Bộ máy tổ chức ta dựng lên thì khoa học, trong ý nghĩ và trên giấy, nhiều cấp và cán bộ lại thu thập tài liệu và dư luận bằng nghe ngóng. Chu Văn, trưởng ty văn hoá tỉnh Nam Định được dự kiến đề cử tỉnh uỷ khoá mới. Đấy lên tin đồn anh ấy là Nhân Văn, thế là bị nhấc ra. Chu Văn viết thư kể nỗi oan và đề nghị can thiệp- tôi đã được phân công xuống gặp bí thư tỉnh, nhưng rồi cũng không lại được lời đồn. Can thiệp với dư luận “có tin bảo, có người nói” thì như đánh nhau với bóng tối, cứ phòng sẵn cho chắc đã. Và cái việc Chu Văn bị dính đến những lôi thôi mập mờ này, đã làm cho Chu Văn hóa ra cứng rắn khác thường. Những ai đã công tác cùng Nguyễn Bính ở ty văn hoá Nam Định có thể biết Chu Văn đã quần Nguyễn đến điều thế nào. Nguyễn Bính về Nam Định rồi quyết định ở hẳn dưới ấy chỉ vì Nguyễn Bính đã sắp nên vợ nên chồng với cô hàng cà phê thành Nam. Nguyễn Bính đã bỏ không ở nhà xuất bản Hội Nhà Văn với tôi để xin ra làm báo Trăm Hoa. Khi Trăm Hoa hết tiền phải đình bản, Nguyễn Bính không còn ở biên chế nào thì Hội Nhà Văn đã giới thiệu Nguyễn Bính về Nam Định.
Nhưng có giai thoại rằng Nguyễn Bính bị đầy phải xuống xin việc dưới quê, Nguyễn Bính chỉ được biên tập ca dao, hò vè. Nhưng mấy người biết được thời kỳ ở Nam Định, Nguyễn Bính đã in nhiều sách trên Nhà xuất bản Phổ Thông ở Hà Nội. Trường ca Tiếng trống đêm xuân, lại vở chèo Cô Son đương công diễn.
Mỗi lần lên lấy nhuận bút kha khá, tôi được Nguyễn Bính và Trúc Đường rủ đi đánh chén. Có tiền, Bính đã đưa vợ con về Thiện Vịnh tậu đất, làm căn nhà có ao cấy cần, có giàn mồng tơi, có vườn cải hoa vàng như trong thơ. Nhưng trong thơ và ngoài đời không như nhau, chẳng bao lâu thì bán nhà, lại gồng gánh ra tỉnh. Cái năm Nguyễn Bính mất, tôi đi với Phạm Lê Văn, Bùi Hạnh Cẩn về ăn giỗ trăm ngày còn được nghỉ trưa nhờ ông chủ sau cái gian nhà tranh tre của Nguyễn Bính đã tàn tạ như cái lều vịt.. Rồi ở phố cũng không yên, tam tứ phen chửi nhau đánh nhau, vợ chồng xé đôi chiếc chăn đắp. Cái tờ bướm của ty văn hoá có bài vè diễu, tiếng đồn là của Chu Văn viết đấy.
ấy bị thành kiến như Chu Văn rồi người đâm ra lên gân thì cũng là lẽ thường của miếng võ giữ mình.
Tôi bảo Dương:
- Các cháu chơi hè có liên quan đến trật tự, anh vào đây với tôi.
Nhưng Dương không vào. Không phải vì ngại tôi cứ đi vào cùng Xuân là con người tù phản động. Mà chắc Dương ngại nếu có lôi thôi thì Dương mất chỗ đi lại Tôi được biết các nhà hộ đặc biệt Dương thường ra vào. Nhưng lại hay giữ ý. Có nhà mời tôi đến ăn giỗ. Tôi bảo Dương đi thay. Dương nói: anh cử tôi đấy nhé, không tự ý tôi, chẳng có chúng nó lại quạc mồm bảo tôi chỗ nào có ăn thì la liếm.
Chị chủ nhà ra mở cổng, mời chúng tôi vào phòng khách. Thứ trưởng và cả nhà ở trên gác, thấy ánh đèn sáng hắt ra hiên.
Tôi trình bày tôi đến đề nghị cháu ra sinh hoạt thanh niên giúp thiếu nhi khối phố vui chơi trong dịp hè. Chị chủ nhà vui vẻ:
- Vâng, tôi sẽ bảo các cháu. Công tác hè thì của thanh niên rồi.
Câu nói nhẹ nhàng và trách nhiệm dịu hẳn cái dự định hăng hái phê bình, chất vấn của mấy cậu thanh niên lúc nãy lăm le. Bây giờ các cậu ngồi im, nhìn tranh ảnh trên tương.
Tiễn ra cửa, chị chủ nhà hỏi tôi:
- Có phải đồng chí là nhà văn?
Tôi đáp:
- Không phải ạ.
Cũng chẳng bao giờ cô con gái vị thứ trưởng ra họp thanh niên khối, tôi cũng không biết mặt nó.
Tôi đi tuần tra. Một tốp hai người đeo băng đỏ, tay cầm cái đèn hai pin của đội dân phòng. Người đi tuần theo cắt lượt. Vào những dịp ngày lễ, ngày bầu cử hay có khách Chính Phủ các nước đến Thủ Đô. Ai lờ đi hay gọi mãi không ra thì cũng thôi. Nhưng số người đi tuần bao giờ cũng nhiều. Trưởng ban được chiếu cố không phải đi quá khuya. Tôi cũng không để ý, mọi người tưởng tôi tích cực, thực ra chẳng đi tuần thì vào giờ ấy tôi vẫn đi dạo hay là thức đọc sách.
Tôi đã bị bệnh áp huyết tử hồi ấy. Chữa bệnh, mỗi tốì tôi đi quanh hồ ba bốn vòng. Có khi quá bước lên cả trên hồ Hoàn Kiếm. Một hôm trời rét, trông thấy trong quầng sáng điện giữa đường một người đội mũ, quấn phu la. Một người đạp xe đằng sau lưng lên, quơ tay giật cả mũ và khăn quàng. Người mất của đứng ở ra, rồi kêu: cướp! cướp! Đường thì vắng tanh.
Sau đấy, tôi ngại quá bỏ không đi quanh hồ. Rồi lại đi, nhưng tránh giờ ấy. Đến mùa hè, tôi để đầu trần. Không phải vì lo mất mũ, mà tôi muốn trật cái đầu hói ra cho đĩ điếm khỏi mất công hỏi han. ấy thế mà không yên, vẫn bị quấy rầy.
Phó ban Đại hay đi tuần với tôi, có khi tôi rủ, có khi Đại đợi. Chẳng phải đến lượt đi đôi với Đại, mà Đại thích đi với tôi. Đêm nằm khàn, Đại nhớ bia. Nửa đêm chúng tôi vào quán Gió hàng bia nhà mậu, uống thả cửa, trả tiền không lấy. Chả là nhiều khi tôi đi với công an khu tuần tra công viên tới đây vẫn uống thế. Năm trước, tôi đi Pnôm Pênh, buổi sáng thấy người đội xếp dẫn bố mẹ, vợ và lũ con ra nhà hàng ăn hủ tíu, uống cà phê xong rồi đứng dậy về. Tôi cười cái thời ông hoàng Sihanuc chẳng ra thế nào, thì bây giờ cái chẳng ra thế nào ấy hiện về đây và chúng tôi cũng hoá ra người đội xếp Pnôm Pênh. Có những lần tôi kéo cả Nguyên Hồng, Dương Bích Liên đi thưởng thức cái lộc của trưởng ban.
Tôi vào trong phố. Phố đêm vắng vẻ thấp thoáng bóng cây. Các phố này không buôn bán, không cửa hàng cửa hiệu, ban ngày cũng như bấy giờ, vỉa hè không so le nhấp nhô bàn ghế hàng quán. Giữa bóng tối lặng lẽ, trong tôi bao nhiêu ý nghĩ vật vờ ngổn ngang. Mới năm nao mà đã ra hơn năm mươi năm qua, tôi đi trong đoàn người thất nghiệp từ phố Dã Tượng kia rẽ vào sân cỏ nhà Đấu Xảo mít tinh ngày 1 tháng năm 1938, mỗi khi nhớ lại còn ám ảnh trong mắt ánh màu lá cờ đỏ bay đằng trước. Rồi tôi bị bắt vào xà lim sở Liêm phóng, chỉ bên kia tường cái phố cụt nhà tôi bây giờ.
Mấy đêm nằm sàn xi măng, chân bị cùm, trước khi phải giải xuống đề lao Nam Định đối chất việc tổ chức Văn hoá Cứu quốc.
