Yên Sương ngưng kể. Ánh mắt của bà mơ màng như nhớ lại đoạn thời gian hạnh phúc của mình. Lát sau khe khẽ thở dài bà uống ngụm nước trà rồi mỉm cười nói với Nhật Yên.
Bức tranh đó chính là bức tranh mà con có được. Miên Trường vẽ nhiều tranh về bác lắm, đủ loại đủ kiểu…
Nhật Yên cười nói với bà Yên Sương.
Bác trai là một họa sĩ có tài. Lần đầu tiên nhìn cô gái trong tranh là con mê liền. Có thể nói không có cô gái nào có đôi mắt đẹp hơn bác trong bức tranh…
Ngừng lại giây lát Nhật Yên cười tiếp.
Vậy mà bác dám chê bác trai biết vẽ hôn mà vẽ…
Bà Yên Sương bật cười thánh thót khi Nhật Yên nhắc lại câu nói mở đầu chuyện tình giữa mình với Miên Trường. Nhìn Nhật Yên rồi chuyển ánh mắt của mình sang Quỳnh Trân bà cười tiếp.
Ba của con còn vẽ một bức tranh má khỏa thân…
Nhật Yên hơi nhỏm người dậy còn Quỳnh Trân không nhịn được buột miệng kêu thảng thốt.
Khỏa thân… Má ở truồng…
Nói tới đó nàng ngậm miệng lại liền. Mặt đỏ au nàng liếc Nhật Yên đang nhìn mẹ của mình với ánh mắt lạ lùng. Khẽ thở hơi thật dài bà Sương cười nói với Nhật Yên.
Con sống ở Mỹ nên chắc thường thấy người ta vẽ khỏa thân…
Nhật Yên gật đầu cười thay cho câu trả lời.
Ở vào thời của bác, nhất là ở vùng quê chưa bị nhiễm văn minh thành thị thời chuyện khỏa thân là cả một cái gì mới lạ và vượt ra ngoài vòng lễ giáo. Miên Trường phải giải thích và năn nỉ thiếu điều gãy cái lưỡi của ảnh bác mới bằng lòng nhưng chỉ khỏa thân nửa kín nửa hở mà thôi…
Chắc đẹp lắm hả bác?
Nhật Yên hỏi trong nụ cười không thành tiếng. Bà Sương lắc đầu.
Bác không có thân hình khêu gợi và hấp dẫn song Miên Trường nói là bác đẹp. Nét đẹp của bác mong manh như khói sương…
Hướng về Quỳnh Trân đang chúm chiếm cười lắng nghe mình kể chuyện, Yên Sương nói với con gái song cũng ngụ ý nói cho Nhật Yên nghe.
Con Trân so về thân thể đẹp hơn bác nhiều. Nó có ngực, có eo, có mông…
Nhật Yên cười lớn khi nghe Yên Sương nói. Quỳnh Trân giẫy nẩy.
Má… Má nói kỳ quá…
Quỳnh Trân liếc nhanh Nhật Yên và thấy anh cũng đang nhìn mình với vẻ gì kỳ lạ khiến cho nàng cảm thấy thẹn thùng và nhột nhạt. Không chịu được nàng sừng sộ.
Anh nhìn gì vậy?
Nhật Yên cười hắc hắc khi thấy Quỳnh Trân sừng sộ với mình. Tuy nói là sừng sộ song là vẻ sừng sộ đáng yêu vì pha trộn nũng nịu lẫn âu yếm.
Bác nói Trân có nhiều thứ đẹp nên anh nhìn để so sánh…
Yên Sương bật cười vì câu trả lời khôn khéo của Nhật Yên. Bà biết Nhật Yên rất có cảm tình, nếu không muốn nói là thương yêu con gái của mình. Bà cũng biết là Quỳnh Trân tuy chưa yêu nhưng cũng cảm mến Nhật yên. Tuy không nói ra song trong lòng bà ngầm ước ao có một đứa con rể như Nhật Yên. Nếu có một người chồng như Nhật Yên, Quỳnh Trân sẽ được sống trong tình yêu và hạnh phúc, sẽ không phải chịu đựng khổ sở và vất vả về tinh thần lẫn vật chất.
Cười chúm chiếm Nhật Yên nói với Yên Sương.
Bác nói đúng. Quỳnh Trân đẹp hơn bác nhiều. Bác đẹp nhờ khuôn mặt và nhất là đôi mắt trong khi Quỳnh Trân cái gì cũng đẹp…
Anh xạo…
Quỳnh Trân ngắt lời của Nhật Yên. Mặt đỏ au nàng đứng dậy đi vào trong bếp như không muốn nghe Nhật Yên nói tiếp.
Hớp ngụm nước trà nóng Yên Sương nói với Nhật Yên.
Cuộc tình của bác với Miên Trường có hai thời kỳ. Thời kỳ đầu tiên thật hạnh phúc. Hai đứa tha hồ xây mộng, vẽ vời tương lai. Tuy nhiên kết cuộc thật khổ. Hai đứa phải chia tay vì một nguyên nhân rất tầm thường. Tuy nhiên cái tầm thường này lại chính là nguyên nhân gây ra nhiều đổ vỡ của những kẻ yêu nhau. Con là một người viết văn, vậy con thử đoán xem vì nguyên nhân nào mà bác với Miên Trường phải chia tay?
Nhật Yên lặng thinh vì bị bà Sương hỏi một câu hỏi khó trả lời. Anh biết mình là người Việt Nam, sinh đẻ ở tại quê hương nhưng lại lớn lên và hấp thụ một nền văn hóa của Hoa Kỳ. Mặc dù ba má có giảng dạy về phong tục, tập quán của quê hương nhưng vì ít chung đụng với người đồng hương nên anh không có dịp để áp dụng những thứ đó vào trong đời sống thường ngày của mình. Bây giờ bị bà Sương hỏi anh mới cố gắng nhớ lại những lời ba má dạy với hi vọng trả lời được câu hỏi khó khăn này.
Bác với bác trai yêu nhau tha thiết và ước mong được sống chung với nhau, do đó nguyên nhân gây ra sự đổ vỡ chắc không phải do từ hai bác. Theo con đoán thời nó phải phát sinh từ sự phân chia giai cấp, sự giàu nghèo hoặc là sự khác biệt về tôn giáo.
Trong lúc nói Nhật Yên nhìn bà Yên Sương như để thăm dò phản ứng của bà ta. Tuy nhiên anh chỉ thấy bà có vẻ buồn rầu man mác cùng với nước mắt ứa ra trên đôi mắt.