Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Chiều Chiều

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 26026 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chiều Chiều
Tô Hoài

Chương II
Tôi thì giao thiệp với các bạn vì công tác cụ thể, và cũng vì tôi có những quen thuộc ngóc ngách hơn. Dễ thường chỉ tôi biết bút danh Sửu (Nguyễn Ngọc) trước kia có sách cho thiếu nhi loại Hoa Mai nhà xuất bản Cộng Lực của Bùi Xuân Tuy có ông phụ trách biên tập Lê Roãn Riệu- cái tên lạ quá, nên cứ nhớ, đã sáng kiến vẽ huy hiệu cái thừng ở bìa sách, mà chúng tôi thường đùa là cái thừng trói người viết vào người xuất bản. Thy Ngọc làm biên tập nhà xuất bản Kim Đồng, một thời gian bị chuyển sang làm mi và vẽ, cái cơ quan “quyền rơm” của chúng tôi chẳng giúp được gì Nguyễn Minh Lang học xong Đại học Nhân dân rồi đi dạy học, chúng tôi xin về làm báo, sở giáo dục thành phố không cho, cũng chịu. Chánh văn phòng Vĩnh Mai đưa các anh Thanh Châu, Hữu Loan, Quang Dũng ở Thanh. Hóa ra vào biên chế báo thì được, vì các anh ở vùng kháng chiến, nhưng cũng như mọi ai mới vào biên chế, phải đứng ở lương biên tập hạng khởi điểm. Hồ DZếnh đã dịch và in một tiểu thuyết Nhật cho nhà xuất bản Thanh Niên. Nhà xuất bản muốn nhận Hồ DZếnh vào làm. Những cơ quan có trách nhiệm xem xét thấy có thời gian Hồ DZếnh làm đại diện bên Nhật của báo Thần Chung ở Sài Gòn. Mọi việc báo và xuất bản của các cơ quan khác, chàng mảy may bận đến hội, nhưng đến lúc có trắc trở thì bù nhìn chúng tôi được khiêng ra trả lời. Tôi có đọc một bài báo Trần Thanh Địch viết về Hồ DZếnh có câu trách hội cái sự này. Và Hồ DZếnh sau đó, đi đường gặp tôi, coi như không nhìn thấy. Cũng như Ngọc Giao đã dự đại hội thành lập Hội Nhà Văn Việt Nam 1957, nhưng đến khi đại hội văn học nghệ thuật toàn quốc, Ngọc Giao không được mời thì cũng không phải do Hội nhà văn cứng rắn đến thế. Trong kháng chiến, trên tạp chí Văn Nghệ in ở Việt Bắc, tôi đã đăng một bài đánh tiểu thuyết Mưa thu viết chửi cộng sản của Ngọc Giao in ở Hà Nội. Đến năm gặp lại, Ngọc Giao bắt tay tôi, thủ thỉ: “Một đòn rất tốt, rất tốt". Anh lại đã viết báo lời sám hối về tiểu thuyết đó và kể lại ơn tôi về bài phê bình Mưa thu của anh. Nhưng không được dự đại hội văn nghệ, Ngọc Giao gửi cho tôi mấy câu thơ chửi mỉa mai, cay cú. Biết làm thế nào, những “vạ đá” này. Bây giờ cũng ra những chuyện ngày xưa cả rồi.
Nhưng Sao Mai đi thực tế thì khác, có thể là một thiên tiểu thuyết tự truyện kỳ tình, xã hội, bi hài. Tôi biết tiếng Sao Mai qua mấy mẩu truyện cực ngắn trên tạp chí Văn nghệ in một kỳ: Uất, Căm, Đi, Đổi mà Nguyễn Huy Tưởng khen rất hay, đã chọn được trong những bài dưới khu Ba gửi lên và in tạp chí. Đi thực tế người ta đi khắp nơi, Sao Mai xin về làng quê vợ vùng đồng chiêm Nam Định. Vừa tự nguyện, lại tự giải quyết mọi mặt, nhẹ nhàng quá. Sao Mai viết khỏe, đã in ngay phóng sự Trại di cư Pagot Hải Phòng- đến lúc tiểu thuyết Thôn Bàu thắc mắc ra thì “có vấn đề” mà lúc ấy Sao Mai không muốn nhắc đến nữa, nhưng tôi chắc anh này về làng, thế nào cũng viết được cái gì đây, tôi tin khả năng Sao Mai.
