Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tôn giáo, Chính Trị >> Cuộc chạy đua tổng thống

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 18542 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cuộc chạy đua tổng thống
Boris Yeltsin

Krienko

Mùa xuân năm 1998, tôi đi đến quyết định cuối cùng: đứng đầu Chính phủ phải là một người khác. Đã đến lúc phải chia tay với Victor Stepanovich Chernomưrdin.
Sức mạnh chủ yếu của Chernomưrdin - là khả năng thoả hiệp kỳ lạ khác thường. Ông ta có thể hoà giải được với tất cả, đối với ông chẳng có một tình huống xung đột nào mà ông không giải toả được. Thế thì vấn đề tại sao: Thoả hiệp chủ yếu, để từ đó Chernomưrdin “ngồi lỳ” ngần ấy năm trời - đó là thoả hiệp giữa quan hệ kinh tế thị trường và đội ngũ giám đốc xô-viết, còn bây giờ không thể thoả hiệp được nữa. Quá trình thoả hiệp này đã hết thời. Cần phải tiếp bước tiến lên.
Còn một điểm nữa, nhưng lại đơn thuần là trong lĩnh vực chính trị. Chernomưrdin không thể lãnh đạo được đất nước sau khi tôi ra đi vào năm 2000. Để làm được việc này cần phải có một con người có khí chất mạnh mẽ và trẻ trung.
Đó là lý do chính.
Những tháng cuối cùng của năm 1997 quan hệ giữa Chubais và Bộ trưởng Nội vụ Anatoli Kulikov đặc biệt trở nên căng thẳng. Kulikov là người kiên quyết phản đối việc tư nhân hoá và tự do hoá kinh tế nói chung. Đã có không ít lần khi phát biểu trong các cuộc họp của Chính phủ, anh ta không chỉ đơn thuần phê phán những cải cách kinh tế, mà còn công khai quy kết: rằng chính sách của các nhà cái cách trẻ thúc đẩy tạo điều kiện cho những kẻ lạm dụng, làm cho đất nước tan rã, đẻ ra tội phạm và nghèo đói... Anatoli Chubais cũng phản kích lại không kém gay gắt.
Vào một thời điểm nào đó, tôi hiểu rằng cần phải chấm dứt cuộc xung đột đang ngày càng gay gắt này. Bộ trưởng Nội vụ sau khi được thăng tiến trong cuộc chiến tranh Chesnia định đóng vai là người cứu vãn nền kinh tế thì thật không thể nghe lọt tai tôi được. Với những phương pháp như vậy và với tư tưởng kinh tế như vậy thì có thể đi quá xa. Mặt khác, dần dần Chubais cũng kiệt lực mất rồi. Sau khi mất chức Bộ trưởng Tài chính, anh ta chỉ còn là người truyền bá tư tưởng cải cách, nhưng không còn là cái động cơ của cải cách nữa. Nhưng tôi cần chính là một chiếc động cơ. Và ý tưởng của tôi đã chín muồi: Cho nội các của Chernomưrdin từ chức, đồng thời cách chức cả hai Phó thủ tướng Chubais và Kulikov. Cân bằng giữa hai thái cực, loại bỏ hai tạp chất ra khỏi thành phần hoá học đang đe doạ làm nổ tung cả phòng thí nghiệm.
Trong đời hoạt động chính trị của mình, tôi đã không ít lần áp dụng chiến thuật thí mạng và vứt bỏ như vậy. Thay đổi nhân sự dưới thời Yeltsin được mệnh danh là miệng tiếng thế gian đối với giới báo chí. Nhưng tôi xin nhắc lại một chi tiết nhỏ: Không có một nhà lãnh đạo xô-viết nào lại phải làm việc trong điều kiện bị Quốc hội bao vậy chặt chẽ, đối đầu như vậy trong điều kiện báo chí được tự do tuyệt đối, đến hai trăm phần trăm và trong điều kiện và trong điều kiện khủng hoảng chính trị điên cuồng. Đúng, để duy trì được nguyên trạng, tôi bắt buộc phải đưa nhân vật mới này lên, thay đổi ai đó, thí mạng ai đó.
Tuy nhiên mỗi sự hy sinh nào, mỗi lần cách chức ai, mỗi lần thay đổi thì sự sắp đặt chính trị không phải là ngẫu nhiên hay chỉ là chiến thuật. Mỗi một hành động của tôi bắt buộc phải vì chiến lược chung, nhiệm vụ chính.
