Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Mắt em người Sài Gòn

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 22312 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mắt em người Sài Gòn
Chu Sa Lan

Chương 15

Yên Sương bước vào nhà. Nàng hơi nhăn mũi và hít hơi mấy cái vì mùi thức ăn thơm phức từ bếp bay ra.

Má ơi...

Tiếng bà An từ trong bếp vọng ra.

Cái gì đó. Con thay quần áo đi rồi xuống đây phụ má nấu cơm...

Yên Sương hơi lấy làm lạ vì mới hơn ba giờ. Thường thường má của nàng bắt đầu nấu cơm sau bốn giờ vì phải hơn năm giờ ba của nàng mới có mặt ở nhà.

Dạ... Con thay quần áo rồi con xuống liền...

Vất cái cặp lên giường, thay nhanh bộ bà ba nàng chạy ào xuống bếp. Thấy trên bộ ván gõ bày la liệt nhiều thứ nàng ngạc nhiên hỏi.

Má làm gì vậy má...?

Làm tiệc cho ba của con...

Bộ nhà mình có khách hả má?

Ừ...

Khách của ai vậy má?

Của ba con chứ của ai. Ổng mời một người khách mới quen tới nhà ăn cơm...

Vừa lặt rau Yên Sương vừa lẩm bẩm.

Ai vậy cà.... Lâu lắm rồi mình đâu có thấy ba mời ai tới nhà...

Nghe con gái lẩm bẩm bà An rầy.

Con nhỏ này thiệt dị. Khách của ổng thời mày biết làm chi cho mệt...

Nửa tiếng sau thấy mọi việc đã xong bà An dặn con gái.

Con đi học bài đi. Chừng nào khách tới má gọi con xuống ăn cơm...

Mình ăn cơm chung với khách hả má?

Ừ... Má có hỏi ba rồi... Ổng nói mình ăn chung với khách cho vui...

Sau khi rửa rau xong Yên Sương bỏ lên gác nằm gạo bài vạn vật. Hơn năm giờ nàng nghe tiếng ba nói chuyện loáng thoáng. Mặc dù không biết khách là ai, nhưng vì bị bắt ăn cơm chung với khách nên nàng miễn cưỡng thay bộ bà ba mới mặc được hai lần. Đứng trước cái kiến lớn chải đầu nàng cười khi nghĩ tới Miên Trường.

Bây giờ anh đang làm gì hả anh?

Câu hỏi hiện lên trong trí khiến cho nàng đỏ mặt, nhớ lại cảm giác run rẩy, hồi hộp, bàng hoàng khi Miên Trường cầm tay của mình lần đầu tiên. Bàn tay của ông họa sĩ vẽ đẹp hông mà vẽ thật mềm, thật ấm, như có làn điện truyền sang bàn tay của nàng rồi chạy dần lên đầu làm rung chuyển tâm hồn của một cô gái thơ ngây chưa hề biết yêu thương ai.

Yên Sương... Con xuống ăn cơm đi con...

Dạ tiếng nhỏ Yên Sương chầm chậm bước xuống cầu thang. Dừng lại nơi khung cửa nhỏ ngăn với phòng khách nàng thấy ba đang ngồi trên bộ trường kỹ nói chuyện với khách. Ông khách ngồi quay lưng lại nên nàng không thấy được mặt mũi.

Thầy chắc biết con Yên Sương của tôi rồi...

Ông khách quay lại. Trái tim như ngừng đập, miệng há ra, đôi mắt đẹp tuyệt vời của Yên Sương mở lớn nhìn trân trân ông khách đang nhìn mình mỉm cười. Nụ cười của ông ta thật dễ thương mà cũng thật dễ ghét. Té ra khách mời ăn cơm tối của ba chính là ông họa sĩ lính Miên Trường.

Chào cô Yên Sương...

Miên Trường lên tiếng và Yên Sương lí nhí trong miệng.

Dạ... chào...

Nói tới đó nàng nín luôn vì không biết gọi ông khách của ba mình bằng anh hay bằng thầy.

Tôi mời thầy sang bàn ăn cơm với gia đình của tôi...

Ông An lên tiếng mời khách. Dường như có ý gì đó mà ông xếp ông khách quý ngồi đối diện với con gái của mình.

Tôi nghe đại úy Hoàn nói gia đình thầy ở Sài Gòn?

Trong lúc ăn cơm ông An gợi chuyện với khách. Liếc nhanh Yên Sương đang cúi đầu ăn cơm Miên Trường cười nói.

Dạ cháu xin hai bác đừng gọi cháu là thầy. Cháu thầy với ai chứ đối với hai bác thời cháu chỉ là con cháu...

