(Nhật ký)- Hà Nội đã vào tháng chạp 1972. Hàng ngày cứ căng thẳng rồi lại bình thường. Nhưng với tâm lý muốn bình yên thì tưởng tượng của người ta ngả về bình yên nhiều hơn. Đường phố đông người khác thường, hình như ai cũng ra đường. Vẫn giục từng nhà đi sơ tán. Nhưng trong bụng người giục cũng cho là nếu có bom xuống thì hoạ may người ta mới đi.
Họp khối phố, thu được 150 đ, hôm nào thu đủ thì đem lên khu lấy tem phiếu đợt 1. Nửa đêm, tiếng bom bên kia sông phía Gia Lâm. Tháng vừa rồi yên yên, lại ra vẻ bắt đầu đây. Gần sáng, tiếng bom kéo dài nặng nề hơn. Phúc thức giấc, nói: “Con nghe như tiếng B52". Nó có kinh nghiệm chiến trường. Mình đoán vu vơ: “Không có lẽ". Tiếng bom đến tận tảng sáng, trời cứ vừa hửng vừa sẫm lại.
Bom B52 đã ném suốt dọc sông Hồng, Yên Viên, Giang Biên, Đông Anh...
Nửa đêm, lại một đợt bom đến sáng. B52 đánh vào tận Đuôi Cá, hay phía nảo, như tiếng trên trời say thóc ỳ ỳ.
B52 dội Khâm Thiên.
Gần sáng, phố và đường không một người. Dạo một vòng thấy rõ ràng những quả B52 đầu tiên ném xuống bờ hồ Thiền Cuông rồi rải qua bến xe Kim Liên vắt sang vùng Khâm Thiên. Hố bom chi chít nhưng nông lòng. Một cái ô tô chở khách đỗ nghỉ đêm ven đường văng xuống hồ. Khúc đường nhựa cong lên như cái cầu vồng một màu đen. Biến mất dãy cây si buông rễ trông sang cổng công viên.
Sáng sớm, đài Tiếng nói Hoa Kỳ đưa tin Ních ra lệnh ngừng ném bom ngoài vĩ tuyến 20 từ sáng 30.
Trông ra phố, đã thấy trẻ con gánh chăn, nồi xoong, nhanh thế, ở đâu về không biết. Đến trưa, người đã đông bộn lên xếp hàng mua gạo, mua dầu. Tấp nập khác mọi khi.
áp Tết, việc khu phố:
- Giải quyết cho 6 thanh niên tòng quân đợt này. Cố gắng đi được cả. Lên đưòng ngày 6, đêm 5 phố liên hoan tiễn.
- Soát lại con số gia đình khó khăn, bổ sung cứu tế, trợ cấp. Mở rộng diện: năm ngoái 2, năm nay 12.
- Treo đèn ra cửa trụ sở. Tuần tra canh gác bắt đầu đêm 28.
- Tổ phục vụ nấu bánh chưng. Nhận gói 0. 15. Nấu O. 05. Chuẩn bị than. Tới 27 đã nhận gói và nấu 2. 700 chiếc.
- Tổng vệ sinh. Trọng tâm: các hầm nổi, hố cá nhân.
- Mùng một Tết, chúc Tết các gia đình liệt sĩ, thương binh, quân nhân tại ngũ. 7 giờ sáng tập trung nhà trưởng ban. Đến tổ nào có tổ trưởng đi cùng. Nếu Hoài vắng, cụ Trượng thay, đi với các cụ Ninh, cụ Bính.
Trên bàn thờ mỗi nhà mâm cỗ cúng gần giống nhau: cái bánh chưng, đĩa xôi gấc, đĩa thịt gà luộc, bát canh bóng.
Trưa mùng một, ra vườn hoa Thống Nhất. Những cây quất thi được giải, quả chín vàng thậm trong lá.
Không trông thấy cây mộc mà mùi hoa mộc ngan ngát trong mưa bụi.
Lên hồ Gươm. Cây và hồ nước, sóng hồ xanh kỳ lạ Đã quen mắt cả đòì, từ khóm lộc vừng, cảy mõ, cây gạo- trong lòng, trong kỷ niệm. Khác phong cảnh nước ngoài, thấy mà không thấy.
Tối làm va li. Chuyến máy bay chậm, được thêm một ngày ở nhà ăn Tết. Cô Phụng văn phòng hôm cuối năm nhờ mua dây mai- xo bếp điện, mấy cái cũng được.
Mai đi Bucaret.
Lại IL 18 bay giữa trưa Gia Lâm. Thảnh thơi. Có lẽ vì Ních ngừng ném bom. Trời trở lạnh.
Mỗi lần đến Matxcơva, muốn mua gì. Tôi lại kê một tờ sớ dài đưa cho Thiên, cho Hân nhờ mua. Các bạn Marich hay Vlat và cả cô Ina nữa không thể xoay xoả mua nhanh được. Một lần, có lẽ Marich cũng áy náy, Marich nói: “Có một cửa hàng bách hoá tên là Một nghìn thứ lặt vặt, hay lắm. Cái gì không tìm thấy ở đâu thì ở đây có, mà đều ở một chỗ. Chúng ta đi xem. “Cửa hàng Một nghìn thứ lặt vặt, quả là một cửa hàng xén lắm thứ linh tinh, từ cái đinh vít, cái búa đanh đến cái bát, thỏi xà phòng giặt. Chỉ phải cái vẫn ba nấc sắp hàng, lấy phiếu, ra quĩ trả tiền rồi trở lại nhận. Cả buổi sáng, Marich mua cho tôi được con dao phay. Các bạn ấy chẳng đến chỗ này bao giờ, không như Hân, như Thiên, cả trăm cửa hàng, các nơi bán đồ cũ, bán vải mảnh- cửa hàng bán vải mảnh ở Matxcơva và xe đạp Phượng Hoàng phế phẩm ở Bắc Kinh đều đông khách hàng Việt Nam. Lắm người chịu khó đến đọi mua từ sớm chưa mở cửa. ở nhà chỉ mong và dặn những thứ ấy và túi tôi thì sang nhất cũng mua được cái đồng hồ đeo tay, cái đồng hồ báo thức. Những búp bê gỗ matriôtca đồ chơi Nga một con đẻ ra năm con tôi chẳng đụng đến bao giờ.
