Đan Phong ngồi bên bàn viết.
Trên bàn để đủ mọi thứ. Bản thảo, giấy, bút mực, sách vở, tự điển, thư từ nhưng mọi thứ đều ngăn nắp sạch sẽ.
Phòng thật yên lặng. Chỉ có tiếng gió rít qua khung cửa. Đan Phong tựa người vào ghế quaỵ Dưới cái ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn bàn, trông nàng như người đang mê ngủ. Một người đẹp trong tranh.
Đan Phong đang đọc thự Cái bức thư đã lâu lắm rồi. Phong có lẽ đã đọc qua hàng trăm, hàng ngàn lượt. Nhưng nàng vẫn lấy ra đọc, đọc đi đọc lại nhiều lần.
Đan Phong quý mến,
Trước hết, xin có lời chúc mừng Phong, như sự mong muốn của mọi người, Phong đã đậu ra trường.
Mấy năm qua, tôi và chị của Phong đều chỉ có một mục tiêu là rất mong mỏi và hy vọng ngày này... Chúng tôi đã từng sắp xếp tính toán. Kế hoạch là đợi đến ngày Phong tốt nghiệp, chúng tôi sẽ đi thẳng ra bãi biển bên bờ Thái Bình Dương. Sẽ chọn một tảng đá phẳng phiu, khui một chai rượu champange, nâng ly và chúc mừng sự thành công của Phong. Chúng tôi sẽ nốc cạn chai rượu. Sau đó sẽ ném nó xuống biển... để nó trôi dạt về phương trời Phong đang ở.
Đan Phong.
Phong có biết không? Chúng tôi đã nói với nhau nhiều thứ. Kế hoạch, tính toán tương lai. Trong quả tim của Bích Huệ. Phong là nguồn sống, là tin yêu của cô ấy. Lúc nào cũng nghe Huệ tự trách: Tại sao lúc đầu không có can đảm và nghị lực kéo Phong ở lại, để bây giờ Phong phải bơ vơ xứ lạ quê người? Mỗi lần Đan Phong thư về kể lể nỗi buồn cô đơn và những cực nhọc ở trời xa là Bích Huệ khóc. Bích Huệ không cầm được nước mắt. Tôi ngồi cạnh chỉ biết buồn. Phải chi tôi san sẻ được nỗi khổ của Huệ. Tôi chỉ là một người đàn ông yếu đuối, bất lực. Không xoay được định mệnh. Nhưng mà những dằn vặt kia... bây giờ nhìn lại, tôi thấy không thấm thía vào đâu so với cái nỗi khổ bây giờ. Cái nỗi khổ đang có khi viết thư cho Phong đây. Tôi thấy mình lầm lẫn sai sót nhiều thứ. Nhưng cái sai sót không thể tha thứ nhất ở đây. Cái không thể tìm lại được ở đây là... Đan Phong, cô cần phải thật bình tĩnh... Bình thản để nghe tôi nói. Dù gì bây giờ cô đã tốt nghiệp đại học. Cô không còn là đứa con nít mới lớn nữa. Cô đã trưởng thành, phải nói là trưởng thành hơn cả những đứa con gái bằng tuổi vì cô đã từng có cái nỗi đâu mất cha, lạc mẹ. Vì vậy, Phong phải thật can đảm, can đảm để đối diện với sự thật. Đan Phong quý mến, bây giờ tôi xin nói cho cô biết một sự thật.
Người chị yêu quý của cô, đã qua đời cách đây hơn nửa năm!
Đan Phong,
Xin hãy tha thứ cho chuyện tôi đã giấu cô suốt nửa năm qua... Bởi vì như cô, tôi hiểu rất rõ Bích Huệ. Cô ấy không bao giờ muốn, chuyện cô ấy mất đi ảnh hưởng đến việc học của Phong. Nên như một sự mặc khải. Tôi đã lẳng lặng lấy tên Bích Huệ, tiếp tục gửi chi phiếu liên tục cho Phong. Xin Phong hãy bỏ qua cho chuyện mạo nhận dó. Bích Huệ là một cô gái hiền lương, cao cả, thương em. Cuộc sống có cay đắng cực nhọc thế nào, cũng một mình cắn răng nhận lấy, không than van, Bích Huệ giống như những đóa lan rừng thơm ngát giữa rừng sâu không ai biết. Phong biết không? Tôi đã từng trách trời trách đất, tôi oán than những đấng siêu phàm, tại sao khéo vô tình như vậy...
