ở trường về, tôi lại được bầu vào ban chấp hành đảng bộ, lại tiếp tục như đã làm hai năm trước khi đi học. Đã sát nhập Đảng đoàn Văn hoá và Văn nghệ.
Về Đảng bộ, đã thành lập Đảng bộ Văn hoá Văn nghệ. Bí thư Hà Huy Giáp, chịu trách nhiệm chung, phó bí thư tôi nắm khu vực các hội văn học nghệ thuật.
Một đợt nghiên cứu học tập về bảo vệ Đảng. Yêu cầu là xem xét và đấu tranh đưa ra khỏi Đảng những trường hợp đảng viên phức tạp về chính trị và lịch sử. Trên bàn tôi, những đệp lý lịch xếp từng chồng, tôi đọc, tôi đọc, tôi đọc...
Đã bao nhiêu năm, những quyển lý lịch đảng viên, chẳng mấy khi không có trong cặp, trên bàn. Mỗi bản một đời hoạt động, nhiều lần phải đọc vì những yêu cầu công tác khác nhau. Tất cả đều viết tay và tự khai.
Có thể trông vào đấy thấy ra được biết được thời sự chính trị và quãng đời từng người nhưng chịu không thể biết sự thật được tôn trọng đến đâu - nếu coi mỗi bản lý lịch phải trải qua cuộc đấu tranh vì sự thực viết ra. Quen tay viết, cứ nhà nho thì “nhà nho nghèo”, trung nông thì “trung nông lớp dưới”, địa chủ thì “địa chủ nhỏ”, mà những chữ nghèo, dưới, nhỏ đều không phải những danh từ có vị trí trong lý lịch về ngôi thứ xã hội, theo cách viết hành chính, luật pháp và khoa học. Khi chuyển cơ quan trên Việt Bắc về, xem lại các quyển lý lịch, hầu hết đều thiếu. Không phải thiếu sổ cái, mà mất những bản kiểm điểm khi chỉnh huấn, khi đi cải cách ruộng đất, những bản tự sỉ vả nặng hết cỡ. Chẳng biết các vị chủ lý lịch đã rút trộm ra từ lúc nào. Nhưng tôi thì còn nhớ, vẫn nhớ, cứ nhớ...
Một hôm, một cán bộ ban tổ chức Trung ương đến.
Anh đã luống tuổi, gày yếu, mặt xạm màu sốt rét kinh niên. Anh quê ở dưới làng Sét. Anh nói:
- Tôi trao đổi với anh về vấn đề hoạ sĩ Phan Kế An.
Rồi anh trình bày:
- Trên ban phụ trách vấn đề này. Đã gặp anh An nhiều lần, có bản kiểm điểm, có hồ sơ về những sai phạm của anh ấy. Nhưng khai trừ một đảng viên thì do chi bộ cơ sở quyết định. Đảng uỷ các đồng chí có trách nhiệm nghiên cứu tài liệu rồi thuyết phục chi bộ hội Mỹ Thuật, chi bộ này sẽ khai hội thảo luận rồi biểu quyết. Tài liệu và hồ sơ này tuyệt mật, chỉ đảng uỷ được đọc rồi phổ biến lại ở chi bộ.
- Tôi sẽ làm như thế!
Tôi cứ “vâng ạ” và “làm như thế", nhưng khách đi rồi mà còn chưa nghĩ ra thế nào. Việc khó khăn phải làm, thế nào cũng phải làm. Những khi bối rối tôi hay nghĩ ra và nhớ lại mênh mang mờ mịt thời còn trẻ con, tôi nằm ngửa trên gò cỏ Mũ Đồng Cân, nhìn lên trời giữa cánh đồng. Đứa nào bịt mắt tôi, à tôi đưong chơi trò bịt mắt bắt dê, mở rnắt ra thì trông thấy An, à thằng này vừa bịt mắt tao, không phải, tôi đương nghĩ cách giải quyết, tôi muốn chạy trốn mà không chạy nổi, không chạy được. Những việc xảy ra quanh chuyện Hoàng Minh Chính đã qua, tôi chỉ nghe loáng thoáng và cũng không tò mò. Chỉ để ý không có ai giới văn nghệ dính líu thì tôi nghĩ Hoàng Minh Chính có kinh nghiệm hoạt động, về mặt nào đó, bọn này đã móc nối các người làm báo, đài, thông tấn cơ động hơn. Tôi không quen Hoàng Minh Chính nhưng đã có lần nghe nói chuyện về trận tập kích sân bay Gia Lâm sau đêm 19 tháng mười hai 1946 và ở trường Nguyễn ái Quốc vừa rồi, Hoàng Minh Chính đến nói về triết học.
