Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Tưởng Giới Thạch, những bí mật về cuộc đời và gia thế

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 54755 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tưởng Giới Thạch, những bí mật về cuộc đời và gia thế
nhiều tác giả

Phần 4 - Chương 2

Cuộc chiến tranh giải phóng đúng là đã vượt quá xa dự liệu của Tưởng Giới Thạch. Tháng 6 năm 1946, Tưởng Giới Thạch đã từng khoác lác một tấc đến trời: Trong vòng năm tháng sẽ đánh bại quân đội Trung cộng. Viên tướng yêu của Tưởng là Trần Thành nói:- Không cần đến năm tháng, chỉ ba tháng là đủ ! Tức thì đầu tiên chúng đã tập trung điều động trọng binh bao vây tấn công Lý Tiên Niệm ở Trung Nguyên. Ai ngờ sau hai năm, quân đội mà Tưởng Giới Thạch chỉ huy đã từ 4 triệu 30 vạn quân xuống còn 3 triệu 65 vạn, hơn thế đại bộ phận quân chính quy đã bị Quân giải phóng nhân dân lần lượt kiềm chế ở trên chiến trường Đông Bắc, Hoa Bắc, Tây Bắc, Trung Nguyên, Hoa Đông. Những binh lực có thể tiến hành cơ động chiến lược chỉ còn lác đác một vài, rất nhiều đơn vị được xây dựng ghép lại sau khi bị Quân giải phóng tiêu diệt còn sống sót, ý chí không cao, sức chiến đấu không mạnh. Để có thể xoay chuyển được cục diện bất lợi này, Tưởng Giới Thạch buộc phải thi hành một số biện pháp mới trên mặt quân sự, trong đó bao gồm việc triệt tiêu hành dinh ở Đông Bắc, mở rộng chức quyền cho Vệ Lập Hoàng Tổng tư lệnh Tiễu Phỉ ở Đông Bắc, cải tổ Bộ thống soái, thay đổi Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng. Tưởng Giới Thạch còn muốn bỏ Trường Xuân, Thẩm Dương, khơi thông tuyến Bắc Ninh, đưa bộ đội Đông Bắc rút về Cẩm Châu, lựa thời cơ chuyển sang dùng ở chiến trường Hoa Bắc, Hoa Trung. Thế nhưng Tưởng Giới Thạch đã do dự trù trừ, nước cờ chưa định, trong đó có hai điều phải suy nghĩ. Một là suy nghĩ tới giả sử quân đội ở Đông Bắc phải rút về Nam, thì có khả năng sẽ dao động quân tâm, trên mặt chính trị sẽ dẫn tới ảnh hưởng xấu. Hai là địa phương Đông Bắc này rất quan trọng. Công nghiệp ở Đông Bắc phát đạt, nguồn vật tư phong phú, giao thông tiện lợi, phía nam kề liền với Ký Nhiệt Liêu, Tấn Sát Ký và Sơn Đông; ba mặt Đông, Tây, Bắc tiếp giáp với đất Triều Tiên, Mông Cổ và Liên Xô, Tưởng Giới Thạch không thể rời bỏ được miếng thịt béo nục này. Từ mồng 3 đến mồng 6 tháng 8 năm 1948, Tưởng Giới Thạch đã triệu tập Hội nghị kiểm thảo quân sự ở Nam Kinh quyết định đem trọng điểm tác chiến đặt ở khu vực phía nam Hoàng Hà, phía bắc Trường Giang; Triệt để tập trung binh lực, xác định bảo vệ Liêu Đông, Nhiệt Hà ở khu vực Đông Bắc, để tiện việc kiềm chế Quân giải phóng nhân dân ở Đông Bắc và Hoa Bắc; đem khu vực Đông Bắc và Hoa Bắc hợp nhất thành một chiến khu, Mỗi nơi đặt một Thống soái để tiết chế nó. Lúc này, ở Đông Bắc Quốc dân đảng còn có 55 vạn quân. Ai ngờ sau 100 ngày, quân Tưởng ở Đông Bắc ngoài hơn một vạn tên từ Doanh Khẩu ngồi thuyền chạy trốn ra, số còn lại toàn bộ đều bị Giải phóng quân tiêu diệt hết. Trong 100 ngày này, Tưởng Giới Thạch ba lần qua lại Thẩm Dương, đích thân ra tiền tuyến chỉ huy, cũng chẳng có cách gì thay đổi đựơc kết quả toàn vùng biên giới Đông Bắc được giải phóng. Mao Trạch Đông từng nói với Nhiếp Vinh Trăn rằng: Tưởng Giới Thạch bay tới đâu thì quân đội Quốc dân đảng bị thua trận ở đó. Vậy thì chỉ trong vòng nửa tháng ngắn ngủi, điều bí mật giữa ba lần qua lại Thẩm Dương với việc bại trận của quân đội Quốc dân đảng ở Đông Bắc có quan hệ gì?