Rồi cuối 1946 toàn quốc kháng chiến, tôi làm phóng viên báo mặt trận Hà Nội. Đêm ấy trú ở một nhà trong phố bờ hồ Thiền Cuông, cả phố đã đi hết bỏ nhà hoang, thành phố không người. Không nhớ đã ở nhà nào, hay nhà ấy đã bị bom đạn phá huỷ, chỉ nhớ các bãi cỏ dọc bờ hồ ngày ấy là những luống khoai lang, những bụi cây chuối. Thành phố đương kêu gọi mọi người tăng gia chống nạn đói. Tiếng xe bọc sắt, xe tăng đằng phố Duy Tân ầm ầm trổ xuống. Sớm hôm sau, đến ban chỉ huy đơn vị chiến đấu đóng bên phố Khâm Thiên cạnh trạm gác của địch ở nhà dầu Sen biết tin đoàn thiết giáp Pháp từ trong thành ra tới ngã tư đầu hồ, chiến sĩ quyết tử Nguyễn Thành đã ôm một quả bom ba càng lao ra cản đường. Tôi đã viết tin ấy gửi về báo Cứu Quốc.
Chỗ nào cũng mờ chồng lên những chuyện cũ, chuyện mới. Tôi vẫn đương đi qua các phố. Tôi nhớ lại... tôi đương đi như bây giờ. Tôi ở trong làng đến năm ngoài hai mươi tuổi thì đi kháng chiến lên Việt Bắc ngót mười năm, rồi trở về thành phố cũng đã chừng ấy năm, bây giờ đến sinh sống tại phố này, đi tuần, đi họp phố chẳng khác trai tráng ngày trước đi hộ đê, đi việc làng, đi dạy truyền bá quốc ngữ, đi khiêng đòn đám ma...
Rồi mỗi hôm đến cơ quan tôi là toà nhà ba tầng, ngày ngày mở cửa sổ ngồi vào bàn, các thứ cuộc họp nối nhau, rồi lĩnh lương, đi uống bia, uống rưọu mà vẫn thấy lạnh lẽo thế nào. Đời bàn giấy làm nhạt nhẽo cả ngòi bút.
Chẳng bao lâu đã lại đến cuối năm. Việc dồn dập, đương bình cứu tế lại đến những tờ hướng dẫn kê khai, lên danh sách tem phiếu mua lương thực, tôi phải thuê các cháu học sinh giúp rà soát, đối chiếu...
Phố này nhiều cán bộ công nhân làm các cơ quan và nhà máy khác nhau. Cái năm mới về, nhà bỏ không, nhà treo bảng cho thuê, cứ vào hỏi, cứ đến ở. Có một số nhà vắng chủ thành phố cũng lắp người ở. Mới thật, nhưng cái ở cái ăn bấy giờ cũng chưa phải đáng lo.
Chúng tôi còn mải kéo lũ đi loăng quăng nhìn đây nhìn đó dẫu tôi trước kia đã ở Hà Nội. Kỷ luật tiếp quản Hà Nội không được la cà hàng quán. Tôi đi công tác chống di cư ở Phúc Nhạc về, vào hàng chén bát phở, sau mới biết không được thế. Kỷ luật chặt quá, đến lúc không giữ được lại hoá lung tung. Khác nào nhiều nhà đón người họ, người làng cho ở, qui vì đi kháng chiến về, lại cũng sợ nhà rộng bị qui tư sản, đến lúc ở lâu rồi sinh rắc rối, kiện tụng nhau. ở khối, ban hoà giải tôi đã mất nhiều công về mấy vụ này.
Mới dần dần biết trong những số nhà có người mới về có những nhà đã ở đây lâu. Người làm thuê, người thất nghiệp, người chạy chợ, mỗi nhà một nỗi nhưng đều không phải đã ở thành phố nhiều năm, nhiều đời, mà số đông là những người di chuyển theo thời thế.
Họ ở trong làng ra hay năm trước đã hồi cư về. Chiến tranh tràn lan, ở quê không thở được, phải nhao ra tỉnh, đến khi Tây rút đi, còn ta thì đi đâu, đi đâu chẳng phải lăn lưng làm, thế là đâu vẫn đấy.
Có những nhà dường như khá giả - vẻ người thành thị, lối ăn mặc và cách ăn nói, cho là sắp lên tư sản đến nơi, thế là không dám giao thiệp. Ông ấy thắt cà vạt đội mũ phớt, giày đánh xi bóng, quần là phẳng.
Tôi đội mũ lá cọ, mặc đại cán đôi khi đánh quần áo nâu, mùa rét thêm cái áo bông ka ki kẻ múi trám kiểu Liên Xô. Chúng tôi đồng loạt thế.
Người đi họp phố đông, đông nhất là những bà con ở trong này, ai cũng muốn biết chính phủ thế nào, bởi đều phấp phỏng nghe những đồn thổi quái lạ: thịt con gà phải đi báo cán bộ, ai cũng ra quét đường, hót rác, móc cống. Nghe ghê ghê thế nhưng bảy giờ a lô! a lô! tổng vệ sinh, người ta cầm chổi ra quét cái hè, cái rãnh trước cửa, thấy chẳng có vẻ khác mọi khi.
Bà con giờ mỗi nhà chỉ cắt một người đi họp chứ cái hồi mới giải phóng thì vui lắm, cả nhà cùng đi.
Đến bây giờ ra làm việc khu phố và đi họp chỉ còn, chỉ có các bà trung niên, các bác thợ may, công nhân khuân vác ngoài ga, có nhà cho trẻ con hay người già đi cốt đủ đầu người. Nhiều người không biết trụ sở khối đâu. Thật ra thì cũng khó biết, vì nó chỉ là một căn phòng trong một nhà ở.
Nơi họp, một gian nhà mượn, hàng ngày nhà chủ để làm gì không biết, tối nào báo họp, đến đã thấy gian phòng quang đãng. Trưởng ban bảo vệ Dương tới sớm, mở cửa sổ, kê mấy băng ghế dài, một cái bàn và mắc lên giữa nhà một bóng điện.
Người đến lác đác, tổ trưởng phải đi gọi từng nhà, có hôm hơn tám giờ còn thưa thớt. Tôi báo cáo công việc xong phó ban Đại nói thêm mấy câu giải thích dài dòng rồi giải tán. Lao động công ích đào sông Tô Lịch. Cấm thả rông chó. Danh sách đợt đi nghĩa vụ quân sự. Lĩnh thuốc bả chuột về phải nhốt mèo, nhốt gà cẩn thận. Giới thiệu danh sách tổ hoà giái. Các nhà treo cờ ngày Quốc tế Lao động...
Hộ nào cũng có người đi họp đã thành lệ, nhưng cũng thành tật đến đúng, đến muộn tuỳ tiện. Có người hay kề cà, cũng có người đi làm ca kíp về còn lo cơm nước. Có người rỗi rãi hẳn hoi cũng cứ đà đận đợi tổ trưởng gọi giục.
Tôi đặt thành giờ giấc bảy rưỡi đánh kẻng thì tám giờ họp. Có mấy người tôi cũng cho họp và đến lúc nghe còi ủ thành phố báo chín giờ thì tan họp. Dần dần thành thói quen, người ta chịu khó đến đúng giờ.
Khi thành phố bỏ còi ủ để tránh lẫn với còi báo động thì tôi xem đồng hồ, chín giờ đương nói, đương còn việc cũng ra về, để hôm khác bàn tiếp.
Cái máy móc giờ giấc ấy cũng hay hay. Nhưng cũng có khi làm tôi ngượng, tội nghiệp. Tôi mới đi Liên Xô về anh Nguyễn Xiển bảo đến câu lạc bộ đảng Xã Hội nói về quyển Dải đất hẹp của Brơ-giê-nep vừa được giải thưởng Lê- nin. Tôi thật có duyên tai ách với quyển này. ở Matxcơva, báo Sự Thật đã mời tôi viết bài phê bình. Hà Nội chưa dịch in hồi ký Dải đất hẹp, mới có một đoạn trích dịch ở hoạ báo Liên Xô, hai bản tiếng Pháp, tiếng Việt, nhưng báo này dịch nhạt nhẽo, tôi không mấy khi đọc. Thế mà tôi vẫn viết được bài cho báo Sự Thật. Nhà văn Marian Tkchốp dịch, được đăng trang nhất báo, nhận nhuận bút một trăm rúp. Tôi thưởng sáng kiến và nhiệt tình khuyến khích tôi viết của hai bạn Marian và Misen, phóng viên báo Tin Tức đã ở Hà Nội nhiều năm, chúng tôi đi uống vốt ca, ăn thịt cừu nướng rồi đến nhà hát Digan. Mẹ của Marian khen tôi “bây giờ làm to dám viết về Tổng bí thư”.
