Đầu năm ấy, chiến dịch lao động đào sông Tô Lịch. Lao động công ích, mỗi năm một công dân thành phố góp bảy ngày bằng sức hoặc bằng tiền. Đào sông cũng như đắp công viên Thống Nhất, được trừ điểm lao động công ích lại được trả công đào. Không đi, thuê người khác đi hộ. Lấp mạch sủi đê sông Cái, đào hố chứa rác, vét bùn, đều được tính cả. ấy thế nhưng phải tổng vệ sinh trước lễ Quốc Khánh đã Sáng chủ nhật, sáu tổ lấy sáu người đem chổi và cái hót rác lên trường Trưng Vương tiễn đồng bào chạy nước về lại dưới bãi- thông tri viết thế, nhưng cung cách chỉ dẫn các thứ vậy thì hiểu nghĩa là lên quét dọn làm vệ sinh cho nhà trường các chỗ đồng bào đã tạm trú cả tháng qua.
Rồi tôi lên khu nghe về sông Tô Lịch và công việc đào sông. Sông Tô Lịch chảy qua làng tôi. Bút danh tôi có chữ Tô cũng bắt đầu từ dòng sông này - nhưng ấy chỉ là dòng sông mơ mộng trong sử sách và trong câu chuyện của ngườì già mà thôi. Sông Tô Lịch đã bị lấp cửa từ bao đời. Khúc sông còn lại chui ngay dưới lòng phố đã thành cống nước thải ra đến đầu làng Thụy thì nổi lên chảy qua các vạc nấu dó làng Hồ, làng Đông, làng Yên Thái. Những đầm nước để ngâm dó, đãi bìa, vào mùa hạ, trẻ con các làng ra câu cá, chỉ có sáng kiến của tôi là nói nhạt nhẽo không hung hăng như ông cán bộ nọ. Cái con sông Tô Lịch trong tưởng tượng đẹp ấy đến bây giờ hơn bốn mươi năm sau vẫn chưa ai trông thấy nó cũng những chuyện trên trời, như sự tích con Trâu Vàng mà sông Tô Lịch là vết thừng, là cái đuôi Trâu Vàng, là chuyện của cán bộ bốc phét.
Người đi đào sông thành tlểu đội, tập trung ở ngă tư giữa phố. Tôi ra nói động viên mấy câu rồi xuất phát. Mọi người lên xe đạp, buộc cái mai, cái sọt - công trường cũng phát dụng cụ, nhưng của mình làm thuận tay hơn. Việc được giao khoán cho mỗi tiểu đội. Tát nước, hót bùn, chặt cây, đào đất dánh đống xong ra trả thẻ, người công trường đến ngắm nghía kiểm tra, rồi về lẻ tẻ, không phải đợi cả lũ như lúc đi.
ở mỗi ghi đông xe treo cái cặp lồng nhôm. Bấy giờ chẳng cứ buổi lao động, mà đến sờ làm, đi bộ hay xe đạp, người người đều cặp kè cái cặp lồng ăn trưa. Tương tự, trong chiếc hộp nhôm dưới để cơm, lẻ bo bo như xôi nếp cái hay bột mì xào hành mỡ. Ngăn trên, miếng cà, vài ngọn rau muống xào, dúm tép kho, gói muốì rang. Đến trưa, mở cơm ra ăn rồi ngả lưng đâu đấy.
Tôi chưa tường mặt cái công trường sông Tô Lịch. Tôi chỉ đưa người đến một lần. Không ai bảo trưởng ban được miễn, nhưng tôi cũng không nghĩ tôi phải đi ít nhất tôi cũng khác người. Tôi đi tuần, tôi muốn đi, chứ tôi bảo "bận làm nốt báo cáo” thì tôi ở nhà cũng chẳng ai trên tôi nhắc tôi. Vả chăng, tôi vai thờ, đến chỗ gồng gánh khiêng vác, tôi biết xoay xở thế nào. Lần sau cùng tôi đi với tổ đến nửa đường tôi về. Tôi lại trông thấy Tiến thứ trưởng bộ ngoại giao, quần áo nâu, mũ lá, cái mai buộc dọc khung xe đạp, nhưng không thấy cái cặp lồng. Tôi khó chịu. Rồi nghĩ: ông này trước bán thuốc lào ở phủ Từ, đã quen quảy, thì lại thấy là thường. Ông không nhìn thấy tôi, mà tôi cũng không muốn trông thấy ông ấy có cái mai buộc xe đạp.
Lại đến việc cưới cũng nhộn nhịp. Hồi ấy, cưới xin nhiều cái cũng hay. ở ngoài "hậu phương” đưa vào thành phố mốt cưới tiệc trà vỗ tay "vui duyên mới không quên nhiệm vụ".
Những đám cưới giản dị khiến tôi nhớ lại ngày chúng tôi lấy nhau, còn "mới” hơn cả các đám cưới kháng chiến. Năm 1947, sau chiến dịch Thu Đông tôi ở chợ Rã trên Bắc Cạn về nơi gia đình tản cư ở Phú Thọ. Chẳng cưới, không đăng ký kết hôn, chẳng có gì nhớ mà nhớ suốt đời. Đã ra năm mươi năm qua, tình nghĩa đối với nhau, không có gì để soi, để thử bởi không soi thử được, như là tự nhiên và đã là tự nhiên thì mãi mãi.
ở Hà Nội, nếp sống mới thêm cái thiếp báo tin họ hàng và bạn bè. Có nhà hôm sau sửa vài mâm, thiệp đính kèm miếng giấy nhỏ mời dự "bữa cơm thân mật”. Đám cưới tất cả các con trai con gái tôi rồi cũng vậy. Có thế thôi.
ở phòng cưới nhà hàng Phú Gia chiều thứ bảy nào cũng liền mấy đám cưới phải đặt trước mới xếp được chỗ.
Cưới tiệc trà chỉ lắm trẻ con. Bàn ghế kê liền khít, khách hai họ chẳng ai biết ai. Tôi họp tình hình trị an trên khu nghe báo cáo, phòng cưới nhà Phú Gia bên Bờ Hồ đông người qua lại. Công an để ý một người mặc đại cán đóng khuy cổ cẩn thận đứng ngoài cửa, khi đông người vào, người ấy cũng bước vào, đám tiệc trà trước và đám sau liền như thế. Công an giữ lại, nhốt cho nhịn đói một đêm một ngày rồi thả. Tối thứ bảy, cũng như đi chơi vào cắn mấy hạt bí, lấy mấy cái kẹo, "tôi không phải là trộm cắp”, anh ta khai thế.
Nhưng hôm lên nhận đăng ký trên khu thì long trọng và ý nghĩa. Hội trường lớn, hai họ và bè bạn, cả ban đại biểu phố chúng tôi. Người nhà mời trầu nước, thuốc lá. Vị phó chủ tịch khu đứng lên nhắc nhở và mừng hạnh phúc cô dâu chú rể rồi đưa giấy đăng ký kết hôn, bắt tay chặt chẽ và chụp ảnh chung.
Năm cách mạng thành công, tôi đã đi dự đám cưới Trần Huyền Trân- Hạc Đính tổ chức trên phòng đăng ký kết hôn của ủy ban Giải Phóng cũng trang nghiêm như thế.
Một thanh niên đợi tôi ở cửa.
- Bác xác nhận hộ khẩu cho cháu.
- Việc gì thế?
- Cháu đi xin giấy đăng ký kết hôn.
- à nhớ rồi, cậu này. Hôm nào lễ nhận đăng ký trên tiểu khu nhớ báo sớm tôi mới thu xếp đi dự được. Hôm nào?
- Trên khu thôi không tó chức lễ đăng ký nữa ạ. Bảo tại đông quá, sắp hàng cũng hết chỗ, tổ chức không xuể. Chúng cháu chỉ lên nộp đơn, trên ấy hẹn ngày lên lấy.
Thế là lại như cũ. Lại đến uỷ ban ngồi ghế băng đợi gọi như đi làm khai sinh, đi đóng thuế thổ trạch, hay nhận biên lai chó đã tiêm phòng dại... Chẳng ra thể thống gì.
Nhưng việc cưới, ăn ở với nhau, đăng ký hay cưới, có hay không, ngổn ngang trăm nỗi không bận đến khu, đến thành phố mà ở đường phố thì lúc nào cũng rối bời bời.
Có đơn của cô Dung kiện người ta bỏ thuốc độc vào bát nước cơm của con cô ấy. Mới như hôm nào, Dung ở cữ thằng bé, thế mà đã được hơn một năm.
Bé kháu khỉnh như con chó con, lẫy cứng. Hàng phố bảo mặt thằng bé lau láu hệt mặt anh Bá - Bá ở cùng số nhà với Dung. Dung bỏ chồng, lấy nhau không cưới, không đăng ký, bỏ nhau cứ như không. Có lần người chồng lảng vảng về, mẹ con cô vác gậy, cầm dao đuổi đánh kêu: cướp, làng nước ơi, cướp! Thằng kia chạy bán chết. ấy thế nhưng thỉnh thoảng vẫn lại mò về, sáng sớm đi, có người nhìn thấy. Dung chạy chợ, gặp món buôn đi bán lại. Thằng cu mới đẻ, Dung cũng chẳng đi khai sinh. Chặp tối Dung ẵm bé đứng vỉa hè, cười nói nhởn nhơ với người qua lại..
Mấy hôm ấy vợ Bá ở quê ra. Mỗi vụ khi nông nhàn rảnh rỗi chị ra, có khi bốn mẹ con đi cùng. Nghề đời, tiếng đồn có gió bay, không bỗng chốc mà tốn kém cả ngày đường tử Ninh Bình ra, ở làng chị đã nghe tiếng thế nào rồi. Nhưng mà chị ấy hiền lành chít khăn vuông mỏ quạ, chúng tôi vào nhà thấy đương ngồi, đầu rũ xuống bên tường, như con gà dây. Bá đứng cạnh cửa điếu thuốc lá phập phèo, trông ra đường. Nhà này có ba hộ, người lớn trẻ con chui rúc một cái buồng, mỗi hộ mỗi góc.
Dương yêu cầu mọi người phát biểu. Cô Dung cô đơn được nói trước. Đương tự dưng, Dung nức nở vừa khóc vừa kể lể:
- Tôi đi chợ, bát nước cơm chắt để cho cháu ở chạn bát đầu hè, đậy cái rổ cẩn thận. Đến trưa về, thấy bát nước đục vẩn, vón từng cục. Tôi không dám cho cháu ăn. Nó hại mẹ con tôi, nó bỏ thuốc độc giết cháu ối giời ơi...
Dung bưng mặt khóc hu hu. Gian buồng đông ních người, thêm người ngoải cửa thò cổ vào. Ba hộ ba góc trong nhà ngoài hiên, nằm trải chiếu xuống gạch, nhà rỗng tuyếch như cái nhà trọ ngoài bến xe. Chẳng biết thổi nấu, ăn uống, ngủ nghê ra sao. Người hàng rong, người chạy chợ đi vắng tối ngày. Cả chục người chui vào chui ra, thằng Bá có nằm lẫn với cái Dung nửa đêm gà gáy lúc nào chẳng được.
Bát nước cơm bảo vệ Dương đã bưng vào đặt giữa chiếu. Trông lờ lờ màu bột nước cơm loãng, biết sao.
Dương dõng dạc cất giọng.:
- Số nhà này có mấy hộ, tôi đã báo tối nay phải có mặt đầy đủ. Đủ chưa, thiếu ai không. Người ngoài cửa không được ngồi lẫn vào đây. Việc này nghiêm trọng, phạm đến an toàn, trật tự xã hội. Chị kia ở đâu đến, đến từ bao giờ, đã khai báo tạm trú chưa?
Vợ Bá ở quê ra, cả mấy nhà quanh đây đã biết mặt nhiều năm nay, có lần chị còn đi chào hỏi láng giềng, mà Dương cứ dửng dưng hỏi thế.
Bá đáp:
- Dạ, chưa ạ.
- Thế thì không được. Ra khai báo tạm trú ở mấy ngày ngay bây giờ, không thì sáng mai tôi đuổi.
