Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Phụng hoàng

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 23076 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Phụng hoàng
Nicolas Proffitt

Phần 2 - 5

Chiếc Beech, vẫn chiếc máy bay của Air America lần trước từng đưa nàng xuống miền tây, đã đổ đầy xăng và đang chờ nàng. Hai động cơ quay càng lúc càng nhanh, và viên phi công, từ trên phòng lái nhìn xuống, giơ tay ra dấu với nàng. Mọi người, mọi vật, tất cả đều mang vẻ khẩn trương.
Sally vội vã trèo lên máy bay, theo đà kéo của người bạn đồng hành, Hoàng Đức, cố vấn chính trị của tổng thống Thiệu. Hành lý của họ được đưa lên, và máy bay tức thì chạy ra phi đạo rồi cất cánh.
Tất cả đều diễn ra rất mau, quá mau, và Sally vẫn chưa hết bàng hoàng. Tưởng như mới phút trước nàng còn ngồi trong văn phòng cắm cúi thảo báo cáo thường nhật, và bây giờ đã yên vị trên máy bay của công ty hướng về phía nam, băng qua sông Cửu Long, rồi vòng lại quay đầu ngược hướng biển. Thực ra thì nàng đã có một giờ đồng hồ để trở về nhà thu xếp hành lý, và, trước đó, dự hai giờ thuyết trình cùng với Scott, Steelman và Hoàng. Đại sứ Cave được mời nhưng không tới. Nàng cho rằng viên đại sứ cố tránh cho bộ Ngoại giao bị dính líu tới vấn đề Hòa Hảo. Ông ta không muốn biết tới chuyện rắc rối này do CIA gây ra và CIA phải giải quyết.
Tổng thống Thiệu thì khác. Tuy dinh Độc Lập cũng trông chờ công ty thu xếp êm xuôi vụ này, Thiệu muốn biết -- ông ta phải biết -- và đã phái Hoàng Đức tới để yên trí không có gì đi ngược với ý muốn của ông. Sally nhìn qua phía Hoàng và thấy y đang ngắm nàng một cách hâm mộ. Y vội cúi xuống với tờ mlayboy mở rộng trên lòng, nhưng rồi lại ngước lên ngó nàng.
Hoàng là một thanh niên bảnh trai, cũng trạc tuổi nàng. Người ta đồn y là một tay ăn chơi có hạng. Y từng du học tại Hoa Kỳ, và dường như đậu thủ khoa môn trác táng. Tuy thế, Sally cũng nghe nói y là một chính trị gia có khả năng và rất khôn ngoan. Nàng cũng biết y được tổng thống Thiệu hoàn toàn tin cẩn. Hoàng Đức không phải chỉ là cố vấn chính trị mà còn là cháu của Thiệu.
Trong buổi họp bàn chiến lược, Hoàng đã giữ thái độ quan sát hơn là tham gia. Y lên tiếng có một lần duy nhất, lúc mở đầu, yêu cầu mọi người nhớ rằng dượng y không bao giờ chấp thuận giải tán chương trình Phụng Hoàng, dù chỉ trong một tỉnh. Scott và Steelman đã hết lời cam kết với y.
Ngay Scott cũng chẳng nói năng bao nhiêu, để mặc Steelman chủ trì buổi họp. Và Steelman rất tự nhiên, cứ như đó là quyền của mình, xử sự một cách hết sức tự tín. Khởi đầu, y lược thuật vụ Trung, cao giọng đọc bản báo cáo của Sloane có đại tá Minh đồng ký, và, để kết thúc, khuyến cáo cả tòa Đại sứ cũng như dinh Độc Lập cương quyết không nhượng bộ gì hết. Cả hai chính phủ nên giữ vững lập trường là nhân viên chương trình Phụng Hoàng không hề phạm tội ác nào.
Steelman cũng đưa ra thêm một vài đề nghị rõ rệt hơn. Một mặt phải cương quyết : Trung là một tên cộng sản đã nhận tội, và dù cái chết của y là điều đáng tiếc, mọi khiếu nại của Hòa Hảo không có căn cứ nào hết. Nhưng mặt khác phải tỏ ra hiểu biết : chính quyền sẽ mở cuộc điều tra thấu đáo, vì Phụng Hoàng không bao giờ chủ trương tra tấn. Như thế Hòa Hảo sẽ được hy vọng mơ hồ và ngay cả hứa hẹn mơ hồ là trường hợp tìm ra bằng cớ tra tấn, những kẻ trách nhiệm tất sẽ bị nghiêm trị.
Cả Hoàng và Scott đều tán đồng, nhưng rồi Hoàng hỏi : "Thưa ông Steelman, nếu cách này không thành công thì sao? Nếu chúng cứ tiếp tục biểu tình thì sao?"
Steelman đã nhún vai trả lời : "Trường hợp đó ta sẽ thảy một tên cho chúng làm thịt. Gã Đặng đó. Y là cựu Việt cộng, dễ thí hơn cả."
Và thế là buổi họp chấm dứt; hai hoặc ba ngày nữa họ sẽ tái họp đánh giá lại tình hình, sau khi Sally từ miền tây trở về.
Sally khó chịu nhận thấy Hoàng vẫn không thôi hau háu nhìn nàng. Nàng tự trách mình đã mặc bộ đồ bó chẽn hôm nay.
"Ông Hoàng, ông sẽ đi với tôi gặp những người Hòa Hảo không?" nàng hỏi.
Hoàng cười thật tươi, khoe hết hai hàm răng bịt trắng bóng, kỷ niệm những năm tháng sống tại Hoa Kỳ. "Các bạn Mỹ đều kêu tôi là Duke, như John tayne vậy," y nói. "Nhưng trả lời câu hỏi của cô nhé : không. Trước đây tôi từng tiếp xúc với Hòa Hảo rồi, và tôi e họ không ưa tôi lắm. Tôi có mặt chỉ làm họ thêm bồng bột mà thôi. Vả lại, trong những chuyện như thế này, dùng người trung gian thường tốt hơn -- lần này là người Mỹ quý vị. Có sao thì chúng tôi có thể đổ lỗi cho quý vị."
Nói câu này y cười lớn, và Sally cũng cười theo, tuy nàng không thấy có gì là khôi hài. "Vậy tại sao ông đi với tôi chuyến này?" nàng lại hỏi.
"Tôi phải hội với tỉnh trưởng, để ông ta nắm vững ý muốn của tổng thống trong vụ này. Cô cũng biết đại tá Minh là chỗ quen biết cố cựu của gia đình chúng tôi." Hoàng lại phô hàm răng lần nữa, rồi tiếp : "Tất nhiên lý do thực là tôi được dịp một mình bên một phụ nữ yêu kiều, một điệp viên xinh đẹp người Mỹ."
Sally bối rối quay đi. "Ồ...điệp viên này phải lo bài vở của mình nếu còn muốn tiếp tục làm điệp viên," nàng nói, lúng túng mở khóa chiếc cặp của mình.
Hoàng cười lớn, nói : "Hồi còn đi học, tại mitt(Gọi tắt thành phố mittsburgh, tiểu bang mennsylvania) đó, đến kỳ thi mãn khóa tôi cũng gạo mờ người vậy."