Về việc từ chức của nội các Chernomưrdin, tôi phải suy nghĩ ai là người có thể dẫn dắt, chỉ đạo được cải cách kinh tế được bắt đầu từ thời Gaidar cho đến cùng. Ai có thể tạo được bước đột phá trong lĩnh vực đầu tư, ngân sách, thuế và ruộng đất? Ai sẽ trở thành chiếc động cơ của đội hình trẻ trong Chính phủ?
 
Song, cho đến bây giờ tôi cũng không thấy thất vọng khi đánh giá Gaidar, cho đến bây giờ tôi vẫn tin tưởng vào sự lựa chọn đúng đắn lúc đó, sự lựa chọn của năm 1991. Việc thả nổi giá hàng tiêu dùng, và toàn bộ dự án tự do hoá được gọi là “liệu pháp sốc” tôi vẫn cho là đúng đắn. Đúng, nước Nga đã trải qua một cơn chấn động mạnh với những khó khăn gay gắt. Trong cuộc sống mới này không phải tất cả đều được tìm thấy ngay và nhiều thứ hiện nay còn đang phải tìm tòi. Nhưng đối với tôi, điều quan trọng trước hết là chúng ta ngay lập tức đã đoạn tuyệt được với nền kinh tế cộng sản chủ nghĩa.
Lẽ dĩ nhiên, những cuộc cải cách không phải đều là lý tưởng, thường được tiến hành không đúng với tốc độ và tất nhiên đồng thời cũng chưa có được một cơ cấu chính quyền ngành dọc bình thường để thực hiện nhưng cuộc cải cách kinh tế cực kỳ phức tạp. Giới giám dốc lẩn trốn và đi vào “hoạt động du kích”. Nhưng dù sao Gaidar cũng đã dạy cho mọi người biết, từ bộ trưởng cho đến anh lái xe biết thế nào là thị trường, biết tính tiền. Tôi tin chắc rằng nếu cứ cho đội hình đó làm việc chỉ cần một năm nữa thôi thì nền kinh tế đã bật lên phía trước, những quá trình bình thường sẽ diễn ra trong nền công nghiệp, đầu tư của phương Tây, mà bất cứ Chính phủ nào cũng mơ tưởng sẽ được đưa vào.
Giờ đây thế hệ đứng tuổi đã không còn nhớ những nhu cầu sinh hoạt cuối những năm 80, mà phê phán những cuộc cải cách của Gaidar thì dễ dàng quá. Tôi đã từng là Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị Uỷ ban Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô, lãnh đạo cả thành phố Matxcơva rộng lớn này, rất nhớ và biết đất nước đã ở trong tình trạng thất vọng như thế nào trong quá khứ chưa xa xôi gì, mà những người cộng sản vẫn thích ca ngợi.
Đúng, các xí nghiệp vẫn hoạt động, nhưng đem lại cái gì? Trong các cửa hàng, thậm chí ngay ở Matxcơva, chỉ cần rẽ vào một lát xem xét. Đường, thuốc lá và những nhu yếu phẩm khác đều phải mua bằng phiếu. Đất nước đã xài những khoản viện trợ nhân đạo do phương Tây cung cấp lên đến hàng triệu đô la nhanh đến mức không thể tượng tượng nổi! lạm phát ngấm ngầm, còn nhiều hơn tỷ lệ công khai như hiện nay.
Chúng tôi trong Bộ Chính trị đã phải thảo luận vấn đề mở các kho dự trữ quân sự và bán ra thị trường “dự trữ quân sự chiến lược” - ngũ cốc, thịt hộp... Khó có ai có thể quên được một bức tranh “ngoạn mục” của thời kỳ đó: xếp hàng, xếp hàng và xếp hàng cả ngày...
Sau khi chuyển sang tự do kinh doanh và thả nổi giá, ngay lập tức thấy hàng hoá đầy rẫy. Nhưng chương trình kinh tế này đòi hỏi phải có những nỗ lực đoàn kết của toàn xã hội, của tất cả các tầng lớp nhân dân, của tất cả các phong trào chính trị? Chính điều đó đã diễn ra ở các nước Đông Âu. Chính điều đó đã diễn ra ở nước Trung Quốc khổng lồ, bởi vì cải cách ở đó được tiến hành do quyết định của Đảng cộng sản và không có ai không hưởng ứng.
