Còn nhớ năm ấy, bộ Kim Lăng xuân mộng đã trở thành mốt thời thượng, một câu chuyện li kỳ lan truyền khắp thiên hạ. Mặc dù Tưởng Giới Thạch không phải là Trịnh Tam Phát Tử, Tưởng Trung Chính cũng chẳng phải là Tưởng Tông Trịnh, nhưng không có lửa làm sao có khói. Nếu muốn vạch rõ những bí mật về gia thế, về thân phận ly kỳ vàng thau lẫn lộn của Tưởng Giới Thạch, thì cần phải thăm dò, tìm hiểu quá trình trước và sau khi sinh ra những tin đồn làm khuấy động lên bao nhiêu mưa tuyết gió hoa trong gần một trăm năm nay của gia tộc họ Tưởng.Dường như trong dân gian Trung Quốc có một loại truyền thống văn hóa, đó là vô vàn những tin đồn về các danh nhân, đặc biệt là những tin đồn về gia thế của họ. Nào là Tần Thủy Hoàng là con không có giá thú. Thành Cát Tư Hãn biết mẹ mà không biết cha, mẹ Nurkhachi[1] ăn trứng chim mà có thai, còn có ngài X ... đẻ ra ở trong hang cổ núi sâu, ngài Y... sinh ra trên con thuyền lẻ loi trong bãi lau, ngài Z... mồ côi từ trong bụng mẹ, mẹ ngài có nhiễm với đạo sỹ, sư chùa. Hàng ngàn năm nay, những tin đồn này hoặc lưu truyền ở quán trà, hoặc đăng tải trong tiểu thuyết bạch thoại muôn màu muôn vẻ, muôn hình vạn trạng. Thậm chí có rất nhiều tin đồn về các danh nhân hiện còn đang sống khỏe mạnh hoặc vừa mới tạ thế cũng không thể tránh được. Điều này quả thực không phải là bởi vì phần lớn các danh nhân đều có đoạn thân thế long đong lận đận, cũng chẳng phải bởi vì giống lai đều thông minh tài cán hơn không phải là giống lai, có thể đăng đan trì, tôn cửu ngũ, hoặc chủ cung văn hoa, nhập lăng yêu các... mà là vì những nguyên nhân lịch sử và văn hóa. Một số người cùng với việc sàng dựng danh nhân, lại có hứng thú với thân thế gia truyền của họ, thích nghe những chuyện không ghi chép trong chính sử, những lịch sử bí mật trong màn trướng của các sự kiện trọng đại, thậm chí cả việc đi đứng của họ có phải là bước chân phải đi trước không, ngủ có phải là cũng ngáy khó khò không. Ngay lập tức, một số tao nhân mạc khách liền mở quán xào rán lịch sử, đem những thứ vu vơ nghe ở đường, nói ở chợ, rồi diễn dịch xào xáo thành một loại lịch sử khác sinh động, hấp dẫn khác thường, một loại lịch sử mà muôn dân trăm họ thích nghe thích thấy, một loại lịch sử có tác dụng tuyên truyền và bổ sung cho chính sử, một loại dã sử mang hình thức Trung Quốc mà về mặt khách quan cũng có tác dụng giáo dục phổ cập chính sử.
ở Trung Quốc hiện đại, trong số các danh nhân nổi tiếng nhất, không ai có những tin đồn về thân thế nhiều và rộng hơn được Tưởng Giới Thạch, người đã từng bị gọi là tên khát máu, tên gian tặc của nhân dân và cũng đã từng được gọi là tiên sinh nữa. Trong những tin đồn có liên quan tới thân thế Tưởng Giới Thạch, tin đồn nổi tiếng nhất đó là Tưởng Giới Thạch là Trịnh Tam Phát Tử, là người kéo bình dầu theo người mẹ đã tái giá từ Hứa Xương Trung Châu tới. Tin đồn này đã được truyền tụng từ những năm 30 đến những năm 50, từ những năm 60 truyền tới những năm 70, từ Hồng Công truyền tới Đại lục, từ trong nước truyền ra nước ngoài. Thậm chí trong Tư liệu văn sử Hà Nam xuất bản năm 1981 và Nghiên cứu về Tưởng Giới Thạch xuất bản năm 1988, vẫn có người kiên trì thuyết này, có thể nhìn thấy tin đồn đó có nguồn gốc sâu xa biết bao ! Trong số đó, được truyền bá và có ảnh hưởng lớn nhất đối với thuyết này phải kể tới Kim Lăng Xuân Mộng nổi tiếng của Đường Nhân.