Một hôm chúng tôi với họa sĩ Phạm Khanh ăn chả cá ở nhà hàng Sơn Hải- có họ hay quen thế nào với Sao Mai. Trong lúc nhấm nháp, Sao Mai làm vẻ đùa nghiêm: “Báo cáo anh, tôi đi thực tế thành công rồi". Tôi còn chưa hiểu thế nào, Sao Mai đã cười khà khà: “ ở lại thì phải sạch sẽ chứ. Tôi cắt được cái nợ, tôi đã cai được". Mới hay Sao Mai vừa cai nghiện. Sao Mai đã chữa bằng một liều thuốc dân gian, mạnh và dữ, phải có nghị lực mới cai được. Sao Mai đã nhịn hút. Cái năm 1945, Nguyễn Tuân cũng đã cai. Khi cảm thấy cồn cào nhớ bữa, Nguyễn Tuân ra đầu ô, làm mấy chén rượu, nằm kềnh cang lơ mơ một lúc, rồi về. Cơn nghiện biến, không đến hành nữa. Sao Mai có yếu hơn anh chàng phải cố nhịn, mặc cho cơn nghiền vật dựng người dậy. Cứ thế đến đứt cơn , rồi hết cơn, rồi quên . Tôi hỏi thế anh có phải rượu kềnh cang như bác Nguyễn không ? Sao Mai cười không ra tiếng. Sau này mới biết anh chàng còn uống thuốc tình tang hẳn hoi, không phải chỉ rượu mà bằng mấy bác Nguyễn ấy. Bài thuốc cai của Sao Mai có gia giảm cả vị phụ nữ. Anh không kể cho chúng tôi biết. Anh nói lảng chuyện. "Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng cũng không muốn đi đâu. Nhưng các bố sợ các ông về thì rồi ngoài này không có thuốc. "
Sao Mai đã khỏe, rắn rỏi, trở lên Hà Nội với vợ con và nhà được thêm khẩu bồng bế theo cả dì hai nó. Anh khéo thu xếp phòng nhất phòng nhì, sở gốc thì cạnh nhà thờ Tin Lành bên nhà hát thành phố, sở mới ngoài Thanh Trì. Sao Mai đương viết về anh hùng nông nghiệp Đỗ Tiến Hảo ở đấy. Vừa tiện, lại có chỗ bấu víu hờ. Tôi đã được đọc cái bản thảo người thật việc thật ấy cho Nhà xuất bản Thanh Niên, có đến ba trăm trang viết. Nhưng rồi ông anh hùng này đổ vì cái tật hay léng phéng. Ông Hảo đã đến trường Nguyễn ái Quốc nói chuyện về nghề nông, khóa tôi học. Ông nói hay lắm. Một năm tôi vào khu kinh tế mới của Hà Nội ở Lâm Đồng, ông Hảo bây giờ đã hết anh hùng rồi lại đã có phòng nhì mới đem vào, đương đào ao thả cá. Chén bữa cá ao nhà ngon tố hảo. Vừa đây, tôi lại có dịp qua huyện Lâm Hà hỏi thăm thấy bảo rồi lục đục thế nào, Hảo trở ra Thanh Trì đã lâu. Có lẽ lão cũng đã trên dưới bảy mươi rồi mà cứ chạy loạn trong nhà đến nhược người, thật khổ thân. Sao Mai thì thao tác tinh thông hơn Đỗ Tiến Hảo một cái đầu. Thành phố đương vận động người đi kinh tế mới. Thế là bàu đoàn thê tử kéo nhau lên vùng đồi núi Phú Thọ và trụ lại tới bây giờ. Sao Mai đã được cử về đi khắp các huyện ngoại thành Hà Nội, báo cáo điển hình thành công gia đình đi kinh tế mới. Quê mới ở làng đồi Văn Luông, cả một vùng rừng đồi Thanh Sơn, Đồn Vàng đã thuộc làu rồi. Cái hay đã nảy ra từ cái bối rối “thôi thì lôi nhau lên rừng, có đánh chém nhau ở xó xỉnh ấy thì cứ việc". Cái hôm chè chén ở quán chả cá Sơn Hải, anh đương đợt, hay vừa xong báo cáo thành tích đi kinh tế mới của nhà anh cho bà con các làng ngoại thành..
