Gulliver xỏ chân vào chiếc quần jeans, mặc vào chiếc áo ngắn, và bước ra hành lang. Anh đã định xuống thang, nhưng rồi lại đi qua ngả kia. Lúc anh nhận ra điều đó thì tay anh đã gõ hai lần lên cửa phòng dành cho khách.
Sally Teacher mở hé cửa, vừa đủ rộng cho anh thấy mặt nàng biến sắc; nàng cũng ngạc nhiên chẳng kém gì anh khi thấy anh đứng đó.
"Chào cô," anh nói, không biết nói gì hơn.
"Chào anh." Giọng nàng nhuốm vẻ ngờ vực, và nàng không mở cửa rộng hơn.
"Tôi, ơ, tôi muốn xin lỗi đã vô phép với cô lúc nãy. Tôi mong đã không làm cô sợ hãi."
"Có, anh đã làm tôi sợ."
"Phải, tôi cũng đoán thế." Nàng mặc một bộ đồ đen trông như lễ phục, và điều này càng khiến anh cảm thấy lúng túng hơn.
Anh cố mỉm cười. "Cô à, quả thực tôi rất tiếc. Nhưng xin cô đặt cô vào địa vị tôi. Tôi muốn nói, lúc bấy giờ tôi chỉ thấy là cô đang soi mói phòng tôi, tính trộm một món đồ cổ vô giá của tôi, hay là một trong mấy bức tranh micasso(Nhà họa sĩ và điêu khắc danh tiếng Tây Ban Nha (1881-1973).) đó."
Sally Teacher, hẳn là nhớ lại căn phòng trần trụi của anh, không nín được cười. Tiếng cười ròn rã, thoải mái. Và cánh cửa phòng được mở rộng hơn.
"O.K., tôi xin nhận đã bị anh bắt quả tang," nàng đáp, chưa dứt tiếng cười. "Tại tôi ham quá đi, bộ sưu tập của anh quả là tuyệt vời."
"Thế đó." Gulliver, đã từ lâu quên cả các lề lối xã giao, không nghĩ ra được câu gì để tiếp tục câu chuyện. "Ô, dường như cô sắp đi đâu, phải không? Tôi không làm mất thì giờ cô nữa."
"Tôi sắp đi gặp vài nhân vật Hoà Hảo địa phương tối nay. Họ sẽ cho xe lại rước tôi, nhưng cũng còn hai mươi phút nữa."
Gương mặt nàng lộ vẻ chờ đợi, và Gulliver không dám chắc vừa rồi nàng mở rộng cửa hay là tính xô cửa vào mặt anh. Anh không biết mình nên bước tới hay là bỏ đi, và thế là anh đứng ỳ ra đấy, im thin thít, vụng về ngơ ngẩn.
Đến lúc chờ đợi hết nổi, nàng lên tiếng: "Còn dư thì giờ để anh mời tôi một ly dưới quầy rượu tôi thấy dưới nhà đó. Tôi khát muốn chết nhưng tôi không muốn ngồi đó một mình."
"Phải, phải. Tôi hiểu. Phải đó."
Gulliver chờ ngoài hành lang trong khi nàng với tay lấy chiếc sắc, rồi theo nàng xuống thang lầu.
Hai người băng qua phòng cộng đồng đi tới quầy rượu bằng tre, và nàng ngồi lên một chiếc ghế đẩu trong khi anh đi vòng ra đằng sau quầy. "Thưa cô dùng gì nào?" anh lấy giọng người bán rượu.
"Giá được một ly Scotch với nước đá thì nhất, nhưng thôi anh cho một ly vodka pha nước khoáng đi. Mình đi dự tiệc với những người không uống rượu mà lại sặc mùi whisky thì coi không được chút nào."
"Phải đó. Họ không uống rượu thật hả?"
"Không. Không rượu, không thuốc phiện, không cờ bạc, không ăn thịt, không gì hết. Hoà Hảo là cánh Baptist(Một giáo phái Tin Lành) của Phật giáo đấy."
Gulliver mỉm cười. "Chắc là chán lắm."