Nhưng Phan Kế An không liên can gì tới Hoàng Minh Chính. Không, An đã tu nghiệp mỹ thuật ở Lêningrat. An thân với nhà văn Marian Tkachôp, Marian cũng là bạn tôi, dịch nhiều quyển của tôi.
Tập hồ sơ là bản ghi những lời An đã báo cáo trình bày với ban Tổ chức các cuộc trò chuyện mỗi lần đến sứ quán Liên Xô gặp người công sứ, ông này là Pôgôđin hay Bôchep, tôi quên tên, ông ta có cái đầu bẹp dáng người Trung á. Mỗi dịp gặp tôi ông thường đùa kêu lên một câu tiếng Việt: “ối giời ôi, một trăm năm nay mới lại được bắt tay ông". Triều đại Goocbachôp, đọc báo thấy ông ta làm đại sứ bên Lào.
Tôi đi báo cáo và xin ý kiến bí thư Hà Huy Giáp.
Anh Giáp hỏi lại tôi thấy thế nào, tôi nói tôi chẳng biết làm thế nào và ngại làm. Anh Giáp chịu trách nhiệm của Đáng mọi mặt bên bộ Văn Hoá, lại trực tiếp làm bí thư Đảng đoàn và Đảng bộ cả bộ Văn Hoá và hội Văn Nghệ. Công tác nhiều và nặng, nhưng làm việc với anh Giáp, tôi thấy thoải mái dễ chịu. Tôi thường tự động làm đỡ anh những việc trong phạm vi tôi cũng có trách nhiệm. Sự gần gũi anh cứ như là tự nhiên đã cho tôi ý thức làm việc thế. Một buổi tối đi tản bộ bên hồ Thiền Cuông, tôi kể anh nghe ở Mông Cổ, tôi gặp cái cô ấy lấy chồng Mông Cổ, cô chửi chồng như hát, khiếp quá. Anh Giáp bảo: “Cô ấy tên là... phải không? Tôi biết rồi. Cô này ngủ với chồng, thằng chồng không làm hạ được cơn nó, nó xé cả quần, thế còn khiếp hơn".
Nhưng không phải anh chỉ tiếu lâm, trong đợt học tập này cũng như việc Phan Kế An, anh Giáp chỉ nói một câu mà tôi luận ra mọi công việc:
- Kế hoạch chung anh cứ làm rồi trao đổi với tôi, trao đổi chứ không phải đợi ý kiến tôi. Có điều, một điều thôi, cái gì khó hãy nên gặp tôi.
Miên man đọc tài liệu và đương nghĩ tới cuộc họp chi bộ hội Mỹ Thuật. Đọc những cái ma quỷ này vào lúc đêm khuya ngày rạng gà gáy phảng phất tiếng trẻ hờn, dường như có bóng thằng ba đầu sáu tay Phạm Nhan hiện về trong bụi cúc tần bên kia bờ ao, những sự việc và những sắp xếp ai oán lo toan, may ra mới hiện lên được. Dường như đã sang canh. Những con chim lợn không biết mới bay ra hay đã đi ăn đêm về tiếng kêu éc éc rời rạc mỗi quãng rơi một tiếng rùng rợn. Tôi đã nghe tiếng ấy quanh năm hay là bây giờ, đêm nay thành phố chỉ còn thảm thiết ngang trời tiếng chim lợn. Xung quanh ngoài thành chẳng còn mấy mặt hồ nước, những đàn con giang con sếu trú đông về không đỗ xuống đây nữa mà những tiếng kít kít gọi nhau rẽ lên hồ thuỷ điện, hồ Suối Hai, hồ Núi Cốc trên kia.
Tôi mở đến một văn bản. Cuộc trò chuyện hôm ấy về tình hình văn học nghệ thuật Việt Nam. Câu hỏi là: theo ý đồng chí Phan Kế An, ai bây giờ có thể lãnh đạo văn nghệ Việt Nam. An trả lời: có thể là Nguyễn Tuân, là Tô Hoài.
