Đã đến lúc quyết định vấn đề cuối cùng, có thể là vấn đề chủ yếu nhất. Vài ngày trước bầu cử, đón trước diễn biến sự kiện, tôi cho mời Putin đến gặp. Cuộc trao đổi của chúng tôi đã củng cố quyết định dứt khoát của tôi: thời điểm đã đến!
Tôi cần rút lui, cần phải từ chức. Không nên tiếp tục cản trở Putin. Cần né sang bên. Giải phóng đường đi.
Tổng thống từ chức. Ra đi trước thời hạn.
Cũng không phải lần đầu. Tổng thống đầu tiên và cuối cùng của Liên Xô Mikhail Gorbachov cũng rời chức vụ vào tháng 12, đúng tháng 12 năm 1991.
Số phận của Gorbachov, số phận các quan hệ của tôi với ông ta, số phận của nước Nga trong bước ngoặt ghê gớm và hiểm nguy cuối thập kỷ 80 đầu những năm 90... không phải một hay hai lần tôi đã nhìn lại và suy ngâm về những ngày nước Nga thay đổi chính trị. Thay cho Liên bang Xô-viết là một đất nước mới với đường biên giới khác, những ưu tiên khác trong chính sách đối nội và đối ngoại, với những cơ cấu chính trị khác và một hệ thống chính quyền khác. Tôi hiểu rằng quá trình này khó khăn và đau đớn như thế nào.
Gorbachov cũng hiểu điều đó.
Trong những lần gặp cuối cùng ở Kremli mùa thu năm 1991, khi chúng tôi thảo luận về nhân sự của Hội đồng Bộ trưởng mới được bổ nhiệm ngay sau cuộc chính biến tháng Tám - những ứng cử viên này do tôi đưa ra dưới hình thức gây áp lực nhưng cũng có cân nhắc ý kiến của Gorbachov, đó là vấn đề phá bỏ chế độ cũ vẫn chưa thoả thuận được.
Liệu có thể phá tan ngay một cách không thương xót cái cơ nghiệp đã được xây dựng với bao khó nhọc trong suốt bấy nhiêu thập kỷ? Nét mặt của Gorbachov toát lên rất rõ: không thể được.
Trước mắt tôi là những bức tranh của cuộc chính biến: những chiếc xe tăng và thiết giáp đậu trên đường phố, những người đồng chí, cộng sự của Gorbachov đang cố tình vi phạm pháp luật của đất nước, các luật lệ nhân văn và pháp lý.
Tôi nghĩ, các tướng lĩnh của Gorbachov, những kẻ thực hiện mẫn cán của cái hệ thống này, những Yazov, Kryuchkov (Quốc phòng, KGB, Nội vụ) theo bổn phận phải bảo vệ Nhà nước tránh mọi đảo lộn và hỗn loạn lại quyết định làm đảo chính, quyết định chống lại Tổng thống, nghĩa là cái hệ thống này đã không còn chỗ đứng. Tôi không có quyền để cho các tướng lĩnh lãnh đạo một đất nước có vũ khí hạt nhân, không có quyền cho phép họ làm đảo chính một lần nữa. Đúng, chính quyền Xô-viết đã tương đối an bài và Gorbachov rất sợ phá vỡ nó, sợ một cách hoảng loạn. Nhưng nếu một lần chính quyền Xô-viết đã để bị lật đổ thảm hại, thì theo các quy luật nội tại trong cơ cấu chức năng tự thân chính quyền này đã hết thời. Bảo vệ cho nó khỏi bị tự sụp đổ hoàn toàn là điều không thể được, còn tiếp tục tin tưởng vào nó thì thực là nguy hiểm chết người.
Để các ông tướng Xô-viết không kịp làm vụ tắm máu đối với chúng ta, không gây ra bạo loạn tiếp theo, cần có những cải cách chính trị tức thì và căn bản.
Cần đánh giá Gorbachov một cách công bằng: Dù trong tất cả các bất đồng không khoan nhượng giữa chúng tôi, trong các quan hệ cá nhân phức tạp của chúng tôi ông ta vẫn nhận thức rất rõ cái lô gích ấy của tiến trình chính trị và không định làm phức tạp thêm tình hình. Ông ta không cố gắng chiến đấu bảo vệ quyền lực cá nhân vì hiểu quá rõ sau cuộc chính biến, cái quyền lực ấy của ông ta đã không còn trở lại nữa. Trong những ngày nóng bỏng tháng 11, tháng 12 năm 1991 đó, cả tôi và Gorbachov đều lo lắng một vấn đề: Làm sao để chuyển đổi tình hình được êm thấm nhất. Làm thế nào để đảm bảo một tiến trình quá độ đúng đắn và có trật tự từ một không gian chính trị này sang một không gian chính trị khác, từ một hệ thống chính quyền cũ sang một hệ thống mới, từ nền “dân chủ” Xô-viết quan liêu một nền dân chủ thực sự, được củng cố bởi các giá trị tự do thực sự?
Hiệp ước do lãnh đạo ba nước Nga, Ucraina và Belorusia ký kết ở khu rừng thông Belovez trong tình thế này là một bước đi chính trị duy nhất có thể. Những người cộng sản không thể ngờ đến một sự phát triển chóng mặt đến như thế của các sự kiện. Vị thế chính trị mới của một liên minh do các nước cộng hoà cũ tạo lập đã tước từ tay những người cộng sản thứ vũ khí của họ đó là hệ thống hành chính cũ. Họ bị đặt ngay vào một lịch sử mới, một thực tế mới để tập hợp lực lượng và tổ chức lại từ đầu (không có sự trợ giúp của bộ máy Nhà nước khổng lồ) cần có khá nhiều thời gian. Về những điều kiện ký kết Hiệp ước Belovez thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập SNG tôi đã kể lại chi tiết trong một cuốn sách trước đây. Ở đây tôi không muốn đề cập đến nữa.
Xuất phát từ tất cả các hoàn cảnh kể trên tôi đã xem xét vấn đề đảm bảo cá nhân dành cho vị Tổng thống Liên Xô đầu tiên Gorbachov và gia đình ông ta.
Có vẻ như vấn đề hoàn toàn riêng tư, cá nhân. Nhưng đối với đất nước chúng ta, lịch sử của chúng ta thì vấn đề vượt khá xa ra ngoài các nhu cầu cuộc sống, sinh hoạt của vị Tổng thống này và khỏi cả phạm vi vấn đề số phận tiếp theo của ông ta. Đối với nước Nga đây là vấn đề thực sự có ý nghĩa lịch sử toàn thế giới.
Lịch sử nước Nga cho thấy: ông chủ của đất nước không bao giờ tự nguyện chuyển giao quyền lực. Luôn luôn hoặc là một cái chết tự nhiên, hoặc là một vụ mưu phản tiếm quyền, một cuộc cách mạng.
Chế độ cộng sản đã thừa hưởng một sự cự tuyệt cuộc chuyển giao êm thấm chính quyền sang những bàn tay mới. Nga hoàng chỉ rời ngai vàng hoặc sau khi chết hoặc bị đảo chính. Tổng Bí thư Đảng cộng sản Liên Xô cũng thế. Cái việc mà năm 1964 cuộc đảo chính diễn ra một cách hoà bình và Khrusov còn sống không làm thay đổi bản chất của vấn đề. Khrusov bị cưỡng bức từ bỏ khỏi vũ đài chính trị và bị quản thúc tại gia. Đối với nhân dân Liên Xô vĩ đại, vị lãnh tụ hôm qua của họ, một con người đang sống và đang biết suy nghĩ, trong một ngày đẹp trời bỗng dưng biến mất. Ông ta không thể tham gia vào đời sống của đất nước, không được đi đâu nếu như chưa được phép. Về cái chết của ông ta chỉ có vài dòng nhỏ xíu trên một tờ báo.
Trong trường hợp cuộc chính biến giành thắng lợi, trong trường hợp “tập đoàn” các tướng lĩnh Xô-viết nắm chính quyền thì số phận Gorbachov cũng gần giống như vậy (mặc dù có thể các sự kiện xảy ra theo một kịch bản bi thảm hơn - còn do chính cái lô gích của cuộc đảo chính đưa dẩy). Bây giờ thì tôi và Gorbachov buộc phải giải quyết một vấn đề không đơn giản: số phận của cựu Tổng thống Liên Xô ở nước Nga mới sẽ ra sao? Cần xây dựng một tiền lệ về thái độ kính trọng xứng đáng đối với một nhân vật lớn rời vũ đài chính trị. Tôi đã cố gắng làm tất cả những gì có thể theo hướng này, không phải riêng cho cá nhân một ai mà là cho đất nước.
Gorbachov được quyền sử dụng một trong những dinh thự của Nhà nước (nhà nghỉ “Sông Matxcơva - 5”, chính cái nhà mà ông ta rất thích thú và đã cố nài nỉ). Một nhóm bảo vệ, xe công vụ dành riêng cho ông ta và gia đình. Dịch vụ y tế, lương hưu.
Sắc lệnh về các đảm bảo cho Gorbachov năm 1991 còn một số điểm quan trọng nữa.
Trước tiên nó cho phép Mikhail Sergeevich có điều kiện hoạt động chính trị xã hội trong giai đoạn mới. Quỹ “Gorbachov” được sử dụng một khu nhà ở trung tâm Thủ đô Matxcơva.
Ít lâu sau trên báo chí có không ít lời độc địa rằng hình như tôi tước đi nhóm bảo vệ, xe ô tô, nhà nghỉ của Gorbachov do sự ti tiện của ông ta.
Đó là điều không đúng sự thật.
Một phần diện tích nhà ở và làm việc bị “Quỹ Gorbachov” đem cho thuê, quả thật chúng tôi đã lấy lại, chuyển cho một cơ quan khác, một cơ sở hoạt động nhân đạo chứ không phải vì lý do chính trị. Các nhân viên của “Quỹ” nói rằng cần cho thuê để lấy tiền cho”Quỹ” này hoạt động. Nhưng việc sử dụng vào mục đích thương mại các diện tích của “Quỹ Gorbachov” là trái với thực chất của sắc lệnh.
Tôi cũng biết rằng chín năm qua từ sau khi từ chức Mikhail Sergeevich đã củng cố được tiếng tăm của mình trong dư luận xã hội với tư cách một nhà chính trị thông thái, củng cố sự nổi tiếng của mình với tư cách một con người đã xé toang “bức màn sắt”.