Chốc đã ra quá nửa đời người. Nhưng mà vất vả rồi dần dà lại ăn về hậu vận, kể cả cái hoạn nạn long đong họ Tân bên Tàu, ông Tân Khải Minh Sao Mai cũng vượt được. Sao Mai trong hoàn cảnh nào thì việc viết với anh cũng như một đòi hỏi. Bận đến mấy Sao Mai cũng cầm bút. Cái nghề chân chính đã là quả phúc của ông. Đến lúc trời mở cửa, trời vẫn thấy ông cầm bút, rồi được tỉnh Vĩnh Phú để mắt đến, anh em kiệu ông ra làm một chân phụ trách văn nghệ tỉnh. Năm trước, gặp ở thành phố Việt Trì. Sao Mai cười lấp lánh mắt, lại bốc, bốc thật chứ không phải bốc phét: “Này ông, ở Văn Luông âý mà, nhà vườn của các con các cháu Sao Mai bây giờ san sát liền một vệt năm bảy quả đồi chứ chẳng vừa". Tôi mừng bạn một câu rằng: Nhớ đến cái đận ông về dự trại sáng tác ở Quảng Bá, thợ mộc theo về ăn đọi nằm chờ ông vay tiền ứng sáng tác để trả công làm nhà thì tôi thật phục cái gan, cái trí của ông. Tôi lại khoái ông có máu đa tình mâ lại chung thủy, léng téng với ai rồi cũng lấy người ta. Nghe nói ông mới có phòng mới. Ông lại bán cái đất có thật để ra xây tổ uyên ương trên cành lau ở bờ sông Thao.
Thôi ta trở lại cái hôm chả cá Sơn Hải thời kỳ ấy, uống rồi thì chuyện tử tế bỗng đâm sang nói nhảm. Phạm Khanh nói nhảm đê mê đến ghê người, sởn gai ốc. Nhưng lúc nói đứng đắn thì Phạm Khanh khẩn khoản: “Ghi tên tôi vào danh sách đi thực tế, có lao động cải tạo mới nên con ngưòi, đi đâu cũng được". - Anh đề nghị với hội Mỹ Thuật. Chắc cũng dễ. Tôi sẽ nói thêm với các anh ấy". Rồi Phạm Khanh lên Lạng Sơn làm đường sắt. Lại thấy nói đến năm về, họa sĩ hàng ngày ngồi thiền và tập yoga. Một hôm đến miếng cây chuối ngược, cây chuối đổ rơi từ sân gác thượng xuống. Cũng có người thì thào: anh tự vẫn. Không biết thế nào.
