Bước xuống xe ô tô buýt vừa đậu tại chợ Bến Thành Miên Trường thở hơi dài nhẹ nhỏm. Không khí có mùi xăng nhớt, cà phê, thức ăn và mùi nước mắm quyện lại với nhau thành một mùi hương đặc biệt của thành phố thân yêu mà anh đã sinh ra và lớn lên. Sài Gòn. Nắng vàng lung linh trên tàng cây phượng vĩ. Tiếng rì rầm của xe cộ. Vừa đi bộ vừa nhìn ngắm bầu trời trong xanh anh vừa suy nghĩ vẩn vơ. Anh ước gì có Yên Sương bên cạnh để hai đứa đi dung dăng dung dẻ. Leo lên chiếc xe buýt chạy đường Sài Gòn- Bà Chiểu- Gò Vấp anh ngồi vào vào chỗ trống sát cửa sổ. Nhìn đôi trai gái nắm tay nhau đi trên đường anh nhớ Yên Sương vô cùng. Cô gái có đôi mắt đẹp, hiền hậu, nhu mì và ngây thơ đã làm cho anh biết thế nào là rung động của tâm hồn, xuyến xao của trái tim; thế nào là môi hôn ngọt ngào, tia nhìn ngất ngây và nụ cười hồn nhiên. Bàn tay em nuột nà, ánh mắt gởi trao ngời tin tưởng đem lại cho anh một sức mạnh để phấn đấu cho tình yêu của hai đứa mình. Miên Trường mỉm cười khi nhớ tới giọng cười ngây thơ của Yên Sương khi kể lại lần đầu tiên thấy anh ngồi vẽ bên lề đường nàng đã phán một câu xanh dờn Biết vẽ hôn mà vẽ… . Anh đã cười sặc sụa, cười ra nước mắt vì câu nói này.
Xe qua trường Lê Văn Duyệt. Những tà áo dài trắng bay bay. Khu Lăng Ông nhộn nhịp và ồn ào. Nhà cửa cũ kỹ rêu mốc. Mới hơn một năm đi xa mà Miên Trường cảm thấy thành phố đổi thay chút ít. Xe dừng nơi chợ Bà Chiểu. Miên Trường nhìn quanh quất. Đằng kia là trường Hồ Ngọc Cẩn, nơi anh đã học bảy năm từ lớp 6 cho tới lớp 12.. Bạn học đông nhưng tan tác, mỗi người đi mỗi ngả sau khi xong tú tài. Xe qua trường Mỹ Thuật. Trên đường về nhà ở Gò Vấp, anh suy nghĩ miên man về cách thức để thuyết phục ba của mình. Ba anh là một người có tính cố chấp, độc đoán, chuyên chế và ít khi chịu nghe theo lời của bất cứ ai. Là một sĩ quan cấp tá trong quân đội nên ông quen ra lệnh hơn nghe lời người khác nhất là người thuyết phục ông lại chính là đứa con của ông. Anh cũng biết ba mình là một người sùng đạo, tuân hành theo giáo điều hay luật lệ của giáo hội một cách không nghi ngờ và hạch hỏi. Đối với ông lời nói của cha sở có giá trị như là khuôn vàng thước ngọc. Do đó nếu anh đem vấn đề lập gia đình mà không cần biết tới trở ngại tôn giáo là giữa hai cha con sẽ có đại chiến. Ông không bao giờ chấp thuận một cuộc hôn nhân trái đạo như thế. Không học đạo, không theo đạo, không làm lễ trong nhà thờ là không có cưới hỏi gì hết.
Bà Hà không tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy Miên Trường bước vào cửa. Có lẽ bà đoán ra được lý do về thăm nhà của con trai. Hai mẹ con ngồi trong bếp trò chuyện vì sắp tới giờ nấu cơm chiều.
Ba con có nói gì về chuyện giữa con và Yên Sương không má?
Bà Hà thở hơi dài.
Ba con chấp thuận cho con lấy Yên Sương miễn là nó theo đạo...
Miên Trường lặng thinh không hỏi thêm mà cũng không nói gì thêm. Nhìn nét mặt không vui của con trai bà Hà biết con không đồng ý về quyết định của cha.
Rồi má tính sao hả má?
Còn tính gì nữa. Con biết tính của ba con mà. Ai mà cãi được ổng. Ai mà thay đổi được cái ý của ổng. Con nên năn nỉ ba má con Yên Sương...