Kim Lăng xuân mộng là một bộ tác phẩm đồ sộ dài 8 quyển với mấy trăm vạn chữ. Vừa mở đầu đã nói Tưởng Giới Thạch vốn không phải họ Tưởng, mà là họ Trịnh; không phải là người Triết Giang mà là người Hà Nam. Hồi thứ nhất của nó là Năm đói kém, Trịnh gia bỏ cốt nhục. Tìm vú em, Tưởng phủ đón tân nhân. Đường Nhân viết rằng:
Dưới đây nói về cuốn sách này, bắt đầu kể về một cậu bé bướng bỉnh. Người này họ Trịnh, tên cúng cơm là Tam Phát Tử ở làng Hậu Trinh Trang thuộc thị trấn Phồn Thành, Hứa Châu (nay là thành phố Hứa Xương) tỉnh Hà Nam. Năm Quang Tự thứ 13 đời Thanh (năm 25 trước Dân quốc, năm 1887) sinh ra vào ngày 31 tháng 10, song thân trong nhà khỏe mạnh, còn có hai huynh trưởng, anh cả gọi là Thiệu Phát, lớn hơn Tam Phát Tử 7 tuổi; người anh thứ hai tên mụ là Nhị Phát Tử, lớn hơn Tam Phát Tử 4 tuổi. Người cha của Tam Phát Tử chăm chỉ siêng năng lao động, cần cù tiết kiệm, tích cóp được mười mấy mẫu bạc điền, còn phụ mở thêm một xưởng xay. Mẹ của cậu có khuôn mặt xinh đẹp, một tay nữ công tài ba tháo vát. Cả nhà năm khẩu trồng cấy, xay bột, khâu vá, bện giày hoa, cuộc sống trôi qua cũng dễ chịu...
Khi Tam Phát Tử lên 6 tuổi ( năm Quang Tự thứ 18 đời Thanh, năm 1892), cả vùng Hứa Châu gặp cảnh mất mùa đói kém, đất hoang ngàn dặm, tấc cỏ chẳng sinh, dân tình đói rách cơ cực, những việc động trời cũng ào ào kéo đến. Cả nhà Tam Phát Tử tận mắt nhìn thấy những gia đình giàu có ở Tiền Trịnh Trang đều đã dọn đi hết từ lâu, gia súc, đồ trang sức quí giá đều sạch trơn. Một bộ phận ở Hậu Trịnh Trang cũng đã bỏ chạy, chỉ còn rớt lại một số người hau háu ngóng chờ nha môn phát chẩn lương thực. Cha của Tam Phát Tử chủ trương chạy tới Lạc Dương, bèn khuyên vợ rằng: Đừng có luyến tiếc cái nhà này nữa, ở lại là sẽ đi gặp Diêm Vương hết ! Chờ lương thực phát chẩn thì sẽ chờ đến đời nào? Vỏ cây rễ cỏ đều sắp ăn hết cả rồi, mọi người đang cướp cả đất của quan âm. Sáng sớm đi ra đã nhìn thấy gần mười xác chết, vừa rồi về nhà đếm lại, xác chết lại tăng thêm mấy người. Đứa con dâu lão què khỏe mạnh là thế, hai ngày nay ăn đất quan âm vào bụng, giờ đây đang quằn quại khắp mặt đất, xem ra không sao sống nổi nữa ! Đi thôi ! Nhân lúc ta còn có chút sức lực... Thế nhưng, mẹ của Trịnh Tam Phát Tử thấy Tam Phát Tử quá nhỏ bé, sợ rằng không qua nổi khổ sở trên đường nên đã kiên trì có chết cũng sẽ chết ở nhà. Cha nó không làm sao được đành phải đem anh cả là Thiệu Phát đi lánh nạn, Nhị Phát Tử phát hận, đi làm lính (Nguyên văn như vậy, theo người ta nói lúc này Nhị Phát Tử còn nhỏ bé, chưa thể đi lính được - người biên soạn).