Thanh Đình đã đứng tuổi, người thấp bé, nói láu táu, hôm nào cũng đến đòi đi thực tế. Thanh Đình là tay viết truyện kiếm hiệp ba xu Người nhạn trắng từ thời tôi còn học lớp bét, lớp ba đương mê những Dao bay, Mắt thần của Trường Xuân và Người cá voi của Văn Tuyền Phạm Cao Củng. Những loại truyện ba xu này không được coi là văn học. Vả lại, Thanh Đình bỏ viết đã lâu lắm. Hôm nào anh cũng đứng trước cửa nhà xuất bản Văn Học. Gặp tôi, anh bảo. “Tôi có công tác, đợi anh Thạc". Thạc là tên cúng cơm của Như Phong, đương làm giám đốc nhà xuất bản này. Thạc và Thanh Đình là bạn học tiểu học trường Cửa Đông. Thấy Đoàn Phú Tứ đến tìm Như Phong đưa bản thảo dịch kịch Ipsen, Thanh Đình nói: “Tao vào thằng Thạc, tao với thằng Thạc là bạn nối khố cùng lớp, tao đương viết cho nó một cái trường thiên tiểu thuyết roman neuve! ! . Nhưng rồi anh ấy cũng không năn nỉ đòi đi nữa. Buổi chiều, tôi uống bia hơi cửa hàng ngã tư Bà Triệu-Trần Nhân Tông, thấy anh xách cái làn to bước vào. Anh bắt tay tôi chặt. Anh không uống bia, cũng không trò chuyện sáng tác. Anh đi bỏ mối bánh đậu, kẹo lạc cho các hàng nước. Bí nhất cái lần gặp Nguyễn Hoàng Quân. Quân còn trẻ, không thuộc lớp cầm bút trước kia. ở trên rừng, đôi khi đọc báo Hà Nội, thấy thơ Nguyễn Hoàng Quân. Người xạm đen, tóc bù xù tổ quạ, mặt vuông gầy nhưng vóc người có thể lực lưỡng.
Anh tự giới thiệu:
- Thi sĩ Nguyễn Hoàng Quân..
- Chào anh Nguyễn Hoàng Quân.
- Tôi muốn được đi thực tế.
- Vâng, nhiều anh đã đi...
- Anh cho tôi biết các điều kiện đi thực tế...
- Anh có thể xuống lao động nhà máy hoặc...
Nguyễn Hoàng Quân mở to đôi mắt đờ đẫn:
- Đi làm cu li á? Tôi đã bảo với anh tôi thi sĩ...
Hình như tôi còn giải thích dài dòng đi nhà máy, đi nông thôn thế nào đấy, nhưng rồi Nguyễn Hoàng Quân đứng dậy, đi ra. Cái dáng bước kiêu căng khuệnh khoạng, cái bóng vía thi sĩ kiểu ốp đồng thế, làm thế nào nói cho anh ấy nghe ra được. Nhưng Nguyễn Hoàng Quân không trở lại nữa. Tôi có ý tiếc anh còn ít tuổi, vẻ khỏe mạnh. Nhà anh ở trên gác bên cửa rạp chiếu bóng Hàng Chiếu, cạnh cái ngõ nách vào chợ Đồng Xuân được tiếng các gánh bún ốc, phở chua và chè sen, lúc nào cũng bề bộn người ngồi. Một lần tôi đến, lên hết thang thấy các cửa đều đóng khóa trái. Xuống hỏi thăm bà hàng nước ở gốc nhội vỉa hè, bà ấy nói:
“Anh ấy chết mấy tháng nay rồi, ông không biết à?"
Tôi ngỡ chẳng rõ Nguyễn Hoàng Quân chết thật hay là vì cứ huyênh hoang và to tiếng cãi nhau với xóm giềng, người ta rủa thế.