Yên Sương lườm ông họa sĩ lính của mình. Còn Miên Trường mỉm cười vì bị cô bạn đá vào chân của mình.

Cháu nói như vậy thời vợ chồng tôi xin được gọi bằng cháu cho thân tình...

Dạ cám ơn bác. Ba má của cháu ở Sài Gòn.

Cháu Trường ở Sài Gòn mà ở khu nào?

Bà An lên tiếng.

Dạ nhà ba má cháu ở Gò Vấp...

Vậy à... Bà nội của con Sương ở Phú Nhuận...

Quay qua nhìn Yên Sương Miên Trường cười hỏi.

Cô Yên Sương chắc hay về thăm ông bà nội ở Sài Gòn?

Không ngước lên Yên Sương nói nhỏ.

Dạ có...

Hướng về ông bà An Miên Trường tiếp.

Cháu đổi xuống Long Xuyên hơn một năm rồi mà chưa có dịp về thăm nhà. Má cháu thỉnh thoảng cũng xuống thăm cháu...

Ông An nhìn con gái của mình rồi sau đó nhìn vợ.

Vậy à... Cháu đi lính xa nhà cũng buồn hả. Khi nào rảnh cháu tới thăm hai vợ chồng tôi cho vui. Tôi có hai đứa con cũng đi lính như cháu. Thằng Hạnh thời ở Sóc Trăng, còn thằng Hiếu ở Chương Thiện. Chỉ có con Sương ở nhà nên đôi khi cũng buồn...

Dạ cám ơn bác...

Miên Trường ngừng nói vì bị Yên Sương đá nhẹ vào chân của mình lần nữa.

Dạ khi nào má cháu xuống thăm cháu, cháu sẽ đưa má cháu tới gặp hai bác cho biết...

Yên Sương mỉm cười khi nghe ông lính họa sĩ của mình nói câu trên. Không biết có cái gì vui vẻ mà nàng lại đá vào chân của Miên Trường khiến cho anh phải rút chân  lại. Đưa chén cho Yên Sương bới thêm cơm Miên Trường cười hỏi ông An.

Dạ đại úy Hoàn quen biết như thế nào với bác?

Ổng là con của ông hiệu trưởng... Nhờ có đại úy Hoàn nói tôi mới biết cháu là họa sĩ...

Yên Sương bỗng mỉm cười vu vơ. Sở dĩ nàng cười là vì nghĩ ra câu nói Ba dở hơn con... Con biết ổng là họa sĩ từ lâu... . Bắt gặp Yên Sương cười Miên Trường mới hỏi một câu.

Cô Yên Sương học xong trung học rồi tính làm gì?

Dạ Sương tính thi vào trường sư phạm để thành cô giáo...

Tôi nghe nói cô Sương học giỏi nhất trường. Như vậy cũng không có khó khăn gì để thi vào trường đại học sư phạm...

Đợi cho Miên Trường dứt câu Yên Sương quay qua cười nói với ông An.

Dạ... Cao nhân tắc hữu cao nhân trị... Ba hay nói với con như vậy phải hôn ba...

Ông An cười ha hả nói đùa với Miên Trường.

May là cháu chỉ dạy vẽ ở lớp của con Sương. Cháu mà dạy môn Việt Văn chắc là mệt với nó...

Miên Trường nhìn Yên Sương.

Cô Yên Sương chắc giỏi thơ văn lắm?

Dạ. Yên Sương thích nhất thơ…

Miên Trường gật đầu. Ông An chợt xen vào câu chuyện giữa hai người trẻ tuổi.

Con Sương nó làm thơ, viết truyện. Nó với một người nữa đã lập ra thi văn đoàn Sông Hậu…

Yên Sương cúi đầu xuống để tránh cái nhìn nồng nàn của ông lính-họa sĩ.

Tôi thời tôi không làm thơ nhưng tôi thích thơ lắm. Tôi đọc và thuộc nhiều thơ lắm. Hôm nào tôi mang mấy tập thơ tới cho cô Yên Sương đọc. Cô thích thơ hả vậy để tôi đọc hai câu thơ này cho cô nghe xem cô biết tác giả là ai không?

Hớp ngụm nước lạnh cho thấm giọng Miên Trường nhìn Yên Sương rồi cất giọng trầm ấm.

Em ơi em đẹp vô cùng

Vì em có cái lạ lùng bên trong.

