Cái túi nilon
Tô Hoài
Xin không nói về thời trang và nhà tạo mốt. Sáng tạo mốt thời trang, sáng tạo dường như khó. Nhưng nghĩ cho cùng lại thấy không khó. Như việc viết văn, ai cũng làm được, tôi cũng làm được Chỉ có, mốt của tôi không ăn khách thì vứt đi, mà mốt nào bắt mắt thì phát tài. Có thế thôi. Tôi muốn nói về những cái cứ tự nhiên mà thành mốt. Con người ta sống có văn hoá thì cái gì cũng phải ra nền nếp, ra thói quen, ra mốt. Như cái áo đổi vai. Các bác, các cô gồng gánh nhiều, lưng đẫm mồ hôi, vai áo chóng rách. Bèn mua miếng vải, nhuộm nâu non, may đổi cái vai, làm cái áo đổi vai.
Thế là áo đổi vai tự nhiên thành mốt. Nhưng cái áo đổi vai các cô mặc cũng tuỳ nơi, tuỳ lúc. Không mặc áo đổi vai ngày tết nhất. Và con nhà khá giả cũng chỉ mặc áo đổi vai đi chợ hay đi gồng gánh, không ai diện áo đổi vai đi xem hội. Ngày nay, áo đổi vai ba bốn thân thành thời trang trình diễn và lên sân khấu - tất nhiên, chẳng ai còn giữ cái áo đổi vai đi chợ hay đặt cái đòn gánh lên vai. Nhưng có làm cho hay mắt tới đâu, hãy giữ nếp cái dáng gốc áo đổi vai là nét đẹp toát lên từ bóng dáng làm ăn. Diện khéo thì hai miếng hai vai so le tượng trưng sự chuyển động đôi vai và không bao giờ miếng vải trên vai dài bằng vạt áo, dài hơn vạt áo.
Mốt do người ta nghĩ ra, như bây giờ. Như có những mốt do mọi nhẽ của đời sống mà nảy sinh cái đẹp hay cái lố lăng, cái bắt chước. Như cô dâu đi thuê váy trắng tám tầng, như có một dạo học sinh không cắp cặp, cầm túi, sách vở cuộn lại kẹp vào nách. Lại như bây giờ, các sinh viên đeo cái túi nhỏ con con, như túi con cóc trên lưng. Cũng cái túi con cóc ấy, chỉ mấy năm trước chắc chăng cô cậu nào thèm nhìn.
Ấy mới là thời thượng. Thời thượng và mốt không phải chỉ ở những cái ăn diện, mà cả mọi cái, mọi điều thông thường, hàng ngày. Ý ăn nhẽ ở nếp sống không phải chỉ ở những tính cách, thái độ ứng xử và hành động mà ở mọi nơi, ở tất ca những cái liên quan đến đời sống, kể cả những nhỏ nhặt nhất. Khạc nhổ bậy, ngoáy mũi, nặn trứng cá, vênh cằm lên nhổ râu, gãi rồi ngửi, xỉa răng giữa đường, rung đùi, bắt tay người lại ngoảnh mặt đi. Và cái nón, cái thúng, cái rổ, cái túi, cái khăn mạt, cái quần lót, cái móng tay, móng chân, đâu đâu cũng bắt đầu bằng những thói quen riêng mà có. Các bà các cô đi chợ cắp cái rổ (Không cắp rá. Cắp rá đi chợ các cụ bảo là điềm đói kém, đi ăn mày) nhưng cầm cái rổ cũng là cái đựng của người đi các chợ ven nội. Cái nhà trong làng chẳng mấy khi đi chợ mua mớ rau. Rau cỏ thường ngày hái ở vườn, nhặt ở bờ rào. Đã đi chợ là có việc mua bán đong gạo đong ngô, sắm giỗ tết, cho nên người ta còn mang quang gánh, đội cái thúng.
Đi chợ chẳng cắp rổ thì ngả nón xuống, mớ rau hay chiếc bánh đa đặt vào lòng nón. Không ai đi chợ chỉ đi tay không. Đã bao nhiêu năm, đả hàng đời cung cách đi chợ như thế. Cái rổ, cái thúng, cái quang gánh, cái nón đã đi vào ca dao, tục ngữ: Qua đình ghé nón trông đình...
