Khác trước
Tô Hoài
Soan còn nhớ như in cái hôm Triều bỏ nhà đi ra hậu phương (trong kháng chiến chống Pháp, người các vùng bị chiếm thường gọi vùng tự do là “hậu phương”). Mỗi lần nhớ, lại thương.
Hồi ấy đương đồng cạn, đêm nào vợ chồng cũng đi tát nước, gà gáy về lúi húi thổi cơm, ăn xong thì vừa tang tảng, chồng lại sắp gánh cho vợ đi hàng xáo. Hôm ấy, cơm xong, Triều sửa soạn gồng gánh sớm hơn thường ngày. Nhưng vừa rửa bát dưới ao lên, đột nhiên Triều quơ cái thanh tre dựng cửa bếp, không nói không rằng, quật luôn hai cái vào lưng vợ. Soan oằn người, gieo thúng gạo, gieo theo cả người xuống. Triều điềm nhiên phết cho hai cái nữa. Khi đó, Soan đã hết ngơ ngác và bắt đầu nổi giận. Chị lăn ngay ra đấy. Hai chân giãy như tuồng trẻ dỗi mẹ, rồi rũ tóc ra, gào khóc.
Bà Cam, mẹ chồng, đương quét sân, thấy to tiếng, nhưng bà không ngẩng lên, như đã quen những chuyện ấy. Bà vừa lia cái chổi, vừa lẩm nhẩm: “Sáng mùng một vừa mở mắt ra đã quạc mồm như con quạ khoang”. Ở bên kia rào găng, mụ Nắp đứng chắp hai tay sau lưng, nhìn nghếch sang, chép miệng một mình: “Mát ruột, mát ruột. Cái đồ lười vãi thây chỉ mộ ăn không mộ làm thì cũng phải được đòn đánh thế mới bớt rửng mỡ”.
Hôm ấy lại là ngày phiên chợ. Cả xóm trong đi chợ qua, nghe tiếng xô xát, bảo nhau. “Cái anh Triều nom nhu mì thế mà dữ đòn, đánh vợ cứ như đòn mật thám”. Những miệng hớt lẻo ấy loang ra chợ, và chị Soan lại bỏ buổi chợ hôm ấy, thế là cả bốn xóm đều nói dăng dăng: mới sáng mùng một mà thằng Triều nện vợ một trận đau.
Soan gào một lúc rồi ngồi dậy, vén hai mé tóc xoã xượi, vạch ra cái mũi khóc đã bóng đỏ, khạc mấy cái, đứng lên nhấc hai thúng gạo vào buồng. Rồi không kể lể, không xụt xịt nữa, lẳng lặng nằm queo xuống giường, quay mặt vào trong vách. Đó cũng là cái thói quen mỗi khi có chuyện dỗi bỏ, Soan vẫn nằm vạ như thế.
Trong khi ấy, Triều cầm cái sào nứa, hầm hầm đi thẳng ra ngõ. Bà Cam quét sân xong, ngẩng lên đã thấy con trai thấp thoáng cắp cái nón mê ra tận giữa cánh đồng. Bà đoán Triều đi mua bèo hoa dâu. Việc ấy đáng lẽ vợ nó đi được, bà càng xót con. Hễ cứ vợ chồng Triều cãi nhau, bà lại cho là thằng Triều hiền lành lấy phải con vợ thần nanh đỏ mỏ. Bà cất chổi vào xó ngõ, rồi quay vào. Thấy cửa buồng đã che cánh cót, bà biết con dâu lại nằm dỗi rồi. Bà xuống đuổi con gà mái mẹ đương cục cục với lũ con bới đống dấm trấu vừa vun lên. Mụ gà mái ấp ham con, cứ xòe cánh ra quặc lại. Bà vừa xuỳ xuỳ dồn, vừa chửi, không ra chửi gà, không ra chửi người: “Cha đẻ mẹ mày! Gan à? Công bà quét còng cả lưng đấy. Gan à? Tiền trăm bạc chục mua về đấy chứ chả nước lã đổ hồ đâu, ngay xương lắm thì bà chẻ xác ra... Gan à, gan này... gan này...”. Soan nằm trong buồng, tuy nghe không thủng, nhưng cứ cái giọng to nhỏ trì triết ấy thì Soan đã thuộc, Soan biết bà đương xói móc. Soan nghẹn đến cổ, nước mắt lại ứa ra. Đau chồng đánh một phần, đau mẹ chồng rức lác còn cay đắng gấp trăm. Nước mắt Soan cứ nối nhau bò nghiêng một bên má rồi rỏ xuống từng giọt.
Cơn tức cũng dần dần vơi, Soan nằm nghĩ loăng quăng trong cái góc buồng tối. Chợt trông thấy một vệt ánh nắng thả xuống, rọi vào mấy củ khoai dưới gậm giường. Biết thế là mặt trời đã lên cao, nắng ra tới giọt tranh, mất buổi rồi. Con chim chào mào ở đâu bay đến hót trước sân, nghe rõ tiếng chân nó đậu rào rạo vào cái sào nứa cọc rào mùng tơi. Như thế là ngoài sân vắng, mẹ chồng đã đi cào cỏ. Soan liền ngồi dậy, quấn tóc, ra hè tìm cái rổ sảo, bốc đống khoai lang ngồi đầu hè nhặt khoai hà. Nghe tiếng lao xao ngoài gốc vối bờ ao, Soan đứng lên bậc cửa, nhìn thấy bà Cam cầm cái cào cỏ, đương chuyện với mụ Nắp. Mụ này đưa hai ngón tay vuốt mép trầu:
- Cô ả nằm ngửa quen rồi, cái quân làng Trường ấy mà.
Bà Cam gật gật, ừ ào. Thật thì bà cũng không nghe mụ Nắp nói, bà đương kể lại cái chuyện ban sáng “thằng Triều nó đánh vợ nó”. Trong khi mụ Nắp cũng chẳng nghe chuyện bà, mụ cũng cứ “cái con làng Trường nằm ngửa quen rồi”, hai người cùng nói và cũng không ai nghe chuyện nhau.
Đứng xa không rõ, nhưng Soan đoán “họ lại chỉ thối mồm”. Soan bực, cáu quá, Soan vơ một cây nứa. Soan đập chát chát lên cái cột. Ngoài kia nghe động, hai người bỏ đi hai ngả.
Bà Cam xách cào cỏ, trở về. Soan vội bê sào khoai lủi nhanh vào buồng, lại nhấc cái phên che kín cửa lại như lúc nãy. Bà Cam về lấy túi trầu bỏ quên. Thấy cửa buồng vẫn che, bà chép miệng hai cái, rồi lại vác cào cỏ ra ruộng. Mẹ chồng đi khỏi, Soan lại ngồi dậy, bưng cái sảo ra đầu hè nhặt khoai. Ánh nắng lên, mồ hôi xâm xấp ra lưng, Soan ngoái tay sờ thấy hai vết đòn lằn con trạch, đau rát. Soan lại ứa nước mắt. Nhưng Soan không thể ngờ được những roi đòn vũ phu thế. Bởi nửa đêm, nó còn hùng hục như quỷ giãy. Lúc đi tát nước, lại cười đùa ngặt ngẽo, thế mà giở mặt chóng thế.
Triều đi hôm ấy không về.
Tan chợ hôm sau, vẫn chưa thấy về. Soan ngờ ngợ, quơ tay lên dây treo áo thì thấy quang hẳn hai cái quần và cái áo nâu cũ.
Sợ quá, quên cả những chuyện mẹ chồng nàng dâu đương giận nhau, Soan chạy ra, môi run không bắt được tiếng:
- U ơi! Nhà tôi nó đi rồi.
Bà Cam vào xờ lại cái thừng vắt áo trong hóc cột. Hai mẹ con ngẩn ngơ. Nhà bỗng vắng hẳn đi.