Hai tháng sau, chuyện bán con để ăn đau đớn cũng xảy ra ở Trịnh Trang. Mẹ Tam Phát Tử bắt đầu tuyệt vọng, đành phải cùng một số người cuối cùng rời khỏi Trịnh Trang để chạy nạn tới Khai Phong, vừa đi vừa hỏi thăm tin tức của cha con Thiệu Phát nhưng trên đường đi gian nan vất vả, thẳng tới Cổ đô, vẫn biệt vô âm tín, cuộc sống càng vô vọng. Giữa lúc khốn cùng, mẹ của Tam Phát Tử nghe nói có một nhà buôn họ Tưởng ở phố sau chùa Tướng Quốc gần đây vợ mới chết, đang tìm vú em. Mẹ của Tam Phát Tử ngẫm nghĩ lung lắm, cuối cùng đành đau đớn quyết định tự dâng mình vào cửa .
Đường Nhân viết tiếp: Lại nói Tưởng Triệu Thông đang buồn rầu vì không tìm được người vú em thích hợp. Người vợ mới mất, để lại mấy đứa con vừa lớn vừa nhỏ là Tưởng Tích Hầu, Thụy Xuân v.v.. quả thật làm cho ông bối rối vô cùng. Bản thân ông là nhà buôn muối đã bỏ tiền ra mua chức quan hậu bổ để sáng sủa cửa nhà, lúc nhàn rỗi cũng đi viết thuê đơn tố cáo, kiện tụng, giao tiếp thù tạc bận rộn liên miên, việc nhà không sao quản lý được. Hôm đó, ông đang dự định gặp một người quen mới từ quê Phụng Hóa Triết Giang lên giới thiệu một người đàn bà đến trông quản lũ trẻ, rồi lấy làm vợ kế. Ông nghĩ rằng trong những năm tháng loạn ly, giao thông bất tiện, việc này thật chẳng dễ dàng.
Đang lúc bối rối thì thấy rèm cửa lay động, vú già dẫn một người đàn bà xinh đẹp, khỏe mạnh bước vào. Tưởng Triệu Thông bỗng thấy trong lòng mình bối rối, không kìm vân vê mấy sợi râu chuột, với lấy chiếc điếu cày, vừa ngả mình trải chiếc áo bào da cáo, ngồi lên chiếc ghế bành gỗ táo. Vừa hút được mấy hơi, người mẹ của Tam Phát Tử đã rảo bước cầm máy lửa đặt ở trên bàn trà thay ông quẹt hai tiếng, lửa bật cháy. Cử chỉ đó đã làm cho vú già đứng ở ngoài cửa nhìn ngây người ra. Tưởng Triệu Thông rít một hơi, chiếc điếu thuốc lào kêu ré lên lọc xọc lọc xọc. Cái miệng của ông là cái miệng nổi tiếng nói tài biện luận giỏi, thế mà nhất thời cũng chẳng nói được lời nào.
- Chị họ gì ? - ông học theo giọng Hồ Nam nói.
Mẹ Tam Phát Tử cúi gục đầu đáp:
- Gia đình nhà em họ Vương.
Đường Nhân nói : Lão Tưởng rất vừa ý mẹ của Tam Phát Tử. Tưởng phủ đã có một người vú em mới như vậy đó. Hồi thứ hai của Kim Lăng Xuân Mộng là: Từ sau đó Tam Phát đổi thành họ Tưởng. Về Thụy Hóa, vú em làm phu nhân . Đường Nhân viết tiếp:
Lại nói, Túc Am tuổi vừa ngũ tuần, làm khách tha hương, công danh lợi lộc đều có cả, thế nhưng lại vấp phải chuyện vợ mất giữa chừng, nhất là mấy đứa trẻ thiếu người chăm sóc, trong lòng buồn bực khó chịu chẳng vui. Năm ấy, nghĩ rằng lá rụng về gốc, cáo chết quay đầu về núi, ông cũng muốn trở về quê cũ ở Khê Khẩu; hơn thế lại là áo gấm về làng, vinh tông hạnh tổ, do đó ý muốn trở về đã càng mạnh mẽ. Thế nhưng việc tục huyền thực không đơn giản.
