Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Mắt em người Sài Gòn

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 22292 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mắt em người Sài Gòn
Chu Sa Lan

Chương 8

Nhật Yên mở cửa bước ra ngoài lan can. Tuy đang giữa mùa hè nhưng có lẽ vì ở trên cao nên gió man mát. Building cao ngất. Dây điện chằng chịt. Tiếng xe cộ rì rầm. Bóng người đi chầm chậm dưới đường. Sài Gòn. Thành phố thật xa lạ. Lạ từng con đường. Hàng cây. Lạ nét mặt người. Sài Gòn. Nơi anh sinh ra nhưng cảm thấy ít thân quen.

Chợ Bà Chiểu. Người đi lại nườm nượp. Tiếng rao hàng lanh lảnh. Mùi thức ăn hòa với mùi dầu mỡ bốc lên thành ra một thứ mùi đặc biệt chỉ có ở các chợ của thành phố Sài Gòn. Ở các chợ của một xứ văn minh như Mỹ thời mọi thứ đều ngăn nắp, trật tự và sạch sẽ. Còn ở đây cái gì cũng lạ mắt. Cái gì cũng xô bồ. Cái gì cũng hổn tạp. Chợ ở đây có cái mùi đặc biệt mà suy nghĩ mãi Nhật Yên cũng không thể nào đoán ra là mùi gì. Bị làn sóng người đẩy đi, anh tò mò nhìn ngắm cũng như tìm kiếm một hình ảnh hay đôi mắt của một người nào đó. Người dân ở đây cũng khác lạ. Đa số đều ít nói và dè dặt. Dường như trên khuôn mặt xương xương, gầy gò đều dấu kín nỗi buồn rầu, ủ ê hoặc lo âu. Họ không có nét vui cười tự nhiên như những người ở xứ khác. Nếu cười cũng chỉ là gượng gạo. Có nói cũng nói chừng mực. Bước lững thững một quãng anh đi vào khu vực bán thức ăn. Người ta bày bán các thức ăn bình dân như bún, cơm tấm, xôi và nhiều thứ chè mà anh không biết tên. Những người đàn ông ăn mặc tồi tàn, ngồi trên những cái ghế nhỏ và lùn ăn uống một cách vội vàng và hối hả có lẽ vì đói bụng. Tò mò Nhật Yên ngồi xuống một cái xạp có một bà già đang cúi đầu lui cui thổi cái lò than.

Cậu ăn cái gì hả cậu...

Bà già quay lại hỏi. Nhật Yên lặng người nhìn trân trân vào hình ảnh trước mặt của mình. Ở trên khuôn mặt già nua, nhiều vết nhăn và hốc hác là một cái gì anh khắc khoải kiếm tìm. Đôi mắt… Đôi mắt… Đó là đôi mắt của người con gái trong tranh. Khung mặt. Dù làn da nhăn, ánh mắt nhìn mỏi mệt, dù khác biệt nhiều nhưng anh vẫn nhận ra là bà già rất giống cô gái trong tranh. Bà ta là hình ảnh của cô gái, ba mươi hay bốn mươi năm về trước. Có thể lo âu, vất vả, gian nan của đời sống đã thay đổi nhưng bằng cảm nhận của tâm linh, bằng mối tương giao đặc biệt anh mơ hồ đoán nhận ra là bà già này chính là người anh tìm kiếm.

Dạ... Bác bán cái gì cháu ăn cái đó...

Thật ra Nhật Yên không biết bà già bán cái gì cho nên anh phải trả lời lấp la lấp lửng. Có lẽ hiểu nên bà già cười nói.

Tôi bán bún ốc. Cháu có ăn bún ốc bao giờ chưa?

Dù không biết bún ốc là cái gì nhưng Nhật Yên cũng gật đầu.

Dạ có... Cháu thích lắm... Bác cho cháu một tô đi...

Nhật Yên kín đáo quan sát bà già trong lúc bà ta làm việc. Mái tóc điểm sương bạc nhiều hơn đen. Khuôn mặt gầy và có vẻ bệnh hoạn. Bà ta thoạt nhìn như già đi trước tuổi. Anh chỉ đoán mò vậy thôi vì khó lòng đoán biết tuổi của người ở đây. Đối với anh họ vẫn còn nhiều khác biệt và xa lạ, mặc dù anh với họ là cùng chung một màu da và xứ sở.