Nhưng mà, người mất thì dù sao cũng đã mất rồi, phải không Phong? Bây giờ có còn tưởng nhớ thì cũng không còn. Nhưng mà tôi nghĩ có nhớ Bích Huệ không, ngoài Phong và tôi ra, còn ai nữa đâu? Mẹ cô dù gì cũng còn chồng, còn con, bà ấy có đau thương khi nghĩ đến con, thì cái đau thương đó cũng hạn chế. Chỉ có tôi và Đan Phong, ngoài ra không còn ai hết. Mất cô ấy, coi như tôi bị mất tất cả. Đan Phong, cô tin tôi đi! Lúc Bích Huệ mất, tôi đã khổ đau gấp trăm lần cộ Tôi đã từng không thiết sống... đã khóc không nguôi. Vậy mà bây giờ tôi vẫn đứng vững được. Vì vậy Đan Phong, tôi mong là cô cũng thế... Hãy vì chị cô, vì tôi... Đừng đau khổ quá sức, hãy bảo trọng.
Bích Huệ mất vào ngày 27 tháng 12, sau đêm Noel không lâu. Trước đó, tôi thấy cô ấy mỗi ngày một gầy... , nhưng tinh thần vẫn bình thường, nên chẳng ai ngờ là cô ấy bị bệnh tim. Mãi cho đến lúc cơn bệnh bộc phát, đưa đến bệnh viện thì không còn kịp nữa... , tôi không thể viết lại được một cách chi tiết diễn biến câu chuyện. Tôi không có cái can đảm đó. Cô chỉ nên biết như thế thôi. Dù gì người xưa cũng từng nói: "Người chết thì đã không còn. Người sống cần gì phải vấn vương". Đan Phong, từ xưa đến giờ tôi chỉ biết, chứ không gặp qua cô, nhưng không hiểu sao, trong phút giây này, tôi chợt nghĩ, có lẽ hiểu được lòng tôi, ngoài cô ra không còn ai khác.
Bích Huệ lúc còn sống rất yêu thi cạ Lúc nào rảnh rỗi nàng hay lấy thơ ra đọc, trong đó thích nhất là đọan sau đây của Nhịp Thắng Quỳnh: "Tìm về mộng, mộng lại không thành. Có ai biết lòng tôi lúc ấy? Lệ tuôn trào bên gối mãi bình minh".
Không ngờ những lời thơ kia lại sao ứng với hoàn cảnh tôi trong lúc này, thế này?
Xin lỗi, đúng ra tôi không nên viết mấy hàng này. Vì trước khi đặt bút viết thư, tôi đã dặn với lòng, phải viết một bức thư thế nào để động viên, an ủi cho Phong thôi, không ngờ càng viết lại càng làm thư biến chất. Xin lỗi Phong nhé! Tát cả nào phải tôi muốn vậy?
Tôi không biết là trong khoảng thời gian còn lại của cuộc đời, tôi có cơ hội để gặp Phong không? Biết đâu có? Mà lúc đó hẳn tóc đã bạc? Nhưng dù có thế nào, thì hình ảnh của Phong trong tim tôi vẫn là... một cô em gái nhỏ dễ thương... Có gì cần, Phong cứ biên thư về cho tôi. Như biên thư cho Bích Huệ vậy. Tôi cũng có một đứa em, nhưng là em trai. Tôi cũng quý nó như Bích Huệ quý Phong vậy. Vì vậy, tôi hiểu và cảm thông sâu sắc thế nào là tình anh em, chị em.
Đan Phong, đừng vì chuyện Bích Huệ qua đời, mà thay đổi tình bạn của chúng tạ Hãy coi tôi như anh cả của cô, để tôi được tự nhiên chăm sóc cô.