Đến câu lạc bộ đảng Xã Hội, tám giờ tôi bắt đầu nói, vừa chín giờ nghe còi ủ tôi cám ơn các bạn thính giả xin hết lời và bước xuống bục. ở đây, chẳng ai nói tan sớm thế. Có người còn chưa đứng dậy. Tôi thì ngỡ đương họp ở khu phố!
Nguyễn Xiển hỏi tôi:
- Cậu say rượu à?
- Không, nói hết chuyện rồi..
Tôi không nói tôi quen cái đồng hồ ở khối phố, tôi đã nhầm giờ giấc. Ngồi họp, tan họp đúng như nhau, đầu tiên lấy làm lạ rồi “còi chín giờ đã giải tán” ai cũng ra về, bà con thích thú cái sự về sớm ấy nhiều hơn nhớ công việc.
Hôm ấy bàn tổ phục vụ nấu bánh chưng tết thì có lo cơm nồi nước sôi như mọi ngày không. Bấn việc đấy. Nhà nào thì gửi gạo, đưa lá dong và phiếu thịt rồi chỉ việc nhận bánh, nhà nào gói lấy rồi thuê luộc.
Tôi hô hào các nhà ra nhờ tổ phục vụ, nhưng nhà tôi thì vẫn nấu lấy cho các con tôi vui nồi bánh, tôi thì nhớ ngày xưa. Bắc nồi ra giữa sân bếp, vợ tôi đèo củi về. Nhà mậu bán củi phiếu, nhưng toàn củi rều vớt ở sông Cái, củi cành xà cừ còn cả lá, “Ông nhà nước” vơ vội củi Tết mà phải đem phơi, sang giêng mới đun được. Nhà tôi có năm thì bác Ba trên Nghĩa Đô đèo củi gộc tre xuống cho, có khi mua củi gốc cây, của những người đi chặt cây thuê trong phố, củi này chắc và đượm lửa, ninh bánh chưng được rền.
Con gái con rể tôi làm ở bệnh viện, mượn về nồi hấp và ống truyền, những thứ để thay cây nửa tép đục đốt với cái mu rùa, nồi đồng hai mươi. Tôi nấu rượu Tết, đổ mốc men thơm cả sang hàng xóm. Cấm nấu rượu, mà tôi nấu để uống. Vả chăng, nhà trưởng ban nấu rượu lậu, ai có biết chắc cũng chỉ thấy vui.
Nhưng tôi cũng chỉ nấu có một mẻ. Không phải ngại tai tiếng mà bởi rõ ràng làm lấy, bố con ủ men, ống thuỷ tinh nước rượu lên sạch sẽ, mả ra rượu nếm vừa đắng vừa khét, rượn chính phẩm lại như rượu rởm.
Không phải cứ có các thứ chính cống và đồ lề hảo hạng thì ai cũng nấu ra rượu ngon, nếu thế thì tài nang vứt đi rồi.
Trưởng ban bảo vệ Dương báo với tôi tình hình an ninh cuối năm từng ngày.
- Phố còn một nhà nuôi chó. Phải triệt, không nhỡ ngày tết mà chó cắn ai thì lôi thôi.
- Bảo nó thịt hay bán đi, mà phải thịt sớm, tết nhiều nhà kiêng thịt chó.
Hôm sau, Dương đến lắc đầu.
- Tôi nói nó không nghe. Vừa đi ra nó còn chửi theo: tiên sư chúng mày!
Tôi ngờ chưa chắc đã phải thế. Dương hay kéo tôi di cùng. Cái khoé và cũng là hãnh diện của Dương.
Có người mách, mấy chị quảy thúng bán ô mai, củ sắn luộc, kẹo vừng ở cửa trường học Dương cứ lấy ăn tự nhiên lại phải đút tiền cho Dương mới được đỗ gánh ở đấy. Đêm Dương đi tuần, đem về trụ sở cái mũ cát, đôi dép râu bảo có đôi trai gái đứng xó tường đằng kia, thấy người chúng nó bỏ chạy. Có hôm sáng sớm Dương xách đến nhà tôi cái khung xe đạp. “Kẻ trộm tháo hết phụ tùng rồi vứt khung xe ra đường. Lôi thôi quá, ta lại phải trình báo". Dương lẩm bẩm thế rồi lại vác cái khung xe đi, chẳng biết có trình báo hay đem xuống chợ Giời, tôi cũng không xét nét hỏi lại.
Bọn dân phòng nói với nhau: “Nhà lão những ba bốn cái tàu há mồm. lúc nào cũng hong hóng thì phải xoay cái ăn chứ". .
Dương đưa tôi vào một nhà cuối phố, tôi cũng chưa vào trong này lần nào, phố ngóc ngách quá. Lô xô những nhà một tầng, nhà hai tầng chĩnh chện, nhà này chỉ có mái giấy dầu một phía ghếch vào đầu tường.
Nhà nuôi chó có hai vợ chồng, một ông bố và hai đứa con. Vợ chồng đi làm, hai con đi học. Bố ở nhà cơm nước. Tôi ngỡ con chó cũng thằng nhôm thằng vện lau nhau, không ngờ con chó ta mà to như chó bẹc giê, đứng cao ngang đầu gối ông lão.
Thấy khách vào nhà, ông lão vuốt vuốt một cái, con chó nằm mọp ngay xuống cạnh chân ông. Người con cầm cái xích có cổ dề ngoằng xuống, dắt chó vào nhà trong.
Anh ấy nói nửa thật nửa đùa:
- Nó quái lắm. Nó mà nghe các vị bàn tán bán chó thịt chó, nó xông ra đợp các vị đấy.
Tôi ngại quá. Con chó khôn mà giằng cái xích mỏng mảnh kia ra thì làm thế nào. Thỉnh thoảng tôi nhìn vào góc nhà, nhưng rồi lại không dám, hình như con sọm già đương đụng đậy tai, nghe nghe. Nhưng chắc nó chả hiểu câu chuyện đương nói.
Tôi khen:
- Cụ nuôi được con chó to nhỉ?
- Thưa ông, đem trong quê ra đã ba năm nay. Cơm canh trẻ con rơi vãi, gọi là chó làm cảnh ấy mà. Nó có ý lắm, biết là ở phố chật chội, ai vào trông thấy mới biết nhà có chó. Nó chỉ rũ lông, không rít, không bao giờ cắn thành tiếng.
Tôi giải thích:
- Nhưng ở nông thôn khác ở thành phố, cụ ạ. ở thành phố không được nuôi chó. Nhỡ phải con chó gió nó cắn tung lên thì khốn nhiều người lắm. Thuốc tiêm chó gió phải cầu kỳ tiêm vào rốn, mà đắt tiền.
- Tôi không cho nó đi đâu bao giờ.
Dương láu táu chêm:
- Nó cắn ngay người nhà ấy chứ, chó dại mà.
Người con trai ở trong nhà ra, sẵng giọng:
- Xin phép ông trưởng ban, anh Dương nói đổ xuống sông xuống bể, phỉ phui, con chó cũng không nghe được.
Dương đứng lên, giơ gậy. Gã kia xông đến. Tôi nói to:
- Trật tự nào!
Tôi còn giảng giải một lúc về cái vô tích sự nuôi chó trong thành phố. Người con trai hầm hầm vào trong buồng, ông lão ngồi yên. Lát sau, ông lão chắp tay:
- Thưa ông, ông nôi thế cháu đã nghe ra, để rồi nhà cháu xin thu xếp.
Thật cũng khó khăn và khổ tâm, lão thu xếp thế nào. Gọi lái chó vào hay mấy nhà quanh đây đánh đụng. Nhưng nghe ông lão nói nhà cháu thu xếp, coi như đã ổn, tôi đứng dậy.
- Cụ làm ngay, cụ ạ. Năm hết tết đến rồi.
- Thưa vâng.
Rồi có lúc ngẫm nghĩ, tôi cứ áy náy. Con chó vàng to như con Bô Tô ngày trước bố tôi nuôi. Bố tôi đi Sài Gòn, để con chó ở nhà. Ông ngoại qui Bô Tô, nuôi Bô Tô nhiều năm đến khi già, Bô Tô ốm chết thì đem chôn, mấy hôm tôi khóc nhớ Bô Tô. Thế là ông lão sợ, nhà lão đem bán chó, nhà lão sẽ gọi đụng. Cứ bảo tết nhất ăn thịt chó hãm tài, nhưng năm ngoái, hôm ba mươi, ông Hộ trên Nghĩa Đô đã đem xuống cho nhà tôi đôi bánh chưng nhân thịt chó, nhà túng, không có tiền mua thịt lợn. Chẳng sao, tôi không sợ xúi quẩy nhưng gói cái bánh chưng nhân thịt chó thì nghèo túng đến rớt mồng tơi rồi. Nghĩ xa nghĩ gần, vấn vơ.
Dương gặp tôi.
- Nhà nó giải quyết xong con chó rồi.