Thiên hỏi tôi: “Bác có giấy vào cửa hàng quốc tế không?”. Tôi đáp: “Không. Có cửa hàng quốc tế a?” - “Có chứ. Vào đấy có nhiều hàng hiếm: máy khâu Nhật, nồi áp suất, các thứ vải đẹp... Các cán bộ theo các anh sang hay vào cửa hàng đặc biệt này”
Tôi không được biết cửa hàng Tôn Đản ở Matxcơva ở đâu. Mỗi ngày, hội nhà văn hay cơ quan uỷ ban hoà bình đưa cho tôi 5 rúp hay 10 rúp, ấy là ở Nga, còn đi các nước châu Phi, các nước Trung Đông, Nam á thì chẳng đâu đưa tiền tiêu vặt. Chắc người ta không nghĩ mình ra thế giới mà không có đồng nào. Những khi đường xa, cây chà là, cây thết nết, chùm hoa vàng hây như hoa cau, thèm bẻ xuống làm bát nước ngọt, đương khát nước. Cả khi ở Nga thì số tiền hàng ngày nhận cũng không ăn nổi ra bữa, chỉ mua được bánh mì và trứng luộc. Ngày nào cũng xuống buýp phê mua, đã quen mặt những cô bán, nhớ cả lượt họ thay ca.
Không thể xuống phòng ăn, bởi hai trăm gam cô nhắc, uống cho đủ liều thì chỉ rượu đã hết cả ngày tiền ăn. ở khách sạn Ukraina, có hôm tôi trả tiền ăn, Phan Tứ cám ơn và nói: “Xin lỗi, hôm nay chúng tôi ăn của anh hết hai cái bàn là". Nghe tục và thảm quá, nhưng mà thật vậy. Tôi xuống Bacu thăm Đan Thanh, con gái tôi học dưới ấy. Nó đi tìm mua một cái mâm nhôm, rồi lấy vải thô, dây gai chằng lại. Cái mâm vào bí mật bỗng thanh nhã như chiếc đàn bạn tặng lưu niệm. Chiếc mâm nhôm vững chãi đã thọ nửa thế kỷ, - cái mâm luyện bột chẳng bao giờ thủng, bây giờ vẫn hàng ngày hầu hạ trong bữa ăn ở nhà tôi.
Những tờ kê cả chục thứ mua, đưa cho Hân, cho Thiên đại khái những là quạt tai voi- có dạo quạt tai voi và bàn là điện hiếm, thấy bảo vì Việt Nam mua nhiều, phải đợi chuyến tải từ các nước Trung á lên.
Sắm quần áo giầy dép thì Hân đưa đến cửa hàng thiếu nhi. Cái quần, cái áo vét của tôi chỉ bằng đứa trẻ mười ba mười bốn. Mọi thứ cho thiếu nhi giá rẻ nửa đồ người lớn. Rồi thì đem về làm quà cái khoá cửa, nan hoa, líp xe đạp, một nắm ruột bút bi, chia tặng mỗi người một hai cái. Qua Bắc Kinh, ca sĩ Mai Khanh mua cho lọ Hà sa đại tảo hoàn, lại cân thang thuốc và chép kèm cái đơn “thuốc bổ của bác Mao". ở Pnôm Pênh, ở Angiêri về thì hộp chà là khô, lụa bombay, xì líp, xú chiêng... Nhứng năm tám mươi, các thứ đem đi cho đủ cân thì áo gió, áo bay, áo phông, cả túi khuy đồng quần áo bò Lơvit, nhờ bán để sắm những cái không mua được ở nhà, cả đến lưỡi dao cạo râu...
Nếu không có khi mênh mông tưởng tượng bay lên trời trên biển Hắc Hải, thì những chuyến đi đây cứ lầm lũi, cặm cụi như thế. ở hội nghị ra, dạo phố, khách đi tìm mua các thứ lưu niệm còn ta thì chưa bao giờ.
Làm thế nào.
Cũng như, mỗi lần gặp lại Hân và Thiên tôi mừng hú, chỉ vì các cậu ấy mua được chóng vánh và chịu khó nhặt nhạnh từ cuộn chỉ trắng và đủ loại kim khâu, dây mai- xo... trong khi Hân đương bảo vệ bằng tiến sĩ ngữ ngôn vào loại những người đầu tiên ở nước ta và chỉ có Phan Hồng Giang dịch Pautôpski tôi mới đọc được. Và Thiên, Trần Mai Thiên, tiến sĩ cá nước ngọt nước lợ ở viện Cá Lêningrat- mà Nguyên Hồng gọi là thằng đốc Chép. Tất cả đều là những kiệt hiệt hơn người. Nhưng hãy để đấy, để đấy, giúp tôi đã, giúp tôi.
