Gulliver nhấn còi liên tiếp cho đến khi hai cánh cổng mở toang, rồi phóng chiếc Bronco vụt ra đường, tung bụi phủ mờ người lính Nùng gác cổng và làm dạt tứ tán đám người mang biểu ngữ bên ngoài.
Anh hướng về lộ đi Sênh Tiền, theo những con đường nhỏ để tránh mọi rối loạn có thể đang diễn ra ở trung tâm thị xã, tay ghì chặt bánh lái cho xe chạy thật nhanh, bụng vẫn còn tức anh ách vì cuộc đối đáp với Đặng. Thực ra nói là đối đáp cũng không đúng hẳn. Muốn đối đáp phải có hai người, mà Đặng đâu có nói năng bao nhiêu. Những mẹo đã khiến Swain cắn câu không ăn thua gì với Đặng. Quả anh thật khùng đã trông đợi những mẹo ấy có kết quả.
Đặng chẳng một lần mất bình tĩnh hay là lớn tiếng. Đặng nói dối nhưng vẫn nhìn thẳng vào mặt anh, nhìn thẳng vào hồn anh. Đây là lần đầu hai người cãi cọ suốt bảy tháng trời hàng ngày chung đụng, bảy tháng trời hoàn toàn tin cậy nơi nhau, và Gulliver đau sót chẳng khác một cặp tình nhân cơm không lành, canh không ngọt. Đặng không phải là người có tính chối quanh, nói lảng; Gulliver phục bạn không phải chỉ vì Đặng can trường, tài ba, mà còn vì tính ngay thẳng. Cứ nghĩ Đặng nói dối anh cũng đủ khiến anh uất ức rồi. Điều lạ là dường như cả Đặng cũng vậy. Khi hai người không còn gì để nói nữa, Đặng đã đặt tay lên vai Gulliver và bảo : "Tôi thật ân hận, Anh Hàng Cát à. Tôi thật ân hận không giúp gì được anh."
Ngẫm nghĩ về giọng Đặng lúc ấy, Gulliver lại thấy chính anh đang tìm cách bào chữa. Chắc Đặng phải có một lý do chính đáng nào đó, ngoài chuyện đương nhiên phải lo tự cứu, Gulliver tự nhủ, cố nén nỗi hậm hực của mình.
Xe cộ như mắc cửi trên con lộ, và Gulliver ghìm chặt tay lái chiếc Bronco. Anh lướt qua dọc dài những ruộng lúa cách biệt thị xã với Sênh Tiền, một thoáng xanh tươi giữa hai cái nhọt quằn quại bụi khói. Xe đò, xích lô, xe gắn máy ngược xuôi vùn vụt, lượn ngang lượn dọc một cách dễ sợ, hối hả như hết mọi chuyện trên đất nước này, những năm tháng này. Chẳng mấy ai tôn trọng luật đi đường, đó cũng chỉ là thêm một triệu chứng cho thấy đất nước này bên bờ điên loạn.
Gulliver cho xe chạy thật thận trọng. Lúc này mà cán phải một người nào đó thì không biết làn sóng căm phẫn ở tỉnh này sẽ tràn tới đâu. Anh tránh xa lề đường rải rác những hàng quán bán xoài, đu đủ, những trâu bò, trẻ con, những người đàn bà đội nón lá kĩu kịt gánh gồng.
Một chiếc xe vận tải mang dấu hiệu Sư đoàn 4 Bộ binh Quân đội Việt Nam Cộng Hoà từ phía sau phóng vụt qua mặt anh. Trên xe đầy lính, một người đứng cuối xe ngang nhiên tiểu tiện ngay xuống đường. Những giọt nước tiểu bắn đầy kính chắn gió chiếc Bronco, và Gulliver trông thấy những người lính khác cười lăn lộn.
Khoảng non một cây số sau chiếc xe quân vận quẹo, và Gulliver nhìn ra nơi trú đóng của tiểu đoàn trừ bị của viên tỉnh trưởng. Lính tráng rõ rệt thích thú với nhiệm vụ bất ngờ này, anh cay độc nghĩ. Dẫu cho các cuộc biểu tình có trở nên không kiểm soát nổi nữa, và họ được lệnh hành động, họ sẽ chỉ phải đương đầu với thường dân tay không chứ không phải Việt cộng hay quân chủ lực Bắc Việt. Làm gì Sư đoàn 4 Bộ binh Quân đội Việt Nam Cộng Hoà không chu toàn được nhiệm vụ đó!
Tới Sênh Tiền, anh dừng xe bên một hàng mì hỏi lối đến địa chỉ ghi trên thẻ chỉ điểm. Mười phút sau anh tìm ra căn nhà cuối một con đường nhơ nhớp hẹp đến nỗi anh khó khăn lắm mới lái chiếc Bronco lọt qua được, giữa những hàng quán xiêu vẹo và nhà cửa ọp ẹp bằng gỗ lợp tôn, ngược đường với bót cảnh sát và nhà Nguyễn Khắc Trung.
Ngay trước cửa là một cái xe ba gác chồng chất những vật dụng -- hũ cùng lu, nồi niêu, bàn ghế. Một chiếc ghế nệm duy nhất chông chênh bên trên, và một người đàn bà trung niên gầy gò mặc áo dài trắng quần đen ngồi trên ghế cứ như một bà hoàng ngự trên ngai vàng. Từ trên cao bà chỉ huy một đám con nít giỡ đồ xuống khiêng vào nhà.
Gulliver đậu lại kế bên chiếc ba gác và hạ cửa kính xe. "Chào chị. Chị làm ơn cho tôi hay ai ở nhà này." Không hiểu người đàn bà có kinh ngạc thấy một người Mỹ lạ lùng biết nói tiếng Việt hay không. Bà chỉ nheo mắt ngờ vực. "Tôi chớ ai," bà đáp.
"Tôi xin lỗi đường đột. Tôi tìm một người bạn tên là Nguyễn Văn Trung. Người ta bảo tôi ảnh ở đây."
"Người ta gạt ông đó," người đàn bà gay gắt trả lời. "Tôi ở đây. Tôi đóng tiền cho chủ nhà rồi. Nhà này là nhà tôi."
"Vậy là Nguyễn Văn Trung không ở đây?"
"Phải," bà ta đáp, và Gulliver hiểu rằng bà muốn nói phải, Trung không ở đây. Anh vẫn cứ quên trong tiếng Việt không nên đặt những câu hỏi phủ định.
"Thế trước Trung có ở đây không?"
"Có, nhưng ổng dọn đi rồi. Bây giờ là nhà tôi, tôi trả tiền rồi."
"Chị có biết ông Trung dọn đi hồi nào không?"
Người đàn bà nhún vai. "Đâu như tuần rồi. Mồng một Tết thì phải. Buổi sáng."
"Chị có biết ông ta bây giờ ở đâu không?"
"Không. Chẳng ai biết cả. Ổng dọn đi láng giềng đâu có hay. Ổng cũng chưa trả tiền nhà tháng chót nữa. Ông Tài chủ nhà giận lắm. Ổng người Tàu mà, đâu có thích người trây trả tiền. Một tuần rồi mà không thấy ông Trung trở lại, ông Tài bảo tôi dọn đến đây ở. Trước tôi mướn nhà khác của ổng, phía góc đường kia kìa, tệ hơn nhà này nhiều..." Bà ta ngưng bặt, quay qua la hét một đứa trẻ đang khiêng đồ cho bà : "Mèn đét ơi! Coi chừng bể đó, thằng quỷ!"
"Chị cho hỏi một câu nữa thôi. Chị có biết gì về ông Trung không? Ổng làm gì? Có vợ con không? Có bạn bè không?"
Người đàn bà mỉm cười ranh mãnh. "Vậy mà tôi tưởng ông Trung là bạn với ông chớ." Gulliver chưa kịp nói gì, bà đã tiếp ngay : "Ông Trung hiền mà kín đáo lắm. Chẳng có vợ con bạn bè gì ráo trọi. Ở đây chẳng ai biết rõ ổng cả. Tôi biết có thế thôi."
"Cám ơn chị nghe. Chị đã giúp tôi nhiều lắm."
Không có cách nào cho chiếc Bronco quay lại, Gulliver phải cho xe lùi hết con đường và trở ra lộ chính. Người đàn bà chẳng cho anh biết được bao nhiêu -- có thể bọn Chuột Bạch của thiếu tá Đỗ sẽ biết nhiều hơn khi điều tra những người láng giềng khác -- nhưng thế cũng là khá đủ : Nguyễn Văn Trung đã vội vã dọn đi, chỉ vài giờ sau khi Nguyễn Khắc Trung bị bắt. Chắc hẳn có ai đó đã kịp thời báo cho đồng chí Trung tẩu thoát.
Đi được nửa đường trở về thị xã, Gulliver thình lình giảm tốc độ, quay xe trở lại, và một lần nữa trực chỉ Sênh Tiền. Anh không có địa chỉ cho căn nhà anh tìm, nhưng điều này không có gì khó khăn. Anh tới bót cảnh sát rồi đếm : cách bốn nhà, một căn nhà hai tầng, cửa sổ có chấn song, và tầng trệt không phải là một cửa hàng. Anh đậu xe, tới gõ cửa.