Đan Phong,
Tôi biết, bức thư này đối với Phong là cả một khoảng trời sụp đổ. Thật không may, con người sống trên đời này cứ gặp mãi những chuyện bất ngờ. Phong nghĩ có đúng không? Sống chết có số, thành bại tại thiên. Tôi phải dẫn chứng mấy câu này ra để Phong nhớ lại và... , cố gắng sống. Cố gắng gầy dựng cuộc đời với sự nghiệp mình. Đừng buồn, đừng đau khổ nữa. Hãy bảo trọng sức khỏe.
Giấy ngắn tình dài, thư không bao giờ hết ý. Hãy nhận lời chúc đầy tình cảm của tôi. Chúc Phong vui khỏe.
Giang Hoài"
Đan Phong ngẩn ra nhìn bức thư, suy nghĩ. Mặc dù thư đã gần như thuộc làu, nhưng Phong vẫn đọc, nàng mở rộng bức thư, đặt trên đùi, nhưng mắt lại dán vào cái ánh sáng mờ đục của cái đèn bàn, nàng cứ ngồi như thế mãi cho đến lúc chuông cửa reo vang. Phong ngồi thẳng lưng lại, nhét phong thư vào ngăn kéo, sửa lại gấu áo, mái tóc, mới bước ra mở cửa.
Giang Hoài khệ nệ Ôm cái hộp giấy trên tay bước vào.
- Em bận gì đấy mà anh bấm chuông thật lâu mới thấy ra mở cửa?
Đan Phong cười nhẹ.
- Không có gì bận cả. Em chỉ ngồi đây nghĩ ngợi mọi thứ thôi.
- Chắc là tìm cảm hứng phải không? Hoài đặt cái hộp lên bàn rồi ngắm Phong. Phong trong bộ áo màu trắng thẳng nếp mái tóc xõa dài trông thật liêu trai. Hoài nói - Em đẹp như mơ thế, anh tưởng tượng em giống như một cánh hoa huệ.
Hoài nắm lấy tay Phong định kéo vào lòng nhưng Phong đã đẩy chàng ra xa, nàng nhìn lên bàn hỏi.
- Cái gì thế này?
- Một món quà cho em.
- Hôm nay là ngày gì mà tặng quà?
- Bộ bắt buộc phải là lễ lộc mới tặng quà hay sao?
Hoài nói với nụ cười và chàng bắt đầu mở hộp giấy, nhưng không hiểu sao Hoài ngưng lại nhìn lên nói.
- Em có chuyện không vui phải không?
- Không có.
Đan Phong đáp với nụ cười gượng. Hoài đẩy cái hộp qua một bên, quay lại nhìn Phong. Chàng kéo Phong đến gần một chút hỏi:
- Có chuyện gì vậy?
- Không có.
- Em đừng giấu anh. Giang Hoài đặt ngón tay lên mi mắt của Phong - Không bao giờ không có chuyện gì mà mắt em ướt được. Hãy nói cho anh biết đi?
Đan Phong chớp chớp mắt, rồi tựa đầu lên vai Hoài nói:
- Em nghĩ là, em thấy hơi cô đơn một chút.
- Cô đơn à? - Giang Hoài chau mày - Suốt ngày hôm nay anh gọi dây nói đến mấy lượt mà có tiếng em ở nhà đâu?
- Không phải ở nhà mới cô đơn - Đan Phong chậm rãi nói - Em lang thang suốt ngày trên phố, cửa hàng nào em cũng ghé nhưng em thấy buồn buồn làm sao ấy. Cuối cùng em quay về nhà. Nhưng cũng không cảm thấy vui hơn.
- Tại sao em không gọi điện thoại cho anh?
- Vì em biết anh rất bận. Anh đâu có rảnh rỗi như em, nên em không dám quấy rầy.
- Không dám quấy rầy? Hoài nhìn thẳng vào mắt Đan Phong - Em buồn mà không dám quấy rầy anh. Sao vậy? Em có biết là trên đời này còn gì quan trọng hơn nỗi buồn kia không? Đan Phong. Thôi có lẽ tại anh cả. Anh đã để em không hài lòng. Đó là lỗi của anh vậy.
-Sao lại là lỗi của anh?
- Bởi vì, ở đây em chỉ có anh. Vậy mà anh không đủ cái uy lực để mang đến niềm vui cho em, để lấp đầy cái khoảng trống trong tim em. Để em buồn thì là lỗi của anh con gì nữa.