Nhìn vào tô bún bà già đặt trước mặt của mình Nhật Yên ngửi được một mùi đặc biệt phảng phất như mùi nước mắm mà anh còn nhớ được. Những cọng bún trắng. Những con ốc vàng. Có lẽ biết cậu khách hàng của mình là Việt Kiều hồi hương nên bà già tự động nêm nếm và bỏ giá sống, rau thơm vào trong tô bún luôn cho tiện. Bà ta mỉm cười khi thấy cậu con trai chậm chạp và cẩn thận cầm lấy cái muỗng bằng nhựa đã đổi màu múc một ít nước lèo trong tô bún đưa lên miệng nếm thử trước khi ăn.

Bác nấu giống như má của cháu...

Vậy hả... Má của cháu còn sống hôn?

Dạ má cháu chết rồi...

Tội nghiệp chưa... Còn ba của cháu?

Dạ cũng chết gần mười năm...

Vậy à... Cháu có anh chị em gì hôn?

Dạ có... Cháu có một người chị... Chị Tú Anh thương cháu lắm...

Bà già bán bún ốc tự nhiên có cảm tình với cậu con trai xa lạ mới gặp lần đầu tiên. Bà ta cũng biết cậu con trai hiền lành và thật thà này là Việt Kiều ở Mỹ về thăm quê hương.

Cháu bao nhiêu tuổi?

Cầm cái muỗng nhựa múc một muỗng nước lèo đưa lên húp xong Nhật Yên cười trả lời.

Dạ cháu ba mươi ba tuổi...

Vậy hả... Cháu có vợ con gì chưa?

Hơi ngập ngừng giây lát Nhật Yên mới trả lời câu hỏi của bà lão bán bún ốc.

Dạ chưa...

Đưa tay đuổi mấy con ruồi đang bay lảng vãng quanh tô bún của Nhật Yên rồi bà ta mới cười hỏi tiếp.

Cháu tên gì vậy cháu?

Dạ cháu tên Nhật Yên

Chà tên nghe ngộ dữ ha...

Dạ má cháu nói tên của cháu là tên của một cái làng hay xã gì đó ở ngoài bắc...

Nhật Yên vừa ăn vừa nói chuyện với bà lão một cách vui vẻ.

Dạ cháu xin phép hỏi tên bác...

Liếc nhanh chàng trai trẻ bà lão bán bún ốc cười trả lời.

Bác tên Sương... Ở đây người ta quen gọi bác là bà hai Sương.

Vét cạn nước trong tô bún Nhật Yên cười bằng giọng thân tình.

Dạ bác hai... Ngày mai cháu trở lại ăn mà bác hai có bán nữa hông?

Bà Sương cười hiền hòa.

Có chứ cháu... Không bán thì lấy tiền đâu mà sống. Bác phải ra đây bán mỗi ngày...

Dạ... Mai cháu sẽ trở lại...

Dúi vào tay bà Sương cuộn giấy bạc Nhật Yên nói thật nhanh như sợ bà ta chối từ.

Cháu trả tiền cháo còn dư biếu bác mua thuốc bổ uống...

Tuy không biết đích xác số tiền là bao nhiêu nhưng bà Sương cũng biết cuộn giấy bạc đó phải nhiều hơn giá của một tô bún ốc. Rưng rưng nước mắt bà nói với giọng cảm động.

Cám ơn cháu... Mai cháu trở lại bác sẽ nấu cháo cá cho cháu ăn ngon hơn là bún ốc...

Nhật Yên cười nói trong lúc đứng lên.

Dạ... Trưa mai cháu sẽ tới...

Im lặng nhìn theo cậu con trai từ từ mất dạng bà Sương lẩm bẩm.

Thằng nhỏ hiền và dễ thương quá. Phải chi...

Chậm chạp mở cuộn giấy bạc bà mỉm cười ứa nước mắt. Nhật Yên đã trả hơn một trăm ngàn đồng cho tô bún ốc. Dù ngạc nhiên và mừng rỡ bà Sương cũng ráng dằn lòng ngồi lại đến chiều mới hối hả gánh hàng trở về nhà. Trong lúc ăn cơm tối bà vui vẻ kể lại cho con gái của mình nghe về cậu Việt Kiều tử tế và hiền lành.