Suốt ngày nay thiên hạ nườm nượp tới phúng điếu, và Nguyễn Thị Mai đích thân ra mở cửa, miệng đã sẵn nụ cười sầu thảm, tưởng cũng là một người đồng hương. Mắt nàng đầu tiên chỉ thấy ngực Gulliver, và nàng phải trợn dọc nhìn lên. Thốt một tiếng kêu nhỏ, nàng lảo đảo, đưa tay che mặt. Nhưng rồi nỗi thảng thốt thấy một người Mỹ cao lớn tại cửa nhà mình tan biến ngay, và nàng giận dữ hỏi : ""Ông là ai? Ông muốn gì?"
"Tôi là đại úy Gulliver. Tôi đã gặp bà hôm trước ở văn phòng đại tá Minh. Tôi xin phép nói chuyện với bà."
"Ông đi đi," nàng gay gắt nói. "Sao ông dám tới nhà này? Sao ông dám tới lúc này?"
"Bà Mai, xin bà bình tĩnh. Tôi rất hiểu tâm trạng bà, nhưng tôi không phải là kẻ thù của bà đâu. Tôi thành thực muốn chồng bà được giải oan cũng như bà vậy. Tôi nghĩ ông ấy vô tội."
lời anh khiến nàng dừng tay, không xô cửa vào mặt anh. Nàng ngập ngừng hỏi : "Thực sao?"
"Thực. Bà cho phép tôi vào nhé!"
"Tôi...dạ, xin mời ông." Nàng mở rộng cửa, lui lại một bước, hơi cúi mình như để đón một bậc trưởng thượng. Nàng bối rối, nhưng Gulliver thấy rõ nàng đã đổi thái độ.
Nàng đưa anh vào phòng khách, giống như bất cứ phòng khách nào của giai cấp trung lưu, không ra kim cũng chẳng ra cổ : trên trần gắn đèn ống, dưới sàn lát gạch hoa kiểu Pháp, bàn cẩn xà cừ, tràng kỷ cổ kiểu Tàu, chạm trổ đẹp đẽ nhưng ngồi không êm ái chút nào, kê quanh tường dưới những tranh ảnh chim chóc, rồi máy thâu băng cùng máy truyền hình mua chợ đen. Phòng có hai quạt, một lần nữa biểu hiện chắp vá kim cổ, đông tây : một quạt trần bằng gỗ và một quạt quay rẻ tiền cánh cao-su.
Trong phòng, ngoài bà góa Trung còn khoảng một chục người nữa, cả đàn ông và đàn bà, bận đồ tang, ngồi trên những ghế xếp và một tràng kỷ có để những nệm vuông. Họ ngưng bặt nói chuyện thì thào khi anh bước vào. Hai người đàn ông đứng vụt dậy, vẻ mặt kinh ngạc không khác gì Nguyễn Thị Mai lúc nãy : gã sinh viên nóng đầu Nguyễn Lộc và ông Đạo Khùng Bùi Đình.
Mai chưa kịp nói gì, Bùi Đình đã lấy lại bình tĩnh ngay. Tươi cười, ông chìa tay và nói bằng tiếng Anh rất thông thạo : "Đại úy Gulliver phải không ạ? Tôi rất mừng gặp lại đại úy."
Gulliver đáp lễ bằng tiếng Việt, để ý thấy Nguyễn Lộc cố tình không chào hỏi anh. Những người khác chỉ giương mắt tò mò nhìn.
"Xin mời ông ngồi," Mai lên tiếng. "Ông dùng trà nhé?"
"Dạ, cám ơn bà," Gulliver đáp, và mọi người đều ngồi xuống. Từ chối sẽ là xúc phạm không thể tha thứ.
Mai đi rót trà và Gulliver quay sang ông sãi, nói bằng tiếng Việt : "Cụ nói tiếng Anh thật hay. Tôi thật ngượng tôi nói tiếng Việt quá dở."
Đâu có, ông nói tiếng Việt giỏi quá chớ," Đình đáp, thân mật nhưng ngờ vực, không đoán được Gulliver đến có mục đích gì. "Đâu có mấy người Mỹ nói tiếng chúng tôi đâu. Phần tôi, tôi nói được cả tiếng Pháp, tiếng Nhật và tiếng Tàu nữa. Tôi vẫn luôn luôn cho rằng học các ngôn ngữ là điều rất quan trọng."
"Tôi cũng vậy. Nhưng xin cụ cho tôi hay, vì sao cụ học toàn ngôn ngữ các kẻ địch lịch sử của dân tộc cụ?"
Đình cười thích thú. "Giữa bạn với nhau thì không nhất thiết phải nói chung một ngôn ngữ, đại úy à. Hễ là bạn ta có thể thông cảm với nhau bằng mắt, bằng tim, bằng hồn. Nhưng nếu ta không biết ngôn ngữ kẻ thù ta, ta sẽ rất dễ bị diệt."
"Tôi lại nghĩ một ngôn ngữ chung sẽ khiến hai kẻ thù dễ hoà giải hơn," Gulliver nói.
Vị sãi gật đầu. "Có câu ngạn ngữ nói bức tường lớn ngăn cách đông với tây không phải là Vạn lý trường thành bên Tàu, nhưng là bức tường của hiểu lầm."
"Tôi cũng biết câu đó. Thật không may giữa văn phòng đại tá Minh lại có bức tường như thế hôm chúng ta gặp nhau lần đầu."
"Phải đấy, thật đáng tiếc," vị sãi đồng ý.
Gulliver nhìn Nguyễn Lộc cho đến bấy giờ vẫn chưa nói một lời nào, mặt khó đăm đăm những thù nghịch, chán ghét, bực bội. Y có vẻ cũng chẳng ưa lão Đạo Khùng gì hơn mình, Gulliver nghĩ. Có lẽ y cho Bùi Đình chỉ là bộ xương khủng long, tàn tích cổ sử, bạn đồng hành phải có chỉ vì đây là một tấn tuồng Hòa Hảo. Nếu như lòng kiêu hãnh của tuổi trẻ vô bờ, lòng kiêu hãnh ấy cũng thiển cận chẳng kém.
Gulliver ngó khắp phòng và thấy mọi trang hoàng cho ngày Tết đều đã được gỡ bỏ. Niềm hy vọng một năm mới tốt lành đã trở thành một trò đùa độc ác cho gia đình Trung. Chỉ trên một bàn thờ trong một góc phòng là có hoa và nến. Anh đứng dậy đi tới bên bàn thờ.
Bàn thờ -- không phải bàn thờ Tết cúng tổ tiên -- phủ khăn tang và mang ảnh Nguyễn Khắc Trung. Vẻ mặt hiền lành, đeo kính, người gầy và hơi khòng, dáng trói gà không chặt. Không thể ngờ lại là ngòi châm lửa bùng cháy khắp các đường phố thị xã. Trên bàn thờ có ba chén cơm với ba chung trà.
Gulliver quay lại hỏi ông sãi già đã đến sau lưng anh : "Tôi có thể vào viếng thi hài người quá cố được không?"
Được chớ. Xin ông đi với tôi."
Bùi Đình vạch một tấm mành nhựa dẫn anh vào một phòng ngủ, rồi lui ra để anh một mình. Nguyễn Khắc Trung nằm trên một giường nhỏ, dưới tấm mùng. Gulliver để ý thi hài đã được liệm theo lối Phật giáo cổ truyền chứ không phải theo lối Hòa Hảo đơn giản hơn, chắc chắn là để gây xúc động mạnh cho khách phúng viếng. Thi hài đã được tắm nước thơm và mặc bộ quần áo đẹp nhất. Mặt để lộ, trái với bình thường mặt người chết được phủ một tờ giấy trắng hay một tấm khăn trắng như tượng trưng cho sự ngăn cách giữa cõi âm với cõi dương cũng như để tránh cho khách phúng viếng quá thương cảm. Gulliver đoán bà góa muốn mọi người xúc động mạnh, muốn mọi người thấy rõ khuôn mặt tơi tả của chồng mình, muốn mọi người nhận chân tội ác của chính phủ.
Gulliver ngắm khuôn mặt trắng bệch của Trung một lúc lâu rồi quay gót.
Trở lại phòng khách, anh thấy khách khứa đã về cả. Chỉ còn lại Bùi Đình và Nguyễn Lộc, và anh ngờ họ đã giục mọi người về để dễ bề thảo luận với anh.
Mai bưng trà mời ba người. Nàng mặc áo dài trắng đơn sơ, và khi ngồi xuống nàng duyên dáng kéo tà sau lên lòng. Tóc nàng búi lại sau gáy như những người đàn bà trọng tuổi. Gulliver, không phải lần đầu, nhìn nhận Mai thật yêu kiều, đẹp chẳng thua gì Như của anh. Anh nhớ lại hình ảnh hai người đi bên nhau dẫn đầu cuộc biểu tình, chẳng khác nào hai vị anh thư trong truyền thuyết.
Như đọc được những tư tưởng của anh, bà góa Trung lên tiếng : "Chắc ông là người bạn Mỹ của Quỳnh Như?"
Gulliver kinh ngạc. "Như có nói đến tôi ư?"
Mai cười nụ. "Không. Thiên hạ đồn mà thôi. Ở đây ai chẳng biết Như, người ta luôn đồn đại về cô ấy cũng là bình thường."