Không phải một hay hai lần trên bàn làm việc của tôi có những báo cáo: Nào là Gorbachov ra nước ngoài đã phê phán tuốt tuột, trong các chuyến đi và trong các cuốn sách Gorbachov nặng lời phê phán chính sách của nước Nga mới, muốn thông qua việc phê phán, đả kích Yeltsin để tích luỹ điểm cho mình. Cũng có nhiều người xúi bẩy, thúc đẩy tôi “trả đũa” Gorbachov. Nhưng tôi thường dứt khoát bỏ ngoài tai những câu chuyện loại này.
Mặc dù mấy năm đầu sau ngày từ chức nói thật tôi phải khó khăn lắm mới kiềm chế được. Trong lòng cứ sôi lên mỗi khi nghe thấy Gorbachov ở nước ngoài nói về tôi, về những công việc nội bộ của nước Nga chúng ta.
Nghịch lý của hoàn cảnh là ở chỗ đảm bảo duy nhất cho quyền bất khả xâm phạm cho Gorbachov chỉ có tôi. Biến Mikhail Sergeevich để trong con mắt xã hội thành một con lừa giống “tên tội phạm chính trị số một” lúc bấy giờ là điều dễ nhất. Nhiều nhà dân chủ “làn sóng thứ nhất” không thể tha thứ cho Gorbachov vì sự nghiêng ngả, chao đảo của ông ta từ bên này sang bên kia. Hình như, đối với nhân dân, Gorbachov là đại diện cái ác của đảng trong đó người ta thấy mọi bất hạnh và khủng hoảng của chúng ta. Cuối cùng, cái lô gích bình thường của bộ máy buộc người ta đổ lên đầu người tiền nhiệm mọi điều xấu xa tội lỗi của quá khứ. Tóm lại, ở trong nước, ông ta là một trong những nhân vật ít được kính trọng nhất.
Dẫu sao mỗi một lần cảm xúc ập đến tôi lại phải dùng nỗ lực của ý chí chế ngự để quên đi những gì trong mối quan hệ cá nhân giữa tôi và Gorbachov. (Tôi không muốn đề cập đến đề tài này ở đây bởi trong các cuốn sách trước tôi đã thuật lại khá chi tiết về việc Gorbachov đã truy bức, trả thù tôi như thế nào sau khi tôi bị phê phán công khai, sau đó đã ra sức ngăn cản tôi ra sao trên từng bước đường chính trị).
Tôi hiểu sâu sắc răng mặc dù chúng tôi có những bực bội với nhau, khả năng để Gorbachov được sống một cuộc sống bình thường, nói những gì ông ta thích, tham gia vào tranh cử Tổng thống năm 1996... đối với toàn nước Nga, đối với nền dân chủ mới quan trọng không kém gì đối với chính bản thân Mikhail Sergeevich.
Sau năm 1996 có lần các phụ tá của tôi mang đến xin chữ ký vào giấy mời Mikhail Sergeevich đến dự một buổi lễ long trọng ở Điện Kremli, tôi bỗng dưng cảm thấy sự chống đối thường tình trong tôi biến mất. Ngược lại, tôi thấy nhẹ nhõm.
Tôi nghĩ rằng chúng tôi cũng có chuyện để trao đổi.
Gần đến cuối nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ hai tôi mới thực sự nhận thấy mình đã đúng khi biết kìm nén nỗi bực mình, không để bị tình cảm chi phối, lấn át. Bực tức và xúc động đã đi qua, mục đích đã đạt được. Chúng tôi muốn xây dựng một tiền lệ cho một cuộc sống cởi mở, không bị bó buộc, bình yên của cựu nguyên thủ quốc gia, - và chúng tôi đã xây dựng được. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Nga. Xây dựng được và bất chấp tất cả. Nhưng Mikhail Sergeevich không một lần (trước lễ đăng quang nhậm chức của Putin) đáp lại lời mời của tôi. Vậy mà đã gần tám năm qua chúng tôi chưa gặp lại nhau. Tám năm trời!
Lần quan hệ gần dây nhất của gia đình tôi và gia đình Gorbachov xảy ra trong hoàn cảnh đau buồn như mọi người đã biết. Phu nhân của Gorbachov, bà Raisa Maximovna qua đời.
Tôi không biết, tôi có nên đi đưa tang không. Tôi rất muốn đến chia buồn, trong khi đó lại biết rằng sự có mặt của tôi có thể gây ra xúc động thừa, làm tăng thêm đau buồn cho gia đình Gorbachov. Vợ tôi, bà Naina đã đến viếng và đưa tang. Bà ấy đã đi cùng Gorbachov gần một tiếng đồng hồ. Cuộc gặp lại sau một thời gian gián đoạn đã thực sự chân thành và đầy tình người.
Hôm nay dư luận xã hội đối với Gorbachov đã thay đổi. Người ta tha thứ nhiều cho Mikhail Sergeevich. Nhất là sau khi vợ ông ta qua đời, những người dân thường lần đầu tiên sau nhiều năm đã dành cho cựu Tổng thống những tình cảm bình thường, ấm áp đó là sự cảm thông chia sẻ.
Một điều rất tự nhiên, khi dự định từ chức, tôi cố đoán xem: điều gì sẽ xảy ra sau khi ta rút lui? Mọi người sẽ đối xử ra sao?
Không một chút ảo tưởng nào, sẽ không thể có sự vồ vập, yêu mến. Nhưng có cả những băn khoăn, khi ta đi ra ngoài, đến nhà hát liệu có bị la ó, huýt sáo phản đối không?
Một điều rõ rằng là qua một thời gian nào đó, nhiều điều tôi đã làm sẽ được mọi người cảm thông. Nhưng, ngay sau khi từ chức, khi mà theo truyền thống cũ của nước Nga thường là người ta trút lên đầu người vừa mới ra đi tất cả mọi lỗi lầm và bất hạnh thì mình sẽ chịu đựng như thế nào, sẽ sống ra sao?
Những ngờ vực, suy ngẫm, ưu tư lắm khi dằn vặt của tôi trong những ngày tháng chạp năm 1999 đã kết thúc bằng cái gì, như thế nào, mọi người đều đã biết.
Trong những tuần đầu, những thảng đầu Putin nắm quyền, theo quan điểm của tôi, có một quyết định gây nên nhiều tranh cãi. Nó liên quan đến những suy nghĩ của tôi về việc từ chức. Đây là tôi nói về những đảm bảo mà Putin giành cho tôi.
Tôi không bao giờ cầu xin bất cứ ai về vấn đề này. Tôi luôn luôn từ chối thẳng thừng khi có người bàn vấn đề này.
Không dưới một lần các nhà thương thuyết từ Duma Quốc gia khoá trước đến đề nghị tôi trao đổi, tham gia về cái dự luật “những đảm bảo cho Tổng thống không còn giữ chức vụ”, trong số này có các vị đại diện của Đảng cộng sản. Nhưng tôi không trả lời: “Nếu muốn các vị cứ thông qua. Tôi không liên quan gì”.
Dự luật vậy là vẫn chưa được thông qua.
Sau này Volosin giải thích cho tôi rằng các luật gia ở Văn phòng Tổng thống khăng khăng yêu cầu phải có một sắc lệnh khẩn cấp. Họ cho rằng, không thể chờ đợi Duma thông qua dự luật như vậy, vì trong lĩnh vực pháp lý sẽ tạo ra một khe hở, mà cái khái niệm về tư cách pháp lý của vị Tổng thống đã rời cương vị thì không chấp nhận những khe hở tạm thời. Như quy định trong Hiến pháp, trong trường hợp thiếu một đạo luật nào đó Tổng thống có trách nhiệm lấp lỗ trống luật pháp đó bằng một sắc lệnh của mình. Ngày 31 tháng 12 năm 1999, Tổng thống từ chức, luật chưa có. Nhưng thậm chí có nhân danh những mục đích luật pháp cao cả thì cũng không cần vội vã. Dầu rằng, về mặt con người tôi có thể hiểu Putin.
Có điều ở nước ta cũng như trên thế giới có nhiều những tin đồn nhảm nhí và những lời bình giải bậy bạ về nội dung sắc lệnh của Putin: nào là tất cả các thành viên gia đình tôi đều được miễn mọi trách nhiệm pháp lý trước luật pháp. Nào là sắc lệnh về các đảm bảo dành cho Yeltsin những đặc quyền không thể tưởng tượng được... nhưng cái điều xằng bậy nhất là có vẻ như sắc lệnh này là hợp đồng giữa Yeltsin và Putin. Putin đã dành cho tôi quyền bất khả xâm phạm, còn tôi, đổi lại tôi nhường lại vị trí cho anh ta ở Kremli trước thời hạn.
Tôi sẽ không bình luận điểm cuối cùng về sắc lệnh. Vì sự phi lý hoàn toàn của nó. Không một sắc lệnh nào có thể đảm bảo được quyền bất khả xâm phạm. Chỉ có những người quá ấu trĩ không hiểu biết gì về chính trị mới có thể tin rằng các sắc lệnh hoặc đạo luật có thể đảm bảo được cái gì đó cho cựu nguyên thủ quốc gia.
Một khi xã hội đã trở nên ốm yếu bệnh hoạn và độc ác, nó nhất định tìm được kẻ có lỗi trong các bất hạnh của mình và khi đó Yeltsin sẽ bị buộc tội về tất cả các lỗi lầm chết người. Đến lúc đó thì đừng nói đến một sắc lệnh, mà chẳng có một đạo luật nào cứu nổi.
Còn nếu như xã hội phát triển một cách dân chủ, văn minh, mà tôi tin là sẽ như thế, thì tự cái xã hội lành mạnh sẽ đảm bảo cho chính sự bất khả xâm phạm của một Tổng thống đã thoái vị.
Bây giờ tôi nói về chính cái sắc lệnh. Đây là những gì viết trong điểm nói về quyền bất khả xâm phạm: “Tổng thống Liên bang Nga, khi chấm dứt việc thực thi các quyền hạn của mình, có quyền bất khả xâm phạm... Không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và hành chính, bị giam giữ, bị lục soát, thẩm vẩn hoặc khám xét cá nhân...”.
Các thành viên gia đình tôi không hề được hưởng quyền miễn trừ. Chẳng có trở ngại luật pháp, pháp lý nào đối với việc điều tra bất kỳ một vụ án, một sự việc nào liên quan đến những người xung quanh Tổng thống. Đây quả chỉ là một câu chuyện hoang đường do báo chí dựng lên.
Trong sắc lệnh có nói về một số đảm bảo bình thường tôi có thể nói như vậy, về phục vụ, dịch vụ mà Nhà nước giành cho một Tổng thống.