Một phiên chợ nữa cũng không thấy Triều về.
Một hôm, lúc chặp tối, có người ở xóm trên đến. Anh ta gọi Soan và bà Cam lại, nói nhỏ:
- Anh ấy nhắn tôi về bảo cả nhà yên tâm.
Hai người ngơ ngơ không hiểu. Người xóm trên mới kể: anh ấy và anh Triều ra hậu phương đi tòng quân. Vào phòng tân binh khám sức khỏe thì Triều trúng, được nhận ngay.
Người mẹ chồng và nàng dâu nhìn nhau. Bất giác, thấy lẻ loi, cô đơn quá. Những chuyện giận dỗi mấy hôm nay đã bỏ quên đâu tất cả.
Đêm ấy, mãi đến lúc sảy xong hai mẻ gạo, khuya lắm, vào giường nằm, Soan vẫn còn như chiêm bao mất tiền. Bây giờ mới sáng dần cái việc anh ấy đi.
Ra họ đã ý tứ sửa soạn với nhau từ bao giờ! Nghĩ lại mới tỏ ra. Nhớ có hôm vợ chồng đi tát nước chiều, trông đường cái ù trắng bụi ô-tô, Soan bảo chồng:
- Xe nó bắt lính ở Ninh Giang sang kìa.
Triều cười nhạt:
- Rồi nó vào bắt lính làng này ấy.
- Nói dại!
- Dại với càn gì! Nó muốn lùa hết con giai vùng này đi lính mà. Nhưng tao đã có bài của tao rồi. Hừ, ai đi đạo cứ đi đạo, ai đi đời cứ đi đời, chứ trâu hoá ra bò thế nào được. Không bao giờ tao chịu thân phận lính tráng cho chúng nó đâu.
Rồi Triều cười, tiếng cười khô không khốc. Còn Soan thì im lặng.
Ra anh ấy đã nói bóng, cười bóng như thế. Soan bỗng đột ngột giận chồng. Rồi lại tủi. Sao bỗng dưng nó lại đánh mình rồi bỏ đi. Hay là nghĩ mình chợ búa đi hôm về tắt giai gái thế nào... Hay mình cũng muộn mằn... Nhưng những ý nghĩ ấy chỉ thoáng qua, mà một nỗi lo khác hiện ra. Lệ thường ở đây có người đi, lý trưởng biết đi ra “ngoài kia”, chúng nó đến hạch, có khi đánh đập, bắt bẻ nộp phạt, vòi tiền. Song nay anh ấy đi, cả bốn bên hàng xóm đều biết là chỉ vì giận vợ, đánh vợ mà đi. Đã rào trước đón sau có mưu mẹo cả rồi. Thế là Soan lại thấy thương chồng. Lấy nhau đã được ba cái Tết, nhưng vẫn còn son rỗi. Bây giờ lại đi, biết bao giờ về? Mà đêm ngày thì cứ đùng đoàng thế này, biết có còn mà về với nhau không. Soan nằm nghiêng qua nghiêng lại trên ổ lá chuối khô, cánh tay Soan duỗi dài, buông xuống giường. Cái giường rộng hơn mọi khi nhiều.
Ăn cơm sáng hôm sau, Soan nói với mẹ chồng:
- U ạ, nhà con nó gan quá.
Bà Cam nói: “Tao biết rồi”, rồi buông bát, mếu, nghẹn không ăn được. Bà đứng dậy, ra bậc cửa ngồi một lúc mới xách cái cào cỏ đi. Soan cũng không ăn nốt được. Chỉ có cô gái bé vẫn ngồi đến no mới đứng dậy rồi cũng cầm cào cỏ theo. Nhưng bà Cam ra đồng quơ quàng mấy nhát, cứ bồn chồn như ai cào ruột gan mình, lại bỏ về nhà người con gái lấy chồng xóm dưới. Chưa hết buổi, Soan đã đi gọi bà về. Soan sợ cái nhà vắng quá. Bà ngồi nhà một lúc, cũng không yên, lại ra đồng cào cỏ. Không đứng đâu ngồi đâu yên hồn. Bà Cam có nhiều con, đứa thì đi xa, đứa thì phải tù trên tỉnh, đứa ở riêng, đứa chết năm đói. Bà ở với Triều là con trai út.
Bà Cam về tới gốc vối thì gặp mụ Nắp. Gốc vối ấy ở ngay cổng nhà mụ, lại là cầu ao. Chỗ ấy cũng gần như cái chỗ chuyện mảnh, chuyện thoáng của các nhà láng giềng, những đầu mối chuyện hũ mắm cáy, bát nước dưa, chuyện mẹ chồng nàng dâu, chuyện làng nước xa gần, ai phải lòng phải bề ai, ai đánh con chửi cái, đều là tin tức ở gốc gối cầu ao ấy mà ra.
- Này người ta nói thằng Triều nhà bà đi Việt-Minh?
Bà Cam chối đây đẩy:
- Vợ chồng nó đánh nhau quá nó giận bỏ đi, cả làng biết đấy, bà biết đấy, tôi biết nó đi đâu!
Nhưng, chẳng kịp nghe bà Cam trả lời, mụ Nắp đã lại nói:
- Chẳng đi thì thằng Triều cũng chẳng thể ở được ở nhà. Cái con ngay lưng ấy mà đáo để! Chứ có ai mà giận vợ đến nỗi phải biệt tích đi tìm cái khó nhọc. Nó là quân Đắc Kỷ chứ không phải con người.
Hôm ấy, bà Cam không bắt chuyện nói xấu con dâu với mụ Nắp.
Từ khi quận về đóng cái bốt tổng dũng chỗ cây đa đầu đồng, bà Cam càng buồn. Nhà bà gần bốt quá, đứng trong sân cũng trông thấy lô cốt, trông rõ cả thằng lính ngồi gác và cái kẻng bằng một dóng sắt treo ngoài mái tôn. Cứ tối đến, chốc nó lại gõ, inh ỏi khó chịu như gõ vào tai. Nhưng khổ nhất là, thâu đêm, trên lô cốt thường bắn phóng xuống. Đạn lung tung vào bụi tre, vào sân, vào nhà. Có người đã phải đạn, chết. Các nhà ở dọc bờ tre trông sang bốt, hãi đạn, tối nào cũng phải vào ngủ nhờ trong làng.
Chỉ có việc tối đi ngủ nhờ mà hai mẹ con cũng hay vằng nhau. Nhà mụ Nắp tường gạch cửa kín, nhà ngang khuất hai lần tường, đạn khỏe đến đâu cũng không phá được. Tối tối, bà Cam và cái Gái cắp chiếu sang nhà mụ Nắp. Nhưng Soan thì đi nằm nhờ nhà khác. Mụ Nắp nói mát: “Cô ấy cành cao lá dài. Bà Cam có cô dâu út kiêu kỳ nhỉ”. Nhưng Soan nhất định không chịu vào nhà mụ Nắp. Soan ghét “con mẹ lắm mồm hay đưa chuyện”. Bà Cam tức tím ruột, mà không nói nổi con dâu. Vì có đi ngủ đâu, nhưng nửa đêm đi cấy, gà gáy đi tát nước, Soan vẫn lăn lưng làm chẳng thiếu một việc. Nhưng rồi năm này sang năm khác, nhà cửa càng nhạt nhẽo, cứ gà lên chuồng thì mẹ con mỗi người một nơi. Khi chiều, khi đêm, thật buồn. Soan nhớ chồng, chẳng biết làm thế nào khuây được.
