Ngày 24 tháng 8, Thứ hai. Ngay từ sáng sớm, tôi đã đến Kremli để chuẩn bị cho bài phát biểu trên truyền hình.
Nội dung bài phát biểu như sau:
“Thưa các công dân Nga! Ngày hôm qua tôi đã có một quyết định không đơn giản. Tôi đã đề nghị Victor Stepanovich Chernomưrdin đứng đầu Chính phủ.
Năm tháng trước đây, không ai nghĩ rằng cuộc khủng hoảng tài chính thế giới lại tấn công mạnh mẽ nước Nga như vậy Tình hình kinh tế nước ta diễn ra quá phức tạp.
Trong bối cảnh đó, điều quan trọng hàng đầu là không cho phép chúng ta thụt lùi. Phải bảo đảm ổn định. Ngày hôm nay cần đến những người mà thường được mệnh danh là “nặng ký”. Tôi cho rằng cần phải có những người có kinh nghiệm và “nặng ký” như Chernomưrdin.
Đề nghị này còn có một ý nghĩa chính trị quan trọng khác: bảo đảm cho tính thừa kế chính quyền vào năm 2000. ưu điểm chủ yếu của Chernomưrdin là con người mực thước, chân thành, đứng đắn.
Tôi cho rằng những phẩm chất đó thật xứng đáng là lý lẽ quyết định trong cuộc bầu cử Tổng thống. Cả quyền lực và mất quyền lực đều không làm hỏng những phẩm chất đó của ông. Tôi thật sự biết ơn Sergei Vladilenovich Kirienko vì anh đã dũng cảm cố gắng làm thay đổi tình hình.
Hôm nay Duma Quốc gia sẽ thảo luận về ứng cử viên Chernomưrdin.
Tôi đề nghị các nghị sĩ, những người lãnh đạo các địa phương, toàn thể nhân dân Nga hiểu tôi và ủng hộ quyết định của tôi.
Tình hình hiện tại không cho phép có thời gian để thảo luận lâu dài. Bởi vì điều chủ yếu đối với tất cả chúng ta là vận mệnh của nước Nga, ổn định và những điều kiện sống bình thường của nhân dân Nga”.
Sau tuyên bố đó, tôi có cuộc gặp ngắn với ba bộ trưởng vũ lực - Putin, Stepasin và Sergeev. Tôi cảnh báo rằng tình hình trong nước rất nghiêm trọng. Rồi tôi trở về Gorki. Tôi ký hai sắc lệnh bổ nhiệm Stepasin và Sergeev làm quyền lãnh đạo cơ quan của mình trong nội các mới. Còn Putin với tư cách Giám đốc Cơ quan an ninh Liên bang thì không cần phải có sắc lệnh, bởi vì theo quy chế quyền hạn của chức vụ này không đòi hỏi như vậy. Đối với Putin, mọi việc vẫn như cũ.
Còn bây giờ vấn đề quan trọng nhất là làm sao thuyết phục được Duma Quốc gia bỏ phiếu ủng hộ Chernomưrdin làm Thủ tướng mới. Theo Hiến pháp, Tổng thống chỉ có quyền ba lần đề xuất ứng cử viên mới.
Suốt cả tuần tình hình diễn ra căng thẳng trong chờ đợi.
Ngày 18 tháng 8, Chernomưrdin trước đó bỏ cả nghỉ mát, vội vã trở về Matxcơva. Những cuộc tư vấn chính trị liên tục diễn ra. Ngày 19 tháng 8, Chernomưrdin gặp Alexandr Lebed và Genadi Seleznev. Ngày 20 tháng 8 gặp Genadi Ziuganov và Nicolai Ryzkov. Chernomưrdin hứa trong Chính phủ mới sẽ không có bất cứ “Chubais, Gaidar và Nemtsov nào hết”.
Trong hoàn cảnh tình hình tài chính đảo lộn, tất cả các giới chính trị (kể cả những người cộng sản) đều muốn nhanh chóng tìm kiếm một chỗ dựa, chìa khoá cho ổn định. Không ai muốn làm cho tình hình khủng hoảng trầm trọng hơn dẫn đến làm sụp đổ Nhà nước. Tôi nắm được các cuộc hội đàm của Chernomưrdin, nhưng tôi không muốn can thiệp, mà tôi tạm giữ lập trường trung gian, bình thản.
Báo chí bắt đầu một chiến dịch vận động tích cực: Chernomưrdin - ứng cử viên thực sự duy nhất có thể được cả những người cộng sản đến những nhà kinh doanh ủng hộ.
Trong số tất cả những ai có thể lên giữ chiếc ghế Thủ tướng, thì Chernomưrdin là người duy nhất lao vào trận chiến đấu và trong một thời gian ngắn ngủi tính từng ngày đã đạt được thoả thuận sơ bộ với tất cả các phe phái.
Ngày 22 tháng 8, thứ bảy, Valentin Yumasev xin phép tôi cùng với Igor Malashenko, Giám đốc kênh truyền hình NTV đến gặp tôi tại nhà nghỉ. Tôi hiểu rằng chắc hẳn là lại nói về Chernomưrdin và thầm đoán, không hiểu anh ta gọi Igor đến làm gì, khi mà tôi đã nhớ và quá biết Igor từ năm 1996 khi anh ta là thành viên của nhóm phân tích của chúng ta. Điều hoàn toàn rõ là Valentin muốn để tôi không chỉ nghe những lập luận của riêng anh ta.