Còn trong xã hội chúng ta thì lại khác hẳn. Không có một dự luật nào của Gaidar lại có thể được Xô-viết Tối cao thông qua, không có một cuộc cải cách đau lòng nào đối với nhân dân lại không bị phá rối kịch liệt. Thay vì những nỗ lực chung và kiên nhẫn thì chỉ thấy toàn bất bình và rồi sau đó là chống đối quyết liệt. Đó là cái giá phải trả cho tự do chính trị, điều đó chưa hẳn có nghĩa là tự do kinh tế nói chung với đúng nghĩa của nó. Ngược lại, tự do kinh tế và chính trị thường rất hay mâu thuẫn với nhau.
Giải tán Xô-viết Tối cao đã từng điên cuồng cản trở cải cách vào những năm 1991 và 1992, ngay sau những chấn động chính trị ghê gớm, sau khi Liên Xô sụp đổ là không thể được. Chính phủ của những người cải cách không thể cùng làm việc với một Quốc hội cộng sản. Tôi bắt buộc phải đoạn tuyệt với Chính phủ của Gaidar.
Gaidar trao lại quyền cải cách cho Chernomưrdin.
Một giai đoạn mới bắt đầu - chậm chạp, thận trọng cải cách kinh tế khá mẫu thuẫn. Nhưng kết quả của giai đoạn này không thể đánh giá một cách phiến diện là giậm chân tại chỗ. Hệ thống ngân hàng và tín dụng đã hoạt động, bắt đầu tư nhân hoá, thị trường hàng hoá và dịch vụ xuất hiện, xuất hiện tầng lớp các nhà kinh doanh đầu tiên của Nga.
Đối với đất nước chúng ta, nơi đã hàng chục thập kỷ mọi người rất sợ kêu ca lên các cấp lãnh đạo cao vốn đã quên mất sự sáng tạo và cạnh tranh, thì đây là một cuộc cách mạng thật sự không chỉ trong kinh tế, chính trị, mà cả trong nhận thức.
Năm năm giữ chức Thủ tướng của Chernomưrdin - là cả một thời hạn lịch sử lớn lao. Đó là những năm tháng đầy những biến động. Trong những năm đó chỉ riêng việc đổi tiền đã diễn ra mấy cuộc. Những cuộc khủng hoảng chính trị lớn cũng diễn ra. Đã từng có những dự án lớn, những hy vọng lớn. Rồi có cả những thất bại nặng nề... Chúng ta đã không khắc phục được chủ nghĩa độc quyền trong kinh tế, sản xuất suy giảm, không khắc phục được hệ thống thanh toán mục ruỗng thối nát làm cho phổ biến nạn tham nhũng và biển thủ tiền bạc. Chúng ta đã không đầu tư được vào những ngành công nghiệp lớn. Song cái chủ yếu là chúng ta đã không cải thiện được đời sống nhân dân.
Thứ bảy, ngày 24 tháng 3 năm 1998, Victor Chernomưrdin đến Gorki gặp tôi. Cuộc trao đổi diễn ra bình thường và chẳng có gì vui vẻ: Nợ lương, tình trạng ngân sách tồi tệ. Sau khi dừng một lúc, tôi thở dài và nói với Chernomưrdin:
- Victor Stepanovich, tôi không hài lòng với công việc của anh!
- Về phương diện nào, thưa Boris Nicolaevich?
Chernomưrdin nhìn tôi với nét mặt tuyệt vọng của một viên chức văn phòng có kinh nghiệm, già nua, không hiểu ngơ ngác: “Tôi nghĩ là, thưa Boris Nicolaevich”. Cánh cửa to cao và nặng nề từ từ đóng lại sau lưng ông ta.
Tôi có công bằng khi một ai đó ra đi không? Cứ mỗi lần vấn đề này xuất hiện lại làm cho tôi dằn vặt. Mỗi lần có ai đó lại phải từ chức. Công bố điều đó, có lẽ là một công việc nặng nề nhất đối với tôi. Khi tôi chia tay với ai đó, thì dường như trí óc tôi lại nhắc rằng ở đây không có gì là cá nhân cả, rằng tôi cũng rất đau khổ như anh ta, thậm chí có thể nói là không dám nhìn vào mắt anh ta nữa để nói: anh cần phải ra đi, thì có thể phát điên lên được. Trí óc nhắc tôi, nhưng sự bực dọc còn mạnh hơn... Bởi vì lần nào cũng vậy, họ ra đi, còn tôi vẫn ở lại.
Cách chức những người thông minh, trung thành và chân thực là một tội lỗi rất lớn của Tổng thống.
