Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tôn giáo, Chính Trị >> Cuộc chạy đua tổng thống

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 18567 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cuộc chạy đua tổng thống
Boris Yeltsin

Nước cờ Thủ tướng

Việc thăm dò uy tín luôn là “người bạn đồng hành” với toàn bộ đường công danh sự nghiệp chính trị của tôi. Tôi còn nhớ rất rõ là người ta đã “đếm đầu người” thế nào trong hội trường rộng mênh mông của Cung Đại hội và một viện sĩ toán học lăm lăm giấy, bút trong tay đi dọc các hàng ghế trong hội trường nơi diễn ra Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô thời Gorbachov. Đó là khi người ta bầu tôi là đại biểu Xô-viết Tối cao vào năm 1989, mà Bộ Chính trị thì hoàn toàn không muốn điều này.
Tôi còn nhở người ta khao khát truất quyền tôi tại Xô-viết Tối cao Liên bang Nga thời Khasbulatov. Khi đó người ta cố gắng giải thích rằng tôi không còn được tín nhiệm và định cho nghỉ hưu hồi mùa xuân 1993. Cả hội trường ồn lên. Những con mắt của các đại biểu như mọi khi lại ánh lên sự kinh ngạc: “bần cùng hoá nhân dân”, “làm tan tác nước Nga”. Hàng bao năm nay: vẫn mỗi chuyện ấy.
Tôi lúc nào cũng tin rằng điều này cũng là dân chủ.
Đùng một cái, vào đúng thời điểm cuối sự nghiệp chính trị của tôi thì diễn ra cái gọi là “bỏ phiếu bất tín nhiệm”. Những người cộng sản đã mất bao nhiêu năm để đi đến quyết định này? Gần bảy năm. Hay là sáu năm nhỉ? Tôi không biết tính từ thời điểm nào. Tôi còn nhớ là đã có những nỗ lực không ngừng muốn loại bỏ tôi đã xuất hiện rất sớm, ngay từ năm 1991. Có điều lạ là cả họ, cả tôi đều quá hiểu rằng chuyện này chẳng giải quyết được vấn đề gì cả. Đó chỉ là vở kịch. Nhưng đồng thời...
Nhưng đồng thời ở nước Nga mọi người đều có đầu óc tư duy theo biểu tượng. Bất tín nhiệm - đó là biểu tượng mà những người cộng sản bao năm trông chờ tới kết cục cuối cùng của thời đại Yeltsin. Một kết thúc bắt buộc. Trước hạn định. Dù chỉ một tháng, nhưng nhất định phải sớm hơn hạn định. Vì cái biểu tượng ấy, vì cuộc trình diễn chính trị thường kỳ mà người ta đang tiến hành bao công việc đầy căng thẳng. Thủ tục bỏ phiếu bất tín nhiệm là thủ tục mang tính pháp lý thực chất đó là một phiên toà. Kết án tôi là những người chưa bao giờ có những quyết định chính trị lớn. Vậy mà hôm nay số phận Tổng thống Nga lại nằm trong tay họ. Dù việc bỏ phiếu là phải theo danh sách, nhưng quyết định này lại chẳng có tên tuổi gì cả: hàng trăm đại biểu núp sau lưng nhau, trong những con số chạy nhoáng nhoáng trên màn hình không có những khuôn mặt, những cặp mắt, những giọng nói sống động. Chỉ đơn thuần là cơ chế của mưu đồ chính trị, một cơ chế tồn tại đời đời như chính cuộc sống, lôi kéo về phía mình những ai dao động và do dự.
Hàng bao năm nay tôi phải gánh trách nhiệm nặng nề trước mọi việc và trước tất cả mọi người đến mức thêm một lá phiếu ủng hộ cũng không thể và sẽ không thay đổi được kết quả trong toàn bộ tiểu sử của tôi.
Thôi thì đành vậy, thử xem những con số nào sẽ hiện lên trên chiếc màn hình màu xanh lục đó?
