Những chuyện bâng quơ đâu đâu đến quàng vào đời người. Có khi thoảng qua, có khi tự dưng mà đổi đời. Năm 1947, chúng tôi làm báo Cứu Quốc ở châu Bạch Thông trên Bắc Cạn, có hôm chủ nhiệm Xuân Thủy kể với tôi: “Hồi bí mật, có thời kỳ báo Cứu Quốc đóng ở núi Thầy, gần vùng quê cậu. Chúng tớ định tìm cậu đưa đi thoát ly làm báo. Về thăm dò cơ sở Việt Minh ở làng cậu, mấy cô phụ nữ cứu quốc báo cáo cậu giăng hoa lắm” Cũng lại một tình cờ đã xảy ra và không xảy ra. Nếu ngày ấy tôi đi thoát ly, rồi thế nào, tôi có vẫn theo đuổi viết văn không và sau này tôi lên chức gì, tôi là ai, biết được.
Năm trước, gặp cô Phương ở nhà nghỉ Đầm Vạc. Phương hỏi:
- Anh có em gái là Ngọc?
- Vâng. Nhưng Ngọc ốm mất đã lâu.
- Cái ngày tôi với Ngọc sang Quảng Châu chữa bệnh, hai chị em ở với nhau mấy tháng. Ngọc hay kể chuyện về anh, bây giờ mới gặp anh mà tôi ngỡ như đã thuộc cả nhà cửa nhà anh và ngõ giếng, luỹ tre quen biết đã lâu. Lạ nhỉ.
Năm ngoái, tôi đến thành phố Quảng Châu, chợt nhớ đã có khi hai cô Ngọc, cô Phương đến đây và ở tòa nhà bên trong bờ tường bệnh viện y học dân tộc kia, hai người bạn gái đã trò chuyện những ngày xa quê. Tôi không có tơ vương gì cô em họ ngoại. Khi được tin Ngọc ốm nặng vợ chồng tôi tới thăm. Ngọc nằm nhìn đi đâu rồi nói: “Sao em sắp chết rồi, anh mới đến?
Hay là cái cô Việt Minh Ngọc ngày ấy đã mách với Xuân Thuỷ rằng tôi hoa lá. Ôi chao, những tình cờ, những tình cờ chắp nối...
Ngọc có người em trai. Chung làm đội xếp ngoài bóp cảnh sát hàng Trống. Chung đã vào tổ chức cảnh binh cứu quốc thời kỳ bí mật. Sau Tổng khởi nghĩa. Chung được điều về làm trưởng ty công an tỉnh ở Phủ Lý. Một lần, Chung về nhà ăn giỗ mẹ. Có người đến bảo: “Anh về cơ quan ngay, có công tác khẩn". Chung đi và từ đấy không bao giờ về nữa.
Đã hơn năm mươi năm qua. Khi còn sống, bố Chung và chị Ngọc đã đi nhiều cửa hỏi. Đến bây giờ, thằng em út không biết mặt anh mà nhà tản cư đi kháng chiến, cũng không còn giữ được cái ảnh nào, thằng em vẫn đi kêu cứu và dò la về cái chết của anh. Việc ấy ở Hà Nam có còn ai biết, và ai có can đảm nói ra giải cái oan này?
Chung chết có phải cũng lại là một tình cờ. Trong khóa tôi học, còn có những tình cờ như con muỗi mắt chàng màng bề ngoài, mà rồi hóa oan gia và chẳng ra mặt mũi thể thống thế nào. Có một chuyện người khác kể. Bệnh ăn cắp vặt của người ta khi đã thành một thói quen, một tính xấu thì chẳng cứ ai và không phải chỉ vì túng thiếu. Có một học viên, mỗi hôm sau bữa ăn trưa, ông đi từ phòng ăn ra chỗ căng tin mua chuối tráng miệng. Nhà hàng bày chuối cắt rời từng quả, tãi ra đến hai ba cái bàn, cho người mua đỡ phải xúm xít. Khách học viên ra mua hàng ngày là những người tuổi tác và đứng đắn cả. Lấy mấy quả trả tiền đưa tay hay đông quá thì đặt tiền xuống bàn như nải chuối, củ sắn luộc, quả soài treo trên gốc cây của những quán “tự giác! không người bán hàng thường ngày trước gặp trên dọc đường Sơn La - Lai Châu đầu các ban mường người Thái. Ông học viên nọ đến bàn nẫng một quả chuối rồi quay ra, bóc ăn.
Ông không bỏ tiền xuống bàn. Ông mua quên không trả tiền từ hôm nào không biết, một học viên khác tình cờ để ý. Người ấy hơi lạ và tò mò thấy mỗi hôm ông chen vào thón một quả chuối rồi chen ra, vừa đi vừa bóc vỏ. Rồi tổ trưởng, rồi chi ủy lặng lẽ nhìn cả tháng vẫn thấy sau bữa trưa ông ấy lách vào lách ra nhặt một quả chuối. Đến hôm tôi hỏi để đi xem mặt ông có bệnh ăn cắp vặt ấy thì được biết nhà trường đã đuổi học ông rồi. Nghe nói ở cơ quan ông cũng làm cấp vụ, cấp cục thế nào đó. Ai túng đói đâu quả chuối, ấy là người có tính tắt mắt mà lại có tuổi, chân tay đã rề rà quềnh quàng lại ngỡ không ai nhìn thấy. Cũng không may phải cái ông khác tình cờ trông thấy mà thôi.
