Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Phụng hoàng

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 21881 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Phụng hoàng
Nicolas Proffitt

Phần 2 - 9

George Cameron, ngồi một mình trong bóng tối quầy rượu của khách sạn Duc, gọi thêm một ly vodka và lóng tai nghe ba cặp tình nhân bàn kế bên, mong quên đi niềm cô quạnh.
"Em ham đi tắm biển thì mặc em," một gã nói với đào của mình, một nữ y tá quân đội, "nhưng chớ có nghĩ đến chuyện lấy xe ra Vũng Tàu khuya khoắt như thế này."
"Thì có làm sao?" cô y tá bĩu môi. "Trời đất, xa lộ lớn chứ bộ."
 Ừa, nhưng mà đêm đến là nó đổi chủ," tiếng gã thứ hai, một cô khác, cũng y tá, ngồi trên đùi. "Nhất là khúc chạy xuyên qua đồn điền cao su Michelin. Mới hôm nọ có phục kích ở đấy."
"Thế mình đi tắm sông vậy," cô gái nói.
Cả ba gã ré lên cười. "Em sẽ dính cả chục thứ bệnh trước khi kịp lau khô mình, em ơi!," một gã vừa nói vừa lắc đầu cười. "Nhắc anh tránh em cho xa ngày nào anh bị thương rồi vào Bệnh viện Ba dã chiến."
"Nói nghe ngon lắm!" cô gái phản ứng ngay. "Cứ nghe thiên hạ đồn về anh, anh mà vào bệnh viện tức là đã mắc thứ bệnh riêng tư nào đó chứ thương với tích gì." Cả bọn lại lăn ra cười.
Cameron cũng cười theo, rồi ngưng bặt khi cảm thấy mình sắp khóc. Anh đã say, nhưng chưa quá say và vẫn ước mong có bạn, ước mong phải chi Jake và Sally đẩy cửa vào ngồi với anh.
Anh cô độc nhưng anh không hờn giận. Trái lại, anh cảm thấy vui hơn khi nghĩ Jake và Sally có nhau đêm nay, khi nghĩ Jake đã tìm được một người, một điều gì, để bám víu. Cũng như anh đã thật vui khi Jake từ nhiệm. Anh biết Jake yêu quý quân đội vô cùng, biết Jake đau lòng đến đâu lúc thò tay ký vào mảnh giấy đó. Nhưng đã đến lúc phải dứt khoát. Đến lúc ai ai cũng phải dứt khoát...công ty, xứ sở, hết mọi người.
Cameron hồi tưởng lại nỗi hân hoan của anh khi Jake ký giấy từ nhiệm. Lòng anh tràn đầy kiêu hãnh và thán phục vì Jake...và chất chồng tủi nhục vì chính mình. Anh biết lẽ ra chính anh cũng phải xin từ nhiệm ngay lúc ấy. Nhưng Jake Gulliver có bản chất anh hùng...George Cameron thì không.
Phải, đúng lúc sôi máu muốn làm như Gulliver, tâm trí George Cameron lại quẩn quanh với đủ chuyện thực tế : tiền hưu bổng, tiền bảo hiểm, học phí của hai cô con gái, tiền cấp dưỡng bà vợ cũ. Dẫu họ chẳng còn yêu thương gì anh, anh vẫn thương yêu họ, và vẫn nghĩ mình có trách nhiệm với họ. Họ sẽ ra sao, nếu không có số tiền anh gửi về? Đâu phải lỗi họ khi anh nhận sang Á châu lần thứ hai, rồi lần thứ ba, thứ tư, thứ năm, và thứ sáu. Đâu phải lỗi họ mà anh cũng đã bỏ qua bao cơ hội thăng tiến. Đâu phải lỗi họ khi, đúng lúc họ trông chờ anh về trụ tại Langley, trông chờ một cuộc sống thoải mái tại một thị trấn ngoại ô tiểu bang Virginia, anh lại lên đường, theo tiếng gọi của Việt Nam. Anh đã bỏ rơi hết vì Việt Nam, và bây giờ kết cuộc là như thế đó. Cameron thở dài, gọi cô hầu bàn một ly rượu nữa.