Có lần Soan lại dỗi về nhà mẹ bên làng Trường. Vì chuyện gặt ruộng làm của nhà mụ Nắp. Cánh đồng triều, mùa nước cả ngập đến cổ, Soan phải túm từng đầu lúa, lặn xuống mới cắt được mà vứt lên thuyền. Phải năm mất mùa, cắt suốt đêm quang ruộng mà chưa nổi được lưng thuyền thúng lúa. Từ khi Tây về đóng bốt, thóc gặt được, bà Cam cũng đem để nhờ nhà mụ Nắp. Tây đi càn thường lùng xét nhà tranh không hay vào nhà ngói. Gửi thế cho chắc chắn. Soan nói:
- Mùa này mất, chỉ cắt được có vậy thì mang về. U đem gửi, nhỡ bà ấy mà trừ nợ thì toi công.
- Mày rõ trứng khôn hơn vịt...
Bà Cam mắng. Soan dỗi cơm, vào buồng nằm. Bà Cam xách giỏ đi bắt cua. Soan nằm ngoảnh mặt vào vách. Nhưng mà sao nằm dỗi vắng chồng, nó buồn thế, chán thế, lâu thế! Quơ tay lên cái thừng vắt áo trên đầu giường, chỉ có muỗi vo vo bay ra. Thế là Soan trở dậy, đi về nhà mẹ đẻ.
Sang làng Trường, mẹ đuổi Soan cũng không về. Rồi nói mãi hoá nhàm, vả lại vốn mẹ chiều con, cũng thôi.
Một hôm, bà Cam sang gọi Soan. Hai bà dâu da ngồi nhai trầu nhọp nhẹp, thăm chuyện gặt hái, rồi bà Cam khóc, mẹ Soan cũng khóc. Những giọt nước mắt cùng cảnh. Bố đẻ Soan năm trước phải đại bác chết ngay đầu ngõ. Nhà cửa từ bấy giờ hắt hiu như mưa rầm về chiều. Hôm ấy, mẹ đẻ Soan bắt Soan về, bà nói: “Mày phải thương chồng mày...”. Nghe nói thế, Soan trở về. Trước chặp tối, bà Cam đương sắp chiếu bảo cái Gái đi ngủ nhờ, bà nghe tiếng chào “u ạ”, rồi tiếng mở cửa liếp buồng. Biết con dâu về, trong bụng đã hồ hởi, nhưng vẫn làm mặt lạnh, không nói. Bà cắp cái chiếu ra ngõ, bà quay lại, đứng ngoài sân, nói vọng vào: “Nhà mày dấm cái bếp rồi hãy đi!”. Cảnh nhà lại như thường, và thế cũng là yên rồi.
Nhưng, cũng chỉ yên thoảng yên thì. Một lần kia, không biết lại vì việc gì, Soan cãi rồi vào nằm góc nhà, che kín cửa liếp.
Chợt một bọn lính quận đi tuần ở đâu xộc vào, bảo bà Cam:
- Gớm cho mụ già! Con cháu đi chui hầm, đêm mới hiện lên chứ gì. Mày là phụ lão cứu quốc thổi cơm tiếp tế, chúng ông khám mà thấy...
Trong buồng, Soan rón rén mở vách - trước nay cái vách vẫn mở sẵn đề phòng khi chạy tháo, Soan chui ra vườn. Soan chạy một mạch về làng Trường.
Thôn xóm ê chề phải chịu luôn mấy trận càn lăn đi lăn lại, cả vùng. Làng nọ đứng cạnh đồng trông thấy làng kia mà không ai dám qua. Bà Cam không dám đi gọi con dâu. Soan thì ở lỳ nhà mẹ. Bà Cam khóc ngày khóc đêm, lúc chửi thằng Tây, lúc chửi đàn gà hay bới, lúc chửi con dâu, lúc gọi: “ới Triều! Thằng Triều ở đâu không về mà cho cái con trời đánh không chết kia một trận”. Cứ chặp tối lúc mọi người đi tìm chỗ ngủ tránh đạn thì những tiếng lầm rầm chửi lại từ căn nhà vắng tanh vắng ngắt cất lên.
Mẹ chồng nàng dâu, hai người cùng đầy đoạ, làm khổ nhau. Những chuyện nhỏ nhen, lặt vặt không đâu và những giận dỗi, những riếc lác, móc máy.
Lại một năm nữa qua.
Rồi một hôm, đương nghe nhiều tiếng súng dữ dội thì có tin ngừng bắn. Mừng quá, Tây còn ở trên bốt, trên tỉnh mà ai cũng cứ đi tênh tênh ngoài đường.
Mừng quá, Soan bỏ cả cơn dỗi mẹ. Soan ở làng Trường về. Soan quẩy về thúng khoai riềng và một bu hai con gà nhép. Bà Cam lẳng lặng coi như không có chuyện gì cả. Bà đem cho con gà một nắm ngô. Mẹ chồng nàng dâu cùng ăn khoai riềng và nhìn ra cánh đồng. Thật thì cũng chẳng khác lạ, nhưng Soan nói: “Hoà bình có khác, trông cánh đồng cũng khác”. Bà mẹ chồng cười nhăn nheo nói theo đuôi: “Ừ, có khác thật”.
Tối ấy, nhiều nhà ngủ yên ở nhà, người phản nọ chuyện trõ sang phản kia rất khuya. Trong giấc ngủ đêm mịn màng, không gợn tiếng súng. Soan trở mình qua lại và thở dài, gãi ngón chân xuống chiếu. Soan thao thức lại cái hôm Triều đi. Triều đội nón, cầm chiếc sào, lủi thủi giữa cánh đồng kia. Thế mà đã năm, sáu năm rồi. Trong làng, nhiều người đi kháng chiến, rồi cũng lần lượt biết tin. Riêng Triều thì chỉ biết là Triều đi bộ đội, rồi cũng thôi, bằn bặt. Vì thế càng nhớ. Nhưng Soan kín đáo, không bao giờ nói ra. Bà Cam nghe người ta tính: làng ta có bốn anh hy sinh. Có anh thì biệt tích. Có anh về rồi... Anh ấy về rồi, anh kia về rồi, chỉ còn anh Triều chưa có tin. Bà Cam nghĩ: “Phải, còn thằng Triều sắp về”. Nhưng hai mẹ con cùng im lặng, không nói, hồi hộp, lo lắng.
Bà Cam bây giờ tươi tỉnh hơn, song có chuyện gì cũng vẫn kể với mụ Nắp. Nhiều khi bà cũng giận mụ Nắp, nhất là cái năm mụ ấy khấu mất thuyền thóc thì bà Cam bỏ hai ba tháng không sang nhà. Nhưng rồi phai phai đi, vả lại tuần rằm mùng một vẫn sang đèn hương bên điện - bà Cam đội bát hương ở điện đồng Nắp - thế là rồi lại lân la, lại chuyện, thỉnh thoảng lại đứng to nhỏ dưới gốc vối.
- Ra bà lão này gan to, con giai đi bộ đội mà cấm có cho ai biết. Chuyến này thì bà lên xe xuống ngựa rồi. Tôi có phải lên địa chủ thì đừng quên tôi nhé.
Mẹ lại phàn nàn hộ bà Cam:
- Người ta đi đông đi tây về cả, mà sao anh Triều bên ấy chẳng tin tức gì. Hay là vợ Tây, vợ Tầu đâu rồi. Phải, mà những như cái ngữ vợ ở nhà thế thì anh ấy cũng cầm bằng cởi cái áo rách vứt đi chứ tội gì!
Cứ mỗi lần chuyện với mụ Nắp, những câu tai ác của mụ lại thêm chồng chất thật nặng, thật cay trong đầu bà.
Bà Cam vừa quẩy bánh khoai về, mụ Nắp đã sang. Mụ đảo mắt một lượt, rồi rướn cổ, rà rà ngồi xuống, khẽ hỏi:
- Đâu rồi?
Bà Cam chép miệng:
- Biết được người ta đi đâu. Bà ngồi chơi.