"Còn tệ hơn nữa kia," nàng vui vẻ nói. "Họ không chấp nhận gả cưới ép buộc cũng như tảo hôn."
Gulliver nháy mắt. "Thế thì làm sao sống được," anh trao ly cho nàng và rót cho mình một ly bourbon. "Tôi đang chú ý tới một cô. Cô ta đủ mười hai tuổi rồi, nhưng được lắm...vì thân xác như mới lên mười mà thôi." Sally Teacher cười ròn tan, và hai mắt nàng chớp chớp như tín hiệu từ một tinh tú xa vời nào gửi tới, chuyển từ xanh đậm thành xanh nhạt rồi lại xanh đậm. Hai con mắt khiến Gulliver liên tưỏng tới những viên ngọc lấp lánh dưới ánh bạch lạp. Anh thừa dịp ngắm nàng thật kỹ và nhìn nhận nàng đẹp tuyệt vời. Chiếc miệng rộng với cặp môi dày, đôi má lúm đồng tiền, mũi dọc dừa, và cổ thon dài càng làm nổi bật làn da trắng muốt. Trán và hai má phơ phất lông tơ cùng màu trái dâu như mái tóc xõa ngang vai. Nàng là hiện thân người con gái bất cứ gã Ái Nhĩ Lan nặng lòng nào cũng mơ tưởng.
"Tôi chưa từng gặp một bà ma quỷ nào bao giờ," anh tìm chuyện nói. "Tôi không hề ngờ lại gặp cô ở xứ này."
Sally nhấp một ngụm và nhẹ gật đầu. "Trừ phi họ giấu kỹ đâu đó, còn thì tôi là người phụ nữ Hoa Kỳ duy nhất tại cơ quan bây giờ. Nhưng có tin đồn là sắp có một cô khác được phái sang."
"Thế thì tốt," Gulliver nói, cũng chẳng biết là tốt hay không, nhưng đoán nàng nghĩ như vậy.
"Chưa chắc," nàng cười buồn. "Tôi có những cảm nghĩ trái nghịch nhau. Một mặt có người để cùng làm việc và bàn cãi thì hay lắm, nhưng mặt khác công việc tôi được giao đến nay lại quá ít để còn chia đôi. Vì với các thượng cấp của tôi, những việc quan trọng, hoạt động gián điệp, là trò của đàn ông chứ không phải của đàn bà."
Gulliver nhún vai. "Cô đâu thể có địa vị quá tệ được," anh nói không nghĩ ngợi, vô hình chung để lộ chua chát. "Steelman có vẻ chịu cô lắm." Anh biết mình lầm lỗi khi bắt gặp cái nhìn của nàng.
"Bennett Steelman là đồng nghiệp của tôi, không phải lão già dịch của tôi," nàng gay gắt nói. "Y chỉ là đồng nghiệp mà thôi."
"Tôi không định nói thế," Gulliver vội vã nói. "Tôi chỉ muốn nói y có vẻ đánh giá cô rất cao, và..."
"Tôi biết anh định nói gì, đại uý à, và nếu..."
"Cô Teacher phải không ạ?" Một người Việt Nam gầy gò đứng nơi cửa, giữa hai người lính Nùng to con và Gữ dằn. Y mặc đồ tài xế và miệng nở nụ cười bối rối. Y ngập ngừng tiến thêm vài bước, hai người Nùng vẫn kè kè hai bên như hai cái bóng, và nhắc lại: "Cô Teacher phải không ạ?"
Sally gật đầu và y nói: "Thưa, tôi là Văn, tài xế của bác sĩ Loan. Tôi đến để rước cô."
"Anh đến không sớm quá đâu," nàng nói. Nàng tụt xuống ghế, cầm lấy cái sắc trên quầy rượu, và theo người tài xế bước ra.
Bác sĩ Loan ngụ tại một biệt thự rộng hai tầng trong khu vực sang trọng nhất thị xã, cách tư dinh tỉnh trưởng chỉ hai khúc đường. Biệt thự khuất sau một bức rào sắt và một cái vườn vun trồng chu đáo, và trông như một mô hình Sứ quán thu nhỏ.