Lấy một người cùng quê chăng? Sau này lúc nhắm mắt xuôi tay, một khối di sản khó tránh khỏi rơi vào tay người vợ mới. Trong suy nghĩ của ông, những đứa con mà bà cả sinh ra bao giờ cũng phải nếm đủ đòn khổ sở của người mẹ kế, Túc Am không yên lòng. ở đây mà lấy một người vợ kế ư ? Sau khi ông chết người phu nhân mới kia sẽ coi gia đình nhà chồng là mớ phiền phức rồi tống tất cả về Hà Nam, thế thì ba đứa con của ông chẳng phải thành tay trắng cả ư ?
Nghĩ lại nghĩ đi, chưa bề nào quyết được cả. Thế là việc buôn bán giao cho kế toán quản lý, lầu vàng cũng khó khiêng đi được, các vụ án kiện tụng tạm thời không động đến nữa. Suốt ngày từ sớm đến tối chỉ ở trong phòng sách hút thuốc, muốn trước hết thuê một người vú em để trông coi lũ trẻ cho thỏa đáng, sau rồi hãy tiến hành việc tục huyền. Điều này quả thật là vô xảo bất thành thư.
Má Vương đã xuất hiện đúng vào lúc này. Má Vương rất xinh đẹp, má Vương mắt trong mi sáng, má Vương thân thể khỏe mạnh, má Vương cô quạnh lủi thủi một thân. Đây là điều kiện tối quan trọng, nhà chồng nàng, nhà cha mẹ nàng đều đã nhà tan người chết, không sợ sau khi mình chết nàng lại rời khỏi Triết Giang. Đồng thời lại là thu dung nàng trong lúc nàng chạy đói, ông có quyền bắt nàng phải cảm ân báo đáp. Còn đối với vấn đề Tam Phát Tử cũng chẳng khó giải quyết, cứ bắt nó mang họ Tưởng là xong.
Lại nói má Vương từ khi bước vào gia đình họ Tưởng tỏ ra cẩn thận, chu đáo, tỉ mỉ hầu hạ Túc Am, thương yêu chăm sóc lũ trẻ. Nàng sợ Tam Phát Tử cãi lộn gây sự nên đã dứt khoát nhốt cậu ở trong nhà dưới. Hôm đó cũng là hôm có việc, Túc Am ở ngoài uống rượu trở về, rượu say loạng choạng bước vào phòng, ngã vật xuống giường, luôn mồm kêu khát. Tháng chạp mùa đông giá rét. Vì vú già kia đã ru các cháu ngủ cả, má Vương đem tách trà Phổ Nhĩ đã pha xong bưng lên. Chẳng ngờ một tiếng choang, Túc Am đánh rơi tách trà lê xuống đất, vươn mình vừa lôi vừa kéo nàng lên trên giường...
Đường Nhân nói, Sau chuyện đó, địa vị của má Vương ở gia đình họ Tưởng đã được cải thiện rất lớn. Thế nhưng đến mùa xuân năm sau, khi Túc Am quyết định trở về Phụng Hóa mới để cho mà Vương chính thức làm vợ kế. Túc Am cũng để cho Tam Phát Tử đổi họ sang họ Tưởng, và đặt tên là Chu Thái, tự là Thụy Nguyên tên đi học là Chí Thanh.