Sally nở nụ cười miễn cưỡng và lấy ra xấp hồ sơ của nàng, bỏ mặc y với Hoa hậu tháng 2 của tờ mlayboy.
lật giở từng tờ giấy, nàng cảm thấy rạo rực, đồng thời lại ít nhiều lo lắng. Một mặt nàng vui sướng vì đây là cơ hội cho nàng chứng tỏ khả năng, chứng tỏ nàng "đủ sức" với Việt Nam. Nhưng mặt khác, nhiệm vụ này thật tế nhị, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, và mặc dầu đã ba tháng nay theo dõi các giáo phái nàng vẫn ít nhiều kinh ngạc họ giao việc cho nàng. Đột nhiên nàng ngờ vực nghĩ rằng có lẽ đó mới là lý do chính. Có lẽ họ trông mong nàng thất bại, tin tưởng nàng thất bại nữa. Thế rồi họ sẽ nói : "Cô thấy chưa, chúng tôi đã bảo rồi mà," rồi thơ thới để mặc nàng lo những việc đàn bà suốt những năm tháng nàng còn ở đây, không hơn gì một cô thư ký lương thật hậu, mỗi ngày thảo báo cáo cho cơ quan và lo tài liệu cho sếp.
Khen ngợi hay là nguyền rủa, nhiệm vụ này khiến nàng bứt rứt. Nàng chưa hề bứt rứt như thế từ hồi còn học lớp năm nàng lên sân khấu đóng kịch. Ý nghĩ vừa vụt đến, nàng lại ân hận ngay đã so sánh như thế. Nàng nhớ lại mình đứng một mình chết trân trên sân khấu, miệng không sao nói ra lời, cứ như mấy câu đối thoại của vở kịch viết bằng tiếng Urdu(Một trong những ngôn ngữ Ấn Độ, và là ngôn ngữ chính thức cuả Pakistan) chứ không phải bằng tiếng Anh. Nàng đã khóc như mưa, và rồi một cô giáo phải tới dẫn nàng xuống, chạy trốn những tiếng cười khúc khích của khán giả.
Sally xua đuổi ký ức và tự nhủ : không nghĩ bậy nữa, bắt tay vào việc đi. Nàng chăm chú đọc xấp hồ sơ nàng đã vội vã chọn lựa sáng nay, tài liệu về Hòa Hảo, về Bùi Đình và Nguyễn Lộc, hai kẻ, theo như báo cáo của Sloane, đạo diễn các cuộc biểu tình.
Nguyễn Lộc đúng là tiêu biểu cho một lãnh tụ sinh viên thiên tả, dòng dõi một gia đình quan lại khá giả, học trường Pháp, muốn dứt khoát với cái nền nếp trưởng giả của mình; Lộc cũng chẳng khác bao nhiêu một sinh viên xuất thân trường Berkeley(Trường đại học cuả tiểu bang California) hay trường Sorbonne.
Bùi Đình thì khác. Mặc dầu giáo phái Hòa Hảo không có ai thay thế Huỳnh Phú Sổ, giờ đây lại chia năm bè bảy mối, nhưng Đình có thể được coi là người kế vị cho Phật Sống hơn ai hết. Sau khi Sổ chết, quyền lãnh đạo tinh thần giáo phái sang tay bà mẹ già bệnh hoạn của Sổ, nhưng cố vấn của bà, vị sãi cả của bà, chính là Bùi Đình, và Đình thay thế bà khi bà qua đời. Còn về quyền lãnh đạo chính trị, tuy đã do các hệ phái chia sẻ, Đình vẫn là người có ảnh hưởng nhất.
Sally không biết chắc -- không ai biết cả -- Bùi Đình thủ vai trò của mình tự bao giờ, chỉ biết Đình xuất hiện rất sớm, bên Huỳnh Phú Sổ ngay năm đầu thành lập tôn giáo mới. Có thuyết cho rằng Đình cũng từng là đệ tử của sư phụ của vị giáo chủ, Trà Sơn, và ông sãi già, khi biết mình sắp chết, đã giao phó Đình cho Huỳnh Phú Sổ.
Sally biết đến cái tên Bùi Đình lần đầu hồi nàng theo học về các tôn giáo phương đông ở trường Sorbonne, và bây giờ nàng cảm thấy chút nào kinh hãi khi nghĩ nàng sắp đối diện ông ta. Nàng không đoán được cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra thế nào, nhưng nàng biết chắc trong vụ Trung này các mục tiêu của Hòa Hảo vượt xa cá nhân Nguyễn Khắc Trung nhiều. Bùi Đình hẳn sẽ tìm cách dành nhiều quyền tự trị hơn đối với Sài Gòn. Dùng cái chết của Trung để tấn công Phụng Hoàng là chứng cớ rõ rệt, vì chương trình Phụng Hoàng là phương cách cai trị thâm sâu nhất của chính phủ. Số lượng tín đồ Hòa Hảo quá ít -- khoảng từ một đến hai triệu -- để họ có thể trông mong đạt tới mức độ độc lập như ước muốn, nhưng lịch sử giáo phái, cũng như quá khứ Bùi Đình, đủ cho Sally hiểu họ chẳng bao giờ thôi vận động.
Viên phi công quay lại, gọi vọng xuống : "Quý vị cài đai lưng lại nghe. Sáu mươi giây nữa ta hạ cánh."
Máy bay đáp xuống, chạy trên phi đạo, và qua cửa sổ Sally nhìn thấy một chiếc Bronco với George Cameron đứng bên, một nụ cười chào mừng rạng rỡ trên mặt. Phía sau Cameron, nàng cũng nhìn ra một bóng người tóc vàng như cát, ngồi xổm kiểu người Việt Nam trong bóng mát, dựa lưng vào căn chòi thiếc. Khi anh ta đứng lên, bước ra ngoài ánh nắng chói chang, mắt chớp lia như một con cú, nàng nhận ra đó là đại úy Gulliver.
"Quý vị thứ lỗi xe chật nhé, tại tôi không nghĩ ra ta từng này người," Cameron phân trần trong lúc người quân cảnh ra dấu cho chiếc Bronco qua cổng phi trường. "Phút chót tôi mới nhớ ra ta sẽ đụng đầu đám tang. Vì thế tôi đã yêu cầu Jake đi cùng, phòng trường hợp có rắc rối."
"Không sao đâu, George, thực đấy," Sally nói. "Vả tôi nhớ thì chẳng xa bao nhiêu."
Hoàng nhấp nhổm rồi hỏi : "Ông chắc sẽ có rắc rối sao, ông Cameron?"
Cameron, dù ngồi thu mình giữa Sally với Hoàng, cũng tìm được cách nhún vai. "Thực ra chúng tôi cũng không biết rõ, nhưng người của chúng tôi gài trong tổng hội sinh viên cho hay sắp có chuyện."
Phía trước Sally là Gulliver ngồi bên người tài xế, kẹp giữa hai chân một khẩu súng săn nòng cưa ngắn trông rất dị dạng. Anh chẳng hề hé môi từ lúc nàng bước xuống máy bay, một lời chào mừng cũng không. Anh nhìn thẳng phía trước, đôi mắt khuất sau cặp kính mát.
Cameron vẫn nói huyên thiên, đề cập đến buổi họp của họ chiều nay. Trông anh già hẳn đi, so với lần trước Sally xuống đây. Sắc mặt như người đang lên cơn sốt, và hai bàn tay lại hơi run hơn trước nữa. Mồ hôi nhỏ giọt trên mặt anh. Ngay chính Sally cũng cảm thấy áo mình thấm ướt : máy lạnh chiếc Bronco không chạy, và mọi cửa sổ đều phải mở.
Còn Gulliver, Sally thấy anh vẫn vậy, những biến chuyển mới đây chẳng làm anh thay đổi chút nào. Trông anh vẫn như một miếng da thuộc nứt nẻ. Anh mang dép, quần LeviDs, và một chiếc áo thung không tay với huy hiệu con sói của trường đại học Bắc Carolina, ngoài khoác một chiếc áo hai màu đỏ trắng in hình chữ S tách đôi. Từng bắp thịt nổi hằn trên cánh tay.