Đó là quyền sử dụng xe ô tô và quyền có một nhóm cảnh vệ, quyền sử dụng các phòng đặc biệt dành cho các chính khách và các đoàn đại biểu cấp cao ở các nhà ga, sân bay, quyền sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc của Chính phủ. Trong sắc lệnh cũng có khoản về nhà nghỉ cấp cho Tổng thống làm nhà ở. Có một khoản về dịch vụ y tế. Nói tóm lại chẳng có gì đặc biệt và giật gân cả.
Hơn nữa, lúc đó, vào cuối tháng 12 năm 1999, tôi chẳng biết tí gì về cái sắc lệnh này và tôi hoàn toàn suy nghĩ về vấn đề khác. Nếu nói ngắn gọn, tôi đã suy nghí những cái gì đang đợi tôi và tất cả chúng ta sau ngày đó - 31 tháng 12. Cuộc sống đang đợi chúng ta sao.
Một cuộc sống khác
Một tâm trạng kỷ lạ bao trùm lên tôi vào những ngày đầu tiên của tháng giêng năm 2000.
Dường như tôi đã chuyển sang vào một cuộc sống khác.
Tôi gần như cảm nhận có sự thay đổi rõ nét về mặt thể lực: gánh nặng đến ghê sợ của tất cả những năm, những tháng, những ngày gần đây đã trút khỏi vai. Không thể diễn tả hết bằng lời những cảm giác ấy. Tôi không còn nhớ đến bất kỳ sự trầm uất, sự trống rỗng nào mà tôi từng sợ hãi và từng dần dần cố gắng chuẩn bị tâm lý để phải đón nhận chúng. Ngược lại, đó hoàn toàn là những cảm xúc dễ chịu, tâm trạng nhẹ nhàng, thoải mái.
Ngày 1 tháng Giêng, Vladimir Putin cùng vợ là Liudmila đến chơi nhà tôi.
Trong suốt những ngày sau khi từ chức tôi được nghe biết bao những lời nói dễ chịu. Thậm chí là quá nhiều. Nhiều đến nỗi chưa bao giờ người ta nói với tôi như thế. Và tất nhiên tôi vẫn còn nhớ cốc rượu chúc năm mới của Vladimir Vladimirovich.
Tôi và anh vui vẻ cụng ly sâm-panh. Không chỉ vì mỗi lý do là năm mới đến.
Từ ngày hôm nay Putin được tự do hành động tuyệt đối: trong việc lựa chọn những ưu tiên, quan điểm kinh tế và cuối cùng là việc lựa chọn người cho đội hình mới của mình. Cả tôi, cả anh đều hiểu rất rõ: một cuộc đời hoàn toàn mới đã bắt đầu nơi anh.
Thế rồi sau đó là một tuần lễ có thể nói diễn ra như câu chuyện cổ tích.
Sau ngày lễ năm mới tôi cùng Naina và các con gái bay đi Israel, tới Wifleem, dự lễ kỷ niệm 2000 năm ngày Chúa Jesus ra đời. Chúng tôi bay trong tiết trời rất xấu: lúc thì mưa, lúc lại tuyết rồi gió, rồi bão dông...
Tại sân bay tôi hỏi một người ra đón: cái gì kia vậy, có phải có ngôi sao đang mọc trên nền trời Thành phố Wifleem không? Người này cau mày rồi trả lời là anh ta chẳng nhìn thấy gì cả vì trời mưa. Còn tôi có cảm tưởng tôi nhất định phải nhìn thấy bằng được ngôi sao trên Thành phố Wifleem. Cuối cùng, việc khởi đầu một thiên niên kỷ mới kể từ ngày Đức chúa sinh ra cũng là lần ra dời thứ hai của tôi.
Việc chủ yếu trong chương trình của chúng tôi là làm lễ kỷ niệm ngày Chúa giáng sinh tại thánh đường. Nhưng trước tiên chúng tôi đi thăm Jerusalem.
Israel làm ta kinh ngạc bởi cảm giác của một điều thần kỳ thường ngày nào đó, mà lại mộc mạc, đơn sơ.
Bầu không khí xanh dịu của vùng Địa Trung Hải như được hoá thân vào các câu chuyện huyền thoại, những điều bí ẩn và sự cổ kính. Điều này được cảm nhận lập tức, ngay khi đặt bước chân đầu tiên lên mảnh đất Israel.
Tôi gặp Tổng thống Veisman, thảo luận các vấn đề quan hệ song phương. Cuộc viếng thăm đã được chuẩn bị sớm, ngay từ trước khi tôi từ chức, và các tài liệu cần thiết tôi cũng đã nghiên cứu trước đó rồi. Bỗng chốc tôi nhận ra là mình thay vì thường hay nói “tốt, đồng ý”, tôi bắt mình (tất nhiên là hơi cố, thói quen vẫn là thói quen mà) phải nói “Nhất định tôi sẽ chuyển lời thăm hỏi của Ngài tới Vladimir Vladimirovich”.
Chiếc xe của chúng tôi bỗng dừng lại đột ngột trên đường tới dinh thự của Yaser Arafat. Ngay trên đường cao tốc. Có điều gì khó hiểu xảy ra trong suốt mười bốn phút. Tôi không lo nhưng Anatoli Kuznetsov, Cục trưởng Cảnh vệ, dù sao cũng bị căng thẳng bởi lẽ các hành động khủng bố ở Israel không phải là hiếm. Rồi bỗng nhiên được biết là trong khi chúng tôi đang dừng lại trên đường thi những chiếc ô tô chở đầy chiến binh Palestin cũng vội phóng như bay về khu dinh thự: vị lãnh tụ khu vực tự trị này quyết định dành những sự kính trọng đặc biệt đón tiếp tôi.
Tất nhiên tôi rất cảm kích trước sự nhiệt thành như thế. Tiện thể tôi cũng muốn nói Anatoli Kuznetsov là một trong số những người trong suốt thời gian tôi làm Tổng thống hầu như không bao giờ rời tôi lấy nửa bước. Anh là người tính tình vui vẻ, nhân hậu và rất thông minh. Không hiểu anh ta có cảm giác thế nào khi bảo vệ cho một người không còn là Tổng thống thực quyền nữa nhỉ? Vẻ ngoài của anh hoàn toàn không có biểu hiện gì. Vẫn là một thân hình lực lưỡng của một vệ sĩ đi bên cạnh tôi. Song tôi cho rằng cả trong nội tâm anh cũng không hề có chút gì thay đổi. Tolia là một người cực kỳ trung thành, đáng tin cậy.
Tại Israel diễn ra một cuộc gặp rất quan trọng đối với tôi - đó là cuộc gặp với bạn bè cùng lớp của tôi hồi còn ở Sverdlovsk: Arnold Lavochkin và Anhia Lvova, những người mà có Chúa mới biết được đã bao năm rồi tôi không gặp mặt. Cách đây vài năm, họ tới sống ở mảnh đất Israel này. Naina chủ động gọi điện thoại cho họ và giờ đây chúng tôi đã ngồi bên nhau trong căn phòng khách sạn. Nolic (tên gọi thân mật của Arnlod - N.D.) vỗ vào đùi tôi rồi thốt lên: “Ôi Borka (tên gọi thân mật của Boris - N.D.)? Ai mà lại nghĩ được là gặp nhau ở đây?” Anhia thì từ tốn kể tỉ mỉ cho chúng tôi nghe về cuộc sống sinh hoạt tại đây. Có lẽ cuộc sống của những người nghỉ hưu ở đây không đến nỗi tồi: bãi biển, cây trái, mặt trời, bảo đảm xã hội tuyệt vời.
Nhưng nếu là tôi thì tất nhiên không thể. Thứ nhất, cái nóng đến nung người vào mùa hè. Thứ hai... ở nhà mình dù sao cũng vẫn tốt hơn. Tuy nhiên Nolic lại không buồn, kiếm thêm chút ít ở một vài chỗ làm khác nhau. Thậm chí có khi làm lao công. Tôi nhận thấy lao công ở đây, tại Jerusalem này, cũng tương đối nhiều việc. Nolic không than phiền. “Nơi đây tất cả đều theo kiểu khác, Borka ạ! Một cuộc đời khác!” - Nolic tâm sự.
Và còn một ấn tượng nữa: ở Jerusalem lúc nào cũng thấy những người là người. Mỗi phố, mỗi ngã tư người đến là đông. Tôi đặc biệt cảm nhận thấy điều này khi tới thăm thánh đường Jerusalem. Cơ quan an ninh hầu như hoàn toàn chỉ dùng sức lực cơ thể như thân người hay cùi tay để ngăn chặn đám đông.
Tại đây, trong toà thánh này, các Tổng thống thuộc các nước theo Chính thống giáo được trao tặng Huân chương Thánh Grob. Bên cạnh tôi là Kuchma, Lucashenko, Sevardnadze, Luchinski - những đồng nghiệp trước kia của tôi. Tôi nhìn họ, nhận thấy tất cả có vẻ hơi bối rối trong khung cảnh lạ lẫm này. Gian phòng ồn ào, đầy các nhà báo, chính trị gia, cha cố. Toà thánh Jerusalem vốn im ắng ngày hôm nay chật ních toàn khách.
Cuối cùng đến lượt tôi phát biểu. Tôi phải bỏ bài phát biểu chuẩn bị trước, bởi lẽ bối cảnh nhộn nhạo đến mức không thể cầm giấy mà đọc được. Tôi nói là rồi đến một lúc nào đó trong thành phố này sẽ diễn ra việc ký kết một văn kiện quốc tế chung về hoà bình. Một hiến chương hoà bình mới. Rồi tôi nghe thấy rõ ràng trong phòng lặng đi đôi chút và ai đó khẽ buông câu nói bằng tiếng Nga: “tuyệt quá!”
Sang ngày hôm sau, sau các chuyến thăm chính thức, chúng tôi tới Toà thánh Wifleem. Lối đi thật hẹp nằm giữa những ngôi nhà. Có những cảm xúc rờn rợn nào đó bừng lên trong khung cảnh toàn những tảng đá lớn đứng im lìm. Lối vào thì thấp lè tè, chỉ đến thắt lưng tôi thôi...
Toà thánh đường cổ kính xám xịt, cứ như từ trong Kinh Thánh vậy. Tranh tối tranh sáng. Tiếng nến nổ lép bép. Ngột ngạt kinh khủng.