   Đầu năm 1948, khi Vệ Lập Hoàng tới Đông Bắc nhậm chức Tổng Tư Lệnh Tiễu phỉ, số lượng Quân giải phóng nhân dân ở trên chiến trường Đông Bắc đã vượt quá quân Tưởng. Hơn 50 vạn quân Tưởng đã bị Giải phóng quân nhân dân chia cắt ở Trường Xuân, Thẩm Dương, Cẩm Châu, ba khu không nối liền được nhau. Trong tháng 8, sau khi triệu tập Hội nghị kiểm thảo quân sự ở Nam Kinh, Vệ Lập Hoàng bắt Phó tổng tư lệnh Trịnh Động Quốc chỉ huy 10 vạn quân phòng giữ Trường Xuân, kiềm chế bộ phận chủ lực của quân dã chiến Đông Bắc; bắt phó tổng tư lệnh Phạm Hán Kiệt chỉ huy 15 vạn quân phòng giữ tuyến đường từ Huyện Nghĩa tới Sơn Hải Quan, đặc biệt phải giữ chắc các nơi quan trọng như Cẩm Châu, Cẩm Tây v.v.. đảm bảo chắc chắn sự liên hệ đường sắt, đường biển ở trong và ngoài Quan; Bản thân Vệ chỉ huy 30 vạn quân phòng thủ Thẩm Dương và khu vực Bản Khê, Phủ Thuận Thiết Lĩnh, Tân Dân; để bảo đảm chắc chắn Thẩm Dương, khi cần thiết sẽ chi viện cho Trường Xuân ở mặt Bắc và Cẩm Châu ở mặt Nam.
   Ngày 12 tháng 5 dã chiến quân Đông Bắc do Lâm Bưu chỉ huy đã phát động chiến dịch Liêu Thẩm, trước hết phát khởi cuộc công kích mãnh liệt vào ba nơi là Nghĩa Huyện, Cẩm Châu và Cẩm Tây. Tiếng đại bác vừa nổ, Phạm Hán Kiệt đã hoảng sợ. Hắn tự biết khó có thể chống đỡ được sự công kích mãnh liệt của Giải phóng quân nhân dân, vội vã cầu viện Tưởng Giới Thạch. Tưởng Giới Thạch cảm thấy vấn đề nghiêm trọng, đã nghiêm khắc ra lệnh cho Vệ Lập Hoàng ở Thẩm Dương cử binh tăng viện Cẩm Châu, hơn thế còn cử Tham mưu trưởng Cố Chúc Đồng tới Thẩm Dương để đốc chiến. Thế nhưng, Vệ Lập Hoàng không muốn làm như vậy. Sau nhiều lần thúc giục của Cố Chúc Đồng hắn mới miễn cưỡng đồng ý cho quân đoàn 49 của Thẩm Dương vận chuyển bằng đường không tới Cẩm Châu. Vừa mới vận chuyển được hai trung đoàn, Vệ Lập Hoàng lại lấy cớ là sân bay Cẩm Châu bị pháo hỏa của Quân giải phóng phong tỏa, đã đình chỉ chi viện Cẩm Châu. Tưởng Giới Thạch bực tức quá liền từ Nam Kinh bay tới Bắc Bình, rồi ngày mồng 2 tháng 10 từ Bắc Bình bay tới Thẩm Dương, đích thân điều động binh lính. Đây là lần thứ nhất Tưởng Giới Thạch đích thân tới Thẩm Dương trong thời kỳ chiến dịch ở Liêu Thẩm. Tại sao Vệ Lập Hoàng không chịu chấp hành kế hoạch viện binh của Tưởng Giới Thạch? Nói ra thì ngay cả Tưởng Giới Thạch cũng cảm thấy rất đau lòng. Mấy chục vạn quân Quốc dân đảng ở Đông Bắc vốn là do Chủ nhiệm hành dinh Hùng Thức Huy và sĩ quan Tư lệnh trưởng Bảo An Đỗ Duật Minh chỉ huy. Tháng 8 năm 1947, Tưởng Giới Thạch để cho tâm phúc của mình là Trần Thành tới Đông Bắc tiếp quản thay thế Hùng Thức Huy. Quyết định này của Tưởng Giới Thạch đã dẫn tới rất nhiều điều chê trách. Thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh giải phóng, Trần Thành là Tổng tham mưu trưởng đầu nhiệm của Bộ quốc phòng, quản lý bốn Tổng tư lệnh Lục, Hải, Không quân và Liên lạc hậu cần. Lúc đó Trần Thành nghênh ngang ngạo ngược coi trời bằng vung, xem thường tất thẩy. Để phụ họa với ý đồ chống Cộng của Tưởng Giới Thạch, Trần Thành đã tuyên bố:Hiện tại tổ chức của Bộ quốc phòng đã được kiện toàn, các trang bị vũ khí của quân đội đã tinh xảo hoàn mỹ, chỉ cần nước Mỹ giúp đỡ, viện trợ quân đội được tiếp tế đầy đủ, thời gian từ nửa năm đến một năm, việc tiêu diệt cộng quân là điều chắc chắn ![1] Ai ngờ sau khi Trần Thành nhậm chức, quân đội Quốc dân đảng liên tục thất lợi trên mặt quân