Những âm thanh của đám tang vọng đến họ trước khi họ kịp nhìn thấy gì : kèn, trống, nhị, hoà cùng tiếng la khóc. Vài đường phố sau, chiếc Bronco phải dừng lại trước một bức tường người.
"Lạy Chúa!" Cameron làu nhàu. "Tôi đã biết thế nào cũng sẽ đông lắm, nhưng không ngờ đến thế này. Ta phải quay lại tìm lối khác thôi."
Hoàng Đức nhìn trân trân đám đông, lộ vẻ vừa thù hằn vừa sợ hãi. "Phải đó, ông Cameron," y nói, giọng run run.
"Ô không, có cần thật không?" Sally thốt lên, thất vọng. "Tôi đã đọc nhiều về tang lễ Việt Nam nhưng chưa từng được chứng kiến một đám tang bao giờ. Ta có thể xuống xe quan sát một lúc không? Trông có vẻ mê hoặc lắm."
Cameron lắc đầu. "Tôi e ta loanh quanh ở đây không hay ho gì đâu, cô Sally à. Dân trong tỉnh đều biết rõ mấy chiếc Bronco này. Những ngày này ta không được lòng dân lắm đâu -- nhất là ngày hôm nay. Cô nhìn họ mà coi. Thấy mắt họ ngó ta ra sao không?"
Gulliver thình lình bỏ khẩu súng săn sang một bên và mở một hộc xe. Anh lấy ra một khẩu Browning V ly, nhét vào trong thắt lưng, giấu dưới áo khoác, rồi bảo : "Tôi sẽ đi với cô nếu cô muốn quan sát."
Cameron mở miệng toan phản đối nhưng Sally đã nói : "Vậy hả. Cám ơn đại úy nghe. Đại úy tử tế lắm."
Gulliver quay lại ngó Hoàng. "Còn ông thì sao? Ông muốn đi với chúng tôi không?"
"Tôi hả? Ô không, không," Hoàng vội vã đáp. "Tôi phải điện thoại về Sài Gòn trước khi ta họp. Dinh Độc Lập chờ tôi gọi đó. Quan trọng lắm."
Đôi kính mát của Gulliver khiến Sally không hiểu anh có cười bằng mắt hay không. Anh chỉ gật đầu, rồi bước xuống xe, mở cửa cho Sally. Anh không đưa tay đỡ nàng xuống.
Người tài xế cho xe lui, và Cameron thò đầu ra gọi với, giọng càng lúc càng nhỏ dần : "Jake, cẩn thận nghe. Coi chừng cho cô ấy nghe. Cô Sally, Jake bảo gì cô cứ làm như thế nhé. O.K? O.K.?"
Hai người đứng bên lề đường, hiểu rằng đám đông chăm chăm nhìn họ. Có những cái nhìn thù nghịch, có những cái nhìn chỉ là tò mò. Rồi Gulliver bảo : "Được rồi. Đi thôi. Đừng rời xa tôi." Anh rảo bước, không hề ngó lại xem nàng có theo kịp anh không.
Anh dẫn nàng băng qua một con đường đông đúc vào một con hẻm, rồi lại qua một con đường đông đúc khác vào một con hẻm khác, cuối cùng trở ra đường chính đúng lúc những người đi đầu đám tang xuất hiện.
Người đi đưa đám cũng như người tụ tập hai bên vỉa hè đông đến nỗi Sally có cảm tưởng hết thảy trăm ngàn dân thị xã đều có mặt, có lẽ còn hơn nữa vì không ít người từ địa phương khác đổ tới. Đám tang Nguyễn Khắc Trung đã trở thành một cuộc hành hương.
Đi đầu là các tu sĩ, của giáo phái Hòa Hảo cũng như của Phật giáo đại thừa, mặc áo nâu hoặc xám, một vài người được khiêng trên võng cứ như vua chúa ngày xưa, biểu hiệu ngôi vị tôn quý của họ. Theo sau là một toán bà già đi thành hàng giăng ngang đường, mang một tấm màn trắng lớn, biểu hiệu của tang chế. Bên họ là những người mang những tấm biển ghi công đức người quá cố, giương cao cho ai ai cũng đọc thấy.
Rồi đến bàn thờ, cũng được khiêng cao, trên có ảnh người đã khuất, cùng hương hoa nhang đèn. Rồi đến những mâm đồ cúng : nguyên một con heo quay, bánh trái, rượu đế. Nguyễn Khắc Trung sẽ không phải đói bụng trên đường lên thiên đàng.
Sally vừa toan nói với Gulliver nàng có cảm tưởng đám tang trông như một gánh xiệc La Mã thì nàng nhận ra xe tang và vội đổi ý, e Gulliver sẽ cho nàng là kẻ phù phiếm. Xe tang, gắn động cơ xe hơi, không phải là thứ xe sơn đen tuyền người Việt thường dùng, nhưng là thứ xe dùng trong các đám tang của người Tàu, cao chừng ba thước và đầy hình rồng sơn màu rực rỡ. Đi thành hàng hai bên là khoảng một chục nhạc công tấu một điệu nhạc nghe chát chúa như tiếng móng tay cào trên bảng đen. Bao nhiêu học hỏi, nghiên cứu của Sally chưa hề khiến nàng ngờ đến những âm thanh choáng óc, màu sắc chói chang này, cũng như bầu không khí ngột ngạt mùi đồ ăn, hương hoa, và hơi người.
Gulliver cúi xuống hét vào tai nàng : "Trung đấy!"
Sally gật đầu. "Ông ta được liệm bằng vải lụa trắng." nàng nói. "Thường họ chèn thêm cỏ với giấy để xác nguyên vị khi bị rữa. Người Việt Nam không mấy khi ướp xác." Gulliver sững người, kinh ngạc ngó nàng.
Sally không để ý đến anh; đám tang thu hút tâm trí nàng. Đi sau xe tang nóc phủ đầy hoa là một đoàn người đầu quấn khăn trắng, mình mặc áo vải sô thưa trông tưởng như sắp rã. Họ đi thất thểu sau xe tang như người say rượu, nương vào nhau và tay chống gậy tre. Họ la khóc tiếc thương người chết, kể  lể mọi đức hạnh của người chết, những điều lành người chết đã làm, không ngừng kêu : "Sao ông nỡ bỏ chúng tôi mà đi?" Những tiếng kêu đau thương hoà cùng tiếng kèn sáo tuy chát chúa nhưng thê thiết, khiến đôi tay trần của Sally nổi da gà.
Gulliver lại cúi xuống, kê miệng bên tai nàng : "Đây là bà góa với thân bằng quyến thuộc. Họ mặc áo rách và chống gậy để tỏ nỗi đau thương của họ."
"Tôi biết," Sally nói, chăm chú nhìn người quả phụ. Bà ta cũng ăn mặc xốc xếch như những người khác, nhưng dáng vẻ khác hẳn. Khuôn mặt não nề nhưng đôi mắt ráo hoảnh. Sally vừa có ý nghĩ đây là khuôn mặt xinh đẹp nhất nàng được thấy đến nay, thì lại nhìn ra một khuôn mặt khác còn yêu kiều hơn nữa. "Chúa ơi," nàng thốt. "Anh nhìn cô gái đẹp kia mà coi."
Gulliver nhìn theo ngón tay nàng chỉ và bắt nín thở. Một lúc sau anh mới nói được : "Cô ấy tên là Quỳnh Như. Một cô đào cải lương." Rồi anh nói lảng : "Ông già đường bệ đi sau cô ta là Bùi Đình, người cô sẽ gặp để thương thuyết đấy."
