Thứ tư, ngày 4 tháng 8, buổi sáng tôi gặp Volosin. Tôi muốn thảo luận với Alexandr Stalevich xem nên quyết định vấn đề Thủ tướng mới vào lúc nào. Tháng 9, tháng 10 hay lúc này - tháng 8.
Mùa thu, hoàn toàn có thể tìm được những lý do khách quan để cách chức Thủ tướng và Chính phủ. Những lý do đều dễ hiểu đối với mọi người. Nhưng có cần phải chờ cho đến lúc tình huống tự nó chín muồi? Nguyên nhân ư, về thực chất chỉ có một: Stepasin không thể là một thủ lĩnh chính trị tại các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống.
Đúng, lúc này việc bãi nhiệm xem ra hoàn toàn phi lô gích: Nhưng có cần gì phải tìm những nguyên nhân hợp lô gích: hầu như Stepasin không đảm bảo thắng lợi cả trong bầu cử Quốc hội lẫn bầu cử Tổng thống. Cần nêu rõ nguyên nhân đích thực của việc bãi nhiệm sắp tới.
Putin! Putin - Đó là người tôi gửi gắm những hy vọng chủ yếu, đó là người tôi tin tưởng và có thể tin cậy trao gửi cả đất nước này.
Tháng 8 là tháng cao điểm nghỉ hè. Việc bổ nhiệm Putin sẽ là tiếng sét giữa trời quang. Tất cả sẽ nóng bỏng lên trong khoảnh khắc. Nhưng ta sẽ có vài tuần giảm sốc khi mọi người đang lo nghỉ ngơi, muốn quên đi chuyện chính trị, nghỉ hè xong về tinh thần minh mẫn, sảng khoái hơn.
Putin cũng có thời gian lấy đà.
Tôi cho gọi thư ký, báo rằng ngày mai có hai cuộc gặp. Gặp ai thì tôi báo sau. Yêu cầu Volosin chuẩn bị tài liệu
Ngày 5 tháng 8, sáng sớm, tôi gặp Putin.
Tôi nói rõ thực trạng tình hình. Cuộc đấu tranh sẽ quyết liệt. Trước tiên là cuộc vận động tranh cử. Chưa hết. Kiểm soát được tình hình trong nước sẽ không đơn giản trên tất cả các lĩnh vực. Tình hình Bắc Kapcaz rất đáng lo ngại. Có khả năng xảy ra khiêu khích chính trị ở Matxcơva ở mức độ nào đó. Khó mà biết được Chính phủ với thành phần hiện tại có khả năng kiềm chế được lạm phát không. Việc Thủ tướng mới xoay xở ra sao trong thời gian không phải vài tháng mà là vài tuần trước mắt gần như sẽ quyết định tất cả. Cả tương lai đất nước...
- Vladimir Vladimirovich này, tôi đã quyết định trao chức Thủ tướng cho anh.
Putin nhìn tôi chàm chú và im lặng.
- Chưa hết - Tôi nói tiếp, - anh hãy hình dung vì sao tôi đã phải sa thải người tiền nhiệm của anh. Tôi biết Stepasin là bạn với anh, cùng ở St. Peterburg với anh, nhưng lúc này cần nghĩ đến vấn đề khác. Tư thế, lập trường của anh phải hết sức đúng mực, kiềm chế nhưng phải cứng rắn. Chỉ có như vậy anh mới giành được uy tín trong xã hội và thắng lợi trong cuộc bầu cử nghị viện.
- Chúng ta sẽ dựa vào ai trong bầu cử? - Putin hỏi.
- Tôi không biết - Tôi thật lòng trả lời - Chúng ta sẽ xây dựng một đảng mới. Tôi biết anh cần một chỗ dựa vững chắc trong viện Duma vì tôi đã từng khổ sở với nghị viện hơn bất cứ người nào trong lịch sử. Nhưng điều quan trọng nhất là tiềm năng chính trị của bản thân anh và hình ảnh của anh sẽ được xã hội chấp thận. Đừng cố xây dựng hình ảnh của mình gượng ép, gỉả tạo. Nhưng không bao giờ được phép quên vấn đề này.
