vâng, cụ ung dung. Vài hôm, lại thấy cụ Thắng chống gậy lò dò đến.
- Báo cáo anh, tôi mới ra. Có việc thì phân công cho tôi.
Cụ Thắng thong thả ngồi xuống, lấy cái máy nghe đeo lên tai. Tôi đã đoán chuyện cụ sắp nói mà tôi biết khi nào cụ cũng ý tứ, chỉ lúc có một mình cụ với tôi.
Tôi nói trước công việc:
- Lớp bình dân phải nghỉ hẳn. Mà cũng không được phép tụ tập quá năm ngưòi. Chỉ bên tổ phục vụ còn nhúc nhắc cơm nồi nước sôi nhưng công tác này không hợp với cụ. Để tôi lên tiểu khu hỏi năm nay tem phiếu thế nào, nếu làm sớm tránh báo động thì nhờ cụ như mọi năm, chưa có thì mòt cụ lại về sơ tán, bắt buộc đấy, cho được an toàn. Khi nào có thì tôi cho nhắn.
Việc gì tôi cũng làm được.
Cái máy nghe hình như cũng chỉ giúp cụ câu được câu chăng. Cụ nhắc tôi:
Anh xem cái vệ sinh thế nâo, bây giờ sang mùa thu rồi chậm mất thuốc muỗi, nhưng còn cái bả chuột.
Thế là năm nay không phun thuốc muỗi như mọi khi Cái cô Nghệ cũng đoảng, tôi cứ phải giục cô ấy mới nhớ.
Tôi im lặng một lúc lâu, không đáp chuyện cụ. Nhưng cụ Thắng chưa về, cái máy nghe vẫn áp bên tai.
Cụ Thắng nói: Đồng chí là người trí thức, tôi rất quí. Tôi hoạt động Thanh niên Cách mệnh Đồng chi hội, tôi ở Thanh niên rồi sang cộng sản. Đồng chí biết Trương Văn Lệnh không?
Tôi có gặp Trương Văn Lệnh một lần. Sau khỏi nghĩa độ một hai tháng. Tôi làm phóng viên báo Cứu quốc. Hôm ấy có một cuộc họp ở Bắc Bộ phủ. Xuân Thuỷ, chủ nhiệm báo Cứu Quốc cho tôi biết một người to lớn bận đồ kaki kiểu áo Tôn Trung Sơn là Trương Văn Lệnh mới ở hải ngoại về. Tôi chỉ biết có thế. Tôi cũng chưa biết gì về đời hoạt động ngày trước của cụ Thắng. Việc khối phố hàng ngày có thế thôi, tôi cũng không muốn hỏi. Nhưng có thể đoán đại khái: cụ Thắng vào Thanh Niên với Trương Văn Lệnh rồi cụ bị bắt, đến khi được tha có thể là mất liên lạc, có thể là mất tinh thần, thực tế cũng là không hoạt động nữa. Và những uẩn khúc thế nào đó văn là một u uất cho tới giờ. Tôi tự chắp nối lại lý lịch cụ được đến vậy thôi.
Tôi cũng chưa khi nào trò chuyện hay hỏi han cụ về Trương Văn Lệnh, lúc ấy không hiểu sao, tôi lại nói:
- Tôi có biết ông Trương Văn Lệnh, người cao cao...
Cụ Thắng nhìn tôi, rồi thở dài:
- Phải, Trương Văn Lệnh chết rồi, chết đã lâu rồi.
Nhưng mà chuyện oan khuất của tôi thì không nói ra được. Mỗi khi nghĩ đến lại đau thắt ruột, không chợp được mắt. Khối đứa ngày trước là con chó, mà ngày nay...
- Chuyện cũ, bỏ đi, cụ ạ.
Nhưng nó sờ sờ trước mắt, nó chọc mắt trêu nguơi mình, có mù đi mới không trông thấy, mà không trông thấy cũng không quên được. Anh có biết thằng Thúc nghỉ hưu chuyên viên bảy trước cũng ra làm ban bảo vệ khối bên kia. Nó không phải Quốc dân đảng Nguyễn Thái Học đâu, nó là phản động Quốc dân đảng. Hồi ở trong này, đáng nhẽ nó phải chết với Nhượng Tống ở chỗ chợ Hôm, nó cùng cánh thằng ấy mà, ban ám sát của ta lại chỉ khử có Nhượng Tống. Lý lịch nó khai láo thế nào hoá ra thành tích hoạt động nội thành...