Tôi nhìn trân trân những hàng chữ đánh máy đương bò ra ngoài tờ giấy dưới ánh đèn. Tôi gấp cái tập ấy lại, rồi đi nằm.
Chi bộ hội Mỹ Thuật có bảy đảng viên. Vào họp, tôi tóm tắt những cái đã đọc ở hồ sơ rồi hướng gợi ý những sai phạm như thế thì không thể kỷ luật nào khác là khai trừ ra khỏi hàng ngũ đảng. Mọi người yên lặng một lúc lâu. Vài ý kiến lẻ tẻ. Tôi cũng không sốt ruột, không mong đợi gì. Hoạ sĩ Huỳnh Văn Gấm đứng lên nói: “Những khuyết điểm ấy là nặng, vi phạm điều lệ đảng và tư cách đảng viên. Nhưng đồng chí ấy làm cái sai ở đâu đâu, không ở chi bộ này. Hôm nay nghe tôi mới biết. Tôi không thể có thái độ thế nào được".
Buổi họp có bí thư đảng uỷ Hà Huy Giáp và anh cán bộ trên Ban quê ở đầm Sét. Không ai nói. Mọi người cũng như tôi, chứng kiến cuộc họp rời rạc quần nhau trong tưởng tượng.
Lúc biểu quyết, Huỳnh Văn Gấm đứng lên. Gấm đứng yên nhìn mỗi người, nhìn An. Nhưng Gấm không giơ tay. An nói câu sau cùng, anh thấy “tôi không có khuyết điểm. Ngày mai, ngày mai, thời gian sẽ ủng hộ tôi".
Trong vài cuộc chè chén, đôi khi tôi đi với An. Không khi nào ai nhắc lại hôm ấy. Nhưng tôi vẫn nhớ một chuyện vẩn vơ. Mùi Cá kể với tôi: “Cái ông nhà văn Liên Xô này ghê lắm, đã đưa Thanh Tịnh đem các thứ đồng hồ và vải cho vợ Lê Vinh Quốc, Văn Doãn, ông ấy cho Phan Kế An một cái chân vịt to lắm bằng cao su. Chân vịt để làm gì, anh biết không? - Chân vịt để đi bể lắp vào chân, bơi khoẻ hơn. Mùi lặng im, rồì nói: “Hay nhỉ". Vừa lấy làm lạ, vừa như lại chưa tin câu cắt nghĩa của tôi.
Tôi cũng hay trông thấy anh cán bộ tổ chức quê ở đầm Sét, buổi chiều anh ấy đạp xe qua phố Huế, chắc tan giờ, anh về nhà. Anh ấy làm như không nhìn thấy tôi. Tôi chắc anh đã nhìn thấy vì xe tôi lướt trước mặt. Một năm, tôi nghỉ trên đầm Vạc ở Vĩnh Yên. Giáp mặt, tôi chào, anh ấy đáp lại cẩn thận, nhưng như là không nhớ tôi và cũng không hỏi.
Lần này tôi nghĩ anh đã quên tôi thật. Mặt anh mọi khi mai mái bây giờ đổi màu vàng bủng, màu ốm.
Hai con mắt người bệnh nặng cứ thờ ơ thế nào. Có thể không phải không biết, mà không biết thật. Dẫu cho tâm trạng mỗi người mỗi khác, nhưng về việc này chắc cũng giống nhau. Nghiên cứu bảo vệ đảng, thực hiện có việc lớn việc nhỏ, nhưng việc nhỏ nhất cũng liên quan tới cuộc sống và tinh thần mỗi ngưòi. Tôi chắc là anh cũng như tôi mỗi khi nhớ còn áy náy về cuộc họp chi bộ hôm ấy.
Anh Nam trong Nam tập kết ra, làm ở hành chính. Anh người Bắc, nói là đi kháng chiến ở Sài Gòn. Nam công tác năng nổ, được bầu vào chi uỷ. Nhưng Nam hay chim chuột léng téng lăng nhăng. Xem lại giấy tờ khi mới nhận về, chỉ có một giấy giới thiệu chung cả chục người. Tên ai cũng đánh máy là đồng chí, đồng chí thì tự nhiên được hiểu là đảng viên. Bây giờ lòi ra không phải đảng viên thì lại nghi quá, có thể. không phải anh tập kết. Rồi Nam biến mất trước khi bị kỷ luật thế nào. Có người gặp ngoài phố, nghe nói bây giờ Nam đi buôn tem phiếu. Hay là thật anh ấy ở đâu chui vào cơ quan?