Bác sĩ Loan người thấp, đẫy đà và lịch thiệp. Ông và bà vợ, cũng thấp, đẫy đà và lịch thiệp, khiến Sally cảm thấy thoải mái ngay. Họ đưa nàng đi một vòng căn phòng khách trưng đầy đồ cổ Trung Hoa, và giới thiệu nàng với khoảng hai chục người vừa đàn ông vừa đàn bà. Sally không kịp nhớ được danh tính mỗi người.
Tân khách hầu như chia thành hai nhóm rõ rệt. Một bên là những cư sĩ, phần lớn là đảng viên đảng Dân Xã, cùng các bà vợ, đàn ông mặc âu phục, đàn bà mặc áo dài. Họ cười nói tíu tít, tay cầm ly nước trái cây như người ta cầm ly rượu. Bên kia là những tu sĩ áo tràng, đứng túm tụm lại với nhau như không muốn mình lẫn lộn với những người thế tục. Họ nhìn nghiêm khắc mọi người mọi vật, mắt ngờ vực đảo khắp phòng như mắt người bán đấu giá, soi mói như muốn đoán giá tiền các bàn ghế và đồ cổ.
Khi họ vào bàn ăn, Sally được xếp ngồi đối diện chủ nhà, bác sĩ Loan, và giữa hai vị thượng khách: một nghị sĩ Hoà Hảo và vị tu sĩ Hoà Hảo trưởng thượng trong tỉnh. Vị tu sĩ, một ông già đầu sói, rõ rệt thiếu tự nhiên và chẳng biết nói gì. Sally hầu như chỉ nói chuyện với Loan và vị nghị sĩ. Cả hai đều hoan hỷ thấy nàng nói được tiếng Việt, và luôn tay gắp tiếp nàng những món ăn ngon nhất.
Bữa tiệc tuy không có món thịt nào nhưng rất ngon: bắp cải nhồi xôi đậu phọng, mì, rau trộn, cá bỏ lò, canh, và tráng miệng thì có kẹo và bánh dừa. Sally ăn rất đúng phép, không cắm đũa trong chén và không để đũa gây tiếng động. Nàng không quên mỗi món chừa lại một ít, để chủ nhân biết nàng đã ăn đủ và rất vừa miệng.
Vị nghị sĩ, bộ điệu săn đón và miệng lưỡi tiá lia, cho nàng hay ông ta sống ở Sài Gòn nhiều hơn ở đây. Ông cười thích thú khi Sally nói về mặt đó ông cũng chẳng khác gì các nghị sĩ Mỹ.
"Cô có muốn biết nguồn gốc tôn giáo chúng tôi không?" bác sĩ Loan hỏi Sally.
"Dạ có," Sally đáp, chiều ý chủ nhân. Lịch sử đạo Hoà Hảo nàng đã biết rõ, nàng muốn tìm hiểu thực trạng hiện giờ hơn. Tuy nhiên nàng cũng chăm chú nghe.
Đạo Hoà Hảo thành lập năm 1939 do một thanh niên tên Huỳnh Phú Sổ, sinh tại ấp Hoà Hảo trong vùng Thất Sơn, tỉnh An Giang. Thuở thiếu thời, Huỳnh Phú Sổ là một đứa bé yếu đuối bệnh hoạn, nên đã được phụ thân đem gửi gấm cho Trà Sơn, một ông sãi có tiếng chữa bệnh mát tay và làu thông giáo lý đức Phật. Trà Sơn không chữa khỏi được bệnh cho Huỳnh Phú Sổ, nhưng cậu thanh niên vẫn sống với ông sãi già cho đến khi ông qua đời. Không lâu sau đó, một đêm Huỳnh Phú Sổ ngồi bật dậy trên giường và cúi mình đảnh lễ trước bàn thờ. Khi đứng lên, cậu đã hoàn toàn khỏi bệnh. Kể từ ngày đó Huỳnh Phú Sổ tự nhận là tiên tri và bắt đầu đi thuyết pháp. Rất mau họ Huỳnh nổi tiếng chữa bệnh kỳ tài, và thuyết giảng thu hút đến nỗi không đầy một năm sau đã có tới hơn 100 ngàn tín đồ. Tín đồ xưng ông là "Phật sống". Nhà chức trách -- lúc bấy giờ là thời Pháp thuộc -- thì coi ông là một ông đạo khùng cứng đầu và đem nhốt ông vào nhà thương điên.