Đi Yanta, lại ra người phong lưu nhàn nhã rồi và lại đi với Vlat. Trong những nơi nghỉ tôi ưa ở vùng đồi Sinaia nước Rumani và các thành phố trên Hắc Hải. Nhà ở, đồi núi và bãi biển liền nhau. Lúc nào cũng là đi tắm, quần đùi áo may ô dạo phố Vanta mua báo hàng ngày và uống bia hơi Tiệp máy bay tải tới.
Ba tuần lễ ở đồi Sinaia giữa mùa phấn thông vảng. Bây giờ mới thật thấy ngày đêm phơi phới nồng nàn mưa phấn thông vàng của Xuân Diệu. Nhưng hàng ngày cũng lắm lo toan đột ngột như cái hôm giày bị vấp há mõm. Cố nhiên, không phải là chiếc giày, mà là cái khó chịu đáng yêu của bà phiên dịch Madari.
Madari chạc trong ngoài năm sáu mươi, phốp pháp, phúc hậu, xôm xốp như người nặn bằng tuyết ở biển băng Bắc Cực.
Tôi cũng đem bản thảo Chuyện nỏ thần đương viết. Trời cao nguyên mát rượi vào mùa hạ thuận cho công việc viết. Nhưng làm được hay không, có thể lại bởi cái bà hồi xuân này.
Tôi chuyện với Madari:
- Ba tuần lễ, không biết tôi có sáng tác được không".
- Cửa buồng anh trông ra rừng thông đương mưa phấn thế kia, sẽ gây cho anh nhiều hứng thú.
- Nhưng tôi ốm, nhiều bệnh. Bà cho tôi đi kiểm tra xem thế nào.
Madari đưa tôi đến phòng khám bệnh viện quận dưới chân đồi.
Người bác sĩ đã đứng tuổi, đo áp huyết rồi bảo:
- Ông bình thường. Ông có thể yên tâm nghỉ ở vùng núi.
ở Bucaret nhiều người nói tiếng Pháp. Các báo ở Pari hàng ngày được máy bay đưa tới. Tôi ngần ngừ:
- Tôi hay đau đầu, mết ngủ. Ông có thể cho tôi...
Người bác sĩ nhìn bà Madan ngồi ngoài cửa, rồi đột ngột hỏi tôi:
- Ông muốn uống thuốc cường dương?
Tôi cười, lắc đầu:
- Không, tôi đến Sinaia nghỉ và làm việc.
- Tôi hiểu, tôi hiểu. Ông bảo bà phiên dịch là ông phải chữa bệnh áp huyết, hàng ngây đến đây tiêm B1.
- Sao lại Bl?
- Chỉ cần ông không được nói tên thuốc với bà ấy, ông hiểu chưa?
Ngày ngày, tôi ra trạm tiêm. Không ngờ mà tôi lại giống cái ông giả vờ ốm muốn ở lại nhà an dưỡng trên Tây Hồ, bị tiêm những mũi B1 ăn khỏe của một thầy thuốc tốt bụng và tinh quái. Tôi được biết nghệ thuật tiêm của các cô y tá khéo tay. Các cô vỗ cánh tay tôi một cái, thì mũi tiêm cũng vửa xong.
Madari viết thư cho tôi, lần nào cũng hỏi thăm bệnh và gửi thuốc, khuyên tôi giữ gìn. Người thật hiền và dễ tin. Rồi nghe tin Rumani phải một trận động đất dữ dội, thành phố Bucaret bị đổ nhíều dãy phố. Người con gái Madari cho biết mẹ cô chẳng may đã chết trong trận dộng đất rồi..
Marich đã biết lần trước chuyến đi Lêningrat với Vlat tiêu lung tung hết tiền mà Marich cho là Vlat đã uống hết. Lần này chỉ nhận tiền hàng tuần, tuần sau lại gửi. Tôi đưa Vlat giữ. Của đáng tội, tiền có là bao, chẳng khi nào Vlat tiêu cái gì khác, chỉ lỡ miệng uống quá, mà uống thì cả tôi uống. Nhưng Vlat chửi Marich đã xui kế toán hảnh chúng tôi: “Thằng Do Thái, nó gửi tiền từng tuần lễ, chỉ đủ ăn không có uống. Nhưng không lo, không thể đói rượu được, đã có cách. Chúng ta sẽ lao động làm ra tiền, người lao động chân chính là chúng ta".
Chưa biết cách gì. Trên Lêningrat thì chắe lại đến ăn vạ Vêrônica. ở đây Vlat cũng có một Vêrônica chăng.
Rồi có hôm nó bảo tôi đi nói chuyện ở nhà trẻ quốc tế Atếch, lại khi đi đài phát thanh đài truyền hình thành phố và viết bài cho báo đía phương. Tôi biết thế là lao động những cách ấy. Dù sao cũng không còn lo lắng nhờ các mẹo vặt của Vlat.
Nhà sáng tác ở biệt thực trên đồi, dinh cơ của một nhà quí tộc trước kia. Thành phố bờ biển, những thắng cảnh và di tích lịch sử. Các trang đài của vua Nga, lâu đài Livađia nơi hội nghị Yanta của thủ lĩnh ba cường quốc Anh, Mỹ, Liên Xô trong chiến tranh thế giới lần thử hai, vườn bách thảo nhiệt đới, biệt thự của Sêkhốp, hòn núi Gấu đẫm mình trên mặt biển...