Bà Hà nói trong lúc nước mắt ứa ra kèm theo tiếng thở dài. Bà linh cảm con trai trở về không báo trước chắc là phải có chuyện quan trọng và cấp bách.
Con đã thưa chuyện với ba má của Yên Sương. Ba má của Yên Sương không ngăn cản chuyện vợ chồng của hai đứa con. Họ không bắt con phải theo đạo của họ là đạo Phật…
Ngừng lại nhìn mẹ của mình giây lát anh nói nhỏ.
Con lớn rồi con có quyền quyết định cuộc đời của con. Con có quyền tự do chọn lựa người vợ tương lai của con…
Bà Hà nhìn con mỉm cười ứa nước mắt. Ôm đứa con trai độc nhất vào lòng bà thổn thức.
Má cũng không đồng ý với ba của con nhưng má không làm gì được để giúp con. Má chỉ khuyên con nên từ từ…
Miên Trường nhìn mái tóc điểm sương cùng nét mặt buồn u ẩn của mẹ. Từ lâu anh biết bà đã không được sung sướng dù sống trong sự giàu sang. Người ta nói tiền không đem lại hạnh phúc. Điều đó đúng vào cảnh ngộ của má anh. Bà có đủ hết ngoại trừ tình cảm. Ở trong một xã hội còn có quan niệm chồng chúa vợ tôi, má của anh, mang danh nghĩa là vợ trên tờ hôn thú, nhưng trên thực tế không khác gì một người hầu hạ, chiều chuộng và làm theo lệnh của chồng. Bản tính vốn hiền lành, yếu đuối và nhu nhược bà bị chồng bắt nạt, đối xử tệ bạc và đôi khi bị đánh đập. Tuy nhiên bà không làm gì khác hơn là âm thầm chịu đựng. Miên Trường đã nhiều lần thấy mẹ khóc thầm. Chính sự buồn tủi, cay đắng và phiền muộn đã giết chết tình thương yêu giữa bà với chồng. Có thể nói bà thương con nhiều hơn thương chồng. Từ khi anh đi lính bà sống cô đơn và buồn tủi. Vì thế bà mong ước có được đứa con dâu, có cháu bên cạnh để được trò chuyện, ẵm bồng.
Miên Trường quay nhìn khi nghe có tiếng xe ngừng tại cổng nhà. Ông Hà bệ vệ đi vào. Nhìn thấy ba bông mai bạc trên cổ áo của ông Miên Trường cười hỏi.
Bộ ba mới lên lon hả má?
Bà Hà gật đầu thờ ơ.
Ừ… Tao hổng biết ổng làm cái gì mà lên lon hoài. Ổng đâu có đánh giặc như người ta đâu…
Miên Trường đùa.
Ba đánh giặc miệng mà má…
Bà Hà ký nhẹ lên đầu con trai rồi bật cười thành tiếng khi nghe câu nói mỉa mai của con trai. Hơn một năm không gặp anh thấy ba thay đổi chút ít. Bộ quân phục ủi hồ láng cón. Giày bốt đen bóng loáng. Tóc cắt ngắn. Dáng đi bệ vệ và chậm chạp hơn có lẽ vì ông muốn làm ra vẻ bệ vệ hơn mà cũng có thể vì thân thể nặng nề hơn.
Dạ ba khỏe hôn ba?
Ông Hà gật đầu xong hỏi lại.
Mày về hồi nào vậy?
Dạ thưa ba con mới về?
Quay sang vợ ông Hà nói như ra lệnh.
Bà dọn cơm lên cho tôi ăn xong tôi còn đi họp…
Bà Hà im lặng dọn cơm lên bàn trong lúc chồng đi vào buồng thay quần áo. Lát sau ông Hà trở ra trong bộ quân phục mới được ủi hồ láng cón.
Ba lên lon nữa hả ba?
Miên Trường hỏi trong tiếng cười. Ông Hà gật đầu hỏi lại.
Ủa tao tưởng mày lên thiếu úy rồi…
Miên Trường nhìn má cười lên tiếng.
Dạ chưa. Con cũng chẳng để ý. Chừng nào lên cũng được. Con muốn nói với ba một chuyện…
Miên Trường ngừng lại. Lần nào cũng vậy anh cảm thấy khó khăn khi nói chuyện với ba của mình. Cảm giác không thân quen và khó thông cảm làm cho anh ngần ngại khi đối thoại với người sanh ra mình.