Nhật Yên ngơ ngác tìm kiếm. Anh còn nhớ là hôm qua tại chỗ này là chỗ của bà Sương ngồi bán bún mà bây giờ lại trống trơn.

Cậu tìm bà hai Sương phải hôn?

Một người đàn bà ngồi bên cạnh chỗ bà Sương lên tiếng hỏi.

Dạ phải...

Nhật Yên chỉ trả lời có hai tiếng.

Bữa nay bả không có ra. Chắc bả bị bịnh rồi...

Nhật Yên ngồi xuống cái ghế thấp lè tè mà người đàn bà vừa bày ra.

Chị bán cái gì vậy?

Bún riêu... Cậu ăn hôn?

Muốn gây cảm tình để hỏi về bà Sương nên Nhật Yên gật đầu liền. Lát sau chị ta đặt trước mặt anh tô bún riêu mà nước nhiều hơn cái, một dĩa rau sống mà anh nhận ra được một thứ rau là mint hay húng lủi. Có lẽ vì đói bụng nên Nhật Yên cảm thấy ngon miệng và húp hết nước không còn giọt nào.

Ngon quá...

Nhật Yên nói với người đàn bà trẻ tuổi. Cười thành tiếng vui vẻ chị ta nói.

Tôi tên Ba. Bà Sương bịnh hoài hà. Cứ năm ba bữa là bả phải nghỉ một hai ngày. Tui nghe con gái của bả nói là bả bị ho lao nặng lắm...

Chị Ba quen với bả lâu chưa? Chị biết nhà bả không?

Quen với bả cả năm rồi mà tui không biết nhà của bả...

Không hỏi gì thêm Nhật Yên trả tiền rồi lủi thủi ra đường đón xe về khách sạn xong anh lại đi lang thang trong phố. Anh cảm thấy bứt rứt và bồi hồi khi biết tin bà Sương bị bệnh. Dường như giữa anh và bà Sương có một sợi dây tình cảm vô hình nối liền hai người khiến cho anh luôn luôn lo âu và nghĩ ngợi về bà ta. Phải chăng vì bà ta có đôi mắt, có khuôn mặt tương tự như thiếu nữ trong bức tranh. Phải chăng mình yêu bà ta? Nhật Yên cười lắc đầu vì ý nghĩ điên rồ đó. Anh biết mình không yêu bà Sương, một bà già đáng tuổi mẹ của mình. Có thể anh thương hại cho hoàn cảnh nghèo nàn và khổ sở của bà ta. Nhớ lại lời của người đàn bà bán hàng ngồi cạnh chỗ của bà Sương là bà ta có đứa con gái, anh hy vọng người này cũng ở vào khoảng tuổi của mình. Hy vọng cô gái này có đôi mắt giống mẹ, giống như thiếu nữ trong tranh. Hy vọng cô ta có khuôn mặt, thân vóc tương tự với người trong tranh, người mà anh đã yêu mê và tưởng nhớ gần một năm nay. Nhật Yên lang thang khắp nơi của trung tâm phố Sài Gòn với những ý nghĩ và suy tưởng lộn xộn trong trí của mình. Gần nửa đêm anh mới trở về khách sạn ngủ vùi vì mệt mỏi và buồn rầu.

10 giờ sáng. Trở lại chỗ bà Sương ngồi bán Nhật Yên lại thất vọng nhiều hơn vì không thấy bà ta. Ngồi xuống chỗ chị Ba bán bún riêu anh gọi tô bún và lân la gợi chuyện.

Chị Ba có quen ai biết nhà bà Sương không chị?

Tôi không biết ai. Tôi chỉ nghe bà ta nói nhà ở khu Lò Heo...

Nhật Yên năn nỉ chị Ba.

Chị dẫn tôi đi kiếm nhà bà Sương đi chị. Tôi sẽ trả công cho chị...

Cậu trả tôi bao nhiêu tiền. Tôi phải nghỉ bán...

Hiểu ý của chị Ba Nhật Yên vui vẻ thốt.

Chị dẫn tôi đi kiếm được nhà bà Sương thì tôi sẽ trả cho chị năm triệu đồng...

