Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Chiều Chiều

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 26162 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chiều Chiều
Tô Hoài

Chương I
Nghé ơ nghé
Nghé bông hay là nghé hoa
Như cà mới nở
Mẹ cõng xuống sông
Xem rồng lấy nước
Mẹ gọi tiếng trước
Cất cổ lên trông
Mẹ gọi tiếng sau
Cất lồng lên chạy
Lồng ba lồng bảy
Lồng về với mẹ
Nghé ơ
Mày như ổi chín cây
Như mây chín chùm
Như chum đựng nước
Như lược chải dầu
Cắn cỏ ăn no
Kéo cày đỡ mẹ
Việc nặng phần mẹ
Việc mẹ phần con
Kéo nỉ kéo non
Kéo đến quanh tròn
Mẹ con ta nghỉ
Ông khách hỏi mua
Nhà ta chả bán
Ông khách hỏi hoạn
Nhà ta chẳng cho
Nghé ơ
Bài “Gọi nghé” vùng Thụy Anh- Thái Bình)

Năm ấy, tôi ở một tổ đi thực tế nông thôn, nửa năm về Thái Bình. Tổ tôi có tổ trưởng Hoàng Trung Thông với các tổ viên: Chu Ngọc, Phùng Quán, Trần Lê Văn, Hoàng Cầm.
Tổ trưởng Thông họp chúng tôi lại, trước khi đi, dịch cái nghĩa chuyến đi dài ngày này là xuống địa phương tham gia lao động cho thấy được, biết được làng xóm sau cải cách ruộng đất và sửa sai đương lên hợp tác xã rầm rầm. Tôi hiểu rằng không có yêu cầu về viết lách, thế là đi cho mở mắt ra. Năm trước, tôi cũng đã về xã ngót hai năm, ba đợt làm anh đội cải cách rồi anh đội sửa sai. Nghe Thông nói thế, tôi cũng lấy làm thường.
Lên họp tác rầm rầm là nói quen miệng, khoái miệng, chứ thực phong trào hợp tác hóa nông thôn chỉ mới bắt đầu. Xã chúng tôi tới mới có một thôn này được chọn làm thử- thôn ít phức tạp khi cải cách ruộng đất thì cho làm thí điểm.
Lại được dặn thêm: lao động tuỳ sức, không như “ba cùng” phải lăn vào bói việc ra mà đổ mồ hôi “thổ cải". Tổ trưởng phổ biến thế chứ có gay go mấy tôi cũng chẳng ngại. Tôi đã hai năm với đồng ruộng từ Thanh Hóa ra Hải Dương, hai cuộc tổng kết ở Hậu Hiền, ở Quỳnh Côi, ba đợt công tác từ đội viên chân trắng lên đội phó phụ trách tòa án rồi làm báo đoàn sửa sai. Trước đấy tôi chưa biết mặt cây lúa. Rồi tôi cũng xắn quần khỏi đầu gối ra đồng lội ruộng, vai vẫn đeo cái túi sắc cốt da, vẻ cán bộ. Anh đội chúa chỏm một xóm, ngại ra đồng thì mở túi lấy sổ vờ nghiên cứu, đói thì bảo cô Đăng con ông rễ trưởng xóm ra chợ mua bánh ngô kẹo bột về ăn, có người đến thì đứng dậy cầm cái chổi đưa mấy nhát quét nhà, ăn vụng, kể cả ăn vụng người, và làm che mắt thế gian, anh đội tôi nào biết có ai trên đầu. Tôi chẳng bỡ ngỡ những cuộc đi thế này, kể cả khi đương kháng chiến, ở Tuyên Quang làm thuế nông nghiệp với Nam Cao, xuống vùng giáp địch ở Việt Trì, công tác thuế công thương với Xuân Diệu.
Nhưng tôi cũng không đi một lúc với cả tổ. Các anh đã xuống huyện trước tôi. Tôi còn bận ở lại tổ chức cho các đội đi thực tế các nơi. Bấy lâu ở cơ quan, tôi như con dao pha, chuyên làm những việc linh tinh và cụ thể.