Tôi nảy ra sáng kiến: Cho gà mổ thử bát nước cơm thì biết có độc hay không.
Dương nói vun vào:
- Sáng kiến ông trưởng ban hay đấy.
Tôi lại hỏi:
- Nhà này có nuôi gà không?
- Không ạ.
- Các nhà quanh đây có gà không? Cho thử, gà chết thì được đền. Nhà nào có gà?
- Không ạ.
ở ngoài cửa có người nói: "Gà chết thì được nhận cái giấy biên lai. Chả chơi! ”. Mọi khi, tôi vẫn nghe bốn phía tiếng gà gáy ran nửa đêm như ở trong làng.
Gà nhốt chuồng, hầu như nhà nào cũng nuôi. Nhưng cách trả lời ấy là không ai muốn cho mượn. Cái mẹo gà uống thử nước cơm của tôi đâm ra vu vơ, vớ vẩn, .
Ngoài cửa lại thì thào, rồi tiếng cười...
Dương lại nói như quan toà: .
- Cho gà uống nước cơm cũng chưa chắc. Có thuốc bả thì gà chết, nhưng có con chết ngay, có con khặc khừ vài hôm. Không được. Bát nước cơm này mai sẽ đem lên trên bộ Y tế xét nghiệm. Nhưng trong hộ từ hôm qua chỉ có chị này là người lạ, lại ở nhà cả ngày, chị là đối tượng bị tình nghi. Từ nay cho đến hôm nào trên cho biết kết quả xét nghiệm, cấm không được đến đây, chị phải về quê đợi toà án gọi. Chị mà thò mặt đến, đề nghị đồng chí Đàng công an cho bắt ngay. Tôi kết luận thế, anh trưởng ban có phát biểu, cô Đàng có ý kiến không?
Mẫn đã bỏ đi từ lúc nãy. Tôi và cô công an để im chẳng biết nói thêm thế nào. Thế là chính quyền đồng ý rồi. Hôm nay Dương hoạt bát hách dịch điều khiển, ở các cuộc họp khác Dương thường nhẹ nhàng... đề nghị anh cho... đề nghị đồng chí... Vợ Bá lại gục mặt xuống nữa, hức hức nảy cái cổ. Cuộc họp xử kiện chỉ một mình cái Dung nói và Dương phán xét.
Ra về, tôi hỏi Dương:
- Con Dung thuê anh mấy đồng đuổi vợ thằng Bá?
Dương đứng sững:
- ôi trời, trưởng ban phát biểu thế thì chết mẹ em. Không đâu, không...
- Có thì từ giờ chừa đi, không thì thôi. Trắng trợn quá.
- Thằng Đại, thằng Mẫn đã ton hót nói xấu em, em biết rồi.
Có hôm gặp Dung đi chợ, tôi nói:
- Cô Dung đuổi người ta khéo nhỉ?
Dung không chối giãy nảy như Dương, Dung cười tít mắt, ỡm ở hỏi lại:
- Bác phê bình em đấy a?
Vừa xong vụ hoà giải, đến một đám cưới buồn. Tôi nhận một cái phong bì đề giấy mời, nhưng lại dán kín, nét chữ Nguyễn Sáng. Hôm nào chúng tôi cũng đi uống bia, mà lại viết thư? Nguyễn Sáng đương ký hoạ tôi một tranh sơn dầu. Tôi không phải ngồi, Sáng nhớ dáng mà vẽ. Sáng đã mang đến nhà tôi treo. Tôi mặc áo sơ mi trắng, một tay chống lên má, trên một nền hoa cúc vàng. Sáng bảo: “Bà Cúc bà ấy gác đằng sau ông đấy". Nhưng mấy hôm sau, Sáng thấy tôi mặc áo nhung đen kẻ, cổ ni lông nâu giả lông cừu, Sáng nói: “Những màu này hay hơn”. Sáng xách cái tranh đi làm lại.
Hay là thư hẹn giả tranh, hẹn đánh chén mừng tranh. Không phải. Thư Nguyễn Sáng mời vợ chồng tôi chủ nhật này dự đám cưói Nguyễn Sáng lấy Thuỷ. Việc vui lớn này, một tối Nguyễn Sáng theo tôi đi tuần rồi vào uống bia ở ga Hàng Cỏ đã nói, lại một lần quán Gió trong công viên, Sáng nói lại, nhưng cũng chưa hẹn hôm nào. Và tôi cũng ử hữ biết vậy.
Đã lâu, hoạ sĩ Sáng thôi ăn kem bùa mê hàng Tiến Đạt Nguyễn Sáng theo đuổi Thuỷ, một cô ngồi mâu trường Mỹ Thuật. Thuỷ trắng trẻo, nhỏ nhắn, buồn bã gầy úa như giò hoa huệ héo. Đến nhà Sáng, những khi Sáng vắng thấy Thuỷ nhặt rau, bắc lò thổi cơm. Tôi nhắn hỏi Sáng xem cưới xin thế nảo, nếu nhố nhăng thì tôi không đi. Sáng bảo: cưới đời sống mới, khẩu hiệu là thanh lịch, tiết kiệm, lịch sự. Chương trình và thực đơn sẽ: Uống nước chè, cắn hạt bí, không kẹo bánh, không vỗ tay. Khách không mang đồ mừng. Không có hai họ, chỉ có cô dâu chú rể ra chào khách. Chỉ mời- Sáng đếm ngón tay, độ tám hay mười bạn, nếu đến đủ. Không tính dăm đứa cánh trẻ phù rể, phù dâu. Được không?
Tối hôm ấy cùng với vợ chồng tôi, có hai bác Nguyễn Tuân và Sỹ Ngọc, Mai Văn Hiến, hình như thế, tôi không nhớ thêm có ai nữa. Tôi ngượng nghịu và buồn buồn thế nào, không muốn trông tỏ mặt mọi người ngồi đấy Phòng họp của hội Văn Nghệ, đèn nêông sáng trắng, chiếc bình hoa lay ơn tím giữa cái bàn dài và mọi thứ hạt bí, ấm nhôm nước chè, cũng chị phục vụ mọi khi, như buổi họp thường ngày, đúng như Sáng đã báo trước. Chú rể Sáng đầu vẫn đội mũ cát két vàng ố kẻ ca rô thường ngày che cái trán hói, nhưng bộ đồ trôpican xanh nhạt còn mới, là thẳng nếp và đi giày da đen. Chú rể ra tận thềm đón khách.
Không nghe tiếng cắn hạt bí ti tách, cũng không ai to nhỏ trò chuyện. Chuyện gì ở cái đám cưới vừa như buồn cười lại như thương thương này.
Nguyễn Sáng trịnh trọng đứng dậy.
- Tôi thay mặt vợ tôi, xin cám ơn các bạn có lòng yêu đã tới dự lễ thành hôn của chúng tôi. Đến giờ rồi, các bạn ngồi chơi tôi xin phép đi đón dâu.
Rồi Sáng với mấy thanh niên, cũng giầy và quần áo mới- chắc mấy cậu sinh viên Mỹ Thuật, cả bọn ồn ào ôm những bó hoa xuống bậc thềm trước cửa. Không biết ra ngoài đường họ lên ô tô hay đi xe đạp. Chúng tôi ngồi chờ phút trọng đại của đôi vợ chồng mới.
Nhà Thủy ở phía sau phố Lò Đúc, nhà đông anh em, bố cô hình như đạp xích lô hay xe ba gác. Tôi đã uống rượu nem rán với bố Thuỷ ở cái gác con con nhà Sáng. Ông ấy kém tôi hai tuổi, chưa chắc đã hơn tuổi Sáng. Thế nhưng Sáng lễ phép, khúm núm xưng “con” nhẹ nhàng. Lần sau Sáng gọi tôi đến ăn bún chả, nhắn là Thuỷ làm và khách chỉ có “Ông cụ” và tôi.
Tôi không đến nữa.
Có đến ngoài chín giờ mới thấy chú rể về. Cái mũ lưỡi trai lệch vẹo một bên, vẫn bộ quần áo đẹp. Sáng ôm một bó hoa rực rỡ, mặt đỏ rừ. Chắc lại mới nạp thêm rượu. Các bạn trẻ phù rể xúm hai bên, không ra khoác vai, không ra xốc nách. Họ vẫn cười cợt, vui nhộn. Mọi người vào hết rồi mà chưa thấy cô dâu.
Nguyễn Sáng lại chắp tay, cất tiếng lễ phép như lúc đi:
- Kính thưa hai họ, đúng đến giờ đón dâu, Thuỷ bị mệt. Thuỷ nhờ tôi xin lỗi các bạn, vợ chồng tôi xin lỗi các bạn đã đến mừng chúng tôi. Bây giờ thì mời hai họ giải tán.
Hôm sau, Mai Văn Hiến kể tôi mới biết. Sáng đã sửa soạn đám cưới thân mật như thế. Buổi chiều, Thuỷ đi chợ Hôm, bị ngất ở chỗ hàng bán hoa. Thuỷ vốn bệnh tim. Xe cấp cứu đến chở Thuỷ vào nhà thương Phủ Doãn. Sáng đã biết cả những trắc trở ấy, nhưng im lặng, sợ nói ra ở chỗ vui mừng thì bị sái. Lúc Sáng bảo là đi đón dâu, nhưng Sáng và các bạn trẻ đã đi uống ở đâu rồi quay về.
Hồi này, làm mạnh công tác chống mê tín. Tôi cũng vừa đi chống mê tín hụt về. Công tác văn xă của Mặt Trận thành phố, chúng tôi chọn đi đền Ghềnh.
Tôi chẳng soạn kế hoạch thế nào, chỉ nghĩ nhẹ nhàng đến xem ra sao rồi về rút kinh nghiệm, điều cốt yếu trên dặn là phải từ việc cụ thể phân biệt ra cái mê tín dị đoan, cái tín ngưỡng. Đền Ghềnh bên kia sông, có tiếng xưa nay. Thuở trẻ, năm nào hội đền Ghềnh tôi cũng đi. Nhưng chỉ còn nhớ quà hội đền có bánh đa, đa vừng, đa đường, bánh đa gối và người trong làng ra bán những xâu khế cơm không ngọt không chua. Bao nhiêu năm rồi, bây giờ, ngoài cửa đền vẫn bán bánh đa và những xâu khế cơm - nhưng bánh đa bột sắn và con mắt, cái miệng tôi làm sao mà còn thấy được các thử ấy ngon ngọt như ngảy trước nữa.
Đền đông người lễ, nhà đền có tiệc. Chúng tôi đi như những người đi lễ, không giới thiệu trước, không ai biết đoàn công tác. Cho nên bị chèo kéo ngay vào chính điện, không kịp xuống nhà hậu xem có nhảy đồng không. Có lẽ nhà đền có vẻ nghi ngờ dạng cán bộ, công an, đã chặn khéo: “Nhà đền chúng tôi cúng thánh, không theo việc đường âm". Con công đệ tử đến tuần về lễ, ăn cỗ chay. Có đến cả chục mâm bày ba gian giữa. Dưới nhà hậu còn nghe tiếng hát, tiếng người nói, chắc dưới ấy cũng đương đánh chén. Chỉ không biết cỗ chay hay cỗ mặn. Ngay bấy giờ tôi không nghĩ có thể có người đã báo cho nhà đền biết trước đoàn kiểm tra đến.
Chúng tôi được mời ăn cỗ. Chúng tôi không phải đặt tiền thật vào mấy lá vàng lá đem để vào án thư.
Cỗ chay có rượu, lúc đầu vò rượu để khuất sau cột. Tôi cười, bảo một cụ đi lấy rượu: “Ta cứ tự nhiên, rượu cũng là cỗ chay không phải là sát sinh”. Được khách thành phố buông cương, ông bưng luôn ra cả mấy vò. Đến lúc về tôi còn ngây ngất cả hai chân, thế là thất bại, chẳng thu hoạch được cái mê tín, cái tín ngưỡng khác nhau thế nào.
Trên trời thì mênh mang nghe báo cáo được, nhưng việc ở sát sườn trong phố thì không thể lơ mơ để yên.
Dương nói:
- Người ta bảo nhà mụ Na hay xách túi ra chợ, túi có maý nải chuối xanh, bó hương. Mụ đứng trong cửa, mắt trước mắt sau rồi mới bước ra, tôi nghi mụ đi đồng bóng..