Của đáng tội, cũng đã có một thời gian, một thời gian dài chứ, anh không phải uổng công. Cameron bật cười, nhớ lại những chuyện Lou Conein kể khi từ Hà Nội trở về, năm 1954. Ed Lansdale đã phái Conein ra tổ chức một mạng lưới gián điệp trước ngày hai miền Nam, Bắc hoàn toàn phân cách. Đích thân Conein đã lẻn vào sân đậu xe buýt công cộng của thành phố Hà nội, đổ đường vào các bồn xăng.
Thuở ấy đúng là một cuộc chơi, một cuộc chơi lớn do những tay tuy tuổi đã luống nhưng đầy quyến rũ, và Cameron là một tay ấy. Anh vẫn nhớ như in Lansdale kể với anh công tác "chống nổi dậy" đầu tiên của mình, hồi viên đại tá còn là một đứa nhỏ và cùng người em trai bị lũ trẻ lớn con hơn phục kích và ném tuyết tơi bời. Có điều những nắm tuyết ấy lại là những cục nước đá! Thế là hai anh em Lansdale bèn lấy sỏi đá bọc tuyết ném lại. Bao nhiêu năm sau, khi Cameron sang Phi Luật Tân phụ tá cho Lansdale tiễu trừ quân Huks(Cộng sản Phi Luật Tân), có lần anh đề nghị đốt một kho gạo bắt được của quân Huks. Lansdale đã cười tít mắt : "Đừng, để đấy, ta sẽ trộn thủy tinh vụn vào gạo cho chúng ăn." Tuyết bọc đá, gạo trộn thủy tinh -- nào có gì khác nhau khi ta dự cuộc chơi.
Cameron nhớ có lần, vào những ngày đầu ở Sài Gòn, Lansdale đã lén sang Phnom-menh thăm mấy tay điệp viên KGB(Komitet Gossoudarstvennoi BeEopasnosti, Ủy ban an ninh quốc gia, cơ quan tình báo và phản gián của Liên Xô) tùng sự tại toà Đại sứ Nga. Lansdale và mấy "kẻ địch" đã suốt một ngày nhậu vodka chúc tụng nhau, nhắc lại những trò quỷ họ đã bẫy nhau hàng bao năm trời. Cameron đôi khi thầm nghĩ không chừng nếu họ đổi phe cho nhau họ vẫn thỏa thuê như thường.
Nhưng Lansdale với Conein đều đã ra đi, và mọi chuyện bắt đầu thay đổi. Cuộc chiến trở nên nghiêm trọng. Không còn là thời cho những cuộc chơi. Nhưng đến thời của chủ nghĩa cơ hội.
Và thế là hết chuyện tồi tệ này đến chuyện tồi tệ khác. Tỉ như sử dụng Air America chở thuốc phiện cho các bộ lạc Lào và Thái do bọn con buôn ma tuý nắm đầu, để đổi lấy tin tức tình báo và mua chuộc lòng trung thành của họ. Tỉ như thu xếp để một trực thăng võ trang Mỹ bắn "lầm" một phi đạn vào một bộ chỉ huy của phó tổng thống Kỳ trong Chợ Lớn những ngày tết Mậu Thân, khiến sáu phụ tá quyền hành nhất của Kỳ thiệt mạng và tổng thống Thiệu có cơ hội củng cố ngôi vị của mình. Tỉ như vụ bán đứng Cao Giao.
Hơn bất cứ vụ nào khác, công ty phản bội Cao Giao đã khiến Cameron thất vọng đến cùng cực. Cao Giao, một con người tốt, một người bạn tốt. Là một sĩ quan xuất sắc, ông ta đã cùng CIA lập nên Trường đào tạo cán bộ Xây dựng nông thôn. Về sau, bất mãn CIA chi phối toàn bộ chương trình này, ông từ chức rồi trở thành tỉnh trưởng tỉnh Kiến Hoà cho đến khi được bầu vào Quốc hội. Ông dân biểu trực ngôn và được lòng dân Cao Giao chẳng bao lâu thành cái gai trong mắt tổng thống Thiệu. E có ngày Cao Giao sẽ là một mối đe dọa chính trị cho mình, Thiệu cuối cùng tìm được cách hại ông. Cao Giao có người anh ruột là sĩ quan trong quân đội Bắc Việt và CIA vẫn khuyên ông nên giữ liên lạc. Thiệu bèn nhân đó cáo buộc ông là cộng sản, chiếu luật nghiêm cấm liên lạc với địch. Dinh Độc Lập tung ra một chiến dịch bôi nhọ trên báo chí, và rồi Cao Giao bị lôi khỏi Quốc hội vào ngồi tù. Cho đến nay CIA, không muốn nghịch ý Thiệu, chối không biết Cao Giao liên lạc với người anh. Công ty phủi tay không ngó ngàng gì tới ông nữa.