Đối đầu với Quốc hội, với những nhà làm luật là nỗi đau đớn - không chỉ đối với tôi, mà là với toàn thể đất nước. Vì thế, kết quả cuộc bầu cử Quốc hội là rất quan trọng ở thời điểm hiện nay, năm 1999 này, không kém so với bầu cử Tổng thống. Kết cục Quốc hội cũng cần phải đại diện cho những lợi ích xã hội thực tế.
Mọi người đều hiểu rằng những người cộng sản này không phải là chủ nhân đất nước, họ không có được sự ủng hộ trong xã hội, không có ý chí chính trị, không có tiềm lực trí tuệ. Vậy mà họ vẫn thành công trong việc tập hợp một bộ phận nhân dân, những người không thể tìm được cho mình cuộc sống mới và đang rơi vào tâm trạng bị bức bách, bất ổn.
Nhờ “sự đoàn kết chống kẻ thù”, sự đoàn kết những con người yếu đuối, cùng quẫn, mất lòng tin vào bản thân và cuộc sống của mình, từ trước năm 1999 những người cộng sản đã tạo được một đa số ổn định trong Quốc hội ủng hộ. Một bộ phận khác có tư duy lành mạnh, ít nhiều có biểu hiện tích cực trong xã hội thì bị tan rã ra từng mảnh. Họ không tìm thấy người lãnh đạo của mình.
Chubais, Nemtsov, Kirienko, Hacamada, về thực chất chưa thể trở thành những nhà lãnh đạo thực sự. Họ là các nhà kỹ trị, quản lý, chuyên gia. Thế hệ trẻ các chính trị gia không có nhân vật nào đại diện chung cho toàn xã hội, có khả năng đoàn kết được tất cả các thành phần xã hội. Có lẽ ai đó trong số họ có thể trở thành biểu tượng của thế hệ mới, trở thành nhà lãnh đạo của giới sinh viên, thanh niên, của các cô, cậu trong thời đại tin học, của những người thuộc thế kỷ 21. Song để điều đó trở thành hiện thực, cần phải lao động cật lực, phát triển hoạt động cho họ. Tuy rằng, lẽ dĩ nhiên, đó là những nhân vật chính trị được tôi đỡ đầu
Suốt thời gian dài tôi cảm thấy Yavlinski là một nhân vật sáng giá, xuất sắc. Tôi cho là thể nào cũng sẽ có lúc ông ta có thể tập hợp được một phong trào dân chủ hừng mạnh quanh mình.
Tuy nhiên phái Yabloko ngày càng biến thành một “giáo phái bị chia rẽ”, nơi trú ngụ của các phần tử chống đối, bất đồng chính kiến, khác tư duy, hành động theo khuôn mẫu cứng nhắc thời Xô-viết và luôn cho rằng tất cả những gì của chính quyền đều là độc ác. Mọi sự nhân nhượng cũng là ác độc. Bất cứ thoả thuận nào cũng phải dựa trên những điều kiện của họ. Những gì sẽ diễn ra cũng thuộc quyền họ xét xử. Lúc nào họ cũng bỏ phiếu phản đối. Nền chính trị hiện đại không kế thừa quan điểm như vậy. Quanh ta từ lâu đã là một đất nước thực tế khác, một cuộc sống thực tế khác. Các nhà lãnh đạo phái Yabloko không muốn chấp nhận điều này.
Yavlinski và phái của ông ta có quan điểm tự do ủng hộ điểm buộc tội tôi về Chesnia. Yavlinski bỏ phiếu chống lại tôi.
Nhưng các thành viên phái của ông ta lại ủng hộ việc tự do lựa chọn. Tôi không thấy có ý nghĩa gì trong cái “món cháo” chính trị này. Áp lực ư? Dân chủ ư?
Tôi cảm giác là Yavlinski lẫn lộn trong chiến lược của mình. Cầm đầu phong trào chống đối, nhưng đồng thời là phong trào dân chủ (tôi hiểu điều này qua mình và qua những người dân chủ cuối những năm 80) - có nghĩa là ở trong một môi trường đầy nhiệt lượng, có ưu thế lớn trong việc đưa ra những sáng kiến và ý tưởng.