Đó là một ngày nắng ấm, một ngày cuối hè của ngoại ô Matxcơva. Chúng tôi trao đổi với nhau, sau đó tôi mời họ ở lại dùng cơm trưa. Tôi quan sát họ - đó là những chàng trai trẻ mặc áo sơ mi mùa hè, đang ăn món súp. Một sự yên ắng lạ thường. Làn gió nhẹ thoang thoảng, trong cái nắng nhạt và những tiếng đung đưa của lá cây xào xạc, tôi suy ngẫm về vấn đề chính trị rắc rối. Không chỉ là vấn đề chính trị, mà còn là vấn đề con người của tôi!
Chernomưrdin trở lại Chính phủ có nghĩa là thừa nhận sự thất bại về tinh thần của tôi. Bởi vì mới đây thôi, năm tháng trước đây thôi, tôi đã cách chức ông. Song tôi vẫn cho rằng với tất cả phẩm chất không thể tranh cãi của Victor Stepanovich - đó hoàn toàn không phải là con người có thể đứng đầu Chính phủ Nga và bước vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000 với tư cách là một ứng cử viên dân chủ hàng đầu.
Đồng thời với việc làm giảm bớt tác hại của cuộc khủng hoảng, chúng tôi cố gắng dưa ra một cơ cấu chính trị xây dựng. Chúng ta còn quá ít thời gian để suy nghĩ, để làm cho chiếc lò xo khủng hoảng giảm dần, nhẹ nhàng, đòi hỏi phải có những nỗ lực lớn và kinh nghiệm. Đó chính là điều Victor Chernomưrdin có thể đáp ứng được.
Tôi hỏi Valentin, cuộc trao đổi với Kirienko diễn ra như thế nào. Yumasev thuật lại rằng họ ngồi ở nhà ga sân bay trống rỗng buồn tẻ. “Kirienko đề nghị ai đấy hả?” - Tôi hỏi. “Stroev” - Yumasev trả lời, lưỡng lự. Điều đó có nghĩa là Kirienko không thể vượt qua được sự ganh tị với Chernomưrdin.
Đề nghị của anh ta không hiện thực chút nào: Stroev, một người thuộc thế hệ cũ, đã từng là cựu Uỷ viên Bộ Chính trị, nếu làm Thủ tướng thì tôi không thể chấp nhận được.
- Còn anh suy nghĩ thế nào, Igor Evgenevich? - Tôi hỏi.
Malashenko với tác phong thường ngày, kiên quyết, dứt khoát, nói năng khúc triết, đưa ra lập luận của mình:
- Chernomưrdin năm tháng trước đây và Chemomyrdin hiện nay là hai con người khác nhau, thưa Boris Nicolaevich.
- Tại sao?
- Bởi vì tất cả đã thay đổi ông ta bắt buộc phải suy nghĩ lại trong suốt thời gian qua và hiểu điều đó. Một chính khách trở lại chính quyền sau lần bị cách chức, bao giờ cũng là một người khác hẳn. Ông ta sẽ có những kinh nghiệm tổng hợp. Giờ đây con người này hiểu rằng ông ta phải bảo vệ quan điểm của mình, không thể làm việc như trước được.
- Còn Luzkov thì sao?
- Không, không cần nói đến con người này - Malashenko trả lời dứt khoát.
Yumasev nói tiếp:
- Thưa Boris Nicolaevich, Chernomưrdin hứa rằng sẽ không biến Chính phủ thành những người chỉ biết lắng nghe, ngoan ngoãn, nhưng lại là những người thực thi công vụ yếu kém. Sẽ thành lập một đội hình gồm những nhà kinh tế trẻ, năng động, chuyên nghiệp. Nhưng đó không phải là điều chủ yếu. Nếu như ông được Duma quốc gia thông qua ngay từ lần đầu tiên, mà đang có khả năng như vậy, thì ông có thể có điều kiện để giành lấy vai trò người lãnh đạo toàn dân, vị cứu tinh, một Thủ tướng chống khủng hoảng muốn gọi thế nào cũng được. Lúc đó ông sẽ có khả năng để chiếm được lòng tin của dân.
Tôi quá hiểu ý của Yumasev định nói gì. Sau khi tôi từ chức (nếu không có tôi, thì chẳng biết người ta sẽ làm những gì) và sau khi trở lại Nhà Trắng một cách hào hùng, Chernomưrdin có thể giành được vầng hào quang của nhân dân cho “một người bị vùi dập vô lý”.
Đúng, đó là một ý kiến rất quan trọng. Chernomưrdin không chỉ có khả năng giải quyết tình huống khủng hoảng, lợi dụng kinh nghiệm và những mối quan hệ của mình, mà còn tiến bước xa hơn đến cuộc bầu cử năm 2000 với những điều kiện thuận lợi. Về phương diện này thì thất bại tinh thần của tôi lại là thuận lợi đối với Chernomưrdin. Nhưng biết làm thế nào... Nhưng dù sao tôi vẫn nghi ngờ: “Nếu như ông không qua được vòng đầu?”. “Lúc đó ta phải tìm ứng cử viên khác thay thế - Yumasev khẳng định.
Phương án đề cử Primakov hôm đó chúng tôi còn chưa thảo luận đến. Trước đây Evgeni Primakov đã từng tuyên bố với những trợ lý của tôi, Quốc hội và cả cánh hữu lẫn cánh tả rằng, ông không bao giờ ra làm Thủ tướng dưới bất kỳ đề xuất của ai.
Đêm ngày 23 tháng 8, tôi lại có cuộc gặp quan trọng khác với Chernomưrdin ở dinh thự ngoại ô Matxcơva.