Ban chấp hành và thường vụ hội đã bầu lại, sau mấy đợt học tập kiểm điểm, trước mắt hãy đi thực tế, và tôi phải làm những việc này cho xong đã.. Các chuyến đi, trước nhất là anh em công tác ở cơ quan. Nhưng nhiều văn nghệ sĩ ở Hà Nội chưa có việc làm cơ quan nào cũng đến nói muốn được đi. Tất cả mỗi người mỗi vẻ, mỗi nỗi. Có những người sẵn sàng đi xa. Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Văn Cao, Lưu Quang Thuận, Nguyễn Văn Tý lên huyện Điện Biên trên Lai Châu- rừng xanh núi đỏ quá, chẳng ai tranh, xếp đoàn đi xong ngay. Các nông trường ở Tây Bắc, Trung Du, miền núi Nghệ An đương là những vùng đất mới kỳ diệu. Nguyên Hồng, Võ Huy Tâm, Huy Phương, Nguyễn Hải Trừng về nhà máy và ra mỏ ở Hải Phòng, ở Hồng Quảng. Kim Lân vác xà beng đi đào sông bên Bắc Hưng Hải... Trang nhất báo Nhân Dân in ảnh Nguyên Hồng đẩy xe goòng nhà máy xi măng và Võ Huy Tâm đội mũ thợ, tay xách đèn bão, đi lò. Còn nhiều đoàn, đội nữa, tôi nhớ đại khái thế. Dẫu cho việc đi là được đi hoặc tự nguyện nhưng đều ý tứ, mỗi người cũng có tính toán và thu xếp riêng, ai chả thế. Những người bị kỷ luật của Hội về vấn đề Nhân Văn hay là có hơi hướng với đám này thì coi như nhất loạt thẳng cánh đi. Những người trong kiểm điểm có tư tưởng hữu khuynh như tôi phải đi cọ xát thực tế cho thấy được cái đúng ở đâu. Các người lãnh đạo thì chẳng ai nghĩ các anh ấy phải đi. Nhưng cũng có người hăng hái với phong trào cứ thấy nay có bài về nông trường Rạng Đông, mai có bút ký mỏ cọc 6, ngày kia đã có thơ tả cầu Hiền Lương- đi nhanh quá, hăng quá, chẳng biết bằng ô tô hay bằng xe đạp. Các người bấy giờ đương là những cốt cán vững như Đồ Phồn, Mạnh Phú Tư, Huyền Kiêu thì ở nhà củng cố cơ quan. Nhưng các anh ấy nói nhún, cũng khoe khéo “tớ ở nhà canh gác cho các cậu đi, khoái nhé". Chúng tôi đã ở Việt Bắc, ở khu Tư, khu Năm hay Nam Bộ thế nào thì cũng đã quen các đợt công tác về làng xã, nhà máy hay đơn vị quân đội. Nhưng cái khó và cái dễ là đối với anh chị em trước kia ở Hà Nội sau chín năm kháng chiến. Chẳng mỗi chốc đã được mới đi thực tế, được vào học trường Đại học Nhân dân, đấy là dấu hiệu rồi may mắn có thể vào biên chế nhà nước. Lo lo và chờ đợi cái thước tin cậy đo đến mình.
Tôi vướng vô khối những cái bấn này chẳng ra đâu vào đâu. Bởi đây không phải cuộc bắt đi nhưng ai cũng nên đi. Có người cần, có người ngại, có người thờ ơ, mỗi người mỗi khác. Bác Tú Mỡ hăng hái đạp xe theo tổ trưởng Đào Vũ mấy tháng ở Vũ La dưới Hải Dương. Tôi đến Vũ La, bác khoe: “Về nhà quê, khí hậu tốt, lao động một tý, ăn khỏe hẳn lên". Trên có nhắc tôi rủ ông Phan Khôi, nhưng bố bảo tôi cũng chẳng dám đến cái gác phố Thuốc Bắc mời ông ấy đi thực tế. Lão quắc mắt lên, hỏi dồn, rồi xỏ cho mấy câu, chỉ dại mặt.
Họa sĩ Nguyễn Sáng cũng không đi. Tôi đã nói với Hoàng Trung Thông cho Nguyễn Sáng đi với chúng tôi Về làng mà chỉ trần có mấy anh cầm bút thì nhạt trò. Phải có người múa hát, người làm xiếc, người biết vẽ thỉnh thoảng làm cái truyền thần cho bà con thì dễ nổi đình đám. Nguyễn Sáng xua tay: “Vẽ là lao động rồi. Tớ bận vẽ".