Gulliver liên tưởng đến Seiple với cái hộp, cái máy của chàng ta. Không thể trông đợi bọn cao-bồi không biết những gì ngoài đường phố ai cũng biết, anh nghĩ.
Anh nói với Mai : "Có biết bao nhiêu là người Mỹ; sao bà lại biết đó là tôi?"
"Người ta bảo bạn của Quỳnh Như Việt Nam hơn là Mỹ," Mai đáp.
"Có điều chắc là dường như ông cũng thích ăn nói rào trước đón sau như chúng tôi," Đình chen vào, nhếch mép cười, tay vân vê bộ ria. "Vậy tôi sẽ Mỹ hơn là Việt Nam và xin hỏi thẳng ông : Ông đến đây có mục đích gì, thưa đại úy Gulliver?"
"Tôi muốn biết ta có thể hợp tác được hay không," Gulliver đáp. "Tôi đang điều tra cái chết của Nguyễn Khắc Trung, và tôi tự đặt tiền đề ông Trung không phải là cộng sản, ông Trung vô tội."
"A phải, phương pháp Mỹ," Bùi Đình nói, giọng chế giiễu. "Bị cáo phải được coi là vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội."
Đúng thế đấy."
"Thật đáng khen thay!" ông sãi nói. "Trước nay tôi vẫn hết sức hâm mộ hiến pháp cũng như đạo luật nhân quyền của quý ông. Lời ông càng khiến tôi hổ thẹn vì đã tưởng có lẽ đại tá Minh phái ông tới đây dọ thám chúng tôi, tìm xem chúng tôi biết những gì."
"Tôi tự ý tới đây chứ không phải đại tá Minh phái tới. Ông ta sẽ hết sức bất mãn nếu biết tôi ở đây."
"Ông quả là can đảm." Đình lầm bầm.
Lão không tin mình, Gulliver nghĩ, có phần tức giận. Những lời lẽ nhạo báng cười cợt của ông sãi, che giấu Gưới sự lễ độ tuyệt vời của phương đông, thúc đẩy anh tung ra lá bài chủ của mình. Anh quay sang Mai bảo: "Thưa bà Trung, tôi ngờ rằng chồng bà có thể đã bị lầm với một người khác ở Sênh Tiền này, một người tên là Nguyễn Văn Trung. Tôi cho rằng ông nhà đã bị bắt lầm."
"Tôi biết mà!" Nguyễn Lộc la lớn, nhảy dựng lên, hai mắt tóe lửa. "Tôi đã chẳng bảo như thế là gì!"
Không ai để ý đến những lời lẽ hùng hổ của Lộc. Đình chăm chăm nhìn Gulliver với vẻ khó tả, còn Nguyễn Thị Mai đờ người ra. "Tại...tại sao ông cho chúng tôi hay điều đó?" nàng hỏi, kinh ngạc không những vì điều mới biết mà còn vì sự ngay thẳng của Gulliver.
"Tôi đã nói với bà rồi, tôi muốn thấy có công lý như bà vậy," Gulliver đáp.
Sau cùng Bùi Đình hỏi : "Đại úy cho tôi hay, tên Nguyễn Văn Trung đó, y có phải là Việt cộng không?"
"Tôi không biết," Gulliver thành thực trả lời. "Y có tên trong hồ sơ tình nghi của cảnh sát, nhưng hồi đó chưa có lệnh bắt y vì không đủ bằng cớ."
"Vậy bây giờ bắt, tra hỏi y đi," Đình đề nghị.
"Tôi không biết bây giờ y ở đâu. Y biến mất đúng ngày ông Nguyễn Khắc Trung bị bắt."
"Chứng cớ y có tội đấy," Nguyễn Lộc lại la, "chứng cớ Nguyễn Khắc Trung vô tội đấy!"
Ông sãi già không buồn ngó đến người bạn trẻ của mình, lại hỏi Gulliver : "Ông tỉnh trưởng, hôm gặp chúng tôi, đã biết chuyện có người thứ hai tên Trung này chưa?"
"Tới giờ ông ta vẫn chưa biết. Tôi mới tìm ra sáng nay thôi."
"Ông nghĩ tỉnh trưởng sẽ làm gì khi biết chuyện?"
Gulliver lắc đầu. "Tôi không biết." Anh không muốn nói ra rằng anh sợ đại tá Minh sẽ chẳng làm gì hết, mọi chuyện sẽ chẳng thay đổi gì hết. "Cho tới khi nào chúng tôi tìm ra gã Trung kia, tất cả vẫn chỉ là nghi vấn thôi," anh tiếp. "Và vẫn còn cái vụ bản thú tội có ký tên. Hễ chỉ có thế mà không có gì khác, tỉnh trưởng chắc sẽ vẫn chấp nhận chuyện bắt ông Trung là đúng."
"Bản thú tội do tra tấn mà có," Đình nói. "Nếu quả có thú tội."
Gulliver nhún vai không nói gì.
Đại úy có gì cho chúng tôi hay nữa không?"
Gulliver lại lắc đầu. "Tôi sẽ tận lực điều tra," anh đáp. "Cả thiếu tá Đỗ cũng vậy."
"Thiếu tá Đỗ? Thiếu tá Đỗ bên Cảnh sát Đặc biệt?" giọng ông sãi già ngờ vực không chút che đậy.
"Phải. Tôi biết quý vị không tin, nhưng thiếu tá Đỗ là người tốt, là người đàng hoàng đấy. Chính ông ta đã tìm ra tên Nguyễn Văn Trung trong hồ sơ."
Gulliver đứng dậy cáo biệt. "Thưa bà Trung, tôi phải về. Xin cám ơn bà đã ân cần tiếp tôi."
Ông sãi già lại bắt tay anh, nhưng lần này nồng hậu hơn, và cả Lộc cũng gật đầu chào anh. Nguyễn Thị Mai tiễn anh ra cửa.
"Cám ơn ông đã tới cho chúng tôi hay những tin tức quan trọng ấy," nàng nói.
"Tôi cũng xin cám ơn bà đã để cho tôi nói hết," anh đáp.
"Ông thật khác cái gã kia," giọng nàng tỏ lộ hâm mộ. "Bây giờ tôi hiểu ra vì sao Quỳnh Như lại có thể có một người Mỹ là...là bạn."
"Cám ơn bà, nhưng tôi không rõ bà định nói gì. Gã nào khác?"
"Có một người Mỹ khác, theo tôi về nhà, chặn tôi ngoài đường như chặn một con điếm, nói năng sàm sỡ. Gã dữ tợn lắm."
Bụng Gulliver thót lại. "Tôi tình cờ gặp vợ hắn ở dinh bọn Mít. Do đó mà tôi suy luận ra. Tôi muốn nói, Coi! Có được mấy tên Trung ở cái xóm nhỏ Sênh Tiền ấy?"
"Người Mỹ ấy tên là gì?" Gulliver hỏi.
"Tôi không nhớ," Mai đáp. "Gã có nói tên, nhưng tôi không nhớ. Tôi cũng chẳng muốn nhớ làm gì."
"Gã dáng người thế nào?"
"Cao lớn dễ sợ," nàng đáp. "Chân mày thật rậm. Như khỉ trên rừng ấy."
***
Harry Swain ngồi lì bên quầy rượu bằng tre, tiêu sầu bằng mấy chai bia San Miguel. Cái ghế chót, cái ghế gần cầu thang nhất, bây giờ là ghế của anh, của riêng anh. Chẳng biết làm gì giết thì giờ, anh hầu như suốt ngày ngồi đấy.
Swain ấm ức, tủi sầu vô hạn. Anh không được thấy Mai từ hôm trước ngày bắt Trung đến giờ. Bây giờ thì nàng phơi phới, không ai, không gì ràng buộc, trong khi anh bó cẳng ở Sứ quán! Cameron bảo là như thế tốt cho anh hơn. Cameron bảo là chịu khó đợi đến lúc tình hình lắng dịu. Nhưng trong khi anh đợi, không chừng một tên Mít nào đã gạ gẫm, cuỗm mất Mai của anh rồi. Thật bất công quá đỗi!
Anh cũng ấm ức chẳng kém vì chẳng có tin tức gì của Sài Gòn. Không gặp được Thọ, anh đã bao nhiêu lần cố liên lạc với người đỡ đầu anh trong công ty, lần nào bên kia đầu dây người ta cũng bảo anh ông Steelman đi xa...ông Steelman đang họp...ông Steelman đang bận. Còn Cameron, mỗi ngày gọi về báo cáo, liên lạc được với viên trưởng phân bộ công tác ngay, chẳng khó khăn gì. Thật bất công quá đỗi!
Anh ấm ức, nghi hoặc, nhưng anh chẳng hề lo ngại. Nếu anh không biết rõ hơn, sự yên lặng lạ kỳ của Steelman có thể sẽ khiến anh nghĩ anh và mấy người kia sắp bị đem làm dê tế thần cho cái chết của Trung. Nhưng Sloane và Minh vẫn trước sau như một, và Sài Gòn vẫn hậu thuẫn cho Sloane và Minh. Trung là một tên cộng sản đã thú tội. Trung chết vì yếu tim trong một cuộc thẩm vấn bình thường, và khi xác đưa tới quân y viện một kẻ nào đó đã tùng xẻo xác để gây rối cho chính quyền tỉnh; có lẽ chính là viên bác sĩ Hòa Hảo, Loan, người tự nhận đã khám phá các dấu vết tra tấn.