Thế là hai bà lão lại ngồi cà kê kể xấu con dâu và mọi chuyện làng xóm khác.
Tháng tám năm sau, đội cải cách về xã, Soan được ra làm cán bộ xóm. Tối đến, chưa dứt tiếng kẻng gọi họp, người các ngõ đã đổ ra. Tíu tít bề bộn những hội ý, họp xóm, họp xã, chẳng mấy lúc Soan có nhà.
Một hôm, Soan về nói với mẹ chồng:
- Từ giờ u đừng sang nhà con Nắp nữa.
- Người ta thế nào mà con nọ con kia, mày ăn nói xô bồ quá.
- Nhà nó thì địa chủ đến nơi, u chưa biết à?
Nghe hai chữ “địa chủ” thì bà Cam im. Phải như mọi khi, nghe Soan nói thế, thể nào là cũng choác lên. Nhưng lúc này bà lặng lặng. Khi Soan lại tất tưởi đi, thì bà lẩm bẩm: “Phải, chưa biết... tôi chưa biết... chị biết nhiều, biết nhiều... Cứ chạy long lên thế thì rồi có khối cái đổ vào mồm, rồi rã họng ra... Nó mà ở nhà thì nó đánh tuốt xương chứ lại coi người nửa con mắt được à”. Không nghe rõ câu, nhưng Soan đã biết tính mẹ chồng hay nói làm bàm sau lưng. Bà lão lại đương chửi mình. Thế là, Soan tối sầm mặt lại. Trong bụng đương tấp nập tính toán việc xóm, bỗng lại lạnh ngắt.
Rồi bà Cam vẫn cứ thì thầm với mụ Nắp. Vẫn cái tính người già ưa trò chuyện và than thở. Làm sao mà mụ Nắp khéo thế, cứ những lúc nhà chỉ có một mình bà Cam, mụ lại dò sang. Mụ vờ hỏi:
- Chị Soan có nhà không?
- Người ta đi đâu, chắc lại đi họp rồi.
- Chẳng biết tôi gọi thế có được không đấy. Bây giờ, bà biết chưa, ai cũng phải gọi chị ấy là bà Soan. Có người xóm trên chào, chị ấy nghe không thủng, chị ấy bắt chào lại. Con dâu bà hách ra lửa đấy.
- Chết, chết...
- Việc gì mà chết, danh giá mới được thế chứ.
- Giá với rổ chẳng thấy đâu, làng nước người ta chửi cho ủng mả đã. Thằng Triều nhà tôi mà ở nhà thì nó đánh cho...
- Này thật đấy, thời đế quốc cũng không khinh người đến thế! Mà bà ạ, tôi nghĩ thế cũng chỉ mang tiếng ác chứ được gì đâu. Từ ngày chị ấy ra công tác, xem chừng càng lỏng tay việc nhà. Một mình bà thì bao giờ mới cấy hết?
Bà Cam thở dài. Quả thật, lúa người ta xanh ngọn rồi mà ruộng mình còn trắng nước. Bà Cam bực, nhưng không nói. Dù sao, từ ngày Soan ra làm công tác, bà Cam cũng nể nể, ngại nói, mà chỉ bực bội ngầm. Đêm bà thở dài, rền rẫm, thườn thượt, buồn rứt. Đi họp khuya về, cũng thường nghe mẹ chồng thở dài. Nhưng Soan cho những chuyện ấy là “lạc hậu”, mẹ chồng là “lạc hậu”. Vì thế, dù có nghe thở dài, chép miệng, Soan cũng chỉ hơi khó chịu, khi nào khó chịu quá thì ra điếm nằm với chị em du kích.
Nhưng, thật thì Soan cũng buồn. Mỗi lần thấy mặt bà Cam chảy chữ nãi, tối như trời mưa, tiếng thở dài rền rẩm, Soan muốn đối đáp ngay, nhưng nghĩ đến xung quanh, thì Soan đành bấm bụng. Có khi Soan khóc một mình. Khối đứa cùng một cảnh làm dâu mà sao chúng nó tốt số. Nàng dâu đi về quá bữa, mẹ chồng mở rá úp mâm cơm bảo ăn. “Chẳng bù với mình, mẹ chồng chưa mở rá úp cơm đã đi nói xấu nàng dâu mười hôm không hết chuyện”. Soan tiếc cái đời con gái ở với mẹ đẻ chẳng bao giờ có thể trở lại được. Có lúc Soan tha thiết nhớ Triều. Giá Triều mà có nhà, thế nào phen này cũng được cùng nhau làm công tác. Bây giờ Soan không như trước nữa rồi. Nhưng tiếc những cái đã qua thì chỉ càng buồn hơn mà thôi.
Buổi trưa ấy, cơn tức của bà vẫn còn nguyên. Thì Soan bỗng ở đâu về. Cơn tức vì sao thì cũng không rõ. Giận đấy, không đấy, vốn như cơm bữa. Bà Cam nghe tiếng con chó sủa nhủng nhẳng nửa quen nửa lạ ngoài đầu ngõ, nhìn ra, trông thấy Soan. Nhưng, cô con dâu cứ vào gần tới đâu thì bà mẹ chồng càng sững sờ. Soan thắt lưng bao da, khẩu súng trường nhấp nhô sau vai. Hôm mới hoà bình, bộ đội ta vào lấy tỉnh, bà Cam đi xem duyệt binh, trông thấy một đội các chị du kích chít khăn vuông, áo nâu mới, đeo súng, cũng oai như thế này. Soan đã vào đến trong sân. Những điều tức giận từ hôm qua, từ lúc nãy của bà Cam cứ phao phảo đâu mất. Soan hạ khẩu súng xuống, “chào u”, thì bà Cam nói một câu hiền lành mọi ngày:
- Về mà ăn cơm.
- Con vội đi bây giờ, con mang lẻ gạo đi đường thổi ăn thôi.
Ô hay! Mấy sào ruộng nước còn chan chan, chưa cắm xuống được một cây mạ gọi là, lại “mang lẻ gạo đi”, nghe cái giọng chỏng lỏn ấy, bà Cam vụt nổi cơn, những toan thốc cho một hồi. Nhưng, ngoài gốc rạ có tiếng lạt sạt, bà nhìn ra thấy cái lão tổng Sa đứng đấy từ lúc nào, hai vai áo xo lên rù rù như con gà ốm. Chánh tổng Sa, nhà ngói bát vần một dãy, ruộng nhà ông chánh rải từ cổng làng rải ra. Là người làng đây, nhưng cả khi còn con gái, bà cũng chưa được tường mặt tổng Sa. Hách dịch sấm sét trong vùng này, bây giờ trông thấy tổng Sa như cái tã rách phơi bờ rào thì bà Cam rất lạ. Bà ngây nhìn. Soan quát:
- Đứng đấy, ai cho mày đi!
- Thưa...
Tổng Sa lúng túng, lập cập, lẩn thẩn quay một vòng rồi lại đứng yên một chỗ.
Bà Cam sợ sệt khẽ hỏi Soan:
- Đem người ta đi đâu bây giờ?
Rồi bà vào vại, xúc một bát gạo, bọc vào khăn vuông cho con dâu. Lát sau, Soan đeo súng lên, bà Cam bần thần theo ra tận ngõ ngoài. Không phải để chửi nguýt, rủa Soan. Mà bà Cam đương nhìn theo sự thật cái đời con người quyền quý chết rồi, mà nàng dâu mình đeo súng đi kia, đích là người ta đã đến thời “được ngồi ghế cao”. Lúc bà trở vào, mụ Nắp đã đứng trong bờ rào. Mụ Nắp hỏi bà:
- Đeo súng đi thế thì bao giờ về?
- Chẳng biết.
- Cũng bận lắm nhỉ? Ruộng nhà bà cấy hết chưa?
