Nước Nga chuyển sang nền kinh tế chuyển đổi thật khó khăn. Nhưng có lẽ những ai ở lại các nước SNG mà thiếu nước Nga còn khó khăn hơn nhiều.
Những ảo tưởng về việc các nước Cộng hoà của Liên Xô cũ cùng thống nhất thì sẽ dễ dàng hội nhập vào thị trường thế giới, sẽ dễ sống hơn đã bị sụp đổ. Rồi những ảo tưởng khác cũng bị tan vỡ: rằng nếu như nước Nga không vác gánh nặng trách nhiệm kinh tế với “những nước anh em nhỏ hơn” thì nước Nga đã đạt được nhường bước nhảy vọt kinh tế. Do ảnh. hưởng của thực tiễn mới ở các nước SNG cuộc sống đối với dân chúng trở nên ngày càng khó khăn hơn và nghèo đi.
Tôi luôn luôn hiểu điều đó. Trong tôi luôn có cảm giác nặng nề, mặc dù tôi nhận thức rằng đây không phải lỗi của tôi. Có lỗi chính là lịch sử của thế kỷ 20 này đã từng phá vỡ một cách tàn Dạo và liên tục hết thể chế đế quốc này đến thể chế khác.
Có thể nêu ra một thí dụ tương tự đơn giản. Khi gia đình ly hôn nhau, thì điều rất quan trọng là người vợ và người chồng phải giữ được quan hệ bình thường, quan hệ tốt. Đó là điều quan trọng trước tiên đối với con cái. Là điều quan trọng đối với cuộc sống tiếp theo sau này.
Còn trong trường hợp của chúng ta điều đó còn quan trọng hơn, bởi các nước SNG chia nhau không phải là những chiếc xoong nồi, mà là vũ khí. Cần phải làm cho quả trình chia tay nhau một cách êm thấm, hoà bình và giữ nguyên được tiềm năng hạt nhân không bị đụng chạm để sau đó chuyển hết về Nga theo thoả thuận.
Trong lịch sử thế giới sẽ rất khó có thể tìm được một thí dụ khác như sự hình thành quốc gia kiểu các nước SNG hiện nay.
Mới đây chưa lâu nhân dân các nước chúng ta còn sống chung theo một quy định, cùng làm việc trong một nền kinh tế, cùng có lối sinh hoạt giống nhau, một hệ thống giáo dục, cuối cùng là có cùng một Nhà nước. Chúng ta rất dễ hiểu nhau, chỉ cần nửa câu nói là đã hiểu nhau. Bởi vì chúng ta đã cùng đi một loại xe ô tô và tàu điện kiểu Xô-viết, đóng đoàn phí vào công đoàn như nhau, xem cùng một loại phim ảnh, kể cho nhau nghe những câu chuyện tiếu lâm. Nói ngắn gọn là chúng ta là những người cùng trong một không gian lịch sử.
Dù là như vậy, nhưng trong cái không gian chính trị thống nhất của Liên Xô cũ vẫn có các nước cộng hoà có đặc thù riêng, bản sắc riêng, không giống nhau - cả về khí hậu, cả về địa lý và tâm tính dân tộc.
Điều đó hoàn toàn là một sự kết hợp ngược đời sự thống nhất và mâu thuẫn giữa các mặt đối lập, mà ngày nay được gọi tắt là SNG.
Hiện nay ở nước Nga và các nước Cộng hoà SNG đang diễn ra cuộc tranh cãi rồi điều gì sẽ đến với SNG. SNG chỉ là cái tấm bình phong cản trở việc liên kết thật sự. Quan hệ của các nước chỉ nên được xây dựng là quan hệ song phương. Lúc đó mọi vấn đề phức tạp sẽ được giải quyết nhanh chóng, lúc đó ở các nước Cộng hoà Liên Xô (cũ) sẽ không xuất hiện cơ chế để họ có những quyết định không có lợi cho nước Nga.
Tôi hoàn toàn không tán thành quan điểm đó.
SNG là một thực tiễn khách quan. Trước hết, đó là một thị trường lao động thống nhất. Tôi không thể hình dung được là mọi người sẽ nuôi sống gia đình mình theo cách khác. Đó là một thị trường hàng hoá và dịch vụ chung, nếu thiếu nó thì thật khó hình dung ngân sách của bất cứ một nước nào trong SNG sẽ ra sao. Thật khó có thể nói được rằng thị trường này sẽ tồn tại như thế nào nếu thiếu những đường biên giới mở của chúng ta, thiếu một Liên minh thuế quan của chúng ta.
Đó cũng là thị trường nhiên liệu chung, dầu lửa, hơi dốt, điện năng, tức là kết cấu hạ tầng vật chất của nền kinh tế. Nếu nước Nga độc quyền một cách tự nhiên ở đây thì không có nghĩa là Nga áp đặt sự độc tài trong lĩnh vực này (chưa bao giờ xảy ra như vậy). Sự độc quyền tự nhiên đó ngẫu nhiên dẫn đến liên kết kinh tế hoàn toàn với các nước SNG khác.:
Ngoài ra, dù nó không giống trước đây, nhưng đang tồn tại và phát triển một không gian văn hoá và thông tin thống nhất. Cuối cùng, đây còn là hệ thống an ninh tập thể. Dù là cuộc xung đột Carabắc, Apkhadia hay Chesnia và những cuộc va chạm với các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Trung Á - đó đều là nỗi đau chung của chúng ta. Những bài học của những bi thảm này đã làm cho chúng ta hiểu được rằng nếu thiếu nhau, chúng ta sẽ không thể nào hàn gắn được những vết thương địa chính trị đang rỉ máu.
Hơn nữa, tôi còn tin tưởng sâu sắc rằng đến một lúc nào đó nhất định sẽ xuất hiện ở chúng ta một hệ thống tài chính duy nhất, một ban lãnh đạo chung tất cả các cơ quan bảo vệ pháp luật và những ưu tiên quốc tế chung. Rất có thể cả một Quốc hội chung. Có thể có ai đó còn cảm thấy điều đó là nghịch nhĩ. Sự liên kết của chúng ta đơn giản là nhất định sẽ diễn ra, do vậy đe doạ những nước láng giềng, phá vỡ những mối quan hệ được hình thành, chúng ta không có quyền làm như vậy. vấn đề sẽ hoàn toàn khác là duy trì hoặc thiết lập những mối quan hệ đó để làm gì.
Năm 1997 là năm đặc biệt khó khăn đối với SNG. Chúng ta đã trải qua một số thử thách, và thử thách đầu tiên lại là Hiệp ước Nga - Belorusia.