Putin trầm ngâm suy nghĩ.
- Tôi không thích vận động tranh cử - Anh ta thú nhận - Hoàn toàn không thích. Tôi không hiểu biết gì về tranh cử và không thích tranh cử.
- Anh cũng chẳng phải bận tâm. Điều cơ bản là ý chí, bản lĩnh tự tin và các hành động của anh. Tất cả phụ thuộc vào đấy. Uy tín chính trị hoặc tự nó sẽ đến hoặc không đến. Thế anh đã sẵn sàng chưa?
- Tôi sẽ làm việc ở nơi mà Ngài bố trí - Putin trả lời ngắn gọn theo tác phong quân sự.
- Thế nếu ở chức vụ cao nhất thì sao?
Putin ngập ngừng. Dường như anh ta lần đầu tiên nhận ra thực chất vấn đề.
- Tôi không biết, thưa Boris Nicolaevich. Tôi nghĩ rằng tôi chưa sán sàng với công việc đó.
- Cứ suy nghĩ đi. Tôi tin ở anh.
Một sự im ắng căng thẳng bao trùm cả căn phòng. Tôi nghe rõ từng âm thanh nhỏ nhất. Đặc biệt là tiếng kim đồng hồ chạy tích tắc.
Putin có đôi mắt rất hay, tựa như chúng nói nhiều hơn những lời nói của anh ta.
Nhân đây, tôi cũng nói luôn Putin đã xuất hiện như thế nào trên con đường tôi đi tìm ứng cử viên.
Có một khái niệm mà tôi rất ghét: “tiếp cận với Vương chủ”. Thật khó chịu khi mình bị coi “Vương chủ”. Nhưng khái niệm này phản ánh, mặc dù hết sức vô liêm sỉ, một vấn đề hiện thực của bất kỳ một chính quyền nào. Nguyên thủ quốc gia có quan hệ thường xuyên và cởi mở với các phóng viên báo chí, với giới trí thức sáng tạo, giới doanh nhân, với những đại biểu của các tầng lớp và nhóm xã hội khác nhau và cuối cùng là với các trợ lý của mình. Các quan hệ đó thể hiện năng lực hoạt động và tính dân chủ của bộ máy. Không phải lúc nào một bộ máy hoạt động đều tốt là bộ máy dân chủ. Ngược lại là đằng khác. Cần phải biết cảm nhận tính phức tạp và tinh tế của nó. Trong thời kỳ Sergei Philatov làm Chánh Văn phòng Tổng thống còn Victor Iliusin làm trợ lý thứ nhất của tôi (sau này hai chức vụ trên kết hợp làm một) các cuộc gặp với Baturin, Livsits, Satarov, Pikhoia, Krasnov, đôi khi hai tháng một lần. Chính Iliusin có sáng kiến tổ chức các cuộc gặp này. Đôi khi gián đoạn khá lâu. Cơ quan an ninh cảnh giác ngăn chặn mọi sự “tiếp cận với Vương chủ”. Korzakov ghen tị với “bọn trí thức thối tha”. Cứ như thế kéo dài đến đầu chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống năm 1996.
Sau đó đến nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ hai của tôi. Nào Chubais, nào Yumasev, nào Volosin đã biến các cuộc gặp của tôi với các Phó Chánh Văn phòng Tổng thống thành thứ lễ nghi truyền thống, một sự kiện bắt buộc mỗi tuần. Ngồi nghe các bạn trẻ mỗi tuần một lần báo cáo với tôi về những công việc của họ, tôi không thể không nhận thấy những thay đổi là lùng. Họ có biết chăng, ngày trước để có mặt ở căn phòng này người ta phải trải qua các cuộc tranh giành như thế nào. Nhờ có sự tương phản của hệ thống mới này, cuối cùng tôi cũng nhận ra bộ máy trước đây của tôi, cái gọi là “nhóm cận thần” đã quan niệm tiếp xúc với Tổng thống phải theo những khuôn khổ nào của chế độ Xô-viết.