Tôi tha thẩn một mình ven bờ, lắm hôm tận khuya ở bãi tắm và xem cảng thức suốt đêm có người đi câu ngồi im lặng. Cát trắng lẫn những hòn sỏi thuỷ tinh huyền ảo rạt rào trong tiếng sóng.
Chúng tôi ghé hầm rượn vang đỏ nhãn hiệu Rừng Crưm, vang ngon. Những khúc gỗ, những cặp sừng hươu trong bóng nhập nhoạng ánh điện giả lửa sưởi, như những người thợ săn ở cửa rừng ra, gác súng bên gốc cây, làm cốc vang chát cho ấm người. Vách giả đá như tường hầm, người ngồi lên các thùng vang rông. Ô hay hôm nay lắm các bà xuống hầm rượu. Các bà các cô uống và hát. Ngoài phố, cờ búa liềm đỏ phấp phới. à các bà các chị rượu mừng Quốc Khánh. Ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng mười Nga năm thứ 52.
Vlat và tôi cũng mừng Quốc Khánh với hai người thợ mỏ vùng Đông Bắc ra nghỉ biển. Họ hát như gào liên tiếp những bài dân ca về tình yêu và chiến tranh.
Mười giờ đêm vẫn còn quán bia hơi máy bay Praha chở đến. Đến đâu lại hợp thổ ngơi ấy, bia Sinha Thái lan, chai Stema Ai Cập cũng đường được, nhưng vẫn nhờ bia Kon nhãn vẽ hình móng ngựa của Hà Lan. Uống từ bao giờ ở Pnôm Pênh nay vẫn nhớ vị nó. Nhưng ở đây chúng tôi đứng uống bia hơi quán Cua Bể. Đấy là treo biển vẽ con cua- chứ không có cua bán, quán mở cửa từ bảnh mắt, cho người đến uống bia súc miệng. Nhưng chẳng có bảng hiệu cũng có thể biết có quán bia vì các chân tường quanh bên đều quét chữ hắc ín dòng chữ: cấm đái. Ra ở đâu uống vào cũng đái bậy. Một bàn dài suốt gian nhà, không phải lồi lõm vì mối mọt, mà bỏi vết bào mấp mô làm vẻ thô kệch.
Các bợm bia uống đứng hai bên. Những chiếc cốc to tổ bố nâng lên phải đỡ hai tay, thật khoái. Chiếc bánh vòng ròn xốp cho thấm bia, uống được nhiều. Đôi khi có người câu cá dưới biển lên lẻn vào bán dúi con cá ướp muối, mặn thì càng uống tốt. Nhưng cũng chỉ có thế khác ở ta. Cụ tổ bia có sống lại mà đến Hà Nội cũng phải trợn mắt vì cách uống bia của ta. Nước giải khát có cồn được gọi thẳng là rượu bia và uống nhắm đậu rán, lòng lợn, tiết canh, phở, thít chó, thịt dê. Cái cốc gọi là cái vại và các bợm Hà Nội uống cả chục vại bia vẫn ngồi bần thần.
Vlat lấy bia uống một hơi rồi ra đứng ngoài phố.
Tôi tưởng Vlat chỉ uống rượu mạnh, nhưng một lát đã thấy vào, uóng cốc nữa, rồi lại ra. Vlat bảo: “Tao không thể đến cạnh những thằng giâ ở Yanta, tao chỉ muốn đấm vào mặt chúng nó. Bọn ấy trong chiến tranh đã chạy chết ở các nơi về Yanta. Em tao bỏ xác ngoại ô Matxcơva, chúng nó trốn đến đây rồi thành triệu phú, có nhà cho thuê nghỉ mát”. Vlat đã chỉ cho tôi những biệt thự rải rác thấp thoáng sau những hàng rào lila.
Nhìn ra mặt biển, hôm trời quang trông thấy núi Gấu. Hệt cái đầu gấu đen thẫm vục mõm xuống mặt nước. Bao giờ cho chàng Gấu si tình trong cổ tích kia uống cạn nước Hắc Hải để cho Gấu có đường đi tìm người yêu. Dọc xuống chân đồi, những ổ mèo hoang trong bụi lila. Cũng quây quần như chuồng mèo ở nhà ấm áp, mèo mẹ vờn mèo con dưới chùm hoa lila đung đưa mới nở tím ngát cho đến khi hoa tàn màu nhàn nhạt. Mai kia mùa lạnh, tuyết sa phủ khắp vườn cây, mẹ con nhà mèo đi đâu? Đứng đây cũng nghe tiếng sóng. Không phải sóng cát âm thầm mà tiếng những hòn thuỷ tinh được đổ xuống bãi giả sỏi. Sau đồi, tiếng chó sủa trăng. Đêm trăng suông, mặt đất tựa hồ đâu cũng như nhau. Tưởng như những đêm xóm Đồng ra biển Diêm Điền dưới Thái Ninh, mặt nước sông Diêm lờ lững ngoài chân tre cũng thế này.
Nhiều nhà văn nước ngoài được mời đến đây nghỉ và sáng tác. Đêm đêm phảng phất rào rào tiếng máy chứ ở một buồng nào. Mỗi khách một buồng, có người đi cả gia đình. Người phiên dịch đi theo khách thì ở tập thể phòng tầng dưới. Vlat hay ngủ ngay ở buồng tôi, Vlat kêu: thằng ở cùng buồng tao ngáy to quá, không chịu được. Vlat nằm ra sàn. Tôi rút khăn trải giường đắp cho.