Lại vẫn những tình cờ. Lê Lựu là binh nhì ở đơn vị Chiến sĩ Lê Lựu chịu khó lam làm khiêng bàn, quét nhà như mọi người. Chứ không cả ngày ngồi thừ mặt, một tay đỡ vừng trán đương nặng trĩu những suy tư giả vờ, thế thì có khi còn công tác bàn ghế thau chậu đến tận năm nao ông Bành Tổ sống lại mới nhoi ra hay là không bao giờ có được nhà văn Lê Lựu. Lại cũng ở đơn vị như Lê Lựu, Vũ Anh Khanh miền Nam tập kết. Vũ Anh Khanh là cây bút trẻ ở Sài Gòn rồi vào chiến khu. Đoàn nhà văn Việt Nam đi thăm ấn Độ Lưu Qui Kỳ giớt thiệu với tổ chức và Vũ Anh Khanh được đi cùng Nguyễn Công Hoan. ở ấn Độ về, Vũ Anh Khanh lại trở về đơn vị. Nhưng cái anh tiểu đội trưởng đội phó Vũ Anh Khanh đã mờ mờ đi đâu mất rồi. Người ta được Thủ tướng Nêru tiếp, người ta dong thuyền chơi sông Hằng. Về đơn vị cảm thấy đây chật chội quá, đây không phải đất dung thân. Nửa đêm, Vũ Anh Khanh đã bơi qua sông Hiền Lương. Vũ Anh Khanh gặp nước cường bị chết đuối hay Vũ Anh Khanh mới ra đến cái bãi cát giữa dòng đã bị dân quân tóm được. Không biết, việc thì tình cờ, nhưng không tình cờ ở con người. Tôi cũng gặp biết bao những tình cờ ở lớp. Rắc rối thật và lôi thôi hơn không phải đại khái như cái tiểu thuyết Đốc tờ Divagô. Năm ấy được nghỉ hè, tôi đi biển Sầm Sơn. Tôi đương tranh thủ viết kịch bản phim Kim Đồng, đã hẹn ngày tháng giao cho Điện ảnh. Loay hoay đến hôm đã khai giảng vẫn chưa xong. Tôi vìết thư về ban giám hiệu xin phép được ở thêm. Lý do bịa “tôi đi nghỉ muộn". Nửa tháng sau, tôi về. Tôi “trình diện” với bí thư chi bộ Kim Ngọc. Kim Ngọc người hom hem, lim dim mắt nhìn tôi: “Hôm nay mới đến à? Tớ tưởng cậu vẫn đi học". Thì ra ban giám hiệu cũng không báo xuống chi bộ việc tôi về muộn. Tôi ngại nhất nhà trường soát sổ cơm thì lòi ra người vắng mặt. Nhưng thấy yên. Tôi lại ngày ngày nghiên cứu, thảo luận tổ, lên hội trường và vẫn nhiều tối chuồn về nhà, sáng hôm sau gò cổ đạp xe vào. Yên trí, mọi cái đều bình thường. Một buổi, Kim Ngọc gọi tôi ra ngoài hiên.
- Tại sao đồng chí...
Lôi thôi rồi. Giọng Kim Ngọc vẫn nho nhỏ như mọi khi, nhưng hai tiếng “đồng chí” ấy là không phải mọi khi.
“Đồng chí về muộn quá. Ban giám hiệu yêu cầu báo cáo lý do.”
Thái độ êm ả của Kim Ngọc khuyến khích tôi chẳng tội vạ gì mà phải giấu. Nói dối nhỡ quên chi tiết, lần sau nói lại không đúng thì đâm phiền phức. Tôi kể cho Kim Ngọc nghe tôi ở nán lại viết cho xong cái phim Kim Đồng đã đến hẹn đưa cho xưởng phim truyện.
Kim Ngọc không nói gì. Vẻ như thờ ơ chẳng để tâm..
Rồi hỏi:
- Cậu có viết thư xin phép ban giám hiệu?
- Có chứ, có thì nhà trường mới biết tôi về chậm.
Kim Ngọc cười: .
- Chẳng viết thư thì cũng biết. Xem sổ báo cơm thì ra ngay.
Tôi nghĩ thầm “ờ nhỉ”.
- Thế cậu có báo cáo như vừa kể không?
- Tôi nói tôi đi nghỉ muộn, về chậm.
- Thôi nhé. Ban giám hiệu bảo hỏi, tớ hỏi thôi
Tôi đã quay đi, Kim Ngọc hỏi với:
- Cậu có biết Nguyễn Bùi Vợi?
- Tôi biết. Mới về đài phát thanh...
- Cậu ấy ở với chúng mình hợp hơn.
Những năm ấy Nguyễn Bùi Vợi dạy học trên Vĩnh Phú. Kim Ngọc là bí thư tỉnh ủy. Câu chuyện tôi về muộn không thờ ơ như chuyện với Kim Ngọc và chưa êm ả trong cuộc họp chi ủy. Học viên bí thư Đảng đoàn bộ Nông nghiệp Trương Hùng, một chi ủy căng nhất. Hùng cho là “không thể dung thứ văn nghệ sĩ lãng mạn tự do chủ nghĩa” cần họp cạo một trận cho chừa.
Hôm sau tôi đã biết cái ý kiến sắt thép ấy. Tôi đợi, tôi nghe. Nhưng lặng im. Rồi tôi đoán có thể nhờ cái nhẹ nhàng của bí thư Kim Ngọc như câu nói và thái độ hôm Kim Ngọc gặp, tôi đã thoát một trận bị riềng tới số.
ở nhà tầng trên tầng dưới, tôi hay gặp Trương Hùng. Dường như Trương Hùng cảm thấy tôi biết cuộc họp chi ủy mà lão chủ trương đả tôi. Sắp giáp mặt, tôi chưa kịp lờ thì Hùng đã chăm chắm bước đi như không trông thấy tôi. Lão hay mặc quần áo nâu - màu nâu non mới. Để ai cũng phải biết lão công tác nông nghiệp.
Tôi đã đi cải cách, đi sửa sai, tôi đã loạn mắt những bộ quần áo nâu dởm mà Hồ Viết Thắng khoác tưng bừng mỗi khi cắp cặp bước xuống ô tô. ấy là chưa kể tôi làm anh đội cũng đã đánh một bộ nâu lên ngôi như thế, bây giờ trông thấy cán bộ mặc quần áo nâu tôi còn ngán và tởm.