Và, tất nhiên, lại còn chương trình Phụng Hoàng! Tống tiền, trả thù, bạo hành bừa bãi, những "nhiệm vụ đặc biệt" của Minh, dối trá về cái chết của Trung, và bây giờ là lệnh thủ tiêu ba người, ba đồng sự, một là người Mỹ! Anh bỏ hai mươi năm đời anh để lâm vào cảnh này!
Anh biết đa số nhân viên CIA ở Việt Nam là những người tốt, những người đàng hoàng. Nhưng họ đâu cả rồi? Sao không có ai ngăn chặn những vụ như thế này? Chuyện gì đã xảy đến cho công ty của anh? Cho đời anh? George Cameron tì cả hai tay lên bàn, ôm đầu khóc rưng rức.
Ba cặp tình nhân bàn kế bên im bặt. Một lúc sau họ kêu tính tiền và kéo nhau bỏ đi.
Cameron nín khóc, lau mắt, rồi kêu cô hầu bàn đem cho anh một chai vodka. Anh trả tiền, nhét chai rượu vào túi áo khoác, để lại một tờ một trăm mỹ kim cho cô hầu bàn, rồi rảo bước đi ra.
lại gặp người quản gia, một ông già lịch sự người Việt, anh hỏi : "Ông có bản đồ đường ra Vũng Tàu không ông?"
"Mais oui, monsieur; jDai une excellente carte ici."( Tiếng Pháp trong nguyên tác, có nghĩa : "Có chứ, thưa ông; tôi có một bản đồ rất tốt đây.")  Ông già, từng làm việc sáu năm cho ông ltavi tại Hotel Royal trước khi bỏ sang khách sạn Duc vì số lương lớn gấp ba, thỉnh thoảng quên không nói tiếng Anh. Ông thò tay xuống dưới bàn lấy tấm bản đồ lên.
Cameron mở rộng bản đồ, hỏi : "Ông làm ơn chỉ cho tôi đồn điền cao su Michelin ở chỗ nào. Có lẽ ngày mai tôi muốn đến coi."
Ông già chỉ ngay. "Monsieur, thế nào ông cũng sẽ nhìn ra ngay. Ông sẽ thấy hàng hàng những dãy cây cao su thẳng tắp hàng hàng cây số."
"Cám ơn ông. Ơ, merci."
Cameron bước ra giữa đêm oi nồng, kêu một nhân viên an ninh đem tới cho anh một chiếc minto. Anh đã cảm thấy dễ chịu hơn. Anh mở nắp chai rượu, tu một hơi dài, và lại càng cảm thấy dễ chịu hơn nữa. Khi người lính đem xe tới, anh dúi vào tay y một tờ giấy một trăm mỹ kim, lên xe, kẹp chai rượu giữa hai đùi, và lái xe đi.
Ra khỏi thành phố, qua hết các ngoại ô, trên đường vắng ngắt không một bóng xe cộ ngược xuôi. Cameron cho xe chạy hàng hàng cây số tới hàng hàng những dãy cây cao su thẳng tắp, rồi ghé vào bên đường, đậu lại. Anh tắt máy xe, tắt đèn, và lắng tai nghe ngóng. Giữa hàng hàng những dãy cây cao su như một đoàn quân đang diễn hành, những tiếng động của đêm khuya, tiếng côn trùng, ếch nhái, dơi chuột, cú quạ, tiếng lá cây sột soạt, không thể phân biệt từ đâu tới. Còn xa lắm mới tới biển, nhưng anh tưởng như đã nghe thấy tiếng sóng vỗ. Anh nhấc chai rượu, ngửa cổ tu một hơi dài, rồi mở máy xe, bật đèn. Anh bật máy truyền thanh, tìm đài của quân đội, rồi mở máy cực lớn.