Yên chí lớn, Swain tự nhủ. Chừng nào anh, Đặng với Bích không ai chịu phản cung thì mọi chuyện sẽ vẫn năm-bờ-oăn. Và anh tin chắc ở Đặng với Bích : họ cũng bị nguy hiểm như anh vậy.
Anh ngửa cổ cạn chai bia và phân vân không biết nên uống thêm một chai hay nên cố xin liên lạc với Steelman một lần nữa. Chợt anh trông thấy trong tấm kiếng đằng sau quầy rượu một người lính thám báo bước vào phòng cộng đồng. Một người trong số lính mới Steelman đã tăng bổ cho họ. Anh xoay người lại, toan bảo y là y không có quyền vào đây, không lính thám báo nào được phép lên nhà trên, nhưng người lính đã hăm hở nói : "Trung úy, mau! Đánh lớn! Đánh lớn!"
Đánh lớn? Ở đâu?"
"Dưới trại. Mau!"
Swain nhảy tót xuống ghế, la lớn : "Theo tao!" Anh dẫn lối qua phòng ăn, nhà bếp, ra lối sau. Ra tới ngoài, cả hai cùng chạy thật mau.
Chưa tới trại anh đã nghe thấy những tiếng la thét, chửi rủa, những tiếng đổ vỡ...rồi một tiếng rú thất thanh, tiếp theo là một tiếng súng nổ, rồi một tiếng súng nữa.
Anh đẩy tung cửa nhảy vào, rùn mình đứng tấn, sẵn sàng đối phó mọi chuyện...nhưng rồi chỉ thấy chung quanh yên lặng như tờ.
Swain sững sờ nhìn khắp căn trại, và tưởng mình chứng kiến một cảnh trong phim cao-bồi. Giường tủ đổ ngổn ngang, và khoảng một chục người sững lại giữa những tàn vật. Kẻ nằm sóng soài dưới sàn, mặt đầy máu. Kẻ khác vẫn chưa buông nhau, có người hai tay vẫn nắm họng địch thủ, có người nắm đấm vẫn giơ cao. Một người lết trên sàn, một thanh K cắm nơi đùi. Bên cạnh là một người chỉ còn nửa cái đầu, nửa kia bị bắn bể. Và đứng giữa tất cả là đại úy Đặng, tay lăm lăm súng lục.
"Hơ!" Swain thở mạnh.
Đặng lên tiếng, gay gắt buông từng chữ. Swain chẳng hiểu gì hết, nhưng giọng Đặng vẫn khiến anh chú ý. Chỉ vài câu ngắn thôi, nhưng khi Đặng dứt lời thì đám lính thám báo như bừng tỉnh. Người đang giơ nắm đấm buông thõng tay xuống. Người đang bóp cổ đồng đội bỏ tay ra, lồm cồm đứng lên. Một người xé khăn buộc vết thương cho kẻ bị đâm ở đùi. Một người khác lấy khăn phủ lên xác kẻ bị bắn chết. Lại có người nhảy bổ ra cửa, cắm đầu cắm cổ chạy lên biệt thự. Số còn lại quay ra dọn dẹp căn trại.
"Hơ, Đặng, chuyện gì thế?" Swain hỏi.
"Tôi vừa cho người đi kêu xe cứu thương."
Swain khoát tay. "Không phải, tôi hỏi chuyện gì đã xảy ra vậy."
Đặng nhún vai. "Ta không thể nhốt mãi bọn lính hiếu động như thế này được. Mới hơn một tuần, chúng đã như thú dữ bị cùm trong chuồng rồi. Tránh thế nào được hỗn loạn."
"Nhưng sao anh bắn thằng kia?"
"Nó cầm thanh K rượt thằng này," Đặng đáp, chỉ người bị đâm ở đùi. "Tôi bắn chỉ thiên kêu nó ngừng tay. Nó vẫn không thôi, thế là tôi bắn nó."
"Hơ," Swain lại nhìn quanh. Đám lính thám báo đang dựng lại giường tủ, rịt vết thương cho nhau. "Bắt đầu vì sao?"
Đặng lại nhún vai. "Tôi cũng không rõ. Cãi lộn giữa ma cũ với ma mới. Ma cũ phần lớn là dân miền Nam, còn ma mới hầu hết là người vùng Đà Nẵng. Đáng lẽ không nên để lẫn lộn như thế."
Cửa bật mở tung, và George Cameron cùng Bill Coughlin nhào vào. Coughlin lăm lăm một khẩu Uzi, và cả anh chàng yêu chuộng hòa bình Cameron cũng thủ một khẩu Browning. Hai người dáo dác ngó khắp lượt. Cameron, mặt đỏ bừng, lo lắng hỏi : "Tụi tôi...tụi tôi nghe tiếng súng. Có chuyện gì ở đây vậy?"
Swain lắc đầu. "Đặng thấy từ đầu, để Đặng kể mấy anh nghe. Tôi đi coi xe cứu thương tới chưa."
Swain đi được nửa đường về biệt thự thì xe cứu thương của quân y viện chạy vụt qua, tới đậu ngay trước trại lính thám báo. Hai người y tá nhảy xuống, mang cáng vào trại.
Swain đã toan trở lại trại lính nhưng lại đổi ý và dấn bước về biệt thự. Anh tới phòng viễn thông, gọi về Sài Gòn xin gặp Bennett Steelman.
"Xin ông cho biết quý danh," tiếng viên chức trực.
"Cameron," Swain đáp. "George Cameron, Vùng Bốn. Xin nhanh lên cho, quan trọng lắm."
Một lúc yên lặng. "Thưa ông Cameron, xin ông cho mật hiệu để tôi vào sổ."
Ơ, à...hơ, thực ra tôi không phải là Cameron. Tôi là Swain. Tôi...hơ, tôi gọi dùm ông Cameron vì ông ấy quá bận."
lại một lúc yên lặng, lần này lâu hơn lần trước. Rồi viên chức trực nói : "Tôi rất tiếc, nhưng ông Steelman không có mặt tại tòa đại sứ."
***
Suốt bao nhiêu năm hoạt động tình báo, Bennett Steelman chưa từng lẫn lộn các sự kiện với sự thực. Ta có thể biết được các sự kiện nhưng chẳng mấy khi biết sự thực. Do đó anh vẫn coi trọng các sự kiện hơn là sự thực.
Từ các sự kiện, dẫu ta không tìm ra được sự thực, ta vẫn có thể dựng lên được một sự thực. Và nếu có lần tình cờ anh biết được sự thực, đó là vì anh đã chú ý tới các sự kiện, tìm ra chúng, tìm ra một cách mạch lạc. sự kiện là tiền tệ trong nghề của anh, và anh không bao giờ lơi là với chúng. Anh nhìn thẳng vào các sự kiện. Và sự kiện lần này là : đem Swain thay thế Gulliver là lỗi lầm lớn thứ nhì trong đời hoạt động của anh.
Không phải anh đánh giá lại Gulliver, anh nghĩ về Swain mà thôi. Steelman biết nhìn nhận ưu điểm của người khác; dầu bao nhiêu sai sót, Anh Hàng Cát sẽ chẳng bao giờ lại cẩu thả để cho Nguyễn Khắc Trung bị giết trước khi xác định y đúng là mục tiêu.
Steelman thở dài, bỏ xuống bàn bức điện anh vừa đọc xong -- báo cáo điều tra của Gulliver. Thế nào anh cũng phải đọc lại lần nữa, nhưng khoan đã, bây giờ anh không có lòng dạ nào. Hai vai chính, Swain và Bích -- người của anh --, ám ảnh anh, nhắc anh rằng Bennett Steelman cũng có thể phạm những lỗi lầm.
Đầu tiên là vụ Vương, và bây giờ là vụ Nguyễn Khắc Trung. Anh bất giác rùng mình, cái cảm giác từng thấy rồi lại mạnh hơn bao giờ hết. Chuyện phải đến đã đến, anh tự nhủ. Hai vụ có những tương đồng không thể chối cãi. Trong cả hai vụ đều có những thường dân người Việt bị giết trong những trường hợp cứ mỗi lời giải đáp lại nêu thêm một nghi vấn. Cả hai đều xảy ra trong một chuỗi những sứ mạng thất bại không sao giải thích được. Cả hai đều xảy ra do người của quân lực Hoa Kỳ. Cả hai đều có bóng dáng Jake Gulliver lẩn quất. Và cả hai đều đe dọa kết liễu sự nghiệp của Bennett Steelman.
Tất nhiên vụ Vương đã gây đủ tác hại rồi. Trong vụ đó, đã từ lâu anh kết luận lầm lẫn của anh là đã giao cho cho bọn hề quân đội việc loại trừ Vương thay vì giao cho một chuyên viên của công ty. Nhưng thực ra hồi đó anh có lý do : anh muốn giấu nhẹm nội vụ với Sài Gòn. Lỗi lầm thực sự là đã để Anh Hàng Cát nghe được anh ra lệnh thanh toán.