Về sau thì thay đổi dần. Bây giờ muốn trông thấy cái rổ, cái thúng có lẽ phải đi chợ xa, lên chân núi Ba Vì hay là đến các thung lũng trong núi Tam Đảo.
Sau thời cái rổ, đến thời cái làn. Cái làn từ phố phường lan về mà lúc đầu người ta nhận xét hơi chế giễu: “Xách làn bắt chước người Kẻ Chợ”. Nhưng rồi cái làn được ưa chuộng và phổ biến. Cái làn đựng được nhiều thứ hơn cái rổ mà vẻ lại nhẹ nhàng, thanh lịch. Đầu tiên là cái làn mây có quai, nhưng màu sợi mây trắng bóng nhìn hơi rợ mắt, người ta ưa cái gì kín đáo, nền nã hơn. Rồi sinh ra cái làn tết bằng cỏ tế. Làn cỏ tế trông thô, nhưng màu nâu nhạt dịu dàng. Làn cỏ tế thoạt mới có tên là làn Hòn Gai vì làn đưa từ các vùng kẻ bể dưới Quảng Ninh lên. Gọi là làn Hòn Gai, chứ cỏ tế mọc trên gò, trên đồi đâu cũng có. Cỏ tế thân cứng, trâu bò không ăn, người trong làng đi cắt cỏ về phơi để đun bếp. Cỏ tế nỏ đượm lửa hơn rơm rạ.
Thời cái làn cỏ tế rồi cũng qua đi. Đến thời làn nhựa xuất hiện. Làn nhựa sặc sỡ như hoa nở, cái đỏ, cái xanh, cái vàng. So với cái rổ và chiếc làn cỏ tế, làn nhựa đẹp hơn và tiện dụng hơn. Chỗ nào cũng thấy làn nhựa đi phố, đi chợ, đàn ông đàn bà đều xách làn nhựa. Có người đi làm cũng để cái làn nhựa trước xe đạp. Bởi vì làn nhựa thật “đa năng”, nó đựng tài liệu, nó lại chứa được cả cái hộp đựng cơm và thức ăn bữa trưa ở cơ quan.
Đến bây giờ cái làn nhựa vẫn còn dùng nhưng làn nhựa không còn choán hết mọi cách chứa đựng, mà cái túi ni lon ra đời đã làm được tất cả - mặc dù cái túi ni lon mỏng dính, nhẽo nhợt, đựng xong một lần thì bỏ sọt rác. Nhưng rất sẵn.
Túi ni lon và dây chun cao su làm lạt buộc. Cái túi ni lon không có kích thước. Túi nhỏ đùm nước chấm đã pha dấm ớt hay đùm mắm tôm, đùm tương. Túi to đựng cả con gà đã làm lông mổ sẵn, đã luộc sẵn hay là con cá một cân, khúc cá mấy cân, lại còn nhét thêm mớ ốc nhồi, một bó hành. Kể ra thì cái túi ni lon được nhiều việc. Nhưng túi ni lon chỉ dùng được từ chợ về nhà. Chẳng ai đeo túi ni lon lỉnh kỉnh các thứ từ Hà Nội sang tận Bắc Ninh.
Và xách túi ni lon thì quá lôi thôi, lễ mễ. Ta hãy để ý một chị vừa ở chợ Long Biên ra, hai bên tay lủa tủa những túi ni lon dài ngắn, to nhỏ. Túi này miếng thịt lợn. Túi kia một túm những con nhộng. Rồi túi bánh cuốn, túi nước chấm về cho trẻ con ăn sáng, lại túi cháo sườn, lại lỉnh kỉnh những túi gì nữa.
Trông tạm bợ thế nào, không ung dung như cắp cái rổ, xách cái làn đi chợ. Thế mà cái túi ni lon cũng tồn tại ít nhất đã ngót hai mươi năm, từ sau khi bắc nam đất nước được thống nhất. Cũng lâu lâu rồi đấy mà vẫn nhếch nhác như người đi xe đạp, xe máy bịt cái khăn tay kín miệng.
(Tạp văn, truyện ngắn Tô Hoài, nhà xuất bản Hội Nhà văn 2004)