Trong Kim Lăng xuân mộng, việc miêu tả của Đường Nhân đối với thân thế Tưởng Giới Thạch không hạn chế ở một hai chương càng không hạn chế ở số trích dẫn, mà trong toàn bộ sáu chương với hơn mười vạn chữ, trong đó có truyền đạt về bối cảnh, có miêu tả về chi tiết, có trình bày những tình tiết, còn có những điểm nghi ngờ cần làm cho đúng đắn. Đem sự nghiêm cẩn của nhà viết sử kết hợp với sự sáng tạo của nhà viết sách làm cho người đọc thấy rõ tác giả đã dùng sử liệu tường tận, xác sự, luận chứng chặt chẽ, hấp dẫn người đọc rất mạnh mẽ. Cho nên cuốn sách này tuy đã xuất bản mấy chục năm nay nhưng vẫn tiêu thụ mạnh, không hề suy giảm. Có những điều coi là chính sử đáng để xem xét, có những điểm coi là dã sử để dè chừng. Những người tin vào lời trong đó cũng đọc, những người không tin vào lời nói trong đó cũng đọc. Cuốn sách này từ khi ra đời đến nay, tổng cộng đã in bao nhiêu vạn quyển, cũng chưa thấy có ai thống kê tường tận. Thế nhưng trong nhiều loại sách xuất bản ở trong nước và hải ngoại, mỗi lần nhìn vào số lượng phát hành mấy chục vạn quyển, mấy trăm vạn quyền, không ngại mà khẳng định cuốn sách này được liệt vào loại sách dễ tiêu thụ nhất. Do đó, cách nói Tưởng Giới Thạch là Trịnh Tam Phát Tử đã trở thành thuyết được lưu truyền rộng rãi nhất.
Con trai của Đường Nhân tiên sinh là Đường Tiểu Tam trong kỳ thứ sáu Tân văn chiến tuyến năm 1980 có đăng tải bài viết Kim Lăng xuân mộng: Cha tôi đã nghiên cứu các chủng loại sách xuất bản có liên quan đến Tưởng Giới Thạch, chất đống cao như ngọn núi nhỏ, chỉ riêng những sách tham khảo đã tới năm sáu trăm quyển. Chỉ để tìm ra một cái tên hoặc một năm tháng ông có thể phải đọc liên tục mấy đêm liền. Cách miêu thuật thực sự nghiêm túc, truy tìm tại nguồn cội gốc rễ trong quá trình viết sách của tác giả đã làm vững chắc thêm tính chân thực độ tin cậy của các nhân vật sự kiện trong tác phẩm, sự cẩn trọng này khiến cho tác phẩm giành được càng nhiều độc giả, khiến cho con người và sự việc miêu tả ở trong tác phẩm đã được truyền bá càng rộng rãi hơn.
Thế thì với tư cách là một tác giả, Đường Nhân tiên sinh đã đối xử với con người và sự việc trong tác phẩm của mình như thế nào? Đường Nhân tiên sinh nói: Bộ sách này không những không phải là tiểu thuyết mà cũng không phải là lịch sử, chỉ là đem con người và sự việc của Tưởng Giới Thạch giống như một tiên sinh kể chuyện miêu thuật ra mà thôi [2].Chú ý, tuy nhiên về hình thức, đây cũng không phải, kia cũng chẳng phải, thế nhưng về nội dung, điều nói ra lại là con người và sự việc của Tưởng Giới Thạch. Có thể nói, Đường Nhân tiên sinh đã tin tưởng như vậy, cho nên đã viết ra sinh động vô cùng, bàn luận cũng rất quả quyết. Vì để khẳng định tính chính xác của những kiến giải mà mình đưa ra trong sách, Đường Nhân tiên sinh còn phê phán các tin đồn khác về ông Tưởng. Trong hồi thứ ba của Kim Lăng xuân mộng ông đã viết:
Có người nói, Tường Giới Thạch là đứa con ngoài giá thú của phương trượng chùa Tuyết Đậu với bà mẹ ông ta. Căn cứ là Tưởng Giới Thạch mỗi khi có đại kế quân quốc không thể giải quyết được, thường thường không đem theo Tống Mỹ Linh mà một mình cùng lính thị vệ vào ở trong chùa Tuyết Đậu, để suy nghĩ biện pháp giải quyết. Theo lời đồn, khi ở trong chùa, trong đêm khuya u linh ông đã quỳ trước tháp đựng tro xương của lão hòa thượng kính cẩn cầu nguyện. Ông là một tín đồ của đạo Cơ đốc, hành động này quả thực đáng nghi ngờ. Hơn nữa, nếu đồng hành với Tống Mỹ Linh thì quyết không bao giờ tới chùa Tuyết Đậu v.v.. Kỳ thực, loại hành vi này, chính là sau khi Túc Am qua đời, hai mẹ con ông đã đi lại với hòa thượng rất thân thiết. Nếu vì lý do ông Tưởng chịu ảnh hưởng rất sâu của mẹ mình và phương trượng mà nói ông là do hòa thượng sinh ra, thì quả thật là điều oan uổng, a di đà Phật !