Câu nói kháy ấy kéo bà Cam nhớ thửa ruộng làm rồi chưa cấy được, nước vẫn trắng nhởn, khi ấy khắp đồng, lúa nhà người ta đã bén rễ. Nhớ thế, bà Cam lại chán ngắt và khó chịu. Ấy, từng lúc, bà cứ giận, cứ sợ, cứ lạ, cứ mừng, không ra thế nào.
*
Các xóm đương bầu người đi đại hội nông dân xã. Hai lần trước, Soan đều trúng đại biểu. Tối ấy, hội nghị xóm đã bầu xong, sắp thông qua, thì có người giơ tay:
- Các đại biểu khác thì tôi đồng ý. Nhưng cái nhà chị Soan thì hồi này tôi thấy ra mặt quan liêu lắm. Đề nghị...
Thế là đâm ngang ra. Nhiều người lúc nãy ngồi họp không để ý, bây giờ cũng đại khái nghĩ: cái Soan ấy ngày trước củ mỉ cù mì, bây giờ ra làm việc, ờ mà có vẻ khác, “hình như” cũng lên mặt đấy. Lại hay vừa đi vừa hát, trông thật toe toét. Trong các cuộc họp, thường có khi không ai có ý kiến thì thôi, nhưng, việc gì cũng vậy, hễ có người ngãng ra thì nhiều người hay hồ đồ mường tượng như thế.
Một người nói:
- Tôi thấy nói có người xóm trên chào, chị ấy không nghe rõ, chị ấy bắt chào lại thật to. À hách ra lửa nhỉ!
Một người nữa giơ tay:
- Mẹ chồng chị ta cũng nói thế.
Lố nhố những cánh tay giơ không bằng lòng Soan đi đại biểu. Soan không cãi lại câu nào được. Lối họp thời cải cách, Soan cũng không được cãi.
Soan cứ bàng hoàng rừn rựt màng tai. Soan ngồi chúi đầu ở đống rơm ngoài sân, ngượng quá, tưởng mọi người đương trông cả vào mặt mình. Kỳ thực cái đèn lù mù trên đầu bàn chủ tịch kia chỉ vun quanh một vũng sáng ở đấy. Hội nghị ngồi thầm, cũng chẳng ai biết ai ngồi cạnh. Soan lủi đi.
“Bà Cam cũng nói thế”. Chính người nhà mình ăn không nói có cho mình, cay quá. Đầu óc nhộn nhạo, Soan loăng quăng đi mà không định đi đâu. Trong trạm gác, mấy chị du kích đương ngồi hát. Không nhận được tiếng ai, nhưng Soan đứng lại trước cái dại nứa. Ánh đèn trong trạm lé ra dưới chân. Soan không dám bước vào. Thình lình có tiếng hỏi ra: “Đồng chí Soan đấy à?”. Soan giật mình rồi không thưa, đi thẳng. Nhưng một lát sau, Soan lại quay lại. Soan trèo vào trong cùng cái giường nứa trong trạm gác, nằm cuộn chiếu tổ sâu một mình. Nhiều chị cùng nằm chơi đợi lượt gác, cười khúc khích. Chị ngồi ngoài ánh đèn quay vào, vờ nói: “Có một đồng chí bộ đội tên là Triều có giấy về phép, đồng chí trưởng xóm có cho người ta đi qua không?”. Thế là cả lũ đấm thùm thụp xuống cuốn chiếu tùm hum. Họ tưởng Soan ngủ, càng trêu tợn. Nhưng Soan không ngủ, nước mắt chảy ướt cả chiếu. Sao quanh ta vui thế, chỉ còn riêng ta khổ. Soan cứ mở chong mắt nằm cho tới lúc gà đã gáy sáng, trống canh ba, trời dần dần loãng, Soan mới chui dậy, lần về nhà.
Đứng dưới mái tranh, Soan nghe trong giường bà Cam trở mình, rên. Mấy hôm nay bà lão giở giời. Soan không động lòng, không thay đổi cái ý định từ nửa đêm qua. Giết nhau đến nước này thì không còn mặt mũi nào. Soan đã quyết định. Soan cũng không nhớ gì đến công tác và chúng bạn nữa. Soan nhất định về làng Trường. Soan vào góc nhà, chỉ lấy một cái quần nái, rồi Soan đi tắt qua cánh đồng.
Về đến bên Trường, trời mới tảng sáng. Như mọi khi, người làng Trường lại đoán cô Soan dỗi mẹ chồng.
*
Mấy hôm nay, Soan vẫn ở bên làng Trường.
Khi cơn giận nhạt đi rồi, mỗi buổi chiều nghe tiếng cái kẻng sắt gõ cồồng cồồng gọi họp, Soan lại bồi hồi nhớ các buổi họp. Những tiếng kẻng gọi họp, gọi học, tiếng phát thanh, những khi họp tan đầu xóm, tiếng chân chạy, tiếng đùa đấm nhau, tiếng cười, hát lô lố ngoài đường cái, sao mà thúc đẩy tợn. Mẹ Soan đã đi họp về, tiếng lẹt xẹt mở cánh cửa liếp; bà bước vào, quen miệng, chửi phủ đầu: “Cha đẻ mẹ mày! Rõ cái thân làm tội cái đời!”. Soan ngồi thần mặt, môi cong vều lên, hai hàng nước mắt đổ ra. Mà tủi, mà nhớ, mà cực, bối rối không biết nghĩ thế nào.
Nhưng không thấy bà mẹ chồng sang gọi như mọi khi. Cơn giận thì nguôi rồi, song chẳng nhẽ tự dưng lại lù lù về. Sốt ruột quá, Soan nghĩ: “Hay là cứ về”.
Có người đi tìm lợn giống, tạt đến bảo:
- Bà Cam ốm mấy hôm nay.
Bây giờ thì Soan đã quả quyết. Tuy vậy, cũng phải đợi lúc mặt trời xế hẳn sang bên kia sông, khi Soan qua cánh đồng làng, sương và bóng tối đã lẫn lộn nhọ mặt, những con ếch, con trẫu chàng ngồi trên vũng nước mưa mới dưới gốc rạ đã nhảy ra, kèng kẹc kêu rối cả tai thì cũng vừa lúc ấy, Soan vào đến cổng. Đường vắng. Các nhà đương sắp cơm, cũng chưa đỏ đèn. Soan không gặp ai. Soan mừng thầm.
Soan đi thẳng vào sân. Trong nhà, thoáng ra tiếng rên, tiếng ú ớ nói mê. Mùi cứt gà, mùi rêu mốc bốc lên, càng vắng như nhà hoang, làm cho Soan xót xa, và thấy mình là tệ.
Hình như bà Cam biết có người vào nhà. Bà thì thào hỏi:
- Ai thế?
Soan thưa:
- Con.
Bà lão lặng ắng một lát, rồi lại rên. Soan hỏi:
- U sốt à?
Không có tiếng trả lời. Biết tính bà, Soan không hỏi thêm. Soan xuống bếp thổi đống dấm, nấu cháo.
Hôm sau, Soan đi vờn cỏ sớm.
Đến trưa, trở về, anh em đội công tác biết tin, đã vào đầy nhà.
- Bà mẹ chỉ tham công tiếc việc. Các cụ ai chẳng tham công tiếc việc. Chị phải vừa công tác vừa tranh thủ mà làm.
Nghe nói “phải tranh thủ mà làm”, Soan lại khó chịu. Còn có lúc nào Soan ăn bơ làm biếng, từ khi Soan về nhà chồng. Nhưng, nghĩ cho cùng thì bà Cam đúng là người tham công tiếc việc. Giá Soan đi họp, và vẫn quẩy nước, rút rơm, trưa về đi vờn cỏ, thì mọi việc yên hết. Soan biết tính bà Cam thế, chẳng đợi ai nói mới biết, nhưng Soan hay bướng: chẳng nịnh ai mà phải lăn lưng vào làm cho vừa lòng.