Chị Ba há hốc miệng nhìn Nhật Yên như không tin vào lời nói của anh.

Cậu... Cậu nói thật hả cậu...?

Chầm chậm gật đầu Nhật Yên quả quyết.

Tôi nói thật mà chị... Chị chịu hông?

Chị Ba vui vẻ ưng thuận. Chị không thể nào từ chối số tiền quá lớn mà Nhật Yên đã nói. Nó là một gia tài đối với kẻ bán hàng rong như chị. Bán buôn cả năm chưa chắc chị để dành được số tiền đó.

Cậu chờ tôi dọn đồ rồi mình đi. Lò Heo cũng gần đây. Tôi không biết nhà bà Sương nhưng mà hỏi người ta chỉ chắc cũng tìm ra...

Dọn dẹp xong chị Ba quảy gánh cùng Nhật Yên đi bộ về khu Lò Heo. Nắng tháng sáu chói chang. Đường xá đầy bụi bậm trong không khí hòa lẫn với mùi xăng nhớt khiến cho Nhật Yên khó chịu. Mồ hôi tươm trên trán, trên hai cánh tay và sau lưng.

Nóng quá...

Nhật Yên lên tiếng phàn nàn. Chị Ba cười liếc nhanh người đang đi bên cạnh mình.

Chưa nóng đâu cậu ơi... Bây giờ mới tháng sáu mà...

Nhật Yên cười im lặng xong len lén nhìn chị Ba rồi nhìn những người đi bộ trên đường. Hầu như ai cũng giống nhau. Quần áo dơ bẩn và cũ kỹ, nhiều chỗ rách phải vá víu bằng các mảnh vải khác màu với nhau. Đi bộ một lát chị Ba quẹo vào một con đường nhỏ hơn và nhà cửa cũng tồi tàn và lụp xụp hơn. Hai đứa con nít đang đứng chơi trên đường.

Hai em biết nhà của bà hai Sương?

Hai đứa nhao nhao lên tiếng.

Em biết... Chị cho tụi em tiền mua bánh tụi em sẽ dẫn chị tới nhà bà hai...

Nhật Yên mừng rỡ cho hai đứa trẻ tiền để nhờ chúng dẫn đường tới nhà bà Sương. Theo chân chị Ba và hai đứa trẻ đi quanh co trong hẻm Nhật Yên tò mò nhìn ngắm khung cảnh của một xóm nghèo nàn và lụp xụp. Ruồi nhặng bay khắp nơi. Mùi hôi thối xông lên khiến cho anh phải nín thở. Lát sau hai đứa trẻ dừng lại trước ngôi nhà lợp tôn. Nhật Yên cảm thấy hồi hộp vì thấy nhà vắng tanh và thêm lo lắng không biết hai đứa trẻ có dẫn mình tới đúng nhà không.

Bà hai... Bà hai... Có người kiếm bà nè bà hai...

Trong nhà không có tiếng trả lời. Chị Ba hỏi lớn.

Phải nhà bà Hai Sương không hai đứa?

Phải mà chị. Bà hai bán bún ốc ở chợ Bà Chiểu mà chị. Em biết bả mà chị...

Bà hai ơi bà hai... Bà có nhà không bà hai?

Chị Ba vừa lên tiếng hỏi vừa bước vào cửa. Có tiếng trả lời yếu ớt vọng lên.

Ai vậy? Ai kêu tôi vậy?

Tôi nè bà hai. Tôi dẫn cậu Yên tới thăm bà...

Nhật Yên nghe có tiếng ho rồi bà Sương từ trong buồng bước ra. Bà ta ngạc nhiên khi thấy Nhật Yên.

Chào cậu...

Dạ chào bác... Cháu nghe chị Ba nói bác bị bịnh nên nhờ chỉ dẫn đường tới thăm bác...

Cám ơn cậu... Tôi già cả nên bịnh rề rề quanh năm...

Quay sang chị Ba Nhật Yên cười nói.

Cám ơn chị dẫn đường. Tôi ở đây thăm bà hai. Tôi xin đưa tiền cho chị...

Giữ lời hứa Nhật Yên đưa tiền cho chị Ba. Ngoài ra anh còn cho hai đứa bé dẫn đường thêm mấy ngàn đồng. Đợi cho chị Ba và hai đứa nhỏ đi xong Nhật Yên ân cần hỏi thăm bà Sương.