"Và cô có biết lúc ở nhà thương điên chuyện xảy ra thế nào không?" bác sĩ Loan hỏi, miệng cười cười đoán trước phản ứng người nghe.
"Xin bác sĩ kể tôi nghe." Sally đáp, cố làm ra vẻ hồi hộp.
Loan khoan khoái cười: "Đức thày đã khiến vị bác sĩ tâm thần ở đấy theo đạo Hoà Hảo và ký giấy cho đức thày ra nhà thương ngay tức thì." Đầu bàn cho đến cuối bàn, thực khách đều cười tán thưởng, vài người còn vỗ tay nữa.
Sally mỉm cười vỗ tay theo. "Tôi được biết ở An Giang Hoà Hảo vẫn có ảnh hưởng rất lớn," nàng nhanh nhẹn hỏi, tìm cách đổi câu chuyện sang hướng khác, "nhưng còn tỉnh này thì sao?"
Vị nghị sĩ trả lời: "Ở đây cũng vậy, đa số là Hoà Hảo. Tất nhiên ta không thể tin cậy kết quả điều tra dân số của chính phủ được, nhưng có thể ước lượng 72% dân chúng ở đây theo đạo Hoà Hảo, còn lại là đạo Phật cổ truyền với một ít Công giáo."
"Những tỷ lệ ấy có được phản ảnh đúng tại Quốc hội không?" Sally hỏi.
"Công bằng lắm," vị nghị sĩ đáp. "Tỉnh này có hai nghị sĩ, cả hai chúng tôi đều là Hoà Hảo. Dưới Hạ viện thì trong số năm dân biểu của tỉnh hết bốn người là Hoà Hảo. Và sáu người chúng tôi cũng đều là đảng viên đảng Dân Xã."
Sally để ý thấy bác sĩ Loan cau mày và nàng đoán ngay ra lý do. Quyết định quậy thêm lên, nàng làm bộ ngây thơ nói: "Hẳn quý ông hài lòng lắm."
"Hài lòng!" Loan bật kêu lên. "Vị nghị sĩ khả kính của chúng tôi đây cùng các đồng sự Dân Xã của ông hoạt động tận tụy lắm, thế nhưng tiếng nói của họ bị nhận chìm tại Quốc hội. Trường hợp nào họ đối lập với chính phủ thì phe cánh đông đảo của ông Thiệu sẽ đánh bại họ dễ dàng. Ngay cả những khi tất cả các đảng phái thiểu số thỏa thuận liên minh với nhau, họ cũng bất lực trước những con số như vậy. Chúng tôi không có quyền hành chính thức nào!"
Bây giờ tới lượt vị nghị sĩ cau mày. Dĩ nhiên ông cũng muốn người nữ viên chức tòa đại sứ Hoa Kỳ biết sự thực, thế nhưng sự thực làm giảm địa vị quan trọng của chính ông. "Bác sĩ Loan nói như thế cũng đúng đấy," ông nói, "nhưng dẫu cho ghế chúng tôi tại Quốc hội không đem lại thực quyền chính trị nào thì cũng còn hơn ở đây."
Đó chính là mục đích của Sally: đánh giá xác thực sức mạnh của giáo phái trong tỉnh. "Ông nói thế nghĩa là sao, thưa nghị sĩ?" nàng hỏi.