Tôi không thể có điều gì hầu chuyện cụ Thắng được.
Cụ còn kể vô vàn những đầu lâu cuối lấu đâu đâu thế này thì tôi làm thế nào dứt ra. Vừa hay, ông Đại phụ trách “cơm nồi nước sôi” đến. Có người vào, cụ Thắng chống gậy, đứng dậy bắt tay tôi.
- Cơm nước ra sao đây ông?
- Ta bàn chuyện đóng cửa thôi.
Việc về kinh tế, tôi đã phân công cho Đại từ năm đầu. Cũng là cái cớ cho ông phó mộc có thể nhặt nhạnh thêm đồng ra đồng vào. Hôm trước đã tính nếu có bom đạn thì Hà Nội cũng vẫn còn người ở lại, ai cũng phải ăn phải uống thì vẫn duy trì, làm kinh tế, kế hoạch còn đương mở mang mà. Đã vận động mọi người tham gia công tác khối phố và ở cuộc họp dân phố kêu gọi mỗi người mỗi nhà đóng vài đồng hùn lại được một số tiền, như chơi họ, tổ phụ nữ đứng làm hợp tác xã có mục đích giúp bà con. Kế hoạch thành phố gọi là hợp tác xã mua bán đương vận động xây dựng khắp các nơi. Làm giỏi thì cũng như khiêng cả cái chợ về phố, cái gì cũng có, lại tự tay mình bán, tự tay mình mua. Và còn nghĩ rộng được nhiều sáng kiến, tổ phục vụ này cũng do nó mà ra. Tết nhất, các nhà đặt bánh, đưa bánh chưng gói sẵn, tổ hợp luộc bánh lấy công luộc, công củi. Lò than đỏ rực suốt ngày? nước sôi lúc nào cũng sẵn, nước phích, nước tắm gội bán phích, bán chậu. Cơm thì gạo các nhà vo đổ nước bỏ vào nồi, vào xoong đem ra đặt lên lò, hẹn giờ lấy.
Thức ăn, nồi cơm chỉ việc xách về, lại nhận tem phiếu mua hộ dầu, củi, đong gạo... Nàng dâu trăm họ, người khen trước mặt chửi sau lưng, người xói móc, nghi bớt xén. Nhưng mà vẫn gửi, vẫn “cám ơn”, vân “quí hoá quá", bởi thật cũng đỡ vất vả cho người ta. Đấy, đã được người tin, vốn hùn đã kha khá, mọi mặt đương trôi chảy.
Chúng tôi định sẽ lên một quán phở và bánh cuốn, phở bánh hẳn hoi không phải miến dong riềng. Sẵn lò than cả ngày, lại tráng bánh cuốn, cũng tiện một công. Tổ phục vụ này dựng lên được thế là tổ thứ 16, trong khu chỉ còn bốn khối chưa có. Làm quán phở đã. Dạo trước họp bàn khai trương Đại mời bà thương nghiệp, bà lương thực và công an khối. Họp xong, mỗi vị khách đã được mời chén một bát phở gà đầy có ngọn. Qui vị thưởng thức tự tay phó Đại trổ tài nấu nướng. Nhưng rồi ông Đại lại nói: “Múa võ thế thôi, chứ đến hôm làm phở thật thì miến dong riềng. Cái dong riềng hồi này trên Phùng quê tôi làm khá lắm, chẳng khác miến Tàu ngày xưa. Cốt cái nước thật béo. Bây giờ có bát phở, thịt gà thịt lợn ai cũng đều cân tất, thế đã hơn phở không người lái rồi”. Tôi gật gù khen tài giỏi ăn nói và con dao pha tưởng tượng của Đại. “Nhưng không đến nỗi thế, tôi đã rủ được một ông ở phố ta trước làm phở nhà mậu ở Quán Thánh mới về hưu. Ông ấy chuyên nấu nước phở rồi đứng chan, chan một giờ trung bình được một nghìn năm trăm bát, có nghề không- chiến sĩ thi đua chan phở mấy năm liền, ông ấy sẽ cộng tác với ta” Đại hào hứng bốc, thế mà bàn chuyện đóng cửa.