Bác bịnh chi vậy bác. Con đưa bác đi bác sĩ để chẩn bịnh nghe bác?

Ngần ngừ giây lát bà Sương mới trả lời.

Cám ơn cậu. Tôi bị cảm cúm sơ sài vậy mà. Cậu ngồi chơi. Nhà tôi nghèo quá...

Con đưa bác đi bác sĩ nghe bác... Bịnh của bác cần phải đi bác sĩ và uống thuốc mới khỏi được... Bác đừng lo tiền bạc. Con có tiền... Con coi bác như má của con nên con muốn giúp bác...

Nhật Yên nói bằng giọng gần như là năn nỉ khiến cho bà Sương cảm động trước lòng tốt của cậu trai mà bà chỉ mới quen sơ mấy ngày.

Cám ơn cậu... Tôi sẽ nghe theo lời cậu nhưng phải đợi con Quỳnh Trân về đã...

Nhìn quanh căn nhà tồi tàn Nhật Yên chạnh lòng thương cho hoàn cảnh nghèo khổ của bà Sương. Hiện giờ anh quên mất bà ta là người giống với cô gái trong tranh mà anh định đi tìm. Anh chỉ nghĩ tới sự giúp đỡ một người đồng hương nghèo khổ và bệnh hoạn.

Cô Trân là ai vậy bác?

Con gái của bác... Nó đi làm chút nữa mới về...

Im lặng giây lát Nhật Yên mới nói tiếp.

Cháu chờ cô Trân về xong cháu sẽ nói chuyện với cô Trân để chở bác đi bác sĩ. Bác đừng để ý tới chuyện tiền bạc...

Bà Sương nhìn ra cửa trong lúc nghe Nhật Yên nói. Thấy bóng cô gái thấp thoáng ngoài đường hẻm bà ta cười nói với Nhật Yên.

Con Quỳnh Trân nó về...

Nghe bà Sương nói Nhật Yên vội quay nhìn ra. Khi cô gái bước vào cửa anh lặng người vì bàng hoàng và run rẩy. Quỳnh Trân, cô con gái của bà Yên Sương giống hệt như thiếu nữ trong tranh ngoại trừ một điểm duy nhất là già hơn một chút. Anh nghe được tim của mình đập thình thịch khi nhìn đôi mắt của Trân. Đó là đôi mắt của người trong tranh. Mặc dù ăn mặc giản dị và không son phấn nhưng tự người của nàng toát ra nét gì lạ lùng và quyến rũ khiến cho anh phải nhìn đăm đăm không rời.

Trân hơi ngỡ ngàng khi thấy một thanh niên lạ mặt ngồi trong nhà và đang nhìn mình với ánh mắt kỳ lạ.

Con Quỳnh Trân, con gái của tôi đó cậu...

Bà Sương lên tiếng khiến cho Nhật Yên giật mình. Ấp úng giây lát anh mới cười thốt.

Chào cô Quỳnh Trân... Tôi tên Nhật Yên... Tôi quen với bác...

Khẽ gật đầu chào khách Trân cười thốt.

Dạ chào anh. Má của tôi có nói về anh...

Quay sang bà Sương Trân hỏi nhỏ.

Má khỏe hôn má. Hồi sáng con nấu cháo cá mà má có ăn chưa má?

Má ăn rồi con... Cậu Yên tới thăm má. Con làm nước chanh muối mời cậu uống đi con...

Dạ...

Nhật Yên lên tiếng liền khi thấy Trân định bỏ đi pha nước chanh muối.

Cám ơn cô Trân tôi không có khát nước. Nghe nói bác bị bịnh nên tôi tới thăm. Tôi muốn bàn với cô Trân về chuyện đưa bác đi bác sĩ...

Thấy Quỳnh Trân có vẻ ngần ngại Nhật Yên tiếp nhanh.

Tôi năn nỉ chở bác đi bác sĩ mà bác không chịu bảo chờ cô về...

Trân cười nhẹ.

Cám ơn anh Yên... Bịnh của má tôi đâu cần đi bác sĩ. Vả lại...

Nhật Yên hiểu Quỳnh Trân muốn nói điều gì. Nhìn cô gái anh nói nhỏ.