Dương Văn Đàm bảo tôi: “Hùng là lớp chánh lý trẻ, học hết lớp nhất trường huyện. Nhà là cơ sở của các cụ, nhờ thế mà thành con nhà nòi. Có cậu với tớ lờ đờ thôi, các bà phụ nữ ở lớp ta tinh lắm. Các bà đã để ý hắn mặc nâu nhưng may ô trắng nõn, đi qua sực nức mùi nước hoa". Hùng khoảng ngoài năm mươi, vẻ mặt và dáng điệu ấy như sinh ra chỉ để chỉnh đốn người ta
Dương Văn Đàm biết kỹ, làm sao mà cái ông luật sư này cái gì cũng biết, có lẽ đấy là thói quen nghề nghiệp. Nhưng Đàm đã nói như cắt nghĩa cho tôi:
- Cái nghề thầy kiện cãi kiện cúa tờ phải thạo về tò mò và chi tiết. Tiếc tớ không có khiếu làm văn. Ngày trước, mới tốt nghiệp, tờ tập sự mấy năm ở văn phòng mét Trần Văn Chương, những chuyện loạn luân ở nhà ấy, từ con Lệ Xuân, đến mẹ nó thì khủng khiếp.. Dài dài những ngày xưa của Đàm không bao giờ cạn. Tôi hỏi chuyện hôm nay. Đàm cũng nói được ngay.
Dương Văn Đàm nói:
- Tớ đã đến nhà Trương Hùng chơi. Nhà hai tầng, chỉ có hai vợ chồng. Vợ hắn nhai trầu bỏm bẻm, người trong làng thì trông già thế thôi chưa chắc đã nhiều tuổi hơn hắn. Chả là người anh thỉnh thoảng đến có ý nghi cái cách ở một mình của hắn, mới về quê bàn khéo ra ở với chú ấy cho vui cửa vui nhà". Thế là khuân được bà em dâu ra chặn cửa. Nhưng bà ra ở được ít lâu, thấy tẻ lạnh thế nào, lại đòi về quê.
Nguyên do ả nọ làm ở một văn phòng cơ quan, có việc nhà khó khăn phải chạy. Chao ôi, cũng lại một tình cờ. Đến nhờ hắn, thế là đôi bên bập vào nhau. Nhiều năm rồi. Đi công tác các tỉnh hắn đều tha ả theo. Cửa hàng cao cấp bách hóa, thực phẩm, phiến a, phiếu b, bệnh viện Việt Xô, khoa tai mũi họng Bạch Mai hôm xử đều phải ra tòa làm chứng. Hắn đã đưa ả vào các nơi ấy.
Người vợ già chán chường sự lạnh nhạt, thờ ơ của người chồng. Thì cái ả cứng nhân ngãi non vợ chồng kia lại càng sốt ruột vì năm qua tháng lại đã nhiều. Con gái có thì. Anh tính cho em thế nào?
Tôi triết lý vụn với Đàm: .
- Thử thách hai luồng tư tưởng đây. Tư sản bảo: bỏ vợ, vứt công danh vào sọt rác. Ta ra đi hai trái tim vàng... “xây nhà bên suối. Suối mơ... Bên rừng thu vắng...”.
Dương Văn Đàm cười hề hề:
- Đằng ấy vận dụng lý luận khá đấy, lại văn chương tơ lơ mơ nữa. Nhưng không đúng với trái tim con lợn chứa cả hai thằng tư sản và thằng phong kiến. Tư sản bảo: tình yêu vạn vạn tuế. Đế quốc phong kiến hét: Giữ cái ghế! Giữ cái ghế muôn năm! Tiêu diệt con nái xề, “đưa nàng về dinh". ấy thế, ấy đấy! ”
Hắn mưu giết vợ. Mấy chục viên thuốc ngủ nêprôbamat đã trữ được. Bà váng vất đầu, hắn pha cả vỉ thuốc cho uống. Bà ấy ngủ, nhưng thuốc nội không ăn thua, ngủ rồi lại dậy được. Ghê gớm, kẻ rắp tâm giết người lại sửa soạn keo khác, lần này mua được thuốc ngoại của Việt kiều bên Thái Lan về. “ừ thôi, đi chơi biển chuyến giối già rồi về quê”
Xuống đến bãi Cháy thì chặp tối. Cả một ngày đường bà lão say xe lại hâm hấp sốt. Hắn pha một cốc thuốc ngủ cho bà ấy. Bà lão uống thuốc. Quá nửa đêm vẫn li bì. Đổ cho cốc nữa, tắt thở.
Chẳng may phải cái cảm dọc đường - người chồng kêu lên. Mọi nơi mọi chỗ đều những công tác, những việc bộn bề. Tang ma chôn cất ngay đấy, mọi cái đều người chồng và người lái xe lo liệu..
Chỉ mấy hôm sau, an ninh đã chụp được ảnh tay đôi ngồi bên gốc muỗm đền Voi Phục.
Tòa xử máy hôm, xử công khai, tôi có một tò mò oái oăm. Muốn đi nhìn cái mặt người thượng cấp lúc nào cũng nghiêm nghiêm, lạnh lạnh mỗi lần tôi chạm trán hắn ở nhà ăn, ở hành lang, bây giờ xem cái mặt ấy tròn méo thế nào. Tôi vẫn nhớ tôi bị Hùng đòi Kim Ngọc phải choảng tôi vì tội “văn nghệ sĩ lãng mạn tự do chủ nghĩa". Thù đấy tôi cũng thù nó chứ.
Cái nhà tòa án Tây hơn hai mươi năm trước tôi đã đi với anh Vũ Ngọc Phan đến dự phiên xử nhà xuất bản Cộng Lực kiện tuần báo Hà Nội Tân Văn của anh Phan đã in từng kỳ tiểu thuyết Chuyến tàu định mệnh của Lưu Trọng Lư, trong khi nhà xuất bản đã mua của tác giả cả tiểu thuyết ấy và đương in. Anh Vũ Ngọc Phan thua kiện, phải bồi thường danh dự cho nhà xuất bản một đồng bạc. Thày kiện Phan Anh cãi cho thân chủ Vũ Ngọc Phan, ông mặc áo thụng đen, tôi cứ nhớ cái câu ông cãi cũng bình thường, nhưng ông hùng hổ giơ tay và quật mình xuống bục, hết sức tuồng chèo cải lương.