Trong thánh đường người đứng chật ních, trước khu vực bàn thờ mọi người đang hát bằng tất cả các thứ tiếng dân tộc theo Chính thống giáo bài hát ca ngợi vinh quang của Đấng cứu thế, còn ở dưới khu bàn thờ, phía trong hang, nơi Iosif và bà vợ Maria của ông đứng, mọi người đang lặng lẽ cầu kinh. Ngay trên mặt đất là những kẻ hành hương đang ngủ thiếp đi, rõ ràng là quá mệt mỏi sau chuyến đi đường dài. Tôi cảm thấy hồi hộp.
Thời thơ ấu tôi cũng rửa tội, nhưng cũng giống như đa số người dân Xô-viết, tôi không quan sát nghi lễ, tập tục vì lẽ chẳng có ai dạy cả. Không được rửa tội, không được đi lễ nhà thờ, không được cầu nguyện. Tôi có cảm giác là chỉ những năm gần dây dân ta mới quay lại với Chúa.
Tôi bước ra khỏi thánh đường thì có rất nhiều người hành hương chào tôi bằng tiếng Nga: “Xin chào Ngài Boris Nicolaevich! Ngài có khoẻ không? Chúng tôi bên cạnh Ngài, chúng tôi lo lắng cho Ngài! Chúc mừng Chúa giáng sinh!”. Không ngờ tại đây, ở một nơi rất xa nhà, tôi lại nghe thấy nhiều tiếng nói thân yêu đến thế, lại nhìn thấy biết bao khuôn mặt thân thương.
Trên đường trở về nhà lòng tôi tràn đầy cảm xúc. Chính vì đây là chuyến thăm đầu tiên của tôi kể từ sau khi từ chức.
Ngày 7 tháng Giêng, tôi cùng Naina và Tania tới Nhà hát lớn tham dự lễ trao tặng giải thưởng “Chiến thắng” hàng năm. Nói thực, lúc đầu tôi muốn kiếu vì lý do sức khoẻ không đi. Tôi hồi hộp. Đây là cuộc sát hạch tiếp theo của tôi với tư cách mới. Lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng, nhưng giờ đây là trước công chúng Nga.
Tania chọc đùa tôi: “Ba ơi, ba sợ gì vậy? Con bảo đảm là ba chỉ bị phiền toái đôi chút mà thôi”.
Quảng trường nổi tiếng trước Nhà hát lớn bừng lên trong ánh sáng của bao ngọn đèn. của những tấm biển quảng cáo. Một Matxcơva của năm mới, của tuyết trắng tinh khôi, không khí lạnh đến tê người. Mọi người đang đợi tôi ở lối vào. Tôi bước vào trong Nhà hát, ngồi ở trong khu lô. Lúc đầu tôi bất giác nheo mắt lại.
Thế rồi bỗng nhiên tất cả nhà hát đứng dậy, vỗ tay liên hồi. Nói thực tôi bị bất ngờ. Tôi bất ngờ bởi lẽ sau suốt tám năm đấu tranh chính trị gay go - nhất là năm cuối là năm bị chỉ trích nhiều nhất, vậy mà thái độ của dân chúng lại chính là thế này đây. Một thái độ chân thành đáng kinh ngạc.
Trao huân chương “Chiến thắng” - đó là một sự kiện văn hoá rõ nét ở nước Nga. Ngoài ra, đó còn là một ngày hội mừng lễ Giáng sinh tuyệt vời tại Nhà hát lớn. Trước mắt tôi có biết bao khuôn mặt những con người yêu dấu của đất nước - các nhà thơ Bella Akhmadulin và Andrei Voznesenski, nhà phê bình Mikhail Zvanetski và Vicheslav Polunm, nhà viết kịch Alexandr Volodin và rất nhiều, rất nhiều những người khác nữa. Rồi họ bước lại chỗ tôi, chúc mừng ngày lễ, nói những lời gì đó giản dị nhưng quan trọng. Đây chính là niềm vinh dự dành cho tôi và nếu muốn thì đó là một cử chỉ tâm lý quan trọng nhất.
Tôi có cảm giác là phẩm chất của dân tộc đang được biểu hiện rõ ở đây, ở sự ủng hộ sâu sắc đối với một Tổng thống đã từ chức. Chính trong buổi tối ấy, lần đầu tiên tôi cảm nhận thực sự là tôi đã hoàn thành được công việc - trở thành “Tổng thống đầu tiên của nước Nga”, như mọi người giờ đây gọi tôi. Tôi cảm nhận được tình cảm nồng ấm của nhân dân.
Đã trôi qua một hay hai ngày gì đó. Tôi nghỉ ngơi, trấn tĩnh. Rồi đột nhiên tôi lại cảm nhận thấy một trạng thái trống rỗng mà tôi đã dự đoán trước nhưng không muốn tin rằng rồi sẽ phải đối mặt với nó.
Buổi sáng ngày 10 tháng Giêng, tôi tỉnh dậy sớm và bước vào phòng làm việc như thường lệ.
Thông thường tại đây có một đống lớn tài liệu chờ tôi. Suốt nhiều năm hết ngày này sang tháng khác chồng giấy tờ chi chít chữ này đã tạo nên cuộc sống của tôi, chiếm lĩnh tâm trí tôi. Tôi đọc những câu chữ khô khan mà đằng sau chúng là các vấn dề, các mối quan hệ phức tạp, là toàn cảnh đời sống của một quốc gia.
Chồng tài liệu này đã từng được coi như khẩu phần ăn quen thuộc đã từng ngấm vào máu.
Vậy mà giờ đây chiếc bàn trống trơn.
Tôi bước lại bàn và nhấc ống nghe chiếc điện thoại dành cho liên lạc đạc biệt. Không có tín hiệu. Điện thoại không làm việc Tôi chẳng còn việc gì để làm trong căn phòng này nữa. Tôi ngồi lại trong chiếc ghế bành đôi chút rồi ra khỏi phòng.
Suốt ngày hôm đó tôi ở trong cảm giác của sự trống rỗng này.
Có cả cảm giác cô đơn, thậm chí cả nỗi buồn man mác. Tôi hoàn toàn không muốn để cảm giác này lan sang những người thân xung quanh mình. Nhưng việc tôi thu mình hơn so với những ngày gần đây hình như mọi người dù sao cũng nhận thấy. Lena, Tania và Naina quan tâm để ý tôi. Tôi dạo chơi, ăn trưa rồi chợp mắt đôi chút. Cuối ngày tôi quyết định phải làm rõ xem vì sao điện thoại bị cắt. Người ta trả lời rằng đang sửa đường dây và ngày mai mọi việc sẽ ổn như cũ. Đây hoàn toàn là lỗi kỹ thuật. Thế mà đơn giản là tôi chẳng hiểu gì cả.
Lẽ nào mỗi chuyện cỏn con như thế đã làm tôi mất bình tĩnh thế sao? Sống thế nào đây? Làm sao quen được? Những câu hỏi thật khó trả lời, thật nặng nề. Tôi nhìn ra cửa sổ, trầm ngâm suy nghĩ. Nhưng sau này, tất nhiên không phải ngay lập tức mà dần dà tôi cũng biết cách tháo gỡ vấn đề, tìm giải đáp.
Điều đầu tiên nảy sinh trong đầu là tôi thực sự phải có nghĩa vụ trả lại cho mình tất cả những gì đã đánh mất trong những năm gần đây: sự tinh nhanh, tư duy, sự tĩnh lặng, niềm vui của mỗi phút giây, niềm vui trước sự hài lòng giản dị rất con người, niềm vui từ âm nhạc, nhà hát, đọc sách.
Ngoài ra, tôi có trách nhiệm với tất cả những ai tôi nuôi nấng, những ai tôi cùng làm việc, như trước kia tôi có trách nhiệm trước tất cả những gì sẽ xảy ra. Vâng, tất nhiên không phải với tư cách một Tổng thống, mà là tư cách của một người có trách nhiệm trước tiến trình chính trị, trước con đường mà nước Nga đã đi qua. Mỗi người, kể cả Tổng thống mới, ngày hôm nay đều có thể đến với tôi, tham khảo ý kiến tôi, đặt ra cho tôi những câu hỏi mình nung nấu. Còn tôi sẽ có nghĩa vụ phải trả lời, song nói chung không có tham vọng sẽ là cấp cuối cùng quyết định chân lý!
Phải. Đây chính là điều quan trọng. Tôi cần phải thoả hiệp với bản thân trước ảnh hưởng nhiều năm của cương vị người lãnh đạo và cần phải trở thành thuần tuý một người bạn đối với mọi người - một người bạn quan trọng, đáng giá với ý kiến được mọi người trân trọng. Đơn giản là một người bạn! Và đây chính là một sứ mệnh to lớn và nghiêm túc.
Còn đây là vấn đề thứ ba.
Những dòng nhật ký viết lúc nửa đêm của tôi, những suy tư của tôi, những nhận xét đa dạng của tôi, những ấn tượng, cảm xúc, ghi chép. Giờ đây tôi có quyền muốn dành cho sách vở bao nhiêu thời gian cũng được. Có lẽ bạn đọc sẽ thích, còn nếu thậm chí không thích thì đối với tôi cuốn sách này vẫn sẽ là một trong số “tài liệu” quan trọng nhất mà tôi đã viết ra.
Tôi cho rằng việc tôi không cho ai biết điều gì và đã sống một mình ngày hôm qua là thật hay. Tôi còn nghĩ là cái ngày như thế nhất định phải tồn tại trong cuộc sống của bất cứ một người nào suốt đời cống hiến. Rồi sau đó bỗng dưng về hưu. Tôi thiếp đi cùng với những ý nghĩ này. Khi tỉnh giấc tôi lại thấy mình thanh thản, tràn đầy sinh lực.
Từ buổi sáng này trong “cuộc đời khác” của tôi đã hình thành nên một nếp sinh hoạt mới, tương đối đều đặn nào đó. Tôi dậy sớm như trước, vào khoảng sáu giờ. Cơ thể không cho phép thay đổi khác được. Tôi uống trà, rồi vào phòng làm việc. Hôm nay tôi cũng có thứ gì đó để đọc đấy - Văn phòng Tổng thống vẫn chuẩn bị và gửi tới đây, khu Gorki-9, tin tức về kết quả các cuộc thăm dò dư luận xã hội, phân tích tình hình, điểm báo. Tôi đọc các tài liệu phân tích, nhưng ngày càng ngồi đọc trước máy thu nhiều hơn (mà giờ đây đã là bản thảo cuốn sách này). Nếu như tôi thấy chán đọc trong phòng thì tôi ra vườn, dạo chân trên những lối nhỏ, rồi lại trở vào phòng đọc tiếp Máy ghi âm tôi được tặng nhân ngày sinh nhật. Một chiếc máy tốt, dễ dàng đặt vừa lòng bàn tay. Chỉ có điều lúc đầu nghe giọng mình chưa quen thì thấy là lạ - dường như đó không phải giọng của tôi.