- Đừng tự trách mình một cách vô lý như vậy.
Đan Phong nhìn lên mắt ướt hơn.
- Anh nên hiểu là em, mặc dù sinh ra ở phương Đông nhưng lại lớn lên ở trời âu. Cái lối sống của em phần lớn nằm ở bên đấy. Vì vậy, đôi lúc nghĩ đến Luân Đôn. Nghĩ đến bạn bè, đến sông Thame, đến những cảnh sinh hoạt trong cung nghệ thuật, đến các hí viện, em cũng thấy nhớ nhớ làm sao. Dù gì em cũng sống ở đấy hơn 8 năm trời.
Giang Hoài vuốt nhẹ lên má Phong.
- Tội nghiệp em tôi. Mãi đến bây giờ, em cũng không xác định được đâu là nhà của em nữa phải không?
Đan Phong chớp chớp mắt.
- Anh đừng bị em làm ảnh hưởng mà xúc động. Thôi bây giờ mở quà ra đi. Em muốn xem nó là gì nào? Giang Hoài không buông ngay Phong.
- Khoan hãy xem. Bây giờ em hãy cho anh biết. Em đã ăn cơm tối ở đâu?
- Em không quên ăn cơm tối chứ? Giang Hoài hỏi giọng trách móc - Em đã từng khuyên anh đừng quên chuyện dùng cơm tối. Vậy mà, em mới là người hay quên điều đó.
Đan Phong cười gượng:
- Nhưng không ăn cơm tối cũng đâu có gì quan trọng đâu?
- Phải không đấy?
Giang Hoài chau mày rồi chợt nhiên buông Phong ra. Chàng bước nhanh về phía cuối phòng đến tủ áo lấy ra cái robe trắng đưa cho Đan Phong.
- Thay đi nào. Anh biết có một quán ăn với món bánh mì Pháp quốc nổi tiếng nhất ở thành phố này. Chúng ta hãy đến đó. Khung cảnh cũng trữ tình lắm.
Đan Phong cầm cái áo do dự:
- Thật ra thì em không cảm thấy đói.
- Đâu nhất thiết phải đói mới ăn đâu. Hoài nói: - Nếu em không thấy đói lắm. Thì chúng ta thay vì dùng bánh mì ta sẽ ăn món ốc sên Pháp quốc hoặc uống rượu, ta cần cái khung cảnh trữ tình thế thôi được không?
Hoài nói như để kích thích tình cảm của Phong. Thế là sau đấy cả hai ra khỏi nhà. Bên ngoài, trời tháng tư, vẫn còn những cơn gió lạnh. Trên nền trời trăng vừa tròn lại vừa sáng, ánh sáng của trăng làm lu mờ sự lấp lánh của sao khuya. Đan Phong nhìn lên trời, rồi nói:
- Trách gì người xưa chẳng nói: "Trăng tỏ sao mờ". Khi trăng sáng quá thì mọi vật không còn khả năng đua chen nữa.
Hoài cười.
- Em có óc quan sát rất tinh tế, hiếm thấy người con gái nào như vậy.
Đan Phong pha trò.
- Anh có lầm lẫn không? Chứ em thì ngay trong giây phút này, em vẫn cảm thấy mình chưa hiểu rõ về anh lắm.
- Em nói vậy là sao?
- Không sao cả. Nhiều lúc em thấy anh giống như đại dương sâu thẳm đa mang. Anh có nhiều thứ mà không phải chỉ ra hai hoặc ba ngày là có thể thấy rõ được hết. Đại dương là như vậy. Có khi phải bỏ ra cả đời người cũng chưa hẳn là nghiên cứu tỏ tường.
Giang Hoài nhìn Phong dưới ánh trăng. ánh mắt cô gái có cái gì đó khó hiểu. Chàng nói:
- Nếu anh là đại dương thì anh lại có cảm giác em giống như bầu trời. Anh không biết cái nào hơn cái nào.
Đan Phong nhìn xuống mỉm cười không nói.