"Thưa cô Teacher," bác sĩ Loan trả lời, "ông nghị sĩ đây muốn nói là tại tỉnh chúng tôi, cũng như tại bất cứ tỉnh nào khác, tỉnh trưởng có quyền hành tuyệt đối. Tỉnh trưởng nắm trong tay quyền lực của chính phủ quốc gia, tỉnh trưởng kiểm soát quân lực và cảnh sát, tỉnh trưởng kiểm soát chương trình Phụng Hoàng có quyền năng vô giới hạn bỏ tù hay giết người nữa. Và tại tỉnh này tỉnh trưởng là người Công giáo. Chỉ huy mật vụ Cảnh sát Đặc biệt cũng là Công giáo. Chỉ huy Cảnh sát Dã chiến là người Phật giáo đại thừa. Và hết thảy phụ tá của họ đều là Công giáo hay Phật giáo cả. Không có người Hòa Hảo nào nắm một chức vụ cao cấp nào."
"Phương pháp cai trị của tổng thống Thiệu là như thế đó," vị nghị sĩ tiếp lời. "Đầu tiên ông giao hết thực quyền cho tỉnh trưởng, rồi ông bổ nhiệm tay chân thân tín làm tỉnh trưởng. Thế là khỏi lo đảo chánh."
"Phương pháp kiến hiệu thực," Sally thông cảm gật đầu. "Thế thì các ông làm gì được?"
"Chúng tôi có thể cho Sài Gòn thấy rằng ở đây dân chúng trung thành hay không là do Hòa Hảo chứ không phải do tỉnh trưởng," Loan đáp. "Thương gia có từ chối buôn bán với Việt cộng hay không. Các vị sãi có khuyến khích thanh niên tòng quân hay không. Chúng tôi có cộng tác với cảnh sát khi họ điều tra hay không. Chúng tôi có rất nhiều cách giúp hay là làm hại chính phủ. Nếu Sài Gòn muốn chúng tôi hợp tác chống cộng thì Sài gòn phải gỡ cái tròng đại tá Minh khỏi cổ chúng tôi."
"Và đây là điều quý vị có thể giúp chúng tôi," vị nghị sĩ tươi cười nói với Sally. "Người Mỹ bảo gì Thiệu cũng nghe lời. Nếu quý vị có thể thuyết phục Thiệu giao quyền cho chúng tôi ở các tỉnh chúng tôi nắm đa số, chúng tôi sẽ dẹp hết cộng sản tại miền tây cho quý vị. Cộng sản không thể nào tồn tại trong một tỉnh hạnh phúc, một tỉnh thỏa mãn, một tỉnh tự do..."
"Một tỉnh Hòa Hảo!" vị sãi già ngồi bên Sally bật kêu lên, giọng khàn đặc. Nãy giờ Sally cứ tưởng cụ ngủ gật.
Loan mặt hồng lên, đứng vụt dậy. Ông giơ tách trà lên, hô: "Một tỉnh Hoà Hảo!"
Đầu bàn đến cuối bàn, thực khách đều đứng cả dậy, đồng hô lớn: "Một tỉnh Hoà Hảo!"
Ai nấy đều chăm chăm nhìn Sally. Nàng nghĩ tới viên tỉnh trưởng, người nàng chưa từng gặp mặt nhưng dù sao cũng là người đã tổ chức bữa tiệc này cho nàng. Khẽ nhún vai, nàng xô ghế, nâng chén trà lên và nói: "Một tỉnh Hoà Hảo!"
Khi người tài xế của bác sĩ Loan đưa Sally về tới Sứ quán thì đã gần nửa đêm. Bước qua hai lần cửa và tiến lại phía cầu thang, nàng trông thấy đại uý Gulliver vẫn đứng bên quầy rượu bằng tre như lúc nàng ra đi. Anh không nói lời nào khi nàng bước qua, lên cầu thang về phòng, nhưng nàng linh cảm anh đã thức chờ nàng về.
Người đội viên thám báo vừa làm tài xế vừa làm cận vệ cho Steelman. Và bên chỗ ngồi, y vừa có một khẩu Uzi vừa có một khẩu súng săn cưa nòng và nạp đạn ghép.
Steelman xé một mảnh giấy, viết địa chỉ, và giơ lên. Nhưng anh rụt ngay lại, không để gã tài xế cầm lấy. Khi y bỏ tay xuống, anh lại giơ mảnh giấy lên cứ như là anh nhử bánh để dạy chó. Gã tài xế ngã hẳn người ra sau, đọc giòng chữ và gật đầu. Steelman vo tròn mảnh giấy bỏ vào túi áo mình.