Thế nhưng chính ở đây Yavlinski lại có lỗ hổng lớn. Thanh niên, trí thức muốn nhận được từ phái Yabloko một chương trình tích cực. Thế nhưng chương trình đó lại chẳng có.
Về phương diện này cuộc bỏ phiếu ngày hôm nay sẽ là một minh chứng cực kỳ có sức thuyết phục.
“Bài học trực quan về dân chủ” mà Yavlinski muốn dạy cho tất cả có thể quá đắt giá cho những ai khao khát sống trong một nước Nga bình thường và dân chủ.
Vậy họ là ai, những ông nghị từng tích cóp hàng bao lời buộc tội chống tôi trong việc làm cái này, cái nọ bị đổ vỡ, “diệt chủng dân tộc Nga”, “gây ra thảm hoạ Chesnia”?
Về thực chất, trong số họ không có những nhà lãnh đạo chính trị thật sự (ngoài Ziuganov, Yavlinski, Zirinovski là hùng người kiên quyết làm việc vì mục tiêu của mình). Nhưng ba lãnh tụ này, ta cứ gọi là thế, là những nhân vật đặc trưng. Vậy những người còn lại thì sao?
Trên thực tế, trong Quốc hội Nga năm 1995 có khá nhiều người được bầu một cách tình cờ, không có các đảng phải thực sự, không có truyền thống dân chủ ổn định, không có đạo lý đấu tranh chính trị.
Vì thế trong Quốc hội có ít các nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp trong khi kẻ vận động hành lang thô bạo thì lại nhiều. Nhưng tôi tin việc này có thể khắc phục được. Đến lúc ào đó chúng ta sẽ có một Quốc hội với đúng nghĩa của nó và làm việc có chất lượng. Hiện tại thì vẫn phải làm việc với cái quốc hội đương nhiệm này. Tôi không tin là các đại biểu Quốc hội lại bỏ phiếu phế truất tôi. Những lời ba hoa về các nguyên tắc lần nữa lại sẽ chỉ trở thành công việc quảng cáo không công trong các chương trình thời sự. Tôi hiểu họ không có cơ hội để chống lại ý chí chính trị của tôi.
Genadi Seleznev, Chủ tịch Duma, hùng hồn tuyên bố sau khi Primakov bị cách chức: “Đến giờ thì cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm sẽ tất yếu xảy ra”. Tôi thì lại tin vào điều ngược lại: sau khi Primakov bị cách chức, sẽ không có kết quả bỏ phiếu bất lợi lo tôi. Tôi đã tước bỏ được vũ khí của những đại biểu nào còn đang dao động bằng hành động cương quyết của mình.
Tôi vừa đi vừa hít thở không khí trong lành trong vườn, ngắm nhìn bầu trời tiết tháng 5. Dù sao cả lần này họ cũng sẽ hông thể thu đủ số phiếu.
Sau khi bãi chức Primakov, đối với tôi có một thời điểm rất quan trọng về mặt tâm lý mà hầu như chẳng ai để ý thấy. Bất chấp mọi lời đe doạ biểu tình và đình công, bất chấp tuyên cáo của các vị thống đốc đánh tín hiệu tấn công Tổng thống nếu ông ta phế truất Chính phủ, bất chấp uy tín cao, ổn định của Primakov, việc cách chức ông ta lại được tất cả thản nhiên chấp nhận.
Dư luận xã hội ngay lập tức chuyển sang vấn đề bỏ phiếu bất tín nhiệm. Về mặt tâm lý, việc bỏ phiếu bất tín nhiệm đã “lấn át” vụ bãi chức này. Và còn một nguyên nhân nữa, nguyên nhân cơ bản nhất là xã hội hoàn toàn không muốn xảy ra bất cứ chấn động chính trị nào nữa, họ đã quá chán ghét bất cứ hành động quá mạnh mẽ nào.
Nghĩa là tính toán của tôi là chính xác. Giờ thì tất cả mọi chuyện đều phụ thuộc vào kết quả bỏ phiếu.