Cách viết vừa kể vừa bình luận kèm theo sự phê phán này của Đường Nhân tiên sinh, theo kiểu tất nhiên là chỉ có điều này mới chính xác, ngoài ra mọi điều khác đều là sai cả, không thể có cách chọn nào khác đã đem lại cho người đọc cảm giác chân thực rất mạnh mẽ. Như trên đã nói, điều này có thể mang đến cho độc giả những ấn tượng mạnh mẽ, đối với sự truyền bá rộng rãi cũng sinh ra ảnh hưởng quan trọng.
Đương nhiên, tin đồn Tưởng Giới Thạch là Trịnh Tam Phát Tử đã lưu truyền rộng rãi, không thể nói toàn là bởi Kim Làng Xuân Mộng của Đường Nhân tiên sinh cả. Rất nhiều văn chương hồi ức viết với danh nghĩa là người chứng kiến hoặc người chuẩn chứng kiến, không những đã trở thành chứng cứ quan trọng của Đường Thuyết mà càng thúc đẩy sự truyền bá của Đường Thuyết.Tháng 5 năm 1962, Trương Trọng Lỗ có bài viết nói rằng:
Tưởng Giới Thạch quê thuộc Phụng Hóa Triết Giang, là điều mọi người đều đã biết. Kỳ thực ông không phải là sinh ra ở Phụng Hóa Triết Giang, mà là sinh ở Hứa Xương Hà Nam - Tưởng Giới Thạch đối với gia thế Hứa Xương của ông giữ kín như bưng, hầu như không một người nào biết rõ uẩn khúc của sự việc. Cho dù có người nào hơi biết loáng thoáng, cũng chẳng dám nói cho ai biết, e sẽ gặp những điều bất trắc. Mặc dù sau thời kỳ kháng chiến, trong những người Hà Nam mới có người truyền nhau nói, thế nhưng cũng chỉ là xì xào vụng trộm, chẳng dám công khai. Ai chẳng biết đặc vụ của họ Tưởng ở khắp mọi nơi, hễ truyền đến tai bọn đặc vụ thì lập tức sẽ không tránh khỏi rước lấy tai họa.
Từ năm 1941 đến năm 1942, Hà Nam gặp phải nạn hạn hán, khu vực Hứa Xương bị tai họa nặng nề, chỉ riêng huyện Hứa Xương đã chết đói tới hơn năm vạn người. Lúc này, người anh ruột Trịnh Phát của Tướng Giới Thạch khi chạy nạn tới Trùng Khánh mới bắt đầu bộc lộ gia thế. Đại để là vào khoảng năm Quang Tự thứ 10 đời Thanh (1885), khi ấy Tưởng Giới Thạch mới lên 4 lên 5 tuổi, trong nha môn huyện Hứa Xương có một vị sư gia họ Tưởng (cuối đới Thanh đầu Dân quốc, sư gia coi việc phạt tiền trong nha môn các huyện phần lớn là người Triết Giang, đặc biệt người Thiệu Hưng là nhiều nhất, vị sư gia họ Tưởng này cũng tự xưng là người Thiệu Hưng), người này đã thuê một người hầu gái, đem theo một đứa trẻ con. Người hầu gái này chính là mẹ đẻ của Tưởng Giới Thạch, đứa trẻ con này cũng chính là Tưởng Giới Thạch. Không lâu sau, quan huyện từ chức, vị sự gia này cũng đi theo về Khai Phong. Nghe nói, người vợ của vị sư gia này lúc đó đã qua đời, cuộc sống thiếu người đỡ đần, bèn đưa cả người hầu gái ấy về Khai Phong. Về sau người hầu gái ấy trở thành quyến thuộc của ông ta và cùng theo về Triết Giang. Sự thật do chính miệng người anh ruột của Tưởng Giới Thạch là Trinh Phát nói với những người cùng quê Hà Nam là Cáo Tử Cử (quân đoàn trưởng, sở trưởng huấn luyện hậu bị) Lý Tiêu Đình (Thượng nghị ủy ban quân ủy) Thái Chỉ Sinh (Tham chính viên ủy ban Tham chính quốc dân) .. tại Đại Dương (Trùng Khánh) năm 1942.