- Theo dõi kỹ xem sao.
Mấy hôm sau, Dương lại nói:
- Nhà mụ buôn chuối, buôn hương.
Tôi nói:
- Chắc là nó đi bán đồ cúng. ở bên đền Ghềnh người ta đem cúng nhiều chuối xanh, cứ ngày ngày nhà đền lại quảy gánh chuối với từng túi hương thẻ sang chợ Đồng Xuân.
- á à! Thế là nhà này mê tín dị đoan rồi.
Tôi nói:
- Phải cẩn thận không có phạm vào tự do tín ngưỡng.
Cúng lễ là tín ngưỡng, ngồi đồng, xem bói, sóc thẻ mới là mê tín. Cái này cho đặc công Mẫn lặn vào tận nơi xem đích xác ra sao.
Một buổi tối, Mẫn hí hửng nói:
- Đền thờ ở trên gác, lạ lắm. Chuông mõ rồi hát ê a, người ngồi đảo đầu như rượu say. Nhà dưới đóng cửa cài chặt, nhưng ngoài đường cũng nghe được tiếng chuông mõ chập cheng. Thế mà không ai đi báo.
- Ai dại mà đi báo để nó chửi cho ủng mả! Mụ Na đanh đá có tiếng.
Tôi nói như ra lệnh:
- Chúng ta phải giải tán cái mê tín dị đoan này, không để nó lây lan.
Tối rằm, tổ công tác đại biểu và bảo vệ đến nhà mụ Na. Một ông đứng tuổi, dáng bệ vệ công chức cũ.
Nhưng ông không sẵn cái cười xã giao tứ thời, mà ông lé mắt nhìn trộm. Bộ ria huê kỳ lốm đốm, hồi trẻ chắc du côn du kề, bây giờ trông còn cáo lắm. Ông chắp hai tay như ra sân khấu:
- Chào chư vị.
- Chúng tôi kiểm tra sổ vãng lai.
Ông lấy trong ngăn kéo ra quyển sổ bọc giấy bóng cẩn thận, đặt lên mặt bàn. Trong khi cô Đàng mở, chăm chú xem từng tờ các mục tạm trú, tạm vắng. Tôi hỏi:
- Nghe có tiếng mõ trên gác?
Ông ta cười hề hề:
- Các vị khéo vờ. Có bắt bỏ Hoả Lò bọn ngồi đồng ngồi kềnh thì xin cứ việc lên.
Rồi ông làm điệu giơ hai tay, xin mời. Lại lẩm bẩm, không biết rủa ai “Con giời đánh, cho mày chết bỏ mẹ mày! ”
Chúng tôi xộc lên gác. Cái gác lửng cạnh sân thượng, trong phòng mù mịt khói hương.
Góc trong, người cung văn già, áo đại cán, chòm râu lưa thưa, quần vải nhuộm cậy, cây đàn với người nghiêng ngả ê a bên một bà, tôi đã nhận ra mụ Na béo phục phịch. Mụ Na kéo trên đầu xuống một vuông nhiễu điều, miệng nhai trầu, mặt đỏ như uống rượu. Xung quanh, mấy bà nạ dòng đương rì rầm khấn vái.
Thấy người lố nhố, tất cả im bặt.
Trên bàn thờ, khói hương trắng mờ. Mấy nải chuối xanh chồng lên nhau giữa mâm ngũ quả. Hai bên chân án thư dán hai con thanh sà bạch sà bằng giấy viền trang kim vàng choé miệng há ngậm hòn ngọc giấy điệp nhấp nhánh. Cái đuôi con rắn ngoắt lên.
Mấy người quay ra, ơ mặt nhìn cô công an. Cô Đàng đội mũ lưỡi trai, áo kà ki vàng cứng nếp, nom oai vệ nhất. Tưởng cô ấy sắp lấy còng số 8 ra xích cả lại.
Mụ chủ nhà bỏ hẳn vuông nhiễu trên đầu xuống, trông rõ không phải vuông lụa vuông nhiễu, mà là hai ba cái khăn quàng đỏ của trẻ đi học khâu ríu lại.
Tôi hỏi:
- Bà là bà Na?
- Thưa vâng.
- Thế này là tụ tập trái phép làm mê tín dị đoan.
- Nhà cháu cúng người ốm.
Lúc ấy cái ông có bộ ria lởm chởm ở nhà dưới đã lên:
- Chúng nó đồng bóng nhảm nhi phạm luật nhà nước, các ông các bà cứ bắt đi cho tôi.
Bà Na bỗng cong cớn trỏ vào mặt lão:
- Bắt đứa nào! Bắt đứa nào! Bắt thằng tổ tôm, xóc đĩa, bắt thằng phản động việt gian đi tù về kia kìa.
Trong lúc hai vợ chồng to tiếng xỉ vả nhau, mấy bà hầu bóng đã lủi đằng nào. Ông cung văn già cũng biến mất, để lại cái nguyệt dựng trong tường. Cô công an Đàng mà mọi người đều hãi, vẫn đương tò mò ngây nhìn cái bàn thờ sặc sỡ, trang kim óng ánh, có hai con rắn...
Tôi nói:
- Tôi nhân danh chính quyền cấm gia đình từ nay không được phạm vào đồng bóng dị đoan. Chúng tôi tịch thu các đồ mê tín. Yêu cầu các đồng chí bảo vệ làm việc.
Cái mõ gỗ, cái cảnh, cải tìu, những bát hương cúng vọng, cúng hậu trên bàn thờ thì đổ hoa giấy và cát ra, Dương bỏ cả vào cái túi vải đã đem theo. Dương với tay lôi chiếc đàn nguyệt. Tôi nói. “Cái này là nghệ thuật, không tịch thu”, Dương để đàn vào chỗ cũ. Hai con mãng sà trơ ra hai bên chân bàn chưa ai đụng tới. Dương vơ vét mọi thứ, cả mấy nải chuối, nhưng có vẻ ngại con rắn giấy.
Tôi bảo cô Đàng:
- Cô bóc nốt cái mê tín này đi!
Cô Đàng như mới hết ngơ ngác, cô bước đến lột hai con rắn cuộn lại, kẹp vào quyển sổ.
Nhà dưới chỉ còn ông bà chủ nhà. Vẫn như mất hồn, như còn sợ, như hầm hầm giận dữ.
Tôi nói an ủi:
- Chúng tôi chỉ tịch thu đồ mê tín.
Bà Na nhăn nhó:
- Các ông bắt nạt nhân dân. Chúng tôi không phải quân mê tín!
Cánh cửa vừa đóng lại, tiếng đàn ông quát: “Con giời đánh! Con chết chém! Chúng tôi... chúng tôi... Ông bận gì đến cái mê tín của chúng mày”
Rồi huỵch huỵch, chát chát, không biết ai đánh ai, tiếng đấm đạp, tiếng phá tủ.
Tôi nói:
- Vào can người ta đánh nhau!
Mẫn bảo:
- Thằng chồng thế là tiến bộ, cho nó đánh con vợ mê tín dị đoan mấy cái.
Lệnh vào can của tôi không có hiệu quả, mà tiếng đấm đạp, tiếng kêu cũng im.
Tôi bảo cô Đàng:
- Cô cầm mấy thứ này lên khu báo cáo.
Dương nói:
- Cô cho tôi con rắn về làm mồi nhóm bếp.
Rồi chẳng đem thứ gì lên khu cả. Mấy cái bình hương mỗi ngưòì lấy một cái, đựng muối, làm phạng muối dưa, tôi lấy một cái để trên bàn làm ống bút. Đại xin chiếc mõ, chiếc cảnh đem về quê để gõ đuổi gà vào vườn bới.
Đến đợt kiểm tra vệ sinh chuấn bị toàn thành phun thuốc muỗi. Phát hiện ra ba nhà nuôi lợn trên gác, một nhà nuôi chó, bốn nhà hố xí phè cứt ra ngoài.
Tôi đi cùng các tổ trưởng và cô Nghệ phụ trách vệ sinh, rồi hội ý..
Tôi nói:
- Không được nuôi lợn trên gác. Bà tổ trưởng phải vận động người ta bán lợn, không có đến hôm phun thuốc trên khu về thấy thì không ra thế nào.
- Vâng, em sẽ vận động.
Bà ấy “vâng” rất nhẹ nhõm. Bà vâng để đấy, nếu tôi không đến xem lại, hỏi lại thì bà cũng chẳng nhòm đến con lợn người ta nuôi trên gác đâu. Cứ ừ, cứ vâng văng mạng, tôi đã dần dần quen như thế.
Tổ y tế xem đã phun thuốc được chưa. Thấy có thể phủn được. Đã hỏi cẩn thận, không có nhà nào không chịu cho phun như năm ngoái. Chỉ một buổi sáng thì phun xong. Tất cả các tổ trưởng, tổ phó, vệ sinh viên và hội viên chữ thập đỏ đeo băng đi hai ba người một kiểm tra khắp các phố. Một chiếc xe tải đã đưa các phuy thuốc tới. Sinh viên trường Kinh tế Quốc dân làm công tác xã hội, các cô các cậu cõng bình thuốc, tay cầm vòi, miệng đeo khẩu trang, vệ sinh viên hướng dẫn vào từng nhà, phun khắp từ hố xí đằng sau lên trước cửa, từ các phòng trên gác xuống nhà dưới. Mọi nhà đã được báo trước, nhưng cũng không phải đã dễ dàng. Nhà cẩn thận, chỗ này cho phun chỗ kia không.
Có người sợ mùi thuốc, đóng kín cửa, ra ngồi ngoài hồ. Cũng có nhà khoá trái, không ai ở nhà. Người ta không muốn cho phun thuốc, nhưng hôm nọ hỏi cũng cứ ừ.
Cả phố rộn rịch như đi mít tinh. Có người không phải ở ban vệ sinh cũng sốt sắng khuân thùng thuốc, chỉ dẫn nhà phun, chỗ phun. Buổi trưa, cả xe tải ra máy rửa tay chân rồi vào ăn liên hoan mỗi người một bát miến gà.
Vẫn cuối năm, nhiều việc dồn lại. Trật tự trị an lên hàng đầu chẳng khác dịp Quốc Khánh và các ngày lễ ngày Tết, - đến Tết cả thì dân phòng tuần từ giữa tháng chạp sang tháng giêng..
ở trụ sở dân phòng, bắc cái đèn, kê ra chiếc bàn với hai ghế băng, trên tường treo bảng mới kẻ chữ: trụ sở dân phòng thường trực tuần tra. Bắt đầu cắt lượt hai tiếng một tua, từ tám giờ tối. Hai ngưòì, bốn người hết tua về trụ sở đưa băng đỏ và chiếc đèn pin cho kíp sau tớì sáng.
Tuần tra đêm đêm, những góc phố êm ả. Ban ngày chỉ có hàng rong mua đồng nát, sách báo cũ, gánh củ khoai lang, lọ kẹo, ô mai, đôi khi hàng bánh tôm trước cửa trường học, phố này không có chợ xanh, chợ cóc.
Có khi, nứa đêm nghe tiếng kêu thét lên rồi im lặng. Không biết trộm hay người mất của. Bên cạnh, lô nhô những ngõ ngang, thoắt một cái đã lẩn sang phố khác. Có mỗi một lần bắt được trộm, năm ấy, tôi vừa dọn nhà lên được mấy tháng. Tiếng chân chạy rậm rịch.
Lố nhố người dẫn ra một người bị tóm trói ngoặt tay, tóc xoã, máu chảy bê bết, không trông thấy mặt. Thằng trộm không thuộc đường đã chạy húc đầu vào tường cuối ngõ cụt.
Đi tuần khuya tôi hay đến rủ Nguyễn Sáng ra quán Gió hay cửa ga hàng Cỏ, làm vại bia thiu. Bia đêm không phải sắp hàng, mà những ông mua bia cánh tay đeo băng, chẳng biết ông bẻ ghi, ông trưởng toa, trưởng tàu, ông “cờ đỏ", nhiều người đeo băng đỏ quá, và đều là người phải nể, nếu sắp hàng cũng được vẫy lên ưu tiên. Nguyễn Sáng nói: “Bận sau cho tớ mượn cái băng đỏ. Uống bia được mời, khoái quá".