sự, dẫn tới sự bất mãn của rất nhiều tướng lĩnh cao cấp như Cố Chúc Đồng, Hùng Thức Huy, Đỗ Duật Minh, Thang Ân Bá v.v..Tưởng Giới Thạch cũng muốn đem trách nhiệm thất bại của cuộc chiến tranh đổ lên đầu Trần Thành, liền để cho Trần Thành tới Đông Bắc để lập công. Lúc đó, chiến trường Đông Bắc đang bị thế tấn công mùa hạ của Quân giải phóng. Trong thế tấn công lần này, 8 vạn quân Quốc dân đảng đã bị tiêu diệt, 42 thành phố bị mất, cục thế vùng Đông Bắc càng thêm nghiêm trọng. Lập tức trong nội bộ Quốc dân đảng có người nói, Trần Thành đã bại trận ở trong Quan ra ngoài Quan liệu có đánh thắng được không ? Hùng Thức Huy cũng đích thân cầm bút viết thư tới bẩy lần cho Tưởng Giới Thạch, yêu cầu được từ chức, Hùng đã nhìn thấy chức vụ Chủ nhiệm hành dinh Đông Bắc này sớm hay muộn sẽ phải để cho Trần Thành. Sau khi Trần Thành tới Đông Bắc lớn tiếng hò hét Tiêu diệt Cộng phỉ, xây dựng vùng Đông Bắc mới theo Tam dân chủ nghĩa. Trần Thành lấy danh nghĩa: chỉnh đốn nội bộ, an ủi dân chúng, bồi dưỡng sức chiến đấu, chỉnh đốn biên chế quân đội, thay đổi hàng loạt các quan chức quân chính quan trọng, hòng đánh thắng vài trận ở Đông Bắc để tiếng tăm được vang vọng, để cứu vãn tín nhiệm trước mặt Tưởng Giới Thạch. Nào ngờ hùng tâm của Trần Thành chưa được báo đáp, Quân giải phóng nhân dân do Lâm Bưu, La Vinh Hoàn chỉ huy đã phát động cuộc tiến công mùa thu, tiêu diệt hơn bẩy vạn quân của Trần Thành, giải phóng các vùng đất quan trọng chiến lược như Hải Thành, Triều Dương, Phụ Tân v.v..Không để cho Trần Thành tỉnh táo trở lại, quân đội Quốc dân đảng lại bị cuộc tiến công mùa Đông của Quân giải phóng tiêu diệt mất vài vạn tên, bị mất 18 thành phố, ở Đông Bắc chỉ còn lại vài cứ điểm cô lập như Trường Xuân, Thẩm Dương, Cẩm Châu v.v..Trần Thành hoảng hốt lo sợ gào thét thất thanh sức cùng lực kiệt nói với cán bộ thuộc: Ta quyết tâm cùng sống chết với Thẩm Dương. Nếu Thẩm Dương thất thủ, ta nhất định sẽ tự sát tuẫn chức ! Trong khi đó Trần Thành lại bí mật đánh điện cấp báo với Tưởng Giới Thạch, lại bắt vợ là Đàn Tường cầu van Tống Mỹ Linh kể lể trình bày bệnh loét dạ dày của Trần Thành lại tái phát, rất cần được chữa chạy, thỉnh cầu Tống Mỹ Linh nói với Tưởng Giới Thạch điều Trần Thành về Nam Kinh. Tưởng Giới Thạch không chịu đựng nổi sự quấy rầy của Tống Mỹ Linh, quyết định điều Vệ Lập Hoàng tới Đông Bắc. Nhưng, Vệ Lập Hoàng không bằng lòng tới Đông Bắc. Vệ Lập Hoàng từ một vệ binh của Tôn Trung Sơn tiên sinh phấn đấu thành một trong Năm hổ tướng của Quốc dân đảng, trong cuộc chiến tranh chống Nhật đảm nhận chức Tư lệnh quân viễn chinh Trung Quốc, đã từng được tư lệnh tối cao ở Hoa Bắc của quân Nhật là Kajukiyoji coi là Hổ tướng của Trung Quốc. Tổng tư lệnh Chu Đức đã ca tụng Vệ Lập Hoàng là Người anh hùng dân tộc đã lập công lớn trong chiến dịch Hán Khẩu. Thế nhưng do vì Vệ Lập Hoàng là Con bài tạp nham trong hệ đích tôn, đã mấy lần bị Tưởng Giới Thạch bãi quan. Khi cuộc chiến đấu kết thúc, do vì không mãn ý đối với chức vụ mà Tưởng Giới Thạch sắp xếp, Vệ Lập Hoàng liền dẫn vợ và người thư ký tới một số nước như Nhật Bản, Mỹ, Anh, Pháp, Tây Đức v.v.. để khảo sát quân sự. Tháng 10 năm 1947 vừa về nước, Tưởng Giới Thạch đã bắt Vệ tới Đông Bắc. Vệ Lập Hoàng nói:
- Chẳng phải là Trần Thành đang ở Đông Bắc sao ?
Tưởng Giới Thạch nói:
- Nếu hắn có thể gánh vác nổi thì tôi không phải nhờ vả tới ông.