Nếu nói bài viết của Trương Trọng Lỗ đã thuật lại sự chia ly của anh em trong gia đình họ Trịnh cũng như khoảng thời gian mà Trịnh Tam Phát Tử theo Tưởng sư gia đi Triết, thì ba đoạn hồi ức sau lại kể về cuộc đoàn tụ anh em họ, cùng với những sự việc sau này của họ :
Quách Hải Trưởng trong Hội nghị chính trị hiệp thương tỉnh Hà Nam nói: Khi chạy nạn đói tới Trùng Khánh, Trịnh Phát trú ở hội đồng hương Hà Nam, có quen biết với một người tên là Diêu Đình Phương. Sau khi Diêu được biết quan hệ của Trịnh Phát với Tưởng Giới Thạch, liền bảo anh ta tới nơi ở của Tưởng ở trong rừng sâu để cầu kiến. Trịnh nghe theo mà đi. Sau nhiều lần không có kết quả, cuối cùng nguyện vọng của ông ta đã được báo lên Tưởng Giới Thạch. Tưởng liền ký một tờ chi phiếu 5000 đồng để trao cho Trịnh Phát. Trịnh kiên quyết chối từ không nhận, nói rằng ông ta tới đây cốt để nhận anh nhận em chứ không phải vì tiền. Nghe báo cáo lại, Tưởng liền cử người đưa Trịnh Phát tới nhà Đới Truyền Hiền, để cho Đới giải thích khuyên nhủ, an ủi, nói rõ Tưởng không thể để anh trai mình chịu khổ cực được. Ngoài ra còn nói, sau đó Tưởng đã tới nhà họ Đới, anh em gặp nhau, khóc lóc một hồi. Sau đó, Tưởng ra lệnh cho Đới Lập cử người chuyên chăm sóc và theo dõi Trịnh, đưa ông ta về ở trong Sở hợp tác Trung - Mỹ. Về sau có người thường gặp Trịnh Phát ở Từ Khí Khẩu, Sa Binh Bá, có thể tự do hoạt động trong một phạm vi nhất định, việc ăn uống trong quán đều có người trả tiền, chỉ có điều Trịnh Phát không được tiếp xúc với ai. Đồng thời, mỗi tháng Ngân hàng Trung ương đều gửi tiền đến cho gia đình Trịnh Phát. Sau khi Nhật Bản đầu hàng, Trịnh Phát trở về Khai Phong. Một buổi tối trong năm 1946, Quách đã thấy Trịnh Phát ở trong nhà Diêu Đình Phương ở thị trấn Nam Dương, Khai Phong, hình dáng ông ta rất giống Tưởng Giới Thạch. Năm 1953, khi tới Hứa Xương thăm hỏi úy lạo tai họa sương muối, Quách đã hỏi thăm tin tức Trịnh Phát qua những người lãnh đạo địa phương, được biết Trịnh Phát vẫn khỏe mạnh, thành phần trung nông, ông ta sợ bị liên lụy nên đã phủ nhận thẳng thừng mối quan hệ với Tưởng Giới Thạch.