Lại chuyện bất ngờ về trị an. Đằng sau những nhà lẫn lộn phố ga với vùng bờ hồ, có cửa sau dãy hàng ngoài Hàng Lọng. Quán nhà mậu, cơm bát bán xuất.
Người đủ loại, các tỉnh, người công tác, người đi buôn, không đoán đếm xuể được, cả đứa lang thang, gái điếm.
Cũng như chẳng phải địa phận cũng đánh dẹp cho chúng khỏi tràn lan. Cốt có công an, nhưng việc này cô Đàng lại không làm nổi. Vào xét nhà lão Vinh quét vôi, có người báo lão giặt xi líp thuê cho gái điếm. Cô Đàng đứng lại:
- Cháu không vào đâu. Phạt người đái đường, chỗ bến xe lúc nào cũng cả chục đứa uống bia rồi đứng lên đái, thấy cháu chúng nó quay ra đái vung vãi, cháu hãi lắm.
Tôi thông cảm những khó khăn của cô gái hai mươi mốt tuổi quê miền đồng khô cát tráng trồng ớt trong Quảng Bình. Trong nhà lão Vinh, Dương tịch thu đem ra cả túi những cái xì líp, xú chiêng sặc sỡ. Dương ra kể cho cô Đàng viết báo cáo, rồi cô ấy ký.
Cô công an hộ khẩu này còn một tật nữa. Cô sợ chuột. đến kỳ diệt chuột, thế nào cũng vắng mặt cô Đàng và Mẫn bảo vệ. Cô Đàng thì chẳng lạ, nhưng Mẫn sợ chuột thì thật quái lạ.
ấy đêm qua, phổ biến kế hoạch diệt chuột. Năm ngoái đánh bả được ngót một nghìn con, toàn chuột cống. Được giấy khen của hội chữ thập đỏ. Chỉ phải một khuyết điểm là để người vứt chuột chết bừa bãi, lần này phải cúng cố khâu nhặt chuột, chôn chuột. Buổi trưa, trên khu mang một bọc thuốc chuột xuống.
Cô Nghệ nấu một nồi cơm to, để nguội đổ ra ni lông rồi trộn thuốc đem phát. Cả phố đặt mồi cùng một đêm, rồi ba hôm liền, tổ hội viên chữ thập đỏ đi từng nhà nhặt xác chuột. Cuối ngày, xe đạp thồ những sọt chuột chết vôi bột rắc cả trong cả ngoài. Trên bờ sông, một dẫy những huyệt chôn chuột đã được đào sẵn cho các phố đem lên. Năm nay không đánh được cả nghìn con như năm trước. Không vứt bừa bãi hay chuột đã chết thối, đem bỏ vào xe rác, hay đã báo cáo thổi phồng.
Không hiểu tại sao. Có lẽ đã đánh bả mấy năm liền, những con chuột thoát chết bảo nhau thế nào, không đụng đến cơm bả. Năm nay, cơm bả nhà trộn lấy, hôm công bố kế hoạch dặn phải phi hành mỡ lẫn vào cho mồi có mùi thơm. Mà số chuột chết cũng kém hắn. Con chuột ở thành phố cũng ngày một khôn hơn.
Buổi sáng trông đồng hồ tôi thường có một ám ảnh buồn cười. Chợt nghĩ sắp có người đến, sắp có người đến, nhiều khi y như rằng. Nhưng cái ám ảnh có người đến hôm nay lại vào buổi trưa. Một người đàn ông mặc áo pydama, ung dung đi với Dương.
Anh này xúng xính quần áo ngủ pơpơlin lá mạ viền tím. Tôì nhớ năm trước người cửa hàng trưởng cao lâu Bôđêga phố Tràng Tiền. Ông ta cũng mặc pydama xanh. Chặp tối, Phạm Văn Khoa với Nguyễn Tuân và tôi vào nhà hàng. Cửa hàng trưởng ngồi ghế ngoài hiên, đứng dậy chào. Nhưng Nguyễn Tuân đã quay ra ngay. Sang bên kia Bờ Hồ, Nguyễn Tuân nói: “Mặc quần áo ngủ đón vào ăn, bẩn quá, không nuốt được". Lên quán cà phê Nhân, uống một cái phin rồi về. Ông Nguyễn bỏ luôn bữa ăn tối ấy ở nhà. Bây giờ mới lại trông thấy một ngườỉ mặc pydama đi công việc ngoài phố giữa trưa. Chàc là ông cửa hiệu Bôđêga báo cáo thành tích thì đua cải tiến đã tiết kiệm thời chiến, mặc quần áo pydama đi ngủ, ngồi bàn giấy, ra cửa chào khách, chỉ phải một bộ. Có thế nào, bộ quần áo mới được nhiều người trong ngành ăn uống, hàng quán bắt chước nhanh thế. Ông này cũng gày gù, khắc khổ, ngăm ngăm đen.
Nghe giọng nói đường trong, biết ông cùng quê với ông cửa hàng Bôđêga. Ông ấy nói:
Chào anh trưởng ban, tôi có việc đề nghị anh. Tôi phụ trách nhà trọ cửa hàng ăn uống Ga. Tôi luôn luôn giữ trật tự trị an nhưng có một bọn càn quấy, cứ mười hai giờ trưa đến thuê phòng ngủ. Chả là giờ nghỉ thì các đồng chí công an không đi xét giấy. Các anh phải đến triệt cho hết giống đĩ bợm thì thành phố mới sạch được.
- Công an đã quy định: người có chứng minh thư ở Hà Nội không được thuê khách sạn, nhà trọ. Nhà anh ở Hà Nội, sao đi ngủ lang, chơi gái à? Không được. Làm hắc vậy mà vẫn khe hở ấy là giờ nghỉ trưa, bọn ăn chơi hay thuê chỗ trọ vào luc ấy.
Tôi hỏi:
- Anh cho chúng nó thuê phòng lại còn kêu gì!
Người ấy trợn mắt, giơ bàn tay khía vào cổ.
- Không cho thuê, chúng nó cắt cổ tôi. Có thế mới phải nhờ anh can thiệp.
Tôi hẹn trưa nào có đứa đến thuê buồng để hủ hoá thì anh vào báo, chúng tôi sẽ ra.
Ông ta cám ơn rồi bắt tay, đi ra với Dương. Nhưng lại quay đầu, nói: “Ngay bây giờ anh ra cũng được, sắp mười hai giờ rồi.”
- Thôi hôm khác.
Chẳng lâu la gì, trưa hôm sau, người bồi xăm tự phong là phụ trách nhà buồng đã vào gọi: “Chúng nó đến! ”
Tôi báo với Mẫn và cô Đàng. Nhưng Mẫn đương bận chữa xe, cô Đàng thì họp trên khu chưa về. Chỉ có Dương và tôi Người pydama đưa chúng tôi vào nhà trong. Im lặng, trỏ tay vào cái buồng trên cửa có số 5.
Dương đấm chát chát như phá cửa. ở trong có tiếng hỏi ra: “Đứa nào đấy?”- “Mở cửa mau, kiểm tra hộ khẩu". Thấy lặng im, Dương lại đập cửa. Một cánh cửa bị đẩy hắt ra. Trán Dương cộc bốp một cái vào mặt gỗ.
Dương sừng sộ:
- Chúng mày chống lại chính quyền a?
- Không biết, tôi nhỡ tay. Ông tha cho.
Người ấy cười gượng ngượng nghịu. Không thấy nó vẻ du kê, du côn như người bồi săm nói. Nhìn vào gian buồng trống, trên giường góc trong có một người đàn bà đương ngồi búi lại tóc, áo đại cán tím, quần đen, đôi dép có quai hậu, như cán bộ ở tỉnh lên.
- Anh đưa gái đi hủ hoá?
- Không ạ, vợ tôi.
- Giấy giá thú đâu?
- Tôi để ở nhà.
- Không có giấy giá thú thì là hủ hoá rồi. Chứng minh thư đâu?
- Tôi quên ạ.
- Anh tên gì? ở đâu? Làm gì?
Tôi...ở Hải Dương làm nhà máy đồ hộp.
- Chị kia?
Anh nọ đáp hộ:
- Vợ tôi cũng ở Hải Dương.
Tôi nói:
- Mỗi người một tờ khai viết những điều tôi vừa hỏi. Tôi sẽ ghi biên bản. Một gửi về nhà máy ở Hải Dương, một gửi khu công an ở đây. Trước mắt, tôi cảnh cáo hai người từ giờ không được đi ngủ lậu thế này.
- Vâng ạ.
Người pydama đi lấy tờ giấy, người đàn ông nọ ngồi chép hai bản đưa cho tôi. Dương sẽ nộp khu và gửi về nhà máy. Người bồi săm cứ tấm tắc khen tôi giải quyết việc nhanh gọn. Rồi lấy trong túi ra mười đồng đưa cho tôi để các anh uống bia". Tôi không cầm, cũng không đưa cho Dương.
Có hôm đi qua hè phố lại thấy cái thằng nhà máy đồ hộp - nó không nhìn thấy tôi, hay là nó đã nhìn thấy tôi trước. Nó chạy vào nhà trọ ấy. Tôi về bảo Dương
Dương hỏi tôi:
- Có ra khám nữa không, lần này thì bắt...
Không hiểu sao tôi lại nghĩ ra và gạt đi.
- Chúng ta đã bị lỡm. Thằng pydama chứa trọ nhờ ta khám doạ thằng kia để nặn thêm tiền đấy thôi. Mà hình như cái dãy nhà này không thuộc địa phận phố ta.
Dương nói một câu lạ tai:
- Nó nhờ anh giúp mà, chỗ ấy là khối phố khác.
Tôi bực mình:
- Nó nộp anh bao nhiêu tiền?
- Anh lại nghi oan em. Em thề...
Tôi nghĩ bụng: “Nó đút tiền mày trước cả lúc vào gặp tao. Mà mày cũng vứt hai cái đơn rồi". Nhưng tôi lại không nói.
Ngày ngày Dương tha thẩn trong phố và các ngõ như con gà, con chim đi kiếm mồi, nhặt hạt thóc, hạt rền. Dạo này không thấy đi giữ xe đạp nữa. Tôi cũng không bao giờ cất công đi dò hỏi xem ở trong Nam có phải Dương đã bị án, ngày trước vợ Dương đi làm nhà thổ. Cái ngại của tôi cũng có lý vì ở đây túi bụi việc trước mắt- như thời hồng hoang, không ai biết gốc gác ai và chẳng có lương lậu ngạch bậc để nhấp nhồm chèn cạnh nhau, thế thì đi hỏi làm gì. Thằng Dương kiết xác không vơ váo kiếm ăn thì có khi phải đi ăn trộm nuôi sáu miệng ăn cũng nên.
Vẫn việc trị an, cái này mới thật sự to chuyện.
Cô Đàng trên khu về truyền đạt công tác đặc biệt. Cái nhà góc phố, một cơ quan nước ngoài thuê. Nhà này hay đem gái điếm vào. Chơi gái trong nhà ấy thì không ai làm gì được vì nhà thuộc ngoại giao đoàn. Không biết đã từng thoát bẫy ở đâu hay họ biết ta có thể chặn bắt ngoài đường, nên họ đề phòng lắm mẹo. Chở gái bằng ô tô, nhưng không ngồi ô tô che vải hoa lên cửa kính - xe nước ngoài không có thói che rèm như ô tô các cấp của ta, mà cửa xe Tây cứ thông thống, người nằm xuống ghế cũng trông thấy. Bọn ở đây cao tay, nó đặt cái thùng gỗ đằng sau xe, chằng dây cho khỏi bung lên, như tải về cái xe máy, cái tủ lạnh mọi khi vẫn làm thế. Chỉ khác, có lần ở trong ngồi một nàng Kiều..