Nhưng còn có mặt sau của tấm huân chương. Mới mấy năm trước đây thôi, sân khấu chính trị của nước Nga mới còn trống rỗng và đơn sơ. Khi tạo điều kiện cho một nhà chính trị nào đó giữ chức Thủ tướng hay Phó thủ tướng, thì ngay lập tức tôi đã làm cho tên tuổi của anh ta nổi tiếng, làm cho những hành động của anh ta có ý nghĩa và vóc dáng anh ta trở nên có giá trị. Xin nói trước: những nhân vật như Gaidar, Chernomưrdin, Kirienko, Primakov, Stepasin, Chubais và những nhân vật khác xuất hiện trên vũ đài chính trị chính là nhờ những quyết định nhân sự bất ngờ, đôi khi có tính chất kích thích có thời đã từng gây ra những phản ứng, những chỉ trích và tranh cãi.
Đôi khi tôi suy nghĩ thế này: Nếu không làm như vậy thì làm sao tôi có thể đưa những người mới vào chính trị, bởi vì chẳng còn phương pháp nào khác nữa!
Nhưng riêng đối với Chernomưrdin là một trường hợp có lẽ đặc biệt nhất đối với tôi. Victor Stepanovich đã nhiều lần cứu tôi, giúp tôi khỏi hoạn nạn. Nhưng bây giờ nếu tôi luyến tiếc... thì tôi không có quyền về mặt đạo đức. Chuyển giao quyền lực cho người khác, thì nhất định tôi phải làm. Nhưng chuyển giao cho ai? Tạm thời, tôi chưa biết. Tôi còn đang suy nghĩ. Nói thế nào cho nó chính xác nhỉ... Chernomưrdin là một con người mạnh mẽ, mà thế mạnh chủ yếu là đã thích ứng với điều kiện mới của cuộc sống. Trong giai đoạn chuyển đổi của các cuộc cải cách, của những hoàn cảnh hoàn toàn phức tạp và mâu thuẫn, phẩm chất đó rất quý giá và quan trọng.
Đối với những điều kiện khó khăn ở Nga nếu biết thích ứng, có thể gọi là một đặc tính rất quý giá về mặt lịch sử. Rất sâu xa. Nhưng... chúng ta lại đang sống trong một thời đại khác rồi. Ngay cả Tổng thống sắp tới, theo tôi cũng cần có một tư duy khác, một cách nhìn nhận khác đối với thế giới.
Song, Chernomưrdin, đúng vào lúc trước khi diễn ra cuộc nói chuyện giữa chúng tôi lại tin tưởng vào triển vọng chính trị tương lai của mình.
Quan điểm của những nhà cải cách trẻ đã bị sụp đổ hoàn toàn. Vào đúng thời điểm đó mà gạt bỏ một vị Thủ tướng tin cậy đã không ít lần cứu vãn tôi trong những tình huống khủng hoảng thì thật là điên khùng. Nhưng hoàn cảnh bắt buộc vào đúng thời điểm đó tôi phải chia tay ông!
Người ta đã viết nhiều đến “sự ghen tị” của tôi đối với Chernomưrdin. Dường như ông được người Mỹ đón tiếp nồng nhiệt với tư cách một Tổng thống tương lai và tôi “ghen ghét”.
Chưa bao giờ tôi lại ghen tị với những người mạnh mẽ đang làm việc bên cạnh tôi. Ngược lại tôi luôn tìm kiếm những người như vậy - những người có khí chất mạnh mẽ, quyết đoán và mạnh dạn.
Trên thực tế mọi việc hoàn toàn là khác hẳn. Nếu như tôi thực sự tin rằng Chernomưrdin có thể trở thành một Tổng thống tương lai, tiến hành những cuộc cải cách nhạy cảm và được lòng dân trong lĩnh vực xã hội, đạt được những bước nhảy vọt trong kinh tế, thì tất yếu là tôi sẽ chuyển giao một phần quyền lực Tổng thống vào tay ông, tìm mọi cách giúp đỡ ông giành thắng lợi trong cuộc bầu cử.
Nhưng tôi biết Chernomưrdin không thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Ông còn bị ảnh hưởng bởi kinh nghiệm chính trị của những cuộc thoả hiệp muôn đời, dập khuôn kiểu quản lý thận trọng, sự mệt mỏi của quần chúng đối với những nhân vật quen thuộc trong chính trị.
Tôi chuẩn bị cho việc từ chức của Chernomưrdin một cách từ từ, cẩn thận. Tôi tìm kiếm ứng cử viên thay thế. Với những lý do khác nhau (thông thường thảo luận một vấn đề cụ thể nào đó) trong suốt ba tháng trời, tôi gặp gỡ với những nhân vật có khí chất mạnh mẽ là động lực mới cho các cuộc cải cách, đơn giản là những người có khí chất năng nổ, tâm tính.
