Nhân dịp Xuân Kỹ Mão, tôi viết tâm thư này gửi đến quí vị ân nhân cầu chúc muôn vạn ân báo đã chia sẻ nỗi bất hạnh của tập thể anh em thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa nói riêng và những người tàn tật vì chiến tranh Việt Nam nói chung.
Xuân đi xuân lại về. Muôn hoa đua nở đón chào mừng xuân. Hai mươi hai tiết xuân đã đi qua, đó là tuổi trưởng thành của một đời người. Đối với những người bất hạnh, tàn tật tại quê nhà, đó cũng là tuổi trưởng thành của chai đá và tủi hờn. Xuân đến hay xuân đi, đối với các anh em thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, đó chỉ là tiếp nối những chuỗi ngày lãnh lẻo, đói rách và bạc đãi. Chúng tôi vẫn tiếp tục lê lết tấm thân tàn phế đi khắp nẻo đường buôn nhang, bán vé số hay xin ăn qua ngày. Lạnh lẽo và đói khát là hai kẻ thù luôn dằn vặt thân xác. Nhưng sự đau khổ của xác thịt không thấm gì so với sự hành hạ tinh thần của "những người anh em phía bên kia", họ xem chúng tôi là thành phần cặn bã của xã hội cần phải xóa bỏ, và sự xa lánh của đồng bào trong nước, sợ bị liên lụy với những "tàn dư của Mỹ ngụy" hay bị chụp vào đầu chiếc mũ "phản động", công việc làm ăn sẽ khó khăn hơn.
May mắn cho vài ngàn anh em thương phế binh hiện còn lây lất. Từ năm năm qua phong trào cứu trợ thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa trong nước đã mang đến cho anh em chúng tôi nhiều nguồn an ủi. Đặc biệt xuân năm nay, trong lòng chúng tôi chớm nở những nụ hoa hy vọng, niềm vui tưởng đâu vùi sâu trong quên lãng nay đang trở về rào rạt, bát ngát phấn hương. Những vành môi khô héo tưởng đâu câm nín nay đã phá vỡ lớp da bọc cứng để toát ra nụ cười hạnh phúc. Tinh thần đùm bọc của kiều bào hải ngoại đã ban cho chúng tôi nguồn sống mới. Sức mạnh thiêng liêng của tình người, ôi thật vô cùng.
Xin thay mặt các chi hội phế binh ở khắp miền Nam, từ thành phố đến thôn quê, từ vùng đồng bằng đến miền rừng sâu nước độc, từ khu xóm lao động nghèo khổ đến vùng kinh tế mới xa xôi, tôi xin chân thành cám ơn quí ân nhân Việt kiều hải ngoại đã quan tâm đến thảm cảnh của anh em thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa nói chung và của tôi nói riêng. Dù được ít hay được nhiều, chúng tôi đều cảm thấy quá sung sướng. Không phải vì được nếm lại những vị ngon ngọt của trái dưa hấu, mít, soài hay mua tặng cho con cháu một bộ đồ mặc Tết để chúng nó không mặc cảm đối với bạn bè đồng lứa, mà là, thưa quí vị ân nhân, nhận được món quà tinh thần quí giá nhất cho khoảng đời còn lại: sự hy sinh của chúng tôi không còn vô nghĩa nữa.
Quả vậy, chiếc áo trận đã bạc màu gió sương và đang ngụp lặng trong nước mắt và tủi nhục suốt 23 năm qua. Cứ tưởng chừng các thế hệ sau chiến tranh và Việt kiều về thăm nước không còn muốn thấy những người già nua tàn tật như chúng tôi làm ô nhiễm cảnh quan và cuộc sống của họ. Cô đơn trước sự lãnh đạm của mọi người, cảm tưởng bị lường gạt và bỏ rơi sau cuộc chiến có lẽ là nỗi cực hình hằng ngày chúng tôi chịu đựng. Không gì tủi nhục cho bằng phải lê lết tấm thân tàn tật van lạy mọi người để được bố thí miếng cơm manh áo, đó là chưa kể nỗi lo thường trực bị công an, dân quân hạch hỏi bắt đi lao động cải tạo vì tội vô gia cư, vô nghề nghiệp, ngủ bụi ngủ bờ.