Vlat uống lắm thế, nhưng không có thì thôi. Nhiều hôm cũng thương, tôi rủ xuống quán ăn dưới phố. Tiền chỉ đủ ăn, không có uống. Ra hàng mà không uống thà ăn trại lính ở nhà cho gọn bữa. Vlat nháy mắt:
- Cách thần diệu, nhớ ra rồi.
Tôi nhìn xem cách thần diệu ra sao.
Nhà hàng dưới đường ven biển, Vlat đưa tôi tới một buồng nhỏ trước khi vào phòng ăn. Khách sạn này tôi vẫn đi qua, nhưng không biết cái phòng nhỏ là chỗ bán rượu. Có thể vào đấy mua rượu uống trước. Đứng làm một tợp mỗi cốc rồi ra. Nhiều người uống như thế, có lúc khách đông nối đuôi. Rượu không có hầu bàn, rẻ khác hẳn trong quán, vẫn vôtca, vẫn cô nhắc nhãn ấy.
Uống rồi vào phòng ăn hay đi đâu, không ai để ý.
Có ăn lại cả uống, đôi khi cũng vào cho biết. Nhưng cũng không dám la đà tiêu không đếm, bởi tiền gửi xuống đều đặn mà quá ngặt. Hôm trở về, Marich hỏi:
- “Ông có giận tôi không? Tôi bảo gứi thế cho thằng Vlat mất tiêu hoang". Tôi đáp: “Không sao. Ngày ngày vẫn ăn và uống bình thường". Tôi kể Marich cái sáng kiến mua rượu uống trước của Vlat.
- à ở Matxcơva các quán ăn cũng đều có bán rượu uống trước như thế.
Có lúc Vlat cho tôi xem thư của nhà văn nhiều nước châu Phi mà Vlat đem theo để làm việc. Lắm khi nửa đêm Vlat dậy thức suốt sáng. Những năm về sau, Vlat yếu và mắc chứng ho. Nếu không nương nhờ được cô Lọ Lem thì khốn đốn. Nhưng Vlat vẫn là tay giỏi xoay. Marich bảo Vlat chơi bida rất nghề. ở câu lạc bộ, khoảng chín giờ tối trở ra, người ta đánh bida ăn tiền. Hôm nào Vlat cũng được bida. Vlat về bằng taxi. Buổi sáng dậy muộn, cô Lọ Lem đi làm rồi. Vlat ra vẫy xe cứu hoả. Gần phố ấy có nhà chứa xe cứu hoả. Vlat lên xe, đưa tiền. Xe cứu hoả bon bon hết cỡ, đến gần cơ quan, thả Vlat xuống. ít lâu sau, Vlat ốm bệnh rồi mất. Một lần kia, Ina đã đưa cụ Nguyễn Tuân, người bao giờ cũng chu đáo, đem hoa đến nghĩa trang viếng mộ Vlat. Hội nhà văn Liên Xô mời Nguyễn Tuân đi nghỉ. Nguyên Hồng cũng đi dự kỷ niệm về Puskin. Nhưng Nguyễn Tuân chỉ đến Matxcơva rồi ở lại đấy ngắm đầu mùa thu tuyết rơi.
Hôm tôi trở lại Matxcơva, Nguyễn Tuân và Nguyên Hồng đã trở về Hà Nội. Mà Nguyễn về trước cả thời gian được ở lại. Nguyễn Tuân chưa đến Yanta bao giờ, nhưng mà mỏi chân quá, cũng chẳng thiết nữa rồi.
Tôi bỗng nhớ cái buồng bỏ hoang của Vlat trong hẻm chân tường Kremli. Quyển sách nói về mèo, tôi vẫn giữ. ở Yanta hay khi đi vùng di tích Samakan ở Trung á, Vlat thấy tôi cứ nghe tiếng máy bay thì nhìn lên trời. Vlat hỏi: “ ở Việt Nam không có máy bay?” Tôi bảo: “Nhiều lắm, máy bay Mỹ. Tôi phải nhìn nó để liệu hướng chạy tránh bom”- Đây không phải máy bay Mỹ- Mà tôi thành thói quen chạy rồi.
Vlat bảo: “Việt Nam nhiều cái lạ, tôi phải sang Việt Nam một lần mới được. Mỗi bạn nuôi tôi một ngày rượu, có ở được tuần lễ không, anh tính xem". Vlat chưa đến Việt Nam lần nào. Vlat chẳng bao giờ đến Việt Nam được nữa.
Lại xuống Yanta, đi với Hêlena. Người không đậm, không nhạt chỉ phải cái hút thuốc lá thở khói như kéo bễ. Hêlena nói: “Bây giờ trên thế giới, đàn bà hút thuốc kỷ lục hơn đàn ông".
Các bạn ăn tiễn ở nhà hàng Bắc Kinh. Dẫu chỉ đi ít tuần, nhưng đến với biền khi nào tôi cũng trân trọng và háo hức như được đến với những mới mẻ, mặc dầu đã biết. Chỉ có một lần chối quá, bỏ đi ngay.
ấy là ở bờ biển Vacna nước Bun. Gặp nhà văn Ba Lan Giucôpxki- người đã đến mặt trận Điện Biên Phủ làm phóng viên, Giucôpxky bảo tôi:
- Tôi đưa anh đến nhà dưỡng lão, cũng ở Vacna này. Anh thích thì ở lại đấy cũng được.
Rồi lại nói:
- Quan sát những người già cởi truồng.