Steelman nhớ lại lần nói chuyện với Sally Teacher. À, đấy là tỉ dụ tiêu biểu sự khác biệt giữa các sự kiện với sự thực chứ gì nữa. Anh đã cho Sally biết phần lớn các sự kiện vụ Vương : Vương là điệp viên của anh, thâm nhập biệt đội B-40 để báo cáo các hoạt động của bọn Mũ Xanh, đã bị lừa tham dự một công tác giả mạo, bị bắn sau gáy, xác thả xuống cảng Nha Trang. Nhưng Steelman đã không cho Sally biết sự thực. Nếu muốn nàng biết sự thực, anh đã phải kể hết các sự kiện, điều anh đã không làm. Thực ra bọn Mũ Xanh nói đúng hết sự thực, thực ra Nguyễn Tú Vương quả cũng là điệp viên của Hà Nội, và thực ra, khi được trình các bằng chứng, Steelman đã cho lệnh thanh toán. Mọi chuyện đáng lẽ đã êm xuôi, nếu không có lá thư ăn năn gửi về Mỹ của tên Mũ Xanh kia, nếu Anh Hàng Cát không thao thức tìm cách chuộc những tội lỗi tưởng tượng.
Nhưng đó chỉ là hai móc nhỏ trong chu kỳ dài những lầm lẫn, tính sai. Tất nhiên tuyển mộ Vương là móc khởi đầu, lệnh giết Vương và ém nhẹm nội vụ là móc cuối cùng và nghiêm trọng nhất. Sự kiện là : Bennett Steelman đã hoảng hốt và trong lúc hoảng hốt đã chọn lối thoát tưởng như chu toàn nhất -- loại bỏ Vương. Vào lúc đó anh đã nghĩ đó là cách để che giấu thượng cấp người của anh là điệp viên hai mang, là cách để hồ sơ trinh nguyên của anh không mang tì vết.
Và khi nội vụ đổ bể anh chẳng còn cách nào khác là chối cãi không hay biết gì hết, mặc cho Sculler với đám Mũ Xanh lãnh đủ. Bởi vì, nếu như sơ suất tuyển mộ một điệp viên hai mang không nhất thiết phá tan sự nghiệp một nhân viên tình báo, ngược lại cho lệnh xử tử mà không báo cáo thượng cấp chấp thuận chắc chắn dẫn tới hậu quả đó.
lẽ ra anh đã phải biết tránh phản ứng bồng bột như thế. Thực sự đâu cần phải thanh toán Vương. Vớ phải điệp viên hai mang là chuyện rủi ro nhưng đâu phải hiếm hoi trong nghề, nhất là khi Langley không ngớt thôi thúc tuyển mộ thật nhiều điệp viên. Đó là một sự kiện thực tế của chiến tranh hiện đại, nào khác gì sự kiện ngày càng nhiều thường dân bị thương vong. Chỉ là chuyện tất nhiên phải đến khi ta phải lo đạt chỉ tiêu. Đâu phải chỉ quân lực Hoa Kỳ mới lo việc "đếm xác"!
Giờ đây thì Steelman hiểu rằng lẽ ra anh chỉ việc báo cáo về Sài Gòn Vương là điệp viên hai mang, khuyến cáo thẩm vấn Vương thật cặn kẽ và sau đó thanh toán Vương. Số phận Nguyễn Tú Vương rồi cũng sẽ vẫn thế thôi, xác y sẽ vẫn nằm dưới cảng Nha Trang trong một cái túi cột mấy tảng đá. Nhưng số phận Bennett Steelman sẽ khác hẳn, anh sẽ vẫn mau bước trên con đường tiến thân của công ty thay vì bị gạt sang một bên như thế này.
Nhưng anh cũng hiểu tội thực của anh là tội kiêu căng. Dù hết sức thành thực mỗi khi tự phân tích mình, anh không thể nào công khai nhìn nhận mình sai lầm, để một ai khác nghĩ anh cũng chỉ là một con người mà thôi. Anh hơn mọi người chứ. Họ có thể mộ lầm điệp viên hai mang, Bennett Steelman thì không. Bennett Steelman phải hoàn toàn, không một sơ suất.
Anh vẫn như thế tự những ngày đầu gia nhập công ty, tự thuở học tại Yale(Một trong những đại học tư nổi tiếng cuả Mỹ, ở thành phố New Haven, tiểu bang Connecticut). Nhưng nhận biết những ma quỷ ám ảnh mình không nhất thiết có nghĩa ta biết cách diệt chúng. Cho tới nay anh vẫn chào thua. Tất cả đều do một sự kiện khác : cái phong cách quý phái không phải là bẩm sinh của anh, chỉ là thụ đắc mà thôi. lịch sự có thừa đi nữa, kiểu cách bộ tịch đến thế nào đi nữa, anh vẫn không đúng là mẫu người "phong lưu đích thực" theo quan niệm các thượng cấp trong công ty.
Tỉ dụ, không một người phong lưu đích thực nào lại để người khác thấy mình làm việc miệt mài một chuyện gì, thế nhưng Bennett Steelman từ thuở học trung học đến giờ lúc nào cũng làm việc quần quật như trâu. Tại trường trung học thị trấn Brattleboro, tiểu bang Vermont, anh đã học mải miết, tốt nghiệp đỗ đầu, từ trước chưa có học sinh nào xuất sắc như anh. Mùa hè anh lại ra sức tiếp ông bố coi sóc nhà nghỉ mát của dân giàu, làm bất cứ gì cần làm, từ sơn bao lơn đến sửa hàng rào, đi lấy củi. Anh cũng đã nỗ lực tập tành lối sống của đám trưởng giả đó; chuẩn bị sân chơi cầu, nhặt bóng trong các cuộc đấu quần vợt, giữ ngựa, anh làm đủ hết để có cơ hội quan sát họ. Và anh đã được đền bù xứng đáng : một học bổng theo học đại học Yale, và một lớp vỏ quý phái đầu tiên.
Cuộc sống của anh vẫn chẳng hề thay đổi tại New Haven. Anh vẫn là một sinh viên xuất sắc, vẫn tốt nghiệp Hạng ưu, và hơn thế nữa, được nhận vào hội "Sọ và Xương". Anh đã tận dụng cơ hội đó, giao du gắn bó với những gã quyền quý nhất, bắt chước những điệu bộ, kiểu cách của họ. Chẳng một hội viên nào mảy may biết anh theo học Yale nhờ học bổng, hay là những chuyện nóng bỏng anh kể hẹn hò với một nàng hoa hậu chỉ toàn là tưởng tượng, dựng lên trên con đường dài cuốc bộ từ thư viện Beinecke trở về sau mỗi buổi chiều bó mình sôi kinh nấu sử.
Bạn bè anh tại Yale chẳng bao giờ biết, nhưng đám chóp bu Trung ương Tình báo khám phá ra ngay. Tuy nhìn nhận khả năng anh, đều đặn cho anh thăng trật mỗi khi đến kỳ, họ không hề nâng đỡ anh, hay là mời anh đến nhà dùng cơm, như với những người trẻ tài năng được o bế để lo những "chuyện lớn". Chẳng mấy chàng trẻ tài năng đó tài năng bằng chàng trẻ Bennett Steelman, nhưng họ là con cháu của bồ bịch hay đồng nghiệp trong công ty và, như thế, có cái chàng trẻ Bennett Steelman không có : cái quyền cha sinh mẹ đẻ được ngồi chung với các trưởng lão Trung ương Tình báo.
Cái truyền thống đó khởi từ tận năm 1947, thời CIA mới được thành lập để đáp ứng nhu cầu của chiến tranh lạnh; có lẽ còn xa xưa hơn nữa, từ những ngày Thế chiến II, với sở Quân báo và OSS(office of Strategic Services), tiền thân của công ty. Vào giữa thập niên 1950, khi tuyển mộ Bennett Steelman, CIA vẫn còn hoạt động theo nền nếp của những bậc tiền bối đó. Những người như tilliam "Bill Điên" Donovan, Allen Dulles, tilliam Sloane Coffin, Desmond citEGerald, tilliam Sullivan, tilliam Bundy -- những "người phong lưu đã thi hành những nhiệm vụ gay cấn hồi chiến tranh".
Họ cũng là những người đã nuôi dưỡng công ty những năm đầu chập chững, đã dựng đứa con của họ theo hình ảnh cao sang của chính họ, những người danh vọng trong đại học cũng như ngoài xã hội, không kém gì những nhân vật hàng đầu ở bộ Ngoại giao hay ở bất cứ nơi nào khác. Toàn những người, sau các trường trung học như Andover, bxeter, Choate, Groton hay Hotchkiss, lại tốt nghiệp ưu hạng từ các đại học Harvard, Yale hay là mrinceton, sĩ quan trong quân đội thời Thế chiến I, hoạt động trong ngành quân báo hoặc trong lSS thời Thế chiến II. Ăn mặc rất nền nếp, giao du toàn giới thượng lưu, chẳng bao giờ biết lúng túng là gì. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi họ muốn công ty chỉ tuyển mộ những người giống như họ. Steelman hiểu anh không phải mẫu người như họ. Không như đại sứ blliston Cave -- Groton, Yale, và từng là phụ tá tổng giám đốc CIA. Không như giám đốc Tom Scott -- Choate, Harvard, trung tâm Nga văn Harvard. Không như ngay cả gã nát rượu George Cameron -- La-tinh học hiệu Boston, Harvard -- dẫu rằng Cameron đã trật đường rầy vì đến Việt Nam quá sớm và ở lại quá trễ. Và không như cả người mới nhất của công ty ở xứ này, Sally Teacher -- Madeira, rồi Sorbonne, rồi Georgetown.