Ngoài khuôn khổ quá trình này, tôi còn đưa những nhân vật chính trị quen thuộc ra cân nhắc: Yavlinski, Luzkov. Tôi không muốn để thay thế Chernomưrdin lại là một người mang gánh nặng nghĩa vụ và trách nhiệm trước đảng phái của mình hay trước một bộ phận giới thượng lưu chính trị “của mình”. Tôi muốn tìm kiếm một Thủ tướng không bị lệ thuộc vào một phe nhóm nào, không bị ràng buộc bởi lô gích chính trị trước đây của mình.
Có nghĩa là một Thủ tướng, như người ta nói phải là “kỹ thuật” hay nói chính xác hơn là nhà kỹ trị. Một nhà quản lý đơn thuần, một nhà kinh tê. Vậy ai có thể xứng đáng? Trong Chính phủ đang có hai nhà quản lý kinh tế nổi trội.
Nicolai Acsenenko, Bộ trưởng Giao thông vận tải. Người đầu tiên trong giới độc quyền Nhà nước mạnh dạn tiến hành cải cách mạnh mẽ lĩnh vực của mình, làm được bước đột phá tới kinh tế thị trường. Điều quan trọng là trong lĩnh vực xã hội rất nhạy cảm, ông đã làm được những bước rất quan trọng và chính xác từ bỏ kiểu bình quân chủ nghĩa tất cả những bệnh viện, phòng khám đa khoa và điều dưỡng của đường sắt. Điều đó đã trút bỏ được bao gánh nặng nợ nần của các công ty đường sắt.
Mọi người đã được trả lương thực tế đương thời hạn. Thứ hai nữa - từ chối vay tiền, ít nhất cũng kiên quyết đi theo hướng để các công ty của ông ta chỉ sử dụng tiền vốn có của mình, phát triển một cách bình thường và như vậy không cho phép bất cứ một ai lấy danh nghĩa này hay khác chậm trả lương để đút túi những gì kiếm được.
Vladimir Bulgac. Công việc của ông ta là liên lạc. Trong ngành của ông ta có những công ty công nghệ cao thực sự, có khả năng tiếp cận thị trường thế giới. Dưới góc độ kinh tế, ngành này là ngành có lãi nhất. Hay là ông ta?
Nhưng dù sao tôi vẫn còn nghi ngờ hai nhân vật này. Khi ở cương vị Chủ tịch Chính phủ liệu hai “nhà kinh tế có hạng” này chỉ chăm chú lo toan cho cái ngành của mình thôi, còn các ngành khác thì bỏ mặc? Chính Victor Stepanovich cũng đã mắc sai lầm: ông ta công khai ưu ái “Gasprom” do chính tay ông ta sáng lập nên.
Ngọn đèn bàn vẫn sáng. Trong phòng làm việc tối om. Đã quá khuya. Mọi người đã ngủ cả. Tôi chưa thể nào đi đến quyết định được. Tôi lấy bút và gạch tên hai nhân vật - Acsenenko và Bulgac.
Còn ai có thể được nhỉ?
Sergei Dubynin, Thống đốc Ngân hàng Trung ương. Trong một buổi trao đổi ở Kremli hình như lần đầu tiên tôi nói chuyện chi tiết với anh ta không chỉ chủ đề hoạt động ngân hàng, mà còn những vấn đề khác nữa rộng hơn: vấn đề kinh tế, tình hình chính trị trong nước. Dubynin là một chuyên gia sâu sắc, thú vị và một người có cá tính riêng. Nhưng Ngân hàng Trung ương là một công cụ tài chính, nơi rất nhiều thứ phải phụ thuộc vào người lãnh đạo. Tôi không muốn tạo thêm những vấn dề mới trong lĩnh vực hoạt động nhạy cảm này. Ngoài ra tôi còn có ấn tượng là khi gặp tình huống khủng hoảng Dubynin dễ nổi cáu, tính nết không ổn định.
Andrei Nicolaev, cựu Giám đốc Cơ quan Biên phòng Liên bang. Xuất thân từ giới tướng lĩnh. Nhưng ở con người này cũng có thiếu sót - tính tình dễ nổi cáu. Anh ta viết đơn xin nghỉ hưu, hy vọng là tôi không chấp nhận. Anh ta từng muốn như vậy để giải quyết cuộc xung đột của mình với những Bộ trưởng vũ lực khác. Nhưng tôi đã ký đơn đó của Nicolaev - tôi không thích khi người ta gây sức ép với tôi.