Ngày hôm sau, Tưởng Giới Thạch lại gọi Trương Quần, Cố Chúc Đồng v.v..tới khuyên giải, vợ của Trần Thành cũng mặt dày mày dạn chạy tới nhà Vệ Lập Hoàng kể lể khóc lóc nói:
- Bọn cộng phỉ ở Đông Bắc đánh ác liệt, trời băng đất tuyết cứ phải trùm chăn rúc ở khắp nơi. Ban đêm rút về hậu phương bệnh cũ tái phát không có thuốc thang chữa trị. Chỉ có Vệ tiên sinh mới có cách thôi. Xin mời Vệ tiên sinh sớm tới Thẩm Dương cho ! [2]
Do ba lần bẩy lượt thúc giục của Tưởng Giới Thạch, ngày 20-1-1948 Vệ Lập Hoàng bay tới Thẩm Dương, ngay lập tức thu thập bộ đội, cố thủ các điểm quan trọng để ổn định cụ thể. Vệ Lập Hoàng cho rằng: Chiến thuật của Quân giải phóng là bao vây thành phố đánh quân cứu viện, chúng ta không thể chui vào thòng lọng của Giải phóng quân tiến đánh các thành phố Tân Thuần, Bàn Sơn, Liêu Dương, Pháp Khố, Yên Sơn v.v... Tưởng Giới Thạch lại một lần nữa thúc giục Vệ Lập Hoàng cử binh tới giải vây cho quân cố thủ ở các nơi, Vệ đều không để ý tới. Sau khi chiến dịch Liêu Thẩm nổ ra, Vệ Lập Hoàng cảm thấy quân đội Quốc dân đảng ở Đông Bắc có nguy cơ bị tiêu diệt, đã kiến nghị với Tưởng Giới Thạch cử mấy đạo quân từ Quan nội tới Cẩm Châu, mở thông đường với Cẩm Thẩm, tập hợp bộ đội các sư đoàn ở Thẩm Dương, rồi cùng tiến lên Bắc, kéo quân đội đang bị bao vây ở Trường Xuân ra. Thế nhưng Tưởng Giới Thạch không đồng ý, kiên trì bắt Vệ Lập Hoàng chỉ huy quân đội Thẩm Dương ra khỏi Liêu Tây. Thậm chí Cố Chúc Đồng còn uy hiếp nói:
- Đây là mệnh lệnh của Tổng thống, không thể chống lại được!
Vệ Lập Hoàng cười nhạt một tiếng, nói:
- Quân đội Thẩm Dương đơn độc rút khỏi Liêu Tây, nhất định sẽ bị tiêu diết toàn quân. Nếu không tin, hai chúng ta sẽ cá cược, vạch chữ thập.
Vệ còn cứng cổ mời Tưởng Giới Thạch từ Nam Kinh tới Thẩm Dương.Tưởng Giới Thạch cảm thấy, nếu Vệ Lập Hoàng có thể kịp thời điều binh cứu viện Cẩm Châu, tăng cường binh lực cho Liêu Tây, Quân giải phóng nhân dân sẽ khó có thể đánh chiếm Cẩm Châu. Thế nhưng lúc này Tưởng Giới Thạch đã cảm thấy không chỉ huy nổi Vệ Lập Hoàng nữa rồi. Sau khi Tưởng Giới Thạch tới Thẩm Dương, lập tức đôn đốc triệu tập Vệ Lập Hoàng tới, thế nhưng Vệ Lập Hoàng vẫn kiên trì không chịu cử viện binh. Tưởng Giới Thạch vô cùng bực tức, Tưởng đã triệu tập các nhân viên từ Sư trưởng trở lên để huấn thị, quát chửi các tướng lĩnh cao cấp của Đông Bắc không muốn đánh trận, tiêu cực bị động. Tưởng Giới Thạch còn nói:
- Lần này ta tới Thẩm Dương là để cứu các anh ra khỏi đây. Trước đây các anh muốn tìm chủ lực của cộng phỉ cũng không tìm thấy. Bây giờ Cộng phỉ ở Đông Bắc đã tập trung ở hành lang Liêu Tây. Đây chính là cơ hội để các anh lập công vì quốc Đảng... Vạn nhất lần này các anh không thể đánh ra được, thế thì, kiếp sau xin chào! [3]