Tôi đã để ý đến Putin khi anh ta lãnh đạo Tổng cục Thanh tra của Văn phòng Tổng thống, sau đó trở thành phó thứ nhất của Yumasev - Chánh Văn phòng Tổng thống, phụ trách “công tác các khu vực”. Putin mới xuất hiện ở Kremli từ tháng ba năm 1997. Đôi khi Putin thay thế Yumasev giải quyết công việc. Khi đó tôi gặp anh ta nhiều hơn. Những báo cáo của Putin là chuẩn mực của sự rõ ràng. Anh ta cố gắng không “xun xoe” như những anh phó khác của Yumasev, nghĩa là trình bày các quan điểm, cách nhìn nhận của mình đối với thế giới và nước Nga, cố ý loại bỏ mọi yếu tố có liên quan đến cá nhân trong các cuộc tiếp xúc. Nhưng chính vì vậy tôi càng muốn trao đổi với anh ta! Tôi ngạc nhiên vì các phản ứng cực kỳ nhanh nhạy của Putin. Lắm lúc tôi đưa ra những câu hỏi thậm chí hết sức giản đơn mà buộc người đối thoại phải đỏ mặt ra và vắt óc tìm câu, chọn từ trả lời. Putin trả lời bĩnh tĩnh, tự tin đến mức ta có cảm giác hình như chàng trai trẻ này, theo thước đo của tôi là người đã hoàn toàn thích ứng với mọi việc trên đời, hơn nữa anh ta trả lời mọi câu hỏi đều rõ ràng, chính xác.
Ban đầu điều này thậm chí làm tôi phải dè chừng, nhưng sau tôi đã hiểu cá tính anh ta là như thế.
Mùa hè năm 1998, chúng ta buộc phải đối phó với cuộc “chiến tranh đường ray” thực sự bất ngờ. Những người thợ mỏ bãi công chiếm lĩnh và chặn các tuyến đường sắt chính ngàn cách Siberi và miền Nam Nga với Trung ương. Đây thực là một tình huống có tính chất thảm hoạ, mỗi một ngày như thế gây thiệt hại nhiều triệu rúp cho những con người ít được bảo đảm nhất là các đối tượng về hưu và hưởng lương từ ngân sách, nhưng điều chủ yếu là nó tạo ra nguy cơ thực sự cho hỗn loạn chính trị. Tôi gặp Nicolai Kovalev, lúc đó là Giám đốc Cơ quan an ninh Liên bang FSB. Ông ta gần như hoảng loạn, qua câu chuyện tôi hiểu rằng tình hình này đối với ông ta mới quá và ông ta không biết phải làm gì. Tôi có thể hiểu Kovalev - dường như Cơ quan an ninh không chịu trách nhiệm giải quyết biểu tình, nhưng dẫu sao thì nguy cơ mất an ninh đất nước là rõ ràng đang từng ngày từng giờ. Đấu tranh chính trị là một việc, còn cắt đứt các huyết mạch giao thông lại là một chuyện khác. Kovalev, một cán bộ phản gián chuyên nghiệp, là người tinh thông nghiệp vụ, trong lòng luôn chứa chất mối ác cảm đối với giới kinh doanh. Tự mình không điều chỉnh được, không ưa những người giàu có và cơ quan của ông ta đã chuyển hướng công tác sang phát hiện, buộc tội các ngân hàng thương mại và một số nhà doanh nghiệp. Tôi chưa quên cái vụ năm 1996, các điều tra viên FSB tích cực phá “vụ án Sobchac” như thế nào. Tất cả đều thuộc một đường lối chính trị thống nhất.
Mùa hè năm 1998 đó tôi đã suy tính: lấy ai thay vào chữ Kovalev? Câu trả lời bỗng xuất hiện: Putin!
Trước hết, anh ta đã nhiều năm làm nghề này. Thứ hai, anh ta từng qua trường học lớn về điều hành, lãnh đạo. Song điều quan trọng là càng biết anh ta lâu hơn, tôi càng tin chắc rằng trong con người này có sự gắn bó sâu sắc với dân chủ, cải cách thị trường kết hợp với chủ nghĩa yêu nước kiên định.
Putin được thông báo về việc bổ nhiệm chính vào lúc anh ta được nhận sắc lệnh của Tổng thống. Sự việc là như thế.