Bennett Steelman không phải mẫu người như họ. Anh ăn mặc như họ, nói năng kiểu cách như họ, suy nghĩ một lối như họ, nhưng anh không phải mẫu người như họ. Và chính vì anh lấy những thành kiến của họ làm của mình, khinh miệt những gì họ khinh miệt, mà anh càng hiểu vì sao anh không thể là mẫu người như họ. Dẫu anh buồn khổ, anh còn chấp nhận điều đó là phải nữa kia.
Tại Langley, Steelman không đạt được thành tựu như khi anh gia nhập hội "Sọ và Xương". Anh bị đẩy xuống hạng nhì, cùng với những người chưa kịp tham dự Thế chiến II và đang còn là sinh viên -- phần lớn chuyên về Đông Âu -- khi được công ty tuyển mộ. Cũng như họ, anh đã nhận lời gia nhập không chút đắn đo. Thời đó các trường đại học Mỹ vẫn còn hăng say với các lý thuyết chống cộng và cuộc Thánh chiến Chiến tranh lạnh, công ty tuyển mộ người không chút khó khăn nào.
Nhưng đến giữa thập niên 1960 giới đại học xây lưng lại với CIA, và Steelman lo buồn không ít thấy phẩm chất các nhân viên mới xuống dốc thảm hại. Với các sinh viên xuất sắc, CIA bây giờ là một ông kẹ đàn áp các phong trào quốc gia khắp thế giới. Không còn ai từ các trường Yale, Harvard, mrinceton gia nhập công ty nữa, chỉ thấy có những sinh viên hạng nhì, nhưng chống cộng, từ đại học Virginia hay trường luật Boston mà thôi. Và hiện tại, anh mím môi tự nhủ, lại chỉ thấy các sinh viên xuất thân đại học Ohio.
lẽ ra anh cũng có thể ít nhiều tự mãn trước tình trạng suy đồi ấy; bây giờ anh đã trở thành một người "phong lưu đích thực" nếu so với đám vô sản mới kia, nhất là khi đa số các bậc trưởng lão đã từ giã cõi đời hoặc đã về hưu trí. Nhưng anh không thế; anh khinh miệt phần lớn đám nhân viên mới. Vả chăng sự đổi thay ấy cũng đã chẳng khiến tương lai của chính anh tốt đẹp gì hơn.
Anh ba mươi bảy tuổi rồi mà chưa từng nắm một cơ sở CIA nào ở nước ngoài. Mười lăm năm phục vụ công ty rồi nhưng anh vẫn ở bên lề, chỉ là một viên chức phụ trách các công tác bí mật dưới quyền DDP(Deputy Director, Plans; và DDI : Deputy Director, Intelligence) -- phụ tá giám đốc kế hoạch -- chứ không phải là chuyên viên phân tích thuộc quyền DDI -- phụ tá giám đốc tình báo. Và hiện giờ thường lại là các nhân viên của DDI được bổ nhiệm vào các chức vụ giám đốc cơ sở.
Trước kia đâu có chuyện như thế. Cho đến đầu thập niên 1960 các công tác bí mật cũng là một con đường tiến thân không kém gì con đường nào khác. Rất nhiều điệp viên từng là người của OSS, đã thi hành những công tác táo tợn hồi thế chiến, như là nhảy dù xuống hậu tuyến Đức quốc xã bắt liên lạc với các nhóm du kích Nam Tư của Tito(Lãnh tụ cộng sản Nam Tư (1892-1980)). Họ là những người học thức, quả cảm, và khi mộ được điệp viên mới nhiều hứa hẹn, CIA vẫn khuyến khích họ đi ngành công tác nếu đó là thiên tư của họ.
Bennett Steelman không có thiên tư như thế -- anh chưa bao giờ là kẻ gương mẫu về phương diện sức lực thể chất cả -- nhưng anh đã chọn ngành công tác bí mật vì hai lý do. Một mặt, anh cảm thấy mình rất gần gũi với lòng kiêu hãnh phần nào bệnh hoạn của các điệp viên, kiêu hãnh hiểu thế giới trong thực tế -- ngoài chiến địa chứ không phải từ trong tháp ngà như các chuyên viên phân tích --, kiêu hãnh biết mình có thể làm bất cứ điều gì cần làm. Mặt khác, anh đã thấy số ít oi những kẻ được nâng đỡ đều thành người của DDI, và anh đã tưởng với DDm anh sẽ rộng đường vận động tiến thân hơn.
Anh đã lầm to. Làm sao anh ngờ được rằng đến giữa thập niên 6M công ty sẽ thay đổi đường lối, hướng những phần tử hứa hẹn nhất vào ngành phân tích và gạt những kẻ hạng nhì sang ngành công tác thực hiện những việc nhơ nhớp cho công ty. Động cơ của sự chuyển hướng này là niềm xác tín ở các kỹ thuật mới, xác tín tình báo điện tử sẽ khiến các điệp viên thành lỗi thời. Người ta sẽ chỉ còn cần các chuyên viên phân tích để đối chiếu và diễn giải các dữ kiện mà thôi. Dĩ nhiên, cũng như giấc mơ các chiến đấu cơ không người lái của không quân, điều này vẫn chỉ là hão huyền, nhưng khi công ty tỉnh ngộ thì đã quá trễ cho Bennett Steelman. Anh đã qua Việt Nam, lủi thủi ở các tỉnh nhỏ, xa tít những vận động thăng tiến ở Langley. Khi anh hiểu ra mọi chuyện thì anh đã chứng tỏ quá nhiều kinh nghiệm và khả năng ở xứ này, nên đơn xin chuyển ngành của anh bị bác bỏ tức khắc. Một lần nữa, anh vẫn là hạng nhì, dẫu không phải lỗi ở anh.
Một lý do khiến Steelman, người không bao giờ để mình quá gắn bó với một ai, đặc biệt chú ý tới Sally Teacher -- dĩ nhiên không kể cái lý do hiển nhiên nhất -- đó là tham vọng hoạt động bí mật của nàng. Với những quen biết lớn của nàng, nàng hiện diện ở Việt Nam là bằng cớ, lẽ ra nàng có thể dễ dàng bắt đầu nghề nghiệp cuả mình bằng con đường DDI. Anh đoán nàng cũng đã có những lý do tương tự như anh bao nhiêu năm trước : vì thành kiến của CIA -- anh không phải là con ông cháu cha, còn nàng là đàn bà -- hẳn nàng đã cho rằng với DDP nàng sẽ có nhiều cơ hội hơn.
Nhưng Sally chỉ là ngoại lệ chứng minh cho quy luật. Tuyệt đại đa số người mới đều hiểu rõ thực trạng. Mới hai ngày trước đây, Steelman thoáng nghe thấy một chuyên viên phân tích của cơ sở Sài Gòn, một trong những kẻ được gọi là "sạch", nói các điệp viên thực địa là những "cặn bã phải có". Anh đã mắng xối xả vào mặt y, và có lẽ đã tính đập y nữa nếu không phải chính anh cũng nhìn nhận như thế.
Bởi vì, và đó là một sự kiện, quá nhiều điệp viên của anh quả thực chỉ là những "cặn bã phải có", những điệp viên khế ước đoản kỳ chứ không phải những nhân viên tình báo chuyên nghiệp như anh. Những tàn dư đến từ những thế giới hung bạo, gớm lợm -- những cựu cảnh sát đổ xô sang Việt Nam vì được hứa hẹn lương cao; những cựu quân nhân không dám nghĩ đến chuyện hồi hương khi mãn hạn; đám hiện dịch -người nhái và lính Mũ xanh -- biệt phái cho công ty mà không hề được hỏi ý kiến, mặc dầu chẳng mấy người còn thắc mắc phải phục vụ bọn "ma quỷ" sau khi được hưởng mọi tiện nghi của các Sứ quán. Những kẻ đã khiến việc kiểm tra chất lượng thành trò đùa, những kẻ đã làm ô uế lan rộng khắp Trung ương Tình báo.
Steelman vừa bắt đầu nhiệm kỳ thứ nhì của anh ở Việt Nam khi con số những kẻ đó tăng vọt, kết quả một cuộc tuyển mộ ồ ạt. Đó là những năm 1965-66, những năm tình thế đột biến khi có nguy cơ cộng quân cắt miền Nam làm hai, và chính phủ Johnson quyết định tăng gia gấp rút sự can thiệp của người Mỹ khiến CIA chới với vì đang bỏ dần các công tác bí mật. CIA vội vã dựng lên mạng lưới các Sứ quán tại các tỉnh, và, thiếu điệp viên, vội vã tuyển mộ đủ thứ "cặn bã phải có" để hình thành và cố vấn Phụng Hoàng. Lãnh trách nhiệm tại Nha Trang, Steelman đã lo lắng buồn bực không ít trước tình trạng đó, không ngờ rằng chỉ hai năm sau anh sẽ cầm đầu một gánh xiệc như vậy.
lẽ ra anh hài lòng được thăng chức trưởng phân bộ công tác mới phải, vì anh đã chẳng mấy hoan hỷ hoạt động tại Nha Trang. Nơi này, dưới bí danh Dao Cạo, anh đã thi hành công tác dơ bẩn nhất cho công ty và lo giữ bí mật đen tối nhất của công ty. Nhưng anh không hài lòng. Vì Vụ Vương, anh hiểu rằng đó là lần thăng chức cuối cùng. Mặt khác, điều động một băng sát nhân tương đối còn là một việc đơn giản và thẳng thắn nếu so với việc lo rút công ty sao cho êm thấm khỏi chương trình Phụng Hoàng.