- Thịt à?
- Nó đem gửi, dắt đi chiều qua.
Tôi cười:
- Thịt hay đem gửi cũng là con chó khuất đã mắt rồi. Đừng làm lôi thôỉ người ta nứa.
Dương không nói gì. Ông lão gửi con chó, có thể con chó không chết. Tôi nhớ mang máng ngày trướcTây cho nuôi chó trong thành phố, nhưng chó ra đường phải buộc mõm, luật lệ Tây ở đây hay tôi đã đọc trong truyện thấy nói như thế ở bên Tây. Giấc ngủ tôi chập chờn. Buổi tối, tôi vào nhà ông lão. Thấy tôi, lão chắp tay, vái một cái..
- Báo cáo ông khỏi bận tâm...
- Ông đem gửi chó rồi chứ gì.
- Không, giết rồi ạ.
Tôi hỏi:
- Thế a? Tôi đến nói cho ông biết có thể nuôi chó.
- Nhà nước cho nuôi chó?
Tôi lại nhớ thêm: ngày trước thằng Tây đi chơi, dắt con chó cái rọ da đóng vào mõm, bên cạnh có con đầm cầm bó hoa loa kèn trắng. Tôi nói
- Con chó phải có khoá mõm mới được ra đường.
- Chó nhà cháu quanh năm ở trong nhà.
- Vậy là được, nhưng mà làm thịt mất nó rồi.
- Từ hôm nọ cán bộ chẳng bảo nhà cháu.
Thế là nhà này thịt mất con chó. Nó dắt đi thịt chứ không phải đem gửi. Con chó vàng to đẹp thế, đã vào bụng người cả, hoài của.
Một chặp tối rét co ro. Có tiếng gõ cửa khẽ. Tôi mở cửa, thấy ông lão tay cầm cái xích. Con chó vàng cao lớn, quanh lưng xuống tận bụng buộc mảnh khố tải như áo ấm, cái rọ da to xủ đóng quanh mõm. Ông lão cúi chào rồi hỏi tôi:
- Báo cáo ông thế này được chưa, đúng luậ t chưa ạ?
Tôi còn ngẩn người. Con chó hay hồn ma con chó, thế là thế nào? ông lão nói như trả lời băn khoăn của tôi:
- May quá, nó sắp thịt.
Rồi ông lão vuốt đầu, ghé vào tai con chó, nói thầm:
- Con lạy ông nào!
Con chó bị đóng rọ mõm khuyu hai chân trước xuống, đến lúc ông lão lại vuốt nó, con chó mới đứng lên như lúc nãy.
Con chó giỏi như người, hơn người. Tôi buột miệng:
- Tài quá.
- Thưa ông, nó ngoan, dạy được ạ.
Tôi nhìn theo ông lão dắt con chó, đóng cửa rồi vẫn như còn trông thấy ông lão và con chó trong bóng tối rét mướt xa xa. Ông lão bảo giết chó rồi cơ mà, hay là con chó ma, chó ma mới khôn thế.
Dương đến nói như khoe:
- Nhà nó lại đem chó về.
Tôi bảo:
- Chó ra đường phải rọ mõm. Ông lão ấy đến báo cáo tôi rồi.
Nói xong, tôi lại chột dạ. Dóng rọ mõm, không biết nhớ có đúng không. Dương không hỏi thêm. Một tối, mừng cuộc họp đầu năm, có hai bao Tam Đảo, hộp mứt bí nhà mậu điểm mấy cục đường giả làm hạt sen, quà Tết tiểu khu gửi xuống. Ông lão đến cạnh tôi:
- Báo cáo ông, tôi đã nộp hai đồng tiền thuế nuôi chó cho ông Dương.
- Ai bảo ông đóng thuế chó?
- Ông Dương ạ.
Tôi không bực mình Dương làm tiền tợn quá, mà tôi nghĩ lại mọi việc tôi thật chậm hiểu hơn Dương và hai bố con ông lão nuôi chó. Chỉ có một con chữ mà người ta múa rối, người ta đánh phép, tôi đần độn đi. Xử sự, đối phó, giải quyết... vẩn vơ trong đầu thế thôi rồi tôi lại nghĩ bãi ra và tự yên ủi rằng việc gì cũng quấn vào mình thì có đến ba đầu sáu tay cũng hết hơi. Vả chăng, lại năm cùng tháng tận đến rồi, cho nó kiếm chác đôi chút.
Lẫn lộn với giấy tờ và bản thảo, một đệp biên lai, một cặp tem phiếu gạo và thực phẩm, một hộ mấy người trẻ con và người già, người không biên chế nhà nước, mỗi người một từ, chưa tính các hộ độc thân. Vẫn chưa đủ so với thống kê. Mai phải đi lĩnh đợt nữa. Sai số hay thừa thiếu thế nào, tôi lấy làm lạ trong ngần ấy năm làm tem phiếu, ký sổ, ký tờ rời không thấy trên hỏi lại, truy lại lần nào. Chẳng lẽ tôi lại chỉ có đúng, hay là không biết chừng trên đã có sổ cái, đã dò đã chữa hộ tôi. Ký miên man nhất vào các kỳ tem phiếu, phóng hàng nghìn chữ nguệch ngoạc, đến bây giờ chữ ký tôi chưa run nét có lẽ cũng nhờ những năm, những dịp luyện tay kịch liệt này..
Lại họp cán bộ cơ sớ, cả sáu tổ trưởng tổ phó, một đệp việc:
- Triệt để không còn chó thả rông, chó không tiêm phòng dại.
- Thông qua đăng ký đợt 1 tiểu thương (cua ốc, ngô luộc, chè tươi), tiếp tục lên danh sách các tổ.
Liên hoan tiễn 2 chiến sĩ tân binh, lên khu lĩnh 2 gói chè Hưong Sơn, 5đ mua kẹo bánh.
Việc đột xuất: mức nước cuối thình lình lên báo động số 2, một tổ xung kích dân phòng đi thường trực.
Dương cặm cụi sổ sách thì cô người hỏi. Chẳng ra giờ giấc gì cả. Đi cơ quan thì họp, bè bạn thì ở quầy bia bọt chiều chiều, khách trưa khách tối người khu phố, đêm đọc sách và đi ngủ lẫn lộn, không biết có ngày chủ nhật.
Vào cửa, một chị với hai đứa bé trạc năm, sáu tuổi. Ba mẹ con gày gùa, trong ánh đèn mà cũng nhìn được nước da xạm, bởi những con mắt trong leo lẻo khác thường. Dáng chị quen quen, chắc hay gặp đi họp phố.
- Thưa bác, mẹ con cháu đến xin bác...
- Việc gì thế?
- Có cái tem phiếu...
- Tem phiếu phát theo năm mới dương lịch mà.
- Cháu chỉ xin trước bác một tờ.
- Sao lại một tờ?
Thưa bác, nông nỗi nhà cháu...
Nghe chị kể, chị làm y tá cơ quan. Vừa rồi, đi khám, bị chớm bệnh lao. Hai tháng nay nghỉ chữa bệnh, vẫn được lương. Hai con trai đứa lớn mới lớp bốn. Chồng cũng y tá, nhưng đi tiêm tư. Anh ta bỏ nhà biền biệt cả năm, không biết đi đâu.
- Năm ngoái, cháu đã xin được, bác cho.
- Anh ấy nhận phiếu ở cơ quan nào?
- Không, nó ăn vào hộ khẩu ở nhà. Cháu phải bán phiếu của nó lấy vài đồng...
- Ngộ Tết anh ấy về thì sao?
- Mẹ con cháu cấm cửa nó rồi..
- Mà sao lại bán tem phiếu của nhà nước. Bán ở đâu?
- úi già, bác không biết chợ tem phiếu đông hơn chợ Đuổi dưới Vân Hồ. Cán bộ lĩnh tem phiếu rồi đem bán ngay, nhiều lắm.
- Rồi cả năm xoay xở làm sao?
- Chỉ xin trước bác tờ phiếu của nó thôi, còn phiếu cả năm của mẹ con cháu thì khi nào túng mới phải bán.
- Chị nói, tôi thông cảm hoàn cảnh. Hôm nào có thì tôi cầm đến cho.
Thật ra tôi đã có phiếu, nhưng tôi không dám đưa xé lẻ. Chị ta đã nói bịa “năm ngoái bác cho", như thật.