Sau khi Kirienko đã ra đi, tôi cho gọi Chernomưrdin đến gặp.
- Kirienko vừa mới ở chỗ tôi. Tôi đã cách chức anh ta.
Chernomưrdin vẫn im lặng lắng nghe. Hình như ông hơi căng thẳng và sẵn sàng lao vào cuộc chiến quyết định.
Tôi không biết và cũng không nhớ là trong cuộc nói chuyện này đã thấp thoáng có cụm từ “sức nặng chính trị”. Thực tế nếu dùng cụm từ đó thì không đạt lắm, nhưng nó lại bóc trần được nguyên nhân Kirienko bị cách chức: Kirienko không có được phẩm chất đó. Tôi trông chờ vào một nhân vật chính trị lớn, có bề dày chính trị là Victor Chernomưrdin và suy nghĩ: Đúng, “bề dày chính trị”.
Tôi kể lại những sự kiện mùa thu năm 1998 không phải là tình cờ. Cũng chẳng phải đơn thuần là do tình hình thay đổi hàng ngày. Rồi sau đó thay đổi hàng giờ. Nói thật lòng tôi không nhớ có tình huống chính trị nào trong suốt thời gian từ đầu những năm 90 lại căng thẳng đến như vậy, nếu như không nói đến những âm mưu chính biến năm 1991 và năm 1993. Tình huống ở đây nghe chừng có vẻ khác hẳn, hoà bình, hoàn toàn hợp hiến, nhưng cục diện chính trị đang diễn ra nhanh chóng dưới ánh nắng vàng nhạt và hiền hoà của cuối hè. Dường như có quỷ thần nào đó đang dùng phép màu làm đảo lộn số phận của chúng ta, còn những ánh sáng màu của những âm mưu và thoả hiệp lúc thì thấp thoáng hiện lên, lúc lại tắt ngấm.
Như vậy là ngày 23 tháng 8, tôi tiếp Kirienko và Chernomưrdin, còn ngày 24 tôi đọc lời kêu gọi nhân dân trên vô tuyến truyền hình và ký các sắc lệnh cần thiết. Cũng ngày hôm đó Victor Chernomưrdin đã tiến hành cuộc họp của Chính phủ với tư cách là Quyền Thủ tướng.
Chernomưrdin đã điên cuồng đẩy những nhà lãnh đạo của Quốc hội vào chân tường. Ông sử dụng con bài chính của mình là hiện không có một ứng cử viên nào xứng danh và nguyện vọng của tất cả các phe phái chính trị, kinh tế muốn nhanh chóng dập tắt được cuộc khủng hoảng. Chỉ trong vòng ba ngày: thứ hai, thứ ba và thứ tư đã thống nhất được những điểm dự thảo chủ yếu của cái gọi là Thoả thuận chính trị, một văn bản xác định quan hệ giữa Tổng thống, Quốc hội và Chính phủ.
Ngày thứ năm và thứ sáu sẽ bắt đầu công việc nghiên cứu kỹ nội dung của văn kiện này.
Chernomưrdin đã đạt được nhiều thành công. Trước hết là ông đã giành được sự ủng hộ của Seleznev, Chủ tịch Quốc hội, thực tế là nhân vật thứ hai của Đảng cộng sản. Ông cũng giành được sự ủng hộ của “Đảng quyền lực nhân dân” và Đảng Nông nghiệp, những người em của Ziuganov. Hơn nữa lại cả sự ủng hộ của những người lãnh đạo “Gasprom” vốn rất có ảnh hưởng đối với giới lãnh dạo của Đảng cộng sản. Phe đối lập cánh tả đồng ý chấp nhận với điều kiện: Tổng thống từ nay đến năm 2000 sẽ không giải tán Duma. Về phần mình Duma sẽ bảo đảm tín nhiệm Chính phủ. Chính phủ nhận trách nhiệm không gây ra những cuộc khủng hoảng Quốc hội bằng cách từ chức tự nguyện. Chernomưrdin liên tục gọi điện cho tôi, khi thống nhất những quan điểm mới: liệu những người cộng sản có thể vào Chính phủ được không? Có thể trao đổi với Duma về tất cả các Phó thủ tướng được không?
Tôi cố ý chấp nhận những quyền hạn hợp hiến của mình. Tôi cũng tin tưởng rằng với một người lãnh đạo Chính phủ tin tưởng như Chernomưrdin, thì chúng ta có thể tránh được những phức tạp. Tôi cũng tuyệt đối tin rằng trong lúc tình hình căng thẳng thì chỉ có Chernomưrdin là ứng cử viên duy nhất có thể lên giữ chức Thủ tướng.
Thế nhưng những người cộng sản lại cố lợi dụng sáng kiến của Chernomưrdin. Ziuganov và những người anh em của ông ta trong cánh tả như Nicolai Ryzkov và Nicolai Kharitonov đã cũng ra tuyên bố chung: vấn đề về ứng cử viên Thủ tướng chưa được chuẩn bị. Ryzkov còn nói rõ hơn: Mù quáng tham gia Chính phủ mà không biết được đường lối và chương trình của Chính phủ đó thì thật là có tội trước nhân dân.
Lợi dụng tình hình khủng hoảng để tôi bắt buộc phải cách chức Kirienko và Chính phủ tự do của Kirienko, họ đã cố gắng giành lấy một phần không gian chính trị. Họ muốn đưa người của mình vào Chính phủ này, hạn chế những sáng kiến của tôi. Nhưng đối với tôi đó là một bước đi chính xác và suy nghĩ kỹ lưỡng: sau khi Duma thông qua Chernomưrdin, chẳng cần phải giải tán Duma làm gì. Chernomưrdin - Thủ tướng của tôi và cho đến năm 2000, tôi cũng không có ý định cách chức Chính phủ này. Mọi việc đều đúng bài bản.