Dù sao thì bây giờ Soan đã nghĩ khác. Phải, Soan chỉ chịu khó một chút thì xong cả. Soan đã vừa làm vừa mê mải công tác. Mỗi ngày, Soan đi vờn cỏ với nhóm đổi công. Cánh đồng mới cấy đã xanh biếc. Lá lúa vừa mọc đuôi, gió thổi vào bắt đầu có tiếng thầm thì.
Bà Cam đã khỏi hẳn. Bà đi làm cỏ với con dâu. Câu chuyện dỗi bõ cũng đã qua. Bà chỉ để ý một điều là ở bên Trường về, nó không mặt bùng mặt phỉu, và dù có bận họp xóm, họp xã cũng không bỏ việc nhà. Chắc ở bên làng Trường người ta cũng rũa cho một trận rồi. Có thế mới nhảo về một mình. Phải, ở đâu bây giờ chẳng có cải cách, người ta chỉ đòn đánh bằng lời nói mà phải ngóc cổ dậy, chứ cứ đắp chiếu nằm vạ mãi được a? Bà Cam yên tâm. Sự thuận hoà lặng lẽ tới với hai người lúc nào, cũng không ai biết.
Một hôm, Soan đi đâu về, thấy một bát hương úp sau gầm giường thờ. Soan hỏi:
- Nhà có bát hương nào thế này?
Bà Cam lúng túng nói:
- Tao vừa sang đem bên điện nhà Nắp về...
Nghe thế, Soan mừng lắm. Bà Cam đã biết cảnh giác phòng mụ Nắp lên địa chủ đã đi lấy bát hương thờ điện về.
Nhưng bà Cam đã nói dối. Thật ra thì vừa lúc chặp tối, mụ Nắp sang nhà bà Cam. Mụ xách cái bát hương đặt xuống nói:
- Nhà tôi sắp sửa thất đức, không được ăn mày lộc thánh nữa, tôi xin đem trả bát hương của các ông các bà.
*
Bấy giờ, tết Nguyên Đán sắp đến. Soan nghe đội nói: “Có thể lấy một số cán bộ xã đi công tác. Sẽ đề nghị trên cho đồng chí Soan đi”. Soan cười: “Cho tôi đi thật nhé”, nhưng bụng Soan thì vừa phân vân, vừa mừng.
Tết nhất lại đến nơi. Những ngày cuối năm đầm ấm, người ở nhà hay nhắc người đi xa. “Anh Triều sắp về chứ! Tết hoà bình thứ hai mà chưa về à? Gan thế...”. Soan cứ nghĩ miên man. Soan tưởng tượng từng cảnh thế này: một hôm, Triều về, Soan sắp đi công tác, tình cờ Triều về. Sao mà anh ấy về khéo thế. Vừa trông thấy nhau, mình giơ tay trước bắt tay anh ả một cái. Cán bộ bắt tay nhau là thường. Nào bắt tay, bắt tay rung lên rung xuống...
Nghĩ đến đây, Soan không dám nghĩ thêm nữa. Trong lòng thì man mác chan hoà, nhưng Soan thấy câu chuyện mơ tưởng có vẻ cứ lạ dần mãi. Có gì đâu, bởi vì Soan nhớ lại năm năm về trước. Khi Triều còn ở nhà, nhiều lần Triều đã nghe mẹ chửi đánh mình. Vả lại, ngày Triều đi cũng là cái ngày Soan phải chồng đánh trận đòn đau. Dù đấy là đánh che mắt thằng Tây, nhưng chỉ vì che mắt thằng Tây mà phải đòn thì cũng là đau lắm. Bây giờ Soan được giác ngộ rồi, lại càng khó chịu. Soan không dám tưởng tượng nữa. Soan lừ mắt, vẻ nghĩ ngợi. “Ừ, để gặp xem thế nào. Xem hắn ta tiến bộ được bao nhiêu rồi”. Làm như Triều thế nào cũng về. Triều đương đi ngoài bờ ao. Những ngày cuối năm, gió bấc thổi hun hút, nằm ổ rơm mà cứ như dội nước vào người. Trằn trọc, lăn đi lăn lại khó ngủ quá. Đêm ngoài điếm tuần, mấy chị du kích cứ quấn chiếu tùm hum, chen nhau, cấu nhau, rúc rích “cậu cậu, anh anh, mình mình”, không nhớ không mong sao được!
Thế rồi, nhớ quá hoá ra thật, buổi sáng hôm ấy, Triều về.
Quần áo và mũ, giầy quân đội. Triều to, cao lềnh khềnh. Gặp người làng, Triều chào. Người làng đứng sững, nhìn đi nhìn lại, rồi mới nhận ra cái mặt, cái cười anh Triều, “cái thằng cu Triều, bà Cam đẻ rơi ở ngoài đồng ruộng triều, đặt tên là thằng Triều”. Cả cánh đồng đương làm chống cuốc chống cào quay về phía xa xa anh bộ đội đương đi vào cổng làng. Có người theo lên tận đường cái nhìn mặt cho được. Có người mau miệng đã báo cho Triều biết Soan đi đào giếng chống hạn dưới đồng sâu, bà Cam đương làm màu khoai đằng kia.
Triều tạt lại chỗ mẹ đương làm. Triều nhận ngay ra mẹ. Nhưng lạ sao, như người mẹ bé nhỏ hơn trước. Từ nãy Triều thấy cái gì cũng bé nhỏ hơn trước. Cả con đường cái chính xứ, ngày bé chạy đứt hơi chưa hết, bây giờ hình như ngắn ngủn, đi ba bước đã qua.
Triều cởi ba lô và túi để đầu bờ, xuống đặt dây khoai với mẹ. Câu thứ hai muốn hỏi về vợ, nhưng Triều cứ nấn ná. Lát sau, đã đặt xong cả ba luống dây khoai. Hai mẹ con xách cuốc về. Đến nhà bà Cam nói: “Bây giờ thì nhà mày nó cũng về rồi”, Triều mới yên trí.
Bà Cam xuống ao rửa chân. Triều đứng nhìn cái nhà mình, vẫn ba gian như ngày trước. Trận mưa đêm qua làm cho cả mái, vách tối đen, như cái ụ đất.
Soan đứng trong đầu bếp nhìn ra. Tiếng đồn Triều về đã bay ngay ra tận chỗ đào giếng. Soan chợt nhớ một điều là nhà hôm nay không có gì ăn. Hết buổi làm, Soan chạy ra lạch bắt quàng một mẻ cua và bây giờ đã lấp ló nấp đầu bếp. Triều đã vào tới gốc vối. Triều mặc quần áo bộ đội mầu xanh cỏ ấu, người càng cao càng chỉnh tề, đúng như mình thường tưởng thế. Chẳng còn dấu vết đâu cái bộ áo rách tơi, cái nón mê, cái sào nứa, buổi sáng hôm trốn đi. Thế là, bao nhiêu ý nghĩ của Soan không còn cứng cựa như lúc Triều chưa về, Soan thấy mình luống cuống “không thể nào dám bước ra bắt tay anh ả được nữa”. Và, lẳng lặng trước khi Triều vào sân, Soan đã vội xuống bếp, ngồi quay lưng vờ thổi lửa. Mãi đến lúc có nhiều người đến thăm hỏi, Soan mới bước ra.
Triều nói chuyện, chào hỏi tíu tít và Triều làm như chưa trông thấy vợ. Hai người cũng không hỏi nhau.