Đôi khi vào sáng sớm hoặc ban ngày tôi tới thăm những chú ngựa của chúng tôi trong khu biệt thự. Ở đây có chi tiết thật thú vị: hình như tất cả mười con ngựa người ta tặng tôi trong các cuộc viếng thăm chính thức tôi đều chuyển lại cho xưởng chăn nuôi ngựa. Nhưng có một chú ngựa non vùng Akhaltekin Nursultan Nazarbaev tặng thì đẹp tuyệt vời và trông hay đến mức tôi muốn giữ lại. Thế rồi để chú ngựa khỏi buồn, người ta để cùng với một đôi ngựa dễ bảo khác và tôi quyết định: Hãy cứ để các con gái và các cháu học cưỡi ngựa, còn tôi thì đã tương đối muộn rồi. Theo dự án này chưa có việc gì được thực hiện cả. Ai ai cũng đều quá bận rộn. Tania giúp việc cho tôi. Lena luôn bận bịu với nghĩa vụ mới của mình trong vai một bà ngoại trẻ. Kachia đã là bà mẹ trẻ rồi. Masa đã tốt nghiệp phổ thông, vào học tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia quan hệ quốc tế. Borka lẽ ra nhất định sẽ học cưỡi ngựa, nhưng cháu lại ở xa quá vì đang du học nước ngoài.
Còn lũ ngựa vẫn ở lại nhà.
Tôi bước tới chỗ chú ngựa non, vuốt ve chiếc mõm ấm áp của nó, ngắm nhìn đôi mắt thông minh của nó. Tôi cho nó ăn trên tay mình. Xin chào chú mày! Và thế là tâm trạng bỗng chốc trở nên thư thái, ấm áp như “tăng thêm vài độ”.
Nhiều khi cháu trai Gleb bốn tuổi và Vanca hai tuổi kéo tôi xuống bể bơi. Chúng thích mê người khi được đùa dỡn, nghịch ngợm, dưới nước, tắm táp với ông. Thực lòng, những chuyện này mang tới cho tôi nhiều niềm vui lớn.
Tôi trở lại phòng làm việc.
Chính ở đây cần phải chiến thắng bản thân mình. Trong từng đường gân thớ thịt là sự phản xạ rõ nét bước khởi đầu của một ngày làm việc. Nói chung phản xạ này với tôi đa phần cũng đã mang tính làm việc rồi. Thể nào cũng có tiếng chuông điện thoại gọi cho tôi, hoặc tôi gọi đi đâu đó. Máy điện thoại “Tuyệt mật” vẫn được dành cho tôi để liên lạc với một vài nhân vật quan trọng.
Mười hai giờ trưa là thời điểm dành cho các cuộc thăm hỏi theo kế hoạch.
Những tháng đầu tiên sau khi từ chức tôi có gặp gỡ vài lần với Vladimir Putin. Chúng tôi thảo luận về cuộc bầu cử và đặc biệt thường xuyên bàn về vấn đề Chesnia.
Tôi vài lần gặp Bộ trưởng Quốc phòng, Nguyên soái Igor Sergeev, Tổng Tham mưu trưởng Anatoli Kvasnin, Bộ trưởng Nội vụ Rusailo cũng để thảo luận về vấn đề Chesnia và quân đội với tôi, đây là đề tài đau đầu. Tôi hết sức tin tưởng chỉ trong năm nay hoà bình sẽ được thiết lập ở Chesnia.
Cũng có vài cuộc gặp với Thủ tướng mới Mikhail Kasianov. Tôi thích anh ta. Một người điềm tĩnh, tự tin, có uy tín. Nói chung hiện nay trong Chính phủ có một đội ngũ mạnh, điều này chấp nhận được.
Tôi cũng gặp những nhân vật thuộc cơ quan sức mạnh như Bộ trưởng Tình trạng khẩn cấp Sergei Soigu, Giám đốc Cơ quan Biên phòng Liên bang Konstatin Totski, Giám đốc Cơ quan thông tin liên lạc Chính phủ Vladimir Machiukhin. Vài lần trao đổi với Giám đốc Cơ quan cảnh vệ Liên bang Yuri Krapivin. Tiếc là chỉ vài tháng sau khi tôi từ chức thì Yuri Vasilievich cũng nhận quyết định ra đi. Tôi lúc nào cũng thích phong cách làm việc của anh ta: lặng lẽ, cẩn thận, nhưng tuyệt đối chắc chắn mà người lãnh đạo một cơ quan đặc biệt như thế cần phải có. Giữa tôi và anh ta có mối quan hệ cá nhân rất tốt.
Và giờ đây chúng tôi gặp nhau với tư cách khác. Chúng tôi có những điều để nhớ tới, để nói tới... Tôi cho là không nhất thiết phải nêu ra đầy đủ danh sách các cuộc gặp gỡ của tôi làm gì. Phạm vi tiếp xúc cá nhân của tôi trong thời gian qua mở rộng đáng kể. Tôi mời khách đến chơi nhà thường xuyên hơn.
Giờ đây có điều kiện làm việc này, chứ trước kia thì khó. Tôi buộc phải trả giá đắt cho đường công danh chính trị của mình: mất sức khoẻ, mất bạn bè thời thanh thiếu niên. Tất cả bọn họ hầu hết đều ở lại Sverdlovsk. Mà ngay cả với những người sống ở Matxcơva chúng tôi cũng hiếm khi gặp nhau: luôn luôn không đủ thời gian và sức lực. Còn giờ đây mọi ý nghĩ của tôi vẫn tập trung vào đời sống chính trị, đấu tranh, khát vọng.
Lúc một giờ tôi ăn trưa.
Thòi gian gần đây tôi vẫn duy trì ý thích ăn những món ăn đơn giản, không cầu kỳ. Tôi không có “phát kiến” gì đặc biệt về chuyện ăn uống trong các chuyến công tác chính thức. Luôn luôn chỉ có một thực đơn “Tổng thống” của mình từ rau quả được Cơ quan Kiểm dịch Liên bang kiểm tra. Trong các bữa tiệc chiêu đãi ngoại giao tôi hầu như không thích ăn. Mà còn ai nghĩ tới chuyện ăn uống ở đó. Những cuộc đàm phán, những chuyện căng thẳng.
Hình như ở Bắc Kinh có xảy ra một chuyện thế này. Tania và Naina dù sao cũng quyết định muốn thử món vịt quay Bắc Kinh nổi tiếng nên đã đặt mang tới phòng khách sạn vào đêm khuya để không còn bị ai ngăn cấm ăn đồ ăn “chưa được kiểm tra”. Tôi chợt tỉnh giấc, vẫn mặc đồ ngủ bước ra phòng khách. “Ồ mẹ con ăn gì với nhau ở đây thế? Ba cũng muốn thử một chút nào!”.
Nhưng đó chỉ là trường hợp ngoại lệ.
Hơn nữa giờ đây tôi lại muốn giảm cân. Tania mua cho tôi chiếc cân điện tử. Cũng giống như khi tập thể thao, ngày nào tôi cũng cân và ăn kiêng. Tôi và Tania cùng đua nhau xem ai đạt được kết quả như dự định nhanh hơn. Tôi đưa ra cho cháu nhường lời khuyên đắt giá. Cô bé cười: rồi cái cân sẽ chứng minh mà ba! Tôi ăn ít, một cốc sữa chua là đủ cho cả bữa tối.
Những ngày nghỉ đại gia đình chúng tôi luôn tụ họp cùng nhau, như một nguyên tắc, không có ngoại lệ. Truyền thống ấy là do tôi quy định ra.
Còn trong ngày thường... tôi chờ đón khách khứa cấp cao Nhà nước.
Cuối tháng 3 gia đình tôi có cuộc “tấn công Nhà hát”. Chúng tôi tới rạp “Người đương thời” xem vở kịch “Pigmalion”. Đó là Nhà hát yêu thích của tôi, cả đạo diễn yêu thích là Galina Borisovich Volchek. Một người phụ nữa tuyệt vời có lối trào phúng ý nhị, một nhà lãnh đạo nghệ thuật xuất sắc. Tôi không rõ còn Nhà hát nào ở Matxcơva lại có được không khí Nhà hát như thế, có công chúng đặc biệt, có sự hiểu biết, cảm thông và mối quan hệ giữa sàn diễn và khán giả cao độ đến thế. Diễn viên cũng tuyệt vời làm sao: Marina Neelov, Elena Yakovleva, lia Akhezakova, Valentin Gaft, Igor Kvash - không thể kể hết tên tuổi của họ.
Rồi ngay ngày hôm sau Tania lại gọi đi xem vở nhạc kịch hiện đại “Tàu điện ngầm” tại Nhà hát ca kịch. Naina cằn nhằn: “Làm gì mà cứ quýnh cả lên thế. Chúng ta phải “bù lỗ” ngày xưa hay sao?”. Tania đáp lại: “Mẹ ơi, đây là vở kịch mốt nhất Matxcơva đấy. Ba mẹ nhất định phải đi xem bằng được”. Tôi quyết định ngay: đi xem? Chẳng có lý gì bở lỡ một vở kịch mốt nhất, thanh niên tính nhất.
Tôi bước ra khỏi xe trên phố Puskin cũ. Bỗng vang lên những tiếng kêu the thé kinh hoàng giọng con gái làm tôi thậm chí rùng mình. Hoá ra trong những ngày trình diễn vở “Tàu điện ngầm” lúc nào cạnh Nhà hát cũng đầy thanh niên hâm mộ âm nhạc. Khi nhìn thấy Yeltsin “bằng xương bằng thịt” họ liền tổ chức một cuộc “tiếp đón trọng thể” theo kiểu của mình. Dĩ nhiên có rất nhiều cảm xúc mạnh có thể giải thích chỉ bằng một lý do là lứa tuổi. Nhưng đó là những tình cảm chân thành.
