Biết nói thế nào nữa
Tô Hoài
Tôi đến cơ quan như mọi ngày. Lúc đi qua nhà dưới, chợt để ý trong phòng hành chính hình như có vẻ là lạ. Rồi tôi nhận ra ở góc trong, trên nóc tủ hồ sơ tài liệu có một khay gỗ, mép thếp vàng, trong khay bày cái đĩa để bốn chiếc chén hạt mít cạnh một bình hương và một lọ cắm mấy cái hoa giấy đỏ hoe. Tôi gọi cô phụ trách quản trị.
- Các đồng chí làm cái gì thế này?
- Dạ, chúng em cúng thần tài.
- Cơ quan ta có kinh doanh gì đâu, mà giá có...
- Dạ, không cúng thần tài thì cầu ông Phúc, ông Lộc, ông Thọ phù hộ. Chúng em thấy ngày rằm, mùng một, cán bộ công nhân viên các cơ quan đi lễ đông lắm.
Tôi nghiêm mặt:
- Ở đâu tôi không biết, ở cơ quan ta các đồng chí dẹp đi ngay, dẹp ngay. Không được phổ biến mê tín, dị đoan vào cơ quan.
Buổi trưa tan tầm, tôi xuống đi qua, trên nóc tủ đã thấy biến cái khay, chỗ ấy lại là chỗ để úp nón như mọi ngày.
Năm sau, tôi về hưu theo chế độ, đúng sáu mươi tuổi. Có hôm tôi đến cơ quan. Cô quản trị vồn vã:
- Chào thủ trưởng, lâu lắm chẳng thấy thủ trưởng đến chơi.
Tôi thật thà:
- Lắm lúc buồn chân buồn tay, nhưng cũng chẳng muốn đi đâu.
Cô quản trị cười cười bảo tôi: “Cụ ơi! Mời cụ lên đây”. Rồi cô dắt tay tôi lên phòng giám đốc. Phòng khoá, nhưng cô có chùm khoá cả cơ quan, cô mở cửa đưa tôi vào. Căn phòng vẫn như năm trước, chỉ có bàn ghế, tủ thì đã bày biện khác hẳn. À, có thêm cái máy điều hoà.
Cô đứng lên một cái ghế, với tay chỗ hốc tường lật bức trướng thêu chữ Huân chương lao động hạng ba, đằng sau nhô lên dưới băng dán loăn xoăn một cuộn giấy vàng bằng ngón tay.
- Bùa yểm trấn trạch, bùa yểm cụ ơi?
Rồi cô kể: hôm giám đốc mới đến sửa soạn dọn phòng làm việc. Giám đốc đi với ông thày. Không ai biết là thày cúng, bởi vì ông thày bùa này còn trẻ, cũng quần áo cán bộ như ta. Chắc ông ấy cũng làm cơ quan nào đấy, kiêm thêm xem bói, làm thầy cúng. Ông thắp hương, thắp nến linh tinh, vừa rả rượu vừa khấn hay lắm. Ông yểm bốn lá bùa bốn góc tường này, rồi ông bắt quyết chỉ hướng kê bàn, kê tủ phía nào. Giám đốc đóng cửa, mọi việc đều làm bí mật. Nhưng che mắt thế nào được bọn mẹ ranh chúng em.
Tôi cứ nghe mà vừa giận, vừa ngượng. Cái anh đến thay tôi này chưa hẳn đã hơn nửa tuổi tôi mà sao nó lại u mê lạc hậu đến thế. Còn tôi ngượng chỉ vì xưa nay tôi là tay chửi mê tín vào hạng ác, mà bây giờ mê tín dị đoan lại trùm cả lên đầu tôi đến ngạt thở.
Tôi hầm hầm hỏi cô quản trị:
- Giám đốc đâu? Giám đốc đâu?
Cô đáp dịu dàng:
- Thưa bố, giám đốc đương họp chi bộ bên phòng khách.
Cơn giận của tôi trùng ngay xuống. Thế là ra làm sao? Tôi lò dò qua mấy phòng làm việc, thấy trên nóc tủ, mỗi phòng đều có cái khay cúng thần tài, hoa hương tưng bừng, chắc là chúng nó thắp hương cả ngày - như ở các tủ kính bán thuốc lá hè phố Sài Gòn hồi mới giải phóng.
Cơn giận của cụ Khốt tôi đã nguôi, lại nguôi nữa, nguôi hẳn. Mỏi quá, không đủ hơi giận nữa, xin chào thua.