Xe tang đi tới trước mặt họ, và Sally ngoan ngoãn quan sát Bùi Đình, xưa kia chỉ là một lời chú cuối trang sách, bây giờ là một nhân vật sống động. Tuy nhiên nàng không sao tập trung tư tưởng được, mắt nàng trở lại với cô đào, và nàng kịp thấy Quỳnh Như ngó sững Gulliver.
Đoàn người đi qua, và Quỳnh Như ngoái đầu lại, lần này nhìn thẳng Sally.
Sally hỏi : "Cô đào nhìn chúng ta. Anh có quen cô ta không?"
Gulliver nhún vai. "Tôi có đi xem cô ta đóng tuồng."
"Thế cô ta có tài sắc vẹn toàn không?"
"Có."
Họ đứng bên lề đường gần một tiếng đồng hồ xem đám tang đi qua. Đi sau các thân bằng quyến thuộc là những bạn bè sơ giao, không kêu khóc mà chỉ trao đổi những lời thầm thì. Tiếp theo là đoàn xe xích lô chở những vòng hoa và đám đông hỗn độn -- thương nhân với nông dân, thanh niên và bô lão, Hòa Hảo, Phật tử và Công giáo, hàng trăm người mới cách đây một tháng chưa từng nghe nói đến tên Nguyễn Khắc Trung nhưng giờ đây muốn dự phần nhỏ nhoi vào số mệnh của Trung. Họ đọc kinh và rải vàng mã cho hương hồn người chết.
Đi sau cùng, nhưng ồn ào hơn hết, là hàng trăm người khác nữa, mang biểu ngữ và hô khẩu hiệu. Đó là sinh viên đến từ các trường đại học xa xôi Cần Thơ và Sài Gòn. Dẫn đầu, tay giương lá cờ chữ Vạn của Phật giáo, là một thanh niên mảnh khảnh, nhiệt thành, rõ rệt lãnh tụ của họ.
"Nguyễn Lộc đó phải không?" Sally hỏi Gulliver, biết trước câu trả lời.
 Đúng đấy," Gulliver đáp. "Cô chỉ cần ngó đám người bu quanh là biết ngay hắn ở đâu. Kìa."
Sally nhìn ra một đám Cảnh sát Đặc biệt xúm xít quanh Lộc. Bọn này không buồn tìm cách giấu giếm che đậy gì hết. Họ chĩa máy ảnh vào mặt Lộc và nói liến thoắng vào máy truyền tin cầm tay. Còn Lộc thì không thèm ngó đến họ. Anh đi giật lùi, nâng lên hạ xuống lá cờ chẳng khác nào viên đội trưởng một ban quân nhạc, hướng dẫn sinh viên hò hét : "Đả đảo Phụng Hoàng!...Đả đảo Phụng Hoàng!"
Gulliver nắm tay Sally bảo : "Chắc sắp có chuyện đến nơi rồi. Ta đi thì hơn."
Sally miễn cưỡng đi theo anh; lúc họ tới một con đường yên tĩnh hơn nàng nói : "Thật tuyệt, cám ơn đại úy nhé. Bao lâu nữa thì ta tới nghĩa trang?"
"Ta không đi nghĩa trang. Và cô cứ gọi tôi là Jake cũng được."
Nàng lỏ mắt ngó anh. "Sao ta lại không đi nghĩa trang?"
"Ta không đi chứ sao nữa. Tôi phải đưa cô về Sứ quán."
"Tôi muốn xem đám tang, đại úy à." Sally cương quyết nói.
"Cameron sẽ không yên tâm."
"Chiều tôi đi mà...Jake."
Đôi mắt anh ngó nàng, đôi mắt một màu khó tả, không hẳn xanh cũng không hẳn xám. Rồi đôi mắt ấy nhìn xuống, mở rộng như ống kính máy ảnh. Sally chợt nhận ra rằng chiếc áo đẫm mồ hôi của nàng dán chặt vào thân hình nàng. Nàng hơi nóng mặt, nhưng Gulliver đã lên tiếng, giọng khan lại: "Thôi được. Cô muốn vậy thì chắc ta cũng còn thì giờ. Chờ tôi một phút."
Anh bỏ đi, và một phút sau trở lại với một chiếc xích lô máy.
Hai người yên lặng ngượng ngập suốt thời gian chiếc xích lô máy chạy lồng về phía nghĩa trang. Họ níu chặt tay vịn nhưng không sao tránh khỏi bị xô dính vào nhau. Sally cảm thấy đùi Gulliver cứng như đá cọ bên đùi nàng.
Xe chạy quanh co, tránh những con đường cấm lưu thông nhường chỗ cho đám tang, và sau cùng tới cổng sau nghĩa trang. Người đông như kiến, và để yên chí có xe về Gulliver hứa sẽ trả cho người tài xế gấp ba lần tiền cuốc xe. Rồi anh cùng Sally len lỏi cố tới gần huyệt mộ.
Họ tới nơi đúng lúc quan tài bắt đầu được hạ huyệt, kịp chứng kiến cảnh thân thích của Nguyễn Khắc Trung níu kéo những người nhà đòn, trì hoãn giây phút chôn cất. Chính giữa là Nguyễn Thị Mai, bây giờ không còn gìn giữ nữa, khóc như mưa như gió, hai tay đấm thùm thụp vào ngực một người nhà đòn. Sally hiểu đó đều là nghi thức : Mai phải tỏ không chịu chấp nhận chồng mình đã chết.
Rồi ít nhiều trật tự được vãn hồi, và Sally thấy một đứa bé khoảng mười hai tuổi liệng một nắm đất xuống huyệt rồi bước lui, cằm run nhưng hai mắt ráo hoảnh không khác người lớn. Chắc đó là con trai lớn của Trung. Sau đó là ông sãi Bùi Đình cũng ném một nắm đất xuống huyệt, rồi tới phân ưu với người con, bà mẹ. Những người thân khác lần lượt làm theo, và đám đông bắt đầu chuyển động rời ra xa, để cho tang quyến một lúc riêng tư sau ngày dài này.
Gulliver đang dẫn Sally đi ra thì một bà già nhìn sát vào mặt anh, bật lùi lại, la hét : "Tao biết mày! Mày cùng bọn với quân giết người! Tao biết mày!" Bà quay sang những người kế bên, lớn tiếng : "Tôi biết thằng Mỹ này. Nó cùng bọn với lũ giết người!"
"Làm sao chị biết tôi được. Tôi chưa tới Cà Mau bao giờ mà," Gulliver nói, đoán chừng gốc gác bà già theo giọng bà. Mắt anh không rời đám đông bắt đầu bu lại quanh họ.
Bà già lại tru lên : "Bay tưởng người Mỹ tụi bay chuyện gì cũng biết hết hả ? Tao đi khỏi Cà Mau từ hồi tao còn con gái lận. Mấy năm nay tao bán mì ngay ngoài thành tụi bay chứ đâu. Tao thấy tụi bay bao nhiêu lần. Tụi bay ở trong cái nhà Nguyễn Khắc Trung bị giết chứ đâu nữa. Tao biết tụi bay mà!"
"Cô cứ lẳng lặng đi đi," Gulliver bảo nhỏ Sally. Anh quay sang bà già bình tĩnh nói : "Chúng tôi tới đây chiêm bái ông Nguyễn Khắc Trung như chị đấy thôi."
"Tụi bay tới coi cho sướng mắt chứ gì!" Bà già quay sang những người chung quanh : "Nó đến coi cho sướng mắt đấy! Nó đến coi cho sướng mắt đấy! Nó giết Nguyễn Khắc Trung rồi nó đến coi cho sướng mắt đấy!"