Chẳng bao lâu, họ đã có mặt tại cái nhà hàng đầy chất lãng mạn. Phòng ăn được thiết kế theo phong cách Pháp quốc, họ chọn một cái bàn riêng rẽ nơi góc phòng, đầu tiên dùng hai ly rượu chát đỏ. Đan Phong đã ngửi thấy mùi bánh mì phết hành nướng và cả mùi bíp tết nàng tuyên bố thật sự đói bụng. Thế là Giang Hoài gọi ba món súp hành, bíp tết và cả ốc sên.
Hớp một hớp rượu chát đỏ, Đan Phong mới bắt đầu quan sát, ở đây quán khá đắt hàng, thực khách phần lớn là người nước ngoài nhưng cũng có cả người Trung Quốc. Đan Phong nâng ly lên nói:
- Lúc còn ở Luân Đôn em không nghĩ là đất nước mình lại tiến bộ nhanh như vậy - Món bíp tết ở đây có vẻ ngon hơn cả bên Anh.
- Chuyện đó chỉ xảy ra cách đây hai năm thôi. Phải nói là nền kinh tế của chúng ta tiến nhanh thật. Hoài nhận xét - Em đã đi khắp nơi trên thế giới, em đã hưởng thụ được nhiều thứ. Nhưng ở đây, bây giờ mọi thứ cũng có. Em thấy không? Sự tiến bộ của đất nước, khiến các nước khác không còn dám khinh thường hay kỳ thị chúng tạ Anh thấy bây giờ ở đây, mọi thứ đều có. Đó là lý do tại sao anh không đi ra nước ngoài. Có lẽ phần nào vì cái óc dân tộc hẹp hòi của anh lớn quá!
- Nhưng mà hình như hai cô em gái của anh đều ở nước ngoài?
- Vâng, lấy chồng học ở nước ngoài thì phải sang đấy chứ. Đó chỉ là chuyện bất đắc dĩ.
- Thế còn em trai của anh? Anh có định cho chú ấy ra nước ngoài không?
Đan Phong hỏi nhưng mắt lại hướng về phía khác, nơi quày rượu có khoảng bốn năm người đàn ông. Họ đang uống rượu. Trong đó có một người đứng tuổi mang kính gọng vàng đang chăm chú nhìn về phía nàng.
- Em trai của anh à? Giang Hoài chợt nhớ đến Giang Hạo, nhớ đến cái phòng gọi là vỏ ốc của hắn, đến bầy ong, đến Lâm Hiểu Sương với Cầu Tuyết - Anh cũng không biết, hắn đang học về văn chương Anh. Cái bộ môn này cũng khác gay gọ Văn học nước nhà còn chưa nắm vững được mà đòi học văn học Anh quốc. Rồi Hoài cười nói - Hắn học năm thứ hai đại học rồi đấy, nhưng thích phịa lắm. Cái gì hắn cũng gắn cho Shakespear nói. Em biết không? Có một lần trong buổi kiểm trạ Giáo sư hỏi, về một câu văn xem có phải là của Shakespear không? Chú ta không nghĩ ngợi gì. Đáp ngay "Của Shakespear chứ còn ai nữa. Vì câu văn không hề trật văn phạm" Chú ấy là như vậy đó. Thông minh thì có thừa nhưng hơi lười biếng.
Đan Phong không nín được cười.
- Thế lần đó chú ấy được bao nhiêu điểm?
- zêro!
- Như vậy là không công bình. Đan Phong hớp một hớp rượu nói - Nhưng mà đáp án của câu đó là sao?
- Câu đó không phải của Shakespear mà là của Dickens.
- Nó thế nào anh biết không?
- "Cái thời đại quang minh tươi sáng nhất cũng là cái thời đen tối nhất... "
- A! Tôi hiểu rồi. Câu nói nằm trong quyển "Song thành ký"
- Vâng, một đề tài quá dễ...
- Đúng. Tánh của chú ấy có vẻ hơi quậy đấy.
Đan Phong liếc về phía quày rượu nàng thấy gã đang ông mang kính gọng vàng vẫn không ngừng nhìn nàng.
Món súp hành tây đã được mang ra. Đan Phong rót thêm một tý sữa chua vào, nàng dùng thìa quậy đều.
- Anh có vẻ quý chú ấy quá! Hắn nghịch ngợm như vậy mà mỗi lần nghe anh đề cập đến lại với một giọng điệu thán phục.