Phong trào bảo vệ Đảng được phát động rộng khắp các đỉa phương và các cơ quan, lại kêu gọi mọi người cung cấp tài liệu, ai thấy ai thế nào thì cứ phát hiện, bất kể có biết người bị tố giác, có phải là đảng viên hay không. Có hai cái thư gửi đến tố cáo nhà viết kịch Thế Lữ và nhà thơ Quang Dũng là quốc dân đảng thời kỳ phản động. Thư kể chi tiết, người viết đã có tuổi ký tên và ghi địa chỉ, cam đoan chịu trách nhiệm về những việc đã kể. Vậy phải xem xét kỹ lưỡng, có khi còn phải trả lời, dù các anh Thế Lữ và Quang Dũng không là đảng viên:
Tôi đến hội Sân kháu và nhà xuất bản Văn Học mượn hồ sơ lý lịch của các anh ấy. Không có gì khó khăn, trong lý lịch, Thế Lữ và Quang Dũng đã viết ra những việc tưởng là bí mật chỉ có người tố cáo biết, một cách đầy đủ và rõ ràng đầu đuôi.
Năm 1946, Thế Lữ với đoàn kịch Anh Vũ ở Hà Nội biểu diễn qua các tỉnh vào tới Quảng Nam rồi trở ra. Đến Quảng Nam giữa khi Chính Phủ ta ký tạm ước 6/3 với Chính phủ Pháp, trong nhân dân có người không đồng tình, nói nặng là Việt Minh ký giấy bán nước cho Pháp. Quảng Nam đương là nơi Quốc dân đảng công khai chống đối. Đoàn kịch nói Anh Vũ trở ra đến Thanh Hoá, đêm biểu diễn ở thị xã có một tiểu phẩm về tạm ước 6/3 mà dư luận nói là vở kịch phản động. Công an Thanh Hoá định bắt đoàn kịch. Nhưng cả đoàn đã thoát được lên tàu hoả. Thế Lữ chạy vào trụ sở Việt Nam quốc dân đảng ở thị xã mà thủ lĩnh bấy giờ là nhà văn Tchya Đái Đức Tuấn. ở đấy, Thế Lữ viết thư về Hà Nội cho anh Hoàng Hữu Nam, thứ trưởng bộ Nội Vụ. Anh Hoàng Hữu Nam đã can thiệp. Thế Lữ trở ra được Hà Nội. Thư tố cáo cũng không có gì khác hơn những điều trong lý lịch Thế Lữ. Tôi báo cáo anh Hà Huy Giáp rồi xếp hồ sơ lại.
Những năm đầu 1940, Quang Dũng giang hồ phiêu bạt đến Liễu Châu. ở Liễu Châu, Quang Dũng gặp Nguyễn Tường Tam thủ lĩnh đảng Đại Việt Dân Chính. Quang Dũng không biết về đảng phái, nhưng Quang Dũng yêu văn Nhất Linh với hình ảnh nhân vật Dũng cách mạng phong trần dọc đường gió bụi trong các tiểu thuyết Đoạn tuyệt và Bướm trắng, bởi Quang Dũng cũng đương phiêu lưu bắt chước các nhân vật ấy. Nhưng chỉ ít lâu, Quang Dũng nhìn tỏ mặt thật của họ. Những mưu đồ ám hại lén lút và Nhất Linh bố đẻ nhân vật Dũng nghiện rượu, say rượu, cứ sáng sớm ông Nhất Linh đã phải một cốc to rượu trắng mới đã. Quang Dũng vỡ mộng, lại lang thang rồi trở về Hà Nội. Cách mạng Tháng Tám, Quang Dũng vào quân đội, Quang Dũng được tuyển học sinh quân trường võ bị Trần Quốc Tuấn trên Sơn Tây.