Ông Tạ Mại Thôn ở ủy ban Chính trị hiệp thương thành phố Trịnh Châu nói rằng năm 1946, vì một lý do nào đó, ông đã tới thăm ông Ngô Hiệp Đường, chuyên viên Hứa Xương trong chính quyền Quốc dân đảng, Ngô được lệnh mỗi tháng cấp cho gia đình Trịnh Phát 300 cân lương thực. Ngô còn nói lúc đó Trịnh Phát trú ở nhà số 4 Nguyễn Từ Bi Khai Phong. Chủ tịch tỉnh là Lưu Mậu Ân cũng cung cấp sinh hoạt phí theo định kỳ cho Trịnh. Cuối cùng Ngô nói với Tạ nếu Trịnh Phát không có quan hệ với lão Tưởng, không có mệnh lệnh của cấp trên thì Lưu Chủ tịch và một chuyên viên như ông ta không thể nào lại cung cấp tiền bạc lương thực cho con người không hề quen biết này.
Còn ông Lý Tĩnh ở ủy ban chính trị hiệp thương tỉnh Hà Nam lại nói: Tháng 6 năm 1948, một ngày trước khi Khai Phong được giải phóng lần thứ nhất, một số nhân vật đứng đầu Hà Nam ở Nam Kinh tụ tập dự tiệc ở quán rượu Đại Tam Nguyên, Diêu Đình Phương đã giới thiệu Lý Tĩnh làm quen với Trịnh Phát. Theo Lý thì hình dáng, mặt mũi, cử chỉ của Trịnh với Tưởng có những chỗ rất giống nhau. Nghe nói khi Trịnh Phát ở Nam Kinh cũng có người chuyên chăm sóc cuộc sống của ông ta. Trong Hà Nam văn sử tư liệu số 5 xuất bản tháng 4 năm 1981 của ủy ban nghiên cứu tư liệu văn sử chính trị hiệp thương tỉnh Hà Nam còn có một số bài viết tương tự.
Một số bài viết vào những năm 60 sau khi được phổ biến tuyên truyền đã tạo nên ảnh hưởng rộng rãi. Về vấn đề thân thế của Tưởng Giới Thạch, ở hải ngoại cũng có một số người kiên trì Đường thuyết, khiến cho tin đồn Tưởng Giới Thạch là Trịnh Tam Phát Tử được truyền bá khắp thế giới. Mạnh Tuyệt Tử người Hồng Công từng viết Người cha của Tưởng Giới Thạch, trong đó nói : Tình cảnh bần tiện của Tưởng Giới Thạch khi còn nhỏ chạy đói phải đi xin cơm ăn, giống Chu Nguyên Chương; tình cảnh kéo bình dầu giống như Tần Thủy Hoàng. Bần tiện nghèo hèn mà lại thêm việc kéo bình dầu đã kết thành tâm tư tình cảm ở trong lòng Tưởng Giới Thạch, có dấu ấn sâu sắc hơn nhiều so với Chu Nguyên Chương, Tần Thủy Hoàng, do đó tạo thành sức bật càng lớn. Năm 1987, học giả Đài Loan là Lý Ngạo đã viết một thiên văn chương dài hơn bốn vạn chữ nhan đề là Tưởng Giới Thạch có phải là Trịnh Tam Phát Tử không? với dẫn chứng rộng, luận cứ chặt chẽ. Kết luận cuối cùng là: Tôi hoài nghi Vương Thái phu nhân với Tưởng Túc Am, căn bản chính là con người đổi vợ; còn bản thân Tưởng Giới Thạch chính là người kéo bình dầu trong khi người chồng có vợ chết còn lại đàn con khó có thể tồn tại được !
Đối với thân thế li kỳ rắc rối của Tưởng Giới Thạch, mỗi người nói mỗi khác, lan truyền đi mấy chục năm, có người nói dựng đứng lên, có người có khảo chứng, có người cung cấp những tài liệu để chứng minh bằng những người đã chứng kiến hoặc chuẩn chứng kém, hơn thế đã không ngừng có người đề suất luận điểm mới và luận cứ mới, cũng có người không ngớt nêu đề cũ sao chép từ mấy chục năm trước, trong nước đã có, ở ngoài nước cũng có, các thuyết nói về thân thế của Tưởng Giới Thạch sao lại không trở thành mốt thời thượng được ? Bất kể nó là giả hay là thật !
-----------------------------
[1] Thanh Thái Tổ 1560-1625
[2] Hà Quốc Thao: Giải câu đố về thân thế Tưởng mẫu Vương Thái Ngọc