Tôi đi nghỉ ở Shuiscaia Trupa. Thủ tướng Kirienko đáp máy bay tới, mang theo dự thảo sắc lệnh bổ nhiệm Putin. Tôi ký ngay không do dự. Ngày 25 tháng 7 năm 1998, Putin được bổ nhiệm làm Giám đốc Cơ quan an ninh Liên bang.
Sau kỳ nghỉ về tôi và Putin đã nói chuyện khá lâu. Tôi gợi ý anh ta trở lại quân ngũ và nhận quân hàm cấp tướng.
- Cần gì phải thế ạ - Bất ngờ Putin trả lời - Tôi đã giải ngũ từ 20 tháng 8 năm 1991. Tôi nay là công chức dân sự. Điều quan trọng là một bộ sức mạnh phải do một người dân sự lãnh đạo Nếu Ngài cho phép, tôi xin được giữ cấp hàm đại tá quân dự bị.
Chúng tôi bàn bạc khá lâu về vấn đề cán bộ của FSB.
Tình hình cơ quan hiện rất phức tạp. Nhiều sĩ quan chuyên nghiệp giỏi đã chuyển sang các tổ chức tư nhân, nhiều người khác sắp bị sa thải, chuyển sang ngạch dự bị. Cần phải khôi phục uy tín của một cơ quan đặc biệt đã bị tổn thương tan nát trong xã hội sau năm 1991. Cần giữ gìn các truyền thống và những người chuyên nghiệp, đồng thời làm cho công việc của họ bớt bị chính trị hoá đi.
Putin đã bắt đầu tổ chức lại FSB rất thông minh. Anh ta đối xử có tình có lý với Kovalev, không ngăn cản cựu Giám đốc giải quyết các vấn đề gì đó về sinh hoạt. Tuy là chi tiết nhưng trong lĩnh vực quân sự rất quan trọng. Anh ta lập ra một bảng biên chế mới. Hội đồng lãnh đạo mới bao gồm Giám đốc, các Phó giám đốc FSB và Giám đốc Cơ quan phản gián của thủ đô Matxcơva và Cục Phản gián Leningrad. Mặc dù về sau cũng phải thay đổi nhân sự nhiều nhưng việc tổ chức lại diễn ra êm thấm, tôi có thể nói là ngon lành. Thời gian đã chứng mình cơ cấu FSB của Putin tỏ ra hoàn toàn sung sức và có hiệu quả.
Putin nhận nhiệm vụ vào một thời điểm rất phức tạp.
Không phải thời điểm đơn thuần, mà là thùng thuốc nổ. Putin đã ra một tuyên bố rất cứng rắn vào mùa thu về vấn đề chủ nghĩa quá khích chính trị, khi thấy làn sóng bài Do Thái do tướng Macasov khơi mào đang chực trào ra đường phố. Tôi cho rằng cái nhìn sắc lạnh và tính chính xác nhà binh trong cách diễn đạt của Putin đã chặn đứng nhiều kẻ định giở trò lưu manh và khiêu khích. Putin tính không để yên bất kỳ một ổ nhóm cực đoan nào ở Matxcơva. Tất cả bọn này bắt đầu la lối trên báo chí rằng thời đại “Nhà nước cảnh sát” đang trở lại.
Nhưng điều chủ yếu nhất là Putin đã kiên định lập trường chính trị cứng rắn. Tôi đã viết về điều này ở phần trên. Các va chạm thường xuyên với Thủ tướng (Stepasin) luôn muốn thâu tóm FSB vào vòng ảnh hưởng của mình không làm cho Putin bối rối. Putin không để bị lợi dụng trong các trò chơi chính trị. Trong lĩnh vực này quy tắc đạo đức của anh ta cứng rắn đến mức tôi thậm chí ngạc nhiên. Trong những gian mưu, quỷ kế của quyền lực lúc bấy giờ, một người dày dạn kinh nghiệm hơn nhiều cũng có lúc nhầm lẫn, nhưng Vladimir Vladimirovich luôn luôn có một tiêu chuẩn rõ ràng duy nhất, tính đạo đức của hành động này hay hành động khác. Sự nghiêm túc của người này hay người khác. Putin luôn sẵn sàng từ bỏ chức vụ cao nhất của mình chứ không chịu làm điều gì trái ngược với quan niệm của anh ta về danh dự.