Những người Belorusia chẳng chỉ đơn thuần là láng giềng phía Tây của chúng ta, chẳng chi đơn thuần là những người anh em Slavơ đó sao. Lịch sử Belorusia đan xen chằng chịt với lịch sử nước Nga, quan hệ giữa hai dân tộc gắn bó mật thiết, gia đình, thân tộc đến mức mà trong lịch sử bao giờ chúng ta cũng cảm thấy đó là những người anh em cùng dòng máu.
Chính vì vậy ngay trong khuôn khổ SNG, quan hệ của chúng ta với Belorusia cũng hết sức đặc biệt. Cả chúng ta lẫn Belorusia đều cố gắng nâng cao mức độ hợp tác.
Nhiệm vụ chuẩn bị Hiệp ước liên minh đầy đủ hơn nữa đã được những người đứng đầu hai nước giao cho ngay từ năm 1996. Và thực tế là đến đầu năm 1997, Hiệp ước đó đã xuất hiện. Hiệp ước này được giao cho một nhóm công tác do Phó thủ tướng Valeri Serov, phụ trách các vấn dề liên kết của, Chính phủ Nga soạn thảo. Phía Belorusia dự thảo Hiệp ước được giao cho Bộ trưởng Ngoại giao I. Antonovich và Chánh Văn phòng Tổng thống M. Miasnikov. Nội dung dự thảo đã được trình lên hai Tổng thống.
Lúc đó mới phát hiện ra một điều là Điều lệ của liên minh mới hoàn toàn không phù hợp với những ý tưởng đã được tôi nhất trí thông qua khi thảo luận về quan điểm của liên minh tương lai. Điều lệ mới này chủ yếu do hai đảng viên của Đảng cộng sản Liên bang Nga (Chú tịch Uỷ ban Duma Quốc gia về công việc của SNG G. Tikhonov và chính I. Antonovich, người chuyển về Minsk và thay đổi quốc tịch) soạn thảo.
Còn chính việc bản thân Bộ trưởng Ngoại giao Belorusia, đồng thời cũng là một thành viên tích cực của Đảng cộng sản Nga, thì cũng làm cho ai đó phải ngần ngại. Nhưng chẳng ai ngần ngại cả. Thật là vô ích.
Những điều mà các nhà soạn thảo nêu ra, xét về nội dung thì có nghĩa là nước Nga bị mất chủ quyền của mình. Kết quả là xuất hiện một quốc gia mới, với một quốc hội mới, một chính quyền hành pháp mới được gọi là Hội đồng Tối cao của Liên minh. Mọi quyết định của cơ quan này là bắt buộc với Tổng thống Nga, Chính phủ và tất cả các cơ quan chính quyền hành pháp Nga. Trong dự thảo điều lệ nêu: “Mọi quyết định của Hội đồng Tối cao của Liên minh là bắt buộc đối với các cơ quan của Liên minh và đối với các cơ quan chính quyền hành pháp. của các quốc gia - thành viên”.
Trong dự thảo điều lệ còn nêu rằng người đứng đầu Hội đồng Tối cao của Liên bang mới sẽ được luân phiên thay đổi giữa Tổng thống Belorusia và Tổng thống Nga. Cứ hai năm một người, rồi luân phiên sang người khác. Như vậy là hai năm liền Tổng thống Alexandr Lucashenko sẽ lãnh đạo Liên bang Nga. Về Quốc hội trong dự thảo nêu: “Các quốc gia - thành viên tạo điều kiện để thành lập Quốc hội, cơ quan đại diện và lập pháp của liên minh do các công dân của Liên minh trực tiếp bầu lên”. Điểm liên quan đến vị trí đại diện ngang nhau trong Quốc hội Liên bang cũng không thể chấp nhận được - mỗi nước có ba mươi lăm người. Nước Nga có một trăm năm mươi triệu dân, còn Belorusia chỉ có mười triệu.
Khôi phục lại Liên Xô dù sao vẫn là niềm mơ ước của những người cộng sản. Nếu như đối với Đảng cộng sản Liên bang Nga đó là vũ khí đấu tranh chính trị, là định đề tư tưởng, thì đối với những công dân Nga khác đó chỉ là nỗi đau tinh thần, là nỗi ấm ức cho những người thân, đồng nghiệp, bạn bè v.v... của mình kẹt lại ở các nước Cộng hoà khác. Nếu như có thể, thì có thể gọi đó là tiếng gọi của tâm hồn. Nhưng tiềm thức đôi khi còn tác động lên cả ý thức ngay cả ở những quan chức Nhà nước.
Chính Dmitri Riurikov, trợ lý của tôi về các vấn đề quốc tế cũng cổ xuý nhiệt tình cho phương án xốc nổi và nguy hiểm cho nước Nga về việc thống nhất hai quốc gia.
Văn bản đó không chỉ được Chủ tịch Quốc hội, không chỉ có một số lượng lớn các quan chức Nga ủng hộ, mà nó còn được ký và nằm trên bàn làm việc của Tổng thống Lucashenko. Một vụ xì-căng-đan quốc tế lớn đã chín muồi. Để thay đổi tình hình cần phải giao cho Văn phòng của Tổng thống Nga. Các luật gia đã phát hiện hàng loạt điểm vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp Liên bang Nga.
Tôi gọi điện thoại cho Alexandr Grogorevich, yêu cầu tạm hoãn việc ký kết hiệp ước để cho toàn dân thảo luận. Tuy nhiên hành động ngoại giao này của Tổng thống Nga, hoãn việc ký kết Hiệp ước đã được soạn thảo - tất nhiên không phải là món quà hay ho đối với Tổng thống Belorusia. Tôi giao sứ mạng tế nhị này cho Ivan Rybkin, Thư ký Hội đồng an ninh mang thư riêng đến gặp Tổng thống Belorusia. Hơn nữa, tôi còn dặn thêm: “Ivan Petrovich, nếu Lucashenko chưa đồng ý thì chưa trở về”. Rybkin thở dài nặng nề gật đầu hiểu ý và bay ngay đi Minsk.
Ngay tại sân bay, Lucashenko đã kể lại toàn bộ nội dung bức thư của tôi cho Ivan Petrovich nghe. Sau này tôi mới biết Dmitri Riurikov, trợ lý của tôi như tôi nói ở trên đã cung cấp thông tin này cho Lucashenko. Anh ta đúng là một người cổ xuý nhiệt tình cho việc thống nhất hai nước, dù là sự thống nhất thân cộng sản đi nữa. Một tuần sau tôi sa thải anh ta.