Tuy nhiên có điều hoàn toàn rõ ràng là những người cộng sản chấp nhận thoả thuận đó như sự tự sát. Họ chỉ muốn thúc ép Victor Chernomưrdin, gây áp lực thường xuyên với ông. Chỉ trong vòng một tuần ông đã loại bỏ được tất cả mọi sự phản đối của họ, thực hiệu mọi điều kiện, bỏ qua mọi lý lẽ. Ông đã từ bỏ tất cả chỉ để ký được thoả thuận.
Những người cộng sản hiểu rằng khi không có một ứng cử viên sáng giá, mà lại nhận trách nhiệm về mình đối với cuộc khủng hoảng chính trị trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế - thì đó là miếng bánh đắng ngắt, khó nhằn.
Ngày thứ sáu, tôi ký thoả thuận, trong đó đã có chữ ký của Genadi Seleznev, lãnh đạo của các phái chính trị trong Duma, Chánh Văn phòng Tổng thống Valentin Yumasev và Victor Chernomưrdin. Chỉ không có chữ ký của Genadi Ziuganov - ông ta nói rằng cần phải thảo luận nội dung thoả thuận tại Hội nghị toàn thể của Đảng.
Nhưng sang ngày chủ nhật trên sóng truyền hình trực tiếp lãnh tụ của Đảng cộng sản mặt mày đỏ lựng, thở khó khăn và ra một tuyên bố giật gân: đến thứ hai họ không bỏ phiếu ửng hộ Chernomưrdin. Nét mặt của Ryzkov và Kharitonov, những đồng minh của Ziuganov cũng dài ra vì ngạc nhiên. Họ nói rằng không hề biết gì về chuyện này và sẽ tiến hành tư vấn khẩn cấp.
Đúng thời điểm đó, tôi hiểu rất rõ: quyết định được thông qua tức khắc trong một giới hạn hẹp những kẻ âm mưu và nó chỉ có ý nghĩa là những người cộng sản đã có một ứng cử viên thực sự.
Cũng chẳng khó khăn gì mà không lọc ra được đó là ai.
Đó tất nhiên chỉ còn có Thị trưởng Matxcơva Yuri Luzkov.
Có biết bao cú điện thoại lo âu gọi từ Hội đồng Liên bang cho tôi khi Kirienko còn chưa chính thức bị cách chức. Cả Luzkov và Stroev đều có những phát biểu gay gắt đối với Chernomưrdin.
- Những khó khăn và sai lầm mà chúng ta đang trải qua hôm nay, chính là hậu quả của hoạt động vô ý thức kéo dài của Chính phủ cũ do Chernomưrdin đứng đầu - đó là nhận xét của Egor Stroev.
Họ còn hoảng sợ bởi vì ý chí muốn vươn tới quyền lực của Chernomưrdin ngay những ngày đầu sau khủng hoảng. Cũng giống như những người cộng sản, Luzkov và Stroev đều được coi là những nhân vật chính trị “nặng ký” số hai và số ba trong bối cảnh tình hình phức tạp hiện nay để phân chia quyền lực: cái gì đó dành cho Tổng thống, còn cái gì đó phải dành cho chính mình.
Rất nhanh, Luzkov hiểu rằng phải mau lẹ tận dụng cơ hội! Ông ta hiểu rất rõ: chỉ còn một chút nữa thôi và là cơ hội duy nhất cuối cùng để ông ta nắm quyền lực, lợi dụng những động cơ công khai của mình.
Trước mấy ngày khi diễn ra vòng bỏ phiếu đầu tiên ở Duma, tôi cho mời Luzkov và Stroev đến gặp ở Kremli. Trước tình huống khẩn cấp, khó khăn, tôi cho phép mình được thẳng thắn nói công khai không giấu giếm và chân thành: xin các ngài hãy từ bỏ khát vọng chính trị của mình và hãy ủng hộ Chernomưrdin. Chúng ta cùng hội cùng thuyền, không nên làm cho con thuyền đó chao đảo nữa, chúng ta cùng đi với nhau.
Luzkov và Stroev cố gượng gạo kiềm chế, phát biểu mấy câu thanh minh trước ống kính truyền hình: Theo Hiến pháp Tổng thống có quyền quyết định ai xứng đáng vào chức vụ Thủ tướng, còn chúng tôi không có ý định tranh giành chức vụ này.
Tôi cảm giác đây chính là một thắng lợi. Dù sao cũng là thắng lợi về mặt sách lược. Luzkov và Stroev ít ra cũng không dám công khai lên tiếng chống Chernomưrdin.
Nhưng hoá ra tôi không đánh giá hết khát vọng chính trị của Yuri Luzkov.
Ngày 31 tháng 8, thứ hai. Chỉ có hơn một trăm phiếu ủng hộ Chernomưrdin. Thất bại hoàn toàn!
Đã sang tuần thứ hai kể từ khi Chính phủ Kirienko bị cách chức. Cái tuần thứ hai này diễn ra hoàn toàn khác hẳn với tuần thứ nhất về nội dung chính trị, về nhân vật chính trị, cũng như về phong cách chính trị.