Nguyễn Sáng có đương vẽ vời gì đâu. Hồi ấy, Nguyễn Sáng mê ăn kem hiệu Tiến Đạt phố Yết Kiêu. Kem que thôi, nhưng Tiến Đạt được tiếng quay ra nhiều thứ kem lạ miệng, kem dứa, kem cốm, lại còn kem mùi ổi, kem mùi mít, mùi na, mùa nào thức ấy. Thật cũng không phải Nguyễn Sáng khoái kem, mà họa sĩ đương phải lòng các cô bán kem. Nhà có mấy cô mười ba, mười bảy hay hay mắt, cái anh chàng trên dưới bốn mươi tuổi này cứ lăn lóc mê tơi.
Hơn mười năm trước, năm 1946, Nguyễn Sáng đã có vợ. Cô Jennen Đobrien, Pháp lai Đức, cùng sinh viên Mỹ thuật. Nhà ở phố Bùi Thị Xuân bây giờ, tôi thường đến nhờ Nguyễn Sáng vẽ cho báo Hồn Nước cơ quan Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam. Jermen nhỏ nhắn, búi tóc, mặc áo cánh nâu, quần láng thâm. Mỗi người đã sẵn một chiếc ba lô xì cút sửa soạn đi kháng chiến. Hà Nội đương vừa bí mật vừa sôi lên sắp sửa cho cuộc chiến đấu. Ngoài đường, người quảy gánh và xe bò đồ đạc tản cư đi bên những hào lũy các đội viên tự vệ sao vuông của khu phố và cơ quan. Họa sĩ Mai Văn Hiến, Nguyễn Văn Thiện, Thân Trọng Sự, Nguyễn Tư Nghiêm đã ra Ngã Tư Sở ở địa điểm tạm, chờ đi. Trụ sở hội Văn Hóa Cứu Quốc gần bờ hồ Thiền Quang không còn ai. Thâm Tâm đưa vợ con tản cư về Hải Dương, trở lên thì đã nổ ra kháng chiến. Những bài thơ về đường số 5 trong khói lửa của Thâm Tâm có hơi hướng những việc nhà này. Thâm Tâm vào bộ đội ở báo Vệ quốc quân của Lê Tất Đắc. Tôi gặp lại trên đồi Đồng Lư bên sông Đáy gần chùa Trầm, chùa Thày. Nam Cao về quê thu xếp việc nhà rồi ra làm báo kháng chiến của tỉnh Hà Nam. Tôi có giấy tờ ở lại khu ll (Hà Nội) làm phóng viên mặt trận của báo Cứu Quốc. Vợ chồng Nguyễn Sáng xắm nắm, không biết rồi sẽ đi thế nào. Nguyễn Sáng công tác ở nhà in bộ Tài Chính, cơ quan tối mật in giấy bạc, tem và công phiếu kháng chiến. Làng nào, phố nào cũng đương ráo riết đề phòng việt gian, canh cả những giếng nước, vòi nước, sợ việt gian bỏ thuốc, bôi thuốc độc vào vòi nước. Chẳng may ai có bộ quần áo tôpican mép vải viền xanh trắng đỏ tam tài, hay trong túi có cái gương “ám híệu máy bay” thì bỏ đời rồi. Không thể cơ quan tài chính quan trọng thế mà lại có con đầm mũi lõ mắt xanh đi theo. Nguyễn Sáng và Jermen phải chia tay. Họ xa nhau thế nào, tôi không biết, cũng không bao giờ hỏi. Chỉ đến 1954, trở về thành phố, mới hỏi có tin tức Jermen không. Nguyễn Sáng nói: “Biết đâu mà tìm. Chắc nó về Tây đã lâu". Rồi đùa: “Mày làm báo hay đi nhiều nơi, dò la hộ tao xem nó ở đâu". Từ đấy, chẳng bao giờ nhắc đến nữa.