Vụ xử án giết vợ này ở phòng khác to rộng, đông nghịt người, tôi chưa biết bao giờ. Tôi chen vào. Trông lên bục cao, các vị tòa án ngồi. Nhìn xuống chỗ vành móng ngựa thấy hai người cảnh sát, không thấy hắn ta đâu. Nhìn lại mới thấy hắn ngồi rù rù giữa hai người. Tôi không thể nhận ra ngay vì con người thiểu não chẳng còn mảy may như trong trí nhớ của tôi. Trông thấy rồi mà tôi vẫn ngỡ ngàng. Bộ quần áo xám có số tù trên lưng, thằng người ọp ẹp, như sắp bị đám người lố nhố xung quanh giẫm lên.
Tôi lại chen ra. Tôi chen ra vì tôi sợ nhỡ lại phải nghe thằng ấy nói lời cuống cùng: Tôi đã được Đảng giáo dục... tôi đã... tôi đã...
Thế là tôi hả hê, tôi ân oán xong rồi.
Tôi nghe kể lại - lại ông luật sư cái gì cũng biết Dương Văn Đàm- ả nọ cất tiếng:
- Thưa tòa, tôi là đứa con gái dại dột. Thằng dê già kia đã lừa tôi, chứ tôi có người yêu tôi đây.
ả chỉ một người đàn ông ngồi ghế sau lưng gần đấy. Và chẳng biết có thật đến đâu. lúc tòa cho tên tử tù được nói lời sau chót, hắn đã nói:
- Tôi mong được tòa khoan hồng để tôi chuộc tội, tôi xin đem hết khả năng ra phục vụ cách mạng.
Hỏi thì Dương Văn Đàm cũng nói nghe có đứa kể lại Không hiểu câu ấy có thật hay là người ta nói mỉa.
Chỉ chắc chắn cái án chém là có thật. Cũng như mắt tôi đã trông thấy cái bóng xám của thằng người rũ rượi trong cái vành móng ngựa.
Đấy là việc đã xảy ra hơn một năm sau khi tan trường. Chóng quá, sắp mãn khóa. Theo lịch học đã đến đợt đi thực tế, cơ sở nông thôn hay xưởng máy, kiểm tra mọi mặt lý luận và thực tiễn của khóa học. Tôi được tổ phân công đi với học viên Thử về huyện Đan Phượng. ở Phùng được mấy hôm, tôi bảo Thử: “Anh là “nông dân quân chủ lực” anh đi đến làng người ta hay về làng mình cũng thế, anh biết cả. Tôi thì khác. Đất Thượng Hội, Hạ Rội này gần vùng tôi quá, chẳng thấy gì mới. Tôi đi Thái Bình, xa xa một tý cho lạ mắt. Hẹn ngày nào về trường thì ta về cùng cho có đoàn có đội".
Thử cười, không gật cũng không lắc. Anh tuổi chuột, tên Thử, người loắt choắt, dáng rụt rè tinh tướng con chuột nhắt. Đã nhiều năm Thử ở khung cán bộ bên Lào, gần đây mới được về tỉnh nhà. Công tác sắp xếp dường như khó khăn, nay ở tỉnh mai tỉnh đẩy xuống huyện, bây giờ đi học dài hạn, mai kia đi học về rồi thế nào. Có lúc Thử thở dài với tôi: “Hay là tôi về hưu?” Chả trách, tôi đi Thái Bình, Thử cũng chẳng buồn hỏi thêm nửa câu. Những năm sau, tôi cũng hay hỏi thăm tin tức Thử. Có khi nghe anh về công nghiệp vào ban phục trách các lò nung gạch trên tỉnh. Gần đây anh đã nghỉ hưu. Chú em tôi ở thị ủy thị xã Sơn Tây lấy làm lạ sao tôi lại quen anh Thử. Chú ấy hỏi lại tôi như không tin:
“Bác Thử đã học trường Nguyễn ái Quốc với anh à? Bác ấy hiền lắm”
Thế là tôi đi Thái Bình. Có lẽ như thế còn biết cái gì hơn - như tôi đã bảo Thử. Nhưng cái chính là hai năm bó cẳng không đi đâu, tôi muốn đi xa xa, đâu cũng được. Chỉ thế thôi.
Tàu thủy Phà Đen về bến cầu Bo thị xã. Mấy năm rồi, vẫn thưa thót, vẫn vậy. Chỉ khác các tàu khách đều vào quốc doanh. Vẫn những cái tàu ọp ẹp từ thời thoát bom Đồng Minh ném, vỏ tầu trắng bệch như con cành cạch chết xác đã khô. Trên vách tàu, chỗ bẻ lái, treo cái bảng đề tên kíp lái, kíp trực. Dưới sàn, không thấy như hồi tàu còn ông chủ, có một mâm mờ lồng bàn ra, đĩa thịt gà, chai rượu, nồi cháo ăn sáng. Hai bên hàng tàu vẫn người xuống đông từ lúc chưa tan sương. Có vài người như cán bộ đi công tác xuống bến cuối. Còn vẫn vài ba bến người xuống người lên hai bên sông, người buôn về thành phố, người đem hàng đi các chợ quê. Những quảy sắn, cả bánh đa, miến dong riềng, phuy dầu tây, nhiều nhất những đệp túi đựng quần áo may sẵn mua lại của nhà mậu bách hóa.
Đôi khi cả tay nải lèm những cái nịt vú bằng miếng sốp bọc ni lông đỏ, không biết đã mua ở nhà mậu hay cất hàng ở các lò khâu.