Tưởng Giới Thạch huấn thị xong, liền một mình tiếp kiến Liêu Diệu Tương, bắt tư lệnh binh đoàn 9 Liêu Diệu Tương trực tiếp nghe sự chỉ huy của Tưởng. Thời gian biểu của cuộc chiến tranh không dừng lại. Trong lúc Tưởng Giới Thạch với Vệ Lập Hoàng cãi cọ ầm ỹ với nhau thì tiếng pháo bao vây tiến đánh Cẩm Châu của Quân giải phóng nhân dân càng ngày càng kịch liệt, Phạm Hán Kiệt không chịu đựng nổi liên tiếp kêu cứu với Tưởng Giới Thạch. Lập tức, Tưởng Giới Thạch lại mời Phó Tác Nghĩa của Hoa Bắc ra. Kế hoạch tác chiến mà ba người Tưởng, Vệ, Phó bàn định là: Phạm Hán Kiệt tiếp tục cố thủ Cẩm Châu để lôi kéo và tiêu hao chủ lực quân dã chiến Đông Bắc.Tiểu tổng Hoa Bắc điều động rút ra 11 sư đoàn, tổ chức thành Binh Đoàn Đông tiến do sĩ quan tư lệnh binh đoàn 17 Hầu Kinh Như chỉ huy, tăng viện cho Cẩm Châu; Từ khu vực Thẩm Dương điều động rút ra 11 sư đoàn thêm 3 lữ đoàn kỵ binh, tổ chức thành Binh đoàn Tây tiến do sĩ quan tư lệnh binh đoàn 9 Liêu Diệu Tương chỉ huy, tiến đánh theo hướng Chương Vũ, Tân Lập Đồn, Nghĩa huyện; Trịnh Động Quốc ở Trường Xuân tìm cơ hội đột phá vòng vây theo hướng Thẩm Dương. Thế nhưng, phương án chiết trung mà Tưởng Giới Thạch với Vệ Lập Hoàng thỏa hiệp với nhau đã không thể giải vây được cho Cẩm Châu, cũng không thể cứu vãn được vận mệnh toàn quân bị tiêu diệt của Phạm Hán Kiệt. Quân giải phóng nhân dân kiên quyết ngăn cản tiến đánh Binh đoàn Đông tiến và Binh đoàn Tây Tiến đúng 18 giờ ngày 15 tháng 10 đã đánh chiếm Cẩm Châu thuận lợi, Phạm Hán Kiệt và Tư lệnh binh đoàn 6 Lô Tuấn Tuyền cùng với khoảng 9 vạn quân bị bắt sống. Cẩm Châu là yếu điểm chiến lược nối tiếp giữa Quan nội và Quan ngoại, trên vấn đề chi viện Cẩm Châu, ý kiến của Tưởng Giới Thạch với các tướng lĩnh cao cấp như Vệ Lập Hoàng v.v.. có sự chia rẽ lớn như vậy, làm sao có thể đánh thắng được? Chẳng trách Vệ Lập Hoàng đã nói:
- Sự chỉ huy của Tưởng Giới Thạch đối với Đông Bắc, trên mặt binh pháp đã phạm phải ba điều đại kỵ. Binh pháp nói chớ có ỷ vào binh khí tối tân mà khinh địch, chớ có lấy ý kiến độc đoán mà chống lại số đồng, chớ có lấy biện thuyết mà cho là tất nhiên. Ba điều cấm này Tưởng tiên sinh đều phạm phải cả.
Khi Quân giải phóng nhân dân tấn công mãnh liệt vào Cẩm Châu, Tưởng Giới Thạch đang ở Nam Kinh. Nhìn thấy chiến báo của Tiền tuyến Cẩm Châu, Tưởng Giới Thạch lo sợ cuống cuồng như kiến bò trên nồi nóng. Giả sử mấy chục vạn quân ở Đông bắc thực sự bị Giải phóng quân nuốt sống, Hoa Bắc và Trung Nguyên cũng khó lòng ổn định được. Lập tức,Tưởng Giới Thạch quyết định đem phó tổng tư lênh Tiễu Tổng Từ Châu Đố Duật Minh lại một lần nữa vội tới Bắc Bình. Ngày 15 tháng 10, Tưởng Giới Thạch từ Bắc Bình bay tới Thẩm Dương. Đây là lần thứ hai Tưởng Giới Thạch đích thân tới Thẩm Dương trong thời kỳ chiến dịch ở Liêu Thẩm. Lần này Tưởng Giới Thạch tới Thẩm Dương chủ yếu muốn làm hai việc. Một việc là ra lệnh cho Vệ Lập Hoàng phản công Cẩm Châu. Còn một việc nữa là hạ lệnh cho bọn địch giữ Trường Xuân đột phá vòng vây cho Thẩm Dương. Thế nhưng cả hai việc này đều biến thành số không. Lợi dụng binh lực bao vây Thẩm Dương phản công về phía Cẩm Châu, Vệ Lập Hoàng không bằng lòng làm vật hy sinh vô tích sự. Đối với Vệ mà nói, phản công cũng tốt, không phản công cũng hay, Cẩm Châu sớm muộn cũng sẽ bị mất. Tưởng Giới Thạch cãi nhau một trận với Vệ Lập Hoàng, mọi việc đều vô cùng khó xử, đành phải gọi Đỗ Duật Minh tới trước mặt nói:
- Ta đã viết cho Phạm Hán Kiệt một bức thư, bảo hắn có thể giữ được thì giữ, không thể giữ được thì lùi về giữ Cẩm Tây. Ngươi hãy nghĩ cách thả dù bức thư này xuống cho hắn!