Không được. Cũng không được.
Chỉ còn lại hai người.
Boris Fedorov. Dường như anh ta có đủ tiêu chuẩn: kinh nghiệm, kiến thức, quyết đoán, cương nghị. Mặt khác, tất cả những chuyên gia kinh tế thời Gaidar (Fedorov dưới thời Gaidar đã làm việc rất có kết quả) quá chính trị hoá và kiêu ngạo. Một trong những người đó là Chubais vừa phải ra khỏi Chính phủ. Không, không được trong vấn đề này sẽ không có lô gíc. Không thể có cái gì mới. Nhưng quay lại chọn những nhân vật già, thì tôi không muốn.
Chỉ còn lại Sergei Kirienko. Tôi sử dụng biện pháp thanh loại để đến với ứng cử viên này. Hoá ra không phải vô ích mà ngay từ đầu tôi đã có cảm giác anh ta là người có triển vọng nhất. Đây sẽ là cuộc bổ nhiệm bất ngờ.
Sergei Kirienko được điều từ Nizni Novgorod lên cùng với Boris Nemtsov. Họ là bạn bè của nhau. Đã từng làm Thứ trưởng Nhiên liệu và năng lượng mấy tháng. Cũng chỉ mới được bổ nhiệm làm Bộ trưởng. Mới có ba mươi lăm tuổi. Khi nói chuyện với Sergei Kirienko, tôi rất thích lối tư duy của anh ta - đều đều, cứng rắn và hoàn toàn nhất quán. Rất kiên trì và có đầu óc thông minh. Đôi mắt luôn chú ý nấp sau cặp kính dày.
Biết lễ phép và không có cảm tính. Biết kiềm chế trong mọi vấn đề.
Trong anh ta có cái gì đó của một nghiên cứu sinh hạng giỏi. Nhưng đó không phải là Gaidar, một nhà khoa học trong phòng thí nghiệm và một người dân chủ cách mạng. Đây là một thế hệ khác, một loại hạt nhân khác - quản lý giám đốc, một nhà quản lý trẻ.
Những ưu điểm chủ yếu - hoàn toàn tự do không chịu ảnh hưởng của bất cứ một phe phái chính trị hoặc tài chính nào. Do còn trẻ nên sẽ không sợ bất kỳ một sự va chạm nào, hậu quả không hay nào. Là một Thủ tướng kỹ trị hoàn toàn! Đây chính là điều cần cho đất nước...
Có mạo hiểm chăng? Đúng, nhưng mạo hiểm có cơ sở. Nếu như chúng ta không tiếp tục những cuộc cải cách khó khăn. nhạy cảm trong các lĩnh vực thuế, ruộng đất, xã hội, nếu chúng ta không thông qua luật một cách thông minh, thì đất nước sẽ giậm chân tại chỗ. Đất nước sẽ vẫn với một nền kinh tế khó hiểu và mâu thuẫn.
Tôi không có quyền chờ đợi hơn nữa. Như vậy là Kirienko xứng đáng. Tất cả những đối thủ của tôi - bắt đầu từ những người cộng sản cho đến những bọn trùm sỏ tài phiệt khác - không thể lượng trước được bước đi này.
Tôi lại tạo điều kiện cho “thê đội hai” của đội hình trẻ nhưng sẽ cũng cố và đổi mới nó. Cùng với Kirienko tất nhiên sẽ xuất hiện những người mới khác nữa.
Trong tôi có niềm tin nào đó vào những con người này, vào báo chí và dư luận và Kirienko có thể đáp ứng hy vọng và những tình cảm tích cực ở họ. Điều đó bây giờ rất quan trọng.
Lý do cuối cùng, có lẽ là quyết định nhất. Giờ đây tất cả cần một nhân vật hoàn toàn mới mẻ. Một nhân vật không chạy đua theo lợi ích của nhóm này để đối trọng với nhóm kia. Không xuất thân từ một phe nào đó. Và cũng không thấp thoáng tên tuổi trong thê đội chính quyền của Matxcơva. Một nhân vật hoàn toàn trong sạch.
Kirienko - chính là nhân vật này.