Chúng tôi bố trí Mẫn gác ngoài đường, xế cửa, ngăn nó không tọt được vào cổng. Thấy bóng cái xe có thùng đằng sau thì Dương huýt còi, chặn lại. Tôi ra nói tiếng Tây và làm biên bản. Nếu xe cắm quốc kỳ thì tước ngay. Rồi yêu cầu mở thùng. Trong thùng không có người thì cắm lại cái cờ và cho qua. Có sai luật thì chúng tôi cũng chỉ như dân phố không biết pháp luật.
Cô Đàng và công an khu nấp đằng kia, có thế nào thì Mân chạy lại gọi. Kế hoạch tác chiến đã bàn kỹ và bố trí như thế.
Phố vắng, chặp tối đã im lìm. Đèn đường thấp thoáng, những cây xà cừ xào xạc rụng lá, vào mùa hạ nếu mưa to đường phố này có khi mấy ngày ngập ngang đầu gối. Có người thắc mắc quãng phố ấy có mấy nhà hộ đặc biệt, sao để đường tệ thế. Nhưng lại có người giải thích mỉa mai: ô tô kề thềm hè, biết lụt lội ra sao, đến tết Công Gô vẫn lụt, cũng chẳng lo.
Nhưng công toi đã mất mấy hôm. Mỗi lần, có một hai xe về lúc chặp tối. Trong nhà lên đèn sáng, tiếng máy hát mở to, chắc là họ vừa ăn vừa nhảy đầm. Vào khuya gần nửa đêm, một xe nữa về, xe vào khoá cửa sắt ngay. Đèn trong nhà không sáng thêm. Xe này đi tiệc đâu về. Không xe nào có cái hòm đằng sau.
Cô Đàng nói:
- Các anh ấy bảo gác nốt đêm nay thì rút.
Chặp tối, cũng hai xe, vẫn không có hòm xiểng buộc đằng đuôi. Xe bóp còi, trong nhà ra mớ. Gần nửa đêm, lại một xe về, vào khoá cửa sắt, không có vẻ gì khả nghi. Hai cánh cổng sắt đóng, ô tô đã tắt máy trong vườn. Dương đi từ hè bên kia đến. Dương đẩy một cô gái trong bóng tối gốc cây ra sáng điện giữa đường.
Như ở đâu hiện ra, người con gái mặc áo vét, đầu phi dê mốt mới “u xi” xoắn lên đỉnh. Dương lôi cô gái ra đứng giữa chúng tôi, nói to:
- Chị này núp gốc cây định theo cái xe vào.
Người con gái nói:
- Không phải. Tôi vừa đi đến đấy.
Tôi hỏi:
- Cô đi đâu khuya?
- Em đi làm ca về.
- Nhà ở đâu?
- Nhà em dưới Khâm Thiên.
Dương nói:
- Quần áo, đầu tóc thế kia không phải đi làm ca.
Tốp công an trên khu cũng đã ra tới. Một công an nói: “Việc tối nay thế là giải tán. Bây giờ đem chị này về trụ sở Hôm sau chúng tôi không phải đi rình nữa, cô gái bị dẫn về trụ sở rồi ra thế nào.
Có lúc tôi lại nghĩ hay đấy là công an thả người ra bẫy cò ke mấy ông Tây.
Không thì giờ đâu mà nghĩ lâu, những việc khác đã ập tới chúng tôi họp công tác bàu cử hội đồng nhân dân thành phố. Tôi cũng đương Hội đồng Nhân dân, mà ứng cử huyện Tử Liêm, khoá Quốc hội thì ra đại biểu trên huyện Thạch Thất. Chưa khi nào tôi thấy việc ở khối phố tôi bận gì đến các chức danh và công tác ở trên của tôi.
Việc nhiều đấy, nhưng cứ làm theo trên bảo rồi cũng tuần tự trôi chảy cả. Tài liệu thì đã có các tờ bướm chỉ dăn. Số người ứng cử có sáu thì lấy năm, bỏ một. Bỏ người nào thì gạch một cái, ở chỗ viết phiếu đã sẵn chiếc bút bi buộc vào cọc chân bàn. Trước kia có giải thích bỏ cho ai, bỏ cho ai. Nhưng lần này không thấy trên tiểu khu xuống bảo gì cả.
Hội đồng nhân dân thường họp ở hội trường uỷ ban thành phố. Đến năm xây xong khách sạn Giảng Võ thì xuống dưới ấy. Nhớ lại các cuộc họp cũng chẳng nhớ công tác, chủ trương thế nào, chỉ không quên những cái vớ vẩn. Lần nào tôi cũng chịu khó mấy hôm đi họp. ở hội trường uỷ ban trên Bờ Hồ, buổi trưa được ăn bồi dưỡng bát phở gà, phở bánh hẳn hoi và một quả chuối. Ngày ấy không phải ăn phở miến dong riềng, phở “không người lái” là nhất Hà Nội rồi.
Cái bảng với hàng chữ to tổ bố “Khách sạn Giảng Võ” thực sự nó là cái hàng cơm chứa trọ của ga bến Nứa. Cơm thì ngồi bàn ghép mâm, buồng thì nằm bốn người, sáu người. Mép cửa sổ đóng hai cái đinh khoằm vào nhau, bên cạnh dán mảnh giấy “chỗ mở bia". Nghiêng đầu chai vào, bật nút. Có hôm, tôi thấy bác sĩ Phạm Biểu Tâm- ở trong Nam ra họp, rửa mặt ở vòi nước nhà ăn. Hỏi thì bảo nước ở buồng không chảy. Nội qui ghi khách giả buồng thì giao chìa khoá cho nhà buồng.
Chúng tôi ra đứng ngoài cửa, cô nhà buồng cầm sổ vào đếm l, 2, 3 theo số: cái chén, cái phích, cái gối... Đếm xong, cô bước ra tươi cười: “Đủ rồi ạ, các đồng chí về mạnh khoẻ”.
Đấy nhớ vẩn vơ cái hàng cơm chứa trọ Giảng Võ như thế. Và nhớ buổi họp mỗi lần giải lao gặp nghệ sĩ chèo Diễm Lộc ra uống bia hơi. Cô Diễm Lộc uống hơi ác đấy.
Một buổi tối họp phố, tôi đương giải thích các tiêu chuẩn người ứng cử hội đồng nhân dân. Một ông Tây mặc sơ mi hở cổ, ria mép trắng lốm đốm, mặt rượu đỏ thậm lù lù vào ngồi xuống cái ghế băng cuối. Chết tôi rồi, đấy là lão tổng đại diện Pháp, lão P. Susini.
Hôm mới đây, Quốc khánh Pháp, tôi đến dự tiệc đứng trong vườn sứ quán. Tình cờ, ông ta đến mời rượu rồi nán lại chuyện linh tinh. Ông nói ông chưa đọc tôi, nhưng biết tiếng. Và hỏi tôi đương viết gì thú vị. Tôi bảo tôi đương làm một việc rất vui là làm đại biểu một khu phố, mà ở trong làng thi như người trưởng xóm. Tôi khoe đương có cuộc vận động bầu cử hội đồng thành phố. Ông hỏi: “Tôi đến xem được không?”- “Được, được lắm. Mời ông". Rồi ông đi bàn khác. Tôi tiếp tục uống và coi như những câu nói gió bay lên trời.
Nhưng lão Susini đã đến. Tôi không lạ người ta đến, nhưng tôi ngại cái sự lão tò mò chui vào cái phòng họp ở chỗ ngóc ngách và ngồn ngang như lớp học trong tranh thày đồ cóc.
Tôi ra chào ông. Và nói xin lỗi, tôi đương giải thích về bầu cử. Ông ấy nói không sao, không sao, ông ấy đi bách bộ chơi, nhìn thâý tôi thì vào, tôi cứ làm việc, mặc ông ấy.
Rồi lão P. Susini đi lúc nào không biết. Ông ấy nói xã giao- khó lòng, vì cái buồng phòng họp giữa nhà, ngoài đường không trông thấy người ở trong, hay là ông ấy thấy vẻ ngơ ngác của tôi- tôi không ba hoa chích choè như hôm uống vang Boocđô ở sứ quán, ông ấy đã lẳng lặng rút. Không có qui định luật lệ tiếp xúc với người nước ngoài, nhưng người ta đều tránh.
Cô bán bia Bờ Hồ kể chuyện. Có một Tây không biết người nước nào nói tiếng ta sõi, chiều chiều đến uống bia tán gẫu. Cô hàng bia bảo khách: “Đồng chí đến uống bao nhiêu chai bia cũng được, nhưng không nên đến nói chuyện với tôi. Nói chuyện với tôi thì mai tôi mất việc". Và cô đá mắt nhìn người công an đương thản nhiên như không đương đi đi lại lại bên ngoài.
Hôm sau, cô Đàng hỏi tôi:
- Bác có biết người Tây tối hôm qua đến chỗ phố họp không?
- Tôi không biết.
- Ông âý là đại sứ nước Pháp. Sao nó biết ta họp?
- Biết được!
- Nó hỏi gì thế, hả bác?
- Nó có hỏi gì đâu!
- Nhân dân bảo bác ra nói chuyện với nó.
- à người ta vào nhà thì mình phải ra chào hỏi, phép lịch sự quốc tế mà.
Cô Đàng lại ghi vào sổ, không hỏi thêm rồi đi.
Một người đến. Không phải cô Đàng quay lại, mà cô Nghệ. Cô Nghệ đã trên năm mươi tuổi, ai cũng quen miệng gọi là cô, bởi vì cô chưa có chồng. Người làng nhàng, quắt queo, hay gắt gỏng, mặt khó đăm đăm, lại bệnh đau gan. Cô hay nhờ tôi tìm thuốc tiêm bổ gan sêlêpa. Các hàng thuốc không có những thuốc quí hiếm ấy. Tôi mua hộ cô ở y tế cơ quan. Cô Nghệ làm ban vệ sinh, thành phố chuẩn bị phòng không cô kiêm thêm ban cứu thương. Lại có việc gì đây.
- Anh Vân đội viên dân phòng...
- Anh Vân lái xe ở phố bên ấy a?
- Vâng. Mấy hôm nay lôi thôi to. Cái hố xí hai ngăn của chung số nhà nước cứt đái ngấm sang cả mặt tường nhà anh ấy. Mấy hôm đã cãi nhau ầm ĩ, mà anh Vân thì ốm, con còn bé, nheo nhóc quá. Anh sang xem thế nào.
- Cô về báo số nhà ấy tối nay họp, tôi đến.
Cô Nghệ đã đi rồi, lại trở lại.
- Hay là trên đương giục báo cáo vệ sinh hố xí hai ngăn, anh để mai ta đi kiểm tra làm báo cáo rồi vào nhà anh Vân một thể.
- Thế thì chiều mai ba giờ tôi sang bên nhà cô rồi cùng đi.
Mấy lâu nay thành phố vận động các nhà làm hố xí hai ngăn. Việc ỉa đái của đất Kẻ Chợ từ thời Tây đã cứ không dưng như mưa nắng, như trời đất hết mùa hạ sang mùa thu. Hồi xửa xưa, chỉ độc mấy phố hàng Đào, hàng Gai, các nhà quan cách khá giả trổ ngõ sau ra phố tắt, ra vườn hoang, mọi đi lại, chợ búa, con cháu ở quê ra, người vào lấy phân tro đều đi cửa khuất ấy. Rồi quan đốc lý Tây cho thầu phân, các nhà làm hố xí đằng sau, nửa đêm có phu gọi cửa “đổi thùng! đổi thùng! ”- mà người nghe lúc ngái ngủ nhầm là “đổ thùng". Nhà có cửa nách cho phu thùng, nhà chật chội thì mỗi đêm phu cứ xách thùng phân qua suốt cảc phòng ra cửa trước. Năm 1956, về hoà bình rồi, buổi tối tôi vào hiệu vằn thắn phố Huế, đương ăn còn thấy người công nhân vệ sinh quảy đôi thùng phân đi ra, qua ngay giữa nhà. Đấy là nơi có phố, còn lều quán chưa thành phường thì vẫn ngồi nấp bờ đầm, bờ sông, bụi rạm. Làng tôi ở ven nội, người lớn trẻ con đều ra các chân tre đầu đồng, mỗi hôm có mụ “mũi thung"- những người đàn bà lam lũ trên mặt nổi vết chàm có lông như miếng da lợn, họ ở các làng vùng trong quảy thúng tro đi gắp phân về bán.