Tôi bảo Đại:
- Máy bay máy bò thì mặc kệ chúng nó, việc ai nấy làm, gì mà phải đóng cửa mở cửa, hết máu hăng rồi a?
Đại nói:
- Sơ tán loãng cả phố xá rồi. Bán hàng miếng sống mà ế một ngày thì thiu thối đi đứt vốn. Hai ngày vắng khách rồi, chạy ra chợ Hôm bán lại thịt ế lo bằng chết ông ạ. Cơm nồi nước sôi cũng chẳng còn mấy người gửi. Các bà nhà bếp ngồi giãi he cả buổi. Tính thế này thôi, xưa nay làm ta chỉ ghi thu chi vào sổ nháp, không kế toán thanh toán ra từng món, chuyến này xem lại sổ sách, rồi giữ lại nghe tình hình đã. Chẳng nhẽ thằng Mỹ cứ ở trên trời mà doạ nhau mãi a.
Tôi khoái những cái nghĩ về tổ phục vụ, hợp tác xã mua bán đương phấn chấn. Nhưng nghe Đại kể như thế tôi lại hình dung khác ra. Tôi đã trông thấy ông cháo gà Chữ cầm một túi những mảnh thịt gà ông Trí bán buổi trưa không hết về luộc lại làm cháo đêm. Phải, miếng hàng sống chỉ quá một buổi thì vứt đi, thì đóng cửa, thì mất khách. Chẳng biết bây giờ quán bánh tôm hồ Tây ngon lành thế nào, nhưng mấy năm trước, một sáng sớm, tôi chỉ nhá một miếng, biết ngay bánh ế hôm qua. Từ đấy, không đến cửa hàng này nữa. Thế là mọi tốt đẹp của tôi về tổ phục vụ lại hoá ra màu xám. Tôi nói theo đuôi Đại: Thế thì ông cho làm sổ sách đi. Tôi cũng chỉ biết nói vậy. Tôi đi qua chỗ đắp ụ than mọi khi lúc nào cũng rừng rực người ra vào người ngồi chơi, trước cửa một miếng ni lông đỏ giải ra, trên đặt lọ lạc rang, lọ ô mai hột mơ tẩm gừng và cái ấm giỏ chè chén- tiện lò than đấy, lúc nào cũng có nước sôi tới số, có cả chai nước trắng giấu trong kia. Đã hay mắt ra phết. ở trong làng cũng như ngoài chợ, chỗ nào dựng cái phên quán nước thì đấy có người đến, người ngồi tán gẫu.
Hôm nay đã vắng ngắt, trên cửa treo miếng cót ép đề chữ vôi trắng: Tạm đóng cửa, lệnh sơ tán. Tôi nhòm vào, một ông đeo kính trắng với ông Đại đương ngồi trước đống giấy má. Đấy là ông kế toán ông Đại thuê về tính sổ.
Hồi ấy, ở phố ở làng, các hợp tác xã mua bán mọc nhua nhúa. Nhà mậu cung cấp vật chất cho mọi nhà, cô đơn là lạc hậu, phải vào hợp tác mới hợp thời và tiến lên được. Đủ các thứ, hợp tác thợ mũ, thợ khâu, đẽo guốc, cả những ông vá giày, ông cắt tóc cũng vào hợp tác. Vì có vào hợp tác mới mua được cái làm. Sống cá lẻ bây giờ chỉ còn anh bán đóm, chữa khoá, lão mài dao kéo, móc cống, bổ củi và các cô cầu Giẽ bán rượu chui cứ quảy bìu rượu đựng ni lông xám hệt bọc phân đạm. đương phong trào như thế không vào chỉ thiệt, giấy tờ có hợp tác xã, có chữ ký chủ nhiệm thì thươngnghiệp nhà mậu bán hàng cho. Vào hợp tác, ông đánh máy chữ thuê ngoài vỉa hè mới mua được giấy pơluya, giấy than, dầu lau máy, ông cắt tóc mới được thương nghiệp bán định kỳ khăn mặt, xà phòng, than đá đun nước sôi.