Vài phút sau, chiếc cord Bronco dừng lại ở đầu một con hẻm dài tẽ ra từ con đường chính sầm uất của thị xã. Steelman bước xuống và ra lệnh cho gã tài xế chờ ở đó cùng chiếc xe.
Trời đã xế chiều nhưng con hẻm vẫn đông đúc, và anh khó nhọc lắm mới thoát ra khỏi đám đông những hành khất với người bán hàng, khước từ đổi tiền giá chợ đen cũng như mua linh tinh đủ thứ, từ những cái thuyền làm bằng sừng trâu cho đến những gói thuốc lá trộn cần sa Park Lanes. Anh tìm ra tiệm may ở cuối Kẻm và bước vào.
Tiệm may vẫn còn hoạt động, nhộn nhịp những người khách cuối cùng đặt may quần áo cho ngày Tết sắp tới.
"Tôi muốn gặp ông Thọ," Steelman nói bằng tiếng Anh với một thanh niên đang đo kích thước một người khách. Gã thanh niên, miệng ngậm đầy kim, hất đầu chỉ về phía một người đứng tuổi ngồi trên một cái ghế cao sau cái máy tính tiền chế tạo tại Mỹ. Ông ta tuy thế không sử dụng cái máy kỹ thuật hiện đại này mà vẫn đưa mấy ngón tay lách cách không ngừng trên một cái bàn tính của Tàu.
"Ông Thọ phải không?"
Người thợ may ngước mắt nhìn lên, nhưng Steelman chưa kịp nói gì thêm bác đã lắc đầu bảo: "Hiện giờ tôi bận lắm. Xin trở lại sau Tết." Bác lại cúi xuống với mấy con tính của mình.
Steelman không bỏ đi. "Ông Thọ à, tôi muốn nhờ ông sửa cái áo khoác cho tôi...làm thêm một cái túi kín." Mấy ngón tay bác Thọ dừng phắt lại. Bác ngước mắt nhìn dò xét Steelman. "Túi kín?"
"Phải. Chỉ một phút là xong chứ gì. Chỉ việc cắt một đường, bằng...dao cạo."
Bác thợ may mặt đổi sắc. Bác đặt bàn tính xuống và bảo: "Ông lại đây tôi làm cho." Bác tụt khỏi ghế, dặn dò một người thợ phụ thật nhanh bằng tiếng Việt, rồi dẫn lối vào phía trong.
Hai người đi qua hàng lớp màn ngăn, những phòng thử áo không ngớt người ra vào, và những xúc vải chất thành đống. Tiệm may tưởng như sâu hàng cây số. Sau cùng họ dừng lại trước một cái cửa hai cánh. Thọ tháo ở cổ một xâu chìa khóa và mở cửa. Bác ra dấu mời khách, và Steelman bước vào một căn phòng ấm cúng, đồ đạc gọn gàng, hiển nhiên là phòng riêng của bác thợ may.
Thọ khóa cửa lại và hỏi: "Ông dùng trà nhé?"
"Thôi khỏi," Steelman đáp, tiến lại ngồi trên một chiếc tràng kỷ khảm xà cừ.
Thọ ngồi xuống chiếc ghế đối diện. "Vậy ra ông là Dao Cạo," bác nói.
"Phải."
"Tôi xin thưa là tôi vô cùng hân hạnh tuy cũng rất ngạc nhiên. Đại uý Bích cho tôi hay không dễ gì tôi có bao giờ hân hạnh được gặp ông." Tiếng Anh của bác thợ may bỗng chốc rất văn vẻ.
"Có những khi chuyện bất ngờ khiến ta phải dùng những phương pháp bất ngờ," Steelman thản nhiên đáp. "Tôi cũng ngạc nhiên vậy, tuy không vui thích gì."
"Dạ, tôi hiểu. Tôi có thể giúp ông chuyện gì?"
"Trả lời tôi vài câu. Đầu tiên cho tôi hay ai đã tàn sát đội thám báo?"