Trong xe nóng hầm hập, dù anh đã hạ hết cửa kính, và một lúc sau anh bước ra. Anh trút hết quần áo, liệng lên mặt đường, rồi trèo lên nóc xe, tay vẫn xách chai rượu. Anh ngồi xếp bằng, nhâm nhi chai rượu, mồ hôi xối xả, nhưng anh cảm thấy vô cùng thảnh thơi.
Đài AFVN đang chơi thứ nhạc ưa thích của hai cô con gái anh, nhạc rock, khiến anh đâm bực mình. Anh thì anh thích nhạc jaEE, và thế là anh gân cổ lên hát, cố át tiếng máy truyền thanh. Anh hát hết bài này tới bài khác, nhất định không chịu thua.
Khi những bóng người đầu tiên từ sau những hàng cây cao su thận trọng tiến ra, George Cameron đang đứng trần truồng trên nóc chiếc minto, vung vẩy chai vodka như nhạc trưởng múa gậy, và hát như muốn vỡ giọng bài hát của trường Harvard.
***
Jake Gulliver ngồi cả đêm trên ghế, và khi anh bừng tỉnh, chung quanh anh là cả một nghĩa địa những vỏ chai bia.
Anh đứng lên, bước ra ngoài hàng hiên. Vài phút sau Sally, mình quấn tấm sà rông, lại bên anh. Hai người cùng ăn sáng, không cãi cọ, nhưng cũng không trao đổi một lời.
Chị Ba, thường rất xăng xái, sáng nay cũng không lảng vảng bên họ; chị cũng đã cảm thấy có chuyện không lành. Chị đi mở cổng cho một chiếc xe nhỏ ra.
Khi chị trở vào, Gulliver hỏi : "Chị Ba, ai thế?"
"Thợ đến sửa máy lạnh," chị đáp.
"Hả," Gulliver nói. "Tôi tưởng máy lạnh không mở thôi, chứ có hư gì đâu."
Chị Ba so hai vai.
"Chị kêu người ta đến đấy à?"
"Dạ, không."
Gulliver ngồi thẳng lên. "Em có kêu không?" anh hỏi Sally.
 Đâu có."
Anh đứng bật dậy, vào trong nhà. Vài phút sau anh trở ra, tay cầm một vật có khúc dây điện cong queo như cái đuôi. Anh liệng lên bàn.
"Cái gì thế?" Sally hỏi.
"Bộ chúng không dạy gì em ở trường ma quỷ à? Đây là một cái mi-crô. Em thử đoán xem ai cho lệnh gắn nó vào nhà này."
"Steelman?"
"Anh cũng đoán thế."
"Nhưng để làm gì chứ?"
Gulliver nhún vai. "Để biết chúng mình nói với nhau những gì về kế hoạch vĩ đại của hắn. Hắn lo anh tìm cách phá cũng nên."
"Mà anh có định thế không?"
Gulliver không trả lời.
"Trời ơi, anh nhìn lại anh mà coi," Sally nói, miệng mím lại. "Em biết quá mà. Anh đang tự hỏi kể cho em nghe với kể cho cái kia nghe thì có gì khác, chứ gì?" Nàng hất cằm chỉ cái mi-crô.
Gulliver quay nhìn nơi khác. "Thôi được. Đúng anh nghĩ ngợi chuyện ấy. Anh nghĩ ngợi suốt cả đêm."
"Anh đã quyết định gì chưa?"
Anh ngó nàng, vẫn do dự, rồi nói : "Anh sẽ báo cho mấy người kia biết."
Sally ngó lại anh một hồi lâu, hít vào một hơi dài, và nói : "Khá khen cho anh!"
Hai người ngồi xuống, tiếp tục bữa ăn sáng dở dang. Không ai nói thêm một lời nào.
Chuông điện thoại reo vào lúc họ uống đến bình cà phê thứ hai. Chị Ba nhấc máy nghe, rồi gọi Sally. Nàng đi vào, và khi trở ra hai mắt nàng ướt đằm. "Người...người trực ở toà Đại sứ," nàng cố lấy lại bình tĩnh. "George Cameron chết rồi."
Gulliver nhắm mắt lại một giây. "Chết thế nào?"
Sally ngồi xuống ghế, chậm chạp rót thêm cà phê cho mình. "Việt cộng phục kích. Khuya đêm qua. Trên đường ra Vũng Tàu." Nàng đưa tách lên môi nhưng đánh đổ cà phê ướt cả áo. "Hự!", nàng run tay chùi áo, rồi gục đầu xuồng bàn, bật khóc.