Cho đến bây giờ tôi vẫn thầm cám ơn Ivan Petrovich vì lòng kiên nhẫn và bền bỉ của ông. Ông đã cùng với Lucashenko trao đổi hàng tiếng đồng hồ, nặng nhẹ với nhau, để lại không biết bao nhiêu thùng rượu sau những cuộc hội đàm. Đó là kiểu ngoại gia Slavơ thực sự.
Rybkin trở lại Matxcơva rất mệt mỏi. Chẳng bao lâu sau, ngày 10 tháng Tư, văn bản Hiệp ước mới đã được ký kết, mà theo nội dung của nó thì thực chất đó là Hiệp ước chuẩn bị cho việc thống nhất quốc gia.
Đúng như tôi dự tính, việc đưa ra toàn dân thảo luận một văn kiện tối quan trọng đối với hai dân tộc của hai Nhà nước là cực kỳ cần thiết, chúng ta đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp giá trị của các công dân hai nước.
Ngày 21 tháng 5, tại Kremli đã diễn ra lễ ký long trọng Hiệp ước giữa Nga và Belorusia. Tổng thống Lucashenko trông có vẻ xanh, nhưng rất yên tâm. Cả hai chúng tôi đều tin chắc chắn rằng liên kết quốc gia chẳng còn xa xôi. Và thực tế đến năm 2000 nó đã diễn ra, một liên minh quy mô đầy đủ của hai nước đã trở thành hiện thực.
Tôi luôn luôn ủng hộ để trong nội bộ SNG tồn tại những liên minh, tổ chức khác nhau để các nước thành viên trong Cộng đồng dần dần tham gia.
Nhưng những điều kiện của những liên minh đó cần phải thực tế và thực hiện được. Đáng tiếc là cho đến bây giờ vẫn còn có những khó khăn trên con đường liên kết kinh tế đầy đủ giữa Nga và Belorusia: Thị trường tài chính của Belorusia còn nhiều điều vướng mắc, luật pháp phản lại nền kinh tế thị trường, những trở ngại trong việc tư nhân hoá. Nếu như nước Nga đưa được Belorusia vào một thị trường thống nhất, thì đó sẽ là một thành công lớn lao. Nhưng để làm được điều đó thì trong nền kinh tế Belorusia cần có những cuộc cải cách triệt để. Tôi cũng có không ít ý kiến khác với Tổng thống Alexandr Lucashenko, cụ thể là về quan điểm của ông đối với báo chí. Chuyện đã xảy ra với phóng viên Pavel Sheremet bị bắt giam. Nhưng có thể trong vấn đề nào đó chúng tôi không trùng quan điểm với nhau đi chăng nữa, thì chúng tôi vẫn là bạn của nhau: Liên minh Nga - Belorusia sẽ trở thành chiếc đầu tàu của SNG kéo liên kết chung của chúng ta tiến lên phía trước.
Tôi thật sự hy vọng là từ liên minh này quá trình cải cách dân chủ ở Belorusia chỉ có thắng lợi. Nước Nga chúng ta cần phải tận dựng mọi khả năng của chúng ta có được cho quá trình này.
Tôi nêu ra thí dụ về những nỗ lực thành công trong việc liên kết Nga - Belorusia là vì sao? Bởi vì không thể cho phép đôi khi lợi dụng những vấn đề phức tạp trong quan hệ giữa các nước SNG làm vũ khí cho những trò chơi chính trị nội bộ. Chính những người cộng sản đã lợi dụng điều đó cố tìm mọi cách để
Hiệp ước không được Duma thông qua năm 1997.
Một thí dụ khác về việc lợi dụng những vấn đề liên quốc gia để kích động những ý đồ chính trị nội bộ - đó là vấn đề về Hạm đội biển Đen và Thành phố Sevastopol. Chính những vấn đề này đã trở thành vật cản trong quan hệ của chúng ta với Ucraina.
Quan hệ Nga - Ucraina, đó là một chủ đề đặc biệt phức tạp Người Ucraina đối với người Nga cũng là anh em như người Belorusia. Giữa họ có sự giống nhau rất lớn: Về ngôn ngữ, thói quen, lối sống. Hơn nữa, Kiev còn là thủ đô của nước Nga cổ - Kievskaia Rus - quê hương của ý thức dân tộc, lịch sử của chúng ta. Nếu không có Ucraina, thì không thể hình dung nước Nga sẽ ra sao. Nhưng thế kỷ 20 đã lôi kéo Ucraina muốn vươn tới độc lập, muốn tìm cho mình con đường riêng để phát triển thông qua tất cả những sự kiện chính, chiến tranh và cách mạng. Do đó dân chủ trong xã hội Ucraina trở nên căng thẳng bao nhiêu, thì lại là động lực thúc đẩy Ucraina tách xa Nga bấy nhiêu.
Tôi đã không ít lần gặp Tổng thống Leonid Kuchma. Nhưng tôi trì hoãn chuyến đi đầu tiên đến Kiev chỉ vì những vấn đề của Hạm đội biển Đen. Mối quan hệ không xác định ngày càng tăng lên. Chúng ta đã không thể ký kết được một văn bản lớn nào nghiêm túc, quan trọng. Quan hệ giữa hai nước chúng ta bị trì hoãn một cách không tự nhiên.
Tháng 5 năm 1997, cuộc khủng hoảng nhiều năm cũng đến hồi kết thúc. Tôi tiến hành chuyến thăm Kiev đầu tiên sau khi đã diễn ra biết bao cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng. Những cây dẻ ở Kiev nở hoa trắng xoá, hàng người trên phố phấn khởi, hân hoan chào đón chúng tôi. Tôi nhớ, tôi đã dừng xe lại ở ngay trung tâm Kiev và nói chuyện với những người dân Kiev, rất nhiều người chìa tay ra bắt, phát biểu những lời ấm áp, thân tình. Những người cau có với những khẩu hiệu bài Nga bị gạt ra một bên cách hẳn với đám đông tình cảm và thiện chí này.
Lúc đó trong tôi nảy ra suy nghĩ: “Trời ơi, không biết quan hệ của chúng ta đã gián đoạn bao năm rồi? Không biết đến bao giờ nữa chúng ta vẫn còn ra vẻ không cần đến nhau nữa?”. Như vậy là đã kết thúc một giai đoạn xa lạ hơn năm năm trời Hạm đội biển Đen bơ vơ không phải của ai. Còn giờ đây trên những chiếc tàu của Hải quân Nga thay vì những chiếc cờ cũ của Hải quân Liên Xô là những chiếc cờ mới Andreev. Còn những chiếc cờ vàng xanh là của Ucraina.