Người đi thực tế không ai giống ai, lại nỗi những tin bối rối xa gần về. Ca sĩ ái Loan lội bùn chết bệnh uốn ván ở Phủ Lý. Có người ở Hòn Gai lên kiện Nguyễn Hải Trừng. Anh đã lấy vợ ở vùng than. Khi địa phương làm điều tra dân số, anh đi khai giấu nhưng đã lộ ra có vợ trong Nam, có con ra tập kết, và anh đã rút tuổi thật xuống gần nửa, hôm làm giấy giá thú. Người nhà nọ cốt báo cho cơ quan biết thôi, không kiện tụng và đòi hỏi gì, cô nạn nhân ấy đã ra tòa ly dị được rồi. Cũng lại anh ấy về sau sơ tán bom Mỹ vào Mỹ Đức, anh “nhảy dù” tai tiếng ầm làng, rồi về Hà Nội lại lấy vợ, khi hòa bình lập lại bà ấy ra tòa xin tiêu hôn, tôi lại phải thay mặt cơ quan đi chứng kiến. Lôi thôi quá..
Mỗi ngày loạn xạ một thứ việc, nhưng tôi lo đã ngớt, tôi sửa soạn đi Thái Bình. Tôi sắm sổ tay, theo thói quen mỗi chuyến đi và mấy quyển sách đọc: Bàn về thực tiễn và lời nói đầu sách Điều tra nông thôn của Mao Trạch Đông. Bài của Võ Nguyên Giáp tôi đã nghe mấy buổi ở câu lạc bộ quân đội Kết hợp lý luận vơi thực tiễn trong cuộc cách mạng ruộng đất ở nước ta nói về cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức và sửa sai. Những bài cắt ở báo của Minh Nghĩa (Trần Quang Huy) phân tích sai lầm cải cách ruộng đất. Tôi ghi trên đầu sổ tay của chuyến đi một câu không biết lấy được ở sách nào: Chân lý là quá trình (Lê Nin). Và đem theo quyển phóng sự để đọc lại Tan rã (Kaputt, của C. Malaparte một phóng viên ý trong chiến tranh thế giới lần thứ hai có chương viết về cuộc tàn sát Do Thái ở thành phố Vacsôvi bị chiếm và các trận tuyến phía quân Đức và ý.
Bấy giờ ở Trung Quốc đã nổ ra cuộc đấu tranh trăm hoa đua nở trong văn nghệ, mà sau đấy Đinh Linh, Phùng Tuyết Phong đã phải đi lao động cải tạo trồng kê, đào củ cải ở vùng quê nào. Nhưng chưa phải đảo lộn dữ dội như cách mạng văn hóa mấy năm sau. Còn chúng tôi đi thực tế thì khác, chúng tôi bấy giờ đi với ý nghĩa rằng đất nước đã sang giai đoạn mới, phải lao vào mà bắt kịp tầm nhìn. Mặc dầu tôi đã đi làm cải cách ruộng đất và công tác sửa sai mà khi trở về xảy ra việc Nhân Văn, cái nghĩ và làm của tôi vẫn chất chưởng, tôi cũng không cắt nghĩa được. Sự tự ti nặng nề bấy giờ đã làm tiêu tan cả suy nghĩ và nghị lực, lắm điều đã biết, đã nghiên cứu hẳn hoi, thế mà nghe nói lại, đọc lại cứ thấy như mới, như chưa tỏ tường bao giờ. Tự nguyện hay không, tôi thấy tôi phải đi mới giải quyết được bế tắc cho mình.
Tôi đáp tàu thủy xuống Thái Bình. ở bến Phà Đen tàu xuôi khi chưa rạng sáng, cho đến lúc trông ra thấy mặt sông Cái đỏ ngầu mênh mang giữa hai bờ thấp thoáng chân đê, lũy tre, bãi ngô, làng xóm. Những bụi chuối xơ xác vàng rượi, những ruộng mới vỡ, những lò gạch- bóng con bò và người cày trên bãi hiện ra gầy cao cao. Mới đi một lúc mà thành phố và mọi công việc tôi như đã bỏ lại ở đẩu ở đâu rồi. Cái tàu thủy “màn xế” đỗ từng bến với người các vùng dọc sông quen thuộc đã lâu đời. Người xuống khoang ngồi ràn rạt đầy các hàng ghế, nhà tàu mới đi đếm đầu phát vé. Năm 1958 đã khác trước, làng xóm vào tổ đổi công, đương lên hợp tác xã. Chuyến tàu Trung Hưng, tôi đi ngót một ngày về đến Cầu Bo, người lên xuống các bến nơi nào thì đoán ra quang cảnh ấy. Một bà chít khăn vuông hoa choạc ngón tay chùi mép quết trầu, nói: “ối dà, chính phủ đương thu người các nơi về làm ruộng, làng nào cũng đông ơi là đông. Bây giờ mới ra cái thời nhất nông nhì sĩ, các ông ạ".