Kỳ thực, khi Tưởng Giới Thạch muốn đi thả dù bức thư này, Phạm Hán Kiệt đã không thể phá vây nữa. ở xung quanh thành Cẩm Châu, ánh lửa ngút trời, tiếng đạn đại bác liên tục không ngớt, Quân giải phóng nhân dân đã không ngừng thu hẹp vòng vây. Mặc dù máy bay của quân Tưởng bắn đạn khói ở trên bầu trời Cẩm Châu để làm tín hiệu, nhiều lần biểu lộ cho quân Tưởng phá vây về hướng nam, thế nhưng Phạm Hán Kiệt đã không biết được bộ đội của mình ở đâu nữa. Hơn 4 giờ chiều, Phạm Hán Kiệt vô cùng thất vọng đã lủi trốn trên con đường nhỏ vùng núi giữa Tháp Sơn và Trần Gia Đồn, rồi đã bị quân đội mai phục của Giải phóng quân bắt sống trên đoạn đường quốc lộ ở gần cửa biển phía Tây. Tưởng Giới Thạch ở Thẩm Dương, mắt nhìn thấy Cẩm Châu bị Giải phóng quân chiếm mất, hận Phạm Hán Kiệt không chịu cố gắng vươn lên, lại càng hận Vệ Lập Hoàng không chịu phối hợp. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng để Tưởng quyết tâm cho Đỗ Duật Minh đổi sang nhận chức phó Tổng tư lệnh Tiếu Phỉ vùng Đông Bắc. Bức thư viết tay mà Tưởng Giới Thạch thả dù xuống cho Trịnh Động Quốc, khẩu khí càng nghiêm khắc, thậm chí còn uy hiếp nói: Nếu hắn không nhanh chóng phá vây, Thẩm Dương cũng không thể chờ được. Nào ngờ tình hình của Trường Xuân càng khiến cho Tưởng Giới Thạch đau lòng. Từ khi mấy chục vạn Quân giải phóng nhân dân do Tiêu Kình Quang, Tiêu Hoa chỉ huy vây khốn Trường Xuân đến nay, trên mặt đất chu vi 50 dặm ngoài Trường Xuân, ngang dọc xen kẽ trên tuyến phong tỏa đã hình thành một khu phong tỏa dày đặc, xây dựng lên một đường Thành ở ngoài thành vững chắc không gì lay chuyển nổi, vây khốn tới mức sĩ quan và binh lính Tưởng trong thành phố Trường Xuân đến cơm cũng không được ăn no. Lương thực khan hiếm, giá lương thực tăng vọt, một chiếc nhẫn vàng chỉ có thể đổi được một chiếc bánh bao. Quân đoàn trưởng quân đoàn 60 Quốc dân đảng Tăng Trạch Sinh đã suy nghĩ kỹ càng, quyết định dẫn quân làm phản. Quân giải phóng nhân dân không tốn một viên đạn mà đã nhanh chóng không chế được Thành Trường Xuân Đông. Không lâu, các binh lính quân đoàn 7 mới của Quốc dân đảng đã hăng hái ra đầu hàng quy phục, bộ đội còn lại của Trịnh Đông Quốc cũng hạ vũ khí. Trường Xuân được giải phóng một cách hòa bình. Tưởng Giới Thạch tới Thẩm Dương lần này, đã vứt bỏ Vệ Lập Hoàng sang một bên, hòng dùng phương thức thả dù lá thư tay để cứu vãn cục diện thất bại trên chiến trường Đông Bắc. Nào ngờ Cẩm Châu đã không cứu được, Trường Xuân lại đã biếu cho Quân giải phóng, từng viên chiến tướng như Phạm Hán Kiệt, Trịnh Động Quốc v.v...đều bị Quân giải phóng bắt giữ, ba tỉnh Đông Bắc to lớn như vậy, chỉ còn lại một thành Thẩm Dương trư trọi. Tưởng không thể không nghĩ tới việc triệt thoái mấy chục vạn quân đội của Thẩm Dương. Kết quả này sao lại không làm cho Tưởng Giới Thạch đau đớn được ? Sự chỉ huy mù quáng theo kiểu không chiếu cố tới tình hình chiến trường, chỉ dựa vào ước đoán chủ quan của Tưởng Giới Thạch làm sao lại không thất bại được ? Buổi tối hôm bị mất Cẩm Châu, Tưởng Giới Thạch từ Thẩm Dương bay tới Cẩm Tây, lại ngồi xe tới đảo Hồ Lô trao đổi ngay trước mặt với Hầu Kính Như, yêu cầu Hầu chỉ huy bộ đội thu phục lại Cẩm Châu, ngay hôm đó lại vội vàng hấp tấp bay về Bắc Bình. Thế nhưng Tưởng Giới Thạch vẫn không sao bỏ được cứ điểm quan trọng Cẩm Châu này lại liên tiếp cử máy bay đem Thủ dụ tới cho Vệ Lập Hoàng. Lúc thì Thủ dụ cho Vệ Lập Hoàng tìm cách viện trợ cho Trịnh Động Quốc phá vòng vây ra, lúc lại thủ dụ: Căn cứ vào báo cáo của trinh sát không quân, một số lượng lớn Cộng phỉ lủi trốn ở Cẩm Châu đang triệt thoái về hướng Bắc Phiến, Phụ Tân. Nay ra lệnh cho binh đoàn Liêu Diệu Tương phải nhanh chóng tiến đánh Hắc Sơn, Đại hổ Sơn, Cẩm Châu! [4]
Thế nhưng, bất kể Tưởng Giới Thạch Dụ như thế nào, Vệ Lập Hoàng vẫn kiên quyết không đồng ý Liêu Diệu Tương đem quân đội tiếp tục tiến về phía Cẩm Châu. Tưởng Giới Thạch không thể không kéo Đỗ Duật Minh bay tới Thẩm Dương vào buổi sáng ngày 18 tháng 10. Đây là lần thứ ba Tưởng Giới Thạch đích thân tới Thẩm Dương trong thời gian chiến dịch ở Liêu Thẩm. Buổi sáng hôm ấy, Tưởng Giới Thạch triệu tập một cuộc họp bao gồm Vệ Lập Hoàng, Đỗ Duật Minh. Triệu Gia Tương, La Trạch Khải v.v..Tưởng Giới Thạch phán đoán, khi Giải phóng quân nhân dân đánh Cẩm Châu thương vong rất lớn, đòi hỏi phải nghỉ ngơi chỉnh đốn hơn một tháng mới có thể lại đánh nhau được. Cộng quân ở trong thành Cẩm Châu đã triệt thoái, quân đội ở Đông Bắc nên bỏ Thẩm Dương,thu phục lấy Cẩm Châu. Vệ Lập Hoàng nói:
- Để tránh cho quốc quân sau khi ra khỏi Thẩm Dương bị Quân giải phóng tiêu diệt, phải nên cố thủ Thẩm Dương.