Nhiều nghề kiếm ăn lần hồi mà vào hợp tác như là những trò chơi. Tôi đã lâu năm cắt tóc hàng ông Be, tôi biết. Hiệu cắt tóc ông Be đúng kiểu hay ho một thời. Trước kia, ông Be chủ hiệu, ông đứng cắt tóc và thuê hai ghế thợ. Đến đận cải tạo tư sản Be ta cũng ba đao lắm. Làm chủ với hai người làm thuê thì đúng tẩy lên thang tư sản rồi. Ông chỉ còn phân trần ông đứng một ghế, ông cũng lao động. Thế thì ông cũng như phú nông. Phú nông ngồi cùng chiếu địa chủ, cũng ghê bỏ mẹ. Ông Be nhanh trí xoay làm ăn đời mới, coi như ông canh ty với hai anh vẫn làm thường ngày, lại gọi thêm hai anh cắt rong nữa, cả nhà có năm ghế. Thế là đóng sổ biên bản họp xã viên lên hợp tác xã, báo cáo thương nghiệp khu rồi treo cái bảng kẻ chữ sơn đỏ: “Hợp tác xã cắt tóc Quyết Tiến". Hợp tác xã có cách hoạt động riêng chỉ biết với nhau. ấy là khách vào ghế ai người ấy làm rồi người ấy bỏ tiền vào túi. Khách thích một người làm, tôi chỉ cắt ông Be, mấy người tôi cũng đợi Chẳng bởi cầu kỳ mai trắng mai xanh, mà chỉ mỗi lần cắt tóc xong tôi lại thành bạn rượu đậu nghệ nướng chấm muối với Be. Bây giờ ông Be chỉ là xã viên, ông nhường anh khác làm chủ nhiệm mà ông vẫn còn hãi. Đến kỳ mua các thứ đồ nghề, cái khăn mặt, miếng xà phòng... mua bao nhiêu, cái gì, mỗi người xỉa tiền ra, một người mang sổ của hợp tác đi lĩnh mua cung cấp.
Ba tháng hợp tác xã cắt tóc Quyết Tiến thuê một ông kế toán già về hưu đến lập sổ, dựng lên các cột chi thu mua bán, cột lãi, cột cứu tế, cột linh tính... kẻ ngang dọc vui mắt. Rồi đánh máy cái biên bản gọi là đại hội xã viên, mọi người ký tên, đem trình lên thương nghiệp đóng dấu đỏ chứng nhận. Không có ông kế toán ấy đến vẽ vời cho vài con số ma đúng qui lát thì không lên được khung đình đám hợp tác. Chắc chắn trên cũng biết nó làm hợp tác xá dởm, nhưng năm thằng bờm đầu thì đến đời nào mới thành triệu phú được, cho nên trên dưới đều giả vờ không biết thế là trò chơi và không ai bới ra.
Tôi nói với Đại cho phải phép: “Nhớ phải sòng phẳng, không hợp tác xã ma đâu nhé". Đại cãi ngay và giải thích: “Các bà ấy kém chữ nghĩa, ông với tôi còn công tác cơ quan, thì giờ đâu mà gò đầu gồ cổ tính sổ sách. Tất cả trong bếp ấy, còn mỗi đống than để ngoài cửa, tối đã có người ngủ canh lò. Thuê người sổ sách mới ra tấm ra món được". Rồi Đại cười, cười cái gì không biết. Tôi cũng nói trống không thế, chứ tôi biết đằng mù nào những việc chi tiết và chuyện lén lút ma ăn cỗ.
Lại giữa trưa, như quen thói, máy bay Mỹ đến ném bom vào giữa thành phố, vùng Nhà hát Nhân dân, bộ giao thông, ga hàng Cỏ sang ngõ hàng Đũa. Cái ngõ hàng Đũa ấy, thời Nhật, máy bay Đồng Minh – cũng Mỹ đã thả bom triệt hạ cả phố. Hôm ấy, người ta nói Mỹ thả bom tia la de, bom biết tìm đến mục tiêu mới nổ. Bộ Giao thông, nền Nhà hát Nhân dân ngay bên kia, khác phố, nhưng cách nhà tôi vài ba trăm thước.
Tôi cũng đương ở nhà một mình. Nhớ như hồi ấy tôi đương viết cái tiểu thuyết Miền Tây. Ngồi đây tôi tưởng tượng lên với nhân vật mẹ con bà Giàng Súa bên Đào San, Phong Thổ, ở Sìn Hồ vùng thấp vùng cao.