Tôi nghe chị Ba nói bác bị bịnh nặng. Bác bị lao phổi phải không cô Trân?

Bị Nhật Yên vặn hỏi và bắt gặp cái nhìn nửa van lơn nửa nghiêm nghị của ông Việt Kiều hồi hương Quỳnh Trân đâm ra bối rối. Câu hỏi của Nhật Yên khiến cho nàng lấy làm khó xử vì không muốn nhờ vả vào người lạ. Tự ái không cho phép nàng nhận sự giúp đỡ của chàng trai trẻ tuổi mới quen biết và nhất là mới gặp mặt lần đầu tiên.

Cô Trân... Tuy mới gặp bác nhưng tôi thương cho hoàn cảnh của bác và thương bác như thương má của tôi. Đó là lý do tôi muốn đưa bác đi bác sĩ chẩn bệnh và chữa trị. Bệnh lao phổi để lâu nguy hiểm lắm. Bác có thể chết...

Thấy Quỳnh Trân ngần ngừ chưa trả lời Nhật Yên tiếp nhanh.

Cô đừng ngại về chuyện tiền bạc. Tôi sẽ trả hết mọi chi phí cho bác...

Quỳnh Trân nhìn Nhật Yên thật nhanh xong quay nhìn má của mình. Nàng thầm thở dài khi nhìn gương mặt xanh xao và hốc hác của mẹ già. Dường như nàng khó lòng khước từ sự giúp đỡ của Nhật Yên.

Quỳnh Trân cám ơn anh Nhật Yên nhiều lắm...

Nói nửa chừng Trân quay qua nhìn má của mình như hỏi ý kiến. Thấy bà mỉm cười gật đầu nàng cười nói.

Dạ... Quỳnh Trân xin làm phiền anh Nhật Yên...

Nhật Yên cười.

Như vậy là cô Trân bằng lòng?

Dạ... Chừng nào mình mới đi bác sĩ hả anh?

Ngay bây giờ. Tôi chờ cô và bác sửa soạn xong là mình đi... Mình ra đường đón tắc xi tới phòng mạch bác sĩ liền...

Bà Sương vào trong buồng sửa soạn. Trong lúc ngồi chờ Nhật Yên hỏi.

Cô có quen biết với bác sĩ nào không?

Dạ có... Ông bác sĩ này cũng ở gần đây. Lâu lâu Trân cũng đưa má tới xin thuốc...

Quay qua nhìn Nhật Yên thật nhanh rồi Quỳnh Trân thở dài tiếp.

Dạ Trân cũng muốn cho má chữa bệnh nhưng không có tiền mua thuốc và ăn uống bổ dưỡng. Thuốc men bây giờ hiếm và mắc lắm anh Nhật Yên à...

Nhật Yên gật đầu cười nói một cách vui vẻ như cố làm cho Quỳnh Trân đừng lo âu về tiền bạc.

Tôi hiểu. Cô Trân đừng ngại về chuyện tiền bạc. Tôi thương bác như thương má của tôi. Má tôi mất lâu rồi...

Nhìn Quỳnh Trân anh thở dài nói nhỏ.

Khi cha mẹ mình mất đi mình mới biết rằng đó là một mất mát lớn lao nhất trong đời của mình. Tôi không muốn cô Trân mồ côi...

Quỳnh Trân ứa nước mắt vì câu nói thành thật của Nhật Yên.

Cám ơn anh Nhật Yên đã thương má của Trân. Anh là kẻ có lòng rất ít khi thấy trong xã hội này...

Không có chi... Tôi chỉ làm những gì mình có thể làm để giúp đỡ bác. Bây giờ mình đi...

Nhật Yên đứng lên khi thấy bà Sương bước ra. Do dự giây lát Quỳnh Trân dìu mẹ ra cửa.

Bác có cần cháu dìu bác đi không bác?

Nhật Yên hỏi bà Sương. Bà ta cười nói với giọng vui vui.

Cám ơn con... Con Trân nó đỡ được rồi...

Quỳnh Trân mỉm cười khi nghe má của mình gọi Nhật Yên bằng tiếng con âu yếm và thân mật. Dường như bà ngầm chấp nhận cậu con trai mới quen là người trong gia đình.