Bản thân Evgeni Maximovich lại im lặng, không bình luận điều gì, mà chờ đợi. Cần phải đánh giá đúng ông - chính ông, một nhà chính trị thông thái, kinh nghiệm, cũng không muốn để bị lôi kéo vào trò chơi nguy hiểm này. Tính toán của ông hoàn toàn khác. Dù sao tình hình rập rình như thùng thuốc súng này có thể cũng cuốn hút cả ông, lôi kéo một cách từ từ và chính xác. Người ta đang cố lợi dụng ông, hút ông vào cuộc đấu đá chính trị.
Còn rất nhiều chuyện phụ thuộc vào việc Tổng thống sẽ đưa ra ứng cử viên nào vào chức vụ Thủ tướng sau khi Quốc hội tổ chức bỏ phiếu. Bởi lẽ chính từ thời điểm này, về thực chất, sẽ là bước xuất phát của chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2000.
Tôi có một vài phương án. Chính xác là ba phương án. Song quan trọng là cần phải cân nhắc, xem tương quan và bố trí các phương án này cho tương lai một cách đúng đắn.
Mặc dù trên thực tế còn có cả ứng cử viên thứ tư nữa.
Nhưng giờ đây vào thời điểm cuối tháng 4 đầu tháng 5 này tôi chưa xem xét đến. Igor Ivanov là Bộ trưởng Ngoại giao. Văn phòng Tổng thống của tôi từ lâu đã “chấm” Ivanov rồi vì dựa vào thực tế là ông ta đã có thời gian dài làm việc với Primakov. Người ta đã có một số cuộc gặp gỡ sơ bộ với ông ta. Ivanov cho biết:
- Trong các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội, tôi sẽ chỉ cùng đi cặp đối với Evgeni Primakov mà thôi. Cứ để cho Primakov đứng đầu đảng phái thân Chính phủ trong Duma hiện nay. Trong trường hợp này tôi sẽ cảm thấy thanh thản hơn khi làm Thủ tướng.
Thật là một cặp bài trùng thuần tuý của các nhà ngoại giao. Song cuộc đấu tranh chính trị mùa hè năm nay sẽ vô cùng nóng bỏng, đến mức không thể chỉ dựa vào có sự đoàn kết mà đủ. Ivanov bị loại khỏi danh sách ứng cử viên Thủ tướng. Còn tôi thì cứ chờ đợi. Giá mà có được nhân vật trẻ mà lại mạnh mẽ như thế trong lực lượng dự bị thì tốt biết bao.
Vậy thì, hiện tại những ai nằm trong danh sách của tôi đây?
Nicolai Acsenenko, Bộ trưởng Bộ Giao thông, cũng là một ứng cử viên sáng giá. Anh ta cũng nằm trong “danh sách Thủ tướng” của tôi. Anh ta tỏ ra thích hợp trên mọi phương diện. Một người kiên quyết cứng rắn, có sức cuốn hút, biết cách ứng xử với mọi người xung quanh, có quá trình làm việc lâu dài và có thể nói là trưởng thành lên từ cấp cơ sở. Một người lãnh đạo có năng lực. Nhưng Duma Quốc gia từ trước đến nay đều không có thiện chí với anh ta. Việc đề cử anh ta sẽ là một khả năng tốt để kích động Duma, chuẩn bị cho cuộc đối đầu để rồi sau đó giới thiệu một ứng cử viên hoàn toàn khác. Vậy đó là ứng cử viên nào? Stepasin hay Putin? Putin hay Stepasin?
Đó là một Bộ trưởng Nội vụ và một Giám đốc Cơ quan an ninh Liên bang. Cả hai đều đi lên từ Saint-Peterburg, đều cùng làm việc với Sobchac. Cả hai đều là những nhân vật trí thức là những người của thế hệ trẻ. có năng lực và luôn động não. Nhưng tính cách họ mới khác nhau làm sao!
Stepasin dễ nhân nhượng, thích ra oai và khoe khoang.