Chiều 21 tháng 8, cũng vào thứ bảy, trong buổi gặp gỡ với Victor Stepanovich, tôi cho gọi Valentin Yumasev và Sergei Yastrzemski tới gặp. Tôi tuyên bố hôm nay sẽ cách chức nội các của Chernomưrdin. Đồng thời cách chức luôn cả Chubais và Kulikov. Tôi đề nghị Sergei Yastrzemski, thư ký báo chí của tôi chuẩn bị mọi mặt cho việc công bố cách chức, còn Valentin Yumasev chuẩn bị các sắc lệnh. Sergei Yastrzemski ngồi giương mắt trợn tròn, bối rối. Còn Valentin Yumasev rõ ràng là hồi hộp. Đối với Văn phòng Tổng thống trẻ của tôi, đây là một cuộc khủng hoảng Chính phủ nghiêm trọng đầu tiên.
Cả Valentin Yumasev và Sergei Yastrzemski đều đề nghị tôi chuyển việc công bố từ thứ bảy sang thứ hai. Lý do thật đơn giản: Ngày nghỉ cuối tuần, cả đất nước đang nghỉ ngơi, nhiều người còn đang ở nhà nghỉ ngoại ô. Vào thứ bảy hay chủ nhật tạo ra một không khí khủng hoảng trong nước do việc cách chức Chernomưrdin, thì có hợp lý hay không?
Nhưng tôi không thích trì hoãn thực hiện những quyết định của mình. Tại sao vậy? Chính trị là một công việc tế nhị. Cơ chế thông qua quyết định đòi hỏi ở nhà chính trị tính chính xác đặc biệt, gần như phẫu thuật. Quyết định đã được thông qua không nên trì hoãn. Bất cứ một thông tin nào để lọt ra ngoài thì quyết định đó sẽ không còn là hành động có hiệu lực và bất ngờ, sẽ biến thành một cái gì đó đối lập nhau. Cần phải sử dụng yếu tố áp lực mạnh mẽ từ bên ngoài, hoàn cảnh thay đổi rất mau lẹ.
Nhưng cả Valentin Yumasev và Sergei Yastrzemski đều cố thuyết phục tôi - việc cách chức phải làm sao để trong con mắt của xã hội thấy đó là vào thời điểm bình tĩnh, đang làm việc, chứ không thể gây hoảng hốt. Cần phải đợi đến đầu tuần sau.
- Thưa Boris Nicolaevich, chuẩn bị sắc lệnh thứ hai bổ nhiệm ai ạ? - Cuối buổi nói chuyện Yumasev đắn đo (Ai thay thế Chernomưrdin?)
Một phút chốc im lặng. Nếu hai người biết được một thông tin quan trọng về mặt chiến lược đã là nhiều. Nếu ba người biết thì lại càng quá nhiều.
- Tôi sẽ trả lời các anh vào chủ nhật - Tôi nói - Ngày mai chúng ta lại gặp nhau vào buổi chiều.
Chiều chủ nhật tôi cho gọi Yumasev đến gặp:
- Hãy chuẩn bị sắc lệnh bổ nhiệm Sergei Kirienko.
Nửa đêm tôi thức giấc. Tôi vào phòng làm việc và suy nghĩ. Trời ơi, Chernomưrdin làm việc với tôi suốt từ năm 1992!
Tôi nhớ chúng tôi đã phải khó khăn thế nào để có thể cùng nhau ổn định được chính trị và kinh tế trong đời sống sinh hoạt của đất nước. Chernomưrdin bao giờ cũng muốn đỡ bớt gánh nặng cho tôi, nhận hết trách nhiệm về mình...
Về ban đêm mọi nghi ngờ sẽ sâu sắc hơn. Mọi quyết định cuối cùng sẽ rõ hơn. Một Thủ tướng đã từng trung thành, tin cậy trải qua khói lửa có thể đứng vững trong những tình huống khủng hoảng nhất. Hay là tôi đã mắc sai lầm?
Mối nguy hiểm của sự cô đơn chính trị - đó là từ đâu mà xuất hiện “hội chứng cách chức” trong đời sống của bất cứ một chính trị gia nào, nhất là Tổng thống. Bất cứ một đồng minh trung thành nào trong chính trị thì đều có sức nặng trên bàn cân. Việc cách chức Chernomưrdin thực sự là nguy hiểm. Đúng, Chernomưrdin rất trung thành. Nhưng lô gích của của cuộc sống bắt tôi phải chia tay với ông.
Còn một điểm nữa: liệu tôi đã tính toán kỹ lưỡng, chính xác hết mọi yếu tố hành động mạo hiểm chính trị này chưa?
Bởi vì vào đúng thời điểm này, tôi phải chia tay với hai đồng minh mạnh nhất và trung thành nhất - Chernomưrdin và Chubais. Như vậy có nghĩa là một sự cách ly chính trị gần như hoàn toàn. Sau này người ta sẽ nói và viết không ít về sự cách ly này, về sự cô đơn của Tổng thống Yeltsin.