Nguyễn Sáng mê gái hay để ý những cô gái mới lớn. Lý luận vơ vào của anh ta rằng “tình yêu không có tuổi". Bởi thế hay đến ăn kem que nhà Tiến Đạt. Tôi chẳng còn ở tuổi lăng nhăng thuở nào đi hộ vệ Đinh Hùng, Nguyễn Bính ngày ngày vào mua phong thuốc lào Đông Phát trước cửa chợ Đồng Xuân có cô bán hàng bắt mắt rồi lại đảo qua phố Mới cầm ra quyển Bồng Lai hiệp khách ba xu của ông Tàu Lý Ngọc Hưng viết truyện kiếm hiệp, để được nhìn mặt, đụng tay cô Sính con ông ấy. Nhưng cũng đôi ba lần tôi đến hàng kem Tiến Đạt làm khách đứng ngoài quầy, xem Nguyễn Sáng ăn hết mấy que kem mà vẫn chưa dứt chuyện. Nguyễn Sáng không đi thực tế là vậy, cũng chẳng ai để ý. Nhưng tôi thương nhất Nguyễn Khắc Dực viết kịch, xin mấy lần mà không được đi. Tôi quen Nguyễn Khắc Dực trước 1945. Cái khi ở Hà Nội mọi thứ rối ren, từ miếng cơm đến thời sự. Quân Nhật đã đánh vào Lạng Sơn, đổ bộ Hải Phòng. Đường tiếp tế ét săng Hải Phờng-Trùng Khánh, Pháp cho Tưởng Giới Thạch thuê đã bị Nhật chặn phá. Rồi Pháp-Nhật có choảng nhau to hơn không, ở những đâu nữa. Các đảng viên thân Nhật mọc nhua nhúa. Trong khi các đoàn thể cứu quốc của Việt Minh đã công khai bán tín phiếu, tổ chức lan rộng, có cả Việt Nam Cứu quốc hội, nghĩa là bao gồm người cả nước cứu quốc. Trong thanh niên, ở các tổ chức công khai và cả bí mật liên miên tranh luận lý thuyết, đến cả ở sân trại giam sở Liêm phóng Bắc Kỳ, mà tôi đã được chứng kiến, người ta cũng sôi nổi cãi nhau chửi nhau quốc gia hay quốc tế, đệ tam hay đệ tứ.
Tôi cũng quen mấy cha theo đệ tứ áng lứa tôi lúc ấy hơn tuổi một chút có Nguyễn Tế Mỹ, Nguyễn Xuân Huy, trên nữa có Phạm Ngọc Khuê, em em tuổi tôi đôi chút cỏ Nguyễn Khắc Dực, Vũ Tăng... Tôi chẳng bao giờ nhớ mạch lạc thế nào, cứ triền miên những câu biện chứng pháp hạt đậu thành cây đậu... cách mạng thường trực, cách mạng phải lên toàn thế giới mới đến thế giới đại đồng... Cũng là những câu nhặt trong sách Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu nhà xuất bản Tân Việt in. Một thời hoang dại của con người ta, gân cổ cãi cọ những ngược đời và đam mê. ở quãng không còn tuổi thiếu niên của chúng tôi, cũng chưa hẳn đã thanh niên, dòng đời còn loăng quăng, cái gì cúng vỗ ngực ta đây, nhưng thật thì chưa biết mình rồi ra sao. Có điều, nếu đứa nào làm mật thám Pháp, Nhật ăn lương tháng hay được trả tiền vụ tiền từng việc, thì là quân trộm cướp, bị khinh, bị chửi và mọi người xa lánh. Quốc Dân đảng hay Đại Việt mới mọc ra đấy và có quan thày Nhật cũng coi là lớ quớ, làm tiền, cơ hội. Chúng tôi thiên về quốc tế mới hơn đệ tam quốc tế mà tôi theo từ thời ái hữu, nghiệp đoàn rồi thành niên phản đế, bây giờ là mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng Minh, nghe có sự tin cậy và quyết tâm. Nguyễn Khắc Dực cũng như tôi, nhưng nó lại mê cái cách mạng thường trực của tờ-rốt-kít. Cho đến kháng chiến, cũng không gặp lại. Nghe nói Nguyễn Tế Mỹ bị thủ tiêu ở Thanh Hà và Dực bị bắt ở Sơn Tây. Rồi đích xác thế, tôi còn biết Dực bị giam cùng với Nguyễn Hoạt trên khu du kích vùng núi Ba