Tôi không tin rằng mỗi khi cần thiết anh ta lại có được sự kiên định, kiên quyết và quyết đoán vốn là những đức tính cần thiết trong đấu tranh chính trị. Tôi không thể tưởng tượng ra một Tổng thống Nga mà lại thiếu những tính cách này.
Trái lại, Putin có ý chí và quyết tâm. Tôi biết là anh ta có những đức tính ấy. Nhưng bản năng nhủ tôi rằng đưa anh ta ra chính trường bây giờ còn quá sớm.
Phải để cho anh ta xuất hiện muộn hơn. Sẽ là không tốt nếu chỉ có quá ít thời gian tham gia vào chính trị. Thế nếu để trì hoãn quá lâu thì điều kiện xuất phát sẽ còn tồi tệ hơn. Sau những tháng hè nghỉ ngơi “lười nhác”, xã hội khó có thể quen ngay được với Putin. Nhưng lại cũng không được để bài toán Putin biến mất, không được để mất đi nhân tố bất ngờ. Đây là điều hết sức quan trong đối với cuộc bầu cử. Nhân tố bất ngờ sẽ gắn với một nhà chính trị mới và có sức mạnh.
Vì vậy một tình huống vô cùng khó khăn đã diễn ra. Vì còn quá sớm để đưa Putin vào cuộc nên phải “lấp” thời gian quá độ này bằng một ứng cử viên khác. Vấn đề ở đây hoàn toàn mang tính kỹ thuật. Điều người ta thường gọi là cú nghi binh. Tôi chẳng còn cách nào khác là giao vai này cho anh chàng Sergei Vadimovich đáng mến và đứng đắn. Đương nhiên tôi sẽ cố gắng nói với anh ta rằng vấn đề cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới vẫn còn để ngỏ và anh ta vẫn còn có cơ hội để thể hiện mình.
Nhưng tôi sẽ không nêu tên Putin. Nhất định không!
Thực tế không ai biết gì về phương án này. Ngay cả Putin cũng vậy. Sức mạnh của một nước cờ chính trị bất ngờ chính là ở chỗ này đây. Những nước cờ như vậy đã luôn giúp tôi thắng cả ván cờ kể cả những lúc tưởng như tuyệt vọng không lối thoát. Sau cuộc bỏ phiếu phế truất Tổng thống, phản ứng của Duma và Hội đồng Liên bang đối với cái tên “Putin” là không thể dự đoán được. Họ biết quá ít về anh ta, không hiểu đó là nhân vật thế nào. Nhưng mối nguy hiểm chính lại nằm ở chỗ hoàn toàn khác.
Putin và Primakov đều từng là sĩ quan tình báo, trong tiềm thức dư luận được coi là ngang bằng nhau, nhưng họ dường như lại lấn át nhau. Đối với Primakov, cái tên Putin sẽ là ngòi nổ gây kích động mạnh mẽ. Có thể Primakov sẽ phản ứng mạnh mẽ và tôi thậm chí không loại trừ là ông ta sẽ tấn công lại. Sau khi tôi cách chức ông ta và sau khi viện Duma bỏ phiếu phế truất tôi thì cần phải có một thời gian để người ta dự đoán. Đây cũng là thời gian tạm nghỉ.
Chặng nghỉ ngơi này có thể được dành riêng chỉ cho Stepasin. Với anh ta thì Primakov sẽ có thái độ hài lòng. (Sau này, hồi mùa hè, khi Evgeni Maximovich để hết tâm trí vào cuộc bầu củ Tổng thống. Ông thậm chí còn có ý tưởng thay đổi Hiến pháp, muốn đưa lại vào Hiến pháp chức vụ Phó Tổng thống, nhằm giới thiệu Stepasin cùng tranh cử với mình: Primakov - Tổng thống, Stepasin - Phó Tổng thống). Trong khi đó bước di chiến thuật với “Thủ tướng tạm thời” lại ẩn chứa mối nguy hiểm nhất định. Sau vài tháng Stepasin cầm quyền, cả anh ta và cả nhiều người khác đều chắc chắn tin rằng anh ta sẽ là ứng cử viên hàng đầu cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000. Liệu tôi có quá làm phức tạp thêm tình hình không? Liệu có phải tôi đang gài bom nổ chậm không?