Đám đông mỗi lúc một nhiều hơn và dữ tợn hơn, vây kín họ. Gulliver vẫn giữ vẻ thản nhiên như không, bảo Sally : "Có chuyện gì xảy ra cô cũng đừng dính vào. Cô cứ việc trở ra xích lô đi cho khỏi nơi này. Hiểu chưa?"
"H-hiểu."
Những tiếng xầm xì trong đám đông trở nên hăm dọa hơn, và một đôi kẻ thét : "Quân giết người! Bắt lấy nó!"
Nhiều người lúc trước mang biểu ngữ đi trong đám tang tỏ vẻ sẵn sàng hành động, họ nắm chặt mấy cây gậy và nhìn nhau hội ý. Một số khác tìm cách len lỏi qua đám đông đi vòng ra phía sau Gulliver.
Sally lại đứng sát bên Gulliver, và cảm thấy tay trái anh vòng qua lưng nàng, che chở. Nàng liếc nhìn mặt anh và thiếu chút nữa bước thối lui : mặt anh vàng bóng và khô khan như một cái đầu lâu. Duy có cặp mắt di động không ngớt, theo rõi những người bao vây anh.
Một người trước mặt họ tiến tới một bước, và Sally cảm thấy thân hình Gulliver cứng lại, như một lớp sóng cuộn lên bên sườn nàng. Gulliver vừa thò tay nắm khẩu súng lục giấu dưới áo thì một tiếng nói rổn rảng vang lên, át những tiếng xầm xì hằn thù của đám đông: "Đủ rồi! Thế đủ rồi!"
Đám đông rẽ ra và Bùi Đình bước vào, nét mặt giận dữ và hàm râu rung không ngớt. "Chuyện gì thế này ?" Không ai trả lời, và ông sãi nhìn khắp lượt, tỏ vẻ tìm ai là người cầm đầu. "Mấy người biết tôi không ?" ông hỏi trống không. Ai nấy gật đầu.
"Vậy tôi hỏi chuyện gì thế này ?"
Một người ngần ngừ lên tiếng : "Người Mỹ này là một trong những tên giết Nguyễn Khắc Trung."
Bùi Đình nhìn anh ta một cách cay độc rồi nói : "Tôi biết người này, mấy anh lầm to rồi. Ông ta không giết Nguyễn Khắc Trung. Ông ta là bạn Nguyễn Khắc Trung. Mấy anh hồ đồ điên rồ thế này là xúc phạm đến Nguyễn Khắc Trung đó."
"Nhưng mà..."
"Im đi, đồ ngu! Tránh cho ông ta đi! Mấy người về hết đi!"
Đám đông xô nhau tản mát, và Gulliver nói : "Chắc họ kinh ngạc lắm. Xin cám ơn cụ."
Bùi Đình mỉm cười, liếc nhìn Sally, rồi đáp bằng tiếng Anh : "Tôi cũng kinh ngạc lắm, đại úy. Tôi không thể ngờ đại úy điên rồ mà tới đây bữa nay."
"Lỗi tại tôi," Sally nói, bằng tiếng Việt. "Tôi muốn xem đám tang và tôi đã yêu cầu đại úy Gulliver đưa tôi đi."
"Bữa nay thật đầy chuyện bất ngờ," Đình nói với Gulliver. "Cô bé xinh đẹp này là ai mà nói tiếng Việt hay quá vậy ?"
Gulliver ngẩn ra ngó Sally; anh không hề biết nàng nói được tiếng Việt. "Ơ...đây là cô Teacher, nhân viên tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài gòn. Cô Sally, xin giới thiệu với cô đây là ông sãi Bùi Đình bên tỉnh An Giang."
Sally đã toan thò tay ra lại vội vàng rút lại, cúi chào ông sãi. Bùi Đình cũng cúi chào đáp lễ, vẻ vẫn chưa hết kinh ngạc.
"Cô Teacher từ Sài Gòn xuống là cốt để gặp cụ," Gulliver nói, "nhưng tôi tin chắc cô không ngờ lại gặp cụ trong trường hợp này." Thấy mặt ông sãi tỏ dấu hỏi, anh nói thêm : "Cô Teacher sẽ đại diện cho chính phủ Hoa Kỳ trong cuộc thương thảo về Nguyễn Khắc Trung."
Không biết Bùi Đình có ngạc nhiên vì người Mỹ gửi đại diện là một phụ nữ hay không, ông ta không phản ứng gì ngoài đôi mắt hơi mở lớn hơn.
"Vậy hả ? Thế thì ta sẽ gặp lại nhau sáng mai rồi," Bùi Đình gật đầu nói với Sally. "Bây giờ tôi phải về nhà bà Mai, chúng tôi còn lễ lúc 10 giờ. Xin chào quý vị nhé."
Họ đáp lễ, và Bùi Đình trở lại bên tang gia, chậm chạp và cẩn thận leo lên sườn cỏ dốc, tì trên cây gậy như là thực sự ông cần đến nó.
Sally cùng Gulliver trở lại nơi chiếc xích lô máy chờ họ. Nàng bảo : "Ông già thật tuyệt. Tôi thích ông ta lắm."
"Tôi cũng vậy," Gulliver đáp, "nhưng tôi không tin ở ông ta. Cô cũng đừng nên tin. Nếu cô cho ông ta chỉ là một ông già hiền từ, ông ta sẽ ăn gỏi cô sáng mai."
"Thế sao ? Cám ơn đại úy nhé," Sally nói, duyên dáng cười.
Anh cũng cười và đã toan nói một câu nhưng lại im bặt. Từ phía sau một gốc cây gần đó, một người nhảy vụt ra trước mặt họ. Đó là bà già ban nãy. Bà ta trân trối nhìn họ một lúc, giơ ngón tay xương sẩu chỉ vào mặt Gulliver, rồi đùng đùng chạy đi, tay chân khẳng khiu nhô lên hụp xuống, miệng không ngớt lầm bầm.
Anh tài xế xích lô, miệng hát nho nhỏ, hoan hỷ với số tiền hậu hỹ sắp được lãnh, cho xe len lỏi giữa dòng người đi đưa đám trở về. Sally, tuy vui thích nhưng mệt nhoài, chỉ mong chóng về tới Sứ quán để được tắm nước nóng cho thỏa trước khi dự buổi họp.
Nghĩ tới buổi họp khiến nàng đâm bực mình. "Phải chi mọi chuyện cũng chôn vùi luôn cùng với người chết thì hay biết mấy!" nàng thở dài buột miệng, tự nhủ hơn là ngỏ với Gulliver.
Gulliver mỉm cười với nàng, để lộ hai hàm răng trắng và đều, trông lại càng trắng hơn vì nước da màu đất của anh. Sally nghĩ khi cười anh hầu như trở lại là con người, không còn chút nào là một tay sát nhân chuyên nghiệp.
Xe chạy qua trung tâm thị xã. Đường phố tuy đã bớt đông nhưng vẫn còn đầy người. Chiếc xích lô vừa tăng tốc độ trên con đường chính rộng rãi -- không xa nơi Sally và Gulliver đã đứng xem đám tang -- thì một đám mây trắng cuồn cuộn tiến về phía họ, càng lúc càng lớn dần.
"Lựu đạn cay! Quẹo đây!" Gulliver thét lên, bằng tiếng Anh. Anh tài xế lỡ đà, cứ thế đâm thẳng tới phía đám mây mù ma quái. Anh đờ người, và dù hiểu Gulliver nói gì, quýnh quáng không biết phải làm thế nào. Gulliver lại hét lên, lần này bằng tiếng Việt : "Ngừng lại!" Anh tài xế phản ứng tức khắc, và chiếc xe thắng gấp rút, chút nữa thì lật nhào.