Rồi đi vào kháng chiến toàn quốc, năm 1951 thì ra quân, rồi hoà bình lập lại, anh đương dạy học ở phố chợ Rừng Thông trong Thanh Hoá thì Vĩnh Mai chánh văn phòng hội Văn nghệ, được đi tuyển người, Vĩnh Mai đưa Quang Dũng, Hữu Loan, Thanh Châu ra làm biên tập báo của hội. Quang Dũng ghi lại vắn tắt nhưng rõ ràng như tôi vừa kể trên. Cơ nhỡ và chìm nổi biết bao những nhận đường tìm đường của thanh niên trên bước đi của cuộc đời và của lịch sử. Việc Quang Dũng cũng được xếp lại.
Trường hợp Đồ Phồn và Nguyễn Đình Lạp thì phải đợi ý kiến trên lâu hơn. Nguyễn Đình Lạp đã mất bệnh trong kháng chiến nhưng vì đây là vấn đề lịch sử, thế nào thì cũng phải xem lại các nhà văn này trước kia cộng tác với nhà xuất bản Hàn Thuyên có khuynh hướng tờ-rốt-kít. Nhưng nhà Hàn Thuyên không phải một nhóm, một đảng chính trị hoạt động công khai hay bí mật. Có tư tưởng hay hoạt động tờ-rốt-kít do cá nhân mỗi người. Các anh ấy về sau, đến thời kỳ trước Tổng khởi nghĩa khuynh hướng mỗi người càng phân tán. Có người đi vâo hành động. Có người chỉ “cách mạng thường trực” ở miệng. Có người theo học thuyết khác. Có người vào đoàn thể Việt Minh. Và nhiều người cộng tác với Hàn Thuyên chỉ in sách. Như Đặng Thai Mai, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đổng Chi. Hôm tôi nói lại với Đồ Phồn việc kiểm tra đã xong, Đồ Phồn cảm động, trịnh trọng bắt tay tôi. Nhưng tôi lại đùa nhả một câu không phải lúc, tôi bảo: “Ông thì cũng là bần cố nông tờ-rốt-kít ấy mà". Đồ Phồn chau mày, nói: “Không, không phải thế".
Trường hợp nhà thơ Trịnh Đường thì thời sự và rắc rối. Trong lý lịch, Trịnh Đường viết rõ như tự thuật: bản thân làm bang tá, là địa chủ. 1945, vào Việt Nam Quốc dân đảng ở Quảng Nam, phụ trách quân sự huyện Duy Xuyên. Ba năm sau, vào đảng Lao Động, hoạt động và sáng tác văn nghệ phục vụ kháng chiến. Trong một đợt Liên khu Năm học tập bảo vệ Đảng, những điểm trên của lý lịch được đem ra phân tích, chi bộ biểu quyết đưa ra khỏi Đảng. Giữa khi ấy là cuộc tập kết chuyển quân ra Bắc. Sự định đoạt về biểu quyết của chi bộ cũng được Khu uỷ đưa ra theo.
Bắt đầu đợt sinh hoạt này, Trịnh Đường không đi họp chi bộ. Có thể anh đã thấy được mục đích của đợt nghiên cứu. Nhưng tôi thì cứ phải thu thập việc và con số. Tôi đến báo Văn Nghệ gặp Trịnh Đường. Tôi hỏi anh:
- Ra tạp kết, chi bộ nào giới thiệu anh trở lại sinh hoạt đảng?
- Tôi được tập trung và chỉnh huấn ở Chèm.
- Anh có nhờ người giới thiệu không?
- Một đồng chí người đẫy đà, tôi quên tên.
Anh trả lời miễn cưỡng, thờ ơ. Chi bộ đã biểu quyết cho Trịnh Đường thôi sinh hoạt Đảng. Không khai trừ mà cho thôi, như là nhạt đảng. Mà anh đã tự ý bỏ sinh hoạt từ trước. ở khu vực văn nghệ, cũng đã kỷ luật “cho thôi sinh hoạt đảng” các trường hợp Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên...
Có một đảng viên trước kia đã bị án nặng về hủ hoá. Đến cuộc học này, chắc anh ngại có thể cái tội cũ lại bị lôi ra. Anh đã đề nghị đi vào tuyến lửa mặt trận mấy tháng. Tôi định đợi anh ấy về, làm cho xong trường hợp của anh rồi viết báo cáo tổng kết nhân thể.
Bí thư Hà Huy Giáp nói:
- Anh không nhớ à, đợt này chỉ tập trung giải quyết vấn đề chính trị, không đụng đến các mặt khác. Thôi, anh cứ làm tổng kết...