Ý nghĩ đó khiến anh trở lại với sự kiện đang thách đố anh : Vụ Trung. Trở lại với câu hỏi anh chưa có câu trả lời : anh phải giải quyết vụ này ra sao?
Vụ Nguyễn Khắc Trung không thể xảy ra vào một thời điểm tồi tệ hơn. Anh đang phải lo những kế hoạch lớn. Chỉ hai tuần nữa, ngày 10 tháng 3 tới đây, ông hoàng Sihanouk xứ Miên sẽ bị lật đổ khi đang viếng thăm Paris, và một nhóm tướng lãnh do Lon Nol cầm đầu sẽ lên thay thế. Để phối hợp yểm trợ cuộc đảo chánh này, Steelman đã bố trí các diệp viên tại thị trấn biên giới Tịnh Biên, nơi đặt bộ chỉ huy của tên đầu đảng cướp Sơn Ngọc Thành cùng đạo quân Khmer Krom(Tiếng Miên trong nguyên tác, có nghĩa : người Miên vùng dưới, chỉ người gốc Miên sinh sống tại miền Nam Việt Nam) của y. Gạt ông hoàng trung lập Sihanouk ra rồi, Kampuchea sẽ thành đồng minh trong cuộc chiến này; các lực lượng Mỹ-Việt sẽ có thể vượt biên giới quét sạch các sào huyệt Việt cộng. Thực ra cuộc xâm lăng đã được ấn định vào ngày 1 tháng 5. Steelman ngày đêm lo thẩm định mọi tin tức tình báo các điệp viên của anh từ hai bên biên giới gửi về; tổng giám đốc CIA cũng như tổng thống không muốn binh sĩ Hoa Kỳ bị gặp một bất ngờ nào.
Với bao nhiêu chuyện như thế, quả Steelman không thể ngờ mình lại còn phải đối phó với một vụ dầu sôi lửa bỏng do người của anh gây ra dưới vùng đồng bằng chỉ vì một kẻ không đáng gì như Trung. Chỉ nội sáng nay, từ một tỉnh không nghĩa lý gì, anh nhận được ba báo cáo tuy trình bày những điều khác nhau nhưng đều cho thấy những mầm mống của tai họa.
Trước hết là báo cáo của Gulliver, báo cáo không có phép và cũng không ai yêu cầu, gửi không có chữ ký chuẩn y của George Cameron. Báo cáo bồng bột và sôi nổi, đầy những suy đoán thiếu bằng cớ và những cáo buộc vô trách nhiệm, gán cho Swain, Bích và Đặng tội tra tấn tới chết một người vô tội.
Sau đó là báo cáo chính thức của viên cố vấn trưởng Sloane, có cả đại tá Minh đồng ký tên. Báo cáo kết luận rằng Trung là cán bộ hạ tầng cơ sở Việt cộng -- một bản thú tội có ký tên đính kèm làm bằng -- và Trung đã chết vì lên cơn đau tim trong một cuộc thẩm vấn thông lệ.
Và cuối cùng là báo cáo, ngắn nhưng rất đáng chú ý, của điệp viên anh đã chỉ định canh chừng nhà cô đào cải lương. Cứ như anh thấy, báo cáo này không liên quan gì hết với vụ Trung, nhưng anh linh cảm nó gay cấn hơn hết. Gã điệp viên đã trông thấy một người đàn ông mặc binh phục quân đội Việt Nam Cộng Hoà từ nhà cô đào bước ra. Trời quá tối nên không chụp ảnh lén được, nhưng y đã kịp nhìn rõ mặt người ấy. Y đã hoài công lục lạo ảnh tất cả những người tình nghi là cán bộ Việt cộng, nhưng đến khi được coi ảnh các nhân viên của chương trình Phụng Hoàng y đã nhìn ra ngay người khách viếng Quỳnh Như chính là đại úy Đặng.
Steelman không sao hiểu nổi Đặng tới con hẻm này làm chi. Anh biết Đặng không phải là người tiết lộ các bí mật của Sứ quán. Chuyện này thì anh biết rồi, rất thỏa mãn cho anh. Người tiết lộ là Gulliver. Gulliver chứ đâu thể ai khác được. Gã Ries nói đúng -- tên cán bộ quá gan lì không làm sụm được -- nhưng Steelman không cần nữa, anh đã có mấy cuộn băng của bác thợ may. Trong lúc nỉ non bên gối, Anh Hàng Cát đã, Dẫu là vô tình, cho cô đào hay ít nhiều tin tức, và cô này đã báo cáo cho các đồng chí của cô ta. Lý do duy nhất anh chưa có hành động nào chống Gulliver, đó là anh biết chứng cớ của anh phải không thể chối cãi được. Sau vụ Vương, thượng cấp đều dư biết mối căm hận của anh đối với đại úy Gulliver. Muốn loại trừ vĩnh viễn Anh Hàng Cát, anh phải tránh khiến người khác có ý nghĩ đây là chuyện trả thù cá nhân.
Nhưng như thế thì Đặng có vai trò gì? Có thể Đặng là một đồng chí của Quỳnh Như chăng? Có thể là người bí mật bác thợ may đã nghe thấy chăng? Không, vô lý quá. Đặng việc gì cần đến cô ta? Y được biết mọi tin tức như Gulliver kia mà. Vả lại y đã ra vô bằng cửa chính, trong khi theo bác thợ may cô ta không hề gặp gỡ người kia như vậy. Hay là y đến chỉ là để nhắn tin dùm Gulliver? Có khi y cũng là tình nhân cô ả nữa. Nhưng sao y lại mặc giả quân phục? Quái dị, Steelman nghĩ, thực quái dị.
Tuy nhiên, khác với vụ Trung, chuyện này anh có thể tra xét ngay. Anh bấm nút máy, gọi: "Eva, cô có đấy không?"
Tiếng cô thư ký đáp lại, vui tươi, ròn rã : "Tôi có đây, thưa ông Steelman."
"Cô liên lạc bên Phòng Hồ sơ, đem cho tôi hết mọi tài liệu về một viên đại úy thám báo tỉnh tên Đặng, hoạt động dưới tỉnh của Cameron. Tôi muốn có ngay bây giờ."
"Dạ, tôi lo ngay đây."
Anh đoán Eva sẽ mất mươi phút đi tìm hồ sơ Đặng. Mươi phút này, anh thở dài tự nhủ, tốt hơn anh nên vạch một đường hướng đối phó vấn đề Trung, gấp rút hơn nhiều. Thực khó mà biết nên bắt đầu từ đâu, khi các sự kiện trái ngược nhau. Anh ngồi bất động một lúc, rồi mở ngăn kéo lấy cây bút chì và một xấp giấy, vẽ lăng nhăng. Anh vẽ hai cái hộp, đánh số, và ghi vắn tắt trên cái hộp thứ nhất : "T.T."
Thủ thân. Khôi hài đấy, nhưng đúng thế, Steelman nghĩ. Anh phải hết sức thận trọng với vụ Trung này; sự nghiệp anh không thể mong thoát hiểm lần thứ hai.
Nhưng nếu vụ Trung hứa hẹn nhiều nguy cơ, mặt khác nó cũng mở ra một cơ hội lớn. Đại sứ Cave và tổng thống Thiệu đã được thuyết trình về tình hình vùng đồng bằng và đều tỏ ra quan ngại. Cả hai đều trông vào công ty gây lại êm thấm. Nếu anh thành công, Bennett Steelman sẽ trở lại vị thế ngon lành, cả vụ Vương cũng sẽ xóa mờ. Tóm lại, anh phải khéo vô cùng : nếu mọi chuyện mỹ mãn, công lao anh phải được tưởng thưởng; nếu mọi chuyện đổ vỡ, anh phải làm sao phủi tay né hết trách nhiệm.
Anh đề lên hộp thứ hai : "Sloane", quyết định chấp nhận báo cáo của viên cố vấn trưởng là tuyên bố chính thức về các sự kiện đã xảy ra.
Bản năng Steelman cho anh biết báo cáo của Gulliver, dẫu nhiều suy đoán hơn là chứng cớ, có lẽ gần đúng sự thực hơn là báo cáo của Sloane. Kinh nghiệm cho anh biết rằng chính bản năng khiến Anh Hàng Cát có nhiều linh cảm trong những vụ như thế này. Nhưng Steelman xua đuổi ý nghĩ đó, anh không cần biết sự thực. Anh không thể chấp nhận là ba nhân viên của công ty thuộc quyền anh đã bắt lầm một công dân Việt Nam và tra tấn người này đến chết. CIA không thể gánh chịu tai tiếng này đúng lúc đang rút khỏi Phụng Hoàng chính vì những vụ tương tự. Bennett Steelman cũng vậy. Anh sẽ bất chấp mọi khám phá của Gulliver. Bản báo cáo kia, dễ chịu hơn nhiều, mang chữ ký của Sloane và Minh. Nếu mai sau có hậu quả không hay họ sẽ chịu trách nhiệm.