Cái thị xã ngủ yên vẫn bên đường mọc cỏ xanh lì và vườn hoang um tùm, chỉ lác đác nhà. Bến ô tô đã sáng đèn, tôi vào hàng cơm. Tối rồi mà quán nào cũng toàn đùi chó, sườn chó treo lủng lẳng. Chủ quán nói: “Cả tỉnh đương triệt để chó mà". Tôi ăn một bát bún chó rựa mận. Lại đến nhà trọ năm trước. Tiêu điều, lụp xụp, những cái mái giấy dầu sắp đổ. Chị chủ trọ lại lấy cái thừng cho tôi buộc cái khung xe vào thành giường. Tôi lại bỏ đôi dép râu vào ba lô để trong màn, cũng như lần trước. Sớm hôm sau, tôi về Thái Ninh.
Đã xế trưa, nắng ấm. ở trên đê nhìn xuống xóm Đồng lố nhố một đám người đương kéo ra. Như bọn đi đánh dậm, không phải người làm đồng. Những cánh ruộng đã gặt quang, một màu chân rạ đen xạm. Chưa một khoảnh nào bừa vào mùa.
Đến gần thì trông rõ bọn ấy vác những đồ nghề nấu rượu. Hai chiếc đòn ngang bằng con sào buộc cái mu rùa, người khênh quàng vai những xâu men rượu trắng như bỏng ngô. Lại mấy cái nồi ba mươi, chảo gang bôông bêêng, lũ người bước lẫn lộn. Ai cũng hăm hở, đùa cười, đuổi nhau loạn xạ. Ngỡ như họ đổi bếp đem lò rượu sang nấu bên kia bãi. Tôi hỏi, mấy người cười rầm lên: “Bắt rượu! Bắt thằng nấu rượu nộp lên huyện. Không trông thấy xã đội trưởng đeo túi dết vác cái ống trúc cất rưọu đi đằng trước à?”.
Mới nhớ đương cấm rượu bắt rượu dáo diết. Dáo diết nhưng chẳng làm ai khiếp sợ. Ngày trước Tây đoan về khám rượu, cả xóm cả làng đâu ngồi đấy, không ai dám thò chân ra cổng. Bác Cả tôi, thày đồ ngồi bảo học ở nhà, lính đoan vào thuốn lên hóc cột, mái nhà, bói đất luống rau cải, nghi chôn rượu, chôn bã. Rồi được tang vật thì trói đi một xâu người. Bây giờ bắt rượu đem lên huyện như đám rước. Người mang vác tang vật đi lẫn với người nấu rượu, chẳng biết ai phạm pháp, ai đi xem. Như phường chèo đi làng xa hát đám, như lò vật trảy hội.
Bắt rượu rồi phạt rồi lại bỏ đấy. ở Hà Nội làm nghiêm thế mà cũng như trò đùa. Tôi sẵn thành kiến về bắt rượu lậu ơ hờ từ những cái trông thấy ở Hà Nội. Báo đăng tin bắt được rượu lậu cả trong xe cứu thương. Rượu giấu trong xe cấp cứu thì thọ quá. Chẳng biết ở chỗ nào, ông lái đã nếm, cái thèm uống vụng ăn vụng, cứ ngứa ngáy thòm thèm, có thế mới thò đầu ra cười cợt với người gác cầu. Ông lái lên cầu Long Biên, mặt rượu đỏ gay, vẫy tay cười hê hê vẫy anh công an gác cầu. Cái xe bị ách lại. Trong xe kính màu, một ả nằm ngửa trên cáng thương, dưới lưng đệm một bọc rượu. Chẳng phải đọc báo, tôi cũng thường thấy ở quán nước bả hàng cạnh bến xe Kim Liên, có hôm Đăng Đình Hưng đeo bị rượu đến bán, có hôm một cô quang gánh ở ngoại ô vào, thoạt trông tưởng bán miến dong riềng. Cô hàng cũng như lái rượu Đặng Đình Hưng cứ bước tự nhiên vào gian trong. Rượu đựng vào miếng ni lông Trung Quốc xanh lá cây đong ra. Lại cáì xe cấp cứu màu hàng sữa của bệnh viện huyện in chữ thập đỏ hai bên sườn đậu chỗ rặng cây si bờ hồ đằng kia. Xe rượu đấy, có hôm ở quán 81 lại thấy cô nọ xách tải rượu vào, đặt đấy rồỉ ra. Cấm thì cấm, người bán rượu các phố cứ như thoi đưa.
Trong đám khuân đồ nghề rượu có tiếng gọi ra:
- Anh Tư, anh...
Trên dốc trông xuống, thì là ông Ngải. Ông Ngải đeo vai một tràng lủng củng, lởm nhởm những miếng gỗ quai guốc. Ông Ngải cũng trong bọn vác mướn hay ông bị bắt rượu. Trông ông không khác năm trước mảy nào. Cổ ông xạm nắng nhưng mặt vẫn nhọt nhạt thế.
Ông Ngải luống cuống hỏi:
- Anh về chơi à? Một mình à? ở nhà có cái Hến. Tôi về ngay bây giờ...
Bọn người tất tưởi đem các thứ đồ nghề rượu lên trụ sở ủy ban xã. Ông Ngải nói "tôi về ngay”, chắc ông không phải chủ bị bắt rượu. Thiếu đâu người mà lại lôi ông lão làm dân công vác rượu.
Vẫn bụi tre lép giứa mảnh đất phẳng quanh chân tre, lưng tre nhẵn thín lốt người tựa lưng hay con trâu cọ thành bụng vào. Có một mình cái Hến trong nhà. Cái Hến thì khác, năm nao còn là đứa trẻ mới lớn nay đã sồ sề mặc cái áo bộ đội tàu tàu. Người con gái không có thì con gái. Hến ngồi ngoài bóng nắng.
Cái lược bí đương chải chấy dừng lại giửa làn tóc, khi thấy người bước vào. Trong nhà, chiếc võng lắc lư mảnh vải hoa.
- Chào cô Hến.