Nhưng rồi anh ấy đã trở về cơ quan, lúc ấy tôi cũng chưa đốc thúc xong được sơ kết ở các chi bộ, mà báo cáo thì vẫn còn để đấy. Tôi hay đận đà, việc đã ôm đồm lại cứ nước đến chân mới nhảy. Tôi cũng không phải gặp anh ấy. Anh không ngờ đợt hợc tập ở cơ quan kéo dài quá, nhưng thế là anh đã thoát nạn, đợt này không truy tội hủ hoá và chắc anh đã biết từ hôm mới về rồi.
Thế mà đến lúc định viết, lại chưa viết được. Lại chuyện bất thường. Nhận được một thư, mở ra thì là một cái đơn viết tay trên đầu tờ giấy đề hàng chữ:
Đơn tự tố cáo của Nguyễn Hải Trừng. Việc trình bày đại ý là trong dịp học tập bảo vệ Đảng này, tôi thành khấn bộc lộ thời kỳ Mặt trận Dân chủ 1938 ở Sài Gòn tôi đã sinh hoạt trong một tổ chức phản động là Quốc Dân đảng. Tồ phản động này gồm ba người là: Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Hải Trừng. Mai Văn Bộ đương là đại sứ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Pari. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước thì ở chiến trường B phụ trách văn hoá văn nghệ miền Nam. Việc quan trọng và ghê gớm quá. Tôi đi gặp ngay bí thư. Anh Hà Huy Giáp bảo tôi:
- Anh đừng lo. Việc này tôi cũng có thể chứng nhận và giải quyết được. Trước hết, xem. xét tự cách và nhân thân anh Nguyễn Hải Trừng đã. Nhưng anh cứ gửi đơn này lên tổ chức, rồi tôi sẽ lên trình bày.
Mấy hôm, Ban tổ chức có người xuống, nói:
- Ban đã nhận được thư này.
- Chúng tôi sẽ làm thế nào?
- Lưu hồ sơ, đồng chí ạ.
- Không phải điều tra?
- Không, xếp lại được rồi.
Nguyễn Hải Trừng thường hay có ý kiến và nhận xét quái lạ. Một hôm, uống bia ở quầy phố Tôn Đản, Nguyễn Hải Trừng bảo tôi: “Từ năm ra tập kết tới giờ tôi chưa được ai mời một cốc bia” Tôi hỏi lại: “Anh cữ nhớ anh đã mời những ai uống bia không?”. Nguyễn Hải Trừng lặng im.
Nguyễn Hải Trừng đi đâu cũng hay sinh rắc rối, không lường trước được. Đi thực tế ở Quảng Ninh, anh nói dối tuổi, lấy vợ, người ta kiện. Trước khi anh trở lại Sài Gòn, tôi còn phải đại diện cơ quan ra toà dự xử vụ tiêu hôn - ly hôn không có giá thú của anh.
Thỉnh thoảng anh có thư cho tôi kèm cả tranh ký hoạ - anh bảo chỉ có tôi là người anh còn thư từ. Nhưng tôi vẫn biết và được đọc thư anh gửi người khác. Tôi gặp ở Vĩnh Long con trai của anh công tác ở đoàn nhạc sở Văn hoá. Tôi bảo sao cháu không đón ba về Vĩnh Long, dưới này tĩnh mịch lắm. Anh ấy đáp: “Ba con là nhà văn lớn thì phải ở thành phố như Sài Gòn".
Anh viết thư kể một chuyện đau đớn mà gần đây anh mới biết. Khi anh đi tập kết, chị ấy đã ăn ở có con với người khác. Nghĩ đến nỗi đau lại ứa nước mắt. Tôi gọi điện thoại cho Nguyễn Hải Trừng. Một người nào cầm máy quát tôi rầm rầm... không có ai tên Trừng... không có ai... không được gọi.. rồi bỏ máy rộp một phát. Sau hỏi biết anh đã đề máy ra cửa cho thuê, không biết người thuê tháng hay thế nào. Và hồi này Nguyễn Hải Trừng hay xuống ở nhà con gái anh dưới Vũng Tàu. Anh mất bệnh ở Vũng Tàu. Chắc vẫn trong day dứt bất mãn.