Chuyện của con Sương hả?
Dạ phải…
Má mày khen nó đẹp, hiền lành và con nhà gia giáo…
Ông Hà dừng lại liếc nhanh vợ đang cúi đầu ăn đoạn tằng hắng tiềng nhỏ xong cất giọng thật nghiêm, thật khô và thật gọn.
Má mày nói nó đạo Phật. Nếu nó chịu bỏ đạo thời tao sẽ đứng ra làm đám cưới cho hai đứa. Bằng không đừng nói chuyện vợ chồng cưới hỏi gì hết…
Ông Hà đã làm tắt nghẻn cuộc đối thoại bằng câu nói trên. Nhìn vào mặt con trai bà Hà thấy một điều lạ lùng. Đó là sự buồn phiền, chán nản và có cái gì như là quyết tâm.
Con chỉ hỏi ý kiến ba vậy thôi…
Mày nói cái gì?
Ông Hà hằm hằm nhìn con trai của mình. Ông bắt gặp một ánh mắt bình thường đang chiếu lại mình.
Con không xin phép của ba để cưới vợ. Con cũng không cần ba đứng ra làm đám cưới rình rang theo ý ba muốn. Con chỉ muốn nói cho ba biết là con sẽ lấy Yên Sương làm vợ mà không cần bắt vợ của con phải theo đạo của con cũng như con cũng không bỏ đạo của mình để theo đạo của vợ con…
Ông Hà giận xanh mặt. Phải kềm giữ lắm ông mới không tát vào mặt đứa con trai ngỗ nghịch của mình. Ông có cảm tưởng những lời nói của nó như viên đạn bắn trúng vào sĩ diện, tự ái của một người cha và hơn hết là một ông tá không quen nghe lời nói thẳng. Chỉ có Miên Trường, thằng con mất dạy và uy vũ bất năng khuất của ông mới dám tạt gáo nước lạnh vào mặt ông như vậy. Nó coi thường quyền lực của ông. Ông giận tới độ chưa biết làm gì thời giọng nói nhỏ nhẹ song nghiêm lạnh của con trai tiếp tục văng vẳng bên tai.
Tại sao ba bắt người ta phải theo đạo của ba. Tại sao ba bắt người ta phải làm theo ý của ba. Tại sao con không theo đạo của người ta mà bắt người ta phải theo đạo của con. Như thế là không công bằng…
Ông Hà cảm thấy máu chạy rần rật trong cơ thể của mình. Thằng con mà ông khổ nhọc nuôi nó lớn để hôm nay nó ngồi đây giảng đạo đức, luân lý cho ông nghe. Nó giảng cho ông nghe về sự công bằng.
Ba là một người lính mang cấp bậc cao trong quân đội. Ba từng đổ xương máu chiến đấu để bảo vệ cho tự do của dân tộc. Tự do mà ba bảo vệ là gì? Phải chăng là được quyền chọn lựa, quyết định và trách nhiệm về hành động của mình mà không bị cưỡng ép bởi một áp lực nào. Tại sao ba lại bắt Yên Sương phải bỏ đạo để theo đạo của ba thì ba mới nhìn nhận nàng là con cái trong gia đình…
Ông Hà cảm thấy lửa cháy hừng hực trong đầu của mình. Lửa giận cháy nóng tới độ làm ông phải đưa cánh tay lên cao định tát vào mặt đứa con đang ngồi đối diện với mình. Tuy nhiên cánh tay gân guốc đó phải buông xuôi xuống khi ông chạm phải ánh mắt của con. Ông chợt hiểu ra là đứa con của mình không còn nhỏ dại để mình có thể bắt nó phải làm theo ý của mình. Dằn chén cơm còn nguyên ông hằn học lên tiếng.
Đồ con bất hiếu. Tao không ngờ nuôi mày lớn lên rồi bây giờ mày lại… Mày muốn làm gì thời làm. Đừng để cho tao thấy mặt mày…
Xô ghế đứng dậy, bước tới lấy cái nón ông Hà bước nhanh ra cửa. Miên Trường ngồi im. Anh cảm thấy buồn phiền, chán chường và mỏi mệt.
Má… Con xin lỗi má… Con thương má…
Bà Hà nức nở. Giữa chồng với con bà không biết binh ai bỏ ai. Ăn vội chén cơm Miên Trường ra phòng khách nằm đọc sách. Sáng hôm sau khi thức dậy bà Hà không thấy con. Miên Trường đã trở về đơn vị từ sáng sớm. Bà biết rằng còn lâu lắm mình mới gặp lại đứa con thân yêu.