Tôi có thái độ riêng với sự mạo hiểm. Điều đó không có nghĩa là tôi không sợ mạo hiểm hoặc tôi phản ứng với sự mạo hiểm khác những người thường. Hoàn toàn không phải như vậy. Cũng giống như mọi người - tôi thấy lạnh toát trong lồng ngực, thấy ngẩn ngơ, tim đập rộn ràng (những chuyện đó thường xảy ra đối với tôi).
Nhưng cứ mỗi lần sự kiện mới xảy ra nguy hiểm, thì lại có một điều mà ta cần nắm bắt thật rõ ràng: tự ý thức. Suy nghĩ tự nó sẽ hoạt động cứ như tự động, tự nó sẽ tìm ra lối thoát. Đôi khi tìm thấy rất ngẫu nhiên!
Mạo hiểm, kể cả trong chính trị nó luôn luôn đi liền với hy vọng. Tính toán chính xác nhất đôi khi lại nảy sinh trong nhưng hoàn cảnh khó khăn nhất. Bây giờ cũng vậy.
Mỗi một giây phút ban đêm trôi đi tôi lại thấy nặng nề làm sao. Làm sao có thể chợp mắt được đây? Dường như mọi việc đã làm xong. Mọi quyết định đã được thông qua...
Thứ hai, ngày 23 tháng 3. Kremli. Chiếc kim đồng hồ bàn vẫn quay, thờ ơ với mọi chuyện trên đời. Còn trong tôi lại hồi hộp căng thẳng biết bao.
Tôi hẹn gặp Kirienko vào bảy giờ sáng. Trước cuộc gặp với Chernomưrdin. Một quan chức Nhà nước phải biết dậy sớm.
- Nếu ngài giao cho, thưa Boris Nicolaevich, tôi xin sẵn sàng - Kirienko gần như đáp lời ngay. Sau đó chắc hẳn đi đâu đó anh ta có thể suy nghĩ lại, nhưng ấn tượng đầu tiên của tôi qua câu nói của anh ta là rất tốt - một người lính.
Tám giờ sáng. Gặp Chernomưrdin.
Cuộc chia tay thật nặng nề. Sau khi biết mình bị cách chức, Victor Chernomưrdin rất thất vọng. Nhưng tôi biết nói với ông ta thế nào nhỉ? Làm sao mà giải thích cho Chernomưrdin hiểu được cái gì đã làm cho tôi không an tâm mấy tháng trời nay, - chúng ta cần một thế hệ mới, Victor Chernomưrdin ạ!
Một thế hệ khác!
Tôi không có ý định thảo luận vấn đề này. Tôi nói với ông rằng năm 2000 chẳng còn là mấy và giao cho ông tập trung vào cuộc bầu cử sắp tới. Ngay bây giờ cần phải bắt đầu công việc. Chernomưrdin lại càng thất vọng hơn. Rõ ràng là ông chưa chuẩn bị sẵn sàng về mặt tinh thần cho cuộc từ chức này. Trên nét mặt ông pha trộn cả nỗi ấm ức lẫn trầm uất.
Victor Chernomưrdin, một con người trung hậu. chân thành, thẳng thắn và thông minh.
Nhưng ông không phải là Tổng thống của năm 2000.
Giác quan thứ sáu nào đó đã mách bảo tôi: đó chưa phải là lần cách chức cuối cùng. Không, hoàn toàn không. Nhưng tại sao không làm tôi thấy buồn. Có một cảm giác thật rõ ràng là tôi vừa làm một công việc nặng nề. Một công việc quan trọng. Lần đầu tiên đứng đầu đất nước là một con người quá trẻ, mới ba mươi lăm tuổi. Lần đầu tiên người đó được trao quyền hạn đầy mình so với những chính khách cùng thế hệ. Lần đầu tiên đứng đầu Chính phủ là một nhà lãnh đạo hiểu biết kinh tế đúng như chúng ta đang cần hiện nay.
Tất cả đều là lần đầu tiên.
Tôi thấy tinh thần của mình trào dâng, một sự lạc quan biết bao, đầy hy vọng. Nước Nga đã có một Chính phủ trẻ. Điều mà tôi hằng mơ ước một năm trước đây. Mọi sự đã diễn ra. Diễn ra gần như bất ngờ, có thể là trái với lô gích diễn biến các sự kiện - nhưng đã diễn ra...

<< Chubais hay “Đội hình 97”-2 | Những cuộc gặp không chính thức >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 732

Return to top