"Biệt đội Xung kích 97 của Việt cộng, cũng có tên là Biệt đội Thép. Một đơn vị rất thiện chiến."
"Sao không báo cho chúng tôi biết trước?"
"Lúc ấy tôi đã biết đâu," Thọ lắc đầu ân hận. "Tôi vẫn tưởng Biệt đội Thép đang ở trong vùng bất khả xâm phạm Mỏ Vẹt bên Miên. Vụ phục kích xảy ra rồi tôi mới biết, và tôi cũng chỉ mới biết đơn vị nào dự trận cách đây vài giờ. Tôi đã tức khắc xin gặp đại uý Bích sáng sớm mai để báo tin này."
"Ông là tổ trưởng tổ đấu tranh vùng này kia mà. Sao ông lại không biết trước?"
Thọ nhún vai. "Tôi chỉ được biết những gì cấp trên của tôi muốn tôi biết mà thôi, và họ chỉ cho tôi biết đủ để tôi hoạt động đắc lực cho họ trong cái thị xã nhỏ bé này. Quý ông cũng vậy chứ khác gì."
"Vậy sao ông biết tiểu đoàn 18-B ở Vĩnh Long chứ không phải trên Thất Sơn, Châu Đốc?"
"Dạ, hoàn toàn là do may mắn," Thọ đáp. "Tôi có đứa cháu trong tiểu đoàn 18-B bữa đó ghé thăm dượng nó. Chúng tôi hàn huyên rất lâu. Dạ, hoàn toàn là do may mắn đó. Nhưng tất ông biết cả chứ. Tôi có nói rõ trong báo cáo với đại uý Bích." Giọng bác thợ may thản nhiên, bình tĩnh. Bác ngồi hoàn toàn bất động, nói năng nhỏ nhẹ, thận trọng, như là bác ở trong một cái chuồng với một chú cọp bị bỏ đói từ lâu ngày.
Steelman im lặng một lúc, rồi hỏi: "Cho tôi hay về Gulliver."
Thọ giơ cả hai tay lên, cho thấy bác đã cảm thấy vững bụng hơn. "Vẫn vậy, không có gì thay đổi. Ổng đến thăm cô gái hai hoặc ba lần mỗi tuần, những khi cô không đi lưu diễn xa. Họ nói chuyện, ổng hút thuốc phiện, rồi họ làm tình."
"Lần chót y đến thăm cô ta là hồi nào?"
"Bữa nay. Khoảng 12 giờ trưa."
"Họ nói những chuyện gì?"
"Trận đánh trên Thất Sơn. Vết thương của ổng. Rồi ổng hút thuốc phiện và họ làm tình."
"Thế còn trước vụ phục kích?"
Ổng có đến thăm cổ hai đêm trước đó."
"Lần đó y có nói với cô ta gì không về chuyện đi Thất Sơn?"
Ổng nói đủ hết."
"Sao?" Steelman háo hức hỏi. "Y kể với cô ta? Ông có nghe được thật hả?"
"Dạ phải. Tôi dùng máy nghe đại uý Bích giao cho tôi, bao giờ cũng vậy."
"Vậy là ta thâu băng được?"
Thọ nhún vai. "Tất nhiên."
"Tốt, tốt! Tốt lắm! Thế cuộn băng đâu?"
"Dạ, ở đây, ngay trong phòng này."
"Tốt, tốt!" Steelman lại nói. Dao Cạo mỉm cười, và thế là Thọ cũng mỉm cười, vui vẻ thấy Dao Cạo vừa lòng.
"Hút thuốc phiện...giao du thân mật với điệp viên Việt cộng...tiết lộ tin tức mật...dư đủ cho nó đi tù rồi." Steelman lẩm bẩm, nói với chính mình hơn là với Thọ.
Thọ buột miệng: "Nhưng dĩ nhiên cuộn băng cho thấy rõ là ổng không biết gì về những hoạt động phạm pháp của cô ta."
Gương mặt Dao Cạo thay đổi tức thì. Dao Cạo thôi cười và giận dữ ngó bác thợ may. "Cuộn băng cho thấy gì hay không cho thấy gì thì tôi sẽ biết. Còn về những hoạt động phạm pháp của cô ta, tôi thấy các báo cáo của ông chẳng nói tới bao nhiêu."