Tôi kê mảnh ván bên thành giếng. Nếu bom rát quá thì trèo xuống giếng, cái giếng có hai bậc, thành trên tôi ngồi xổm mới kín đầu, còn thành dưới trong giếng có nước thì sâu nữa.
Gió lật tốc cả dàn cây móng rồng trên tường, hơi bom trút xuống cùng lúc với tiếng nổ. Tôi tụt vào giếng, trông lên vòm trời vòng tròn trên đầu. Bên cơ quan bộ Giao thông trúng bom hay tên lửa không biết, tàn than giấy bay đen trời rơi lả tả xuống đầu tôi.
Tôi đeo băng, vơ cái còi quàng vào cổ chạy ra trông về ga hàng Cỏ, thấy lạ hẳn. Toà nhà đồ sộ giữa ga vòm mái đá đen đã biến mất, chỗ ấy toang hoác như giữa bãi trống. Phía hồ Văn Chương sau ga, cao xạ ta vẫn nhả đạn từng đợt đoàng đoàng. Thế là máy bay lại bom bắn vào trong thành phố, lần này đánh nhiều chỗ. Có một cảm tưởng âm thầm cứ dần dà nghiêm trọng hơn.
Ban bảo vệ các khối lên họp trên tiểu khu, ở khu đội và công an dự. Dương và Mẫn về báo cáo: Trên thông báo lần này Mỹ sẽ đánh Hà Nội nữa mà đánh rộng có khi nó cho cả B52 đánh ác liệt. Đề phòng nó có thể bất thần nhảy dù tập kích như trận Sơn Tây.
Khu ta gần các cơ quan trọng yếu cũng là trọn điểm mặt trận. Phải triệt để sơ tán nhân dân, tuần tra mười hai tiếng suốt đêm, kiểm soát chặt chẽ sổ tạm trú, tạm vắng.
Nhiều việc “phải” nữa. Điều khó khăn, nhiều việc trái ngược và chồng chéo. Công tác chủ chất khối phố hầu hết bà con có tuổi, kể cả đội dân phòng, bây giờ sơ tán triệt để thì ai cũng vào diện đi, đi được, ấy là chưa kể những người bắt buộc phải theo cơ quan, theo xưởng máy. Mà cả trăm việc dồn xuống.
Quá nửa đêm, tôi đi với bảo vệ Dương từ phía ga hàng Cỏ ra hồ. Bom đã ném bay cái nhà thuyền góc phố đằng kia. Cửa hàng bia quán Gió vẫn đèn sáng, chỉ có quán bia cửa ga và quán bia nhà thuyền có nem nướng không nhân ăn rất hay thì đã hóa ra một lỗ trống hốc. Không biết các cô bán hàng cửa ga, các cô nhà thuyền mọi đêm, có ai còn sống? ánh điện ban đêm sáng lạnh, trời dìu dịu sang thu, sương mù hay là khói bom nhà cháy còn đọng luẩn quẩn trên các ngả đường
Nhưng đến gần thì không phải. Cái mờ mờ sương phủ ấy là lớp lớp những chiếc chông cắm nhọn hoắt nhấp nhô liền nhau rỡn lên như màu sương. Những bàn chông la liệt khắp nơi. Nhớ mùa đông năm 1946 trên đồng quanh các làng Nghĩa đô, Cổ Nhuế, sáng sớm trông ra chì chít liền mấy cánh đồng xám mờ những bãi chông tre cắm đề phòng Pháp nhảy dù. Bây giờ những chiếc chông sắt chống Mỹ nhảy dù cũng như sương phủ- không phải chỉ là phòng xa, mà trận tập kích đã xảy ra ở Sơn Tây.