Nhà người Tây có hố xí máy, còn người ta ở Hà Nội thì cả trăm năm thuộc Pháp các phố cứ “đổi thùng” cho mãi đến những năm 1958. Không biết ai cải tiến ra cái hố xí hai ngăn đến bây giờ còn người khen, ngườì thì bài bác kịch liệt đòi truy cho ra đứa có sáng kiến ấy để bỏ tù. Tôi là người đứng giữa có thực nghiệm với tư cách nhà có một hố xí hai ngăn và bây giờ trông nom hơn hai trăm cái hố xí hai ngăn của hàng phố, tôi thấy không phải tội ở người nghĩ ra, mà tại những đứa xây và đứa cai quản với thói kẻ cắp bớt xén, thói lười biếng. Lý nhẽ và lề lối nghe ra thuận tai, vẫn cái hố xí mọi khi đem chia thành hai ngăn. Đầy ngăn này, đậy nắp lại cho phân ngấu. Khi ngăn kia sắp ứ lên thì ty vệ sinh đến hót hố bên. Hàng tuần, đem tro và mùn đất rắc vào hố phân, lại trát vôi cho khít nắp. Mọi việc đều được giải thích ra các thành tích và kết quả. Phân này đưa đến nông trường, tốt bằng trăm phân hoá học nước ngoài phải bỏ tiền ra mua nhập.
Cái tưởng là sẽ tốt đẹp ấy đều đặn tử tế được vài tháng đầu. Các người ở ngoại thành vào lấy trộm phân khốn khổ lắm. Công nhân vệ sinh bắt quang sọt, công an phạt tiền. Nhưng vẫn có người đi chui, có các nhà cho vào múc lậu. Chỉ ít lâu, đến khi chểnh mảng chẳng thấy công nhân đưa mùn đất, không đến chát nắp, lại những xe thùng cũng đỗ bất thường. Cả hai hố đã phè ra, chủ nhà phải ngồi ở cửa hóng người hót phân chui, lại phải dúi tiền để các bác ấy làm phúc vào lấy cho. Sự tích cái hố xí hai ngăn nẫu ruột là vậy, mà đêm ngày nhà nào cũng phải dùng đến, mà cái hố xí tự hoại, cái hố xí máy thì xa vời chưa bao giờ dám tưởng tượng đến, hoạ may chỉ có thật ở các nhà hộ đặc biệt cũng một phố tôi thôi. Nhà tôi nêu gương đã đợt đầu làm ngay hố xí hai ngăn. Xây thành hai hố, hai cửa, hai lỗ, lại chát xi măng lót tường, thợ xây đưa đến một xe ba gác mấy chồng gạch xỉ than. Tôi bảo:
- Gạch xỉ than thì vỡ ngay, thấm hết.
Anh thợ nề và anh công nhân vệ sinh cắt nghĩa quả quyết:
- Gạch xỉ than nhẹ và xốp, phân hả hơi càng chóng khô, phân sẽ rất tốt, bác ạ.
Tôi không thề hiểu biết hơn những người miệng nói tay làm này. Nhưng cái hố xí hai ngăn nhà tôi không thấm. Có lẽ người ta làm cẩn thận kỹ lưỡng cái hố xí nhà trưởng ban.
Tôi với cô Nghệ đến nhà Vân. Cái hố xí sát tường ấy không phải của một hai nhà mà chung năm hộ trong một số nhà. Trên gác, tầng dưới, nhà ở bếp, nhà vẩy mái đằng góc sân. Nhà anh Vân ở xưa kia là nơi để xe. Không biết chủ để xe nhà, xe đạp hay ô tô, nhà này trước là cái biệt thự nhỏ một chủ.
Chỉ một gian thông thống, trong cùng kê cái thùng gỗ đựng xống áo. Hàng hiên là bếp, có cái hoả lò đun củi. Anh Vân nằm, chưa phải mùa lạnh đã đắp chăn, chốc lại ho sù sụ- cái chăn rung nảy lên mới biết có người bên trong. Mọi khi, có lần đêm gọi Vân đi tuần tra, tôi chỉ đứng ngoài cánh cửa, không trông thấy cảnh tiều tuỵ này.
Tôi ngồi xuống.
- Chưa khỏi ho à?
Giọng Vân tự nhiên:
- Ho lao thì chỉ khi nào chết mới khỏi, anh ạ.
Tôi không dám động đến chuyện anh ốm nữa.
- Thế nào, cái hố xí...
Vân ngồi lên, trỏ tay bảo tôi và cô Nghệ vào chỗ góc tường. Tối như hũ nút. Bật điện cũng không sáng tới Khi này người ở các buồng nhà trên thấy “chính quyền” tới đã xúm đến.
Một bà phân trần:
- Cái cô Nghệ nghe báo cáo báo mèo thế nào mà hoá ra tôi cãi nhau với anh Vân. Cãi nhau đâu với cái anh ốm như con gà rù thế kia. Tôi chỉ nói rằng anh Vân ơi, anh làm ở sở nhà nước có ô tô, có thế lực, nhờ anh đi báo cáo cho nhà này được làm cái hố xí chỗ khác, cái hố xí này khốn khổ cả xóm, mà khổ nhà anh ấy trước. Có phải hố xí riêng của nhà tôi đâu. Thế mà thiên hạ chúng nó đã nói bẻ queo ngay đi.
Có người đem đến cho mượn cái đèn pin. ánh đèn lia vào góc tường, tôi thoạt thấy đã kinh hãi. Chân tường thâm kịt, tình cảnh này thì chỉ ít lâu nữa, chỗ thấm càng nhầy nhụa ra. Bấy giờ tôi mới ngửi thấy hình như trong buồng có mùi thum thủm.
Bà hàng xóm mau miệng, lại nói:
- Ông xem có khốn nạn không, cháu nói vô phép ông, đứa nào ngồi phón bên kia, ở đây cũng nghe tiếng phèn phẹt. Đã nhục chưa!
Cái bà lão chết toi, ăn với nói!
Tôi sang nhìn cái hố xí. Vốn là một mảnh đất toen hoẻn bằng bàn tay, công nhân vệ sinh đã xây tường cửa, mặt ngồi, tường ngăn, nhưng không trát xi măng, lỗ hẹp quá, thế là phía trong để mộc. Bên trên mái lợp miếng ni lông với que chống. Không có cửa, người ngồi thò đầu gối ra thì ở ngoài biết trong có người.
- Hố bé quá, nó lại không lát đệm, cái tường con kiến để nguyên, không tráng xi măng...
Tôi nói như quan sát kết luận. Nhiều người thêm thắt:
Chúng tôi đi cả ngày, làm xong người ta giao cho thế thì biết thế...
- Tôi đã hỏi lại, chúng nó tô vẽ rồng phượng cái hố xí bền vững đâu ra đấy, cái quân bán mồm.
- Trăm sự nhờ ông.
Tưởng như tôi có thể sai, có thể ra lệnh hay là gọi ngay uỷ ban, công ty vệ sinh đến mắng cho một trận, bắt chữa lập tức. Tối hôm ấy tôi cũng làm một cái đơn kể sự tình- dùng chữ thời sự hôm nay, “để ô nhiễm môi trường đến vậy, đề nghị! ... Đơn viết ba bản gửi đi ba nơi. Mất hút, chẳng có tin trở lại. Tôi cũng đã đoán từ lúc chưa gửi kết quả sẽ như thế. ít lâu sau, anh Vân ho ra máu, chết ở bệnh viện Bạch Mai. Chị Vân rồi ẵm con đi ở nơi khác. Mỗi khi tôi đi qua vẫn thấy cái buồng đóng cửa, chưa có người đến ở. Cũng chẳng khi nào tôi vào hỏi thăm xem cái chuồng xí thấm ra tường rồi thế nào.
ở số nhà này đi ra, cô Nghệ và tôi sang một ngõ phố khác, làm việc cho cái báo cáo vệ sinh. Tôi đi suốt loạt hố xí một dãy nhà. Có đến mười mấy cái nhà một tầng, hố xí líền nhau đằng sau các gian nhà giống hệt nhau. ở thành phố có nhiều nhà như thế, trước kia của một chủ làm cho thuê. Các dãy phố quanh nhà thờ hàng Trống, ở Hăm Bốn Gian phố Huế, ngõ Yên Thái, ngõ hàng Cỏ, bây giờ phần nhiều đằng trước đã sửa sang lại, nhưng phía sau lưng thì vẫn như một trăm năm trước- một hẻm dài mỗi gian thò ra hai lỗ cửa chuồng xí, đấy cũng là lối đi cửa sau lấy thùng.
Tôi bảo cô Nghệ:
- Ta vào xem hết cái hẻm này đã đủ làm báo cáo được.
Cô Nghệ nhăn mặt:
- Anh vào à? Anh cho tôi đửng ngoài này. Tôi có chứng rức đầu.
Cô Nghệ không dám vào. Bẩn kinh khủng. Mùi hôi thối không trông thấy, nhưng có thể tưởng tượng như một cái cống, một cái bễ đương ngùn ngụt tuôn hôi thối nồng nặc ngạt thở. Hai bên tường, không quét vôi lở lói dưới hàng gạch lâu đời đã vỡ khấp khểnh xanh xám nhờn nhọt như màu tường nhà anh Vân lúc nãy. Cái chuồng xí cũ thì trống hốc, cái hố hai ngăn đã trát hai miếng vôi cát lờ tở, tôi đếm từng cái, mỗi thứ. Dưới rãnh, những con ròi trắng hếu bò lổm ngổm.
Nhưng không thấy nhặng xanh bay ngang mặt, có lẽ bí hơi quá, nhặng cũng không dám vào.
Đến cuối hẻm tôi quay ra. Cảm tưởng vừa xuống âm ty. Uám, nhơn nhớt, nghẹt cổ. ở Hà Nội, phố nào cũng đằng trước mặt hoa da phấn, đằng sau là cái lối vào chuồng phân như thế này, cả bao nhiêu năm nay thế.
Cô Nghệ bảo tôi:
Gớm cái anh, tôi ra kia mua nắm lá ngải cứu cho anh về đun nước tắm ngay đi.
Tôi cười:
- Có cái nãy khử hơi độc còn hay hơn. Mời cô sang bãi “chuồng cọp” uống bia với tôi.
- Chịu thôi, tôi không biết uống bia.
Việc chuẩn bị bầu cử đã vào độ rầm rộ cuống quít.
Tổ viết tên cử tri cả khối cọng lại, lên danh sách niêm yết ra trụ sở trước hai tuần lễ. Ai xem có tên mình, có sai sót thì báo ngay. Rồi phiếu đưa đến từng hộ.
Hôm đi bầu, cử tri đem phiếu vào khu vực tổ mình để người ta đánh dấu vào sổ đã đi bàu rồi. Quá trưa, soát thấy tổ nào còn người chưa đánh dấu thì tổ trưởng về gọi. Người đi bầu ra chỗ viết phiếu đã kê bàn từng ô có ngăn giấy che. Chẳng phải viết chữ nào, chỉ đọc một loạt sáu tên người rồi gạch một. Họp phố đã nghe dặn cách bầu nhiều lần.
Mỗi buổi chiều, đoàn thiếu nhi sắp hàng khua trống ếch inh ỏi. Chặp tối, đội dân phòng và thanh niên nam nữ lại đồng phục sư mi trắng, quần xanh công nhân, giày ba ta trắng, - không dội mũ sắt, hàng trăm người sắp hàng ba đi hô khẩu hiệu: Hoan hô bầu cử hội đồng nhân dân khoá... Hoan hô! Trông đội dân phòng lại oai, khác hôm thi cứu hoả phụt nước thua trên Cửa Đông, lỉnh kỉnh đẩy cáì xe máy bơm về, mặt ai nấy tiu nghỉu.
Bộn rộn nhất hôm sau cùng. Đêm trước đã họp các tổ trưởng, tổ phó, mọi người ra giúp việc rà lại giấy tờ, giấy mời, lại diễn tập hướng dẫn đi vào, lối ra, đến bàn đưa đóng dấu phiếu, vào viết phiếu, bỏ phiếu rồi hướng dẫn đi ra. Chặp tối mấy hôm nay các phố đã lên cổng chào tết lá dừa, chăng đèn kết hoa.