Vì của tỉnh Sơn Tây. Tôi biết như vậy cũng vì Nguyễn Hoạt. Nguyễn Hoạt người làng Đông trên Bưởi. Tôi quen Nguyên Hoạt ở làng Đông hay Doãn Quốc Sỹ dưới Cót, những đứa trạc tuổi, cùng vùng và có chút chữ nghĩa. Làng Đông có mấy thằng cùng tôi, Hóa, Uẩn với Hoạt. Hòa và Uẩn học với tôi trường Yên Thải. Rồi sau Hòa làm lý trưởng, gọi là lý Hòa. Uẩn thì đi lính không nghề Ons sang Tây. ấy thế mà năm 1952, trên mặt trận Tây Bắc, tôi trông thấy thằng Uẩn mặc bộ đội đứng ăn cơm tập thể đổi đầu đũa dưới nhà bếp địa phương quân tỉnh Sơn La. Tôi không tin mắt tôi. Tôi hỏi, anh em bảo đấy là đồng chí Đông, sắp lên quân chủ lực. Lúc kháng chiến, ta hay đổi tên, gọi là bí danh, nhưng Đông, làng Đông thì đích thằng Uẩn rồi. Tôi chưa kịp gặp, Uẩn đã lẩn đâu mất. Chắc nó đã trông thấy tôi. Không hiểu sao nó lại lánh mặt. Còn Nguyễn Hoạt tôi quen khi tôi đã ra học trường tiểu học Yên Phụ. Nguyễn Hoạt học trưòng Bưởi, cấp trung học hơn trường tôi. Nó gãy còm nhom, hay bị trẻ con làng Thụy, làng Hồ bắt nạt, đón đánh mỗi khi đi học qua. Trong cặp tôi đã trữ săn đá đường tàu điện, gạch củ đậu để ném chó, ném sấu và phòng nện nhau. Tôi đã mấy lần cứu thằng Hoạt, tôi đánh bọn làng Thụy, làng Hồ chó cậy gần nhà bắt nạt Hoạt. Thế là chúng tôi thành bạn. Rồi bẵng đi đến 1945, tôi được tin Nguyễn Hoạt giữ chức “tỉnh chính phủ Quốc Dân đảng” dưới Nam Định. Khi đó, tỉnh nào có quân Tàu Tưởng đóng thì ở đấy có trụ sở Quốc dân đảng Việt Nam núp bóng treo cờ Tàu có hình mặt trăng mà chúng tôi gọi là cái cờ “ru líp” xe đạp. Đến kháng chiến, Hoạt bị tù.
Nguyễn Hoạt và Nguyễn Khắc Dực đều bị bắt ở Sơn Tây. Nói là phải tù, nhưng đều làm công tác- Nguyễn Khắc Dực kể với tôi: “Chúng tớ công tác địch vận. Viết và in đá lăn tay truyền đơn chữ Pháp cho bộ đội vận động lính âu Phi: Có đến hơn ba năm di chuyển quanh quẩn trong chiến khu Ba Vì. Rồi hai đứa được thả.
Mỗi người đi mỗi nơi. Nguyễn Hoạt “dinh tê” vào Hà Nội. Nguyễn Khắc Dực tìm lên cơ quan văn nghệ kháng chiến. ở tận vùng hậu địch khu hai, khu ba, lần mò thế nào, không biết dòng dã bao nhiêu lâu mà Dực tìm được, tới được nơi chúng tôi đóng cơ quan quãng cây số 7 trong chân núi Là đường Tuyên Quang-Hà Giang. Thế là Nguyễn Khắc Dực ở với chúng tôi. Dực lặng lẽ, nghiêm nghị, chẳng còn hung hăng cách mạng lung tung kỳ củng như xưa nữa. Có lẽ cũng chỉ có tôi biết cái thuở bát nháo ấy của Dực, chứ Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Ngô Quang Châu, Nguyễn Văn Mãi chẳng biết đâu và tôi cũng không nói lại với ai là thằng Dực phản động và ở tù ra. Nguyễn Khắc Dực tham gia phát động giảm tô ở Thái Nguyên, viết kịch Con bò quả thực được giải khuyến khích của Hội Văn nghệ Việt Nam, năm ấy đặt ra glải thưởng văn học đầu tiên. Dực hăng hái và nền nếp chẳng khác chúng tôi. Đời người ta ai ngang bằng sổ ngay biết trước bao giờ, - ngẫm ra thế. Nguyễn Khắc Dực không viết báo Nhân Văn. Không làm đặc san Giai Phẩm. Cũng như nhiều anh chỉ mới có tên quảng cáo tác phẩm ở bìa 4 sách nhà xuất bản Minh Đức “sẽ in, sẽ ra” cũng bị liệt