- Vâng. Hắn nghịch nhưng lại nghịch một cách dễ thương.
Đan Phong nhìn Hoài yên lặng một chút lại thở dài. Hoài thắc mắc.
- Sao vậy? Làm gì em lại thở dài thế?
- Đâu có. Em chỉ thấy hâm mộ. Có anh em mà quý nhau như vậy thì hay biết chừng nào.
- Thế em không quý mấy đứa em của em sao?
Nụ cười trên môi Phong chợt tắt. Nàng nhìn lên. Đôi mắt như phủ bởi một màn sương mù.
- Em chỉ yêu chị em thôi. Một người chị đáng yêu đáng quý. Riêng những đứa em của em chúng chỉ là những đứa tóc vàng mắt xanh. Nó hoàn toàn Tây Phương, nó không biết nói tiếng mẹ đẻ. Anh biết không? Có một lần thằng em lớn cãi nhau với em. Hắn dám đá em rồi nói "Này cái con heo, mày hãy cút về nước đi!". Bà mẹ yếu đuối của em chỉ biết ngồi buồn. Từ đó về sau em không thèm quay trở lại Manchester nữa. Em ở luôn trong trường.
Đan Phong thở dài lại tiếp.
- Chị Bích Huệ như là một hiện thân của mẹ nhưng chị ấy đã chết rồi! Anh Giang Hoài tại sao, đúng ra anh không nên để chị ấy chết, đúng ra phải như vậy.
Hoài đặt tay lên tay Phong chia sẻ. Phong chợt mất vui. Bíp tết được mang ra, mùi thơm nức mũi. Phong trải khăn tay ra nói.
- Ngửi cái mùi bơ này, làm em thấy đói ngay.
Hoài siết chặt tay Phong rồi buông ra, chàng nói với giọng xúc động.
- Đan Phong, em hãy vì anh ăn nhiều nhiều một chút. Nắm lấy cánh tay khẳng khiu của em mà anh thấy đau lòng.
- Anh sợ em gầy? Đan Phong buột miệng. - Anh sợ là, rồi em sẽ chết một cách bất ngờ như chị em? Rồi không còn ai thay thế phải không?
- Ồ!
Giang Hoài chợt buông thõng đôi taỵ Có một nỗi chua xót len vào tim. Chàng đỏ cả mắt... Giận dữ và đau khổ lẫn lộn. Nó như dâng lên tận cổ làm Hoài muốn nghẹt thở.
- Đan Phong. Tại sao em lại có thể nói như vậy chứ? Em tàn nhẫn lắm. Em muốn ta phải mãi sống trong đau khổ ư? Em giày vò làm gì? Nếu anh sớm biết em muốn như vậy. Anh đã xa lánh. Anh không thể sống với hình ảnh của Bích Huệ mãi mãi xuất hiện. Ta sẽ không bao giờ có hạnh phúc khi cứ mãi nghĩ đến chuyện đã quạ Đan Phong, em nghĩ đi, có đúng như vậy không?
- Anh Giang Hoài!
Đan Phong buông muỗng nĩa xuống. Nàng chợt thấy hối hận. Tại sao ta lại hành động như vậy? Tại sao? Giữa lúc Phong còn chưa biết xử trí thế nào thì gã đàn ông mang kính gọng vàng ban nãy xuất hiện. Hình như gã cũng biết cả Giang Hoài. Gã vừa cười vừa bước tới bàn Hoài và Phong.
Phong vội lắc lắc tay Hoài nói.
- Có ai quen kìa... Họ chào anh đấy.
Giang Hoài như bừng tỉnh quay quạ Nhưng gã đàn ông mang kính gọng vàng kia không có vẻ gì là quan tâm đến Hoài, gã bước thẳng tới bên Đan Phong. Vừa cười vừa đưa tay ra định bắt tay Phong.
- Ồ! Lâu lắm rồi không gặp em. Như vậy có nghĩa là em nào có rời bỏ thành phố này? Vậy mà họ đồn, họ nói bậy nói bạ làm ban nãy tôi thấy mà không dám nhìn em... à... à... Em có vẻ thay đổi nhiều lắm.
Hắn kéo sát gọng kính ngắm kỹ Phong một chút, rồi tiếp.