Nhiều lúc chúng tôi muốn chết đi để trút gánh nặng trong đời, khỏi thấy tình người đen bạc. Những tấm thân què cụt này không có chỗ đứng trong xã hội hiện nay vì không còn lợi ích cho ai, chỉ làm tình làm tội vợ con. Thật là đau lòng khi phải chứng kiến cảnh vợ con đi làm thuê làm mướn cho "giai cấp giàu có mới" nuôi chồng, nuôi cha bị tật nguyền. Nếu thân thể chúng tôi được lành lặn như mọi người có lẽ chúng tôi đã có một chỗ đứng khác, chỗ đứng của những người bình thường. Con cái không được đi học đi hành như bao trẻ khác vì cha của chúng tàn tật không đủ sức lo nên phải đi lượm từng bao ny lông, giấy vụng nơi các đống rác để đổi miếng ăn. Cuộc đời này chỉ toàn tủi nhục, chết có lẽ là một giải thoát. Thời gian đã làm cho chúng tôi mất đi hy vọng.
Chúng tôi đã lầm. Xin thành thật nhận lỗi. Mặc cảm đã đóng vảy trên lớp da sần sùi tưởng đâu dạn dầy với sương gió, nào ngờ lần này những giọt tình thương đã thấm vào, không những xuyên qua cơ thể mà còn chảy vào con tim, thay đổi cả cuộc đời chúng tôi. Ánh nắng từ phương xa ngàn dặm đã rọi sáng cuộc đời tăm tối của những người bất hạnh trong nước. Phong trào cứu trợ thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đã ngăn chặn kịp thời tuyệt vọng. Những người đang bơi trong bễ khổ trần gian, sắp bị lửa địa ngục thiêu rụi, đã nhận được những chiếc phao cấp cứu. Thật là đúng lúc. Chúng tôi đang bám vào đó với tất cả niềm tin để tìm lại cuộc sống danh dự cho những chuỗi ngày còn lại của kiếp sống bãc bẽo này.
Quí vị giàu lòng hảo tâm ơi, ơn này không sao diễn tả hết. Ngay người phế binh mù lòa cũng thấy rực rỡ ánh sáng tình thương. Những chiếc xe lăn, ôi những chiếc xe lăn thân quí đang tải đi khắp nơi tình thương của quí vị. Trong những giấc mơ điên rồ nhất, chúng tôi không bao giờ dám mơ tưởng một ngày có được chiếc xe lăn.
Quà tặng của quí vị đã thay đổi hẳn kiếp sống của anh em phế binh chúng tôi. Có thể một ngày nào đó thân thể chúng tôi cũng sẽ trở về với cát bụi, nhưng các thế hệ con cháu chúng tôi sẽ còn nhắc mãi tên tuổi quí vị ân nhân. Lớp sơn khắc ghi tên ân nhân trên xe có thể sẽ bị phai mờ theo bụi thời gian nhưng trong tâm khảm chúng tôi tên của quí ân nhân trường tồn mãi mãi. Chúng tôi nâng niu từng cặp nạng, trân trọng từng chiếc xe lăn, nhờ chúng mà những phế binh chúng tôi có thể đi lại dễ dàng, thân thể không còn lê lết trong những vũng sình trong chợ hay ngoài đường phố, nhân phẩm đã được tìm lại. Có anh phế binh mỗi đêm tâm sự với chiếc xe lăn trước đi ngủ để vơi đi nỗi cô đơn, nhọc nhằng trong ngày. Cảm ơn, chân thành cảm ơn.
Mừng biết bao khi những món quà hiện kim đến thật đúng lúc. Con em chúng tôi đang lâm bệnh không tiền cứu chữa, nhờ quí ân nhân đã được hồi sinh. Quí vị như là cha mẹ của chúng vậy vì chúng được tái sinh trong tình người. Sức mạnh vô song của tình người không sao kể siết, không biết chừng nào ơn này mới đền đáp được. Phật Tiên đã hóa thân thành người.
Đối với chúng tôi quí ân nhân là Phật là Tiên, đã ra tay cứu độ những người khốn khổ trên miền đất khó Việt Nam. Làm sao tin được trên đời này vẫn còn những người nhân từ đến thế? Không có liên hệ gia đình, không quen biết nhau mà tận tâm giúp đỡ nhau như tình ruột thịt. Chỉ Tiên và Phật mới có thể làm được việc này.