- Không sao!
Vùng bãi này có rào chắn cách với các khu khác.
Tôi trông thấy thật đông những đàn ông đàn bà nằm, ngồi và đi lại trên cát, mọi người đều lông lá trần truồng.
Toàn người có tuổi như chúng tôi, lễ mễ, lôm nhôm như cái xác. Tôi ngán như vừa ra cửa gặp mụ Digan mời chìa tay để xem tướng. ở La Havana, đến sàn nhảy Tropicana khiêu vũ cởi truồng, nhìn người nhảy như con ếch, chán ngắt, tôi chẳng đụng đậy mảy may.
Tôi quay ra, bảo Giucôpxky:
- Đi thôi.
- Không bằng lòng a?
- Xem làm gì những con trâu con bò về già. Tôi chưa muốn trông thấy tôi như thế, ông bạn ạ.
Uống cô nhắc, nhắm thịt cừu nướng. Bàn bên, hai gă Ba Lan và một cô Nga. Ngỡ thế, vì thấy chúng nó gọi bia Ba Lan. Chắc đoán tôi là người Nhật, họ chào lễ phép. Người Nhật đến đây thì đượ giá. Những cô chiêu đãi viên hàng không Nhật ở sân bay về khách sạn Ukraina nghỉ, đồng phục mũ và váy áo tím than, các cô yểu điệu xinh như mộng, ẩn chiếc xe va li nhỏ, ai đi qua cũng ngoái nhìn lại. Tôi ra dạo công viên khách sạn, một cô điếm Nga mặt nhợt nhạt gọi: “Giapan... Giapan... Ông già Nhật Bản rởm này vẫn im lặng đi.
Ba giờ sáng ra sân bay. Hêlena chỉ đi hai tuần rồi về trước để đi nghỉ biển ở Riga với chồng.
Lại xuống Ximphêrôpôn. Những mảnh nắng rải vàng dịu. Ga mới ra vẻ ga trời quốc tế không mộc mạc cái ga tỉnh lẻ mọi khi. Cây táo hoang, Vlat đã ra ngắt quả xanh ăn cho dã rượu đã bị chặt, cũng chết- cái cây không phải chết bệnh. Hồ nước mênh mang, không cạn như mọi khi. Ra đến Yanta giữa trưa, mặt biển còn sương mù bốc lên quanh núi Gấu. Bản thảo tiểu thuyết Đảo hoang của tôi, đem theo ra đây lần trước mà đoạn mở đầu tôi ngồi viết trên núi đá hang Phai Vệ giữa thị xã Lạng Sơn- cái hang tôi ngồi viết tránh bom máy bay, tôi tả hệt cái hang đá nhà An Tiêm bị tạm giam trước khi bị đầy ra đảo. Đến yanta, cỏ tích núi Gấu cung đã vào tiểu thuyết tôi thành nhân vật anh em Gấu ở đảo hoang với cả nhà An Tiêm. Lần này, tôi đi Luang Prabang về, đến Yanta cùng với bản thảo Họ Giàng ở Phìn Xa đương viết.
Trên đường, ngọn núi giống hình mặt người từ đời nào đã được đặt tên là mặt nàng Catêrin, tuyết phủ mờ mờ tảng trán. Các làng ven núi trồng táo và những luống dàn nho. Nhớ thế, nhớ Xín Vàng, Vằn Chải, Sùng Đô bao giờ các xóm núi ở ta có mái ngói, có nước máy thế này?
Mây mù mây tảng dâng từ mặt nước lên các vườn nho lan ra tận mép bãi. Hệt trên đường từ Bâyrút sang Đamát, những dây nho được chặt gốc, nho đợi nảy mầm ủ trong băng qua mùa đông.
Hoàng hôn thành phố biển. Máy bay phản lực gầm thét- những tiếng rống của công nghiệp và quân sự hiện đại. Bờ bên kia là nước Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ đặt những bệ phóng tên lửa vượt đại châu ở nước Thổ. Nhưng tiếng cuộc đời muôn thuở vẫn đây. Con chim gì thấp thoáng hót nho nhỏ trong lá. Cây bạch dương càng vàng lá thì thân cây càng trắng như bột. Từng đàn hải âu bay qua trên cột ống khói tàu vào đậu cảng Yanta. Tiếng trẻ đùa râm ran bên kia bờ tường. Trước mặt, sương xuống đậm hơn, những dãy đèn màu lên lóng lánh, như những cây Noen giữa không trung.
Một ngôi sao dưng dưng mọc bên trời nước Thổ. Vẫn như năm năm trước, mười năm trước, dinh thự nhà sáng tác hai tầng, trông ra biển, cơ ngoỉ này đã xây năm 1916. Nhà ăn vẫn hai món chí cốt trại lính: súp cải bắp và thịt băm viên. Cô nhà bàn như nhân vật tiểu thuyết Poil de Carotte, cái mũi vẫn đỏ hơi xẫm. Chỉ khác đã già úa và đẫy ra. Cô hỏi thăm Vlat. Không nói Vlat đã chết, tôi bảo: “Ông ấy có việc không đi được". Chẳng nên để ai bận lòng hơn.
ăn sáng xong tôi lên buồng sửa soạn những dòng đầu tiên một chương mới, trong khi Hêlena xuống bãi sớm. Tôi đương nhớ lại những làng người Mông mà mới tháng trước đi qua. ở Luang Prabang, người Mông sinh sống đông hơn người Lào. Tôi lại nghĩ loăng quăng về dân tộc Mông mà từ lâu tôi đã định viết trình bày với Quốc Hội về những hiểu biết và đề nghị của tôi.