Miên Trường và Yên Sương không thấy được ông An nháy mắt với vợ. Trong lòng sung sướng vì được Miên Trường khen tặng nhưng ngoài mặt Yên Sương lại cau mày vì hai câu thơ mà Miên Trường vừa đọc lên. Đây là lần thứ nhì nàng nghe Miên Trường đọc lại hai câu thơ này. Lần thứ nhất khi mới quen nhau Miên Trường cũng đã dùng hai câu thơ này để khen nàng. Tuy nhiên lúc đó nàng không để ý lắm. Bây giờ được nghe lại lần thứ nhì nàng cũng không  đoán ra tác giả là ai. Điều đó khiến cho nàng khó chịu vì tự ái bị va chạm. Nàng biết Miên Trường mượn hai câu thơ để có lý do chính đáng khen tặng mình nhưng dù sao cũng cảm thấy bẻ mặt vì không biết tên tác giả.

Quay qua thấy ba tủm tỉm cười Yên Sương hỏi.

Ba biết hôn ba?

Biết…

Ông An trả lời trong lúc nhìn Miên Trường. Thấy anh cười im lặng ông ta nói mánh con gái.

Tác giả của hai câu thơ này là một thi sĩ nổi tiếng…

Ông ta già hôn ba?

Không trẻ mà cũng không già

Ông An chỉ trả lời bao nhiêu đó rồi nín luôn. Quay nhìn Miên Trường Yên Sương cười với nụ cười tươi nhất.

Tôi sẽ tìm ra tác giả chỉ có điều hơi lâu.

Tôi còn ở Long Xuyên lâu lắm. Cô Yên Sương cứ thư thả…

Ăn cơm xong ông An mời Miên Trường ra trường kỹ ngồi uống nước trà và chuyện trò. Mang chén dĩa xuống bếp Yên Sương hỏi nhỏ má của mình.

Con tưởng ba mời ai té ra ba mời ông thầy dạy vẽ...

Bà An cười cười.

Ừ... Má không ngờ ổng lại mời ông giáo trẻ. Ổng nói chuyện hiền lành và lễ phép quá...

Ổng là họa sĩ mà má…

Họa sĩ là cái gì?

Bà An hỏi con gái. Yên Sương cười giải thích.

Dạ họa sĩ là người vẽ tranh…

Ạ… Mà ổng vẽ có đẹp hôn?

Ba khen ổng lắm. Ba nói ổng là họa sĩ mới ra trường mà có tài nên nổi tiếng mau lắm…

Ông An vào bếp bảo vợ và con ra để cho Miên Trường từ giã. Anh về sớm để vào trại vì có phiên trực tối nay. Đưa Miên Trường ra tới cửa ông An còn ân cần dặn dò.

Khi nào rảnh cháu tới nhà chơi... Tôi coi cháu như là con cháu trong nhà nên đừng có ngại gì hết...

Dạ cháu cám ơn bác...

Yên Sương đi nhanh lên căn gác nhỏ của mình. Mở cửa sổ, thò đầu ra ngoài nàng thấy Miên Trường đang dắt xe đạp ra cổng. Yên Sương muốn gọi thật lớn nhưng sợ ba má nghe được nên nàng chỉ thì thầm hai tiếng anh ơi với hy vọng Miên Trường nghe được. Tuy nhiên ông lính họa sĩ của nàng vẫn im lìm đạp xe và bóng anh càng lúc càng xa dần cho tới khi mất hút khi quẹo mặt vào con đường lớn.

Lớp học xôn xao hẳn lên vì một câu hỏi. Bình thường nếu câu hỏi từ một người khác đưa ra thời ít có ai để ý nhưng đây là câu hỏi của Yên Sương thành ra ai ai cũng giành nhau trả lời nhất là mấy anh học trò. Họ chuyền tay mảnh giấy nhỏ có hai câu thơ: Em ơi em đẹp vô cùng. Vì em có cái lạ lùng bên trong . Phía dưới hai câu thơ là bốn chữ Tác giả là ai? Mảnh giấy chuyền tay đi một vòng hết lớp mà không có câu trả lời. Mấy cậu học sinh vò đầu bứt tai cố nặn óc ráng nhớ ra tác giả hai câu thơ quái ác đó là ai song rốt cuộc rồi họ đành lắc đầu chịu thua. Tới ngày thứ nhì thời toàn thể học sinh trong trường đều biết hai câu thơ nhưng không ai biết tác giả. Nhiều cậu học sinh bỏ ăn bỏ ngủ vùi đầu vào sách báo để tìm kiếm tên tác giả hầu làm vui lòng người đẹp Yên Sương. Tuy nhiên tất cả cố gắng của họ đều không mang lại kết quả. Thế là Yên Sương hậm hực chờ tới ngày gặp lại Miên Trường.

<< Chương 14 | Chương 16 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 983

Return to top