Trẻ con đùa chơi đến khuya. Tôi khoan khoái bảo Đại:
- Thắng lợi, phải thắng lợi chứ".
Từ tinh mơ, tôi sang sân trường nơi bỏ phiếu. Những người được phân công chuẩn bị các thử còn đến sớm hơn tôi, những cái thừng căng và những biển chỉ đường ra vào cũng đã cắm cẩn thận rồi.
Người ở các hộ đặc biệt đều ra đông đủ. Vài ba năm những cái phố eo sèo thường ngày mới có một lần long trọng thế này. Nhiều vị chủ hộ ăn mặc tinh tươm, có người thắt cà vạt đỏ, đội mũ phớt. Thời ấy mặc oách thế còn hiếm, đấy là dấu hiệu tôn trọng cuộc mít tinh bỏ phiếu. Các ông là bộ, thứ trưởng hay bí thư đáng đoàn, viện trưởng, vụ trưởng, trưởng ban nội chính, đại khái thế, tôi cũng đoán biết sơ sơ.
Dương đến ghé tai tôi:
- Hay quá, các kễnh ra hết.
- Nhiệm vụ công dân của các vị ấy chứ.
- Mời anh đến chào khách.
- Miễn! Các ông ấy không đến chào tôi thì thôi.
Chẳng ai đến chào tôi cả. Tôi cũng như mọi người ở ban bầu cử lăng xăng chạy đi chạy lại. Dương vẩn vơ muốn đến bắt tay các ông kễnh, nhưng thấy tôi không đến, Dương chỉ lảng vảng gần dăy ghế hàng đầu.
Còi ủ nổi lên xa xa gần gần, còi hiệu toàn thành bắt đầu mít tinh. Tôi đọc một bài phát biểu trước micrô.
Tôi đọc thong thả, rành rõ bài đã viết sẵn của trên khu gửi xuống. Năm trước, bài nói in chú thích: “Đọc nguyên văn, không thêm bớt nội dung". Có ông trưởng ban đại biểu nọ đã đọc nguyên tất cả câu ấy. Bây giờ chỉ dặn miệng.
Tôi đọc oang oang như lời mình viết, tai nghe cũng thấy oai. Tôi đọc xong, phó trưởng ban Đại hai tay giơ cao trước đám mít tinh cái thùng phiếu bọc giấy đỏ lại mở toang nắp, lật ngược lên, quay ra bốn phía để ai nấy chứng kiến cái hòm trong rỗng không có gì, không mờ ám gì cả.
Mười giờ, các tổ đi bầu đương đông. Trong các bàn, chỗ nào cũng tíu tít, có người đi bầu hộ cả nhà. Vẫn được ghi, vẫn bỏ phiếu vào hòm như thường. Có việc vội mới phải nhờ, người nhờ bầu cũng là hàng phố, xóm giềng thông cảm, biết nhau hết. Mấy phiếu người cao tuổi, có cả mẹ tôi, cụ yếu chân, lại không biết chữ, chốc nữa tổ công tác đưa hòm phiếu vào tận nhà, trưởng ban đi cùng, bảo vệ Dương bồng súng đi sau.
Quá một giờ, Mẫn phóng xe lên khu báo cáo cuộc bỏ phiếu khối tôi đã xong hoàn toàn lúc hai giờ bốn mươi phút. Nam nay sớm sủa, chắc ăn bằng khen rồi.
Còi ủ năm giờ, các nơi đều xong xuôi. Cái hòm phiếu được Đại dán giấy, niêm phong lại. Tôi viết lên tờ giấy, dán cạnh chỗ niêm phong: Hòm phiếu khối... bầu cử hội đồng nhân dân khoá... ngày... Theo chương trình, lúc ấy mít tinh bế mạc kết thúc cuộc bỏ phiếu thắng lợi Nhưng gọi loa các ngõ, chẳng mấy người ra mừng nữa. Chỉ có trẻ con đã nhảy rỡn à à. Tôi bảo ông Đại vác hòm phiếu, một bên vai khoác khẩu súng, đem vào trụ sở. Hai ban và đại biểu các giới bấy giờ mới ra đi theo, như đám rước. Hòm phiếu được đặt ngay ngắn lên- mặt bàn. Khi mọi người đã ra về, Đại cầm chìa khoá ra khoá trái cửa rồi bê hòm phiếu vào cuối phòng.
Chúng tôi bóc miếng giấy dán niêm phong, đổ cả thùng phiếu ra mặt bàn. Hai chúng tôi mở từng cái phiếu rồi lại bỏ vào thùng. Cả phiếu không gạch tên- phiếu trắng, cũng bỏ lại vào. Chỉ để riêng ra cái phiếu nào viết vẽ nhảm nhi hay viết phản động. Những phiếu này gói lại, tự tay trưởng ban đem nộp lên khu. Trong những năm tôi làm việc, mấy lần bỏ phiếu thành pbố hay toàn quốc đều làm như thế, theo kế hoạch mật của khu. Chưa lần nào tôi thấy có phiếu viết phản động, chính trị. Chỉ có vài phiếu để trắng. Phiếu vò lại rồi nhét vào hòm. Có phiếu vẽ nguệch ngoạc cái thẹo.
Các đội viên dân phòng đeo băng đỏ đã ra đứng gác trước trụ sở, trong có để hòm phiếu, cho đến lúc đưa hòm phiếu lên khu. Tôi về tắm, rồi đóng bộ đại cán xi măng xám, như Đại, như Dương, chỉ Mẫn vẫn quần áo bộ đội xác xơ thường ngày. Đại ghếch xe đạp, tôi ôm hòm phiếu ngồi sau xe. Dương và Mẫn hai xe đạp theo sau, mỗi người trên lưng khoác khẩu mút cơ tông của khu đội cho mượn. Đoàn cán bộ khối chúng tôi rước hòm phiếu lên khu.
Trời đã tối, trong ánh đèn đường nhấp nhánh người vào nhộn nhịp cũng thấy được vẻ ngày hội khác thường.
Bàn giao hòm phiếu, cầm tờ biên lai có đóng dấu ủy ban rồi sang nhận một chai rượu quít, hai bao thuốc lá Tam Đảo, quà của khu cho. Nhiều khối lúc ấy cũng đương lên. Có người ngồi đèo xe đạp như tôi, có người đi xích lô, hai tay bưng hòm phiếu bọc giấy đỏ, như cái quả đám ăn hỏi. Khối nào cũng có tay súng bảo vệ hòm phiếu.
Tôi bảo:
- Ta hoàn toàn thắng lợi rồi. Các cậu có uống rượu không?
Không ai trả lời. Tôi lại nói:
- Các cậu khéo vờ, sắp nói “không” đấy. Thắng lợi rồi, tôi thết các cậu chầu rượu.
Dương cười:
- Anh đoán sai. Tôi uống được chớ!
Tôi với ba vị chức việc khối phố vào quán rượu xế nhà thương Đau Mắt. Không phải lão 63 đặc sản ngầu pín, mà quán này có đậu nghệ nướng chấm muối, ông Be cắt tóc mách, tôi đã vào vài lần.
Dương và Mẫn dựng hai khẩu súng vào tường. Bà chủ quán đỏ đắn, béo tròn, mau miệng hỏi:
- Các ông đi giải tù về hả?
- ơ cái bà này lạc hậu! Súng danh dự gác hòm phiếu. Hôm nay ngày gì, không biết a?
- à à. ấy chết... tôi quên... Mà ai thuộc đâu được việc quan của các ông.
Phó Đại bảo tôi:
- Súng cho oai thôi, không có đạn. Tôi đã làm bầu cử, tôi biết.
Tôi hỏi:
- Thật á?
Dương đứng dậy, cầm một khẩu, kéo cò lách cách.
Tôi xua tay:
- Thôi đi ông!
Bà chủ quán quát to tướng:
Có ngươi nằm trên gác xép đấy. Đạn xuyên lên thì có mà vào nhà đá cả nút.
Nhưng đúng là không khẩu súng nào có đạn, như súng của trẻ con chơi. Tự dưng tôi thấy yên tâm hơn.
Chiếc đậu mát lạnh, phảng phất mùi khét, mùì nghệ quen thuộc từ thuở bé đã theo mẹ đi chợ Bưởi ăn đậu nướng. Bây giờ thì uống rượu giải nhiệt với đậu nướng, một ngày lôm lam cật lực.
Tôi ốm, có lẽ chuyến bầu cử thức khuya nhiều mà thói quen tôi hay ngủ sớm. Bệnh áp huyết tôi mắc từ năm trước, khi đang học trường Nguyễn ái Quốc. Thời gian đầu, thần kinh tim rồi áp huyết thấp, ít lâu sau hết các bệnh ấy thì đến áp huyết cao và bệnh lâu năm thành mãn tính. Mỗi lần bị choáng váng, đi khám, chẳng mấy khi không bị giữ lại. Đến lúc đã ổn định lại lên nhà điều dưỡng trên Quảng Bá. Tôi đi bệnh viện, rồi bệnh lại khỏi, tôi cũng thấy như việc phải tới, như thời gian qua.
Một lần kia, tôi có việc đi Cao Bằng với bác sĩ Phạm Khuê. Tôi hỏi Khuê:
- Tôi bệnh mà lại bia rượu, ông thấy sao?
Chỉ cấm không được nghiện nhưng cũng không nên kiêng.
Tôi thích thú người thày thuốc lão luyện nghề và đời đã nói như sấm truyền. Một câu có thể bàn ra cả một quyển sách.
Lần này, ở bệnh viện rạ, tôi lên nhà điều dưỡng trên hồ Tây. Vẫn còn phảng phất hãi cái chuyện mộng du - mộng du thật, mộng du không đẹp và và sầu não như người đàn bà mộng du nhân vật trong truyện Nguyễn Minh Châu - mà đây là một cụ mộng du.
Cụ Lý đã ngoài bảy mươi. Cụ nằm cùng khoa với tôi. Cụ gày làng nhàng kinh niên và mặt buồn hiu hiu kinh niên. Cụ là nhân sĩ trí thức. Thuở xưa làm tri huyện, bây giờ hoạt động đoàn thể trong mặt trận.
Tôi quen cụ vì công tác ấy. Giữa trưa, trong các buồng, người thức người ngủ, lặng lẽ. Một cô y tá lướt qua cửa. Tôi hỏi:
- Cái gì mà đi vội thế?
Cô ấy trỏ tay ra cửa sổ sau phòng, miệng suỵt suỵt khẽ:
- Ông Lý đương trèo tường. Bác sĩ bảo im hết, im hết, chẳng có...
Tôi ra cúi nhìn xuống thấy một cảnh hết sức kỳ quái. Cụ Lý đương lòng khòng bíu cái ống máng, hai chân run run, lúc quắp quắp, lúc quờ quạng vào cái đai sắt ống máng. Cụ đương tụt xuống tầng nhà dưói.
Trông mà rùng mình. Tôi quay đi, xuống cái ghế đá trong sân. Vẫn cứ thon thót sau lưng... này ngã... ngã... này ngã...
Bỗng cả nhà reo lên. Thì ra các buồng hầu như đều biết cụ Lý trèo ống máng, mà theo lệnh im hết, bấy giờ mới chạy cả xuống.
Cụ Lý không ngã. Cụ Lý ngồi giữa bãi cỏ, mặt tây ngây. Người ta xúm lại hỏi: Lúc leo tường, cụ có biết gì không?
Cụ Lý người nhợt nhạt, làc đầu, mặt vẫn hiu hiu.
Một người ra vẻ hiểu biết:
- Các bệnh thần kinh này, bấy giờ ai vô ý gọi to, cụ tỉnh ra thì cụ rơi vào thẳng nhà quàn kia rồi.
Lên nhà điều dưỡng, có nghĩa là bệnh đã lui, đi tẩm bổ ít ngày, thế mà còn cứ rợn cảnh cụ Lý trèo tường.