Quí vị là ai? Chúng tôi không biết. Cho dù cố gắng lắm, nặn óc mài tâm, cũng không sao biết được. Chúng ta không có liên hệ máu mủ ruột thịt, chúng ta cũng chưa lần nào gặp nhau trong đời, vậy mà quí vị đã giúp chúng tôi hơn tình ruột thịt. Chúng tôi chỉ chia sẻ cùng quí vị dòng máu Việt Nam, dòng máu đã chảy ra cho quê hương này được sống. Có lẽ quí vị đã thương yêu chúng tôi vì đã yêu thương đất nước này.
Hai chữ Việt Nam sao quá thiêng liêng. Nhà báo Nguyễn Văn Huy thường nói, yêu thương đất nước trước hết phải yêu đồng bào thương dân tộc. Lời nói tuy tầm thường nhưng đầy sức mạnh, chứa chan tình người, chúng tôi vô cùng cảm kích. Đồng bào là ai, dân tộc là ai nếu không phải những người đang bị thua thiệt trong cuộc sống, rất cần sự bao che đùm bọc của quí vị. Anh nói quí vị đang giành trên tay những người lãnh đạo đất nước hiện nay quyền chăm lo đồng bào, nghĩa cử này vừa đẹp vừa hào hùng. Thật vậy, những người trong chế độ cộng sản chỉ lo củng cố và bảo vệ chế độ cộng sản, đời sống những người khốn khó hoàn toàn bị bỏ rơi. Những người tàn tật xuất thân từ chế độ cũ như chúng tôi không những bị bỏ rơi mà còn bị hành hạ, cả về thể xác lẫn tinh thần.
Chúng ta đã thua sức mạnh của bạo lực nhưng chúng ta sẽ thắng trên mặt trận tình thương, chúng tôi tin chắc như vậy bởi vì đất nước này đang thiếu tình thương, con người nơi đây đối xử với nhau tệ bạc vô cùng. Không riêng gì chúng tôi những người đã thua trận, mà ngay cả những người đứng dưới màu cờ "giải phóng" chẳng may bị thương tật hay già cả đều bị đối xử bạc bẽo. Nhiều lúc nhìn những "bà mẹ chiến sĩ" có mấy người con trai bị hy sinh trong cuộc chiến bị chính những người đã từng hô hào "giải phóng" hất hủi họ, chúng tôi cũng tiếc thương giùm.
Nói sao cho vừa nỗi khổ của những người bị lường gạt xương máu của cả hai bên. Ác quả ác báo, món nợ này có ngày phải trả. Nỗi hận này đang dâng cao, chỉ chờ một sự đổi đời sẽ bộc phát như cơn bão bất trị, chính những người đã từng tham gia "cách mạng" chứ không phải chúng tôi sẽ có lời nói cuối cùng, chắc chắn nó sẽ không câm lặng và hiền hòa như chúng tôi, nỗi hờn bị gạt ra ngoài sự sống không bao giờ lịm tắt.
Chiến dịch đền ơn đáp nghĩa do chế độ hiện nay phát động cũng chỉ quanh quẩn nơi những người cầm quyền. Thử đi về vùng quê mà xem, những bà mẹ, những vị cha già, đàn con cháu "cách mạng" đau đớn và căm hận đến chừng nào chế độ này. Một anh bạn miền Bắc đang "tị nạn" trong nghĩa địa Phú Lâm nói cuộc nổi dậy sau này nếu có sẽ tanh mùi máu, máu của những người phản bội. Không nỗi đau nào bằng nỗi đau bị lường gạt cuộc sống và xương máu.
Riêng chúng tôi, những thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, nỗi đau bị đày đọa cũng đã nguôi ngoa theo những tháng năm, chúng tôi chỉ muốn được sống bình thường. Chúng tôi không phải là ân nhân của quí vị để mong đền ơn đáp nghĩa như bác sĩ Phan Minh Hiển thường nói, mà ngược lại. Chính hơi ấm từ những tấm lòng vàng ở hải ngoại đã giúp chúng tôi tìm lại nhân phẩm. Con cái chúng tôi đã thấy được tương lai, chúng tôi đang sống trong hy vọng. Niềm hy vọng được hồi sinh từ những hoang tàn và đổ nát.
Có thể quí vị là một người mẹ có con hy sinh trong cuộc chiến, người vợ có chồng, người con có cha, người em có anh hay người anh có em và bạn bè từng là chiến sĩ đã tham gia cuộc chiến vừa qua, bất kể quí vị là ai, đến với anh em chúng tôi bằng tình cảm nào, chúng tôi đều ghi lòng tạc dạ.