Gulliver lôi Sally xuống xe, kéo nàng chạy tới một con hẻm nhỏ. Đám mây còn cách khoảng ba chục thước, và từ trong đám mây người người chạy ra, cứ như ma cà-rồng hiện hình, ho sặc sụa, tay không thôi dụi mắt. Đuổi theo họ là một toán lính mũ xanh, khăn quàng xanh, đeo mặt nạ đen : cảnh sát dã chiến của thiếu tá Ngọc.
Mấy ngón tay Gulliver bấu chặt vào cánh tay Sally như răng một chiếc bẫy thú. Nàng cố vùng ra, kêu : "Buông tôi ra! Đau quá..."
Nàng thoáng thấy toán lính dừng lại, quỳ một gối xuống, nâng súng lên và bắn một loạt đạn. Bốn người đang chạy ngã gục. Toán lính nổ súng lần thứ hai, và thêm hai người gục ngã. Đúng lúc Gulliver kéo nàng chạy vào hẻm, nàng nhận ra anh tài xế xích lô chạy theo họ, mặt đầy vẻ hãi hùng. Còn cách họ khoảng muời thước, đột nhiên đầu anh ta như bùng lên, rồi vỡ tung giữa một lớp bọt đỏ, rớt xuống vỉa hè như một trái dưa. Sally chỉ mới kịp nghĩ họ phải quay lại, họ chưa trả tiền anh tài xế.
Nàng vẫn còn nức nở run rẩy, khi họ đã vượt qua con hẻm ra một con đường khác. Gulliver ôm vai nàng, Gịu dàng bảo : "Đừng khóc nữa. Xong cả rồi."
"Chúng bắn họ. Chúng bắn mấy người ấy. Anh tài xế..."
Anh vuốt tóc nàng, lại dỗ : "Tôi biết. Tôi biết. Thôi, nín đi. Xong cả rồi. Cô cứ theo tôi. Tôi sẽ đưa cô ra khỏi nơi này."
Họ đang ở trên một con đường rộng nhưng ngắn, hoàn toàn vắng lặng. Hai bên đường là những căn nhà hai tầng quen thuộc, tầng trên là nhà ở, tầng dưới là cửa hàng bán đủ thứ tạp hóa. Hầu hết đều cửa đóng then gài. Với đám tang Nguyễn Khắc Trung, cả thị xã đều nghỉ việc, chẳng khác nào trong một ngày quốc khánh.
Gulliver dừng bước, do dự chưa biết nên đi ngả nào. Khắp chung quanh họ vang vọng những âm thanh của cuộc náo loạn. Họ nghe thấy những tiếng la hét, tiếng súng nổ, nhưng không quyết được là từ phía nào, và ngả nào yên lành.
Một lúc sau thì chuyện đó không thành vấn đế nữa. Hai dòng người tràn tới từ cả hai đầu đường, với lính của thiếu tá Ngọc rượt theo bén gót. Đám lính này trang bị đầy đủ hơn đám lính mũ xanh lúc trước :  họ đội mũ sắt có gắn mặt nạ nhựa và mang dùi cui thay vì súng M-16.
Cho đến lúc đụng đầu nhau giữa đường, hai đoàn người chen lấn nhau mà chạy đó mới hiểu ra họ đã mắc bẫy. Họ lại càng kinh hoàng hơn bao giờ hết. Có người quay lại, toan phóng qua hàng rào lính, nhưng bị đánh gục ngay. Có người nhìn ra con hẻm Sally và Gulliver vừa vượt qua. Họ ào tới, làm nghẽn ngay lối vào. Thế rồi lối thoát đó cũng bị đóng kín : thêm nhiều lính khác tiến tới từ đầu kia con hẻm. Từ khắp mọi phía cảnh sát múa dùi cui dồn họ vào giữa. Bây giờ thì họ xô đẩy nhau mong thoát thân, chà đạp trẻ nít, người già, người tàn tật.
Những tiếng la thét thất thanh khiến giác quan Sally tê liệt. Nàng chỉ còn cảm thấy hai cánh tay Gulliver như hai gọng kìm ghì chặt nàng vào bên tường một tiệm buôn. Cố nhìn ra chung quanh, nàng trông thấy bốn viên cảnh sát đang đánh đập một sinh viên, mấy chiếc dùi cui vung lên đập xuống liên hồi. Gã thanh niên nằm sóng soài dưới chân họ, quần áo tả tơi, không nhúc nhích, như một con búp bê đã mất hết ruột.
Cách đó vài thước, một viên cảnh sát dùng dùi cui đập một đứa bé khoảng mười tuổi. Đứa trẻ bất tỉnh trông như đang ngủ. Nó nằm cuộn tròn, hai đầu gối khẳng khiu co lên ngực, hai bàn tay chắp lại dưới má. Người mẹ từ trong đám đông lao ra, giọng khản đặc kêu la, và nằm sấp xuống che cho con, nhưng viên cảnh sát vẫn không ngớt vung dùi cui. Người đàn bà giơ tay lên đỡ, và Sally nghe được tiếng xương gẫy rạo.
Thế rồi thình lình Gulliver buông nàng ra. Anh gầm lên như con thú bị thương và lao tới viên cảnh sát. Anh tống một cú đạp thật mạnh. Viên cảnh sát buông rơi dùi cui, loạng choạng quay lại. Gulliver dùng tay chặt ngang họng y, ngay dưới cái mặt nạ nhựa. Viên cảnh sát ngã sóng soài bên đứa trẻ, bất tỉnh như nạn nhân của y.
Gulliver đẩy người mẹ đẫm đìa máu qua một bên, cúi xuống xem xét đứa trẻ. Anh bắt mạch, rồi kê miệng mình vào miệng nó, hà hơi mong cứu nó tỉnh.
Bốn viên cảnh sát kia đã trông thấy Gulliver tấn công đồng đội họ, và họ bỏ người sinh viên, chạy tới. "Ảnh là người Mỹ!" Sally kêu lớn, bằng tiếng Việt, tưởng rằng sẽ không ai đụng tới một công dân Mỹ. Lúc nàng hiểu ra nàng đã lầm, viên cảnh sát dẫn đầu chỉ còn cách Gulliver một bước, tay đã vung cao dùi cui. Nàng lại hét, lần này bằng tiếng Anh : "Jake, coi chừng phía sau!"
Gulliver không cần nàng báo động; anh đã quài tay lại rất nhanh, vung chiếc dùi cui của viên cảnh sát bị anh đánh gục. Chiếc dùi cui đập trúng đầu gối kẻ tấn công anh, y thét lên và ngã quỵ. Người thứ hai phóng tới, nhưng Gulliver đã kịp đứng lên, đưa ngang dùi cui đón đỡ. Sally nhìn thấy dùi cui văng khỏi tay Gulliver, nhưng anh cũng kịp dùng tay không chặt ngang họng người lính, khiến y buông rơi dùi cui của y. Gulliver lại vung tay, đập bể chiếc mặt nạ nhựa ngay trên sống mũi viên cảnh sát.
Sally lại hét lên khi hai viên cảnh sát còn lại xông tới. Một cú dùi cui trượt sát bên đầu Gulliver, một cú khác đập trúng bắp tay anh. Nàng nhìn thấy anh, đầu rướm máu, té xuống và lăn ra xa, rồi quỳ một gối nhỏm lên, giơ cả hai tay. Hai người cảnh sát dừng phắt lại, trân trân ngó họng khẩu Browning chĩa thẳng vào họ. Cùng một lúc, họ buông rơi dùi cui, tháo lui.