Tôi nhận ra điều này cả khi ngồi trong rạp, khi có một cô gái từ phòng xem nhao tới chỗ tôi (chúng tôi ngồi trong lô), gần như tuột ra khỏi giày và chìa ra tờ chương trình: “Thưa Boris Nicolaevich, cho cháu xin chữ ký!” Tôi đáp: “Xin lỗi, bác không có bút!” Cô gái vội nói: “Bác hãy cầm lấy thỏi son của cháu, thưa Boris Nicolaevich!”. Hội phụ nữ của tôi không cho ký bằng son môi, ngay lập tức họ đã tìm ra bút.
Một chi tiết đáng buồn cười, nhưng sao nhớ lại vẫn thấy thật dễ chịu.
Vở nhạc kịch chính phục khán giả bởi dàn hợp xướng trong trẻo, nhiệt huyết và...âm lượng lớn. Giá như âm thanh được giảm đi đôi chút thì hơn. Nhưng diễn viên thì đáng khâm phục, rất hiện đại về ngôn ngữ, phong cách và các động tác trên sân khấu. Một diễn viên đóng vai nhà đạo diễn trơ trẽn hay là một kẻ lợi dụng vừa diễn vừa nói chuyện với một vị lãnh đạo quan trọng nào đó. Người ta gọi cho anh ta qua điện thoại di động, còn anh ta rất tự nhiên trả lời: “Vâng tôi nghe đây, thưa Boris Nicolaevich?”. Cả nhà hát bừng lên không khí thanh niên, phản ứng trước câu pha trò, cười vang ầm ĩ. Nhân đây xin nói thêm trong hội trường Nhà hát, ngồi ở hàng thứ sáu có cả cháu trai Borka của tôi cùng ba bạn của nó. Theo tôi, chúng cũng thích thú lắm. Chỉ tiếc một điều tôi phải về hơi sớm bởi buổi tối còn có cuộc hẹn. Nhưng mà tôi thấy thích. Nói thật đấy?
Thời gian gần đây tôi nghe nhạc nhiều. Thường là nghe nhạc cổ điển các loại và những bản nhạc khác nhau - Mozar, Vivaldi, Traikovski. Những vở opera nổi tiếng. Thời gian cuối tôi học cách nghe nhạc hiện đại. Thế nhưng thông thường lại vẫn là những vở cổ điển. Tôi nghe tác phẩm của Veber (thí dụ như vở “ám ảnh nhạc kịch”). Tôi thích vở nhạc kịch Pháp “Nort-Dam ở Paris”. Có điều đặc biệt thú vị là sau khi tôi thuộc giai điệu và đề tài âm nhạc của vở diễn (thường xảy ra sau hai, ba lần nghe) thì lại không thấy hay nữa, và tôi nài Tania hoặc Lena: xin hãy cho nghe tác phẩm nào đó mới mới một chút đi.
Thời gian gần đây xuất hiện nhiều tác phẩm văn học về Thế chiến thứ hai, biết bao nhiêu là sự kiện, rồi tư duy mới đến mức tôi muốn đọc hết tất cả. Nhưng tôi lại cũng có niềm thú vị đối với thể loại hồi ký. Tôi đang cố gắng hiểu nét đặc trưng của thể loại này.
Những thói quen mới. Trong cuộc sống của tôi xuất hiện vô tuyến truyền hình. Như trước kia. tôi vẫn không thích các chương trình chính trị, nhưng tôi xem thời sự. Đôi khi cũng xem phim truyện. Mặc dù ở ta chiếu nhiều phim hay đấy, nhưng tiếc là lúc nào cũng nửa đêm mới chiếu, còn tôi lại thường đi ngủ sớm.
Theo yêu cầu của tôi, Tania đặt trước tất cả các tác phẩm của đạo diễn Vladimir Motyl tại Cục phim ảnh Quốc gia. Tôi gần như thuộc lòng bộ phim “Mặt trời trắng trên sa mạc” của ông, cả gia đình tôi cũng thế. Tôi thích thú xem những bộ phim khác như “Zenia lớn, Zenia bé và Kachiusa”, “Ngôi sao hạnh phúc say đắm”, “Rừng”. Tôi muốn mời nhà đạo diễn tài năng này cùng dùng cơm tại khách sạn. Và các bạn có biết ở khách sạn nào không? Tại “Mặt trời trắng trên sa mạc”!
Đó, chế độ trong ngày của tôi là thế.
Nhưng đôi khi trong chế độ này tất nhiên cũng có ngoại lệ! Những ngoại lệ rất hay...
Lần đầu tiên sau một thời gian dài gián đoạn, tôi đến Kremli với bao niềm xốn xang.
Dù sao cũng cảm thấy khó khi lần đầu trở lại nơi làm việc cũ mà ta mới rời khỏi cách đó không lâu.
Nguyên nhân tới thăm Kremli chính là cuộc gặp gỡ với cánh báo chí, “nguồn động lực” Tổng thống của tôi. Đó là những người sát cánh cùng tôi trong các chuyến đi kể từ năm 1996. Tachiana Malkina, Natalia Timakova, Veronica Kusillo, Svetlana Babaeva, Viacheslav Terokhov và nhiều người khác nữa. Cuộc gặp được tiến hành tại một trong các phòng thuộc Cung điện lớn Kremli sẽ không làm ảnh hưởng đến chủ nhân các khu nhà “làm việc”. Cuộc gặp rất xúc động. Thậm chí đến tay phóng viên Alexei Venedictov của Đài phát thanh “Tiếng vọng Matxcơva” suốt ngày châm chọc chưa bao giờ lại thấy lịch lãm và đáng yêu đến thế...
Với mỗi vị khách tôi đều tặng một chiếc đồng hồ nổi tiếng của Tổng thống, nếu là phụ nữ tôi còn tặng thêm một bó hoa nữa. Nhưng rồi cuộc gặp vẫn chưa kết thúc. Tôi hoàn toàn chẳng muốn chia tay. Tôi thấy Tania Malkina hỏi tôi: “Thưa Boris Nicolaevich, thế ngày sinh nhật sẽ kỷ niệm thế nào ạ?” “Còn thế nào nữa - Tôi đáp - Tôi sẽ tổ chức tại nhà. Mọi người đến chứ. Thế là họ làm ồn lên: “Thế Ngài có mời không ạ?” – “Tất nhiên, tôi sẽ mời?”
Ngày sinh nhật tôi diễn ra rất vui. Và sau buổi vui đó tôi có thêm một công cụ lao động mới - máy ghi âm. Quả thực là đêm trước Naina không chợp mắt được: Naina nướng bánh để hôm sau còn thết đãi tất cả cánh phóng viên.
Các cô gái trẻ từ báo “người kinh doanh” tặng tôi món quà đặc biệt: một đặc san tờ báo của họ với số lượng in ấn năm mươi bản tập hợp toàn bộ các bài viết tốt nhất về tôi trong lĩnh vực thương mại.
Một món quà giá trị. Sau đó vài ngày họ đánh liều gọi điện đến chỗ tôi: “Thưa Boris Nicolaevich, xin Ngài gửi lại cho chúng tôi dù chỉ một bản có bút tích của Ngài!”.
Ngày 14 tháng 3 là sinh nhật của Naina. Tôi và các con gái nghĩ mãi xem tặng quà gì đây. Đồ trang sức ư? Hay quần áo? Rồi chúng tôi bật nhớ là cách đây không lâu Naina tâm sự: “Nghe này, hay là giờ đây mẹ có thể bắt đầu công việc khâu vá nhỉ? Cả đời mẹ mơ ước điều này mà...”.
Ồ, một chiếc máy khâu cũng tuyệt đấy?
Tania ngay lập tức tới cửa hàng, lựa chọn hồi lâu, rồi nói với nhân viên bán hàng: “Bán cho tôi chiếc máy khâu đời mới nhất”. Khi tận mắt nhìn thấy chiếc máy khâu xinh xắn này, tôi thật không tin vào mắt mình: đó là một chiếc máy điện tử phức tạp, có thể nhấn vài nút là máy tự động lựa chọn từ hàng trăm kiểu mũi khâu, hàng chục kiểu nút - đúng là một chiếc máy tính thực sự. Có cảm tưởng là chỉ cần đưa mảnh vải vào chiếc máy khâu này là nó sẽ đưa ra cho bạn cả một bộ quần áo hoàn chỉnh?...
Sáng sớm, cả ba chúng tôi kê chiếc bàn con có hoa và chiếc máy khâu - máy tính vào phòng Naina.
Chúng tôi có truyền thống như vậy. Khi chủ nhân ngày sinh nhật tỉnh dậy thì cả nhà đã quần áo chính tề với đầy hoa tươi và quà tặng. Có điều lạ là lần này vào buổi sáng nay tôi chẳng đi đâu mà vội vàng cả. Tôi đứng lặng rất lâu, ngắm nhìn Naina trầm trồ thán phục chiếc máy khâu: “Em sẽ làm gì với món quà tặng đắt giá này?” “Em hãy thêu tên cho anh vào khăn mặt... - Tôi động viên - Bước đầu cứ thế đã.
Trong suốt những năm qua tôi và Naina ít có dịp cùng nhau đi đâu - tới nhà hát hay đi nhà hàng. Còn giờ đây chúng tôi đã bắt đầu đi cùng nhau. Chúng tôi mời Tiến sĩ Sergei Mironov, người nhiều năm phụ trách nút bấm điện tử của tôi. Nhưng sau chúng tôi quyết định tốt hơn hết là cùng nhau tới nhà hàng đặc sản Grudia. Thế là chúng tôi hướng tới Khách sạn “Sulico”. Mọi việc diễn ra thật tuyệt. Julia, vợ tiến sĩ Mironov có giọng nói thật trầm ấm. Chị hát cùng với dàn đồng ca nam Grudia. Chị hát thật tuyệt, giọng sâu và mượt mà. Khi những bài hát Grudia đầy nhịp điệu vang lên, tôi thậm chí cũng cố đánh nhịp theo bằng thìa.
Nỗi đam mê đánh nhạc bằng thìa của tôi đã bị đám phóng viên giễu cợt nhiều lần. Biết làm sao được khi thời trẻ tôi lấy đâu ra những bộ gõ tân kỳ, sang như bây giờ. Tôi học gõ nhịp bằng thìa. Và nhịp điệu đã ăn sâu vào từng đường gân thớ thịt của tôi. Theo cách nhìn của mình, tôi là một người có nhịp điệu.
Tôi yêu thích khi nói chuyện có những chỗ giật giọng, đôi khi nghỉ lấy hơi, chuyển giọng bất ngờ, giữ nhịp điệu nên giờ đây tôi không thể chịu được giọng điệu đều đều nhạt nhẽo.