Tưởng Giới Thạch vừa nghe đã nổi nóng, thế nhưng nghĩ tới Đông Bắc đã thất bại thể thảm như vậy, cũng không tiện chơi trò oai phong như những ngày trước, liền hỏi Phó Tác Nghĩa có ý kiến gì mới. Phó Tác Nghĩa nói:
- Việc này có quan hệ tới quốc gia đại sự, ta phải suy nghĩ cho kỹ càng.
Nghe thấy câu nói lấp lửng nước đôi này, Tưởng Giới Thạch bực tức đập bàn quát lớn:
- Học sinh Hoàng Phố mà thật là quá vô dụng !
Đỗ Duật Minh vừa nghe, vội vàng đề xuất ra hai phương án. Một là ra lệnh cho quân Tưởng ở Đông Bắc nhanh chóng triệt thoái về Doanh Khẩu. Hai là lấy Doanh Khẩu làm hậu phương, giữ lại một bộ phận binh lực để giữ Thẩm dương, quân chủ lực tiến đánh Đại Hổ Sơn, Hắc Sơn. Nếu thành công thì thu phục lấy Cẩm Châu, nếu không thành công thì triệt thoái theo hướng Doanh Khẩu. Người học khóa 1 trường Hoàng Phố Đỗ Duật Minh này rất có đầu óc, Đỗ đề xuất phương án thứ 2 đã quy nạp một phần ý kiến của Tưởng Giới Thạch và Vệ Lập Hoàng, không có ai phản đối. Lập tức, họ quyết định quân đội của Liêu Diệu Tương từ Hắc Sơn, Đại Hổ Sơn tấn công về phía Nam, khôi phục Cẩm Châu, sau đó yểm hộ quân địch ở Thẩm Dương rút lui về Quan nội qua tuyến Bắc Ninh; Quân đoàn 52 của Liêu Dương chiếm lấy Doanh Khẩu, hễ khi binh đoàn của Liêu Diệu Tương tiến về phía tây bị trắc trở, thì thay đổi qua Doanh Khẩu sẽ cùng quân đội giữ Thẩm Dương triệt thoái từ Thượng Hải. Tưởng Giới Thạch vẫn còn lo lắng Vệ Lập Hoàng không chấp hành kế hoạch này, đã chính thức bổ nhiệm Đỗ Duật Minh làm phó Tổng tư lệnh Tiễu Tổng Đông Bắc kiêm Tư lệnh biên khu Ký Nhiệt Liêu, chỉ huy hành động triệt thoái này. Hội nghị vừa kết thúc, Tưởng Giới Thạch liền bay về Bắc Bình. Buổi tối hôm ấy, Tưởng Giới Thạch lại đánh điện báo bắt Vệ Lập Hoàng tới Bắc Bình. Đủ thấy Tưởng Giới Thạch đối với Vệ Lập Hoàng đã không yên tâm tới mức nào. Sau khi Đỗ Duật Minh nhậm chức, lập tức dùng quân đội Cao xạ pháo, xe bọc thép và lữ đoàn 3 sư đoàn chỉnh biên 207 của Thẩm Dương tăng cường cho Liêu Diệu Tương, yêu cầu Liêu Diệu Tương tiến thẳng lên Đại Hổ Sơn, Hắc Sơn, nhanh chóng chiếm Cẩm Châu; lại hạ lệnh cho quân đoàn 53 bảo vệ Thẩm Dương, quân đoàn 52 chiếm lấy Doanh Khẩu. Thế nhưng, đạo quân thứ 10 Quân giải phóng nhân dân giữ vững bảo vệ Hắc Sơn, Đại Hổ Sơn, đẫm máu trong chiến đấu, ngoan cường đánh địch suốt 5 ngày đêm, cuối cùng đã giữ vững được trận địa, ngăn chặn được bước tiến của binh đoàn Liêu Diệu Tương về phía Cẩm Châu. Liêu Diệu Tương không thể không vượt qua Liêu Hà triệt thoái về hướng Doanh Khẩu, trên đường lại vấp phải đòn đánh khép gọng kìm của mấy đạo Quân giải phóng, Liêu Diệu Tương lại hạ lệnh cho bộ đội triệt thoái theo hướng Thẩm Dương. Thế nhưng lúc này triệt thoái thì đã quá muộn rồi, đạo quân thứ 5 của Quân giải phóng đã cắt đứt mất đường rút lui của bọn địch này về hướng Thẩm Dương. Các đạo quân khác càng bám chặt đuổi theo sau, lần lượt bao vây chặt 12 sư của Liêu Diệu Tương ở khu vực hai bên đường quốc lộ phía đông Bắc Sơn, phía tây Bán Lạp Môn và khu vực giữa phía đông Đại Hổ Sơn và Nghĩa Hòa Trang, Khang Gia Đồng. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt đến ngày 28 tháng 10, đã tiêu diệt 12 sư đoàn, ước khoảng 10 vạn quân của binh đoàn Liêu Diệu Tương, bao gồm toàn bộ quân đoàn chủ lực mới số 1 và quân đoàn mới số 6, được gọi là Ngũ đại chủ lực của quân Quốc dân đảng. Tưởng Giới Thạch chỉ huy ở Bắc Bình giương mắt nhìn binh đoàn của Liêu Diệu Tương bị tiêu diệt, chỉ biết than khóc và bất lực, toàn bộ quân đội ở Đông Bắc tựa hồ như sa vào vận mệnh đen tối, lo lắng vô cùng, không còn biết xoay sở ra sao nữa! Sau khi binh đoàn của Liêu Diêu Tương bị tiêu diệt, một thành Thẩm Dương trơ trọi vô cùng nguy ngập như trứng dựng trên đầu gậy. Khi Quân giải phóng nhân dân tấn công vào khu vực thành phố Thẩm Dương, Tưởng Giới Thạch mới cử phi cơ tới đón Vệ Lập Hoàng từ Thẩm Dương đi, để cho sĩ quan tư lệnh binh đoàn 8 Chu Phúc Thành chỉ huy 14 vạn quân ở xung quanh Thẩm Dương. Ngày mồng 1 tháng 11 Quân giải phóng nhân dân phát động tổng tấn công, bọn địch giữ Thẩm Dương tranh nhau ra đầu hàng. Ngày thứ hai, Thẩm Dương, thành phố công nghiệp lớn nhất Đông Bắc được giải phóng, Chu Phúc Thành bị bắt sống. Quân giải phóng nhân dân trải qua 52 ngày đêm liên tục chiến đấu, trước sau đã tiêu diệt 472.000 tên địch, toàn bộ vùng biên giới Đông Bắc được giải phóng. Tưởng Giới Thạch đã thất bại to lớn ở chiến trường Đông Bắc, khiến cho sự so sánh lực lượng hai bên trong cuộc chiến tranh giải phóng đã phát sinh ra những biến đổi căn bản, quân đội Quốc dân đảng từ trước vẫn chiếm ưu thế trên mặt số lượng suốt một thời kỳ dài nay đã chuyển sang thế yếu.
Để đùn đẩy trách nhiệm bại binh ở Đông Bắc, ngày 26 tháng 11, Tưởng Giới Thạch đã tuyên bố mệnh lệnh: Tổng tư lệnh tiễu phỉ Đông Bắc Vệ Lập Hoàng trù trừ không quyết, đế mất cơ hội chiến thắng, đến nỗi mất cả thành phố quan trọng, nay phải cách chức để xem xét trị tội! Xem xét trị tội một Vệ Lập Hoàng, quyết không thể cứu vãn được cục diện thất bại của vương triều họ Tưởng, thế nhưng từ đó mọi người có thể nhìn thấy sự chuyên quyền tàn bạo của Tưởng Giới Thạch, không quan tâm tới thực tế chiến trường, chỉ huy mù quáng, cùng với sự xung đột gay gắt giữa Tưởng với các tướng lĩnh cao cấp Quốc dân đảng. Tưởng Giới Thạch ba lần đích thân tới Thẩm Dương đã chôn vùi mầm họa thất bại toàn diện trong chiến dịch Liêu Thẩm của quân đội Quốc dân đảng và cũng đã vén lên được tấm màn bí mật của sự bại binh ở Đông Bắc.
----------------------------
[1] (Dân quốc cao cấp tướng lĩnh liệt truyện tập 3 trang 217, NXB Quân giải phóng 5-1989).
[2] Một nước cờ Quan nội Viền đông - Trần Thiếu Tả - trang 19 - NXB Nông thôn tháng 1 - 1988
[3] Một nước cờ Quan nội Viền Đông - Trần Thiếu Tả - trang 73 - NXB Nông thôn 4 - 1988.
[4] Một nước cờ Quan nội Viễn Đông- Trần Thiếu Tá - Trang 105 NXB Nông thôn 4-1988).
 

<< Phần 4 - Chương 1 | Phần 4 - Chương 3 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 222

Return to top