Lạ thay, Soan có cảm giác rụt rè như tám năm trước, mới về nhà chồng, buổi sáng đầu tiên dậy sớm quét nhà. Mãi cho tới lúc các chị vào rủ đi hội ý buổi chiều, Soan mới trở lại tự nhiên. Họ cười nói như phá, làm cho Soan tỉnh, nhanh nhẹn và thấy lại được mình đương là cán bộ xóm.
- Tối nay cho anh Soan ngủ nhà, không phải ra điếm gác tập trung nhé.
Soan tự ái:
- Nhiệm vụ nào đi nhiệm vụ ấy chứ.
- Thế tối nay không phải ngủ nhà chắc?
Họ đấm nhau, nhộn ra cả ngoài sân.
- Anh Triều này, tối nay phải phê bình con bé tợn vào. Độ này nó lồng hổng lắm.
Triều cứ ngồi cười, vừa thích vừa hơi khó chịu vì câu nói chớt nhả. Một chị nói:
- Cái Soan ở nhà tiến bộ lắm. Cuối tháng này được tỉnh cho đi công tác đấy.
Triều cười, miệng mở rộng, nhưng nhạt không thành tiếng.
Mấy chị nữa vừa đến, đứng ngoài sân hỏi vào:
- Cậu Soan đi họp chứ?
Họ vờ như chưa biết Triều về.
- Sao cứ ngồi thu lu thế kia, nhớ chồng à? ờ kìa, anh Triều mới về đấy à, thế mà chúng em vô ý không biết. Chào anh ạ. Trông anh khác hẳn đi thôi. Chị Soan hôm nay nghỉ họp, hôm nay giời mưa to.
- Phải gió, họp trên hết chứ!
- Cái gì trên, hả cậu Soan?
Thế là lại đấm, đẩy nhau cười. Lát sau, tiếng cười tiếng chân đuổi nhau đã xa ra tận ngõ xóm. Bọn họ đi họp cả rồi. Triều ngồi lại một mình, nghĩ lăng quăng, tự dưng buồn. Vợ mình bây giờ hay nhí nhảnh, hay chớt nhả thế ư? Vóc người Soan có đẫy hơn, nhưng cũng lại phảng phất khô hơn trước. Cái heo héo của tuổi. Năm nay Soan hai mươi nhăm. Cái thì mười tám đôi mươi đã đi qua rồi. Triều lại ra ý tiêng tiếc.
Triều hỏi mẹ:
- Nhà tôi nó sắp đi công tác à?
- Thấy nói thế.
- Công việc ở nhà thế nào?
- Không cho đi thì lại hoá buộc cẳng nó, mà người ta nói. Mày về thì mày bảo, thôi tuỳ các anh các chị, tôi thế nào cũng xuôi.
Thật ra thì bà Cam cũng chẳng ưa cái việc Soan đi công tác. Bà Cam không muốn Soan đi, nhưng cũng không thích Soan ở nhà. Bây giờ có ruộng, đủ ruộng rồi, chẳng còn thiếu đói được nữa. Vả lại, cháu gái nhớn, nó với bà làm cũng được. Thì để cho cô ta bay nhảy. “Còn son rỗi thì cứ bay nhảy đi”. Tuy lâu nay trong nhà êm ả, không có to tiếng, nhưng bà Cam vẫn cánh nánh chuyện mẹ chồng nàng dâu xung khắc, bà cho là “cái số thế, suốt đời thế”. Cho nên, ai hỏi có phải chị Soan sắp đi công tác thì bà chỉ ừ nhạt. Không ai biết bà bằng lòng hay không.
Triều cũng không hiểu sâu được ý mẹ. Nhưng thấy mẹ nói thế thì Triều phát cáu:
- Công tác gì thì cũng phải đầy đủ việc nhà đã. Phụ nữ nước nào chả thế.
Bà Cam không biết nói thế nào với con trai. Bà thì tiếc việc, tham người. Nhưng bà không muốn, mà cũng không thể giữ Soan. Thời buổi giờ khác xưa, chúng nó như người hớn hở đi ra đường, mình là cái người già chân yếu, chỉ biết đứng xó trông theo, mình có bảo chúng nó đi, chúng nó đứng, thì cũng như chuyện. Cho nên bà không nói.
Triều lầm lầm im lặng. Bà mẹ không biết con khó chịu, tưởng như tính nó xưa nay cũng thường lầm lì như thế.
Trời tối, rồi trời khuya dần. Lúc nãy thấy Soan khoác súng đi. Đêm nay ngủ du kích tập trung chăng? Tất nhiên, Triều không hỏi mẹ. Triều lẩn mẩn, sửa soạn chỗ ngủ tinh tươm, cẩn thận. Vẫn ở cái góc buồng đầu bếp có phên che, trên ba mảnh phản gỗ, ngày trước, khi mùa đông tới thì Soan trải ổ lá chuối khô và vợ chồng đắp một cái khố tải. Bây giờ, Triều gạt ổ lá xuống đuôi giường, trải ra phản một mảnh bạt. Cái màn thì Triều căng thẳng như kẻ chỉ, rồi vắt gọn lên. Triều rút trong ba-lô một chiếc gối bông nhỏ bọc vải hoa, cùng mầu với chăn. Túi ni-lông đựng đồ trải răng thì treo trên góc cột.
Mấy thứ xinh xẻo ấy Triều mới sắm. Rồi Triều lấy trong xắc cốt ra một quyển thơ, nằm đọc vẻ tự nhiên ê a. Nhưng thật đầu óc vẩn vơ nhiều nghĩ, nhiều nghe, khiến mắt Triều không thể trông thấy chữ nữa. Mùi lá chuối khô mốc, Triều đoán ít khi Soan ngủ nhà. Có lẽ Soan ngủ ở những điếm canh. Cái cảm tưởng về Soan nằm lang chạ như thế làm cho Triều buồn buồn. Trong khi ấy thì miếng xà phòng ở túi ni-lông của Triều cứ toả mùi thơm êm đềm, ngòn ngọt.
Triều chợt nhớ mình đương nằm ở cái phản ngày trước vẫn góc phản ngày trước. Nhưng mùi xà phòng, cái quyển sách, cái bút... những gì nữa này, những thứ ấy làm cho Triều thấy mình khác trước. Người cũng còn đổi nữa là, nhiều cái đã khác. Triều bỗng để ý đến đôi dép cao-su đen Triều vừa treo lên đầu cột. Triều nghĩ về đôi dép cao-su đen. Trên đã phát giày vải, đôi giày mình đương đi đây.
Triều suy nghĩ lan man về đôi giày, đôi dép trong khi trời dần dần khuya. Những con chuột cống, con cầy hương, lúc này đường đã vắng, chúng ra tìm ăn, chạy lẹt xẹt trên những lốt bùn và lá khô, nghe xung quanh càng lặng, cứ vừa êm đềm lại vừa thao thức. Từa tựa có người đi vào, rồi lại không phải. Chốc chốc, Triều giật mình.
Bỗng ùa đến tiếng chân rậm rịch từ ngoài đầu ngõ. Rồi tiếng cười, tiếng nói ào ạt qua ngoài vách, nghe rõ mồn một.
Triều nhìn lên dui nhà. Ánh đèn và tiếng cười loang loáng qua trên ấy. Triều cảm thấy mình nằm thu lu lẻ loi, lép vế, Triều trở mình quay mặt vào vách, tay nhấc quyển truyện kề giáp vào bóng đèn, như đương mải đọc.
Soan bước vào, rỗ phịch cái súng xuống góc nhà. Triều không quay ra, nhưng hỏi tự nhiên:
- Về đấy à?
Rồi Triều lại nói:
- Để súng thế là không bảo vệ vũ khí. Mà phải cảnh giác, treo súng vào phía trong giường chứ.
Soan làm theo lời Triều, ra cầm khẩu súng trường đặt vào vách trong, rồi cởi bao da lưng đạn, treo luôn lên đấy. Triều vẫn nhìn vào sách, lại hỏi:
- Đi sinh hoạt về à?