vào cái bị ấy cả. Nhưng Nguyễn Khắc Dực thì không, dù các anh kia thì cũng ở một cơ quan, hàng ngày gặp. Thế mà Nguyên Khắc Dực cũng chả chơi, Dực tu tỉnh và biết mình. Cái vạ xảy ra ở trên trời rơi xuống. Bỗng dưng Nguyễn Khắc Dực nhận được cái thư của Nghyên Hoạt từ Lào gửi về. Không biết Nguyễn Hoạt ở Sài Gòn sang Lào hay nó ở Sài Gòn nhờ người bên Lào gửi hộ. Hồi đó thư từ Bắc Nam không mấy ai viết vài chữ gửi đường bưu thiếp theo hiệp định Giơ Ne. Người ta hay nhờ người quen ở nước ngoài chuyển. Tôi cũng thường có thư cho chị Tư tôi ở miền Nam. Thư sang Pháp, cô Thu Trang ở Pari gửi tiếp cho về Sài Gòn. Tôi không được đọc cái thư của Nguyên Hoạt viết cho Nguyễn Khắc Dực. Nhưng nhiều người đã được đọc, hay là, chỉ được nghe nói lại rồi thêm râu ria vào thì đúng hơn. Nhưng đã nhiều người biết, có khi cũng bởi Nguyễn Khắc Dực đã khoe chăng. Cu cậu cũng thú vị chứ, các ông viết lách là chúa trống mồm, hay bốc.
Cái thư của “phía bên kia” của địch, giao thiệp với địch sờ sờ ra đấy, lôi thôi hơn biết bao nhiêu những phóng sự “Xiếc khỉ” của Quang Dũng hay bài ký tả chuyện mất xe đạp trước cửa hàng nhà mậu của Thanh Châu mà lúc ấy có tiếng xì xào. Thư của Nguyễn Hoạt kể anh ta đương tài danh nhất Sài Gòn và có tiếng ra thế giới, ký bút danh Hiếu Chân, đã viết báo lừng lẫy lại dịch đăng báo và in Liêu Trai Chí dị. Đi xe hơi có vệ sĩ hộ tống, đương vận động vào nghị viện. (Khi chế độ Ngô Đình Diệm đổ, Nguyễn Hoạt đã làm nghị sĩ trong Thượng nghị viện). Tôi không biết Nguyễn Khắc Dực đã bị kiểm điểm tóe khói hay thế nào. Dực đã về công tác hội Sân Khấu. Việc Nhân Văn Giai Phẩm đã qua lâu, nhưng việc này thì như vết tràm trên trán, không xóa được. Cho nên Nguyễn Khắc Dực không được đi thực tế như mọi ngươi. Nhưng rồi có Vương Lan nhà viết kịch xung phong về giup sân khấu vùng mỏ, Nguyễn Khắc Dực lại lên xuống xin cơ quan mấy lần mới được đi Hồng Quảng, công tác biệt phái đề tài công nhân. Đi vào các đề tài sáng tác, chuyện tự nhiên với chúng tôi, nhưng đã bị mấy phen vấp váp, đến lần tai bay vạ gió này thì quá rồi. Xuống vùng mỏ, Nguyễn Khắc Dực đã đi hẳn vào núi, viết về người Dao quần ống chẹt. Một lần, Nguyễn Khắc Dực về Hà Nội tìm tôi, khoe: cái kịch dài viết về dân tộc Dao của Nguyễn Khắc Dực sắp được diễn ở thị xã Hòn Gai- tôi không nhớ tên vở kịch. Dực rủ tôi xuống xem. Nhưng tôi không cố gắng đi được. Bẵng đi, nghe tin Dực ốm rồi qua đời. Còn các thằng Hiếu Chân Nguyễn Hoạt làm báo Tự Do ở Sài Gòn, đã viết cái thư giết Nguyễn Khắc Dực kia, tôi được biết nó ở lại Sài Gòn. Có lẽ cũng không ai buồn xách cái tã ấy đi di tản. Thằng Điều bạn người làng tôi ở Sài Gòn lâu năm, Điều kể gặp Nguyễn Hoạt hỏi nó có muốn gặp Tô Hoài không. Nguyễn Hoạt lắc đầu. ít lâu sau, nghe tin nó chết bệnh. Các văn nghệ sĩ ở Việt Bắc, ở khu Năm, ở Nam Bộ ra đều đã quen các đợt công tác thực tế trong kháng chiến. Cái dễ và cái khó nhất là đối với người đương ở Hà Nội bấy giờ. Chưa mỗi chốc đã vào làm việc một cơ quan nào, nhưng được bảo đi thực tế, là dấu hiệu được tin cậy.