Giám đốc nhà hàng muốn đóng cửa hàng để ngoài chúng tôi ra không có ai vào đây nữa, nhưng tôi yêu cầu ông ta đừng làm thế. Tối nay thật vui vẻ, ồn ã, đúng là một buổi tối kiểu Grudia. Thức ăn cũng đặc kiểu Grudia, rượu “Alexandrouly” được đặt trước từ Tbilisi.
Suốt cả tháng 2 và tháng 3 là gắn liền với những lo lắng cho cuộc vận động bầu cử.
Tôi tuyệt đối tin tưởng vào thắng lợi của Putin. Tất cả mọi điều đều nói lên chuyện đó: cả linh cảm của tôi, cả toàn bộ dư luận xã hội được khẳng định bằng “dự đoán” của các nhà xã hội học, cả tình hình thực tế - Putin không có đối thủ nào hết. Tôi chờ đợi ngày 26 tháng 3 trong tâm trạng bình thản, thoải mái và sảng khoái.
Thế nhưng đối với tôi, ngày bầu cử là ngày cực kỳ làm tôi quan tâm. Tôi biết trước kết quả sơ bộ qua điện thoại, tôi gọi cho các tỉnh trưởng các vùng và khu vực, nơi cuộc bầu cử đã kết thúc xem sự thể ra sao.
Tania cố trấn an tôi:
- Ba làm gì mà cứ phải lo lắng thế Dù thế nào anh ấy cũng thắng!
- Tự ba cũng biết. Ba muốn biết kết quả ngay! - tôi đáp.
Khi trên màn hình xuất hiện những con số công khai đầu tiên về kết quả bầu cử và chúng được phát thanh viên Nicolai Svanidze thông báo, tôi lập tức tụ họp mọi người trong gia đình: “Mang sâm-panh lại đây! Nhanh lên!”.
Cả nhà ai cũng đều trong trạng thái hưng phấn, vui mừng. Do xúc động mà tôi không thể ngồi yên một chỗ. Chiến thắng! Có lẽ đó cũng là chiến thắng cốt yếu của tôi.
Chúa ơi, tôi đã chờ đợi điều này biết bao lâu rồi!
Tiện thể nói đến chuyện Lena cùng con trai mình là cháu trai Vanca hai tuổi rưỡi của tôi cũng đi bỏ phiếu vào ngày 26 tháng 3 tại đơn vị bầu cử nơi cư trú. Tại đó Vanca chẳng thèm đếm xỉa gì đến cuộc bầu cử, kêu ầm ĩ đòi mọi người phải bỏ phiếu cho Putin. Lúc người ta thông báo kết quả, mẹ Lena nói với cậu: “Con xem này, ứng cừ viên của con chiến thắng rồi đấy. Con có biết giờ đây bác ấy trở thành ai không?”. “Con biết rồi! - Vanca nói – “Trở thành ai cơ?”. “Thành Yeltsin!”.
Vào tháng tư cựu Thủ tướng Nhật Bản Rutaro Hasimoto đến thăm Matxcơva.
Tôi mời ông tới dinh thự “Nước ngọt”, và biệt thự yêu thích của tôi ở Zavidovo. Chúng tôi tiếp tục truyền thống ngư nghiệp của mình là đi câu cá. Nói chính xác hơn đi bằng phương tiện: Tania chở chúng tôi bằng thuyền máy tới khu ao. Nơi đây người ta nuôi cá hồi và cá chép.
Nhưng đáng tiếc là suốt thời gian vừa qua, kể từ sau cuộc gặp ở Krasnoiarsk, Rutaro vẫn chưa học được cách giật cần câu có mồi. Còn xoay mồi giả thì ở gần bờ không thể nào làm được Vì thế Rutaro chỉ còn biết thở dài khi cầm trong tay chiếc cần câu Nga. Tuy vậy tất nhiên ông hoàn toàn không bận tâm đến việc không câu được cá. Ông muốn làm rõ mức độ tin cậy của tôi đối với Tổng thống mới. Rutaro không muốn để mất đi những gì chúng tôi đã đạt được ở Krasnoiarsk. Tôi tâm sự là hoàn toàn tin tưởng Putin. Còn chương trình hợp tác với Nhật Bản dĩ nhiên sẽ được Tổng thống mới của Nga tiếp tục.
Tôi cho rằng ngay cả Thủ tướng mới Mori, tiếc là phải nhận trọng trách mới trong bối cảnh đáng buồn, (mùa xuân năm nay Thủ tướng Keizo Obuchi đột ngột từ trần và tôi đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình ông) sẽ tiếp tục duy trì đường hướng đó.
Trong khi chúng tôi trên đường câu cá trở về, trong đầu tôi bật ra một ý tưởng thú vị. Có lẽ có thể thành lập ra câu lạc bộ các cựu Tổng thống và Thủ tướng? Tất nhiên những nhân vật tầm cỡ có tiếng nói trên vũ đài chính trị thế giới như Kohl, Bush, Thatcher như Clinton hay Hasimoto, như Walesa hay Maldela một lúc nào đó cũng sẽ rời khỏi chính trường, trở về cuộc sống riêng tĩnh lặng. Tự bản thân tôi biết điều đó là khó khăn thế nào - một bước chuyển về chất. Sang một cuộc đời khác hẳn.
Nhưng vấn đề không phải chỉ ở chuyện tiếp xúc. Cái “Câu lạc bộ bô lão” này cũng có thể có tác động về mặt tinh thần tới toàn bộ bầu không khí quốc tế.
Thôi được, khi nào kết thúc cuốn sách rồi tôi sẽ nhất định sẽ trở lại với ý tưởng này.
Lại tiếp một cuộc gặp nữa. Tổng thống Mỹ Bill Clinton tới thăm chính thức Matxcơva.
Sau cuộc hội đàm với Vladimir Putin tại Kremli, sau những buổi phát biểu trước công chúng, sau các chương trình viếng thăm chính thức, ông ta tới thăm chúng tôi. Tôi và Bill lâu nay không gặp nhau và nói thực thậm chí tôi thấy buồn. Và đây cánh cửa đã rộng mở, toàn xe của tổng thống Mỹ tiến vào khu nhà Gorki-9.
Tôi hỏi Clinton xem đây là lần thứ mấy chúng tôi gặp nhau rồi.
Ông mỉm cười: khó đếm được hết.
Thời gian trôi như tên bay. Trôi nhanh quá. Tuy rằng trong chính trị thời gian lại là chuyện khác - lúc nó bò chậm như rùa, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng nặng nề, lúc lại vèo vèo vượt lên phía trước. Nhưng giờ đây chúng tôi nói về một thời gian khác. Về một thời gian bình thường thời gian của con người. Trong khoảng thời gian bình thường của con người này tôi và Bill đã kịp kết bạn, có cảm tình với nhau.
- Anh có thấy thích Putin không? - Tôi hỏi.
- Một nhà lãnh đạo giỏi, mạnh mẽ, - Bill trả lời nghiêm túc. Sau đó ông nói tiếp - Tôi biết Putin có uy tín cao ở Nga. Nhưng ông ta mới chỉ đang tiến hành những bước đi ban đầu, và để trở thành nhà chính trị vĩ đại, ông ta cần phải tin vào trái tim mình, tin vào cảm nhận của mình hơn nữa.
Tôi hỏi Bill theo ông thì cuộc hội đàm về vấn đề phòng thủ chống tên lửa diễn ra thế nào. Hình như trong vấn đề này có những khía cạnh triết học, chính trị, và có cả vấn đề kỹ thuật.
Chính các cơ chế thoả thuận của chúng ta cần phải làm rõ cho các thoả thuận quân sự. Tôi gợi ông nhớ là chúng tôi đã cùng nhau tìm lối thoát từ những tình huống bế tắc nhất như thế nào, thậm chí cả từ những tình huống mà các chuyên gia của đôi bên không thể nào thoả thuận được.
Clinton trầm ngâm đôi chút. Tôi hiểu ông đang suy nghĩ điều gì. Bill muốn sẽ giải quyết triệt để vấn đề phòng thủ chống tên lửa trước khi rút khỏi chính trường. Để sao cho không phải để lại vấn đề ấy cho Tổng thống mới. Không hiểu các cuộc đối thoại giữa các nước chúng ta giờ đây sẽ thế nào? Thế giới đang chờ đợi gì từ kết quả cuộc đàm phán này? Tôi tin rằng chỉ bằng con đường cùng nhau thoả hiệp, chúng ta mới sẽ giữ vững được những gì đã đạt được trong lĩnh vực giải trừ quân bị, giữ được niềm hy vọng của nhân loại rằng thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của hoà bình.
Tôi hỏi thăm ông về sức khoẻ của Hillary. Đáp lại Clinton kể lại một câu chuyện bất ngờ:
- Hôm qua tôi phát biểu trên Đài phát thanh của các bạn - Trước đó ông đã trả lời trực tiếp trên sóng các câu hỏi của khán giả nghe đài - Có một câu hỏi rất buồn cười Boris ạ. Điều gì sẽ xảy ra nếu Hillary trở thành Tổng thống Mỹ? Tôi sẽ có cảm tưởng gì trong vai trò phu quân của Tổng thống? Tôi trả lời họ là: vậy thì sao, tôi sẽ bưng trà mời bà!
Tôi luôn thích thú trước tính tinh cởi mở tốt bụng của Bill, sự thoải mái, không gò ép trong giao tiếp của ông. Có lần chúng tôi ngồi bên nhau rất lâu trong một buổi tiếp đãi trọng thể. Ông tâm sự: “Tôi và anh gần như cùng cao bang nhau, Boris ạ”. Tôi hỏi: “Bill này, anh cỡ giày bao nhiêu? Ta thử đo xem sao.” Bill bật cười, còn tôi bắt đầu tháo giày. Hoá ra, chiều cao thì bằng nhau, còn cỡ giày của tôi 43, của ông ta những 46.
Chuyện vẫn thường xảy ra ấy mà...
Tôi chờ đợi có một mình Clinton là khách, vậy mà tới chỗ tôi là đoàn đại biểu Mỹ với gần như đầy đủ thành phần. Đây là những người đã giúp đỡ Bill trong những năm qua, quan hệ mật thiết với chính quyền của ta. Tất cả họ đều muốn bắt tay tôi, đều muốn nói ra những lời chân tình. Điều này thật dễ hiểu.
Cuối cùng cũng đến lúc tôi đứng dậy tiễn khách. Khi chia tay Bill nói với tôi một câu thú vị:
- Anh muốn thay đổi bộ mặt đất nước, và anh đã thay đổi được rồi, Boris ạ.