Quỳnh Trân và Nhật Yên ngồi cạnh nhau trong phòng mạch bác sĩ. Tiếng nói chuyện ồn ào lẫn với tiếng con nít khóc và mùi hăng hắc xông lên làm cho Nhật Yên nhăn mặt.

- Anh Nhật Yên khó chịu phải không?

Quỳnh Trân hỏi với giọng săn sóc. Nhật Yên gật đầu cười.

- Tuy không quen cái mùi bệnh viện nhưng tôi chịu được... Quỳnh Trân đừng lo...

- Dạ...

Nhật Yên cảm thấy lòng mình rung lên nhịp tình cảm kỳ diệu. Dù không nói ra anh biết Quỳnh Trân rất giống với người con gái trong tranh mà mình đã mê say. Tương tự như mẹ của mình, Trân có nhiều điểm phù hợp một cách lạ lùng không thể giải thích được với người con gái trong bức tranh.

Dạ... Quỳnh Trân xin hỏi anh Nhật Yên... Cái này hơi tò mò một chút...

Nhật Yên cười vui vẻ.

Trân cứ hỏi. Ngay cả về đời tư tôi cũng trả lời cho Trân biết...

Anh Nhật Yên qua Mỹ lâu chưa?

Tôi qua Mỹ lâu rồi. Lúc tôi còn nhỏ lắm...

Như vậy là anh Nhật Yên chắc lớn tuổi hơn Trân. Trân cũng sanh năm 75... Tháng 11...

Tôi sanh tháng 2 năm 74...

Anh Nhật Yên làm gì ở bên Mỹ...

Nhật Yên quay nhìn cô gái đang ngồi cạnh mình.

Tôi viết văn...

Nói được ba tiếng Nhật Yên ngừng lại khi nhìn vào đôi mắt long lanh đẹp tuyệt vời của Trân. Dường như mắc cỡ cô gái chớp mắt rồi cúi đầu xuống và nói nhỏ.

Viết văn chắc cực và nghèo hả anh?

Nhật Yên cười. Ba má của anh cũng thường nói với anh như thế lúc anh còn học trung học. Ông bà chắc cũng biết làm văn chương nghệ thuật ở Việt Nam nghèo khổ. Có ông văn thi sĩ Việt Nam nào giàu đâu.

Quỳnh Trân hỏi tiếp.

Chắc anh Nhật Yên phải giỏi tiếng Việt lắm...

Nhật Yên cười đùa.

Không đâu. Tôi tính nhờ cô Trân dạy cho tôi tiếng Việt. Tôi viết văn bằng tiếng Anh...

Trân tưởng anh Nhật Yên viết tiểu thuyết bằng tiếng Việt...

Viết tiếng Anh mới có tiền nhiều hơn. Nước Mỹ có trên ba trăm triệu người do đó thị trường tiêu thụ sách báo của họ mạnh m và rộng lớn lắm so với số người Việt chỉ có khoảng một triệu người...

Quỳnh Trân tủm tỉm cười.

Anh Nhật Yên viết được mấy cuốn rồi. Có cuốn nào best seller chưa?

Nhật Yên quay nhìn Quỳnh Trân với vẻ ngạc nhiên và thắc mắc. Anh không ngờ cô gái nghèo nàn này cũng biết chút ít về chuyện viết lách ở nước ngoài. Ngoài ra hai tiếng best seller của nàng làm cho anh nhớ tới Jane.

Ba cuốn rồi... Tất cả đều là best seller...

Hèn chi...

Quỳnh Trân muốn nói cái gì?

Quỳnh Trân cười cười trả lời.

Trân muốn nói anh là triệu phú... Cho nên anh không ngại chuyện tiền bạc...

Nhật Yên đùa.

Triệu phú thời chưa nhưng mà có tiền thời có kha khá. Bởi vậy tôi mới năn nỉ cô Trân là đừng có lo ngại khi đem bác đi chữa bệnh...

Quỳnh Trân cám ơn sự giúp đỡ của anh Nhật Yên. Nếu không có anh chắc má của Trân không mạnh khỏe được...