Putin không vội vã lao đầu vào nền chính trị lớn. Nhưng anh ta cảm nhận nguy hiểm rất nhạy bén và tinh nhanh hơn những người khác và thường cảnh báo cho tôi về các mối nguy hiểm.
Khi tôi biết Putin đã cho Sobchac ra nước ngoài, trong tôi có một phản ứng thật phức tạp. Putin không chỉ mạo hiểm sự nghiệp của cá nhân anh ta. Mặt khác, hành động này đòi hỏi một sự kính trọng sâu sắc rất tình người.
Khi hiểu rằng cần sa thải Primakov, tôi cứ suy nghĩ triền miên và day dứt: ai sẽ ủng hộ tôi? Ai thực sự sẽ đứng ra bảo vệ tôi?
Ngày 5 tháng 8. Tôi cho gọi Stepasin và Volosin vào phòng làm việc. Stepasin lập tức đỏ mặt và lo lắng.
- Sergei Vadimovich, hôm nay tôi quyết định bãi nhiệm anh. Tôi sẽ giới thiệu Vladimir Vladimirovich để Duma xem xét phê duyệt làm Thủ tướng. Tạm thời đề nghị anh chứng thực sắc lệnh bổ nhiệm Putin làm Phó thủ tướng thứ nhất.
- Thưa Boris Nicolaevich, - Stepasin khó khăn lắm mới nói thành lời: - Quyết định này... quá sớm. Tôi cho rằng đây là một sai lầm.
- Sergei Vadimovich, nhưng Tổng thống đã quyết định rồi! - Volosin nhắc.
- Thưa Boris Nicolaevich, rất mong Ngài cho tôi được thưa chuyện riêng.
Tôi gật đầu và chúng tôi ở lại nói chuyện riêng.
Stepasin bắt đầu nói... Nói khá lâu. Chủ đề chỉ có một: “Tôi luôn sát cảnh cùng Ngài và không bao giờ phản bội Ngài”. Sergei Vadimovich gợi lại các sự kiện năm 1991 và năm 1998, các sự kiện ở Budenovsk và ở Krasnoarmeisk. Anh ta hứa sẽ sửa chữa mọi lỗi lầm của mình, sẽ lập tức bắt tay vào xây dựng một đảng mới.
Tuy hiểu tất cả sự vô nghĩa của cuộc nói chuyện này, song tôi không thể ngắt lời Stepasin. Tất cả đều đúng: anh ta trung thành, chân thực, không khi nào phản bội. Không có nguyên nhân nào để bị sa thải. Trừ một, mà là nguyên nhân quan trọng nhất: anh ta không phải con người đó, cuộc đấu tranh hôm nay cần một con người khác cơ! Nhưng làm sao giải thích cho anh ta được?
Đến đây tôi cảm thấy hết kiên nhẫn.
- Thôi được, anh đi đi, tôi sẽ suy nghĩ - Tôi cố lấy giọng ôn tồn nói.
Stepasin bước ra. Đến của anh ta thầm thì với Volosin:
- Các anh nói với tôi cái gì ở đây vậy? Các anh sao thế, điên rồi à vào lúc này sao?
Thần thái, khí sắc lúc này thật dễ sợ.
Tôi gọi Volosin và gằn giọng:
- Làm gì mà lề mề thế? Mang sắc lệnh lại đây! Anh chẳng đã biết quyết định của tôi sao!
Volosin mang sắc lệnh vào lấy chữ ký.
- Tự anh hãy nói cho Stepasin biết anh ta đã bị sa thải. Tôi sẽ không gặp anh ta nữa! - Tôi nói.
Volosin chỉ nói thêm:
- Thưa Boris Nicolaevich, nếu cần Ngài có thể suy nghĩ đến thứ hai. Ngài hiểu rõ hơn tôi rằng chỉ Tổng thống mới có thể nói với Thủ tướng về việc sa thải, cách chức anh ta.