Gulliver ngồi yên, mặc nàng nức nở. Nhìn thân hình nàng run rẩy, anh lại cảm thấy thỏa mãn. Trong lúc này anh thù ghét nàng, thù ghét hết bọn họ. Anh từng thù ghét bọn họ cho những người tự mình có thể thù ghét -- cho đại tá Sculler, cho Anh Hàng Cát -- nhưng giờ đây anh thù ghét họ cho một người không còn thù ghét được nữa, cho George Cameron.
Sally nín khóc, lấy khăn lau mắt. "Em xin lỗi, em mất cả tự chủ."
"Em không việc gì phải xin lỗi một phản ứng rất người như thế," anh nói, giọng khe khắt, ác độc. "Cũng đừng lo anh đi báo với Steelman."
"Trời ơi, Jake, sao anh có thể tàn nhẫn đến thế!"
"Hoàn cảnh mà. Việt Nam khiến anh như vậy. Em dư biết chiến tranh hủy hoại con người," Gulliver nhái lời nàng.
Sally lại đưa khăn lau mắt. "Em không tài nào hiểu được. Cameron làm gì ngoài ấy giữa đêm khuya? Ông ấy đi Vũng Tàu làm gì?"
Gulliver đột nhiên chán chường sự ngây thơ, tâm thức thô thiển phương tây của nàng. Anh hét lên : "Cameron đâu có đi Vũng Tàu! Ông ấy muốn rũ sạch nợ  đời! Ông ấy không muốn bỏ lại những rác với rưởi!"
Sally co rút người lại. "Rác...rác rưởi là sao? Anh nói sao?"
Gulliver lắc đầu, hạ giọng : "Với bọn ma quỷ các người, Cameron chỉ còn là một kẻ hết thời, một bợm nhậu. Nhưng ông ấy là một người lối xưa. Ông ấy...chu đáo hết mực, lúc nào cũng lo mọi việc không...đàng hoàng. Anh chắc chắn Cameron đã thu xếp đâu đấy hết trước khi ra đi. Bàn giấy ngăn nắp, phúc trình đúng Hạn. Lối xưa là thế. Không để rắc rối cho kẻ đến sau. Không để rắc rối cho người còn ở lại. Thu xếp đâu đấy tiền bảo hiểm, tiền cấp dưỡng cho bà vợ đã bỏ đi, cho hai cô con gái khinh miệt bố. Thu xếp đâu đấy để anh bồi phòng khách sạn Duc khỏi bị phiền hà. Thu xếp đâu đấy cho công ty yêu quý của mình. Cái công ty tuyệt vời đã tận dụng rồi giết chết ông. Đúng thế, Cameron yêu quý công ty vô cùng. Yêu quý như một ông già nhìn bà vợ khô héo cay độc mà chỉ nghĩ đến hình ảnh bà tươi đẹp thời xa xưa."
Sally mở to hai mắt : "Anh...anh nói sao?"
"Anh nói là anh đã bảo em rồi. Anh đã bảo Cameron sẽ không nhận làm chuyện đó. Anh nói anh không có gia đình phải lo nên anh có thể từ nhiệm, còn Cameron thì không. Anh nói ông ấy chỉ có cách ấy để thoát thân."
Sally đưa cả hai tay che mặt. "Ô không," nàng thốt lên, hơi thở dồn dập.
"Chứ còn gì nữa! Cameron chỉ có lỗi là đã sinh lầm quê hương, sinh lầm thế kỷ. Ông ấy phải là sĩ quan Anh trong đạo quân Ấn Độ mới đúng." Mặt Gulliver chợt tối sầm. "Còn anh lẽ ra phải yên phận theo nghề trồng thuốc lá."
Sally lại khóc, mặt mày rũ rượi. Một cơn điên giận dâng ngập Gulliver, một cơn điên giận thiêu đốt thần kinh anh, buốt giá lòng anh. Anh đứng phắt lên, nhoài người qua bàn, hùng hổ lay nàng khiến nàng ngã xuống sàn. "Có nín ngay đi không!" anh thét vào mặt nàng.