Trưa hôm sau, tôi tạt vào nhà chị ấy. Mới nhận ra tôi đã biết ngõ này có một bác đạp xích lô quê Thái Bình lên Hà Nội từ năm 14 tuổi, năm nay trên năm mươi mà chưa về lại quê lần nào. Bác làm nghề xe từ thời kéo xe bánh sắt chỉ được vào đến đầu ô Khâm Thiên. Thuê xe lùn của cai Mơ, cai Mơ người nhăn nhó như thằng bả gà, mà giàu nứt đố đổ vách. Bây giờ, bác có cái xe xích lô của nhà, về thì xích vào sau cột vách. Xăm lốp nhà mậu bán cung cấp. Mua chui xích Pháp, mới toanh chưa bóc giấy bóng. Đi họp nói toang toang cứ như bác ấy thì trên đời chỉ có đạp xe xích lô là sướng nhất, vì “không có ai đè nén” được.
Qua cái mái tôn nhà bác xích lô yêu đời, đến nhà chị ấy. Cái mái vảy ghếch vào lưng tường nhà bên cạnh, nước mưa ẩm rườn rượt mặt tường nổi rêu tối như cái hang. Ba mẹ con ở nhà, ngồi trước cái lò đun bằng giấy vụn, lá xà cừ.
Mẹ con nhà này trông ban ngày mới khiếp sao. Những đứa trẻ mặt ơ hờ như ngái ngủ, người mẹ ngôi rúm ró, đầu gối trắng nhợt lồi ra như hai củ đậu. Đêm trước mới chỉ nhìn thấy những con măt ho lao của người mẹ, con mắt trong veo bây giờ sáng rợn lên.
Chị ấy run run đứng dậy, nói:
- Bác đem phiếu cho các cháu.
- Chưa có đâu. Nhân tiện đi qua, tôi vào thăm ba mẹ con. Đun nồi gì đấy?
Người mẹ lặng yên như không nghe tiếng. Thằng bé lớn nhanh nhảu mở nắp cái xoong. Nồi rau muống đã sôi, mấy hạt cơm nhào lên nhào xuống trên mặt rau. Gọi là nồi cháo rau hay là nồi rau cháo cũng thế.
- Cơm trộn rau à?
Cái cười héo trên mặt người mẹ. Nhà cháu quanh năm cháo rau thế này, cũng quen rồi.
Chị lại kể về cái chợ tem phiếu ở trên đê. Không phải chỉ có tem phiếu đem bán, mà người ta mua tem gạo, bán lại ngay đấy cho người khác. Đổi chác cò con thế mà cũng có cai đầu dài, có buôn đi bán lại. Nhưng công an dẹp dữ, đương vơ vẩn vỉa hè, thoáng thấy bóng áo vàng đã biến sạch. Tôi chưa biết mặt mũi những cái chợ nhỡ độ đường này.
Tôi đưa chị ấy năm chục bạc.
- Cháu cám ơn bác, cháu không dám lấy.
- Tôi cho vay thôi. Bao giờ có tem phiếu bán thì trả, tôi không lấy lãi đâu. Chị cứ cầm.
Tôi đã ra tận vỉa hè, ngoảnh lại còn thấy những con mắt nhìn theo, trắng nhả như mắt người da đen ở tranh dân gian nước Kênia châu Phi.
Dương đi với một anh thấp bé, đội mũ tai bèo đã đứt một bên dây quai. Cái quần lính vá hai miếng đầu gối, nham nhở vết dầu, tay anh ấy cầm chiếc vành xe đạp. Chưa hỏi, đã biết anh nghề chữa xe.
- Giới thiệu anh: đồng chí Mẫn thương binh. Anh Thắng cán bộ tiểu khu bảo khối ta nhận đồng chí Mẫn về làm phó ban bảo vệ.
Dương thêm một câu nịnh “anh Thắng cán bộ tiểu khu”, mặc dầu không có Thắng ở đây và Dương đã quên mọi khi Dương vẫn khoe không cần phó chỉ một tay Dương làm hết, xong hết. Mà Dương nói:
- Công tác nhiều, tôi mong có người đỡ. May quá.
Tôi và Mẫn chỉ chuyện một thoáng đã ra đầu đuôi.
- Anh Mẫn thương binh mặt trận nào?
- Khu Năm.
- Bao nhiêu lâu?
- ở trong ấy hơn ba năm.
- Thế thì đã đánh nhiều trận lắm..
- Cũng phiêu lưu sơ sơ vài trận thôi. ở ngoài này đi bộ ba tháng vào đến nơi được bổ sung cho tỉnh Phú yên. Đi các xã huấn luyện, xây dựng dân quân. Hôm ấy đi vác gạo đến bờ sông Ba thì lộ. Trực thăng quần, định móc lên bắt sống cả bọn. Tôi nhảy xuống khe suối va vào đá, chết ngất. Tỉnh dậy, thấy nằm ở trạm quân y tiền phương. Gẫy xương đùi, mảnh đạn bây giờ còn nằm trong vai, tay này không giơ lên được. Anh trông tôi bước lê lê.
- Thế mà ra được tận ngoài này.
- Đâu chẳng đi được. Ra Bắc an dưỡng, nằm mấy tháng ở nhà dân trên Vĩnh Yên rồi tôi xin ra quân.
- Anh đi nghĩa vụ ở phố hay ở cơ quan?
- Nhà máy xe đạp.
- Sao không trở lại nhà máy?
- Chúng nó bảo tôi mới ở tổ hợp tác vào nhà máy, khi đi bộ đội chưa vào biên chế thì bây giờ nhà máy không phải nhận.
- Lạ nhỉ?
- Cần gì! Tôi lại ra vỉa hè chữa xe đạp. Công an đuổi, bực quá. Tôi thấy không ai dám đuổi công an, tôi vào bốt xin làm công an. Các ông ấy cho tôi xuống đây
- Đây là ban bảo vệ thôi, không có lương.
- Ban gì cũng cân. Cốt ngồi đầu đường chữa xe đạp không đứa nào dám đuổi là được rồi.
Tôi đùa vu vơ:
- Yên chí lớn!
Mẫn đi nửa buổi trở về với một cái xe đạp không có yên, không có xích - xe chỉ để dắt. Khung xe buộc hai cái vỏ phuy xăng, trong lỉnh kỉnh kìm, búa, lắc lê, lọ nhựa, mảnh sắt để vá chín, bó nan hoa. Đầu chiếc bơm xe đính cái hoa ni lông đỏ. Chất lên trên tất cả, một thùng gô có khoá, trong đựng, mọi thứ gia tài và quần áo. Mọi đồ chữa xe dở ra ngổn ngang vỉa hè. Các nhà trong phố đã biết anh phó ban bảo vệ mới, tối anh ngủ nhờ vỉa hè nhà có mái hiên.
Ngay tối hôm ấy, tôi với Mẫn lên đê sông Hồng. Báo động số mấy không biết.. nước đã vào lưng đê. Mùa kiệt mà nước lên, quái thật. Lối xuống bãi đã lấp, những chiếc xe lội nước của bộ đội đứng trấn đầu đê. Các tổ xung kích khối phố lên cắt canh từng quãng, đề phòng kẻ gian phá đê.
Hầu như ở mỗi gốc cây bên cột đèn điện buộc một con bò, những con bò người dưới bãì nuôi để kéo xe đã chạy nước lên đây. Bò đứng nhai thong thả một đống cỏ tươi. Một người đạp xe tới, hạ xuống cái thùng phuy, đổ ra một chậu đầy bia, vừa mua ở quầy. Con bò đứng uống bia, nó oàm oạp một hơi cả chậu, xem ra con bò khoái bia như người.
Tối hôm sau, tôi lại đi với tổ dân phòng lên đê. Báo động vừa được báo tin khẩn. Bởi không có báo động số 4, đến số 4 thì nước tràn đê vào phố rồi. Những ngấn đo nước 12m6, mà mặt bằng đê thành phố 13m50.
Mấp mé lắm, còn 90 phân nữa thì nước ngang mặt đê. Trông vào phố, vẫn êm ả như không. Những chiếc xe lội nước của bộ đội đứng im như cái gò đất. Con bò buộc gốc cây thong thả nhai cỏ, lại có ông bò với cái chậu bia, tiếng uống, tiếng thở oàm oạp. Hè phố bên, tôi mới nhận ra những dãy lều bạt của người dưới bãi chạy lên. Một đám cắt tiết những con ngỗng. Đằng kia đương mấy chỗ cạo lông lợn. Gà qué và lợn đem dưới bãi lên, phải chạy nước dài ngày, không nuôi nữa.
Trên trời, máy bay lên thẳng lấp ló ánh đèn bay tuần nước cả đêm.
Cuộc họp cuối năm sớm nhất để xin cứu tế cho người thiếu đói, kịp phát trước Tết. Kinh nghiệm lập danh sách cứ ghi cả chục người, trên cho ngữ từ hai đến bốn, nài thì được thêm một. Con số như thế, chọn ra bình bầu, cân nhắc, đã thống nhất thì viết tên và lý do túng đói rồi gửi lên. Kể ra người thiếu thốn khó khăn thì nhiều cả nút không biết hết. Bề ngoài, cũng chỉ thấy được bề ngoài, bởi vì ở phường phố đèn nhà ai nhà ấy rạng, lại là những nhà tứ chiếng ghép lại, khác ở trong làng xóm đã bao nhiêu đời thuộc nhau, cho nên cứ lên danh sách rộng ra rồi bàn, rồi trên cho thì vừa.