Tóm lại, cứ để Putin chờ thời như vậy có nên không?
Giờ đây quay trở lại với những sự kiện của những ngày tháng 5 (1999) cách đây vừa tròn một năm ấy, tôi phải thú nhận rằng lúc đó tôi ở trong tâm trạng tương đối căng thẳng. Thực tế suốt một thời gian dài, đúng ra là từ đầu năm 1998 nước Nga vẫn tiếp tục khủng khoảng Chính phủ. Hầu như suốt một năm rưỡi trời. Dĩ nhiên những trường hợp như vậy cũng đã từng tồn lại trong lịch sử chính trị thế giới. Ngay cả ở những nước phát triển như Italia, Nhật Bản, Pháp. Thậm chí trong những năm 70 ở Italia đã thay mấy đời Thủ tưởng chỉ trong một năm (nước này là nước theo thể chế nghị viện), nhưng tình hình kinh tế thì ổn định hơn.
Ở nước Nga mỗi Thủ tướng mới đều gây ấn tượng với dân chúng bằng vấn đề đặc thù của mình. Chẳng hạn, vào tháng 8 năm 1998 lẽ ra đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong nước để giữ được quyền lực cho những người cải cách trẻ. Đáng ra là phải như thế. Chính phủ kỹ trị của Kirienko không có bất kỳ nguồn lực dự trữ chính trị nào (nói đơn giản là không tạo dựng được lòng tin, ảnh hưởng đối với xã hội). Chính phủ này không thể thoả thuận được với Duma, với các công đoàn vốn hay “gây chiến” với chúng ta, cũng như với giới doanh nghiệp. Trong khi đó để thực hiện được đường lối cứng rắn của mình, Chính phủ cần phải có được một sự ủng hộ mạnh mẽ, tuyệt đối của toàn xã hội, hoặc là phải được xã hội quy phục vô điều kiện! Thế nhưng tôi không thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp Giờ đây việc làm này không còn phù hợp. Nước Nga không phải là Chile hay Achentina.
Ngược lại, Primakov có một uy tín chính trị lớn. Nhưng Chính phủ của ông ta có nguy cơ đẩy lùi tất cả các cuộc cải cách. Những mầm mống tự do kinh tế, và nói chung là tự do dân chủ vừa mới được nảy mầm và duy trì trong suốt những năm qua đã ngay lập tức bị dập tắt. Đó là chưa nói đến tự do ngôn luận, duy trì bầu không khí cạnh tranh chính trị thông thường.
Nhưng mỗi một lần cách chức Chính phủ đều có những lý do chính đáng của nó...
Song khi đó vào tháng 5 năm 1999, cuộc khủng hoảng Chính phủ kéo dài đã như thanh gươm Damoles treo trên đầu tôi.
Tuy nhiên, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, tôi vẫn quyết định phải kéo dài cuộc khủng hoảng này thêm vài tháng nữa. Có nghĩa là tôi sẽ đề cử Stepasin vào chức Thủ tướng mặc dù biết rằng sẽ rất nhanh chóng phải chia tay với anh ta.
Thật mạo hiểm khi quyết định làm cho tình hình chính trị bị khủng hoảng tới lần thứ ba (sau khi cách chức Primakov và bỏ phiếu phế truất tôi). Stepasin đã được Duma thông qua một trăm phần trăm đa phần là nhờ vào thái độ kính trọng đối với Primakov. Đúng là ngay khi vừa dựng Stepasin lên tôi đã biết rõ là thể nào rồi tôi cũng “hạ bệ” anh ta. Chính điều này như một gánh nặng suốt ngày đè lên tâm trí tôi.