Chúng tôi vòng về Nhà hát Nhân dân, cái nhà hát giữa trời này đã dỡ bỏ tử lâu, chỉ còn bãi cỏ hoang. Từ xa đã thấy trong ánh đèn phòng thủ nghiêng mờ mờ vun vút lên những ngọn chông. Mấy xe tải quân đội vừa đỗ, trên thùng xe đẩy xuống, tiếng gỗ, tiếng sắt loảng xoảng. Bộ đội khiêng vào trong bãi như những bó chông hay những bộ phận súng máy. Khu vực này bên nhà tù Hoả Lò- khách sạn Hintơn Hà Nội” nổi tiếng giam nhiều lái Mỹ không biết trong lúc quyết liệt này có còn người tù Mỹ nào trong ấy không. Vào Tết Noen mỗi năm, tôi hay đi với Nguyễn Tuân vào Hoả Lò gặp phi công tù binh. Giam nó ở đây, hỏi chuyện nó cũng ở đây, nhưng khi cho gặp chúng tôi thì người ta lại làm vờ cho chúng nó tưởng đi xa lắm mới đến chỗ các nhà báo. Mấy phi công Mỹ, trên xe tải bước xuống từ ngoài cổng vào, băng vải đen bịt mắt. Không biết nếu nghe tiếng loa phát thanh vang các góc tường và tiếng động ngoài phố đưa vào, những tù binh đã bị nhốt nhiều năm ở đây có nhận ra những tiếng quen tnuộc hàng ngày vẫn nghe không.
Tôi bảo Dương:
- Ta thử vào xem chỗ này chông tre hay chông sắt như chỗ kia.
Một bộ đội đứng gác trong gốc cây, đến tận nơi mới thấy bóng người và ánh lưỡi lê sáng nhoáng.
Tiếng quát giựt giọng:
- Đứng lại
- Chúng tôi dân phòng đi tụần tra.
Có lẽ anh bộ đội đã trông thấy cái băng đỏ và hai chúng tôi cầm đèn pin Anh nói nhỏ, tiếng vẫn đanh lạnh ngắt.
- Không được vào!
Chúng tôi quay ra, bước xuống đường. Dương nói: “Đằng kia thì chẳng thấy cấm". Và có vẻ ấm ức. Tôi chẳng thấy là phiền lòng, bảo Dương:
- Người ta cấm là phải chứ.
Tôi không băn khoăn chông sắt hay chông tre, nhưng lại nảy ra cái vẩn vơ so sánh: súng có lưõi lê của anh bộ đội hẳn đã lắp đạn, không phải súng lép như khẩu mút cơ toong hôm nọ khu đội cho mượn.
Sáng hôm sau, đi qua cửa ga và bãi cỏ Nhà hát, chẳng thấy gì cả. Nền nhà ga cháy đen và các bãi cỏ quạnh vắng. Như chuyện ma trong Liêu Trai. Mấy chiếc xe tải phủ bạt đậu dưới bóng vòm cây xà cừ, như những chiếc xe ban ngày tránh máy bay.
Người sơ tán các nơi nhiều, khu yêu cầu làm tem phiếu sớm. Vì không họp các tổ được, lên danh sách rồi phải nhắn đi các nơi soát lại người từng hộ, có di biến động thế nào. Đưa đi đưa lại vòng vo mất cả tuần, mà năm nay cũng không nhờ được học sinh giúp.
Đại và tôi mở đống sổ sách năm ngoái. Tôi bảo Đại:
- Tôi phải bàn với ông gấp một tý. Tuần sau, tôi có công tác đi ấn Độ. Ông ở nhà làm cho vào đà, đến hôm tôi về...
Đại nói:
- Ông yên chí, việc tem phiếu còn dài, ta chống Mỹ cũng còn dài. Chắc ông đi ấn Độ bằng tàu bay, không sợ gặp tàu bay Mỹ đánh sao?
Tôi cắt nghĩa Trạng Lợn:
- Sáng sớm nó còn ngủ, chặp tối nó đỉ ăn cơm. Bay những lúc ấy được.
- Tôi chưa trông thấy cái tàu bay lên xuống bao giờ.
- Thứ bảy này ông sang tiễn tôi thì được xem. Ông đi nhé.
Sớm tinh mơ trên sân bay Gia Lâm, phó ban Đại đứng trong đám các con tôi.
Tàu bay IL 18 lênh khênh sừng sững trước mặt rồi từng chiếc một, bốn cánh quạt lần lượt quay. Một ỉúc cả bốn cái cùng quay tít, bụi và lá khô mù mịt trước mặt.
Hôm về, Đại bảo tôi: “Nó rún lấy đà, quạt lên như bão. ừ, phải thế mới đẩy lên được".
Tối tối, tôi với Đại lại đếm lại các loại tem, đối chiếu từng hộ. Trong khi, các tổ đi tuần tra đến năm giờ sáng.