Sally chạy tới bên Gulliver. Mặt anh không còn sắc vàng ửng, bây giờ cũng một màu phấn như tóc và mắt anh, khiến anh trông giống người bạch tạng hơn bao giờ. Nàng toan đỡ anh đứng lên, nhưng anh đẩy nàng ra và bò tới bên đứa trẻ và người mẹ. Người đàn bà bấy giờ ngồi bệt giữa đường, ôm con trong lòng, miệng không ngớt rền rĩ. Gulliver giật đứa bé khỏi tay bà, đặt nó nằm xuống, và lại kê miệng vào miệng nó tiếp tục hà hơi.
Vài giây sau anh ngửng lên, bảo : "Sally, cô lại đây bịt mũi nó lại. Tay tôi bị thằng chó đập không cử động được nữa."
Sally quỳ xuống, lấy hai ngón tay kẹp mũi đứa bé trong khi Gulliver cố cứu tỉnh nó. Nàng ngẩng đầu nhìn lên, không dám ngó mặt đứa bé trắng bệch như sáp. Con đường bây giờ gần như không còn ai, và nàng mơ hồ nhớ rằng trong lúc Gulliver chống đỡ địch thủ, dân thị xã đã tràn qua được hàng rào cảnh sát, chạy tứ tán, và cảnh sát lại tiếp tục rượt theo họ.
Gulliver hì hục bên đứa bé khoảng năm phút nữa trước khi nó cựa quậy rồi bật lên một tiếng kêu.
"Trời ôi!" người mẹ nắm lấy tay Gulliver, ra dấu tạ ơn, nhưng Gulliver gỡ ra, bảo : "Nó không chết đâu, nhưng phải đưa nó đi nhà thương. Cả chị nữa, tay chị gẫy kia kìa."
Đúng lúc đó, một chiếc xích lô từ một con đường kế bên quẹo lại. Gulliver nhảy ngay tới trước mũi xe, chĩa khẩu Browning vào người tài xế. Anh loạng choạng, phải dùng cả hai tay nắm khẩu súng. Xe thắng két lại, và Gulliver ra lệnh anh tài xế chở người mẹ và đứa bé đi nhà thương.
Khi chiếc xích lô đã khuất dạng, hai tay Gulliver run đến nỗi anh buông rơi khẩu súng. Anh quỳ xuống tính nhặt lên, nhưng rồi yếu quá không sao đứng dậy được nữa. Sally đỡ anh, và lần này anh không phản đối. Sally lo lắng nhìn anh. Tai anh đứt chỗ cây dùi cui đập trượt qua, vành dưới chỉ còn dính bằng một miếng da mỏng. Nếu bị đập trúng hẳn anh đã bể sọ rồi. Sally cố nén buồn nôn, nhìn kỹ, rồi nói : "Anh cũng phải đi nhà thương mới được."
"Không sao đâu," anh thở rốc. Anh kéo áo lên, nhăn mặt, và nàng nhìn thấy một vết máu lớn thấm loang lớp băng bên sườn anh.
"Trời ơi," Sally khổ sở thốt lên, không biết phải làm sao. "Cảnh sát đi cả rồi. Để tôi đưa anh đi nhà thương." Gulliver lắc đầu. "Họ bận rộn lắm, không lo cho người bị thương nhẹ như tôi được đâu. Tôi chỉ cần kim chỉ và băng lại vết thương là xong."
"Nhưng mà..."
"Tôi không sao đâu," anh lập lại. "Tôi biết một nơi ta có thể đến lo chuyện này. Nhà một người bạn, cũng gần đây thôi. Cô đi với tôi."
Gulliver dẫn nàng đi, bước chầm chậm nhưng không tựa vào nàng. Nàng không buông tay anh, nghĩ một bãi chiến trường chắc cũng không khác. Cả khúc đường tan hoang. Mọi cửa kính các cửa hàng đều bể, hàng hóa vung vãi khắp mặt đường cùng những vật dụng cá nhân tan tác : những mảnh quần áo rách, giày vớ, biểu ngữ, kèn sáo. Nàng trông thấy cả một hàm răng giả chơ vơ giữa đường, mở hoác như đang nhăn nhở cười.
Và, dĩ nhiên, có những thây người; Sally đếm được ba cái xác. Khoảng năm, sáu người bị thương cũng còn đấy, ngồi gập mình hoặc dựa vào tường, tay ôm vết thương, khóc không thành tiếng.
Gulliver cũng nhìn theo, miệng rủa thầm. Thình lình anh rảo bước, tới bên từng người, xem người ấy đã chết hay bị thương nặng nhẹ thế nào. Một tay anh vẫn bịt chặt vết thương bên sườn, máu nhỉ qua mấy ngón tay. Thấy anh lao đao, Sally cương quyết đòi anh phải đi. Anh nghe theo, không còn hơi sức phản đối. Cứ đi khoảng hai mươi bước lại ngừng lại nghỉ, Gulliver dẫn nàng qua con hẻm trở ra đường chính, ngược lên ba ngã tư nữa, rồi vào một con hẻm dài khác đầy những xe hàng ăn và người tị nạn. Trong hẻm này người ta đang săn sóc nhiều nạn nhân khác của cuộc đàn áp, nằm dài trên những manh chiếu. Rõ ràng cuộc bạo loạn không phải đã chỉ xảy ra nơi Sally và Gulliver mắc kẹt, nhưng có lẽ đã lan tràn khắp trung tâm thị xã.
Hai người thận trọng bước qua, giữa những tiếng rên la, và sau cùng tới một căn nhà tận cuối hẻm. Gulliver tựa vào cửa một giây lấy lại hơi thở rồi đưa tay gõ. Sally xiết bao kinh ngạc khi người ra mở chính là cô đào Quỳnh Như.
Quỳnh Như cũng ngạc nhiên không kém. Nàng nghẹn thở, rồi dịu dàng kêu lên : "Anh Jake!"
Quỳnh Như dợm bước tới, nhưng nhìn ra cái tai đứt và bàn tay đỏ máu bên sườn anh nàng kinh hãi thối lui. "Trời ơi! Mau lên, vào đây, có bác sĩ Loan trong này." Nàng đỡ một bên tay Gulliver, Sally đỡ tay kia, và họ cùng dìu anh đi vào.
Trong phòng khách đã có hai người khác. Một là bác sĩ Loan, người đã đãi tiệc Sally hai tuần trước. Một cuộn băng trong tay, ông ta đang lo cho một thanh niên mặt đầy máu đã đóng khô.
Quỳnh Như gọi : "Bác sĩ, ta có một người bị thương nữa." Bác sĩ Loan quay lại, nhận ra Sally, nở nụ cười kinh ngạc. Rồi, nhìn Gulliver, người ông cũng nhận ra đã gặp tại văn phòng đại tá Minh, ông đưa mắt dò hỏi Quỳnh Như. Cô đào vội nói, Sally tưởng như có phần nào chống chế : "Đây là một người bạn."
Loan lanh lẹ gài băng quấn quanh đầu người thanh niên, rồi thò tay vào túi y cụ lấy ra một cây kim và một ống chỉ, bắt đầu chữa trị cho Gulliver. Ông cắt áo Gulliver, rửa sạch và khâu lại vết thương bên sườn, thay lớp băng mới. Sau đó ông lo đến cái tai đứt.
Quỳnh Như bỏ Sally đứng đó vào nhà trong. Nàng trở ra tay cầm một tấm khăn ướt. Chỉ sau khi cô đào lau Vạch máu trên mặt người thanh niên Sally mới nhận ra đó chính là kẻ đã dẫn đầu đoàn sinh viên trong đám tang -- Nguyễn Lộc.