Tôi chào to thế, nhưng bụng lại thầm mong mình nhầm. Tưởng như mới gà gáy tan canh, bà Ngải vào cạnh giường: “Trỗi! Trỗi. Sáng rồi! Sáng rồi! ” Quát mấy chặp cái Hến mới lạt xạt cựa quậy. Có hôm cái Hến nhờ tôi khiêng với nó buồng chuối tây ngoài vườn.
Buồng chuối chẳng nặng, nhưng xách thì cồng kềnh.
Tôi phải gọi “chú Phùng Quán” ở trong nhà ra ghé vai giúp. Bởi cái vai thờ của tôi, nhỡ một cái, gãy quả chuối của người ta. Vai thì vai thờ, chân tay thì thừa, người vô tích sự. Cái năm ở Nông Cống, quảy nước làm vỡ nồi. Vội ra chợ Nưa mua đền cái nồi mới. Quảy thứ, nước vẫn chảy tong tỏng. Cô Đăng soi nồi lên nhìn rõ lỗ châm kim. Cô Đăng nói: “Anh mua nhầm cái nồi thủng. Bận sau mua nồi phải soi lên xem thế này.”
Chắc chẳng bao giờ trong đời tôi có lần nào đi mua nồi nữa. Tôi cũng chắc là tôi khác Đặng Đình Hưng, dẫu các nơi sôi nổi văn nghệ sĩ đi thực tế, cũng không ai bảo Hưng đi, Hưng ở nhà buôn rượu kiếm cái sống, cái uống. Hưng không vụng như Trần Đức Thảo chăn bò nông trường Ba Vì. Có thư cơ quan gọi Thảo về, nông trường cho về ngay. Không biết đàn bò gần móp bụng ngày ngày Thảo dồn đi dồn về đã thiếu mấy con, con nào bị hổ vồ, mấy con bị trộm dắt mất.
Nhạc sĩ Đặng Đình Hưng và nhà triết học Trần Đức Thảo không biết nhau, đấy là tôi quen hai người.
Họ đã gặp nhau trong tôi, rồi cuộc đời hai người dài dài phí hoài, mà tôi chứng kiến.
Khi đó, ở Trung ương trên Việt Bắc, nhiều cơ quan đương chỉnh huấn, theo cách làm của các tỉnh Hoa Nam - mà chúng tôi gọi là phương pháp Hoa Nam.
Không có chuyên gia nước ngoài, nhưng cán bộ giáo vụ mặc áo bông ngắn bọc vải xanh Sỹ Lâm ra lối ta mới học tập bên kia về. Tôi cũng dự cái khóa ba tháng đầu tiên theo phương pháp ấy. Cán bộ đèn sách khóa này rồi tỏa khắp các chiến khu, có đoàn vào chiến trường miền Nam mới đến khu Nam Trung Bộ thì hiệp định Giơnevơ được ký kết lại quay ra. Đặng Đình Hưng công tác ở ban tuyên nghiên huấn giáo chuyên làm giáo vụ các lớp chỉnh huấn văn nghệ sĩ. Không nhớ Hưng có mặc áo bông xanh Sỹ Lâm không, bấy giờ Đặng Đình Hưng cũng là nhạc sĩ, tác giả bài hát Nông dân là quân chủ lực. Nhưng chưa khi nào tôi nghe ở đâu hát bài ấy.
Về Hà Nội tôi cũng không gặp. Tôi chỉ biết Hưng có rắc rối về chuyện vợ, mà tôi làm công tác đảng ủy, chắc Hưng có ý tránh mặt. Bấy giờ các chuyên ngành văn, họa, nhạc, sân khấu, kiến trúc đã tách ra thành lập các hội riêng. Cũng không biết rồi tại thế nào mà
Đặng Đình Hưng vướng vào Nhân Văn. ở hội nhạc, Đặng Đình Hưng đã bị ra khỏi biên chế, Hưng không đi hay là không được đi họp chi bộ, thế là mất cả đảng tịch. Bây giờ dịch tài liệu cho cơ quan ăn tiền bài. Khi đó đã giao thiệp với ngoài mấy đâu mà có cái để dịch và Hưng chỉ biết tiếng Pháp. Nghe nói Hưng đi cất rưọu quê đem ra bán các quán. Một hôm, gặp Hưng. Khác hẳn trước, không còn râu hùm hàm én, cán bộ tuyên nghiên huấn trợn mắt giơ tay phát biểu choang choác. ở một quán nước bán rượu chui, chỗ trông sang rạp xiếc cạnh công viên Thống Nhất. Một người mặc áo ka ki đại cán cháo lòng, đội cái mũ dạ rúm ró. Lấm láp như người đánh dậm ngoài cầu Giẽ vác cả cái dậm lên tận phố. Nhưng không. Người ấy khoác một cái bị cói lẳng lặng bước vào nhà trong. Thông thường, đấy là khách mua bán dấm dúi. Qua trước ghế tôi ngồi, cạnh bà hàng nước, người ấy cất tiếng nghe quen quen:
- Chào ông anh..
Tôi ngầng lên, nhìn ra Hưng. Hưng ngồi ngay xuống với tôi. Hưng lấy trong bị ra một chai rượu trắng. Hưng nói vừa đứng đắn vừa chót nhả, tự nhiên như vẫn gặp nhau thường ngày.
- Chẳng nói giấu ông anh, dạo này thằng em đét lắm. Lấy cái này tận quê ra, vừa bán vừa ghé gẩm đôi ba chén. Để cho ông anh một chai, thật cái tăm Chương Mỹ đấy.