- Em không còn nhớ tôi ư? Em đã từng đặt cho tôi cái tên là "Bốn mắt vàng" đấy? Không nhớ à? Cái hôm sinh nhật của em, tôi đã phải tốn những...
Giang Hoài chợt nhảy nhỏm lên, chàng đẩy ông mắt kính kia qua một bên, chàng có vẻ thật giận dữ.
- Xin lỗi ông, ông nhìn lộn người rồi đấy!
Gã đàn ông trung niên kia có vẻ hơi say, nên khi bị đẩy, gã loạng chọang suýt ngã. Gã cũng có vẻ giận dữ không kém, kéo cao tay áo hét.
- Mày làm gì đẩy tao? Muốn đánh lộn à? à tao nhớ ra rồi mày là cái thằng mặt trắng, ăn bám đàn bà, mày chỉ có cái vỏ đẹp trai, được rồi muốn đánh lộn thì đánh. Đồ đĩ đực... Đồ hèn ha...
Giang Hoài không đáp, vung tay lên, gã mang kính bị đấm ngã nhào về phía dãy ghế gần quày rượu. Bàn ghế ngã lỏng chỏng. Phòng ăn rối loạn hẳn lên. Thực khách sợ phiền hà, đứng lên bỏ chạy. Tiếng hét, tiếng gọi nhau nếu không có hầu bàn đến kịp thời thì đám bạn của gã mắt kính đã nện cho Hoài nhừ tử.
Hoài vội ném xấp giấy bạc lên bàn rồi kéo Đan Phong ra cửa, mặc cho những tiếng hét, tiến gầm gừ bên trong.
Bên ngoài gió thật lạnh. Đan Phong rùng mình. Nàng chưa hết sợ hãi, hỏi Hoài.
- Tại sao lại có chuyện lạ lùng như vậy?
Giang Hoài không đáp thẳng chỉ nói.
- Xui xẻo thật. Gặp một tay say rượu quậy quá, sóm biết thế này, đã không ghé vào đây.
Đan Phong yên lặng nghĩ ngợi. Nàng nghĩ lại cái thái độ của gã đàn ông mang kính, gã đã nhìn nàng rất lâu, từ khi Phong và Hoài vào quán, như vậy đâu có phải là tại say? Phong liếc sang Hoài. Hình như Hoài vẫn còn giận, trên đường về nhà, chàng không hề mở miêng nói lời nào. Chỉ ngồi yên lặng lái xe, Phong biết Hoài không phải chỉ giận vì câu nói ban nãy của nàng mà còn vì chuyện khác.
Đến trước nhà, Phong mở ví lấy chìa khóa ra mở cửa. Hoài chỉ đứng tựa người bên tường yên lặng. Cửa mở. Phong chợt nói.
- Em hiểu rồi gã đàn ông ban nãy chắc chắn là biết chị Bích Huệ. Vì vậy, gã đã nhìn lầm em là chị ấy. Đúng ra, anh không nên đánh nhau với hắn. Anh phải hỏi chuyện cho rõ ràng. Biết đâu hắn là bạn của chị ấy thì sao?
- Bích Huệ không thể có một người bạn như vậy được. Giang Hoài cắt ngang. Chàng nhìn thẳng vào mắt Phong giận dữ nói - Bắt buộc chúng ta phải nói rõ chuyện của Bích Huệ sao?
- Đúng vậy. Đan Phong cũng cảm thấy bực dọc - Dù gì chị ấy cũng là chị ruột của em và đã là người yêu của anh, nếu anh sợ không dám nhắc đến chị ấy thì chắc chắn là anh đã làm một điều gì đó... không phải với chị ấy.
Giang Hoài trừng mắt nhìn Phong rồi không hiểu sao, chàng quay người đi, giọng nói như nghẹn lại.
- Thôi được, tôi về đây!
Nói xong, Hoài bỏ đi một nước, không quay đầu lại. Đan Phong đứng tựa cửa, lòng nhói đau. Nàng định lên tiếng gọi, định nói gì... Nhưng không hiểu sao Phong không làm được, Phong nhìn theo mãi cho đến lúc bóng Hoài mất hút, mới chạy vào phòng, đóng cửa lại.