Cầu xin Trời Phật biến nỗi đau thương của chúng con thành ân phúc đền đáp những người có lòng nhân ái cứu giúp chúng con. Họ đã kéo chúng con ra khỏi tối tăm nhục nhằn đến chốn ánh sáng bao dung và danh dự. Chúng con chỉ biết cầu nguyện, mặc dù từ lâu lắm rồi đã mất thói quen cầu nguyện, cho gia đình những người đã cứu độ đời chúng con luôn luôn an khang, thái hòa. Quí ân nhân của chúng con là những người kiên trinh, chung thủy với quê hương và dân tộc, đã không quên phế binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, những người đã hy sinh một phần thân thể còn sống sót sau cuộc chiến.
Cầu mong Trời Phật đền đáp xứng đáng ân đức của quí ân nhân chúng con, vì họ là ngọn đuốc soi sáng quê hương này đang chìm trong bóng tối. Toàn thể những người bất hạnh, trong đó có anh em phế binh chúng con ở quê nhà, đang chờ bầu trời sáng lại sau cơn mưa. Đó là định luật của thiên nhiên, của đấng tạo hóa. Không phải ai muốn mà được. Giờ đây ngọn gió tình thương đang thổi vào đất nước này, tin rằng bầu trời Việt Nam trong sáng trở lại.
Ở hải ngoại quí ân nhân cố gắng tìm gặp những chí lớn trong hành trình tìm sức sống mới cho quê hương, cho dân tộc. Nơi quê nhà những người cùng khổ chúng tôi, giới người đông đảo nhất Việt Nam, sẽ làm hậu thuẫn. Quí ân nhân hãy can đảm đi thêm bước nữa, góp phần viết lên trang sử mới, trang sử của tự do và nhân quyền, trong đó Việt Nam sẽ là quốc gia của tình anh em tìm lại. Chúng tôi mong tìm lại danh dự, đòi lại những gì đã bị tướt đoạt: quyền được sống bình thường và bình đẳng như mọi công dân khác, quyền được sống hạnh phúc và quyền được tôn trọng.
Cách đây không lâu tôi có hân hạnh tiếp chuyện với hai người Việt từ Pháp về thăm đất nước. Cả hai đều nói bác sĩ Phan Minh Hiển là một người tuy còn trẻ, 42 tuổi, nhưng có tinh thần phục vụ xã hội rất cao. Bác sĩ Hiển đã dành phần lớn thì giờ cho những công tác xã hội hơn là lo cho bản thân, gia đình. Gương sáng này khiến anh em chúng tôi rất kính phục và tâm nguyện chúc bác sĩ thành công trong bước đi đó. Xã hội và chính trị gắn liền với nhau như trái tim và hơi thở. Cổ nhân nói: "Hổ thác lưu bì, nhân thác lưu danh". Xin kính tặng bác sĩ bài thơ:
Chờ mong
Tượng đá đứng im khóc cho đời
Dân Nam tâm trí nát tơi bời.
Cơ trời vận nước đang thay đổi
Quốc gia ngày ấy đã xa rồi.
Người xa có hiểu hãy ra tay
Cứu đời, cứu đạo bồi công sức.
Giúp người cơ khổ chút cầm hơi,
Ơn này ghi dạ mãi không thôi.
Qua lá thư này, tôi muốn quí ân nhân cùng bác sĩ Hiển hiểu rằng quí vị cùng những người cùng khổ, trong đó có những anh em phế binh, ở quê nhà là bạn đồng hành tri kỷ, tâm đầu ý hợp. Chúng ta có thể kết nghĩa và trao đổi với nhau những điều hiểu biết. Tôi tin rằng chúng ta có thể cùng nhau kết hợp thành một cánh chim mang thông điệp tự do, hạnh phúc và niềm vui, bay khắp bầu trời Việt Nam phân phát cho những người thiếu thốn.
Hơn hai mươi hai năm qua, quê hương này đang mòn mỏi chờ đợi cánh chim cứu khổ. Chỉ cần một tiếng hô vang lên muôn vạn bàn tay sẽ vung lên sang bằng bất công và áp bức.
Soạn và viết lại theo lời của Lưu Tử
(hết)