Yên Sương dừng xe đạp trước cửa một ngôi nhà khá lớn lợp ngói và vách bằng ván. Trước cửa nhà có hai cây cau thẳng và cao vút. Nàng hơi do dự chưa chịu quẹo vào nhà nhưng sau đó lại mỉm cười quẹo xe vào khi thấy Miên Trường vừa bước ra hiên. Đây là lần đầu tiên nàng tới nhà người yêu. Thường thường Miên Trường lại nhà của nàng nhiều hơn. Dù đã thuận cho hai đứa đi lại với nhau song ba má nàng vẫn dè dặt khuyên con gái của mình đừng nên lại nhà của Miên Trường vì anh ở một mình. Ba má nàng sợ nàng có bầu. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Câu nói đó đúng bởi vậy có nhiều cô gái lầm lỡ và phải ân hận suốt đời.
Chỗ ở của anh yên tĩnh. Sương thích hai cây cau đó…
Vừa dựng xe đạp Yên Sương vừa chỉ hai cây cau. Miên Trường cười vui nói nhỏ.
Em vào phòng anh cho em xem cái này…
Thấy Yên Sương có vẻ ngần ngại Miên Trường hiểu ý nên cất giọng nghiêm nghị.
Em đừng có lo. Anh yêu em và sớm muộn gì mình cũng thành vợ chồng cho nên anh không cần phải hấp tấp làm gì chuyện ấy. Anh hứa là anh sẽ không làm gì hết cho tới khi mình cưới nhau…
Yên Sương cảm động vì lời nói của người yêu. Nắm tay Miên Trường nàng dặc dặc mấy cái.
Em yêu anh. Em không tiếc gì với anh nhưng em không muốn ba má buồn.
Hôn lên đôi mắt đẹp của người yêu Miên Trường thì thầm.
Anh yêu em. Anh sẽ không làm gì để em buồn.
Đôi tình nhân dìu nhau đi dưới tàng cây mận rườm rà. Ánh nắng lỗ chỗ trên nền xi măng rêu mốc. Miên Trường mở cửa căn gác trọ nhỏ nhường chỗ cho Yên Sương bước vào. Như để chứng tỏ là mình không có ý đồ đen tối gì anh mở cửa rộng ra và lấy viên gạch chận cánh cửa lại. Chậm bước vào căn gác của người yêu nàng nhìn quanh quất. Mỗi bề vuông vức chừng năm sáu thước, căn gác chỉ vừa đủ cho một cái giường một người nằm, một cái bàn nhỏ với hai cái ghế. Khoảnh trống trong góc được Miên Trường đặt cái giá vẽ trên phủ miếng vải trắng tinh.
Anh cho em xem cái này.
Bước lại chỗ giá vẽ Miên Trương nhẹ tháo mảnh vải trắng ra. Yên Sương bất động. Hai mắt mở lớn nàng nhìn đăm đăm vào bức tranh trước mặt. Áo dài trắng đơn sơ. Mái tóc dài thả buông. Khuôn mặt. Đôi mắt. Tất cả được Miên Trường diễn tả bằng đường nét và sắc màu, tạo thành hình ảnh sống động và trung thực. Yên Sương ngơ ngẩn và thẩn thờ nhìn hình dáng mình. Thật lâu nàng mới mỉm cười.
Anh vẽ em còn đẹp hơn người thật…
Miên Trường lắc đầu.
Anh chỉ vẽ hình ảnh của em chứ không thể nào ghi được cái đẹp của em. Đó chính là cái tâm. Nó là tình yêu, nụ cười, tia nhìn của em dành cho anh…
Yên Sương bước tới cạnh người yêu. Ánh mắt của nàng ngời tình tự yêu thương, cuốn hút Miên Trường vào nụ hôn bằn bặt thiếp mê khiến cho anh như chết ngất vào môi hôn ngạt ngào hương phấn.
Em yêu anh… mãi mãi yêu anh…
Yên Sương thì thầm. Hơi thở ấm thơm nồng hương tình yêu của nàng phà vào mũi khiến cho Miên Trường như ngừng thở và chỉ còn biết diễn tả tình yêu của mình bằng cách hôn vào đôi mắt của người yêu.