Thế là lại ngồi vẩn vơ, tôi chưa gọi được hồn các làng xóm vùng cao ở Phìn Sa có họ Giàng, nhưng cứ đặt bút lấy đà.
Nửa đêm chập chờn như mới chập tối, tiếng hát dưới cửa sổ. Chắc là rượu hát.
Dọc đường biển, cây hoa ô môi nở hồng. ở bờ hồ Gươm cũng có một cây ô môi, rồi cây ô môi cổ thụ ấy bị đàn đi từ lúc nào. Có lẽ vì cái thân cây già lão còng rạp xuống mặt cỏ. Người ta không để ý cây ô môi hoa mùa hè, miền Nam nhiều, cả Hà Nội chỉ có vài ba cây. Thế mà tôi chiêm bao vẫn thấy Bờ Hồ có cây ô môi còng lưng.
Đường dốc lên, những gốc mận mọc hoang, quả chín vàng chín đỏ. Nẫu ra thì rụng, chẳng ai hai đến, như cây táo ở sân bay Ximphêrôpôn. Chặp tối- theo mẹo của Vlat dè xẻn tiêu tiền, xuống phố làm trước cốc 200 gam vôtka rồi lên phòng ăn. Cô Hêlena không uống, đi theo xem tôi uống. Quán rượu có cốc tay chanh, Hêlena lấy một cốc. Ông già làm rượu hỏi: Có đi với ông người Nga năm trước không? Hêlena dịch câu trả lời của tôi: “Ông ấy chết rồi". Ông già nói: “Tội nghiệp, ông ấy chết trẻ". Hêlena nói trêu: “Sang năm tôi cũng chết, cụ cũng chết, ông Việt Nam này giết được nhiều người lắm". Ông già nói: “Tôi chết là vừa phải, còn cô thì nên cố uống vài triệu cái cốctay nữa hẵng chết”. Rồi ông rót ba cốc vôtca không tính tiền. ông mời chúng tôi uống không chạm cốc. Chúng tôi uống tưởng niệm Vlat.
Cũng như ở mâm rượn với bạn, Vạn Lịch hay để ra cái bát, đôi đũa và châm nén hương, bảo để mời thằng Nguyễn Sáng. Phong tục nhớ người đã khuất, đâu cũng tương tự. Vạn Lịch ơi, bây giờ mày chết rồi thì ai mời mày. Nhưng phút tưởng niệm Vlat cũng chỉ giây lát, bỏi người uống rượu chay đã vào đông và những thùng loa nhạc trong phòng ăn và sàn nhảy trên kia đã oang oang hết cỡ. Thế giới bây giờ, tiếng nhạc đâu cung ầm ĩ rên la, chói tai.
Bãi tắm của du lịch Inturit riêng một góc, nhưng ở Yanta chưa có bãi tắm truồng như bên Vacna. Bãi đây nhiều sỏi thuỷ tinh nhân tạo ít cát, tôi xách một mảnh giường ván đi nằm đâu cũng được. Hêlena đã mua vé cho tôi cả tháng.
Hôm qua Hêlena ngâm nước nhiều, kêu chán nước, chỉ ngồi khoả chân, hút thuốc và lại trêu tôi: “Trái đất quay ngược, bây giờ chỉ có đàn bà hút thuốc". Chẳng khác trước hôm xuống đây, phải đi kiểm tra, tôi kêu tôi ít ngủ. Ông bác sĩ già nói: “Ông đừng lo. Ngày nay trái đất quay cũng khác, cả thế giới đều ngủ ít như ông". Tôi có nhận xét tưởng tượng người Nga vào thế kỷ này hay triết lý châm biếm chán chường.
Cô nhà bàn mũi đỏ mỗi bữa bưng cho tôi một đĩa hanh ngâm dấm, ngoài những món cố định đã có trong thực đơn. Cô ấy thật nhớ lâu, cả người và thức ăn.
Mới đến, cô đã bảo Hêlena: “Tôi đã biết ông khách này như người Mỹ không thích ăn cá, mỗi hôm ông đòi một đĩa hành, cá mới đắt, còn hành thì dễ quá.”
Hêlena đi trong mưa, không mang đồ tắm. Cô ấy lên rủ tôi ra mua vé máy bay cô về Matxcơva. Chóng thế đã hết hai tuần. Chúng tôi ở đại lý hàng không ra, xuống quán hầm rượu vang Rừng Crưm. Vẫn đông nghịt và những mẩu gỗ, những thùng gỗ làm ghế. ánh đèn mờ mờ trong những cây nến giả. Hêlena uống hai cốc. Cô ấy không thích rượu mạnh, nhưng vang thì uống tốt. Nhớ Vlat lạ lùng. Bố chết oan, em chết trận, mẹ chết già, Vlat thì chết một mình.
Hêlena đi rồi, tôi xuống bãi tắm đã quen. Cái may- ô, cái quần lửng với cái mũ quần rách- chả là ở đầu phố Hàng Gai có cụ chủ hiệu mũ Triphooca ngày trước, bây giờ cụ khâu mũ thuê. Đưa đến cụ cái quần kaki rách gối cụ may cho cái mũ vải. Cụ lấy công bằng chỗ vải thừa. Cứ cái mũ vải quần rách tôi tha thẩn dưới bãi lên phố, mua báo, bia, người ta tưởng một ông già Nhật đi du lịch. Tôi cũng cố đóng vai lão Nhật, lặng im như hôm gặp cô gái điếm ở vườn khách sạn Ukraina.