Hạm đội đã ở trong tình trạng xuống cấp, không được đổi mới, không được sửa chữa. Các thuỷ thủ không biết mình phục vụ quốc gia nào, ai phải trả lương, hưu trí, trợ cấp cho họ. Trong số bốn trăm ngàn dân của thành phố Sevastopol thì có đến một trăm ngàn người, tức là một phần tư gắn số phận của mình với số phận của Hạm đội. Tất cả họ đều căng thẳng chờ đợi xem cuộc tranh cãi của chúng ta kết cục ra sao. Giải quyết được việc phân chia Hạm đội biển Đen là một thắng lợi lớn đối với cả Ucraina, cả Nga.
Nói một cách ngắn gọn nội dung của Hiệp ước như sau. Nga được thuê các cầu tàu của Sevastopol, Nam và Karantinyi để cho 338 tàu chiến Nga thả neo. Giá thuê hàng năm các căn cứ quân sự ở Sevastopol cho việc neo đậu tàu là 98 triệu đô la được trừ vào khoản tiền thanh toán khí đốt mà Nga cung cấp cho Ucraina. Vào thời điểm ký hiệp ước khoản nợ này đã lên tới gần 3 tỷ đô la. Hợp đồng thuê các căn cứ quân sự này, kể cả kết cấu hạ tầng của Sevastopol là 20 năm.
Tất cả đều thở phào nhẹ nhõm. Vấn đề không được giải quyết bao nhiêu năm về Hạm đội thật sự là những vấn đề rất khó không đơn giản, cần phải nhân nhượng nhiều, nhưng dù sao cũng đã được giải quyết.
Ucraina nhận được một phần của Hạm đội và thanh toán được một phần nợ. Cuối cùng thì cũng loại bỏ được vấn đề Sevastopol thuộc về ai, khẳng định tính toàn vẹn lãnh thổ của Ucraina. Tôi coi hiệp ước về Hạm đội này là “phương án số không”. Chúng ta có khả năng có mặt quân sự ở biển Đen và Địa Trung Hải, nơi có rất nhiều tàu buôn bán và vận tải của chúng ta qua lại. Điều đó rất quan trọng để khôi phục lại uy tín của nước Nga.
Nhưng điều quan trọng hơn cả là chúng ta đã ký được với Ucraina một Hiệp ước hữu nghị và hợp tác bị trì hoãn bao năm nay. Tỷ suất thuế quan, những dự án kinh tế liên doanh, vấn đề nợ - ngay sau khi vấn đề về quy chế của Thành phố Sevastopol được giải toả thì mọi vấn đề được giải quyết ngay và có điều kiện, động lực mới phát triển.
Nhưng không phải tất cả ở Nga và Ucraina đều nhất trí với phương án giải quyết đó. Việc phân chia Hạm đội ngay lập tức được những phần tử dân tộc chủ nghĩa ở Ucraina, những phần tử cánh tả ở Nga làm rùm beng lên. Ngay cả nhà chính trị tầm cỡ Liên bang như Yuri Luzkov cũng tát nước theo mưa với những người cánh tả. Ông ta gọi điều khoản thuê căn cứ của Sevastopol là bất bình thường.
Dường như Yuri Luzkov muốn tuyên bố chiến tranh với Ucraina hoặc là biến Sevastopol thành một quận của Matxcơva. Sau đây còn một giai thoại nữa cũng rất quan trọng và khó khăn trong việc hình thành SNG.
Ngày 23 tháng 10 năm 1997, diễn ra một cuộc họp kín của Hội đồng nguyên thủ các quốc gia SNG tại Kishinev. Trong những cuộc gặp gỡ như thế này, chúng tôi muốn giải quyết tất cả những vấn đề gay gắt, và cuộc gặp thượng đỉnh không phải là ngoại lệ. Đầu tiên mọi việc diễn ra bình thường - gặp gỡ ngoài sân bay, những cuộc ôm hôn thân mật, chiêu đãi trọng thể, gặp gỡ báo chí. Tôi có cảm giác làm việc bình thường, thoải mái, không chờ đón một điều gì bất ngờ.
Nhưng khi vừa mới ngồi vào bàn hội đàm thì hết Tổng thống này đến Tổng thống khác tấn công nước Nga, đưa ra những bài phát biểu chống Nga kịch liệt. Mỗi Tổng thống đều đưa ra những phàn nàn, kêu ca. Tôi chăm chú lắng nghe, đánh dấu những ý chính trong sổ tay và suy ngẫm: Vấn đề không phải là những lời kêu ca, phàn nàn. Tất cả những phát biểu đó đều toát lên sự mệt mỏi với những vấn đề chưa được giải quyết. Những gánh nặng đó họ đều muốn đổ lên vai ông bạn láng giềng lớn. Hay ít ra mới ở trên lời nói. Tôi quan sát nét mặt của các đồng nghiệp và càng tin tưởng suy nghĩ đó đúng.
Chẳng hạn, Eduard Shevardnadze, nhà lãnh đạo Grudia bao giờ cũng kêu ca về nỗi đau của tấn bi kịch Apkhazia. Bóng đen của cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn đã lan đến đất nước đầy ánh năng và hiếu khách của ông ta.
Hay là Leonid Kuchma cũng có những vấn đề của mình, không chỉ riêng về kinh tế. Làm sao mà kết hợp được kinh tế với sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc, đôi khi rất dữ dội và hiếu chiến?
Rồi đến những phần tử dân tộc - cấp tiến của Luchinski ở Mondova, của Rakhmanov ở Tazikistan và của Acaev ở Kirgizia. Cuộc xung đột nặng nề Karabắc sẽ còn là nỗi đau lâu dài giữa Azerbaizan và Armenia. Không biết bao giờ thì quan hệ giữa những nước Cộng hoà này mới trở lại bình thường. Đã có những phát biểu gay gắt đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh ở Kishinev về việc vũ khí Nga tuồn cho Armenia. Các quân nhân của chúng ta đã cung cấp cho Armenia vũ khí theo hợp đồng bí mật giữa hai cơ quan quân sự. Bất bình trước tiên là Tổng thống Azerbaizan Aliev. Tôi trả lời rằng đã cách chức một số lãnh đạo của Bộ Quốc phòng. Và tôi còn cách chức nữa. Cả gian phòng ồ lên.
Lẽ dĩ nhiên tôi có thể trả lời kiên quyết, cứng rắn và gay gắt đối với mỗi phát biểu trên. Nhưng tôi không muốn như vậy. Nói một cách ngắn gọn, hội nghị thượng đỉnh Kishinev giống như một trong số những sự kiện bi kịch nhất, bởi vì chính cuộc gặp này trên thực tế là giải quyết số phận của cả Cộng đồng SNG.