Cuối năm, xong đợt tem phiếu đến sang giêng hai dương lịch, thành phố sắp xếp lại các cấp hành chính được thông báo hết qui một, có thay đổi. Vẫn có uỷ ban trên thành phố, các tiểu khu nhập thành quận, trong nội thành có bốn quận. ở dưới mấy khối cộng lại thành phường. Các tổ vẫn còn. Ban đại biểu dân phố giải tán, ra đời bộ máy phường tương tự như xã ở ngoại thành. Chủ tịch phường có con dấu và ăn phụ cấp như lương.
Cán bộ Thắng tiểu khu mà mỗi Tết lại đến nhà tôi lấy dao phay, dao bầu đi mài, anh vẫn đến chơi Tết, anh đã xin đổi công tác về nhà máy sơn. Cái chạn bát, cánh cửa sổ nhà tôi cuối năm được sơn xanh lại tươi tắn. Dương ra giữ xe đạp cửa rạp chiếu bóng. Mẫn đổi chỗ lên ngồi chữa xe trên Bờ Hồ. Mẫn bảo dưới này đói quá, có hôm chỉ được vài nhát bơm.
Mẫn nói với tôi: “Anh cho em thôi cái bảo vệ đường phố, em còn phải đi bảo vệ cái dạ dày". Một năm, Dương đến mượn tôi cái va li, bảo là về Sài Gòn. Tôi đưa Dương cái va li cũ. Rồi Dương có về Phú Lâm hay đi đâu, tôi không biết.
Tôi thôi trưởng ban bao giờ, không nhớ. Khi làm, không ai mời, đến khi thôi thì thôi cũng không ai bảo.
Chỉ nhớ bấy giờ sau trận B52 máy bay Mỹ ném bom vùng Khâm Thiên, các khối dân phố đi cứu khối bạn, đội dân phòng, cả cáng thương và túi thuốc, cả xà beng như mọi khi đã tập, tôi vác cái câu liêm.
Chốc đã hơn bảy năm qua. Cái anh Khang đảng viên rủ tôi ra làm công tác phố ốm đã mất ba bốn năm nay. Nhiều ngưòi, cụ Thắng điếc, cô Nghệ, ông An cũng qui tiên cả rồi. Chẳng có cáo phó, khi ấy việc tang ma còn đơn giản, có người bảo tôi mới biết.
Nguyễn Văn Bổng và tôi vẫn hay vào quán Gió uống bia. Ngồi uống bia hiu hiu còm cõi, nhưng bên hồ nước, bao giờ cũng có cảm tưởng xa khoi. Không còn khi nào vào hàng nửa đêm. Mà các cô bán hàng thuở ấy không còn ai bây giờ và cũng không có bia hơi, cửa hàng đã lên cấp. Chợt nhớ anh phó mộc Đại.
Tôi tạt đến rủ đi cho vui. Cái nhà Đại ở mọi khi đã biến mất, chỗ ấy thấy quây bạt, lủa tủa cột bê tông, đương lên nhà tầng. Ông thợ may hàng xóm, trước ở đội dân phòng nhận ra trưởng ban.
- Ông đấy à, ông vào xơi nước- ông có đi uống bia thì đi với tôi - Mời hai ông. Nhà cháu bệnh áp huyết, bia rượu những cái ấy phải kiêng. Định vào rủ ông Đại- ông Đại thợ mộc trên quận đã nghỉ hưu. Ông ấy về quê Phùng được mấy tháng rồi.
Mấy năm mới lại vào ngõ này, khác quá, khác quá.
Chúng tôi đến quán Gió. Đọc báo thấy đăng tin có đàn cò về đậu ngọn cây ở cái gò giữa hồ. Đã bao nhiêu năm nay những đàn cò không về lòng hồ. Nguyễn Văn Bổng hỏi cô bán bia hôm nay đã thấy cò về trong hồ chưa.
Cô hàng nói:
- Buổi sáng còn bay loạn ngọn cây, bây giờ chưa về.
Chập tối, đã lên đèn. Chẳng thấy một bóng cò. Cô hàng nói một câu có ý nghĩa thế nào chăng.
Thời buổi này, con chim cũng vui đâu đậu đấy, có phải không hai bác?

<< Chương XIII | Chương XV >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 201

Return to top