Có cô Đàng và Thắng tiểu khu cũng về họp, họp xong cán bộ Thắng đến nhà tôi, xuống bếp, có mấy con dao phay, dao rựa, anh cầm đi tất. Vài hôm sau đem trả, lưỡi con dao nào cũng sắc như nước. Tôi đùa: “Cứ thấy ông đến thu dao thì biết là sắp Tết. Ngày trước anh làm quân giới, phải không?”. Tôi hỏi tôn lên thôi, chứ tôi doán anh làm ở lò sát sinh vì để ý thấy dao phay, dao bàu mổ lợn được mài sắc hơn. Anh cười hì hì, không trả lời. Anh tên là Thắng, gọi là Thắng tiểu khu để khỏi lẫn với cụ Thắng điếc. Cô công an khối phố chưa bằng tuổi Đan Hà con gái lớn của chúng tôi Cô Đàng người Quảng Trị, bố cô hoạt động bên kia giới tuyến, vợ con được gửi sang Vĩnh Linh. Mẹ và các em còn bé, ra làm ruộng ở Nghệ An. Cô được học trường trung cấp công an, học xong ra Hà Nội tập sự. Phố tôi ít phức tạp, cô được về đây. Đến năm thống nhất, cô lấy chồng đồng hương, cùng ngành lại cùng quê, vợ chồng chuyển vào Tây Nguyên, nghe nói rồi công tác ở Đắc Lắc.
Trong số người phái cứu tế tôi đề nghị có Dương ban bảo vệ. Kể ra đưa tên người làm việc vào thì dễ bị nói mình lại chia phần cho mình, nhưng cả Đại cũng không phản đối, lại vun vào: “Công tác khối phố, cơm nhà vác tủ và hàng tổng, ông Dương thi cơm nhà cũng còn khó khăn, phải có cái cứu tế như cái thưởng cuối năm ấy mà". Cán bộ Thắng và cô Đàng không nói gì.
Năm nay, tôi thêm Mẫn. Mẫn từ chối ngay: “Chữa xe đạp cũng có ăn rồi. Khi nào đói thì tôi đem thẻ thương binh lên bộ Quốc Phòng, đừng lo cho tôi".
Chỉ một cụ Thắng năm nào cũng giơ tay: “Tôi có ý kiến. Tôi không đồng ý cứu tế anh Dương. Anh ấy đã làm ban bảo vệ, thế là cán bộ rồi". Cụ Thắng điếc ngồi họp câu được câu chăng, tuỳ cái máy nghe, nhưng cụ lại hay nói. Có lẽ cụ Thắng ngỡ Dương cũng đi làm cơ quan có lương. Mọi người đều bằng lòng đề nghị Dương, không ai để ý cụ Thắng phản đối. “Bàn với cụ điếc thì đến mai cũng không xong. Cho qua". Khi thấy xung quanh đứng lên, ý kiến mình vẫn treo lơ lửng hay giải quyết rồi không biết, cụ Thắng cũng chống gậy đứng lên.
Cụ Thắng về hưu, ở cơ quan nào tôi không hỏi. Thiệt thòi cái tai điếc đặc chứ cụ Thắng tích cực lắm.
Đương bàn mở lớp Bình dân Học vụ, cụ Thắng đã yêu cầu định ngày chiến dịch đánh chuột để cụ lên lịch đi lĩnh thuốc bả. Mọi việc cụ lo, cụ đều nóng nảy, sốt sắng. Tuy chưa khuya, nhưng cũng chẳng ai muốn nói đến chuyện chuột bọ vội, cụ Thắng cũng cất máy nghe vào túi xách, bước ra theo tôi.
Về nhà tôi, cụ Thắng lấy máy nghe đeo lên tai rồi hỏi tôi:
- Anh có biết anh Lệnh không, Trương Văn Lệnh.
Tôi ghé miệng, hét vào tai cụ Thắng:
- Tôi biết, tôi biết.
- Anh ấy mà còn sống thì tôi khác bây giừ rồi. Tôi vào Đồng Chi hội với Trương Văn Lệnh, tôi là đảng viên trước khi đảng ra đời. Thế mà bây giờ tay không. Tôi chẳng đi vào uẩn khúc. ở tuổi cụ, việc quen Trương Văn Lệnh có thể có. Không dưng, ai biết tên rõ ràng như thế được. Nhưng lan man từ ngày xưa trở về bây giờ, thế thì... Việc khu phố chỉ có tối mắt lại làm, làm mà thôi.
Có một người dân phòng vào gọi:
- Ông ơi! Có tiếng trẻ con khóc ngoài hồ. Đứa nào vứt trẻ con xuống hồ.
Mùa đông, chưa quá chín giờ, đã im ắng như khuya. Cụ Thắng thấy tôi đứng dậy, cụ lặng lẳng về. Tôi chạy ra cùng mấy người nữa. Cái tin ghê gớm quá, mà đứa vào gọi đã đi biến - nó sợ lôi thôi, hay nó đùa ác, hay lả nó trông ga hoá cuốc. Trên bờ đã lố nhố người. Mặt hồ mênh mang, sương buông mủ mịt, tôi cũng chợt nghe một tiếng e é như tiếng kêu chẹt chân, chẹt tay, rồi im. Làm sao lội ra được, trời rét thế này. Ai ra mượn thuyền đằng nhà thuyền. Một người chạy.
Giữa lúc ấy, tiếng Dương nói to:
- Kia kìa, trăng trắng kia kìa.
Thoáng gần ánh điện, bóng trăng trắng trên mặt nước thật. Dương đã lấy đâu được cái câu liêm. Dương men xuống bờ hồ cạn nước, gạt đưa được cát trăng trắng ấy vào, nó là cái nón trôi ngửa. Hai tay Dương bưng chiếc nón lên. Dưới chân cột đèn, nhìn rõ trong nón một cái thai cuộn mớ rẻ bê bết máu. Vừa còn khóc, chắc là tiếng kêu cuối cùng. Cái xác đã lạnh như hòn cuội. Nhiều người xúm lại. Người nào đã nhanh tay gài mấy nén hương lên chân cột đèn. Mùi hương ngai ngái, đã ra mùi hương đám ma.
Dương bảo Mẫn:
- Tôi cời được cái nón lên, thế là xong nhiệm vụ phần tôi. Bây giờ tôi đi báo công an tiểu khu.
Mẫn khẩn khoản:
- Tôi xéo vào xác thằng Mỹ, thế mà tôi hãi thây trẻ con. Anh Dương làm nốt, tôi đi báo công an.
Chẳng đợi Dương trả lời, Mẫn đi luôn. Dương chép miệng:
- Việc gì phải lôi thôi, cái thằng Mẫn bê quay thì làm chó gì. Cho tôi mượn xe đạp, tôi đem luôn cái này đi lên khu báo cáo rồi bỏ xuống nhà xác Bạch Mai. Sáng mai anh hỏi tiền bồi dưỡng công tác cho tôi.
Dương nói dễ như bỡn và rồi làm ngay. Chỉ bực Dương hay ganh tỵ, chỉn người khác giữa chỗ đông. ừ, cái thai cung như con chuột chết, như cục máu. Anh An dân phòng về dắt hộ cái xe đạ p của tôi ra cho Dương mượn, tay cầm thêm một bó hương đã cháy nghi ngút. Dương gói cả cái nón vào miếng ni lông rách, ai đã đem ra cho. Dương buộc cái gói, nịt vào dây cao su, với cả nắm hương đương cháy, nhảy lên đạp đi.
Người đã về cả, bờ hồ lại vắng lặng. Mặt nước sẫm như bóng tối, đôi chỗ ánh điện lung lay. Đã gần nửa đêm. Cái nón trên gói cục máu hon hỏn. Cái nón còn mới, nón của nó đội. Không biết đứa con gái ấy con cái nhà ai, phố nào.
Tự dưng tôi nhớ bài thư Cái thai hoang của Trần Huyền Trân và những chuyện buồn.
Tôi ít tuổi hơn Trân, nhưng một lứa hoạt động văn hoá cứu quốc ở Hà Nội thời kỳ chuẩn bị Tổng Khởi Nghĩa rồi được kết nạp vào Đảng ở những cơ quan khác nhau cùng quãng những năm 1945, 1946.
Cách mạng thành công, Trần Huyền Trân được phân công về sờ kiểm duyệt làm kiểm duyệt về sân khấu - Nguyễn Công Hoan thì báo chí, Như Phong văn thơ.