Nhưng bà ấy thì đương chạy chợ, buôn chuyến. Những khiêng củ nâu không biết từ bến đường ngược nào xuôi về. Bà xuống các chợ Thái lùng mua cau. Đến vùng mía Trình Xuyên thì nhiều quang gánh buôn mật lên bến.
Nhộn nhịp khắp nơi, chẳng phải chỉ có một cảnh người về làng trong tiếng “ối dà” câu nói lộn lưỡi của mấy mụ hàng chợ. Tôi nghỉ lại thị xã, trọ hàng cơm trên bến Cầu Bo. Tôi đạp xe lên đầu tỉnh qua phố chính Guyn Pickê ngày trước. Hai bên đường cỏ tranh cao ngập đầu. Bao nhiêu nãm đã qua, cái trường tiểu học ông giáo Nguyễn Công Hoan dạy ở chỗ nào. Cái bến ô tô Thái Bình-Nam Định-Hà Nội mà ông lang Dương làng tôi đã từng đứng đầu du côn tranh khách cho hãng ô tô Mỹ Lâm con thỏ chẳng nhận ra đâu nữa. Đầu phố huyện Vũ Tiên, nhà hát bà ký Đường, Nguyễn Khắc Mẫn đã viết truyện ngãn Bà ký Đưòng đăng tuần báo Ngày nay, có đêm ông lang Dương đã dẫn chúng tôi vào hát. Chỉ còn trong tưởng tượng. Giữa bãi hoang loáng thoáng những vườn dâu.
Hôm sau, đi Thái Ninh sớm. Cái xóm tôi đến là xóm Đồng. Về quê, chỉ những cái tên cũng đã mường tượng được lai lịch làng xóm. Không phải như bây giờ nhà cửa cứ mọc loang ra khắp nơi. Những cái tên ngày ấy đã chỉ ra gốc gác. Xóm Đồng, xóm Trại, xóm Mới, xóm Ao... là những nơi ở mới bên lũy tre rìa làng, bọc quanh các xóm Trung, xóm Giữa, xóm Đình sầm uất của các nhà có máu mặt, các nhà chức việc. Xóm trong luỹ, ngoài lũy là nhà thiên hạ đến ngụ cư, nhà mõ, hay là nhà đông người phải san ra, dần dần nhiều năm mới ấm chỗ, có khói bếp, cây cau, cây rơm và đường cứt trâu.
Đứng trên đê trông xuống mênh mông - cả tỉnh Thái Binh đều bốn phía chân trời, không nhấp nhô gò đống, không một chấm núi. Chỉ rợn lên những cánh đồng, những con đê, những bờ tre. Con sông Diêm lừ đừ phẳng lặng. Cái chợ họp hôm họp mai chốc lát đầu bến cũng gọi là chợ Phố, có lẽ vì cũng có lò rèn, lò may, quán nước. Chốc chốc lại đi qua một bọn các cô, ống quần gấu váy túm lên tận bẹn, cặp đùi đen nhánh tròn như cái chĩnh. Đoàn người vác những cái dặm xuống chuôm sâu. ở đồng đất này, đàn bà đi đặt lờ cá, đánh te, cày bừa chẳng khác đàn ông. Gặp khi một bọn đi dưới đồng lên các cô cứ nồng nỗng trần truồng ở đầu cống Bắc thì đàn ông cũng không dám bén mảng qua.