Sally ngồi dậy, ôm miệng, bàng hoàng hơn là đau đớn. Nàng buông tay và ngẩn ngơ ngó mấy ngón tay, như thể trước nay nàng chưa từng thấy máu bao giờ. Rồi nàng ngẩng lên và nhìn thấy một kẻ lạ kỳ đứng trước mặt mình. Nàng lại ngơ ngẩn ngó anh như thể chưa từng thấy anh bao giờ...một kẻ mặt mũi ghê khiếp, hai con mắt cay nghiệt, và khóe mép nhợt nhạt, ác độc.
Anh dùng một tay kéo nàng đứng lên, mấy ngón bấu chặt vào cánh tay nàng. Một bàn tay cứng như thép nắm lấy cằm nàng, xoay mặt nàng lại để tai nàng kề bên miệng anh. "Em nghe đây; làm đúng như anh bảo," anh thì thào, tay kia thọc vào túi. "Em cầm tờ năm chục đồng này, ra đường mua một tô mì. Trong lúc chờ, ngó quanh xem nhà có bị canh chừng không."
 Ơ..."
"Nghe lời anh. Dao Cạo đã bỏ công gắn mi-crô thì chắc hắn cũng đã cho canh chừng nhà rồi." Anh xô nàng.
 Đi ngay đi."
Một phút sau nàng trở lại. "Hai người. Người Việt. Mặc áo trắng, đeo kính đen."
"Tốt!" Anh lại nắm tay nàng, xoay nàng lại và kéo nàng ra phòng trước. "Bây giờ em kêu toà Đại sứ hỏi xem không còn Cameron họ tính sao."
Nàng gọi điện thoại, một lần, rồi hai lần. Sau đó, buông máy xuống, nàng nói : "Dường như Steelman đích thân lo vụ này. Hắn vừa ra phi trường cách đây một giờ. Lấy máy bay Air America xuống miền tây."
Anh lùi về phía sau nhà, kéo Sally theo. "Sau tường nhà có lối nào không? " anh hỏi.
"Có một cái hẻm," nàng đáp. "Phía mặt đi ra nhà thờ lớn, phía trái là Dinh Độc Lập."
"Tốt. Em nghe đây. Nếu toà Đại sứ gọi anh, em bảo là anh say rượu, ngủ như chết, bảo họ gì cũng được, miễn họ tưởng anh vẫn ở đây. Em mà nói thực cho họ biết thì thế nào cũng có ngày anh trở lại giết em. Em nghe chưa?"
"Ng-nghe." Nàng hãi hùng không kịp nổi giận.
Anh buông tay nàng. Sally theo anh đi qua nhà bếp, ra cửa sau. Nàng ngó anh kéo một cái thùng rác lại sát bên bức tường cao bao bọc ngôi biệt thự. Anh nhảy lên đứng trên thùng rác, rồi tung mình dùng hai tay bám lấy bờ tường, đu lên. Anh nằm ép mình, đảo mắt nhìn khắp con hẻm, quay lại nhìn nàng một lần chót, rồi mất hút.
Sally Teacher bỗng chốc run bắn người, không sao kiềm chế được. Nàng hiểu ra cuối cùng nàng đã gặp Anh Hàng Cát.
***
Trưa hôm đó khi Bennett Steelman bước vào, cả Sứ quán đang xôn xao với tin cái chết của George Cameron. Steelman bị mọi người tức thì xúm lại dồn dập đặt hết câu hỏi này đến câu hỏi khác. Những câu hỏi chính anh cũng không dễ có câu trả lời.
Không, đầu tiên là anh cũng chẳng biết tại sao Cameron lại tìm cách đi Vũng Tàu.
Không, anh không biết tại sao Cameron lại đi vào lúc chiều tối.
Không, anh không biết tại sao Việt cộng lại lột quần áo Cameron trước khi bắn chết ông ta.
Phải, có bằng chứng Cameron uống rượu trước khi đi.
Phải, chuyện này thật đáng buồn, thật bi thảm.
Có nửa tiếng đồng hồ mà Swain bốn lần nói : "Trời ạ, thật là nhục nhã. Một người tốt như thế!"
Và cũng bốn lần trong nửa tiếng đồng hồ Coughlin và Ries gật đầu phụ họa.
Họ ngồi quanh bàn xì phé trong phòng cộng đồng, như để tưởng niệm, cho ngay chính họ chứ không phải chỉ vì Cameron. Họ cảm thấy mình bị dồn vào đường cùng. Vụ đội thám báo bị phục kích...rồi vụ Trung...và nay tới vụ này. Họ bắt đầu có ý nghĩ Sứ quán bị trù yểm.