Chỗ làm và công việc vẫn giữ như tổ chức thời Tây, thời Nhật. Đến kháng chiến, Trân công tác về sân khấu, lên Việt Bắc phụ trách một đội kịch lưu động của Nha thông tin. Đội kịch đi diễn những đâu mấy tháng, khi trở về, Trân bị chi đảng ở Nha khai trừ đảng viên vì đã mất ba kỳ sinh hoạt. Trân giận dỗi, bỏ về với cơ quan văn nghệ bấy giờ đương ở Yên Dã ( hay Yên giã? ? ? ? ) huyện Đại Từ trên Thái Nguyên. Trong công tác sân khấu, Trân không ăn ý với Nguyễn Huy Tưởng, thường trực cơ quan.
Trân lại bỏ đi, lênh đênh đâu mất mấy năm. Tôi chỉ nghe tin Trân yếu phổi, bị ốm rồi về ở trong núi chỗ Đa Năng. Suối Đa Năng ngang giữa chặng đường Tuyên Quang sang Thái. Bên Tuyên xuôi Bình Ca đến bến Chương - để tránh máy bay, rồi vào cánh rừng Đa Năng. ở đấy có lối xuống Thiện Kế chân núi Tam Đảo, có đường rẽ vào châu Tự Do an toàn khu của Trung Uơng, thẳng thì qua Đèo Khế sang huyện Đại Từ đi Thái. Đa Năng, chặng dừng chân của lái buôn Tuyên - Thái, của cán bộ đi công tác, của những đoàn quân chủ lực lên Tây Bắc. Chiến dịch giải phóng Tây Bắc 1952, tôi theo Trung đoàn Thủ Đô xuất quân từ Kép Le ngoại ô thị xã Thái Nguyên qua Đèo Khế sang Đa Năng ra bến Bình Ca đi Yên Bái ngược sông Thao vào đèo Khau Vác xuống tấn công tiêu diệt tiểu khu Nghĩa Lộ.
Trần Huyền Trân ở phía trong Đa Năng, túp nhà tựa vách núi đá. Chỗ ấy cách dòng suối to hay ngọn sông Phó Đáy - cảnh xinh xinh như non bộ. Trân có cái tài làm cho chỗ ở thế nào ở đâu cũng gọn, cũng ưa mắt. Nhà tranh vách tre trúc, vườn cải, rau muống cạn ra bến đá. Sau này, Trân về ở Nam Đồng cũng vẫn cái nết đẹp ấy. Giữa phố phường huyên náo mà tựa như làng xóm, cửa sổ nhìn ra vườn, sau dậu trúc lưa thưa đưa lại mùi hoa sen, lá sen ở đầm nước xa xa. Những chậu cảnh, cây cảnh, cái ống bút, hòn đá chặn giấy trên bàn trông đều hay hay. Kim Lân cũng một tính đáng qui ấy. Mấy chục năm nay ở gian nhà như trong hang mà tề chỉnh lồng chim, cây cảnh đâu ra đấy. Kim Lân đùa triết lý: “Không chơi với người, nhát người thì vui thú con chim cây cảnh vậy".
Ngày ngày Trân ngồi câu bên suối, chỗ ấy tốt cá lắm. Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, sắp trở về, Lành giao cho tôi đi tìm một số văn nghệ sĩ không ở hẳn cơ quan nào, cùng về tiếp quản Hà Nội.
Tôi đã đến “thảo lư” ở Đa Năng của Trần Huyền Trân. Tâm sự ông Lã Vọng với cái cần câu thời thế. Nhưng chẳng thắc mắc gì, Trân đi ngay.
Trân đậm nghệ thuật chèo nhất. Có phải những nghĩ ngợi và tâm trạng mấy năm náu mình đã đưa Trân đến mê chèo. Về thành phố, Trân lo nghệ thuật của đoàn chèo Cổ Phong. Và cho đến cuối đời, dẫu có khi tham gia quản lý văn hoá văn nghệ thành phố miếng nghề của Trân vẫn là chèo..
Tôi có vở kịch nói Giáng Kiều - loại kịch tôi viết để đọc. Trân bảo để Trân chuyển thể sang chèo. Tôi đã xem chèo Thạch Sanh của Trân. Khi Trân dựng Giáng Kiều, đến đoạn kết, tôi không biết nói thế nào, dẫu không được như ý mà cũng không muốn nói. Tú Uyên đã lấy được Giáng Kiều, Trân thể hiện thực thà như đếm. Giáng Kiều khuyên can, nhưng Tú Uyên không bỏ được rượu. Giáng Kiều thất vọng, Giáng Kiều lên tiên rồi lại thương, lại trở về đoàn tụ.
Kịch tôi viết kết thúc khác. Tú Uyên được Giáng Kiều, nhưng Tú Uyên không hiểu được Giáng Kiều chính là lý tưởng của mình. Thế là Giáng Kiều bỏ đi. Có lý tưởng nhưng tâm hồn ta thấp hèn thì lý tưởng cũng bay mất.
ở rạp Đại Nam, băng quảng cáo Tú Uyên- Giáng Kíều, tôi bảo Trân đừng đề tên tôi cùng tác giả - Trân đã đề quảng cáo. Vì ngay cách Trân đưa tên Tú Uyên sóng đôi với Giáng Kiều đã làm xa thêm Giáng Kiều của tôi rồi. Bên hàng rượu bà quán 73 cạnh rạp Đại Nam, Hoàng Trung Thông đương gật gù rượu suông với tôi Thông nói như vừa nghe sang rạp: “Chúng ông uống đây mà rạp hát bên kia tường chúng nó đương chửi những thằng uống rượu. Hay! Hay! ”. Thông không xem và không biết trong kịch những bợm rượu của tôi chỉ là cái cớ. Tôi bảo Thông: - Không, người ta không chửi đứa uống rượu. Thông hỏi: Thế chửi đứa nào? Tôi nâng chén lảng chuyện khác. Bởi không phải Thông hỏi thế rồi sang ngay rạp xem sân khấu chửi ai. Còn Trân thì lận đận và thôi hăng hái đã lâu rồi.
Trân viết theo góp ý và có khi Trân không nghe ra. Hay nghe ra mà mỏi tay, không để tâm viết lại. Vả chăng, xưa kia, dẫu Trần Huyền Trân đã viết nhiều câu thơ rất hay về rượu với Tản Đâ, nhưng Trân cũng không phải những hũ rượu như Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Đinh Hùng.
Năm 1957, thành lập hội Sân khấu Việt Nam. Trân vào thường vụ được cử phụ trách tuần báo Sân Khấu, ra được vài số. Phải khi xảy ra Nhân Văn, Trân chẳng bận bịu đến, nhưng đòn hội chợ đương được đà, Trân cũng tai bay vạ gió. Tờ Sân Khấu không tên không tuổi bị chết bất đắc kỳ tử. Trân cứ mờ dần, ngụp dần, khô héo đi, chỉ còn áo quần tuy giản dị, nhưng bao giờ cũng trang nhã.
Trân đã gõ nhiều cửa xin phục hồi đảng tịch. Xung quanh khối người lầm lỗi bề bề, mà lấp liếm, dối trá, khéo ăn khéo nói họ đã được trở lại. Tôi cũng đã xác nhận giúp Trân nhiều lần. Mãi chẳng được, đến độ Trân không muốn nhớ, muốn nhờ nữa. Chỉ có cái lỗi hai ba kỳ không sinh hoạt chi bộ, mà việc xảy ra đã ba bốn năm rồi và từ ngày ấy vẫn công tác, vân hoạt động mà không được trở lại đang. Người rầu rĩ, càng âm thầm mãi đi.
Nhưng dù cố quên, thì số phận cứ đeo đuồi, cứ hành hạ. Trong nghệ thuật, anh chỉ buộc tội to nhất đến nhân vật bị ma men ám ảnh, thi trong đời, sấm sét đã khủng bố cả thân phận, cả hình hài anh.
Anh chị đông con, có một con gái học khá, được ra nước ngoài học cao học. Cháu đã yêu một thanh niên nước ấy. Một năm nghỉ hè, nó về Hà Nội, có ý ướm hỏi gia đình, nhưng xem ra bố mẹ không đậm.
Hồi ấy dan díu với người nước ngoài còn là cái xấu, cái lo lắm. Chúng nó cạn nghĩ thế nào mà khi trở lại bên Hung, con bé đã quyên sinh vào ngày sinh nhật, ngày cha mẹ đẻ ra nó. Thằng kia cũng đem cái chết của mình để tạ lòng người yêu, chết luôn. Cái lọ đựng tro đứa con gái được gửi về, anh chôn dưới chân giường ở Nam Đồng. Một hôm, nhà cháy. Chẳng biết có bới được lọ tro khốn nạn ấy không. Chỉ có mẹ Trân, bà lão thọ cả trăm tuổi ngồi tính từng ngày, đợi cháu, hỏi bao giờ cháu về.