Giờ đây Yuri Luzkov đã chuyển sang phản công mạnh mẽ. Cũng giống như Chernomưrdin tuần trước, ông ta ráo riết bắt đầu tìm kiếm vật liệu xây dựng lâu đài chính trị bằng tất cả những vật liệu có trong tay lúc đó.
Santsev, Phó Thị trưởng Matxcơva, một người đã từng ở Đảng cộng sản Liên bang Nga. Những người cộng sản theo dõi chăm chú rất lâu hành động xử sự của Luzkov, từ lâu họ đã tha thứ cho ông ta về sự kiện năm 1993, nhưng cái chính là những người cộng sản muốn lợi dụng Luzkov như một cái búa để đập tan “chế độ Yeltsin”.
Ngày 7 tháng 9, thứ hai, ở Kremli diễn ra “cuộc gặp gỡ bàn tròn” với các tỉnh trưởng và lãnh đạo các phái trong Duma. Hội nghị đã thảo luận vấn đề rút ra khỏi khủng hoảng, hay nói ngắn gọn hơn là ai sẽ lên làm Thủ tướng.
Tại cuộc gặp “bàn tròn” này ở Duma, Ziuganov đã công bố danh sách những ứng cử viên có thể vào chức Thủ tướng. Ngoài cựu Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước Yuri Masliukov, đảng viên cộng sản (điều đó có thể hiểu được và lô gích), còn có Thị trưởng Matxcơva Yuri Luzkov. Thế là đã rõ, Luzkov đã bắt tay với những người cộng sản. Ông ta đã cùng với họ tạo nên một bước đi táo bạo.
Ông ta cũng đã thoả thuận rất nhanh với một bộ phận của Hội đồng Liên bang. trong đó có những tỉnh trưởng dân chủ có thế lực như Konstantin Titov, Dmitri Aiatskov ủng hộ. Họ cho rằng sau khi xây dựng được cơ chế kinh tế thị trường ở một thành phố, Luzkov có thể dạy cho tất cả các khu vực còn lại của nước Nga. Có ai đó đã coi Luzkov là chủ nhân mới của đất nước và đã vội vã đến gặp ông ta trao đổi về những vấn đề của khu vực mình, có ai đó đã ngưỡng mộ ông ta là một nhân vật mới mẻ, trong sạch.
Chernomưrdin cũng ráo riết hoạt động và may thay ông cũng được Hội đồng Liên bang ủng hộ: đa số các tỉnh trưởng ủng hộ ông.
Dù có bị áp lực của những người cộng sản (hơn nữa lại trái với ý nguyện của đa số các tỉnh trưởng), tôi vẫn không thể đề xuất Luzkov.
Cuộc bỏ phiếu vòng hai tại Duma, chỉ có 138 phiếu ủng hộ Chernomưrdin. Công lao bao nhiêu cũng chẳng ăn thua gì.
Ngay sau khi kết thúc bỏ phiếu thông qua Chernomưrdin vòng hai, bộ phận cánh tả của Duma ra tuyên bố nếu còn đưa ứng cử viên này vào bỏ phiếu thông qua vòng ba, thì họ sẽ tiến hành thủ tục bỏ phiếu bất tín nhiệm Tổng thống.
Tình hình đã lên căng thẳng đến cực điểm.
Như vậy sau hai năm trời nguyên nhân những người cộng sản không chịu nhân nhượng đã khá rõ. Họ không muốn bỏ lỡ một cơ hội, một tấm vé hạnh phúc rơi vào tay họ trong tháng 8 và tháng 9. Chính quyền gần như ngẫu nhiên rơi vào tay họ. Chỉ cần với tay ra chút nữa là được.
Làn sóng bất bình ghê gớm đối với Chính phủ, đồng rúp bị chao đảo, những thiệt hại của các quỹ tiết kiệm và những nhà kinh doanh bị tan ra từng mảnh, lạm phát trong tình trạng phi mã nằm trong cái bối cảnh hoảng loạn đó đều tấn công trực tiếp vào Kremli.
Những tiền đề pháp lý đã xuất hiện cho hành động của họ: Nếu Duma ba lần không thông qua ứng cử viên Chernomưrdin, thì có nghĩa là Duma sẽ bị giải tán và tiến hành một cuộc bầu cử mới. Đó là quy định của Hiến pháp. Nhưng ở dây còn một cái bẫy pháp lý nữa: nếu Tổng thống bị đưa ra bỏ phiếu bất tín nhiệm, thì ông không có quyền giải tán Duma. Hiến pháp không quy định rõ trong trường hợp này thì làm thế nào. Giải tán Duma trong bối cảnh khủng hoảng xã hội rất gay gắt là một việc làm cực kỳ nguy hiểm. Trong trường hợp này nó còn nguy hiểm gấp hai, ba lần.
Ở một đất nước mà không có Quốc hội, không có Chính phủ, còn Tổng thống thì đang trong tình trạng ngàn cân treo trên sợi tóc trước tình huống bị bỏ phiếu bất tín nhiệm, thì rất có thể xảy ra tình hình chính trị cực kỳ lộn xộn. Đó là cái bẫy đe doạ để trống quyền lực, bùng nổ những bất bình và những biện pháp khẩn cấp.
Nhưng vấn đề không chỉ có thế. Những người cộng sản sau đó nhất định sẽ giành được đa số tuyệt đối trong Duma! Cuộc khủng hoảng này đã tạo cho họ được tiềm năng chính trị cực kỳ lớn lao... Nếu giải tán Quốc hội tức là tạo động lực để thụt lùi, để làm sụp đổ hoàn toàn những cuộc cải cách dân chủ, tai hoạ đối với đất nước.