Nửa tiếng đồng hồ họ nhắc lại với nhau những mẩu chuyện vui, buồn về George Cameron. Trước kia tuy chẳng ai cho Cameron là giỏi nhưng mọi người đều ưa thích ông, và một trong những sự thực ở Việt Nam là người chết bất đắc kỳ tử lại càng được trọng vọng hơn. Duy có Bennett Steelman thực chẳng chút xúc động, tuy cũng cố mang bộ mặt sầu não. Việc làm quái dị của Cameron khiến anh bực hết sức. Ông giám đốc phân bộ công tác giờ này lẽ ra có mặt tại Sài Gòn tận hưởng vinh quang sau thành công ở Cao Miên, lại phải xuống cái nơi tít tắp nực nội này lo một chuyện nhơ nhớp đã hai lần giao cho thuộc hạ.
Steelman đợi thêm vài phút, rồi quay qua Bill Coughlin, giờ đây là người cao cấp nhất tại Sứ quán, hỏi : "Tình hình trong thị xã ra sao?"
Coughlin lắc đầu. "Thưa, không có chuyện gì. Hay thật. Mới hôm trước quần thảo khắp các đường phố, hôm sau đã vắng ngắt như nhà thờ ngày chủ nhật có trận vô địch bóng đá. Từ bữa đám tang đến nay không có cuộc biểu tình nào."
Swain xen vào : "Bởi vì cảnh sát của Ngọc ra tay ác liệt, bây giờ chúng nó sợ chết khiếp rồi." Steelman chỉ gật gù. Trong Sứ quán, ngoài Cameron và Gulliver ra, không ai biết Hòa Hảo đã tạm ngưng các cuộc biểu tình.
"Càng kéo dài thì người ta càng bớt hăng," Steelman nói. "Có lẽ mọi chuyện êm cả rồi."
"Tôi hy vọng thế," Coughlin nói. "Nhưng thiếu tá Đỗ không đồng ý. Người của Đỗ đã phát hiện nhiều Hòa Hảo vào thị xã tuần qua. Và hai cái người xách động  -- lão Đạo Khùng với thằng oắt Lộc -- vẫn còn đây. Đỗ cho rằng chúng đang lo tăng cường nhân số trước khi xuống đường trở lại."
"Thách chúng nó đấy," Swain hùng hổ nói. "Nếu Ngọc lo không xuể ta sẽ tung lính thám báo ra. Chúng nó sẽ có dịp thấy, so với lính thám báo, Cảnh sát Dã chiến hiền như con gái."
Steelman làm thinh, không cho Swain biết chẳng bao lâu nữa Ngọc hết còn chỉ huy Cảnh sát Dã chiến. Chẳng bao lâu nữa cũng hết còn Swain.
Nghe nhắc đến lính thám báo, Ries nhớ đến Gulliver và hỏi : "Thưa ông, chừng nào Jake về? Anh ấy đi cả tuần rồi."
 Đại úy Gulliver không trở lại nữa," Steelman đáp. "Đại úy từ nhiệm rồi."
Mọi người đều kinh ngạc, ngày hôm nay quả không biết bao nhiêu thay đổi. Riêng Swain không sao nén được một nụ cười.
"Vì sao vậy?" Coughlin hỏi.
Steelman nhún vai. "Ai biết được? Có lẽ vì cái chết của Cameron. Các anh phải nhớ Gulliver ở xứ này bao lâu rồi, đã mất bao nhiêu bằng hữu. Có thể đến lúc quá sức chịu đựng."
Không ai nói gì nữa, Steelman tiếp : "Đây cũng là một chuyện tôi muốn bàn với các anh. Quy tắc định rằng người nào hễ thôi làm việc cho công ty thì phải bị cô lập, không được tiếp xúc với các đồng sự cũ nữa. Vậy nếu Gulliver cứ tìm cách gặp một ai trong các anh, các anh không được nói gì với anh ta hết. Các anh phải thông báo cho tôi. Đã rõ chưa?"
Mọi người gật đầu.