Trân lâm bệnh hiểm nghèo rồi mất. Những tháng ngày cuối cùng của anh, tôi không dám vào thăm. Nhìn trong hố mắt đen xạm nước mắt rỉ ra tôi không thể nhìn, tôi không nỡ dày vò tâm tư anh khổ cực đến thế. Bệnh hoại thư đã lấy của anh mất hai bàn chân, rồi đầu gối, rồi dỡ đến cả xương đùi, anh chỉ ngồi lên được giữa cái săm ô tô.
Lê Quang Đạo đến nhà viếng Trân. Bí thư ban cán sự đảng thành phố thời bí mật trong bóng tối đã từng qua lại cái lều vó bè cúa mẹ Trân ở Cống Trắng. Trong mái tranh, Trân đã cất những tờ báo Cứu Quốc, báo Cờ Giải Phóng. Nhớ cái tình của người đồng chí thuở ấy, nhựng mấy ai thấu được cuộc đời Trân trầm luân đến thế.
Tôi thơ thẩn bên hồ đến mãi khuya. Những trang đời cũ mờ mờ trên mặt hồ sương, hay là mưa, trong mưa còn cái bóng trăng trắng trôi bài thơ Cái thai hoang.
Hôm sau, cô Đàng đến hỏi: “Tối hôm qua có đứa trẻ con bị vứt xuống hồ, hả bác?”. Cô Đàng trên tiểu khu xuống hỏi, thế là Dương không đi đến nơi rồi. Dương vứt cái xác vào đâu. Tôi bảo cô Đàng:
- Đồng chí Dương đã lên trình khu. Cái thai chết ngoài hồ từ lâu.
Cô công an mở sổ ghi sự việc. Một chốc, Dương đem trả xe đạp, khuyết mất ba cái nan hoa. Tôi hỏi:
- Đêm qua trình công an chưa?
- Tôi trình ngay rồi. Anh nhận tiền bồi dưỡng cho tôi không có thì anh cho mấy chữ, tôi lên lấy.
Mẫn lắp cho tôi nan hoa mới. Mẫn bảo:
- Cái thằng tù sổng chỉnh tôi là bê quay sợ xác chết, là thẻ thương binh giả, còn nó...
Đứa nào đã hớt lẻo với Mẫn rồi. Tôi nói:
- Đâu có!
- Nó nói chỗ gốc cây, anh đứng đấy. Thằng tù sổng, tôi sẽ truy giấy tờ bắt nó đi tù thật mới được.
Mẫn đã chữa xong. Mẫn nhảy lên, đạp đi thử một vòng rồi cúi xuống bơm dầu vào xích..
- Tôi sợ cả chuột chết. Cũng khỉ thật. Hôm lên đê chôn chuột chết bả, tôi nhường cho thằng Dương đi đào hố. Anh tưởng tôi làm thế để giúp cho một mình thằng Dương được nhận mấy xuất bồi dưỡng. Không, tôi ghê chuột chết. Cái thằng tù sổng, tôi phải làm cho ra nhẽ, nó không yên được với tôi.
- Thôi, đoàn kết làm việc.
- Tôi không đoàn kết với thằng phản động.
- Được rồi.
ở cơ sở, tất tật mọi việc lại dội xuống, thuế nhà đất tiêm phòng dịch, dẹp hàng rong, bộ mặt xã hội và cuộc sống thu nhỏ trong tổ dân phố. Tôi hay nói được rồi", “yên trí", “để đấy", nói nhiều quen miệng. Mai rồi mai lại việc khác đè lên. Không quên, mà gác lại Chẳng làm thì rồi cũng tới, cũng xong, không dở dang, cứ đưa đẩy, chống chế. Công việc cao su đã thành thói quen và cứ thế, cứ thế, ngày tháng qua.
Làm đảng uỷ, lại công tác thường trực. Hà Nội mời giúp, tôi giữ một chân ở hội Văn Nghệ và, với cơ cấu ban ngành của thành phố, tôi phó chủ tịch Mặt Trận phụ trách văn xã (đến tận bây giờ 1997) và tôi uỷ viên hội đồng nhân dân. Các công việc cứ đi thành luồng chẳng bận vướng nhau. Cuối năm, đoàn kiểm tra văn xã của Mặt Trận, ban Nếp Sống Mới đi xem xét tĩnh hình lễ bái, mê tín. Tôi làm mọi việc, có ý nghĩ như tôi đọc sách.
Sang giêng, mở lớp học chữ quốc ngữ. Không bỡ ngỡ, tôi đã mấy năm chăn các lớp truyền bá ở quê.
Chỉ khác thời Tây thì làm dấm dúi, bây giờ thành phố cấp không cho học viên giấy bút, biết chữ rồi mở thêm lớp chống tái mù. Cụ Thắng là giáo viên, là trưởng ban, là cổ động viên đi gọi học từng nhà. Bàn ghế và tiền điện, lớp ngay ở trụ sở, không phải đi quyên đồng nào. Mẫn bảo tôi bắt Dương học lớp tái mù. Dương chỉ biết vạch một chữ ký, không biết đọc, đích xác thế.
Mẫn nói Dương là ban bảo vệ, Dương phải học. Dương lắc đầu:
- Tôi không xấu hổ đâu, dốt thì tôi đi học. Nhưng bận quá, việc tư việc công vắt lên cổ, học không nhớ nữa. Thôi thì có bằng nào chữ thì phục vụ bằng nấy.
Người đến học ngồi kín chỗ, lại còn người ngấp nghé đứng ngoài. Hai lớp mới đủ, lại thêm lớp ở trụ sở dân phòng, đèn điện bắc ra cả vỉa hè. Tôi lên lĩnh bút giấy về phát cho học sinh, buổi đầu tiên cũng là khai giảng.
Cả mấy chục người hai lớp mờ cùng một lúc. Mỗi người nhận tập giấy, cái bút quản gỗ có ngòi, lọ mực xanh Cửu Long, như trẻ con đi học. Các bà các chị, người ở nhà, người chạy chợ, ông phó may, ông thợ cúp, người khuân vác ngoài ga... Rồi đến hôm bế mạc mà còn chục người đã là kết quả. Lớp truyền bá ngày trước cũng thế, không thể giữ đầu voi, nhưng được cái đuôi chuột đã quí. Tôi đã nghĩ trước thế, sao cũng lắm người mù chữ nhỉ?
Tôi phát biểu khai mạc. Nhìn mặt nhiều vị mọi khi đi họp thế mà hoá ra không biết chữ. Chỉ được cái bẻm mép tán gẫu. Người ta nhận xét tôi kỹ lưỡng đến tức cười. “Lúc ông ấy nói, ông ấy có cái gân nói nối với gân chân, cứ đương nói lại nhấc một bên gót.
“Các bà để ý mà xem". Bà xe gạo nói oang oang thế lúc đợi khai giảng. Tôi cũng để ý tật tôi. Quả là khi nói, chốc chốc tôi lại nhấc một bên gót chân. Tôi đương đứng nói. Bỗng “choang” một tiếng, vỡ cái bóng điện tối om. Nhớp nháp trên trán, tôi sờ thấy ươn ướt, nhưng ngửi không tanh, không phải chảy máu.
Chánh phó bảo vệ chạy sục vào trong ngõ. Có người lấy ngay cái bóng đèn ra cho mượn. Mẫn về nói:
- Một thằng vọt ra phố ngoài.
Dương hoảng hốt: “Quân phản động phá hoại... Anh có làm sao không?”. Tôi cúi nhặt được nửa quả mõ ném vào mặt tôi. Quả mõ đã chín nát nhoe nhoét, trơ cái hạt cứng. Trán tôi sưng bằng quả ổi. May. Nếu nh ích xuống một tý nữa thì trúng vào mắt. Về nhà, vợ hỏi, tôi bảo: "Điện tắt, đi vấp trán vào tường".
Ai ném, đứa lưu manh ngứa tay hay đứa phá lớp, để nó khỏi phải đi học, nó uất ức thù hằn tôi hay người nào, đoán già đoán non cũng không ra được căn do. Tôi chỉ lạ quanh đây không có cây mõ, phải lên tận bờ hồ Hoàn Kiếm, cạnh chỗ mấy cây lộc vừng mới có mỗi một cây mõ cổ thụ, mà chắc cũng ít người biết đấy là cây mõ, cây rừng.
Những lớp học bình dân mở ra vẫn kĩu kịt mỗi năm một kỳ thi tốt nghiệp. Quả là về sau vắng nhiều, nhưng cũng đến dạo báo động có máy bay Mỹ ngày nào cũng vào trinh sát thành phố, các nhà hát, rạp xiếc bị cấm tụ tập, các lớp mới nghỉ học.