Có lần nào đó tôi đã ở Kishinev, đã từng được chứng kiến hàng đống vỏ chai trống không. Những thùng rượu dưới ánh sáng nến lờ mờ, mùi của gỗ lâu ngày, vị của rượu hơi chua và hầm ngầm ẩm ướt. Rượu nho. Một thứ rượu nho của Mondova hơi chát, như nhung, gần như màu đỏ đậm.
Tôi cứ suy nghĩ về cái công thức SNG. Chúng ta vẫn trung thực với nhau trong suốt tiến trình hàng trăm năm nay, còn khi mở thùng rượu nho, nơi đựng loại rượu nho cũ cũng là giữ được mối quan hệ thân tình, thật dễ dàng. Đổ thứ rượu nho đó xuống đất cũng thật dễ dàng.
Tôi có cảm giác rằng chúng ta đã từng cãi nhau, sừng sộ với nhau... theo kiểu láng giềng. Nhưng rất hiền lành. Cũng giống những nông dân cùng nhau cày trên thửa ruộng của mình, trồng nho, xay ra, chắt lọc lấy nước ngâm rượu. Nếu không có nhau, những người láng giềng không thể đơn thương độc mã hoàn thành được cái công việc nhà nông muôn đời này.
Trở lại năm 2000...
Sau khi tôi từ chức được một thời gian lại diễn ra cuộc gặp của các Nguyên thủ Quốc gia SNG. Tất cả họ đều đến trước một ngày khi diễn ra cuộc gặp chính thức và tôi mời họ đến nhà tại Gorki-9. Tôi đã phải tiếp đón tại nhà những vị khách chính thức, thực chất là tất cả, điều mà trước đây chưa từng diễn ra. Quả thực chưa bao giờ tại nhà chúng tôi lại đông các vị khách cao cấp như thế. Naina thậm chí còn lo lắng: Không hiểu có đủ bát đĩa để ăn không? Chúng tôi chiêu đãi các vị khách món ăn nổi tiếng của Siberi - món bánh cá măng của Siberi.
Tất cả các Tổng thống đều muốn phát biểu những lời nồng thắm, thân thiện. Mỗi người đều mời tôi đến thăm.
Tôi nhớ Islam Karimov, Tổng thống của Uzbekistan, một người thông thái, tinh tế kiểu rất Á Đông, nhận xét về việc tự nguyện từ chức của tôi: “Thưa Boris Nicolaevich, chắc hẳn, ngoài Ngài ra, không có ai dũng cảm hành động như vậy...”.
Còn Uzbekistan đối với nước Nga có ý nghĩa thế nào? Đó không chỉ là một nước Cộng hoà Trung Á đầy ánh nắng, với phong cảnh ngoạn mục. Đó còn là kỷ niệm về cuộc động đất Tashken năm 1966 làm chấn động toàn quốc. Cả thế giới đã cùng một tay khôi phục lại thành phố Tashken bị đổ nát. Nước Nga vẫn nhớ biết bao người ty nạn trong thời gian chiến tranh đã được đưa về sơ tán ở Uzbekistan, biết bao trẻ em mồ côi đói kém được các gia đình Uzbekistan nuôi nấng. Người Nga suốt gần một thế kỷ đã giúp đỡ người Uzbekistan xây dựng nền văn hoá, khoa học, giáo dục, công nghiệp. Không thể để cho những mối quan hệ máu thịt đó không lưu lại mãi mãi trong ký ức lịch sử của nhân dân.
Một anh bạn khác, rất tốt và thiện chí là Nursultan Nazarbaev. Tôi có cảm giác là Nazarbaev không tán thành với việc từ chức của tôi, nhưng không nói gì, mà vẫn kiềm chế, bình tĩnh như mọi khi... Nazarbaev có vị trí rất vững chắc ở nước mình ngay từ thời còn Liên Xô cũ, và vì vậy ông không làm bất cứ chuyện gì thay đổi đột ngột, triệt để, quá trớn trong chính trị cũng như trong kinh tế. Ông kết hợp một cách thành công tính cẩn thận phương Đông, cân nhắc chín chắn với tính hiện đại trong hành động. Ông tạo ra được tâm lý tin tưởng. Không phải ai cũng làm được như vậy.
Còn Ascar Acaev, một đồng minh tin cậy của tôi lại muốn động viên tôi. Ông có cảm giác là tôi rất khó khăn, dằn vặt, nên rất thông cảm muốn chia sẻ với tôi. Tôi có cảm giác ông rất sợ sau đó quan hệ của Nga với Kirgizia sẽ thay đổi. Sợ sự hiểu biết giữa hai nước sẽ không còn nữa. Ông đã làm rất nhiều để củng cố mối quan hệ giữa hai nước chúng ta. Ông lo lắng cho tương lai đất nước mình, ông cũng rất giống tôi không thấy tương lai đó nếu thiếu nước Nga.
Saparmurad Niazov thì mời tôi đến thàm đất nước Turmenia đầy ánh nắng: ở đó hoa đã sắp nở. Turmenia khác với tất cả các nước Cộng hoà khác thuộc Liên Xô cũ vẫn tiếp tục đi theo con dường kinh tế Nhà nước. Niazov cố gắng sử dụng một cách đúng đắn và hợp lý nguồn tài nguyên quốc gia: Hơi đốt, bông. Nếu như có khả năng nuôi dưỡng tất cả mọi người, không cần thay đổi lối sống, sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên - thì tại sao không được? Không phải ai cũng có được những khả năng như vậy. Tôi quan sát nét mặt của Emomali Rakhmanov, người đang đối mặt với tình hình thường xuyên diễn ra bất ổn ở biên giới Tadjikistan. Cuộc sống tại đó rất không đơn giản! Ông luôn luôn tỏ ra tính cách Á Đông thản nhiên bình tĩnh bên ngoài, những trong lòng ông thật sự lo lắng, trầm tư hiện trên nét mặt. Ông cũng rất lo cho quan hệ giữa hai nước trong tương lai. Tôi đặt tay lên vai ông. Qua đó muốn truyền sang ông niềm tin rằng mọi việc sẽ rất tốt. Tôi không còn là Tổng thống, chỉ là người bình thường. Tôi nghĩ rằng ông hiểu tôi.