Volosin có lý. Tôi quyết định sẽ gặp lại Stepasin vào sáng thứ hai.
Cũng trong ngày hôm ấy Chubais điện thoại cho tôi. Anh ta nài nỉ xin gặp tôi. Tôi hiểu ngay chuyện gì rồi. Nó chỉ có thể thúc đẩy thêm quyết định mặc dù Chubais muốn ngăn cản tôi. Tôi ấn định thời gian gặp Chubais vào chín giờ mười lăm phút, còn trước đó 8 giờ gặp Stepasin.
Có điều ít lâu sau tôi mới biết Chubais đã mở cuộc tấn công như thế nào vào Văn phòng Tổng thống và trước hết là tấn công Putin.
Chubais rõ ràng vẫn nghĩ rằng tôi có một quyết định sai lầm, từ đó sẽ đưa tất cả chúng ta đến thảm hoạ.
Trước tiên Chubais đã đến gặp Putin. Chubais cảnh báo Putin những đòn khủng khiếp như thế nào sắp đổ lên đầu anh ta trong một nền chính trị. Luận cứ chính là Putin chưa từng trải, chưa hiểu chính trị là thế nào. Tốt nhất là tự Putin hãy từ chối còn hơn là sau này dưới áp lực của hoàn cảnh sẽ buộc phải rút lui.
Putin khảng khái:
- Xin lỗi, đây là quyết định của Tổng thống. Tôi có bổn phận phải thi hành. Ở vào cương vị tôi, chắc chắn anh sẽ phải xử sự như vậy.
Khi đó Chubais quyết định tác động thông qua bộ máy Văn phòng Tổng thống. Chủ nhật, trong khi xuất hiện khoảng thời gian trống đột ngột (không phải vô cớ mà tôi rất ghét các khoảng thời gian chết khi phải ra những quyết định quan trọng) Chubais đề nghị họp một nhóm gồm Volosin, Yumasev và Tania.
Chubais đưa ra lý lẽ: sau khi sa thải Primakov, xã hội còn chưa yên nay lại đến lượt vô cớ cách chức Stepasin sẽ bị hiểu như dấu hiệu của sự tan rã hoàn toàn của Kremli. Như sự hấp hối chính trị. Tất cả sẽ cho rằng Tổng thống hoàn toàn mất trí rồi. Đó sẽ là một tín hiệu phát lệnh tấn công từ mọi phía: Duma, Viện Liên bang. Khi đó họ chỉ còn việc tung ra dự trữ cuối cùng là tổ chức “các cuộc đấu tranh của quần chúng lao động”.
- Hãy nhớ lại “cuộc chiến tranh đường ray” - Chubais nói - Đấy mới là “bước khởi đầu”. Còn Luzkov điên khùng cũng có thể kéo hàng chục người đến Quảng trường Đỏ lắm chứ? Chả lẽ các vị không nhận thấy sao? Được, tôi đồng ý, Putin tốt hơn và sự lựa chọn của Tổng thống là đúng. Nhưng dẫu sao Yelsin cũng không có lý do gì cả về mặt chính trị và đạo đức để sa thải Stepasin và đề cử Putin.
Đến lúc đó Volosin đột ngột đề xuất một phương án hoàn toàn bất ngờ:
- Nếu bây giờ giữ Stepasin lại, Văn phòng Tổng thống chỉ có mình anh lãnh đạo nổi thôi, Anatoli Borisovich ạ. Tôi không nghi ngờ về phẩm chất con người của Sergei Vadimovich. Nhưng nếu anh tin vào thắng lợi của Stepasin, anh hãy trở lại làm đầu tàu cho cả đội hình, chúng tôi sẽ ủng hộ anh.
Đề nghị này chắc hẳn phải làm cho Chubais bị sốc hoàn toàn. Anh ta làm việc ở tập đoàn năng lượng độc quyền hàng đầu và chủ chốt của Nhà nước. Cái địa vị của anh ta, đứng ngoài cuộc nhưng điều khiển tình hình chính trị làm anh ta hài lòng. Anh ta đâu có muốn trở lại Văn phòng Tổng thống. Nhưng không còn lối thoát nào khác.