"Dạ, thiệt quả rủi hết sức," Thọ ân hận đáp. "Đoàn cải lương của cô lưu diễn khắp miền tây và tôi chắc cổ là cán bộ phối hợp trong vùng, nhưng tôi không có bằng chứng nào. Cổ là cấp trên của tôi trong đường dây, là người duy nhất liên hệ tôi với Uỷ ban tỉnh đấy, và lại chính tôi đã tìm cho cổ chỗ ở kế ngay bên tiệm của tôi để dễ dàng trao đổi tin tức. Tuy vậy cổ không hề cho tôi biết gì hết, trong khi tôi có phận sự cho cô biết đủ mọi điều. Còn cổ báo cáo lại với ai thì tôi không được rõ..." Bác thợ may cố tình ngưng một lúc trước khi tiếp: "tôi chỉ biết người đó có đến gặp cổ một đôi lần."
Steelman ngồi bật dậy. "Sao? Hắn có đến? Ông có trông thấy hắn?"
"Dạ, không. Hắn đến có một đôi lần và lần nào cũng vào ban đêm. Nhưng tôi nghe tiếng họ trong nhà. Cổ cũng làm tình với hắn nữa, tuy rất lặng lẽ."
"Ta có thâu băng được hắn không?" Steelman háo hức hỏi.
Thọ nhún vai. "Có và không. Hắn nói nhỏ quá không nghe được gì cả. Cứ như là hắn biết có người rình nghe. Những lần tôi biết hắn đến, tôi nấp sau cửa sổ suốt đêm, cố nhìn cho được mặt hắn lúc hắn ra về, thế nhưng chẳng hề thấy hắn bước ra bao giờ. Nhà chỉ có một cửa, không hiểu hắn đi lối nào. Sáng ra thì Hắn mất tiêu rồi." Bác thợ may lắc đầu. "Bao nhiêu đêm tôi mất ngủ, nghĩ mãi mà không hiểu làm sao hắn có thể vô, ra mà không ai thấy."
Dao Cạo chẳng chút quan tâm đến lòng tận tụy của Thọ, hỏi ngay: "Lần chót hắn đến là hồi nào?"
"Cũng hai đêm trước vụ phục kích, sau khi ông Mỹ về rồi. Đêm đó cổ làm tình với cả hai người."
Dao Cạo đứng dậy, đi tới đi lui trong phòng. "Ta sẽ đặt người trong hẻm này...canh chừng nhà con bé suốt ngày đêm," anh lẩm bẩm. "Một người bán mì...à, một người ăn mày lại còn hay hơn...một thương phế binh...què cụt thực sự...Ta sẽ cho hắn có cả vợ, cả con nữa..."
"Phải đấy," Thọ mau mắn phụ họa. "Ông nghĩ phải lắm. Tôi không thể một mình canh chừng suốt ngày đêm được. Tôi còn phải lo tiệm may của tôi, còn phải đóng trò với Việt cộng nữa. Và lâu lâu tôi cũng phải ngủ chứ."
Steelman quay lại. "Đưa cho tôi mấy cuộn băng đó. Cuộn băng Gulliver kể cho con bé nghe sẽ đi Thất Sơn, và những gì ông thâu được về thằng cha kia. Ở Sài Gòn ta có chuyên viên có thể nghe ra được."
Thọ đứng lên đi tới bên tường. Bác tháo xuống một bức tranh vẽ hình cọp ăn thịt nai, và mở khóa một cái tủ giấu đằng sau. Bác lấy ra hai cuộn băng trao cho Dao Cạo.
Steelman dùng cả hai tay nhắc nhắc mấy cuộn băng, như là đoán được sức nặng của chúng anh sẽ lượng được những bí mật của chúng, giá trị của chúng. Rồi anh mỉm cười, thì thầm tự hứa: "Anh Hàng Cát ơi, con bồ Việt cộng của chú mày trước, rồi là sẽ đến lượt chú mày đó."