Còn đây là Robert Kocharian, có thể ở nước ông đang có vấn đề lớn, nhưng không bộc lộ trên nét mặt ông... Một đất nước Armenia đầy núi non đang phải trải qua những cơn biến động chính trị khó khăn. Nhưng không vì thế mà không còn là một trong những đất nước văn hoá nhất, dân trí cao nhất trong SNG. Tầng lớp trí thức Armenia, nền khoa học, văn học, nghệ thuật bao giờ cũng ở đỉnh cao. Đây chính là nền tảng cho một tương lai phồn thịnh, tươi sáng.
Thật khó đoán qua nét mặt của Tổng thống Geidar Aliev, Giáo chủ của Azerbaijan xem ông đang nghĩ gì. Tôi nhớ ông từ thời còn trong Bộ Chính trị của Gorbachov. Con người thông thái với những kinh nghiệm phong phú này từng trải qua bao nhiêu thử thách, bao nhiêu va chạm đã thay đổi rất nhiều! Trả giá bằng những nỗ lực ghê gớm, Aliev đã đưa được dân tộc mình theo con đường hoà bình, chấm dứt một cuộc chiến tranh vô vị, khó khăn. Quần chúng tất nhiên không quên điều đó. Nước Nga cũng hiểu điều đó. Geidar Aliev có thể hy vọng vào sự hiểu biết đó.
Còn một vị Giáo chủ nữa cũng được ở Nga rất kính trọng - đó là Eduard Shevardnadze. Ngay sau cuộc gặp ở Gorki, ông phải lao vào cuộc bầu cử. Cũng giống như Geidar Aliev, ông đã đưa đất nước mình ra khỏi vũng lầy của cuộc nội chiến, ra khỏi đám cháy của cuộc chém giết lẫn nhau huynh đệ tương tàn suýt nữa làm cho Grudia chìm đắm. Giờ đây Grudia lại đang phải đối mặt với những vấn đề khác - thúc đẩy phát triển kinh tế, hội nhập với thị trường thế giới, thúc đẩy phát triển công nghiệp. Grudia cần hoà bình, cần ổn định, tức là trong vấn đề này giữa hai nước chúng ta có sự hoàn toàn hiểu biết lẫn nhau.
Piotr Luchinski nhắc chúng tôi về một cuộc gặp gỡ ở Kishinev. Mondova - một đất nước tươi đẹp, thân thiện từ lâu đã mang sắc thái hoà bình, thân thiện của nhà nông. Nhưng tại đây cũng để lại vết sẹo sau khi Liên Xô tan rã - Pridnestrovie. Giải quyết vấn đề này, nếu thiếu sự hỗ trợ của chúng ta thì chắc chắn là Mondova không thể làm nổi.
Tổng thống trẻ nhất của SNG là Alexandr Lucashenko, đôi khi bằng những tuyên bố đột ngột, bồng bột đã gây ra sự chú ý của báo chí chúng ta. Ông còn bị người ta coi là một người cứng nhắc, hiếu chiến, thậm chí là thô bạo. Song điều đó tôi không nhận thấy khi tiếp xúc cá nhân. Đúng, đó là con người hay ồn ào, khuấy động. Những mơ ước của chúng tôi đã trở thành hiện thực - liên minh giữa hai quốc gia là một thực tế... Sự kiện này có ý nghĩa trọng đại. Sự kiện đó có được tất nhiên cũng nhờ những nỗ lực và lòng kiên trì và năng nổ của Lucashenko.
Với Leonid Kuchma khó tiếp xúc hơn, mặc dù bề ngoài ông vẫn rất tế nhị, thân thiện kiểu Ucraina. Nhưng trong ông có ý chí, kiên trì và sự bộc trực. May thay chúng tôi không còn phải đau đầu về chuyện chia bôi Hạm đội biển Đen, không phải thảo luận về thuế quan, mà có thể ngồi bên nhau nhâm nhi và phấn khởi với cuộc sống đang diễn ra... Ucraina trong bước ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, ổn định tình hình chính trị. Nhân dân đã trở lại sống khá hơn, ổn định hơn.
Chúng tôi ngồi bên bàn và bình tĩnh nói chuyện với nhau. Bên cạnh chúng tôi còn có một người mới: quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin. Anh tham gia câu chuyện với mọi người, chú ý theo dõi. Anh hiểu rằng chẳng bao lâu nữa, anh cũng sẽ được nếm thử miếng bánh mì khó khăn này. Tất cả các Tổng thống ngồi bên bàn này cũng theo dõi anh ta. Ai cũng hiểu anh ta ngồi ở đây không phải là tình cờ. Tôi không thể đề xuất với những đồng nghiệp để anh lên giữ chức Chủ tịch Cộng đồng SNG. Nhưng họ lại quá hiểu tôi. Ngay hôm sau Putin được bầu lên làm Chủ tịch SNG.
Tôi rời Kishinev và nhớ lại khu rừng nghỉ Belovez. Đã có biết bao lời quy kết đổ lên đầu tôi vì ba cái quyết định! Đã có bao nhiêu luận điệu cay độc nhằm vào tôi! Nhưng không bao giờ tôi nghi ngờ tính đúng đắn trong hành động của mình năm 1991. Tại đó, khi ở khu rừng nghỉ Belovez, chúng tôi đã cố không làm tan rã, mà duy trì không gian chính trị thống nhất. Liên bang đã không còn có thể tồn tại được, Nhà nước đã bị rách nát từng mảng. Và để cứu vãn những mối quan hệ truyền thống, tránh những cuộc va chạm công khai và những cuộc xung đột sắc tộc, chúng tôi đã đi đến thoả hiệp. Chúng tôi đã rất hy vọng quá trình chia tay sẽ diễn ra dần dần nhẹ nhàng, nhờ SNG.
Điều duy nhất mà chúng tôi không đảnh giá hết - đó là ảnh hưởng của giới thượng lưu chính trị ở các nước Cộng hoà. Bức tranh dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi của độc lập điên khùng đã nổi lên rất nhanh ở hầu hết các quốc gia.
Những người không muốn bỏ tiếng Nga trong các trường phổ thông thì muốn mà cả với nước Nga, còn những người ủng hộ luật chơi chung thì lại bị coi là có đầu óc đế chế. Một quá trình phân ly diễn ra với tốc độ khủng khiếp. Quyền con người của những người Nga cũng bị vi phạm nghiêm trọng.
Trong tình huống đó thì phải xử lý thế nào? Cần phải lựa chọn đường lối nào ngay trong nội bộ không gian Liên bang cu cho chính sách của chúng ta: Đường lối đối đầu hay thoả hiệp? Lẽ dĩ nhiên tôi chọn đường lối thứ hai một cách có ý thức. Bởi vì tôi hiểu rằng những quốc gia trẻ tự dành cho mình quyền được phá bỏ những thứ củi mục cũ trong chính sách đối nội và đối ngoại của mình. Nếu như họ không đi với chúng ta, thì họ sẽ đi với những nước mà hoàn toàn có thể hướng cái liên minh này chống lại nước Nga.