Nhà điều dưỡng Quảng Bá tiêu chuẩn hạng thường tem phiếu C mà ngày nào cũng tiêm thuốc bổ. Về sau và bây giờ bệnh viện bỏ lệ hàng ngày tiêm thuốc bổ. Khi đó y tá ném ống thuốc xoang xoảng và cơm thì bứa ba bốn món. Tôi có ông người làng công tác bên thương nghiệp, xưa ông đã làm chánh hội, ông cười to: “Bữa nào cũng ăn cỗ, chánh lý ngày trước cũng chẳng có đâu mà chén thế này". Các cô y tá kể chuyện có bệnh nhân một tháng, lên sáu cân. Hôm sau được ra viện thì nửa đêm ông lên cơn lăn lộn, đau đầu, nôn oẹ. Thày thuốc khám cấp cứu, tiêm một phát. Buổi sáng, khám lại, tiêm phát nữa, rồi cho xuất viện như đã định. Ông bệnh nhân nói: “Chân tôi còn run, đề nghị nằm thêm một tuần". Bác sĩ bảo. “Yên chí. Hai phát tiêm ấy chặn hết rồi. Trưa nay đồng chí sẽ ăn năm bát cơm cho mà xem". Bệnh nhân về rồi, các cô y tá đấm lưng nhau cười, nói vung lên: "Hai mũi B1 ấy mà".
Tổ phụ nữ khối phố lên thăm tôi. Các bà quở quang:
- Ông trưởng ban ở bệnh viện một tháng nữa thì về chị em chúng tôi không nhận ra.
Tôi chỉ biết cười trả lời. Câu nói đùa trong lúc ở ngoài đương trăm thứ khó khăn, chỉ có khu Ba Đình, khu Hoàn Kiếm là bộ mặt trung tâm thành phố, tem phiếu được đong gạo đôi khi mới kèm bột mì. Các khu khác, bo bo và sắn, bột mì Liên Xô đem nặn làm bánh luộc, bánh rán nhá cả tuần.
Dương đưa cho một nắm giấy tờ đọng lại từ hôm tôi đi bệnh viện. Cái cách cầm giấy mọt nắm, khiến tôi đoán có khi Dương chưa cắp sách đi học bao giờ.
Mọi thử đều nhét túi quần, giấy nhầu như mớ bạc lẻ của các bà các cô đi chợ về vo viên để khắp nơi.
- Có mấy giấy gọi nghĩa vụ quân sự, anh xem.
- Tôi đã bảo anh đừng đút công văn vào túi quần.
Tôi đã đưa anh cái cặp, sao không kẹp vào đấy.
Dương cười thật thà: “Tôi quên mất".
Thế là đợt này có năm giấy nghĩa vụ, ba người mới và hai người đợt trước đọng lại. Mỗi lần cầm giấy gọi nghĩa vụ, lại lo lắng thế nào cho đi được đủ. Sao có thể lên đường, những hô hào, những kêu gọi, những luật- lệ qui định, những đua anh đua em và tuổi trẻ ra đi, không biết thế nào. Máy bay Mỹ đã bắn xuống vùng ngoại thành mấy lần, có hôm thành phố báo động cả buổi. Dọc đường 5 xuống cầu Phú Lương, đường 1 ra cầu Giẽ, tiếng bom rền rĩ.
Các cơ quan đã lo các nơi sơ tán. Những cơ quan nặng đã đi rồi. Nhưng phố xá vẫn đông, tưởng như càng đông hơn mọi khi. Đã thêm nhiều lớp hầm nổi bên các ngã tư, ngã năm, lại đặt vào hố cá nhân những vành hầm, nắp hầm trát xi măng trộn sỏi cát, xỉ than.
Khu vườn nhãn cạnh nhà hát lớn thành phố từ lúc nào đã thành công trường phơi những giếng xi măng làm cốt hầm cá nhân. Những đợt gọi nghĩa vụ càng khít, không chỉ một năm hai vụ, mà mỗi qui một. Mỗi lần soát lại các sổ hộ khẩu, xem năm sinh thanh niên nam nữ đến tuổi thì báo cho nhà trường, cho cơ quan, nhà máy và khu đội, các nơi này trả lời khớp thì lên danh sách. Khu đội chọn lựa, đối chiếu tiêu chuẩn rồi chuyển lên uỷ ban phát giấy gọi nhập ngũ. ở nhà, ở khối liên hoan mặn và tiệc trà tiễn như mai đã lên đường nhưng mới chỉ là đến nơi khám sức khoẻ.
Nghĩa vụ không gọi phụ nữ, nhưng cũng xét những đơn tình nguyện. Đợt nào cũng có, lần này ba người.
It lâu sau, gặp hai cô bộ đội, mũ cát sao vàng, quần áo binh nhất, đi tới giơ tay ngang thái dương, nhoẻn cười: “Chào bác, bác có nhớ chúng cháu không? Tháng trước chúng cháu tình nguyện tòng quân âý mà".
- à bây giờ các đồng chí đóng ở đâu? – Chúng cháu về hậu cần...
Hai cô bộ đội trẻ, đi khỏi còn vẳng lại tiếng cười rúc rích. Có lẽ các cô cười cái tiếng “các đồng chí” nghiêm túc của tôi.
Tôi nhận được thư chúc Tết của các chiến sĩ mà tôi chẳng nhớ mặt ai. Có người ở chiến trường, có người được đi học chuyên môn, đi nước ngoài. Các thế hệ nhớn nhao nối tiếp, tưởng như ở một làng quần tụ đời đời có trên dưới ngôi thứ, có gốc rễ, có qua đình ghé nón trông đình... Các cụ ta ở quê ra Kẻ Chợ lập nghiệp đều xây đền miếu thờ vọng thành hoàng ngày trước đã vun xới ý nghĩa sâu xa, tinh thần khu phố thì cũng khác nào làng xóm.
Ba trường hợp mới không biết thế nào, nhưng hai tồn đọng thì cũng lôi thôi. Một trường hợp đã tránh mấy đợt không phải là mới gọi. Cậu này ở nhà phụ việc xén dép lốp. Nhận giấy báo gọi, người bố sốt sắng: “Cháu nó về quê mấy hôm. Vâng, chúng tôi nhắn cháu ra...
- Hai bác đừng để quá mang tiếng khối ta.
- Vâng, vâng... chúng tôi...
Cách một hôm, lại tới. Bác chủ nhà mời uống nước.
- Cháu biết tin rồi, cháu đã hẹn ra...
- Cuối tuần này đã tập trung...
- Vâng ạ. Cháu ra kịp...
Một hôm, Dương bảo tôi:
- Đã trông thấy thằng con nhà ấy rồi.
- Anh vào nhà nó à?
- Tôi trông thấy, báo anh ngay. Công tác tòng quân, trưởng ban nắm mà. Tối nay anh đến luôn, được không?
Dương đi cùng tôi. Chúng tôi uống nước, trong khi bác chủ nhà gọi lên gác:
- ấy ơi xuống bố bảo.
Một thanh niên trắng trẻo, hiền lành từ thang gác xép tụt xuống.
- Con chào hai bác chưa? Hai bác đến báo tin con đi nghĩa vụ đợt này. Qui hoá lắm.
Tôi lạ về cách nói niềm nở quá mức, không phải chỗ. Mà cũng không phải tôi mới chỉ đến đợt này và nhà này. Cả bốn nhà kia đều vui vẻ, tôi tin một cách mê tín chắc là ảnh hưởng dây chuyền tới đây. Không hiểu đối đáp thế nào cho hợp, tôi nói:
- Thứ sáu này, tôi đến đi đưa cháu ra tập trung nhé
Cả năm thanh niên khối đều đi đúng hẹn. Tôi ra tiễn tận bến xe tải đỗ trong sân trường học, hàng trăm thanh niên ở các khối phố khác ríu rít như đi cắm trại. Không ai khóc. Có lẽ những người mau nước mắt đã ở nhà, không đến đây. Nghe nói vào doanh trại luyện tập ở Miễu Môn giáp rừng Hoà Bình.
- Tôi đương đi trên Bờ Hồ. Một anh bộ đội bước nhanh nhanh tới, giơ tay chào. Tôi ngờ ngợ rồi nhận ra cái anh nhà làm dép lốp, dạo nọ tôi đã đến hôm sắp đi nghĩa vụ.
- Cháu chào bác.
- Cháu đóng gần đây à?
- Vâng, cháu được về thành đội.
- Thành đội ở chỗ kia hả?
- Không, cơ quan cháu ở xa. Đơn vị cháu sắp đi B.
Về thành đội lại sắp đi B, cậu ấy giấu đầu hở đuôi.
Vào lính mà ở cơ quan như thế người ta riễu cợt là “lính kiểng". ở đây cũng có lính kiểng, có cậu tối về nhà ngủ. Phải rồi, có thế nào nhà nó mới bỗng dưng thoải mái. Tôi đã ngờ ngợ. Việc cậu này “đi lính” ở nhà có người xì xào lão Dương ăn tiền. Nhà này có thể lo lót có chỗ, nhưng chắc chắn không phải Dương. Dương chỉ cò con ăn quẩn loanh quanh, chẳng ai đút lót đâu đến Dương. Có chăng, lúc con cái nhà họ đã trúng được ở gần, hôm nào đấy, Dương đến doạ khéo, có thể cung ra vài đồng. Dương đi lẩn thẩn các phố. Có khi trước cửa trường học, đứng bóc củ khoai luộc. Chị bán khoai vừa lót tay một củ khoai còn nóng. Tôi đi tránh sang hè phố bên này.
Đột nhiên gay go, buổi chiều, máy bay Mỹ bắn rải rác lung tung nhiều nơi trong thành phố. Bom bi rắc xuống cây đa cạnh đền Bà Kiệu, giắt khe rễ, tróc một mảng vỏ. Mái nhà và bóng cây cơm nguội nắng nhạt loang lổ tưởng như mọi khi. Nhưng khác. Sau cơn bom bắn, thành phố không vắng mà lặng lẽ hơn, mảnh nắng lao xao lặng lẽ vỡ ra trên mặt hồ và đầu đường. ở một vòi nước công cộng ngay trên phố, một loạt đạn đã xả xuống mấy người đương nhặt rau vo gạo làm cơm chiều. Mấy hôm không ai dám ra lấy nước, vòi nước vẫn mở, nước xối xả lênh láng suốt đêm.
Các hầm nổi lại được hối hả xây thêm. Đầu ngõ Khâm Thiên, các ngã tư phố Huế, quanh Bờ Hồ. Tưởng như làm thế cho người đi đường chỗ nào cũng có hố nấp, nơi nấp. Chao ôi, Hà Nội. Những cái hầm thế này, hơn ba mươi năm trước quanh chợ Đồng Xuân, chợ hàng Da... Cũng máy bay Mỹ - cái máy bay hai thân, bấy giờ là máy bay Đồng Minh đến đánh phát xít Nhật và Pháp Pê Tanh. Bây giờ có chỗ vẫn còn những hầm trú ẩn ấy, như cái gò cỏ nổi góc chữ nhật
Giữa vườn hoa bên hồ cạnh nhà bưu điện và trụ sở uỷ ban thành phố. Hầm của người Pháp, khi báo động máy bay, công chức Tây bên nhà dây thép và toà thị chính chạy ra, chui xuống.
Cả tổ vệ sinh cũng lên khu tập cứu thưong. Điểm danh mấy hôm, chỉ mấy chị trung niên nội trợ ở nhà hay chạy chợ vẫn chăm đi họp. Việc và người công tác ở phố bao giờ cũng đông và vắng chập chờn. Thanh niên đi học, người đi làm, theo thống kê hộ khẩu thì số người này ở phố nhiều nhất nhưng họ chỉ trách nhiệm với cơ quan và nhà trường, nhà máy đơn vị chẳng biết ở đường phố thế nào. Người thất nghiệp thì ngổn ngang không biết đâu là phố xá. Thanh niên cũng khó, cậu nào cô nào chưa có việc làm mà có tinh thần thì ra phụ trách thiếu nhi tập thể dục vui chơi dịp hè, dạy bình dân. Nhưng cũng nhấp nhem, lập loè như đom đóm. Thành thử mọi công tác, quen mặt nhất vẫn chỉ có các cụ các ông về hưu, các bà các chị ở nhà.