Rồi Hưng đặt kín đáo chai rượu dưới gầm bàn, bên chân tôi. Tôi hỏi bao nhiêu. Hưng nói “chỉ xin giá vốn thôi". Tôi đưa trả tiền Hưng như xưa nay vẫn sòng phẳng gọn ghẽ thế, chuyện tiền bạc thì Hưng rành rọt tính đếm thạo. Hưng đã kể ngày trước vị Hồ Đắc Điềm quan tổng đốc trẻ Hà Đông đã gọi Hưng làm chân thầu cơm trại lính khố xanh. Và Hưng vẫn nhớ tôi biết ở lớp chỉnh huấn cho họa sĩ trường Mỹ Thuật đóng ở huyện Yên Bình một hôm lên lớp, cán bộ Hưng mất đôi dép râu để dưới thang nhà sàn. Hưng bắt cơ quan phải đền vì “đôi dép đã bị mất khi công tác". Những chuyện bình thường đã tháo vát lại cũng lơ mơ, như hôm ấy Hưng nhận tiền chai rượu rồi lại ngồi thịt luôn chai ấy với đĩa lạc luộc, quên cả đưa rượu bán, rồi bà chủ quán phải hỏi. Rồi quá chén, Hưng đi khật khưỡng, tôi phải đỡ vai, Hưng bảo đưa về một nhà ở phố Nguyễn Thượng Hiền sau lưng gần đấy, Hưng bước thẳng đến chân cầu thang cuốn lan can gô, cả người với cái bị chai không và chiếc mũ bật ra, Hưng rụi xuống ngay chân tường. Nhà quen, Hưng vẫn tá túc ở chỗ ấy.
Tôi quen Trần Đức Thảo ở lớp chỉnh huấn trí thức trên rừng huyện Chiêm Hóa. Thảo ở Pháp về rồi từ Hà Nội lên Việt Bắc. Thảo mặc quân áo nâu, đội mũ lá gồi; đeo xắc cốt vải chàm đã xin hay mua được của bà con người Tày, người Dao trong làng. “Tớ phải thế này cho kịp các cậu” - đôi măt kính cũng cười lấp lánh.
Chẳng biết rồi còn bao nhiêu đêm Thảo không nằm màn mới kịp chúng tôi để đến được những cơn sốt rét mặt bủng rứ.
Về Hà Nội mới gặp lại Thảo. Thảo vừa đi công tác Bắc âu về, đội mũ phớt, rõ ra Tây. Nhưng vẫn áo đại cán may ở Thái Nguyên, trước khi về tiếp quản Hà Nôi. Bộ ka ki xi măng này tôi còn thấy Thao mặc đến khi sờn cả cửa tay.
Mới gặp, tôi đã lạ và phục Trần Đức Thảo. Vì nghe đồn ở Pari, Thảo đã là bạn và tranh luận triết học với văn hào Giăng Pônsác. Lại nghe nói triết của Thảo đã phát hiện và có những phân tích mới về chức năng hai bàn tay trong quá trình từ con vượn lên con người.
Nhưng tôi gần Thảo hơn không phải chuyện nghe hơi tiếng tăm và cái triết lý hai bàn tay vượn người. Chúng tôi chuyện về Hà Nội ngày trước. Thảo bảo thuở bé học trường Cửa Đông, nhà ở phố Hàng Đường. Trường Cửa Đông tôi đã thi vào lớp bét mà trượt, bấy giờ tôi ở Hàng Mã. Rồi sau tôi đi làm hiệu giày Bata. Thảo kể thì tôi nhận ra nhà Thảo là chỗ nhà bưu điện tư, ngoài cửa để ghé cái tủ kính bán tạp hóa và giày Bata. Hàng tháng tôi đi tính sổ các đại lý bán giầy ở Hàng đường, Hàng Bông. Thế là tôi ngỡ như đã biết Thảo từ thuở ấy. Tôi bảo: “Tớ còn nhớ ông cụ nhà cậu. Ông cụ người đẫy, đeo kính hay thắt cà vạt đen, ngồi trong quầy bán tem sau tấm kính".
Tôi hỏi Thảo:
- Bên Thụy Điển, bên Bắc âu có gì hay không?
Thảo nói:
- Mua được cái chăn, tuyệt lắm. Lông ngỗng hay lông chim, nhẹ chỉ độ một cân, đi công tác rất tiện.
Thảo cho xem cái chăn lông chim của anh mà chắc anh lý thú nên mang đến tận nhà tôi. Lại biểu diễn luôn ở trên giưòng tôi cạnh bàn viết. Anh mở cái chăn màu vàng nhạt, kéo khuy bấm nằm thu lu vào giữa, dưới gáy sẵn cái gối thòi ra. Trông người nằm gói trong chăn, cái chăn màu vàng tôi nhớ ngày trước, đi đêm trong thành phố Sài Gòn hay gặp người nằm ngủ trong cái nóp trên vỉa hè. Tự nhiên, nghĩ đến cái triết lý bàn tay khi thấy anh hể hả chui vào rồi gấp chăn mở chăn cho tôi xem.
- Cái này để đi công tác.
- Cho mượn nhé.
- Đi đâu cứ lấy.
- Đùa thôi. Bó không chịu được. Tờ hay đạp, hay gãi.
Thảo không nói. Thảo không cắt nghĩa thêm cho tôi về những cái tôi ngại, chắc anh biết thế là tôi chê.
Nhưng mà đấy là Trần Đức Thảo, cái chăn Na Uy, Thụy Điển gì ở Hà Nội hay bộ quần áo nâu và cái túi chàm ở Việt Bắc thì vẫn một người áy. Lâu lâu mới lại trông thấy Đặng Đình Hưng. Nhưng tôi biết tin Hưng ốm, phải mổ phổi. ốm đau, bè bạn thì trông vào ai, bản thân thì bị vứt đi rồi nhưng mà có mả cứu bần, dạo này Hưng được Đặng Thái Sơn gửi tiền cho. Đã ra viện và bình thường. Thế nhưng chợt trông thấy cũng không khỏi ngạc nhiên. Hưng ở cái chợ cóc bên đường Giảng Võ đi ra, tay vung vẩy một mớ rau muống. Không còn ốm o mảy may, người mới hiên ngang làm sao. Đầu đội mũ nan cao bồi Nam
Mỹ rộng vành bóng nhoáng, áo sơ mi thể thao hồng xẫm có cầu vai, quần bó xắn gấu. Đôi giày da có cổ màu gan gà vàng bóng, gót cao đến năm đốt ngón tay.