Đồng thời, anh cũng nghĩ có lẽ anh nên phái người xuống miền tây kiểm tra. Điều đó sẽ chứng tỏ anh không hề tìm cách ém nhẹm sự thực. Và người anh giao phó nhiệm vụ sẽ là thêm một lá chắn giữa anh với bất cứ hậu quả bất ngờ nào. Một cách vô thức, anh cầm cây bút chì, vẽ cái hộp thứ ba, và đề lên : "Teacher".
Cái tên đề rồi, anh mới hiểu ra mình vừa làm gì. Ô mà tại sao không nên nhỉ? Nàng khôn khéo, nàng biết tiếng Việt, nàng hiểu các tín ngưỡng xứ này, nàng lại đã gặp nhiều lãnh tụ địa phương nữa. Anh đã từng hứa sẽ dành cho nàng một công tác, vậy tại sao không phải công tác này? Nếu không xong, Langley hẳn sẽ chẳng quá nặng tay với nàng; dù sao nàng cũng chỉ là đàn bà và chưa có kinh nghiệm. Còn nếu thành công, như anh tin chắc, đó sẽ là cả một vận hội cho nàng. Sally sẽ biết ơn anh. Có lẽ sẽ rất biết ơn nữa.
Anh đang ngẫm nghĩ làm sao thuyết phục Scott đồng ý với anh khi tiếng cô thư ký trỗi lên: "Ông Steelman? Tôi rất tiếc, thưa ông, nhưng ta chẳng có hồ sơ nào về một ai tên Đặng cả."
"Vô lý, cô Eva à," Steelman kiên nhẫn đáp. "Tên này trước kia là sĩ quan Việt cộng. Ít nhất ta cũng phải có hồ sơ khẩu cung y khi y về hồi chánh chứ. Cách đây khoảng hai năm, tôi chắc thế. Cô hỏi bên Phòng Lương bổng coi đúng ngày nào."
"Thưa ông, tôi hỏi bên Lương bổng rồi. Không có tên y."
Steelman đã toan rủa lên một tiếng, rồi anh nhớ ra khoản tiền phụ trội Đặng được lãnh để thi hành các "nhiệm vụ đặc biệt" cho Minh cũng như cái mẹo kế toán để tránh mọi liên lụy cho công ty. Lương của Đặng được gửi thẳng cho viên tỉnh trưởng, tỉnh trưởng cộng thêm tiền thưởng rồi phát cho Đặng. Steelman lầu bầu : "Hừm, bực nhỉ. Nhưng dù sao y vẫn là nhân viên khế ước của công ty. Phải có một giấy tờ gì chứ."
"Dạ, tất nhiên là có mấy đồ biểu của ông Seiple sau lần phỏng vấn kỹ thuật, với lại báo cáo thành tích của ông Cameron. Có thế thôi, tôi hỏi hết mọi nơi rồi."
"Vậy tôi đề nghị cô hỏi lại đi, cô Eva à," Steelman mất kiên nhẫn. "Phải có hồ sơ. Cô tìm cho ra."
"Dạ ạ."
"Với lại hỏi bên Tình báo Việt Nam coi họ có gì về y không," Steelman thêm. Anh hy vọng. Nhờ tiền bạc rộng rãi của CIA, Tình báo Việt Nam có những máy điện toán hiện đại nhất, và có cả một đạo quân chuyên viên IBM cố vấn sử dụng.
Nửa giờ sau, một tập hồ sơ mỏng bìa nâu đã có trên bàn anh. Steelman mở ra đọc ngay. Chẳng có gì nhiều. Phần lớn các chi tiết là do An ninh Quân đội -- cơ quan đảm trách chương trình Chiêu Hồi -- cung cấp. Quá khứ bản thân Đặng gồm trong bản tóm tắt các buổi thẩm vấn Đặng khi anh trở về đầu thú chính phủ. Vẫn là câu chuyện đơn sơ Gulliver đã kể -- di cư vào Nam năm 1954, đi học trường bà sơ, học đại học tại Sài Gòn, Mỹ rồi Pháp, ông bố bị Việt cộng giết. Đặng đã mang về vũ khí cá nhân của anh, một khẩu M-16 lấy của một người lính Mỹ tử trận cùng một khẩu súng lục Trung Quốc. Đặng đã khai tên và địa điểm trú đóng của đơn vị, nhưng khi quân đội Mỹ Việt càn quét vùng này, họ chỉ tìm thấy dấu vết lửa trại đã nguội lạnh mà thôi. Chỉ có thế, chương trình Chiêu Hồi chẳng khai thác được trường hợp Đặng gì hơn.
Steelman đọc tờ giấy thứ hai, kiểm điểm những công tác Đặng đã thực hiện sau đó. Đầu tiên Đặng chỉ huy một đội hướng đạo cho một đơn vị bộ binh Hoa Kỳ hoạt động gần biên giới Miên. Steelman vừa mới có ý nghĩ tán thưởng nhiệm vụ giao cho Đặng này -- đó cũng là vùng Đặng đã từng hoạt động với tư cách đại đội trưởng Việt cộng, như thế Đặng biết rõ địa thế hơn ai hết -- khi một cái tên như đánh lên một tiếng chuông trong đầu anh, tên quận lỵ đội hướng đạo trú đóng. Chính là quận lỵ nơi biệt đội B-40 đặt bộ chỉ huy tiền phương. Steelman vội vã so sánh thời điểm. Tất cả đều ăn khớp. Đặng tới vùng biên giới, và sau đó mọi chuyện bắt đầu lủng củng cho mạng lưới của B-40. Đặng có mặt tại đó vào thời gian vụ Vương.
Steelman ngả lưng ra ghế, nhắm mắt lại, cái cảm giác khắc khoải quen thuộc dần dật khắp châu thân. Ngẫu nhiên chăng? Có lẽ. Rất có thể. Mọi tai họa đã chấm dứt sau khi Vương không còn nữa. Vậy tại sao anh vẫn có cảm giác đó?
Anh ngó lại cái tên anh đã đề trên hộp thứ ba, miên man ngờ vực. Có lẽ anh nên đích thân tra xét vụ Trung này. Không được! Với màn tuồng Kampuchea sắp tới đây, anh đâu còn thì giờ nữa. Teacher có thể lo được. Nàng chỉ cần làm theo lời anh : xuống miền tây đôi ba ngày cho phải phép, phủ dụ đám Hòa Hảo, rồi chuẩn nhận báo cáo của Sloane. Càng nghĩ anh càng tin chắc như thế là hay hơn cả. Sally sẽ lo được vụ này một cách sáng suốt, không bị bóng ma nào ám ảnh.
Về phần anh, anh phải kìm hãm trí tưởng tượng của mình, thôi lẩn quẩn một cách như là bệnh hoạn với những tương đồng giữa hai vụ Vương với Trung. Anh đã day dứt từ lúc biết tin cái chết của Trung; phản ứng đầu tiên của anh đã là tìm xem Gulliver ở đâu, làm gì, trong thời gian Trung bị bắt. Cứ theo thám tử của anh trong con hẻm, cả đêm đó Gulliver ở bên cô bồ Việt cộng của y. Sự kiện đó chẳng những không làm anh bình tâm, lại còn làm tăng linh cảm nguy hiểm nơi anh. Cũng như với vụ Vương, Anh Hàng Cát lẩn quất bên lề, có đấy mà lại không có đấy. Đúng lại thêm một tương đồng nữa.
Steelman hiểu rằng mình dễ hoang tưởng, nhưng không vì thế mà nhất thiết gạt bỏ mọi hoang tưởng. Nhiều khi cũng tốt chứ không phải không. Gặp mối đe dọa nào, kẻ hoang tưởng sẽ ít bị bất ngờ nhất. Mặt khác, nếu chơi trò nối liền các dấu chấm, chắc chắn phải có một đường thẳng. Trung bị hai người nữ cán bộ chỉ điểm...hai người này do Bích bắt...Bích biết được những hoạt động phi pháp của họ do tay thợ may Thọ...Thọ được tin là do cô đào Quỳnh Như...cô này là tình nhân của Gulliver. Phải có một đường thẳng, và đường thẳng đó phải mang một nghĩa thế nào đó, dẫu anh chưa thể nhận ra.
Phải kiên quyết mới hóa giải được mọi rối rắm, và thế là Steelman lấy quyết định : anh sẽ phái Sally xuống miền tây. Biết đâu nhờ nàng anh sẽ có được chìa khóa vụ này. Chừng nào chưa có được là anh còn khổ sở không thôi. Vì, dầu biết bao khả hữu, anh chẳng có gì đáng được coi là sự kiện cả. Tất cả những gì anh nắm được hiện giờ chỉ là trùng hợp, và Bennett Steelman nhất thiết chẳng tin mọi trùng hợp chẳng khác nào không tin vào sự thực.