Những đồng cao đương làm màu, khoanh bờ cuốc đi cuốc lại, cắm dây khoai. Người ngâm mình dưới đìa nước vác bùn lên úp vào đầu bờ. Nhưng không phải đắp cho khoai mà đánh đống phơi ải để ít nữa tãi xuống ruộng mạ. Mấy hôm sau, được biết mỗi xã viên đương phải quảy ngày năm mươi gánh bùn. Phùng Quán đã đi làm được mấy buổi, mỗi hôm xong gánh bùn khoán lại vớt lá trang, cỏ năn, dong nước về ủ cái hố phân xanh của chúng tôi.
Cống Trà Linh ngăn mặn, làng xóm và cánh đồng bên kia lợ nước ra tận biển, đến mùa nước, những con rươi hiếm hoi vẫn nổi từng đám. Đường ngoằn ngoèo xuống Diêm Điền có đến mười mấy cây số ngập trong cỏ. Người sang đò về bên Thụy Anh, trong bóng chiều chỉ nghe ánh ỏi, lao xao như tiếng chim chích choè chặp tối hót về tổ.
Vào xóm càng rõ ra cái xóm trại còn tạm bợ. Nhà nhà đều tường đất, những hốc khoét vào trong tường đựng mọi thứ, cái điếu cày, bó đóm, nắm giẻ rách, rổ đậu đãi, niêu tép kho. Cái bùi nhùi rơm lấy dưới bếp lên, tiếng thổi lửa phù phù. Đâu mà có giẻ rách làm nòm, ở xó xỉnh này cái giẻ cũng được khối việc khác. Một người vục cái bát đàn vào vại nước, vừa uống vừa nhìn ra xem ai lạ vào xóm. ở cái xe đạp của tôi phát ra tiếng kêu tách tách cũng kéo được mấy đứa trẻ tò mò chạy ra, trong đám có Hoàng Trung Thông lực lưỡng cởi trần, râu rậm Trương Phi. Tôi hỏi:
- Cánh ta ở xóm này a?
- Rải rác các xóm ở ngoài này. Rách một tý, nhưng thoáng mát dễ chịu.
Tôi đùa:
- Lại ôn nghèo gợi khổ, bắt rễ xâu chuỗi à?
Thông cười:
- Không, thích nhà nào ở nhà ấy. Tôi đã chọn cho ông một nhà ít người, kề ruộng kề sông. Ông vào xem, mà không vừa ý thì đi nhà khác. Có rễ sẵn, rễ cái hẳn hoi.
Tôi nói:
- Có phải bắt rễ tôi cũng xong ngay. Cậu không nhớ tớ đã đội phó cải cách a?
Tôi đi cải cách ruộng đất, hai đợt ở Quảng Xương, ở Nông Cống rồi cả đội chuyển ra Hải Dương, đã dự hai kỳ tổng kết cả tháng trong Hậu Hiền rồi ra Quỳnh Cơi ở Thái Bình này. Đến bây giờ vẫn như còn mê ngủ, chưa hết ngạc nhiên, ngơ ngẩn về đợt công tác dài hạn. Quê tôi, làng nghề thủ công, dệt lĩnh dệt lụa, làm giấy. Tôi không biết ước lượng được một miếng, một sào, một mẫu rộng hẹp thế nào. Thoạt nhìn, cây ngô cũng như cây mía, cây lau. Thế mà tôi đã dạy cho nông dân kể khổ, đấu địa chủ, rồi thống kê sào, mẫu, rồi cắm thẻ chia ruộng, thắc mắc gì cũng giải đáp được tuốt, anh đội phải quán triệt mà, cứ linh binh, tất bật cả lên.

<< Chương I | Chương III >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 245

Return to top