Lúc đó đối với tôi, phải đồng thời tiến hành ba công việc: gây áp lực đối với Duma (“Tôi không còn ứng cử viên nào khác, vấn đề này đã được quyết định, dù có hay không có Duma, thì Thủ tướng vẫn cứ là Chernomưrdin”). Thuyết phục Chernomưrdin không cố đeo đẳng vị trí ứng cử viên của mình (Victor Stepanovich, không nên đưa ra bỏ phiếu vòng ba trong bối cảnh tình hình chính trị như thế này, chúng ta không có quyền giải tán Duma”). Thông qua Yumasev bí mật thuyết phục một ứng cử viên sáng giá duy nhất - Primakov!
Tôi quyết tâm làm như vậy. Tôi làm bởi vì tôi tin tưởng sẽ tìm được lối thoát.
Tuy vậy sau dứt bỏ phiếu vòng hai, tôi triệu tập một số người trong Văn phòng Tổng thống lại và nghe ý kiến của họ ủng hộ hay phản đối ứng cử viên Luzkov.
Cũng cần phải đánh giá đúng Yuri Luzkov, năng lực và ý chí muốn giành chiến thắng của ông ta - hầu như hàng ngày đều có những sứ giả mang thông tin từ chỗ Thị trưởng về Kremli. Những người ủng hộ Luzkov cũng tăng lên nhanh chóng, trong đó có Andrei Kokoshin, Thư ký Hội đồng an ninh, các Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Sergei Yastrzemski và Evgeni Savostianov.
Yumasev, Yastrzemski và Kokoshin đến nhà nghỉ gặp tôi.
Tôi đề nghị họ trình bày thật kỹ lưỡng, chi tiết cả hai quan điểm.
Sergei Yastrzemski lập luận:
- Luzkov bao giờ cũng ủng hộ Tổng thống. Trong bất kỳ mọi tình huống, trong mọi giai đoạn phức tạp. Người ta nói bây giờ ông ta chống Tổng thống. Tôi cho rằng đó là điều giả dối. Tôi đã trực tiếp nói chuyện với Yuri Mikhailovich. Ông ta nhờ tôi chuyển đến ngài rằng Yeltsin đối với ông ta là một khái niệm thiêng liêng. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó. Luzkov sẽ là một ứng cử viên Tổng thống sáng giá. Ông ta là một nhà kinh tế có kinh nghiệm, đã thành lập được một hệ thống chính quyền ngành dọc vững chắc. Đó là một người sẽ tiếp tục những cuộc cải cách kinh tế và dân chủ trong nước. Không thể để cho những người cộng sản có cơ hội lợi dụng khủng hoảng để làm chao đảo tình hình.
Kokoshin cũng có quan điểm gần tương tự.
Tôi nhìn về phía Yumasev và hỏi:
- Quan điểm của anh thế nào?
- Giờ đây ứng cử viên Thủ tướng phải là một nhân vật hoà hợp và thống nhất. Luzkov cố vươn đến quyền lực bằng mọi giá, kể cả thô bạo và bất chấp bê bối. Hơn nữa nếu Luzkov trở thành Thủ tướng, thì chắc gì ông ta giữ được chính quyền đến cuộc bầu cử năm 2000? Tất nhiên là không rồi. Điều đó sẽ còn làm cho tình hình trong nước mất ổn định hơn nữa.
- Xin cám ơn, tôi đã được nghe hai ý kiến khác nhau, còn bây giờ để tôi suy nghĩ.
Chỉ sau mấy phút, tôi gọi diện cho Yumasev (anh ta đã ngồi vào xe) và chỉ nói có một câu ngắn gọn:
- Hãy thuyết phục Primakov!
Tình hình vẫn tiếp tục căng thẳng.
Tôi vẫn tiếp tục tiến hành những bước hành động cuối cùng. Gây áp lực với Duma bằng mọi giá. Tình hình vẫn còn chưa hoàn toàn ngã ngũ. Mặc dù cả vòng bỏ phiếu thông qua ứng cử viên Thủ tướng đều bị thất bại, nhưng tôi vẫn hy vọng có sự đột phá bất ngờ và tôi sử dụng tất cả mọi phương tiện có trong tay. Tôi đề nghị chuẩn bị bức thư gửi Duma cho cuộc bỏ phiếu vòng ba cho ứng cử viên Chernomưrdin. Đối với Duma điều đó có nghĩa là giải tán.
Đồng thời tôi cũng gặp Yuri Masliukov, cựu Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, một ứng cử viên của Đảng cộng sản. Yumasev nhanh chóng đưa ông ta đến gặp tôi. Đó là ngày 10 tháng 9, bảy giờ ba mươi phút. Masliukov trình bày:
- Tôi sẵn sàng làm việc, nhưng chỉ dưới sự lãnh đạo của Primakov. Ngài hãy cố thuyết phục ông ấy. Đó là một người tốt nhất. Tôi chỉ có thể làm việc cùng ông ấy mà thôi.
Đúng chín giờ sáng tôi đến Kremli. Primakov đang đợi tôi ở đó. Sau đó còn có Chernomưrdin và Masliukov cũng đến. Tôi gặp luôn cả ba người để thông qua quyết định cuối cùng. Không thể trì hoãn hơn nữa.