Vào quán, ai nâng cốc, tôi cũng nói được “cạn chén” tiếng Tàu can pây, “can cây” tiếng Nhật giả cày.
Tôi yêu Yanta đêm nhiều hơn, không phải vì hay thức đêm viết. Mà đêm Yanta nghe sóng rồi xuống giỡn được với sóng ngay dưới kia. Ban đêm nghe tiếng sóng nhởn nhơ dễ tưởng như hồi còn thơ dại. Khuya trong nhà lều người Mông Cổ ở cánh đồng Đakhan, gió hú trên ống khói bếp nhớ thuở bé bẻ cong chiếu làm tùm hum chui vào bóng tối, hai tai dỏng lên. Đêm ở làng chài Nghi Sơn, Biện Sơn bờ biển Quảng Xương, tiếng sóng bủa quanh mình chỉ nghe thế thôi, không dám thò chân ra. Những con rắn hổ lửa hay quăng mình đi ăn đêm. Tiếng đêm thăm thẳm, con cú rúc từng hồi trên búi tre lép nhà ông Ngải ở xóm Đồng. Đêm Yanta, tiếng sóng và sáng điện hiền lành, bình yên, tôi lững thững đi bên mép nước... Nửa đêm đã thưa tiếng xe, bấy giờ mới nghe thấy rảm ran tiếng dế kêu.
Gió thổi vào những cành liễu trước cửa sổ. Gió thu xào xạc rụng lá khác gió vờn trong cây mùa hạ. Có cô Galina ở Matxcơva xuống thay Hêlena. Đi tắm, bà già giữ cửa hỏi giấy tôi. Vừa hay, Galina tới. Cũng chạc Hêlena, nhưng Galina gầy, võ vàng. ở bãi lên mua chai vang uống mừng Galina. Galina không phải cây thuốc lá, mà là một cái ông rượu không đáy. Galina kể trên Matxcơva đã lạnh, nửa đêm tuyết rơi.
Tôi hẹn với nhà văn Tiệp Khắc Givi Vôrisêch và cô phiên dịch của ông ngày mai đến quán thịt nướng Lơnôi hồ Kavagon giữa rừng, năm trước tôi và Vlat đã đến đấy vớt vợ chồng Simônôp. Ngồi ăn giữa những khẩu súng săn treo trên vách, như kiểu những người thợ săn vừa ở rừng ra. Lá bạch dương vào thu đã vàng choé. Những bụi hoa lila nở chậm khác lila ở Bucaret bên hồ Hêrêch trên gió thổi bay hoa “tuyết mùa hè”, nở tím bạt ngàn từ tháng năm. Mưa tầm tã, nhưng người đi tắm đi chơi không biết mưa.
Ba giờ sáng trở dậy. Trăng vằng vặc trước cửa sổ. Còn hai chương nữa thì xong Họ Giàng ở Phìn Sa. Làm sao cho những chương cuối nổi lên được vấn đề người Mỹ mà cụ thể là bọn biệt kích Cia mũ nồi xanh mạo hiểm đến vùng dân tộc Mông hoang sơ. Họ nhảy dù xuống, lấy tư cách người văn minh đem đến những cái hiện đại: tàu bay, súng đạn, quần áo, mũ, rượu và đòi ngủ với đàn bà. Người ta thất kinh. Và đến khi chúng nó ở lâu, thì con người với con người chỉ còn có căm thù.
Bà nhà văn Đức Indơ Richte và ông Tiệp sang chơi. Bà 81 tuổi. Chỉ bánh mì đen mà bà ngoạm khoẻ như thần trùng. Bà kể đêm qua nhà văn Tiệp đi chơi ba giờ đêm mới về. Ông trèo cửa sổ buồng cô Tania phiên dịch. Tôi hỏi ông Tiệp: ông vào ngủ với Tania?
ông Tiệp nói:
- Tôi đi chơi với nhà văn Ukraina mới tới. Tôi chỉ trèo nhờ tường buồng cô Tania, tôi về buồng tôi.
ông ấy cười. Tôi khoe đã viết xong chương cuối tiểu thuyết. Ông hỏi:
- Ông viết chữ Trung Quốc?
- Không, chữ Việt Nam
- Tôi thấy các nhà văn Nhật viết chữ Trung Quốc.
- Không, chữ Nhật đấy.
Tôi mở tập bản thảo. Hai nhà vãn Indơ và Giri cùng nhìn và reo lên:
- ơ, chữ Việt Nam cũng giống chữ Tiệp, chữ Đức
- Chữ nước tôi đã latinh hoá từ lâu.
- Tôi sai lầm quá, cứ tưởng chứ Trung Quốc cũng là chữ Nhật, chữ Việt Nam.
Rồi ông nói to:
- Viết xong chương cuối một tác phẩm tôi phải ngủ với một người đàn bà để tự thưởng. Anh thế nào?
- Bà hàng xóm tôi 81 tuổi.
- Hêlena thì chưa già, được lắm.
- Hêlena về Moscou rồi, Galina vừa mới tới.
- Cô nào cũng thế. Galina đẹp đấy, uống mừng một cốc nào.
Chúng tôi uống cô nhắc với mận ngắt ngoài vườn, mận còn chát phải chấm muối. Các nhà văn nước Tiệp, nước Ukraina, nước Đức đều chúa rượu cả.