Mùa hè năm ấy, cô quản trị đến nhà tôi, bảo:
- Năm nay mời hai bác vào nghỉ Cửa Lò ba ngày, hai bác đi cùng với cơ quan.
Vợ chồng tôi sốt sắng nhận lời, hẹn giờ giấc cẩn thận. Sáng thứ bảy, cô quản trị đến nhà, thưa lại:
- Hai bác thông cảm, cho hoãn một ngày. Vẫn nghỉ Cửa Lò, chỉ đi lui một ngày thôi ạ. Giám đốc chúng cháu xem lại lịch bảo chủ nhật ngày xấu, giờ cũng xấu. Giám đốc bảo cháu đến thưa với hai bác tám giờ sáng thứ hai có xe đến đón hai bác ở nhà. Ông Khốt tôi bỗng lại lên cơn giận, hoa chân múa tay đùng đùng, cô quản trị đâm hãi, đứng ơ ra, bà lão nhà tôi can tôi cũng không được.
Tôi hét:
- Không đi Không thèm đi!
Chao ôi. Tôi không đi thì tôi ở nhà. Cũng chẳng ai đến mời lại.
Dần dần, những cơn giận vô duyên chẳng cơn cớ gì càng thưa thớt hơn. Bởi vì cũng có khi tôi tha thẩn quán nước, chén rượu cốc bia vào “khi xem hoa nở khi chờ trăng lên”, tôi còn nghe vô khối chuyện vỉa hè, lắm chuyện động trời nữa, thế là những cái hờn nhỏ bé kia cũng chẳng đáng gì phải nôi cơn.
Nào là những ông bộ rẫy vợ vì cặp bồ nhí, chuyện ông bộ đi cầu tự chùa Hương, đi vào ngày dưng cho vắng ít gặp người. Chuyện các ông cục ông vụ tuần rằm mùng một đi lễ đền chùa ở Sơn Tây những đền Và, chùa Mía, chùa Đá Đen... Có ông đi xa nữa, ô tô lên tận đền Bắc Lệ cuối đường Bắc Giang giáp Lạng Sơn, vàng mã đem theo có ca xe Rim, quần áo giấy gấp lại bỏ vào cốp xe... ông Khốt nào cứ những nghe thế mà lộn ruột thì chỉ có việc lăn đùng ra mà ngất đi cho rồi. Ông Khốt tôi bây giờ dửng dưng.
Bây giờ ông Khốt chọn bạn, ông thấy chỉ chơi với trẻ con, chơi với trẻ là thích hơn cả. Chúng nó ngây dại, hồn nhiên cực kỳ. Người già chơi với con trẻ, vừa được nghỉ ngơi, vừa là dưỡng sinh đấy. Nhưng rồi tôi lại thấy trẻ con bây giờ lại khác xưa không như tôi tưởng. Chúng thông minh lắm nhưng cũng lạ lắm. Nó hỏi, nó nói những câu quái quỷ mà người già phải “động não” đến mấy ngày. Thế là lại hoá ra mua lấy cái mệt, cái mất ngủ.
Cháu bé nhất của tôi bảy tuổi, học lớp ba, cháu nói:
- Ông ơi? Ông xin cho cháu nghỉ hưu.
Tôi trừng mắt:
- Cháu nghỉ hưu thế nào?
Cháu tôi khoanh tay nói:
- Cháu nghỉ hưu như ông ấy, để khỏi phải đi học, khỏi phải đeo cái cặp nặng quá, ở trường về không phải đến học thêm. Cháu chỉ muốn nghỉ hưu như ông thôi.
Tôi làm sao cắt nghĩa được cho ra đầu ra đuôi câu hỏi oái oăm của lứa tuổi ấy. Chuyện về hưu chưa trả lời được thì lại chuyện khác.
Cơm tối xong, tôi bảo cháu:
- Hai ông cháu ra bờ hồ chơi một lúc.
Thằng bé thưa lại:
- Cháu vào hỏi mẹ cháu đã.
Rồi nó nói:
- Cháu hỏi mẹ cháu xem gốc cây nào không có ma. Cháu sợ ma lắm. Mẹ cháu bảo ở gốc cây có nhiều ma ngồi, ông không biết thì thôi
Chơi với cháu cũng không xong. Những cái nó hỏi oái oăm, thì trả lời đến đời nào cho hết được.
(Tạp văn, truyện ngắn Tô Hoài, nhà xuất bản Hội Nhà văn 2004)