Cuộc trao đổi đầu tiên với Primakov diễn ra tại nhà riêng của tôi hồi đầu tháng 9, vào giữa vòng bỏ phiếu thứ nhất và thứ hai ứng cử viên Chernomưrdin ở Duma. Tôi thuyết phục:
- Evgeni Maximovich. Anh biết tôi, và tôi cũng biết anh... Anh là người duy nhất trong thời điểm này là ứng cử viên Thủ tướng được tất cả chấp nhận.
Chúng tôi trao đổi rất lâu và thẳng thắn. Tôi có cảm giác thật sự trong thâm tâm Primakov không muốn làm Thủ tướng. Ông không muốn mang trên vai gánh nặng chính quyền, trách nhiệm lớn lao. Ông chỉ muốn giữ cương vị Bộ trưởng Ngoại giao đã quen thuộc và sở trường của mình.
Primakov phân trần:
- Boris Nicolaevich, tôi cũng sẽ thẳng thắn với ngài. Đối với tuổi tôi gánh nặng đó là quá sức. Ngài hiểu cho. Tôi muốn làm việc bình thường, yên ổn đến cùng. Chúng ta cùng về nghỉ vào năm 2000.
Sau lần bỏ phiếu đầu tiên ứng cử viên Chernomưrdin, Yumasev đã mấy lần gặp Primakov.
- Evgeni Maximovich, ngài có đề nghị gì, chúng ta phải hành động thế nào?
Primakov trả lời:
- Theo tôi, chúng ta đề nghị Yuri Masliukov. Đó là một nhà kinh tế giỏi.
- Nhưng Boris Nicolaevich không thích một Thủ tướng là cộng sản, ngài biết điều đó chứ? Hay là chúng ta cuối cùng phải giải tán Duma?
Lúc đó Primakov nhìn thẳng vào mắt Yumasev và trả lời kiên quyết:
- Trong bất cứ trường hợp nào, cũng không được giải tán Duma.
Vòng đàm phán lần thứ ba, vòng cuối cùng diễn ra ngay tại Kremli vào buổi sáng ngày thứ năm, mồng 10 tháng 9. Hôm nay phải quyết định tất cả, không còn cách nào hết. Giải quyết như thế nào, thì chưa ai rõ cả.
Lúc đầu Primakov vẫn kiên quyết từ chối. Nhưng tôi đề nghị ông chưa về ngay, đợi tôi ở buồng khách, chờ Chernomưrdin và Masliukov đến. Yumasev vẫn kiên nhẫn thuyết phục Primakov, tranh thủ từng giờ, từng phút khi hai ứng cử viên kia chưa đến.
Chính nửa tiếng đồng hồ đó đã quyết định tất cả. Primakov bỗng nhiên bật ra:
- Nhưng cấp phó của tôi là Ivanov vẫn chưa chuẩn bị cho vai trò là Bộ trưởng Ngoại giao. Hơn nữa ngày mai tôi lại có một chuyến đi nước ngoài. Tôi biết nói thế nào với các đối tác của mình đây?
Valentin nhìn Primakov với hy vọng. Primakov vẫn phẩy tay:
- Không, tôi không thể làm được.
Yumasev hiểu rằng đây là cơ hội cuối cùng:
- Thưa Evgeni Maximovich, ngài là nhà thông thái. Ngài phải hiểu điều đó. Nếu như có chuyện gì đó xảy ra với Tổng thống thì sao? Ai sẽ lãnh đạo đất nước, ai sẽ nắm chính quyền? Luzkov chăng? Ngài muốn ai?
- Không, tôi không thể.
- Tôi có thể nói với Tổng thống là ngài đã đồng ý?
Primakov im lặng. Valentin Yumasev nhắc lại:
- Tôi có thể báo cáo được chứ?
Primakov vẫn im lặng.
Yumasev chạy vội sang buồng làm việc của tôi ngay trước khi cả ba ứng cử viên bước vào. Trên bàn làm việc của tôi vẫn còn lá thư gửi Duma Quốc gia. Tôi mời tất cả ngồi xuống ghế và nói: “Tôi sẽ đề nghị Duma thông qua ứng cử viên Thủ tướng mới. Tôi đề nghị ủng hộ ý kiến đề xuất của tôi...“.
Tôi dừng lại.
Cả ba người ngồi lặng im như nín thở. Ai cũng chờ đợi được gọi tên mình. Kể cả Masliukov, người thật sự chẳng hy vọng gì.
- Evgeni Primakov! - Tôi thấy thở phào khi nhắc lại.
Chính trị - đó là nghệ thuật của những cái có thể. Nhưng trong chính trị có cái khởi đầu hợp lý hợp tình. Nhịp thở của số phận. Chắc hẳn Victor Stepanovich không cảm thấy số phận phản lại ông. Ngay ở buổi gặp gỡ cuối cùng trước vòng bỏ phiếu thứ ba, ông vẫn nghĩ là ông vượt qua được.
Thậm chí ngay sau khi tôi đã tuyên bố quyết định của mình, Chernomưrdin vẫn cố đưa ra những lý lẽ rằng Primakov và Masliukov tốt nhất là bổ nhiệm làm Phó thủ tướng thứ nhất của ông, còn cứ để cho Duma bỏ phiếu vòng ba. Tôi hỏi lại:
- Nếu như họ vẫn không tán thành thì sao?
- Họ còn có cách nào khác được?
Primakov và Masliukov lặng im. Tôi hỏi Primakov sau một hồi im lặng:
- Liệu Victor Stepanovich có qua được vòng ba hay không?
- Không hề có cơ hội nữa! - Evgeni Primakov chậm rãi trả lời. Và Masliukov cũng tán thành ý kiến đó.