"Tốt," Steelman nói. "Tôi biết tất cả chúng ta đây đều xúc động với những chuyện đã xảy ra, nhưng mọi việc vẫn phải tiếp tục. Do đó, tôi quyết định trong thời gian còn lại của chúng ta, Coughlin sẽ thay thế Cameron. Tiếc rằng anh không đảm nhận chức vụ trong những hoàn cảnh thuận lợi hơn, Bill, nhưng tôi vẫn xin chúc mừng anh."
Đây là lần đầu tiên Steelman gọi Coughlin bằng tên tục. Coughlin chỉ gục gặc đầu tỏ dấu cám ơn, hiểu rằng biểu lộ vui mừng lúc này rất không thích hợp.
"Tôi e tôi phải yêu cầu anh làm cả hai việc đó, Bill," Steelman lại nói. "Chúng tôi chưa có thì giờ tìm cho anh một cố vấn Cảnh sát Đặc biệt mới."
"Không sao," Coughlin đáp. "Dù sao thiếu tá Đỗ thực sự cũng chẳng cần ai cố vấn."
"Tốt lắm. Hiện giờ thì tôi có thể trả lại anh đội thám báo tỉnh. Trung úy Swain sẽ tái tục nhiệm vụ cố vấn, và anh có thể điều động trung úy với đội thám báo trở lại hoạt động."
Coughlin gật đầu.
"Và nhân chuyện này tôi trở lại với mục đích chính tôi xuống đây. Một viên đại tá Bắc Việt muốn hồi chánh đã tiếp xúc với chúng tôi. Y chỉ huy các lực lượng Bắc Việt trú tại vùng Mũi Câu bên Cao Miên."
"Chà!" Swain thốt lên.
"Phải, một con cá lớn," Steelman nói. Anh quay lại Coughlin : "Không phải là coi thường anh, nhưng tôi muốn tự tay lo vụ này."
"Thưa, tôi hiểu," Coughlin đáp.
"Tôi sẽ cùng đi với trung úy Swain và đại úy Đặng đón y. Tôi chỉ có thể nói với các anh đến thế thôi. Và không một ai khác được biết cả."
"Thưa, tôi hiểu," Coughlin lập lại.
"Tốt lắm. Vậy anh với Ries vui lòng để chúng tôi..."
Coughlin và Ries đứng dậy tức khắc. "À, chắc tôi phải thu dọn đồ của George," Coughlin ngại ngùng nói. "Rồi tôi gửi về đâu?"
"Tôi sẽ cho anh biết sau," Steelman đáp. Anh ngưng lời, rồi trầm ngâm nói : "Sáng nay, trước khi điện về Langley báo tin dữ, tôi có ngó qua hồ sơ cá nhân Cameron. Anh có biết Cameron khai địa chỉ chính thức ở đâu không?"
"Dạ không."
"Khách sạn Duc, Sài Gòn, Việt Nam Cộng Hoà. Đáng buồn, phải không?"
"Dạ."
Steelman đợi cho Coughlin và Ries ra khỏi phòng, đoạn quay qua Swain, nói : "Trung úy, tôi có chuyện muốn bàn với anh trước khi ta gọi đại úy Đặng."
"Thưa, tôi xin nghe."
"Chắc anh còn nhớ có lần ta đã nói chuyện anh có thể gia nhập công ty?"
"Dạ, tôi nhớ chứ! Từ hồi đó tôi chỉ nghĩ  đến chuyện đó thôi."
"Vậy thì, cho anh biết tất cả đã thu xếp xong. Anh cũng không phải đợi đến lúc mãn hạn nhiệm kỳ phục vụ trong quân đội nữa. Tôi đã lo cho anh được giải ngũ nội trong tuần này."
Harry Swain há hốc miệng, mắt chớp lia lịa, hai hàng chân mày rậm nhăn nhíu. Mãi anh mới ấp úng được :
"Thưa ông..., thế...thế thì...năm-bờ-oăn rồi!"
Steelman gật đầu, độ lượng. "Chắc anh cũng còn nhớ tôi đã nói thỉnh thoảng ông tỉnh trưởng có thể có một nhiệm vụ đặc biệt giao cho anh?"
"Dạ có," Swain đáp, miệng vẫn cười rạng rỡ.
Bennett Steelman cũng cười. "Vậy thì bây giờ có một nhiệm vụ đặc biệt đây."

<< Phần 2 - 8 | Phần 2 - 10 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 276

Return to top