Thực lòng, cảm giác này có vẻ hơn rờn rợn. Dân chúng hẳn tiếp nhận mọi diễn biến tình hình một cách trực tiếp, ngay cả giờ đây cũng thế. Họ vui mừng và hồi hộp, bất bình và lo âu cũng là trong tình hình hiện nay. Còn ta cứ sống và hiểu rằng tình hình này nhất định phải thay đổi, hơn nữa chỉ đúng hai tháng hoặc một tháng nữa thôi và cũng bằng phương pháp ấy. Và không hề có niềm vui nào từ các sự biết trước ấy, mà ngược lại là sự nặng nề. Tôi buộc phải nhận về mình trách nhiệm trước số phận của những người mà khó có thể đoán trước được hậu quả hành động này hay hành động khác của ta sẽ tác động đến họ thế nào. Tôi hiểu rõ cảm giác này như tự dưng có bóng đen bao trùm lên cuộc nói chuyện hay gặp gỡ thông thường. Ta luôn phải biết cách quyết định trước đối với hành động này hay hành động khác, số phận chính trị này hay số phận chính trị khác. và ta cũng cần phải biết giữ kín những điều này, không để lộ ra ngoài mọi ý nghĩ của ta.
Còn có thêm lý do nữa.
Putin cần phải xuất hiện một cách bất ngờ, vào lúc các đối thủ chính trị của chúng ta cuối cùng đã ngả hết con bài khi cuộc đấu tranh trước bầu cử thực sự bước vào giai đoạn quyết liệt, khi tính cách kiên quyết và cứng rắn của anh ta đáp ứng ở mức độ cao nhất.
Song không chỉ có sự phân tích chính trị này ngăn tôi trao đổi thẳng thắn, cởi mở lần cuối cùng với Putin khi anh ta vẫn tiếp tục lãnh đạo Hội đồng an ninh và Cơ quan an ninh Liên bang mà không biết gì về các kế hoạch của tôi.
Xét về mặt tình cảm con người, tôi cũng thương anh ta. Tôi định đề nghị với anh ta không đơn giản chỉ là một sự “thăng quan tiến chức”. Tôi muốn chuyển giao cho anh ta chiếc vương miện của tôi, trao cho anh ta giáo huấn chính trị của mình: thông qua chiến thắng trong cuộc bầu cử, thông qua một chính sách tuy chưa được lòng công chúng để bằng bất cứ giá nào phải giữ vững được tự do, dân chủ và nền kinh tế thị trường bình ổn trong nước. Mang theo gánh nặng này trên mình đến năm 2000 là một việc rất khó khàn, thậm chí đối với cả một người mạnh mẽ như anh ta.
Vậy là vấn đề đã được quyết định. Tôi sẽ đề cử Stepasin.
Nhưng tôi thật sự thích thú khi đánh lừa được mọi người với cái tên Acsenenko. Các nghị sĩ Duma ai cũng nghĩ tôi sẽ đề cử chính anh ta nên sẽ sẵn sàng chiến đấu với tôi. Nhưng trong khi đó họ lại được tôi giới thiệu một ứng cử viên hoàn toàn khác.
Tôi cho gọi Chánh Văn phòng Tổng thống Alexandr Volosin. Anh ta tới để viết bản tường trình trình lên Duma, còn tôi khi đó bấm máy gọi cho Chủ tịch Duma Genadi Seleznev.
Tôi mở đầu vòng vèo rất dài và cuối cùng như “buột miệng” đưa ra cái tên Acsenenko. Tôi đặt ống nghe xuống và thầm nghĩ: rồi các vị sẽ ngạc nhiên thế nào khi đọc thấy tên Stepasin. Không sao, sẽ chỉ có lợi mà thôi.
Ứng cử viên Stepasin được thông qua ngay từ lần đầu, một cách dễ dàng, không hề căng thẳng. Ngày hôm sau báo chí đưa tin ầm lên rằng Kremli đã chơi rất khôn khéo trong canh bạc này. Tất cả đều dự tính với anh chàng Acsenenko rất khó chấp nhận rồi sau đó thở phào nhẹ nhõm thông qua ngay Stepasin.

<< Kosovo | Ngài thị trưởng vào trận hay là chiếc mũ không mất tiền >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 916

Return to top