- Còn anh cũng đã thay đổi được đất nước mình, Bill ạ - Tôi đáp lời.
Tôi cho đấy không phải là những lời lẽ xã giao, thường trực ngoài cửa miệng.
Chúng tôi ra khỏi nhà. Một ngày tuyệt vời. Tania và Naina cùng chụp ảnh với Tổng thống Mỹ. Ông vẫy tay chào tạm biệt và bước ra xe. Trước mặt ông là viên sĩ quan với chiếc va ly hạt nhân - tay đeo găng, bất chấp cả cái nóng.
Khi Bill đi khỏi, tôi ngắm nghía hồi lâu bức ảnh ông tặng tôi. Chúng tôi cùng ngồi trong những chiếc ghế mây đẹp nổ tiếng. Chúng tôi cùng nhìn ra xa, nhìn vào bầu trời xanh thẳm.
Hai Tổng thống, hai con người.
Bức ảnh thật đẹp.
Những ngày lễ tháng 5 đã tới. Lễ nhậm chức của Vladimir Putin chỉ còn tính từng ngày. Tôi cảm nhận sự hồi hộp càng ngày càng bao trùm lấy tôi. Alexandr Volosin, Chánh Văn phòng Tổng thống, đưa tới kế hoạch dự kiến cho buổi nhậm chức. Có hai phương án: tổ chức tại Cung đại hội hoặc Cung lớn Kremli. Tôi nhớ là buổi lễ nhậm chức của tôi gắn liền với những hồi tưởng không phải là tuyệt vời nhất, nên giờ đây tôi thấy khó nhận xét. Các vị cứ tự quyết định thôi. Nhưng tôi rất vui khi biết rằng lễ nhậm chức trong hội trường mới được sửa chữa cách đây không lâu của khu Kremli cũ, chứ không phải trong Cung đại hội cục mịch toàn kính với bê tông thời Xô-viết. Thế là mọi việc đã được quyết định.
Ngày 7 tháng 5 tại căn phòng Andreev trong Cung điện lớn Kremli sẽ diễn ra lễ nhậm chức của Tổng thống mới. Nơi đây, trong những căn phòng này - Georgiev, Andreev, Alexandrov - từng diễn ra những buổi lễ lên ngôi Nga hoàng. Những căn phòng này lưu giữ lại kỷ niệm về những sự kiện lịch sử này. Và chẳng có chuyện gì tồi tệ trong những nghi thức tương tự. Đó là lịch sử vĩ đại của chúng ta, đòi hỏi phải được trân trọng. Còn đây lại là những chi tiết thú vị - có bao nhiêu chiếc ghế trong Cung điện thì mọi người ai cũng rõ. Nhưng có bao nhiêu người sẽ được có mặt trong Cung? Chẳng ai biết được. Vấn đề được giải quyết rất đơn giản: sẽ cho bộ đội đứng dọc theo đường trải thảm đỏ và sẽ có một thời gian để giới thiệu khách trong buổi lễ. Còn sau đó sẽ đếm số người còn lại.
Tôi chăm chú nghiên cứu kịch bản.
Tuy nhiên, liệu tôi có cần phải bước ra lễ đài cùng với Putin hay không, liệu tôi có phải đọc diễn văn không? Điều này cũng vẫn chưa được làm rõ, còn không ít phân vân.
Song cuối cùng tôi hiểu là trong một buổi lễ nhậm chức cụ thể thì vai trò của cựu Tổng thống được thể hiện không phải theo kịch bản, mà là bằng chỉnh bản thân lịch sử.
Dù sao đi chăng nữa khi bắt đầu công việc soạn thảo diễn văn thì tôi lại thấy hồi họp quá. Tám năm tôi nắm giữ chính quyền ở nước Nga. Tám năm tôi cố gắng giữ gìn đất nước khỏi những biến động và đồng thời áp dụng những biện pháp hết sức đặc biệt và khó khàn. Tám năm của sự căng thẳng thần kinh mà tôi chưa từng chứng kiến thấy điều tương tự trong thực tiễn chính trị thế giới trong một phần tư cuối cùng của thế kỷ. Tôi có thể nói gì về những chuyện này chỉ trong một trang giấy?
Mọi người dậy rất sớm. Như thường lệ, những người phụ nữ của tôi sửa soạn cho tôi lên đường. Tania hỏi tôi sẽ mặc bộ quần áo nào. “Ba chẳng biết nữa. Con xem ba mặc bộ nào thì hơn?” Tania gợi ý bộ xanh xám. Theo tôi bộ màu đen trông uy nghiêm hơn. Ngay lập tức cô bé vặn vẹo lại tôi và chuyện này hiếm khi xảy ra giữa chúng tôi. Cả gia đình ra tận cổng tiễn tôi.
Cung điện lớn Kremli mới được sửa chữa lại giờ đây chật ních người. Căng thẳng ghê gớm. Trong khắp các phòng của Cung điện lớn Kremli có mặt khoảng một ngàn rưởi người, đại diện cho các tầng lớp xã hội Nga. Các chính trị gia, quan chức, phóng viên, doanh nghiệp, các nhà hoạt động văn hoá. Tất cả các linh mục, không loại trừ một ai, đều đang làm lễ xưng tội. Tổng thống đầu tiên và cuối cùng của Liên Xô Mikhail Gorbachov cũng có mặt tại đây.
Ánh sáng từ những ngọn đèn chùm lớn bằng pha lê toả xuống khắp gian phòng, dãy hàng rào bằng nhung tua vàng ngăn cách hai bên tạo thành con đường nhỏ để Tổng thống mới sẽ đi qua lên phía khán đài. Đoàn ô tô và xe máy hộ tống tuân thủ chặt chẽ thời gian biểu, đúng giữa trưa tiến đến Kremli, trong khi những người tham dự lễ nhậm chức đã có mặt bên trong phòng cung điện.
Vladimir Putin bắt đầu con đường dài của mình qua trước mặt tất cả mọi người đang chăm chú theo dõi, - và họ sẽ còn theo dõi thêm bốn năm nữa từng bước đi, từng chuyển động của anh. Có lẽ, vài phút này đối với anh sao mà dài thế!
Lễ nhậm chức không chỉ diễn ra phù hợp với tiêu chuẩn chặt chẽ của quốc gia mà còn là một cảnh tượng hết sức ngoạn mục. Hãng truyền hình CNN, các hãng truyền hình lớn ở phương Tây truyền hình trực tiếp buổi lễ đi khắp thế giới. Dĩ nhiên vô tuyến truyền hình Nga cũng đã phát trực tiếp cả ba kênh trên toàn Liên bang. Từng chi tiết đều được tinh toán hết, và vì vậy không phải ngẫu nhiên mà cả nước đều dán mắt vào truyền hình trong ngày 7 tháng 5. Chỉ có một điều không hay là những chiếc đèn chiếu cùng nhất loạt chuyển động loang loáng kéo theo những vệt sáng khó chịu làm cho tôi chẳng nhìn rõ nội dung bài phát biểu đang chạy bằng chữ trên màn hình ngoài những con chữ riêng lẻ. Sau đó mọi chuyện trở lại bình thường. Ơn Chúa, sự cố này không ảnh hưởng đến buổi lễ nói chung.
Ra về, tôi thấy chẳng còn lý do gì để lo lắng nữa.
Tuy nhiên nếu nghĩ sâu xa thì điều này mang ý nghĩa tượng trưng. Tại đây, trong điện Kremli này, tôi không có lấy được một giây phút nào dễ dàng. Từ phút đầu tiên cho đến chính phút cuối cùng.
Tôi cùng Vladimir Putin bước vào Quảng trường Nhà thờ. Gió nhè nhẹ thổi, mặt trời hơi le lói. Tôi đã chờ đợi cái ngày này hàng bao năm, chuẩn bị tới đó. Vậy mà dù sao cũng vẫn cảm thấy buồn.
Một trung đoàn cận vệ Kremli diễu hành ngang qua lễ đài chúng tôi.
Có cảm tưởng là tôi đang nhìn thấy những cảnh này như trong rạp chiếu phim, từ ngoài vào.
Những tiếng đại bác từ phía bờ sông vang lên. Trong bầu không khí quyện với tiếng súng, một thời đại vĩ đại, chưa từng có của những xoay chuyển, biến động mà trong đó tôi là một trong số các nhân vật chính, đã tan ra và biến mất.
Tôi tỉnh giấc đã là nửa đêm. Chợt nghĩ liệu mọi chuyện trong cuốn sách này của tôi có đúng không? Vâng, chính tôi đã sắp xếp để tỏi có thể nói ra mọi điều từ ngôi thứ nhất, có thể viết những gì bản thân tôi biết và cảm nhận. Phải, tôi đã là Tổng thống suốt nhiều năm dài, và rất nhiều chuyện trong đất nước ta phụ thuộc vào những hành động đúng hoặc sai của tôi. Nhưng rốt cuộc, lịch sử đang được viết nên chắc hẳn không bằng những cá nhân riêng lẻ. Có những quy luật chung, bí ẩn trong cuộc sống của tất cả các dân tộc.
Liệu tôi có quá tự tin không, có nhận về mình quá nhiều không?
Tôi cho là dù sao cũng không phải như vậy. Tôi có nghĩa vụ tuyệt đối trung thực báo cáo về mọi chuyện, tôi nghĩ gì, cảm nhận gì, tại sao lại hành động thế này hoặc thế khác. Nhưng câu hỏi vẫn còn đó: làm gì tiếp theo? Hiện giờ tôi là ai? Có lẽ tôi có cảm giác của một vận động viên chạy việt dã đã vượt qua được cuộc chạy đua siêu hạng, bốn mươi ngàn kilômét. Đó chính là tâm trạng của tôi ngày hôm nay. Tôi đã dành toàn bộ sức lực, toàn bộ tâm hồn cho cuộc chạy maratông tổng thống của mình. Tôi đã thể hiện mình trên từng quãng đường. Nếu như tôi thấy cần thiết phải bào chữa cho mình thì đây sẽ là lời bào chữa của tôi: nếu các bạn có thể làm tốt hơn thì hãy cứ bắt tay vào làm thừ. Hãy chạy quãng đường bốn mươi ngàn kilômét từ đầu và theo cách thức mới đi. Hãy nhanh hơn. Hãy hay hơn. Hãy tuyệt vời hơn. Hãy dễ dàng hơn. Còn tôi đã thực hiện xong điều này.