Nhật Yên cười nhìn Quỳnh Trân. Cô gái im lặng chịu đựng tia nhìn kỳ lạ của người thanh niên giây lát mới cúi đầu xuống. Nhìn chiếc áo bà ba đen đã phai màu vì nắng mưa thành trắng bạc anh cảm thấy thương xót vô hạn cô gái đang ngồi bên cạnh mình. Cuộc đời nàng là bất hạnh. Nghèo khổ, vất vả, buồn phiền khiến cho nàng trông già hơn tuổi. Nàng không có mái tóc huyền bóng mượt mà anh hằng mơ tưởng. Nàng không có chiếc áo dài trắng đơn sơ mà anh thường hay nghĩ đến. Chỉ riêng có đôi mắt. Đôi mắt tuyệt vời. Long lanh buồn tới mức độ mà khi nhìn vào anh cảm thấy mình chìm mất vào khoảnh trời mộng mơ diễm ảo.

Quỳnh Trân không cần cám ơn. Tôi thương bác như má của tôi nên giúp đỡ là chuyện thường...

Nói tới đó Nhật Yên ngừng lại khi thấy bác sĩ Toàn và bà Sương bước ra. Bắt tay anh ông bác sĩ cười nói một cách vui vẻ.

Tôi sẽ gởi bà tới bệnh viện để scan hai lá phổi của bà. Tôi nghĩ…

Bác sĩ Toàn ngập ngừng giây lát đoạn nói với Nhật Yên.

Tôi muốn nói chuyện riêng với cậu…

Hiểu ý Nhật Yên vui vẻ nói với Quỳnh Trân.

Trân và bác ngồi chờ một lát. Tôi cần nói chuyện với bác sĩ Toàn…

Vào văn phòng, mời Nhật Yên ngồi xuống ghế xong bác sĩ Toàn lên tiếng.

Tôi nghĩ bà không phải bị lao phổi mà bị ung thư phổi…

Nặng không bác sĩ?

Nhật Yên hỏi và bác sĩ Toàn thở dài.

Tôi chỉ đoán vậy thôi. Sau khi bà đi scan phổi thời mới biết chính xác được…

Nhìn Nhật Yên giây lát ông ta nói tiếp.

Tôi chỉ nói riêng cho cậu biết thôi rồi tùy cậu định liệu… Cậu bà con như thế nào với bà Sương?

Nhật Yên trả lời sau một chút đắn đo.

Dạ không có bà con gì hết. Tôi ở Mỹ về rồi tình cờ gặp bác Sương. Thấy hoàn cảnh của bác nên tôi thương và giúp đỡ…

Bác sĩ Toàn gật đầu cười.

Ít có người như cậu. Chữa bệnh ung thư tốn tiền lắm. Tôi nói cho cậu biết rồi tùy cậu. Chữa có thể chỉ kéo dài thời gian năm ba tháng hoặc một hai năm mà thôi…

Nói chuyện với bác sĩ Toàn xong Nhật Yên bước ra. Thấy nét mặt của anh hơi buồn Quỳnh Trân hỏi nhỏ.

Có chuyện gì mà Trân thấy anh hơi buồn?

Không muốn cho bà Sương và Quỳnh Trân biết nên Nhật Yên cười giả lả.

Bác sĩ Toàn nói với anh là bác bị lao phổi khá nặng cần phải chữa trị gấp. Bây giờ cũng hơi trễ rồi vậy sáng mai mình phải đưa bác tới bệnh viện cho họ chụp hình và thử nghiệm…

Quỳnh Trân nhìn Nhật Yên chăm chú. Anh cảm thấy tâm hồn xuyến xao và run rẩy khi nhìn vào đôi mắt của nàng hay đôi mắt của người con gái trong tranh.

Anh Nhật Yên có điều gì giấu Trân phải hôn?

Nhật Yên bối rối giây lát rồi cười nói lảng.

Đâu có… Anh đâu có điều gì giấu Trân đâu…

Cô gái nở nụ cười tươi.

Dạ… Mai mốt mà anh thú thiệt là Trân sẽ nhéo anh một cái thiệt đau. Anh nhớ nghe…

Nhật Yên bật lên tiếng cười vui vẻ. Nhìn bà Sương đang ngồi lim dim trên ghế anh thì thầm.

Thôi mình đi về cho bác nghỉ ngơi…

<< Chương 7 | Chương 9 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 942

Return to top