- Anh có nhớ cái Pha không?
- Cô Pha hay giấu truyền đơn vào giỏ cua rồi lội cánh đồng đằng chợ vào tỉnh chứ gì.
Soan hớn hở nói:
- Lễ kết nạp trọng thể lắm, anh ạ. Từ thuở bé, giờ em mới thấy cờ búa liềm.
- Cốt ở cái tinh thần chứ cứ gì hình thức. Tinh thần cô Pha thế nào?
- Tinh thần phụ nữ xã ta cao lắm. Cán bộ toàn xã phần nhiều là phụ nữ.
Triều toan nói: “Thôi đi, đừng tự phụ”, nhưng thấy Soan ngồi ghé bên ánh đèn, Soan nhặt quyển sách Triều vừa bỏ xuống. Soan ngắm rồi thong thả đọc từng câu, thì Triều không nói nữa. Từ lúc nãy, Soan như không để ý tới những thay đổi trên cái giường lôi thôi, mà Triều đã mất công bày lại, Soan cứ nhẹ nhàng, nhởn nhơ như không màng tới, Triều đã lạ. Bây giờ thì Triều phục vợ quá. Vì Triều tưởng chỉ có mình bao năm ở doanh trại, mới biết chữ được. Soan vẫn đọc thong thả, rành rọt. Ánh đèn bắt nghiêng lên mặt Soan. Đôi mắt vẫn lừ đừ năm xưa thế ấy. Cái lưng áo cánh nâu chắc nịch bốc nóng rình rịch. Nhưng nhìn thoáng khuôn mặt thì không còn tròn phính như trước. Dưới gò má, quầng một vệt tối, hơi trũng xuống. Nét mặt Soan có nhẹ đi. Sáu năm, bao nhiêu tháng, bao nhiêu ngày, bao nhiêu đêm đã qua rồi. Triều bồi hồi và Triều âu yếm nói:
- Tắt đèn chứ, khuya đấy.
Soan đứng dậy, đặt cái đèn lên mặt hòm phản. Câu chuyện hai vợ chồng lầm rầm dần dà lặn vào bóng tối. Đêm mùa đông ấy, trời khô, vừa rét lại vừa ấm.
- Anh ở chơi nhà mấy hôm?
- Ngày kia thôi. Này, sắp đi công tác đấy à?
- Ừ.
Trước khi Triều về, mỗi lần Soan tưởng tượng chuyện sắp đi công tác thì đầy đủ lắm: túi vải, ba-lô, bút máy gài túi. Nhưng lúc này, mặc dù vẫn hãnh diện về chuyện này và những điều nghĩ ngợi về lễ kết nạp chị Pha vào Đảng lúc nãy vẫn bổi hổi trong đầu, Soan có thể kể cho Triều nghe bao nhiêu chuyện, thế mà khi đó Soan chỉ “Ừ” một tiếng, Triều nghe thấy vừa hiền, vừa ngoan, trong khi hai vợ chồng nằm nghiêng lại với nhau. Triều nghĩ những ngày mới lấy nhau. Soan nết na, hay làm, Triều thì cục tính, hễ trái ý là chửi, đánh. Cả hôm đi tòng quân, lấy cớ che mặt mọi người để ra hậu phương cho dễ, Triều cũng đánh Soan một trận, nghĩ bây giờ còn ngượng. Soan cũng nhớ lại việc ấy một cách tinh nghịch.
- Anh còn nhớ cái lần anh đánh em rồi anh ra hậu phương. Thế mà nhà đồng Nắp cũng đi báo đồn xuống đòi tiền phạt “nhà có người đi Việt Minh”.
- Mình chỉnh huấn đã kiểm thảo thái độ đối với phụ nữ rồi.
- Không, em không nói anh đánh em đâu. Em kể chuyện nhà Nắp ấy. À anh ở bộ đội có kiểm thảo cả việc đánh em đấy à?
- Ừ.
Chợt nhớ ra một điều vui lắm, Soan rinh rích cười, cười to, nghe giường ngoài bà Cam cựa mình, mới im.
Triều để ý Soan gọi Triều bằng “anh” và xưng “em” rất tự nhiên. Triều thì chẳng dám “mày tao” với Soan như ngày trước, nhưng vẫn lúng túng chưa biết gọi thế nào, nên vẫn chỉ đối đáp trống không, Triều thấy ở Soan một vẻ chững chạc, mà trước kia Triều không hề tưởng tượng ra. Triều lạ và phục, nhưng cũng thấy tưng tức, cảm như mình bị coi thường, dù mới chỉ về nhà một lúc. Triều buông một câu:
- Đi thì ai ở nhà làm?
Soan nói gì về những ở nhà và đi công tác, nhưng Triều không nghe rõ. Sự bực bội và thương yêu cứ lẫn lộn, bối rối, vẩn vơ. Câu chuyện lào xào một lúc rồi im trong tiếng lá chuối sột sạt và tiếng cơn gió đông cứ dạt dào huýt sáo vào cái ống tre trên đầu hồi nhà. Một lúc thật lâu, Triều bảo Soan:
- Ngủ đi.
Nhưng nào ai ngủ được. Chẳng bao lâu, tiếng gà đã nổi lên. Nhìn ra, đêm đã loãng trắng trên khung cửa liếp. Triều quay mặt vào, nhắm mắt. Bỗng khó chịu cái khung cửa liếp làm cho người ta thấy sắp sáng nhanh quá.
Còn tối đất, Soan đã dậy đi bừa. Triều cũng đứng lên, hăm hở ra sân tập thể dục.
Mặt trời lên độ con sào thì Soan về, khoả chân tay ngoài cầu ao rồi vào gác bừa. Triều đương lúi húi với đôi dép râu ở đầu hè.
Triều bảo Soan:
- Xỏ chân thử nào.
Soan đặt chân lên chiếc dép. Triều ngắm, nheo mắt, rút quai, đánh dấu bút chì. Miếng xà phòng và bát nước đã để sẵn. Triều tuốt xà phòng vào quai dép, rồi lần lượt xâu lại.
Đã đoán được việc Triều đương làm, nhưng Soan vẫn cứ hỏi:
- Anh làm gì đấy?
- Cho em đôi dép này... để em đi...
Triều buột miệng một cách cố ý gọi vợ bằng “em”, tiếng nhẹ nhõm, tự nhiên.
- Cho em thì anh lấy gì anh đi?
- Anh đã có giày của trên phát rồi. Rút quai cho ngắn lại vừa chân em, xinh lắm.
Đôi má Soan hây hây cảm động, Soan rất tinh ý. Nghe cách nói, Soan biết đêm qua Triều không muốn cho Soan đi công tác. Nhưng bây giờ Triều đương sửa lại dép cho Soan, thế là Triều bằng lòng rồi. Vừa day tay rút xong được một bên quai dép, Triều ngẩng lên nhìn Soan, và cười.
Thật ra thì Soan chưa đoán hết được nghĩa cái cười ấy của chồng. Thì Soan sẽ đi công tác. Triều đã nghĩ vậy. Nhưng mà Triều cũng đương nghĩ giá lần này mà Soan có mang. Có thể có mang lắm chứ. Triều nhìn đôi má đỏ hồng của Soan và Triều cười. Ừ, Soan có mang thì rồi Soan sẽ ở nhà, Soan đã có con. Cái mong muốn yếu đuối cuối cùng của người chồng chỉ còn âm thầm bám lại.
Soan không biết. Soan cũng hồn nhiên cười chúm chím. Ờ, đi công tác mà có dép thì nhất rồi. Soan cúi buông hai ống quần còn lấm tấm bùn, vẫn xoe lên tận bẹn, từ nãy quên chưa bỏ xuống.
1956