Hơn nữa, sự phân định rạch ròi quá khắt khe còn có thể gây bao tai hoạ cho nhân dân. Cho hàng triệu người. Chỗ nào có thể là nơi làm việc cho những người không phải địa phương: Nếu như ở đó chỉ có người Azerbaijan hay Ucraina, chứ không có người Nga? Mondova sẽ xuất hoa quả và rượu vang của mình cho ai? Armenia và Tadjikistan sẽ sống ra sao nếu như thiếu vắng sự có mặt quân sự của chúng ta ở đó? Ucraina và Belorusia độc lập sẽ làm được gì nếu không có hơi đốt của chúng ta? Có quá nhiều vấn đề.
Nhưng cái chủ yếu đối với hàng ngàn người, hàng triệu người Nga có thể bị mất mối quan hệ tinh thần, gia đình, đạo đức đã từng thống nhất chúng ta, những người tách ra khỏi Liên Xô, - sống thế nào đây?
Tôi cho rằng Nga với tư cách là người lãnh đạo thực thụ cần phải nhận lấy trách nhiệm chính trị, nếu cần có thể cả trách nhiệm kinh tế để duy trì và củng cố Cộng đồng SNG.
Năm 1991, Nga tuyên bố thừa kế Liên Xô. Đó là hành động hoàn toàn sáng suốt, lô gích về mặt pháp lý - đặc biệt là trong lĩnh vực các quan hệ quốc tế, nơi chúng ta bị ràng buộc bởi hàng loạt những trách nhiệm nặng nề với tư cách là thành viên của các tổ chức quốc tế, công ước và hiệp định. Ra khỏi cái không gian pháp lý này, thì sẽ xuất hiện biết bao vấn đề, mà chúng ta vẫn chưa chuẩn bị cho việc đó trong cái tình hình bối rối. Nhưng bây giờ nghĩ lại: Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu như nước Nga tân tiến đi theo một con đường khác và khôi phục quyền thừa kế của mình của một nước Nga khác, nước Nga của trước đây...
Từ năm 1991 quay trở lại... hay sao?
Tất nhiên nếu đi theo cách đó thì còn biết bao khó khăn hơn nữa.
Ý tưởng phục hưng bao giờ cũng làm cho dư luận xã hội hoảng hốt. Trả lại tài sản, ruộng đất, trả lại các món nợ cho những thế hệ sau của dân di tản bị mất trong những năm cách mạng hay sao? Điều đó rất khó, bất bình thường và không hiểu được. Đoạn tuyệt với cách mạng đơn giản hơn - kiên quyết, không trì hoãn và không làm phức tạp quá trình đau khổ cắt đứt với quá khứ. Trong việc đoạn tuyệt với chế độ cũ này tất nhiên cũng có những yếu tố tích cực của nó.
Chúng ta đã từng sống theo những luật hoàn toàn khác - không phải là theo luật thời Xô-viết được xây dựng trên cơ sở lý tưởng dấu tranh giai cấp và chuyên chính của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, mà theo luật tôn trọng cá nhân. Từng cá nhân cụ thể. Chúng ta chẳng phải khôi phục lại những điều kiện để làm cho xuất hiện nền kinh doanh, tự do ngôn luận, quốc hội và nhiều thứ khác nữa đã từng tồn tại ở Nga trước đây. Có điều đã từng có sở hữu tư nhân về ruộng đất. Song điều chủ yếu là chúng ta, những người Nga đã cảm thấy mình khác hẳn - cảm thấy mình là công dân của một Tổ quốc Nga mới. Chúng ta nhất định tự hào với cảm xúc của lịch sử được khôi phục công bang! Thế giới xung quanh đã có thái độ khác hẳn đối với chúng ta. Thừa nhận những sai lầm lịch sừ của mình và khôi phục lại tính thừa kế lịch sử - một hành động dũng cảm, được kính nể.
Ta hãy xem thực tế diễn ra trên đất nước ta những năm gần đây. Chín năm trời chúng ta phải phá cái cũ và xây dựng cái mới. Sống giữa hai thời đại. Điều đó còn khó khăn hơn cả thích nghi với cái hiện dại, hiện đại hoá những luật cũ của Nga. Những cái lợi tất yếu mang lại từ quyết định đó, từ bước thay đổi những sự kiện năm 1991 rất có thể bị chúng ta bỏ lỡ.
Đúng, không phải mọi việc đều đơn giản, không phải trong cuộc sống mọi thứ đều diễn ra ngọt ngào như tiến trình chính trị. Có thể khi nào đó những người Nga lại muốn tiến hành một bước nữa.
Còn một giai thoại nữa mà tôi muốn trình bày để chứng tỏ tôi luôn cố gắng đáp ứng yêu cầu của các đồng nghiệp. Tôi muốn nói đến việc bổ nhiệm Boris Berezovski làm Thư ký chấp hành SNG.
Cứ sau mỗi cuộc gặp thượng đỉnh lại càng thêm bất bình với công việc của ban lãnh đạo cơ quan chấp hành. Cuối cùng thì lãnh đạo các nước đều đi đến thống nhất phải cách chức Ivan Korotchenia. Tất nhiên theo truyền thống của chúng ta là có sự cám ơn. Nhưng ngay lập tức cần phải có người thay thế. Các Bộ Ngoại giao bắt đầu tìm kiếm ứng cử viên. Nhưng nói chung ngay trước khi diễn ra buổi đầu của cuộc họp thượng đỉnh vãn chưa thống nhất được ai là người lãnh đạo. Khi chúng tôi có mặt ở Matxcơva tại phòng Ecaterina của Điện Kremli, tôi thật sự ngạc nhiên khi Tổng thống Ucraina đề nghị đưa Boris Berezovski lên giữ chức vụ này. Ông giải thích rằng cần phải đưa một nhận vật sáng giá như Berezovski lên giữ chức vụ này thì mới có thể tạo được động lực mới cho công việc của một cơ quan. quan trọng như vậy của Cộng đồng SNG. Thực ra mà nói tôi rất ngạc nhiên.
Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu. Sau đó còn có ý kiến phát biếu của các Tổng thống khác, nhưng tất cả đều nhất trí với ứng cử viên này. Không biết bao nhiêu lời ca tụng Boris Abramovich được nêu lên, đến nỗi tôi không thể định hình được khi nghe hết Tổng thống này đến Tổng thống khác phát biểu.