Quỳnh Như cũng đã đem ra một gói thuốc viên. Lau mặt cho Lộc xong, nàng lại bên ghế Gulliver bỏ vài viên thuốc vào miệng anh.
"Thuốc gì đấy?" bác sĩ Loan hỏi; ông vừa khâu xong tai Gulliver.
"Thuốc chống đau," Gulliver đáp.
Loan cầm lấy gói thuốc trong tay Quỳnh Như xem xét. Ông nhíu mày thông hiểu, và hỏi : "Đại úy cho tôi hay, đại úy dùng, ờ...thuốc chống đau này...thường không?"
Gulliver nhún vai, co người lại, nói nho nhỏ bằng tiếng Anh : "Hễ cần thì tôi dùng, bác sĩ à, hễ cần thì tôi dùng."
Quỳnh Như lấy lại gói thuốc, đổi chuyện : "Này anh Jake, cô bạn của anh đẹp quá. Đúng là người đàn bà Mỹ lý tưởng, tóc hoe ngực lớn, phải không? Cô ta là ai thế? Có phải vợ anh anh vẫn giấu đấy không?"
Gulliver cười khúc khích. "Không phải đâu. Không tin cứ hỏi cô ấy mà coi. Cô ấy nói được tiếng Việt đấy."
"Trời ơi!" Quỳnh Như đỏ bừng mặt quay sang Sally : "Tôi xin lỗi, tôi không định sống sượng thế. Cô bỏ qua cho nhé."
Sally cũng đỏ mặt. "Cô khen tôi đấy chứ," nàng khéo léo đáp. "Tôi là Sally Teacher. Tôi làm việc ở tòa Đại sứ Hoa Kỳ trên Sài Gòn. Đại úy Gulliver với tôi chỉ là bạn đồng nghiệp mà thôi. Chúng tôi cũng chỉ mới biết nhau đây."
"Tôi có thấy cô khi nãy, ở ngoài đường," Như nói. "Tôi đã nghĩ ngay là cô đẹp lắm."
"Tôi cũng có thấy cô," Sally đáp. "Và tôi cũng đã nghĩ ngay là cô rất đẹp."
Gulliver cười vang, bảo Loan : "Cả hai cô đều rất đẹp, nhưng chắc bác sĩ phải khâu miệng họ lại kẻo họ tán tụng nhau chết luôn."
Bác sĩ Loan chỉ hơi hé miệng, ngần ngại trước lối khôi hài đó của người phương tây, lại càng ngẩn ngơ thêm khi Gulliver thình lình nghiêm mặt, hỏi : "Lộc bị thương có nặng không?"
Loan nhìn Lộc nằm thu mình trên tràng kỷ, hai mắt nhắm nghiền. "Không đâu. Chỉ bể đầu và chấn thương nhẹ thôi," ông đáp. "Mất máu nhiều nhưng không có gì nguy ngập. Hắn may lắm đó. Chúng tính giết hắn mà."
"Bác sĩ tin thế sao?"
"Chứ gì nữa," Loan cao giọng đáp.
 Đúng đấy," Như chen vào. "Thế này nhé. Hai xe Cảnh sát Dã chiến đổ tới. Chúng xông thẳng đến đánh lộc. Nếu không phải đối phó với các sinh viên khác ném đá vào chúng thì chúng giết Lộc rồi. Lộc thoát được nhờ hỗn độn."
"Tôi hiểu," Gulliver nói. "Thế là chúng cay cú báo thù các sinh viên khác."
Loan gật đầu. "Phải. Rất nhiều xe cảnh sát nữa đổ tới. Chúng hung hăng như thú dữ vậy. Đánh đập bất kể ai, chứ không phải sinh viên mà thôi. Người ta còn đồn có người bị chúng bắn nữa."
"Không phải đồn nhảm đâu, đúng như thế đấy," Sally rùng mình lên tiếng, nhớ lại đầu anh tài xế xích lô vỡ tung trước mắt nàng. "Chính mắt chúng tôi thấy."
Gulliver, hoàn toàn tỉnh táo từ lúc được Như cho uống mấy viên thuốc, nhìn Lộc qua vai bác sĩ Loan và hỏi : "Làm sao hắn tới được đây?"
"Tôi gặp hắn ngoài đường và đưa hắn lại đây," Loan đáp. "Tôi biết nhà Quỳnh Như."
Thấy Gulliver tỏ dấu thắc mắc, Loan nói rõ hơn : "Cô Như từ mấy tuần qua đã thành bạn chúng tôi, từ khi cô bắt đầu ủng hộ chính nghĩa của chúng tôi."
Gulliver gật đầu và lại nhìn Lộc. "Bác sĩ chắc hắn không sao chứ? Hắn vẫn chưa tỉnh phải không?"
"Chỉ chấn thương nhẹ thôi," Loan lập lại. "Hắn cứ đòi trở ra đường kia đó. Hắn nhất định bảo lãnh tụ thì phải đi hàng đầu."
"Phải mà, tôi biết quá mà," Gulliver cay cú nói. "Tôi chắc bị thương vậy chứ hắn thỏa mãn lắm, có khi thỏa mãn vì bị thương nữa. Ở tuổi hắn và lại theo đuổi một lý tưởng, như thế tất là quan hệ lắm, lãng mạn lắm. Có xá gì u đầu bể trán! Có xá gì vài cái xác ngoài đường!"
"Anh đừng giỡn," Như trách. "Nhiều người chết rồi."
"Họ đâu có chết nếu Lộc đừng đưa sinh viên xuống đường như hắn đã hứa với đại tá Minh! Đây là tang lễ chứ đâu phải mít-tinh chính trị!"
Loan sôi nổi nói : "Minh bác bỏ các yêu cầu của Hòa Hảo rồi thì mọi lời hứa đâu còn giá trị nữa! Đại úy có mặt bữa đó, đại úy dư biết cuộc họp đã kết thúc thế nào."
Nhớ ra buổi họp sắp tới, Sally đưa mắt ra hiệu cho Gulliver.
"Chúng tôi xin phép kiếu," Gulliver nói, gượng nhẹ đứng lên, tay nắn sườn. Anh gật đầu với Loan : "Êm rồi, bác sĩ giỏi lắm."
Loan lầu bầu, nhìn gói thuốc trong tay Như.
Gulliver lại bảo : "Bác sĩ nhớ tính tiền nhé. Tính thật nặng vào, tôi sẽ đòi thiếu tá Ngọc trả."
Loan cười buồn, rồi nói : "Để tôi tiễn nhị vị. Tài xế của tôi sẽ đưa nhị vị về. Tôi còn ở lại đây với Lộc."
Sally và Gulliver ngỏ lời cảm tạ. Ra tới cửa, Sally nói với Như : "Tôi mong lại được gặp cô. Tôi rất muốn được xem cô đóng tuồng; tôi chưa được xem cải lương bao giờ cả."
"Vậy tôi xin mời cô đó," Như đáp. Nàng vồn vã tiếp : "Khi nào tình hình yên ổn trở lại."
Xe của bác sĩ Loan là một chiếc Citroën lớn và cổ kính. Sally cùng Gulliver buông mình trên ghế nệm sang trọng phía sau, cả hai đều thình lình cảm thấy rã rượi, không còn hơi sức nào.
Hoàng hôn đã xuống, và đường phố thị xã đều trống vắng. Suốt đường về, hai người không ai nói với ai một lời, mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng của mình, ngồi nơi hai góc xe như cách xa nhau hàng dặm, tương phản với lúc sát chặt bên nhau trên chiếc xích lô.

<< Phần 2 - 4 | Phần 2 - 6 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 781

Return to top