Chubais nói anh ta sẵn sàng.
Sau này Volosin mới kể cho tôi nghe câu chuyện trên.
Tôi luôn tin tưởng sự nhạy cảm chính trị của Anatoli Borisovich. Trong những thời điểm khó khăn nhất, anh ta đã hơn một lần thuyết phục được tôi là anh ta có lý. Tuy nhiên, vào lúc đó, nói thật, Chubais cũng chẳng còn chút cơ hội nào thay đổi quyết định của tôi. Rằng tôi vô cùng mạo hiểm khi đặt cược vào vị Thủ tướng “đặc biệt”, điều đó quá rõ. Nhưng khác với Chubais, người đã nhận định sai tình hình hoàn toàn theo lô gích, tôi linh cảm được khả năng và sức mạnh của Putin, triển vọng của hành động này. Còn nữa, đó là bầu không khí chính trị đã xuất hiện trong xã hội.
Xã hội đã sẵn sàng chấp nhận một khuôn mặt mới, một nhân vật đủ cứng rắn và nghị lực. Mặc dù tổ chức chính trị có sự lủng củng và đổ vỡ hoàn toàn, mọi người vẫn cần phải tin vào Putin. Đúng đây quả là một sự mạo hiểm rất lớn. Một hành động không hề có bất kỳ một cơ sở chắc chắn nào. Tuy nhiên, qua chừng ấy năm tôi đã gây dựng được một tình thế mà không ai có thể vượt ra ngoài khuôn khổ Hiến pháp. Tiềm năng chính trị chính là đây, mặc dù cuộc khủng hoảng Chính phủ kéo dài, sẽ không một ai có ý định vác gậy đánh Tổng thống và Thủ tướng mới. Hơn nữa, Thủ tướng mới lại là Putin, mới đây còn là Giám đốc Cơ quan an ninh Liên bang.
Tôi nghĩ tự Chubais cũng thấy được quyết tâm của tôi.
Tám giờ sáng diễn ra cuộc gặp của tôi với Putin, Acsenenko, Stepasin và Volosin.
Chúng tôi chào hỏi Stepasin, nhưng ngoài tôi, anh ta không bắt tay ai cả. Tôi nói ngay:
- Sergei Vadimovich, tôi đã ký sắc lệnh bổ nhiệm Putin làm Phó thủ tướng thứ nhất và sắc lệnh về việc cách chức anh.
Stepasin cau có:
- Tôi không chứng nhận sắc lệnh này.
Acsenenko can thiệp:
- Thôi ngay, Sergei Vadimovich?
Putin ngăn Acsenenko:
- Nicolai Emelianovich, không nên như thế.
- Thôi được - Stepasin nói - Tôi ký. Chỉ vì tôi kính trọng Ngài thôi, thưa Boris Nicolaevich.
Chín giờ sáng tôi phát biểu trên vô tuyến truyền hình:
- Hôm nay, tôi đã quyết định giải tản, Chính phủ của Sergei Vadimovich Stepasin. Theo Hiến pháp, tôi đề nghị Duma Quốc gia thông qua đề nghị của tôi cử Vladimir Vladimirovich Putin làm Thủ tướng. Tôi tin rằng trên cương vị đó Putin sẽ mang lại lợi ích to lớn cho đất nước, các công dân Nga sẽ có cơ hội đánh giá những phẩm chất của Putin về công việc cũng như nhân cách. Tôi tin tưởng ở anh ta. Nhưng tôi muốn tất cả những ai vào tháng 7 năm 2000 đến các khu vực bầu cử và thực hiện quyền lựa chọn của mình cũng sẽ đều tin tưởng Putin như tôi.
Tôi biết rõ Vladimir Vladimirovich, tôi đã theo dõi từ lâu và chú ý từ khi anh ta làm Phó thị trưởng thứ nhất St. Peterburg. Mấy năm gần đây chúng tôi đã làm việc sát cánh bên nhau. Lãnh đạo Chính phủ, đó là một gánh nặng và thử thách nghiêm túc. Putin sẽ đảm đương được, tôi tin như vậy: và dân Nga chúng ta sẽ ủng hộ anh ta.