Cuối cùng, tôi xin phát biểu:
- Thưa các đồng nghiệp, các bạn biết ở nước chúng tôi có thái độ như thế nào đối với Berezovski, đặc biệt là trong giới thượng lưu chính trị. Tôi đề nghị ta xem xét ứng cử viên khác.
Ngay lập tức tôi được nghe:
- Thưa Boris Nicolaevich, điều đó thật kỳ cục, chúng tôi cũng quá rõ Berezovski, biết anh ta có những điểm mạnh, điểm yếu. Nhưng chúng tôi đề cử một công dân Nga thì Ngài lại phản đối?
Lúc đó tôi đề nghị dành thời gian để suy nghĩ, tuyên bố giải lao và ra ngoài. Tôi ngồi nghỉ trong phòng nghỉ bên cạnh gian Ecaterina và cho gọi Shevchenko đến gặp, yêu cầu tìm Berezovski đến Kremli ngay. Anh ta kể lại với tôi rằng những ngày gần đây Berezovski đã đi khắp nơi để vận động các Tổng thống SNG ủng hộ anh ta.
Tôi cho gọi Yumasev, Chánh Văn phòng Tổng thống đến gặp và hỏi ý kiến anh ta về vấn đề này. Nói thật lòng, tôi chưa bao giở thấy anh ta giận dữ như vậy. Yumasev kiên quyết phản đối. Hơn nữa, anh ta cho rằng bất cứ một quyết định nào trong khuôn khổ SNG đều không được tiến hành theo kiểu áp đặt Tổng thống Nga. Nhất là điều đó lại được tiến hành bí mật, sau lưng Tổng thống Nga.
Sau đó tôi cho gọi Thủ tướng Kirienko vào gặp. Kirienko cũng rất phẫn nộ. Anh ta giải thích rằng Tổng thống không nên nhận thêm gánh nặng trách nhiệm chính trị, việc bổ nhiệm Berezovski sẽ là một vụ xì-căng-đan lớn ở Nga.
Tôi lang nghe ý kiến của họ và cũng đúng lúc đó mọi người báo cáo với tôi rằng Berezovski đã có mặt. Tôi đề nghị Kirienko và Yumasev chờ tôi bên ngoài và cho mời Berezovski vào gặp.
Tôi mở đầu:
- Boris Abramovich, tôi cho rằng anh đã nắm được chuyện gì hôm nay xảy ra. Các Tổng thống SNG đều đề nghị bổ nhiệm anh làm Thư ký chấp hành SNG. Anh hiểu là phản ứng ở nước ta sẽ thế nào đối với việc bổ nhiệm anh. Tôi muốn biết anh suy nghĩ như thế nào?
Berezovski dễ dàng bắt chuyện, anh ta đã loanh quanh đâu đó xung quanh Kremli. Nhìn tôi chăm chú, anh ta bật nói:
- Thưa Boris Nicolaevich, nếu như Ngài muốn làm lợi cho Cộng đồng, thì Ngài hãy bổ nhiệm tôi. Tôi tin chắc tôi sẽ làm được điều gì đó có lợi. Nếu như Ngài nghe ở ngoài phố người ta nói điều gì đó, thì thôi không cần. Còn nếu như ngài ủng hộ tôi, thì tôi sẽ không phụ lòng tin cậy của Ngài và của các Tổng thống SNG đối với tôi.
Tôi chợt thoáng suy nghĩ. Tất nhiên, một tình huống thật kỳ cục. Tổng thống Nga lại phản đối việc bổ nhiệm một công dân Nga.
Tôi trở lại phòng họp. Các Tổng thống nhìn tôi chờ đợi.
Cuối cùng tôi phát biểu:
- Các đồng nghiệp thân mến, tôi đồng ý với đề nghị của các Ngài. Bổ nhiệm ứng cử viên Boris Berezovski vào chức Thư ký chấp hành SNG.
Tất cả đều đồng ý theo đúng điều lệ của SNG, Berezovski được bổ nhiệm vào chức vụ này.
Một năm trôi qua, sự thật là đã xảy ra vụ xì-căng-đan, anh ta bị cách chức, nhưng các Tổng thống khác của SNG đều nói rằng đây là một Thư ký có năng lực nhất.
Bất kỳ một cuộc gặp thượng đỉnh nào của SNG cũng đều bị chỉ trích từ các phía. Từ phía những chính khách (thông thường cả cánh tả lẫn cánh hữu) rằng tôi đã dung túng các Tổng thống của các quốc gia độc lập, không trả lời những lời công kích của họ, dành cho họ những ưu đãi khổng lồ trong các vấn đề kinh tế cho hoàn nợ... Nhưng lại còn có những phàn nàn từ phía các Tổng thống và Quốc hội các nước SNG: rằng Nga không thực sự muốn liên kết kinh tế, chỉ đưa ra những lời hứa hẹn, áp dụng hàng rào thuế quan, không thực hiện các hiệp định thương mại tự do, không đáp ứng yêu cầu về giá cả hơi đốt và năng lượng.
Nhưng thực chất là thế nào?
Đó chính là chính sách có ý thức của tôi để kiềm chế mâu thuẫn. Chính sách hạn chế họ.
Không, chúng ta không thoái thác. Tất cả các vấn đề trong nội bộ SNG đang được giải quyết. Những nguyên thủ quốc gia của SNG đều biết và hiểu nhau, nhân dân các nước được gắn kết với nhau bằng những mối quan hệ láng giềng, bằng hàng ngàn sợi liên kết rất nhỏ - gia đình, nghề nghiệp, tình hữu nghị. Chúng ta duy trì nhân tố chủ yêu của hợp tác là thế đó.
Tôi cho rằng chúng ta đã đạt được điều chính yếu đó: mặc dù đã có những chuyện bàn tán đến việc thay đổi đường lối, mặc dù một số nước vẫn nuôi âm mưu chuyển hướng hợp tác quốc tế chống nước Nga, nhưng mối quan hệ chính tri và kinh tế của chúng ta với các nước SNG hiện nay vẫn đang được củng cố. Thực tế là những mối quan hệ này đã biến thành một hệ thống phối hợp hành động mà khó có thể phá vỡ được.
Tôi thật sự hy vọng rằng đến một lúc nào đó người ta sẽ nhớ đến khu rừng nghỉ Belovez hoàn toàn với một biểu hiện khác, chứ không như hiện nay. Họ sẽ nói rằng đó là khởi đầu của một thời đại hoàn toàn mới: Tiếp sau Liên minh châu Âu, chúng ta đã bắt đầu xây dựng một thực tiễn mới. Một liên minh mới - Cộng đồng các quốc gia độc lập.