Chernomưrdin ngồi lặng im. Sau đó ông quay qua ghế nói:
- Boris Nicolaevich, tôi bao giờ cũng ủng hộ ứng cử viên Primakov. Đó là một quyết định đúng đắn. Xin chúc mừng Evgeni Maximovich!”
Đó là ngày 10 tháng 9. Duma Quốc gia đã thông qua ứng cử viên Primakov với đa số phiếu ủng hộ.
Có điều thật lạ lùng, đó là những tháng ngày nặng nề nhất đối với tôi trong suốt tám năm rưỡi ở cương vị cầm quyền: tháng 8, tháng 9 và tháng 10. Mùa thu vàng, một mùa êm ái, dịu dàng. Mùa này sao lại có đường đua như vậy? Tại sao chính vào cái thời điểm này ở quốc gia chúng ta, ở xã hội chúng ta lại bùng lên như vậy? Tôi cứ cố hỏi những trợ lý của mình để họ dùng khoa học giải thích những nhân tố bất lợi trong những tháng ngày qua. Nhưng không, họ trả lời đó là những tháng ngày bình thường.
Chẳng có gì bất bình thường.
Tháng 8 năm 1991. Chính biến. Uỷ ban Quốc gia về tình trạng khẩn cấp. Cả nước như ngàn cân treo trên sợi tóc. Năm 1992 - 1998 khủng hoảng đến bế tắc, xung đột vũ trang ở ngay trung tâm Matxcơva, bắn vào Nhà Trắng cũng lại rơi vào tháng 9 và tháng 10 năm 1993.
Năm 1994. Tháng 9. “Ngày thứ ba đen tối”. Đồng rúp sụt giá.
Năm 1995. Bầu cử Duma. Những người cộng sản và đồng minh giành thắng lợi hoàn toàn.
Năm 1996. Tôi phải phẫu thuật tim.
Năm 199?. Cuộc chiến tranh tài chính. “Vụ bê bối sách”.
Năm 1998. Khủng hoảng tài chính, Chính phủ Kirienko bị cách chức, đấu đá quyền lực. Bổ nhiệm Primakov.
Năm 1999. Những vụ nổ ở Matxcơva và các thành phố khác.
Thật không thể hiểu được tính quy luật lặp đi lặp lại.
Còn nếu ta nhớ lại thì chính quyền rơi vào tay những người bôn-sê-vích cũng vào những tháng đó năm 1917, rồi cũng những tháng đó là thử thách nghiệt ngã nhất đối với đất nước trong thế kỷ 20 khi Hồng quân Liên Xô hùng mạnh bị bọn phát xít dồn vào chân tường.
Tôi chậm rãi đi trên con đường nhỏ của công viên. Xung quanh đầy lá vàng và đỏ. Tưởng chừng như đám cháy... Không khí mùa thu thật đáng yêu, trong lành, sáng sủa.
Trong tôi hết ý nghĩ này lại đến ý nghĩ khác dồn dập kéo tới. Dù sao khủng hoảng chính trị chỉ là một hiện tượng tạm thời và trong đó có cái gì đó có lợi. Kinh nghiệm qua chính bản thân mình: cơ thể dang chờ đợi một cuộc khủng hoảng, rằng để vượt qua được bệnh tật, khôi phục và trở về với trạng thái sức khoẻ cũ. Lúc thăng lúc giáng. Cuộc sống con người lúc ở thế thượng phong, lúc ở thế bĩ cực như một sơ đồ hình sin.
Song, nếu như trong thời gian tôi cầm quyền trong lịch sử Nga có nhiều cuộc khủng hoảng như thế xảy ra, thì đó không phải lỗi tại tôi. Thời đại khủng hoảng giữa hai thời kỳ trung gian chuyển đổi ổn định.
Nhưng cuộc khủng hoảng sau không hề giống cuộc khủng hoảng trước. Nó gây ra vết thương cho tầng lớp trung lưu vừa khó khăn lắm mới hình thành, cho tầng lớp những người kinh doanh, những chủ sở hữu, những chủ doanh nghiệp... là những người bị đau đớn hơn cả. Bởi vì tất cả đều để phục vụ họ, để cho họ tin rằng con cái họ được học hành ở những trường lớp có tiếng tăm, để họ có thể ra nước ngoài nghỉ ngơi, để họ có thể dành dụm được vốn ban đầu, để họ có thể xây được nhà riêng, chuyển đổi căn hộ, mua đồ gỗ mới, xe ô tô riêng... Chính những người đó là chỗ dựa chính của tôi. Nếu như họ gặp khó khăn, nếu như họ quay lưng lại với tôi, thì điều đó có nghĩa là khủng hoảng còn sâu sắc hơn. Nặng nề hơn nhiều.
Tôi đi dưới hàng cây đầy lá phủ. Cháy, cháy...
Liệu những người này có hiểu cho là tôi có phản bội họ không? Tôi không biết. Một mùa thu nặng nề, một mùa đông ảm đạm đang chờ đón chúng ta. Nhưng trong cái không khí giá lạnh, trong lành này một người bình thường cũng có thể hiểu được chân lý. Chỉ cần quan sát thật kỹ. Nếu như chúng ta trải qua được mùa thu này, vượt qua được mùa đông này, thì nhất định chúng ta sẽ hiểu được.
Làn khói bốc lên từ đống lá rừng được đốt lên. Những cánh rừng và cánh đồng hiện lên rõ hơn trong tương lai sán lạn. Đó là thứ triết lý tự nhiên. Triết lý này rất có thể còn vụng về? Nhưng tôi cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái hơn.