Chị Mộng Sơn bảo:
- Tôi xuống lao động nhà máy dệt Nam Định.
Tôi thật tình nói:
- Chị đã quen thuộc thành phố, chị nên...
Mộng Sơn ngắt lời ngay:
- Anh cho là tôi không được đi với công nhân à?
- Không, không... Vâng, vâng... chị đi nhà máy... nhà máy...
ở Nam Định về, mấy tháng sau ở tổ sáng tác, chị không nhờ tôi đọc bản thảo, cũng không cho tôi những quyển sách của chị mới in, như năm trước chị và anh Uyển Diễm đã tặng tôi sách của nhà xuất bản Vỡ Đất của anh chị. Chị cho là tôi thành kiến khả năng sáng tác về công nhân của chị.
Với Hồ DZếnh thì gọn việc. Tính anh cẩn thận, chu đáo, tính toán, người nhà vào nằm bệnh viện Bạch Mai, anh đi chăm nom, lại xin cái giấy giới thiệu viết bài báo về bệnh viện. Anh bảo anh thích đi thực tế, nhưng anh bận việc gia đình, nhà có cháu nhỏ, anh đề nghị đi nhà máy xe lửa Gia Lâm, vừa thâm nhập thẳng vào giai cấp công nhân lại tiện đi về gần nhà. Nhiều người thiết tha đi, phụ cấp tiền chỉ cái hương cái hoa. ở nhà máy xe lửa Gia Lâm, Hồ DZếnh làm với tổ sơn toa tàu, được trả tiền công khoán cẩn thận - Hồ DZếnh bảo tôi thế, tôi cũng lây cái ham thích của anh. Hồi ấy, anh cho tôi những tập thơ Rừng phong của Vũ Hoàng Chương nhà xuất bản Đông Phương của anh in 1953 và tập thơ thiếu nhi Mâý vẩn tươi sáng của Trần Trung Phương. Anh nói: “Tôi tặng sách, nhưng tôi không phải người quị lụy đâu nhé". Tôi hiểu câu anh nói. Trước kia, tôi cũng chỉ biết, không quen Hồ DZếnh. Khi ấy, anh đã thôi đứng bán hàng tơ lụa cho Thượng Hải thương điếm, nhà Phan Thái Thành ở Hàng Ngang. Anh đi sửa mo-rát, trông nom nhà in á Châu xuất bản cục phố Emin Nôly - đường Châu Long bây giờ, chủ nhà in và xuất bản Nguyễn Bá Dĩnh mượn anh, nhưng Dĩnh cũng là bạn anh. Tập truyện ngắn Chân trời cũ của anh in ở đấy. Những hôm cạn tiền đi uống, đi ả đào, Vũ Trọng Can và tôi đứng đầu phố đợi Nguyễn Bính vào nhà in á Châu đả tiền Hồ DZếnh. Anh thường cho chúng tôi tiền, nhưng cũng như Trúc Đường trong Ngũ Xã, anh không kéo lũ đi đàn đúm với chúng tôi. ý tứ Hồ DZếnh là “tôi tặng anh sách, nhưng tôi không cầu cạnh anh đâu"..
Nhiều anh em viết trước 1945 ở Việt Bắc về, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Kim Lân... gặp lại người quen, nhưng cũng mỗi anh một cách. Nguyên Hồng chỉ chăm chú quanh tuần báo Văn không gặp lại ai. Nguyễn Tuân gặp Đoàn Phú Tứ ở ngã tư Bà Triệu. Vẫy xe đạp Nguyễn Tuân, Đoàn Phú Tứ nửa đùa nửa thật nói: “Moa là đại biểu Quốc Hội đấy nhé". Trước kia, Đoàn Phú Tứ là đại biểu Quốc Hội Nam Định thật. Nguyễn Tuân không bắt tay, đi thẳng.

Chương II >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 641

Return to top