Hưng đi đĩnh đạc như thả chân đếm từng bước giày chắc chắn. Mặt đẫy đà đỏ đắn, màu rượu hay là đương thuốc bổ.
Khác lạ thế, nhưng tôi nhận ra Hưng ngay. Tôi chạy sang đường. Mắt Hưng vẫn nhanh loang loáng.
Hưng giơ bó rau muống, reo to:
- A, ông anh. Nhà em gần đây, vào chơi cái đã.
Đặng Thái Sơn mua của nhà nước cho bố một căn hộ mười sáu thước vuông, lại tậu cả điện thoại. ở tầng hai, trên lưng cửa hàng bách hóa nhà mậu Giảng Võ.
Qua hai ba lần khóa dãy, khóa cửa mới vào tới gian hai buồng tối âm thầm có một lỗ cửa sổ trổ xuống đường treo miếng mành mành, tựa cái cửa ngăn ở khoang thuyền. Khách đứng dưới đường gọi. Chủ nhìn trong mành ra xem ai. Không muốn gặp thì không lên tiếng, mặc cho gọi.
Cả sàn nhà trải chiếu mộc. Không bàn ghế. “Như thế này hay. Lăn chỗ nào cũng được".- Hưng nháy mắt, nói thế. Trên cái bục gỗ áp tường gian ngoài bày bình hương trước bức ảnh truyền thần hình ông già chít khăn, râu ba chòm, chắc ảnh cụ thân sinh.
Trong nhà ra mở cửa, một cô dong dỏng người. Hưng không giới thiệu, và tôi cũng đã đoán biết đại khái thế, đại khái vậy. Tôi nói thế này;
- Cô để ông ấy đi chợ vác có mỗi mớ rau muống?
Cô cười:
- Người khó tính lắm ạ. Đòi phải mua rau lấy người mới xơi được. Nhưng người khôn lắm, không đòi luộc lấy.
- Nhà nó chỉ biết mua rau muống lợn. Nhà mà luộc thì tôi cũng ăn chiếu cố.
Nàng trẩu môi:
- Thế thì chiếu cố cả đời.
Hai người còn nói năng ỡm ở những gì nữa rồi Hưng vào khay rượu trong góc nhà, nhấc ra cái chai trong cùng.
- Có chai đầy chai vơi là ý tứ cả đấy, không lộn xộn đâu. Rượu chợ thì thằng em bày đám ngoài cho các bợm uống boóng. Còn anh em ta làm cái này, cũng Chương Mỹ, nhưng mà hảo, tố hảo..
Hưng cắt nghĩa nguồn tiền mua rượu:
- Nhờ nó cả. Nhưng ở bên ấy thì nó cũng phải đi làm chứ có maphia đi cướp nhà băng đâu. Đủ tiền ăn và thuốc men, nó gửi ngữ, gửi tháng thôi. Nhưng mà cái ngữ, cái tháng của người ta...
Tôi không muốn nghe những chuyện ấy, tôi hỏi:
- Lái đem rượu trong quê ra?
- Chứ em ốm đau đi sao được! Thánh thiên tử lắm, hơn đứt rượu Tây..
Hưng giữ tôi lại ăn cơm. Tôi bảo để khi khác. Hưng trịnh trọng:
- Ông anh, ông là anh tôi. Ông là học trò lớp bét trường Yên Phụ học thày Đặng Đình Hướng anh ruột tôi, ông là người nhà tôi rồi. Ông đã có một quyển sách để đời. Còn thằng em ngần này tuổi mà còn đương bơi, không biết bơi vào chữ hay vào màu.
Những câu ấy Hưng cũng hay tụng tôi mỗi lần gặp.
Tôi hẹn, nhưng ngay lúc ấy cũng ngồi làm mấy chén vui. Hưng lại tán cái này rượu quê ngâm củ ba kích.
- Cái trong kia, dái dê với ba kích thì lên một bậc nữa. Ông anh hãy nếm ba kích.
Tôi cười:
- Năm trước, nhạc sĩ Hồ Bông đã cho chén dái dê ở Sài Gờn. Chẳng ăn thua mẹ gì.
- Không, dái dê của thằng em thửa, đủ tháng đủ năm không già không trẻ. Nhưng ông anh xơi cái nam y ba kích này đã, xem máu huyết dẫn đến đâu rồi hãy sực cái thằng hùng hổ hơn. Em trông tạng ông anh thì ba kích là vừa.
Rượu ba kích hăng hăng, ngái ngái. Hôm sau, cái cô thổi cơm bữa trước ở nhà Hưng đèo xe đạp đem cho tôi một bó củ ba kích tươi như mới đào ở vườn thuốc lên. Có củ to bằng củ cải. Tôi hỏi đùa: “Cái này ăn sống có được không, hả cô?”. Cô ấy trả lời ngúng nguẩy: “Những của quỉ này, em biết đâu".
Tôi cũng không nhớ mớ ba kích tươi ấy rồi tôi cứ thế ăn sống, tôi bổ ra phơi khô hay tôi vứt đi. Vài hôm, tôi lại được Hưng gửi cho một bó ba kích. Mỗi lần lại một cô khác đem tới. Và khi đến chơi nhà Hưng, có hôm thấy vắng vẻ, tôi hỏi: “Các nàng ba kích đâu cả rồi?”.
Hôm ấy, tôi rủ Vạn Lịch, chúng tôi đem đến một bọc thịt chó - mua ngay ở chợ Giảng Võ. Hưng cho ăn rồi hay chửi những thằng ăn vọ, tôi giữ ý không đến tay không. Hưng đúng hẹn, lúc chúng tôi tới, cả ả người thanh mảnh đương mổ con ngan hay con ngỗng dưới bếp. Tối ấy, cuộc chén thêm nhạc sĩ Huy Du, nhà ở gần. Và cả cô đầu bếp. Con gái phường phố bây giờ lắm cô đã đoảng lại hư. Hai cẳng chân lão đã lạnh lên tận đầu gối mà chúng họ vẫn lăn vào.